Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 11: Tâm sự của người lớn

Người Hà Nội rất thích ngày chủ nhật, bởi đó là ngày duy nhất trong tuần mà những con người bận rộn có thể được nghỉ ngơi. Càng về chiều muộn, các hàng quán càng đông và trên các hè phố, công viên, bờ hồ thì chật ních người hò hẹn. Những ngày chủ nhật đông đúc đã góp phần tạo nên một Hà Nội vui tươi và hoa lệ như thế. Nhưng hôm nay lại là một ngày chủ nhật ảm đạm, bởi trời đã mưa to từ sáng sớm và âm ỉ suốt cả ngày. Sau cả tháng trời oi ả, cuối cùng cũng có một cơn mưa giải nhiệt, chỉ là lại rơi đúng ngày chủ nhật. Cái tiết trời âm u và se lạnh thế này khiến ai nấy đều chỉ muốn nằm dài ở nhà, trùm trong tấm chăn mỏng, miệng ngập ngụa đồ ăn và dán mắt vào một bộ phim nào đó. Nhưng ấy là với những người có điều kiện thôi, còn với một ông lão già cả không người thân thích, mưu sinh qua ngày với nghề quét rác thì lại là chuyện khác.

Ông Sang vẫn đúng bốn giờ chiều đẩy chiếc xe rác màu xanh kềnh càng đi vào khu phố nhà giàu để thu gom rác như thường lệ. Dù về chiều trời lại mưa lớn hơn, và cổ họng ông thì hay bị lạnh, nhưng ông lão cũng không dám nghỉ một ngày nào. Một người tứ cố vô thân như ông, lại đã ở tuổi này, có một công việc để đủ no ngày hai ba bữa đã là may mắn lắm rồi. Ông không muốn để cho người ta có thêm cái cớ đuổi việc ông.

Căn nhà lớn phía cuối phố Vĩnh Hoàng vẫn đứng đó im lìm trong màn mưa trắng xóa. Ánh đèn vàng bật sớm hắt ra từ những bóng đèn vườn và qua khung cửa kính khiến cho người ta trông vào mà cảm thấy thật ấm áp. Ông Sang liếc nhìn xung quanh ngôi nhà để tìm kiếm bóng dáng một thằng bé gầy gò như thường lệ, như hôm nay thằng bé vẫn không đến. Nó mất dạng cũng được gần nửa tháng nay rồi. Cũng không biết là nó đã đi đâu, và liệu có quay trở lại nơi này nữa hay không? Từ lâu rồi, ông lão đã quen với việc có thằng bé làm bạn. Mỗi lần đi qua đây có thể trò chuyện với nó đôi ba câu, cũng có thể giúp ông vơi đi nỗi cô quạnh. Nhưng đã lâu như vậy rồi mà Hải vẫn không quay lại. Ông tự hỏi liệu có phải nó sẽ không bao giờ đến đây nữa hay không? Ông già rồi, sống nay chết mai. Ít nhất trước khi nhắm mắt, ông cũng mong được nói chuyện với thằng bé thêm một lần.

Cơn mưa dường như ngày càng lớn hơn, nước cứ xối xả ào xuống mù mịt. Đây đó lóe lên vài đường chớp sáng khiến ông lão có chút rùng mình.

- Mẹ nó, không để mình đi cho nốt mấy nhà này đi, cứ phải ào ào xuống thế này...

Ông Sang bực bội buông một câu chửi thề trong khi nhấc hai cái xô rác bên mé tường rào, đôi ủng ngập trong nước mưa đang thoát xối xả xuống cống. Ông rũ rũ mấy lọn tóc mái chìa ra dưới mũ áo mưa đang ướt nhẹp, rồi mắt nhắm mắt mở đổ ộc cái xô vào thùng xe rác.

Bỗng nhiên, từ trong căn nhà lớn ấy, một người phụ nữ mảnh khảnh che ô đang vội vã chạy ra cổng. Trông thấy ông Sang, người phụ nữ nói lớn trong khi lạch cạch mở khóa:

- Từ đã ông ơi, cháu đổ nhờ cái này nữa!

Ông lão nheo mắt nhìn và nhận ra đó là một phụ nữ trẻ, gương mặt xinh đẹp. Cô nhanh chóng mở cổng rồi tiến lại phía ông lão, giơ ra một cái túi đen to đùng:

- Đây ông ơi, ông ném vào hộ cháu.

Ông Sang cầm lấy cái túi rồi ném nhanh nó vào thùng xe, chợt nhận ra đó là một cái túi đầy chai lọ nhựa. Người phụ nữ đứng co ro vì lạnh, cái ô của cô liên tục bùng lên rồi lại xẹp xuống vì cơn gió lớn. Cô nhìn ông lão với vẻ ái ngại, rồi bất chợt cô nói:

- Này ông ơi, trời mưa to lắm, lại còn sấm chớp nữa đấy! Đi thế này không an toàn đâu. Ông vào trong nhà ngồi với cháu một lát, chút nữa tạnh mưa rồi hãy đi tiếp. Được không?

Ông Sang có thoáng ngạc nhiên khi nghe cô gái nói. Rồi đôi mắt ông lại liếc nhìn ra phía chân trời, nơi đang bị phủ kín bởi những đám mây xám xịt.

- Thôi, cảm ơn cô, tôi tranh thủ đi cho nhanh rồi về luôn. Chứ trời đất thế này, biết bao giờ mới tạnh.

Người phụ nữ vẫn nài nỉ:

- Ấy, mùa hè mưa rào chút là tạnh thôi, trời cũng chẳng nhiều nước đến thế để mà đổ xuống mãi. Ông vào trong nhà uống với cháu tách trà, tí là tạnh ngay thôi ấy mà.

Thấy người phụ nữ còn trẻ, sang trọng nhưng rất nhiệt tình, ông lão cũng không muốn kèo nhèo thêm nữa. Vả lại, thực bụng ông cũng không muốn ở quá lâu dưới trời mưa lớn thế này. Thế là ông vội vã phủ cái bạt lớn lên chiếc xe, rồi nói:

- Vâng, vậy cảm ơn cô. Tôi chỉ ngồi một lát. Tạnh mưa tôi đi ngay.

- Dạ, thế ông đi với cháu.

Nói xong, ông Sang theo sau người phụ nữ vào trong nhà. Chính ông cũng không tin được là có một ngày mình lại được mời vào trong một nơi sang trọng và giàu có đến thế, nhất là trong hoàn cảnh như thế này.

Người phụ nữ dẫn ông đi thoăn thoắt qua một khoảng sân rộng lớn trước khi dừng lại ở bậc thềm ngay đằng trước ngôi nhà. Càng lại gần, vẻ nguy nga tráng lệ của ngôi nhà càng hiện lên rõ rệt khiến ông lão có phần choáng ngợp. Phía trước ông, người phụ nữ lúc này đã cụp chiếc ô lớn màu đỏ xuống và đang gõ nhẹ đỉnh ô vào cột hiên để dóc nước. Thấy vậy, ông lão cũng vội vã cởi bỏ đôi ủng cũ mèm và cái áo mưa ướt sũng, để lộ bộ quần áo tuềnh toàng với mái đầu bết lại vì nước mưa ở bên trong.

- Ông vào nhà đi ạ, chắc ông lạnh lắm rồi. – Cô gái lại nói, kèm theo một nụ cười nhã nhặn.

Dù là cô đã nói vậy, ông lão vẫn đứng tần ngần một góc dưới mái hiên, do dự không dám bước thêm vì sợ sẽ làm bẩn cửa nhà người giàu có. Bỗng nhiên, từ trong nhà, một phụ nữ trung niên hớt hải chạy ra, tay cầm chiếc khăn lông dày cộp, nói:

- Khăn đây cô Tuyết, trông kìa, cô ướt hết cả rồi.

Nhác trông thấy bóng dáng lêu khêu của ông lão, người phụ nữ tròn mắt ngạc nhiên:

- Ơ, ông là...

Ông lão nhận ra ngay người phụ nữ đứng tuổi vẫn thường hay quét sân vườn và xách túi rác ra đổ chỗ ông mỗi lần đi qua đây. Đó giờ ông vẫn nghĩ người này hẳn phải là một thành viên trong gia đình. Nhưng hôm nay khi nghe cách xưng hô của hai người, ông mới biết hóa ra người phụ nữ này chỉ là một người giúp việc trong gia đình. Dĩ nhiên là bác Minh cũng có thể nhận ra ông lão. Bác chỉ hơi ngạc nhiên khi đột nhiên trông thấy ông xuất hiện ở đây.

- À, em mời ông ấy vào trú mưa đấy chị, ở ngoài mưa to quá. Chị vào pha hộ em ấm trà nhé! – Tuyết vui vẻ nói trong khi lấy chiếc khăn lau tóc, rồi đưa lại cho ông lão, đon đả. – Ông cũng lau đi ạ, ông ướt hết cả rồi kìa...

Ông Sang xua tay, cười gượng:

- Không dám, cô cứ giữ lấy ạ. Tôi quen vậy rồi, lát là nó tự khô thôi.

Cô Tuyết hơi khựng lại, tưởng rằng ông lão đang khách sáo, nhưng chợt nhận ra điều gì, cô lại vội nói:

- À không, xin lỗi ông, cháu vô ý quá. Cháu lau cái khăn này mất rồi, để cháu lấy cho ông cái khăn khác.

- Ấy, ý tôi không phải vậy, tôi thực sự không cần dùng khăn đâu. Cô cho tôi đứng đây trú mưa một lát là tốt lắm rồi. – Ông lão nói.

Tuyết thở dài:

- Ôi, ai lại thế! Ông cứ vào trong nhà ngồi cho ấm. Người ông ướt sũng thế kia, cảm lạnh chết! Không có gì phải ngại đâu ạ.

Bác Minh đứng cạnh cũng vui vẻ:

- Cô ấy cũng nói thế rồi, ông cứ tự nhiên như ở nhà thôi. Trong nhà ấm lắm. Ông cứ vào đi!

Thấy hai người nhiệt tình quá, ông lão cũng không tiện từ chối, bèn theo sau cô Tuyết vào trong phòng khách. Bác giúp việc đã nhanh nhẹn chạy đi pha một ấm trà. Tuyết mời ông lão ngồi xuống rồi nói:

- Vất vả quá, sao mưa gió thế này, ông không nghỉ lấy một hôm?

Ông Sang bật cười:

- Nào dám hả cô, tháng nó cho nghỉ có hai ngày. Hôm nay mà nghỉ, là chỉ còn một hôm. Lỡ mà vài ngày nữa ốm, muốn xin nghỉ liền hai hôm thì lại không được mất. Cứ phải chịu khó mà đi thôi cô.

Tuyết nhìn ông lão hồi lâu với vẻ thông cảm, rồi lại nói:

- Thế ông làm việc này lâu chưa? Cháu thấy ông cũng già rồi, tuổi này bình thường người ta đã nghỉ hưu cả, ông thì vẫn cố đi làm, con cháu ông đúng là được nhờ.

Ông lão thở dài và mỉm cười một cách gượng gạo. Đôi mắt sâu hằn đầy những nếp nhăn chỉ nhìn chăm chăm xuống nền đất, giọng ông nghe đều đều mà đầy cay đắng:

- Nhờ vả gì nữa hả cô. Nhà có còn ai đâu. Vợ tôi mất sớm. Có một thằng con trai, chắc hơn cô tầm chục tuổi, nhưng mà nó bỏ nhà sang Lào cũng gần 40 năm nay rồi. Giờ chỉ còn có một mình thân già này, tự làm tự ăn thôi cô ạ.

Tuyết không khỏi chạnh lòng khi nghe câu chuyện của ông lão. Trông những nếp nhăn chằng chịt trên làn da xanh xám, đôi bàn tay khẳng khiu chỉ toàn da bọc xương ấy, thật khó mà tưởng tượng nổi những khó khăn ông đã phải trải qua. Bất giác Tuyết lại nhớ đến bố mẹ của mình. Họ có lẽ chỉ ít hơn ông lão vài tuổi, nhưng da thịt hồng hào, tóc vẫn còn đen, trông trẻ trung và vui vẻ hơn rất nhiều. Sao mà trên đời lại cứ luôn có những người khốn khổ đến vậy?

- Thế bây giờ ông ở một mình à? Ông bao nhiêu tuổi rồi? – Tuyết gặng hỏi.

Ông lão gật gù:

- Thì còn ai nữa đâu mà chẳng ở một mình hả cô? Tôi cũng sắp 73, quê Thái Thụy Thái Bình. Năm đó vợ tôi bệnh chết, thằng con nó bỏ nhà theo một bọn lái buôn sang bên Lào bảo để tìm hướng làm ăn, nhưng suốt bao nhiêu năm chẳng thấy nó về. Tôi có qua bên đấy tìm mấy lần, nhưng cũng không thấy tăm tích gì. Thế là tôi lại về, lên Hà Nội kiếm sống, rồi ở từ bấy đến nay.

Tuyết chăm chú lắng nghe ông lão kể chuyện. Đôi mắt cô nhìn ông vừa thương cảm, lại vừa trìu mến, như thể ông là một người rất thân quen. Thấy ông vừa ngừng một lát, cô lại hỏi:

- Thế thì bác cũng hơn bố cháu mấy tuổi đấy. Cháu là con út trong nhà, nên bố mẹ đều lớn tuổi cả. 73 thì chắc trước bác cũng đi đánh Mỹ phải không?

- À vâng, chẳng giấu gì cô, năm hai mươi mấy tuổi, tôi cũng vào Trường Sơn làm lái xe chuyển vận. Nói chuyển vận cho sang, chứ toàn chở xác chết thôi cô, xác bộ đội mình, nhiều lắm. Cứ sáng một cái xe không đi, tối về đã đầy ắp, chết trúng đạn có, lê đâm có, sốt rét có,...nhưng chủ yếu là chết do đánh bom, đánh mìn cả. Lắm hôm, chất người lên xe mà vẫn nghe người ta thoi thóp kêu "Tôi vẫn còn sống mà", nhưng lại chẳng làm gì được, vì ở chỗ rừng rú, quân y khó đến, cứ dính bom là chết chắc, quân y có đến được, thì lại thiếu dụng cụ. Thành ra tôi cũng nhiều việc, đi tận 4-5 năm, xong một đợt, về nghỉ được mấy tháng, lại bị gọi đi tiếp. Suốt ngày phải ngửi mùi xác chết phân hủy, trương phình lên, riết cũng chẳng còn sợ ma quỷ gì nữa.

Ông lão nói một thôi một hồi như thể đang được ngồi tâm giao với một người bạn cũ. Đã lâu rồi, chẳng có ai hỏi ông những chuyện ấy, khiến đôi lúc ông dường như quên mất mình cũng đã từng có một thanh xuân. Ông kể, rồi lại tự bật cười, hiếm khi người ta thấy ông vui vẻ đến thế.

Vừa lúc đó, bác Minh từ trong bếp mang ra một ấm trà nóng và thơm phức mùi tâm thất. Bác từ từ đặt cái ấm xuống bàn, rồi sắp mấy cái chén ra rót. Mùi hương theo khói tỏa ra nghi ngút, ấp áp mà thật dễ chịu. Tuyết vui vẻ nói:

- Trà nụ tâm thất bác ạ. Hãm loại này hơi lâu, nhưng uống thơm mà ấm bụng lắm. Bác uống thử đi!

Ông lão đang vui câu chuyện, chợt trông thấy người giúp việc đi ra, mới sực nhớ ở đây mình vẫn đang là khách, liền vội vã ngồi nghiêm chỉnh trở lại, nụ cười cũng chóng vụt tắt. Ông đón lấy tách trà mà bác Minh đưa, hơi nóng từ cái tách lan ra trong lòng bàn tay thật dễ chịu. Trong khi ông từ từ nhấp một ngụm trà, Tuyết lại hỏi:

- Thế là tính ra bác cũng là cựu chiến binh. Vậy thì bác phải có lương hưu chứ? Sao lại phải vất vả đi làm lao công như thế này?

Ông lão nuốt vội ngụm trà trong miệng, nói một cách cay đắng:

- Đáng lẽ là như thế, nhưng mà đời tôi nó cứ khốn khổ. Lúc sang Lào tìm thằng con, tôi để lại hết giấy tờ ở quê. Đến lúc trở về thì không còn tìm thấy nữa. Không có gì chứng minh bản thân là cựu chiến binh cả, ra chỗ hành chính cũng chẳng biết ăn nói thế nào. Người ta không cấp giấy khác cho, cũng không nhận được đồng lương hưu nào hết. Thế nên tôi mới phải khăn gói lên đây tìm kế sinh nhai. Xương cốt đã hỏng cả từ hồi đi lái xe, xin việc thành ra cũng khó, kiếm được chân lao công này cũng đã là may mắn lắm rồi cô ạ.

Cả cô Tuyết và bác Minh đều không khỏi thương cảm cho số phận của ông lão. Già cả, bệnh tật, lại không có chỗ dựa, trong khi ông là một người có công với đất nước. Ông ấy xứng đáng được hưởng hạnh phúc hơn thế này, được an nhàn vui vầy bên con cháu. Cuộc đời tại sao lại bất công với người ta đến thế?

Ông Sang thở dài rồi lại nhấp thêm một ngụm trà. Không gian trong căn phòng trở nên yên tĩnh đến lạ, chỉ có tiếng mưa rả rích từ bên ngoài vọng vào nghe thật buồn tẻ. Mãi sau, ông mới lên tiếng:

- Cô đúng là người tốt. Hiếm khi thấy người nào còn trẻ mà đối xử tốt với người già cả nghèo khó như cô. Chắc bố mẹ cô nuôi dạy tốt lắm. Ông bà ấy có sống ở đây với cô không?

Tuyết lắc đầu:

- Dạ không. Cháu kết hôn xong ra ở riêng luôn. Đây là nhà của vợ chồng cháu.

Ông lão vui vẻ:

- Người trẻ giờ giỏi thật đấy. Từng đấy tuổi đã xây được cái nhà to vật vã thế này.

- Cũng không giỏi giang gì đâu bác. Nhà hạ giá nên chúng cháu tranh thủ mua. Cũng có bố mẹ phụ giúp, rồi phải đi vay ngân hàng một phần. Vay chỗ nọ, đắp chỗ kia, chứ nào có nhiều tiền đến vậy ạ...

Tuyết vừa nói vừa cười bẽn lẽn. Cô cũng chỉ nói vậy thôi, bởi cô không muốn ông lão tự ái. Những người nghèo khổ lại thường rất hay tự ái. Ông lão lại hỏi:

- Cô cứ khiêm tốn đấy thôi. Thế hai vợ chồng cô đã con cái gì chưa?

- Dạ, cháu có một đứa con gái, 9 tuổi. – Tuyết cười nhạt, khuôn mặt đã không còn tươi tỉnh như trước. Cô vẫn thường không vui khi nhắc đến con gái.

Ông lão gật gù:

- Thế là nhất rồi. Nhà cửa to đẹp, con cái đề huề. Cô đúng là có phúc! Con gái cô phải may mắn lắm mới có người mẹ tốt như vậy đấy nhỉ?

Nghe đến đây, Tuyết vẫn mỉm cười, nhưng cô cúi gằm mặt để ông lão không trông thấy đôi mắt cô đang ngấn nước. Cô nghẹn ngào nói:

- Không đâu bác... Con gái cháu...nó quá xui xẻo mới gặp phải người mẹ như cháu.

Ông Sang ngạc nhiên nhìn cô, không hiểu ý cô muốn nói gì, mọi chuyện đang vui vẻ, sao tự nhiên trong lời nói của cô lại đầy cay đắng đến thế? Tuyết lại nói tiếp, cố ngăn cho hai hàng nước mắt không trào ra:

- Con gái cháu bị bệnh tim bẩm sinh...Nó bị nặng lắm. Từ lúc mới lọt lòng đã cực kỳ yếu ớt. Suốt 9 năm nay, cháu luôn phải cẩn thận dè dặt chăm sóc nó. Không dám để nó tự làm bất cứ cái gì, cũng không dám để nó ra bên ngoài, đi học, đi chơi bình thường như con người ta... Khổ lắm, bác ạ! Mấy năm nay, sức khỏe nó ngày càng yếu. Bác sĩ nói cần phải làm phẫu thuật thay tim cho nó càng sớm càng tốt. Nhưng mà tìm người hiến tim nào có dễ gì? Cháu cũng chẳng biết liệu nó còn cố trụ được thêm bao lâu nữa...năm, tháng, hay là ngày...Cháu thực sự khổ tâm lắm bác ơi!

Ông lão như chết lặng khi nghe những lời Tuyết vừa kể. Cả người ông ngây ra như phỗng và đôi mắt đã nhòe đi. Một người phụ nữ đẹp đến thế, giàu có và lương thiện đến thế, tại sao lại rơi vào hoàn cảnh như vậy? Giữa ông lão và cô, thật khó mà nói được ai khổ hơn ai. Ông không biết phải nói gì để an ủi cô cả, chỉ tự trách mình tự nhiên sao lại khơi ra chuyện này. Còn bác Minh lúc này đang đứng bên cạnh vỗ vai xoa dịu cho Tuyết, không nén được tiếng thở dài, đôi mắt buồn rầu nhìn cô đầy xót xa.

Mãi sau, bác Minh mới bất chợt lên tiếng để xua đi không khí ảm đạm:

- Mưa gió này thật là khổ, chắc là ông cũng hay bị đau khớp những hôm trái gió trở trời thế này đúng không?

Ông Sang nhận ra là người giúp việc đang có ý lảng sang chuyện khác, nên ông cũng nhanh nhẹn tiếp lời:

- Ôi dào, tôi già rồi, có đau đớn một tí cũng không có gì đáng nói. Thương là thương đám thanh niên với trẻ con bây giờ. Những hôm mưa gió thế này, chúng nó đi đường bất cẩn, hay gặp tai nạn lắm. Đấy, mới hôm xưa, ngay chỗ công viên đằng kia, mới có một vụ tai nạn xong đấy, hai thanh niên đi xe máy đâm nhau. Không biết có chết ai không, nhưng mà thấy máu me nhiều lắm!

Tuyết cười buồn nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi những giọt mưa đang xối xuống hối hả thành từng dòng nối đuôi nhau:

- Tai nạn có khi cũng là chuyện tốt đấy chứ! – Tuyết nói và cười nhạt.

Cả bác Minh và ông Sang đều ngạc nhiên quay sang nhìn cô, thực sự không hiểu lúc này Tuyết đang nghĩ gì. Cô lại nói tiếp:

- Những ngày trời mưa lớn như thế này, nếu là người khác, người ta sẽ lo người thân của mình không biết có mang theo ô không, có bị ướt hay không, hay liệu có vì một cơn mưa mà cảm lạnh? Còn cháu, cháu chỉ tự hỏi nếu trời mưa to đến vậy, bên ngoài kia có xảy ra tai nạn hay không, có đứa trẻ nào bị chết không, và trong những đứa trẻ bị chết đó, liệu có ai có trái tim phù hợp để hiến lại cho con gái cháu hay không? Cháu biết như thế là rất ích kỷ, rất độc ác... Nhưng mà cháu cũng chỉ là một người mẹ, một người mẹ chẳng thể làm gì để cứu lấy con gái mình, một người mẹ chỉ biết nhìn đứa con mình yêu thương nhất ngày càng chết dần chết mòn...Nếu như tim của cháu cũng phù hợp với con bé, cháu cũng chẳng ngần ngại gì mà trao lại cho nó. Nhưng mà cháu chẳng làm được gì cả, cháu chỉ là một người mẹ vô dụng mà thôi...

Nói đến đây, Tuyết bỗng ôm mặt và bật khóc nức nở. Cả gian phòng chỉ còn lại những tiếng thút thít và một nỗi bi thương không nói thành lời. Bác Minh và ông Sang không thể làm gì để an ủi cô ấy, chỉ biết ngồi lặng im nhìn cô đầy thương cảm. Nhưng họ không phải là những người duy nhất lắng nghe câu chuyện ấy. Đằng sau căn phòng, nơi có một bức tường ngăn cách giữa phòng khách và cầu thang, một cô bé nhỏ nhắn với mái tóc đen lơ thơ đang đứng dựa lưng vào bức vách. Khuôn mặt em thật xinh đẹp với những đường nét thanh tú mà người ta vẫn hay bắt gặp trong những bức tranh vẽ các thiên thần, nhưng nét mặt ấy lúc này trông sao mà buồn đến vậy? Đôi mắt đen nhánh như kim cương đã ngần ngẫn nước, chỉ trực chờ một cái chớp mắt là có thể trào xuống ngay.

Thu cố bặm môi và hít một hơi thật sâu để không bật khóc. Em không muốn những tiếng sụt sịt của mình bị mẹ nghe thấy, hay đúng hơn là không muốn bị mẹ bắt gặp để rồi mẹ lại khóc nhiều thêm. Cô bé chỉ đứng lặng lẽ như vậy, im lìm và vô hồn như một bức tượng. Từ lúc mẹ phát hiện ra mấy cái túi chứa đầy chai lọ mà em khổ công sưu tầm rồi xách đi, Thu đã luôn đứng ở đây. Cô bé cũng chỉ muốn nghe ngóng xem mẹ đã làm gì với chúng, muốn tìm một cơ hội lấy lại chúng và giải thích cho mẹ hiểu tại sao mình lại làm như vậy. Nhưng không ngờ mẹ lãi dẫn ông lão xa lạ kia vào nhà, để rồi cô bé nghe được câu chuyện này. Đã từ lâu, Thu luôn tự ý thức được tình trạng bệnh tật của mình và hiểu rằng mẹ đã vì em mà vất vả như thế nào. Nhưng đây là lần đầu tiên, Thu được nghe mẹ thổ lộ những tâm sự tận sâu đáy lòng. Thì ra đó giờ mẹ vẫn luôn phải sống mệt mỏi như thế, luôn khổ sở và tự dằn vặt bản thân như thế. Tất cả cũng chỉ vì Thu. Bất giác, Thu cảm thấy như mình là một gánh nặng, một đứa trẻ vô dụng đang bòn rút dần sự sống của bố mẹ vậy. Phải chi em có thể chết ngay lúc này, để sự đau khổ đó có thể chấm dứt ngay lập tức thì thật tốt biết bao. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro