rui ro ty gia
Bình luận phát biểu của tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa “ RR lớn nhất của VN hiện nay là RR tỷ giá”.
A. Tình hình quản lý tỷ giá trong thời gian qua:
Từ đầu năm 2010, tỷ giá liên ngân hàng đã hai lần được điều chỉnh với mức khá lớn. Ngày 14/2, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá liên ngân hàng thêm 3% lên mức 18.544 đồng/USD. Và mới đây nhất ngày 18/8, tỷ giá lại được nâng lên thêm 2% lên mức 18.932 đồng/USD.
Điểm chung dễ nhận thấy trong hai lần ra quyết định của Ngân hàng Nhà nước đều được đưa ra một cách hết sức bất ngờ và thậm chí đi ngược với những gì mà thị trường và các DN kỳ vọng từ những thông điệp mà cơ quan quản lý phát đi trước đó.
Đầu tháng 8, khi trả lời về những định hướng điều hành tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã cho rằng, với chỉ số kinh tế vĩ mô lành mạnh, nhập siêu tăng nhưng vẫn đang được kiểm soát tốt. Thống đốc còn đưa ra các con số khả quan để cho thấy những biểu hiện tích cực về cung cầu USD và khẳng định rằng, “với tình hình kinh tế vĩ mô khả quan như vậy tỷ giá sẽ ổn định”.
Trước đó, từ đầu tháng 7/2010, khi thị trường ngoại hối bắt đầu có những dấu hiệu căng thẳng, các quan chức và chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước liên tiếp phát đi những thông điệp khẳng định: cung cầu ngoại tệ khả quan là cơ sở để ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, ngay sau đó, tỷ giá đã được bất ngờ tăng lên thêm 2% với lời giải thích rất ngắn gọn: “nhằm kiềm chế nhập siêu”. Đây thực sự là một “cú sốc” cho thị trường khi sự điều chỉnh này dường như đã đi ngược với những khẳng định trước đây của cơ quan quản lý, càng làm cho thị trường thêm nhiều rủi ro do yếu tố bất ngờ mang lại.
Tín dụng ngoại tệ đã tăng đến 34% so với cuối năm ngoái, một thực tế hoàn toàn trái ngược năm 2009 khi DN thích đi mua hơn là vay USD do lo ngại tỷ giá tăng. Tuy nhiên, với đa số các khoản vay ngoại tệ là ngắn hạn từ 3 – 6 tháng đã bắt đầu đáo hạn thì cũng là lúc tỷ giá tăng thêm 2% khiến cho DN gánh chịu một khoản tăng thêm đáng kể. Điều này thực sự nằm ngoài dự đoán của DN nếu căn cứ trên diễn biến thị trường nửa năm qua cũng như những tuyên bố gần đây của Ngân hàng Nhà nước
B. Những nguyên nhân có thể dẫn đến rủi ro tỷ giá ở Việt Nam:
- Đồng USD đang ngày càng mất giá trên thị trường thế giới, trong khi đó ở Việt Nam giá USD ngày càng tăng, cho thấy giá trị của VND ngày càng giảm, khả năng NHNN phải phá giá VND là hoàn toàn có khả năng.
- Cung cầu ngoại tệ chưa phù hợp, thể hiện ở giá USD trên thị trường chợ đen và thị trường chính thức có khoảng khác biệt lớn. Trong quý 2/2010, Giá USD thị trường chính thức cao hơn thị trường không chính thức, thể hiện một lượng cung ảo gây ra bởi chênh lệch lãi suất USD và VND lúc bấy giờ. Đến nay (tháng 10), giá USD chính thức được giữ ở mức 19.500đ, giá USD trên thị trường thì đang tiếp tục tăng.
- Nhập siêu liên tục tăng cao, đến tháng 8/2010 đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước và không có xu hướng giảm.
- Các hợp đồng vay đáo hạn khiến doanh nghiệp phải gom USD trả nợ, nếu biến động tỷ giá xảy ra sẽ làm tăng chi phí trả nợ của các doanh nghiệp.
C. Tác động của rủi ro tỷ giá đến nền kinh tế Việt Nam:
1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): CPI của Việt Nam nhìn chung sẽ cao từ nay ít nhất tới tháng 3/2011, do thời gian này không chỉ rơi vào thời điểm tiêu thụ cao cuối năm mà còn chịu áp lực của tỷ giá. Kể cả khi NHNN chưa nới lỏng tỷ giá thì các DN vẫn phải mua ngoại tệ tăng thêm vài phần trăm từ 1 tháng trở lại đây.
Tính đến tháng 10, CPI cả nước đã tăng gần 8%, khả năng kiềm chế lạm phát dưới hai con số được chính phủ đưa ra có thể không đạt được nếu đồng VN tiếp tục bị phá giá.
Khi hàng tồn kho cũ đã tiêu thụ hết, DN sẽ phải xem xét tăng giá bán để duy trì lợi nhuận. Theo quan sát của chúng tôi (xem biểu đồ), các lần điều chỉnh tỷ giá luôn đi kèm với chỉ số lạm phát tăng cao. Do đó, CPI không chỉ của riêng tháng 11 mà của nhiều tháng tiếp theo ít có khả năng hỗ trợ thị trường.
2. Tăng trưởng tín dụng: Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam hiện nay đang chịu nhiều sức ép do khả năng tăng cung tiền rất rủi ro trong điều kiện lạm phát cao và VND bị mất giá, nên không kỳ vọng vào đột biến ít nhất cho tới quý II/2011.
3. Mặt bằng lãi suất: Lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng hiện nay đang có thêm lý do để không xuống thấp hơn, khi khả năng giữ lạm phát cả năm ở mức 8,5% cũng không dễ dàng. Các ngân hàng đều muốn giữ một khoảng cách an toàn trong trường hợp lạm phát bị điều chỉnh thêm do yếu tố tỷ giá.
4.Nợ nước ngoài: Cuối năm 2009, nợ nước ngoài của Vn khoảng 28 tỷ USD. Nếu phá giá VND 5% thì khoản nợ ngay lập tức tăng thêm khoảng 1,5 tỷ USD - không phải là con số nhỏ, trong khi có thể chỉ cần số lượng ngoại tệ thấp hơn nhiều đã có thể bình ổn thị trường hiện nay.
5. Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán trong thời gian qua và sắp tới không có dấu hiệu tích cực một phần do chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá chưa được thực hiện một cách ổn định. Việc NHNN liên tục thay đổi tỷ giá trong thời gian qua đã làm cho nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khả năng VNĐ tiếp tục bị phá giá, khi đó các khoản đầu tư của họ tại Việt Nam sẽ phải chịu tổn thất.
D. Kết luận:
Với tình hình của Việt Nam hiện nay, rủi ro tỷ giá là hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, khi xảy ra, rủi ro tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, có thể nói rủi ro lớn nhất ở VN hiện nay là rủi ro tỷ giá.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro