CHƯƠNG I
Chào mừng quý vị đến với nước Mỹ
Xin thưa cùng quý vị chuyện ngoại tình của April. Thật ra chuyện này cũng đã kết thúc từ hai năm về trước và đó cũng là thời điểm duy nhất mà cô ấy không chung thủy trong suốt hai mươi năm sống với chồng mình. Sau biến cố đó, cô ấy cũng chuyển công tác và không còn làm cố vấn cho người tình vụng trộm của mình nữa. Nhưng cô ấy không thừa nhận đó hoàn toàn là một cuộc ngoại tình mà chỉ là những bức email mang tính chất dâm dục (đại loại như “Anh nóng lòng muốn xem cái gì đang nằm dưới váy em”) gửi qua lại và vài cuộc hẹn hò bí mật trong bãi đậu xe hay khách sạn suốt một năm rưỡi đó mà thôi. Xét cho cùng, mối quan hệ này xảy ra trong thời điểm tồi tệ của hôn nhân, khi cô ấy và chồng gần như trắng tay vào cổ phiếu và từ những vụ đầu tư sai lầm. Khi mối quan hệ đó hoàn toàn chấm dứt thì ông chồng Kevin của cô ta mới phát hiện ra.
Nhưng hai năm sau đó, hậu quả của sự không chung thủy vẫn ảnh hưởng nặng nề đến hôn nhân của April. Kevin đã 62 tuổi nên chẳng thể nguôi ngoai được nỗi đau này. Ông cứ đinh ninh rằng cô ấy còn nhiều mối quan hệ vụng trộm khác và April nay tuy đã 48 tuổi nhưng có thể vẫn đang ngoại tình.
Song khi xét lại hoàn cảnh của cô bây giờ thì khó mà có cơ hội để vụng trộm. Cô bị Kevin trừng phạt bằng cách áp đặt vào một chế độ nghiêm cấm ngặt nghèo. Cô chỉ được rời khỏi nhà để đi làm hoặc đi đâu đó với ông ấy. Cô không còn được gặp gỡ bạn bè và rủ rê mấy đứa cháu ngủ lại nhà nữa. Chỉ cần cô về nhà muộn vài phút thì Kevin liền nhắn tới tấp những lời lẽ đầy hận thù vào điện thoại. Ngay cả khi về nhà đúng giờ thì cô cũng bị Kevin buộc phải kê khai tường tận tên những người từng trò chuyện cùng mình trong ngày hôm ấy. Ông còn lục lạo túi xách, kiểm tra hóa đơn điện thoại và thỉnh thoảng bấm nút gọi lại của điện thoại nhà nhằm xem cô vừa dùng nó gọi cho ai. Tệ hơn nữa, nhiều lần cô phát hiện ra ông gắn máy nghe trộm trong xe hơi để xem cô có lén gọi cho ai trên đường hay không.
“Tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Tôi không còn dám nói chuyện với ai nữa vì nếu không Kevin sẽ cho rằng tôi lại ăn ngủ lung tung với người ta,” April tâm sự. Cô tăng gần 30kg và lượng mỡ trong máu lên đến 277 từ khi bị Kevin phát hiện mình vụng trộm, cứ theo đà này khả năng bị bệnh tim sẽ rất cao. Đôi lúc cô định sử dụng chiếc máy tập thể dục trong nhà kho thì Kevin liền làu bàu, “Bà có nhớ lần cuối cùng bà giảm cân thì chuyện gì xảy ra không…”, cứ thế April chỉ còn biết nằm ườn ra trên ghế sofa mà thôi.
Hầu hết thời gian họ đều ở bên nhau, và lúc gần nhau Kevin và April luôn “nhặng xị” về chuyện vụng trộm. Mỗi lúc như vậy, Kevin đều nhắc lại tường tận những gì những gì April đã làm với tình lang của mình. Ông tìm hiểu thêm về chuyện ngoại tình qua những cuốn sách tự học và tham gia lớp phục hồi tinh thần hằng tuần. Ông luôn bảo, “trong tình cảm hai người phải hoàn toàn trung thực với nhau và không che giấu một điều gì cả.” Gần đây, ông đến Nashville để tham gia một buổi hội nghị về chuyện ngoại tình, đến khi về nhà, ông khẳng định rằng lăng nhăng xuất phát từ trong máu, và mặc cho April phản đối ra sao thì ông vẫn nhất mực khăng khăng rằng bố mẹ của April cũng từng vụng trộm như vậy. Phải nói thêm rằng tình lang của April lại là một gã da đen (trong khi Kevin và April là người da trắng) nên mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn trong lòng Kevin.
Tôi hẹn ăn trưa với hai vợ chồng trong một nhà hàng đồ nướng gần khu nhà họ ở ngay cạnh Memphis, vùng này dân cư đa phần đều phải lái xe đi nơi khác để làm việc. Một điều lạ của khu này là tuy hầu hết người dân ở đây là da đen nhưng cả thị trấn lại được tô phết bằng sắc trắng. Xe hơi lăn bánh trên những con đường hai bên cây xanh thẳng tắp, trên cản xe dán những miếng đề can đại loại như ẢNH CẮT DÁN và ĐIỀU KÌ DIỆU THÀNH HIỆN THỰC. Người dân ở đây có mức thu nhập bình quân gấp đôi những người ở Tennessee. Nhìn qua April, cô có những nốt tàn nhang phơn phớt trên mặt và mái tóc dài sắc vàng ửng đỏ. Còn Kevin sở hữu khuôn mặt tròn bầu bĩnh và giọng nói sang sảng như phát thanh viên ra-đi-ô. Vài phút sau khi tôi ngồi xuống bàn, April nhìn chăm chăm vào đĩa thịt heo xé sợi và bắt đầu sụt sùi trong khi Kevin thao thao bất tuyệt những lời phê phán.
Dường như tôi gặp họ vào thời điểm thuận lợi. “Cả hai chúng tôi không còn khóc nhiều như trước nữa, có lẽ nhờ dùng thuốc chống suy nhược thần kinh.,” Kevin bảo. Họ vẫn nói bóng gió về việc ly dị, nhưng tôi nhận thấy có vẻ sự cố vụng trộm này lại tốt cho hôn nhân vốn đã gặp nhiều trắc trở của họ. Khi họ nói về những sự kiện xảy ra, lại nghe như họ đang hồi tưởng lại.
“Có nhớ ngày tôi xé hình của bà ra từng mảnh vụn không?” Kevin hỏi April. “Tôi lên lầu, ngồi phệch xuống giữa nhà và bắt đầu đập phá liên hồi.”
April tỏ vẻ bối rối, có phải Kevin đang nhắc đến việc ông xé nát tấm ảnh cưới của hai người không nhỉ? Tất cả hình ảnh đã tiêu tán hết rồi, duy chỉ một tấm còn sót lại ở nhà bố của Kevin mà thôi.
À, không phải, Kevin đang hồi tưởng lúc ông với lấy tấm ảnh của bà chụp cùng máy thu âm (dụng cụ thanh nhạc) trong tầm tay rồi xé nó. “Tôi chỉ ngồi đó gào thét. Những lời như ‘tao hận mày, đồ con đàn bà khốn nạn, đồ chết bầm,’ rồi cứ thế mà gào thét và đập phá liên tục.” Cũng đúng vị trí đó nhưng trên lầu hai, nơi Kevin trưng bày những máy bay mô hình, April từng phải ngồi van xin ông buông cây súng lục xuống khỏi đầu.
Nhìn có vẻ April và Kevin hành xử hơi bị thái quá, nhưng đó âu cũng là phong cách đặc trưng của người Mỹ. Sau biến cố ngoại tình thì sự tổn thương tinh thần kéo dài suốt hai năm như vậy là bình thường thôi. Và một biểu hiện khác đúng chất người Mỹ của April là cô vẫn không thể tin rằng mình là “người phụ nữ thông dâm.” Cô lớn lên trong nhà thờ và chỉ có thể nghĩ mình là “một người đàn bà xấu” mà thôi. Cô phân trần, “tôi không nghĩ người phụ nữ làm ra hành động đó là bản thân tôi. Chắc chắn là một con người khác tồn tại trong tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là loại người có thể đi vụng trộm như vậy được.”
***
TỪ NHỮNG NĂM 1970 , người Mỹ đã tỏ ra khoan dung về những vấn đề xã hội liên quan đến tình dục. Chúng tôi dễ chấp nhận hơn đối với việc đồng tính, về chuyện sống thử, về chuyện ly dị, và quan hệ tình dục lẫn có con ngoài giá thú. Hầu hết người Mỹ ngày nay quan hệ tình dục từ lúc 17 tuổi nhưng đến 26 tuổi mới bắt đầu kết hôn, có nghĩa là họ có 9 năm thoải mái để quan hệ tình dục trong lúc còn độc thân.
Vì vậy, thật tò mò và ngạc nhiên khi nghe người Mỹ trở nên khắt khe hơn về ngoại tình. Năm 1973, 70 phần trăm người Mỹ cho rằng ngoại tình là “điều hoàn toàn sai trái”. Đến năm 2004 thì khoảng 82 phần trăm có cùng ý kiến như vậy, số còn lại thì nghĩ rằng “việc này hơi sai trái.” Trong cuộc thăm dò dư luận quần chúng của Viện Gallup (Hòa Kỳ) vào năm 2006, kết quả là tội thông dâm còn tệ hơn chế độ đa thê và việc nhân bản con người nữa.
Thật kỳ lạ vì người Mỹ thường có nhiều ý kiến trái chiều trong những vần đề khác, nhưng khi nói đến việc ngoại tình thì suy nghĩ của họ thật đồng nhất. Kevin và April đều thuộc đảng Cộng Hòa và sống tại miền Nam Hoa Kỳ, nơi đạo Tin lành phát triển mạnh. Nhưng khi nói về việc ngoại tình thì giọng điệu của họ chẳng khác gì những người hiện đại sống ở New York, thệm chí còn gay gắt hơn. Ngay cả những người Mỹ không thuộc đạo giáo nào cũng có những ý nghĩ rất bảo thủ về việc không chung thủy trong hôn nhân.
“Tôi nghĩ rằng bạn không thể ngoại tình mà không cảm thấy tội lỗi. Vì lúc đó bạn đang làm khổ tất cả mọi người và chính cả bản thân mình nữa. Khi hành động như vậy, bạn đã không thật thà. Một khi đã không thật thà thì sẽ quen thói và tiếp tục lừa dối. Cho dù bạn có thông minh đến đâu thì một ngày nào đó nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi giết chết bạn,” một người theo chủ nghĩa tự do phát biểu; cô 32 tuổi, sống trong một căn gác xép dưới phố thị, làm việc cho một hãng thời trang ở New York và giao lưu với những người bạn đồng tư tưởng.
Cũng giống như April, những người đàn ông Mỹ ngoại tình thường bảo tôi rằng họ đều không phải loại người hay lừa dối. Thật khó để có thể chê trách họ vì một lần sa ngã như vậy. Theo cái cách người Mỹ chống đối lại việc ngoại tình, chúng ta có thể thấy được rằng những kẻ lừa dối không được coi là những người phạm lỗi bình thường nữa mà đã trở thành tội đồ bị mọi người ruồng bỏ. Ngay cả việc yêu bạn đồng nghiệp cũng gần như bị liệt vào loại người vô tín ngưỡng.
Nhưng trong những trong hoàn cảnh đặc biệt khác, như các đội thể thao nghiệp dư hay hãng luật sư, thì việc không chung thủy lại được khoan dung hay thậm chí còn được khuyến khích. Những người theo chủ nghĩa tự do hay nói đùa về việc ngoại tình và thường đặt ra câu hỏi liệu rằng chế độ một vợ một chồng có khả thi hay không. Nhưng vết nhơ của việc ngoại tình rất sâu đậm và khó có thể phai nhạt một mai, nhất là khi kẻ vụng trộm lại chính là một người quan trọng trong cuộc đời bạn.
Tôi gặp một doanh nhân tại quán rượu nhỏ gần nhà ông ở Upper West Side của Manhattan, ông thổ lộ rằng mình đã chung thủy với vợ được hơn hai mươi năm sau khi cưới. Việc quan hệ với một người khác quả rất hấp dẫn nhưng ông rõ ràng tỏ ra rất băn khoăn. Xung quanh những người bạn thành đạt của ông, rất hiếm người ngoại tình và họ cho rằng “ngoại tình là một điều ngoại lệ, một chuyện bất thường và chính là một hiểm họa.” Cơ hội đánh mất hôn nhân với thu nhập gấp đôi của ông có thể xảy ra và một vấn nạn đáng sợ đồng thời dẫn đến là “Con cái sẽ nghĩ về mình như thế nào?”
Một vài người ông biết một khi đã ngoại tình thì lại ngoại tình rất nhiều. Họ thường khoe khoang về sự ham muốn tình dục quá mức của mình, và theo ông đó hẳn là biểu hiện của triệu chứng rối loạn nhân cách. “Bạn phải tìm người như vậy, những người có cuộc sống vô độ ấy. Việc này không phải vì tình dục đâu, chắc là vì tính lập dị hoặc trò vui đấy,” ông ta bảo. Ngoại tình còn được liên tưởng đến tầng lớp thấp hèn của Mỹ, những người thiếu nguồn vui và không có kỷ luật để có thể sắp xếp cuộc sống một cách đứng đắn. Tham gia vào loại quan hệ này sẽ chỉ làm mục nát xã hội mà thôi. Ông kết luận, “Tôi không nghĩ là mình muốn bị xem là người đi ngoại tình, nó chẳng tốt đẹp gì cho uy tín của bạn cả.”
Người Mỹ nâng cao uy tín của mình bằng xu hướng thiên về chế độ một vợ một chồng. Tín hiệu này cho thấy họ là bậc cha mẹ tốt, là những nhân viên trung thực, là những thương gia đáng tin cậy và họ chia sẻ giá trị này với những người bạn đứng đắn của mình. Vợ một bác sĩ ở Miami thổ lộ rằng, nếu nói thật lòng thì cô không ngại chồng mình quan hệ với một người phụ nữ khác và vẫn vui vẻ nếu không được đáp ứng quan hệ vợ chồng hàng tuần. Nhưng cô sẽ không thể chịu nổi miệng lưỡi của thiên hạ phê phán việc chồng mình ngoại tình. Cô và bạn bè xung quanh đều biết đến chồng mình là một người kiên định và hạnh phúc với hôn nhân một vợ một chồng. Nếu ông ta vụng trộm thì chẳng khác nào bấy lâu nay ông đã lừa dối mọi người và không còn là người đàn ông mà họ quen biết nữa.
Những câu chuyện về ngoại tình của người Mỹ luôn tiềm ẩn những bài học đạo đức, chúng thường bắt đầu bằng những chi tiết lôi cuốn rồi rốt cuộc cũng trở về với kết luận an toàn của chế độ một vợ một chồng. Phỏng vấn Betsy, một nhà báo làm việc cho tạp chí More , tạp chí này hiện đang là lựa chọn hàng đầu của phụ nữ ở độ tuổi trên 40, cô cho biết từng cảm nắng bác sĩ nắn xương của mình và ngay sau đó liền cảm thấy tội lỗi khi tưởng tượng ra cảnh một người đàn ông khác ngoài chồng mình trong tình trạng lõa thể. Sau đó, cô phát hiện ra bạn của mình cũng có những lúc xao lòng như vậy, trong số đó, một nữ nhiếp ảnh gia bạn cô thậm chí còn nô đùa với anh chàng chùi rửa hồ bơi nhà mình nữa cơ. Nhưng sau đó người bạn ấy thổ lộ rằng, “Mình hối hận lắm. Lúc đầu nó chỉ mang máng là những hoang tưởng tuyệt vời thôi nhưng nó lại đi xa ra khỏi tầm kiểm soát lúc nào không biết. Thật ra cũng chẳng có ai phát giác, nhưng mình tự cảm thấy sốc với chính bản thân.”
Đối với Betsy, ngoại tình quá trái ngược với đạo đức nên cô thậm chí chẳng dám mơ tưởng tới nữa kia. Cô kể mỗi lần chợt nghĩ đến viễn cảnh chạy trốn cùng người tình trong mộng, “Đôi lúc tôi còn đặt con cái của cả tôi và anh ấy vào xe để chắc rằng chúng được an toàn.” Lần gặp sau sau đó, cả hai đều thú nhận rằng họ nhận thấy đối phương rất dễ mến nhưng ngay lập tức thống nhất cùng nhau: “Bằng cách nào đi nữa thì ngoại tình không có gì hay ho cả”. Cô bào chữa rằng bằng cách cho những ý nghĩ đó bộc lộ ra qua lời nói âu cũng làm cho tâm trạng mình khá hơn và còn giúp cô thoát ra khỏi áp lực công việc. Sau cùng cô kết luận, “Rốt cuộc bạn sẽ trở về với cuộc sống thực tại một cách an toàn, không chút tội lỗi, đương nhiên cũng có chút cảm giác ăn năn đấy nhưng dù sao mình vẫn còn là một người tốt.”
Có rất nhiều những mục báo chuyên đăng lời khuyên hoặc những diễn đàn trên mạng nơi mọi người tìm câu giải đáp từ những người đồng cảnh ngộ với mình. Trong mục báo nọ, một phụ nữ đã ly dị chồng tâm sự rằng cô đang qua lại với một người đàn ông tuyệt vời, nhưng đêm nọ khi đang đi chơi cùng bạn bè, một anh chàng đã mời cô một ly rượu, “Cuối đêm đó, tôi đã rất say và chắc rằng đã hôn anh ta. Dường như chỉ là một chiếc hôn vội mà thôi, mà tôi cũng không chắc có hay không nữa. Nhưng đến bây giờ thì tôi cảm thấy ghê tởm với việc mình đã làm. Lúc đó rõ ràng tôi không còn là chính mình, và tôi sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm đó nữa! Tôi có nên thú nhận với bạn trai mình hay không? Làm sao tôi vượt qua được cảm giác tội lỗi này đây? Bây giờ tôi cảm thấy mình không còn xứng đáng với anh ấy nữa. Cám ơn rất nhiều vì tất cả những lời khuyên của các bạn.”
***
CÓ LẼ ĐỐI VỚI TÔI đây là cách nhìn thông thường nhất về vấn đề ngoại tình, nhưng thật ra tôi biết được những người trung lưu, có ăn học ở những quốc gia khác, lại có cách suy nghĩ không giống như vậy. Rất nhiều người còn cho rằng phương thức của chúng tôi là kỳ dị nữa cơ. Họ dị ứng với sự run sợ của chúng tôi khi đối đầu sự việc, sự sợ hãi khi đối đầu với việc ly hôn, về việc đặt niềm tin lấy lại hơi thở của hôn nhân vào những nhà tư vấn, và ngay cả về việc chúng tôi cho rằng sự trung thực là yếu tố tất yếu của đời sống vợ chồng nữa. Họ đặc biệt thích thú với vở diễn Jekyll & Hyde mà người Mỹ đã lý tưởng hóa bằng cách cho nhân vật ngoại tình được tái sinh thành một chuyên gia tư vấn về ngoại tình và còn viết hồi ký để dạy những kẻ khác vực dậy sau biến cố ấy nữa. Ngoại tình không chỉ có những hậu quả khác nhau. Ngoài nước Mỹ, người ta còn có tiêu chuẩn chọn người để ngoại tình riêng, trách nhiệm của đôi bên, và ngay cả việc thông dâm phải kết thúc ra sao.
Tưởng chừng như ngoại tình là một bí mật, một lãnh địa hỗn mang, nơi con người tự quyết định hành động của mình, nhưng thật ra, nó có luật lệ hẳn hoi mà chúng tôi được biết thông qua những nguồn tin, câu chuyện, và những mẩu chuyện. Những chuyện tường thuật này giúp chúng tôi định nghĩa được ở mỗi nơi khác nhau, cái nào được cho là “bình thường” và kết lại những gì sẽ xảy ra cho vợ chồng trong quá trình dài đằng đẵng của hôn nhân. Dĩ nhiên không ai tuân thủ chính xác theo luật lệ này cả. Có người còn cố ý làm sai luật nữa. Chủ yếu là con người trong xã hội đều biết rõ mọi luật lệ và những hành xử của họ đang tuân theo được bao nhiêu phần của luật lệ đó mà thôi.
Ông Peggy Vaughan, chủ một dịch vụ tư vấn qua điện thoại cho những người phát hiện bạn đời của mình ngoại tình, đã bảo, “Khi người ta kể cho tôi nghe một phần nhỏ câu chuyện của họ, tôi chẳng cần biết phần tiếp theo là gì cả. Tôi không buồn nghe cho kĩ càng vì dù chi tiết câu chuyện ra sao thì cảm xúc của họ cũng trào ra như nhau cả thôi. Chẳng cần nghe cũng biết sau đó họ sẽ nói gì.”
Ở Mỹ, một phần của kịch bản đều là người chồng khi ngoại tình sẽ nói với người tình của mình rằng anh ta đang cảm thấy không hạnh phúc với vợ. Điều này giúp cho anh ta tránh bị mang tiếng bắt cá hai tay và chỉ là một tâm hồn yếu đuối đang đi tìm lại tình yêu mà mình xứng đáng có được mà thôi. Còn ở Trung Quốc, những người đàn ông thường ca tụng vợ với người tình của mình, nhằm vừa chứng tỏ sự tôn trọng phụ nữ vừa vạch ra ranh giới trong quan hệ vụng trộm của họ.
Con người khắp nơi có thể có chung những cung bậc cảm xúc nhưng văn hóa sẽ dạy cho chúng ta biết nên bộc lộ cảm xúc trong những trường hợp khác nhau như thế nào cho thỏa đáng. Một người phụ nữ Nhật đã có chồng cảm thấy bối rối khi tôi hỏi rằng bà ta có cảm thấy tội lỗi khi có người tình hay không. Tôi thậm chí phải lặp đi lặp lại câu hỏi. Rốt cuộc chỉ là “cảm thấy có tội” không có trong từ điển của bà, vì bà cho rằng đã đáp ứng mọi trách nhiệm với gia đình của mình. Còn một người đàn ông Pháp lại sửng sốt khi tôi hỏi rằng ông có từng phải đi trị liệu tâm lý để giải quyết cuộc sống hai mặt của mình không vì ông đã ngưng ngay việc trị liệu khi gặp người tình của mình và đến nay ông đang rất hạnh phúc.
Đương nhiên có nhiều nơi khác nhau trên thế giới này. Nhưng cho dù ở những đất nước chấp nhận khoan dung cho việc ngoại tình thì hầu hết ai phát hiện ra điều này cũng đều đau đớn cả. Và mỗi nơi đều có một kiểu khác nhau. Tôi lúc nào cũng làm những người ngoài nước Mỹ hào hứng hẳn lên khi kể về “tuyên ngôn” hẹn hò của những người thành thị Mỹ, rằng việc quan hệ tình dục không chỉ xảy ra giữa riêng họ cho đến khi cả hai cùng thống nhất dừng lại. Người nước ngoài luôn ngạc nhiên khi biết rằng người Mỹ khi đang yêu đương vẫn đăng thông tin của mình lên những trang hò hẹn trên mạng cho đến khi đôi bên cùng quyết định đi đến cuộc sống một vợ một chồng. Một nhà báo trên trang hẹn hò match.com khuyên rằng, “đừng nghĩ rằng bạn là duy nhất nếu bạn chưa thảo luận về điều đó.” Khi bạn thể hiện chủ đề này, “hãy bộc lộ khát khao của mình một cách dễ thương để cho thấy rằng bạn sẵn sàng trao đổi về nó.”
Dĩ nhiên vài nền văn hóa khác cũng có phong cách “hẹn hò theo kiểu Mỹ”, đó là trong thời gian chọn lựa bạn vẫn có thể phát triển nhiều mối quan hệ yêu đương cùng một lúc. Nhưng xét cho cùng, Mỹ vẫn là nơi có tình trạng bắt cá nhiều tay kéo dài nhất. Còn ở những nước khác, mặc có mối quan hệ tình cảm nhưng chẳng bao giờ công khai chúng ra một cách rõ ràng cả. Bernard-Henri Lévy, một triết gia Pháp, tường thuật lại câu chuyện ông nghe được khi đang xếp hàng ở sân bay Washington D.C. giữa một đôi tình nhân trẻ đang tranh luận rằng có phải họ vẫn chỉ đang hẹn hò vớ vẩn hay giới hạn của “quan hệ” của họ bây giờ là gì. Theo ông thì “cách hẹn hò không theo kiểu Pháp này sẽ làm cho buổi hẹn hò ấy và cả mối quan hệ tình cảm về sau sẽ trở thành một sự vật tồn tại riêng biệt trong đời sống của hai con người yêu nhau.”
Sau “tuyên ngôn” ấy, chuyện dối lừa vẫn xảy ra khá nhiều giữa những cặp đôi yêu nhau (tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với khi đã kết hôn). Mỗi bên tự ấn định số lượng người mình hẹn hò trong một hay hai thập kỉ. Đến khi hai người chịu dừng chân lại để tiến đến hôn nhân có thể xem là lúc họ đã cán mức cuối cùng của cuộc đua tình ái. Nhưng nói đến sự chung thủy thì lại có những luật lệ khác. Mặc dù chúng ta cắn răng chấp nhận sự dối lừa trongsuốt thời gian yêu đương, nhưng ai cũng trông chờ sự chung thủy của đối phương khi đã trở thành bạn đời của mình. Phụ nữ thường cho rằng, “’Nếu như anh ấy thật tình yêu tôi thì sẽ không màng hướng ánh mắt thèm thuồng đến một thân thể hay một bộ ngực nào khác cả. Mỗi khi có ông chồng nào dám để mắt đến một người phụ nữ khác trong nhà hàng, vợ anh ta sẽ lập tức nhặng xị lên ngay.” Diane Sollee, người đứng đầu của một công ty tổ chức hôn lễ chuyên nghiệp ở Washington D.C. tâm sự, “Ở Mỹ, chúng tôi sống quá lãng mạn, vì vậy mọi tội lỗi xâm phạm đến hôn nhân là lý do phổ biến nhất dẫn tới ly hôn.”
Tại sao bị lên án là tội lỗi và đề phòng cẩn thận như vậy mà những người Mỹ đã kết hôn vẫn ngoại tình được? Câu trả lời đơn giản là có một nhóm nguyên tắc khác nữa. Nhóm nguyên tắc chính thống luôn khẳng định rằng ngoại tình là hoàn toàn sai trái. Nhưng đó chỉ là những câu cửa miệng khi phản hồi lại cho những người thăm dò ý kiến mà thôi. Đến khi người ta ngoại tình thì họ lại đi theo một nhóm nguyên tắc khác: nhóm nguyên tắc không chính thức. Thực ra mà nói, như nhà xã hội học James Farrer từng chỉ ra rằng mỗi nền văn hóa sẽ đồng tình với một số hoàn cảnh nhất định dẫn đến sự không chung thủy.
Ở Mỹ, một cuộc hôn nhân hoàn chỉnh không chỉ là hữu danh vô thực mà còn có những ràng buộc nhất định. Một giám đốc đầu tư ở New Jersey, người đang dự định ly dị cô vợ thứ hai ngọt ngào nhưng nhàm chán để chạy theo người tình mới, nhìn tôi bằng ánh mắt ngây thơ vô số tội và vô tư giải thích, “tôi cần hạnh phúc thật sự.” Mưu cầu hạnh phúc hay mưu cầu tình yêu chân thật là một trong những câu chuyện hay được người Mỹ sử dụng để biện minh cho việc ngoại tình và đồng thời cũng để vượt qua sự cắn rứt lương tâm vì đã vụng trộm.
Để làm người không chung thủy, bạn không những phải biết dựng chuyện mà còn phải hoàn toàn nhập vai làm cho câu chuyện được kể thật sống động. Có thật là đàn ông và phụ nữ được phép là bạn bè và có thời gian riêng tư cho mình hay không? Có phải lúc nào vợ chồng cũng phải ở bên nhau trong mọi lúc rảnh rỗi? Có dễ tìm cô trông trẻ hay không? Nhà cửa phải rộng bao nhiêu thì đủ? Khi tôi ở Moscow, một nhà tâm lý học gia đình cho tôi biết rằng rất nhiều người Nga sống trong một căn hộ có hai phòng, một phòng dành cho cha mẹ, phòng còn lại thì cho vợ chồng sống cùng lũ trẻ. “Vậy bạn có thể tưởng tượng họ phải làm tình ra sao rồi... Trong hoàn cảnh này thì thà ra ngoài vụng trộm còn hơn lúc nào cũng phải cãi cọ với cha mẹ,” ông bảo.
Những nhà trị liệu Mỹ lại miêu tả một vấn đề khác - một sự thật là khi việc vụng trộm bị phanh phui cũng là thời điểm hôn nhân đi đến hồi kết. Hệ lụy thường xảy ra nhất mà sự vụng trộm gây ra là sự giày vò làm lu mờ mọi thứ khác trong cuộc sống.
Nhiều người chẳng thể nào rút chân ra khỏi tình cảnh này. Hai mươi lăm năm về trước, Neil nhận được điện thoại báo rằng vợ ông đang nằm viện. Cô bị ông chủ đánh đập, và dường như đó là hậu quả của một cuộc cãi vã xảy ra giữa đôi tình nhân. Lúc ấy Neil đang ngấp nghé bốn mươi và là phó giám đốc của một tổ chức phi lợi nhuận ở Baltimore, sự việc này đã dấy lên trong lòng ông ta đầy hoài nghi về mối quan hệ giữa họ. Từ đó, những cố gắng không ngừng nghỉ hòng tìm ra sự thật cuốn ông ta vào “cơn mê kinh hoàng” đến tận ngày nay.
Khi tôi gặp Neil tại tiền sảnh một nhà thờ ngoại ô ở Memphis, lúc đó ông sáu mươi bốn tuổi. Ông có dáng người cao ráo, lịch thiệp và khuôn mặt hình chữ điền. Ông thích bóng rổ và thường chơi với lũ cháu của mình. Nhưng khi kể lại chi tiết của chuyện ngoại tình này, có vẻ như sự tự tin của ông tàn lụi và những nét thanh lịch quý phái kia cũng vụn vỡ đi đâu mất. Nhìn ông ta lúc này chẳng khác khi Ward Cleaver[2] buông xuôi cho số mệnh là mấy.
“Không có một ngày nào - nghe tôi kể này - không có một ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ ngợi liên tục về chuyện này cả. Điều tôi nói đến ở đây không phải chỉ là suy nghĩ vu vơ rồi lại chăm chú làm việc khác đâu nhé. Không hề. Nó cứ như vết thương không lành làm lòng mình nhức nhối mãi vậy đó. Chẳng thể nào quên được.”
Neil là một người thông minh, ông đã bỏ qua nhiều nỗi đau khác và những chuyện nhỏ không đáng trong cuộc sống. Ông không ngờ rằng vết thương lòng gây ra bởi việc vợ ông ngoại tình lại tồn tại lâu đến vậy. Chính tôi cũng cảm thấy lạ. Dĩ nhiên, phát hiện bạn đời của mình vụng trộm thì ai mà không đau đớn, cảm thấy bị sỉ nhục và còn sợ hãi nữa chứ. Khi tôi tâm sự với nhiều người trên khắp nước Mỹ thì họ đều cố truyền tải một thông điệp không khác gì Neil, rằng họ không chỉ đơn giản là đau buồn và tổn thương như vậy. Họ hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc sống xung quanh. Một “nạn nhân bị lừa dối” giải thích “Nó cướp đi quá khứ, tôi không còn là chính tôi nữa. Bây giờ tôi chẳng biết cái nào là thật, cái nào là giả nữa.”
Hiệp hội Trị liệu Tâm lý cho Hôn nhân và Gia đình của Mỹ cảnh báo rằng “Phản ứng của một người chồng/vợ bị lừa dối sẽ giống như triệu chứng tiền căng thẳng, trầm uất mà những nạn nhân vừa trải qua tại nạn thảm khốc gặp phải.” Mọi người đều cố gắng miêu tả sự tuyệt vọng và tâm trạng như rơi vào vực thẳm của mình bằng tất cả những phép ẩn dụ nào mà họ có thể tưởng tượng ra. Một phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi sống ở Seattle bảo rằng “cảm giác của nó chẳng khác nào thảm họa 11/9, từng tầng của tòa nhà lần lượt sụp đổ.” Một người khác viết trên trang web tâm sự giữa những người bị lừa dối rằng việc cô ta phát hiện chồng mình vụng trộm chẳng khác nào cơn đại hồng thủy cuốn trôi một phần tư triệu người vào năm 2004 ở châu Á.
Jo Ann Lederman, một nhà trị liệu tâm lý tình cảm hôn nhân ở Miami viết trong chuyên mục trên báo mà cô phụ trách: “Rất nhiều phụ nữ tỏ ra mất tự chủ vì họ tin rằng mình đã hóa điên. Trong thời kì này, sẽ xuất hiện những thay đổi nhất định trong hệ thống thần kinh và khả năng nhận thức.” Lederman còn kể lại lời của một bệnh nhân rằng “Cảm giác này còn đau hơn khi mất con nữa. Mặc dù tôi biết rằng bác sĩ đã làm hết sức mình. Nhưng tôi vẫn không thể nào nghĩ được rằng chồng mình, người bạn đời thân thiết nhất của mình, lại chính là nguyên nhân gây ra nỗi đau đớn và giày vò này cả.”
***
HÔN NHÂN MỘT VỢ MỘT CHỒNG đã nằm trong máu của người Mỹ. Những người thuộc Thanh Giáo, tồn tại ở thuộc địa của Mỹ vào thế kỉ 17, nổi tiếng về hình phạt đánh đập giữa công chúng hay đôi khi là xử tội chết dành cho những kẻ ngoại tình. Thậm chí họ còn bị bắt thêu lên những bộ quần áo nổi bật nhất của mình chữ hoa A (hoặc AD)[3] để luôn bị nhận biết; nhưng không cần đến mức phân biệt màu của chữ cái đó như yêu cầu hà khắc của các quan tòa ở Hester Prynne trong cuốn tiểu thuyết The Scarlet Letter (tựa tiếng Việt: Chữ A màu đỏ - ND) của nhà văn Nathaniel Hawthorne. Những người thuộc Thanh Giáo lại theo định nghĩa trong Kinh Thánh, và như vậy ngoại tình chỉ cấu thành giữa những người phụ nữ đã đính ước hoặc đã có gia đình và người tình của họ. Còn những người đàn ông lầm lỡ thì chỉ mang tội nhẹ hơn là “thông dâm” (chỉ việc hai người chưa có gia đình quan hệ tình dục với nhau).
Vào thế kỉ 18, khi tình hình giữa nước Anh và thuộc địa Mỹ của nó trở nên căng thẳng, nước Anh bèn biện hộ cho sự đô hộ của mình rằng quan hệ giữa hai dân tộc như bố mẹ và con cái. Nhưng lý thuyết này đã dấy lên một làn sóng phản đối từ những người thực dân, họ muốn có mối quan hệ tự nguyện bình đẳng với Anh như giữa vợ và chồng.
Đến khi Mỹ giành được độc lập, những nhà cầm quyền lại mượn mô hình hôn nhân như một ẩn dụ lên hình thức tự cai trị của nền cộng hòa mới. Nhà sử học Nancy Cott của đại học Harvard đã miêu tả điều này rất rõ nét trong cuốn sách Những lời tuyên thệ công khai: Lịch sử của hôn nhân và đất nước của mình. Bà viết rằng: đối với những nhà khai quốc của Mỹ, hôn nhân là biểu tượng cho tự do chính trị. Trong cả hai lĩnh vực, mỗi bên đều tự nguyện thực hiện trách nhiệm của mình với bên kia và hai bên cùng hưởng lợi từ mối quan hệ đó. Dĩ nhiên, trong suy nghĩ của những nhà khai quốc ấy, không phải kiểu hôn nhân nào cũng chấp nhận được. Duy chỉ có hình thức hôn nhân của đạo Cơ Đốc: một vợ một chồng, sống với nhau đến răng long tóc bạc mới được thừa nhận mà thôi.
Hôn nhân không chỉ đơn thuần là một phép ẩn dụ. Những nhà khai quốc còn tin rằng chỉ những người đã lập gia đình mới có thể trở thành những công dân tốt. Cách cư xử của những cá nhân không mang tầm ảnh hưởng quan trọng trong suốt thời kì còn là thuộc địa vì vua chúa được toàn quyền hành xử. Nhưng dưới chế độ dân chủ thì dù sao đi nữa, lựa chọn của nhân dân nước Mỹ vẫn là cơ sở định hình đặc tính của đất nước. Từ đó, sức mạnh và sự tồn vong của quốc gia sẽ tùy thuộc vào tình trạng tinh thần của người dân. Theo lý thuyết, nếu như dân chúng là những kẻ thối nát và suy đồi về đạo đức thì họ chắc chắn sẽ bầu một con người có tính cách tương tự để làm lãnh đạo.
Những nhà khai quốc cổ vũ cho hôn nhân với mong muốn thiết lập nước Mỹ thành một xã hội trật tự và hành xử đúng đắn. Họ nghĩ rằng các bà vợ sẽ kiềm hãm được những tính cách bốc đồng ương bướng của chồng mình, và ngược lại, các đức ông chồng sẽ dùng quyền lực tối thượng để giữ cho vợ mình sống đúng theo lề lối đạo đức. Những triết gia chính trị tiếng tăm ngày ấy cho rằng hôn nhân sẽ khích lệ mỗi cá nhân sống hết mình vì lợi ích cộng đồng. Ý kiến này được các tạp chí nổi tiếng đăng tải với vô số bài viết ca ngợi về lợi ích của tình yêu chung thủy lứa đôi. Còn gia đình của tổng thống được lấy ra làm nguyên mẫu cho nhân dân nước Mỹ noi theo.
Những nhà làm luật từ thuở ban sơ cũng không để cho mọi chuyện xảy ra một cách ngẫu nhiên. Nếu như người Mỹ nào không muốn kết hôn thì sẽ không được quan hệ tình dục. Chính phủ ban hành đạo luật hôn nhân và nghiêm cấm mọi hình thức quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, kể cả thông dâm, quan hệ với súc vật/quan hệ qua đường hậu môn và cả ngoại tình. Những tội trạng như “tội thông dâm” (quan hệ với vợ/chồng của người khác), “tội dụ dỗ” (lôi kéo vợ bỏ chồng), và “đánh cắp tình cảm” (cướp mất tình yêu của vợ/chồng người khác) đều bị trừng trị. Những tội trạng này đều gây bất lợi cho người chồng, vì theo luật thì cơ thể người vợ đương nhiên thuộc về chồng mình. Khi tình trạng quan hệ ngoài hôn nhân vẫn xảy ra, vào thế kỷ 19, hầu hết các bang đều nghiêm cấm các hoạt động phá thai và chính quyền liên bang còn không cho phép gửi các tài liệu “vô đạo đức” hay nói rõ hơn là bao gồm thông tin nhằm khống chế việc sinh nở, Cott đã ghi chép lại như vậy.
Vào đầu thế kỷ 20, rất nhiều người Mỹ đã chán ngấy điệu bộ giả vờ đoan trang kiểu cách từ thời hoàng hậu Victoria. Việc khống chế sinh nở bắt đầu được thực thi ở nhiều nơi, phụ nữ châu Âu đa số đều ủng hộ công khai, và triết học Freud giải thích hiện tượng này xảy ra do nhu cầu tình dục của con người thúc đẩy. Bắt đầu từ đấy, phụ nữ không còn rụt rè lãnh cảm nữa, họ đều cho rằng hạnh phúc hôn nhân phải đi kèm với việc được thỏa mãn về tình dục.
Tòa án, đồng thời là tổ chức bảo vệ lợi ích quốc gia, bắt đầu lo ngại về những quan điểm buông thả này. Vài tiểu bang nâng tầm nghiêm trọng của việc ngoại tình thành tội trạng với hình phạt tối đa lên đến 5 năm tù giam, và hơn thế nữa tội này được chính thức đưa vào khởi tố theo bộ luật Dân sự. Mặc dù vậy họ cũng không thể chống lại xu hướng của xã hội. Phụ nữ được quyền bầu cử vào năm 1920 và hầu hết mọi đạo luật liên quan đến việc người vợ là tài sản của chồng đều bị bãi bỏ.
Theo thời gian, chính quyền Mỹ ngày càng nới lỏng sự can thiệp vào đời sống riêng tư. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ được phép lưu hành thuốc ngừa thai vào năm 1960. Tòa án tối cao bãi bỏ điều luật cấm phá thai ở các tiểu bang vào năm 1973. Và có lẽ bước quan trọng nhất xảy ra trong thời điểm từ năm 1969 đến giữa những năm 80 là việc các tiểu bang bắt đầu áp dụng một số hình thức thuận tình ly hôn. Điều này có nghĩa là con người có quyền hủy bỏ hôn nhân của mình nếu cảm thấy không hạnh phúc. Càng ngày càng nhiều phụ nữ kiếm được tiền và có đủ khả năng để tống khứ những ông chồng thích mèo mỡ ra khỏi đời mình mà trong quá khứ có lẽ họ đã phải cắn răng chấp nhận. Từ đó, tỉ lệ ly dị trên toàn nước Mỹ tăng mạnh từ 2,6/1000 người (năm 1967) lên đến 5,3/1000 người (năm 1979), nhưng sau đó thì bắt đầu thuyên giảm. Quyết định có con hay không và vào lúc nào; cả chuyện có ly dị hay không đều tùy thuộc vào cá nhân, còn chính quyền gần như không can dự vào nữa.
Khi con người được quyền kiểm soát về việc sinh nở và hôn nhân nhiều hơn thì ngoại tình lại trở thành một biểu tượng giá trị mới. Quan hệ ngoài hôn nhân không còn là yếu tố ảnh hưởng đến số phận của quốc gia như trước nữa mà trực tiếp ảnh hưởng vào đời sống của cá nhân và gia đình. Nhưng không phải vì vậy mà người Mỹ không còn để ý đến nó - ngược lại, họ càng trở nên khắt khe hơn. Càng ngày họ càng cho rằng nó là cánh cửa tội ác, mở ra cho bao nhiêu hiểm họa khác. Nhưng trong cái nhìn mới, những hiểm họa này không còn tác động đến nền chính trị mà sẽ ập lên gia đình và cuộc sống của kẻ ngoại tình. Kết quả là chuyện ngoại tình dần được đưa vào bóng tối. Hầu hết các luật lệ áp dụng lên tội ngoại tình ở các tiểu bang đều bị bãi bỏ, những gì còn lại chỉ mang tính di tích văn hóa mà thôi.
Ý kiến cho rằng việc lừa dối bạn đời sẽ dẫn đến hố sâu bi kịch cho cuộc đời mình đã trở thành mô-tuýp quen thuộc trong các tác phẩm điện ảnh của Hollywood. Còn trong những vở kịch, khi nhân vật chính ngoại tình, thì theo luật bất thành văn một người nào đó sẽ phải chết (không hẳn phải là kẻ ngoại tình) để lại sự sám hối tột cùng cho kẻ gây ra hành động lừa dối ấy và đồng thời cũng đại diện cho ác quỷ được tạo ra từ việc ngoại tình. Một tác phẩm tiêu biểu là “Không chung thủy” (2002) được làm lại từ phim truyện Pháp về một người phụ nữ ở ngoại ô chìm vào cuộc tình say đắm với người đàn ông cô tình cờ gặp trên đường (sự thật thì cô ấy là nhân vật chính nên thật ra cô ta không muốn bản thân mình ngoại tình chút nào). Trong một cảnh phim, có vẻ được thêm vào để thu hút khán giả Mỹ, bạn bè của cô bàn tán về người đàn ông quyến rũ đang ngồi ở quầy bar bên cạnh mà không hề hay biết là ông ta đã ngủ với cô nàng này rồi. Một trong số họ bông đùa rằng cô sẽ “gật đầu ngay tắp lự” nếu như ông ta thích mình và việc ngủ nghê sẽ trở thành một trò tiêu khiển, chẳng khác chuyện tham gia lớp học làm gốm là mấy.
Nhưng một người bạn khác lại cảnh báo rằng chuyện ngoại tình không hề đơn giản như vậy. “Không đâu, mọi thứ ban đầu lúc nào cũng dễ dàng như vậy cả. Nhưng rồi sẽ có chuyện xảy ra thôi, một ai đó sẽ phát hiện ra sự việc hoặc một trong hai người sẽ nảy sinh tình yêu thật sự, và rồi bao giờ cũng sẽ kết thúc tồi tệ cho mà xem.”
Ngay sau đó, chồng của vai nữ chính, một người cha - một doanh nhân mẫu mực, phát hiện ra chuyện vụng trộm và ra tay sát hại tên tình nhân người Pháp ấy. Sau sự việc, vợ chồng họ giảng hòa với nhau nhưng luôn phải sống trong sự lo âu thấp thỏm bị kết tội sát nhân hoặc bị nỗi ám ảnh giày vò thôi thúc họ đi tự thú. Dù trong trường hợp nào thì chuyện ngoại tình này cũng đã mãi mãi phá nát cuộc sống vốn dĩ yên bình trước đây của họ.
Tại những phòng chat (chat room) trên Internet, tôi thấy họ cũng hay đưa lên những thông điệp tương tự. Có một phụ nữ nọ đăng lên rằng cô ta có cảm tình với một người đàn ông đã có gia đình và có thể sẽ ngủ với anh ấy; ngay sau đó tâm sự này bị dội hàng loạt phản đối - có vẻ từ những người cũng có kinh nghiệm ngoại tình - họ cảnh báo rằng cuộc vui chóng vánh này sẽ phá nát cuộc đời cô ta.
“Bạn đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sống song tình này chưa? Bạn đã cân nhắc kĩ chưa? Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn ra sao trong 1, 2, 5, hay 10 năm nữa. Cuộc phiêu lưu tình ái này sẽ ảnh hưởng đến SUỐT ĐỜI bạn đấy. Chưa kể đến chuyện biện minh, bạn phải đối mặt với chính bản thân mình... Ngay cả đối với kẻ thù đáng ghét nhất của mình, tôi cũng không cầu mong hắn lâm vào tình cảnh đó đâu.” Một người khác viết rằng “Tôi thật sự mong bạn cắt đứt mọi liên hệ với anh chàng này để bản thân và gia đình bạn không phải sống nhiều năm sau trong địa ngục.”
Năm 1998, dân Mỹ được chứng kiến một kịch bản về ngoại tình trên diễn đàn có thể nói là công khai nhất từ trước đến nay: nghi án vụng trộm của tổng thống Bill Clinton. Phe đối lập Đảng Cộng Hòa của Clinton cẩn thận phát biểu rằng họ không định quy ông vào tội hẹn hò ngoài hôn thú với cô thư ký thực tập 22 tuổi Monica Lewinsky tại Nhà Trắng. Tội trạng thực sự họ muốn quy kết vào ông là sự suy đồi đạo đức “nói dối” và tội này cũng liên hệ mật thiết với tội quan hệ ngoài giá thú ở Mỹ. Để kết tội, những người điều tra đã lập nên “Báo cáo Starr” dày 445 trang, trong đó miêu tả rõ ràng mười lần vụng trộm tình ái của Clinton và Lewinsky, từ lần đầu ông ta trò chuyện với cô ấy sau giờ làm việc của chính phủ vào năm 1995 đến cuộc gặp gỡ của họ tại “tiền sảnh không cửa sổ ngoài phòng sách” của Phòng Bầu dục.
Những nhân vật và diễn tiến của “Báo cáo Starr” hoàn toàn dựa theo kịch bản ngoại tình thường thấy ở Mỹ. Lewinsky là người đàn bà mang tham vọng thay thế vị trí của người vợ chính thức, còn Clinton là người chồng luôn vun vén thêm cho khát vọng ấy hòng dụ dỗ cô ta lên giường với mình. Trong báo cáo có miêu tả lại rằng “Có lần tổng thống Clinton rào trước đón sau với cô Lewinsky rằng ông ta không biết mình có ly dị sau khi rời khỏi Nhà Trắng hay không nữa. Ông đã nói lấp lửng thế này, “[Ai] mà biết chuyện gì sẽ xảy ra bốn năm sau nữa khi tôi không còn làm việc ở văn phòng này cơ chứ?”
Báo cáo Starr miêu tả lại sự thất vọng quen thuộc của nhân vật nữ. Một người bạn của Lewinsky thuật lại rằng, “Nếu [Lewinsky] muốn nói dối tôi thì hẳn cô ấy sẽ bảo rằng, ‘Ồ, ông ấy lúc nào cũng gọi điện thoại và dành cho tớ bao điều tuyệt diệu. Lúc nào cũng muốn gặp tớ cả’... Lẽ ra cô ấy phải thêm mắm thêm muối vào câu chuyện như vậy chứ không phải than thở rằng, ‘Ông ấy bảo sẽ gọi tớ nhưng tớ ở nhà đợi hết cuối tuần không làm gì nhưng có thấy tăm hơi ổng đâu, mà đã hai tuần không gọi rồi.’”
Vernon Jordan, một luật sư ở Washington và là bạn của Clinton, xác thực rằng khi Lewinsky than phiền Clinton không gọi điện thoại hay dành thời gian cho cô ta quá ít thì, “ông ấy cảm thấy cần phải nhắc nhở Lewinsky nhớ rằng Tổng thống là “lãnh đạo của một thế giới tự do’ và có rất nhiều nghĩa vụ cần làm.” Khi Clinton bắt đầu hết hứng thú với Lewinsky thì cô nàng liền quay ngoắt thành một vai diễn quen thuộc khác: trở thành một mụ đàn bà đòi quyền lợi để rút khỏi quan hệ vụng trộm và không hé lộ ra bí mật nguy hiểm nào. Lúc đó, cô nàng yêu cầu có một công việc tại New York.
Ngay cả những người ủng hộ thuộc đảng Dân Chủ của Clinton cũng cẩn thận khi đưa ra sự thành tín của mình sao cho hợp với nhân tình thế thái. Thượng nghị sĩ Robert Byrd, người cao tuổi nhất trong bộ máy chính quyền của miền Tây Virginia, gọi hành động này của Clinton là “một hình ảnh đáng buồn”. Một luật sư riêng của Clinton biện minh với Ủy ban Pháp luật rằng chuyện vụng trộm của Tổng thống và Lewinsky chỉ ở mức “khiển trách về tư cách đạo đức”. Nhưng có một điều hoàn toàn khác với kịch bản thường thấy là Hillary, vợ của Clinton, vẫn không rời bỏ ông ta, và điều này làm dư luận Mỹ rất bất mãn. Còn Diane Sollee, một chuyện gia về hôn nhân gia đình ở Washington, kể lại rằng trong suốt phiên xử bà bị phóng viên gọi liên tục để chất vất lý do làm sao cuộc hôn nhân của Clinton vẫn không bị đổ vỡ như vậy.
Chắc hẳn những người thuộc đảng Cộng Hòa chống đối Clinton quên rằng chuyện ngoại tình đã trở thành việc cá nhân. Họ mong mỏi quốc gia nhìn nhận vấn đề này theo cách cũ, như một thứ từng là hiểm họa cho sự bền vững của đất nước. Rất nhiều hạ nghị sĩ phải đối mặt trước ống kính để trả lời những bức thư của trẻ em còn đi học cảm thấy bị “tan nát cõi lòng” khi tổng thống lừa gạt chúng. “Nếu tổng thống phá vỡ hiệp ước thành tín với nhân dân Mỹ thì ông ta không đáng tin cậy nữa. Hơn nữa, ngành hành pháp của chính phủ là một trong những bộ mặt của quốc gia, một khi đã mất sự thành tín thì không còn ai tin vào nước Mỹ nữa,” Henry Hyde, hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa ở Illinois và từng là người đứng đầu trong tổ chức xét xử vụ bê bối đã phát biểu như vậy.
Nhưng đến khi vụ bê bối của chính bản thân Hyde bị vỡ lở thì ông lại cho rằng ngoại tình là vấn đề của cá nhân. Năm 1998, sau khi bị trang web Salon.com lật tẩy việc Hyde đã từng vướng vào cuộc ngoại tình suốt 5 năm với một bà mẹ trẻ tên Cherie Snodgrass cuối những năm 1960, lúc đó Hyde cũng đang có gia đình cùng 4 con nhỏ. Ông ta biện bạch rằng “Những lầm lạc tuổi trẻ của tôi đã qua lâu rồi. Bây giờ chỉ có thể nói rằng tôi và Cherie Snodgrass từng là bạn tốt rất nhiều năm trước đây.” Nhưng một sự thật rất nực cười là lúc Hyde ngoại tình thì ông đã 41 tuổi rồi.
Đa số dân Mỹ lúc ấy vẫn không thoát khỏi quan niệm cho rằng ngoại tình là vấn đề cá nhân. Ngay sau khi Hạ Nghị Viện cùng thống nhất kết tội Clinton thì tỉ lệ ủng hộ của quốc gia với ông ta tăng thêm 10 điểm, thuộc vào mức cao nhất từ trước đến nay, lên đến 73% dựa theo cuộc thăm dò dư luận quần chúng của Viện Gallup trên CNN. Trong khi đó tỉ lệ ủng hộ của đảng Cộng Hòa lại lao dốc mất 12 điểm, chỉ còn 31%.
Clinton đã khéo léo sử dụng kịch bản tân thời hơn này để chuộc lỗi lầm lăng nhăng sau lưng vợ. Có vẻ là ông ta đã đi theo bước đường mà Hiệp hội Tư vấn Hôn nhân và Gia đình của Mỹ vạch ra. Vì trên website của Hiệp hội có viết, “để lấy lại lòng tin, tội đồ ngoại tình phải sống hoàn toàn chân thực và khai báo rõ ràng mọi chuyện mà người vợ bị tổn thương của mình muốn biết, chẳng hạn như tên của kẻ thứ ba, cả chi tiết những cuộc hẹn hò bí mật và những lần quan hệ đã xảy ra như thế nào.” Sau đó kẻ ngoại tình nên “nhận hết mọi trách nhiệm lăng nhăng về mình, không được đổ lỗi cho kẻ thứ ba, những vấn đề cảm xúc hay cá nhân, hoặc áp lực công việc.”
Clinton đã thực hiện chính xác theo từng lời từng chữ một. Đầu tiên ông không trốn tránh nữa mà thẳng thắn thừa nhận mối quan hệ vụng trộm này. Sau đó, trước thời điểm Báo cáo Starr phát hành, ông tổ chức các buổi xin lỗi người ủng hộ mình. “Tôi không thể trách ai ngoài bản thân mình vì những vết thương mà mình gây ra cả.”, ông đã phát biểu như vậy ở
Orlando, Floria. Những đảng viên đảng Dân Chủ trong quốc hội triệu tập một cuộc họp với Clinton ngay sau lời thú tội này và dường như họ đã tạo được thiện cảm. “Ở đây tôi thấy được một con người đang đau khổ cùng cực, căm hận bản thân mình, bằng chứng này cho chúng ta thấy ông đang sống trong sự hối hận, xấu hổ và tức giận bản thân vô cùng,” một hạ nghị sĩ trả lời với các phóng viên như vậy sau cuộc họp. “Tôi cảm nhận được nỗi buồn thực sự của ông ta vì những gì đã gây ra cho gia đình mình.” Trớ trêu thay, những tình tiết được tiết lộ trong Báo cáo Starr này dường như lại giúp cho dân Mỹ giảng hòa với vị tổng thống của mình.
***
KHÔNG CÓ một minh chứng nào cho thấy rằng những người chung thủy sẽ trở thành bác sĩ, người dân hoặc tổng thống tốt hơn cả. Tương tự như vậy, cũng chẳng có bằng chứng nào cho thấy những người ngoại tình sẽ thụt két nhiều hơn, trở thành kẻ giết người, hay nói dối nhiều hơn, hoặc sống đồi trụy hơn người chung thủy cả. Theo những gì tôi được biết thì giá cổ phiếu của một công ty và chuyện giám đốc điều hành ngủ với ai đó chẳng có gì liên quan đến nhau. Có vẻ chuyện con người thuộc chòm sao nào cũng có liên quan đến tính lăng nhăng và những thói hư tật xấu của họ, nhưng sự thật chẳng có minh chứng cụ thể nào. Và chuyện các tổng thống ngoại tình cũng không hoàn toàn liên quan đến năng lực và phẩm chất của họ, cho dù là tổng thống giỏi hay dở thì cũng có người lăng nhăng, người không.
Nhưng chính vì người Mỹ nghĩ về chuyện ngoại tình quá tiêu cực cho nên nó vô tình làm cho cuộc sống trầm trọng hơn một khi chuyện đó xảy ra. Vài tháng sau khi gặp mặt Kevin và April tôi có gọi điện thoại hỏi thăm họ. Lúc ấy April đang ở nhà một mình. Cô bảo mọi thứ vẫn còn khá tồi tệ và cuộc sống của cô đang chìm ngập giữa đám lộn xộn vẫn thường được đề cập trong phim ảnh. Trong một lần lục lọi ví của April như thường lệ, Kevin phát hiện ra bức email của John, nhân tình cũ của April. Trong thư, John bảo rằng anh ta đang gặp nhiều vấn đề gia đình và mong muốn được gặp April trò chuyện. April thì bảo rằng cô giữ bức email trong ví vì cảm thấy chuyện này chẳng có gì phải che giấu cả.
Tôi chẳng biết April buột miệng nói như vậy hay cố tình khiêu khích chồng mình nữa. Nhưng cho dù là trường hợp nào đi nữa thì theo April kể lại, lúc đó Kevin liền lôi súng ra định lao đến nhà John. Khi giằng co để ra khỏi nhà, Kevin nắm chặt tay April đến nỗi làm cô ấy bị thương. Nhưng Kevin ra đến ga-ra thì April đã kịp gọi cảnh sát. Sau đó ông ta bị bắt giam và bị ngồi tù trong nhiều giờ đồng hồ.
April và Kevin đã phải mất 15.000 USD phí tại ngoại, còn luật sư của Kevin thì yêu cầu ông cung cấp những bức email hay bất cứ giấy tờ gì về hành động vụng trộm của April nhằm làm bằng chứng ra tòa. Để hoàn thành thủ tục chắc phải mất vài tháng, trong khi đó Kevin ngồi lỳ ở nhà, tự giày vò bản thân và không biết đến khi nào mình mới có thể tìm thấy lại được niềm vui. “2 tuần rồi, tôi bắt đầu nhận thấy rằng chuyện này không hoàn toàn là lỗi của mình,” April bảo.
April rất hối hận vì những gì đã xảy ra và trong thực tế, hậu quả của cuộc vụng trộm vẫn ngày đêm ám ảnh đời sống vợ chồng làm cô quên mất rằng: tình yêu của cô và Kevin cũng bắt đầu từ chuyện ngoại tình. Kevin từng kể với tôi rằng ông và April bắt đầu hẹn hò sau khi ông ly hôn người vợ thứ hai, và có vẻ là Kevin cũng là kẻ dối trá trong tình cảm.
April bảo: “Ông ấy cứ luôn miệng hứa hẹn rằng sẽ làm thủ tục ly dị với vợ, nhưng rồi mọi thứ cứ kéo dài trong mập mờ suốt 3 năm liền. Một lần vợ và mẹ vợ ông ấy từng đến đập cửa nhà tôi và mắng thẳng rằng tôi là con hồ ly tinh khốn kiếp mà.” Theo April cho biết thì Kevin cũng từng lừa dối người vợ đầu tiên của mình.
Nhưng vạch ra những hành động xấu xa tương tự giữa họ không làm cho Kevin cảm thấy nguôi ngoai chút nào về những gì cô gây ra cho ông. “Ông ấy bảo vụng trộm với tôi vì ông ấy yêu tôi. Tôi bảo ‘Nhưng từ đầu chúng ta đã yêu nhau đâu.’” April nói. “Ông ấy bảo giờ đây khi nếm trải được những nỗi đau mà tôi đem đến cho mình thì mới cảm thấy hối hận vì những gì mà ông ấy đã vứt bỏ.”
Cúc hoa: Hô! Quá xá dài lun. Copy muốn liệt tay
10009 từ
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro