Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Diệu Thích Bồ Tát (2)

"Thế thì giỏi quá." Không Hải hồn nhiên thốt lên đầy thán phục.

Không đợi được mời, Không Hải liền ngồi ngay xuống đó. Một cách thật tự nhiên, Không Hải và Phụng Minh đang ở trong tư thế đối diện nhau.

"Không Hải, thi thoảng tôi vẫn được nghe Chí Minh và Đàm Thắng kể về thầy." Phụng Minh nói trong lúc chăm chú nhìn Không Hải bằng đôi mắt long lanh ẩn chứa những tia sáng mạnh mẽ. "Tôi nghe được rằng, cả về thư pháp lẫn văn chương, không ai dám nghĩ thầy là người ngoại quốc. Chí Minh còn bảo rằng, những người giỏi chữ như thầy ở Trường An hiện nay, đếm được không quá số ngón trên một bàn tay..."

"Đâu có chuyện đó. Bữa trước, ở chỗ nọ, tôi được xem khổ thơ của một vị nào đó đang viết dở, nhưng đọc lên mới thật hoàn hảo làm sao. Tôi không nén nổi sự kinh ngạc và càng thấm thía một điều: chỉ có thể là Trường An, kinh đô nhà Đường mới có chuyện một người vô danh mà lại viết ra được áng thơ như thế..." Không Hải nói. "Khi đến Tây Minh Tự, tôi đã được Vĩnh Trung, một nhà sư nước tôi từng nương nhờ ở đây, cho xem mấy bài thơ của một vị có tên là Bạch Lạc Thiên, những bài thơ ấy cũng khiến tôi thật kính phục. Hỏi ra mới hay, vị có tên là Bạch Lạc Thiên ấy cũng chỉ là một lại viên vô danh mà thôi."

"Kìa, thầy không cần phải khiêm tốn thế. Hồi nãy, tôi đã được thưởng lãm thư pháp và thơ của thầy, tôi cũng nhận thấy thầy quả là một bậc kỳ tài. Thầy có những góc nhìn rất riêng." Phụng Minh nói, không có vẻ gì là tâng bốc, mà theo kiểu nghĩ gì nói nấy. Như thể nhìn thấy một hòn đá trong vườn thì liền nói ra đúng như những gì mà mình thấy: "Ở kia có hòn đá." .

"Tôi được biết Phật giáo cũng được truyền sang cả Thổ Phồn và hình như ở nước thầy, Phật giáo được gọi là Choe phải không?" Không Hải hỏi.

"Phải."

"Nếu nói theo Phật giáo thì Choe có nghĩa là Pháp phải không?"

"Đúng là như vậy."

"Thầy đã từng đến Kailasa* rồi chứ?"

Tên một ngọn núi ở Tây Tạng, được coi là thánh địa của Phật giáo Tây Tạng, đạo Bon, Hindu giáo, Kỳ Na giáo.

Nghe Không Hải hỏi đến câu đó, lần đầu tiên trên môi Phụng Minh khẽ nở một nụ cười.

"Tôi hiểu rằng thầy vừa hỏi, tôi có phải là tín đồ của đạo Bon không, đúng thế chứ?"

"Đúng."

"Tôi thật ngạc nhiên vì thầy biết tới cả đạo Bon của Thổ Phồn và tên ngọn núi Kailasa là thánh địa của đạo ấy. Ở nước tôi, Kailasa được gọi là Kangrinboqê. Đúng như thầy hỏi, tôi đã từng đi tới núi Kailasa. Vì cha tôi là một tín đồ của đạo Bon và tôi cũng từng có thời kỳ là tín đồ của đạo Bon. Phần lớn tín đồ Phật giáo ở Thổ Phồn vốn trước đây là tín đồ đạo Bon, hoặc là những người tin theo cả hai." Phụng Minh nói.

Đạo Bon là tôn giáo đã tồn tại ở Thổ Phồn từ trước khi Phật giáo du nhập vào. Người ta nói gốc gác của nó có mối liên hệ với tôn giáo của Iran. Bắt nguồn từ tôn giáo của bộ tộc dMu thờ thần sự sống (Bla), đạo Bon phát triển lên, sau đó Phật giáo từ Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào trên nền tảng đạo Bon, kết hợp với đạo Bon rồi cuối cùng phát triển thành Mật giáo Tây Tạng mà thường vẫn được gọi là Lạt Ma giáo, tuy nhiên đó lại là một câu chuyện khác không có liên quan gì ở đây.

"Thế còn thầy..." Phụng Minh hỏi ngược lại Không Hải. "Thầy tới Trường An để học Mật phải không?"

"Phải." Không Hải trả lời.

"Nếu vậy sao thầy không tới Thanh Long Tự ngay?"

"Vì tôi còn có nhiều việc phải làm trước khi tới Thanh Long Tự."

Một cách tự nhiên, câu chuyện đã trở thành cuộc đối đáp giữa Không Hải và Phụng Minh.

"Chẳng hạn như việc gì?"

"Tiếng Phạn." Không Hải đáp.

"Ra vậy."

Có vẻ Phụng Minh ngay lập tức hiểu ý Không Hải khi nhắc đến tiếng Phạn.

"Nhưng tiếng Phạn thì học ở Thanh Long Tự cũng được chứ sao."

"Ngoài ra còn có những thứ khác mà tôi muốn học."

"Là những thứ gì?"

"Chẳng hạn như cách làm bút. Hay cách làm giấy. Hay cách chặn dòng sông. Hay cách làm thế nào để bắc cầu qua sông sâu. Hay cách tổ chức của kinh đô nhà Đường."

"Hóa ra là như vậy."

"Mật đối với tôi nghĩa là cái bao gồm tất cả những thứ ấy."

"Nói cách khác, đối với thầy thì đó chính là Mật nhất thừa*?"

Tiếng Phạn là Ekayana, nghĩa là cỗ xe duy nhất đưa chúng sinh đến giác ngộ.

"Phải." Không Hải đáp.

"Vậy sẵn đây tôi xin được hỏi thầy về chuyện đó." Phụng Minh dứt khoát gật đầu, rồi hỏi Không Hải: "Thầy đã đọc Lý thú kinh rồi phải không?"

"Phải."

"Vậy câu đầu tiên trong Thanh Tịnh Cú là gì?"

"Diệu Thích." Không Hải đáp.

Lý thú kinh mà Phụng Minh nhắc tới là một trong những kinh điển viết về tư tưởng căn bản và quan trọng nhất của Mật giáo. Kinh điển này nói rằng, tình yêu, sắc dục giữa nam và nữ chính là cảnh giới thanh tịnh của Bồ Tát.

Không Hải đã được đọc bài kinh ấy ở Nhật Bản. Cậu đã nếm trải sự choáng váng khi lần đầu tiên đọc đến. Lúc ấy, Không Hải đã trải qua cảm xúc như thể trời và đất giao hòa với nhau.

Cậu gật đầu vỡ lẽ. Một cảm xúc như thể trời vừa quang mây.

Bài kinh ấy khẳng định rằng, dục vọng và đói khát nơi con người-cái tôi, hay nói rộng hơn là tất cả những gì gắn liền với con người đều là tốt. Rằng mọi dục vọng tự nhiên nơi thể xác và tâm hồn của con người đều là "cảnh giới trong sạch của Bồ Tát".

Thứ nằm bên trong xác thịt Không Hải đâu chỉ có tài năng. Bên trong xác thịt ấy còn có những dục vọng mạnh gấp bội người thường và hơn cả chính tài năng ấy.

Đã từng có không ít đêm Không Hải ngủ trên núi mà phải nghiến răng vì thèm muốn xác thịt đàn bà. Sự mãnh liệt của những dục vọng đen tối ấy, trong khoảnh khắc lần đầu tiên được đọc những câu kinh kia, đã biến thành một cái gì đó sáng lòa với nguyên sức mạnh của nó.

Như thể con người-cái tôi đã hóa thân y chang vào trong đó vậy.

Diệu thích thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Đó là câu thanh tịnh cú thứ nhất. Dịch ra có nghĩa là: Câu trong sạch diệu thích, chính là ngôi vị của Bồ Tát vậy.

"Diệu thích" trong tiếng Phạn là Surata. Surata tức là cảm giác sung sướng, hay khoái cảm sinh ra khi trai và gái giao hoan. Hay nói cách khác, cảm xúc tuyệt diệu khi trai gái giao hoan chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát vậy.

Phần thanh tịnh cú này có cả thảy mười bảy câu, nên được gọi là thập thất thanh tịnh cú.

Chẩng hạn trong đó có một câu giảng rằng "Dục tiễn" cũng là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát. "Dục tiễn" ý là mũi tên của dục vọng. Khi trai nhìn thấy gái, hoặc gái nhìn thấy trai, thì mũi tên dục vọng bay xuyên qua tim cũng chính là một cảnh giới trong sạch của Bồ Tát vậy.

Lại nữa, kinh cũng giảng rằng "Ái phược" là một cánh giới trong sạch của Bồ Tát. "Ái phược" tức là mong muốn độc chiếm đối phương, hay nói cách khác là việc trói buộc đối phương và bán thân bằng ái tình.

Trong thực tế thì đó là cảnh tượng mà trai gái trần truồng ôm ấp nhau, tứ chi quấn quýt lấy nhục thể của nhau. Điều này cũng được Lý thú kinh cho là một cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Diệu thích thanh tịnh cứ thị Bồ Tát vị

Dục tiễn thanh tịnh cứ thị Bồ Tát vị

Xúc thanh tinh cứ thị Bồ Tát vị

Ái phược thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Nhất thiết tự tại chủ thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Kiến thanh thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Thích duyệt thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Ái thanh thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Mạn thanh thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Trang nghiêm thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Ý từ trạch thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Quang minh thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Thân lạc thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Sắc thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Thanh thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Hương thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Vị thanh tịnh cú thị Bồ Tát vị

Hà dĩ cố nhất thiết Pháp tự tính thanh tịnh

Cố Bát nhã Ba la mật đa thanh tịnh.

Dịch nghĩa:

Cảm xúc tuyệt diệu (khởi sinh khi trai gái giao hoan) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Mũi tên dục vọng (bay qua) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Chạm (vào thân thể nhau) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Trói buộc và bị trói buộc bởi ái tình chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Được làm chủ sự tự tại trong mọi việc chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Nhìn (bằng đôi mắt yêu đương) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Niềm sung sướng vô bờ bến chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Ấp ủ tình yêu chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Lòng dạ xao xuyến chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Tô điểm bản thân chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Được thỏa lòng chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Tâm trí bừng sáng (vì được thỏa lòng) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Thân được vui sướng chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Dáng (của người yêu trong mắt) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Giọng (của người yêu trong tai) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Hương (của người yêu nơi đầu mũi) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Vị (của người yêu nơi đầu lưỡi) chính là cảnh giới trong sạch của Bồ Tát.

Vì rằng tất cả các Pháp này tự tính thảy đều trong sạch, nên mới nói huệ đáo bỉ ngạn là trong sạch vậy.

Đây là phần thập thất thanh tịnh cú, tức mười bảy câu trong sạch, ở trong Lý thú kinh.

Nghe Không Hải đáp rằng: "Diệu thích", Phụng Minh bèn nhìn thẳng Không Hải mà hỏi: "Vậy thầy đã từng nếm qua diệu thích chưa?"

"Rồi." Không Hải trả lời không chút đắn đo.

"Nó thế nào?"

"Về diệu thích?"

"Phải."

"Nó rất được." Lần này Không Hải cũng vẫn trả lời không chút phân vân.

"Tôi hiểu..." Hình như Phụng Minh vừa thoáng nở một nụ cười mỉm.

Chí Minh và Đàm Thắng đang định mở miệng nói điều gì đó, nhưng rồi lại thôi.

Người tu hành có giới luật.

Nữ phạm, tức là hành vi mà người tu hành phá giới bất dâm và có quan hệ với đàn bà, sẽ phải chịu tội to.

Người tu hành ngoài việc quan hệ với đàn bà, còn bị cấm uống rượu, ăn thịt bởi giới luật, tuy nhiên vẫn có không ít người phá giới. Và tất nhiên, Tây Minh Tự dưới triều đại nhà Đường cũng không thuộc vào ngoại lệ.

Tuy không phải ngoại lệ, song nếu bị ai đó hỏi rằng đã từng ngủ với đàn bà chưa, thì cũng khó mà trả lời một cách tỉnh bơ rằng đã từng.

Vì vậy, câu hỏi "Có biết diệu thích không?" cũng đồng nghĩa với câu hỏi "Đã từng ngủ với đàn bà chưa?"

Không Hải đã thẳng thắn trả lời là có khi bị Phụng Minh hỏi. Không những thế, khi bị hỏi tiếp là mùi vị đàn bà thế nào, Không Hải đã trả lời, mà nếu nói theo cách suồng sã thì là: "Rất ngon."

Dù có che đậy bằng lớp vỏ ngôn từ như thế nào đi chăng nữa thì nội dung câu chuyện rốt cuộc vẫn vậy.

Chính vì thế mà Chí Minh và Đàm Thắng đã kinh ngạc tới mức suýt chút nữa thì kêu lên.

Chuyện quan hệ với đàn bà nếu là trước khi đi tu thì không nói làm gì, nhưng nếu là sau khi đã trở thành tăng môn thì, vì một khi đã chính tai mình nghe thấy, Chí Minh và Đàm Thắng buộc lòng phải thi hành một hình phạt nào đó đối với Không Hải.

Tuy nhiên, Phụng Minh đã không hỏi tiếp rằng, "Thầy biết diệu thích trước hay sau khi đi tu?", khiến không ai khác mà chính Chí Minh và Đàm Thắng thở phào nhẹ nhõm. Giả sử Không Hải bị hỏi như vậy và đúng là cậu đã nếm trải diệu thích sau khi trở thành sư, thì chắc chắn cậu vẫn sẽ không đắn đo mà trả lời là sau khi đi tu.

Dẫu cho Lý thú kinh viết gì đi chăng nữa thì đó rốt cuộc cũng chỉ là một trong vô số các kinh điển Phật giáo mà thôi. Lý thú kinhLý thú kinh, mà giới luật là giới luật.

Khác với tâm trạng như vậy của Chí Minh và Đàm Thắng, lúc này còn có hai người nữa đang chưa thể theo kịp câu chuyện. Đó là Quất Dật Thế và Đại Hầu.

Cả hai đều đại khái nắm được câu chuyện đang xoay quanh chủ đề trai gái, nhưng xem ra không hiểu hết các chi tiết. Mặc dầu vậy, song có vẻ Dật Thế cũng nhận ra rằng Không Hải không hề bị lép vế trước vị sư tới từ Thổ Phồn.

Sau đó câu chuyện chuyển sang đề tài về Nhật Bản và Thổ Phồn một hồi lâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro