Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

sinh-thai

1.TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

Thực tế sử dụng tài nguyên đất đai cho quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp trong nhiều năm qua ở nhiều vùng lãnh thổ cho thấy sự thiếu đánh giá tổng hợp tài nguyên tự nhiên cho các loại hình cây trồng trước khi quy hoạch phát triển đã đem lại hậu quả khá nghiêm trọng, như làm cho năng suất cây trồng không ổn định, đất đai bị xói mòn nhanh chóng, môi trường ngày càng ô nhiễm. Muốn đánh giá tổng hợp thì chỉ có thể dựa trên các đơn vị cấu trúc sinh thái cảnh quan cơ sở được thể hiện trên bản đồ sinh thái cảnh quan.

            Thị trấn Cam Lộ và vùng phụ cận là khu vực đồi và đồng bằng bồi tụ trước đồi nằm trong phạm vi lãnh thổ có liên quan đến phạm vi sụt lún, gồm: thị trấn Cam Lộ, xã Cam Tuyền, xã Cam Thanh, xã Cam Thành, xã Cam Hiếu, xã Cam Thuỷ thuộc huyện Cam Lộ và phường Đông Thanh thuộc thành phố Đông Hà. Khu vực này có tổng dân số (36.952 người), hoạt động sản xuất chính của khu vực là nông nghiệp (hơn 83 % dân số là nông nghiệp). Hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp ở đây chủ yếu là sản xuất nông hộ nhỏ lẽ, phương thức sản xuất chưa phù hợp nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao và gây suy thoái tài nguyên môi trường một cách nghiêm trọng. Bên cạnh đó, từ năm 1993 - 2006 khu vực này xảy ra nhiều đợt sụt lún và xói lở bờ sông nghiêm trọng, như sụt lún ở: Bệnh viện Cam Lộ (1993), Nghĩa Hy, Cam Hiếu (1994), thôn Hậu Viên (1998), Tân Mỹ, Tân Hiệp (2006). Do đó, vấn đề bức bách đặt ra hiện nay là phải khẳng định tính bền vững của quy hoạch sử dụng lãnh thổ về phát triển nông - lâm nghiệp và ổn định các điểm dân cư.

Xuất phát từ thực tiễn đó và với lòng mong muốn được góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng bền vững đã thôi thúc tôi chọn đề tài: "Nghiên cứu xây dựng bản đồ cảnh quan phục vụ cho phát triển nông - lâm  nghiệp và ổn định các điểm dân cư ở thị trấn Cam Lộ và vùng phụ cận" làm đề tài luận văn thạc sĩ.

2. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ ĐỀ TÀI

*Mục tiêu

Mục tiêu đề tài là xác lập luận cứ khoa học trên cơ sở đánh giá tiềm năng tự nhiên theo các đơn vị sinh thái cảnh quan cho các đối tượng đánh giá để từ đó định hướng phát triển nông - lâm nghiệp bền vững và ổn định các điểm dân cư trong lãnh thổ nghiên cứu.

* Nhiệm vụ của đề tài

Để đạt được mục tiêu trên, đề tài cần thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tổng quan những cơ sở lý luận có liên quan đến đề tài nghiên cứu.

- Phân tích những điều kiện ảnh hưởng đến sự hình thành các đơn vị sinh thái cảnh quan lãnh thổ nghiên cứu.

- Xây dựng bản đồ sinh thái cảnh quan tỷ lệ 1:25.000 lãnh thổ nghiên cứu để xác lập đơn vị cơ sở đánh giá.

- Xác lập đối tượng đánh giá và lựa chọn, phân cấp các chỉ tiêu theo các đối tượng đánh giá.

- Đánh giá mức độ thích hợp cho các đối tượng được chọn theo các đơn vị sinh thái cảnh quan.

- Đề xuất phát triển nông - lâm nghiệp bền vững và ổn định các điểm dân cư.

3. GIỚI HẠN PHẠM VI VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

* Giới hạn phạm vi lãnh thổ nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu được thực hiện trong phạm vi lấy thị trấn Cam Lộ làm trung tâm và vùng phụ cận gồm các xã phân bố hai bên sông Hiếu (đoạn sông Hiếu tính từ phía tây thôn Tân Hoà thuộc xã Cam Tuyền đến cầu ga Đông Hà thuộc phường Đông Thanh). Phía Bắc sông Hiếu gồm: xã Cam Thuỷ, xã Cam Thanh thuộc huyện Cam Lộ và phường Đông Thanh thuộc thành phố Đông Hà; Phía Nam sông Hiếu gồm: xã Cam Hiếu, xã Cam Thành, xã Cam Tuyền thuộc huyện Cam Lộ. Đây là khu vực nằm trong bồn tụ nước có liên quan đến hiện tượng sụt lún, trong hệ toạ độ địa lý: 16044'17 VB" - 16053'02" VB và 1060 49'48" KĐ - 107005'58" KĐ với tổng diện tích tự nhiên 228,8 km2.

* Giới hạn nội dung nghiên cứu

- Nghiên cứu sự phân hoá lãnh thổ để thành lập bản đồ sinh thái cảnh quan tỷ lệ 1:25.000, làm cơ sở cho việc đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên phục vụ cho phát triển nông - lâm nghiệp, ổn định các điểm dân cư, còn các các điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường chỉ nêu một cách khái quát.

- Các đề xuất sử dụng lãnh thổ chủ yếu tập trung vào 2 đối tượng là cây trồng nông nghiệp và các điểm dân cư. Trong đó cây trồng công nghiệp chủ yếu tập trung vào cây cao su và hồ tiêu, cây trồng cạn ngắn ngày chủ yếu tập trung vào cây lạc và cây sắn. Về dân cư,  dựa trên bản đồ phân vùng sụt lún và bản đồ sinh thái cảnh quan để xác định những nơi có nguy cơ sụt lún cao và những khu vực có tiềm năng sinh thái bền vững từ đó đưa ra những biện pháp phòng tránh và xác định những vị trí thuận lợi cho việc thành lập các điểm dân cư mới.

4. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

* Ý nghĩa khoa học của đề tài

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần khẳng định tính qui luật của các nhân tố tạo nên các đơn vị sinh thái cảnh quan trong phạm vi lãnh thổ nghiên cứu. Đồng thời, góp phần xác lập cơ sở lý luận về thành lập bản đồ sinh thái cảnh quan phục vụ đánh giá tiềm năng lãnh thổ cho quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ nhằm bất cứ mục đích nào.

*Ý nghĩa thực tiễn của đề tài

Kết quả nghiên cứu của đề tài là nguồn tài liệu đáng tin cậy và cần thiết trong việc định hướng khai thác lãnh thổ phục vụ phát triển nông - lâm nghiệp, ổn định các điểm dân cư, quy hoạch phát triển kinh - tế xã hội và môi trường theo hướng phát triển bền vững cho địa phương.

5. CƠ SỞ TÀI LIỆU

            Cho đến nay, có nhiều công trình nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau có liên quan với lãnh thổ và hướng nghiên cứu của đề tài. Trong số các tài liệu đã tham khảo có thể chia thành các nhóm chính sau:

- Nghiên cứu tài nguyên: Thông thường, các thành phần của tự nhiên được đi sâu nghiên cứu và đánh giá một cách riêng lẻ hoặc được gộp thành từng nhóm như sau:

            + Địa chất, địa hình - địa mạo: T.S Nguyễn Văn Canh và nnk đã có nhiều công trình nghiên cứu về khu vực này, như: Năm 2003 , “ Nguyên nhân gây sụt lún đất ở thôn Hậu Viên , Cam Lộ, Quảng Trị” [6]; Năm 2006, “Đánh giá hoạt động karst gây biến dạng môi trường địa chất khu vực Cam Lộ, đề xuất giải pháp phòng tránh ”[7]; Năm 1993, “Xác định nguyên nhân gây sụt lún và biến dạng công trình tại bệnh viện Cam Lộ, Quảng Trị” [8]; Năm 1994, “Nghiên cứu các đứt gãy kiến tạo và ảnh hưởng của nó ở khu vực nhà máy xi măng 8,2 vạn tấn/năm Đông Hà, Quảng Trị” [9], [44]; Năm 2007, “Nguyên nhân gây sụt lỡ mặt đất ở Cam Lộ (quảng Trị)” [11]; Năm 2009, Đánh giá hoạt động karst gây biến dạng môi trường địa chất khu vực Cam Lộ, đề xuất giải pháp phòng tránh” [10].

 Năm 2001, sở KHCN & MT tỉnh Quảng Trị kết hợp với trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Địa lý đã “Nghiên cứu địa hình - Địa mạo Quảng Trị (tỷ lệ 1:50.000)” [1], [36], [53].

            + Tài nguyên khí hậu và tài nguyên nước: Năm 1988, Nguyễn Văn Viết đã nghiên cứu “Đặc điểm khí hậu và khí hậu nông nghiệp tỉnh Quảng Trị [65]. Đến năm 2002, Trần Thục và nnk đã nghiên cứu, biên soạn “Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thuỷ văn  tỉnh Quảng Trị” [48]. Năm 2007, Nguyễn Thị Ca và Lại Vĩnh Cảm đã nghiên cứu “Tài nguyên nước Quảng Trị” [5]. Năm 2002, Đào Văn Cánh - Nguyễn Tiến Dũng đã nghiên cứu “Tài nguyên nước dưới đất tỉnh Quảng Trị” [12].

+ Tài nguyên đất và tài nguyên sinh vật: Năm 2000, sở KHCN & MT tỉnh Quảng Trị kết hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp có nhiều công trình nghiên cứu và thành lập bản đồ đất Quảng Trị tỷ lệ 1:50.000 [33], [34], [35], Nguyễn Khang và nnk đã “Điều tra, đáng giá phân hạng tài nguyên đất đai tỉnh Quảng Trị và thành lập bản đồ tỷ lệ 1:50 000” [54].  Năm 2001, Trần Văn Ý và nnk đã “Nghiên cứu thành lập bản đồ thảm thực vật hiện tại tỉnh Quảng Trị bằng tư liệu và phương pháp viễn thám, tỷ lệ 1: 50 000” và “Xây dựng cơ sở dữ liệu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Quảng Trị” [55]. Năm 2001, Võ Văn Phú đã “Nghiên cứu, phân vùng sinh thái và đề xuất cơ cấu phát triển cây trồng bản địa bảo vệ  lâu bền môi trường tỉnh Quảng Trị” [37]

- Nghiên cứu và đánh giá cảnh quan: Năm (1995), trong công trình “Đánh giá, phân hạng điều kiện sinh thái tự nhiên lãnh th trung du Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cho nhóm cây công nghiệp nhiệt đới dài ngày”, ( Luận án PTS),  Lê Văn Thăng đã thu thập và nghiên cứu nhiều số liệu tự nhiên và kinh tế xã hội có liên quan đến khu vực [40].Năm 2003, trong đề tài “Đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên và đề xuất sử dụng hệ thống lãnh thổ đồi núi tỉnh Quảng Trị cho mục đích nông, lâm nghiệp trên quan điểm phát triển bền vững” (cấp bộ,  mã số: B 2001.07.24 TĐ), Hoàng Đức Triêm và tập thể Bộ môn Địa lý, Trường đại học tổng hợp Huế đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội ở Quảng Trị phục vụ cho đề xuất hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ [49], [50], [51]. Năm 2003, trong đề tài “Đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên cho định hướng quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng trị” (luận văn thạc sĩ), Trương Văn Lới đã điều tra nhiều số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực [30].

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi thu thập các bản đồ tỷ lệ 1:50.000, các số liệu liên quan tại các ban, phòng trên lãnh thổ nghiên cứu và sử dụng các niên giám thống kê của huyện Cam Lộ, thị xã Đông Hà và tỉnh Quảng Trị năm 2008.

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

Bố cục luận văn ngoài phần mở đầu, kết luận, kiến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội dung gồm có 4 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận liên quan đến đề tài nghiên cứu.

Chương 2: Xây dựng bản đồ sinh thái cảnh quan lãnh thổ nghiên cứu tỷ lệ 1:25.000.

Chương 3: Đánh giá và phân hạng các đơn vị sinh thái cảnh quan theo các đối tượng đánh giá.

Chương 4: Đề xuất hướng phát triển nông - lâm nghiệp và ổn định các điểm dân cư bền vững ở lãnh thổ nghiên cứu.

Luận văn được trình bày trong 96 trang với 15 bảng số liệu, 15 sơ đồ, 67 tài liệu tham khảo. Ngoài ra, phần phụ lục gồm có 23 bảng với 27 trang và 10 hình màu.

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

1.1. Những nhận thức tổng quát về cảnh quan và sinh thái cảnh quan

1.1.1. Những nhận thức về cảnh quan

            Thuật ngữ cảnh quan ra đời vào cuối thế kỷ XIX, khi mà hướng nghiên cứu các tổng thể địa lý tự nhiên các lãnh thổ ở vào giai đoạn phân tích các thông tin địa lý, khái niệm về các tổng lãnh thổ tự nhiên được hình thành nhờ sự tiến bộ của các phương pháp nghiên cứu từ phân tích đến tổng hợp các qui luật khoa học tự nhiên. Thuật ngữ cảnh quan xuất hiện cách đây khoảng 100 năm kể từ những quan điểm khởi đầu của nhà bác học V.V. Đôcutraev (1846 - 1903). Khi mới ra đời, các khái niệm về cảnh quan có rất nhiều quan điểm khác nhau.

            L.X. Berg, người kế tục sự nghiệp của V.V. Đôcutraev và đồng thời là người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu cảnh quan ở Liên Xô (cũ). Nhà khoa học này vào năm 1923, từ khởi xướng học thuyết đới tự nhiên của V.V. Năm 1943, ông viết : "Cảnh quan là một tập hợp đối tượng và hiện tượng mà trong đó các đặc tính của địa hình, của khí hậu, của thuỷ văn, của lớp phủ thổ nhưỡng - thực vật, của giới động vật và ở một chừng mực nhất định, bao gồm cả kết quả tác động của con người, đã hình thành một thể thống nhất hoàn chỉnh, được lặp lại một cách điển hình suốt một đới nào đó trên Trái đất".

            Nhưng cảnh quan trở thành một môn khoa học chỉ vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, khi mà các nhà địa lý tự nhiên tổng hợp xác định được cảnh quan là đơn vị địa lý tự nhiên cấp cơ sở trong hệ thống phân chia các đơn vị địa lý tự nhiên và được hiểu nó như là một đơn vị địa hệ thống được nghiên cứu dưới dạng không gian 3 chiều và từ đó hình thành một khoa học địa lý tự nhiên hiện đại. Địa lý cảnh quan đi sâu nghiên cứu để tìm ra được định nghĩa về cảnh quan. Suốt những năm của thập kỷ 50 – 60, cảnh quan học phát triển rất mạnh và đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về cảnh quan.

            S.V. Kalexnik (1959) nêu ra định nghĩa về cảnh quan như sau: "Cảnh quan địa lý là một bộ phận nhỏ của bề mặt trái đất, khác biệt về chất với các bộ phận  khác, được bao bọc bởi các ranh giới tự nhiên và bản thân là một sự kết hợp các hiện tượng và đối tượng tác động lẫn nhau một cách có qui luật được biểu hiện một cách điển hình trên một khoảng không gian rộng và có quan hệ chặt chẽ với lớp vỏ địa lý".

            A.A. Xônxev (1962) đưa ra định nghĩa rõ hơn về cảnh quan như sau: "Cảnh quan là một tổng hợp thể tự nhiên đồng nhất về mặt  phát sinh, có một nền địa chất đồng nhất, một kiểu địa hình, một kiểu khí hậu giống nhau và bao gồm một tập hợp những cảnh dạng chính và phụ quan hệ với nhau về mặt động lực và lặp lại một cách có qui luật trong không gian, có diện tích dao động từ vài trăm đến vài ngàn km2".

            A.G. Ixatrencô (1965) có sự bổ sung định nghĩa cho cảnh quan đồng bằng: "Cảnh quan là một bộ phận được tách ra trong quá trình phát sinh một miền, của một đới địa lý và nói chung là của bất kỳ một đơn vị lãnh thổ nào lớn hơn, có đặc điểm là đồng nhất về mặt địa đới cũng như phi địa đới, có cấu trúc riêng và cấu tạo hình thái riêng". Đối với miền núi A.G. ItraIxencô định nghĩa như sau: "Cảnh quan miền núi là một bộ phận của tầng cảnh quan, trong phạm vi hệ thống đai cao riêng (địa phương), đồng nhất về phương diện cấu trúc, nham thạch và địa mạo"[24].

            Kế thừa các nhà cảnh quan Liên Xô cũ, qua nhiều năm nghiên cứu ở nước ta, Vũ Tự Lập đã đưa ra định nghĩa về cảnh quan và một hệ thống phân loại theo quan điểm riêng của mình, ông còn định nghĩa cho cả dạng và diện địa lý. Trong cuốn sách " Cảnh quan địa lý miền Bắc Việt Nam",[25] xuất bản năm 1976, Vũ Tự Lập đã định nghĩa: "Cảnh quan địa lý là một tổng hợp thể được phân hoá ra trong phạm vi một đới ngang ở đồng bằng hoặc một đai cao ở miền núi, có cấu trúc đứng tương đối đồng nhất về một nền địa chất, một kiểu địa hình, một kiểu thuỷ văn, một đại tổ hợp đất, một đại tổ hợp thực vật và bao gồm một tập hợp có qui luật của các dạng địa lý có diện tích tối thiểu 100 km2 đến hàng ngàn km2". Mặc dù, kế thừa những quan điểm cảnh quan của A.G. Ixatsenkô và N.A. Xôntxev nhưng Vũ Tự Lập phát triển một cách sáng tạo. Khái niệm về cảnh quan của ông có phần cụ thể và đầy đủ hơn, ông đưa ra các chỉ tiêu để xác định cấp diện và cấp dạng.

            Qua các định nghĩa và khái niệm trên cho thấy khoa học cảnh quan có nội dung rất đa dạng, phong phú và phức tạp. Đa số các nhà cảnh quan học đều thống nhất cho rằng cảnh quan là đơn vị địa lý tự nhiên cấp cơ sở, đơn vị cấp thấp của phân vùng địa lý tự nhiên, là một bộ phận tương đối nhỏ của bề mặt trái đất có diện tích hạn chế, là đơn vị không thể tách biệt được về mặt địa đới cũng như phi địa đới và nó được xem như là tiêu chuẩn cơ sở cho các điều kiện tự nhiên.

1.1.2. Nhận thức về sinh thái cảnh quan

            Trong nghiên cứu cảnh quan thường nói đến tính chất lượng mới, tính tự điều chỉnh có cân bằng vật chất và năng lượng, mối tác động tương hỗ giữa các thành phần, đồng thời cảnh quan học lấy đất làm đối tượng nghiên cứu chính. Do đó, cảnh quan không nghiên cứu các hợp chất hữu cơ sống đang tồn tại và phát triển trên nó. Còn sinh thái học thì nghiên cứu về mối quan hệ tương hỗ giữa các cá thể sinh vật và quần xã của chúng với môi trường xung quanh, ảnh hưởng của môi trường xung quanh lên các cá thể sinh vật, trong đó lấy sinh vật làm đối tượng nghiên cứu trung tâm. Do đó, nếu chỉ nghiên cứu sinh thái thì không xác định được hệ thống động lực tự điều chỉnh - tiến tới cân bằng về mặt động lực tự phát triển của nó, chính vì vậy trong nghiên cứu thiếu phân tích hệ thống không gian 3 chiều.

            Xuất phát từ những hạn chế đó, các nhà cảnh quan nhận thấy rằng cần nghiên cứu các hệ sinh thái đang tồn tại và phát triển trên nó, đồng thời trong quá trình phát triển của mình các nhà sinh thái học khẳng định cần nghiên cứu mối liên hệ giữa sinh thái học với cấu trúc cảnh quan. Sự hội tụ của hai bộ môn khoa học cảnh quan và sinh thái là cần thiết để giúp con người hiểu rõ hơn về tự nhiên về mối tác động qua lại giữa các hợp phần tự nhiên, về mối quan hệ và tác động giữa con người với môi trường tự nhiên.

Việc kết hợp hai bộ môn khoa học sinh thái và cảnh quan thành môn khoa học chung đã được nghiên cứu thực hiện ở nhiều nước, bộ môn khoa học đó được gọi chung là môn cảnh quan ứng dụng. Hiện nay, tại Việt Nam đang tồn tại hai quan điểm về thuật ngữ tên gọi môn cảnh quan ứng dụng là "Cảnh quan sinh thái" và "Sinh thái cảnh quan".

            Đại diện cho quan điểm về thuật ngữ “cảnh quan sinh thái” là Nguyễn Thế Thôn và Nguyễn Bá Linh.

            Từ những năm 80, Nguyễn Bá Linh đã nói thuật ngữ "Cảnh quan sinh thái" trọng hội thảo khoa học ở viện các Khoa học Trái đất. Trong công trình nghiên cứu của mình ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nguyễn Bá Linh sử dụng thuật ngữ này để thành lập bản đồ cảnh quan sinh thái. Trên bản đồ này, yếu tố sinh vật được ông phản ánh với các quần xã bình đẳng như các thành phần khác của cảnh quan, về thực chất bản đồ này vẩn là bản đồ cảnh quan chung bình thường.

             Theo Nguyễn Thế Thôn chức năng cảnh quan là một hệ thống chức năng của các hợp phần tự nhiên, nhưng nếu chỉ nghiên cứu chức năng của các hợp phần sinh vật trên toàn cảnh quan trong mối tác động qua lại với các chức năng khác thì đó là nghiên cứu sinh thái cảnh quan. Nghiên cứu cảnh quan với toàn bộ chức năng sinh thái của chúng đó là khoa học cảnh quan sinh thái [42].

Như vậy, cảnh quan sinh thái là cảnh quan có cùng chức năng sinh thái của các hệ sinh thái đang tồn tại và phát triển trên đó và các định nghĩa về cảnh quan sinh thái là định nghĩa về cảnh quan, dạng cảnh quan, diện cảnh quan nhưng chỉ thêm vào cụm từ "có cùng chức năng sinh thái của các hệ sinh thái đang tồn tại và phát triển trên đó".

            Năm 1939, nhà khoa học Mỹ Troll đưa ra quan niệm nghiên cứu "sinh thái cảnh quan" như một môn khoa học trong đó nêu lên hai nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể.

            Thứ nhất: Nghiên cứu cảnh quan bằng cách phân tích sinh thái mối quan hệ qua lại giữa các quần thể sinh vật với môi trường.

            Thứ hai: Nghiên cứu quan hệ giữa các tổng thể địa lý với nhau kể cả hoạt động con người.

            Hoạt động của hệ thống lãnh thổ cảnh quan là các thành phần trong cảnh quan tác động qua lại với nhau một cách bình đẳng, có chức năng của mọi thành phần, có chức năng chung của cảnh quan. Còn hoạt động của hệ sinh thái là các thành phần của môi trường tác động qua lại với chủ thể sinh vật tạo nên chức năng sing thái của chủ thể sinh vật mà không tính đến tác động lẫn nhau của các thành phần sinh cảnh (hệ thống sinh vật với môi trường sống).

Qua các phân tích trên cho thấy, hai thuật ngữ trên có cách giải thích khác nhau về môn khoa học cảnh quan ứng dụng nhưng chúng đều thống nhất rằng bộ môn khoa học cảnh quan ứng dụng là bộ môn khoa học nghiên cứu về cấu trúc của các hợp phần của cảnh quan và chức năng sinh thái của các hệ sinh vật đang tồn tại và phát triển trên đó. Đó là môn khoa học nghiên cứu về cấu trúc không gian 3 chiều của các hợp phần tự nhiên, nghiên cứu sự tồn tại và phát triển của các hợp chất hữu cơ trong cấu trúc đó và nó có thể được biểu hiện bằng mô hình hệ địa sinh thái sau (hình 1.1)

1. Hướng tác động qua lại giữa các thành phần cảnh quan

2. Hướng tác động qua lại của hệ sinh thái trong hệ địa sinh thái

SV: Sinh vật           ĐH: Địa hình

TV: Thuỷ văn         KH: Khí hậu

TN: Thổ nhưỡng     Đ: Đá

Hình 1.1: Mô hình hệ địa sinh thái

3. Hướng tác động qua lại của các hệ địa sinh thái            

            (Nguồn, Nguyễn Thế Thôn [42])

1.2. Tiếp nhận các quan điểm và phương pháp nghiên cứu xây dựng bản đồ sinh thái cảnh quan

1.2.1. Tiếp nhận các quan điểm nghiên cứu xây dựng bản đồ sinh thái cảnh quan

a. Quan điểm lịch sử

 Trong quan hệ phát sinh và phát triển của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên, ngoài một số trường hợp cá biệt thì mọi đối tượng trong tự nhiên đều tuân theo một qui luật chung của chúng. Sự biến động của một đơn vị lãnh thổ đều được suy ra từ hệ quả của mối tác động qua lại giữa các hợp phần địa lý tự nhiên và nhân văn. Vì vậy, việc xem xét lịch sử diễn biến của lãnh thổ trong quá khứ là việc làm rất quan trọng đối với nhà địa lý khi nghiên cứu và đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên.

Lãnh thổ nghiên cứu phân bố sát phía bắc địa khối Kon Tum được hình thành trong thời kỳ tân kiến tạo với nhiều uốn nếp, đứt gãy phức tạp nên địa hình khá phức tạp với phân cách địa hình lớn, cấu trúc địa chất phức tạp với nhiều tầng đất đá khác nhau.

b. Quan điểm hệ thống

Mỗi hệ địa sinh thái là một hệ thống động lực tự điều chỉnh, trong đó mỗi đơn vị cấu trúc đều giữ một chức năng nhất định. Chúng vừa có sự liên quan phụ thuộc giữa các thành phần cấu tạo nên từng địa tổng thể, vừa có quan hệ với các địa tổng thể cùng cấp và các cấp cao hơn phân hoá ra nó hay cấp thấp hơn do nó phân hoá ra. Vì vậy, khi nghiên cứu sinh thái cảnh quan cần dựa trên quan điểm hệ thống.

            Lãnh thổ nghiên cứu là một bộ phận của tỉnh Quảng Trị, là khu vực hạ nguồn của sông Cam Lộ nên khi nghiên cứu ta đặt nó trong mối quan hệ với các hệ thống liên quan. Lãnh thổ nghiên cứu là hạ nguồn của sông Cam Lộ nên khi xét đến thuỷ văn ảnh hưởng đến khu vực thì ta đặt nó trong mối quan hệ với phần thượng nguồn con sông. Thị trấn Cam Lộ và vùng phụ cận thuộc phụ kiểu “ mùa hạ nóng - khô và mùa đông ấm - rất ẩm” thuộc phụ hệ cảnh quan “nhiệt đới gió mùa không có mùa đông lạnh” và cấu trúc địa hình của tỉnh mang lại.

c. Quan điểm tổng hợp lãnh thổ

Khi nhìn nhận mọi hợp phần cấu thành nên lãnh thổ tự nhiên phải được đặt trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau và liên quan đến sự hình thành tính đa dạng về tự nhiên lãnh thổ để hiểu chính xác các mối quan hệ phát triển. Do đó, trong nghiên cứu lãnh thổ không được xem nhẹ và bỏ qua một thành phần nào mà cần phân tích tổng hợp các thành phần của lãnh thổ. Quá trình nghiên cứu, đánh giá tổng hợp cảnh quan được sử dụng như là công cụ đắc lực phục vụ cho quy hoạch lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

            Trong quá trình thành lập bản đồ sinh thái cảnh quan, các thành phần cấu trúc bản đồ được phân tích, nghiên cứu một cách kỹ càng trong mối quan hệ tương tác với nhau để thấy được qui luật phân bố, phát triển của tổng hợp thể tự nhiên và những ảnh hưởng của những tác động của con người lên lãnh thổ nghiên cứu. Đồng thời, tìm ra mối quan hệ giữa các thành phần dẫn đến quá trình sụt lún trong lãnh thổ nghiên cứu.      

d. Quan điểm sinh thái bền vững

Dựa vào điều kiện tự nhiên và hiện trạng phát triển nông - lâm nghiệp của lãnh thổ nghiên cứu, nhiệm vụ của đánh giá là xác định tiềm năng của từng đơn vị cảnh quan để bố trí sản xuất nông nghiệp, nông - lâm kết hợp, lâm nghiệp sản xuất, những nơi trồng rừng, tái sinh phục hồi rừng phù hợp với yêu cầu sinh thái, yêu cầu kinh tế, quản lý và bảo tồn, góp phần định hướng, quy hoạch nông - lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Ngoài ra, quan điểm này còn được đề tài vận dụng trong việc phân tích các mô hình nông - lâm nghiệp trên địa bàn và đề xuất các mô hình kinh tế nông hộ dựa trên hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng rừng, phân bố dân cư và các đặc điểm đặc thù khác của lãnh thổ nghiên cứu.

1.2.2. Tiếp nhận các phương pháp nghiên cứu xây dựng bản đồ sinh thái cảnh quan

Để thực hiện tốt mục tiêu và nhiệm vụ của đề tài đặt ra, trong quá trình thực hiện, các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây được sử dụng:

a. Phương pháp thu thập, xử lý số liệu

Là phương pháp thu thập, thống kê các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên (thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu, thuỷ văn, hiện trạng sử dụng đất, hiện tượng sụt lún đất...), về đặc điểm kinh tế - xã hội (dân số, lao động, tập quán canh tác, sản xuất nông - lâm nghiệp...) và các vấn đề môi trường khác nhằm có cơ sở xác lập các nhân tố sinh thái ảnh hưởng đến sự hình thành các đơn vị cảnh quan và ổn định các điểm dân cư. Trong đề tài này, việc thu thập và xữ lý số liệu được chia làm hai nhóm, nhóm số liệu đã có trong các công trình nghiên cứu, văn bản đã công bố và nhóm các số liệu chưa công bố phải đi thu thập ở các cơ quan, thực địa.

b. Phương pháp bản đồ

Nghiên cứu địa lý là bắt đầu từ bản đồ và kết thúc bằng bản đồ. Nhiều nhà khoa học địa lý cho rằng bản đồ là ngôn ngữ chung của địa lý học, nó biểu diễn mặt đất lên mặt phẳng được xác định về mặt toán học, có khái quát hoá với hệ thống các ký hiệu hình tượng nhằm phản ánh sự phân bố trạng thái, các mối quan hệ của các hiện tượng tự nhiên và xã hội khác nhau, được chọn lọc và phản ánh phù hợp với mục đích của từng bản đồ cụ thể. Vì vậy, khi nghiên cứu về đặc điểm tự nhiên nhằm tìm ra sự phân hoá lãnh thổ tự nhiên không thể không sử dụng bản đồ.

Trên cơ sở các bản đồ chuyên đề như bản đồ địa hình, bản đồ đất,  thuỷ văn, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ địa chất, bản đồ địa mạo, thảm thực vật... tỷ lệ 1:50.000 chúng tôi phân tích các dữ liệu đã có trên bản đồ và vạch ra kế hoạch thu thập số liệu và các tuyến đi thực địa để biên chỉnh, thành lập các bản đồ thành phần về cùng hệ qui chiếu, cùng tỷ lệ 1:25.000, từ đó làm cơ sở thành lập bản đồ sinh thái cảnh quan lãnh thổ nghiên cứu tỷ lệ 1:25.000.

c. Phương pháp khảo sát thực địa

Đây là phương pháp truyền thống và không thể thiếu được trong nghiên cứu địa lý học hiện đại, nó là bước thẩm định và điều chỉnh những giá trị đã được nghiên cứu, thu thập trước đó. Quá trình đi thực địa được thực hiện theo các tuyến Bắc – Nam với khoảng cách các tuyến là 1 km, bắt đầu từ thôn An Xuân – xã Cam Thanh và kết thúc tại đèo Tân Lâm – xã Cam Thành. Các bước khảo sát thực địa chính gồm:

- Xác định lại ranh giới một số loại đất và đào các phẫu diện để lấy mẫu đất phân tích.

- Khảo sát, thu thập số liệu theo đề cương đã vạch ra.

- Mô tả đặc điểm, sự thay đổi, chuyển tiếp của các hiện tượng tự nhiên.

- Nghiên cứu mối quan hệ giữa các hiện tượng tự nhiên với nhau và giữa tự nhiên với con người.

- Khảo sát các khu vực xảy ra sụt lún, các khu vực dân cư mới và tình hình kinh tế xã hội ở đó.

- Khảo sát các vùng nông - lâm nghiệp đặc thù về mức độ thích nghi cũng như hiệu quả kinh tế.

- Kiểm tra, điều chỉnh những kết quả nghiên cứu trong phòng.

Đối với lãnh thổ nghiên cứu, chúng tôi tiến hành khảo sát theo các tuyến có sự phân hoá về bậc địa hình theo các hướng khác nhau và khảo sát những nơi xảy ra sụt lún đất.

d. Phương pháp phân tích liên hợp các thành phần và chồng xếp bản đồ

            Sau khi điều tra thu thập các số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đi thực địa, chúng tôi thực hiện những điều chỉnh, bổ sung trên các bản đồ đơn tính, thực hiện chồng xếp các bản đồ đơn tính để xác định xem ranh giới và đặc điểm của các bản đồ đơn tính có trùng khớp với nhau hay không để có những điều chỉnh cho phù hợp. Từ các bản đồ đơn tính đã được chỉnh sửa, chúng tôi tiến hành chồng xếp thành lập bản đồ sinh thái cảnh quan lãnh thổ nghiên cứu. Quá trình chồng xếp được thực hiện theo trình tự sau: bản đồ địa địa chất → bản đồ địa hình →  bản đồ thổ nhưỡng  → bản đồ thảm thực vật hiện trạng → các lớp thuỷ văn, dân cư, giao thông, ranh giới.

e. Các phương pháp trợ giúp khác

*  Phương pháp ứng dụng công nghệ GIS:Nhằm tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ cũng như sử dụng cơ sở dữ liệu địa lý cho nhiều mục đích khác, đề tài sẽ sử dụng công nghệ GIS để chồng xếp bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu, xử lý, phân tích các bản đồ. Phần mềm cơ bản được sử dụng chủ yếu là Mapinfo, Microstation, Arcview, Autocard.

* Phương pháp ma trận: Bảng chú giải bản đồ cảnh quan là sự đan cắt giữa hai hệ thống cột dọc và cột ngang, nên trong đề tài chúng tôi sử dụng phương pháp ma trận để thiết lập bảng chú giải ma trận cho bản đồ cảnh quan. Đồng thời, phương pháp ma trận còn được sử dụng trong việc phân hạng thích nghi cho các đơn vị sinh thái cảnh quan.

* Phương pháp phỏng vấn: Trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn người dân ở một số địa phương để thu thấp các thông tin cần cho đánh giá nhu cầu của người dân, phân tích chi phí lợi ích của các mô hình sản xuất nông – lâm nghiệp và đặc điểm của các điểm xảy ra sụt lún từ đó phục vụ cho việc đề xuất sử dụng hợp lý lãnh thổ, đề xuất các mô hình kinh tế và ổn định các điểm dân cư.

* Phương pháp phân tích số liệu trong phòng: Trong quá trình thực hiện đề tài, bằng phương pháp phân tích trong phòng chúng tôi đạt được những kết quả sau: Phân tích các mẫu đất để biết được hàm lượng mùn theo phương pháp Churin và độ chua trao đổi (pHKCl) theo pH mét của các mẫu đất; Tổng hợp, xử lý các phiếu điều tra về tình hình kinh tế - xã hội và các mô hình kinh tế nông nghiệp của lãnh thổ nghiên cứu; Ngoài ra chúng tôi còn lập ra các biểu bảng, biểu đồ so sánh, lập bảng ma trận liên kết để xác định mức độ quan hệ giữa các yếu tố.

Ngoài các phương pháp trên, trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi còn  sử dụng một số phương pháp như: Phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp chuyên gia... trong quá trình thực hiện đề tài này. Mặc dù, các phương pháp trên được nêu tách biệt rõ ràng nhưng trong quá trình nghiên cứu các phương pháp này được vận dụng một cách linh hoạt và đan xen nhau để thu được kết quả tốt nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: