Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 4: Chiếc ví rơi

Mùa hè đã thực sự về. Ở thành phố này, hè đến lại càng rõ rệt. Tiết trời trở nên oi ả và không khí ngột ngạt một cách kinh khủng. Những ai có thói quen thức dậy từ sáng sớm để tập thể dục cho mát mẻ cũng cảm thấy nản chí khi mà mặt trời làm việc hết sức năng suất từ năm giờ sáng đến tận bảy giờ chiều. Ai nấy đều chỉ muốn ở trong nhà, áp mặt vào chiếc quạt công suất lớn hoặc chỉnh nhiệt độ điều hòa thật thấp, miệng nhấp một ngụm nước hoa quả mát lạnh. Bên ngoài, cây cối ủ rũ phủ đầy bụi mù, những lùm hoa ở dải phân cách giữa lòng các con phố dài đều khô quắt, chực chờ được đón lấy những giọt nước hiếm hoi từ đầu máy phun của những công nhân môi trường. Cả người cả vật đều uể oải, chỉ có những cậu bé cầu bất cầu bơ như Hải là vẫn phải lang thang ngoài đường, từ sáng sớm đến tối muộn, năng suất hơn cả mặt trời, với hy vọng có thể lấp đầy cái bụng đói. Dẫu sao, đối với Hải, mùa hè vẫn dễ sống hơn là mùa đông.

Hôm nay cũng vậy. Như thường lệ, Hải đi loanh quanh bên khu phố nhà giàu để lượm lặt tất cả những chai lọ rác thải, cũng là để chờ ông Sang lao công lát nữa đi qua sẽ cho cậu một ít. Nhưng chiều nay ông lão ấy có vẻ qua hơi muộn. Hải đứng dựa vào tường rào bao quanh ngôi nhà lớn phía cuối phố, mắt ngắm nhìn những vòm cây xanh tươi đang rung rinh trong gió. Từ đằng xa, phía ngoài con đường lớn nơi đầu ngõ phố, một tốp trẻ con đang chạy ùa vào. Chắc khoảng bốn hay năm đứa gì đó, trông chúng hớn hở và chạy bình bịch vang đến tận chỗ Hải. "À, hóa ra chỗ này cũng có trẻ con." Hải nghĩ. Qua đây cũng vài lần rồi, nhưng duy có hôm nay là Hải trông thấy chúng thôi, trước cậu còn tưởng khu này không có trẻ con chứ, hay vì hôm nay cậu ở lại lâu hơn mọi ngày, nên mới trông thấy lũ trẻ tan tầm đi học về?

Đám nhóc đều lỉnh nhỉnh tầm học sinh tiểu học, chúng mặc đồng phục tươm tất và đeo những chiếc cặp sách mới toanh, nhìn sơ qua cũng biết là con nhà khá giả. Có một trường tiểu học ở ngay con phố bên cạnh nên Hải dám chắc đám nhóc này vừa tan tầm từ đó. Nhìn chúng cười đùa vui vẻ, bất giác lại khiến Hải cảm thấy chạnh lòng. Đã bao lâu rồi cậu không được mặc lại bộ đồng phục đó, không được cười giòn tan, được bạn bè vây quanh như thế? Đã từ bao giờ mà Hải phải lang bạt khắp các khu phế liệu để mưu sinh thay vì được ngồi ngay ngắn trong một lớp học sạch sẽ? Hải vẫn nhớ những bài học đầu tiên khi còn được đi học, đó là câu chuyện về người ở hiền được gặp điều lành, những đứa trẻ ngoan được nhận phần thưởng là một mái nhà ấm áp với cha mẹ khỏe mạnh, cuộc sống ấm no..... Nếu vậy, chẳng lẽ do Hải đã làm điều gì sai trái nên mới bị trừng phạt phải chịu đựng cuộc sống đói khổ tủi cực này hay sao?

Hải đã mải mê chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực mà không để ý đến tiếng cánh cổng lớn mở kẽo kẹt ở đằng sau, và một người đàn ông cao lớn, gầy guộc chẳng thua gì Hải đang bước ra.

- Thầy Đông về ạ!

Chất giọng khàn khàn của người giúp việc già làm Hải giật mình quay sang nhìn. Chỉ thấy một người đàn ông gầy nhẳng trạc ngoài 30 đang gật gật đầu chào bà giúp việc bên kia cánh cửa, rồi quay người bước về phía cậu. Hải hơi ngạc nhiên vì đây là lần đầu cậu trông thấy có người từ ngôi nhà tráng lệ kia bước ra, nhưng trông anh ta lại chẳng có phong thái giống với những người giàu có mà Hải thường thấy. Cậu bất giác đứng lùi lại theo thói quen, áp sát người vào tường rào để ông chú kia đi qua. Người đàn ông bước đi một cách vội vã và gần như không để ý gì đến xung quanh, một tay giơ lên phía trước để xem đồng hồ. Đám trẻ con vẫn đang túm tụm nô đùa trên đường. Người đàn ông bị đám trẻ chặn lại, anh ta đã cố đi vòng qua một bên, nhưng vẫn bị một đứa trong đám va phải, làm chiếc cặp da trong tay anh ta bung ra, giấy tờ rơi đầy mặt đất. Mấy đứa trẻ rối rít xin lỗi, còn ngồi xuống phụ nhặt giúp đồ đạc bị rơi. Người đàn ông có vẻ không giận dữ gì, chỉ hơi bối rối, anh ta thu nhặt giấy, màu vẽ, bút chì và nhiều thứ đồ linh tinh khác, mỉm cười hòa nhã với đám trẻ, rồi vội vã rời đi. Bọn trẻ sau đó cũng ai về nhà nấy, có lẽ chúng sợ lại gây ra chuyện gì đó khác.

Hải đứng đằng xa theo dõi toàn bộ sự việc, nhưng không tiện chạy lại giúp. Thực ra thì dáng vẻ bối rối lúc đó của người đàn ông khiến cậu cảm thấy hơi mắc cười. Vừa lúc đó thì ông Sang cũng đã đẩy xe rác màu xanh to bè của mình đến. Hải hớn hở chạy lại bên cạnh ông, vừa hay cậu lại vấp phải một vật gì đó. Hải nhìn xuống chân và phát hiện ra mình đang giẫm lên một chiếc ví da màu đen của nam. Kiểu dáng ví này, khi còn đi đánh giày cho mấy ông chú ở các quán cà phê, Hải vẫn thường thấy họ dùng.

- Cái gì thế? – Ông Sang vừa nghiêng người đẩy cho cái xe tiến về phía trước, vừa liếc mắt hỏi khi trông thấy cái ví Hải vừa nhặt lên.

- Có người làm rơi ví ông ơi. – Hải đáp trong khi lật qua lật lại cái ví ngắm nghía, rồi tiện tay mở bên trong ra xem, bất giác cậu thốt lên, ánh mắt đầy kinh ngạc. – Ôi ông ơi, nhiều tiền lắm này, phải bạc triệu luôn ấy!

Ông Sang tặc lưỡi:

- Thằng cha nào mà bất cẩn thế không biết! Thế mày có trông thấy ai vừa đi qua chỗ này không? Biết ai thì đem mà trả cho người ta.

Nghe ông Sang hỏi, trong đầu Hải chỉ hiện lên duy nhất hình ảnh ông chú cao gầy luống cuống ngồi nhặt giấy giữa đám trẻ lúc nãy. Chỉ có thể là người đó chứ còn ai vào đây nữa. Luống cuống đến mức thứ quan trong như vậy cũng bỏ quên được thì chịu. Nhưng không hiểu sao, trong khoảnh khắc đó, một ý tưởng chợt nảy lên trong đầu cậu bé, Hải mỉm cười, nói:

- Cháu cũng chẳng biết nữa. Của ai thế nhỉ?....

Ông Sang đưa mắt nhìn cậu bé trân trân suốt mấy giây. Dù khuôn mặt ông đã bị chiếc khẩu trang to bè cùng chiếc mũ lưỡi trai chụp kín gần hết, Hải vẫn có thể cảm nhận được ánh mắt dò xét của ông như đang soi rọi khắp các ngóc ngách trong tâm hồn cậu vậy. Một khoảng im lặng bao trùm lên cả hai. Rồi ông Sang lặng lẽ dừng chiếc xe lại trước một căn nhà, ông bước đến chỗ mấy chiếc túi đen dựa lưng vào thùng đựng rác trước nhà đó, xách chúng lên một cách cẩn thận, rồi bỏ chúng vào thùng xe. Sự im lặng của ông khiến Hải có hơi chột dạ, nhưng cậu cũng không dám nói gì thêm. Ông ấy đến đây sau khi đám trẻ đã giải tán, ông có thể trông thấy chuyện gì được chứ.

Giải quyết xong chỗ rác của nhà nọ, ông Sang lại tiếp tục đẩy xe lên đến nhà tiếp theo. Hải lẽo đẽo bước theo đằng sau ông. Như một cách thể hiện sự nhiệt tình, cậu bước nhanh tới phía trước, bám tay vào thành xe, nói:

- Ông để cháu đẩy cho!

Ông Sang ông nhìn cậu, chỉ ôn tồn:

- Mày xem thế nào rồi đem trả lại người ta đi.

Hải bỗng đứng khựng lại một chút, như để suy nghĩ điều gì, rồi lại chạy vọt lên, nói lớn:

- Nhưng mà cháu thực sự không biết là của ai hết ấy ạ, hay cháu đưa cho ông, ông tìm rồi trả lại người ta giúp cháu.

- Mày nhặt được, thì mày phải là người trả lại chứ! – Ông Sang vẫn trầm ngâm, dáng vẻ ung dung nhưng cũng rất nghiêm nghị. Lúc này, ông mới quay sang nhìn cậu bé, nói. – Phải nhớ, làm bất cứ cái gì, cũng cần có trách nhiệm. Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Biết chưa?

Lần này thì Hải đứng hẳn lại thật. Chân cậu bé bỗng nặng như đeo đá và không thể bước thêm bước nào được nữa. Hải cảm thấy thật xấu hổ. Dù chỉ trong giây lát, nhưng thực sự lúc nãy cậu đã có ý định cất luôn số tiền trong ví này làm của riêng. Tiền nhà trọ mấy tháng rồi chưa đóng, anh Tường lại mới bị đánh đập thừa sống thiếu chết, có đi làm được công việc cũng hết sức lông bông, bữa no bữa đói... Số tiền này xuất hiện cứ như trong mơ vậy. Hải cần nó. Nhưng nó lại chẳng phải tiền của cậu. Người đàn ông lúc nãy, cho dù bước ra từ căn nhà giàu có kia, nhưng đâu có nghĩa là anh ta không cần đến số tiền này? Nhớ lại thì, lúc nãy anh ta đi bộ ra, hẳn là không có xe riêng rồi. Bên ngoài kia có một trạm xe bus, khả năng cao là anh ta đi chuyến xe ấy. Cái dáng vẻ luống cuống đó, cái cặp da sờn và màu áo bạc đó, có lẽ anh ta cũng là một người khó khăn như anh em Hải mà thôi. Thật xấu hổ khi cậu lại có suy nghĩ muốn độc chiếm những đồng tiền mà người khác phải đổ bao mồ hôi công sức để kiếm ra. Lại càng xấu hổ hơn khi để ông Sang biết rằng cậu có những suy nghĩ ấy.

- Sao ông biết vậy? – Hải cúi mặt, nói lí nhí.

Ông lão cười khẩy, tay xách một xô rác đổ vào thùng xe:

- Cái thứ con nít ranh như bay, chả lẽ tao lại không nhìn ra?

- Trông cháu... lưu manh lắm à? – Hải phụng phịu.

Ông Sang bật cười ha hả:

- Haha, mày mà giống lưu manh được đã tốt. Chẳng qua là mày trông thật thà quá, thành ra lúc nói dối, nó hiện lên mặt hết cả.

Nghe đến đây, khuôn mặt Hải bỗng nghệt ra như vừa vỡ lẽ được điều gì. Ông Sang nói tiếp:

- Với lại, cái tính của mày, nếu nhặt được nhiều tiền như thế, mà không biết là của ai, mày sẽ nghệt cái mặt ra như bây giờ, chứ chẳng chối bai bải là "Cháu không biết" như thế đâu.

Ồ, vậy ra, ông Sang còn hiểu Hải hơn cả bản thân cậu nữa. Hải vừa buồn cười, vừa cảm thấy xấu hổ. Cậu cứ lẽo đẽo đi theo sau ông, tay mân mê cái ví.

- Thế giờ sao? Bao giờ thì mày định trả cho người ta? – Ông Sang hỏi tiếp.

Hải ậm ừ:

- Cháu chỉ biết người làm rơi ví đi ra từ cái nhà ở cuối phố kia, còn là ai thì cháu không biết thật, cũng không biết phải làm sao để trả nữa.

- Thế thì cứ vào nhà đấy mà hỏi thôi! – Ông lão nói một cách rất thản nhiên. – Nhà giàu phết đấy! Cứ tỏ ra thành thật một chút, biết đâu người ta thương, người ta lại cho mày mấy đồng ăn quà.

Kỳ thực Hải không dám mơ tưởng tới chuyện được cho tiền ăn quà, cậu chỉ muốn trả lại vật cần trả cho chính chủ. Bởi trong thâm tâm, cậu thực sự sợ rằng nếu cậu giữ nó lâu thêm một chút, cậu sẽ lại sinh lòng chiếm hữu nó.

- Trả bây giờ luôn hả ông? Hay là để sáng mai... - Hải tần ngần nhìn ông lão.

- Trả luôn đi, tiền càng giữ lâu càng không muốn đưa người khác nữa đấy. Giờ mà mày mang về nhà, để anh mày trông thấy thì không biết trời đất gì nữa đâu! Đừng bao giờ coi thường những tai họa đến từ tiền bạc. – Ông Sang nói một cách dứt khoát.

Cậu bé lại nài nỉ:

- Thế hay là... ông vào đấy với cháu nhá!

Ông lão đưa một tay chống nạnh, ra vẻ bực dọc:

- Mày lằng nhằng quá. Cứ vào đi, tao ở đây chờ, tiện thể tao lọc ít chai lọ cho, lát xong ra là đi về luôn thôi! Chứ ai mà muốn tiếp lão già người toàn mùi rác như tao?

Nhận thấy vẻ dứt khoát của ông lão, Hải cũng không dám nói gì thêm. Ông ấy nói đúng. Những người nhà giàu sạch sẽ thơm tho đời nào lại muốn đám bẩn thỉu rách rưới như ông lão hay cậu vào nhà chứ. Hải cũng có hơn gì ông đâu? Nhưng cũng không thể đem cái ví về nhà được. Nếu anh trai cậu trông thấy nó, chỉ e rằng cả đời này cậu cũng không thể trả lại cho người mất.

Nghĩ vậy, Hải cảm thấy có chút tự tin hơn. Cậu rón rén bước đến trước cổng ngôi nhà lớn. Cánh cổng sắt khổng lồ có những hoa văn uốn lượn vô cùng phức tạp, màu sơn nhũ vàng lấp lánh ánh lên trong vệt nắng chiều. Không một vết sứt mẻ, cũng không có lấy một chút han gỉ, rõ rang là nó mới được sơn lại cách đây ít lâu thôi. Độ dày của từng thớ hoa văn cũng đủ cho thấy mỗi cách cổng nặng đến mức nào, chẳng trách mỗi khi kéo cổng nó đều kêu kèn kẹt. Phía trên đỉnh cổng, những nhành hoa hồng leo đã kịp bám lấy mấy thanh kim loại nhọn hoắt, vô hình chung lại khiến chúng trở nên cổ kính và lãng mạn hơn biết bao nhiêu thay vì vẻ cứng nhắc và nguy hiểm thường thấy. Hải mải mê nhìn ngắn cách cổng thật lâu, hay đúng hơn, cậu sợ phải bước qua nó nên mới cố tình đứng lại nhìn nó thêm một chút.

Đằng sau cậu, ông Sang có chút ngạc nhiên và tự hỏi tại sao cậu lại cứ đứng ngây ra một chỗ. Sợ là Hải vẫn chưa biết phải làm cách nào để vào trong, ông thì thầm:

- Chuông chuông, bấm chuông ấy mày!

Hải khẽ gật gật đầu ra dấu cho ông là cậu đã biết. Ở thành phố này, có chỗ nào mà Hải chưa từng đặt chân đến đâu, cậu đã đi qua cả trăm ngõ phố, từ những con đường bụi bặm giữa các cánh đồng nơi thôn quê đến khu phố sầm uất với hai bên đều là biệt thự, trông thấy bao nhiêu là người giàu có... Chuyện bấm chuông cửa này, dĩ nhiên Hải không còn lạ nữa. Nhưng bước vào cái thế giới hào nhoáng kia, lại là chuyện khác. Với Hải, đây là lần đầu tiên.

Hải hơi nhón chân lên và với tay nhấn cái nút trắng ở bên phải cánh cổng. Một tiếng chuông dài lập tức reo lên. Trong thoáng chốc, Hải có chút rùng mình khi nghĩ đến việc một con chó béc giê to lớn sẽ nhảy xổ ra, nhe hàm răng trắng ởn nhọn hoắt trước mặt Hải và sủa lên inh ỏi trong khi cào cào bộ móng đen sì của nó vào cánh cổng. Nhưng may cho Hải, gia đình này có vẻ không hứng thú với việc nuôi chó như những nhà giàu khác, hay có thể vì một nguyên nhân đặc biệt nào đó mà hiện giờ cậu chưa thể biết được.

Nghe tiếng chuông, một người phụ nữ trung niên từ trong nhà ngó đầu ra nhìn. Khoảng cách từ cổng đến bậc tam cấp và cửa của ngôi nhà quá xa để Hải có thể nhìn rõ dáng vẻ của người ấy, và dĩ nhiên, người phụ nữ kia cũng chẳng nhìn rõ cậu được. Hải chắc mẩm tai mấy người trong nhà này phải thính lắm mới có thể nghe được tiếng chuông từ khoảng cách đó. Mấy người nhà giàu đúng là rảnh rỗi thật, làm cả một sân vườn rộng tới vậy bao quanh nhà của họ, rốt cuộc cũng chẳng để làm gì ngoài việc khiến cho cái chuông cửa có chỗ dùng đến.

Sợ người phụ nữ kia vẫn chưa nhìn ra, Hải nhón chân bấm chuông thêm một lần nữa. Lần này thì bà ấy nghe thấy rồi. Bởi bà đã xỏ chân của mình vào đôi dép cũ và lật đật chạy ra. Bóng người phụ nữ càng lại gần, Hải lại càng cảm thấy hồi hộp.

- Có việc gì à cháu? – Bác Minh nhướn mắt nhìn Hải từ đầu đến chân qua cánh cổng dày, nhưng tuyệt nhiên lại không mở cổng, như thể bác sợ gặp mấy kẻ lừa đảo vậy. – Cháu con cái nhà ai?

Hải bặm môi, không hiểu sao trong lúc này cậu lại không nghĩ ra câu gì hợp lý để nói, chỉ lắp bắp:

- Dạ,... cháu...

Ở phía ngôi nhà đối diện, ông Sang đang đổ một xô rác lớn vào thùng xe, nhưng tai ông vẫn dỏng lên cố nghe lấy câu chuyện của Hải và người phụ nữ. Thấy Hải cứ ậm ừ mãi, bác Minh bắt đầu sốt ruột. Lúc mới nghe tiếng chuông, bác còn tưởng là thầy giáo Đông quay lại do để quên đồ trong nhà, hoặc là cô Tuyết nay làm về sớm, nhưng rốt cuộc lại không phải. Bác tự hỏi có phải thằng nhóc này là một trong số mấy đứa trẻ con trong khu phố mà trước đây vẫn thường hay đi bấm chuông trêu chó những nhà xung quanh hay không? Nhưng nhìn dáng vẻ cậu bé gầy guộc, nhếch nhác, mặc cái áo phông trắng đã ngả màu cháo lòng và một bên tay xách cái bao dứa cũ, bà dám chắc nó chẳng phải con nhà nào trong khu này.

- À, có phải cháu là cái đứa hay đi nhặt ve chai trong khu này không? – Bác hỏi, cuối cùng cũng ngờ ngợ nhận ra cậu bé.

Hải gật đầu và hai tai hơi ửng đỏ, mắt vẫn nhìn bác không chớp. Bác Minh lại hỏi:

- Thế sao cháu? Muốn xin ít đồ nhựa cũ trong nhà này à?

- Dạ không, cháu... Cháu vừa nhặt được cái này. – Hải nói và giơ cái ví ra trước.

Lúc này, bác Minh mới nặng nề đẩy một cánh cổng ra. Nhìn cái ví một lúc, bác nói:

- Cái này là gì? Cháu nhặt được ở đâu? Sao lại đem đến đây?

Nhìn người phụ nữ đứng tuổi với mái tóc hoa râm và nét mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm, Hải cảm thấy dễ chịu hơn một chút, bởi vậy mà cậu cũng bớt nói lắp hơn:

- Vừa nãy cháu thấy có một chú đánh rơi cái ví này ngoài kia, chú ấy đi từ trong nhà bác ra, nên cháu nghĩ chắc là bác biết. Cháu muốn... trả lại cho chú ấy.

Bác Minh nhìn cậu bé với một nét mặt vô cùng ngạc nhiên. Rồi bác cẩn thận cầm lấy cái ví trong tay cậu bé, mở bên trong ra xem, rồi thốt lên:

- Ờ, đúng là ví của thầy Đông rồi. Bao nhiêu là tiền, rồi lại giấy tờ, chứng minh nữa...Để rơi thế này thì chết!

Hải im lặng nhìn biểu cảm trên khuôn mặt người phụ nữ dò xét. Chỉ thấy nét mặt bác ấy giãn ra, và đôi mắt chợt nheo lại, đôi môi cong lên thành một nụ cười:

- Cảm ơn cháu nhá, cái này, ngày mai bác sẽ trả lại cho chú kia.

- Dạ. – Hải cũng mỉm cười đáp lại. Thế là xong, coi như cậu đã bớt đi một gánh nặng, bây giờ có thể ra lấy cái bao lon chai của ông Sang và đi về nhà được rồi.

Nhưng ngay khi cậu bé vừa định quay lưng rời đi thì lại nghe giọng người phụ nữ nói:

- Này, cháu khát không? Trời mấy nay oi muốn chết, đi vào nhà với bác, bác lấy cho cái gì uống.

Hải ngơ ngác nhìn người phụ nữ. Bác ấy vừa mời cậu vào nhà đấy ư? Lại còn được uống nước nữa. Nghe như một giấc mơ vậy. Từ khi Hải biết nhớ đến giờ, chỉ có ba người phụ nữ cho cậu được ăn uống miễn phí, ấy là mẹ, bà ngoại, và bây giờ là bác gái ấy. Sự kinh ngạc khiến Hải không thể nói thêm lời nào. Bác Minh kéo cho cánh cổng cho rộng ra thêm một chút, rồi nghiêng đầu ra dấu cho Hải:

- Vào đi cháu.

Hải hơi lùi lại một chút, nói:

- Dạ thôi, cảm ơn bác, cháu... cháu không khát.

- Đừng có ngại, con trai, không ai làm gì cháu đâu. – Bác Minh nói tiếp, giọng đầy dịu dàng.

Hải có chút rụt rè, phần vì cậu không dám tin là mình được mời vào trong một nhà giàu có như thế, phần vì cậu lo sợ do vẫn thường nghe anh trai và cả bố mẹ cậu khi còn sống dặn rằng không nên dây dưa với những người giàu. Cậu bé lấm lét ngoái nhìn về phía ông lão đang quét lá sấu rụng ở đằng sau lưng. Dù chỉ trong thoáng chốc, nhưng rõ ràng Hải thấy ông Sang đang nháy mắt ra hiệu với cậu, có điều cậu lại chẳng hiểu ám thị của ông nghĩa là gì.

Đến khi Hải nhận ra thì bác Minh đã kéo một tay cậu qua bên kia cánh cổng, và một tay còn lại của bác thì khép lại nó ngay sau lưng cậu. Hải không biết phải nói hay phản ứng như thế nào trong lúc này. Đôi mắt cậu mở to với những ánh nhìn sợ sệt hướng về phía ngôi nhà. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro