CHƯƠNG 36.
---- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ----
🌻🌻🌻🌻🌻
CHƯƠNG 36.
Người Dịch: Lan Thảo Hương.
Một tiếng sư tỷ Phùng của Ninh Hương cũng xem như nhận mối quan hệ thầy trò của mình với Chu Văn Khiết. Thật ra Chu Văn Khiết không để ý cái tầng quan kệ đó lắm, vì chỉ cần là người mà bà coi trọng, bà thích thì bà sẵn sàng dạy học cho đối phương bất kể có tầng quan hệ kia hay không. Đặc biệt khi thấy người khác thích học, lại có thể hiểu được ý của mình và học tốt, bà đã vô cùng thỏa mãn.
Cho nên, thời điểm nhìn thấy đai lưng do Ninh Hương thêu, bà đã nghĩ một thợ thêu giỏi như vậy không thể để bị mai một được.
Hiện tại thấy Ninh Hương cũng rất tình nguyện đi theo bà học tập, nhưng bà vẫn nhìn Ninh Hương và hỏi: "Tất nhiên cô cũng không thể ép buộc người khác, nếu cháu theo cô học thì thời gian của cháu sẽ bị chiếm dụng rất nhiều, dù sao chỉ có chăm chỉ và chịu khó bỏ công sức thì mới có thể học tập tốt, liệu cháu có vấn đề gì trong việc này không?".
Chuyện này thì có vấn đề gì cơ chứ, ngay cả khi yêu cầu cô phải ở lại trạm thêu hai mươi bốn giờ một ngày để học hỏi từ một thầy thêu như cô ấy, cô cũng đồng ý. Cô còn đang sợ mình không thể học lâu hơn hoặc học nhiều hơn đây này.
Vì vậy Ninh Hương không chút do dự trả lời: "Thưa cô, cháu không có vấn đề gì ạ. Cái khác thì cháu không có, nhưng thời gian thì cháu có rất nhiều. Bất luận lúc nào cháu đều có thể tới đây ạ".
Thái độ của cô làm Chu Văn Khiết rất hài lòng, phải biết rằng không phải ai cũng sẵn sàng dành ra nhiều thời gian cho công việc nhàm chán này. Có thể gặp được một người thực sự yêu thích nghề thêu chân chính thật đúng là không dễ dàng.
Chu Văn Khiết cười nói: "Tốt, vậy xế chiều ngày mai cháu có thể trực tiếp tới đây. Từ đây đến cuối năm cháu cứ tới trạm thêu đi, lúc nào rảnh cô sẽ dạy cháu. Trước tiên cứ luyện tập trước đã, nếu có vấn đề gì thì có thể tìm cô hỏi trực tiếp".
Ninh Hương vội vàng gật đầu: "Vâng thưa cô".
Nói xong, Chu Văn Khiết không ngồi lại trò chuyện lâu thêm với Ninh Hương và trạm trưởng Trần, bà nắm chặt thời gian đứng dậy, dẫn theo Phùng Tiểu Quyên đi xử lý công việc khác.
Sau khi rời khỏi phòng, Chu Văn Khiết nói với Phùng Tiểu Quyên: "Vừa rồi em như vậy là không tốt, cô nói em biết thêu thùa không phải là phong bế tay nghề mà phải mở rộng cửa tiếp nhận tất cả mọi người. Chỉ có càng nhiều người học nghề mới cho ra càng nhiều thợ thêu giỏi, ra càng nhiều những bức thêu đẹp, khiến cho càng nhiều người yêu thích tranh thêu Trung Quốc và có thể truyền nghề lại cho đời sau".
Phùng Tiểu Quyên hơi mím môi: "Em biết rồi ạ. Cô ơi, em sai rồi".
Bởi vì Chu Văn Khiết chưa từng chủ động nhận thêm học trò trong thời gian dạy Phùng Tiểu Quyên, hầu như bà chỉ huấn luyện tập thể, cho nên khi biết Chu Văn Khiết muốn nhận Ninh Hương làm học trò, cô quả thực có một chút không thoải mái ở trong lòng, dù sao trước đó cô giáo chỉ có mỗi mình cô là học trò. Chẳng qua, cô cũng thật sự sợ rằng Chu Văn Khiết sẽ quá vội vàng trong việc nhận học sinh để rồi lãng phí thời gian cho một thợ thêu không xứng đáng. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy năng lực thực sự của Ninh Hương, cô liền tâm phục khẩu phục không có một chút nghi ngờ nào, đồng thời có chút xấu hổ.
Chu Văn Khiết biết cô là đứa trẻ biết nghe lời nên chỉ giáo dục cô vài câu rồi không nói nữa. Vừa đi bà vừa nghiêng đầu nhìn Phùng Tiểu Quyên, hỏi cô: "Em thấy A Hương thế nào?".
Hiện tại Phùng Tiểu Quyên đã bình tĩnh lại, cô nghĩ một lát rồi nói: "Kỹ năng thêu của cô ấy rất tốt, tốc độ tay rất nhanh, rất lợi hại trong việc nắm bắt sự chuyển đổi hình dạng và màu sắc, xem ra đã chịu khó và nỗ lực rất nhiều".
Chu Văn Khiết gật đầu: "Sau này hai em cùng nhau học thêu, hãy nhớ học hỏi thêm thế mạnh của nhau".
Phùng Tiểu Quyên rất nghe lời: "Dạ vâng thưa cô".
* * *
Nhìn theo Chu Văn Khiết và Phùng Tiểu Quyên rời đi, Ninh Hương mở lòng bàn tay ra nhìn mới phát hiện lòng bàn tay lúc này đã ướt đẫm mồ hôi. Trạm trưởng Trần nhìn cô mỉm cười: "Cơ hội hiếm có đấy nhé. Đây chính là đại sư chân truyền đấy, không phải ai cũng gặp được đâu, cố gắng học vào".
Ninh Hương cuộn ngón tay lại, nhìn trạm trưởng Trần gật đầu: "Dạ!"
Đứng nói chuyện thêm vài câu với trạm trưởng Trần, cô cầm túi xách màu vàng đeo lên vai rồi trở về nhà. Bởi vì tâm trạng hơi phấn khích nên cô nhẹ giọng ngâm nga trên đường về, thỉnh thoảng lại nhún nhảy bước chân một tí.
Trở lại đội Thủy Điềm, cô không lập tức quay về trên thuyền mà rẽ sang nhà Vương Lệ Trân trước, chia sẻ với bà chuyện đáng giá vui mừng trong nửa năm tới. Vương Lệ Trân nghe xong cũng rất vui mừng: "Bé con à, cháu phải chăm chỉ học hành vào đấy".
Ninh Hương gật đầu, nói với Vương Lệ Trân: "Cháu đã cho họ xem kỹ thuật tách sợi điêu luyện, và thêu cho họ xem một bức thêu hai mặt nhỏ. Đó là bà dạy cháu. Nếu không nhờ có bà, thầy Chu Văn Khiết hôm nay cũng sẽ không tìm cháu".
Vương Lệ Trân nhìn cô nở nụ cười: "Bà chỉ tiện tay dạy cháu thôi, cũng không có tốn bao nhiêu công sức. Đây là cháu tự học và luyện tập thành tài. Nếu so về thêu thùa, cháu bây giờ giỏi hơn bà rất nhiều, tất cả đều là công lao của cháu cả".
Ninh Hương bật cười: "Cháu không phải kẻ vô ơn bạc nghĩa đâu ạ".
Vương Lệ Trân cũng bật cười: "Đời này, ai mà gặp được A Hương chính là có phúc".
Cô bé này có một sức mạnh nhẹ nhàng, điềm tĩnh và cứng cỏi, luôn có thể mang đến những điều tốt đẹp hơn cho những người xung quanh mình. Cô sống và yêu đời, tỉnh táo nhưng lạc quan, có ước mơ của mình và yêu thế giới này.
* * *
Sau khi hẹn với Chu Văn Khiết, Ninh Hương đến trạm thêu sau khi ăn trưa vào ngày hôm sau.
Khi đến nơi, Phùng Tiểu Quyên ra đón cô. Cô ấy dẫn cô đi tới một phòng thêu nhỏ, thầy thêu Chu Văn Khiết đã ở trong đợi hai người họ.
Nhìn thấy Ninh Hương bước vào phòng, Chu Văn Khiết mỉm cười chào Ninh Hương.
Ninh Hương cũng lễ phép chào lại: "Em chào cô".
Chu Văn Khiết không nói chuyện nhiều, bà cầm một bức thêu đưa qua, nhẹ nhàng nói: "A Hương, em nhìn bức thêu này trước xem, có cảm nghĩ gì?".
Ninh Hương không quá câu nệ, cô nhận lấy bức thêu nhìn một hồi, chỉ cảm thấy kỹ năng thêu không đặc biệt xuất sắc nhưng độ sáng tối của bức tranh và cách xử lý chi tiết đều là những điều cô chưa từng thấy qua. Có một loại hiệu ứng mà cô không thể nói rõ ra thành lời.
Xem xong, Ninh Hương nói với Chu Văn Khiết: "Kỹ thuật này rất mới lạ ạ".
Chu Văn Khiết mỉm cười: "Đây là tác phẩm của tiểu Quyên, sau này hai em sẽ cùng nhau học thêu nên hãy học hỏi nhau nhiều hơn. Hiện tại cô có chuyện cần đi giải quyết, hai em trước ngồi làm quen với nhau, được chứ?".
Sau khi Chu Văn Khiết nói xong, bà để Ninh Hương và Phùng Tiểu Quyên ở lại trong phòng, còn mình đi ra ngoài.
Ninh Hương và Phùng Tiểu Quyên không quen lắm, nên cô lịch sử chào hỏi như cách cô ấy được gọi vào ngày hôm qua: "Chào sư tỷ Phùng".
Phùng Tiểu Quyên ngồi xuống trước khung thêu, cô ấy không khách sáo giống như cô mà nói với giọng bình thường và tự nhiên: "Bảo chị gọi sư tỷ, chị gọi thật đấy à. Chị chắc là hơn tuổi em ấy nhỉ, năm nay em mười tám, chị thì sao?".
Ninh Hương cởi túi xách đặt xuống, sau đó ngồi xuống trước khung thêu ngay bên cạnh: "Thế thì chị hơn em hai tuổi rồi, năm nay chị hai mươi".
Phùng Tiểu Quyên cầm lấy sợi chỉ bắt đầu nghiêm túc tách sợi: "Em có rất nhiều ý tưởng kỳ lạ, đây cũng là điểm mà cô giáo thích nhất ở em. Đôi khi em có thể cung cấp cho cô ấy những cảm hứng khác nhau. Kỹ thuật thêu của chị rất tốt, sau này chúng ta hãy học hỏi nhau nhiều hơn nhé, lấy thừa bù thiếu".
Ninh Hương cảm thấy điều đó khá tốt, bởi vì kiến thức chuyên môn của cô xác thực rất hạn chế nên thêu phẩm của cô đều rất truyền thống. Cô vẫn luôn biết kỹ thuật thêu có thể tinh tiến nhờ siêng năng luyện tập, nhưng sự đổi mới và sáng tạo thì đòi hỏi sự tích lũy kiến thức và cái nhìn sâu sắc, học tập và nghiên cứu nhiều hơn.
Cô đáp lại lời của Phùng Tiểu Quyên: "Được, chúng ta hãy cùng học hỏi lẫn nhau".
Phùng Tiểu Quyên sâu chỉ vào kim, nghiêng đầu nhìn Ninh Hương, có hơi do dự nhưng vẫn hỏi Ninh Hương một câu hôm qua muốn hỏi.
Trong mắt chứa sự tò mò, nhìn Ninh Hương hỏi: "Thợ thêu của thành phố Tô chưa từng dạy thêu hai mặt, sao chị lại biết thêu thế?".
Tranh thêu hai mặt thường được sử dụng cho các đồ trang trí và các tác phẩm nghệ thuật tương đối cao cấp, cho đến nay, thợ thêu nông thôn chưa thể làm được những công việc này. Công việc họ làm chủ yếu là những vật dụng, nhu cầu thiết yếu hàng ngày, bởi vì độ khó không cao nên kiếm tiền dựa vào số lượng.
Đây không phải là chuyện không thể nói, Ninh Hương nhìn Phùng Tiểu Quyên đáp: "Trong thôn chị có một bà lão, nhà bà ấy mấy đời trước có người làm việc trong cung nên được truyền lại rất nhiều kỹ nghệ, là bà ấy dạy chị".
Phùng Tiểu Quyên gật đầu: "Em biết ngay mà".
Chẳng qua, Vương Lệ Trân giỏi nhất là thêu hai mặt. Nhưng những kỹ năng bà ấy dạy Ninh Hương ở trước mặt thầy thêu của thành phố Tô lại không phải điều gì hiếm lạ. Thêu thùa là phát triển và nghiên cứu từ thế hệ này sang thế hệ khác, và kỹ thuật hiện nay chắc chắn đã tiên tiến hơn rất nhiều so với trước đây.
Nhận được câu trả lời, Phùng Tiểu Quyên không hỏi thêm câu nào nữa, bởi vì cơ bản cô đã từng nhìn thấy và từng luyện tập các kỹ pháp của cung đình cổ đại. Cô đi theo Chu Văn Khiết làm học trò đã được một năm, thế nên cũng được nhìn thấy rất nhiều thứ mới lạ. Mà có lẽ do Phùng Tiểu Quyên thường đi theo Chu Văn Khiết xuống nông thôn huấn luyện nên trên người cô luôn có khí chất của một giáo viên. Khi nói chuyện với Ninh Hương, cô nói thao thao bất tuyệt về thêu thùa cho Ninh Hương nghe, kể cho Ninh Hương tất cả những gì mà cô ấy đã thấy.
Ninh Hương cũng thích nghe những chuyện cô ấy nói cho nên lắng nghe rất cẩn thận, thỉnh thoảng gật đầu đáp lời mấy câu.
Phùng Tiểu Quyên nhìn ra Ninh Hương rất thích nghe mình nói chuyện, thế là cô càng nói càng không thu về được, sau một hồi lảm nhảm mới quay sang nhìn Ninh Hương hỏi: "Chị có biết trong chủ đề thêu thì chủ đề nào khó nhất không?".
Ninh Hương chưa từng nghiên cứu qua chủ đề gì, bình thường chỉ biết vùi đầu rèn luyện kỹ thuật thêu. Dù sao đưa cái gì thì cô thêu cái đó, cao cấp nhất đó là nhìn tranh lịch, bắt chước hình trong tranh mà thêu ra con mèo hoặc con bướm gì đó.
Cô nghiêm túc nhìn Phùng Tiểu Quyên, thuận theo lên tiếng hỏi: "Chủ đề gì thế?".
Phùng Tiểu Quyên nhìn thấy sự khao khát trong mắt Ninh Hương, đột nhiên hiểu rõ tại sao Chu Văn Khiết lại thích cô ấy như vậy. Thế là cô không thừa nước đục thả câu, mỉm cười nói: "Khó nhất chính là thêu chân dung. Nếu chị có thể thêu được chân dung, nắm bắt chính xác độ sáng của màu da, tóc, hoa văn quần áo, quan trọng nhất là thần thái và khí chất của nhân vật thì chị chính là đại sư*".
(*) Đại sư: bậc thầy cao trong môn học, bậc cao tăng trong Phật giáo.
Ninh Hương chưa bao giờ thêu hình người, nhiều lắm là từng thêu hình mèo, hình cá vàng, chứ bình thường chỉ toàn thêu hoa và chim là nhiều nhất. Đặc biệt là các loài hoa như mẫu đơn, hoa đào, cây lựu, hoa lan, hoa quế.
Nghe xong mà lòng cô thấy ngứa, nhìn thẳng vào Phùng Tiểu Quyên hỏi: "Chị có thể học thêu chân dung từ cô giáo không?"
Phùng Tiểu Quyên thành thật nói: "Thêu cái này khó nhất nên em cũng không biết. Dù sao bây giờ em cũng không thêu được, có thêu ra thì cũng không có linh hồn. Nếu chị muốn học thì phải biết vẽ tranh trước đã, em đề nghị chị nên thường xuyên xem nhiều sách, nhìn nhiều tranh, bằng không tư duy sẽ không mở rộng được, sẽ bị hạn chế nhiều. Dù có thêu ra được người thì nhìn cũng không chân thực và sống động, chị nói có đúng không?".
Ninh Hương chớp mắt, đem những điều Phùng Tiểu Quyên nói đặt ở trong lòng từ từ tiêu hóa.
Phùng Tiểu Quyên nói tiếp: "Tranh thêu của thợ thêu nông thôn các chị đều là loại bình thường nhất. Giống như cô giáo em, cô ấy từng tham gia sửa chữa và phục chế* các di tích văn hóa thêu, chẳng hạn như bình phong cổ, quần áo,v.v.... Đó đều là bảo bối được trưng bày trong viện bảo tàng. Chị có biết mấy tranh thêu cổ không? Cái đó phải am hiểu họa, phải biết tranh này vẽ ra sao, phải hiểu độ đậm nhạt và độ ẩm của mực cũng như phong cách riêng của người vẽ tranh cổ, rồi còn phải thông qua kỹ thuật để tái hiện ra cái hồn của bức tranh. Ngay cả khi làm được những điều em nói, đôi lúc có một số kỹ thuật không phù hợp, chúng ta còn phải nghiên cứu ra loại kỹ thuật mới".
(*) Phục chế: khôi phục lại trạng thái ban đầu của một bức tranh, một pho tượng hay một công trình nghệ thuật bị hư hỏng.
Ninh Hương nghe đến mức không chớp mắt, nhìn chằm chằm Phùng Tiểu Quyên.
Phùng Tiểu Quyên không biết có phải cô nghe đến bối rối rồi không nên dừng lại hỏi: "Chị nghe hiểu không chị?".
Ninh Hương vội vàng gật đầu: "Chị hiểu, em có thể nói thêm nữa được không?".
Phùng Tiểu Quyên đột nhiên lại ngạo kiều: "Em đâu phải cô giáo của chị".
Ninh Hương bật cười: "Nếu em muốn, chị sẽ gọi em là cô giáo".
Phùng Tiểu Quyên không khỏi hé miệng cười, nói với Ninh Hương: "Em không cần đâu. Mấy khi có dịp, thôi chúng ta nói tiếp đi, để cho chị cũng được mở mang tầm mắt. Cô giáo á, cô ấy không chỉ xuống nông thôn huấn luyện cách thêu mới cho các thợ thêu nông thôn mà còn từng đến Đông Âu, nước Anh,.....".
Nói đến đây, cô bắt đầu giơ tay lên đếm: "Thụy Sĩ, Albania, Nhật Bản...... Cô ấy đã từng tới rất nhiều nước để biểu diễn kỹ nghệ thêu, nhân tiện còn dạy một ít kỹ thuật".
Vừa nói, cô ấy vừa nhìn về phía Ninh Hương: "Chị nói xem liệu một ngày nào đó nghề thêu của nước ta có thể thật sự đi ra thế giới không, nếu được thì tốt biết mấy".
Nghe cô nói, Ninh Hương nhìn cô gật đầu chắc nịch: "Nhất định có thể".
Kết quả, Phùng Tiểu Quyên lại đột nhiên lắc đầu: "Mà quên đi, tốt hơn em nên luyện kỹ năng cơ bản trước đã".
Ninh Hương không có cười cô ấy, cô cầm lấy kim thêu rồi cúi xuống nói: "Chị cũng luyện cùng em".
Hai người nói chuyện và thêu thùa được một lúc, Chu Văn Khiết xong việc liền quay trở về. Bà hướng dẫn Phùng Tiểu Quyên và Ninh Hương các kỹ thuật thêu chuyên nghiệp, sau đó tự mình làm mẫu và giảng giải các bước một cách chi tiết.
Dù rằng cùng một bản nháp, cùng một cách phối màu nhưng khi được thêu bằng các mũi khác nhau thì hiệu quả tranh thêu cho ra sẽ rất khác nhau.
Mà càng học được nhiều kỹ thuật thì độ linh hoạt càng cao, không gian cùng hướng nghiên cứu có thể học tập cũng càng lớn. Chỉ với một chiếc kim nhỏ bé, những sợi chỉ thô và mỏng với màu sắc khác nhau, nhưng lại có thể quậy ra rất nhiều mẫu hoa văn tuyệt đẹp làm người ta sợ hãi thán phục.
* * *
Chu Văn Khiết dạy Ninh Hương đã được hai ngày và phát hiện cô có ngộ tính rất cao, học cái gì cũng rất nhanh. Vì vậy lúc ngồi nhìn Ninh Hương thêu thùa hôm nay, bà liền đứng ngay bên cạnh khung thêu của Ninh Hương và nói: "A Hương này, đợi em hoàn thành xong việc học với cô thì bảo trạm trưởng Trần lấy cho em ít tài liệu, rồi thử làm một số tác phẩm nghệ thuật cao cấp xem sao".
Ninh Hương nghe vậy có hơi sửng sốt, ngẩng đầu nhìn Chu Văn Khiết : "Em....có thể chứ ạ?".
Cô chưa từng chạm vào tác phẩm nghệ thuật cao cấp thực sự, những công việc lúc trước nhận về làm đều chỉ là đồ sử dụng hàng ngày. Mà đã là đồ sử dụng hàng ngày đều ít nhiều mang tính thực dụng, không đòi hỏi cao về mặt thẩm mỹ và kỹ thuật như tác phẩm nghệ thuật, càng không nói tới là hàng cao cấp.
Chu Văn Khiết đã quen với nụ cười nhẹ trên môi: "Sao lại không thể? Tay nghề của em không nhiều người có thể so được, đợi học xong mấy tháng này với cô, cô cam đoan em có thể làm ra tác phẩm nghệ thuật rất cao cấp. Em chăm chỉ luyện tập kỹ năng thêu như vậy chỉ để làm mãi những vật dụng hàng ngày, không thấy lãng phí sao?".
Đúng là Ninh Hương không định cả đời làm mãi mấy việc vụn vặn này, nhưng đột nhiên như thế vẫn làm cô có chút lo lắng, thế là nuốt nước bọt nói: "Cô ơi, em sẽ không để cô thất vọng đâu ạ".
Chu Văn Khiết bật cười, vỗ vai cô và nói: "Tự tin lên".
Ninh Hương hít một hơi thật sâu và gật gật lấy khẳng định cho mình.
---- HẾT CHƯƠNG 36 ----
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro