Chương 2: Nhà quê vào hoàng cung
Nghiêm Gia Vọng không còn, nên dù được dọn vào chốn hoàng cung mà ngày xưa đến nhìn cũng không dám thì bà cụ vẫn không thấy vui sướng bao nhiêu. Trong mắt bà, ăn sung ở sướng sao sánh bằng cháu trai yêu quý. Đã mất một đứa cháu, giờ bà ôm riết cháu trai nhỏ tuổi không rời tay, bé cũng ngoan ngoãn ở cùng bà nội.
Nghiêm Siêu và Nghiêm Tri Lý muốn đến gần nhưng bà cụ không cho, bà cảm thấy tất cả đều tại hai thằng con không xót cháu trai của bà, thằng bé qua đời mà không thèm báo với bà lấy một câu. Chỉ riêng với con dâu cả là bà vẫn nắm tay thật chặt, chặt đến mức Trần Thu thấy đau, nhưng đồng thời cũng thấy có người cho cô dựa vào.
Không phải bà cụ không có suy nghĩ trách móc con dâu cả, nhưng bà không phải người không biết lý lẽ. Gia Vọng không còn, người đau đớn nhất chính là mẹ nó.
Nghiêm Siêu vốn định để bà cụ rửa mặt nghỉ ngơi trước, nhưng sau khi biết tin cháu trai mất, bà khăng khăng đòi đi gặp cháu, Nghiêm Siêu thấy mẹ già như vậy thì cũng chẳng biết nói gì hơn.
Bảo tỷ thực ra đã từng thấy người chết. Khi ông nội mất, em vẫn luôn ở bên, em cũng từng thấy người xa lạ chết đi. Thực sự khó mà nhìn người chết. Nhưng em chưa bao giờ nghĩ anh Gia Vọng sẽ chết, biến thành một tấm bài vị con con.
Nghiêm Gia Vọng hồi xưa vốn luôn mong ngóng có em gái. Anh đối xử với Bảo tỷ rất tốt, thường bế em ra ngoài chơi, không cho phép người khác bắt nạt em, có gì ngon cũng lén cho em ăn. Khi rời đi cùng cha mẹ, anh đã ôm Bảo tỷ, hứa rằng nếu gặp được món ăn hay đồ chơi nào hay sẽ giữ lại cho em.
Ấy thế mà khi gặp lại, anh Gia Vọng đã biến thành một tấm bài vị nhỏ. Không còn người anh trai luôn ôm em dỗ dành nữa.
Nhất thời Bảo tỷ có chút hoang mang, em ngơ ngác nhìn bài vị, đến khóc cũng không biết làm sao để rơi lệ.
Thấy Bảo tỷ như vậy, Trần Thu xót xa trong lòng. Đến phút cuối đời con trai cô vẫn nhớ em, tích cóp rất nhiều đồ cho con bé, nhưng lúc này cô không muốn cho Bảo tỷ nghe những chuyện ấy. Con bé còn nhỏ mà đã cơ cực đủ điều, biết rồi chỉ khiến nó thêm buồn.
Khi cả nhà chính thức ngồi xuống cùng nhau thì đã quá giờ cơm trưa, bấy giờ niềm vui đoàn tụ đã vơi đi rất nhiều.
Trần Thu hầu hạ bên mẹ chồng, khuyên nhủ, "Mẹ ăn chút gì đi, đừng để đói bụng, hại sức khoẻ."
Bà cụ đầy một bụng đau buồn, làm sao ăn vào nổi.
Nghiêm Siêu cũng góp lời khuyên nhủ, "Mẫu thân ăn đi, ăn nhiều ăn ít cũng được, lũ trẻ cũng đói rồi."
Bà cụ nhìn Bảo tỷ và cháu trai nhỏ, "Thôi được."
Trần Thu hỏi, "Mẹ muốn ăn gì ạ?"
"Ăn mì đi," bà cụ nói, "Dọc đường Bảo tỷ có nói thèm mì thịt bò."
Trần Thu vội sai người đi làm. Bà cụ nhìn về phía những người phụ nữ xa lạ dắt theo trẻ con, đoạn lại nhìn con trai cả.
Nghiêm Siêu ngoắc những người đó tới, chỉ vào người phụ nữ đi cùng cặp trẻ một nam một nữ, "Thưa mẫu thân, đây là con gái Lưu tướng quân, nàng sinh cho con một trai một gái, Thần Húc bảy tuổi, Trân Nhi sáu tuổi."
Nhìn hai đứa bé, bà cụ liền sinh lòng yêu thích, dù sao cũng là cháu ruột của bà, "Ngoan quá."
Nghiêm Siêu lại chỉ sang người đứng kề đứa trẻ còn lại, "Nàng là con gái họ Hàn, đã sinh cho con một đứa con trai là Đông Thắng, năm nay bốn tuổi."
Bà cụ không biết họ Hàn là thế nào nhưng nhìn thấy trẻ con thì cũng thích, "Đứa nào cũng ngoan cả, lại gần cho bà nội xem nào?"
Lưu thị nhanh nhẹn đẩy lưng con, hai đứa liền bước lên, gọi, "Thưa tổ mẫu."
Nghiêm Thần Húc cười hì hì, "Cháu và muội muội đều rất mong gặp tổ mẫu."
Nghiêm Trân Nhi cũng nũng nịu nói, "Cháu còn làm băng đầu(1) cho tổ mẫu nữa."
Bà cụ nói không ngớt lời, "Bà thích lắm, Trân Nhi làm cái gì bà cũng thích hết."
Hàn thị có dung mạo xinh đẹp, ít nhất thì Bảo tỷ chưa bao giờ gặp ai đẹp bằng Hàn thị, giống như hoa mẫu đơn hồi xưa em thấy ở nhà địa chủ Vương. Nhưng so với Lưu thị tươi cười niềm nở thì Hàn thị trông không hề chào đón, thoạt nhìn thì quan hệ của cô ta với hai người kia cũng chỉ thường thường.
Thấy bà cụ nhìn sang con mình, Hàn thị mới miễn cưỡng nói, "Đông Thắng, đây là tổ mẫu của con."
Nghiêm Đông Thắng siết ống tay áo Hàn thị, nhìn bà cụ một chút, gọi to, "Tổ mẫu."
"Ừm." Bà cụ đáp lời.
Lúc này Nghiêm Siêu mới giới thiệu người cuối cùng, người này dung mạo cũng có thể nói là xinh đẹp, nhưng có nhan sắc của Hàn thị ở đây khiến cô có vẻ hơi tầm thường, "Nàng họ Trịnh."
Trong lúc bà cụ còn chưa hiểu gì thì Bảo tỷ đã ý thức ngay, họ Trịnh là quốc tính tiền triều.
Nghiêm Siêu hớn hở nói tiếp, "Nàng chính là công chúa tiền triều đấy ạ."
Bảo tỷ mím môi. Em không biết công chúa tiền triều, cũng mới chỉ gặp Trịnh thị kia lần đầu tiên, nhưng lời nói của bác cả lại khiến em có cảm giác là lạ, nhưng lạ ở chỗ nào thì không rõ.
Bà cụ kinh ngạc nhìn Trịnh thị. Bà chưa gặp công chúa bao giờ, không ngờ bây giờ công chúa lại phải làm vợ lẽ cho con trai mình rồi?
Trịnh thị cắn môi, tay vò khăn, nhưng không lên tiếng.
Bà cụ cảm thấy hiếm lạ nên cứ nhìn mãi, nhưng nhìn sao cũng thấy còn chẳng xinh đẹp bằng con dâu thứ nhà mình, "Bảo tỷ nhà ta về sau cũng là công chúa."
Bảo tỷ nghe nhắc đến mình liền nói, "Bà ơi, không phải, con gái của bác cả mới là công chúa chứ."
Nghiêm Siêu cười, "Bảo tỷ đương nhiên là công chúa, Bảo tỷ nhà ta là quý báu nhất."
Bà cụ nghe vậy mới hài lòng, "Bảo tỷ và Quý ca còn chưa có đại danh, Tri Lý cũng chớ quên đấy, đặt xong tên tự còn đưa Quý ca vào gia phả."
Nghiêm Tri Lý đáp, "Dạ, con đã ghi ra rất nhiều tên hay rồi, chỉ chờ mẹ đến chọn cho hai đứa nó thôi."
Liễu thị nghe vậy mím môi cười thành tiếng.
Nghiêm Tri Lý gắp một miếng bánh ngọt cho vợ. Hồi còn ở nhà, mỗi khi kiếm được tiền y đều mua về một ít bánh ngọt, lúc nào vợ y cũng nhường phần mình, giờ thì cả nhà muốn ăn thế nào cũng được.
Nghiêm Tri Lý nói, "Không chỉ mỗi Quý ca, phải cho cả Bảo tỷ vào gia phả nữa."
Không phải bà cụ không thương cháu gái, nhưng nghe con nói vậy thì đáp theo bản năng, "Bảo tỷ là con gái, nhà ta có bao giờ đưa tên con gái vào gia phả?"
Trịnh thị cúi đầu không nói gì, Hàn thị lại cầm khăn che miệng cười, "Bây giờ đâu giống như trước kia, hoàng thân quốc thích đều phải đưa tên vào ngọc điệp, nếu không phủ Tông nhân biết phát bổng lộc thế nào?"
Bà cụ không hiểu phủ Tông nhân là gì, nhưng nghe ra được giọng điệu Hàn thị khó chịu ra sao.
Nghiêm Siêu quan sát sắc mặt mẹ già, nói cho cùng y vẫn thích Hàn thị trẻ đẹp, "Thôi, các người ra ngoài cả đi."
Hàn thị đứng dậy hành lễ, cho cung nữ bế con ra ngoài trước. Trịnh thị cũng tuỳ ý hành lễ, chỉ riêng Lưu thị hỏi, "Hay là để thiếp ở lại hầu hạ lão phu nhân? Hai đứa bé cũng có thể hầu chuyện."
Lưu thị khiến bà cụ nhìn mình thêm mấy lần.
Nghiêm Siêu lại mất kiên nhẫn, "Người một nhà bọn ta trò chuyện, nàng cứ đưa con về nghỉ đi."
Liễu thị mím môi, lo lắng nhìn chị dâu Trần Thu. Mới một thời gian ngắn mà chồng đã có thêm nhiều phụ nữ như thế, lại có cả con, mà đứa con độc nhất thì qua đời, không biết thời gian qua chị dâu đã đau khổ thế nào. Đã vậy đám phụ nữ kia còn có thân phận bất đồng, thậm chí có cả một cô công chúa.
Có phải chồng mình cũng có người khác hay không?
Trần Thu sai người làm cơm, chỉ một lát sau đã bưng lên, tuy bà cụ chỉ yêu cầu mì thịt bò nhưng nhà bếp không dám nấu độc món đó, cho thêm rất nhiều thức ăn kèm, riêng mì thôi đã có mấy loại.
Cả nhà bắt đầu động đũa. Bảo tỷ thích ăn cay nhưng dọc đường đi em bị nhiệt, đầu lưỡi nổi nhọt rất đau, thành thử không dám bỏ nhiều tiêu, gắp thịt bò vào bát, bắt đầu ăn.
Liễu thị ngồi cạnh gắp thêm không ít rau xanh cho con gái, "Bảo tỷ không thể ăn thịt không nha."
Bà cụ cũng thích ăn thịt giống Bảo nhi, gắp thịt ăn không ngừng. Trần Thu ở bên cạnh săn sóc, thỉnh thoảng gắp ít rau cho bà, bà cũng biết tốt xấu nên ăn cả.
Nghiêm Tri Lý hết nhìn con gái lại nhìn con trai, cười mãi, nói nhỏ, "Nương tử ơi, nàng dạy con chúng mình ngoan chưa kìa."
Liễu thị cười ngượng ngùng, gắp thịt cho chồng, "Quý ca thông minh lắm, thầy đồ nói nó biết đọc sách giống chàng."
Bà cụ tiếp lời, "Đúng vậy, Quý ca đọc sách nhanh lắm, sáng nào cũng dậy sớm để học. Sau này nhà có tiền thì mua nhiều giấy bút cho nó, đỡ phải cầm cành cây luyện chữ dưới đất."
Quý ca đang ăn nhom nhóp. Bé vốn không thích bữa ăn, nói sao thì nhà nghèo thường chỉ được ăn những rau củ dại đào hay hái được, thứ xa xỉ như thịt thi thoảng mới có, thèm ăn cũng là lẽ thường, dọc đường đã ăn rất nhiều rồi nhưng bây giờ bé vẫn nhìn chằm chằm đĩa thịt. Nghe bà nội nói vậy, bé vội nuốt đồ ăn, buông đũa nói, "Không khổ, để tiền mua quần áo mới cho bà với chị."
Nghiêm Tri Lý xoa đầu con trai, "Mua hết, mua hết, sau này còn mời thầy giỏi nhất về dạy cho Bảo tỷ và Quý ca, để các con học cho giỏi."
Bảo tỷ cũng biết chữ, nhưng là do học từ Liễu thị, nghe cha nói vậy thì mừng rỡ, "Cha ơi, con còn muốn học võ, học cưỡi ngựa nữa."
"Học cả, học cả." Nghiêm Tri Lý không nghĩ con gái học những thứ ấy có gì không tốt, "Bảo tỷ muốn học cái gì thì mời thầy về dạy cái đấy."
Trần Thu nhìn hai đứa cháu cũng thích lắm, "Sinh nhật của Quý ca là lúc nào? Biết ngày để nhà ta còn sớm chuẩn bị."
Liễu thị cười nhẹ, nói ngày, liền đó chiếc thìa trên tay Trần Thu rơi vào bát.
Cả bàn nhìn về phía Trần Thu, môi cô run run.
Nghiêm Tri Lý cũng sững người, Quý ca sinh ra đúng vào ngày thứ bảy sau khi con trai chị dâu chết, nhưng chuyện này không tiện nói trên bàn ăn.
Liễu thị cũng hoảng, bèn mở lời hòng hoà hoãn không khí, "Lúc Bảo tỷ ra đời đã giày vò em không ít, nếu không nhờ chị dâu thì sợ là em và con đều không được tốt đẹp. Quý ca lại hiền hơn, không bao lâu đã ra đời, chỉ là trên lưng thằng bé có cái bớt trông cứ như bị cái gì cắt phải, nhìn mà tội."
Trần Thu bỗng đứng dậy bước nhanh đến chỗ Quý ca, bất chấp tất cả xốc áo bé lên nhìn cái bớt.
"Gia Vọng... Gia Vọng của mẹ..."
Chú thích
1. 抹额: một trang sức đội đầu cổ của Trung Quốc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro