Khiếp sợ
Không còn gì tệ hơn thế này nữa! Chết. Chết. Chết mất thôi! Xui xẻo thay cho cái tuổi hai mươi của tôi, cái tuổi mà vẫn còn đang sung sức, còn trăm chỗ muốn tới lại phải chịu cầm tù trong bốn bức tường chỉ vì thứ vi-rút chết tiệt.
Báo đài hay gọi nó là Dy-19. Nó lẩn trong không khí, đoạt mạng bất kỳ kẻ nào xấu số hít phải, kể cả khi họ đã đeo khẩu trang. Bao nhiêu đấy đã quá đáng sợ và vô lý ư? Không, nó còn di chuyển nhanh đến mức bật ngửa : đủ sức nuốt chửng một tỉnh vỏn vẹn trong vòng ba mươi phút đồng hồ. Điều đó đồng nghĩa với việc, trong vòng chưa đầy ba ngày, Dy-19 đủ sức xóa sạch cả nước ta.
Chuyện di tản để tránh khỏi nó cũng đã chẳng còn có tác dụng. Bởi địa cầu này cũng đang chết chìm trong làn khói xanh chết chóc, mảnh đất chữ "S" này là thành trì duy nhất còn sót lại của nhân loại. Nhưng thành trì này sẽ trụ vững được bao lâu nữa đây khi từ tứ phía, cái chết đang phăng phăng lao tới?
Hiện tại, mọi người chỉ còn biết trốn chui trốn nhủi trong nhà, bịt kín toàn bộ cửa lại để níu kéo hi vọng giữ lấy được mạng sống. Tôi cũng vậy, đang ngồi thất thần trong bốn mét vuông chật hẹp. Nếu Mây còn ở đây, có lẽ cô ấy cũng sẽ phát điên mất.
Mây là vợ tôi. Chúng tôi cùng chỉ mới đôi mươi. Vì quá thương nhau nên mới quen được một năm thì đã quyết định rước nhau về chung một nhà. Điều đó khiến tôi vui sướng vô cùng.
Nhưng...đó là chuyện của bốn năm trước. Bây giờ, khi đón thêm thành viên mới là thằng Tín, Mây đổi khác nhiều quá. Cô ấy nào còn là nàng thiếu nữ ý tứ, dịu dàng trước kia. Cô ấy nào còn là người bình tĩnh, cứng rắn như xưa.
Suốt những năm tháng bên cạnh, đọng lại trong tiềm thức tôi chỉ là hình bóng một người vợ đã dần đánh mất chính mình : nóng nảy hơn, "nông cạn" hơn, dễ vỡ hơn và...vô tâm với cả đứa con nhỏ.
Như mới vừa rồi, Mây liên tục thúc ép tôi ra ngoài tìm mấy cái khẩu trang chống virus. Sao không nghĩ kĩ hơn đi Mây? Những thông tin đó nhảm nhí đến lồ lộ ra. Nếu nó thật sự được phát minh ra thì tại sao chính quyền, Nhà nước không thông báo mà lại phải nghe qua lời to nhỏ của kẻ khác? Nhưng vợ tôi chắc mất trí rồi! Nỗi khiếp sợ đã làm tê liệt tư duy. Cô ấy nổi nóng lên rồi vội vàng bỏ lại tôi và thằng Tín trong nhà.
__________
Vén tấm rèm cửa cũ kĩ sang một bên, cảnh tượng bên ngoài quả khớp với tiếng động hỗn loạn tiếp diễn suốt từ sáng đến giờ. Trong khi thằng Tín đang chơi một mình trong phòng, tôi lặng lẽ nhìn tất cả mọi người đang lũ lượt kéo đến một cái siêu thị ở cách đây không xa vì cái tin đồn rằng nơi đó có khẩu trang chống Dy-19.
Họ đông đến mức chẳng tả nổi. Chỉ mới nhìn từ một cái khung cửa rất nhỏ thôi, tôi đã thấy người ta đùn đẩy, chen lấn, thậm chí cố là dẫm đạp lên nhau, chạy trên vai trên đầu người khác để dễ dàng tới đích hơn. Thậm chí, có khi, họ như kết thành một khối thịt khổng lồ, ngã vào nhà hai bên đường.
Hết thảy người trong cái thành phố này tin vào điều lố bịch đó thật à? Hay chẳng lẽ...đó không phải tin đồn? Chắc mình cũng đi tìm thử xem, biết đâu lại sống được qua thời này. Cho nên, tôi liền vội vàng nhập cuộc...
_____
Ánh nắng rọi thẳng xuống đất từ đỉnh trời, cộng với cái ồn ào, inh ỏi lập tức khiến thần kinh tôi căng cứng.
Chúng là hỗn tạp của những tiếng kêu la văng tục vô nghĩa, là thanh âm vọng lại từ sự chen lấn, giằng xé điên cuồng.
Tôi cắn răng chịu đựng dù đinh tai nhức óc để bất chấp chen vào đống lộn xộn, cố lách cho bằng được người đi lên nhanh nhất có thể. Nhưng hành trình này tuyệt nhiên không dễ dàng. Tôi phải ăn tận bao nhiêu cái đấm, cái đạp rồi chẳng nhớ. Nhiều khi bị kéo, bị giật, bị nắm mạnh vào tóc đau điếng, tôi hét lên như mất trí, ước họ sợ hãi mà im lặng, tránh hết ra. Cái hét ấy vỡ tan, nhòa lẫn vào thứ âm thanh nháo nhào quá áp đảo có lẫn cả tiếng khóc của những đứa trẻ. Nó thanh thoát nhưng nó bất lực, nó không đủ sức làm người ta ngoảnh đầu lại mà cứu lấy sinh linh nhỏ bé. Đừng trách tôi, dòng người cuốn tôi đi. Vả lại, họ biết làm sao bây giờ, nỗi khiếp sợ đã chẳng cho phép ai thương xót lấy ai. Kẻ điên mới cứu người khác để mình giảm đi phần trăm sống sót vốn đã quá ít ỏi.
Thế là tôi cứ bơi mãi trong cơn sóng thần đến một lúc thì cuối cùng cũng tới được siêu thị, nơi người ta đồn đoán là có giấu khẩu trang chống vi-rút.
Nó quả thật rất lớn, có tới tận 9 tầng. Nhưng ở bên trong lại không như bạn tưởng tượng đâu, mọi gian hàng đều chẳng có gì cả. Thứ tàn dư duy nhất còn sót lại là vài hộp cá, hộp thịt, lon nước bị đạp dẹp, những rau củ tan nát và một hàng xe đẩy rất dài ngã sõng soài. Quang cảnh thế này, sao tin được là có cái khẩu trang chống virus đây? Mặc dù vậy, có vẻ chẳng ai quan tâm lắm, cứ tin sái cổ lời đồn đó. Cho nên họ tuồn đi khắp nơi, khắp quầy hàng, tìm cho bằng được chúng giục tôi cũng phải theo chân.
"AAAAA!"
Một giọng la thất thanh bất chợt sọc vào tai. Theo trực giác, tôi quay đầu nhìn sang phải thì đập ngay vào mắt là cảnh gã đàn ông lực lưỡng thô bạo nắm mạnh vào tóc của người phụ nữ gầy gò phía trước rồi dùng sức cố giật, "vứt" đi chỗ khác. Bà khổ sở nằm co ro như sắp chết, đau đớn rên lên thứ âm thanh cằn cõi, hai tay vẫn cố bấu lấy chân của ông ta mặc ông ta không thương tiếc đạp thẳng lên mặt, thấy bầm tím cả trán.
Trong khi cả hai vẫn giằng co dữ dội, tôi để ý trước mặt họ có một cái thùng sốp - thứ gã đàn ông nhắm tới. Có khi nào là thùng chứa đống khẩu trang đặc biệt đó?! Chỉ vừa mới ngầm đoán trong lòng, mọi người xung quanh đều như đã nghe hết, họ thục mạng chạy tới nó như chẳng màn phía trước có gì chắn đường và tôi chính là nạn nhân của điều đó. Mới vừa nhấc chân lên, một kẻ nào đó chẳng rõ tông "chí tử" thẳng vào vai, thốn đến mức tưởng chừng nứt tan tành ra, khiến tôi ngồi quỵ xuống đất. Thế là đã hết sao? Không! Ngay sau đó, cú đá bất thình lình va vào xương sống chính thức biến tôi thành một tấm gạch để hàng trăm bàn chân khác dẫm lên. Khoảnh khắc khủng khiếp đến vô cùng. Một cái đạp. Hai cái đạp. Chục trăm cái đạp phành phành. Kể cả là tăng ca đến tận khuya cũng chưa từng làm đốt sống tôi kêu cứu đến vậy, nó đang bị nhào nát như thủy tinh. Lúc đó, tôi gào lên cho đến khi mất giọng. Gào đến khi những bàn chân lạnh lùng đạp đổ nỗ lực vùng vẫy của tôi. CHỊU! Dù gì cũng phải chết vì con virus...
Nhưng chờ đã...chân tôi đang được ai đó nhấc lên không và cố kéo ra khỏi đám đông. Ngạc nhiên thay trước việc này, tôi nhìn về phía sau thì trông thấy một bàn tay nhỏ nhắn, kéo với lực cũng thật yếu. Cố ngước mắt lên thêm tí nữa thì quả đúng như suy đoán, đó là một cậu nhóc chỉ tầm sáu tuổi. Nhóc tính cứu tôi sao? Trong thời thế nhiễu nhương này...sao lại xuất hiện một thằng bé rất "người" đến vậy?
Tôi bất giác cong môi mỉm cười vì hành động kia ngay cả khi nỗi đau thể xác vẫn rống lên từng hồi. Như trông thấy liễu ám hoa minh, tôi dùng hết sức bình sinh chống tay lên nền gạch sần sùi, đẩy lùi bản thân ra phía sau, phía của cậu nhóc, chốc lát đã thành công thoát khỏi đám đông khủng bố.
Hệ quả lập tức sau đó là một tràn thở hổn hển, nằm lăn ra sàn. Khi ấy, một bàn tay nhỏ nhắn nhẹ đặt lên đầu gối tôi, vừa lay lay vài cái vừa hỏi :
- Chú ơi chú, chú có sao không chú?
- Chú...chú...chú...không sao...
Tôi nhọc lắm mới nói được ba từ ấy. Bởi phổi lúc này tựa bị dây thừng xiết chặt hay tay ai tàn nhẫn bóp lấy tống hết oxi ra khỏi người. Cảm giác bức bối ấy thúc tôi thở ra hít vào liên tục đến mức chẳng nhàn một giây để cảm ơn thằng bé kia. Trong khi đó, nó lại vỗ nhẹ vào vai tôi và lặp lại :
- Chú ơi, chú có sao hông chú?
Tôi chẳng thèm trả lời. Thằng bé vẫn lải nhải :
- Chú ơi...chú...chú đau ở đâu vậy để cháu lấy băng keo cá nhân dán lên cho.
Cái "chú ơi" của thằng bé làm tôi thoáng nhớ đến cái "anh ơi anh à" của Mây. Nhưng đó không phải là sự nhõng nhẽo hay giận dỗi, đó là sự quan tâm. Chẳng biết bao lâu rồi tôi mới được nghe người khác hỏi thăm mình thế này. Điều đó khiến lòng tôi lâng lâng một thứ gì ấm áp...ấm áp thứ cảm xúc tình thương giữa con người và con người, khiến tôi lập tức kìm hãm được những nỗi đau thể xác.
Trông nhóc kia mới nhỏ nhắn, đáng yêu làm sao! Đôi mắt to tròn, long lanh, ngây thơ chăm chăm nhìn vào gã đàn ông khó thở trước mặt. Cái nhìn đó làm lu mờ cả trận chiến khốc liệt đang diễn ra xung quanh trong nhận thức của tôi.
Nhưng cũng tội nghiệp quá, nó gầy ốm chắc chỉ đỡ hơn người trong nạn đói, da ngăm ngăm, người mặc một bộ quần áo lắm lem, sờn cũ, thậm chí còn rách rưới vài chỗ. Đã vậy, chân cũng chẳng có dép mà mang. Do cảnh đùn đẩy, chen lấn, giành giật mà cậu bé đánh rơi hay do cha mẹ nào đã bỏ mặc cậu thiếu thốn thế này? Họ giờ đang ở đâu? Họ có nghĩ cho cậu không ? Càng nhìn cái bộ dạng nghèo đói đó, tôi chỉ càng thấy thêm đáng thương, càng muốn che chở cho cậu bé. Vì nghĩ thử mà xem, thằng nhóc này tài nào sống sót nổi trong cái đám đông chen lấn này đâu huống hồ gì là tìm được khẩu trang ưu việt kia đâu.
Thế rồi, tôi nắm lấy bờ vai gầy gò, ốm yếu của cậu bé và nhẹ nhàng hỏi :
- Nè nhóc, nhóc tên gì vậy ?
- Dạ...con tên Hậu.
- Ừm, nhóc cứ gọi chú là chú Bình nhé. Giờ đi theo chú, chú sẽ giúp con tìm được mấy cái khẩu trang chống virus.
- Dạ chú.
Nhìn kìa, nó cười với tôi. Sao nó có thể tươi tắn đến vậy? Sao nó có thể cười đẹp đến vậy? Nụ cười đó thật sự làm tan chảy lòng người, tan chảy đi cái tâm trí bạo lực đang đô hộ bên trong. Nó rõ ràng chẳng phải phép màu hay thứ thần dược nào cả, chỉ là nó đặc biệt đến vô cùng lúc này...
_________
Tất cả mọi người cùng lao vào một chỗ - cái thùng xốp bé tẻo teo chứa khẩu trang chống vi rút. Họ không khác gì đàn kiến đang lũ lượt kéo tới ăn xác thằn lằn. Đông như thế thì cách gì chen vào được bây giờ? Thân tôi dù trẻ, sức vẫn còn rất nhiều nhưng dám cá chắc cũng không vượt qua nổi cả trăm, cả nghìn người đâu, "nghìn đánh một, không chột cũng què".
Nhưng động não thử xem, chẳng lẽ ông trời tàn nhẫn tới mức chỉ ném xuống đây một thùng phao cứu sinh duy nhất. Biết đâu ở tầng trên vẫn còn? Ý nghĩ đó chợt bừng sáng trong đầu, tôi bất giác vỗ mạnh hai tay vào nhau, đinh ninh tin tưởng vào cái giả thuyết đó. Thế là, tôi lập tức cõng thằng Hậu trên vai rồi ngược "chiều gió", lên phía trên lầu, mặc cho hàng trăm người lũ lượt kéo xuống.
Đáng lí ra chỗ này cũng sẽ nhộn nhịp lắm, nhưng nỗi khiếp sợ cái chết cầm đầu hết thảy, mọi người đã chạy hết xuống dưới rồi, chỉ còn lại tôi và nhóc Hậu. Cả hai cùng nhau đến từng gian hàng, kệ đồ dùng nhưng nhìn lướt qua cũng đủ biết ở đó chẳng có khẩu trang nào. Bởi tất cả đều trống rỗng. Phán đoán sai rồi sao?
Tiếng nhốn nháo hỗn loạn tiếp diễn nãy giờ làm dây thần kinh thêm căng ra, khiến tôi đổ mồ hôi vì lo lắng. Thời gian không còn nhiều đâu. Tôi liền nhìn quay đầu, nhìn khắp nơi, cố nghĩ xem ở đâu là khả thi nhất để tìm. Vừa lúc ấy, nhóc Hậu kéo lấy tay tôi, nói :
- Chú ơi, mình qua chỗ kia đi chú.
Là một khu bán quần áo. Dĩ nhiên là thời này chẳng ai bận tâm lắm tới sắm sửa nên ở đây vẫn đầy hàng ở mọi kệ. Cho nên, đống khẩu trang kia có thể đang nằm đâu đó ở đấy thôi. Chạy tới ngay không đám người kia lại biết? Tôi nhanh nhanh phóng ngay lại một kệ đầy quần jean gần nhất lục lọi. Không thấy, tôi lại phóng tới kệ tiếp theo. Lục lọi, lục lọi, không có... Thấm đẫm một làn mồ hôi trên mặt. Lúc đó, tôi lại nghe giọng thằng Hậu bên cạnh :
- Chú ơi, chú có sao hông chú? Chú đổ mồ hôi kìa.
Căng thẳng quá, tôi vờ vĩnh, đáp vội đáp vàng đúng một tiếng : "Không". Nhưng rồi thằng bé lại hỏi tiếp :
- Chú có cái vòng tay đẹp quá.
- Kiếm giúp chú đi...
Phải chi thằng bé hiểu cái nhấn nhá cuối câu, cái gằn giọng của tôi. Nhưng nó không quan tâm lắm. Nó tò mò chạm vào cái vòng tay. Tôi cũng chợt giật mình tự hỏi bản thân đã đeo nó tự bao giờ, chỉ mang máng biết rằng là của một người quen tặng cho, có lẽ là nhỏ Mây. Trông nó tầm thường đến nhạt toẹt, nếu thật sự là cô ấy tặng thì tôi cũng đủ hiểu ả lạnh lùng, vô tâm tới nhường nào. Nó không phải là loại đồ hiệu mà tôi săn đón, nó là...thì ra là giấy cát - tông xếp thành hình cái vòng.
- Nhìn nó đẹp quá chú nhỉ?
Đúng là trẻ con, mấy thứ vớ vẩn này mà chúng lại thích. Dù gì cũng không phải hàng Gucci nên cho nó cũng được :
- Thích không ? Chú cho.
- Dạ thích, con cám ơn chú.
Ánh dương tỏa ra từ nụ cười của nó lần nữa đánh loãng sự căng thẳng ra, đầu óc tôi cũng trong vài giây quên bẵng đi mình đang làm gì. Không hiểu vì sao, tôi lại vừa tìm vừa trò chuyện với nhóc nó một cách bình thản như chỉ đang làm một việc bình thường :
- Nhìn con gầy gò quá. Mẹ con không lo cho con hả ?
- Dạ mấy mẹ thương con lắm, lâu lâu con đi ngang, mấy mẹ đều cho con cái này cái kia ăn. Mà tự nhiên hôm nay người ta ùa nhau đi kiếm khẩu trang mang nên con cũng tham gia nè.
"Mấy" mẹ ? Vậy là thằng bé mồ côi sao ? Hèn gì nó ốm o, gầy mòn đến thế. Những đứa trẻ ấm no khác, tôi còn chẳng dám tin sẽ an toàn qua thời loạn lạc này một sinh linh yếu ớt như thằng Hậu cách gì tìm được lối thoát. May mà gặp được tôi. Yên tâm, tôi sẽ ở cạnh nó, nhất quyết không bỏ nó lại. Nhưng nhìn nó, tôi cũng lại bực tức về gia đình của chính mình. Nếu thằng Hậu kém phát triển vì không có mẹ, thì thằng Tín ở nhà có mẹ cũng chẳng khá khẩm hơn...
- Như vậy chắc vẫn còn đỡ đó con. Thằng nhóc nhà chú...mẹ nó keo kiệt thời gian với nó lắm. Mỗi ngày chỉ nhích ra được 40, 50 phút để chăm sóc nó, còn lại là để nó tự chơi một mình ở trong phòng.
- Cô đó bận lắm hả chú?
- Sao mà bận được chứ? Chú có thấy cô ấy bận bịu gì nhiều đâu...
Tôi vẫn luôn thắc mắc : liệu cô ấy có biết bản thân quan trọng thế nào với thằng bé không ? Sao một người mẹ lại để con mình thiếu thốn hơn so với người ta được. Cho nên, tôi giận lắm, giận đến mức khô cạn thứ tình cảm đong đầy từng có. Nhưng thằng Tín là thứ giữ tôi ở lại mãi cái mùa hạn hán ấy. Tôi không nỡ để nó xa cha hay xa mẹ. Thành ra, tôi đành phải chịu đựng cái hôn nhân đã hết rồi cảm xúc này mãi, ít nhất thì tôi tự thưởng mình bằng cách nhường cô ta việc nuôi con. Phải thế chứ!
________
Coi vậy chứ cũng chỉ mới trôi qua 5 phút. Nhưng trong 5 phút ấy, tôi đã lục tung hết cả cái khu bán quần áo này rồi, lục luôn cả trong kho hàng nữa mà vẫn chưa thấy cái thùng khẩu trang đặc biệt. Nó ở đâu được chứ? Không ở đây..chẳng lẽ phải lên thêm tầng nữa, tầng nữa, rồi tầng nữa? Trời ơi, như thế thì bại liệt chân tôi mất. Vả lại, làm sao đủ thời gian để tìm ra chúng chứ, cái đám mây xanh lục chết chóc kia tới gần lắm rồi! Nếu trời có thương thì nhất định phao cứu sinh phải ở đâu đây, ở đâu đây thôi...
Kìa! Có khi nào là ở đó không, ở mấy cái ngăn thu tiền ấy? Không chút do dự, tôi đâm đầu tới chỗ quầy tính tiền. Quán tính làm cả thân người tôi húc mạnh vào bàn, tay vô tình hất oành máy tính xuống nền gạch. Nhưng do tiếng tạp âm phía dưới quá lớn hay do tôi cũng chẳng còn đoái hoài tới bất cứ thứ gì ngoài việc tìm khẩu trang chống virus nữa nên cứ mặc kệ mà mở mạnh ngăn kéo ra. Chỉ thấy tiền! Tôi lập tức vứt đống rác rưởi ấy ra ngoài. Phía dưới chúng nhất định phải có khẩu trang. Không có! Tôi đúng nghĩa nhảy từ quầy này sang quầy kế bên. Mở mạnh quá, ngăn kéo gãy khóa, cả ngăn rơi cành xuống đất. Là nó! Nó kìa! Chắc chắn là NÓ! Trong ngăn kéo là những cái khẩu trang nhìn qua đã biết rất khác so với những cái bình thường. Tôi chẳng miêu tả được hết mấy thứ phụ kiện, tiểu tiết đặc biệt bên ngoài nhưng loại chống virus này có màu bạc và làm bằng thứ gì đó...không phải là vải.
Vui mừng quá độ, tôi nở nụ cười trong tiếng thở dốc rồi hét lớn về phía thằng Hậu : "Nhóc ơi! Chú kiếm được khẩu trang rồi nè!", và tôi thề đây là một trong những hành động ngu ngốc nhất mà tôi từng làm. Bởi ngay sau câu nói đó, tiếng gào thét tranh giành phía dưới chuyển thành tiếng chạy sòng sọc lên lầu, tôi có thể nghe rõ mồn một âm thanh đáng sợ đó. Bộ sợ chết là tai thính đến vậy sao trời?
Không chạy thì chỉ có chết, tôi nhét vào túi đủ 4 cái khẩu trang rồi chạy bán sống bán chết tới thang máy đến mức xém quên luôn thằng Hậu : "Hậu ơi!! Hậu ơi!!! Chạy theo chú Hậu ơi!". Tôi sợ quá, cứ đâm đầu tới trước. Tim đập mạnh trong lòng ngực như sắp vỡ ra khi tiếng chân tới càng gần. Nhưng may mà tôi không ôm hết đống khẩu trang kia vào người, tôi vẫn để yên cái ngăn kéo ấy nằm trên mặt đất nên nhẹ nhõm được đôi chút rồi chạy thẳng vào thang máy...
Cửa thang máy đóng sầm lại, thứ tạp âm đã được giảm đi đôi chút...cho đến khi cái tiếng kêu thất thanh ấy xé toạt cái nghỉ ngơi tạm thời... Tiếng kêu ấy là của một đứa trẻ... một đứa trẻ chỉ độ khoảng 6 tuổi. Tiếng kêu ấy có lẽ bắt nguồn từ cái xô đẩy, cái chen lấn, cái giẫm đạp của mọi người. Tiếng kêu ấy dự báo cho cái chết của một kẻ nữa vì nỗi khiếp sợ của kẻ khác. Tiếng kêu ấy...tôi chợt thấy quen đến giật mình. Tiếng kêu ấy kéo bóng tối đến gần hơn với tôi... Tiếng kêu ấy vỗ mạnh vào lòng ngực tôi... Không có gì...không có gì đâu...nghỉ ngơi đi, mọi thứ đang ổn mà.
______
Còn tiếp...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro