The hourglass sanatorium - Tiếng Việt
Mình đã từng xem nhiều bộ phim được gắn mác là kì lạ, dị hợm hay siêu thực của các vị đạo diễn như David Lynch, Jodorowsky, Zulawski... nhưng không gì có thể đem ra so sánh được với The Hourglass Sanatorium. The Hourglass Sanatorium, hay còn được biết đến với tên gọi Sanatorium pod klepsydrą (Trại an dưỡng hình đồng hồ cát) là một tác phẩm điện ảnh được ra mắt vào năm 1973 bởi vị đạo diễn người Ba Lan Wojciech Has.
Phim bắt đầu với chuyến tàu khởi hành đưa Joseph tới thăm cha mình (Jacob) trong lúc ông đang nằm điều trị tại một nhà an dưỡng. Khi tàu cập bến, Joseph liền xuống ga và cứ thế sải bước về phía nhà an dưỡng. Tới nơi, anh bỗng nhận ra một điều rằng vốn dĩ chẳng có trại an dưỡng nào tại đây cả: không có bác sĩ, không có bệnh nhân, mà tất cả còn lại chỉ là một đống hoang tàn, đổ nát. Cứ thế Joseph sải bước khắp nơi để tìm kiếm cha mình trong vô vọng, thế nhưng mọi nỗ lực của anh đều thất bại. Cuối cùng, sau một hồi ngắm nghía xung quanh, Joseph đã gặp được một người y tá lẳng lơ trong bộ quần áo xộc xệch. Cô nàng liền dẫn anh tới một căn phòng, nơi mà cha anh và bác sĩ đang ở đấy. Thấy Jacob nằm im bất động, Joseph liền hỏi rằng liệu ông đã mất, nhưng vị bác sĩ kia vội trấn an anh. Ông giải thích rằng Jacob hiện tại đang nằm giữa ranh giới sinh tử, bởi thời gian ở đây bị lệch mất một nhịp do ảnh hưởng của thuyết tương đối, thế nên ông đang không sống, mà cũng chẳng chết. Miễn là Jacob còn ở lại nơi này, tử thần cũng chẳng thể làm gì được ông, nhưng chỉ cần rời đi thì cái chết chắn chắc sẽ ập tới. Sau một hồi trao đổi với bác sĩ, Joseph cũng chịu hiểu rồi rời đi, và tại đây, cuộc hành trình siêu thực nằm ngoài tầm hiểu biết và nhận thức của anh chính thức bắt đầu.
Trên đường ra về, Joseph dừng chân và đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, để rồi trông thấy một sự việc hết sức kì lạ: anh bắt gặp chính mình ở ngoài kia đang từ từ tiến vào trại an dưỡng. Cảnh tượng đấy diễn ra khác hẳn với những gì đã trải qua khi Joseph vừa đặt chân tới đây: thay vì di chuyển một mình thì anh lại đồng hành cùng một cậu bé khác. Sự thể cứ vậy trôi qua, tựa như có hai dòng thời gian đang ghi đè lên nhau tại nơi này. Song, Joseph không lấy làm đoái hoài gì cả mà chỉ rời đi. Thời gian phi tuyến tính là vậy, còn không gian thì méo mó cũng chẳng kém. Giây phút trước Joseph vẫn còn ở lại trại an dưỡng, nhưng chỉ sau một cú lia máy nhanh chóng, anh đã lập tức quay trở về nhà. Anh bắt gặp mẹ mình, nhưng ngạc nhiên thay, bà đối xử với anh như một đứa trẻ. Không chỉ có bà mà Adela, người dì của Joseph cũng coi anh như một đứa con nít. Bất chấp sự kì lạ đang diễn ra, Joseph dường như chẳng mảy may nghi ngờ gì cả mà chỉ đơn thuần đón nhận lấy. Kế tiếp, Joseph được chứng kiến cảnh tượng những người đàn ông Do Thái hò reo, ngân nga khúc hát ca ngợi Chúa trời; những đoàn quân diễu hành như tới từ địa ngục; những cuộc chiến lịch sử nổ ra và cả những thợ múa rối trong chiếc mặt nạ kì lạ. Anh còn được gặp gỡ và làm quen cùng cậu bé Rudolf với bộ sưu tập tem và cô nàng Bianka. Hình ảnh Bianka được xây dựng với một trope quen thuộc trong văn chương, thi ca ấy là nàng thơ gặp hoạn nạn (damsel in distress). Cô nàng thỉnh cầu anh một việc, và cứ vậy, Joseph tiếp quản trọng trách cao cả mà Bianka giao cho, rồi tiếp tục hành trình siêu thực, vô định của mình.
Nhịp phim chậm rãi, không dồn dập, nhưng vô cùng mơ hồ, khó hiểu, đưa người xem đến hết từ giấc mộng này tới giấc mộng khác. Dường như chẳng còn ranh giới nào cả giữa hiện tại và quá khứ, cái chết và sự sống, hiện thực và giấc mộng, mà tất cả như đan xen, hoà quyện với nhau thành một thể hỗn độn. Khung màu thì có lúc tươi sáng, rực rỡ, tràn ngập niềm hi vọng và sự sống; có lúc lại đìu hiu, ảm đạm, sầu lắng, tựa hồ như cái chết luôn len lỏi ở khắp xung quanh.
Bên cạnh đó, hình ảnh chiếc đồng hồ cát vốn là một biểu tượng đa nghĩa và có thể được diễn dải theo nhiều cách khác nhau, nhưng mình tin ngụ ý chính của đạo diễn là thời gian - không gian, giấc mơ - hiện thực, sự sống - cái chết, quá khứ - tương lai đều "chảy" về nhau theo hai chiều. Quá khứ có thể tìm đến tương lai, thực tại có thể thấy được những giấc mộng, sự sống có thể len lỏi quanh cái chết, hay ngược lại; và ngự trị đâu đó tại eo hẹp nối hai bình thuỷ tinh của chiếc đồng hồ cát lại với nhau chính là nhà an dưỡng ấy. Một nơi nào đó nằm giữa ranh giới của tất cả mọi thứ, nhưng lại không hề thuộc về bất kì đâu.
"Nhưng tệ thật, Adela ạ, cô chẳng đời nào hiểu được những gì nằm ngoài sự trần tục cả."
"Có những điều không thể xảy ra hoàn toàn. Chúng quá vĩ đại và tráng lệ để có thể bị gói ghém trong một sự kiện. Chúng chỉ cố gắng xảy ra, vậy thôi."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro