Sa trực tràng
Đặt văn bản tại đây...Sa trực tràng
(Yduocvn.com) - Sa trực tràng
II. Mục tiêu:
1. Trình bày được vai trò, thể tổn thương giải phẫu bệnh của sa trực tràng.
2. Trình bày được triệu chứng, các biến chứng của sa trực tràng
3. Kể tên các phương pháp điều trị ngoại khoa hay áp dụng
4. Nêu được các biện pháp phòng tránh sa trực tràng tại cộng đồng
III. Nội dung:
1. Đại cương:
- Sa trực tràng là hiện tượng lớp niêm mạc trực tràng lồi ra ngoài qua lỗ hậu môn hay toàn bộ trực tràng lộn ra ngoài.
- Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở trẻ em và người già.
- Nguyên nhân dẫn đến sa trực tràng có thể do:
+ Tăng áp lực ổ bụng một cách đột ngột: ỉa chảy, ho gà. táo bón, bí đái
+ Sự suy yếu các phương tiện treo giữ hậu môn trực tràng, nhão cơ thắt, cơ nâng hậu môn, cân cơ đáy chậu... (hay gặp ở những bà già đẻ nhiều lần).
+ Những khuyết tật về giải phẫu: sự kéo dài của túi cùng douglas, sự hình thành một mạc treo trực tràng, độ cong của xương cùng cụt, chiều dài của đại tràng xigma.
2. Giải phẫu bệnh
2.1. Sa niêm mạc đơn thuần: Chỉ niêm mạc của ống hậu môn và trực tràng lộn ra ngoài qua lỗ hậu môn, khối niêm mạc sa có màu đỏ tươi, các nếp niêm mạc tập chung ở lỗ giữa và nhìn khối này giống như một quả cà chua.
2.2. Sa toàn bộ trực tràng: Toàn bộ thành của trực tràng lộn ra ngoài qua lỗ hậu môn và có 2 thể:
- Sa trực tràng đơn thuần: ống hậu môn vẫn bình thường, toàn bộ thành của trực tràng lộn ra ngoài.
- Sa trực tràng và ống hậu môn: cả thành của trực tràng và ống hậu môn lộn ra ngoài. Đoạn trực tràng sa ra ngoài thường cong ra phía sau trông giống như một cái đuôi do mạc treo trực tràng co lại.
2.3. Sa trực tràng kèm theo thoát vị: Do trực tràng sa ra ngoài quá nhiều kéo theo túi cùng douglas cũng ra ngoài lỗ hậu môn và hình thành một khe. Qua khe đó ruột có thể chui xuống gây thoát vị, có thể gây thoát vị nghẹt.
2.4. Sa trực tràng kèm theo sa sinh dục ở phụ nữ (người già).
3. Nguyên nhân
3.1. Nguyên nhân làm tăng áp lực trong ổ bụng một cách đột ngột kéo dài.
ở trẻ em thường là ỉa chảy, ho gà
Người lớn là những nguyên nhân táo bón bí đái
Những người làm nghề khuân vavc nặng thì dễ có điều kiện thuận lợi để phát sinh bệnh sa trực tràng
3.2. Những nguyên nhân làm bệnh nhân phải rặn nhiều.
Hay gặp trong bệnh kiệt lỵ, viêm trực tràng, ung thư trực tràng, trĩ
3.3. Sự suy yếu các phương tiện treo giữ hậu môn trực tràng
Suy yếu cơ thắt hậu môn, cơ nâng hậu môn và các cân cơ đáy chậu (các cân cơ nâng ở trong tình trạng nhão, mát trương lực không giữ được trực tràng trong tư thế bình thường)
3.4. Sự thay đổi bất thường về giải phẫu.
Đó là khuyết tật về giải phẫu cân cơ, dây chằng, sự bất thường này có thể là bẩm sinh hay mác phải như: sự co kéo túi cùng Douglas, sự hình thành một mạc treo trực tràng, độ cong của xương cụt, chiều dài của đại tràng xích ma. Những thay đổi bất thường này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành sa trực tràng khi phối hợp với một nguyên nhân khác.
Trong thực tế sa trực tràng là phối hợp của nhiều nguyên nhân, nhưng có nhiều trường hợp không tìm thấy một nguyên nhân nào
Về cơ chế bệnh sinh một số tác giả coi sa trực tràng như là một lồng ruột thấp, đầu khối lồng là chỗ nối tiếp giữa trực tràng và đại tràng xích ma hoặc ở trực tràng trên lỗ hậu môn.
4. Lâm sàng
4. 1. Sa niêm mạc đơn thuần:
Khối sa là hình cầu màu đỏ giống như một quả cà chua. Các lớp niêm mạc như vòng nan hoa xe đạp bắt đầu từ lỗ hậu môn và hội tụ ở lỗ giữa. Niêm mạc màu hồng đỏ, loáng ướt. Khi bị viêm loét có thể có giả mạc trắng phủ lên và có khi bị chảy máu.
4.2. Sa toàn bộ trực tràng:
Khối sa lồi có hình quả chuối cong ra phía sau như một cái đuôi. Các nếp niêm mạc nằm ngang song song với nhau vòng quanh trực tràng. Niêm mạc màu hồng loáng và ướt.
Nếu sa trực tràng đơn thuần sẽ có nếp gấp giữa ống hậu môn và đoạn sa. Còn nếu sa trực tràng và sa cả ống hậu môn sẽ không còn nếp gấp và niêm mạc của ống ngoài nối liến trực tiếp với da của ống hậu môn.
4.3. Sa trực tràng kèm theo thoát vị:
Có khối phồng ở phía trước khối sa. Nếu lấy hai ngón tay kẹp vào khối phồng sẽ thấy khối phồng căng lên khi bảo bệnh nhân ho, rặn hoặc có tiếng lọc sọc của một quai ruột.
5. Biến chứng
Sa trực tràng có thể có các biến chứng sau:
- Chảy máu: Do viêm niêm mạc hoặc kèm theo có trĩ phối hợp.
- Nghẹt: Khối sa bị bọp chặt do sự co thắt của cơ hậu môn dẫn tới thiếu máu và có màu thâm tím, thậm chí có thể bị hoại tử.
- Thoát vị hậu môn nghẹt: Do quai ruột chui xuống khe của túi cùng douglas sa ra ngoài gây nghẹt.
6. Điều trị
Sa trực tràng ở trẻ em thường ít phải điều trị ngoại khoa vì chưa có tổn thương thực thể do yếu nhão cơ thắt hậu môn, cơ tầng sinh môn và phương pháp tiện treo giữ trực tràng, do vậy ở trẻ em khi bị sa trực tràng chỉ việc đẩy lên là được (kể cả người lớn và trẻ em) ta có thể dùng gạc tẩm Adrenalin đắp vào khối trực tràng sa sau đó đẩy lên. Thường chỉ đặt vấn đề điều trị ngoại khoa cho người lớn (người già).
Có nhiều phương pháp điều trị ngoại khoa, nhưng việc lựa chọn phươnmg pháp nào là tuỳ thuộc vào tính chất tổn thương giải phẫu bệnh lý và nguyên nhân của nó.
6.1. Khâu vòng cơ thắt:
Tiersch tiến hành lần đầu tiên năm 1891
áp dụng cho những trường hợp sa niêm mạc đơn thuần do yếu nhão cơ thắt ngoài. Nếu sa niêm mạc có kèm theo trĩ thì nên làm phẫu thuật Whitehead.
6.2. Các phẫu thuật cắt bớt đại tràng xích ma và trực tràng
Có thể cắt bớt đại tràng xich ma hoặc trực tràng đơn thuần hay kết hợp cả hai theo đường bụng hay dường tầng sinh môn. Các phẫu thuật này thường mang lại kết quả tốt nhưng là phẫu thuật nặng, tỷ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nên ít được áp dụng
6.3. Các phẫu thuật tăng cường sức chống đỡ tầng sinh môn
- Khâu lại cơ đáy chậu
- Khâu tái tạo lại cơ nâng hậu môn
- Khâu bít túi cùng Douglas
Các phẫu thuật này ít triệt để nên ít khi làm đơn thuần mà thường phối hợp với các phẫu thuật cắt đoạn trực tràng như:
+ Cắt bỏ trực tràng sa và khâu gấp tăng cường cơ thắt trong và ngoài.
+ Cắt bỏ trực tràng sa và khâu gấp tăng cường cơ thắt và túi cùng Douglas
6.4. Các phẫu thuật cố định trực tràng
Là những phẫu thuật hợp lý và thường dùng nhất, có thể cố định trực tràng vào nhiều chỗ khác nhau
- Verneuil là người đầu tiên cố định trực tràng vào tổ chức phần mềm xung quanh (1881). Sau này nhiều tác giả khác đã áp dụng và cải tiến.
- Treo trực tràng vào ụ nhô (phẫu thuật Orr - Loygue).
- Cố định trực tràng vào thành bụng trước ( phẫu thuật Lahaut)
- Cố định trực tràng vào túi cùng và xương cùng (phẫu thuật Sick)
- Cố định trực tràng vào bờ của hông bé (phẫu thuật Mayo).
6. Các biện pháp phòng sa trực tràng tại cộng đồng
Tuyên truyền các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết những nguyên nhân gây sa trực tràng và có ý thức phòng tránh: tránh táo bón, tránh bí đái...
Khi có dấu hiệu bị sa trực tràng, phải đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời tránh điều trị không đúng có thể gây ra các biến chứng đáng tiếc.
Tránh đẻ nhiều, xử trí tốt các tai biến sau đẻ như: rách tầng sinh môn phải được khâu phục hồi ngay.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro