7
Ông quyết định ra đi, và rất ít khả năng kéo ông trở lại. Ông lau dọn tủ lạnh, khóa cửa nhà, và đến trưa ông đã sẵn sàng để lên đường. Nghỉ giữa chừng ở Oudtshoorn, khởi hành lúc sáng sớm tinh mơ: đến nửa buổi sáng ông gần đến nơi, thị trấn Salem trên đường Grahamstown – Kenton ở Eastern Cape.
Cơ ngơi nhỏ bé của con gái ông ở cuối con đường đất quanh co, cách thị trấn mấy dặm: năm hecta đất, phần lớn là đất canh tác, một máy bơm gió, nhiều chuồng gia súc và những căn nhà phụ, một ngôi nhà thấp, ngổn ngang, quét vôi màu vàng, mái sắt tráng kẽm và một hiên rộng có mái. Ranh giới phía trước đánh dấu bằng một hàng rào dây thép, nhiều bụi sen cạn và phong lữ thảo, phần còn lại là đất và sỏi.
Một chiếc kombi VW cũ kỹ đỗ trên đường; ông dừng lại sau xe. Lucy nhô ra từ bóng tối của hiên, bước vào ánh nắng mặt trời. Ông không nhận ra cô mất một lúc. Một năm đã qua, và cô đã béo ra. Hông và ngực cô đầy đặn (ông tìm chữ cho thật đúng). Đi chân trần thoải mái, cô bước tới chào ông, giang rộng vòng tay ra ôm lấy ông và hôn lên má ông.
Một đứa con gái ngoan, ông nghĩ và ôm ghì lấy con; cuộc chào đón thật dễ chịu sau một chuyến đi dài dằng dặc!
Ngôi nhà rộng rãi, tối tăm lạnh giá ngay cả đang lúc giữa trưa có từ thời những gia đình đông đúc. Sáu năm trước đây, Lucy đã dọn đến làm thành viên của một nhóm thanh niên đi bán hàng rong hàng đồ da và đồ gốm phơi nắng ở Grahamstown. Khi nhóm tan rã, một số ít chuyển đến New Bethesda, Lucy ở lại cái cơ ngơi bé nhỏ này với cô bạn Helen. Cô nói cô yêu chốn này; cô muốn làm ruộng cho ra trò. Ông đã giúp con mua cơ ngơi đó. Giờ đây, cô mặc bộ váy in hoa, đi chân đất, ở trong căn nhà nồng nặc mùi bánh nướng, chẳng có lấy một đứa trẻ chơi đùa ngoài một người phụ nữ rắn chắc, người gốc Bua.
- Con sẽ để bố ở phòng của Helen – cô nói – Phòng ấy nhiều ánh mặt trời. Bố chưa biết mùa đông ở đây lạnh thế nào đâu.
- Còn Helen thì sao? – ông hỏi. Helen là một phụ nữ to lớn, trông buồn bã, có giọng nói trầm và nước da xấu, nhiều tuổi hơn Lucy. Ông không bao giờ hiểu nổi con gái ông thấy gì ở người phụ nữ này; ông thầm mong Lucy tìm được một người nào khá hơn.
- Helen đã về Johannesburg từ hồi tháng Tư. Con ở đây một mình, chẳng ai giúp.
- Con không kể với bố chuyện đó. Con không sợ chứ?
Lucy nhún vai:
- Con có nhiều chó. Chó vẫn là vật có ý nghĩa nào đó. Càng có nhiều chó càng ngăn cản được nhiều hơn. Với lại, nếu chẳng may bị tấn công, con thấy hai người cũng chẳng tốt hơn một người.
- Thế thì phải hết sức can đảm.
- Vâng. Khi mọi sự đều thiếu, thì đành phải triết lý như vậy.
- Nhưng con có vũ khí chứ?
- Con có một khẩu súng trường. Con sẽ đưa bố xem. Con mua của một người hàng xóm. Con chưa sử dụng bao giờ, nhưng con có súng.
- Tốt. Một triết gia có vũ trang. Bố tán thành.
Những con chó và một khẩu súng; bánh mỳ trong lò nướng và gieo trồng trong lòng đất. Điều lạ lùng là cả ông và mẹ Lucy đều là dân thành thị, trí thức, lại sinh ra cô, một người khai hoang trẻ trung, sung sức. Nhưng có lẽ không phải họ sinh ra cô: có lẽ lịch sử đã góp phần lớn hơn vào việc đó.
Cô mời ông uống trà. Ông đang đói: ông ăn ngấu nghiến hai lát bánh mỳ dầy cộp phết mứt lê gai làm lấy. Ông nhận thấy cặp mắt của cô dán lên ông lúc ông ăn. Ông phải thận trọng: với một đứa con, không gì đáng tởm hơn việc làm của bố mẹ.
Móng tay cô chẳng có cái nào quá sạch. Chắc là vì bụi đất nông thôn, ông nghĩ.
Ông dỡ hành lý trong phòng của Helen. Các ngăn tủ trống rỗng; trong chiếc tủ áo cũ kỹ, đồ sộ chỉ treo độc một chiếc quần yếm màu xanh lơ. Nếu Helen đi vắng, chắc không phải chỉ trong chốc lát.
Lucy đưa ông đi một vòng quanh cơ ngơi. Cô nhắc ông đừng dùng nước phí phạm, đừng làm hỏng hố phân tự hoại. Ông biết hết những lời dạy bảo này nhưng vẫn chăm chú lắng nghe. Sau đó, cô chỉ cho ông những chuồng chó quây gỗ. Lần cuối cùng ông đến thăm mới chỉ có một chỗ quây duy nhất. Nay có năm chuồng, xây vững chãi, nền bê tông, cọc và thanh giăng mạ kẽm, mắc lưới dày, những cây gum xanh rủ bóng mát. Những con chó kích động hẳn lên khi thấy cô: những con Dobermann, chó chăn cừu Đức, béc giê, chó săn bun, Rottweiler.
- Tất cả đều là chó giữ nhà – Lucy nói – Những con chó đang làm việc, thuê theo hợp đồng ngắn hạn: hai tuần, một tuần, đôi khi chỉ một kỳ nghỉ cuối tuần. Những con vật cưng được mang đến trong những ngày nghỉ hè.
- Còn mèo? Con không nhận mèo ư?
- Bố đừng cười. Con đang nghĩ đến một chi nhánh mèo. Con chỉ chưa bắt đầu nhận thôi.
- Con vẫn có quầy ở chợ chứ?
- Vâng, vào các sáng Chủ nhật. Con sẽ đưa bố đi cùng.
Cô sống như thế đấy: từ chuồng chó đến việc bán hoa và các sản vật trong vườn. Chẳng có gì giản dị hơn.
- Lũ chó có buồn không? – Ông chỉ một con chó bun cái màu nâu vàng nhạt đang thu lu trong chuồng một mình, đầu gục xuống chân nhìn họ rầu rĩ, thậm chí chẳng buồn đứng dậy.
- Katy? Nó bị bỏ rơi. Chủ nhân của nó đã chuồn mất tăm. Không trả tiền nhiều tháng nay. Con không biết sẽ làm gì với nó đây. Con nghĩ là phải cố tìm cho nó một cái nhà. Nó hay dỗi, còn thì khá ngoan. Ngày nào có cũng được đưa ra ngoài để tập. Con hoặc Petrus đưa ra. Đó là một phần công việc.
- Petrus?
- Bố sẽ gặp anh ta. Petrus là người giúp việc mới của con. Thực ra, từ tháng Ba anh ta là đồng sở hữu. Một anh chàng ra trò.
Ông cùng cô dạo qua một bể nước, thành bể đầy rêu, nơi một gia đình nhà vịt đang ung dung chúi xuống, qua những tổ ong và đi xuyên qua khu vườn: những luống hoa và rau vụ đông – súp lơ, khoai tây, củ cải đường, củ cải, hành tây. Họ thăm máy bơm và bể chứa nước ở rìa cơ ngơi. Hai năm qua mưa thuận gió hòa, mực nước đã dâng lên.
Lucy bình thản kể về mọi việc. Một người chủ trại tiên tiến phải gây được giống mới. Ngày xưa, là các chuồng gia súc và ngô. Còn ngày nay là chó và thủy tiên hoa vàng. Những thứ này càng biến đổi bao nhiêu, càng giống như xưa bấy nhiêu. Lịch sử tự lặp lại, dù theo kiểu khiêm tốn nhất. Có lẽ lịch sử đã hiểu được việc gì nên làm hoặc không nên làm.
Họ trở về, dọc theo một con mương tưới. Những ngón chân trần của Lucy bết đất đỏ, để lại những dấu chân rõ ràng. Cuộc đời mới đã ghi dấu ấn một người phụ nữ rắn rỏi lên cô. Hay thật! Nếu đây chính là người mà ông để lại – cô con gái này, người phụ nữ này – hẳn ông chẳng có gì phải xấu hổ.
- Con chẳng cần phải lo giải trí cho bố - ông nói lúc trở về nhà – Bố đã mang sách vở của bố đến. Bố chỉ cần một cái bàn và một cái ghế.
- Bố đang làm một việc đặc biệt, phải không ạ? – cô dè dặt hỏi. Hai bố con thường không mấy khi nói đến công việc của ông.
- Bố có nhiều kế hoạch. Năm ngoái là một tác phẩm về Byron. Không phải là một cuốn sách hoặc loại sách bố vẫn viết trước kia đâu. Đúng hơn là một thứ cho sân khấu. Lời và nhạc. Các nhân vật trò chuyện và hát.
- Con không biết là bố vẫn nhiều tham vọng theo hướng này.
- Bố nghĩ là bố miệt mài theo đuổi. Nhưng có một cái gì đó còn hơn thế. Con người muốn để lại một chút gì đó cho đời. Hay chí ít thì một người đàn ông muốn để lại một chút gì đó cho đời. Với đàn bà, điều đó dễ hơn nhiều.
- Tại sao với đàn bà lại dễ hơn?
- Bố nói dễ hơn, nghĩa là sản sinh ra một cái gì đó có cuộc sống riêng của nó.
- Chẳng phải bố vẫn được coi là một người cha đó sao?
- Là một người cha... Bố không thể không cảm thấy điều đó, nhưng so với người mẹ thì làm cha là một việc khá trừu tượng. Nhưng bố con ta cứ đợi xem thứ gì sẽ đến. Nếu nó đến, con sẽ là người đầu tiên nghe. Người đầu tiên và chắc hẳn là người cuối cùng.
- Bố định viết nhạc?
- Bố sẽ vay mượn âm nhạc, phần lớn. Bố không ngại việc vay mượn. Ban đầu, bố nghĩ đây sẽ là một chủ đề cần đến một dàn nhạc thật phong phú. Như Strauss. Nó sẽ vượt xa sức của bố. Bây giờ bố thiên về một hướng khác, chỉ là một dàn nhạc đệm gọn nhẹ với violin, xen lô, kèn ô boa và có thể kèn fagốt nữa. Nhưng tất cả vẫn còn trong ý tưởng thôi. Bố chưa viết được lấy một nốt, bố đang không được tĩnh tâm. Chắc con đã nghe về những chuyện rắc rối của bố?
- Roz có nhắc đến chuyện gì đó, qua điện thoại.
- Thôi được, bây giờ ta không nhắc đến chuyện đó nữa. Để lúc khác.
- Bố đã bỏ hẳn trường đại học?
- Bố đã thôi việc. Bố bị yêu cầu thôi việc.
- Bố sẽ nhớ trường chứ?
- Sẽ nhớ ư? Bố không biết. Bố không phải là một giáo viên cừ. Bố nhận thấy càng ngày bố càng khó hòa hợp với các sinh viên. Bố phải nói là họ chẳng chú ý nghe bố giảng. Cho nên, có lẽ bố sẽ không nhớ gì trường. Có lẽ bố sẽ thích thú việc giải thoát này.
Một người đàn ông đang đứng trên ngưỡng cửa; Anh ta cao, mặc bộ quần áo làm việc màu xanh, đi ủng cao su và đội mũ len.
- Petrus, anh vào đi, đây là bố tôi – Lucy nói.
Petrus lau ủng. Họ bắt tay nhau. Một bộ mặt đầy nếp nhăn, dầu dãi; một cặp mắt sắc sảo. Bốn mươi? Hay bốn nhăm tuổi?
Petrus quay sang Lucy:
- Thuốc trừ sâu – anh ta nói – tôi đến lấy thuốc trừ sâu.
- Ở trong kombi. Đợi ở đây, tôi lấy cho.
Ông ở lại cùng Petrus.
- Anh trông nom lũ chó – ông nói, phá vỡ sự im lặng.
- Tôi trông nom lũ chó và làm vườn. Vâng – Petrus cười rộng mở - Tôi là người làm vườn và nuôi chó – Anh ta ngẫm nghĩ một lát – Người nuôi chó – anh ta nhắc lại, thích thú từ đó.
- Tôi vừa ở Cape Town đến. Nhiều lúc tôi lo lắng vì con gái tôi ở một mình. Nơi này vắng vẻ quá.
- Vâng, nó khá nguy hiểm – Petrus nói. Anh ta ngừng lại – Ngày nay mọi thứ đều nguy hiểm. Nhưng tôi cho là ở đây cũng ổn – Anh ta lại mỉm cười.
Lucy quay lại, cầm một cái chai nhỏ:
- Anh biết liều lượng chưa, một thìa cà phê hòa với mười lít nước.
- Có, tôi biết – Petrus cúi người qua ngưỡng cửa, ra ngoài. Petrus có vẻ là người tốt – ông nhận xét.
- Anh ta biết lẽ phải trái.
- Anh ta cũng sống bằng đất đai?
- Anh ta và vợ có một cơ sở luyện ngựa đua. Con đã chung vốn, mắc điện vào đấy. Nơi đó rất dễ chịu. Petrus còn một người vợ nữa ở Adelaide và con cái, có mấy đứa đã trưởng thành. Thỉnh thoảng anh ta lại đến nơi ấy.
Ông để Lucy làm việc và tản bộ đến tận đường Kenton. Một ngày mùa đông mát lạnh, mặt trời đã trùm lên các quả đồi đỏ quạch, lơ thơ vài đám cỏ xác xơ, bạc phếch. Đất đai cằn cỗi, ông nghĩ. Kiệt quệ. Chỉ tốt cho lũ dê. Liệu Lucy có ý định ở đây suốt đời không? Ông hy vọng là chỉ trong một giai đoạn thôi.
Một tốp trẻ con trên đường từ trường về, đi qua chỗ ông. Ông chào chúng, chúng chào lại ông. Những con đường nông thôn. Cape Town đã lùi vào quá khứ.
Một hồi nhớ về cô gái chợt đến trong tâm trí của ông: bộ ngực cô nhỏ nhắn, gọn gàng, đầu vú dựng đứng, bụng cô mịn màng, phẳng lì. Một làn sóng khát khao chạy khắp người ông. Rõ ràng là dù thế nào đi nữa, câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Ông quay về nhà và mở nốt hành lý. Đã một thời gian dài từ lần cuối cùng ông chung sống với đàn bà. Ông sẽ phải quyết định cách sống của ông; ông sẽ phải thành một người đâu ra đấy.
Đầy đặn, đúng là từ dành cho Lucy. Cô sẽ nhanh chóng nặng nề mất thôi. Cứ để mặc cô, như tình cờ người ta rút khỏi lĩnh vực tình yêu. Vầng trán thanh tao, mái tóc vàng hoe và hàng mi cong vút kia sẽ thành cái gì?
Bữa tối đơn giản: xúp và bánh mì, rồi khoai lang. Thường ngày ông không thích khoai lang, nhưng Lucy làm món đó với vỏ chanh, bơ và những gia vị ấy làm chúng thành một món có thể chấp nhận được, còn hơn cả thế nữa.
- Bố ở đây có lâu không? – cô hỏi.
- Một tuần nhé? Chúng ta thử một tuần xem sao? Con có chịu đựng nổi bố lâu thế không?
- Bố có thể ở bao lâu tùy thích. Con chỉ sợ bố chán thôi.
- Bố sẽ không chán đâu.
- Sau một tuần, bố sẽ đi đâu?
- Bố còn chưa biết. Có thể bố sẽ đi ngao du một chuyến dài.
- Bố luôn được đón mừng ở đây.
- Bố rất vui thấy con nói thế, con ạ, nhưng bố muốn con giữ được tình bạn bè. Những cuộc thăm viếng dài không tạo nên tình bạn tốt được.
- Sao chúng ta lại gọi nó là một cuộc thăm viếng? Nếu gọi là một cuộc trốn tránh thì sao? Liệu bố có chấp nhận tránh mặt ở một nơi mai danh ẩn tích không?
- Con định nói là lẩn trốn? Chưa đến nỗi tệ như thế đâu, Lucy. Bố không phải là kẻ tỵ nạn.
- Roz nói là không khí rất tồi tệ.
- Tự bố gây ra chuyện đó. Người ta đề nghị thỏa hiệp, nhưng bố không chấp nhận.
- Thỏa hiệp kiểu gì ạ?
- Giáo dục lại. Cải tạo lại tính cách. Nói theo ngôn ngữ pháp luật là định hướng.
- Bố có hoàn hảo đến mức không cần định hướng?
- Nó làm bố nhớ quá nhiều đến Trung Quốc của Mao. Công khai rút lui ý kiến, tự phê bình, nhận tội trước công chúng. Bố là người theo kiểu cổ, bố thích thà bắt đứng dựa vào tường mà bắn còn hơn.
- Bắn? Vì một chuyện trăng gió với sinh viên? Bố không nghĩ thế là hơi cực đoan hay sao? Lúc nào chuyện ấy chẳng xảy ra. Biết đâu chẳng xảy ra với con nếu con là sinh viên. Nếu họ khởi kiện tất cả các vụ những người trong nghề, chắc phải mười người giết một.
Ông nhún vai:
- Có những thời điểm rất khắt khe. Cuộc sống riêng tư là việc của công chúng. Sự ham muốn không lành mạnh lại là đáng trọng, ham muốn và ủy mị. Họ muốn một cảnh đấm ngực, ăn năn, khóc lóc nếu có thể. Thực tế là một cuộc trình diễn trên tivi. Không thể bắt buộc bố được.
Ông suýt nói thêm:
- Thực ra, họ muốn thiến bố - Nhưng ông không thể nói những lời như thế với con gái. Giờ đây, ông nghe bằng tai khác, toàn bộ những tràng đả kích của ông có vẻ như quá đáng, quá thể.
- Bố có lý của bố và họ có lý của họ. Đây chẳng phải là chuyện anh hùng để không khuất phục. Liệu còn thời gian để xét lại không, bố?
- Không, tuyên án lần cuối rồi.
- Không có chống án?
- Không chống án. Bố không phàn nàn. Người ta không thể nhận lỗi trước những lời buộc tội của một bọn sa đọa rồi lại mong đáp lại bằng một trận lũ cảm thông. Sau một tuổi nhất định, không thể như thế được. Sau một tuổi nhất định, con người không thể cầu khẩn, và chỉ thế mà thôi. Con người phải bắt tay vào một việc gì đó và sống nốt phần đời còn lại. Phụng sự thời đại của mình.
- Thôi được, thật đáng tiếc. Bố cứ ở lại đây bao lâu tùy thích.Với bất cứ lý do gì.
Ông đi nằm sớm. Lúc nửa đêm, hàng tràng tiếng chó sủa làm ông thức giấc. Đặc biệt có một con chó cứ sủa mãi, dai dẳng, không dứt; những con khác sủa theo, ngớt dần, rồi lại miễn cưỡng sủa theo lần nữa.
- Đêm nào cũng thế sao? – Đến sáng, ông hỏi Lucy.
- Chúng quen thế rồi. Con rất tiếc.
Ông lắc đầu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro