The lovers on the bridge - Tiếng Việt
Trước giờ mình vốn dĩ không thích xem phim Pháp, đặc biệt là những phim của Jean-Luc Godard nói riêng và phong trào Làn sóng mới (French New Wave) nói chung. Thật đấy, nhiều khi mình bật phim Pháp lên xem, quanh đi quẩn lại chỉ bắt gặp hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ ba hoa, lảm nhảm về những triết lí sống tầm phào, sáo rỗng xoay quanh tình yêu, triết học; xong rồi thi thoảng làm những việc vặt vãnh như đọc báo, nấu ăn, ỉa đái, đi dạo quanh phố... là lại muốn tắt mẹ laptop đi ngủ rồi. Đấy, nói chung phim không hợp gu thì thôi chẳng đáng bực dọc làm gì cho mệt, cơ mà nhiều lúc mình còn gặp phải lũ hợm hĩnh, dởm đời đi tâng bốc, xu nịnh phim Pháp lên hết đường - "đây, đây mới chính là điện ảnh!" là lại càng có cớ để ghét phim Pháp hơn (thực ra vốn dĩ ghét cả nước Pháp, và mình tin rằng Pháp xứng đáng với sự thù ghét của toàn bộ thế giới này). Thế vậy mà sau khi coi xong The Lovers on the Bridge (1991) - một tác phẩm mà ban đầu không biết là của đất nước ấy nên mới xem, chứ mình không bị khổ dâm; thì mình đã có thiện cảm hơn nhiều đối với những thước phim đến từ xứ sở điện ảnh này.
Trong văn chương, thi ca, hội hoạ hay nghệ thuật nói chung, Paris luôn được khắc hoạ với hình tượng mĩ miều, tráng lệ và đầy hoa mĩ, đúng với tên gọi là kinh đô ánh sáng, thành phố tình yêu, và là quê hương của vô vàn những người nghệ sĩ lừng danh. Thế nhưng, đâu đó tại Paris vẫn ẩn giấu những góc khuất, những mảnh đời bất hạnh mà chẳng mấy ai ngó ngàng tới. The lovers on the bridge, hay đôi tình nhân trên cầu là một trong số đó, khi đã đi sâu vào khai thác về chuyện tình giữa hai con người vô gia cư đầy lạc lõng, xa cách với thế giới xung quanh. Mặc dù đây không phải điều gì đó quá mới mẻ hay đột phá, đơn cử là khi vẫn luôn tồn tại những tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực miêu tả trần trụi, chân thật và bóc trần vỏ bọc hoa mĩ của Pháp thời bấy giờ, song The Lovers on the Bridge vẫn có những dấu ấn riêng biệt và đem lại cho người xem những cung bậc cảm xúc khó tả.
Tác phẩm mở đầu khi cả hai vô tình gặp gỡ trong tình cảnh hết sức trớ trêu: trong lúc Alex say mèm và nằm bất tỉnh trên đại lộ Sebastopol, Michèle cũng đi ngang qua đó và chứng kiến cảnh tượng một chiếc xe cán ngang qua chân anh. Tưởng chừng như Alex đã chết, Michele chẳng buồn ngó ngàng tới mà chỉ lại gần để ngắm nhìn khuôn mặt anh lần cuối. Ít lâu sau, họ gặp lại nhau trên cây cầu có tuổi đời lâu năm nhất tại Paris - Pont Neuf, và đó cũng là nơi trú ngự của Hans, một gã đàn ông vô gia cư tuổi trung niên. Ông cũng thường cấp thuốc an thần cho Alex vì anh luôn phải chịu cảnh tượng khổ sở khi không tài nào ngủ được.
Cứ như vậy, cuộc hội ngộ ấy diễn ra vào một đêm hè, khi Michele đang say giấc nồng tại một góc cầu, còn Alex thì lại tò mò nghịch ngợm lấy tập tranh mà Michele luôn kề theo bên mình. Alex phát hiện ra cô đã khắc hoạ lại hình ảnh của anh nằm la liệt giữa đại lộ Sebastopol vào ngày hôm ấy. Sáng sớm hôm sau, Hans xuất hiện và đuổi Michele đi, nhưng Alex liền giữ chân cô lại để xin bức hoạ ấy làm kỉ niệm. Michele chỉ đồng ý với Alex nếu như anh đáp ứng lại một điều kiện của cô, ấy là chịu làm mẫu để cô vẽ một bức chân dung. Kỳ lạ thay, trong khi say sưa vẽ bức tranh ấy, Michele liền khuỵu xuống và bất tỉnh vì cơn đau nhói diễn ra ở đầu. Trước khi nhắm mắt, Michele vẫn mơ hồ gọi tên một người đàn ông mà cô từng quen, Julien. Lo lắng, Alex tiến lại gần, và vô tình bắt gặp được một lá thư đến từ Marion - một người bạn thân của Michele, được cất giấu trong hộp màu. Khi đọc được lá thư ấy, Alex hiểu ra rằng trước kia Michele cũng từng sống một cuộc đời như bao người nghệ sĩ khác, nhưng quá đau buồn khi phải chia lìa với người tình Julien, cô đã lựa chọn rời đi và sống lang thang trên từng con phố tại Paris.
Tưởng chừng như Julien là lí do chính khiến Michele từ giã cuộc đời trước kia, thế nhưng cô còn một nỗi niềm khác ẩn giấu sâu thẳm trong tâm hồn yêu cái đẹp ấy. Thì ra Michele mắc một chứng bệnh hiểm nghèo, khiến cho mắt trái của cô đã sớm không còn nhìn thấy gì, và thị lực mắt phải lại mỗi ngày một suy giảm. Phải, còn gì cay nghiệt hơn khi số phận lại tước đi đôi mắt của người nghệ sĩ? Đến đây, người xem có thể cảm nhận được rõ sự thảm thương, bí bách và ngột ngạt của hai mảnh đời này, song không vì thế mà họ lựa chọn đầu hàng trước số phận. Cả hai vẫn cùng nhau ăn mừng say khướt, ngắm nhìn pháo hoa rực rỡ giữa bầu trời đêm tại Paris vào dịp lễ kỉ niệm hai trăm năm Cách mạng Pháp 1789; vẫn cùng nhau lướt sóng trên con sông Seine nên thơ để bỏ mặc mọi u sầu phía sau trôi theo làn nước. Cứ vậy, giữa tâm hồn đơn điệu, ngỗ nghịch của Alex đã nảy sinh một thứ tình cảm chân thành, đáng quý dành tặng cho Michele. Alex quyết định sẽ làm đôi mắt của Michele, và là cây gậy chỉ dẫn đưa cô đi khắp mọi nẻo đường tại Paris.
The Lovers on the Bridge không chỉ đơn thuần là câu chuyện tình đầy thăng trầm của hai tâm hồn trẻ xa lạ, lạc lối vô tình bắt gặp nhau giữa dòng đời xô bồ, tấp nập tại Paris; mà nó còn khắc hoạ lên hiện thực trần trụi của những mảnh đời tưởng chừng như đã bị lãng quên, ruồng bỏ thời bấy giờ. Chưa kể, tác phẩm còn nổi bật với diễn xuất suất sắc và hình ảnh vô cùng đẹp mắt. Bộ phim nói chung là một trải nghiệm đáng giá đối với tất cả những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro