Say Mộng Trần Gian
Tóc chuốt sáp búi cao cài trâm phượng, kim hoa điền [1] bằng vàng khảm ngọc đeo trên trán, hoa tai bằng ngọc ánh lên sắc xanh trong mát dịu. Tay đeo vòng ngọc, chuỗi trân châu, vòng đồi mồi. Áo gấm thêu hoa, gấu áo đính ngọc châu, váy thường lả lướt, hài cong thêu phượng. Người con gái nọ nhón chân ngồi lên võng, theo đám rước rỡ ràng đi khỏi phố Tây Nhai.
[1] Kim hoa điền: loại trang sức thường thấy trên các tượng, điêu khắc thời Lý - Trần, gồm các mảnh hình hoa sen, hoa cúc bằng vàng hoặc bạc nối nhau thành dải, mang trên trán, kết thúc ở hai tai bằng hai dải lụa màu buông dài (có khi không dùng hai dải lụa này). Từ "kim hoa điền" là từ tạm gọi theo trang Đại Việt Phong Hoa, ở đây mình mạn phép mượn dùng.
Tháng ba trời trong, gió đưa liễu rũ, trên mỗi cây liễu mướt xanh dọc phố treo một chiếc đèn lồng. Đèn lồng nối dài dằng dặc xuyên qua phố chợ đến tận cổng tây Hoàng thành. Đám rước theo con ngựa ô khớp bạc kiệu vàng phía trước, xuyên qua Hoàng thành, đi về cửa ngõ đằng đông, đến Bắc Giang.
Dưới cái nắng hanh hao cuối xuân đầu hạ, Thăng Long ở lại, còn người con gái ấy hạ giá theo chồng.
Thái ấp của chàng rộng lớn, có nương lúa mênh mông, có Thiên Đức lờ lững vắt ngang, có Nhị Hà [2] êm êm xuôi chảy. Đến sông Thiên Đức [3], chàng gửi ngựa bên bờ, đám rước đi đường vòng, hai người ngồi thuyền trên sông, tròng trành về phủ.
[2], [3] Là sông Hồng và sông Đuống.
Nắng rải trên mui, mũi thuyền rẽ nước xô sóng vào bờ. Nước lóng lánh nắng, nắng rọi làm dậy lên hơi nước mát lạnh, phả khắp mặt nàng. Thình lình, trong tầm mắt xuất hiện một bàn tay. Người nọ đưa một chiếc bánh gói lá dừa cho nàng, tần ngần thế nào lại rụt về, bóc hết lá dừa đến lá chuối rồi mới đưa sang. Chàng nhẹ giọng:
- Em ăn đi, lễ lạt phải đến chiều muộn mới xong.
Thượng Trân nhẹ giọng cảm ơn, lấy chiếc bánh xu xê vàng vàng trong vắt thoảng hương dành dành từ tốn ăn. Nàng vừa ăn xong chàng đã đưa một chiếc nữa, cũng được bóc sạch lá như chiếc ban đầu. Chàng săn sóc nàng chu đáo đến thế nhưng chỉ mình nàng biết, ánh nhìn của chàng luôn trong lạnh, điềm tĩnh, tựa như quan tâm người xung quanh là thói quen, là việc chàng tiện tay nên làm.
Mấy năm thân sơ và qua nhiều lời đồn, nàng thừa hiểu trong mắt chàng không có tình yêu, không có giang sơn, chỉ có con dân Đại Việt. Chàng là người có duyên với Phật, nếu không mang họ Trần chàng đã không cưới nàng, thậm chí, có thể chàng đã thanh tu.
Nhưng chí tu hành của chàng lại là may mắn của Thượng Trân: nghe kể chàng từng bảo với thầy u, nếu phải lấy vợ chàng chỉ lấy một người. Người đó đáng lẽ là Huyền Trân, run rủi thế nào lại trở thành nàng.
Nếu đã bèo nước gặp nhau thôi thì mặc nước chảy bèo trôi, bèo vẫn là bèo, nước vẫn là nước. Nàng đi cùng chàng một quãng trong đời là duyên, chừng khi hết mối duyên trần, chàng có thể thảnh thơi theo Phật.
Suốt mười chín năm hạ giá, Thượng Trân vẫn cho rằng mình là kiếp của Quang Triều. Kiếp qua, người đi.
Niềm tin ấy ăn sâu đến độ nàng tưởng đêm tân hôn phải lược đi bước cuối cùng: động phòng. Nên khi nến tắt, dáng người thoảng hương cỏ cây đến gần Thượng Trân mới giật mình, vỡ lẽ.
Phật dạy phải đoạn thất tình, lục dục, bát khổ [4], cũng dạy về chữ hiếu. Chàng muốn làm Phật tử, trước hết phải làm hiếu tử; nếu chỉ lo tận đạo mà quên chữ hiếu, chàng đã không cưới nàng.
[4] Thất tình: bảy thứ tâm trạng của con người gồm Mừng (hỷ), Giận (nộ), Buồn (ai), Ghét (ố), Yêu, thương (Ái), Vui (lạc).
Lục dục: sáu sự ham muốn gồm Sắc dục, Thành dục, Hương dục, Vị dục, Xúc dục, Pháp dục.
Bát khổ: tám nỗi khổ của kiếp người, bao gồm Sinh khổ (sống), Bệnh khổ (bệnh), Lão khổ (già), Tử khổ (chết), Ái biệt ly khổ (yêu mà chia lìa, sinh li tử biệt), Oán tăng hội khổ (gặp gỡ, tiếp xúc với người hay điều mình ghét), Cầu bất đắc khổ (cầu mà không được) và Ngũ uẩn xí thạnh khổ (sự hội tụ và xung đột của ngũ uẩn sắc - thụ - tưởng - hành - tức trong cơ thể).
Kiếp của chàng bắt đầu từ đêm đó.
Mấy ngày đầu sau hôn lễ, Quang Triều được miễn lên chầu nhưng vẫn dậy từ canh năm. Chàng ngồi trên sập lần tràng hạt, niệm Chú đại bi cho đến khi nghe tiếng chuông chùa vang vang cạnh phủ. Thượng Trân bấy giờ vừa dậy, thấy người trên sập tĩnh lặng, nghiêm trang cũng bất giác rón rén theo, nhón chân ra ngoài tìm con hầu lấy nước rửa mặt. Con hầu đứng sẵn trước hiên hơi hoảng, nàng phải suỵt, chỉ người đang niệm kệ bên trong nó mới "ồ" ra.
Những ngày sau, biết thói quen của chàng, lúc chàng thức Thượng Trân sẽ thức cùng. Có bận chàng hỏi nàng chỉ qua loa đáp mình đã quen giấc, đáp xong che miệng ngáp dài, sang thư phòng lấy sổ sách trong phủ ra xem.
Khi chàng ở chính tẩm, nàng sẽ đến nhà trong; khi chàng vào nhà trong, Thượng Trân lại mất hút. Hai người không mấy khi ngồi cùng một nơi, trừ bữa ăn hay cùng ngồi ngựa thuyền thượng kinh. Quang Triều không thắc mắc, chỉ nheo mắt nhìn mỗi lần nàng sợ phiền chàng mà tránh đi. Rồi có một trưa, sau giờ thiện, chàng lẽo đẽo theo nàng đến nội tẩm rồi lại ra chính tẩm, đi đi về về ba bốn lượt. Nàng nghệch mặt buồn cười:
- Chàng định đi đâu ạ?
- Sau này không cần tránh mặt tôi. Làm việc ở đâu thoải mái thì em cứ làm.
Chàng dặn, giọng điềm nhiên, từ tốn, ánh mắt vẫn ôn hoà tĩnh tại như hồi đầu quen nhau. Ánh mắt ấy khiến nàng chợt nhớ chuyện cách đây đã lâu, khi mới ban hôn, nàng chờ chàng ngoài Quốc học viện, hỏi thẳng:
"Vương gia có đồng ý cưới tôi làm vợ không?"
Chàng đáp ngay, không hề ngạc nhiên hay khó chịu:
"Đồng ý chứ."
Mặc kệ chàng là cháu Vạn Kiếp, nàng là con Tức Mặc; mặc kệ hai chi họ Trần mâu thuẫn hằn sâu; mặc kệ cái tiếng lạnh bạc hờ hững của chàng, nàng chỉ cần người mình hạ giá lấy cam tâm tình nguyện chấp nhận ban hôn. Đó là danh dự của nàng, cũng là một lẽ để nàng bấu víu, rằng mình cũng được người khác quan tâm.
Ánh mắt của chàng hôm ấy cũng giống bây giờ, trong veo như nắng xuân, bình lặng như dòng Thiên Đức, tĩnh tại như đoá sen trong hồ chùa Diên Hựu [5] mà năm nào nàng cũng mượn búp ướp chè.
[5] Chùa Một Cột.
Từ hôm đó, chàng ngồi đọc sách hay niệm kệ trên sập, còn án thư, chõng tre trước hiên là chỗ của nàng tất. Thỉnh thoảng có mấy sự vụ to ở thái ấp như mất mùa hay vỡ đê, nàng xin ý chàng điều người ra giúp dân. Mấy lượt trò chuyện được thể dài ra. Có hôm nàng xin kinh nghiệm xem sổ sách, có hôm lại nhờ chàng giảng kinh Phật cho nghe.
Chàng biết nàng không tin Phật nhưng chàng tin ai cũng có sẵn Phật tính, thế là dốc lòng giảng dạy. Nàng nghiêm túc ngồi nghe, nghe hiểu thì gật đầu, không hiểu thì nhíu mày nghiền ngẫm, tuyệt không hỏi lại. Đôi lúc đọc bút tích trên bàn nàng quên cất, chàng phát hiện nàng nhớ rất tốt. Những điều chàng giảng, nếu không thấu nàng sẽ chép lại rồi bình luận, kiến giải đôi câu.
Hai năm lặng lẽ qua đi, nước bận lớn bận ròng, lòng người vẫn như thế. Đến cái hôm nghe tin công chúa Huyền Trân phải hoà thân ở Chiêm Thành, lấy chồng nơi đất khách, vẻ ung dung thường ngày của Thượng Trân đổ vỡ. Nàng không báo trước với chàng mà vào Phượng thành, ở đó suốt một tuần. Quang Triều cũng chẳng quấy nàng, chỉ sai thêm vài người theo hầu, dặn nàng giữ gìn sức khoẻ.
Ngày thứ mười một, chàng vào chầu, lúc về tình cờ gặp nàng được cung tì dìu qua cửa đông. Áo tứ điên màu xanh mạ thùng thình, hai má gầy sọp, hốc hác, mắt thâm quầng trũng sâu, môi tái nhợt. Mày nàng nhíu chặt, vẻ chỉn chu, bình thản ngày thường bay biến. Lòng chàng nao nao, xa cách mười ngày mà tưởng như qua một đời rồi gặp lại.
Chàng biết chẳng ai làm gì Thượng Trân cả, mà nàng tiều tụy vì khổ trong lòng. Huyền Trân từng được ban hôn cho chàng, sau lại đổi thành nàng. Hai chị em mang hai vận khác nhau: nàng được ấm yên bên chồng ở đất Gia Lâm, còn Huyền Trân sắp phải gả đi nơi xa, lấy một quân vương hơn mình nhiều tuổi để mở mang bờ cõi. Bao nhiêu áy náy, bất lực, đau đớn dồn cả vào ánh mắt. Chàng tưởng sẽ nháy mắt sau nàng sẽ thở dài, hoặc khóc, hoặc ngất, nhưng không. Nàng nhìn chàng, mày vẫn cau, đôi mắt chằng chịt tơ máu nghiêm nghị:
- Phụ hoàng, Quan gia và Thái hậu đang quyết xem có nên để người khác hoà thân thay hay không.
Quang Triều gật đầu. Chuyện này chàng biết. Ba chị em Thượng Trân sức khoẻ không tốt, thổ nhưỡng Chiêm Thành không như Đại Việt, tục lệ cũng khác. Thượng hoàng trót hứa nhưng Thái hậu xót con, hẳn sẽ bàn thêm kế sách sao cho đẹp lòng trăm họ.
- Vương gia. - rồi đột nhiên, nàng hạ giọng - Người đi thay là chị cả của chàng.
Lần đầu tiên Thượng Trân thấy Quang Triều bàng hoàng, kinh hoảng đến vậy. Đôi mắt tĩnh lặng như sông Thiên Đức thoáng chốc biến thành lũ Nhị Hà. Chàng nhắm mắt, cắn răng, tay sít chặt. Một khắc trôi qua, phải hít thở sâu mấy lần mới dần bình tĩnh lại. Lúc phẫn nộ thì nén lời muốn nói, khi bình tĩnh Quang Triều lại không biết nói gì hơn. Họ là quân, chàng là thần, thánh chỉ ban ra có ngăn được không?
Chi Vạn Kiếp từng có một người đủ uy can gián, nhưng người ấy mất rồi. Cũng vì người mất, cả chi mất đi chỗ dựa, họ Trần trên ngai mới không cố kỵ bao nhiêu nữa. Bây giờ còn ai ngăn cho đặng miệng rồng? Ai ngăn nổi số trời?
Quang Triều lắc đầu, đỡ Thượng Trân đang ngẩn người ra xe ngựa chờ sẵn ngoài cửa đông, xong lại định đi nhưng bị Thượng Trân níu lại. Nàng ngoắc tay ý bảo chàng cùng về, bấy giờ chàng mới hay người này đang cùng chịu với chàng một nỗi.
Trong khoang xe, nàng buông mắt không nhìn hay chuyện trò gì với người ngồi cạnh. Nàng chỉ nhìn tay chàng đang lần chuỗi bồ đề hằng đeo, bàn tay run run, ngón tay miết chặt từng vân mắt Phật. Người sắp gả thay là chị cả của chàng, chị họ của nàng, người bị phế truất từ hồi Quan gia mới lên ngôi, chịu cảnh sống lầm lũi trong một con ngõ ở Tây Nhai.
Chàng không nỡ, nàng cũng không nỡ.
Tại sao người gả thay không phải là ai khác mà là chị cả của Quang Triều? Vì ông chàng Hưng Đạo Đại vương và thầy chàng Hưng Nhượng vương công cao lấn chủ, vì hiềm khích bấy lâu giữa hai chi vẫn nguyên đó chưa được cải hoà, hay vì ý trời, vì số kiếp, thế thôi?
Đêm, Thượng Trân sốt cao. Chàng chăm nàng được một lúc thì thiếp đi, tỉnh dậy đã đến giờ vào chầu.
Trên điện, chuyện hoà thân có người can ngăn, có người đồng tình. Nhưng lúc Quan gia vừa ướm hỏi, ý để con gái cả của Hưng Nhượng vương gả thay, triều thần ai nấy hít sâu, sượng người thảng thốt.
Làm thế có khác nào cái vị trên ngai mấy đời trước, mang danh "quân tử bạc tình, chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao" như dân gian đồn đại?
Quan gia trầm tư hồi lâu, đến chừng hỏi ý Quang Triều chàng chỉ vái một vái, nhẹ giọng:
- Thần vâng theo mệnh vua.
Triều thần lại "ồ" lên, bảo chàng vì đại nghĩa, vì lấy lòng quân vương mà vô tình với chị em ruột.
Mắt chàng tối sẫm, đầu choáng váng, về đến phủ tai vẫn còn ong ong, thần trí mơ màng.
Không ai hiểu chàng, không ai đứng ở vị thế của chàng. Chàng chỉ e nếu mình nói ra lòng riêng, chị cả chắc chắn phải đi Chiêm Thành, thậm chí cả chi Vạn Kiếp cũng bị liên lụy vì lấn lướt quyền vua. Mọi nỗ lực hàn gắn thân tình của ông chàng sẽ vỡ tan. Niềm ẩn nhẫn bao năm của thầy chàng trước lời đồn khi quân quái ác sẽ thành vô nghĩa. Không ai cứu vãng được kết cục ấy, kể cả Phật của chàng.
...
Trời càng về khuya càng tĩnh mịch. Trống canh văng vẳng từng hồi át đi tiếng ve mùa hạ và tiếng ếch nhái inh ỏi gọi mưa. Không rõ đã sang canh mấy mà ngoài sân tối om như vắng trăng, còn trong phòng nến đèn vẫn leo lét. Quang Triều vẫn còn thức. Chàng mài mực, hí hoáy ngọn bút, được một lúc lại ném tờ giấy dó vào chậu than. Giấy cháy rụi. Mấy sợi khói mờ lẩn vẩn trong sương lạnh. Tro bay bay. Lò than hồng vẫn lép bép nổ, từng bước khép lại vòng đời của hòn cháy đỏ rực.
Tiếng Thượng Trân ho khan buộc chàng dời mắt khỏi đống giấy nhàu trên án thư. Không biết nàng dậy từ bao giờ mà lặng im không nói, chỉ nhìn chàng đăm đăm, ánh mắt mệt mỏi. Nàng chống tay ngồi dậy, tựa vào khung giường, thấy chàng không nói năng nên khép hờ mắt. Hơi thở của Thượng Trân rất nhẹ, thế mà nghe vào lại khiến chàng ngơ ngác hồi lâu.
Mười một ngày trước, thái ấp của Quang Triều còn êm ấm. Mười một ngày sau, ruột rối lòng vò.
Chàng bước sang ướm tay lên trán nàng, thấy cơn sốt đã lui mới thoáng yên lòng. Vừa nhìn chàng vừa nhích vào trong, Thượng Trân mím môi, cau mày, tay vỗ vỗ phần đệm trống. Chàng lắc đầu định bảo mình không mệt nhưng thấy ánh mắt toát vẻ ương bướng của người kia, lại thôi.
Nàng cố chấp như thế, thiết tha như thế, tiếc thương như thế.
Thân phàm xác thịt, có mấy ai căng thẳng suốt mười một ngày mà không mệt đâu.
Nến tắt. Cách chàng một cánh tay, nàng trở mình xoay người vào vách. Chàng trườn qua, tay khoác lấy người nàng. Rõ ràng người nàng căng lên, cứng đờ rồi lơi ra rất vội như cố tình che giấu. Chàng ôm sít Thượng Trân vào người, lẩm bẩm:
- Chuyện như thế là đúng rồi, không cần sửa đổi gì đâu.
Nàng ừ nhẹ, mím môi chực khóc.
...
Ý vua gần như đã quyết, chị cả chàng sẽ thay Huyền Trân xuôi nam hoà thân. Tin vừa loan, bao nhiêu lời đồn về câu đáp của chàng trên điện hôm trước lũ lượt kéo đến. Nào là Văn Huệ vương lạnh bạc, nào là Văn Huệ vương muốn lấy lòng vua, nào là Văn Huệ vương tham vinh hoa quên người thân. Dẫu chỉ là đồn ngầm, Thượng Trân vẫn tức giận. Nàng buông tay chực vả miệng một con hầu lắm lời, lại nhớ chàng không thích trách phạt kẻ dưới nên phất tay đuổi nó đi.
Không tha thì làm gì? Nàng lấy đâu ra sức vả hết cả nghìn cái miệng như thế.
Họ Trần nào cũng là người thân của chàng, chị em nào cũng là chị em. Nếu muốn lấy lòng vua chàng đã chẳng tốn cả đêm ngồi viết thư cho chị thứ hai trong hậu cung, viết rồi lại đốt bỏ. Nếu có tính toán chuyện thân sơ chàng đã không nói "vâng theo mệnh vua".
Ai bảo người trong cuộc u mê? Như Quang Triều, chàng sáng suốt đến đáng thương, đáng dè. Nhưng người đời chỉ dè mà không hiểu. Còn nàng, nàng hiểu Quang Triều chứ, nhưng được kẻ vô can đến đời chàng như nàng hiểu giúp thì có ích gì.
Chẳng những thế mà nàng còn sợ Quang Triều đang hối hận. Nếu năm ấy người lấy chàng là Huyền Trân, người đi hoà thân là nàng, hẳn chuyện đã khác. Trong ba chị em nàng Huyền Trân được yêu thương hơn cả; nếu người đi Chiêm Thành không phải em thì làm gì còn ai đắn đo, chị cả của chàng cũng không bị liên lụy.
Vậy nên từ hôm đó, Thượng Trân có ý tránh mặt chồng. Dẫu không muốn nàng cũng phải thừa nhận, chuyện hoà thân lần này đã trở thành vết nứt trong hoàng tộc, cũng là vết nứt giữa vợ chồng nàng. Mấy lần từ thư phòng về, thấy chàng đang ngủ gật bên án thư nàng cũng không dám gọi dậy, chỉ giúp chàng khoác thêm áo. Người ngủ trước, kẻ ngủ sau, không còn chuyện thức cùng một giờ; thể như nàng tin chỉ cần không thấy nàng Quang Triều sẽ không thấy hối hận.
Trung tuần tháng sáu, cũng là một tuần sau đó, chiếu chỉ hoà thân chưa ban xuống hậu cũng đã dấy lên tin đồn. Người chị thứ hai của Quang Triều - Thánh Tư phu nhân - mắc phải tội phạm thượng, bị giam lỏng vô thời hạn.
Lần này, Quang Triều ngã bệnh năm hôm.
...
Mấy ngày không gặp Thượng Trân chàng tưởng nàng quên mất mình rồi, nghe vừa vô lý, vừa buồn cười lại chua xót. Hôm đầu bệnh chàng chỉ mơ hồ thấy bóng nàng thoăn thoắt bên giường, lúc tỉnh lại thì mất hút. Lát sau nàng mang bát thuốc nóng hổi đến, rồi làm gì cho chàng mặt cũng cúi gằm, không vâng không dạ.
Giúp chàng uống thuốc xong Thượng Trân mới nhớ ra từ chiều qua Quang Triều chưa ăn gì. Nàng loay hoay giục con hầu nấu cháo, phần mình thì chạy đôn chạy đáo mời thầy thuốc sang xem lại bệnh giúp Quang Triều. Nghe thầy thuốc bảo chỉ cảm vặt, thể trạng hơi yếu, không đáng ngại gì nàng mới thở phào một hơi.
Quang Triều lặng lẽ nhìn nàng và vị lang y trong phủ đứng trước hiên thì thầm, rồi lảng mắt đi nén lại nôn nao trong lòng. Nhưng chàng nén không được. Giữa đợt lũ, lòng sông hiếm khi được lặng lờ yên ả. Chàng không biết sắp tới lũ có về đợt nữa, riêng hôm nay bỗng nhiên nhẹ nhõm lạ.
Hệt như lúc chàng niệm xong hai mươi mốt biến Chú đại bi vào buổi sáng. Hệt như tháng sáu năm nào về Vạn Kiếp, được chị hai chàng chèo thuyền chở xuôi theo sông Vang ngắm cảnh. Hệt như lúc trèo lên Yên Tử, loanh quanh nghe tiếng gió vi vu trong rừng trúc, để mây mờ lướt qua y phục, phóng mắt ra nhìn khắp giang sơn.
Hay như buổi sáng tiết Trung Thu năm chàng mười một tuổi, được thấy Thượng Trân và đồng bạn nắm tay nhau múa đạp ca bên hồ nước trước khu Quốc học viện. Trời thu không một gợn mây, nước trời trong biêng biếc, gió đưa gió đẩy sóng hồ dợn, lá trúc chao nghiêng. Tiếng hát ca vẳng tận bên trong viện, không những không làm náo động khí thu mà như mực tre chấm phá, mới động đó mà lắng lại, tĩnh tại thành một bức tranh trong lòng chàng.
Hôm đó chưa biết mặt nhau, chàng nghĩ mình không còn duyên gặp lại nàng nữa. Quang Triều cũng không bận tâm lắm, vì với chàng trần gian lắm điều chớp nhoáng, không bận tâm nhiều sẽ thong dong hơn.
Hôm nay đã nên nghĩa vợ chồng mấy năm, chàng không cách nào ơ thờ với chuyện xa cách được nữa. Dù nàng ít khi phiền hà chàng, chỉ lẳng lặng làm xong bổn phận mình, thi thoảng mới luận đàm đôi câu, ẩm chè ẩm rượu đôi lần, lòng chàng vẫn ấm áp.
Nên giữa lúc này mà Thượng Trân tránh mặt, chàng không hiểu, thậm chí còn hơi thất vọng, dỗi hờn. Chàng gạt nhẹ bàn tay nàng đưa bát cháo sang một bên, đưa tay ôm mặt nàng, buộc nàng nhìn thẳng.
Kinh hoảng. Hối hận.
Hoá ra trong lòng nàng chỉ nghĩ bấy nhiêu thôi.
Còn chàng, trong mắt Thượng Trân, ánh nhìn của chàng vẫn trong trẻo, thấu suốt, hiền hoà như ngày đầu nhưng không còn xa cách nữa. Nếu có xa, có cách, giữa hai người chỉ toàn dằng dặc áy náy và khổ đau. Nàng cụp mắt, cảm nhận lòng bàn tay khô ráo, nóng hổi của chàng áp trên má mình không buông. Cái chạm đó khiến nàng mường tượng được cơn lũ dữ trong lòng Quang Triều, thứ nàng muốn nhưng không cách nào thay chàng xoa dịu.
Nàng thử hé mắt. Đôi mắt trên gương mặt đối diện vậy mà vẫn phẳng lặng, thấu triệt, hồ như coi nhẹ tất thảy.
Thượng Trân sụp vai, nhếch môi.
Nàng nghĩ nhiều rồi. Chàng ngộ đạo sớm, không chấp nhất thói đời hay hoàng quyền gì nữa, tất nhiên cũng không chấp nhất nàng. Chàng sẽ không hối hận bởi với chàng, chuyện hai người vốn dĩ là nước chảy bèo trôi. Bèo mặc tình bèo, nước mặc tình nước, không phiền không lụy.
Ngẫm lại lời năm xưa, không biết là may mắn hay bất hạnh.
Thuở trước chàng từng giảng cho nàng về bát khổ. Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ. Những cái vui nửa vời, trước mắt thường sinh ra khổ. Tất cả những điều an lạc đang có rồi sẽ hoại diệt, tạo thành khổ. Thì ra từ lúc nàng hạ giá, mọi thứ định sẵn là khổ, là bi.
Quang Triều bất động, duy bàn tay áp trên má Thượng Trân là run rẩy, luống cuống. Mấy ngón tay co vào duỗi ra vài bận, cuối cùng, chàng rướn người ôm nàng vào lòng, dịu giọng:
- Sao lại khóc rồi?
- Em có khóc đâu ạ.
Giọng Thượng Trân nghèn nghẹn. Nước mắt nàng rỉ rồi lã chã nhưng tuyệt không nấc một tiếng nào. Chàng nhíu mày, ôm ghì bờ vai đang khẽ run, vuốt dọc sống lưng nàng, dỗ dành:
- Ngoan, sao em khóc?
Thấy Thượng Trân không nói, Quang Triều biết nàng khó mở lời nên không ép buộc. Trầm tư một lúc, chàng lờ mờ nhận ra điều gì, cánh tay vừa buông lỏng lại ghì nàng vào. Chàng nói giọng đều đều, bình lặng như lúc niệm kệ nhưng lại khiến người ta lặng lòng mà tin tưởng:
- Thượng Trân, tôi không hối hận, có chuyện gì đi nữa cũng không hối hận.
Dừng một lúc, chàng khẳng định:
- Thật đó. Không phải vì tôi xem nhẹ chuyện đã qua, tôi cũng là người phàm mà. Tôi không hối hận vì lòng tôi thương thật.
Lần này, đáp lại chàng là tiếng Thượng Trân nức nở.
...
Mấy ngày sau, chiếu chỉ hoà thân cuối cùng cũng được định. Người gả đi Chiêm Thành vẫn là Huyền Trân công chúa, còn con gái cả của Hưng Nhượng vương đi theo bầu bạn, giúp đỡ phòng chuyện bất trắc. Buổi làm lễ tiễn đưa ở cổng nam Phượng thành, công chúa, cô cả và đoàn tùy tùng nhất tề quỳ bái biệt. Năm người nhà Hưng Nhượng vương quây quần ôm nhau, chuyện trò lần cuối. Thầy u lo sầu, mày cô hai Thánh Tư cau chặt, Quang Triều vẻ bất lực, không nói năng.
Chỉ có chị cả của chàng, dù đôi mắt sưng húp vẫn toát vẻ chờ mong mãn nguyện. Nàng kéo tay hai người em, thủ thỉ, "vì anh đi nên chị cũng đi".
Nàng liếc sang người đứng cạnh xe ngựa của công chúa, nháy mắt; người nọ vừa hay nhìn lại, chỉ gật đầu thay cho lễ lạt. Quang Triều trông theo y, nhác thấy y nhoẻn cười, lòng đột nhiên nhẹ nhõm.
Chàng nắm tay Thượng Trân, theo chân Quan gia lên đầu thành trông theo đoàn ngựa xe. Có tiếng chúc mừng, có tiếng tung hô, có tiếng khóc, có cả những người dân chỉ lặng nhìn người con gái nọ xuôi nam mà nghẹn lòng. Những thứ này, trong mắt Quang Triều hiện tại, là phận.
Người ta không cãi được phận, thôi thì nương theo nó mà đi. Dù được dạy an nhàn tại tâm nhưng đôi lúc, chàng không tin cảnh cùng cực mà lòng vẫn được an nhàn. Tin lòng người, chẳng thà chàng tin sự từ bi của cao xanh. Với những người không đa đoan, không tham mất còn, bề trên hẳn sẽ khoản đãi.
Ngày tháng lờ lững đong đưa, đất Gia Lâm lại về với vẻ bình yên ban đầu. Phủ đệ của Quang Triều thường thoảng tiếng kệ kinh, tiếng thuyết giảng, tiếng đối thơ.
Quang Triều vẫn như xưa, ngày ngày dậy sớm niệm kệ, ăn sáng, đi chầu rồi lại về xử lý công vụ. Thường thường, Thượng Trân sẽ quanh quẩn đâu đó xem sổ sách hoặc tìm việc giải khuây, mà hễ chàng nhìn sang, nàng vẫn ngồi bên án thư như chưa từng di động.
Mùa thu, sen tàn sót lại gương xanh. Thượng Trân hái vào, tách hạt lấy tâm phơi khô, sao vàng, trộn chung với hoa cúc, hoa hoè, hạt muồng khô làm chè uống dần. Thế là về sau, lúc Quang Triều niệm kệ sớm, nàng vừa hãm chè vừa đợi chàng.
Tâm sen nhẫn, cúc thanh tao. Tiếng nước sôi già. Lò than hồng ấp iu sương sớm. Chuông chùa Gia Lâm vừa thỉnh, chàng mở mắt, sở cầu đời này như đã tụ cả về trên chõng trước hiên.
Mười lăm trăng tròn, hoàng thất vào cung dự yến, thưởng trăng. Nhạc kỹ tấu khúc, tiếng đàn tranh, tỳ bà réo rắt, tiếng sáo cao trong. Trước điện, gần ba mươi thiếu nữ múa đạp ca, tiến lùi cùng một điệu, nhịp nhàng ăn ý.
Má đào môi son, kim hoa điền trước trán có sen có cúc, dải lụa điều thắt lưng phấp phới, váy áo màu mạ non mềm rũ như khói trời. Tiếng ca vang khắp điện. Kẻ uốn người ngẩng đầu, đôi con mắt lấp lánh, ánh nhìn vui tươi trong trẻo; người cúi thấp phất dải lụa trong tay, mỉm cười thẹn e, thoáng lộ răng nhánh hạt huyền duyên dáng. [6]
[6] Đạp ca là một hình thức vừa ca vừa múa theo nhóm của thời Đường, một nhóm gồm nhiều người, có thể lên đến mười mấy người. Sứ thần nhà Nguyên Trần Phu từng được vua Trần tiếp ở điện Tập Hiền vào năm 1293, miêu tả lại nhạc vũ thời ấy trong Sứ Giao Châu tập, trong đó có một đoạn: "(...) Đàn bà để chân trần uốn éo mười ngón tay đứng múa, hơn mười người con trai đều cởi trần khoác vai dậm chân vòng quanh mà hát theo. Các hàng, một người giơ tay thì mười mấy người cùng giơ tay, bỏ tay xuống cũng vậy."
Âm Pháp Lỗ cho biết tên một số ca từ và nhạc khúc thời Trần. Ca từ có Trang Chu mộng điệp, Mẫu tử biệt của Bạch Cư Dị... Nhạc khúc có Yến Dao Trì, Giáng hoàng long, Đạp ca, Thanh giang dẫn, Vọng Giang Nam... Trong đó "Đạp ca" là nhạc khúc truyền từ thời nhà Đường, có điệu múa đi kèm, đã được phỏng dựng.
Đạp ca là nhạc khúc về nhóm thiếu nữ đi hội đạp thanh mùa xuân, lời ca thể hiện cuộc đời khát vọng yên ấm, hạnh phúc. Trong một tài liệu tìm được mà mình đã quên tên, có đoạn tả Đạp ca được múa hát rộng rãi trong dân gian thời Đường, đặc biệt là dùng vào cả dịp trung thu. Ở đây vì chưa rõ lối dùng nhạc thết tiệc của nhà Trần, mà nhạc vũ thời nhà Trần chịu ảnh hưởng sâu sắc thời Đường nên mình phóng tác thêm. Trang phục của vũ công được miêu tả kết hợp giữa các ghi chép về vũ công thời Trần và trang phục vũ công trong bài phỏng dựng Đạp ca (Trung Quốc).
Để tìm hiểu thêm về Đạp ca, có thể tìm trên YouTube với từ khoá "Chinese spring outing dance".
Phồn hoa như mây, nhưng chớp mắt lại làm đẹp ý vẹn tình những người quen việc nghe tiếng binh đao, tin chiến trận.
Tiệc tàn, Quang Triều và Thượng Trân ngồi xe ngựa về phủ công chúa trên phố Tây Nhai. Chợ ngoài cổng thành phía tây họp cả đêm, đèn lồng chấp chới nối đuôi nhau thành dải lụa sáng rỡ. Trên phố rộn rã tiếng trẻ con cười đùa, tiếng mời rao quà vặt, tiếng nam nữ hoà ca. Bên bờ sông nhấp nhô bóng người thả hoa đăng, trên dòng lững thững những chiếc thuyền con treo đèn lồng toả ánh vàng cam dìu dịu.
Thượng Trân hơi say, ngồi trong khoang xe say sưa vỗ tay hát lại giai điệu đạp ca trong yến hội. Quang Triều choàng tay ôm vai nàng, để nàng tựa vào người mình còn hai tay mặc tình múa may. Trông nàng vẫn như thiếu nữ chàng gặp ngoài Quốc học viện năm nào, yêu đời, vô lo mà ca hát. Một nụ hôn rơi trên mái tóc, nàng cười tít mắt, vẫn tiếp tục ngâm nga.
Quân nhược thiên thượng vân
Nùng thị vân trung điểu
Tương tùy tương ỷ
Ánh nhật dục phong
Quân nhược hồ trung thủy
Nùng tự thủy tâm hoa
Tương thân tương luyến
Dư nguyệt lộng ảnh
Nhân gian duyên hà tụ tán
Nhân gian hà hữu bi hoan
Đãn nguyệt dư quân trường tương thủ
Mạc tá đàm hoa nhất hiện. [7]
[7] Phiên âm lời bài hát Đạp ca. Theo An Nam chí lược của Lê Tắc, thời ấy nước ta "(...) Có khi dùng thổ ngữ làm thơ phú phổ vào nhạc để tiện ca ngâm, ngụ đủ tình cảm hoan lạc sầu oán". Có thể lúc truyền sang Đại Việt, bài Đạp ca đã thay đổi về câu từ, hats bằng phiên âm có biến đổi. Cũng không loại trừ khả năng dân ta vẫn hát bằng tiếng Hán. Ở đây mình chép phiên âm của bài Đạp ca được phỏng dựng.
Bản lược dịch của Tiểu Mật Nhi bên trang "Góc Trung Quốc - Văn hoá Nghệ Thuật và Lịch Sử.":
Chàng như mây trên trời, em như cánh chim trong mây.
Quấn quít bên nhau, tắm trong ánh sáng và gió mát.
Chàng như nước trong hồ, em như hoa trong nước.
Kề cận bên nhau, cùng tắm mình dưới ánh trăng.
Nhân gian vì sao tụ tán, nhân gian sao có bi hoan?
Chỉ mong cùng chàng luôn nắm tay đi tiếp, đừng như hoa kia sớm nở tối tàn.
...
Trong vui có khổ, trong khổ ắt có vui.
Đó là điều Quang Triều không giảng giải cho Thượng Trân, nhưng tự nàng lại nhuần thấm sau gần hai mươi năm bầu bạn với chàng ở Gia Lâm.
Mấy bận ly rồi hợp, hợp rồi ly qua đi, người mất cảnh còn, mà kẻ sau cùng ở lại để chứng kiến hết thảy lại là chàng và nàng, như thể cả hai vốn là người ngoài cuộc. Thấu suốt thì thấu suốt, Thượng Trân vẫn không tài nào dứt bỏ ấm lạnh cõi đời. Lục căn chưa tịnh, làm sao thọ giới?
Lúc nàng hỏi chồng mình có ý thọ giới không, chàng cười hỏi lại:
- Nếu tôi thọ giới thì em làm sao? Nếu tôi còn bận tâm em thì làm sao thọ giới?
Nàng nhoẻn cười, dợm nghĩ, có lẽ mình kiếp của chàng thật.
Đến năm thứ mười chín hạ giá, đèn hết dầu tắt, kiếp của chàng cuối cùng cũng hóa thinh không. Trước ngày mất nàng vẫn còn níu tay chàng, dặn chàng nhớ chích máu in Đại Tạng kinh như lời Pháp Loa thiền sư kêu gọi, làm thay cả phần nàng. Nghĩ một lúc nàng lại đổi ý, lắc đầu bảo thôi. Nàng nói nếu công đức nàng không đủ, kiếp sau mới được tiếp tục làm người, mới còn cơ may gặp chàng lần nữa.
- Nếu nhỡ chàng đắc đạo cũng phải nhớ về độ em đấy. - nàng cười mếu.
Mấy hôm sau chàng không còn nghe giọng nàng nữa. Nàng mất trong lúc mê man, không kịp nói câu từ biệt với chàng. Nếu có, sự cô quạnh bất thần trong phủ đệ là lời li biệt đó.
Chàng không có con, cũng không tìm thêm ai bầu bạn mà thỉnh Pháp Loa thiền sư đến nhà truyền giới. Phủ đệ trống vắng khiến chàng bỡ ngỡ, đành phải trốn tránh lòng mình, đến am Bích Động. Ngày ngày chàng ở am chuyên tâm kinh kệ, mở thi xã mời chí hữu thuở niên thiếu đến xướng họa đề thơ. Thỉnh thoảng đi thuyền vào chầu, mưa bụi gõ trên mui bồng, mặt nước lao xao, chàng lại nhớ vu quy năm nào nàng còn ngồi cạnh chàng trong mui, nhỏ nhẻ ăn bánh xu xê chàng đưa cho.
Thấy sen lại nhớ chè nàng ủ, thấy trăng tròn lại nhớ giọng nàng hát đạp ca. Nàng tựa hồ chưa từng rời đi, chỉ quanh quẩn đâu đây cạnh chàng lúc chàng niệm kệ, lúc chàng đọc sách, lúc chàng đi chầu, lúc chàng ăn uống, lúc chàng ngả lưng ban đêm.
Năm sau, chàng xuất chinh dẹp loạn ở Thích Na [8], lúc quay về lá đỏ đã rơi đầy thành. Một dạo ngồi thuyền chầu về, chiều đến, nắng hiu hắt vàng trên thành cao. Tiếng chim kêu lồng vào tán cây vương khói hoàng hôn, nháo nhác gọi bầy; còn chàng trên thuyền trầm ngâm đề bút, uống rượu một mình.
[8] Địa danh chép trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, chưa khảo được địa điểm cụ thể. Có phỏng đoán Thích Na ở Thanh Hoá, có thể là tên một ngọn núi hoặc tên kẻ cầm đầu.
Làm quan phụng sự sơn hà nhiều năm, bấy giờ chàng muốn lui về, nhưng không biết phải về đâu nữa. Trần đời như chỉ còn mình chàng là người quạnh quẽ, quạnh quẽ hơn cả tiếng chim chiều tà, thế mà chàng vẫn lưu luyến, không muốn thoát khổ.
Tâm chàng không tịnh, không cắt được thất tình, lục dục, bát khổ, xét ra cũng không đủ phúc đức, trí huệ như nàng. Thôi thì, kiếp sau lại tìm nhau vậy.
Thuyền lần này không hướng đến Bích Động mà vào dòng Thiên Đức, về thái ấp xưa. Bến thuyền đằng xa đã hắt ánh lửa thuyền chài chờ sáng ngày ra chợ đổi chác.
Trên sông lao xao mưa, nước trời mờ sương khói. Chàng trong thuyền say còn chưa kịp tỉnh, nhác thấy bóng người trên bến đứng đợi. Tóc búi cao cài trâm phượng và kim hoa điền, y trang thêu chỉ vàng, hài cong thấp thoáng dưới gấu váy... Thượng Trân trông như ngày hạ giá, đứng đợi chàng sau hai mươi năm gần gụi rồi chia xa, tất thảy thoảng qua như một cơn mộng.
Người chưa tỉnh, mộng chưa tàn.
HOÀN
Cần Thơ,
06.07.2021
Lê Bình Chi
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro