Phần 8: Mất tích
Tôi không biết rằng liệu ban đầu Carol yêu Ismir thì mọi chuyện có phải đã nhẹ nhàng hơn nhiều, cho cả tôi và em không.
Ismir thì nói, em hợp với hắn hơn là hợp với tôi. Hắn là kẻ lãng mạn, tự do, không bị ràng buộc bởi bất kì cái gì. Hắn không có một tham vọng đáng kể gì ngoài việc lang thang về những nơi chốn xa xôi. Ở bên cạnh hắn, em sẽ có được cuộc sống bằng phẳng, êm đềm, đơn giản và nhẹ nhàng mà em vẫn ước mơ.
Nhưng trên hết, Ismir dường như hiểu em hơn tôi. Chính hắn, về sau này, đã lạnh lùng nói với tôi những lời như thế này: 'Cậu làm Carol phải chịu đựng quá nhiều thứ- những thứ cậu không bao giờ hiểu được. Cậu đang nhốt nàng trong sự ích kỉ chết tiệt của cậu! Những lo toan của cậu quá to tát, quá bao trùm, còn Carol thì rất nhạy cảm, nàng cần những giá trị căn bản mà cậu không thể đáp ứng. Carol và cậu còn bao nhiêu mối quan hệ phức tạp khác chi phối. Chúng sẽ ngăn cản, sẽ phá hỏng hết. Giữa hai người vốn đã có một bức tường quá dày ngăn cách. Hậu quả để lại sẽ không tốt đẹp gì đâu! Chờ mà xem! Memphis!'. Dĩ nhiên, tôi đã không tin. Trước giờ tôi vẫn coi hắn như một kẻ thỉnh thoảng hay phức tạp hóa vấn đề. Tôi nghĩ, đơn giản là hắn thực sự muốn Carol và sẽ làm tất cả để có được em, rõ ràng như thế.
Hồi bé, tôi chơi cùng Ismir vì hắn giống tôi. Tôi và hắn hiểu nhau, nhưng trong tận cùng mỗi người đều tồn tại một cái 'tôi' quá lớn. Sẽ đến ngày này thôi, khi cả hai coi nhau như một thứ cột mốc để cố gắng vượt qua, để khẳng định sự tồn tại của mình. Việc đó là hoàn toàn tất yếu. Tôi và hắn đã ở trên đường đua từ lâu rồi, và những thân thiện tốt đẹp ngày xưa chỉ là cuộc dạo bộ ban đầu. Carol chỉ như một mồi lửa nhỏ châm ngòi cho vạc dầu lớn đã sẵn sàng cháy bùng lên giữa chúng tôi. Carol khổ tâm nhiều về chuyện này, nhưng đâu phải tại em. Chính tại tôi đã khiến Ismir có cơ hội ở gần em. Em là một cô gái đặc biệt. Hắn yêu em, như tôi yêu em, như lẽ đương nhiên...
Hồi còn ở Liban, cứ vài tháng, tôi lại tham gia chinh phạt các làng bên cùng đội chiến binh trong làng. Có tầm bốn chục thanh niên trai tráng. Hulia cũng ở trong nhóm ấy. Những ngôi làng vùng rừng Liban thường theo một chế độ chính trị gần như kiểu bộ lạc, mỗi làng là một quốc gia thu nhỏ, có 'hoàng đế' và luật lệ riêng. Có những làng có mối giao hảo lâu đời với nhau, có những làng lại là kẻ thù truyền kiếp. Thường thì những làng mạnh hơn sẽ đi xâm chiếm và bắt bớ nô lệ tại các làng yếu thế.
Làng Dahomey lúc đó đang được mùa lớn, và thậm chí còn thiết lập được một bộ phận quân đội gồm cả trăm gã trai tráng khỏe mạnh, được huấn luyện cẩn thận. Họ được hưởng chế độ ưu tiên, được chia phần thực phẩm, binh khí và vải vóc. Đó gần như là một binh đoàn chuyên nghiệp, với mục đích là làm sao để làng mình có lãnh địa càng rộng lớn càng tốt. Theo tôi nhớ, Dahomey là ngôi làng đầu tiên có chế độ đặc biệt này. Dù sao đây cũng là ngôi làng hung hãn nhất vùng. Đến cả trẻ con cũng dám dùng binh khí thật trong những cuộc tập trận giả tưởng trên sườn núi. Chúng được người lớn khuyến khích làm thế.
Gã trưởng làng Kapta luôn rình mò cơ hội để gây hấn với Namea, vì thèm khát khu quặng sắt ở sâu trong làng đó. Hắn chỉ cần một cái cớ, dù nhảm nhí thế nào cũng được. Tôi không quan tâm lí do vì sao hai làng đụng độ, chỉ háo hức cảm giác được ra trận. Tôi thích những cuộc chinh phạt. Lần đầu tiên xuống tay chém giết có thể làm ta thấy ghê tay, nhưng quen rồi thì tự nhiên nó thành khoái cảm. Carol đánh giá rằng chuyện này thật mất nhân tính, dù chính em cũng phải thừa nhận rằng khoái cảm đó cần thiết cho những trận giáp lá cà, như một thứ thuốc kích thích vậy. Em lúc nào cũng đầy những mâu thuẫn buồn cười thế.
Thế là tôi đi Namea. Không kịp về báo cho Carol vì thời gian rất gấp rút. Chúng tôi phải tiếp cận nơi này ngay ngày đầu năm mới để tạo yếu tố bất ngờ. Tôi nhắn tin cho Ismir, nhờ hắn trông nom em. Còn Mèo, kệ nó. Những bận tôi xa nhà thường không phải lo cho Mèo. Nó tự kiếm ăn được, và chẳng bao giờ lạc đường.
Mãi sau này, tôi cũng không biết rằng liệu quyết định nhờ vả Ismir đó là đúng hay sai. Cũng có thể là vừa đúng vừa sai. Nhưng phải thừa nhận rằng tôi đã suy nghĩ không thấu đáo. Tôi còn mải mê lên kế hoạch chinh phạt với các chỉ huy khác đến tận khuya. Chỉ đến khi đang trên đường tiếp cận làng Namea, tôi mới cảm thấy hối hận. Tôi đã giao người phụ nữ tôi yêu cho Ismir. Nếu hắn thích em, hắn dám tán tỉnh em lắm. Nghĩ thế, tôi giận mình điên người. Tôi còn chưa làm gì em ! Hắn liệu có mang em vào căn phòng chất đầy những món lưu niệm hay ho mà hắn đem về từ những chuyến phiêu lưu ? Nhỡ đâu hắn sẽ cho em những thứ em thích. Những pho sách đồ sộ chẳng hạn. Carol em mê sách lắm. Vùi đầu vào sách là quên hết mọi sự. Rồi lại còn lễ hội đầu năm mới của làng Nokoue nữa chứ. Ismir là con trai trưởng làng, hắn muốn gì chẳng được. Trong lúc những chuyện ngu ngốc đó xảy ra thì tôi đang mất ăn mất ngủ vì cuộc chiến !
Phe địch chống trả rất ngoan cố. Phải mất ba ngày, tôi mới tiếp cận được vào địa phận của làng Namea. Tôi trút cơn giận của mình lên bất kì cái đầu lố nhố cản đường mà tôi thấy. Tôi liều mình xông vào Nhà chính, cố lấy cho bằng được những tấm vải đẹp đẽ và đồ trang sức quý giá để mang về cho Carol, bất chấp bọn địch đang vây ráo riết xung quanh. Thực ra cũng không phải nhọc công thể, nhưng nếu tôi chậm chân thì của nả sẽ vào tay bọn tay chân cho Kapta hết. Giết được gã trưởng làng Namea, tôi giật lấy cái vòng cổ của gã. Một cái dây chuyền có gắn viên ngọc màu xanh biếc cực lớn, chung quanh chạm trổ cầu kì, từ lâu tôi đã nghe nói nó có phép thuật gì đó. Nhìn gần thế này trông nó cũng bình thường thôi, chắc toàn chuyện đồn đại nhảm nhí cả. Dẫu sao trông cũng đáng tiền. Vì dây buộc đã đứt, tôi quấn nó cùng đoạn dây thừa quanh thắt lưng.
Khi đoàn chiến binh đã hoàn thành công việc, chúng tôi tụ họp lại ở rìa làng. Mấy gã có nhòm ngó cái dây chuyền nọ, bảo rằng món đồ quan trọng thế phải nộp cho Kapta để hắn chế ngự phép thuật của nó. Tôi bỏ ngoài tai, chẳng chút quan tâm tới hắn. Tôi chỉ muốn về sớm để gặp Carol.
Đại khái là tôi đã quay về đúng lúc Carol đang ngồi trên con ngựa được trang trí cờ quạt sặc sỡ cho dịp lễ. Nàng đang cười khanh khách trước một vở kịch, trong đó kẻ mang mặt nạ đại diện cho ma quỷ đang rú lên và giả vờ đau đớn trước đòn trừng phạt của kẻ mang mặt nạ thần linh. Ismir nhìn thấy tôi trước và hắn bảo em điều gì đó. Hắn vờ trượt tay khi đón em xuống ngựa, và tôi nhìn thấy cảnh em ngã vào lòng hắn. Carol không bứt ngay ra khỏi hắn, mà nhìn hắn khó hiểu.
Tôi như thể mất trí vì cơn giận bùng lên rừng rực trong đầu, đứng đó trừng trừng nhìn em. Dường như em cảm thấy được thứ 'sát khí' trong tôi, và em quay ra. Miệng em mở, hình như định gọi tôi hay sao đấy, nhưng rồi nín bặt, có lẽ bởi vì nhìn thấy ánh mắt dữ dội của tôi lúc đó.
Cơn ghen thiêu đốt tôi, che kín mọi giác quan, và tôi đi đến bên em, không nói một lời, kéo giật tay em lại một cách thô bạo, trước con mắt sửng sốt của tất cả mọi người, chỉ trừ Ismir - mặt hắn vẫn lạnh như băng, như một cái gì nằm ngoài cuộc sống thực. Tôi trừng mắt nhìn hắn, chắc chắn là trông tôi không thiện chí một chút nào.
'Đừng trừng mắt với tôi như vậy. Chỉ thử thách cô ả chút thôi, xem có xứng đáng với tình yêu của cậu không.' Hắn nói.
Lúc đó, Carol đã cố gắng giải thích, nhưng tai tôi như ù đi, không còn nghe lọt một lời lẽ nào nữa. Tôi quát lên : 'Im !' bằng một giọng rắn đanh và tàn nhẫn. Tôi gần như lôi Carol theo, phăm phăm đi vào rừng, rẽ qua những lối mòn. Lẽ ra tôi phải bị người làng Nokoue buộc tội vì lối hành xử thiếu tôn trọng họ trong một lễ hội lớn như thế, nhưng không thấy ai đuổi theo. Có thể họ sợ tôi, hoặc sợ Ismir.
Carol thất vọng, bẽ bàng và dần chuyển sang tức giận. Em chống cự quyết liệt nhưng không tài nào dứt ra được nắm tay rắn đanh của tôi. Em bước thấp bước cao, rồi vấp, rồi trượt chân : đôi dép xa xỉ em đi dưới chân hoàn toàn không phải thứ để băng đường rừng. Nhưng tôi vẫn không đi chậm lại. Đằng sau lưng, âm thanh náo nhiệt của lễ hội vẫn làm náo động cả một khoảng rừng. Âm thanh đó càng làm những dây thần kinh của tôi căng thẳng. Tôi điên người lên với ý nghĩ, Ismir hẳn đã yêu Carol, và hắn đi trước tôi một bước ; còn Carol, em chỉ vì những thứ lộng lẫy kia mà chấp nhận hắn, trong khi tôi đây, người đã cứu và che chở em, thì em giữ khoảng cách biết chừng nào ! Em đã phản bội tôi ! Không thể kiềm chế nổi, tôi buông lời mạt sát em, thô bạo giật những món trang sức của em ném xuống đất. Lần đầu tiên tôi nhận ra một điều mà lẽ ra tôi phải nhìn thấy từ lâu lắm : tôi lớn lên như một con thú trong rừng sâu, ngạo nghễ, kênh hãnh, lạnh lùng, bất cần, nhưng trơ trọi.
Tôi gần như vồ lấy Carol mà ngấu nghiến môi em, gầm gừ qua kẽ răng : 'Nàng yêu hắn ta ! Hả Carol ? Khốn kiếp ! Hắn đã làm gì nàng ? Nàng thân mật với hắn, trong khi xua đuổi ta, căm ghét ta, có phải không ?'. Lúc đó, nếu em khéo léo hơn thì phải dịu giọng và kiên nhẫn giải thích. Nhưng Carol đã không làm thế- em có nhược điểm là dễ bị kích động-, đã thẳng thừng gật đầu, đôi mắt ngạo nghễ thách thức : 'Đúng ! Tôi căm ghét anh !'.
Tôi phải kiếm chế lắm mới không giết em sau đó. Em chỉ cần một cú vung tay của tôi là đủ mất mạng. Tôi gần như đẩy mạnh em ngã người vào một thân cây lớn, quay gót điên cuồng bước những bước dài về phía làng Dahomey. Em có ra sao thì cũng mặc kệ. Có bị sói vồ cũng được.
Tôi trở về làng. Làng Dahomey cũng đang tưng bừng hội hè, là tiệc mừng chiến thắng, và mừng năm mới luôn thể. Tôi và những chiến binh khác, mất gần mười ngày cho cuộc chinh chiến này. Bên tôi mất mười bốn người, nhưng bù lại làng Namea đã bị xóa sổ, vậy nên có thể coi đây là một thắng lợi to tát.
Những vũ công ăn mặc rực rỡ đang say mê mải miết nhảy múa những điệu quằn quại như thể bị đau bụng. Dân làng ta đang chờ tôi để thực hiện nghi thức tế thần những tù binh bắt được trong trận chiến. Trưởng làng Namea đã chết trong cơn hỗn loạn, nên đám tù binh khốn khổ bị trói quỳ dưới đất này chỉ gồm gia đình hắn, gia nhân và một vài kẻ ngoan cố khác. Chúng khóc lóc, la hét, rên rỉ, điều đó chỉ càng kích thích cơn phấn khích tàn bạo đã manh mún từ trước của tôi.
Tù binh luôn được "chăm sóc"một cách cẩn thận như thế. Kẻ đảm nhận vai trò hành quyết luôn là người từng có công trạng to lớn trong làng, phải làm sao cho chúng chết càng đau đớn, càng man rợ càng tốt. Sống giữa một xã hội hoang dã nguyên thủy như thế, những kẻ dám tàn bạo và liều lĩnh lại là kẻ được tôn trọng.
Không biết làm cách nào, Carol tự tìm được đường trở lại ngôi làng, ngay lúc tôi thực hiện nghi lễ (thật may, em đã không bị sói vồ !). Sau này, em kể lại rằng đó là hình ảnh đáng sợ nhất của tôi, khi đôi mắt long lên và gương mặt đóng đanh một nụ cười dữ dằn. 'Máu bắn lên mặt chàng, Memphis ạ. Thật không hiểu nổi rằng tại sao em lại thấy rõ rằng chàng đang được thỏa mãn bởi điều đó, như thể được rửa hận vậy. Lúc ấy, em đã sợ rằng chàng sẽ giết mình bằng cách ấy.'
Trước giờ tôi đã luôn phải giải thích với Carol rằng nhân tính là một thói xa xỉ : từ bỏ nó, hoặc là chết, vậy thôi. Em đang sống ở một nơi mà ta giết hoặc bị giết. Em không hiểu. Em mãi mãi không hiểu. Em đã phải trả giá cho sự cứng đầu đó, dĩ nhiên đó là chuyện sau này. Điều đó có đáng trách hay không ? Phải chăng là tại em không biết khuôn mình vừa với tất cả, là tại những thứ đẹp đẽ tốt lành thánh thiện mà em vẫn theo đuổi ? Nếu bất cứ ai, cố thay đổi chỉ để mặc vừa cái áo của thời đại, liệu có phải đã đánh mất một phần vốn dĩ rất tốt đẹp của mình ? Carol tội nghiệp. Em trách được ai ?
Câu hỏi đó, cho đến lúc chết đi, có lẽ tôi vẫn không trả lời được.
Lễ hội trong làng vẫn kéo dài đến đêm. Khắp nơi tràn ngập không khí lễ hội náo nhiệt. Ai ai cũng kéo ra đường. Khắp nơi trang trí những dải hoa rực rỡ cùng hàng trăm chiếc chuông đất nung kêu leng keng ồn ào trong gió. Người làng Dahomey mặc trên người những bộ lễ phục rườm rà và nặng trĩu các thứ vòng va vào nhau loảng xoảng mỗi khi họ giơ tay nhảy múa. Những tốp các vũ công bận đồ thánh nhún nhảy vòng trong vòng ngoài quanh bức tượng trước nhà trưởng làng Kapta trong khi hắn đang hành lễ phía trong. Người ta cười sằng sặc, la hét, hoặc gân cổ lên hát. Khung cảnh hỗn loạn chẳng khác gì chiến trận. Dưới một tán cây khuất và tối, cách xa trung tâm lễ hội, tôi ngồi một mình im lặng nốc rượu hết bát này đến bát khác, không còn tâm trạng nào để tham gia vào cuộc vui. À, cuộc vui... Tôi đã từng thấy vui. Bây giờ, nó chỉ còn là thứ gì thật màu mè ngu xuẩn. Chẳng ai thấy tôi cả, chỉ trừ Hulia. Cô hỏi han, nhưng tôi chẳng để tâm xem cô nói gì nữa. Tôi đã say mềm. Cô mang thêm rượu cho tôi, toan bỏ đi mà không nói một lời. Tôi kéo cô lại vào lòng.
'Ta sắp phát điên lên đây. Hãy giải tỏa cho ta đi.'
'Được thôi'- cô đáp, thản nhiên. Thế là cô giải tỏa cho tôi, không cần biết lí do vì sao tôi điên.
Suốt lúc ấy, tôi có vài lần nhìn thấy mái tóc vàng của Carol thấp thoáng trong ánh lửa đuốc lễ hội. Mái tóc như một cơn mơ, chập chờn trong hơi men rượu đang làm mờ mắt tôi. Hình như tai tôi còn văng vẳng tiếng gọi khẩn thiết của em. Có lẽ em không nhìn thấy tôi, khuất trong bóng đêm. Hulia thì thầm : 'Carol đang tìm anh kìa'. Tôi bảo cô hãy mặc kệ đi, rồi chìm vào giấc ngủ trong vòng tay cô.
Lúc tôi tỉnh, trời đã gần sáng. Chân trời hửng lên một vệt hồng tím. Tiếng chim lách chách đến nhức đầu. Hulia không còn ở đó. Tấm áo của cô đắp trên mình tôi đã ướt đẫm sương. Lễ hội tan từ bao giờ. Những dấu tích bừa bãi trên nền đất phía xa trông tanh bành và tan hoang như thể ngôi làng vừa trải qua một trận cướp bóc khủng khiếp.
Cổ họng tôi khô rốc. Mặt, tay và chân đỏ bầm vết côn trùng đốt. Đầu óc thì đau nhức khủng khiếp do uống rượu say rồi ngủ lại ngoài trời đêm sương. Tôi lảo đảo tìm vào làng, múc nước ở cái vại lớn đầu tiên nhìn thấy, uống như sắp chết khát, bất cần xem là nước nhà ai. Lúc đầu óc tỉnh táo lại, tôi mới ngờ ngợ nghĩ xem Carol đang ở đâu.
Tôi nhìn quanh. Vắng hoe. Dân làng đã đi ngủ hết. Các dãy nhà tối sẫm nằm im lìm. Sau cuộc chơi tốn sức tối qua, mọi người đều mệt mỏi cả. Chỉ có mấy bà già đang nhặt nhạnh những thứ lễ hội bỏ sót lại trên mặt đất ngổn ngang. Vài con chó còm chạy loăng quăng, sủa vu vơ. Đằng xa, một tốp phụ nữ đi lấy nước buổi sớm, cười nói ầm ĩ.
Tôi nhìn về phía Nhà chính, nơi rèm đang buông kín mít. Từ trong ấy tiếng lục lạc và giọng đọc kinh lê thê nhằng nhẵng của Kapta vẫn văng vẳng như thể thách thức sự kiên nhẫn. Hắn hay phải thực hiện những nghi thức tế thần thâu đêm trong những dịp như thế này.
Nghe tôi hỏi, ai cũng lắc đầu. Chẳng ai biết em đang ở đâu. Hoặc có thể em đã về nhà. Không lẽ em dám tự mình bỏ về ? Chắc không có chuyện đó, đi trong rừng một mình rất nguy hiểm. Tôi đến tìm Hulia. Cô cũng không hay biết gì hết. Vừa mài lại lưỡi dao đi rừng lên một tảng đá cạnh cửa, cô không nhìn tôi, giọng hơi mỉa mai : 'Ừ, anh là kẻ duy nhất cô ta có thể dựa vào đấy. Rời anh ra là không sống nổi đâu. Hay là Ismir?'
Tôi không nói gì sau đó. Cảm nhận được cơn giận đang cố nén lại trong sự im lặng bất thường của tôi, Hulia ngẩng lên. Cô nhún vai, chữa lời : 'Có khi hắn đã đến đón Carol đi. Anh thử qua đó xem ?'
Tôi không muốn tin vào lời Hulia. Vô lý ! Em là em mà Ismir là Ismir, mọi sự gán ghép đều làm tôi ngứa ruột. Mẹ kiếp thật ! Nếu đúng là như thế thì tôi sẽ buộc hắn và em phải hối hận thực sự. Tôi bỏ đi lùng sục quanh làng một hồi nữa, tìm đến từng ngõ ngách. Cũng có nhiều người tham gia cùng vì lo cho em. Mãi cho đến khi trời sáng hẳn mà vẫn không có manh mối gì. Tôi tức Carol phát điên lên được, chẳng hiểu em bỏ đi đâu. Em muốn chọc tôi điên lên thêm hay sao ? Cơn tức hôm trước chưa dịu, cơn tức hôm sau lại nhảy chồm lên. Tôi quyết định không tìm kiếm nữa mà băng rừng, tìm về nhà. Có thể em đã về nhà. Ồ, to gan lắm, có thể em đã một mình về nhà !
Không thể tin nổi cảnh tượng bày ra trước mắt tôi lúc ấy. Căn nhà đã bị phá tan hoang. Vại nước bị đập vỡ. Trên sân có nhiều vết giày xéo lại nhiều lần. Đồ đạc quăng bừa bãi trước cửa. Tôi đạp tung cánh cửa đã long bản lề một nửa, xộc vào bên trong nhà. Tất cả như thể bị một cơn bão quét qua. Không còn gì hết. Đống củi bị xới tung. Những tấm rèm che, vải đệm, da thú, những đồ đạc trên các giá đỡ bị vứt hết trên nền nhà. Đồ gốm vỡ vụn. Tất cả số dao và gươm đã mất. Tôi đứng sững sờ một lúc ngay giữa bãi chiến trường đổ nát đó. Chưa một ai dám mò vào ngôi nhà này, chứ đừng nói là phá tan hoang như vậy. Chưa một ai ! Liệu đây có phải người làng Dahomey ? Mẹ kiếp ! Ai dám ? Ai có thể ? Còn con Mèo nữa, nó đâu ?
Tôi vùng ra khỏi nhà, gọi Mèo. Không thấy nó sủa đáp lại. Có lẽ nó đã đi kiếm ăn ở đâu quá xa, chưa thể về ngay được. Trở vào trong xem xét kĩ lưỡng, tôi thấy dấu vết phá phách còn rất mới. Cơn giận dữ làm tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Tên khốn kiếp nào gây ra trò này ?! Tôi thề sẽ băm vằm hắn ra làm trăm mảnh.
Tôi có thể sẽ hối hận suốt đời nếu lần ấy không may mắn gặp con Mèo ở bìa rừng. Đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng sủa mừng rỡ quen thuộc. Không khó gì để nhận ra thân hình đồ sộ của nó đang phóng bừa qua mấy bụi cây rậm rì, đến bên tôi. Tôi đã phải đứng sững kinh ngạc vì tình trạng thê thảm của nó : một bên tai đã rách xẻ đôi, bắp chân trước bên phải có vệt rách dài và sâu, đầm đìa máu. Tệ hại nhất là đùi sau nó còn găm chặt một mũi tên đã gãy mất một nửa, làm nó phải đi cà nhắc cà nhót.
Có ai đó muốn giết nó.
Tối sầm cả mặt mũi đi vì tức giận, rủa thầm hôm nay đúng là một ngày chó má.
Trên cổ Mèo có buộc một mảnh vải rách bươm tướp, trước kia có lẽ là màu trắng, nhưng bây giờ thì hòa lẫn máu với bụi đất. Mõm cũng nó đầy máu. Máu bết lại trên cả túm lông trắng trên cổ và ngực. Nhưng không phải máu của nó. Là máu của ai khác. Tim tôi thắt lại : ngoài tôi ra, chỉ có Carol mới có thể buộc được vật gì lên cổ Mèo. Nó rất hung dữ với kẻ lạ. Tôi tháo mảnh vải ra khỏi cổ nó. Trong đó có vài sợi tóc vàng cuộn vào nhau rối nùi.
Carol thực sự đang gặp chuyện. Tôi mong kia không phải là máu của em!
Gói trong mảnh vải còn có một mảnh gốm vỡ. Hẳn là em có ý đồ gì đó. Đó là loại gốm quý men xanh từ Ai Cập. Thứ gốm này là món hàng thường thấy của bọn thương buôn Asyria. Ở Liban này, nó là thứ đồ của nhà giàu.
Mèo tru lên thảm thiết khi tôi mím môi lôi mũi tên ra. Một mũi tên đồng, cán gỗ. Tôi mất một lúc để choáng váng. Đích thị là tên của người Assyria! Tôi chắc chắn, hình dáng ấy không thể lầm được. Có lẽ Mèo đã tấn công bọn chúng. Nhiều máu thế này, hẳn kẻ đó bị thương không nhẹ. Nó có thể giết người dễ như chơi, nhưng chỉ khi được lệnh của tôi hoặc bị đe dọa đến mức phải dùng bạo lực để tự vệ. Nó muốn bảo vệ Carol, nhưng không nổi.
Lẽ ra tôi có thể dẫn Mèo theo mình, nhưng nó bị thương nặng quá rồi. Tôi vội vàng băng bó cho con chó rồi ra lệnh nó về nhà. Nó ư ử vùng vằng, tỏ ý miễn cưỡng nhưng rồi cũng phục tùng. Tôi hối hả băng đường tắt, tìm tới con đường mòn bên núi- con đường độc đạo trên hành trình của bọn người Asyria. Lối tắt này gập ghềnh, lởm chởm đá tai mèo, nhưng là đường ngắn nhất. Nếu có thêm người, như Hulia hoặc Ismir thì mọi việc sẽ bớt khó khăn, nhưng không kịp nữa: tôi e sẽ mất dấu bọn lái buôn. Chúng có ngựa, nhưng mang theo nhiều hàng hóa và nô lệ, hẳn không thể đi nhanh.
Mặt trời lên cao nhưng trong rừng vẫn tối tăm và ẩm ướt. Đôi lúc tôi ngửi thấy mùi sói. Nếu sói tấn công lúc này thì thật phiền phức. Tôi sẽ mất sức, tệ hơn nữa là mất thời gian. Nghĩ thế, tôi nắm chắc cán lao sải những bước dài hơn. Khi ra tới đường mòn, tôi thấy như sức lực sắp cạn sau một quãng đường chạy quá dài và hiểm trở. Mặt đường đất ẩm rì sau cơn mưa có dấu vết cày xới rất mới, chứng tỏ đoàn lái buôn vừa qua đây không lâu.
Bám theo dấu vết ấy, đến gần trưa, tôi tìm thấy bọn lái buôn. Đúng như tôi đoán, chúng không thể đi nhanh hơn. Một đoàn chừng gần trăm người ngựa đang rờ rẫm kéo đàn kéo lũ đi trên con đường hẹp trơn trượt bên vách núi cheo leo. Trước mặt sẽ là ngã ba, nơi kết thúc con đường, mở ra một lối đi khác trong cánh rừng thưa, rộng hơn, an toàn hơn. Tôi trèo lên mỏm đá cao, nhìn xuống dưới. Đi đầu là vài tên cưỡi ngựa dẫn đường. Tiếp sau, đoàn hơn hai chục lừa, ngựa, lạc đà thồ nặng hàng hóa, có lính áp giải hai bên. Sau cùng mới là đoàn nô lệ. Đám người xám xịt, mệt mỏi, lê chân trần trên mặt đất trơn tuột. Những tiếng quát và tiếng ngọn roi vung lên sau cùng cả đoàn vang lên rời rạc.
Carol đây rồi! Tôi không thấy mái tóc vàng do em đang mang một chiếc khăn vải gai xấu xí trùm kín từ đầu xuống khoeo chân, nhưng tấm lưng và dáng đi ấy không thể nhầm lẫn được. Bên cạnh em, hai gã đồ tể giáo gươm tuốt trần thong thả đi ngựa, đôi lúc liếc nhìn đám tù nhân và văng những câu chửi giục giã tục tĩu. Trong hơi nóng đã bắt đầu thiêu đốt khi mặt trời đứng bóng, đoàn người lại càng thảm hại, lê thê, mòn mỏi.
Tôi tìm thấy một mạch nước nhỏ chảy từ trên núi xuống, hứng đầy túi da đem theo mình, tiếp tục trở lại bám theo đoàn buôn. Có lẽ phải đợi đêm xuống mới có cơ hành động. Bọn chúng quá đông, lại là những kẻ có kinh nghiệm chém giết và sẵn máu man rợ. Có lẽ chính chúng là lũ khốn ngông cuồng phá tan hoang căn nhà của tôi. Mà không hiểu chúng đã bắt em đi kiểu gì? Mỗi lần qua làng Dahomey, bọn này luôn tỏ ra là một lũ hổ báo khoa trương hợm đời ầm ĩ, đến kiến ngồi trong hang cũng nghe thấy, sao lần này thì im như cóc chết. Mọi chuyện thật đáng ngờ!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro