Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Mùa hè của Biển

Từ khi bắt đầu biết nhận thức, tôi nhận ra mình đã luôn được gửi về quê ở với ngoại trong suốt các kỳ nghỉ hè, để tiện cho việc ba má đi làm trên thành phố và không có thời gian để chăm sóc tôi. Quê ngoại nằm ở một tỉnh cách xa thành phố về phía cực Nam của đất nước, nơi mà không khí lúc nào cũng sực nức mùi nồng đậm của biển cả và gió thì có tiếng lay nhẹ tựa một lời ru. Ngoại trừ việc không có Internet và các địa điểm ăn chơi thì nơi đây vô cùng bình yên và "hoang sơ".

Ngoại tôi vẫn còn khỏe mạnh, khỏe hơn khi so với những bạn bè cùng tuổi. Ngày ngày ngoại dậy sớm đi chợ làm cơm rồi phơi cá khô, sau đó thong thả uống trà nghe radio trong suốt khoảng thời gian rảnh rỗi còn lại. Sống cùng với ngoại là cậu út, cậu không lập gia đình nhưng có một đứa con gái trạc tuổi tôi, tên Kỳ, nhưng Kỳ không phải con ruột của cậu. Ba má nó mất trong một chuyến đi biển khi nó mới hai tuổi, không người thân, họ hàng xa lánh, chính quyền đã dự định chuyển nó vào trại mồ côi. Cho tới cậu út tôi biết được, cậu thấy thương nên mới nhận về nuôi, chăm sóc yêu chiều như con ruột. Mà đổi lại Kỳ cũng rất ngoan, dù nó hơi ít nói và lầm lì, tính tình lại gan góc xông xáo không thua thằng con trai nào. Trong khi đó tôi thì ngược lại hoàn toàn với nó, thích váy hoa, giày búp bê, tóc xoăn và hay mơ mộng. Nên lần nào ra ngoài chơi, Kỳ luôn là đứa xông ra bảo vệ tôi trước lời châm chọc của tụi nhóc con trong xóm, đầy oai phong và dũng mãnh như một nữ chiến binh.

Nó còn thích biển, như cái cách mà mọi đứa trẻ ở đây đều như thế. Cảm giác thích đó không đơn thuần như tôi, mà là sự thân thuộc, gắn bó và rất đỗi thiêng liêng. Vậy nên mỗi lần gặp nhau, y như rằng nơi đầu tiên Kỳ dẫn tôi đến luôn là bến tàu, hoặc bãi biển nào đó vắng vẻ yên tĩnh. Quê tôi vốn không được khai thác mạnh về du lịch, thế nên may mắn giữ được những nét hoang sơ và bình yên vốn có. Chúng tôi thích nhất là bỏ dép trên một mỏm đá, đi sát mép sóng vỗ và kể nhau nghe những câu chuyện của bản thân trong 9 tháng dài. Đến cuối ngày  chúng tôi cùng ngắm mặt trời tựa viên kem vị cam đang dần tan trên mặt bàn cẩm thạch màu khói.

Hai đứa cứ lặng im lớn lên cùng nhau như thế, cùng ngắm chín mươi mốt ngày mặt trời lặn trong một năm, và cùng nhìn nhau trưởng thành sau mỗi mùa ve kêu.

Chỉ cho tới mùa hè năm tôi mười bảy, khi bản thân vẫn xúng xính váy hoa hăm hở về quê thì nhận được tin Kỳ nghỉ học. Không phải vì cậu út gặp khó khăn trong kinh tế, mà vì bản thân nó muốn nghỉ.

Tôi ngồi bó gối trước hiên nhà gió mát rượi cùng cậu trò chuyện, cậu vừa ngán ngẩm ướp cá vừa làu bàu những lời trong cổ họng mình.

"Nó nói nó nhớ biển, nhớ thuyền, nên nó xin thằng Tư đi đánh cá rồi. Tao cũng không muốn ép nó, nên thôi cho nó đi!"

Dù mang đậm sự giận dữ, tôi vẫn nghe được thoáng chút buồn bã trong giọng của cậu.

Tôi biết cậu nghĩ gì.

Kỳ nó giống ba má, cuộc sống của nó là phải gắn với biển khơi. Bắt nó sống mãi trên bờ, mười bảy năm qua, chắc đã là quá đủ với nó rồi. Chỉ có điều do nó còn nhỏ quá, lại là con gái, bỏ lỡ cả một tương lai rộng mở phía trước thế này khiến người khác không khỏi tiếc nuối. Huống hồ cậu út tôi lại còn nuôi nó từ bé.

Suốt mùa hè năm ấy, Kỳ lênh đênh trên biển, không về chơi cùng tôi.

Rồi mùa hè năm mười bảy, nó về vội vã trong đêm, lúi húi tặng tôi cái vỏ sò nhỏ xíu, xong sáng hôm sau lại vội vã dọn đồ đi. Tóc Kỳ bắt đầu vàng rơm cái màu nắng cháy, da nó bắt đầu đen sạm vì muối biển, và tay nó bắt đầu hằn lên những vết chai. Nhìn bóng lưng nó khắc khổ xách túi đồ lên thuyền, tự nhiên tôi lại khóc.

Mùa hè năm mười tám, mùa hè đầu tiên tôi không về quê.

Mùa hè năm mười chín, thời gian từ ba tháng kéo được dài thành bốn, tôi lại hăm hở xách va li rời nhà.

Kỳ không còn lênh đênh trong suốt mùa hè ấy, nó dành hẳn một tuần để ở nhà chơi với tôi. Hai đứa lại như được cùng nhau trở về những ngày ấu thơ, dạo biển, đạp xe rong ruổi khắp các con đường đất mà giờ đây đã được trải nhựa thẳng thớm, vào thị trấn chơi,... Và tôi chợt nhận ra dường như thời gian đã bỏ quên mình và Kỳ rồi, khi dường như chẳng có gì thay đổi lớn lao ở hai đứa.

Tôi vẫn váy hoa, và Kỳ vẫn mang cái vẻ hiền lành im lặng như thế. Chỉ là chúng tôi đã có nhiều chuyện để nói hơn, và cười cùng nhau nhiều hơn.

Hai đứa con gái mười chín, ngoài chuyện học hành, làm đẹp, sở thích ra thì bắt đầu có hình bóng một chàng trai nào đó xuất hiện trong các câu chuyện. Kỳ hỏi tôi có bạn trai chưa, bằng cái mày nhướng lên thường hay thấy.

Ồ, tất nhiên là tôi không có, vì chỉ việc học và các hoạt động ở Câu Lạc Bộ thôi cũng đã đủ chiếm hết thời gian biểu của tôi trong một ngày rồi.

"Thế Kỳ có bạn trai chưa?"

Tôi cười, trong lòng bắt đầu nghĩ đến thằng con trai lớn của bác Tư, người chủ thuyền mà Kỳ hay đi cùng. Tôi có nhìn qua anh ta vài lần khi bác Tư sang nhậu với cậu út. Anh ta rất hiền lành và chịu khó, lại không sỗ sàng với phụ nữ, hay cụ thể hơn là với một đứa con gái từ thành phố xuống như tôi. Vậy nên nếu Kỳ quen anh ta, tôi cũng không phản đối hay trêu chọc gì.

Nhưng câu trả lời của Kỳ không hề nằm trong bất cứ dự liệu nào của tôi.

"Tui không muốn có bạn trai, tui muốn có Hoan thôi!".

Câu trả lời thẳng thừng, tỉnh rụi như thể nó vừa thông báo với tôi là năm nay nó đã mười chín tuổi vậy.

"Hả?" Tôi bối rối.

"Tui nói tui không thích có bạn trai. Tui chỉ thương Hoan thôi!".

"Kỳ thích... con gái?"

"Không! Tui không thích con gái! Tui thương Hoan, chỉ đơn giản là thương Hoan thôi!".

Trước ánh mắt đầy nghiêm túc của Kỳ, tôi chỉ có thể im lặng. Đúng lúc đó, tiếng còi tàu vang lên từ xa, phá vỡ không gian im lặng giữa hai đứa. Tôi vội vàng đứng lên, giục nó chở mình về nhà. Kỳ cũng không nói gì, chỉ im lặng dắt chiếc xe đạp cuộc cũ mèm lút cút đi theo sau tôi.

Mùa hè năm mười chín, tôi bắt đầu nhận ra hai đứa không còn cùng nhịp suy nghĩ nữa.

Mùa hè năm hai mươi, tôi về quê. Nhưng tôi không đi một mình, mà có một người khác đi cùng tôi.

Anh.

Anh năm nay hai lăm tuổi, là con trai của bạn làm ăn với ba. Chúng tôi gặp nhau vào buổi tiệc sinh nhật và nhanh chóng bị đối phương thu hút. Sự đồng điệu về tâm hồn, sở thích chung về những kiến thức vĩ mô cùng sự tinh tế và dịu dàng đến nức lòng đã khiến tôi đồng ý ngay với lời tỏ tình của anh vào ngày lễ tình nhân ngọt ngào. Và khi nghe tin tôi sẽ về quê vào mùa hè, anh hào hứng hỏi mình có thể đi cùng không. Tất nhiên tôi làm sao lại có thể từ chối được khi chính ngoại cũng đang rất mong được thấy anh một lần.

Vì kẹt xe, đến tận xế chiều tôi cùng anh mới về đến nơi. Đèn trong vườn đã được bật, phản chiếu bóng những con cá khô đang đưa nhẹ theo sợi dây treo cũ mèm. Tôi cất tiếng gọi và nghe tiếng ơi của ngoại vọng ra từ phía sau nhà, tiếp đó là tiếng dép lẹt xẹt chạy ra, dường như rất vội vã và có chút... mừng vui?

"Kỳ?"

Không phải ngoại, cũng không phải cậu út. Là Kỳ với mái tóc cháy nắng, lọt thỏm trong chiếc áo thun màu rêu cùng quần đùi sờn rách. Nó đứng cách tôi vài bước chân, tay vẫn còn bọt xà bông rửa chén bám đầy, dép nhựa vẫn còn lẹt xẹt trơn ướt. Nụ cười nó dần lịm khi trông thấy tôi và anh tay trong tay, mắt mở to và thân thể thì cứng đờ.

Tự dưng tôi thấy đau.

Như một kẻ vụng trộm đi cướp hầm vàng, đến lúc quay trở ra lại bị chủ hầm phát hiện, nhưng đau đớn thay chủ hầm lại là người đầu ấp tay gối cùng mình. Nó đớn đau, phũ phàng pha lẫn xấu hổ.

Kỳ khịt mũi, che giấu hành động lau vội giọt nước mắt chực rơi bằng cái cùi chỏ ốm nhách của nó, nghẹn giọng mời tôi cùng anh vào nhà trong. Ngoại lúc này mới chậm rãi bước ra, vẫy tay giục hai đứa vào nhà nghỉ ngơi. Anh cúi đầu chào ngoại xởi lởi rồi cầm tay tôi bước theo. Kỳ quay mặt đi, lầm lũi về lại nhà sau bằng cách đi men theo vườn. Trước khi bóng nó mất hút hẳn, tôi còn kịp nhìn thấy ánh mắt mà Kỳ nhìn tôi.

Vụn vỡ và bàng hoàng.

Tôi chợt chẳng biết mình phải làm sao.

Bữa cơm trôi qua vui vẻ, nhưng có chút gì đó lặng lẽ, nặng nề mà không ai có thể chỉ ra rõ ràng được. Ngoại cùng cậu út liên tục gắp thức ăn vào chén anh, anh cũng vui vẻ lùa cơm ngon lành, thỉnh thoảng lại gắp cho tôi miếng thịt cá mọng nước, múc cho ngoại chén canh rau nóng hổi và muỗng su xào thơm lừng vào chén Kỳ. Kỳ vẫn giữ nguyên im lặng mà ăn chén cơm của mình, không cám ơn anh, cũng không góp chuyện. Cuối cùng, nó gắp cho tôi miếng da cá giòn rụm, sau đó rời bàn và bưng chén đũa vào nhà bếp.

Hình như anh cảm nhận được điều gì, quay sang nhìn tôi. Bốn mắt nhìn nhau, tôi cũng chẳng biết phải nói gì. Anh mỉm cười, nhẹ nắm tay tôi đầy trấn an.

Mùa hè năm hai mươi, lần cuối cùng tôi trông thấy Kỳ ở nhà.

Mùa hè năm hai mốt, hai hai, hai ba, hai tư, rồi hai lăm. Nó vẫn không về nhà vào những mùa hè, mặc cho tôi không còn ở lại nhà ngoại lâu như trước nữa.

Mùa hè năm hai sáu, tôi và anh chuẩn bị cưới nhau. Và chúng tôi cũng quyết định sẽ không thể về thăm ngoại vào những mùa hè nữa. Vì công việc, vì cuộc sống hôn nhân, vì nhiều thứ lo toan. Rồi hình bóng của Kỳ ở năm hai mươi đó cũng theo lá thư tay cuối cùng tôi gửi cho nó bay đi về vùng biển nhớ.

Hoan mong Kỳ thật sự hạnh phúc!

Mùa hè năm hai bảy, tôi và anh đón tin vui về đứa con đầu lòng.

Mùa hè năm hai tám, tôi buồn bã nhận tin ngoại đã mất khi chính mình đang ở một đất nước khác, không kịp nói lời tạ từ với ngoại.

Mùa hè năm hai chín, con gái chúng tôi được hai tuổi, đáng yêu và lanh lợi.

Mùa hè năm ba mươi, tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại bàn quen thuộc, gọi trực tiếp vào di động mình.

Giọng cậu già nua, khàn khàn không rõ như cuộn băng cát xét bị trầy, run rẩy báo cho tôi một tin dữ.

Kỳ mất. Trong chuyến đi biển cách đây hai tháng. Gió lốc, biển động, tàu cá chú Tư về không kịp nên bị lật. Kỳ cùng con trai cả của chú mất tích, những người còn lại may mắn được cứu kịp thời. Hai ngày sau, xác cả hai được tìm thấy mắc vào một bãi đá vắng người gần tỉnh lân cận, được xác định đúng là hai người mất tích.

Đất trời dường như bắt đầu đảo điên, còn mặt đất dưới chân tôi đang dần nứt toác và vụn vỡ.

Tại sao?

Cái đứa lúc nào cũng im lặng gồng mình chở tôi đi cọt kẹt trên chiếc xe đạp cuộc cũ mèm vứt cũng chả ai thèm lấy, cái đứa có mái tóc đen dày xinh xắn dần bị vàng ruộm đi vì nắng gió, cái đứa lúc nào cũng híp mắt cười thật tươi khi thấy bóng dáng váy hoa của tôi từ bến xe, cái đứa khờ khạo bỏ học cấp 3 chỉ vì "tui nhớ biển".

Cái đứa nghiêm mặt nói với tôi ba từ "tui thương Hoan".

Tại sao chỉ vài năm không gặp nhau, đột nhiên nó lại không còn trên đời này nữa? Là đang diễn kịch hài cho ai xem vậy?

Tôi cố lục tìm cho mình một ký ức mờ ảo, về câu nói cuối cùng hai đứa dành cho nhau. Nhưng rồi tôi đớn đau nhận ra lần cuối mình và Kỳ còn thấy nhau chỉ là miếng da cá giòn rụm, béo ngậy nó lặng im gắp vào chén tôi rồi lẳng lặng lui về nhà bếp, chỉ có tiếng "Kỳ?" bối rối và lảng tránh tôi thốt ra bên dàn hoa ti gôn ngoại trồng khi tôi cùng anh về đến cửa nhà.

Đớn đau, tôi ngã gục và chìm vào bóng đêm như vô tận.

Đám tang Kỳ diễn ra trong im lặng, chỉ có cậu út, tôi, anh, mấy đứa nhóc trong xóm hôm nào và bà con xung quanh đến dự. Tôi không nhớ mình đã gục ngã đến mức nào khi nhìn di ảnh nó đặt giữa gian nhà nhỏ, chỉ biết khi tỉnh dậy mình đã nằm trên chiếc giường gỗ của Kỳ, gối của nó, mền của nó và đệm của nó. Tất cả đều còn lưu lại ít nhiều mùi hương của Kỳ, khiến nước mắt tôi vô thức lại rơi ra không thể dừng lại.

"Nó có viết dở cho mày lá thư, nhét dưới gối".

Cậu út đứng thần người trước cửa phòng, trông cậu như gầy sọm đi và già thêm chục tuổi. Rồi cậu thở dài, lén tôi lau nước mắt và bước ra sân sau. Tôi có thể nghe tiếng anh tiếp chuyện bà con ngoài kia, rè rè không rõ âm điệu.

Lần tay xuống vỏ gối nhàu nát của Kỳ, tôi chạm phải một tờ giấy mỏng. Chầm chậm rút ra, tôi run rẩy mở trang giấy gấp đôi có chút nhàu nhĩ. Từng dòng chữ xiêu vẹo nhưng ngay hàng thẳng lối nối đuôi nhau hiện lên, quen thuộc đến nhói lòng.

Hoan!

Nhiều khi tui ước gì sinh ra mình đã là con trai, có đầy đủ ba má và lớn lên ở cái thành phố nơi Hoan. Lúc đó tui có thể tự tin được là người thương của Hoan, được chăm lo cho Hoan suốt cuộc đời này như cách người đó làm cho Hoan vậy.

Suốt mấy năm qua, tui cứ đâm đầu đi biển, phần vì giận Hoan, phần lại muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Có tiền rồi thì tui có thể tiếp tục đi học lại, vì có đi học mới có thể kiếm được công việc tốt hơn, mới có thể đủ mạnh mẽ làm nơi cho Hoan dựa vào.

Nhưng rồi tui nghe cậu út nói, Hoan lấy chồng.

Tui biết là tui thua rồi, tui chạy đuổi theo Hoan không kịp nữa.

Buồn thiệt ha.

Phải chi năm đó tui nghe lời cậu út, tiếp tục đi học thì có lẽ giờ ít ra có thể dùng cái danh bạn bè để ở cạnh Hoan. Hoan yêu ai cũng được, lấy ai cũng được, chỉ cần được ở bên cạnh thấy Hoan vui thôi.

Nhưng mà thiệt sự là không được nữa.

Giờ Hoan cũng có gia đình của mình rồi, còn tui mãi chỉ là con nhỏ lênh đênh hoài trên biển không biết khi nào thì về tới đất liền nơi có Hoan. Chen chân vào cuộc sống của Hoan lúc này, có khi lại khiến Hoan chán ghét tui thêm.

Nhưng Hoan ơi, tui chỉ muốn Hoan biết là tui thương Hoan thôi.

Mấy mùa hè rồi không thấy Hoan về nữa.

Lá thư dừng ở đó, vì cậu út bảo Kỳ vẫn chưa viết xong. Nhưng chính tôi cũng chẳng đủ mạnh mẽ mà đọc tiếp nữa, chỉ có thể ôm lấy trái tim đang nấc lên từng hồi. Tôi không dám cầm lá thư, chỉ sợ nước mắt sẽ làm nhòe đi  từng con chữ của nó.

Phải rồi.

Phải chi được trở về mùa hè năm mười chín.

Nhưng phải chi chính là không thể quay lại được nữa.

Lúc đó, vào buổi chiều đó, tôi lẽ ra nên cầm tay nó thật chặt, lẽ ra nên nói hết cảm xúc của mình, để nó không phải tự hy vọng rồi tự vụn vỡ, cuối cùng là đột ngột rời bỏ thế gian bỏ lại tôi như thế này.

Tôi lẽ ra phải nói rằng tôi thương nó, dù không phải cái thương như nó dành cho tôi.

Lẽ ra tôi nên thuyết phục nó về với bờ cát bình yên, về với tôi, với ngoại, với cậu và sống như mọi cô gái khác ngoài kia. Lúc đó không cần sợ nắng hay mưa, ngày hay đêm nữa. Tóc Kỳ sẽ không còn cháy nắng, Kỳ sẽ không còn phải ăn mặc như một thằng con trai, Kỳ có thể sống hạnh phúc và bình yên.

Nhưng Kỳ ơi, mình phải làm sao đây?

Kỳ không trở về được nữa rồi.

Biển khơi đã vẫy gọi Kỳ đi, gia nhập vào cuộc hành trình vô tận mãi không có ngày về. Kỳ bỏ lại mọi người ở đây, bỏ lại Hoan vẫn chưa kịp nói với Kỳ câu xin lỗi, bỏ lại cả bữa cơm cuối cùng đầy trách cứ nhau trong im lặng. Kỳ ra đi, hòa vào lòng đại dương rộng lớn.

Mùa hè năm ba mươi.

Mùa hè tôi chính thức mất đi Kỳ giữa thế gian.

-----Hết-----

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro