Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1



Làng tôi đẹp lắm...

Làng đẹp mỗi sớm tinh mơ sương giăng trắng xóa, đẹp khi hoàng hôn buông xuống ráng đỏ chân trời, cả những đêm trăng thanh treo lơ lửng trên ngọn sầu đông lộng gió.

Làng đẹp hơn khi có chị, có người con gái tôi dốc lòng thương quý từ thuở tấm bé dại khờ...



__________



Hồi còn nhỏ tôi là chúa nghịch ngợm! Chiều nào cũng vác thây lân la khắp xóm cùng đám con nít quỷ trong làng. Dường như những đứa trẻ dưới quê luôn mê tít mấy trò ném lon, trốn tìm hay bắn bi ve, thậm chí là chia phe đấu vật khói bụi tung trời. 

Ấy vậy mà vui...

Làng tôi gọi là Gò Hạc, một vùng quê xa xôi hẻo lánh ở miệt đồng bằng, cách lộ cái nom ba bốn cây số hướng về phía Nam, đi tuốt qua ngã tư Trà Dẻ phải hai chục cây mới có bến xe liên tỉnh. Dân sở tại chủ yếu sinh nhai bằng nghề nông, nghề rừng, rạc rài và lênh đênh. 

Làng nghèo lắm! Nhưng đượm tình

Quanh qua cái giếng đá ong dưới hàng trúc xanh là mái đình phủ rêu phong khép nép bên gốc đa già đứng sừng sững như mảnh hồn làng, bao năm chứng kiến người đến người đi, kẻ tha phương cầu thực. 

Nương theo con đường đất xóc nảy, những ngôi nhà ngói đỏ đều xăm xắp nằm dọc thưa thớt bên bờ sông Lau thơ mộng. Cây bàng cao vun vút, nhánh lá to tướng chồng chéo lên nhau rũ bóng xuống dòng nước biếc bốn mùa êm ả.  

Bức tranh thanh bình đã khắc vào lòng tôi đầy ấp những xuyến xao ngay khi còn thơ bé...

Nhà ngoại tôi ở mé bên kia sông, mỗi ngày tan học về phải đi qua cây cầu Phả Ngạn cũ kỹ, gập ghềnh. Tôi với đám bạn hay nép vào thành cầu giỡn hớt cười kha khả, người lớn trông thấy lần nào cũng mắng cho một trận nên hồn, nhưng chả tởn. Bởi lẽ chúng tôi là những con rái cá chính hiệu trên dòng sông Lau thân yêu này, đời nào sợ đuối nước, tôi cũng tự tin mình là một đứa bơi rất cừ.

Trước nhà ngoại tôi có cây trứng cá, bóng nó rợp trời nơi lối vào mọc um tùm đám cỏ mần trầu, quả ngọt sum suê rơi vãi đầy sân, còn có hàng rào hoa giấy nối nhau góc rễ trồi lên quấn quít, sắc tím trắng điểm xuyến cho màu xanh thăm thẳm. Mé sau gian bếp nhỏ là mấy bụi hoa sứ, mỗi mùa trổ bông là y như rằng nó tỏa hương ngào ngạt khắp các ngóc ngách, xưa ông tôi thích nên bà tôi quý lắm!

Bà còn trồng cả giàn hoa đồng tiền trước hiên nhà, cánh hoa giống hệt chiếc răng cưa xếp tầng, màu sắc bắt mắt khó cưỡng. Ngày nào bà cũng bắt tôi tưới nước, xăm đất cho cây lên, công việc chán ngấy thua xa trò đá cỏ gà với đám bạn.

Tôi ở với ngoại từ thuở mới lọt lòng, ông ngoại tôi thứ hai, bà theo chồng nên người làng hay gọi là bà Hai Sênh. Ông tôi lúc sanh thời là lính đánh du kích tử nạn trên sa trường Mộc Châu, để bà ở lại cô quạnh tảo tần. Bà thương con thương cháu lắm! Nhất là đối với tôi, một đứa từ nhỏ đã mồ côi mẹ, cha cũng không ở cạnh...

Năm đó mẹ mang tôi mà trong người đau ốm liên miên, vì khó sanh nên khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời thì thượng đế cũng đưa mẹ rời đi, ngoại tôi kể vậy và tôi đón nhận điều ấy bình thản như một vết nứt của số phận. Dẫu chưa từng tủi thân hay bi quan nhưng tôi luôn tiếc canh cánh rằng mình chẳng có lấy chút kỷ niệm gì với mẹ ngoài chín tháng nảy nở thành hình, càng không có chút hồi ức gì về hình bóng của bà.  

Ngoại nói ngày trước mẹ đẹp lắm! Lại còn chịu thương chịu khó, lam lũ sớm hôm. Cha tôi yêu mẹ cũng vì lẽ đó nhưng ngặt nổi ông là người có chí lớn, có lòng quyết tử đem nghiệp quốc đặt nặng trên vai như bao gã trai tráng khát vọng hòa bình.

Cha dường như muốn gửi gắm tất cả những mong ước ấy nơi tôi, ông lấy chữ Kỳ trong tên của mình đặt cho tôi cái tên đầy uy mãnh, nghĩa khí... Khương Sáp Kỳ, mặc dù là con gái. Khi tôi vừa tròn một tuổi ông cũng vứt áo thư sinh rời làng khăn gói theo cách mạng, tay ôm báng súng, đội nắng phơi sương nơi chiến trường khắc nghiệt.

Cha tôi có khuôn mặt cương nghị, bộc trực, dáng dấp rắn rỏi, ông tài cán lắm! Chỉ bẵng đi vài năm đã trở thành một sĩ quan cấp cao đứng trên đỉnh cơ nghiệp sáng láng.

Ông dành dụm xây nhà rồi ở miết trên tỉnh, số lần về thăm tôi chỉ đếm bằng đầu ngón tay, sợi dây tình cảm giữa cha con cũng ngày càng ảm đạm khi ông đi thêm bước nữa... Nghe ngoại tôi nói cha ưng cô con gái của ngài Thủ trưởng vừa có quyền lại vừa có tiếng, ngẫm cũng phải. Tôi thương cha nên không trách ông tìm cho mình một mái ấm mới, chỉ hơi buồn man mác.

Nhớ mùa hè năm nào cha có ghé về một lần ngỏ ý muốn đưa tôi lên tỉnh chơi hết tháng hè, ngoại nhất mực từ chối nhưng nhìn khuôn mặt hào hứng tội nghiệp của tôi, bà bấm bụng để tôi đi. Và rồi cũng từ hè năm đó, tôi chẳng bao giờ muốn theo cha lên tỉnh thêm một lần nào nữa.

Bà mẹ kế đỏng đảnh không ưa tôi, thằng em trai cùng cha khác mẹ tên Quốc cũng ghét tôi ra mặt. Nó bảo tôi lạc loài, quê mùa nên chẳng thèm chơi chung. Tôi sừng lên tẩn nhau với nó liền bị mẹ kế đánh mắng một trận nên hồn, cha tất bật công vụ sớm tối cũng mắt nhắm mắt mở cho qua.

Tôi trở về nhà với bụng tủi hờn, lập tức sà vào vòng tay ngoại khóc nấc, ngày đó để lại tổn thương sâu sắc trong lòng một đứa trẻ như tôi.

Dạo ấy tôi quyết tâm sẽ ở chết dí cái làng quê thân thương này, nơi gắn liền với tuổi thơ tôi, nơi cho tôi niềm vui, hạnh phúc, cho tôi một gia đình thật sự.

Tôi ở với ngoại trong gian bếp cũ ọp ẹp được lợp bằng mái tranh, bên hông có trải manh chiếu cói lên tấm phản gỗ chống bốn góc cách mặt đất chừng năm tất để ngủ. Gian bếp liền kề với căn nhà tường ngói đỏ cũ kỹ của gia đình ông cậu Mười Thoại. Cậu Mười là con trai út, là em của mẹ tôi, ai cũng quen gọi thứ Mười. Họ ngoại tôi có truyền thống nhiều đời theo cách mạng, mấy ông cậu trước cũng đi lính biền biệt tha hương chẳng có chút tin tức.

Cậu Mười ở lại phụng dưỡng mẹ già, thờ cúng tổ tiên. Bà ngoại thì không thích nhà tường ngột ngạt mặc cậu Mười khuyên can xưa nay bà vẫn ở miết trong gian bếp, vì ngày trước ông tôi cũng thế...




__________




Tôi học cấp một ở trường làng, lác đác chỉ vài ba lớp. Bởi lẽ thời chinh chiến loạn lạc, cái ăn cái mặc còn eo hẹp mà nhiều nhà không có chí tiến cho con đến trường. Tôi may mắn vì được cậu Mười đốc thúc, tánh ổng dữ lắm nhưng cũng thương tôi, ráng chạy chọt xin một chân cho tôi đi học.

Cậu Mười làm công ở xưởng đóng tàu lương bổng kha khá, vừa nuôi gia đình lại vừa nuôi tôi với bà ngoại thì thành ra phải chắt chiu từng đồng.

Ổng có đứa con trai là thằng Kháng, em họ tôi, nó học trung cấp trên tỉnh nên ít khi về. Tôi cũng mong nó đi luôn vì thằng trời đánh hay đầu sỏ cho những trò chọc ghẹo khiến tôi ức đến khóc mà chả làm được gì. Nhà tôi không kêu theo vai vế, bắt nó kêu tôi bằng chị còn khó hơn hái sao trên trời.

Ngày nhỏ sáng tôi đi học, trưa chiều la cà cùng đám con nít trong xóm đi chơi. Tát mương bắt cá chán chê thì vác ná đi bắn chim, hái trộm vườn cây nhà ông Ba Tịch, chiều chiều lại ra bãi đất trống sau rẫy khoai bày đủ trò quậy phá, đánh trận, mình mẩy đứa nào cũng bầy hầy nhem nhuốc. Trở về nhà với cái trán mẻ, tôi nghịch chả thua thằng đực rựa nào, ngoại thương tôi nên ít khi la rầy, đêm đêm cặm cụi vá từng mảnh quần manh áo, lo lắng chu toàn từng miếng ăn giấc ngủ.

Tôi được đà ham chơi lêu lổng, đến cuối cấp còn giở trò cúp học giắt cặp sách lên cây me non nhà ông Ba hùa theo đám bạn chăn trâu chạy ra nương ngô chơi, mặt trời đứng bóng thì lén lút trèo cây vác cặp trở về. Có lần mợ Liễu, vợ cậu Mười bắt gặp liền chạy đi méc cậu tôi trốn học, hôm đó tôi ăn một trận đòn đúng nghĩa, khóc lóc ỏm tỏi, bà ngoại cũng không có cớ để bênh.

Cứ thế bị quản thúc chặt chẽ cả năm cuối cấp, cậu Mười giao ước chỉ cho tôi đi chơi đến xế chiều, trước khi mặt trời lặn phải mò về nếu không ổng sẽ xách roi mây đi kiếm. Tôi chán ngắt! Bất mãn nhưng sợ ăn đòn nên chả làm gì được...

Thế là mỗi chiều hoàng hôn buông xuống lại phải lủi thủi trở về, vừa đi tôi vừa nhăn nhó, càm ràm trong miệng. Tôi ghét áng trời đỏ rực đượm buồn phía xa xa kia, thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm chia cắt những cuộc vui chơi rong rủi của tôi.

Hoàng hôn chẳng đẹp đẽ bao giờ, nó rực rỡ rồi tắt ngấm lúc nào cũng ánh lên màu buồn man mác, ảo não nhuộm tím đỏ chân trời. Đối với tôi hoàng hôn sến sẩm chỉ dành cho những kẻ mơ mộng viển vông, đợi chờ khắc khoải một điều gì đó lênh đênh không bờ không bến.

Tôi chẳng thiết tha gì áng trời ấy, vậy mà có một dạo tôi bỗng đem tâm tư của mình đặt lên vầng dương đỏ thẳm, bỗng yêu da diết cái rực rỡ chóng vánh chiều tàn. Lòng tôi ngẩn ngơ vương vãi những xúc cảm chẳng thành lời.

Đó là cái dạo... tôi biết đến chị Hiền...



__________



Bước vào lớp sáu, làng không có trường cấp hai nên phải lên tận trường huyện học. Cậu Mười tích góp mua cho tôi chiếc xe đạp đời cũ dòm như đống sắt vụn mà ổng mòi được của ông bạn trong xưởng đóng tàu, nhưng nói nào ngay nhìn nó cũng chưa tàn đến nỗi như con 'chiến mã' ổng lóc cóc đi làm hàng ngày. Tôi đương nhiên vui vì đỡ phải lội bộ cách mấy cây số để đến trường.

Thật ra cha tôi cũng có gửi tiền về, gửi nhiều nữa là đằng khác mà cậu Mười sĩ diện, gửi bao nhiêu cậu cũng không nhận. Tự thân xoay xở nuôi tôi ăn học, tôi ngẫm chắc cậu còn giận chuyện cha đi thêm bước nữa không làm tròn bổn phận với con cái. Từ lúc nào tôi cũng không còn nhắc nhiều về ông, hình bóng người cha cứ nhạt dần trong ký ức tôi...

Trường huyện cách làng này nom chục cây số, mỗi sớm sương rơi đọng trên bụi bạc hà xanh mướt còn chưa tan hẳn tôi đã phải cóc cách lên đường, bàn chân nặng trĩu đạp qua cầu Phả Ngạn, thả dốc không phanh, tôi lượn vài vòng quanh cái hàng rào bông bụp nhà bà Sáu Dạ cho tỉnh ngủ rồi mới thẳng một đường đất đỏ hướng ra lộ cái.

Trường trên huyện đương nhiên lớn hơn trường làng, lớp học cũng nhiều hơn. Tôi giao du được cả khối bạn mới, tuy lên cấp hai nhưng bản chất tôi vẫn là một đứa trẻ chưa lớn, ham chơi và tinh nghịch. Học xa tít trên đây nên cậu Mười cũng không có cách quản tôi như lúc trước, được đà càng bạo gan, tôi cúp cua như cơm bữa.

Tôi cùng đám bạn mới quăng cặp sách qua bờ tường thấp chổm, nhón chân đứng trên bục đá, chống tay nẩy người lên cao thoắt cái đã nhảy qua bên kia. Cả bọn được mùa cười ha hả chạy nhốn nháo đến quán dì Quế ngay đầu ngỏ tậu liền một cây đá bào mát lạnh.

Ở lớp tôi học chung với hai đứa cùng làng là thằng Trịnh và con Kén Em, chúng tôi hợp lại thành cái chợ trời, nghịch ngợm đến nỗi thầy cô nào cũng lắc đầu ngao ngán. Từ dạo đó như quên bén đi đám bạn chăn trâu nối khố ngoài rẫy, chiều nào học về tôi cũng chạy ù theo hai đứa nó vác cần trúc ra suối Đá cuối làng tập tành người lớn câu cá, một thú vui mới khiến chúng tôi thấy mình chững chạc và oai hết nấc! Cứ thế trở nên thân thiết, dần dà gắn bó với nhau như hình với bóng.

...

Nhà Kén Em cách nhà tôi thửa ruộng mênh mông phía sau hè, băng qua con kênh Lô rồi nương dọc theo lối mòn mà đi, độ chừng thấy đám cỏ may mọc dại hai bên đường, trước mắt ánh lên màu xanh tím nên thơ của giàn bìm bịp dây leo là khắc biết sắp đến.

Gia cảnh con Kén đơn sơ. Cha nó ngày trước đi lính rồi mất biệt ở Bắc Sơn không về, má nó làm nông, tát gàu sòng cho nhà ông Tám Đuốc, dành dụm chút tiền thương binh nuôi con cái ăn học. Kén Em còn có một người chị ruột kêu là chị Ái Ngữ, hơn chúng tôi ba tuổi, năm nay học năm cuối ở trường huyện. Bả dữ như chằn bù lại biết chưng diện điệu đà chảy nước, trai làng mê bả kể không xiết!

Chị Ngữ đẹp, đẹp sắc sảo nhưng chẳng giống với thiên thần trong giấc mơ mỗi đêm tôi mơ một tẹo nào, càng khác xa với chị Hiền của tôi... à không, là chị Hiền của thằng Trịnh!

Nhà thằng Trịnh gần xưởng đóng tàu mà cậu Mười tôi làm công, sát mé con rạch Giồng uốn khúc quanh co chảy dọc qua mảnh vườn sum suê mà dì Huyên, mẹ nó mát tay trồng. Dì hay thu hoạch chất thúng đèo bán lai rai ngoài chợ làng, được mùa thì đi bỏ mối quen trên chợ huyện Càm Hòa. Chẳng khá khẩm gì mấy, đủ chút tiền đong gạo, mua khô.

Cha thằng Trịnh là chú Thanh, người con tài cán miền duyên hải với tình yêu đất đai quê sứ. Chú đỗ đạt chuyên ngành y dược ngoài Bắc, sau xung phong cách mạng, tòng quân y tại căn cứ hậu cần lớn ở Láng Xuân, một năm chú mới về thăm nhà vài lần.

Cũng tại đây tôi gặp gỡ chị Hiền, chị hai của thằng Trịnh...

Chị tên Châu Hiền, nghe rất hay đúng không? Tôi thấy y gang!

Chị Hiền bằng tuổi chị Ái Ngữ, trùng hợp còn là bạn học nhưng mà tánh chị điềm đạm, dịu dàng gấp bội. Chị lớn sớm nên cao hơn tôi một cái đầu, dáng dấp nhỏ nhắn tinh khôi, nước da chị trắng mơn mởn, mái tóc gội bồ kết đen láy đến chấm lưng bồng bềnh trong gió. Cánh mũi thanh tú, môi chẳng thoa tí phấn son nào cũng đỏ hồng.

Châu Hiền cười đẹp lắm! Mỗi lần chị cười là y như rằng đôi mắt trong veo cong khuyết lên một vòng hồn nhiên vô cùng. Tôi chưa từng thấy qua ai có gương mặt thanh thuần hòa lẫn nét kiêu sa như vậy, chị Hiền đẹp hơn cả những gì tôi mường tượng hàng đêm về nàng tiên giáng trần.

Đối với tôi nếu chỉ dùng từ xinh đẹp thì không đủ để bộc bạch được hết dáng vẻ ấy, mà cũng chẳng từ ngữ nào có thể diễn tả ngoài tiếng lòng tôi, tiếng lòng đứa trẻ mới lớn dành cho chị một sự trân quý thầm kín. Tôi không hiểu đó là loại cảm giác gì, chỉ biết dùng chân thành ngây ngô của một đứa con nít lặng lẽ mến mộ chị...

Cứ thế tôi mãi rong rủi cả thời thơ ấu, để mặc thứ tình cảm trong trẻo thuần khiết đó lớn lên từng ngày. Đến khi tôi phát giác thì từ lúc nào Châu Hiền đã trở thành gốc rễ quấn quanh nơi tim mất rồi

Bóng hồng gót ngọc đầu đời tôi...










__________

Chương này mình viết lâu rồi, đã chỉnh sửa và xem như một chương trình làng để tránh mọi người chờ đợi vì mình đang tập trung rất nhiều vào những chương sau

Đáng ra nên đặt tên "Giới thiệu" chứ bao nhiêu nhân vật lôi vô gần hết trong một chương luôn haha

...

Mình viết truyện với mục đích giao lưu cho nên không quan trọng chuyện vote đâu, các bạn đọc xong để lại cảm nhận là mình vui lắm rồi ❤

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro