Chương 10: Sự nhạy cảm của nhà quê
Kỳ thực hành vi, tư thái hay áo quần một người ra sao đều không quan trọng bằng tự tin. Mà Nghiêm Thư Cẩm thì chưa bao giờ thiếu tự tin, vì vậy học không khó khăn gì.
Hết nghỉ trưa, Nghiêm Thư Cẩm cùng Nghiêm Khải Du đến thư phòng. Mấy ngày trước Đỗ tiên sinh đã kiểm tra căn bản, nắm được nền móng của hai chị em.
Sau khi nhận bài khoá, Đỗ tiên sinh tạm bỏ qua một bên, ngồi trên ghế hỏi, "Vấn đề ngày hôm qua các trò đã nghĩ ra chưa?"
Nghiêm Thư Cẩm và Nghiêm Khải Du đều gật đầu.
"Vậy các trò trình bày đi," Đỗ tiên sinh lại bảo.
Nghiêm Thư Cẩm nhìn sang Nghiêm Khải Du, "Để em con nói trước."
Nghiêm Khải Du ngượng ngùng sờ mặt, "Thưa, con nghĩ nếu con có một trăm người và mười chiến mã, nhưng lương thảo cùng lắm chỉ đủ cho tám mươi người ăn trong ba ngày... Thì con sẽ giết chiến mã để đủ lương ăn, sau đó tìm đường vòng mà đi, tránh giao tranh. Con biết chiến mã rất quan trọng, song mạng người vẫn quan trọng hơn cả, miễn còn người thì rồi sẽ còn cơ hội Đông Sơn tái khởi."
Nó đã suy ngẫm cẩn thận, Đỗ tiên sinh ra đề lương thảo không đủ, cộng thêm kẻ địch bên ngoài lên đến một trăm hai mươi, đồng thời còn có lương thảo sung túc, nó tin cách này là hợp lý.
Đỗ tiên sinh chưa vội nhận xét đúng sai, nhìn sang Nghiêm Thư Cẩm.
Nghiêm Thư Cẩm trầm tĩnh nói, "Con sẽ cho toàn bộ một trăm binh sĩ và mười chiến mã ăn thật thoả thuê, ăn cho bằng sạch lương thảo, sau đó liều một trận sống mái."
Đỗ tiên sinh vẫn không lên tiếng.
Nghiêm Khải Du thắc mắc, "Nhưng mà chị, như vậy rất có thể sẽ thua, dù sao kẻ địch cũng đông hơn, lại còn luôn được no nê, lương thực đầy đủ. Có phải mạo hiểm quá không?"
"Chính vì thế nên quân ta sẽ không thua." Nghiêm Thư Cẩm đáp, "Quân địch luôn được no, không như quân ta vì từng phải chịu đói mà càng thêm quý trọng cái no, địch dồi dào lương thảo còn ta không, hoặc chết trận hoặc chết đói."
Nghiêm Khải Du ngẩn người nhìn Nghiêm Thư Cẩm.
Nghiêm Thư Cẩm vẫn bình thản như đang thảo luận chuyện trên phố, "Hơn nữa chỉ cần thắng thì sẽ không đói nữa. Nói cho cùng là địch có đường lui còn ta thì không, nên có là một trăm hai mươi quân địch thì cũng không đấu lại một trăm quân ta, phe ta sẽ không thua."
"Mà lương thảo tạm đủ cho tám mươi cái miệng trong ba ngày, coi như tất cả cùng thắt lưng buộc bụng thì có thể kéo dài thêm bao lâu?" Nghiêm Thư Cẩm biết đói là thế nào, đồ ăn ba ngày tiết kiệm hết sức cùng lắm cũng chỉ được đến năm ngày, sau năm ngày thì sao? Lại nói, suốt năm ngày đó không ai được no, nhỡ mà gặp quân địch thì e là không còn sức đâu mà liều mạng.
Ăn thịt chiến mã, bảo toàn lực lượng chờ thời không phải không có cái hay, nhưng đó không phải tính cách của Nghiêm Thư Cẩm.
Đỗ tiên sinh không nói ai đúng ai sai, chỉ cười nói, "Để ta kể cho các trò nghe một câu chuyện. Năm xưa bác cả của các trò cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự, nhưng quân số không phải một trăm mà phải hơn vạn người. Bác hai trò không hề giấu giếm chuyện lương thảo thiếu hụt, sai đầu bếp đem toàn bộ lương thảo còn lại ra nấu nướng, tất cả cùng ăn uống no đủ nguyên một ngày, sáng ngày thứ hai lại thêm một bữa ngon, liền đó phát động tiến công Hồ Châu."
Chiến thắng Tô Hồ đã đảm bảo cho Nghiêm Siêu thắng lợi cuối cùng. Tiền triều có câu, "Tô Hồ thục, thiên hạ túc",[1] sau khi chiếm được Tô Hồ, Nghiêm Siêu rốt cuộc đã có thể chiêu binh mãi mã quy mô lớn mà không cần lo lắng lương thảo.
Nghiêm Khải Du nhìn Nghiêm Thư Cẩm, hai mắt sáng lấp lánh, "Chị giỏi thật đấy!"
Nghiêm Thư Cẩm đáp ngay, "Chị của em mà lại!"
Nghiêm Khải Du gật đầu lia lịa.
Đỗ tiên sinh phì cười, "Cách của Nghiêm Khải Du cũng không sai, nhưng mà cần phải nhớ 'nhất cổ tác khí, tái nhi suy, tam nhi kiệt'[2], đánh trận có đôi khi hơn thua nhau ở cái 'khí' ấy."
Nghiêm Khải Du nghiêm mặt đáp, "Con hiểu rồi."
Nghiêm Thư Cẩm lại thấy lạ, xét tính cách bác cả thì không thể có chuyện ông ấy mang thiếu lương thảo, "Thưa tiên sinh, khi ấy đánh Tô Hồ phe ta đương ở cảnh nguy hiểm ư?"
Đỗ tiên sinh nhìn Nghiêm Thư Cẩm, "Sao trò lại hỏi vậy?"
"Vì con cảm thấy có điều quái lạ."
Đỗ tiên sinh mỉm cười, "Hay là trò chờ phụ thân về rồi hỏi?"
Nghiêm Thư Cẩm khẽ gật đầu.
Đỗ tiên sinh tiếp, "Giờ ta sẽ nêu đề thảo luận ngày mai, nghe cho kỹ đây."
Nghiêm Thư Cẩm và Nghiêm Khải Du bất giác cùng ưỡn thẳng lưng. Hai chị em luôn tôn kính người có học thức, cũng biết Đỗ tiên sinh đã bỏ công đến dạy bảo, vì vậy hết mực chú tâm.
"Khi trước từng có một nhà giàu, hộ này ăn ở hiền lành, trong nhà lại trữ nhiều lương thực, đến tận trấn trên cũng có người biết tiếng nhà họ." Giọng Đỗ tiên sinh du dương, tốc độ cũng vừa đủ để người nghe thoải mái, "Dân chúng trong trấn nhìn chung đều có của ăn của để, tâm địa cũng lương thiện. Tuy nhiên, một ngày nọ, bỗng có rất nhiều nạn dân từ bên ngoài ập tới, đã vậy bản thân nhà giàu kia còn gặp tai ương, nếu không còn đồ ăn thì chính họ cũng chết đói. Nếu các trò là nhà giàu đó thì sẽ phải làm thế nào?"
Nói xong, Đỗ tiên sinh hỏi, "Các trò có gì muốn hỏi thêm không?"
Nghiêm Thư Cẩm hỏi, "Nạn dân là người nào? Cụ già? Trẻ nhỏ? Phụ nữ? Hay thanh niên trai tráng?"
Đỗ tiên sinh cười đáp, "Hầu hết là người già và trẻ con."
Nghiêm Thư Cẩm lại hỏi, "Phụ nữ thì sao? Đám trẻ đều không có mẹ ư?"
"Không có nhiều phụ nữ."
"Có bao nhiêu người đến trấn tị nạn?" Nghiêm Khải Du cũng hỏi, "Và trong trấn có bao nhiêu người?"
"Trong trấn có một trăm người, nạn dân có bốn mươi, mà lương thực trong trấn đủ cho một trăm bốn mươi người ăn trong ba năm."
Nghiêm Khải Du thấy lạ nhưng không thể chỉ ra ngay là lạ ở điểm nào, nhất thời không lên tiếng.
Đỗ tiên sinh cũng không nói thêm gì nữa, "Bài tập của hai trò hôm nay như sau, Nghiêm cô nương luyện mười chữ to[3], Nghiêm Khải Du đọc thuộc mười trang đầu quyển sách này, luyện ba tờ chữ to."
Hai chị em đồng thanh vâng dạ.
"Được rồi, đọc sách đi."
Sách cho hai đứa trẻ đọc được Đỗ tiên sinh lựa chọn tỉ mỉ, hiện đã đặt trên bàn sách của từng người.
Đỗ tiên sinh cũng cầm một quyển lên đọc, "Có chỗ nào không hiểu thì hỏi ta."
"Vâng."
Hai chị em không nói gì nữa, tập trung đọc sách.
Đỗ tiên sinh trông vậy nhưng trong bụng không hề bình tĩnh như vẻ ngoài. Ông phát hiện Nghiêm Thư Cẩm đặc biệt bén nhạy ở một số lĩnh vực, song không rõ một cô gái mà sắc bén như vậy thì rốt cuộc là lợi hay hại, tiếc thay cho Nghiêm Thư Cẩm cớ gì lại mang phận nữ nhi.
Đến khi sắc trời tối mịt Nghiêm Tri Lý mới về đến nhà. Hôm nay y ở lại trong cung hầu mẹ dùng cơm, vì đã sai người báo trước nên ba mẹ con Liễu Cần không chờ cơm, song vẫn sai nhà bếp để dành đồ ăn khuya.
Trông thấy hai đứa con cùng ngồi trong phòng chờ mình, nét mặt Nghiêm Tri Lý hiền hoà hơn hẳn, cười hỏi, "Hôm nay học hành thế nào?"
"Đỗ tiên sinh giỏi quá ạ!" Nghiêm Khải Du vừa nhắc đến thầy là hai mắt tràn đầy sùng bái, "Siêu giỏi luôn."
Nghiêm Tri Lý cười lớn, "Tất nhiên!"
Liễu Cần rót cho Nghiêm Tri Lý một chén nước ấm, "Để cha các con nghỉ một lát đã nào."
Nghiêm Thư Cẩm và Nghiêm Khải Du ngoan ngoãn dạ vâng.
Uống hết chén nước, Nghiêm Tri Lý cười, "Chờ lát nữa cha ra nói chuyện phiếm với hai đứa nhé."
Liễu Cần đưa Nghiêm Tri Lý vào trong thay quần áo, nhìn vẻ mỏi mệt giữa hai hàng mày của y, khẽ nói, "Hay là thiếp dẫn bọn trẻ đi ngủ trước?"
"Không sao đâu." Nghiêm Tri Lý nắm tay vợ, cười, "Cả một ngày ta cũng chỉ có chút thời gian này tâm sự với các con."
Nghe vậy, Liễu Cần không khuyên nữa. Nghiêm Tri Lý lại tiếp, "Một thời gian nữa là ta hết bận rồi, đến lúc đó sẽ dẫn mấy mẹ con dạo kinh thành."
Liễu Cần đồng ý, mi mục cong cong như thuở đầu gặp gỡ.
Nghiêm Tri Lý nhẹ giọng hỏi, "Nếu ta nhớ đúng thì Bảo tỷ và Quý ca hết hôm nay sẽ không phải tắm nước thuốc nữa?"
"Vâng." Liễu cần giúp chồng sửa lại cổ áo, "Thái y nói thuốc bổ chẳng bằng ăn bổ, sau này chỉ cần lưu ý chuyện ăn uống của bọn nhỏ là được."
"Vậy thì tốt rồi, ngày mai ta sẽ dẫn mẹ con nàng tiến cung."
Liễu Cần do dự, "Hay là thiếp tạm thời cứ ở nhà, thiếp vẫn còn phải uống thuốc, trên người dễ là dính mùi, sợ mẹ phát hiện lại bận lòng."
Nghiêm Tri Lý ngẫm nghĩ một lát, nói, "Ta muốn nhờ nàng hầu chuyện chị dâu."
Liễu Cần ngẩn ra, "Chị dâu có chuyện gì sao?"
Nghiêm Tri Lý thở dài, "Chị ấy vẫn chưa vượt qua được cái chết của Gia Vọng."
Nhắc đến Gia Vọng, lòng Liễu Cần cũng nhói đau, mà cô còn hiểu nỗi đau của Trần Thu hơn hẳn người khác, lỡ mà đổi lại là cô thì e là cũng không thể bước tiếp nổi. "Vâng, vậy thiếp cũng đi, nhưng nhỡ mẹ hỏi đến thì phải nói sao?"
Nghiêm Tri Lý bật cười, ghé sát tai Liễu Cần thì thào, "Thì nàng thưa với mẹ rằng thái y đang giúp nàng điều dưỡng thân thể để sinh thêm cho mẹ đứa cháu trai mũm mĩm nữa."
Liễu Cần đỏ bừng mặt, cắn môi lí nhí đáp vâng.
Đến tận khi hai vợ chồng trở ra phòng ngoài mặt Liễu Cần vẫn còn phiếm hồng, nhưng Nghiêm Thư Cẩm và Nghiêm Khải Du đều không chú ý.
Nghiêm Tri Lý kéo Liễu Cần cùng ngồi xuống, "Hôm nay Đỗ tiên sinh giảng còn gì khó hiểu à?"
Nghiêm Khải Du đáp, "Không có ạ, chỉ là có một chuyện chị hỏi tiên sinh, tiên sinh lại bảo chị hỏi cha."
Nghiêm Tri Lý hiếu kỳ, "Chuyện gì thế?"
Nghiêm Thư Cẩm kể lại một lượt chuyện Tô Hồ nhưng chưa vội đặt câu hỏi, nói, "Cha bảo người phục vụ trong phòng ra ngoài hết đi, con không muốn để các cô ấy nghe đâu."
Nghiêm Tri Lý bật cười, nói, "Được rồi, tất cả lui ra đi."
A hoàn xung quanh lũ lượt lùi khỏi phòng.
Nghiêm Thư Cẩm thấy có người định chốt cửa liền dặn, "Không đóng cửa sổ nào cả, các chị tránh đi xa một chút."
A hoàn thấy Nghiêm Tri Lý không phản đối liền làm đúng theo lời Nghiêm Thư Cẩm.
Nhìn con gái nghiêm nghị, Nghiêm Tri Lý vui vẻ lắm, hỏi, "Vì sao không đóng cửa sổ?"
"Đóng cửa sổ rồi lỡ có người nghe lén thì làm sao mình biết được." Nghiêm Thư Cẩm nói vẻ đương nhiên, "Để cửa sổ mở thì chỉ cần người ta hơi lại gần mình đã phát hiện rồi, vậy mới an toàn. Chẳng hiểu sao lại có người nghĩ bàn chuyện bí mật phải khoá hết cửa nẻo, như thế có khác gì gióng trống khua chiêng cho cả làng cả tổng biết chúng tôi đang nói chuyện quan trọng này, chư vị mau tới nghe lén! Thật là ngớ ngẩn."
Nghiêm Tri Lý gật đầu, "Đúng là Bảo tỷ, thông minh quá."
Nghiêm Thư Cẩm hơi hếch cằm, "Chứ sao nữa, con là con gái của ai chứ, cha con thông minh vậy sao con không thông minh cho được."
Hai cha con tâng bốc nhau hết sức hào hứng, Liễu Cần và Nghiêm Khải Du ngồi bên không biết phải nói gì.
Cười nói đã đời rồi, Nghiêm Thư Cẩm liền hỏi thẳng, "Cha, có phải lúc tiến đánh Tô Hồ bác cả đã cố ý không mang đủ lương thảo?"
[1] 苏湖熟, 天下足: xuất hiện sớm nhất là ở thời Tống, ý nói các châu phủ phụ cận Thái Hồ (Tô Châu, Thường Châu, Tùng Giang, Hồ Châu) bội thu cả vùng thì đủ lương thực nuôi cả thiên hạ.
[2] 一鼓作气, 再而衰, 三而竭: một tiếng trống thì sĩ khí lên cao, đến tiếng thứ hai thì suy, đến tiếng thứ ba thì không còn sĩ khí nữa. Xuất xứ từ "Tào Quế luận chiến" trong phần "Trang Công thập niên" của Tả truyện.
[3] 大字: Thông thường chữ viết cao từ một tấc trở lên gọi là "đại tự", phân biệt với "tiểu tự" (小字).
Ngoài ra còn phiếm chỉ tiếng phổ thông, ví dụ 大字識不得幾個 = một chữ to cũng không biết = không biết chữ nghĩa gì.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro