Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 8: Hành nghề

Lại một ngày mới đến với mảnh đất thủ đô, đồng thời cũng là một ngày đặc biệt đánh dấu những bước chân đầu tiên của Hải trên con đường dấn thân vào sự nghiệp hành khất.

Nghe theo lời anh trai, từ tờ mờ sáng, Hải đã khăn gói đến địa điểm tác nghiệp đầu tiên là một ngã tư lớn nơi có đường tàu chạy qua. Nơi này khá xa so với khu trọ của cậu bé, nhưng theo lời anh Tường thì nó là một địa điểm hết sức lý tưởng vì luôn tấp nập người xe qua lại. Mỗi khi có đèn đỏ, hay khi có tàu hỏa chuẩn bị đi qua, mọi người đều sẽ phải dừng lại đôi chút. Và ít nhiều trong những giây phút ngắn ngủi đó, họ có thể sẽ chú ý đến thằng bé xa lạ rách rưới đang ngồi xọp bên mép lề đường. Đặc biệt hơn là, nơi này rất hiếm khi có mấy đứa trẻ giống Hải lảng vảng, nên cậu sẽ không phải lo lắng quá nhiều về việc cạnh tranh với tụi nó.

Dù Hải đã lên đường từ lúc bầu trời vẫn còn âm u và loang lổ những khoảng màu xanh xám, nhưng do đường xa, lại đi bộ, nên tới khi đến nơi thì nắng đã tràn ngập. Người xe đã nườm nượp đi lại trên đường và không khí cũng bắt đầu oi bức hơn. Hải ngồi thu lu bên vệ đường, mắt nhìn vu vơ ra xung quanh. Khung cảnh tấp nập trước mắt làm cậu bé có chút choáng ngợp. Bởi cho dù cậu đã đi qua những ngã tư, ngã năm đông đúc thế này cả trăm lần, nhưng phải dừng lại lâu như vậy thì là lần đầu tiên. Quả là trên đời cái gì cũng có lần đầu tiên!

Hải cứ ngồi như vậy suốt mấy tiếng đồng hồ, nhưng tuyệt nhiên chẳng kiếm được xu nào. Dường như chẳng có ai quan tâm đến cậu bé. Mặt trời ngày càng lên cao và thời tiết ngày càng nóng bức. Cậu bé vẫn ngồi lặng yên như một bức tượng, thậm chí không thay đổi tư thế ngồi lấy một lần cho đỡ mỏi, chiếc nón rách tả tơi trên đầu, khuôn mặt lấm lem bụi đường, áo quần thì rách tươm, trông chẳng thể nào bẩn thỉu hơn được nữa. Thi thoảng cậu lại quay sang nhìn cái giỏ nứa bên cạnh và hy vọng rằng trong lúc mình không để ý có ai đó đã ném vào đó ít tiền lẻ, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy một đồng nào. Đã sắp hết giờ cao điểm buổi sáng và chuẩn bị vào trưa, nhưng Hải vẫn thất thu. Chuyện này có gì đó không đúng lắm. Anh Tường đã một mực khẳng định rằng với bộ dạng này Hải có thể kiếm được không ít. Và Hải cũng tin thế. Nhưng với thực trạng này, mỗi phút trôi qua đều khiến cậu bé mất dần kiên nhẫn. Bất giác trong lòng Hải dấy lên bao nhiêu là lo lắng. Nếu như cả ngày hôm nay cậu không kiếm được đồng nào thì phải làm sao? Tất cả hy vọng của anh Tường đều đặt ở cậu. Hải cần số tiền này, nếu không, có thể tối nay hai anh em sẽ phải ngủ ngoài gầm cầu, mà nghiêm trọng hơn, với cái tính nóng nảy của ông chủ trọ, anh Tường còn có thể bị ông ta dần một trận nhừ tử trước khi đuổi đi nữa. Hải thực sự sợ lắm!

Hai chân Hải đã tê cứng khi phải ngồi quá lâu, cậu bé cố gắng nhúc nhích một chút để có thể cảm thấy khá hơn, nhưng chẳng hiểu sao đôi chân lại mất hẳn cảm giác. Hải lo lắng xoa bóp đùi, rồi bắp chân, nhưng vẫn không cảm thấy gì cả. Lúc này thì cậu bé bắt đầu sợ rồi. Cậu chống hai tay xuống đất và cố nhướn người lên, cầu mong có thể di chuyển cặp chân một chút. Mồ hôi bắt đầu đầm đìa túa ra, chảy ròng thành giọt từ trán xuống cằm Hải. Khuôn mặt trắng bệch vì mệt mỏi và mất nước. Đôi một nhợt nhạt mím lại mỗi lấn cậu cố nhướn người lên. Trông hết sức khổ sở. Đến lần thứ tư cố đứng dậy, cuối cùng đôi chân kia cũng cảm thấy hơi tê tê một chút. Nhưng khi Hải vừa định đứng lên thì bỗng mất đà ngã dúi về đằng trước, ngay khi một chiếc xe vừa xẹt qua.

- Ấy! Cẩn thận chứ!

Một giọng nói đàn ông thất thanh vang lên từ đằng sau, và ngay sau đó Hải có thể cảm nhận được một bàn tay to lớn đang túm lấy áo cậu và kéo lại trước khi cậu ngã hẳn xuống lòng đường.

- Suýt nữa thì bị tông rồi, khổ chưa? Có sao không cháu?

Hải ngước đầu lên nhìn người trước mặt. Đó là một người đàn ông cao lớn với chòm râu lún phún bạc, khuôn mặt đầy nếp nhăn chỉ thua ông Sang lao công thôi, nhưng trông ông ấy thật sạch sẽ tươm tất hơn nhiều với cái áo sơ mi xanh được đóng thùng cẩn thận trên chiếc quần âu kaki phẳng phiu. Một bên tay ông ta còn cầm cả bọc sách to tướng. Rõ là một người tri thức có điều kiện, khác hẳn ông Sang.

- Sao thế? Sao cháu chẳng nói gì vậy? – Người đàn ông lại hỏi. – Cháu không nói được à?

- Dạ không, cháu... Cháu nói được. – Hải lắp bắp.

Ông lão thở phào:

- Ờ, thế thì còn may, ông còn tưởng chú mày vừa liệt chân vừa câm nữa thì khổ.

Hải giật thót người khi nghe đến hai chữ "liệt chân", đôi mắt mở to trân trân nhìn ông lão. Người đàn ông ngạc nhiên:

- Sao thế? Ông nói gì không đúng à?

Hải chợt nhận ra điều gì đó, và ngay lập tức lảng đi:

- Dạ không ạ...

Ông lão nhìn cậu bé đầy ái ngại xen lẫn thương cảm, hỏi:

- Thế bố mẹ cháu đâu? Tại sao lại phải ra đây ngồi ăn xin thế này? Cháu mấy tuổi rồi?

- Dạ, cháu 10 tuổi. – Hải nói, cậu cố tình tự trừ đi một tuổi, bởi anh Tường đã dặn kỹ cậu rằng đứa càng nhỏ thì càng dễ khiến người ta mủi lòng. – Bố mẹ cháu tai nạn mất cả rồi,... nhà chỉ còn một anh trai, nhưng anh ấy cũng yếu, không đi làm được, chúng cháu đói lắm, nên là...

Hải không nghĩ là mọi người sẽ động lòng thương một đứa trẻ có bố mẹ chết trong tù do buôn lậu ma túy. Vả lại anh Tường cũng đã dặn kỹ cậu không được nói ra chuyện này cho bất cứ ai nếu muốn sống yên thân ở thành phố này, nên Hải chỉ có thể bịa tạm ra một lý do. Và quả nhiên ông lão tin những gì Hải vừa mới bịa ra, ông chỉ thở dài, bàn tay xoa mạnh vai Hải:

- Khổ thân quá, thế chân cháu tự nhiên bị liệt thế này à? Hay là tai nạn?

Hải nhìn xuống chân mình, không thể ngờ rằng chỉ qua cái ngã dúi cổ lúc nãy ông ấy đã tưởng rằng cậu bị liệt chân. Hải tần ngần một lúc, nuốt nước miếng đánh ực, rồi nói chậm rãi:

- Dạ... Cháu bị tai nạn, từ mấy năm trước. Hồi đó cả nhà đi xe gặp tai nạn, bố mẹ cháu chết cả, chân cháu thì thành ra thế này...

Ông lão nghe xong chỉ khẽ lắc đầu, khuôn mặt lộ rõ vẻ thương cảm. Ông xoa đầu cậu bé, rồi lại nhìn cái giỏ của cậu:

- Sáng giờ vẫn chưa có ai cho cháu à?... Cháu đã ăn cái gì chưa?

Hải im lặng không đáp, chỉ khẽ lắc đầu, đôi mắt cụp xuống. Nhìn khuôn mặt buồn bã của cậu bé, ông lão không khỏi chạnh lòng. Bỗng nhiên ông rút từ trong túi ra một cái ví, vét hết những tờ giấy bạc trong đó, rồi dúi vào tay cậu bé, ánh mắt long lanh:

- Đây, cầm lấy, ông vừa mua sách rồi nên ở đây không còn nhiều, nhưng chắc vẫn đủ cho cháu ăn no mấy ngày. Mau đi mua cái gì đấy ăn tạm đi, chứ trông cháu như sắp chết lả đấy.

Hải trân trân nhìn ông lão, rồi lại nhìn mớ tiền trong tay, không hiểu sao mắt cậu cứ cay cay, rồi có gì đó như một dòng nước nóng hổi lăn dài trên gò má cậu. Bằng một giọng nghẹn ngào, Hải mỉm cười nắm lấy tay ông lão:

- Cháu cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều lắm...

Hải thậm chí chẳng biết tên ông lão ấy, nhưng hình dáng và lòng tốt của ông đã khắc sâu vào trong tâm trí cậu.

Ăn xin cũng giống như bán hàng vậy. Người ăn xin bán cho mọi người cơ hội để làm việc tốt và trở thành người tốt. Ở một xã hội mà con người ta đã không còn phải lo lắng quá nhiều về chuyện ăn mặc, lúc ấy phần lớn mọi người sẽ mong muốn có một cơ hội để thể hiện mình và được xã hội trọng vọng. Mà để được xã hội trọng vọng thì có hai con đường – duy vật và duy tâm: hoặc là bạn đạt đến một vị trí nào đó thật cao trong xã hội, hoặc là bạn đủ lương thiện để giúp đỡ những người khó khăn hơn. "Nếu không có vài đồng bạc lẻ của tôi, có thể thằng bé ăn xin kia đã chết đói." Người ta vẫn thường hay nghĩ thế khi bố thí cho ai đó, không phải vì họ thực sự thương cảm cho số phận éo le của người kia, mà bởi vì họ muốn thể hiện cho mọi người xung quanh thấy rằng: Tôi là người tốt! Mang danh người tốt dễ, làm người tốt thực sự mới khó. Đáng tiếc thay, phần lớn chúng ta lại thường thích mang danh người tốt hơn. Chẳng bởi thế mà xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng đi lên, thay vì ít đi thì ta lại thấy số lượng người ăn xin ngày càng tăng lên, nhiều đến mức ăn xin cũng có thể gọi là một "nghề", một hình thức "kinh doanh" luôn được.

Và người kinh doanh nào cũng mong muốn một cuộc trao đổi thuận lợi với khách mở hàng. May mắn cho Hải, bởi khách mở hàng của cậu có vẻ là một người tốt. Ông ấy cứ như mèo thần tài vẫy gọi vậy. Chỉ ngay khi ông vừa rời đi, hầu như bất cứ ai đi qua chỗ đó đều dừng lại cho Hải chút tiền, chẳng mấy chốc cái giỏ đã đầy. Nhớ lời anh trai dặn, tranh thủ vài phút vắng người tầm giữa trưa, cậu bé lặng lẽ vơ số tiền trong giỏ vào cái túi lớn may ở mặt trong áo, để lại cái giỏ trống không, rồi lại tiếp tục ngồi chờ.

Hải chưa từng kiếm được nhiều tiền đến vậy trong một ngày, chính xác hơn là trong một tầm sáng. Nhìn sơ sơ mớ tiền chắc cũng phải mấy trăm ngàn rồi, bằng cả tháng Hải lăn lộn nhặt ve chai đấy chứ. Nếu Hải chịu khó ngồi như vậy thêm mấy ngày, có lẽ cậu sẽ kiếm đủ hai tháng tiền trọ, thậm chí là còn dư ra một chút để mua thuốc cho anh Tường. Trong lòng cậu bé chưa bao giờ hân hoan đến thế, ít nhất là từ sau lần ăn chè khúc bạch ở ngôi nhà lớn phía cuối phố Vĩnh Hoàng. Nghĩ đến đây, Hải chợt nhớ ra là đã nhiều ngày rồi cậu không đến đó, đến căn biệt thự lớn có cánh cổng sắt to bè và hàng rào trắng phủ đầy những nhánh hồng leo. Hải còn mơ màng nhớ rằng hình như người phụ nữ phúc hậu trong ngôi nhà đó đã nói cậu có thể đến đó bất cứ khi nào. Nhưng mà chắc là Hải nhớ nhầm thôi. Đời nào một gia đình giàu có như thế lại muốn làm thân với một đứa nghèo kiết xác như Hải, thậm chí bây giờ còn là một thằng ăn xin nữa.

Buổi chiều, Hải không nhận được nhiều tiền bố thí như hồi sáng. Nhưng dù sao nếu cộng dồn lại cũng đã kha khá rồi. Hải lúc này đã thấm mệt vì ngồi thông trưa không ăn uống, lại thêm việc phải hít bụi đường, ngồi táp mặt giữa nắng gió. Nhưng cậu bé không dám ra về ngay, vì anh Tường đã dặn kỹ là phải ngồi đến qua giờ cao điểm tan tầm, giờ đó mới có đông "khách". Vả lại, Hải đã quyết tâm đóng vai một thằng bé ăn xin đáng thương bị liệt chân, nên tốt nhất cậu nên chờ đến lúc chạng vạng tối, không mấy ai để ý mới đứng dậy đi về được.

Khi Hải về đến nhà trọ thì cũng đã bảy, tám giờ tối. Xóm trọ tối đen như mực vì bị cắt điện. Đây đó chỉ loáng thoáng vài đốm sáng của nhà nào đó thắp nến và ánh đèn pin le lói. Hải lo lắng chạy vội đến đập cửa gọi anh trai, sợ rằng ông chủ trọ đã tức giận cắt điện cả khu do anh em cậu không chịu đóng tiền. Không chừng anh Tường đã bị lão kéo đi rồi. Nhưng ánh nến lập lòe lọt qua kẽ cửa đã giúp cậu bé bình tâm lại. Có vẻ anh ấy vẫn ở trong phòng.

- Anh Tường ơi! – Hải hắng giọng gọi.

Chỉ có tiếng lạch cạch ở trong nhà đáp lại, và một lúc sau là tiếng lách cách mở khóa, rồi cách cửa phòng cũng mở ra. Trông thấy Hải, Tường hớn hở ra mặt, nói:

- Về muộn thế? Vào nhanh đi!

- Ông ấy cắt điện à anh? – Hải lo lắng hỏi.

Tường lắc đầu nhẹ trong khi kéo tay em trai vào bên trong, nói:

- Không, nhà bà Liên cháy cầu dao, nên chập điện cả xóm đấy. Lão khọm già cũng đếch biết sửa, bảo chờ sáng mai tìm thợ điện qua.

Nghe anh nói, Hải cũng thở phào. Cậu mệt mỏi nhấc từng bước chân vào trong nhà, rồi bỏ cái giỏ sang một bên, lau mồ hôi trên mặt, sau đó tự rót lấy một cốc nước thật to để uống. Tường nhanh chóng khóa cửa lại rồi đến ngồi cạnh em trai, đôi mắt lia vội đến cái giỏ tiền.

- Thế sao? Nay có kiếm được đồng nào không?

Hải nuốt nốt miếng nước trong họng, rồi toe toét cười:

- Anh đoán đi.

Tường cau mày, rồi vơ tay lấy cái giỏ mở ra. Anh lặng lẽ ngồi soi nến đếm từng tờ tiền trong giỏ và xếp chúng thật ngay ngắn. Xong, anh lại thở dài:

- Một trăm sáu ba ngàn... Thôi ngày đầu thế cũng tốt. Còn hơn là không được đồng nào.

Hải tủm tỉm nhìn anh trai, rồi lộn trái áo lấy ra thêm một mớ tiền, toe toét:

- He he, đây nữa này!

- Hả? Mày...

Qua ánh nến mờ mờ Hải cũng có thể nhận ra nét mặt anh Tường đang chuyển dần từ ngạc nhiên sang vui sướng đến mức nào. Cậu chăm chú ngồi nhìn anh đếm hết số tiền còn lại, vô cùng hạnh phúc.

- Ngon, quá ngon! – Tường khoái chí thốt lên. – Bốn trăm ba mốt ngàn tất cả. Thế này thì vài hôm là đủ trả nợ trọ rồi! Ha ha... Mày đúng là có năng khiếu ăn xin đấy. Tao cứ nghĩ được tầm hơn hai trăm là ngon lắm rồi. Không ngờ được nhiều thế này luôn! Biết vậy cho mày đi như này từ lâu rồi mới phải.

Nghe anh nói, vẻ mặt Hải có chút ngạc nhiên, rồi sự ngạc nhiên đó nhanh chóng được thay thế bởi sự buồn tủi. Thế ra, anh Tường lại thèm tiền đến thế hay sao? Đến mức sẵn sàng để cậu chịu khổ sở, nhục nhã để đem tiền về cho anh ấy? Ngoài một công cụ kiếm tiền, đối với anh ấy Hải không còn chút ý nghĩa nào nữa ư?

Trông thấy biểu cảm trên khuôn mặt em trai, Tường bỗng chột dạ, biết mình vừa lỡ lời. Anh vội để số tiền qua một bên rồi ngồi xích lại gần Hải, xoa xoa vai cậu bé:

- Không, ý anh không phải thế. Anh buột miệng thôi. Mày chỉ cần đi thêm vài hôm nữa, đến khi đủ hai tháng tiền trọ là được, anh không ép mày đi thêm nữa đâu.

Hải ngước mắt nhìn anh trai với vẻ ngờ vực xen lẫn chút gì đó rất tủi thân, rồi lại cụp mắt xuống, lí nhí:

- Anh hứa rồi nhá, em chỉ đi xin đến khi đủ trả nợ trọ thôi.

- Ừ, anh hứa, được chưa?! – Tường đáp đầy cương quyết. Nhưng trong lòng anh lại có nhiều suy nghĩ khác mà Hải không thể nào đoán được.

Sau đó, trong lúc ăn tối cùng anh trai với hai cái bánh mì mua vội đầu ngõ, Hải vui vẻ kể lại hành trình đi hành khất của mình ngày hôm ấy. Tường có vẻ rất hứng thú với câu chuyện, nhất là đoạn Hải nói về cái chân bị tê do ngồi quá lâu của mình, cuối cùng lại bị người ta tưởng là một thằng bé què cụt.

- Ờ, sao tao không nghĩ ra nhỉ? – Tường nói đột ngột. – Trông lành lặn quá thì người ta chẳng mủi lòng đâu. Bây giờ cứ phải giả què chỗ nọ, cụt chỗ kia, thật thảm thương vào, như thế người ta mới thương được.

Hải trân trân nhìn anh với vẻ dò hỏi, không biết liệu anh ấy có định đưa ra thêm chủ ý nào quá sức cậu hay không. Tường im lặng một lát rồi lại nói:

- Thế này đi, đã chơi thì chơi tới bên luôn. Từ mai mày cứ quấn ít băng vào tay chân, giả vờ bị què, rồi để anh mượn cái xe đạp chở mày ra đấy.

Hải lo lắng:

- Như thế có được không? Lỡ bị người ta phát hiện ra...

- Không phát hiện ra được đâu. – Tường nói dứt khoát. – Dù sao chú mày cũng chỉ ngồi đấy vài hôm, chứ có phải ngồi mãi như thế đâu. Đến lúc người ta phát hiện ra thì mày cũng không đến đấy nữa rồi. Người ta làm gì được?

- Nhưng mà... giả vờ như thế cũng chẳng dễ đâu. – Hải nói. – Hôm nay em ngồi một lúc đã thấy mệt lắm rồi, chân thì tê dại đi ấy.

Nghe đến đây, Tường bất giác mỉm cười và xoa đầu cậu em một cách thật dịu dàng, khiến Hải có chút không quen, bởi anh ấy thường quát nạt và thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cậu nhiều hơn. Tường lại nói:

- Không sợ, khi mày về nhà, anh sẽ xoa bóp chân tay cho, anh cũng nấu cơm đàng hoàng để mày tẩm bổ, không phải gặm cái bánh mì khô như thế này nữa. Chỉ mấy hôm thôi, rồi đóng tiền nhà xong anh sẽ đi tìm việc mới, chắc chắn đấy.

Hải liếc mắt nhìn anh trai thật dè dặt, rồi lại cúi gằm xuống:

- Có thật không? Có thật là anh... không quay lại chỗ kia nữa?

- Đảm bảo luôn.

Tường nói chắc nịch. Nhưng khuôn mặt anh lộ rõ vẻ đăm chiêu và có phần khiên cưỡng. Dĩ nhiên Tường biết "chỗ kia" mà Hải nói ám chỉ nơi nào. Tường thực sự cũng không muốn quay lại những ngày tháng phải đi làm bảo kê đánh đập hết người này đến người khác, hoặc kinh khủng hơn là bị người ta đánh lại. Nhưng anh sợ rằng đã dấn thân vào con đường đó thì khó mà yên thân thoát ra được, bởi dân anh chị thường có những quy tắc ngầm không thể không tuân theo. Tường không muốn vì mình mà em trai phải chịu khổ thêm nữa. Chuyện này tốt nhất anh vẫn nên giữ bí mật với Hải.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro