Tiêu đề phần
Nếu ai hỏi mình thích nhất phim gì, chưa bao giờ mình phải suy nghĩ, câu trả lời luôn là " Cuốn theo chiều gió " bộ phim kinh điển của mọi thời đại. Mê phim này đến mức mê luôn cả những diễn viên đóng. Thế nên khi đặt tên con gái đã chọn tên Vivian theo tên nữ diễn viên chính Vivien Leigh.
Ko nhớ là mình đã xem đi xem lại phim này bao nhiêu lần rồi. Mỗi lần xem là như sống lại cùng bộ phim.
Hôm nay đọc lại bài viết rất hay về bộ phim này của Larry De King share lên đây cho những đứa cuồng phim này giống mình 😘😘😘
Cám ơn tác giả ❤️❤️❤️
CUỐN THEO CHIỀU GIÓ
====================
Cuộc nội chiến 1861 - 1865 là 1 sự kiện trọng đại trong dòng lịch sử Mỹ. Cuộc chiến này nhằm trả lời 2 câu hỏi mang tính căn cơ:
1. Liệu nước Mỹ là 1 liên bang có thể tan rã thành các tiểu bang riêng lẽ hay là 1 quốc gia thống nhất không thể tách rời?
2. Liệu nước Mỹ, 1 quốc gia khai sinh từ bản tuyên ngôn độc lập lừng danh, trong đó "all men are created equal" - tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng - lại có thể tiếp tục duy trì chế độ nô lệ?
Chiến thắng của phe miền bắc giúp Mỹ đứng vững như 1 quốc gia nguyên vẹn không thể phân chia, và là dấu chấm hết cho thời kỳ nô lệ dù cái giá phải trả vô cùng đắt.
Đây là 1 cuộc chiến tang thương nhất nhưng cần thiết để từ đó phượng hoàng Mỹ từ chết chóc tro tàn, vươn lên trở thành 1 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới trong hơn 1 thế kỷ qua.
Cuộc nội chiến là bài học lịch sử lớn cho hậu thế, cũng là niềm cảm hứng miên man cho văn chương, thi ca. Từ đó, năm 1936, 1 tác phẩm đồ sộ ra đời - Gone with the wind - Cuốn theo chiều gió, 1 tuyệt phẩm văn chương, 1 hiện tượng văn học kỳ thú làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực cho đến tận hôm nay.
***
Cuốn theo chiều gió là 1 tiểu thuyết dài tàn bạo, hơn 1000 trang, nhưng lại lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Tác phẩm lấy bối cảnh lịch sử là cuộc nội chiến nói trên, và trên nền tảng ấy là những thân phận và tình yêu đi ngang qua nỗi đau thương của chết chóc hận thù - bản chất của mọi cuộc chiến trên cõi đời này.
Tác phẩm là 1 cuốn phim ngược dòng về quá khứ, tái hiện lại 1 giai đoạn lịch sử quan trọng, cùng với những con người như thật việc thật, với đầy đủ hỉ nộ ái ố, có cả sự thiện lành và những điều bất thiện trong 1 cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử Mỹ.
Lịch sử, chiến tranh tang tóc đau thương, trắc trở tình yêu và những tính cách tuổi trẻ đời thường hòa quyện xuyên suốt hơn 1000 trang giấy đã làm say đắm không biết bao nhiêu thế hệ người đọc. Không chỉ là nước Mỹ, đến nay, Gone with the wind đã được dịch ra 70 thứ tiếng. Bất cứ nơi đâu, tác phẩm này đều dễ dàng chinh phục trái tim người đọc.
Margaret Mitchell (1900 - 1949), trước khi Gone with the wind ra đời, là 1 tác giả vô danh. Bà có 1 chân phóng viên cho tờ Atlanta Journal nhưng không mấy tên tuổi. Một vài truyện ngắn của bà trước đó đều bị các tạp chí văn học khước từ.
Rồi từ 1 cơ duyên, bà bị chấn thương mắt cá chân, phải ở nhà lâu, và giết thời gian bằng hàng lô lốc sách lôi về từ thư viện. Một hôm chồng bà, John Marsch, bảo em ơi, thay vì đọc hàng ngàn quyển sách, sao em không viết lấy 1 quyển cho riêng mình?
Đó là 1 ngày tháng 5 năm 1926. Vậy là bà bắt đầu cuộc hành trình gian khó trong suốt 10 năm liền. Trong 10 năm đó bà ăn ngủ sống chết cùng tác phẩm. Có những khi trong phòng riêng người nhà nghe bà hét lên "Melanie chết rồi!" cùng tiếng khóc thổn thức của bà.
Có lẽ người đáng thương chính là John, người luôn ủng hộ vợ, ông là người mua cho bà chiếc máy đánh chữ, để từ đó bà không còn biết đến thế giới bên ngoài, khóc cười như 1 kẻ điên.
Và trời không phụ lòng người. Năm 1936 Cuốn theo chiều gió ra đời và thành công vang dội, là best seller trong 2 năm liền. 1 năm sau, năm 1937, tác phẩm nhận giải thưởng quốc gia dành cho thể loại tiểu thuyết (National Book Award for Novel), cùng năm đó là giải ao ước Pulitzer Prize for Fiction.
Đó cũng là tác phẩm duy nhất của bà. Một quyển thôi cũng đủ đưa tên tuổi của bà lên ngôi cao. Lưỡi gươm trí tuệ chỉ 1 lần tuốt khỏi vỏ đã chinh phục được quần hùng năm châu.
Chỉ tiếc là Cuốn theo chiều gió đã không nhân được giải Nobel văn chương. Dù vậy Cuốn theo chiều gió vẫn là tác phẩm được đọc nhiều nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Bible.
***
3 năm sau khi ra đời, năm 1939, Cuốn theo chiều gió được nâng lên 1 tầm cao mới khi được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, cũng dài hờn căm gần 4 tiếng.
Tháng 2 năm 1940, trong buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 12, Gone with the wind nhận 8 giải chính và 2 giải danh dự, lập kỷ lục lớn thời bấy giờ, trong đó Vivian Leigh trong vai Scarlett, Clark Gable, vai Rett Butler nhận giải diễn viên chính xuất sắc nhất; thêm 2 giải diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho vai Melanie và bà vú da đen Mammy. Còn Victor Fleming nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất.
Khi vừa ra lò, bộ phim được tán thưởng nồng nhiệt, phá kỷ lục khắp các phòng vé. Chỉ tính riêng nước Mỹ trong 4 năm đầu, Gone with the wind bán được 60 triệu vé, bằng 1/2 dân số lúc bấy giờ.
Gone with the wind sau đó chinh phục cả thế giới. Năm 2007 công ty giải trí Turner Entertainment ước đoán doanh số của bộ phim khoảng 3.3 tỷ tính theo thời giá. Còn kỷ lục Guinness ước đoán là 3.44 tỷ năm 2014. Đây là những con số không tưởng dành cho 1 bộ phim. Hollywood xem Gone with the wind là viên kim cương quý. Cho đến tận hôm nay, số liệu từ các hãng thăm dò năm 2008 và 2014 cho thấy đây là bộ phim được xem nhiều nhất trong lịch sử Hollywood.
❤️❤️❤️❤️❤️
Hạt Clayton, cách thành phố Atlanta vài mươi cây số, thuộc tiểu bang Georgia, vào 1 ngày tháng tư năm 1861, tiết xuân đến sớm hơn thường lệ với những đợt mưa rào ấm áp, hoa đào khắp nơi đua nở, điểm xuyến cho 1 màu xanh bạt ngàn từ các cánh đồng và khu rừng còn hoang sơ của miền Georgia. Từ gia trang Tara của gia đình điền chủ họ O'Hara nhìn ra là cánh đồng bông vải ngút tầm nhìn trên miền đất đỏ phì nhiêu mà thiên nhiên ban tặng cho tiểu bang miền nam trù phú này.
Đó là thời kỳ thái bình thịnh vượng của miền nam, với rất nhiều điền chủ trở nên giàu có từ khai khẩn nông nghiệp, đặc biệt là bông vải. Nguồn lao động chính yếu nhờ vào lực lượng nô lệ da đen từ châu Phi. Nhà giàu thì vài trăm mạng, nghèo lắm cũng có vài mạng. Gia đình nào không có nô lệ được xem là bọn da trắng bần cùng.
Nhưng những ngày tươi đẹp đó sắp đi qua. Chiến tranh lù lù đến, đang phả hơi nóng từ sau gáy. Đó là cuộc nội chiến giữa 2 phe: Miền nam với 11 tiểu bang ly khai, muốn tiếp tục duy trì nô lệ, nguồn nhân lực chính cho những đồn điền rộng lớn, và 23 tiểu bang miền bắc có nền công nghiệp phát triển, muốn giải phóng nô lệ, thực hiện bản tuyên ngôn từ thời lập quốc, với sự lãnh đạo của vị tổng thống vĩ đại Abraham Lincoln.
Scarlett O'Hara là tiểu thư tuổi 16 của gia trang Tara. Mẹ là Ellen thuộc dòng dõi quý tộc miền nam nước Pháp, cha là Gerald O'Hara, 1 nông dân nghèo từ Ireland với ý chí mạnh mẽ và khát khao đổi đời trên miền đất mới.
Scarlett không phải là 1 cô gái đẹp theo nghĩa truyền thống, nhưng có sức quyến rũ lạ kỳ nhờ vào sự duyên dáng trời cho. Chết người ở chỗ nàng ý thức được sắc đẹp của mình, từ đó trở kiêu ngạo và có phần ích kỷ.
Khi tình cờ biết Ashley Wilkes, chàng thanh niên điển trai nho nhã mà nàng thầm yêu từ lâu, sẽ đính hôn cùng Melanie trong buổi dạ tiệc sắp tới dành cho các điền chủ trong vùng, nàng thảng thốt, lòng kiêu hãnh bị xúc phạm. Quá tự tin với sự quyến rũ của mình, Scarlett cho rằng đó là vì Ashley chưa biết cái tình của nàng. Vậy là nàng quyết định tìm Ashley để thổ lộ, sau đó cả 2 có thể bỏ trốn để xây tổ uyên ương.
Trái với niềm tin ngây ngô của mình, Ashley đã từ chối nàng và vẫn tiếp tục ý định cưới Melanie. Lòng tự ái của một cô gái kiêu kỳ bị tổn thương nặng, ngay trong buổi dạ tiệc đó nàng nhận lời lấy Charles Hamilton như 1 sự trả thù vụng dại.
***
Chiến tranh bùng nổ. Các chàng trai công tử hào hoa hăng hái lên đường. Với họ chiến tranh chỉ là 1 trò chơi thú vị và dễ dàng chiến thắng. Bọn Yankee miền bắc chỉ là những kẻ nhút nhát so với trai hùng của miền nam.
Không lâu sau đó, chiến tranh bắt đầu hiện rõ bộ mặt tởm lợm của nó. Các tờ giấy báo tử liên tục bay về, hàng ngàn thương binh đưa trở lại tuyến sau điều trị, máu me và tiếng rên la suốt ngày đêm phủ lên khắp nơi một màu xám xịt.
Charles chồng của Scarlett chết vì bệnh ở căn cứ California trước khi kịp ra chiến trường, nàng trở thành góa phụ ngây thơ ở tuổi 16. Scarlett phải để tang chồng, từ việc phải mặc đồ đen, không được vui vẻ nói cười với bất đàn ông nào khác, đến hạn chế mọi niềm vui..v.v.. Điều này quá kinh khủng cho 1 cô gái tuổi xuân thì đầy cá tính như nàng.
Scarlett sau đó được mẹ đưa lên Atlanta ở cùng Melanie cho khuây khỏa. Nơi đây nàng trở thành y tá thiện nguyện cho thương binh. Cũng nơi đây Scarlett gặp lại Rhett Bulter, giờ đây là viên thuyền trưởng vượt phong tỏa nổi tiếng để đem về các nhu yếu phẩm cho miền nam.
Rhett là 1 chàng trai cũng thuộc dòng dõi quý tộc miền nam. Chàng không tin vào lý tưởng cuộc chiến, và là 1 con người tài ba nhưng thực dụng. Cho dù cuối cùng chàng vẫn tham gia cuộc chiến như là 1 minh chứng cho tình yêu quê hương của mình. Rhett mưu lược, bản lĩnh và có phần khinh bạc, mặc cho dân miền nam không ưa thích mình.
Điều tai họa nhất của Rhett chính là việc chàng đem lòng yêu Scarlett, 1 cô gái bướng bỉnh, luôn từ chối tình yêu của chàng, mặc dù chàng là người luôn bên cạnh và đỡ đần cô những lúc nguy nan. Scarlett vẫn còn mơ tưởng bóng hình của Ashley, vẫn mong 1 ngày Ashley trở lại với mình.
***
Cuộc chiến xảy ra trên diện rộng, khắp các tiểu bang miền nam. Trong 3 năm từ 1862 đến đầu 1865 nhờ tài thao lược của tướng Robert E. Lee mà miền nam đẩy lùi được nhiều cuộc tiến công từ quân miền bắc. Năm 1864 tướng Ulysses S. Grant trở thành tổng tư lệnh quân miền bắc. Từ đây cục diện thay đổi. Nhiều trận đánh đẫm máu xảy ra, quân miền nam dần dần thất thế.
Thành phố Atlanta bị bao vây tấn công dữ dội. Dân tình tìm cách di tản, Scarlett muốn về đồn điền Tara lánh nạn cùng với Melanie đang mang thai. Trong tình cảnh rối ren đó chính Rhett là người 1 lần nữa giúp cô phương tiện.
Về đến nhà cô không tin nổi mắt mình vì cảnh tượng kinh hoàng: Ngôi nhà bị tàn phá nặng nề, hầu hết nô lệ đã bỏ trốn. Mẹ cô qua đời, cha trở nên mất trí, 2 em gái ốm liệt giường.
Chính lúc này đây dòng máu Ái nhĩ Lan ngoan cường trong cô bắt đầu chảy, tình yêu đất trỗi dậy mạnh liệt. Nhớ năm xưa cha cô, Gerald từng bảo đất đai là thứ duy nhất tồn tại, thứ duy nhất xứng đáng để chúng ta làm việc cật lực, và sẳn sàng chết để bảo vệ nó.
Scarlett cho phép mình trọn 1 đêm khóc than rồi ngày mai bắt đầu xốc vác lại. Gác lại quá khứ 1 bên, bằng mọi cách cô phải vực dậy Tara, phải ngoan cường chống trả, không để bị cuốn theo chiều gió, theo cơn lốc chiến tranh tàn khốc. Cô làm mọi thứ công việc kể cả những công việc đồng áng nặng nề năm xưa chỉ dành cho nô lệ da đen.
❤️❤️❤️
Tháng 4 1865, cuối cùng rồi tướng Grant cũng buộc được tướng Lee đầu hàng. Cú nốc ao cuối cùng chính là ở hạt Appomattox thuộc bang Virginia, nơi tướng Lee đưa quân xuôi dòng sông Appomattox, điểm cuối chính là nhà ga Appomattox, nơi ông đang chờ những chuyến xe lửa chở lương thực tiếp tế. Nhưng quân miền bắc đã đi tắt đón đầu. Họ chặn đánh và phá hủy toàn bộ 3 chuyến xe lửa tiếp tế. Tướng Lee đành thúc thủ.
Buổi trưa ngày 9 tháng 4, 2 tướng Lee và Grant gặp nhau ở tòa án hạt Appomattox để thảo luận và ký các văn bản đầu hàng. Từ Virginia tin tức lan đi. Các tiểu bang miền nam khác nhanh chóng làm điều tương tự, kết thúc cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử Mỹ.
****
Chiến tranh chấm dứt, nước Mỹ bắt tay vào xây dựng lại từ đống hoang tàn. Ở điền trang Tara, Scarlett lại rơi vào nghịch cảnh. Các đồn điền miền nam giờ đây đã không còn nô lệ lại bị đánh thuế rất cao.
Làm sao đây,bằng mọi giá không thể để mất Tara. Một lần nữa cô nhờ đến Rhett, lúc này vô cùng giàu có. Nhưng Rhett nhận ra Scarlett chỉ lợi dụng mà không hề có tình cảm với chàng, và vẫn còn mơ về Ashley. Vậy là Rhett từ chối.
Trong cơn tuyệt vọng, Scarlett tình cờ gặp Frank Kennedy, chồng chưa cưới của em gái nàng là Suellen, nay đã là chủ một cửa hàng và có một khoản tiền khá. Bằng cách nói dối Frank rằng Suellen đã lấy người khác, Scarlett đã quyến rũ Frank để ông lấy mình. Nàng đã thành công và có tiền cứu Tara.
Số phận lại tiếp tục trêu đùa Scarlett. Frank sau đó đã chết trong một vụ xung đột. Ngay khi ấy Rhett lập tức cầu hôn nàng. Scarlett đồng ý, vì Rhett giàu có và cung phụng nàng đủ thứ, dù trong lòng nàng vẫn chỉ là Ashley. 2 người có với nhau 1 con gái được đặt tên là Eugenia Victoria.
Cứ tưởng hạnh phúc cuối cùng đã gõ cửa, nhưng Scarlett vẫn lạnh nhạt với Rhett, và không dứt được mối tình si Ashley. Đau buồn và giận dữ về điều đó, Rhett và con gái bỏ đi khỏi Atlanta.
***
Một hôm Melanie vợ của Ashley sinh thêm em bé. Do thể trạng quá yếu nàng qua đời. Chính sự cố này làm Scarlett bừng tỉnh. Nàng nhận ra Melanie không phải là tình địch, mà là một người bạn thân thiết. Còn Ashley chỉ là kẻ tầm thường mà nàng ảo tưởng tình yêu. Hóa ra bấy lâu nay nàng tự may chiếc áo lộng lẫy yêu kiều rồi khoác lên Ashley mà không cần biết anh có vừa không. Nàng chỉ yêu chiếc áo đó, chứ không phải là một chàng Ashley quá đỗi tầm thường.
Trong cơn tuyệt vọng đó, nàng nghĩ về Rhett, và chợt ngộ ra Rhett mới chính là người đàn ông của mình. Ảo ảnh quá lớn của Ashley đã che mờ tình yêu của Rhett. Rhett luôn luôn ở bên Scarlett mỗi khi nàng cần và giúp đỡ nàng theo cách tuyệt vời nhất, bằng sự thông hiểu sâu sắc.
Nàng vội vã đi tìm Rhett. Nhưng với Rhett tình yêu đã cạn, nhất là sau cái chết của con gái yêu Eugenie trong vụ tai nạn cưỡi ngựa. Sợi tơ buộc cuối cùng đã đứt, tình yêu vỗ cánh bay. Rhett trở lại là một gã đàn ông bản lĩnh, đến lạnh lùng, tàn nhẫn trước lời bộc bạch tình yêu chân thành lẫn van nài của Scarlett. Khi hạnh phúc mất đi người ta mới hiểu được chân giá trị.
Scarlett lặng lẽ nhìn theo bóng Rhett đang dần rời xa mình, và chấp nhận. Ngày mai nàng sẽ về lại điền trang Tara, nơi nàng đã vực dậy từ cõi chết. Scarlett tin rằng mình có thể chiếm lại được Rhett. Chưa người đàn ông nào có thể cưỡng lại nàng nếu nàng quyết tâm chinh phục.
Trước hiên nhà Tara ngập nắng, Scarlett đứng mắt xa xăm nhìn ra cánh đồng, miệng nhẩm 1 câu quen thuộc:
"After all, tomorrow is another day" - Sau tất cả, ngày mai rồi sẽ khác.
❤️❤️❤️❤️❤️
Gone with the wind là 1 tuyệt phẩm trong kho tàng văn học thế giới. Đó là kết quả của 10 năm khổ nhọc, vắt kiệt tim óc của tác giả Margaret Mitchel để đem lại cho đời 1 món quà quý giá.
Tuy vậy, tác phẩm cũng không tránh khỏi khen chê. Một vài nhà phê bình văn học cho Gone with the wind không hay như những lời khen tụng. 1 tác phẩm quá dài, với nội dung không xuất sắc. 1 số phê bình bà về những lời lẽ có tính phân biệt chủng tộc. 1 số khác cho là nhân vật Scarlett không phải là một hình mẫu để soi gương. Cô đôi khi cũng điêu ngoa, giả tạo để đạt mục đích của mình.
Thì đúng vậy, Margaret không có ý tạo nên một Scarlett hoàn hảo, mà rất đời thường. Có lần được hỏi thông điệp của tác phẩm là gì. Thông điệp nếu có chính là khả năng sinh tồn, bà trả lời như vậy. Trước những cơn gió lốc thời cuộc tàn bạo, hoặc là bạn bị cuốn theo, hoặc là bạn phải ngoan cường chống lại.
Tuy nhiên, phê bình là chuyện của những nhà chuyên môn, còn người phán quyết cuối cùng chính là độc giả. Cuốn theo chiều gió được hàng chục triệu người yêu mến khắp nơi trên quả địa cầu. Đó chính là nhận xét giá trị nhất dành cho tác phẩm.
❤️❤️❤️❤️❤️
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro