lettre à sa mère,
Hà Nội, một mùa hè rực cháy oi ả lại trôi qua,
Gửi mẹ yêu dấu của con, là con, Kim Quang Hy đã được mẹ nuôi lớn bằng cả máu thịt lẫn tính mạng của mình đây.
Con có những thói quen rất kỳ lạ; từ những ngày con còn bé xíu, mẹ đã luôn cảm thán như vậy. So với chị, con là đứa ngoan ngoãn và hiểu vấn đề nhanh hơn; mẹ gọi đó là thông minh hoạt bát, và vì thế năm con lên bốn, mẹ đã dạy con đọc chữ dẫu cho ở tuổi này, thứ duy nhất con nên làm là ăn, ngủ và chơi như mấy đứa trẻ khác. Chị là người không phù hợp với chữ: chị đã chọn những con số và rồi theo đuổi chúng suốt đời đến cả khi lấy chồng sinh con. Thế nên, mẹ đã dồn tất cả mong đợi về một đứa trẻ giống mình lên con: một cậu nhóc yêu những con chữ, mến những bài thơ, áng văn, truyện cổ- yêu văn học như tính mạng mình, đấy là những điều con lặng lẽ đúc kết được sau khi trưởng thành và nhìn lại tuổi thơ mình đã đi qua. Con không thích văn, con luôn nghĩ chúng quá sến súa và uỷ mị. Tính tình con lại khô khan như suối mùa cạn và chỉ có thể gần gũi với bạn bè thân thiết. Nhưng kể cả khi đã tự định hình trong đầu mình những tính năng như vậy, con vẫn không tài nào ngăn nổi ham muốn được viết chảy trong máu, và rồi con nghĩ: à, chắc đây là "hậu quả" của một thời thơ ấu lúc nào cũng cùng mẹ đọc một, hai bài thơ ngắn trước khi đi ngủ; song chưa bao giờ con cảm thấy uất hận việc mẹ đã dạy con học chữ khi mới bốn tuổi, ngược lại là đằng khác. Bởi vì có mẹ nên chưa bao giờ con thấy sợ hãi chuyện phải đọc một thếp giấy tờ dày ngang cái mặt mình khi học và trở thành luật sư, bởi vì có mẹ nên lời nói, cách viết, chữ tay của con khiến khách hàng luôn vô thức đặt niềm tin vào, ngay cả khi con chỉ mới chập chững vào nghề được vài vụ. Vì cuộc sống lúc nào cũng là những chuỗi ngày áp lực và không ngừng theo đuổi hoài bão, con phải tìm một hướng giải thoát tinh thần cho mình, căn bản tại con ham sống sợ chết. Con nhớ mẹ, nhớ nhà, và rồi con nghĩ đến chuyện viết những lá thư cho mẹ, nhưng cả đời sẽ không bao giờ gửi đi (con đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình, con luôn nhớ điều này). Đây là một trong hàng tá các mẩu thư con đã viết; có dài có ngắn, có vui có buồn và con mong mẹ sẽ không phải đọc mấy thứ vớ vẩn này, vì con không tìm thấy giá trị nào của chúng hơn ngoại trừ thùng rác cảm xúc bản thân.
Dạo này, mỗi khi rảnh, con sẽ ngồi sắp xếp những kỷ niệm xưa cũ trong mình, theo một lề lối trật tự bản thân đã đặt ra. Có thể mẹ đã quên hoặc vẫn nhớ, nhưng trong ký ức của con, chưa bao giờ mẹ quan tâm đến chuyện con học cấp ba như nào cả, kể cả chị mẹ cũng như vậy. Thờ ơ là điều duy nhất con nghĩ về mẹ khi ấy. Vì cả hai đứa đều vào trường chuyên, và như người ta đồn thổi nhau: vào được đến chuyên là coi như có suất vào đại học; nên trong trí óc non nớt của một đứa trẻ mới lớn lúc đó, con luôn nghĩ rằng vì biết chắc kiểu gì con cũng thành công tốt nghiệp và học đại học trường điểm, mẹ đã lãng quên con và không mấy để tâm đến con rồi sẽ ra sao nữa. Đặc biệt khi con nhìn vào chị và ngôi trường Ngoại Thương, sự hiềm nghi trong thâm tâm lại càng củng cố mãnh liệt hơn bao giờ hết. Giờ nghĩ lại thì con đúng chỉ là một đứa con nít nghĩ đường chân trời chính là tận cùng của Trái Đất, toàn suy diễn mấy chuyện không đâu. Trở thành người lớn là một phước lành và cũng là một thảm hoạ. Con cảm thấy may mắn vì đã một phần nào đó hiểu được những suy nghĩ trong mẹ mà không phải hỏi hay đợi mẹ nói ra, cũng như thấu rõ nỗi vất vả của một người mẹ mang nặng đẻ đau nuôi lớn những đứa con nên người. Và rồi con cũng sẽ trở thành mẹ, trở thành phụ huynh; và mẹ à, có lẽ con cũng sẽ để con mình từng bước, từng bước rời xa mình như cách mẹ đã từng làm với con: để nó tự trưởng thành, tự vấp ngã và tự lành lặn. Nếu nó đau con sẽ vẫn xót, mẹ cũng như thế, mẹ nhỉ ? Con còn nhớ hồi mình vào viện vì tai nạn giao thông năm lớp mười một. Mẹ đã phi đến nơi, sốt vó như thể nếu chậm một giây, mẹ và con sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Mẹ không phải kiểu phụ nữ dễ dàng bật khóc, nhưng rồi mẹ thấy con và mắt mẹ đỏ ửng, rưng rưng dù chẳng có giọt nào nhiễu xuống gò má mẹ- con cười phớ lớ vẫy cái tay lành lặn hướng về phía mẹ, như thể bị muỗi cắn chứ nào phải xe tông bay người. Mẹ con mình quả thật quá mức kỳ khôi, con phải thừa nhận chuyện này.
Đi học với con là một niềm vui. Con thích việc được khám phá những điều mới lạ xảy ra ở thế giới xung quanh mình, nhưng tất nhiên, cũng có mấy thứ con chẳng thể nào dung nạp nổi vào đầu dù có cố gắng đến đâu. Đó là Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học và vân vân- những môn con không tìm thấy bất cứ cảm xúc gì khi nhìn vào nó và cách duy nhất để vượt qua chúng là phải cắm đầu học gấp ba, gấp bốn lần so với mọi người. Ở trường chuyên không phải ai cũng là siêu sao, sau ba năm ở đây con đã hiểu ra sự thật bẽ bàng này; mà đúng ra là từ sau nửa kỳ đầu của năm lớp mười, ai trong lớp con cũng có chung một cảm giác vô vọng như vậy luẩn quẩn quanh mình. Chúng con đều nhận ra rằng bản thân chẳng phải là đứa trẻ tài giỏi đến mức được gọi là học sinh năng khiếu- dù có tuyệt vời tới đâu vẫn sẽ có người giỏi hơn và toả sáng hơn- và điều đó khiến cảm xúc của tất cả thành viên trong tập thể chuyên Trung năm ấy tụt dốc không phanh nào thắng kịp. Gifted sounds like a curse for me. Hồi ở nhà học online vì dịch, một trong số những người bạn cấp ba có nhắn với con như vậy; cho đến giờ tin nhắn ấy vẫn còn lưu lại trong hộp thoại, song chưa bao giờ con nhìn đến nó lần thứ hai. Con sợ phải thừa nhận những sự thật trong đấy. Đã có lúc con cảm thấy vui vì là một phần của ngôi trường này, cũng có lúc con nguyền rủa chính bản thân mình tại sao lại lựa chọn nó trước tất thảy những lựa chọn khác. Vì mẹ, vì chị, vì bố, vì con ? Con chẳng thể hiểu nổi thâm tâm sâu hoắm của mình. Rốt cuộc trở thành học sinh chuyên có là sự lựa chọn đúng đắn, con chịu; tới năm ba mươi tuổi, con vẫn viết câu trả lời như hệt năm con mười sáu. Nhưng con không hối hận, thật đấy mẹ ạ. Có những lúc tuyệt vọng nhìn vào bầu trời rám cam từ tầng bốn của tòa nhà con học, ở một chỗ nào đó trong trí não này vẫn an ủi con rằng ít nhất con đã có những năm tháng cuối cùng đi học một cách trọn vẹn. Bốn năm cấp hai chịu đắng chịu khổ của con đã được bù lại bằng ba năm cấp ba bình yên đến mức con cảm thấy mình quá vô dụng so với những người xung quanh. Vào khoảnh khắc ấy con mới nhận ra rằng, thực chất làm một người bình thường chẳng hại đến ai cũng là một điều tốt. Không phải người quan trọng nhất, cũng chẳng phải người kém cỏi nhất, là kẻ tầm thường giống muôn vàn người trên thế gian này- nếu có thể bình an sống từ giờ như này đến cuối đời thì thật là vui. Năm mười bảy tuổi, lớp mười hai, con đã hiểu ra và chấp nhận nỗi đau mình mang theo suốt một thời mười lăm mười sáu.
Cuộc sống sau tuổi mười tám là một thế giới khác. Mẹ sẽ nghĩ con đang cường điệu hoá vấn đề, nhưng tin con đi, từ mười bảy tới mười tám với con như được chết đi sống lại thêm một lần nữa vậy, sau sự kiện tông xe năm lớp mười một. Rời xa gia đình lên Hà Nội học, ở chung với anh Khuê, rồi đón thằng Tích đến- những điều này xảy ra nhanh tới mức con chỉ cần chớp mắt một cái là chúng đã hoàn thiện từ lúc nào không hay. Suốt thời gian đầu con luôn vật lộn với nỗi nhớ nhà, nhớ những mâm cơm mẹ nấu vì chẳng bao giờ con nấu ra được cái vị ấy (dẫu cho con cũng biết chút đỉnh tài nghệ bếp núc được truyền thừa từ mẹ). Con bắt đầu tự vấn bản thân những điều linh tinh; tỉ như rồi tương lai mình sẽ làm gì được cơ chứ, khi bữa ăn mình nấu ra mình còn chẳng muốn ăn; hay cả chuyện phải học cách hòa hợp với lối sống của anh Khuê để tránh gây rắc rối cho anh- chúng đều khiến con hoảng loạn suốt một vài tháng đầu dọn khỏi gia đình mình. Mà mẹ biết đấy, một khi con người ta đã học được cách nghi vấn bản thân mình, cả đời này có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ ngừng hành động này lại dù biết rằng không nên và không đáng. Con là kiểu người đơn giản như vậy đấy: cứ một sự bối rối được gỡ bỏ lại có một nỗi hiềm nghi khác mọc lên, như cái cách răng vĩnh viễn thay thế răng sữa khi trẻ con bắt đầu lớn hơn một chút. Chỉ khác ở tính chất mà thôi; răng vĩnh viễn sẽ còn đấy trừ khi gặp sự cố, song sự nghi ngờ một khi đã cắm rễ thì chẳng biết khi nào nhổ ra được. Kể từ năm hai mươi tuổi trở đi, con không còn nhìn đời bằng con mắt vui tươi trong trẻo như hồi niên thiếu nữa. Mẹ cũng nói rằng con đã thay đổi; dù con vẫn có cái gương mặt như thế, nhưng dường như trong con không còn là Kim Quang Hy năm mười tuổi vẫn ước mơ làm Kamen Rider nữa. Không đâu, không đâu mẹ ạ. Đến cả khi kết hôn, con vẫn cùng Hách xem tokusatsu rồi cãi nhau về chính tà bình đẳng như hai đứa trẻ mới lớn. Chỉ là khi ấy con đã hiểu rằng, không một tổ chức nào nuôi con như Kamen Rider có trung tâm hỗ trợ đằng sau anh; con phải tự vật lộn với con quái vật mang tên "tư bản" và vì thế không còn quá nhiều thời gian cho ước mơ siêu anh hùng giải cứu thế giới ấy nữa. Chắc cũng vì giấc mộng đó mà con quyết định trở thành luật sư: làm cảnh sát khó quá con chịu, vả lại con không thích cái nghề đấy do ký ức bị bắt xe đã trở thành nỗi ám ảnh khó dứt. Làm luật sư cũng là một cách ra tay cứu người, bằng pháp luật và lý lẽ, dù con cũng thích dùng nắm đấm nói chuyện. Nhắc đến đây lại nhớ tới phiên tòa giả định đầu tiên con tham gia vào năm hai: từ án số thành án chữ có lẽ là một kỳ tích ai cũng từng mắc phải trong con đường trở thành luật sư và con chưa từng là ngoại lệ.
***
Mẹ không thích Hách từ cái nhìn đầu tiên, con biết chỉ qua một cái liếc mắt. Thiên hạ luôn kháo nhau rằng riêng chuyện gì chứ chuyện tình cảm, hôn nhân- chẳng gì qua được mắt các cụ trong nhà. Các cụ lõi đời đến mức loại người nào chẳng phải gặp qua, bởi thế không nghe có khi lại thiệt cho cái thân mình. Sau khi bước vào đời, một vài chuyện xảy ra đã khiến con phần nào đó tin vào quan điểm ấy; tuy nhiên, con của mẹ là người có chính kiến, nên chẳng bao giờ con để tâm đến xung quanh người ta bàn tán gì. Nghe cho vui không chết ai cả, đó là suy nghĩ của con. Vả lại, sự cứng đầu của Kim Quang Hy này là do mẹ nuôi lên; hơn bất cứ ai, mẹ thừa biết nếu con thích một cái gì đó, trừ khi con tự bỏ, còn không chắc chắn sự gắn kết của con với nó có thể kéo dài lên đến chục năm, trăm năm, miễn là con còn thở để giữ nó bên mình. Con đưa Phác Tái Hách về nhà ra mắt năm con hai mươi ba: mẹ nhìn một cái, rồi hai, cái thứ ba đánh mắt sang bố, hai người nhìn nhau rồi lại nhìn hai đứa. Cuối cùng bố phải lên tiếng để hoá giải bầu không khí ngượng nghịu ấy, cũng như cho Hách biết em đã được chấp nhận một phần nào đó. Hồi trẻ, mẹ và con sẽ thi gan với nhau xem ai ngang hơn ai, nếu chúng ta làm gì trái ngược ý muốn đối phương. Nhưng khi con đã đủ lông đủ cánh, mẹ lại đầu hàng nhanh hơn cả tốc độ Hách chạy lăng xăng xung quanh nhà mình thăm thú mọi ngóc ngách với bố. Thời gian quả thật đã thay đổi con người ta đến mức khó mà nhận ra.
Tình yêu giữa con với Phác Tái Hách thú thật vừa nông vừa sâu, hay như thơ cổ Hồ Xuân Hương viết: Bảy chìm ba nổi với nước non. Không còn từ ngữ nào thích hợp hơn câu thơ ấy, trong đầu con luôn nghĩ vậy. Trong cái thời đại không biết nhắm mắt lại có thể mở ra vào ngày mai không, tình yêu đối với con không còn quá quan trọng như mộng tưởng thời thơ trẻ nữa. Bệnh tật, đau ốm, đói khổ và cái chết còn quấy nhiễu tinh thần con hơn mấy trò đùa vớ vẩn của Hách, nhưng chưa bao giờ con đẩy em ra nếu con không có hứng thú với chúng. Ở trường hợp này, có lẽ sự nuôi dạy của mẹ đã mang đến dáng hình tính cách trong con bây giờ. Trở thành ác nhân còn dễ hơn làm một người tốt bình thường, cuộc đời đã dạy con phần còn lại trong nhân tính như vậy ấy. Khi chúng hoà hợp lại vào một bản thể, linh hồn con đã quyết định lựa chọn rằng hãy sống thật tử tế với tất cả mọi người. Yêu thương họ và ghét bỏ họ như nhau. Tình cảm của hai đứa bọn con vốn xuất phát từ nền tảng này, khi có những chuyện Hách và con đều ủng hộ đối phương, song cũng có những lúc tiếng cãi cọ lấn át tiếng yêu và không thể kiểm soát một cách dễ dàng. Điều kỳ diệu duy nhất con nhớ tới là, chưa bao giờ bọn con quyết định buông tay người còn lại; dẫu cho có những lần em và con xung đột tới mức không thèm nhắn tin với nhau cả tuần (với một người nói nhiều như Hách, đây là tra tấn cực hình). Bằng sức mạnh thần tiên của tình yêu, con nghĩ, chỉ có cách đó thôi: tụi con đã làm hoà và trở về nguyên vẹn, cứ như thể chưa từng có cuộc cãi vã nào xảy ra trên đời vậy. Có lẽ người ngoài hành tinh có thật và họ đã xoá ký ức của con lẫn Hách sau mỗi lần như thế. Không bao giờ nhắc đến chuyện cũ hay mấy thứ tiêu cực đã đi qua- tôn chỉ chung trong tình yêu của hai người đã giữ tình cảm bập bềnh trôi nổi một cách tốt đẹp, đến mức anh Khuê hay thằng Tích cũng phải thốt lên rằng phim viễn tưởng có lẽ phải gọi hai đứa con bằng cụ cố.
Ở thời của mẹ, tình yêu được định nghĩa từ đâu ? Đã có những lần con muốn hỏi mẹ câu ấy, rồi lại thôi vì thấy dù có hỏi thêm chục hay trăm lần thì chưa chắc chúng ta đã hiểu một sự việc theo cùng một hướng giống như nhau. Đặc biệt là chuyện tình cảm, tình ái loài người. Mẹ sinh ra trong thời đại người ta yêu nhau bằng tinh thần để cùng vượt qua hoàn cảnh khốn khó; ở thế hệ của con với chị có lẽ nó đã biến mất từ lâu. Đây là kết quả tất yếu của sự vận động, thay đổi nơi xã hội loài người- không thể ngăn chặn và cứ thế, cả hai đứa đều trơ mắt đứng nhìn thế giới xoay quanh biến dạng đến mức rất nhiều lúc con tự hỏi, đây có thật là Trái Đất nơi mình sinh ra không ? Hay đã có ai bắt cóc con đến một hành tinh song song, trong lúc con đang ngủ say như chết ? Con không biết nữa, mẹ ạ. Có một lần nhà mình mất điện vào mùa hè năm con lên lớp mười, chị cũng trở về nhà nghỉ hè sau một kỳ học tập trên Hà Nội rệu rã. Hôm đấy trạm đã thông báo cắt điện cả ngày từ trước; thế là chúng con chạy lên gian thờ nằm ngủ vì sàn nhà trên đấy rộng rãi, thích hợp để khua tay múa chân những tư thế ngủ xấu quắc của cả hai. Cuối cùng thì bọn con chẳng ngủ được là bao: chắc tại ngáy trước mặt gia tiên trong nhà thì hơi tội lỗi; chị và con đã nói chuyện với nhau để giết thời gian đợi mẹ đi tập yoga về còn ăn trưa, chủ yếu là mấy thứ chuyện vặt vãnh như trường lớp, tình ái rồi kế hoạch tương lai. Hồi ấy con mới mười lăm; con thì biết cái quái gì về xã hội ngoài kia cơ chứ, nên thành ra chỉ có mình chị độc thoại và con trong vai người lặng lẽ hưởng ứng những điều chị nói. Có một lời của chị đã ghim mãi trong lòng con, rằng xã hội đang đi quá nhanh, chị ngao ngán, thế giới này không còn là cái chợ gần nhà mẹ từng dắt hai chị em đi theo và cho hai đứa những xu lẻ nếu thừa ra trong ví tiền của mẹ. Chị đã đúng. Năm hai mươi tuổi, tốc độ của quả Địa cầu đã xoay nhanh đến mức con bắt đầu tự thôi miên mình rằng, có lẽ cả đời này con sẽ không tìm được một người yêu mình như cái cách bố mẹ yêu nhau.
Con biết việc này rất ngu ngốc, nhưng mối quan hệ yêu đương của những người xung quanh luôn có một phần ảnh hưởng lớn tới nhận thức của con. Bố mẹ và chị là hai nhân tố đã đắp xây nên nhân tính trong tình yêu của con và con nghĩ ngoài kia cũng có rất nhiều gia đình đã trở thành nền tảng để một người học cách yêu thương một ai khác trừ máu mủ ruột thịt của mình. Con đã đem tình yêu của mẹ cho con đến với Hách, bằng sự nhẫn nại và dịu dàng của mình, em nói đó là điều đặc biệt nhất trong tình yêu của con. Con rất bình tĩnh, khôn ngoan và quyết đoán- em tự hỏi rằng có phải ai học Luật cũng như vậy không và rồi em nghĩ là không- chỉ có con như vậy thôi. Chị bảo với con rằng, nếu phải chọn đàn ông, hãy chọn người thích mình chứ đừng chọn người mình thích. Triết lý của chị nghe vừa vớ vẩn vừa phi lô-gíc, nhưng vì chị lớn hơn tận năm tuổi, nên con nghĩ chắc phải có lý do nào đó để chị rút ra bài học đường đời như vậy. Sau cùng thì những lời ấy đã ứng nghiệm lên số phận của cả hai đứa: chị kết hôn với người theo đuổi mình từ năm cuối đại học và con va phải một đứa nhóc kém mình một tuổi. Cả hai người đàn ông này đều yêu con và chị hơn những gì bọn con thể hiện với họ, nên thỉnh thoảng con và chị sẽ nhìn nhau lúc gói nem ăn Tết, lẩm bẩm rằng trời đang trừng phạt hai đứa vì mấy lời xằng bậy không biết kiểm soát. Nhưng mẹ hỏi con, liệu con có thật lòng thích Hách không, con nghĩ là có, hơn cả chữ thích là đằng khác. Con không nghĩ tình yêu nên được coi là một lời nguyền hay phước lành; nó chỉ là cảm xúc được sinh ra giữa hai trái tim bình thường vô tình hoặc hữu duyên gặp nhau ở trần thế. Chỉ như vậy mà thôi. Con không thể yêu một ai quá mãnh liệt đến mức tê dại thần kinh và trở thành một kẻ trì độn, Hách cũng vậy. Có lẽ chúng con đã mở lòng chấp nhận đối phương từ những điều nhỏ nhặt trùng hợp đến thế.
***
Con có hạnh phúc không ?
Mẹ đã hỏi chị câu này rất nhiều lần và chuyện như vậy cũng lặp lại với con. Lần cuối cùng mẹ hỏi chị câu ấy là đêm trước ngày làm lễ ăn hỏi, mẹ chỉ muốn khẳng định rằng chị không hối hận với lựa chọn của chính mình. Chị là người phụ nữ cứng đầu thứ hai con biết từ lúc mở mắt chào đời và vì vậy cả hai ta đều biết rõ chị sẽ tự tin khẳng định rằng mình sẽ ổn mà thôi. Trên thực tế thì con luôn nghĩ, người như chị gái mình sẽ sống rất tốt, căn bản vì chị biết đúng sai phải trái, song chưa bao giờ là người cứng nhắc đến mức đánh mất lợi thế cho mình. Mẹ chê chị không thông minh bằng con, nhưng con nghĩ chị khôn khéo hơn mình rất nhiều. Đó có lẽ là giá trị của việc lớn hơn nhau năm tuổi, hay có khi, nó là cái giá phải trả khi sinh ra và làm phụ nữ ở một thế giới tàn bạo như này- nếu chị không trở thành như vậy, có lẽ cuộc đời sẽ quật chị sống không bằng chết. Ai lại muốn làm khổ bản thân chứ ? Con không, mẹ không và chắc chắn chị cũng vậy.
Lần đầu tiên mẹ hỏi con về hạnh phúc, đó là lúc con bước chân vào đại học. Cứ thỉnh thoảng, mẹ sẽ ở nhà gọi điện hỏi thăm con về tình hình sức khoẻ và học tập ra sao, dặn dò con đủ thứ dù khoảng cách của chúng ta chỉ là một trăm hai mươi ki-lô-mét nếu đi từ hướng Đông Đông Bắc bằng ô tô (tàu hoả thì con không chắc lắm, nhưng có lẽ không hơn là mấy). Chúng ta sẽ trò chuyện kéo dài từ mười phút đến nửa tiếng, tuỳ vào thời điểm trong ngày và chủ đề, chỉ để lần nào cũng kết thúc bằng câu hỏi từ mẹ rằng con có hạnh phúc và thoải mái với lựa chọn của mình không. Con luôn nói có, vì thật ra con không biết hạnh phúc của hai chúng ta có định nghĩa giống nhau không. Một câu trả lời trung tính và an toàn tốt hơn là nói không và rồi bật khóc vì chẳng biết đang làm gì với cuộc đời này, trưởng thành đã tôi rèn con như thế đấy. Đã rất nhiều lần chị và con tự vấn rằng, liệu có ai trong bọn con biết tại sao mẹ lại hỏi như vậy không; chuyện điều tra nguồn gốc sự việc ấy lúc nào cũng đổ sông đổ bể vì sự bận rộn với cuộc sống cá nhân của hai đứa. Tuy nhiên, chúng con cũng tập hợp được vài mẩu tí hon để xây dựng lập luận của riêng mình về vấn đề này. Con sẽ kể phần của mình mà thôi, tại chị nói gì con cũng quên mất rồi.
Luận điểm của con là: hình như mẹ bị ám ảnh với "hạnh phúc". Con người có xu hướng đi tìm những điều không tồn tại trong cuộc đời mình và coi nó như sự bù đắp thiết yếu, nếu mẹ cũng vậy thì con nghĩ không có gì khó hiểu cả. Chị có kể cho con về tuổi thơ của mẹ, khi chị tám tuổi nghe lén mẹ và người khác trò chuyện. "Hồi đấy thì tao chẳng hiểu cái gì hết", chị ngập ngừng, "Lớn lên rồi mới thấy, chà cuộc đời còn tử tế với mình chán, và thế là chị mày hiểu mình phải sống sao cho mẹ không buồn phiền về mình". Con nghĩ đó là khoảnh khắc chị nhận ra tại sao mẹ lại hỏi về hạnh phúc nhiều như vậy: vì mẹ không có, không hiểu và hiếm khi nào cảm nhận được, nên mẹ đã mong đợi những điều kỳ diệu như vậy xảy đến trên người bọn con, để mẹ được một chút nào đó thấm thía được rằng thì ra hạnh phúc có lẽ chỉ vỏn vẹn như này thôi. Thật sự thì mẹ ạ, hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng với vô vàn cách lý giải. Các nhà triết học và nhân chủng học đã cãi cọ về vấn đề này xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của loài người; và con nghĩ mình không đủ thông minh để đứng ra bàn luận về vấn đề này như họ được. Điều duy nhất con có thể biết rất rõ về mình là khi nào con cảm thấy buồn và khó chịu, bởi như tất cả mọi người xung quanh đã nói: cứ lúc nào không ổn, gương mặt con sẽ viết lồ lộ chữ đấy đến mức họ phải nhắc con bớt biểu tình lại không khéo rước họa vào thân. Con không thể thật lòng trả lời với mẹ về chuyện con có cảm thấy hạnh phúc với các lựa chọn đã xảy đến trong cuộc đời mình không, vì có những lúc con luôn thức dậy và nghĩ rằng nếu mình chọn một con đường khác, tỉ như không học chuyên Trung, tỉ như không gặp anh Khuê, tỉ như không học Luật, tỉ như không lướt Tinder đến khuya rồi gặp Hách và yêu em- liệu cuộc đời con sẽ ra sao ? Liệu con có tìm được "hạnh phúc" như những câu hỏi thường trực của mẹ ? Kết quả thật khó để đoán, nhưng đã phóng lao thì phải theo lao, thế là con lại dẹp mấy tưởng tượng vớ vẩn ấy sang một bên và tiếp tục cuộc đời của mình. Con cá cả hai ta đều không hiểu hạnh phúc là gì; nên dù có một cuộc đời khá khẩm hơn đại đa số, ta vẫn luôn hoài nghi rằng đây có thật sự là điều mình đã tìm kiếm suốt những năm dài tháng rộng không.
***
Con đã lắng nghe câu "Con có hạnh phúc không ?" của mẹ xuyên suốt tuổi trẻ của mình, và giống như chị, vào năm con ba mươi tuổi, kết hôn với Hách, đó là lần cuối cùng câu hỏi ấy được nhắc đến trong cuộc đời con. Trái ngược với chị, con đã bỏ quên câu hỏi này; một phần vì bận rộn với hôn lễ của mình và phần còn lại vì biết đây là lần cuối cùng được hỏi như vậy, con muốn cho mẹ một câu trả lời thật lòng thay vì chống chế như trước nữa.
Sau lễ cưới, con và Hách đã quyết định dành tuần trăng mật ở Okinawa. Tại sao lại là Okinawa mà không phải bất cứ nơi nào khác trên thế giới này ? Vì con thích và em thì chẳng có vấn đề gì, miễn là làm con vui thì em nhẫn nhịn một chút cũng được. Những năm Hách và con đi làm chăm chỉ xây dựng tương lai đã giúp cả hai để dành được một khoản kha khá, đủ để trải qua kỳ nghỉ trên đảo Okinawa với nhau mà không làm phiền bất cứ ai. Tụi con bay từ Hà Nội đến Tokyo, rồi lại từ đó quá giang đến Okinawa, tổng cộng là hai lần ngồi máy bay đến mức rã rời chân tay. Lúc đến được resort thì đã là chiều muộn; hai đứa đành tắm rửa rồi nghỉ ngơi một đêm để hồi phục sức, chuyện ngày mai có gì tính sau. Dù gì thì chẳng có ai làm phiền mình cả; bọn con mừng rỡ như điên khi nhớ ra rằng, sẽ không phải nghe tiếng chuông tin nhắn đáng sợ kia của nhóm công việc ít nhất bảy ngày, và thế là hai vợ chồng trẻ ôm nhau ngủ như chết trong niềm hân hoan tí tẹo ấy.
Thành thật mà nói, con nghĩ mình nên kể lý do tại sao bản thân lại chọn Okinawa là điểm đến của chuyến trăng mật trong cuộc đời ngắn ngủi này. Hòn đảo này có một lịch sử đằng sau vô cùng thú vị, con không thể phủ nhận được sự hứng thú của mình lúc nghiên cứu nó. Nơi đây là điểm giao của ba nền văn hoá riêng biệt trong lịch sử loài người: một của những người dân thuộc vương quốc Ryukyu cổ đại, tiếp đến là của Nhật Bản. Hậu Thế chiến thứ Hai, nó tiếp nhận thêm nền văn hoá thứ ba của Mỹ do ảnh hưởng từ những người lính đóng quân trên đảo. Và thế là, nơi đây được ví như một thiên đường hạ giới cho những người đi tìm sự thanh thản trong tâm hồn, với tầng tầng lớp lớp những nét cổ kính xen lẫn hiện đại có thể thỏa mãn sự tò mò háo hức của bất cứ ai đặt chân tới hòn đảo cách xa đất liền này. Mẹ nghĩ đây là lý do con chọn nó trong muôn vàn các vùng đất khác ư ? Mẹ chắc chắn sẽ lẩm bẩm rằng con đang nói điêu, và quả thật nếu chỉ có như này thì thà con đến Tokyo còn hơn ở lại nơi đây. Mẹ đã đúng mẹ ạ, con đến Okinawa thuần tuý chỉ vì sở thích của mình và vì Hách chiều theo ý con muốn. Catalogue du lịch với con không có giá trị nhiều đến thế, từ đó tới giờ vẫn vậy nhỉ ?
Năm con mười bảy tuổi, đó là lần đầu tiên con xem bộ phim ngắn "All About Lily Chou-Chou". Nếu có cơ hội được đặt cho nó một cái tên nữa, tỉ như bất ngờ sau này các nhà sản xuất muốn làm lại phim và họ hỏi người ý kiến người xem về một cái tên mới mẻ, hợp thời hơn; con sẽ gọi nó là "Khúc cầu siêu của tuổi trẻ vĩnh hằng". Nhưng con cá một bộ phim như này không cần thứ gọi là "remake"; hoặc do con ích kỷ và ám ảnh với Lily Chou-Chou đến mức không muốn thấy bất cứ đổi thay gì từ cô ấy. Giống như việc con ra trường và giật mình nhận ra rằng trường không còn là nơi con đã ghép bốn cái ghế vào và ngủ trong điều hoà mười tám độ xuyên suốt mùa hè nữa; tất cả mọi thứ đều sẽ đổi thay, song con luôn mong đợi có điều kỳ diệu nào đó vẫn vẹn nguyên như lúc ban đầu. Con đã đặt hy vọng một cách ngu ngốc vào một bộ phim giả tưởng, dù biết vậy là không nên. "All About Lily Chou-Chou" lấy thiếu niên và những rắc rối xoay quanh cuộc đời họ làm nguồn cảm hứng chính- một kịch bản kinh điển của những nhà làm phim thời hiện đại. Lý do con trở nên ám ảnh với nó có lẽ xuất phát từ sự kiện trong phim, khi đám thanh niên tìm đủ mọi cách để đến Okinawa với nhau, dẫu cho trên đường đi lúc nào cũng hấp hối sống dở chết dở vì sợ hãi đủ điều. Chúng sợ bị bắt (vì số tiền có được để đi đến đó là từ ăn cắp mà ra); hay có khi chúng sợ cái cảm giác chông chênh vô định của một tuổi trẻ không tìm thấy lối thoát (đặc biệt là trên chiếc xe nhét đầy những người xa lạ chạy thẳng ra biển). Ở Okinawa, người ta rủ rỉ với nhau về hai truyền thuyết mẹ ạ: một là con người có bảy cái mạng và hai là việc đàn ông được sinh ra từ xương sườn của đàn bà. Con biết những điều đó qua bộ phim trên và chính nó đã thôi thúc con đi kiểm chứng sự thật từ dạo ấy. Kết quả thì không được như mong đợi. Con đã hỏi vài người địa phương, lễ tân rồi cả người dẫn đoàn thám hiểm; tất cả đều không biết gì về những điều trên và họ nghĩ rằng có lẽ nó đã tồn tại từ rất lâu, song không một ai còn nhớ để nhắc đến nữa. Con bắt đầu hoài nghi về thực hư của các truyền thuyết ấy, rồi con nghĩ, có khi nó chỉ là một sản phẩm tưởng tượng được đạo diễn thêm nếm để tăng tính cuốn hút cho mạch phim mà thôi. Hoặc có khi nó đã tồn tại từ thời vương quốc cổ của những người Ainu, và vì sự xâm chiếm văn hoá của người Nhật và Mỹ; chúng đã chính thức từ trần ở nơi quê nhà mình, trước cả khi con biết tới cô ca sĩ Lily Chou-Chou ấy. Vậy thì con đến hòn đảo này làm gì chứ ? Khi mọi công sức bỏ ra đều chẳng đem lại kết quả khả quan nào ? Có lẽ đây là số phận của con, mẹ ạ. Dù con có cố gắng bao nhiêu đi nữa thì vĩnh viễn không bao giờ là đủ; con đã biết điều này từ khi con mười lăm, mười sáu, song con đã đi thêm một chặng đường nữa như thế mà chẳng thể đổi thay sự thật nghiệt ngã này.
Con có kể cho mẹ nghe về tuần trăng mật, về sự kiện bất ngờ xảy ra lúc con và Hách đến lịch trở về đất liền, nhưng không bao giờ kể sâu vào diễn biến của chúng. Đây có lẽ là kỹ năng tự vệ được sinh ra bởi nhận thức khi con hai mươi tuổi: có quá nhiều điều để nói; tuy nhiên chẳng phải thứ nào cũng cần tiết lộ cụ thể. Thế là con quyết định sẽ kể đầu và đuôi, bỏ rỗng phần ruột, để không một ai tìm được đường đào sâu vào thế giới bên trong con người con nữa. Dần dà nó trở thành một thói quen xấu, khi trên dưới mười lần trong trí nhớ, con đã đối xử với Hách như vậy; dẫu cho em lúc nào cũng muốn thấu hiểu và tìm cách cảm thông cho những lúc con gặp khó khăn. Một khi đã trong chế độ an toàn thì con người ta sẽ mất dần ý chí bước ra khỏi đó để đối diện với hiểm nguy. Việc để một người như Hách, một người vốn đã biết quá nhiều điều về bản thân, thâm nhập sâu vào tâm trí mình và ngồi trong đấy tách từng thứ như tình cảm và ý chí ra riêng lẻ- đối với con không khác gì bản thân đang cầm dao tự mổ bụng mình trước trăm mắt thiên hạ. Người Nhật cổ gọi nó là nghi thức seppuku, một dạng nghi thức vinh danh tinh thần cao đẹp của các samurai tử vì đạo. Con không thấy hành vi của mình sạch trong đến mức độ ấy, thậm chí cái tính, cái tình của con; Hách yêu được nó đã là một điều kỳ tích và việc em chịu đựng được có lẽ nên ghi vào sử sách (dẫu có lẽ cả đời cũng không thể như thế). Thật lòng con luôn nghĩ như vậy đấy.
Khi mẹ yêu bố, mẹ có hy vọng gì không ? Con nghĩ là có và không. Ở thời điểm ấy, việc cơm đơm đầy bát đã là một chuyện xa xỉ; đừng nói đến mấy chuyện mơ tưởng như nhà lầu, xe hơi, vàng tiền chất đầy. Mẹ hay nhìn lại quá khứ với một giọng nửa buồn nửa vui; thoát được cảnh đói bụng rồi thì người ta sẽ mơ đến hạnh phúc. Trường hợp của mẹ có lẽ chính là vậy. Có một cuộc sống bình an với cọn cái rồi thì mẹ sẽ nghĩ đến việc yêu và được yêu, nhưng ở cái tuổi này thì bố mẹ đã chai sạn với vấn đề ấy, đến mức mẹ bắt đầu hoài nghi rằng liệu mình đã chọn đúng người để kết hôn. Con nghĩ rằng chúng ta khó mà nhận xét được rằng một quyết định là đúng hay sai; vì ở thời điểm nào đó thì nó là cần thiết, song đến sau này nhìn lại ta sẽ bàng hoàng đến mức tự trách mình rằng tại sao lại làm như vậy. Ở trường hợp của con là như vậy đấy. Thời điểm mắc kẹt lại ở Okinawa vì một cơn bão mùa hè bất chợt ghé qua, đã khiến con nhận ra mình cần phải đối diện với những khó khăn trong nhận thức bản thân.
Con không phải tuýp người tình cảm, tuy nhiên cũng không lãnh đạm đến mức xa lánh thế tục và nhân tình thế thái. Con biết phân biệt thế nào là yêu và hết yêu, những cuộc tình nghiêm túc và chơi bời vui vẻ ngoài kia; thế mà cuối cùng, sau khi kết hôn với Hách, con và em vẫn phải lần nữa ngồi lại, nói với đối phương về chuyện tình yêu trong mắt chúng ta là như thế nào. Nếu để nhận xét, con nghĩ tình cảm của Phác Tái Hách hoàn toàn ngược lại với tôn chỉ của con: nhanh, thân mật, mãnh liệt. Như ngọn lửa phừng phực một góc trời đêm. Màu đỏ ấm nóng ấy đã dần dần hun chín trái tim con, và thế là dù biết mẹ không thích em lắm, con vẫn cố tìm đủ mọi cách để thuyết phục mẹ rằng, nếu không gả cho em chắc con sẽ ở giá đến già. Chúng con đã thành công, theo một hướng nào đó. Dù có một khởi đầu hết sức quái dị (và lúc đấy con cũng chẳng nghĩ được mình sẽ đi đến tương lai với người này), con và Hách vẫn đi qua mọi chuyện gập ghềnh tệ hại trong cuộc đời người còn lại với nhau: chuyện em bị khủng hoảng vào năm cuối và chạy trốn thực tại vì không muốn thừa nhận rằng bản thân đã cạn kiệt sức lực; sự thất nghiệp năm hai mươi tư đã khiến con nghĩ quẩn rằng hay mình từ bỏ và trở thành một người nội trợ đứng sau em, dù chắc chắn mẹ và Hách đều không thích ý tưởng này. Em luôn muốn con được hạnh phúc, rằng em tin nếu con có thể cười với em, bằng đôi mắt cong cong và đôi môi mím lại nhẹ nhõm- chắc chắn cuộc sống của bọn con sẽ không còn trải qua khó khăn của việc làm người nữa. "Anh không thuộc về bếp đâu Hy à", em nắm tay con an ủi, "Em nghĩ anh thuộc về thế giới ngoài kia, và em không tin ông trời sẽ phụ bạc người kiên định", Phác Tái Hách vỗ ngực, "Lấy em làm ví dụ đi, em không nói điêu đâu. Em và anh đã vượt qua thời kỳ tệ hại nhất của em đấy thôi. Nên em sẽ đi cùng anh, đừng lo." Nghe hơi vớ vẩn, con đã nghĩ như thế, nhưng rồi thời kỳ ấy cũng đi qua và cuộc đời lại dịu dàng bung nở trong lòng con một lần nữa. Hách đã chịu đựng con từ những ngày như thế và đó là khi con bắt đầu nghiêm túc nghĩ rằng con muốn ở cạnh người đàn ông này cả đời. Hồi đó bố mẹ đã trải qua những gì để đi đến quyết định kết hôn ? Con nghĩ, dù có là thời đại nào đi chăng nữa, người ta vẫn sẽ mở lòng với ai đấy từ những sự quan tâm tí hon, từ những trò đùa vụn vặt trong cái ôm ấm áp. Con đã yêu Hách từ rất lâu, dẫu cho có những lúc cãi vã to tiếng tưởng như không thể xoa dịu nổi- thích một ai đó là chấp nhận cả mặt xấu và tốt song song trong họ, không phải dung túng mà là tìm cách thấu hiểu nó.
Sau khoảng thời gian trăng mật vui vẻ, bọn con gặp phải sự cố lớn trên hành trình trở về Tokyo. Cơ bản thì, có một cơn bão ghé qua hòn đảo nằm trên dải Thái Bình Dương này- như bao mùa hè khác, nó luôn đến đột ngột và dồn dập trong một hai ngày, tuy nhiên vì sự an toàn của các du khách, Okinawa không khai thác bất cứ chuyến bay hay tàu thuyền nào vào hôm đấy. Nói trắng ra, hai đứa bọn con đã phải ở lại đảo thêm hai đêm nữa so với dự kiến và vì vậy mọi kế hoạch công việc đều đổ bể tới mức phải vội vàng thông báo lại với những người khác. Con còn nhớ sáng hôm ấy thức dậy bản thân đã cảm thấy ra sao, khi Hách chạy từ ngoài chạy vào vội vã, cùng mẩu tin ngắn ngủn về cơn bão mùa hè sắp càn quét qua mảnh đất đây. Thật kinh khủng, con nghĩ, nếu có kiếp sau con sẽ không bao giờ cưới vào cái mùa này nữa, thề với ông trời. Cuối cùng, con và em chỉ có thể ngồi lại ăn sáng với nhau, dưới bầu trời âm u của một cơn giông đang mạt sát đất đai trên đảo.
Con là người dễ bị ảnh hưởng bởi không khí xung quanh hơn mẹ tưởng. Mẹ luôn than rằng con quá thờ ơ với mọi người; con thừa nhận là vậy, chẳng phải ai cũng khiến con hứng thú. Nhưng tuyệt nhiên, chuyện sẽ quay ngoắt một trăm tám mươi độ nếu là vấn đề cảm xúc và môi trường bao quanh- con sống trong chúng, và bởi vậy từ khi chưa nhận thức được thế giới trắng đen ra sao, con vẫn luôn tự cho rằng bản thân phải có trách nhiệm duy trì trật tự của cuộc đời mình. Đến bây giờ con vẫn cứng nhắc như thế, mẹ ạ. Có những chuyện tưởng to nhưng con sẽ xé bé chúng ra và quẳng đi đâu đấy vì nó không đụng chạm đến mình; nhưng rồi cũng có khi con coi nó to bằng cái vung búa của ông trời đang chực chờ giáng xuống. Nhưng không sao cả, bằng một cách nào đó đến mức con mãi mãi không hiểu được, cuộc sống ấy lại trở về với dáng vẻ nguyên sơ ban đầu lúc nó đến với con, thật kỳ lạ làm sao. Việc in ấn vào trong tâm trí từ khi còn rất trẻ rằng mình phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời này có lẽ là động lực to lớn nhất để con vượt qua một tá những chuyện chẳng đâu vào đâu ấy, để rồi nhận ra rằng bản thân con luôn cảm thấy khó khăn mỗi khi có ai đó muốn giúp đỡ mình. Hách là người khiến con phát hiện sự thật này, song em chưa bao giờ cố gắng thay đổi hay chen chân vào tính cách đã đóng thành khuôn của con cả.
"Em không bao giờ có suy nghĩ bản thân sẽ thay đổi một ai đó, thậm chí em thấy nó là việc vô dụng nhất chúng ta có thể làm, sau việc nghe cave kể chuyện hay nghe nghiện trình bày, anh có thấy thế không ? Bởi vậy em sẽ yêu anh kể cả khi tính của anh như cứt, vì thật ra em cũng chẳng khá hơn. Chúng mình sẽ thay đổi cùng nhau, chậm hay nhanh đều được mà đúng không nào ?"
***
Mẹ ơi,
Con đã yêu người đàn ông chấp nhận cả những phần tính cách kinh tởm nhất của mình. Sẽ có lúc ta là người bình thường lương thiện, nhưng con tin vào việc sát ý sẽ không tự sinh ra và mất đi. Đã có những lúc con thật sự căm ghét một ai đó đến mức chỉ mong họ chết quách đi cho xong vì con không bao giờ muốn thấy cái mặt xấu xí của họ nữa; nhưng có hôm con lại là một người sẵn sàng giúp đỡ đứa bé không quen biết qua đường một cách an toàn. Phác Tái Hách nói rằng đó là bản năng còn lại trong máu thịt của con người, chứng minh rằng chúng ta đã tiến hoá từ loài cầm thú đến một sinh vật có thể đi lại, chạy nhảy, biết suy nghĩ và cảm thông. Nó làm con nhớ tới câu chuyện về chiếc xương đùi bị gãy cần đến sáu tuần để có thể lành lặn toàn vẹn, và Hách, bằng cách đó đã dỗ dành phần nào sự hung tợn xấu xa trong con. Nền văn minh xuất hiện khi con người biết đến yêu thương và chia sẻ với nhau. Và con nghĩ tình yêu cũng đặt nền tảng từ ấy, khi là sự trung hoà của những hành vi thú vật xác thịt hoang dại và các suy nghĩ nội hàm tầng tầng lớp lớp. Có lẽ tình cảm của nhân loại là như thế, hoặc không. Con hay nói linh tinh nên chẳng mấy khi con dám chắc chắn rằng sự việc nào là đúng hoặc sai. Thế mà cuối cùng con lại trở thành luật sư đấy thôi, mẹ sẽ nghĩ vậy nếu đọc những dòng này.
Như đã nói ở trên, con bị ảnh hưởng nặng nề bởi bầu không khí xung quanh mình. Đặc biệt là thời tiết xấu thì mức độ tồi tệ có thể tăng theo cấp số nhân chứ nào phải cấp số cộng nữa. Lúc mắc kẹt lại ở Okinawa, có hai thứ luôn thường trực luẩn quẩn trong đầu con, dù rằng thời gian chỉ chững lại non có ngày rưỡi hoặc cùng lắm là hai hôm, con vẫn không sao nghĩ cho thoáng ra vấn đề được. Mây bão quây đến là lúc con dành thời gian để nghĩ về cuộc đời khốn khổ của mình và về cái tương lai không thể nhìn thấy được bằng mắt thịt. Đây không phải vở Les Misérables của Victor Hugo, trong đầu con là cả cuộc đời của một người có tồn tại và nhiều lúc con chẳng thể nào hiểu được tại sao mình cứ phải bi kịch hoá một thứ vốn không hề bi kịch ? Có phải phản ứng tự nhiên khi con người ta bị các sự kiện đau buồn thu hút, rằng ta tìm thấy cái đẹp trong nỗi buồn nhiều hơn niềm vui ? Con chịu, con không hiểu. Nhưng có một điều con biết rất rõ rằng, cuộc đời của con là bản hoà tấu lổn nhổn nhất của một nhạc sĩ nghiệp dư viết ra khi anh ta say xỉn. Con đã luôn đứng trước mặt mẹ và mọi người với một nụ cười bình thường được tập đi tập lại từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành- mọi người nói con đơn giản và vô lo, và thế là chẳng còn ai thèm lắng nghe tiếng gào thét ai oán của con suốt cả tuổi trẻ cho đến khi hoàn toàn tự lập.
Mẹ à, có những điều con rất rất muốn làm lại. Nhưng cuộc đời đã đi xa đến mức quay đầu cũng trở nên thật khó khăn, con nghĩ mẹ hiểu điều này khi đã năm lần bảy lượt hai người muốn ly hôn khi con còn trẻ hơn, mẹ sẽ hiểu con tự tin là vậy. Vì không còn đường lui nên ta chỉ có thể chạy một mạch thật nhanh về phía trước dẫu chẳng biết có điều gì nguy hiểm cận kề không. Nên là con nghĩ, dù có thêm bao nhiêu tuổi thì con vẫn hành xử như khi con mười lăm, chạy hết bốn tầng lầu cốt chạy trốn khỏi sự truy sát của trò rượt đuổi với bạn cùng lớp. Xốc nổi, bốc đồng, sai lầm chồng sai lầm hết lần này đến lần khác- để rồi lại nhìn nhau bốn năm cặp mắt cười thầm rồi đâu vẫn vào đấy. Lần này con đã tìm được người để đồng hành với mình như ngày trước.
Ở một thời đại tình yêu thiếu tính bền bỉ, đi cùng nhau đến đám cưới có thể coi là kỳ tích to lớn trong đời người. Con không đi tìm đám cưới đám hỏi hay một người để sống chung: con muốn có một ai đó chấp nhận bản thân mình, như cách con học được rằng mình chẳng là ai trên thế giới to đùng này cả. Con nghĩ Hách là định mệnh của mình, đúng hơn là em đã học được cách để sinh tồn với một kẻ lắm trò đủ tật như con. Đó là câu chuyện hồi cả hai mới yêu và đã yêu nhau được một khoảng thời gian. Càng ở lâu với nhau thì tất cả những điều xấu xí nhất của con càng dễ lộ diện; người ta sẽ bỏ đi khi phát hiện rằng người mình yêu mến không giống với hình tượng trong lòng mình- hội chứng tôn thờ chết tiệt đã gieo rắc từ các tôn giáo cổ xưa. Những người đến với con đều nói rằng con không giống tưởng tượng của họ: rằng ngoài trừ cái mặt đẹp đẽ ra, tính cách của con vấn đề quá, con nghĩ nhiều quá, bận tâm của con to hơn những thứ họ muốn biết, loại nhạc con nghe không phải thứ tồn tại trong cuộc đời họ. Một tỷ lý do và vân vân cho việc đổ lỗi lên một con người, chỉ vì ta không khớp với khuôn khổ nghèo nàn trong đầu đối phương. Con đã đến với Hách để chờ đợi xem bao lâu nữa cả hai sẽ đường ai nấy đi, chẳng còn ai muốn nghiêm túc yêu đương trong thời kỳ hỗn mang như này cả. Cuối cùng, chỉ có một mình em, chỉ mình Phác Tái Hách; chưa từng mong đợi gì từ con cả. Trong đầu Hách, con là những gì được tồn tại và phơi bày trước mắt em: gương mặt đẹp đẽ lạnh nhạt, giọng hát the thé không thể sửa nổi, việc con sẽ đi uống trà thạch vào thứ sáu mỗi tuần mùa hè, sự lặp đi lặp lại của "Melodrama" và niềm yêu thích mất kiểm soát của con với "Sober" mỗi độ hè đến rồi đi, chuyện con có thể xấu xa cãi nhau một trận um sùm với em song vẫn thoải mái làm hoà cả chục lần. Có những thứ chuyện như thế đã xảy ra trong cuộc đời cả hai bọn con, nên thực lòng mà nói, chưa bao giờ con thấy hối hận khi cưới Hách cả. "Hạnh phúc" của con đã đến, con nghĩ vậy.
Để con kể cho mẹ chuyện ngoài lề này: chúng con có cãi nhau một trận vào hôm bão ở Okinawa ấy. Không to lắm, nhưng cũng chẳng gọn ghẽ để một hai tiếng sau nhìn thấy mặt nhau trên bàn ăn, kiểu vậy. Đại loại là đổ lỗi qua lại, rằng nếu như nghe theo em thì có lẽ cả hai đã không kẹt ở đây thêm hai ngày nữa; con cãi rằng kể cả có thế thì chắc gì cơn bão ấy đến muộn hơn hay sớm hơn, rằng tốt nhất đừng nói gì nữa vì cả hai đứa đều khó chịu khi công việc bỗng dưng gặp trục trặc tại bản thân mình. Cứ chuyện này lại xọ ra chuyện khác, liên hoàn một hồi thì thôi- hai đứa chẳng còn lời nào để đối đáp người kia nữa, vả lại tiết trời ngày một khó chịu khi mưa giông đang gào thét ngoài kia. Căn phòng chia đôi trong vô thức khi sự im lặng trị vì. Con trở về ngủ thêm một giấc sau bữa sáng nửa vời. Phác Tái Hách đi đâu đó khi con nghe thấy tiếng dép lê loẹt xoẹt trong đầu, nhưng rồi giận dỗi, con mặc kệ mà vùi mặt vào chăn thiếp đi một mình. Cơ mà ngủ được nửa tiếng thì con lại một lần nữa mở mắt, trong lòng nhộn nhạo một cảm giác khó chịu không tả được. Mưa gió đang to càng thêm to, Hách có thể đi đâu quanh đây được chứ ? Tất nhiên thì em ấy đã đủ trưởng thành và khôn ngoan để biết đâu là nguy hiểm cần tránh, song có lẽ từ lúc chính thức trở thành vợ chồng, không lúc nào con từ bỏ việc để tâm đến em đang làm gì và như nào được. Mười lăm phút, trong vòng từng ấy thời gian con đã đi quanh căn phòng cả hai thuê chỉ để quyết định rằng có nên đi ra ngoài và tìm Phác Tái Hách trong cơn giận dữ sánh ngang bầu trời ngoài kia. Rằng cái tôi của con là thứ Kim Quang Hy có bị đánh chết cũng không bỏ được, nhưng trong lòng con lại hướng ra thế giới đang chực chờ nuốt sạch người con yêu. Mâu thuẫn dồn nén như cách người ta ép nát cái lon rỗng bằng trọng lực nhân tạo với mục đích tái chế; tình yêu của con không thể trở lại như này trên một người khác nữa- con luôn tin vậy. Hơn cả thần linh, số phận, Chúa, Phật hay bất cứ thứ gì trên đời có thể trở thành điểm tựa tinh thần của một người- con tin vào tình yêu của mình hơn, và trước cả khi con lao ra cửa tìm em trong bộ dạng mới ngủ dậy nhếch nhác của mình, Phác Tái Hách đã trở về với tiếng gọi với từ ngoài cửa.
"Anh Hy, anh Hy, mở cửa cho em đi."
Lúc cánh cửa bật ra là gương mặt ấy hiện trước mắt con, nguyên vẹn như ngày đầu tiên gặp nhau ngoài đời. Trừ quần áo có ướt mấy mảng vì bị mưa hắt thì Hách vẫn là em, và thế là trái tim con dần đập chậm lại theo nhịp bình thường.
"Anh nghĩ gió thổi bay em luôn rồi đấy, dữ dội thế kia mà."
"Nghĩ gì thế, em cao hơn mét tám, muốn ngã còn khó chứ đừng nghĩ đến bay được nha."
"Thiếu rồi, mét tám gần bảy mươi cân. Chứ mét tám mà cân đầu sáu thì cũng bay được à. Vừa đi đâu thế ?"
"Đi mua mực khô cho anh đấy. Đằng nào cũng không đi đâu được thì ở đây uống bia ăn mực cho đúng bài đi ha ?"
"Hồ Sen cũng không bão như này, đúng là chỉ có em mới nghĩ được trò này đấy."
Việc lớn lên trong cùng một thành phố đã trở thành chủ đề trò chuyện bí mật chỉ bọn con hiểu, một dạng mật mã, con đoán vậy. Phác Tái Hách vẫn luôn nói rằng con là người Hải Phòng nhất (ngang với anh Khuê) trong số những người cùng quê em biết, nhưng sau cùng con vẫn thấy người này biết về đất mẹ hơn hẳn con. Ít ra em còn lượn được từ ngõ này sang ngõ khác, không như con vào ngõ là vào chế độ mù đường. Sự giận dữ kết thúc nhanh hơn con tưởng, hãy nghĩ rằng đó là phép màu của tuần trăng mật nửa mùa này. Một vài con mực phơi khô kiểu Okinawa tình cờ được Hách phát hiện ra quanh khu này có bán, một hai lon bia uống cho khuây khoả nỗi buồn ngày mưa giông không ngớt; cuộc đời lại quay về với con, bình yên như không có bất cứ sự kiện xấu bất ngờ xảy ra vậy.
"Đang làm gì thế ?"
"Em đang nhắn xem nhờ được thằng Vũ hay thằng Hạo hỗ trợ công việc không ? Cùng dự án nên cũng may có người này người kia qua lại được."
Con nghĩ mình nên kết thúc bức thư ở đây thôi, lan man từ chuyện cũ đến chuyện mới cũng làm con vừa mệt mỏi vừa nhung nhớ. Tất cả chúng ta, mẹ, con, chị và Hách; đều đã đi qua một phần cuộc đời nhìn lại có lúc chua xót và hạnh phúc tràn đầy. Có những đêm con mơ thấy mẹ, rồi lại chuyện hồi cấp ba con đã gặp được những người thú vị ra sao, rồi cả lần đầu tiên Phác Tái Hách nắm tay con trong nhiệt độ bốn mươi nóng rẫy của buổi trưa ở công viên Thống Nhất, con nhớ về tất cả những điều ấy, mẹ ạ. Những bức thư con viết sẽ vĩnh viễn ở lại với con mà không được gửi đi, và cả ký ức về những tháng ngày sẽ chẳng bao giờ trở lại kia cũng vậy.
Xin hãy để con giữ chúng cùng mình cho đến khi thịt xương nát vụn.
Hà Nội, một mùa hè tệ như mọi năm,
Kim Quang Hy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro