Chương 3
Một chiếc xe đạp giao hàng, rõ ràng bị hỏng, dựng trước cửa tiệm bán đồ da kế bên. Chủ chiếc xe -- độ chừng ba mươi tuổi, tóc cắt ngắn, đang lúi húi sửa xe. Mặc dù không nhìn rõ mặt, nàng chắc anh ta không phải là một người nàng đã từng gặp. Nàng không tin chiếc xe đạp có thể dùng làm phương tiện tẩu thoát. Có những điều họ không nói cho nàng biết, và có những điều nàng không hỏi. Nhưng nàng nghe nói, người của nhóm nàng đã được chọn để thi hành công tác này. Dù có sự giúp đở và quan hệ rộng của Ngô, có lẽ họ cũng không tài nào kiếm được môt chiếc xe hơi. Nếu chiếc xe chạy than vẫn đậu ở đàng kia, hy vọng nó thuộc về họ. Trường hợp đó, hẳn Hoàng Lỗi là người cầm lái. Khi vào tiệm cà phê, từ phía sau chiếc xe ấy, nàng không nhìn thấy được người lái xe.
Nàng nghi ngờ, Ngô không đánh giá cao nhóm của nàng: có lẽ ông sợ họ thiếu kinh nghiệm, sẽ bị bắt tron ổ và khai tuốt tuột khi bị tra tấn, làm liên lụy đến người khác. Giai Chi chắc chắn là Ngô không hoạt động một mình ở Thượng Hải, nhưng hắn là người duy nhất Quảng Dụ Dân tiếp xúc.
Hắn hứa cho họ tham gia vào mang lưới hoạt động của hắn. Có lẽ đây là một thử thách.
"Trước khi bắn, họ sẽ tới sát đến nỗi mủi súng gần chạm vào thân thể nạn nhân," Quảng Dụ Dân có lần nói với nàng, mỉm cười. "Họ không bắn từ xa, như trong phim."
Có lẽ chàng cố tìm cách cho nàng an tâm rằng họ sẽ không bắn nhầm những người ở gần ông, khi họ ào ạt khai hỏa. Nhưng nếu không chết, nàng vẫn có thể bị tàn phế suốt đời. Nàng thà chết còn hơn.
Khoảng khắc ấy sắp sửa xảy ra, cùng với sự trông chờ nhói lòng.
Bệnh sợ sân khấu của nàng sẽ tan biến lập tức một khi tấm màn nhung được vén lên.
Nhưng khoảng khắc chờ đợi này là một cực hình. Đàn ông, ít ra, có thể hút thuốc để bớt căng thẳng. Mở túi xách, nàng lấy một lọ nước hoa nhỏ và chấm đầu nút vào phía sau mang tai.. Cái nút thủy tinh lành lạnh là điểm duy nhất cho nàng tiếp xúc với thực tế. Trong phút chốc nàng đã nghe mùi hoa Cape Jasmine thoang thoảng.
Nàng cởi áo choàng và chấm thêm một tí nước hoa vào phần trong khủy tay. Trước khi đủ thì giờ mặc áo, nàng thấy, qua mấy từng của chiếc bánh cưới trắng trưng trong cửa sổ, một chiếc xe đậu bên ngoài. Xe của ông.
Nàng cầm áo choàng và túi xách lên, đi ra khỏi tiệm, khoác chúng trên tay. Người tài xế đã mở cửa sẳn. Ông Dịch ngồi giửa băng sau.
"Anh tới trể, anh biết," ông nói khẻ, hơi khom người xuống để xin lỗi.
Nàng nhìn ông hơi lâu, một cái nhìn đầy trách móc, rồi bước vào xe. Khi người tài xế trở lại chỗ ngồi, ông Dịch bảo người tài xế lái tới đường Ferguson -- có lẽ tới căn phòng nơi họ đã dan díu lần trước.
"Em cần đến tiệm kim hoàn trước đã," nàng hạ giọng nói với ông ta. " Một chiếc hoa tai của em sút mất một hạt kim cuơng, em cần phải sửa. Có một tiệm gần đây. Lẽ ra em có thể đến đó trước, nhưng em sợ lỡ hẹn với anh. Do đó em ngồi đây chờ anh mục xương, em ngốc thật."
Ông cười. "Anh xin lỗi -- lúc anh sắp sửa đi, một vài người anh cần gặp lại đến." Ông chồm tới trước nói với bác tài: "Quành lại chỗ cũ." Họ đã đi được môt quảng khá xa.
"Tất cả mọi thứ đều thật bất tiện," nàng bỉu môi. "Chúng ta không bao giờ có một giây phút riêng tư nào ở đó, không bao giờ có cơ hội nói với nhau một lời. Em muốn về Hong Kong. Ông có thể cho em một vé tàu không?"
"Đang nhớ chồng?"
"Đừng nói với em về anh ấy!"
Nàng đã nói với ông Dịch rằng nàng trả thù chồng, vì tội lang bang với một cô vũ nữ.
Khi họ ngồi sát bên nhau ở băng sau, ông khoanh tay lại để khủy tay dựa vào phần đầy đặn nhất của bộ ngực nàng. Đây là thói quen của ông: ngồi thẳng người nhưng vẫn vụng trộm thưởng thức sự mềm mại của nàng.
Nàng quay người nhìn qua cửa xe, để nói cho bác tài biết chính xác nơi cần ngừng lại. Chiếc xe quẹo một vòng chữ U tại ngã tư kế tiếp, và rồi quẹo thêm một lần nửa ở một ngã tư xa hơn, mới đi trở lại rạp Bình An, rạp chiếu phim cũ lịch sự duy nhất của thành phố. Mặt tiền màu đỏ tái của rạp uốn cong vào trong, như một lưởi liềm ở góc đường, Đối diện với nó là tiệm cà phê của Commander Khải, với tiệm đồ da Siberian Leather Goods Store và tiệm bán quần áo phụ nữ Green House Ladies' Clothing Emporium kế bên, mỗi tiệm đều có hai cửa kiếng rộng trưng bày các tượng người mẫu ăn mặc lộng lẫy trong mọi tư thế dưới các bảng hiệu neon. Cửa hàng kế đó nhỏ hơn và tầm thường. Mặc dù một tấm bảng nhỏ gắn trên cửa ra vào ghi chữ TIỆM KIM HOÀN, nhưng cửa kiếng duy nhất lại trống rỗng.
Ông Dịch ra lệnh cho người tài xế ngừng xe, rồi bước xuống, đi theo nàng vào trong tiệm. Mặc dù, khi diện giày cao gót nàng cao hơn ông nửa cái đầu, nhưng rõ ràng ông không để tâm tới chuyện cao thấp đó. Kinh nghiệm cho nàng thấy, đàn ông cao thích phụ nữ nhỏ nhắn, trong khi đàn ông thấp có vẻ thích người đàn bà của họ phải cao hơn họ hẳn hòi --- có lẽ đó là luật bù trừ. Nàng biết là ông đang chăm chú nhìn nàng, và do đó nàng có hơi đong đưa hông một chút khi uyển chuyển bước qua cửa kính, như một con hải long uốn lượn.
Một người Ấn mặc âu phục chào họ. Mặc dù cửa hàng nhỏ, nhưng bên trong thoáng, trần nhà cao, và gần như hoàn toàn trống rỗng. Chỉ có một tủ kính để chưng hàng, cao tới hông, đặt gần cuối phòng, trong đó có vài món ngọc sinh nhật, mỗi loại ngọc tương ứng với một tháng trong năm -- các viên thạch anh vàng, hay các viên bích ngọc hay hồng ngọc nhân tạo, được tin là có thể đem lại may mắn cho người đeo.
Nàng rút từ trong túi xách một chiếc hoa tai hồng ngọc hình giọt nước, đầu viên ngọc là chiếc lá nhận kim cương bị rơi mất một viên.
"Chúng tôi có thể có một hạt kim cương tương xứng," người Ấn nói, sau khi xem qua.
Khi nàng hỏi giá tiền và khi nào có thể lấy được, ông Dịch thêm vào: "Hỏi xem ông ta có chiếc nhẫn nào đáng giá không," Vì đã chọn du học ở Nhật, thay vì Anh hay Mỹ, ông không thấy thoải mái nói chuyện bằng tiếng Anh và luôn luôn để người khác thông dịch cho mình.
Nàng do dự. "Sao vậy?"
Ông mỉm cười. "Anh đã nói là anh muốn tặng em một chiếc nhẫn, phải không? Một chiếc nhẫn kim cương -- một chiếc thật đắt giá."
Một khoảnh khắc im lặng, nàng nở một nụ cười gần như là bình thản, cam chịu, rồi dịu dàng hỏi: "Ông có bán nhẫn kim cương không?"
Người Ấn hướng lên lầu nói to, một tràng dài rổn rảng, khó hiểu, chắc là tiếng Hindu, rồi cùng đi với họ lên lầu.
Ở cuối phòng, một bên vách sơn màu kem, là cánh cửa dẫn đến một cầu thang tối như mực. Văn phòng nằm ở căn gác lửng giửa hai tầng lầu, có một bao lơn hẹp nhìn xuống tầng trệt -- có lẽ để quan sát, canh chừng. Vách tường bên trái treo hai tấm gương kích thước không đều, trên mỗi tấm gương vẽ nhiều chim và hoa đầy màu sắc và khắc những chữ Hán mạ vàng:
BẰNG TRÌNH VẠN LÝ
BA ĐẠI TIÊN SINH KHAI NGHIỆP CHÍ HỈ
Trần Mậu Không kính hạ.
Quá dài so với trần nhà nghiêng thoai thoải, một tấm gương lớn thứ ba, trang trí một con phượng hoàng và hoa mẫu đơn, được dựng tựa vào vách đối diện.
Ở đầu căn phòng là môt bàn viết, nằm dọc theo tay vịn cầu thang bằng gỗ mun, trên bàn là điện thoại và đèn đọc sách. Bên cạnh là bàn trà, trên đó một máy đánh chữ được phủ với một lớp vải thưa cũ. Một người đàn ông Ấn Độ khác, mập lùn, gương mặt bè bè, da nâu - xám, mủi bẹp như mủi lân, từ một chiếc ghế bành đứng dậy đẩy thêm ghế mời họ ngồi.
"Hóa ra ông bà có ý định mua nhẫn kim cương. Xin mời ông bà ngồi. Xin mời." Ông ta lạch bạch đi tới góc phòng, cái bụng phệ núc ních, cúi xuống một chiếc tủ sắt thấp màu xanh, xưa như đồ cổ.
Chỗ này, rõ ràng, không phải là một tiệm kim hoàn sang trọng. Mặc dầu ông Dịch không tỏ vẻ khó chịu bởi phòng ốc tồi tàn, Giai Chi cảm thấy cắn rức, xấu hổ vì đã đem ông ta tới đây. Thời nay, nàng nghe nói, nhiều cửa tiệm chỉ là bình phong cho những tay mua bán chợ đen và đầu cơ tích trữ.
Ngô đã chọn cửa hàng này vì nó nằm gần quán cá phê Commander Khải. Khi bước lên cầu thang, nàng nhận ra rằng, khi trở xuống dưới, họ sẽ bắt ông dễ dàng như băt một con rùa trong lọ. Có lẽ ông sẽ theo phép lịch sự, muốn xuống cầu thang trước nàng, nên ông sẽ là người đầu tiên bước vào phòng. Nơi đó, một hai người ông khách đang xem hàng sẽ thình lình tiến đến chặn ông lại. Nhưng hai người đàn ông không thể nào la cà quá lâu, giả vờ chọn mấy cái khuy cài tay áo, hay kẹp cà vạt rẻ tiền và đồ chưng bày linh tinh cho bạn gái; họ không thể nào lần lửa thiếu quyết đoán như phụ nữ. Khi vào cửa hàng, họ phải canh giờ thật chính xác: không quá trễ cũng không quá sớm. Một khi họ đã vào trong, họ phải ở lại. Không thể rảo bước đi tới đi lui như thể tuần tiểu bên ngoài: người tài xế của ông sẽ nghi ngờ. Chiến thuật tốt nhất để trì hoản có lẽ là ngắm nghía hàng hóa trong cửa sổ tiệm bàn đồ da kế bên, cách xe hơi chừng một chục mét.
Ngồi cạnh bàn viết, nàng không thể không quay đầu lại nhìn qua bao lơn. Nàng chỉ thấy được cửa sổ chưng hàng của tiệm. Vì cửa sổ trong suốt và các kệ trống không, nàng có thể nhìn thẳng ra vĩa hè, và một phần của chiếc xe hơi đang đậu ở đó.
Một lần nửa, hai người đàn ông đi mua sắm một mình có vẽ lộ liễu. Họ sẽ thu hút sự chú ý, không phải chỉ riêng của bác tài, mà của ông Dịch, trên lầu cạnh bao lơn, rồi vì trở nên nghi ngờ, ông sẽ trì hoản không trở xuống. Nước cờ lâm vào thế bí sẽ là một thảm họa. Có lẽ, thay vào đó, họ sẽ chạm trán với ông ở cửa ra vào Trong trường hợp này họ cần phải canh giờ cho hoàn hảo. Họ phải tản bộ, vì âm thanh của tiếng chân chạy sẽ lập tức cảnh báo người tài xế. Ông Dịch chỉ đi với người tài xế, do đó người này có lẽ cũng là vệ sĩ.
Cũng có thể hai người sẽ tách ra, một người loanh quanh trước tiệm Green House Ladies' Clothing Emporium, tay trong tay với Lại Tú Kim, nàng dán mắt vào cửa kính. Một thiều nữ có thể đứng thật lâu ngắm nghía những món quần áo nàng không đủ tiền mua, trong khi đó ngưới bạn trai, quay lưng lại cửa kính, vơ vẫn nhìn chung quanh.
Những tình huống này nhảy múa mơ hồ trong đầu, cho dù nàng biết chúng không phải là điều nàng quan tâm. Nàng không thể quên rằng, trên lầu trong cửa tiệm nhỏ này, nàng đang ngồi trên một thùng thuốc súng sắp sửa nổ tung, quăng nàng lên tới trời cao. Chân nàng bắt đầu run rẩy.
Người phụ tá đã xuống nhà dưới. Ông chủ tiệm có màu da sậm hơn màu da của người phụ tá rất nhiều: trông họ không giống cha con. Người đàn ông trẻ có gương mặt xệ, gò má phính, râu ria lởm chởm và đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ. Mặc dù không cao, anh ta trông cường tráng đủ để phụ giúp, và nếu cần, làm nhân viên bảo vệ. Tủ nữ trang đặt cuối phòng và cửa sổ chưng bày trống trơn cho thấy họ sợ bị trộm cướp giữa ban ngày ban mặt; một ổ khóa treo gần cửa, dùng cho ban đêm. Như thế trong tiệm phải chứa vài món giá trị: có thể là vàng ròng, đô la Mỹ, và bạc.
Trong khi nàng quan sát, ông người Ấn mang ra một khay nhung đen dài chừng năm sáu tấc, trên đó những chiếc nhẫn kim cương xếp thành từng dảy. Nàng và ông Dịch nghiêng người nhìn.
Thấy ai cũng thờ ơ -- không ai chọn món nào để xem -- ông chủ cất khay vào tủ sắt. "Tôi có món này nữa," ông nói thêm, mở nắp một cái hộp nhung xanh nhỏ. Nằm sâu trong lòng hộp là một viên kim cương hồng, to bẳng hạt đậu Hòa Lan.
Nàng nhớ Dịch Thái Thái nói, hiện nay không ai mua bán kim cương màu hồng. Khi sự ngạc nhiên ban đầu đã tan, nàng cảm thấy nhẹ nhỏm -- cuối cùng, tiệm này cũng đáp ứng được kỳ vọng của nàng. Trước khi viên kim cương màu hồng xuất hiện, nàng giống như một tay săn người bất tài, một cô gái Quảng Đông vô danh tiểu tốt đang lôi kéo người tình Thượng Hải, già nhưng đầy quyền lực, vào một tiệm kim hoàn rẻ tiền. Dĩ nhiên, một khi súng nổ, tất cả mọi thứ -- mọi suy nghĩ vẫn vơ về sự hợp lý, về lòng tự trọng -- đều sẽ tan tành. Mặc dầu nàng hiểu rõ như thế, nhưng nàng không cho phép mình nghĩ về nó, nàng sợ ông sẽ thấy sự kinh hoàng hiện trên nét mặt mình.
Nàng cầm chiếc nhẫn lên. Ông cười khe khẻ khi ngắm nó trong tay nàng. "Trông có vẻ được đấy." Một cảm giác lạnh buốt lan trên gáy; cửa kính và hai cửa sổ bày hàng hai bên như phình to, vươn lên, như sau lưng nàng là một tấm kính vĩ đại cao bằng hai tầng lầu, sáng choang, mong manh, sẳn sàng vở vụn bất kỳ lúc nào. Nhưng ngay cả khi nàng hầu như choáng váng vì tình thế nguy hiểm, cửa tiệm như chùm kín nàng trong cơn mê. Ngồi trong tiệm, nàng chỉ có thể nghe âm thanh ồn ào bên ngoài đã bị nén chặn -- do chiến tranh, xe cộ thưa thớt hơn xưa; hiếm khi nghe tiếng còi. Không khí ấm áp, ngọt ngào của văn phòng như một tấm chăn, phủ trùm, ru nàng vào mộng. Mặc dầu nàng mơ hồ biết một chuyện gì đó sắp xẩy ra, đầu óc nặng nề của nàng lại nghĩ rằng tất cả chỉ là một giấc mơ.
Nàng xem xét kỹ lưỡng chiếc nhẫn dưới ánh đèn, xoay tới xoay lui trong mấy ngón tay. Ngồi cạnh bao lơn, nàng bắt đầu tưởng tượng rằng cửa sổ sáng trưng và cửa ra vào sau lưng nàng là màn bạc, đang trình chiếu một bộ phim hành động. Nàng luôn luôn ghét loại phim bạo lực; khi còn bé, hể có cảnh rùng rợn, nàng phải quay mặt sang nơi khác.
"Sáu ca-ra. Bà thử nhé." Người Ấn thúc dục.
Nàng quyết định thưởng thức bầu không khí ấm cúng ngất ngây của văn phòng tiệm kim hoàn. Nàng lướt mắt qua hình ảnh đôi chân mình nằm gọn giữa các chùm mẫu đơn trong tấm gương tựa vào vách, rồi trở lại kho báu lộng lẫy -- xứng đáng là kho báu, chắn chắn vậy, của một câu truyện trong Môt Ngàn Lẽ Một Đêm -- trên ngón tay nàng. Nàng xoay chiếc nhẫn theo hướng này, rồi lại hướng kia, so sánh nó với màu đỏ hoa hồng của lớp sơn móng tay. Mặc dù có vẻ hơi tái và nhỏ so với những móng tay sơn rực rỡ, tại căn phòng tồi tàn này, viên kim cương chiếu lấp lánh mê hồn, như một vì sao rực cháy lửa hồng trong ánh hoàng hôn. Nàng hơi luyến tiếc rằng nó không có gì khác hơn là mấu chốt của một phân đoạn ngắn ngủi áp chót của vở bi kịch đang sắp sửa đi vào kết thúc.
"Vậy em nghĩ sao?" Ông Dịch hỏi.
"Anh nghĩ thế nào?"
"Anh không rành mấy chuyện này. Miễn em thích là được."
"Sáu ca-ra. Em không biết có tì vết gì không. Em không thấy gì hết."
Họ tựa vào nhau cùng ngắm chiếc nhẫn, nói cười như một đôi uyên ương sắp cưới. Mặc dù nàng học ở Quảng Đông, là hải cảng đầu tiên mở cửa mua bán với thương nhân Anh, trường học ở đó không coi trọng việc giảng dạy tiếng Anh như ở Hong Kong, và nàng luôn luôn nói tiếng Anh một cách rụt rè, e thẹn. Cảm thấy sự thiếu tự tin của nàng, ông chủ tiệm bỏ qua những lời mào đầu thông thường của ông về tại-sao- và do-thế, về giá thành của kim cương. Hai bên đồng ý giá cả nhanh chóng. Muời một thỏi vàng, sẽ giao ngày mai. Nếu có thỏi vàng nào nhẹ hơn mức ấn định, ông Dịch hứa sẽ đưa bù; cũng thế, ông chủ tiệm kim hoàn hứa sẽ trả lại cho họ nếu có dư. Toàn thể cuộc đổi chác -- đổi vàng lấy kim cương -- cũng giống như một tình tiết khác, vay mượn từ Một Ngàn Lẽ Một Đêm.
Nàng lo rằng việc giao dịch đã chấm dứt quá nhanh. Có thể họ sẽ bất ngờ vì nàng và ông Dịch ra về sớm. Nàng biết, trên sân khấu, đối thoại là cách trì hoản hay nhất.
"Có cần nhắc ông ấy viết biên nhận không?" Có lẽ ông đang tính toán sẽ nhờ ai đó, ngày mai đem vàng tới và nhận hàng.
Ông người Ấn vừa viết xong biên lai. Nàng cũng cần phải tháo nhẫn ra, trả lại cho ông ấy.
Họ rời nhau, dựa lưng vào ghế của mình, thoải mái vì đã qua khỏi giai đoạn trả giá căng thẳng.
Nàng cười khẽ, "Thời buổi này không ai thích thứ gì khác, ngoại trừ vàng. Ngay cả đặt cọc bằng tiền mặt, họ cũng không muốn."
"Anh cũng thế. Anh không bao giờ mang theo tiền mặt."
Nàng biết, nhờ kinh nghiệm sống chung với gia đình ông bà Dịch, phụ tá của ông luôn luôn phụ trách việc trả tiền khi cần --- ngài bộ trưởng có vinh dự là không bao giờ phải thò tay vào túi. Hôm nay, để giữ bí mật, dĩ nhiên ông đi một mình, và do đó không có một xu dính túi.
Người Anh nói rằng uy quyền là một phương thuốc kích dục. Nàng không biết chuyện này có đúng hay không; bản thân nàng hoàn toàn không để tâm tới hấp lực của nó.
Họ cũng nói, con đường dẫn đến trái tim của người đàn ông đi qua bao tử của anh ta; một người đàn ông sẽ dễ dàng biến thành con mồi trong tay một người đàn bà nấu ăn ngon. Đâu đó trong thập niên đầu hay thứ nhì của thế kỷ hai mươi, nghe nói một học giả danh tiếng Trung Hoa đã thêm rằng, con đường dẫn tới trái tim một người đàn bà đi qua âm đạo của nàng. Mặc dù không nhớ được tên nhà học giả này, nàng còn nhớ sự tương đồng ông ta đã dùng để biện hộ cho tình trạng đa thê: "Chung quanh một ấm trà, lúc nào cũng có nhiều hơn một cái tách."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro