Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 5

Tôi rất hài lòng thấy người ta không thể có hai lần lên cơn sốt của mối tình đầu. Bởi vì đó là một căn bệnh và là một gánh nặng, mặc cho các thi sĩ nói gì thì nói. Họ không có niềm vui của những ngày trong năm hai mươi mốt tuổi. Họ đầy những nhút nhát nhỏ nhặt, những nỗi lo sợ cỏn con không có cơ sở và người ta dễ dàng bị tan vỡ, bị xúc phạm, ngưòi ta rơi vào những dây thép gai đầu tiên.

Hôm nay khoác cái áo giáp nhẹ của tuổi trưởng thành, những mũi châm nhỏ chỉ chạm nhẹ vào người và sẽ được lãng quên ngay. Nhưng vào thời đó, một câu nói vô tâm nặng nề biết là bao, nó như ăn vào bằng những chữ lửa, và một cái nhìn nghiêng qua vai khắc sâu vào mình một cách vĩnh viễn. Tâm hồn người lớn có thể nói đối với lương tâm bình thản và thái độ vui vẻ, nhưng vào thời, một mưu mẹo nhỏ nhoi cũng chẳng dám nói ra.

"Sáng nay cô làm gì?" Tôi còn trông thấy bà tỳ khuỷu tay lên gối với nét mặt cau có nhẹ nhàng của một căn bệnh không thực sự đau đớn và đã nằm nghỉ từ lâu, trong lúc tôi lấy cỗ bài trong tủ, tôi thấy cổ tôi đỏ ran vì có lỗi.

- Tôi chơi quần vợt với giáo sư! – Tôi trả lời và lo sợ về câu nói dối của mình, bởi vì nếu ông giáo dạy quần vợt lên buồng phàn nàn với bà tôi không đến học, thì tôi sẽ ra sao?

Tôi đã không tập quần vợt với giáo sư kể từ ngày bà bị bệnh, và đến bây giờ cũng đã hơn mười lăm ngày rồi. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại cứ bám lấy lý do ấy, và tại sao tôi lại không dám nói mỗi buổi sáng tôi vẫn đi chơi xe với ông Max đờ Winter và ăn bữa trưa với ông ở khách sạn?

Tôi đã quên rất nhiều vấn đề về Monte Carlo, về những cuộc đi chơi bằng xe buổi sáng, và ngay cả những câu chuyện giữa chúng tôi. Nhưng tôi đã không quên những ngón tay tôi đã run lên như thế nào lúc tôi đội cái mũ lên đầu, và tôi chạy như thế nào trong hành lang, và xuống cầu thang rất sốt ruột lúc chờ đợi thang máy.

Ông ấy cũng chờ tôi, ngồi bên tay lái, đang đọc tờ báo mà ông vội vứt vào ghế đằng sau lúc trông thấy tôi và mỉm cười mở cửa xe đồng thời hỏi:

- Buổi sáng nay cô bạn tôi thế nào, muốn đi đến đâu?

Ông có thể đi vòng quanh vô tận tôi cũng chẳng quan tâm đến vì tôi đang ở trong tình trạng choáng mắt mà trèo lên ngồi xuống cạnh ông và nghiêng mình về phía cửa kính, hai đầu gối gập lại, cũng đã là thái quá lắm rồi. Tôi như một cô học sinh nhỏ phải lòng một người lớn.

- Sáng nay gió lạnh, cô nên khoác cái áo măng tô của tôi vào.

Tôi còn nhớ điều đó bởi vì tôi còn khá trẻ để thấy hạnh phúc được mặc áo ông, cứ như một học trò nhỏ đắc thắng được mặc chiếc áo len chui của người hùng.

Những nét yếu đuối và tinh vi mà tôi đã đọc thấy trong tiểu thuyết không phải là với tôi, cũng không cả khiêu khích, xô xát và nụ cười khiêu gợi. Nghệ thuật làm đỏm tôi không biết, và tôi ngồi im lặng, tấm bản đò xe của ông trên đầu gối tôi, gió thổi vào bộ tóc sạm của tôi, sung sướng trong im lặng, tuy nhiên tôi khao khát lời nói của ông. Ông nói hay không cũng chẳng làm thay đổi được khí sắc của tôi. Kẻ thù độc nhất của tôi là chiếc đồng hồ trên bảng xe mà kim nhỏ của nó cứ nhích dần đến số một. Xe chúng tôi chạy về hướng đông, chạy về hướng tây, giữa biết bao làng mạc bám vào bờ biển Địa Trung Hải, và tôi không nhớ tên một làng nào.

Tôi chỉ nhớ đến sự tiếp xúc với ghế da, hình dáng tấm bản đồ trên đầu gối, những đường viền bị rách, những nếp gấp bị nát, và một hôm nhìn chiếc đồng hồ tôi tự nói: "Lúc này mười một giờ hai mươi, sẽ không bao giờ được mất đi!". Và tôi nhắm mắt lại để được sống từng trải sâu xa hơn. Lúc tôi mở mắt, thấy chúng tôi đã tới chỗ đường rẽ và một cô gái nông thôn trẻ tuổi, với chiếc khăn quàng đen, giơ tay vẫy chào chúng tôi. Tôi lại thấy cô ấy với cái váy bám bụi, nụ cười thân mật và vui tươi, sự kiện đó chỉ xảy ra trong một giây, chỗ rẽ đó xa và chúng tôi không còn thấy cô nữa. Cô ấy đã thuộc về quá khứ, chỉ còn là một kỷ niệm.

- Nếu người ta có thể phát minh ra được một thứ gì, - Tôi nhanh nhảu nói, - nó có thể chứa đựng được một kỷ niệm trong cái lọ như chứa nước hoa, không bao giờ bốc hơi và phai nhạt đi được. Khi nào muốn, người ta có thể mở mút lọ ra và sống lại một lúc thời qúa khứ.

Tôi ngước mắt lên nhìn xem ông nói sao. Ông không quay lại nhìn tôi, ông chỉ nhìn đường.

- Thời kỳ trẻ trung nào mà cô muốn mở mút ra? – Ông nói, và tôi không thể phân biệt được ông có trêu tôi không.

- Em không biết nữa! – Tôi thốt ra rối đánh liều một cái như hóa dại, không nghe mình nói gì. – Em muốn giữ lúc này không bao giờ mất cả.

- Đó là một vinh quang cho vẻ đẹp của đất trời hay là của cách tôi lái xe? – Ông vừa nói vừa cười như một người anh giễu cợt.

Tôi nín lặng, đột nhiên lo lắng về độ rộng lớn của cái hố nó ngăn cách chúng tôi và về lòng tốt của ông ấy đối với tôi cứ mở rộng mãi.

Thế là tôi hiểu rằng sẽ chẳng bao giờ mình nói được với bà Van Hopper về những cuộc đi chơi buổi sáng này, vì nụ cười của bà sẽ xúc phạm tôi như nụ cười của ông lúc này. Bà sẽ không tức giận, không phật ý, bà sẽ chỉ khẽ nhướn lông mày lên như thể không hoàn toàn hiểu tôi nói gì, rồi bà khẽ nhún vai nói một cách độ lượng:

- Ông ta làm việc đó thật rất tốt và đáng mến lắm, cô bé cuae tôi ạ!... Tuy nhiên cô có giám chắc rằng như thế có làm phiền ông ta quá không?

Rồi bà vỗ vào vai tôi và sai đi mua một thứ hàng. Tôi nghĩ bụng: "Trẻ quá thật nhục" và tôi lại nhấm móng tay.

Tôi vẫn còn bị bứt rứt vì nụ cười của ông và vứt bỏ mọi ý tứ cho gió, tôi nói một cách mãnh liệt:

- Em muốn được là một người đàn bà ba mươi sáu tuổi mặc bộ đồ sa tanh đen, cổ đeo chuỗi hạt ngọc!

- Nếu cô như vậy thì đã chả ngồi ở đây trong xe này với tôi, và xin cô đừng nhấm móng tay nữa, như thế cũng đã đủ xấu rồi!

- Ông sẽ thấy em là tọc mạch, là vô lễ, em biết thế, nhưng tôi muốn biết tại sao hàng ngày ông chịu khó dẫn em đi chơi.? Ông tốt lắm, đúng thế, những tại sao ông lại chọn em làm vật bố thí? Việc đó rất tốt, ông đã biết tất cả những gì cần biết về em, cũng chả có vấn đề gì lắm! Còn về ông, em không biết gì hơn ngày mới gặp ông.

- Ngày đó cô biết gì về tôi nào?

- Thế này, ông ở Manderley và... và ông đã mất vợ!..

Tôi thốt ra được câu nói đó, nó đã đè nặng lên lưỡi nó từ nhiều ngày nay. "Vợ ông" câu đó rất tự nhiên, không chống đối, như thể vấn đề thốt nó ra là rất thường tình. Vợ ông. Một khi đã thốt ra được, nó lửng lơ trong không khí, nhảy nhót trước mặt tôi và, vì ông thầm lặng nghe mà không trả lời, câu nói đó bành chướng ra trở thành thứ gì tai ương và nguy hiểm, một danh từ cấm đoán, bất bình thường. Và tôi không thể lấy lại được nữa, sẽ không bao giờ. Một lần nữa tôi lại thấy lời đề tặng trên trang đầu quyển sách thơ và chữ R lạ kỳ bao trùm. Tôi thấy đau nhói trong tim, tôi cảm thấy lạnh. Ông sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi và sẽ kết thúc tình bạn của chúng tôi.

Tôi nhìn kính chắn gió, tôi nhớ lại, chẳng chú ý gì đến con đường đang chạy trốn, hai tai tôi còn vang câu nói đó. Im lặng trở thành phút và phút thành km. Tôi tự nhủ bây giờ là hết tất cả, tôi sẽ không bao giò còn được đi chới với ông. Ngày mai ông sẽ ra đi. Bà Van Hopper sẽ đứng lên được. Bà và tôi sẽ cừng đi chơi trên hành lang như trước đây. Người gác cổng sẽ mang hành lý của bà xuống, tôi đã trông thấy chúng để trong phòng với những nhãn mới dán.

Bị mê mải vì những hình ảnh đó, tôi không nhận thấy xe đã đi chậm lại, chỉ đến lúc nó dừng hẳn ở lề đường, tôi mới trở lại với thực tế. Ông vẫn ngồi im lặng, giống hơn bao giờ hết, với chiếc mũ da và khăn quàng trắng, người trung cổ trong một chiếc khung.

Người bạn đã ra đi cùng với long tốt, tình bạn dễ dãi. Người anh nữa, thường hay chế giễu tôi về tật nhấm móng tay. Người ngồi kia là một người lạ. Tôi tự hỏi tôi ở trong xe ông ta để làm gì?

Thế là bỗng nhiên ông quay lại tôi và nói:

- Lúc nãy cô có nghĩ đến một phương thức để giữ gìn kỷ niệm. Cô nói, cô muốn trong một lúc nào đó có thể sống lại quá khứ. Tôi e rằng tôi hơi khác với cô về vấn đề đó. Tất cả những kỷ niệm đều cay đắng nên tôi muốn quên chúng hết. Cách đây một năm, một sự kiện xảy đến làm thay đổi hẳn đời tôi, và tôi mong muốn quên hết cuộc sống của tôi cho đến tận lúc này. Những ngày đó đã hết rồi, chúng đã bị xóa sạch rồi. Tôi cần phải bắt đầu sống lại cuộc sống mới hoàn toàn. Rõ ràng là tôi chưa thành công được. Có nhiều khi hương liệu quá mạnh đối với cái lọ, quá mạnh cả với tôi nữa. Thế rồi trong tôi còn có con quỷ nó muốn bật nút lọ ra. Điều đó đã xảy ra trogn cuộc đi chơi đầu tiên của chúng ta, lúc chúng ta trèo lên ngọn đồi và nhìn xuống vực thẳm. Cách đấy mấy năm tôi đã đến đấy cùng với vợ tôi. Cô đã hỏi tôi nơi ấy có hoàn toàn giống như trước không hay đã thay đổi. Nó vẫn như thế, nhưng – tôi lẫy làm sung sướng – nó phí nhân tính một cách kỳ lạ. Nó không còn giữ một chút vết tích gì về vợ tôi và tôi. Có lẽ tại có co ở đó. Cô đã xóa nhòa quá khứ, thực sự tác dụng hơn nhiều tất cả mọi thứ ánh sáng của Monte Carlo mà tôi đã đến mới mục đích đó. Không có cô, tôi đã bỏ đi xa từ lâu rồi, tôi đã có thể ở Ý, Hy Lạp, có thể còn xa hơn. Cô đã tránh cho tôi tất cả các cuộc hành trình đó. Tôi đã có khá đủ những chuyện nghiệt ngã về cô. Tôi đã chán những ý nghĩ của cô về lòng tốt và lòng từ thiện của tôi rồi. Nếu tôi yêu cầu cô đi chơi với tôi, bởi vì tôi cần cô, cần có cô, và nếu cô không tin tôi, cô có thể xuống xe này ngay bây giờ và trở về một mình. Nào, cô cứ việc mở xe ra.

Tôi im lặng, hai tay vẫn để lên đầu gối, không hiểu ông có nói đúng như ông nghĩ không.

- Thế nào! – Ông nói tiếp. – Cô quyết định thế nào?

Nếu tôi kém hơn một vài tuổi, tôi tin là tôi đã òa lên khóc. Những giọt nước mặt của trẻ con bao giờ cũng ở ngay sát dưới làn da và sẵn sàng tuân ra ở cơ hội đầu tiên. Trong tôi, chúng cũng không có ở sâu hơn, tôi đã cảm thấy chúng rỉ ra ở đằng sau mí mắt tôi, tôi cảm thấy mặt tôi đỏ ửng, và liếc nhìn vào tấm gương phản chiếu trên cửa kính xe, tôi thấy được tất cả vẻ thảm hại của cặp mắt bối rối, của vặp má đỏ ửng với bộ tóc thẳng đuỗn phồng lên dưới vành mũ dạ rộng của tôi.

Tôi bèn lên tiếng, giọng đã chực run run tai hại:

- Em muốn quay về!

Ông khởi động xe và vòng lại không nói một câu. Xe chúng tôi chạy nhanh trên đường về, quá nhanh theo ý muốn của tôi, quá dễ dàng chúng tôi lại đi qua chỗ đường rẽ mà tôi đã muốn nhốt kỷ niệm, cô thôn nữ không còn đó nữa và các màu sắc đã xỉn lại, dù sao cũng chảng có gì khác một quãng đường ngoặt có hàng trăm xe qua lại. Niềm kiêu hãnh trưởng thành rã rời và những giọt nước mắt đáng khinh của tôi, lúc nẫy sung sướng vì thắng lợi, cứ dâng đầy lên và bắt đầu chảy xuống mà.

Tôi nghĩ đến tất cả các nữ nhân vật trong tiểu thuyết khi khóc lại càng đẹp lên, còn tôi, bộ mặt phụng phịu vaf cặp mắt đỏ hoe.

Buổi sáng hôm đó kết thúc như vậy. Những giờ còn lại trong ngày đối với tôi dài dằng dặc. Tôi sẽ phải ăn trưa với bà Van Hopper trong phòng bà, bởi vì hôm nay là ngày chị y tá ra về. Sau đó lại bắt tôi chơi bài tay đôi với nghị lực không biết mệt của người dưỡng bệnh. Tôi sẽ ngột ngạt trong căn phòng đó. Có cái gì bần tiện trong những tấm dạ nhầu nát, những chiếc khăn rơi thõng, chiêc gối lún xuống, và cái bàn ngủ kia lấm tấm phấn, có mùi nước hoa đổ và sáp môi. Giường ngủ của bà ngổn ngang những thứ báo chí gấp mở lung tung, những quyển tiểu thuyết Pháp góc cạnh quăn queo bìa bị xé, những tờ họa báo Mỹ, những đầu mẩu thuốc lá vứt khắp chỗ, trong các lọ kem xoa mặt, trong những bình nhỏ để dưới đất bên cạnh giường. Những khách đến thăm đã quá lãng phí hoa, các lẵng hoa xếp chen chúc nhau đủ các thứ hoa. Thế rồi sẽ còn những nguời bạn đến chậm nữa, phải pha chế rượu.

Biết bao công việc vặt vãnh đang đợi tôi trong phòng. Còn ông bạn tôi, sau khi từ giã tôi trước cửa khách sạn, sẽ một mình đi về phía bể theo hướng mặt trời, gió đùa trên má. Và có thể ông sẽ chìm ngập trong ký ức mà tôi không hiểu gì, không san sẻ được và đi vào những năm quá khứ của mình.

- Thôi!

Đột nhiên ông nói thế, như bị kích động bởi bị chọc tức, bởi buồn chán, ông kéo tôi lại ông, quàng tay lên vai tôi, không ngừng nhìn phía trước mặt, tay phải nắm bánh lái. Ông điều khiển xe nhanh hơn. Tôi còn nhớ ông nói: "Cô cũng khá trẻ để có thể là con gái tôi, và tôi không biết đối với cô như thế nào"

Đường gần đến chỗ rẽ và ông phải bẻ mạnh tay lái để tránh một con chó. Tôi nghĩ là ông sẽ bỏ tôi ra, nhưng ông vẫn cứ tiếp tục giữ lấy tôi mà lái xe, và sau khi đi khỏi chỗ rẽ rồi, đường đã thẳng, ông vẫn không rút tay lại:

- Cô có thể quên tất cả những gì tôi đã nói với cô buổi sáng nay,. Tất cả những điều đó đã chấm dứt rồi, bị hủy bỏ rồi. Không bao giờ chúng ta còn nghĩ đến đấy. Gia đình tôi vẫn gọi tôi là Maxim, tôi mong cô cũng sẽ gọi tôi như thế - Tay ông lần đến gần cái vành mũ của tôi, ông lật nó ra và ném qua vai xuống ghế đằng sau, rồi ông nghiêng người hôn lên mái tóc tôi – Cô hãy hứa với tôi sẽ không bao giờ mặc đồ sa tanh đen nữa.

Thế là tôi mỉm cười, ông cũng cười nhìn tôi. Buổi sáng đã thấy lại niềm vui của ông, buổi sáng chói lọi. Bà Van Hopper và buổi chiều không còn là cái bóng quan trọng nữa. Tất cả cái đó sẽ qua đi rất nhanh, buổi tối sẽ mau đến, và cả sáng mai nữa.

Tôi vẫn còn khá trẻ con để tự hào về một cái tên như về cái lông cắm trên mũ, mặc dù ngay từ ngày đầu ông đã gọi tôi bằng tên, Buổi sáng, mặc dù có những lúc ảm đạm, hứa hẹn với tôi một bậc thang mới trong tình bạn. Tôi không đến nỗi thấp hèn như tôi tưởng. Thế rồi ông đã hôn tôi với một vẻ rất tự nhiên, an ủi và bình tĩnh. Chẳng có gì là bi tráng như trong sách. Chẳng cso gì là phiền phức. Điều đó mang lại một thoải mái mới trong mối quan hệ của chúng tôi, điều đó có vẻ rất đơn giản. Tóm lại cái hố ngăn cách giữa chúng tôi đã vượt qua được rồi. Tôi phải gọi ông là Maxim. Và buổi chiều hôm đó đánh bài tay đôi với bà Van Hopper cũng không đến nỗi buồn chán như tưởng tượng mặc dù tôi không đủ can đảm nói cho bà hay về buổi sáng của tôi. Bởi vì lúc thu các lá bài lại để cất vào hộp, bà lững lờ hỏi tôi:

- Này, cô cho tôi biết ông Max de Winter vẫn còn ở khách sạn đâys chứ?

Tôi lưỡng lự một lát, như người nhẩy lộn trên xà nhún, lúc đứng chuẩn bị, rồi mất hẳn sự vững vàng, tôi nói:

- Vâng, có lẽ thế!... Bữa ăn ông đến khách sạn.

Tôi nghĩ bụng, có ai đã nói với bà chúng tôi đi với nhau, hay thầy giáo quần vợt đã phàn nàn, ông chủ khách sạn đã gưi cho bà một chữ, và tôi chờ cuộc tấn công. Nhưng bà vẫn tiếp tục xếp những lá bài vào trong hộp, vừa xếp vừa ngáp, trong khi tôi sắp sếp lại giường chiếu. Tôi đưa cho bà hộp phấn, hộp sáp môi và bà để hộp bài rồi cầm lấy cái gương trên bàn ngủ. Bà nói:

- Ông ta là một người hấp dẫn đấy, nhưng về tính tình tôi cho là hơi khó hiểu. Tôi tin là ông có thể mời tôi đến chơi Manderley. Nhưng chỉ thấy ông mới sắp mời hôm vừa rồi ở ngoài hành lang.

Tôi chẳng nói gì. Tôi nhìn bà cầm cục sáp môi vẽ một hình cánh cung trên môi. Bà nói tiếp:

- Tôi chưa đến đấy bao giờ - vừa nói bà vừa đưa cái gương ra xa để ngắm kết quả - nhưng tôi tin là nó rất đẹp. Trang trí tuyệt diệu và lộng lẫy về mọi phương diện. Ở đấy người ta đã tổ chức những cuộc liên hoan huy hoàng. Sự kiện đã xảy ra đột ngột và và bi thảm, và tôi tin là ông ấy quý mến bà ấy lắm. Tôi cần phải có ít phấn trắng nữa vơi loại sáp đỏ này...

Như vậy chúng tôi bận bịu trong phấn sáp nước hoa cho tới khi khách đến. Tôi phục vụ họ pha chế rượu, không nói một câu. Tôi thay đổi đĩa hát vá vứt những mẩu thuốc lá.

- Trong thời gian này cô có vẽ không thế, thưa tiểu thư?

Sự thân mật miễn cưỡng của một ông chủ nhà băng già, chiêc kính một mặt của ông đung đưa ở đầu một dải băng đen, và nụ cười rộng rãi của tôi không chân thành.

- Thưa ông ạ! Từ ít lâu nay tôi không vẽ. Xin mời ông xơi thuốc.

Không phải là tôi nói, tôi không có mặt ở đây. Tôi đang theo đuổi trong tâm trí một con ma mà bóng của nó vừa mới hiện hình. Những nét của nó mờ ảo, mầu sắc của nó không rõ rệt, hình dáng cặp mắt và đặc tính của bộ tóc nó còn mơ hồ, cần phải xác định.

Bà ta có một sắc đẹp bền vững và một nụ cười mà người ta không thể quên được. Tiếng nói của bà ta còn vang vọng đâu đây. Có những nơi bà ta đã đến thăm, những vật mà bà ta đã mó vào. Có thể trong ngăn tủ còn đựng những quần áo mà bà ta đã mặc còn giữ lại hơi hướng của bà. Trong phòng tôi, dưới cái gối, tôi có quyển sách mà ba ta đã cầm mà tôi trông thấy bà mở trang trắng đầu tiên, mỉm cười, và đề lên đấy mấy chữ, vừa viết vừa vẩy bút máy. "Tặng Max, Rebecca, 17 tháng năm" Có thể hôm đó là ngày sinh nhật và bà đã để quyển sách đó giữa đống tặng phẩm khác. Và hai người đã cười với nhau. Có thể là bà ta đã tỳ lên vai ông trong lúc ông đọc lời đề. Bà gọi ông là Max, vừa vui, vừa thân, vừa dễ đọc. Gia đình có thể gọi ông là Maxim nếu họ muốn. Max là của bà ta, bà đã chọn tên đó, và với biết bao tin tưởng bà đã viết lên trang sách đó.

Đã bao nhiêu lần bà viết cho ông như vậy? Trong bao nhiêu trường hợp khác nhau?

Những mẩu giấy nguệch ngoạc viết lúc ông đi du hành, những trang giấy thân tình, những tin tức về nhau. Tiếng nói của bà vang lên trong nhà, trong vườn, vô tư thân mật và tự tin như nét chữ của bà.

Còn tôi, tôi phải gọi ông là Maxim.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro