Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG II

Nhện, Sao biển, và ngài chủ tịch Internet

Năm 1995 , Dave Garrison gặp phải một vấn đề. Ông là Giám đốc điều hành của Netcom, một nhà cung cấp dịch vụ Internet lúc ban đầu, giống như AOL hay Earthlink. Vấn đề là ông chẳng biết một chút gì về Internet cả. Một vấn đề khác nữa là ông phải tìm cách sinh lợi từ tiền của các chủ ngân hàng - những người thậm chí biết về công nghệ mới này còn ít hơn ông.

Và mười năm sau đó, trên bãi biển Santa Cruz, California, ông kể cho chúng tôi: "Một công ty săn đầu người ở Palo Alto (thung lũng Silicon) đã tuyển mộ tôi vào không gian Internet. Tôi thực sự không hiểu gì về Internet, nhưng vào thời điểm đó, công ty đang cạn hết vốn, chúng tôi phải quay về với thị trường tự do để tái lập quỹ một lần nữa. Và tôi đã học về Internet trong chiếc limousine giữa những lần đi gây quỹ như thế."

Hãy nhớ lại thời điểm năm 1995, vài người ít ỏi hiểu được khái niệm "online" là gì thì đang gặp đủ rắc rối với các trang web ("Làm thế nào để quay lại trang trước?") chứ đừng nói đến việc tìm hiểu cấu trúc của toàn bộ hệ thống Mạng. Vào thời điểm Dave đến Paris, chiếc limo khiến ông giống như dân chuyên nghiệp. "Hay nhất là lúc ở nhà hàng Michelin tại một trong những khách sạn hàng đầu Paris. Có khoảng 30 người trong phòng. Họ ăn mặc sang trọng và nói chuyện với nhau nhỏ nhẹ, rất tương phản với chiếc áo phông và quần soóc .com của tôi. Ðiều đó làm tôi cảm thấy mọi người nhìn mình như thể một vật thể lạ đến từ California nước Mỹ. Chuyện xảy ra sau đó cứ như thể họ đang nghe một anh chàng người Mỹ kể chuyện cổ tích về một loại máy tính nào đó sẽ thay đổi thế giới. Một nhà đầu tư hỏi, 'Thế ai là chủ tịch của Internet?' Chúng tôi rất lúng túng, và bắt đầu giải thích lòng vòng về việc 'không có ai là chủ tịch cả'. Lúc đó thực sự rất... rất buồn cười. Nhưng nên nhớ lúc đó là vào năm 1995, đầu năm 1995, Internet vẫn là một thứ chưa ai biết đến. Chúng tôi phải giải thích 'đó là một mạng lưới của các mạng lưới,' và, 'Hãy tưởng tượng sẽ ra sao nếu tất cả khách của một trung tâm mua sắm có thể tổ chức lại và chia sẻ thông tin với nhau; điều đó sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực.' Khi chúng tôi trình bày điều đó, người ta tỏ ra như thể 'Những gã này là ai?' 'Các cậu đã dùng thuốc gì vậy?'

Thật thú vị, vì chính chúng tôi cũng chẳng hiểu Internet là gì. Chúng tôi chỉ biết rằng nó có thể làm nền tảng cho một phương thức kết nối cộng đồng hoàn toàn khác."

Lời giải thích của Dave không thỏa mãn được những nhà đầu tư Pháp. Nếu những nhà đầu tư đặt tiền vào mục đích công cộng, họ muốn biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm để chắc chắn rằng đấy không phải là một hệ thống hỗn loạn. Họ cần có một Cortés. Và có thể họ cũng sẽ dựng lên cả một Montezuma. Nhưng Dave không cho họ những người như thế. Hai bên không thể nào đến được thỏa thuận cuối cùng. Những khái niệm mà Dave đưa ra quá mới mẻ đối với các nhà đầu tư Pháp, và họ bắt đầu cảm thấy bực mình.

Dave nhớ lại những câu hỏi của họ "dựa trên quan niệm 'phải là một mô hình tập trung, phải có một vị vua, một đế chế, hoặc ít ra là một... một cái gì đó chứ.'" Những nhà đầu tư chủ chốt này, Dave nhớ lại, "khoảng 30 người tập trung tại một căn phòng khách sạn 5 sao, có thể nói là một nhóm toàn những người rất có đầu óc," nhưng họ cũng không hiểu được. Dave thử một cách tiếp cận khác: đó là một mạng lưới của các mạng lưới. "Chúng tôi nói, 'Có khoảng 30 hay 40 nghìn mạng lưới con như vậy, và tất cả chúng cùng chia sẻ sức mạnh của truyền thông.' Và họ hỏi, 'Thế ai là người ra các quyết định?' 'Không ai cả. Nó như một sản phẩm mà mọi người cùng tham gia vào. Không ai quyết định cả.' Và họ tiếp tục quay lại với câu hỏi cũ, 'Các anh không hiểu câu hỏi. Chắc đã có sai sót gì đó trong phiên dịch rồi. Ý chúng tôi là, ai là chủ tịch của Internet?' Nói thật với anh, tôi đã cố gắng hết sức để mô tả cho họ thấy thế nào là Internet, nhưng đúng là không thể."

Cuối cùng thì Dave cũng đầu hàng. Ông cho các nhà đầu tư Pháp câu trả lời mà họ muốn. "Tôi nói, 'Tôi chính là chủ tịch của Internet đây.' Nếu không thế thì chúng tôi không thể qua được các thủ tục. Tôi không hề có ý khiếm nhã. Tôi chỉ muốn tiếp tục, tôi muốn bán các dịch vụ an ninh. Thế nên, để tôi kể anh nghe, tôi chính là chủ tịch đầu tiên của Internet. Paris yêu cầu như vậy. Chính tôi đây."

Ngày nay, những nhà đầu tư của Dave không còn là những người tin-trái-đất-hình-vuông nữa. Nhưng khi đó Internet là một công nghệ hoàn toàn mới, bởi thế họ có quyền quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi. Thế là tốt. Nhưng những tác động đó cho thấy một đặc điểm của con người nói chung: Chúng ta đã quen nhìn mọi vật theo một cách nhất định, và rất khó để suy nghĩ khác đi. Nếu đã quen nhìn sự vật qua lăng kính tập trung thì khó mà có thể hiểu được những tổ chức phân tán. Cho nên thật khó để những nhà đầu tư Pháp hiểu về công nghệ Internet vì nó không giống như những gì họ vẫn nhìn nhận về thế giới. Những nhà đầu tư Pháp, cũng giống như những người Tây Ban Nha 200 năm về trước, quen nhìn mọi vật theo một khuôn mẫu có sẵn: đã là một tổ chức thì phải có cấu trúc, có quy tắc, có cấp bậc, và tất nhiên phải có một ông chủ tịch.

Cũng như lịch sử đã đưa ra câu trả lời cho tình thế khó khăn có thể đoán trước của MGM, bản tính đã giải thích cho sự lúng túng của các nhà đầu tư Pháp. Nói một cách ngắn gọn, họ đã nhầm lẫn một con sao biển với một con nhện.

Hầu hết chúng ta đều biết rằng nhện là một sinh vật có tám chân mọc ra từ giữa thân. Khi nhìn qua kính lúp, ta có thể thấy thêm rằng nhện còn có một chiếc đầu nhỏ và tám con mắt. Nếu hỏi các nhà đầu tư Pháp rằng, "Cái gì điều khiển các hoạt động của nhện?" thì câu trả lời rõ ràng sẽ là "cái đầu". Nếu bạn ngắt mất đầu của con nhện, nó sẽ chết. Một con nhện vẫn có thể sống sót khi thiếu đi một hoặc hai chân, thậm chí cả khi mất vài con mắt. Nhưng nếu thiếu cái đầu thì chắc chắn nhện không thể tồn tại được. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi những nhà đầu tư lần đầu tiên nghe nói đến Internet, họ muốn biết ai là người chịu trách nhiệm cao nhất - đâu là cái đầu? Ðó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra đối với một tổ chức tập trung.

Nhưng khi tìm hiểu về Internet, các nhà đầu tư Pháp không phải đương đầu với một con nhện. Thứ họ thực sự chạm trán ở đây là một con sao biển. Thoạt nhìn qua, sao biển trông cũng giống nhện, cũng có một loạt chân mọc ra từ một cơ thể trung tâm. Nhưng sự giống nhau giữa chúng chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Sao biển chính là một loài động vật như mô hình của Tom Nevins: một hệ phân tán.

Với một con nhện, bạn nhìn thấy cái gì thì chính là cái đó, thân là thân, đầu là đầu, và chân là chân. Nhưng loài sao biển thì lại rất khác, chúng không hề có đầu. Và cái thân ở trung tâm ấy cũng chẳng chịu trách nhiệm điều khiển gì cả. Trên thực tế, tất cả các cơ quan của nó được nhân lên ở mỗi cái chân. Nếu bạn cắt một con sao biển làm đôi, bạn sẽ rất ngạc nhiên: nó không chết, và rất nhanh thôi, bạn sẽ phải đương đầu với hai con sao biển mới.

Sao biển có một đặc tính tuyệt vời: nếu bạn cắt một chân của nó, tự nó sẽ mọc lại một chân khác. Ðặc biệt đối với một số loại sao biển, như con Linckia - hay còn gọi là sao biển chân dài - chúng thậm chí có thể tự tái tạo chỉ từ một mẩu nhỏ của cái chân. Nếu bạn cắt con Linckia ra làm nhiều phần nhỏ thì mỗi phần này sẽ tự tái tạo thành một con Linckia mới hoàn chỉnh. Sở dĩ sao biển có được đặc tính kỳ diệu ấy là bởi bản thân nó chính là một mạng nơ-ron - một mạng lưới các tế bào. Thay vì có một cái đầu như con nhện, sao biển hoạt động như một mạng lưới phân tán. Thế này nhé: để sao biển chuyển động, một trong các chân của nó phải thuyết phục các chân còn lại rằng làm thế là có lợi. Cái chân đầu tiên bắt đầu chuyển động, thế rồi - theo một cách thức mà không ai có thể hiểu hết được - các chân khác cũng phối hợp và chuyển động theo mà không cần não phải ra lệnh "Ờ," hay "Không." Thật ra, sao biển thậm chí còn không có não, không tồn tại cái gọi là hệ điều khiển trung tâm. Các nhà sinh học trên thế giới vẫn đang vò đầu bứt tai cố tìm hiểu cơ chế hoạt động của loài sinh vật này, nhưng cơ chế ấy rất hợp với cách nhìn nhận của Tom Nevins. Sao biển hoạt động rất giống với một Nant'an. Nếu nhện là người Aztec trong thế giới loài vật, thì có thể nói sao biển chính là người Apache.

Sống trong một "thế giới nhện", các nhà đầu tư Pháp khó mà có thể hiểu hết về một con sao biển. Vì thế mà họ cần phải có một chủ tịch Internet. Ðiều này đưa chúng ta đến với nguyên tắc thứ hai của hệ phân tán: Rất dễ nhầm lẫn một con sao biển với một con nhện. Khi mới đương đầu với một nhóm bạn trẻ thích trao đổi âm nhạc, hay một bộ lạc thổ dân trên sa mạc Arizona, ta có thể dễ dàng nhận thấy sức mạnh của họ. Nhưng để hiểu thấu đáo về họ thì cần có rất nhiều công cụ khác nhau.

Chúng ta hãy xem xét một trong những con sao biển nổi tiếng nhất. Năm 1935, Bill Wilson đang nắm chặt lon bia trong tay. Ông đã cầm những lon bia hay những thứ đồ uống tương tự như vậy trong suốt hai thập kỷ. Thế rồi bác sĩ bảo ông phải ngừng uống, nếu không sẽ không sống được quá sáu tháng. Ðiều đó làm Bill sợ hãi, nhưng không đủ để khiến ông ngừng uống. Nghiện là một cái gì đó rất khó vượt qua.

Thế là Bill bị mắc kẹt. Bạn nghĩ sao ông không đi tìm các chuyên gia nhờ giúp đỡ. Nhưng các chuyên gia chẳng giúp được gì cả. Không có phương pháp chữa trị nào cho chứng nghiện rượu. Họ sẽ cho ông một loạt những hướng dẫn điều trị, nhưng tất cả đều vô dụng. Và sẽ chỉ còn lại Bill ở đó, với nỗi xấu hổ, nỗi sợ cái chết sắp đến, và trên tất cả là nỗi tuyệt vọng. Cần phải thay đổi một điều gì đó.

Chính lúc đó Bill đã nhìn ra được vấn đề. Ông biết rằng tự mình không thể chống lại được chứng nghiện rượu. Và các chuyên gia cũng chẳng giúp được gì bởi ông và những người nghiện rượu khác khôn lanh hơn là lo cho sức khỏe của mình. Nếu có ai đó đưa ra lời khuyên rằng Bill phải làm gì thì ông sẽ kiếm cớ để quăng ngay lời khuyên đó và đi làm một cốc. Và đây chính là điểm đột phá. Bill nhận thấy rằng ông có thể tìm sự giúp đỡ từ chính những người cùng hoàn cảnh. Những người gặp cùng một vấn đề sẽ bình đẳng với nhau. Khi bị ép buộc cái gì, người ta dễ sinh ra tâm lý chống đối. Nhưng chống đối lại những người cùng cảnh khó hơn nhiều.

Thế là Hội những người nghiện rượu nặc danh (AA) ra đời.

Tại hội AA, không có ai là người phụ trách, đồng nghĩa với việc mọi người đều là phụ trách. Ðó là một hệ thống mở theo kiểu của Nevins. Tổ chức hoạt động của nó giống hệt như hoạt động của một con sao biển. Ngay khi tham gia, bạn sẽ tự động trở thành một phần của bộ phận lãnh đạo - một chân sao biển. Vì vậy, AA thay đổi liên tục mỗi khi có thành viên mới tham gia hay khi các thành viên khác rời đi. Thứ duy nhất được giữ ở đây là nguyên tắc phục hồi: trình tự mười hai bước nổi tiếng. Vì không có ai phụ trách nên mỗi người đều phải có trách nhiệm giữ cho bản thân mình - và cho cả những người xung quanh - đi theo đúng trình tự ấy. Ngay cả khi bạn đã có "thâm niên" ở đây thì cũng chẳng phải là điều gì to tát: bạn cũng vẫn là một anh nghiện rượu. Bạn có một người "bảo hộ", giống như một Nant'an vậy, nhưng người bảo hộ này không ép buộc bạn phải làm gì, mà sẽ chỉ làm gương cho bạn. Kể cả nếu bạn làm rối tung mọi thứ và tái nghiện, hay nếu bạn bỏ chương trình một thời gian, mọi người sẽ vẫn hoan nghênh khi bạn muốn quay lại. Không có đơn đăng ký tham gia, cũng không có ai sở hữu AA cả.

Không ai sở hữu AA. Bill nhận thấy điều này khi hội thu được những thành công vượt bậc và mọi người trên khắp thế giới đều muốn thành lập những chi hội riêng. Bill phải đưa ra một quyết định quan trọng. Hoặc là chọn mô hình con nhện và ông sẽ là người điều khiển các chi hội được quyền hay không được quyền làm gì. Trong trường hợp này, ông phải quản lý các chi nhánh và đào tạo thành viên tham gia theo phương pháp chuẩn của AA. Hoặc là ông chọn mô hình sao biển và rút lui khỏi cuộc chơi. Bill chọn cách thứ hai.

Ông tin tưởng rằng mỗi chi hội sẽ tự biết phải làm điều mà họ cho là tốt nhất. Ngày nay, dù ở đâu bạn cũng đều có thể tìm thấy một hội AA. Và nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể lập ra một chi hội AA của riêng mình. Các thành viên có thể trực tiếp giúp đỡ nhau bất cứ lúc nào mà không cần sự đồng ý từ ông Bill W. hay bất cứ ai. Ðặc tính này cho phép một hệ mở có thể thích nghi và phản ứng một cách nhanh chóng.

Hãy so sánh điều này với những gì xảy ra ở quần đảo Florida Kays ở thời điểm diễn ra một trong những cơn bão tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử nước Mỹ - mà nay được biết đến với cái tên Cơn Bão Ngày Lao động năm 1935. Cơn bão ngày càng tiến đến gần hơn, các nhà khí tượng dự báo một cách lạc quan rằng nó sẽ không đổ bộ lên quần đảo. Nhưng thiếu tá về hưu Ed Sheeran thì lại có cách nhìn khác. Ông là giám sát FDR của một dự án công cộng với hơn 400 công nhân tham gia làm việc. Sheeran đã trải qua cơn bão hồi đầu thế kỷ, và linh tính báo cho ông biết là nên lo lắng. Và ông không chỉ dựa trên linh tính, phong vũ biểu đã xác nhận điều mà ông lo sợ. Sheeran nhận ra những dấu hiệu rõ ràng cho thấy cơn bão này sẽ đổ bộ lên quần đảo.

Ông báo cáo với cấp trên để gọi điện về trụ sở chính ở Jacksonville, nói với họ rằng ông rất lo lắng và không muốn mạo hiểm. Theo ông thì phải sơ tán công nhân lập tức. Trụ sở cũng đồng tình với ông và cử một đoàn tàu cứu hộ đến, nhưng vấn đề là không ai thông báo cho công nhân phải lên tàu cả.

Thấy tàu cứu hộ đến rồi đi, Sheeran gửi một lời cảnh báo khác: Cần sơ tán công nhân ngay! Báo động của ông sau một chuỗi mệnh lệnh rồi thì cũng đến được đích, nhưng trụ sở - sau vụ gửi tàu lần trước - đã quyết định không cử tàu cứu hộ đến nữa mà thay vào đó là ngồi đợi. Họ cho rằng có thể Sheeran đã hành động thái quá. Và trong trường hợp tình hình trở nên xấu đi, vẫn có thể điều động một tàu khác từ Miami. Trong khi đó, cơ quan dự báo khí tượng Mỹ cho rằng Sheeran đã quan trọng hóa vấn đề.

Nhưng không may là Sheeran lại đúng. Cơn bão ập đến mạnh không tưởng với sức gió lên đến 160 dặm/giờ. Ðến khi trụ sở chính chấp thuận phương án cứu hộ thì đã quá muộn. Cánh cửa cơ hội đã đóng sập. Con tàu cứu hộ thứ hai được cử đến bị gió thổi bay ra khỏi đường ray. Hai trăm năm mươi chín công nhân đã thiệt mạng trong cơn bão.

Rõ ràng bộ máy quản lý tập trung FDR có thể mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như cứu giúp hàng triệu người khỏi chết đói. Thế nhưng nó lại quá tập trung để có thể nhanh chóng đáp lại lời kêu cứu của các công nhân đang gặp nạn. Cũng giống như cơn bão Katrina năm 2005 đổ bộ vào New Orleans, những người nắm thông tin rõ nhất lại không đủ thẩm quyền để tổ chức một cuộc cứu nạn với quy mô lớn. Trong thực tế, trước khi con nhện phản ứng lại một tác động nào đó, thông tin sẽ được chuyển tới cái đầu, đầu xử lý thông tin, sau đó đưa ra các chiến lược hành động và cuối cùng mới ra lệnh hành động. Cũng tương tự, những gì xảy ra năm 1935 ở quần đảo Florida Keys và năm 2005 ở New Orleans không hẳn là do lỗi của một cá nhân nào. Tất nhiên lúc đó vài cá nhân đã có thể có những quyết định sáng suốt hơn, nhưng vấn đề thực sự lại nằm ở chính hệ thống. Có vẻ như trong những trường hợp như thế, chúng ta cần đến một hệ thống sao biển hơn.

Nếu như Sheeran vận hành một hệ thống mở thì ông đã có thể dẫn dắt mọi người thông qua hành động của mình. Khi cả linh tính và chiếc phong vũ biểu đều dự đoán tình huống xấu sắp xảy ra, ông đã có thể thông báo cho mọi người, "Tôi sắp rời khỏi nơi này đây, ai muốn đi cùng đều được hoan nghênh." Ông đã có thể nỗ lực tổ chức những cuộc sơ tán tránh bão cho mọi người mà không cần phải thuyết phục những quan chức cấp cao hơn ở Jacksonville rằng linh tính và chiếc phong vũ biểu của ông dự báo đúng. Mặt khác cũng có thể Sheeran và chiếc phong vũ biểu của ông dự báo sai, và như thế thì những người công nhân sơ tán một cách không cần thiết. Vấn đề không hẳn là một hệ mở có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn một hệ tập trung mà chỉ là một hệ mở có khả năng đưa ra những quyết định nhanh chóng hơn, vì mỗi thành viên đều có quyền trực tiếp truy nhập thông tin và sử dụng chúng vào mục đích của mình.

Ðiều này đưa chúng ta tới nguyên tắc thứ ba của phân tán: Một hệ mở không có trí thông minh trung tâm; sự thông minh được chia đều trong toàn hệ thống. Thông tin và tri thức được lọc một cách tự nhiên ở ngay rìa của hệ thống, nơi các hành động được thực hiện.

Chúng ta hãy cùng quay lại với AA và quyết định đi theo mô hình sao biển của Bill W. Có vẻ như Bill đã có một quyết định chiến lược đúng đắn. Bởi điều đó đã giúp được vô số người. Thật vậy. Bây giờ nếu có ai hỏi, "Có bao nhiêu thành viên tham gia AA?" thì không cách nào tìm được câu trả lời. Với câu hỏi "Có bao nhiêu chi hội AA trên thế giới?" cũng vậy. Không ai có thể biết được. AA là một hệ thống mở, không tồn tại một khối điều khiển trung tâm nào để thống kê những con số đó. AA linh hoạt, bình đẳng và biến thể thường xuyên. Khi những người nghiện khác áp dụng các trình tự của AA, họ mượn chương trình Mười hai bước và xây dựng những tổ chức chống lại nhiều chứng nghiện khác: nghiện thuốc lá, nghiện ăn, nghiện mua sắm, nghiện cờ bạc... Và AA phản ứng ra sao? "Tốt quá! Các bạn cứ thế phát huy." Tất cả đều là một phần của đề cương ban đầu. Vậy nguyên tắc thứ tư của phân tán là: Một hệ mở có khả năng biến thể một cách dễ dàng.

AA đã vượt xa tầm mong đợi ban đầu của Bill để trở thành một tổ chức lớn mạnh và lâu dài, rất giống với những người Apache. Người Apache đã không - và không thể - xây dựng trước mọi kế hoạch để đương đầu với những kẻ xâm lăng châu Âu. Nhưng khi người Tây Ban Nha đến, xã hội Apache có thể dễ dàng biến thể, họ chuyển từ cuộc sống định cư trong các ngôi làng sang sống du cư. Quyết định này không cần có sự chấp thuận của một trụ sở nào cả, và nó được thực hiện một cách nhanh chóng vì xã hội Apache là một hệ mở. Cũng giống như Bill W. chưa bao giờ nghĩ phương pháp hỗ trợ cai nghiện rượu của ông lại có thể giúp được cả những người nghiện cờ bạc hay nghiện ăn. Và Bill cũng không thực hiện một thao tác quản lý hay điều khiển nào. Ngay khi vừa xuất hiện tác động từ bên ngoài, một tổ chức phân tán sẽ lập tức biến thể để thích nghi và đương đầu với những thử thách mới.

AA có rất nhiều điểm chung với eMule. Bill W. cũng như tin tặc ẩn danh đã khai sinh eMule, không phải là một CEO. Ông là chất xúc tác giúp thúc đẩy một ý tưởng mới, sau đó ông rời sân khấu và nhường lại sân chơi cho những người khác, để lại một tổ chức không có bộ não trung tâm, vì thế ông đã cho nó khả năng biến thể và tiếp tục phát triển từ hình thái ban đầu.

Hãy xem điều tương tự đã diễn ra trong trận chiến âm nhạc như thế nào. Napster xuất hiện, giáng một đòn mạnh vào các hãng thu âm. Kể từ đó, cuộc chiến giữa một hệ mở và một hệ ép buộc diễn ra theo kiểu ăn miếng trả miếng với những đòn đáp trả rất khác nhau. Về phía các hãng thu, mỗi quyết định được đưa ra đều phải qua quá trình phân tích và xác nhận của các nhà điều hành. Trong khi đó, mạng lưới P2P lại phản ứng với tốc độ, cực nhanh, liên tục biến thể và luôn đi trước các hãng thu một bước. Kiềm chế một chuỗi những biến thể này chẳng khác nào kiềm giữ thủy ngân. Bạn hạ Napster xuống, ngay lập tức sẽ có một Kazaa đứng lên. Ðến khi loại bỏ được Kazaa thì lại xuất hiện một Kazaa Lite và sự việc cứ thế mà tiếp diễn. Mặc dù các nhóm P2P nhỏ không có nhiều nguồn tài nguyên nhưng họ có thể phản ứng lại các tác động bên ngoài cũng như biến thể với tốc độ chóng mặt. Thật rắc rối cho những con nhện khi bị những con sao biển vây xung quanh.

Dù bạn là một con nhện hay chỉ đóng vai trò đứng ngoài quan sát trận chiến, thì dần dần bạn cũng sẽ nhận thấy nguyên tắc thứ năm của phân tán: một tổ chức phân tán có thể lặng lẽ áp sát bạn. Tổ chức phân tán có khả năng biến thể và phát triển rất nhanh. Nếu như một tổ chức nhện mất rất nhiều thời gian cho việc giăng lưới, từ từ tích luỹ tài nguyên và ngày càng trở nên tập trung hơn thì những con sao biển có thể chiếm lĩnh toàn bộ ngành công nghiệp chỉ trong nháy mắt. Hàng trăm năm qua, con người vẫn tìm đến các chuyên gia để cầu sự giúp đỡ trong việc chống lại bệnh nghiện rượu. Nhưng chỉ cần sau vài năm thành lập, AA đã trở thành một phương pháp được công nhận là đào tận gốc rễ chứng bệnh này. Từ sau cuộc Cách mạng Công nghiệp, con người đã giao tiếp với nhau qua thư từ, điện tín, điện thoại, nhưng đặc biệt khi Internet xuất hiện, mọi thứ thay đổi hẳn chỉ trong vòng chưa đến một thập kỷ.

Trong suốt cả thế kỷ, ngành công nghiệp thu âm thuộc quyền sở hữu của một hội đồng liên minh, thế rồi một nhóm hacker xuất hiện làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp này. Rồi chúng ta sẽ còn thấy những điều tương tự diễn ra trong các lĩnh vực và các ngành công nghiệp khác nữa. Chúng ta gọi sự thay đổi quyết liệt này là "nguyên lý đàn Accordion". Theo thời gian, nền công nghiệp chuyển từ phân tán sang tập trung, rồi lại phân tán. Không bằng lòng với những tổ chức và những ngành công nghiệp quá tập trung, người ta nổi dậy và tạo ra những hệ thống mở kiểu sao biển. Trên thực tế, những hệ thống như eMule thậm chí đã đạt mức phân tán cao đến nỗi theo nhiều phương diện, có thể nói đó không còn là một tổ chức nữa, và mỗi thành viên có được sự tự do tối đa. Khi một tổ chức phân tán đến tận cùng, chúng ta sẽ gặp một vùng xám, nơi tập hợp một cách lỏng lẻo những người có sức mạnh đáng ngạc nhiên.

Trở lại thế kỷ 19, thời kì mà sức mạnh của âm nhạc nằm trong tay các nhạc sĩ biểu diễn trực tiếp, những người như nghệ sĩ violin Joseph Joachim. Vào những năm 1830, khi người Mexico đang bận chiến đấu với các bộ lạc Apache trên đất Mỹ thì cậu bé Joseph Joachim chăm chỉ tập đàn violin ở châu Âu. Thầy giáo của Joachim đã phát hiện ra cậu là một tài năng thật sự. Và cuối cùng, nghệ sĩ violin trẻ đã gặp được một người thầy tuyệt vời, nhà soạn nhạc nổi tiếng Felix Mendelssohn.

Thế kỷ 19, một nghệ sĩ muốn bước lên sân khấu âm nhạc phải là một người biểu diễn ấn tượng. Joachim là một nghệ sĩ như vậy. Trong khi chu du khắp châu Âu với thầy của mình, ông luôn nhận được sự chào đón nồng ấm đặc biệt. Cư dân London luôn muốn được xem ông biểu diễn, nhưng khi Joachim rời London, ông đã mang theo cả tài năng của mình. Hàng thập kỷ trước khi công nghệ thu âm ra đời, bạn không có cách nào mua được các bản nhạc hay nhất của ông.

Năm 1887, Thomas Edison tìm được cách thu phát âm thanh và phát minh ra máy quay đĩa. Ðiều này làm thay đổi mọi thứ: giờ thì bạn đã có thể mang âm nhạc về nhà. Ngày càng có nhiều người nghe đĩa, hàng trăm phòng thu cũng bắt đầu mọc lên. Sức mạnh của ngành công nghiệp âm nhạc bắt đầu có sự thay đổi. Thay vì các nhạc sĩ độc lập nắm giữ quyền lực trong tay, giờ đây một phòng thu có thể phát hiện một tài năng mới và tiếp thị đĩa thu tới đài phát thanh cùng các cửa hàng bán đĩa.

Ðây chính là dấu mốc cho sự ra đời của ngành kinh doanh thu âm. Giờ đây để trở thành một nghệ sĩ thật sự, bạn phải được một hãng thu phát hiện tài năng và đầu tư. Những đấu thủ lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc xuất hiện, và thế là ngành công nghiệp này dần trở nên tập trung hơn.

Hãy so sánh sự nghiệp của Joachim với Itzhak Perlman. Perlman sinh năm 1945, khoảng 40 năm sau khi Joachim qua đời, cùng năm với sự kiện ngành công nghiệp đĩa hát lần đầu tiên vượt qua âm nhạc truyền thống về tổng doanh thu. Cũng giống như Joachim, Perlman được đánh giá là tài năng có một không hai. Joachim ra mắt ở London còn Perlman khiến toàn bộ khán giả Carnegie Hall phải sững sờ . Nhưng đó là tất cả những điểm chung giữa họ. Không giống như trường hợp của Joachim, phần lớn khán giả hâm mộ Perlman chưa bao giờ xem ông biểu diễn trực tiếp. Sự nghiệp của ông, cũng giống như của bao nhiêu nghệ sĩ lớn thời hiện đại, được tạo dựng bởi các hãng thu âm lớn. Cuối thế kỷ 20, 80% ngành công nghiệp thu âm toàn cầu đã tập trung trong tay năm tên tuổi lớn: Sony, EMI, BMG, Universal Music và Warner Brothers. Không còn nhiều các hãng thu âm nhỏ, và hãng nào cố gắng để thành công thì rất nhanh sau đó, bằng cách này hay cách khác cũng sẽ rơi vào tay ông lớn. Trong khoảng 100 năm, các hãng thu âm đã có được sức mạnh to lớn. Tất cả các hãng thu nhỏ và nghệ sĩ đơn lẻ đều bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Sau đó thì, như chúng ta đã biết, Napster của Shawn Fanning xuất hiện và làm rung chuyển cả ngành công nghiệp. Chỉ mất có 5 năm để Napster làm điên đầu một nền công nghiệp hơn 100 năm tuổi. Sức mạnh đã chuyển từ những hãng thu âm lớn kiểu nhện sang các tổ chức nhỏ kiểu sao biển như Grokster và eMule. Ðó là ví dụ về một cuộc cách mạng phân tán trong hành động.

Hãy nhìn vào biểu đồ thể hiện sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc suốt 115 năm dưới đây, chú ý rằng năm 1890 thị trường âm nhạc đang bị chi phối bởi các nghệ sĩ. Ðến thời điểm tiếp theo, năm 1945, các hãng thu âm độc lập xuất hiện, cùng lúc đó tổng doanh thu trong ngành âm nhạc tăng lên và thị phần của các nghệ sĩ giảm xuống. Tiền chạy sang lĩnh vực kinh doanh thu âm. Không ai làm giàu được từ những buổi biểu diễn của Joachim đầu thế kỷ 19, nhưng khi ngành công nghiệp thu âm ngày càng trở nên tập trung thì các công ty càng thu lợi nhiều hơn. Trước khi đĩa hát ra đời, Joachim chỉ có thể biểu diễn trước 1.000 khán giả. Nhưng ngày nay, những đĩa hát của Perlman có thể đem bán cho hàng triệu người, với phần lợi nhuận béo bở dành cho hãng thu trên mỗi đĩa hát. Cuối thế kỷ 20, sự chuyển đổi lại càng rõ rệt. Nhánh biểu đồ năm 2000 đã thể hiện một nền công nghiệp dần dần dần đạt đến sự tập trung ở mức cao. Năm ông lớn đã nắm phần lớn thị trường khổng lồ này và thu được rất nhiều lợi nhuận. Chúng ta đã biết sự kiện xảy ra năm 2001 khi Napster xuất hiện. Ðến năm 2005 thì ngành công nghiệp này đã thay đổi rất nhiều. Sony và BMG hợp nhất, Tower Record phá sản, đám thiếu niên cũng không còn tụ tập ở cửa hàng đĩa CD để mua album mới nữa. Doanh thu của các ông lớn còn lại giảm 25% so với năm 2001. Phần doanh thu này chạy đi đâu?

Không phải là chạy vào túi các đấu thủ P2P. Chúng biến mất. Các tổ chức phân tán không được xếp hạng về tiền (trừ một trường hợp đặc biệt mà chúng ta sẽ biết tới ở chương sau), nhưng chính các tổ chức này đã làm cho doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc giảm xuống.

Ðây cũng chính là nguyên tắc thứ sáu của phân tán: Khi một ngành công nghiệp trở nên phân tán thì tổng lợi nhuận sẽ giảm đi. Giới thiệu một con sao biển với tài chính cũng chính là vẫy chào tạm biệt lợi nhuận cao. Ðó chính là lý do vì sao bạn luôn phải thận trọng với những con sao biển trước khi chúng tràn như bão vào một ngành công nghiệp nào đó.

Bí quyết là bạn phải dự đoán được những thay đổi trước khi nó diễn ra. Câu chuyện các nhà đầu tư Pháp cho ta thấy một điều, để phân biệt một con nhện và một con sao biển không phải là điều dễ nếu ta không chuẩn bị trước. Nhất là khi bạn không đặt ra đúng câu hỏi. Ðó chính là điều mà MGM và các hãng thu âm đang làm: liên tiếp đi theo vết xe đổ của các nhà đầu tư Pháp. Khi các nhà đầu tư Pháp, vị tướng Tây Ban Nha hay người đứng đầu các hãng thu nổi tiếng gặp phải một hệ thống mở, họ mở nắp ra và nhìn vào bên trong. Và khi không thấy một hệ thần kinh trung tâm, họ sẽ loại bỏ nó hoặc chỉ coi nó như một con nhện tầm thường.

Vậy làm thế nào chúng ta tránh được vết xe đổ của người Pháp? Bằng cách hỏi đúng những câu hỏi.

Có người phụ trách không?

Một hệ ép buộc phụ thuộc vào thứ tự và cấp bậc, luôn có một kim tự tháp, và luôn có một người phụ trách. Nói tóm lại, nếu thấy một Giám đốc điều hành, thì rất có thể bạn đang gặp một con nhện. Ngược lại, một hệ mở rất "bằng phẳng". Không có kim tự tháp nào cho ai ngồi trên đỉnh cả.

Rõ ràng MGM có một CEO, ông ta là người ra lệnh và quyết định nên tham gia vào thị trường nào, theo đuổi chiến dịch ra sao và đâu sẽ là công ty P2P tiếp theo bị săn đuổi. Ở đây có sự phân cấp và giải trình rõ ràng, ngay cả CEO cũng phải báo cáo với hội đồng.

Người Apache thì lại không đưa ra một quyết định tập trung nào. Mỗi người đều là người phụ trách. Tù trưởng có thể đưa ra lời khuyên, nhưng không bao giờ ra lệnh cho bất cứ ai. Bill W. thành lập AA, nhưng sau đó đã rút lui rất nhanh. Và eMule thì không chỉ không có CEO mà thậm chí còn không ai biết người đã sáng tạo ra nó. Và chắc hẳn những nhà đầu tư Pháp cuối cùng cũng nhận ra rằng - xin lỗi Dave - Internet không hề có ngài chủ tịch nào cả.

Có tồn tại một cơ quan đầu não không?

Mỗi tổ chức kiểu nhện đều có một cơ quan đầu não thực thụ. Cơ quan ấy quan trọng đến nỗi nếu muốn biết chắc một công ty có thực sự tồn tại hay không, ta sẽ kiểm tra địa chỉ thật của trụ sở công ty đó. Không ai đặt những món đồ trang sức vô giá từ những công ty chỉ có mỗi mẫu đơn đặt hàng.

Bạn muốn ghé thăm Giám đốc điều hành của MGM? Hãy chuẩn bị hành lý và bay đến Los Angeles. Bạn muốn tìm gặp người đứng đầu eMule? Vậy thì chúc bạn may mắn! Bởi vì các tổ chức sao biển không phụ thuộc vào một địa điểm cố định hay một trụ sở trung tâm nào cả. Ðồng ý là hội AA có một địa chỉ thật và một danh sách các văn phòng ở New York, nhưng đó không phải là nơi AA thực sự tồn tại. Tổ chức này phân bố trên hàng ngàn các cộng đồng, trung tâm, nhà thờ, thậm chí cả các sân bay. AA được tìm thấy ở bất cứ đâu mà một nhóm thành viên chọn để tập họp.

Nếu bạn đấm vào đầu nó, nó có chết không?

Nếu bạn cắt đầu một con nhện, nó sẽ chết. Khi bạn lấy đi cơ quan đầu não, có nghĩa là bạn đã giết chết một tổ chức kiểu nhện. Ðó chính là lý do vì sao những kẻ giết thuê luôn đuổi theo ám sát các tổng thống, và quân đội thì luôn canh giữ các thủ đô.

Những con sao biển thì không có đầu cho ta cắt. Khi người Tây Ban Nha sát hại các tù trưởng Apache, lập tức có những người khác lên thay. Khi Bill W. qua đời, tổ chức AA vẫn tiếp tục lớn mạnh. Và nếu như một ngày nào đó những hãng thu âm có tìm ra được người đã tạo ra eMule đi nữa thì chương trình này vẫn sẽ tiếp tục như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Có sự phân công vai trò rõ ràng không?

Hầu hết các tổ chức tập trung được chia thành các bộ phận khác nhau, và sự phân chia này khá chắc chắn. Bộ phận marketing chỉ làm marketing, và bộ phận quản trị nhân lực chỉ lo quản trị nhân lực. Vai trò và trách nhiệm của mỗi bộ phận được xác định. Ðôi khi một bộ phận sẽ làm nhiều nhiệm vụ, nhưng chắc chắn chỉ đảm nhiệm một chức năng, giống như một chân nhện. Trong một tổ chức nhện khỏe mạnh, mỗi cái chân đều vững chãi và giúp nâng đỡ trọng lượng của con nhện ấy.

Trong một tổ chức phân tán, ai cũng có khả năng làm mọi việc. Mỗi phần của một tổ chức phân tán cũng giống như chân sao biển: không cần phải báo cáo cho cơ quan đầu não và chỉ phải chịu trách nhiệm về chính bản thân mình. Nếu một thành viên của AA muốn thành lập một nhóm mới, hay một thành viên của eMule muốn post lên hàng ngàn bài hát mới, họ đều có thể. Mỗi hành động - và mọi hoạt động đều là công việc của một thành viên.

Nếu mất đi một đơn vị, tổ chức có bị thiệt hại gì không?

Các đơn vị của một tổ chức phân tán - theo định nghĩa - là hoàn toàn độc lập và tự quản. Nếu bị cắt đi một đơn vị, cũng giống như sao biển, tổ chức vẫn hoạt động bình thường. Trên thực tế, cái chân bị cắt rời đó sẽ phát triển thành một tổ chức hoàn toàn mới. Tách một nhóm AA ra khỏi tổ chức AA mẹ, cả hai sẽ vẫn tồn tại bình thường. Nhóm AA mới thậm chí có thể tạo ra một tổ chức hỗ trợ cai nghiện mới. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn huỷ đi một nửa số website trên thế giới? Internet sẽ vẫn tồn tại. Thế nếu huỷ đi 95% thì sao? Một lần nữa, hệ thống này sẽ tiếp tục như thường. Trong thực tế nó được thiết kế sao cho có thể chống lại một cuộc tấn công hạt nhân. Cũng như vậy, nếu lấy đi một mảng của mạng P2P, có thể bạn sẽ có ít bài hát hơn trong một thời gian, nhưng rất nhanh sau đó mạng lưới sẽ tự xây dựng lại.

Trong các tổ chức tập trung, mỗi bộ phận đều rất quan trọng. Ðiều gì sẽ xảy ra nếu con nhện bị mất đi một chân? Sự linh hoạt của nó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rồi nó sẽ tiếp tục mất đi những cái chân khác và tính mạng bị đe dọa. Tách bộ phận kế toán khỏi một công ty, bộ phận này không thể tự đâm chồi một cách kỳ diệu thành một tổ chức mới. Lấy đi xí nghiệp sản xuất của một công ty tức là bạn đã gây ra một tổn thất không gì bù đắp được.

Tri thức và sức mạnh là tập trung hay phân bố đều?

Trong các công ty kiểu nhện, sức mạnh và tri thức được tập trung ở bộ phận cấp cao nhất. Người phụ trách được coi là người có tri thức nhất và có quyền đưa ra những quyết định then chốt. Khi cơn bão năm 1935 tấn công quần đảo Keys, cơ quan Khí tượng Thủy văn Mỹ phải là đơn vị nắm thông tin rõ nhất và được quyền quyết định làm thế nào để chống lại cơn bão đang đến gần.

Trong các tổ chức sao biển, sức mạnh được chia đều khắp hệ thống. Mỗi thành viên đều có sức mạnh và tri thức bình đẳng như nhau. Mỗi nhóm AA đều hiểu thành viên của mình cần gì, và mỗi nhóm có thể tự quyết phải hành động thế nào cho phù hợp với những nhu cầu đó.

Tổ chức đó linh hoạt hay cứng nhắc?

Các tổ chức phân tán rất linh động và vô định. Bởi vì sức mạnh và tri thức được phân bố rộng, mỗi đơn vị độc lập có thể nhanh chóng phản ứng lại những tác động bên trong cũng như bên ngoài. Các đơn vị đó thường xuyên lan rộng, phát triển, thu hẹp, biến thể, tan rã và tái sinh. Những đặc điểm này làm cho tổ chức trở nên rất linh hoạt. Ví dụ như Internet: mỗi ngày có hàng ngàn trang web mới được tạo ra và vô số trang web khác mất đi. Cũng thế, AA nhanh chóng biến thể thành các tổ chức mới ngay khi xuất hiện nhu cầu. Ðiều này không phụ thuộc vào lịch sử hình thành AA như thế nào hay ngày nay nó đã phát triển rộng khắp ra sao. Mỗi phần của tổ chức có thể dễ dàng biến thể chỉ trong thời gian một chiếc lá rơi. Mỗi chân sao biển đều có được sự tự do và bình đẳng, chúng có thể đi theo vô số hướng khác nhau.

Các tổ chức tập trung phụ thuộc nhiều vào cấu trúc, và vì thế trở nên cứng nhắc. Nhân viên ngân hàng không thể - vào một ngày đẹp trời nào đó - quyết định sẽ bán nước chanh ở chi nhánh của mình thay vì mở các tài khoản.

Có thể đếm được các thành viên không?

Bạn có thể đếm được số lượng thành viên của một tổ chức kiểu nhện. Chỉ cần kiểm tra bảng lương, danh sách thành viên hay các hồ sơ giấy tờ khác. Ngay cả với các tổ chức mật như CIA - đơn vị luôn giữ bí mật thông tin thành viên - chúng ta cũng có thể biết được họ có bao nhiêu nhân viên đặc vụ. Thậm chí một người bên ngoài hệ thống cũng có thể dự tính được, chỉ cần truy cập đúng nguồn tin.

Ngược lại, việc tổng kết số lượng thành viên của một tổ chức sao biển là một nhiệm vụ bất khả thi. Không phải chỉ bởi chẳng ai theo dõi chuyện đó, mà còn vì bất cứ ai cũng có thể trở thành thành viên, hoặc tự do rút khỏi một tổ chức mở. Hiện nay có bao nhiêu người đang sử dụng Internet? Một câu hỏi không ai có thể trả lời. Ðiều tốt nhất bạn có thể làm là ước tính xem có khoảng bao nhiêu máy tính nối mạng. Nhưng thực sự có bao nhiêu người đăng kí thuê bao Internet? Bao nhiêu người sử dụng Internet tại các điểm truy cập công cộng? Hay khó hơn nữa, tất cả có bao nhiêu người dùng Internet? Con số ước tính gần đây, 950 triệu , chỉ là một thống kê tương đối. Thậm chí cứ giả sử rằng bạn có thể làm cuộc khảo sát, đi hỏi từng người một và đưa ra con số chính xác, thì kết quả đó cũng sẽ không còn chính xác chỉ vài phần nghìn giây sau, khi có một thành viên mới nào đó đăng nhập vào Internet.

Cũng tương tự, quân đội Tây Ban Nha có thể cho bạn biết họ có bao nhiêu doanh trại, nhưng họ không bao giờ biết được có bao nhiêu người Apache ở ngoài kia. Và ai biết được là có bao nhiêu chi hội AA đang hoạt động trên toàn thế giới, bao nhiêu người đang dùng eMule tại mỗi thời điểm khác nhau?

Nhóm làm việc được chu cấp bởi tổ chức hay tự túc?

Do tính độc lập tự quản nên mỗi đơn vị trong một tổ chức phân tán luôn tự túc các chi phí của mình. Trong các tổ chức mở thường không tồn tại ngân quỹ trung tâm. Mỗi đơn vị độc lập có thể nhận chu cấp từ các nguồn bên ngoài, nhưng họ rất có trách nhiệm trong việc nhận và quản lý các nguồn quỹ đó.

Mọi thứ rất khác đối với một hệ tập trung. Trong khi một số bộ phận sản sinh lợi nhuận, một số bộ phận khác sẽ phải gánh chịu các chi phí truyền thống. Cơ quan đầu não sẽ phân phối lại lợi nhuận để đảm bảo rằng mỗi bộ phận đều có được nguồn thu xứng đáng. Mất đi quỹ trung tâm, các bộ phận sẽ không tồn tại được. Ví dụ nếu MGM quyết định cắt giảm toàn bộ ngân sách marketing thì bộ phận này sẽ nhanh chóng ra đi.

Nhóm làm việc bằng cách trao đổi trực tiếp hay qua các phương tiện trung gian?

Trong các tổ chức tập trung điển hình, thông tin quan trọng được xử lý thông qua cơ quan đầu não. Khi cơn bão năm 1935 ập đến, Sheeran phải thông báo những lo lắng của ông tới các vị lãnh đạo ở Jacksonville - những người sau đó sẽ quyết định có cử tàu cứu hộ đến hay không. Cũng thế, trong một đề án marketing điển hình, bộ phận marketing sẽ nghiên cứu tình hình tiêu thụ của một mặt hàng và trao đổi thông tin đó với những người phụ trách công ty. Sau đó những người phụ trách sẽ quyết định phải phản ứng như thế nào với thị trường rồi ra lệnh cho nhà máy tăng hay giảm sản lượng của sản phẩm đó.

Chính quyền Xô Viết trước đây đã áp dụng đặc biệt gắt gao mô hình này. Nếu một người dân ở Urengoy gọi điện thoại cho bạn ở Tazovsky, cách khoảng 100 dặm về phía bắc, thì cuộc gọi sẽ được chuyển tiếp qua Moscow, cách đó hàng ngàn dặm về phía đông. Tất cả mọi cuộc gọi đều phải chuyển tiếp qua Moscow. Tại sao vậy? Vì Ðiện Kremlin muốn kiểm soát xem bạn đang bàn bạc chuyện gì. Xem bạn có âm mưu lật đổ chính quyền hay chỉ đơn thuần hỏi chỗ mua phụ tùng thay thế cho chiếc xe tải. Chính quyền Xô Viết không phải là những người đầu tiên, cũng không phải những người cuối cùng muốn có sự kiểm soát trung tâm các đường dây trao đổi thông tin. Ngay cả đế chế La Mã, mặc dù đã phân bố khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn duy trì một hệ thống vận chuyển trung tâm. Chính vì thế mới có câu "Mọi con đường đều dẫn đến La Mã."

Ngược lại, trong một hệ mở, việc trao đổi thông tin được thực hiện trực tiếp giữa các thành viên. Nếu bạn là một thổ dân Apache hay một người dùng eMule, bạn có thể trao đổi trực tiếp với các thành viên khác. Không có con đường nào dẫn đến La Mã, đơn giản bởi không tồn tại La Mã nào cả. Và lúc đó thì dù muốn, bạn cũng không thể chuyển tiếp cuộc gọi của mình qua Moscow.

Quân đội Tây Ban Nha


Có người phụ trách


X



Không có người phụ trách


Có cơ quan đầu não


X



Không có cơ quan đầu não


Nếu đập vào đầu nó,

nó sẽ chết

X



Nếu đập vào đầu nó,

nó vẫn sống

Có phân công vai trò rõ ràng


X



Không có sự phân công vai trò rõ ràng


Nếu mất đi một đơn vị, tổ chức sẽ bị ảnh hưởng


X



Nếu mất đi một đơn vị, tổ chức không bị ảnh hưởng


Tri thức và sức mạnh

tập trung

X



Tri thức và sức mạnh

phân tán


Tổ chức cứng nhắc


X



Tổ chức linh hoạt


Các đơn vị được tổ chức chu cấp


X



Các đơn vị tự túc kinh phí


Có thể đếm được

số thành viên

X



Không thể đếm được

số thành viên

Các nhóm làm việc trao đổi thông tin qua phương tiện trung gian



X


Các nhóm làm việc trao đổi thông tin trực tiếp




Tập trung


9


1


Phân tán



Người Apache


Có người phụ trách



X


Không có người phụ trách


Có cơ quan đầu não



X


Không có cơ quan đầu não


Nếu đập vào đầu nó,

nó sẽ chết


X


Nếu đập vào đầu nó,

nó vẫn sống

Có sự phân công vai trò

rõ ràng


X


Không có sự phân công

vai trò rõ ràng

Nếu mất đi một đơn vị,

tổ chức sẽ bị ảnh hưởng


X


Nếu mất đi một đơn vị,

tổ chức không bị ảnh hưởng

Tri thức và sức mạnh

tập trung


X


Tri thức và sức mạnh

phân tán

Tổ chức cứng nhắc



X


Tổ chức linh hoạt


Các đơn vị được chu cấp bởi tổ chức



X


Các đơn vị tự túc kinh phí


Có thể đếm được số

thành viên

X



Không thể đếm được số thành viên


Các nhóm làm việc trao đổi thông tin qua phương tiện trung gian



X


Các nhóm làm việc trao đổi thông tin trực tiếp




Tập trung


1


9


Phân tán




Con số tính cho đến năm cuốn sách này xuất bản lần đầu tiên, năm 2006.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #18#truyen