ran ho may khong lo
Chuyện diệt cọp và hổ mây khổng lồ của đạo sĩ Ba Lưới đã đi vào sách vở, vào những cẩm nang giới thiệu về vùng Thất Sơn do cơ quan Nhà nước phát hành.
Kỳ 1: Đạo sĩ ẩn tu và thế võ bí truyền “Bình phong lạc nhạn”
Thất Sơn, hay còn gọi theo tên nôm là Bảy Núi. Vùng đất giáp biên giới Campuchia thuộc tỉnh An Giang bỗng đột khởi 7 quả núi thiêng. Trong số đó, núi Cấm cao nhất, tới 700m so với mặt nước biển, và cũng được coi là quả núi linh thiêng nhất vùng.
Từ ngày xảy ra vụ lở khối đá ngàn tấn, đè chết mấy người, con đường lên núi bị chặn lại. Du khách muốn lên đỉnh Thất Sơn buộc phải cuốc bộ, hoặc thuê xe ôm đi len lỏi trong rừng. Đoạn nào không có đường thì cuốc bộ.
Lần mò cả buổi ở chân núi, rồi tôi cũng thuê được người dẫn đường. Xe máy chạy đến đầu ấp Thiên Tuế (An Hảo, Tịnh Biên) thì dừng lại, vì không còn đường.
Tiếp tục cuốc bộ chừng hơn tiếng đồng hồ, len lỏi trong rừng, đến hết con đường mòn, thì ngôi nhà gỗ hiện ra, chênh vênh vách núi, ẩn hiện trong lùm cây.
Người dân trong vùng gọi vách núi này là Long Hổ Hội. Đạo sĩ Ba Lưới sống cùng gia đình trong thung lũng này, tách biệt hoàn toàn với ấp Thiên Tuế.
Khi chúng tôi đến, đạo sĩ Ba Lưới đang thong thả hái thuốc trong vườn. Quanh ngôi nhà gỗ của ông là những vườn thuốc, do ông gieo trồng, chăm sóc.
Đạo sĩ Ba Lưới mang hình dạng đúng như tưởng tượng của tôi. Mái tóc dài trắng như cước được buộc tó. Đầu quấn khăn. Bộ râu trắng toát dài chấm ngực.
Thật khó tin, khi đã tròn 100 tuổi, mà ông vẫn trồng thuốc, hái thuốc, bốc thuốc cứu người. Trong vùng, hễ ai bị rắn độc cắn, đều tìm đến nhờ vả ông. Độc rắn loại gì ông cũng hóa giải được.
Nhấp mấy chèn trà, mất dăm phút hồi tưởng, ông mới bắt đầu câu chuyện đời mình. Đó là một tuổi thơ đầy khốn khó, rồi những cơ duyên kỳ lạ ở vùng núi rừng rú, thâm u này.
Đạo sĩ Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y. Quê ông ở Chợ Mới (An Giang). Gia đình đông con, nên đói kém và thất học. Năm 19 tuổi, nghe người dân đồn trên núi Cấm có nhiều đạo sĩ có công năng kỳ dị, nên ông quyết định rời gia đình tầm sư học đạo.
Dù đã 100 tuổi, song đạo sĩ Ba Lưới vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn
Sinh ra ở vùng sông nước, ngày ngày kiếm cá đổi cơm, nên đi đâu ông cũng dắt manh lưới bên mình. Có mảnh lưới đánh cá thì không sợ chết đường chết chợ. Vậy nên, hồi vác lưới lên Núi Cấm, mấy đạo sĩ thấy ngộ, nên gọi ông là Ba Lưới. Cũng từ đó, chẳng ai nhớ đến cái tên Nguyễn Văn Y của ông nữa.
Những năm 1930 của thế kỷ trước, vùng Thất Sơn, trong đó núi Thiên Cấm Sơn là nơi có nhiều đạo sĩ ẩn danh tu luyện. Họ có thể là những cao nhân muốn lẩn trốn thế sự, cũng có thể là những chí sĩ cách mạng tạm thời ẩn thân trong rừng chờ thời cơ.
Hàng ngày, các đạo sĩ trồng trọt, hái thuốc, đêm xuống luyện võ nghệ. Ngày đó, vùng Thất Sơn rừng rú hoang rậm, cọp beo đi thành đàn, rắn độc, đặc biệt là rắn khổng lồ bò lổm ngổm trong rừng, do đó, ai muốn sống trong rừng, phải có võ nghệ cao cường. Không có sức khỏe phi thường, võ nghệ tinh thông cùng tài bốc thuốc thì không thể sống được ở vùng rừng thiêng nước độc này.
Là người có sức khỏe, trí thông minh, lại chăm chỉ học hỏi, nên chàng trai Ba Lưới được nhiều đạo sĩ dạy dỗ, đào tạo. Có đạo sĩ dạy ông cách luyện khí công, đạo sĩ dạy thuốc, đạo sĩ dạy võ. Người thầy dạy ông ít nhất, nhưng để lại nhiều hoài niệm nhất trong ông là đạo sĩ Trường Sơn.
Trong lần hái thuốc, đi sâu vào rừng già, ông gặp một túp lều cỏ. Trong lều có một đạo sĩ tóc dài phủ vai, râu buông đến ngực. Biết đây là cao nhân ẩn tích, nên chàng trai Ba Lưới đã bái làm thầy.
Vị đạo sĩ này bảo: “Phép tu của ta rất đơn giản, chỉ là một chữ Đạo. Nếu ngươi theo ta, thì chỉ có thể học được chữ Đạo mà thôi”.
Biết vị đạo sĩ này là kỳ tài, nên chàng trai Ba Lưới bái sư, rồi ở lại lều cỏ. Hàng ngày, Ba Lưới theo thầy đi hái thuốc. Hái cây thuốc nào, ông lại chỉ cho Ba Lưới biết công dụng.
Ở với đạo sĩ Trường Sơn chừng hơn một năm, thì Ba Lưới học được cả trăm bài thuốc, chữa đủ các loại bệnh. Trong đó, bài thuốc trị rắn cắn là đặc biệt nhất. Vậy nên, trong đời đạo sĩ Ba Lưới, ông đã cứu hàng ngàn người thoát khỏi án tử vì bị rắn độc cắn.
Mãi đến sau này, đạo sĩ Ba Lưới mới hiểu chữ Đạo cao quý làm sao. Sử dụng các bài thuốc để cứu người cũng là một cách tu đạo.
Một đêm, đạo sĩ Trường Sơn nói với học trò Ba Lưới: “Ta có cả trăm thế võ nên dù có dạy con cả đời cũng không hết được. Tuy nhiên, ta sẽ chỉ truyền cho con một thế võ mà thôi. Ta mong con học đến nơi đến chốn”.
Thế võ mà vị đạo sĩ bí ẩn ấy truyền cho Ba Lưới có tên Bình phong lạc nhạn. Ông chỉ dạy một đêm là xong. Ông dặn Ba Lưới rằng: “Thầy cho con thanh danh tính được. Con có thành tài hay không phụ thuộc vào tính kiên trì và đạo đức của con”. Nói rồi, đạo sĩ nhún chân, nhảy vọt một cái. Chớp mắt, ông đã ở bên kia thung lũng và biến mất trong đêm trăng sáng vằng vặc.
Cho đến tận bây giờ, đạo sĩ Ba Lưới vẫn không nắm được chút gì về người thầy của mình. Đạo sĩ Trường Sơn đến từ đâu, tên thật là gì, tu luyện theo phái nào, ông cũng không biết. Người thầy ấy như thể vị tiên từ trên trời xuống.
Đạo sĩ Ba Lưới bảo: “Hôm thầy biến mất tui buồn lắm, ngồi khóc cả buổi. Thầy đi mà chỉ để lại cho một thế võ thì làm sao thành tài được. Nhưng nghe lời thầy, tui cũng chịu khó rèn luyện. Càng rèn, tui càng thấy thế võ biến hóa kỳ ảo khôn lường. Đến bây giờ, tui vẫn chưa hiểu hết được sự biến ảo của thế võ này”.
Bản chất của thế võ là nhảy lên không trung và tung ra liên hoàn cước. Mức tối thiểu là phải ra được 3 cước cực mạnh trong mỗi cú nhảy lên không trung.
Để rèn đôi chân, hàng ngày Ba Lưới gánh 150 kg đá lên tận đỉnh núi Cấm, rồi lại gánh xuống. Gánh nặng như thế, song ông chạy băng băng. Lúc bỏ gánh đá xuống, kết hợp với kỹ thuật dẫn khí, ông thấy cơ thể vô cùng nhẹ nhõm, như thể bay lên được.
Để rèn thêm võ nghệ, Ba Lưới còn bái nhiều đạo sĩ nữa làm thầy. Ông theo học cả môn phái của đạo sĩ Đoàn Minh Huyên, với các thế võ thần, hay còn gọi là siêu hình, rồi cả môn võ rồng khiến dao đâm vào người chẳng ăn thua gì.
Tuy nhiên, có một điều ông Ba Lưới nhận ra, đó là, càng tìm hiểu những môn võ khác, ông càng thấy được quyền năng thượng thừa của thế võ Bình phong lạc nhạn mà đạo sĩ Trường Sơn truyền dạy cho ông.
Đạo sĩ Ba Lưới chỉ tay sang bên kia vách núi bảo: “Khe núi này rộng chừng 20 mét. Ngày trước, tui tập trung tinh thần, khi thăng hoa, tui nhảy một cái sang bên kia”.
Lợn rừng ở vùng Bảy Núi xưa kia nhiều vô kể. Những con lợn độc chiếc, nặng đến 200 kg là nỗi ám ảnh của người dân. Không ít người lên nương bị những con lợn với cặp răng nanh nhọn hoắt này húc chết. Nhiều người thành tật hiện vẫn còn sống quanh núi Cấm vì lợn rừng húc.
Đạo sĩ Ba Lưới đi rừng nhiều, nên có vô số lần bị lợn rừng độc chiếc khổng lồ tấn công. Tuy nhiên, với thế Bình phong lạc nhạn, ông dễ dàng thoát khỏi sự tấn công của nó. Ông chỉ tránh đòn và để cho nó sống sót.
Cũng với thế Bình phong lạc nhạn, đạo sĩ Ba Lưới đã hạ thủ một con cọp 200 kg, khi nó đã ăn thịt một số người dân trong vùng. Ông nhảy vọt lên không trung, vừa tránh đòn con cọp, vừa ra tung liên hoàn cước trúng chỗ hiểm, khiến con cọp chết thẳng cẳng.
Tuy nhiên, tên tuổi đạo sĩ Ba Lưới chỉ nổi lên như cồn khắp vùng Thất Sơn và đi vào huyền thoại, khi ông sử dụng thế võ đặc biệt của mình để hạ thủ 2 con rắn hổ mây khổng lồ khi nó cố tình tấn công ông.
kỳ 2
Tui bực mình nhặt hòn đá ném về phía nó, nhưng nó không bỏ đi mà rùng rùng chuyển động, cất đầu cao đến 5 mét.
Kỳ 2: Cuộc chiến huyền thoại với hổ mây khổng lồ
Nhắc đến loài rắn hổ mây khổng lồ, không ít người cho rằng đó là chuyện tào lao của cư dân vùng đất bác Ba Phi. Tôi cũng tin như vậy.
Tuy nhiên, gặp gỡ hàng trăm người, ở nhiều tỉnh thành khác nhau, tôi đều được nghe những câu chuyện rất thật, rất giống nhau. Họ mô tả hình dạng, màu sắc, cách di chuyển, tính nết của loài rắn này trùng khớp một cách khó tin
Một đạo sĩ kỳ lạ, đáng tôn kính, đã sống 100 năm trên cõi đời, trên quả núi Cấm linh thiêng nhất vùng Cửu Long như đạo sĩ Ba Lưới, thì không có lý do gì để bịa tạc những câu chuyện mua vui. Cả đời ông sống ẩn cư trong rừng, thì ông còn màng gì thế sự, còn ham hố gì việc kể chuyện tào lao cho nổi tiếng.
Tôi hỏi đạo sĩ Ba Lưới: “Thưa ông. Con từ Hà Nội vào đây, mang theo một câu hỏi mà bao năm nay con nghi ngờ mãi, đó là có rắn hổ mây khổng lồ hay khTheo đạo sĩ Ba Lưới, vùng Thất Sơn huyền bí không chỉ có rắn hổ mây khổng lồ, mà còn có những loài khác, cũng to khủng khiếp, ấy là con phướn, con rết.
Con phướn to lớn như hổ mây, nặng vài trăm ký. Nó chỉ khác rắn hổ mây ở cái thân hình màu đen, và đầu dẹp như cá trê. Con phướn phóng trên ngọn cây như giông bão. Khi nó săn mồi, cả cánh rừng rung bần bật, cỏ cây táp đi. Nhưng nó là loài rất nhát, nên ít người thấy nó ngoài các đạo sĩ ẩn tu lâu năm trong rừng
Xưa kia, đạo sĩ Ba Lưới thi thoảng gặp con phướn, nhưng 50 năm trở lại đây thì nó biến đâu mất. Loài rết khổng lồ cũng to bằng bắp chân, có thể xơi tái gà, vịt. Các đạo sĩ trên núi cũng thường bắt rết xiên vào cây nướng trên than hồng làm món ăn. Thịt nó trắng và ngọt như thịt gà. Nhưng loài rết khổng lồ cũng biến mất từ lâu rồi.
Để thông tin trung thực về cuộc chiến với rắn hổ mây khổng lồ ở núi Cấm, tôi xin chép nguyên văn đoạn trao đổi với đạo sĩ Ba Lưới:
: Rắn hổ mây khổng lồ nhiều người nhìn thấy, thậm chí bắt được chứ không riêng gì tui. Tui thì gặp chúng thường xuyên, thậm chí ở cạnh chúng suốt, nên tui rất rõ về nó. Nó có thân màu vàng, hơi mốc. Màu vàng nhạt hơn trăn.
Loài hổ mây khác với trăn là khi săn mồi hoặc tránh thân cây đổ, mỏm đá, nó cất đầu rất cao, đến tận ngọn cây. Nó chạy rất nhanh khi ở trên cây, phóng từ cây nọ sang cây kia tạo ra tiếng ồn như gió lốc. Nó sống ở sâu trong rừng và lẩn trốn con người, nên ít người gặp được nó. Con hổ mây cỡ lớn hết vòng tay ôm, to bằng cột nhà, bằng cây thốt nốt. Nó dài 20 mét. Thậm chí dài hơn.
- Đạo sĩ Ba Lưới: Tui luôn nhớ lời dạy của thầy nên cả đời tu tâm dưỡng tánh, cứu người. Học võ cũng là học đạo, chứ không phải săn muông thú, diệt muông thú. Nếu tui giết muông thú, liệu tui có sống được trăm tuổi ở rừng già này không? Tui hại muông thú, tui sẽ bị thú ăn thịt lâu rồi. Việc tui giết rắn cũng là bất đắc dĩ, vì nó nổi điên đòi ăn thịt tui.
- PV: Ông kể chuyện giết hổ mây đi ạ?
- Đạo sĩ Ba Lưới: Tui giết con hổ mây đầu tiên là năm 1944, khi đó tui chừng 30 tuổi, đã tu luyện trên núi được 10 năm.
Lúc đó rừng rú hoang rậm lắm. Cả vùng núi, và đồng ruộng mênh mông không có bóng người, toàn cây cối, đầm nước, thú dữ. Cả vùng Bảy Núi chỉ có các đạo sĩ và học trò sinh sống, chứ không có dân cư. Chỉ những người tinh thông võ nghệ, biết thuốc trị rắn mới dám vào rừng ở. Trong rừng, rắn độc nhiều vô số, rắn khổng lồ, trăn khổng lồ vắt lủng liểng trên đọt cây.
Tuy nhiên, giới đạo sĩ chúng tui không giết rắn, không xâm phạm nơi ở của chúng, nên chúng cũng không làm hại con người. Rắn hổ mây có thể nuốt trâu, bò, sơn dương, lợn rừng. Nó bò ra mép sông nuốt cá sấu, nhưng tuyệt nhiên không dám tấn công các đạo sĩ.
Nhưng rồi, không hiểu sao, một con hổ mây ở cạnh nơi tôi tu luyện lại đổi tính nết, đòi ăn thịt tui.
Bình thường, các buổi trưa, tui vẫn thấy nó quấn trên hai ngọn cây, thả thân võng xuống đong đưa. Nhưng rồi đột nhiên, nó đi đâu mất, mấy tháng không thấy bóng dáng.
Tháng 4 cỏ cháy, rừng cháy, chiến tranh bom đạn, khí trời nóng ran. Có lẽ do trời nóng, nên con rắn thay đổi tính nết, từ hiền lành sang hung dữ. Cũng có thể do không kiếm được mồi, đói ăn, nên nó đòi ăn thịt tui.
Đầu giờ sáng, tui vác đòn gánh vào rừng hái thuốc. Chiếc đòn gánh ấy làm từ loại gỗ rất cứng, tròn, to bằng bắp chân, một đầu nhọn, một đầu tù. Tui thường buộc cây thuốc thành bó, xiên đòn vào tâm bó gánh về. Tui cũng dùng chiếc đòn gánh tới 200 ký đá để luyện công.
Đi nửa dốc, thì con hổ mây đó bò ra chặn đường. Bình thường thấy người hổ mây chạy mất dạng, đằng này nó lại bò ra giữa đường chặn tui. Chờ một lát, không thấy nó bỏ đi, mà ngóc đầu lên nhìn tui. Tui bực mình nhặt hòn đá ném về phía nó, nhưng nó không bỏ đi mà rùng rùng chuyển động, cất đầu cao đến 5 mét .
Cái đầu nó bạnh ra to đúng bằng cái nia, chiều ngang cỡ một mét. Đầu nó đu đưa, lưỡi thè ra, mắt dòm thẳng xuống tui. Nhìn thái độ của nó, tui biết là nó sẽ tìm cách nuốt chửng tui. Tui vung đòn gánh thủ thế tìm sơ hở của nó.
Sống ở rừng lâu năm, quá hiểu loài hổ mây, nên tui giữ tinh thần bình tĩnh. Nếu mất tinh thần là chỉ có làm mồi cho nó. Loài hổ mây phóng trên ngọn cây như giông bão thì con người làm sao chạy thoát được nó. Loài khỉ đu ào ào trên ngọn cây nó còn tóm được, nói gì con người chạy dưới đất.
Tui thủ thế đoán định hướng tấn công của nó, còn nó nhòm tui tìm sơ hở. Loài hổ mây tuy mạnh nhưng rất dốt. Nó nhòm về bên nào, thì sẽ tấn công bên đó.
* Mời xem tiếp Kỳ 3…
Kỳ 3: Cú đánh trời giáng và quyền cước chém đầu rắn khổng lồ
Như kỳ trước bài báo đã nêu, đạo sĩ Ba Lưới huyền thoại của vùng Thất Sơn khẳng định cả đời rèn đức, học đạo, chứ không bao giờ có ý định giết rắn. Loài hổ mây khổng lồ tuy có sức mạnh vô song, đủ sức nuốt bò, phóng trên đọt cây như giông bão, nhưng hầu như chúng không hại người, nên các đạo sĩ cũng không có lý do gì để giết chúng.
Sở dĩ, đạo sĩ Ba Lưới phải hạ thủ rắn hổ mây, vì chúng tìm cách tấn công, đòi ăn thịt ông. Đường cùng, ông mới phải sử dụng quyền cước tu luyện cả đời để chống lại chúng.
Đạo sĩ Ba Lưới: Loài hổ mây chạy như gió cuốn, bão giông, nên nó đã chí ăn thịt ai, thì người đó không thể thoát được. Nếu lúc đó tui không vững tâm, mà chạy trốn, thì nó sẽ phóng theo nuốt chửng. Tui chẳng còn cách nào ngoài việc đối mặt với nó..
Đạo sĩ Ba Lưới: Khi tui thủ thế với chiếc đòn trong tay, nó chuyển động cái đầu, sàng qua sàng lại, rồi đột ngột há miệng chụp thẳng xuống đầu tui. Tui dùng thế Bình phong lạc nhạn tung người lên không trung vừa tránh cú chụp của nó, vừa vung đòn liên tiếp vụt vào sống lưng và cổ nó.
Các cụ bảo đánh rắn đánh vào sống lưng, nhưng con rắn hổ mây to quá, da dày, nên vụt vào sống lưng nó chẳng ăn thua gì. Trúng mấy cú đánh, con rắn càng hung dữ. Nó thu người, cất đầu lên cao, rồi chụp xuống liên tục. Lúc này tui mới hiểu được giá trị của thế võ Bình phong lạc nhạn mà thầy tui truyền cho. Với khả năng bật lên không trung, bay qua vồ (mỏm đá, mỏm núi), tui mới tránh được những cú mổ của con rắn khổng lồ.
Lúc đó, cả cảnh rừng như có giông bão. Cây cối rung bần bật. Con rắn càng đánh càng hăng. Tui dù khỏe thế, nhưng đối phó với nó mãi thì có dấu hiệu đuối sức. Khi đó tui nghĩ nếu không hạ được nó sớm, thì chắc chắn bị nó ăn thịt.
Sau cú mổ trượt, tui phi thân ra phía đuôi nó, để nó mất thời gian đổi hướng. Tui thủ thế, tập trung năng lượng tinh thần để ra đòn quyết định. Con rắn cũng cất đầu lên tận ngọn cây, từ từ hạ xuống cách đầu tui vài mét. Đôi mắt nó đỏ rực. Có vẻ như nó cũng sẽ ra đòn quyết định với tui.
Nó há cái miệng đỏ lòm, rồi chụp xuống rất mạnh. Tui lùi lại 3 bước tránh cú mổ của nó. Tui bật lên tận ngọn cây. Con rắn chụp trượt thì cất đầu lên tính chụp tiếp, còn tui từ trên không rơi xuống. Tui tung liên tiếp 3 cú đánh trúng đầu. Cú đánh cuối cùng khiến chiếc đòn gãy đôi.
Tui rơi xuống trong tư thế vững vàng, sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, nhưng con rắn thì đổ oặt xuống đất. Đầu nó bất động, nhưng thân còn vùng vẫy mãi mới chịu thôi.
Tui phải ra liền 3 đòn, mới hạ được nó. Đòn thứ nhứt tui đập bể sọ nó, còn đòn thứ nhì, thứ ba, tui đập vỡ óc nó. Lúc đó, tui lại ngộ thêm ra được công năng đặc biệt của thế võ này. Do vậy, sau đó, tui càng tập luyện kỹ càng để hoàn thiện hơn.
Đạo sĩ Ba Lưới: Hạ con rắn rồi, tui xuống núi gọi người dân vào rừng xẻ thịt rắn mang về ăn. Chỉ có hơn chục người dám theo tui vào núi lấy thịt rắn. Phần lớn người dân sợ rắn trả thù, nên không dám vào xem.
Ngày xưa, người dân ở đây sợ rắn hổ mây lắm, họ gọi là ông rắn, ngài rắn, chứ không dám gọi con rắn đâu. Họ sợ ăn thịt hổ mây thì sẽ bị hổ mây đòi mạng. Một số người vào rừng xem con rắn giờ đã già lắm, nhưng hầu hết là chết rồi. Họ có thấy tui giết rắn, họ mới tin tui đánh nhau với hổ mây chứ. Ai ở vùng Bảy Núi này chẳng biết đạo sĩ Ba Lưới đánh hạ hổ mây khổng lồ.
- PV: Vậy cụ thể con rắn đó lớn như thế nào ạ?
Đạo sĩ Ba Lưới: Ngày đó chuyện gặp rắn, trăn lớn và giết chúng rất bình thường, có ai để tâm tính toán hay đem cân đâu. Tuy nhiên, tui cùng những người xẻ thịt con rắn áng chừng nó dài hơn 20 mét, nặng cỡ 500 ký. Thân nó bằng cây thốt nốt già. Tui ôm thử hết một vòng tay.
Chuyện tui hạ rắn hổ mây khổng lồ ở vùng này ai chẳng biết. Cậu không tin thì cứ đi hỏi những người già quanh núi Cấm sẽ rõ.
- PV: Thế còn lần thứ 2 ông hạ rắn khổng lồ…
Đạo sĩ Ba Lưới: Lần thứ hai vào năm 1960, lúc tui 50 tuổi. Ở cánh rừng chỗ tui ở có đàn khỉ đến cả trăm con. Bọn khỉ sống với tui chân tình lắm. Chúng mò vào lều tui xin ăn. Xin không được thì chúng ăn trộm. Tui trồng được bao nhiêu bắp, chúng bẻ trộm hết.
Thế nhưng, một ngày, con hổ mây tìm về khu rừng này. Cứ mỗi lần nghe tiếng ào ào như nổi cơn giông, thì biết ngay con rắn đang săn đàn khỉ. Đàn khỉ bị nó ăn vãn. Sợ con rắn, nên chúng kéo đi nơi khác. Không săn được mồi, con rắn quay sang ăn chó của tui. 10 con chó tui nuôi nó đều ăn hết.
Giống chó tui nuôi là chó săn, bắt được rắn hổ chúa, hổ hèo, nhưng thấy hổ mây thì không kêu nổi, cứ ngồi im run bần bật chờ nó mổ. Nhưng quy luật rừng xanh là thế, nên tui cũng chẳng thù oán gì nó. Chỉ có điều, ăn hết đàn chó, thì nó đòi ăn thịt tui.
Khi đó, công phu của tui đã hoàn thiện, nên coi thường rắn hổ mây lắm. Biết trước sau nó sẽ ăn thịt mình, nên đi đâu tui cũng mang quéo (dao phát rừng). Chiếc quéo này dài 2m, do tui tự rèn.
Bữa đó, đang vào rừng hái thuốc, thì nghe tiếng chạy re re từ xa. Tiếng xào xạc mỗi lúc một gần. Rồi con rắn hổ mây khổng lồ ấy bò đến trước mặt tui. Con rắn này rất hung dữ, lại đói mồi, nên không thèm cất đầu lên rồi mới chụp xuống, mà nó há miệng và nhắm thẳng tui phóng tới.
Trông cái cách tấn công hung hăng của nó, tui biết nó quá chủ quan. Không thể sống hòa bình với con rắn này nữa. Không ăn thịt được tui, thì nó cũng ăn thịt người khác, nên trong tích tắc tui quyết hạ nó.
Nó vừa phóng tới thì tui sử dụng thế võ Bình phong lạc nhạn, tung người lên không trung. Con rắn vồ hụt mồi, chưa kịp quay đầu lại, thì chiếc quéo tui cầm trên tay đã cắt đứt đầu nó.
Tui giết con rắn này quá dễ dàng, chỉ trong chưa đầy một giây. Con rắn này cũng không lớn bằng con đầu tiên tui giết, nhưng cũng phải dài cỡ 15 mét và nặng chừng 300 ký.
Theo đạo sĩ Ba Lưới, sau vụ giết con hổ mây thứ hai, ông ít gặp lại những con rắn khổng lồ như thế. Ông chỉ còn gặp những con hổ mây nặng cỡ 200 kg mà thôi.
Ông cũng cho biết, ông thường gặp chúng ẩn nấp ở hang Mây trên núi Cấm. Nơi đó ít người qua lại, vách đá hiểm trở, loài rắn hổ mây trú ngụ, nên các đạo sĩ mới gọi là hang Mây.
Tôi hỏi ông rằng, liệu bây giờ trên núi Cấm còn rắn hổ mây hay không, đạo sĩ Ba Lưới cho rằng, có thể vẫn còn hổ mây, nhưng con người chiếm hết môi trường sống, nên chúng lẩn sâu vào trong hang động, không dám ra ngoài.
Cũng có thể chúng đã bỏ sang núi non bên Campuchia từ mấy chục năm trước.
* Mời xem tiếp Kỳ 4…Kỳ 4: Giáp mặt rắn hổ mây khổng lồ ở Thất Sơn
Anh Quân lấy danh dự của một nhà giáo để khẳng định rằng, rắn hổ mây khổng lồ là loài có thật, chứ không phải huyền thoại. Hổ mây chính là con nưa, một loài cùng họ với trăn.
Để khách quan trong việc tả lại những câu chuyện về rắn hổ mây khổng lồ, tôi đã chép lại toàn bộ cuộc trao đổi với đạo sĩ Ba Lưới trong kỳ báo trước. Tuy nhiên, câu chuyện về những đạo sĩ vùng Thất Sơn vẫn mang hơi hướng huyền thoại, huyễn hoặc. Ngay cả cuộc đời của họ cũng vậy.
Tôi đã làm cuộc khảo sát quanh vùng Thất Sơn để làm sáng tỏ hơn nữa những câu chuyện của đạo sĩ Ba Lưới. Thật bất ngờ, những câu chuyện của người dân vùng Thất Sơn về loài rắn hổ mây chẳng khác gì chuyện đạo sĩ Ba Lưới kể.
Nhắc đến chị Mai Thị Nguyệt, người dân xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) đều biết đến. Chị Nguyệt nổi tiếng không phải vì giàu có, xinh đẹp, mà bởi chị từng gặp rắn khổng lồ.
Chị Nguyệt là cán bộ phụ nữ ấp Vồ Dầu, nhưng có thêm nghề thuốc. Trong chuyến vào rừng cách nay 27 năm, chị đã đối mặt với rắn khổng lồ.
Bữa đó, đang hái thuốc thì gặp một cái hang. Tò mò, chị chui vào khám phá, thì hồn bay phách lạc, khi một con rắn khổng lồ khoanh tròn trong hang, phần đầu dựng đứng lên, mang bành, hai mắt đỏ lòm. Hai mắt của con rắn lập lòe trong bóng tối cách nhau tới 2 gang tay.
Dù sợ lắm, song chị vẫn chắp tay, miệng ú ớ xin lỗi “ông rắn”, vì đã xâm phạm nơi ở của ông. Vái xong rắn, chị lùi dần ra miệng hang, rồi ba chân bốn cẳng chạy về. Từ bấy, chị không dám vào rừng rú khu vực đó hái thuốc nữa.
Sau này, một số người nghe chuyện của chị, cũng vác dao, súng kéo nhau vào tìm “ông rắn”, tuy nhiên hang thì còn đó, mà rắn khổng lồ thì không thấy đâu. Chị Nguyệt khẳng định rằng, chuyện chị gặp rắn khổng lồ là sự thật 100%. Còn giờ “ông rắn” bỏ hang định cư ở đâu thì chị không thể biết được.
Một chuyện mà bất kỳ ai ở quanh núi Cấm đều biết, là vụ nhóm 10 người gặp rắn khổng lồ, vào năm 1980. Nhóm người này ở huyện Châu Phú, lên núi Cấm tìm thuốc.Họ lên núi cấm buổi sáng, thì buổi trưa chạy tán loạn xuống chân núi. Họ trốn vào nhà ông Tư Đậu ở ấp Rau Tần, không dám ló ra ngoài. Theo nhóm người này kể, thì khi họ ngồi nghỉ bên tảng đá, một người tưởng cây mục, nên chém dao vào.
Không ngờ, người này chém vào thân con rắn khổng lồ, to như cây thốt nốt. Con rắn dựng đứng thân lên tận ngọn cây. Nhóm người này sợ quá chạy te tua xuống núi, rồi không dám lên núi Cấm nữa.
Ngay như ông Tư Đậu, thợ săn thiện nghệ, cũng từng gặp rắn khổng lồ. Theo ông Tư Đậu, ông không có duyên gặp rắn khổng lồ vài trăm ký, nhưng những con hổ mây nặng cỡ 100 kg, thân to hơn cái phích, thì ông gặp nhiều.
Năm 1980, ông cùng một số thợ săn vào rừng Vồ Bà. Đang mải săn khỉ, ông bỗng nghe tiếng chó sủa, rồi tiếng chó kêu ăng ẳng. Lần theo tiếng kêu, ông cùng nhóm thợ săn kinh hồn bạt vía, khi tận mắt con hổ mây khổng lồ, to bằng cây chuối hột, dài 10 mét, nặng cỡ 100kg, đang nuốt con chó săn của ông.
Không chỉ ông Tư Đậu, mà rất nhiều thợ săn đều bị mất chó trong những chuyến vào rừng. Nhiều người tin rằng, chỉ có rắn hổ mây mới đủ sức xơi tái chó săn hung dữ.
Thợ săn Nguyễn Văn Hòa, ở ấp Thiên Tuế, cũng không ít lần giáp mặt hổ mây khổng lồ. Ông cũng là người gan dạ nhất khi đối mặt với rắn hổ mây.
Một con trăn nặng 100 kg do người dân bắt được ở núi Cấm. Con trăn này đã được kiểm lâm thả về rừng.
Có lần, đi săn ở ấp Vồ Bà, con rắn hổ mây phóng từ ngọn cây xuống đất đớp con chó săn của ông. Tức mình, ông xông lại gần giương súng bắn rắn. Con rắn sợ quá, thả chó chạy mất hút. Mặc dù con rắn trúng đạn, nhưng nó không chết. Con chó của ông dù không bị rắn nuốt, nhưng trúng độc, chết sùi bọt mép.
Ông Hòa tin rằng, trong vùng Bảy Núi, chỉ có 2 loài có thể xơi tái được chó săn, đó là rắn hổ mây và nưa khổng lồ.
Các thợ săn ở vùng Bảy Núi cung cấp một thông tin thú vị, đó là ngoài rắn hổ mây, núi Cấm còn có nưa khổng lồ. Hai loài này là giống bò sát lớn nhất vùng Thất Sơn, nặng vài trăm ký, đến cả nửa tấn.
Tuy nhiên, các thợ săn đều khẳng định, loài hổ mây khổng lồ dường như mất hút từ 20 năm trước. 20 năm nay, nhiều người vẫn chạm mặt hổ mây, nhưng chỉ gặp những con hổ mây cỡ 40-50kg.
Riêng loài nưa khổng lồ, nặng trên 200kg, thì thi thoảng người dân trong vùng vẫn tóm được. Người ta chỉ bắt được nó, khi nó đang nuốt con vật lớn, không chạy tháo thân được.
Anh xe ôm Đoàn Hoàng Quân (An Hảo, Tịnh Biên, An Giang), nguyên là giáo viên tiểu học, cán bộ xã An Hảo, đặt giả thuyết rằng, rắn hổ mây chính là con nưa.
Theo anh, trăn và nưa núi Cấm đều rất lớn, con to nặng 200 đến 300 kg. Ngay mới đây, người ta bắt được con trăn 100 kg ở núi Cấm và đã thả lại nó vào rừng. Nưa là loài có hình thức khá giống trăn, da mốc vàng, nhưng có tới 5 lỗi mũi, gồm 2 lỗ mũi thật và 3 lỗ mũi giả. Cũng có con nưa có tới 9 lỗ mũi.
Bản thân anh Quân từng tận mắt chứng kiến nhóm thợ săn ở núi Cấm bắn chết một con nưa khổng lồ, nặng ước chừng 300 kg.
Hồi đó là năm 1985, khi anh 15 tuổi. Nghe tiếng súng xả liên thanh, người dân cả xã An Hảo chạy ra xem. Lát sau, anh thấy một nhóm người hò dô kéo xác một con nưa khổng lồ từ rừng ra, để vắt ngang lộ. Cái lộ rộng tới 15m, căng con nưa ra, mà đầu và đuôi nó vẫn nằm dưới rãnh.
Anh chàng Quân khi đó bạo dạn, liều lĩnh xông đến ôm con nưa thấy đủ một vòng tay. Thân của nó phải bằng cây thốt nốt già như lời kể của các cụ về hổ mây.
Nhóm người này dùng dao lột da, xả thịt, chia cho cả làng. Lúc mổ bụng nó, mọi người đếm được 5 con lợn rừng trong bao tử. Đấy là chưa kể vô số lông lợn, xương lợn vẫn nằm trong dạ dày của nó, chưa tiêu hóa hết.
Một con trăn khổng lồ nặng cả trăm kg bắt được ở Thất Sơn
Theo một số cụ già, từng hiểu biết rất rõ về rắn hổ mây, nưa, thì với trọng lượng này, nó đủ sức nuốt chửng 5 người trưởng thành. Đúng là một con quái vật tưởng như chỉ có trong truyền thuyết.
Sau vụ tận mắt chứng kiến đó, bản thân anh Quân cũng được nghe kể nhiều về rắn hổ mây, hay con nưa, nhưng chưa có duyên được gặp lại lần nữa. Anh Quân lấy danh dự của một nhà giáo để khẳng định rằng, rắn hổ mây khổng lồ là loài có thật, chứ không phải huyền thoại. Hổ mây có thể là con nưa, một loài cùng họ với trăn.
* Mời xem tiếp Kỳ 5…
Cả trăm người có mặt đều tận mắt cặp rắn. Nhiều người tá hỏa tam tinh vứt dao chạy thục mạng, không dám đi cứu rừng nữa.
Kỳ 5: Lão kỳ nhân cả đời sống giữa bầy rắn khổng lồ
Tìm hiểu huyền thoại về rắn hổ mây khổng lồ, không thể không đến đại ngàn U Minh Hạ. Rừng U Minh Hạ không chỉ rộng mênh mông, mà còn là nơi phát tích nhiều nhất những câu chuyện về rắn hổ mây. Ngoài những câu chuyện mang tính huyền thoại, thì rắn hổ mây vẫn là loài vật mang tính thời sự, trong những câu chuyện đường rừng.
Khi biết chúng tôi về U Minh tìm hiểu về rắn khổng lồ, ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ tiếp đón cởi mở. Ông cũng từng bỏ nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, làm rõ về loài rắn hổ mây khổng lồ, nhưng vẫn chưa thành công. Loài vật khổng lồ này vẫn mang nhiều hơi hướng huyền thoại.
Ông đã gặp rất nhiều người được cho rằng đã chạm mặt loài rắn này. Ông Ba Hoàng, Mười Nhớt, Tư Nhớt, Hai Sanh, Ba Vinh, Hai Tây, Mười Ngọc… đều là những người nắm cả kho chuyện về rắn khổng lồ ở U Minh. Những nhân vật này đều khẳng định rắn hổ mây là loài có thật.
Ông Thế chỉ dẫn tôi tìm gặp ông Hai Tây, là thầy chữa rắn nổi tiếng, một võ sư danh bất hư truyền, lại có cả cuộc đời sống, chiến đấu trong đại ngàn U Minh, nên ông nắm rất rõ về rắn hổ mây.
Chị Nguyễn Thị Lê, tức Út Lê, sống ở ngay bìa rừng U Minh Hạ. Tôi nhờ chị dẫn đi gặp ông Hai Tây, ba chị, để tìm hiểu về rắn hổ mây. Chị bảo, bản thân chị xưa cũng gặp rắn hổ mây suốt, cứ gì ba chị.
Theo chị, năm 1981, do làm ăn thất bại, vỡ nợ, bị chủ nợ truy riết, nên ba chị đã dắt mẹ con chị trốn biệt vào giữa rừng U Minh. Khi đó, Út Lê tròn 18 tuổi.
Ông Hai Tây dựng một căn nhà sàn trong rừng Vồ Dơi, nơi không có dấu chân người. Nơi đó rắn hổ mây khổng lồ tụ tập nhiều, nên chẳng ai cả gan dám ra vào ngoài ông Hai Tây.
Sống giữa bầy rắn khổng lồ, nên hai mẹ con Út Lê chẳng dám ra khỏi nhà. Ông Hai Tây nuôi tới 10 con chó săn hung dữ để bảo vệ hai mẹ con. Hàng ngày, ông Hai Tây đeo dao, dắt chó vào rừng đặt bẫy, săn bắt kiếm ăn.
Chị Út Lê kể: “Đàn chó săn hung dữ có tới 10 con, nhưng một năm sau thì chẳng còn con nào. Cứ nghe thấy tiếng ào ào như lốc cuốn ở rừng tràm, rồi tiếng chó ăng ẳng kêu, là y rằng hắn hổ mây bắt mất chó.
Nhiều lần tui nhòm mắt qua khe cửa, thấy con hổ mây thân hơi vàng quấn trên ngọn cây. Đến sát nhà tui, nó ngóc đầu, bành mang, phùng má nhìn phát khiếp. Bọn chó săn nhà tui cũng không vừa, xông ra sủa inh ỏi. Thế nhưng, con rắn há miệng đớp ngang lưng con chó. Nó lôi chó lên tận ngọn tràm, đong đưa một lát rồi nuốt chửng luôn”.
Chị Út Lê khẳng định rắn hổ mây là loài có thật và to lớn không tưởng tượng nổi. Sống chui lủi trong rừng Vồ Dơi 10 năm trời, chị nhìn thấy hổ mây cả trăm lần. Nhưng điều lạ lùng, mà đến giờ chị vẫn không hiểu nổi, là vì sao chúng không ăn thịt người. Nếu chúng muốn, chúng có thể xơi mẹ con chị bất cứ lúc nào.
Để khẳng định hổ mây là loài có thật 100%, chị Út Lê đã không quản đường xa, dẫn tôi đi tìm ba chị, tức ông Hai Tây.
Đoạn đường đến nhà ông Hai Tây chừng 15km, mà chúng tôi đi xe máy mất ngót một giờ đồng hồ. Con đường nhỏ xíu, chỉ đủ một xe đi, cứ dài hun hút.
Ông Hai Tây đã 93 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông vẫn hái thuốc cứu người, đặc biệt là những người bị rắn cắn.
Ở vùng U Minh này, nhắc đến ông Hai Tây, chẳng ai không biết. Riêng tên thật Nguyễn Văn Đã của ông, thì lại chẳng mấy ai hay. Sở dĩ người dân vùng U Minh gọi ông bằng nghệ danh đó, vì ông to lớn như Tây, lại nổi tiếng đánh Tây ở vùng U Minh này.
Để khẳng định mình không bịa tạc về loài rắn hổ mây khổng lồ, ông Hai Tây lọ mọ vào phòng trong, lôi ra chiếc áo đính đầy huy chương. Chỉ tay vào chiếc áo trang trọng đó, ông nói một cách khảng khái: “Lấy danh dự của người lính cụ Hồ, tui khẳng định với nhà báo rằng, rắn hổ mây khổng lồ là có thiệt, chớ không phải chuyện dóc của bác Ba Phi. Rắn hổ mây là loài mà tui giáp mặt cả ngàn lần trong rừng U Minh rồi. Rừng Vồ Dầu chính là địa bàn tụ tập nhiều nhứt của hổ mây”.
Thời trẻ, Hai Tây ở nhà chăn trâu cho địa chủ. Năm 19 tuổi, gặp võ sư Trần Văn Anh ẩn tu trong đại ngàn U Minh, vị võ sư nhận Hai Tây làm đệ tử, truyền cho võ nghệ và những bài thuốc, đặc biệt là thuốc trị rắn cắn.
Giỏi võ, nên Hai Tây đi lại hiên ngang trong rừng, chẳng sợ bất cứ con gì. Năm 1945, Hai Tây tham gia bộ đội, theo những chí sĩ yêu nước hoạt động ở vùng U Minh. Khi đó, ông Hai Tây chiến đấu cùng ông Phạm Hùng.
Theo lời ông Hai Tây, thấy Hai Tây giỏi võ, nên ông Phạm Hùng phân công bảo vệ ông Phan Trọng Tuệ. Là cán bộ căn cứ U Minh Hạ, ngang dọc trong rừng, nên không góc rừng nào ở U Minh mà ông không nắm rõ.
Đất nước Hòa Bình, ông làm cán bộ ở Ban Kinh tế mới tỉnh Minh Hải. Năm 1980 ông về hưu. Ông làm ăn riêng, nhưng vỡ nợ, nên lại tiếp tục trốn vào Vồ Dơi sống thêm chục năm nữa.
Gặp ông Hai Tây, cặp rắn không đuổi theo khỉ nữa, mà thả đầu từ ngọn tràm xuống nhòm ông. Ở hoàn cảnh đó, nhưng ông Hai Tây không hề sợ hãi. Súng đeo trên vai, dao phát lăm lăm trong tay, sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, cặp rắn này chỉ nhìn ông một lát, rồi bỏ đi. Trí tò mò nổi lên, ông Hai Tây lặng lẽ đi theo cặp rắn. Đi chừng hơn giờ đồng hồ, thì xuất hiện một ụ đất cao, với chằng chịt các loại dây leo, lá lẩu vây kín, trông như một đống rơm khổng lồ. Ụ đất ấy hõm xuống, nhẵn thín. Con rắn cái nằm khoanh tròn trong ổ, còn con đực vắt mình trên cây trông phát hãi.
Lát sau, cặp rắn này bỏ đi. Ông Hai Tây men lại gần, nhảy vào ổ rắn. Cái ổ rắn ấy có đường kính lên đến 4m, nhẵn bóng. Khả năng cặp rắn này chuẩn bị sinh đẻ, nên mới làm ổ như vậy.
Tuy nhiên, tháng sau, ông Hai Tây tìm đến ổ rắn này, thì không thấy rắn đâu, cỏ cây đã mọc kín. Sau này ông Hai Tây mới hiểu rằng, do ông nhảy vào ổ rắn, để lại hơi người, nên chúng bỏ ổ đi mất.
Theo ông Hai Tây, bọn rắn hổ mây làm ổ ở nơi rất kín đáo, không có bàn chân con người, do đó, không phải ai cũng có cơ duyên thấy được ổ rắn. Ngoài ông Hai Tây, thì chỉ nghe nói có ông Tư Nhớt cũng từng được tận mắt ổ rắn hổ mây.
Những lần một mình ông gặp rắn hổ mây khổng lồ thì nhiều không đếm xuể, nhưng có một lần, không chỉ ông, mà cả trăm người được tận mắt loài rắn này.
Ấy là năm 1983, rừng U Minh cháy khủng khiếp, ông cùng hàng ngàn người tham gia chữa cháy. Nhóm của ông gồm 200 người, cấp tốc phát cây, tạo khoảng cách để lửa không tiếp tục bén rộng. Khoảng trống chừng 15m đã được mở, khu vực cũng được tưới nước ướt đẫm, để lửa không bén qua.
Đang trong quá trình mở đường thì từ phía rừng cháy, cặp rắn hổ mây khổng lồ trườn qua khoảng trống phát quang, trốn vào khu rừng chưa cháy. Cả trăm người có mặt đều được tận mắt cặp rắn. Nhiều người tá hỏa tam tinh vứt dao chạy thục mạng, không dám đi cứu rừng nữa.
Con to cỡ một vòng tay người lớn, con nhỏ thì bé hơn chút. Không ai biết nó dài bao nhiêu mét, vì thấy trườn mãi mà đuôi nó mới trôi qua khoảng trống. Hai con rắn vừa bò vừa thở khù khù. Tiếng khù khù vang xa, mãi sau mới biến mất.
Theo ông Hai Tây, khả năng cặp rắn này chạy trốn lửa, mệt mỏi, nên mới mới bò chậm chạp và thở khù khù như thế, bởi hổ mây là loài cực kỳ mạnh mẽ, thường phóng ào ào trên ngọn tràm để săn mồi.
* Mời xem tiếp Kỳ 6…
Ông Mười Nhớt rụng rời tay chân, mặt cắt không còn giọt máu khi phát hiện khúc cây có vảy lấp lánh, lại lên màu hơi vàng mốc. Là thợ săn rắn, nên ông chắc chắn rằng đã gặp hổ mây khổng lồ.
Kỳ 6: Rắn hổ mây khổng lồ hay chuyện của bác Ba Phi?
Mặc dù tên vườn quốc gia là U Minh Hạ, nhưng trung tâm của vườn và trụ sở ban quản lý lại ở huyện Trần Văn Thời.
Xưa kia, rừng U Minh Hạ rộng mênh mông, đến sát TP. Cà Mau. Nhưng quá trình di dân, khai phá, rồi hàng loạt vụ cháy rừng diễn ra trong suốt mấy chục năm, mà rừng tràm nguyên sinh co lại, chỉ còn tập trung nhiều nhất ở huyện Trần Văn Thời.
Hiện tại, theo con số mới nhất, rừng tràm vùng Cà Mau chỉ còn 55 ngàn héc-ta. Trong đó, quy hoạch Vườn quốc gia U Minh Hạ rộng hơn 8.200 héc ta, nằm ở huyện Trần Văn Thời.
Trong số diện tích đó, thì vùng bảo vệ nghiêm ngặt chỉ còn 1.600 héc-ta, có tên là rừng Vồ Dơi, thuộc xã Trần Hợi. Rừng Vồ Dơi là rừng tràm nguyên sinh ngập nước, vẫn còn tồn tại đầy đủ các loài động thực vật đặt trưng của rừng tràm, gồm heo rừng, nai, tê tê, khỉ, rắn chúa, rắn hổ mây, trăn đất, trăn hoa…
Chính vì thế, những câu chuyện về rắn hổ mây khổng lồ ở địa bàn xã Trần Hợi vẫn là vấn đề mới mẻ, thời sự nhất.
Đường về hòn Đá Bạc, một bên là con sông đào thẳng tít tắp, một bên là đại ngàn U Minh với những thân tràm thẳng tắp cao ngất nghểu. Thi thoảng mới thấy một nếp nhà tạm, lợp gianh như chuồng gà, chuồng vịt ẩn hiện trong rừng.
Mấy ngày lang thang ở rừng U Minh Hạ, đặc biệt ở khu vực xã Trần Hợi, tôi thu lượm được vô số chuyện về rắn hổ mây khổng lồ. Những câu chuyện về rắn hổ mây mang hơi hướng chuyện bác Ba Phi. Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, đến những cụ già tóc bạc cũng đều kể vanh vách.
Ngoài rắn hổ mây, thì Vườn quốc gia U Minh Hạ là vương quốc của cá lóc. Cá lóc nhiều vô kể. Đặc sản của vùng này là cá lóc nướng trui. Cá lóc nướng với rượu đế tưng bừng, rồi những câu chuyện miên man về rắn chẳng bao giờ ngớt.
Ông Mười Nhớt, hiện 80 tuổi, thợ săn rắn kỳ cựu ở vùng U Minh là người gặp rắn khổng lồ rất nhiều. Nhà ông ở khu vực Cây 5. Cả thời trai trẻ ngang dọc trong rừng, rồi lại tiếp xúc với những bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó có nhiều bệnh nhân bị rắn hổ mây tấn công, nên ông nắm được vô số chuyện về rắn hổ mây.
Anh em kiểm lâm, kể cả lãnh đạo vườn quốc gia, khi tìm hiểu về rắn hổ mây, cũng phải tìm ông để hỏi. Ông chính là kho chuyện về loài rắn to khủng khiếp ở vùng tràm ngập nước này.
Theo ông Mười Nhớt, người kể chuyện về rắn hổ mây hay nhất chính là bác Ba Phi, một tay nói dóc nổi tiếng xứ Nam kỳ lục tỉnh.
Bác Ba Phi quê ở xã Khánh Hải, tận ven biển, nơi rừng tràm trùm kín. Những câu chuyện về rắn hổ mây qua miệng bác Ba Phi đã trở nên nổi tiếng và hầu hết dân cư vùng rừng rú U Minh đều thuộc nằm lòng.
Chuyện rằng, ngày xưa, trong rừng U Minh Hạ, ở khu Vồ Dơi, là nơi ẩn náu của những con rắn hổ mây khổng lồ. Không ai biết những con rắn này sống ở đây từ thời nào, nhưng từ mấy trăm năm trước, khi cha ông đến vùng đất này, đã thấy chúng quần cư ở đây.
Loài rắn này tuy lớn nhưng lại hiền lành. Chúng và con người sống hòa bình với nhau. Đất của người người sống, của rắn rắn ở, không xâm phạm đến nhau.
Bọn rắn săn mồi cũng nhàn nhã. Chúng chỉ việc dựng thân mình qua ngọn cây, há miệng toang hoác. Đàn chim tưởng cây lớn, chui vào miệng đậu, làm tổ, thế là bị nuốt chửng!
Những khi no mồi, rắn nằm ngủ trong rừng, mấy bác thợ săn tò mò lén tới ôm thử, thấy chu vi vòng bụng của chúng hết ba vòng tay người lớn!
Chẳng rõ có ai nhìn thấy rắn khổng lồ hổ mây tát kênh bắt cá hay không, nhưng chuyện rắn hổ mây là cao thủ bắt cá thì ai cũng kể vanh vách.
Chuyện rằng, vào mùa khô, nước ở U Minh rút dần, cá tụ vào những vũng nước trũng ở các con kênh. Bọn rắn khổng lồ bò đi tìm những đoạn kênh lúc nhúc cá. Lặn xuống vũng nước mò từng con mà ăn thì không biết bao giờ mới đủ no, nên nó quấn đầu và đuôi vào thân cây, phần thân thả võng xuống vũng nước. Bụng nó thóp lại như cái gầu, rồi thân rắn cứ thế đung đưa, tát một lúc thì cạn cả mương, tha hồ ăn cá.
Ông Mười Nhớt năm nay tròn 80 tuổi, là bậc trưởng lão ở đại ngàn Vồ Dơi, hiểu biết sâu sắc về loài rắn khổng lồ. Ngay cả cán bộ kiểm lâm, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh về U Minh tìm hiểu về hệ động thực vật, cũng đều tìm đến ông Mười Nhớt để thu thập thông tin.
Vốn có kinh nghiệm ngót 50 năm là thợ săn rắn, nên không giống loài nhà rắn nào ở U Minh mà ông không biết. Không những thế, ông còn là thầy chữa rắn độc cắn giỏi nổi tiếng vùng U Minh, nên càng thông hiểu về rắn.
Đem những câu chuyện bác Ba Phi kể về rắn tới gặp ông Mười Nhớt, nhưng ông Mười Nhớt chẳng hề cười. Ông bảo: “Tui rất buồn khi người đời nghĩ rằng chuyện bác Ba Phi kể về rắn hổ mây là bịa tạc, tiếu lâm. Những chuyện bác Ba Phi kể đều có thiệt, chỉ có điều, bác kể phóng đại lên cho vui mà thôi”.
Xưa kia, rắn khổng lồ xuất hiện ở hầu hết các vùng rừng thuộc U Minh Hạ và U Minh Thượng. Ông Mười Nhớt gặp chúng ở nhiền nơi, tuy nhiên, vùng rừng rậm rạp Vồ Dơi chính là vương quốc của loài rắn khổng lồ này, nên ông gặp chúng thường xuyên.
Rắn hổ mây không to đến mức 3 người ôm, nhưng nó cũng phải hết một vòng tay người. Theo ông Mười Nhớt, loài rắn hổ mây thường đi thành cặp. Con đực có vòng thân nhỏ hơn con cái một chút, nhưng lại dài hơn và đen hơn. Khi cặp rắn này phối hợp săn mồi, thì cả cánh rừng ào ào như cuồng phong dữ dội, khiến tất cả các loài vật trong rừng tan tác, náo loạn.
Ông Mười Nhớt cho rằng, sở dĩ con người ít chạm mặt rắn khổng lồ, vì loài rắn này rất sợ con người. Dù chúng lớn như vậy, dễ dàng nuốt chửng con người, nhưng hễ thấy con người là chúng nằm im, hoặc chạy trốn.
Bình thường, chúng thường ngóc đầu lên tận ngọn cây tràm để quan sát, hễ thấy bóng dáng con người là chúng chuồn êm. Con người chỉ có thể gặp chúng khi chúng đang nuốt mồi, hoặc ăn no nằm ngủ.
Lần cuối cùng ông Mười Nhớt gặp hổ mây khổng lồ là năm 1985, ở khu Vồ Dơi. Hôm đó thời tiết oi bức, nắng như đổ lửa, ông Mười Nhớt xách đồ nghề vào rừng kiếm rắn về bán. Trời nóng, bọn rắn mệt nằm trú trong bóng râm, nên bắt chúng khá dễ dàng.
Ông Mười Nhớt lững thững đi men theo con rạch trữ nước cản lửa chống cháy để vào sâu trong rừng. Con mương đào dẫn đến tận lõi rừng Vồ Dơi. Hết con mương thì đến con đường mòn mà người đi rừng tạo thành.
Từ xa, ông Mười Nhớt thấy một khúc cây vắt ngang đường. Mấy hôm trước vừa đi qua con đường này, không thấy khúc cây nào cả, mà giờ lại có khúc cây to tướng vắt ngang đường, nên ông Mười Nhớt lấy làm lạ lắm.
Tiến đến gần, ông Mười Nhớt rụng rời tay chân, mặt cắt không còn giọt máu khi phát hiện khúc cây có vảy lấp lánh, lại lên màu hơi vàng mốc. Là thợ săn rắn, nên ông chắc chắn rằng đã gặp hổ mây khổng lồ.
Biết rằng con hổ mây này đang phơi nắng ngủ say, nên ông Mười Nhớt lấy lại tinh thần. Tự dưng trí tò mò nổi dậy, nên ông nhẹ nhàng tìm hiểu về kích cỡ con rắn này. Ông không đủ can đảm thử ôm vòng tay vào thân nó như các thợ săn trong truyện bác Ba Phi, nhưng ông nhẹ nhàng lần về phía đuôi nó, xem dài cỡ nào.
Lần về phía đuôi con rắn thấy an toàn, ông tiếp tục vòng lên phía đầu con rắn. Nhìn cái đầu nó nằm ngủ bành ra, ông Mười Nhớt lại lần nữa dựng tóc gáy.
Sợ con rắn tỉnh dậy, táp một cái thì ông chui tọt vào bụng nó, nên ông không dám lại sát đầu con rắn. Tuy vậy, qua quan sát, ông Mười Nhớt cũng tính toán được chiều dài, vòng bụng của con rắn này.
Theo đó, thân nó to bằng cây tràm, to hơn bắp đùi người lớn và dài chừng 12m. Biết rằng, loài hổ mây thường đi theo cặp, theo đôi, sợ gặp con nữa, nên ông Mười Nhớt bỏ về thẳng, không dám vào khu vực đó bắt rắn nữa.
Sau vụ chạm mặt rắn khổng lồ ấy, phải đến hơn tháng sau ông Mười Nhớt mới hoàn hồn, tiếp tục vào U Minh bắt rắn. Chỉ có điều ông tránh xa khu vực mà ông gặp con rắn khổng lồ nằm ngủ.
* Mời xem tiếp Kỳ 7…
Huyền thoại rắn hổ mây nặng nửa tấn ở miền Tây (Kỳ 7)
Nhiều người cho rằng, chuyện rắn hổ mây là chuyện của bác Ba Phi. Người ta cũng cho rằng, chuyện rắn hổ mây do người dân kể chỉ là chuyện phóng đại, kể cho vui miệng.
Tuy nhiên, chuyện kể về rắn hổ mây của các kiểm lâm, đặc biệt là những kiểm lâm đáng kính, những người sống với rừng, hiểu biết rõ nhất về động thực vật trong cánh rừng họ quản lý, thì thực sự không thể không tin phần nào.
Trong những ngày tìm hiểu về rắn khổng lồ ở U Minh Hạ, những câu chuyện kể của các kiểm lâm khiến chúng tôi đáng lưu tâm.
Kỳ 7: Rợn tóc gáy, kiểm lâm giáp mặt rắn khổng lồ
Ở đại ngàn U Minh Hạ, có không ít kiểm lâm, thậm chí cả nhóm kiểm lâm đã từng giáp mặt rắn hổ mây khổng lồ. Trong số những cán bộ kiểm lâm đáng kính tận mắt hổ mây khổng lồ, có một nhân chứng sống là ông Chín Của, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau.
Ông Chín Của có cả cuộc đời làm kiểm lâm, gắn bó với rừng U Minh Hạ. Sau về TP. Cà Mau làm lãnh đạo ngành kiểm lâm, nhưng chẳng mấy ngày ông không có mặt ở đại ngàn U Minh Hạ. Khi thì dẫn các nhà khoa học vào rừng nghiên cứu hệ sinh thái, khi thì chỉ đạo chống cháy rừng, tuần tra trông nom rừng.
Khi về hưu, ông bỏ lại ngôi nhà trên TP. Cà Mau, sống cuộc đời thanh bạc bên đại ngàn U Minh. Từ ngày về rừng U Minh sinh sống, ông ít quan tâm đến thế sự, nên chúng tôi không biết liên lạc với ông thế nào.
Tuy nhiên, chuyện ông gặp rắn khổng lồ thì bất kỳ đồng chí kiểm lâm nào cũng biết, vì ông Chín Của kể lại trong các cuộc đi rừng, trong các buổi trò chuyện với anh em ngành kiểm lâm.
Ông Chín Của cho rằng, chuyện bác Ba Phi là chuyện dóc, chuyện hài, nhưng rắn hổ mây khổng lồ là loài có thật, chính mắt ông đã tận mắt, suýt chạm vào cái thân kinh hãi to bằng cái phích của nó.
Chuyện ông Chín Của gặp rắn cách nay không lâu lắm, vào cuối năm 2002. Khi đó, ông cùng cán bộ kiểm lâm dưới quyền là Đỗ Thanh Hóa đi một vòng rừng đặc dụng Vồ Dơi để tuần tra.
Con đường tuần tra cắt rừng Vồ Dơi vừa được mở, rộng tới 8m, để thuận tiện cho việc tuần tra, đi lại, xe bồn cứu cháy rừng kịp thời. Khi gần đến khu vực lõi rừng Vồ Dơi, nơi bầy khỉ hót náo loạn, chim kêu ríu ran, thì bỗng dưng kiểm lâm Hóa phanh xe suýt ngã nhào. Ông Chín Của mắng đổng: “Không biết thằng nào kéo cây chắn đường thế này. Rõ ràng chúng định ám hại kiểm lâm đây”.
Anh kiểm lâm tên Hóa dựng xe, cùng ông Chín Của tiến lại phía “thân cây” lẫn trong đám cỏ tính kéo ra lấy lối đi. Cách 5m, ông Chín Của la lớn: “Rắn hổ mây, rắn hổ mây!”.
Dù làm kiểm lâm đã ngót 30 năm, đi dọc ngang đại ngàn U Minh Hạ, nhưng tuyệt nhiên ông Chín Của vẫn chưa có cơ duyên gặp được rắn hổ mây khổng lồ. Ông cũng như anh em, mới chỉ nghe những người đi rừng kể lại và tin đó là chuyện của bác Ba Phi.
Nhưng giờ đây, trước mặt ông, rõ mồn một là con rắn hổ mây khổng lồ, to bằng cái gối ôm. Là kiểm lâm bao năm, nên ông Chín Của chắc chắn nó không phải là trăn. Thân nó hơi vàng mốc, đúng như lời những người đi rừng tận mắt kể lại.
Khi đó, mặt cắt không còn giọt máu, đôi chân ông ríu lại. Kiểm lâm Hóa dắt xe quay đầu, luống cuống thế nào ngã chổng vó. Thấy động, con rắn trườn qua đường, ve vẩy cái đuôi, mất hút trong rừng thẳm. Con đường rộng tới 8m, mà nó trườn một lúc mới thấy đuôi.
Theo ông Chín Của, nếu hôm đó không phanh xe kịp, đâm vào con rắn, nó nổi giận lôi đình táp một cái thì hai mạng người không đủ lót dạ cho nó.
Hồi gặp con rắn đó, ông Chín Của đang là Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Cà Mau, anh Nguyễn Văn Thế mới là Hạt trưởng hạt kiểm lâm Dầu Dơi (khi đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ chưa thành lập).
Vì sợ anh em kiểm lâm hoang mang, nên ông Chín Của không kể với ai ngoài anh Thế. Sau này, khi một số anh em kiểm lâm cũng giáp mặt rắn khổng lồ, ông Chín Của mới công bố thông tin.
Cũng từng có ngót 20 năm gắn bó với Vườn quốc gia U Minh Hạ, đặc biệt là cũng từng ngang dọc vùng lõi Vồ Dơi, nhưng ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ lại chưa có cơ may được diện kiến loài rắn khổng lồ mang hơi hướng huyền thoại này.
Theo ông Thế, rừng U Minh có rất nhiều loài rắn. Rắn nước có nhiều, rắn độc cũng lắm. Riêng rắn hổ chúa loại trên dưới 10 kg thì rất nhiều. Trăn thì có hai loại phổ biến là trăn đất và trăn hoa. Những con trăn nặng cỡ trên dưới 100kg thì có rất nhiều trong U Minh Hạ.
Hổ mây cỡ 10 đến 20kg cũng có nhiều, nhưng tuyệt nhiên ông chưa gặp những con rắn khổng lồ, nặng hàng tạ.
Chuyện ông Chín Của và anh Hóa cưỡi xe máy và gặp rắn khổng lồ ông cũng được nghe kể, giống như chuyện gặp rắn khổng lồ mà nhiều người ở vùng Vồ Dơi cũng đã kể.
Ông Thế sưu tầm được vô số chuyện kể về rắn khổng lồ, chỉ có điều dịp may được tận mắt vẫn chưa đến được với ông. Theo ông Thế, ngoài ông Chín Của, thì còn có một số đồng chí kiểm lâm nữa tận mắt rắn hổ mây khổng lồ, là anh Võ Văn Vinh và nhóm kiểm lâm ở chốt Cây Gừa.
Anh Võ Văn Vinh là người ở xã Trần Hợi, có tài đi rừng từ bé. Hồi 13, 14 tuổi, các đồng chí kiểm lâm vào U Minh Hạ còn bị lạc trong rừng, nhưng cậu bé Vinh thì không ngóc ngách rừng U Minh Hạ nào là không thuộc. Vinh có thể đi rừng cả tuần, nhưng vẫn nhớ lối ra một cách chính xác.
Giờ anh Vinh đã 39 tuổi, chuyện lần đầu tiên gặp rắn hổ mây khổng lồ diễn ra năm 15 tuổi, tức là cách nay đã 24 năm, song anh Vinh vẫn còn nhớ như in. Con rắn kinh khiếp ấy in đậm trong tâm trí của anh, nên không bao giờ anh quên được.
Bữa đó, vào dịp cuối năm, cậu bé Vinh vào khu vực rừng Vồ Dơi để đơm cá, câu lươn. Đến khu vực cỏ lác, tràm thưa, khô ráo, thấy tiếng lợn rừng ăng ẳng, tưởng con lợn dính bẫy nên Vinh tiến lại xem.
Bỗng dưng, từ đám cỏ lác cao đến bụng, con rắn khổng lồ dựng đứng cái thân to bằng cây tràm cỡ vừa, tức bằng chiếc gối ôm. Nó dựng đầu cao đến 4m, bành mang thè lưỡi.
Nó liên tục phóng xuống mổ con lợn rừng. Con lợn cũng không vừa, nhe hai nanh nhọn hoắt húc con rắn. Cuộc chiến đấu diễn ra chừng vài phút, thì con lợn lăn quay vì bị trúng độc.
Con rắn khổng lồ há miệng táp con lợn, rồi từ từ nuốt chửng. Bọn trăn khổng lồ trong rừng U Minh cũng thường xuyên nuốt lợn, nai, hoẵng, nhưng nuốt cả tiếng mới xong, riêng rắn hổ mây chỉ táp một cái là nuốt chửng vào bụng.
Con lợn to thế nó còn nuốt được huống chi anh chàng Vinh còi cọc? Nghĩ thế, Vinh ba chân bốn cẳng chạy thục mạng khỏi rừng Vồ Dơi. Sau này, cũng có vài lần Vinh gặp rắn hổ mây khổng lồ, nhưng chỉ to cỡ cái phích, hoặc thân cây tràm lớn, chứ chưa bao giờ gặp lại một con hổ mây to như thế.
Khoảng chục năm trở lại đây, dù nhiều lần dẫn anh em cán bộ khoa học, các nhà nghiên cứu đủ cả ta lẫn Tây vào Vồ Dơi, với máy móc quay phim chụp ảnh hiện đại, nhưng không có thêm cơ hội nào gặp được rắn khổng lồ nữa. Riêng những con hổ mây cỡ trên dưới 20kg thì anh vẫn gặp nhiều.
* Mời xem tiếp Kỳ 8…
Kỳ 8: Lạnh người khi bước vào vương quốc rắn khổng lồ
Anh Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, là người có mấy chục năm gắn bó với rừng, nhưng vẫn chưa có cơ duyên được chạm mặt loài hổ mây khổng lồ, do đó, anh không dám khẳng định có loài hổ mây khổng lồ hay không. Bao nhiêu năm qua, anh chỉ gặp những chú hổ mây nặng vài ký, to bằng bắp chân mà thôi.
Khi tôi trình bày ý định xâm nhập khu rừng đặc dụng Vồ Dơi để tìm loài hổ mây khổng lồ, anh Thế hết mực khuyên can. Mấy mươi năm qua ăn ngủ với rừng, anh không gặp được hổ mây, thì chuyến đi một vài ngày của chúng tôi nào có ý nghĩa gì.
Nhiều năm qua, cũng có một số đoàn nhà khoa học, thậm chí cả đoàn nghiên cứu nước ngoài, đã ăn ngủ, làm việc trong rừng cả tháng trời, nhưng chưa từng có ai được tận mắt rắn khổng lồ.
Tuy nhiên, chúng tôi thể hiện quyết tâm muốn vào sâu rừng đặc dụng Vồ Dơi, phần lõi của Vườn quốc gia U Minh Hạ, nơi còn nguyên sơ nhất của cả vùng miền Tây Nam Bộ. Dù không gặp được hổ mây to như khạp da bò, phóng như bão cuốn trên đọt tràm, song cảm giác được vào “vương quốc rắn khổng lồ” đi tìm loài rắn nửa thực nửa hư cũng vô cùng thú vị. Ít ra có thể cũng được tận mắt nhiều loài động, thực vật đặc trưng của rừng tràm.
Trước quyết tâm của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thế đã tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi có được một chuyến xuyên rừng Vồ Dơi.
Đoàn thám hiểm chúng tôi gồm có anh Nguyễn Huân, người Cà Mau, nhà báo Nam Giao (Tạp chí Thế giới mới, văn phòng Cần Thơ). Nhà báo Nam Giao là người từng có nhiều lần tìm hiểu về U Minh Hạ.
Anh Nguyễn Huân là một nhà doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Anh có nhiều điền trang ở vùng U Minh và rất háo hức nghiên cứu về rắn hổ mây khổng lồ. Bản thân anh đã từng được nghe vô số chuyện về rắn hổ mây khổng lồ, nhưng cơ may được tận mắt loài rắn này vẫn chưa đến với anh.
Chúng tôi còn được anh Nguyễn Tấn Truyền, cán bộ khoa học của Vườn quốc gia U Minh Hạ dẫn đường vào đại ngàn Vồ Dơi tìm rắn hổ mây khổng lồ. Máy ảnh, máy quay chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Đại anh Huân còn chuẩn bị cả máy quay laze để quay cảnh ban đêm, với mong muốn ghi lại sắc nét các loài vật trong bóng đêm U Minh Hạ.
6 giờ sáng, khi mặt trời đỏ lòm ở đường chân trời, thì chúng tôi đã nai nịt đầy đủ, dao phát mỗi người một con, chui qua cổng vườn quốc gia nhằm con đường mòn hướng vào rừng Vồ Dơi.
Cuốc bộ đến rạc cẳng, mặt trời treo trên ngọn tràm, thì một cái chòi canh xuất hiện. Tôi hỏi anh Truyền: “Rừng rậm um tùm thế này thì chắc đây là lõi rừng Vồ Dơi rồi anh nhỉ?”. Anh Tấn Truyền cười bảo: “Nhà báo còn phải đi nửa ngày nữa mới đến vùng lõi. Đây mới chỉ là vùng đệm thôi”.
Chúng tôi tranh thủ trèo lên chòi canh. Chòi canh cao bằng ngôi nhà 10 tầng, vọt khỏi tán rừng tràm. Đứng trên chòi canh, nhìn ra tứ phía, chỉ thấy bạt ngàn tràm. Rừng tràm kéo dài đến tận đường chân trời.
Ở vùng đồng bằng sông nước mà giữ được một cách rừng rộng đến hơn 50 ngàn héc-ta, trong đó 1.600 ha bảo vệ nghiêm ngặt, không ai được vào, thì quả là kỳ công. Rừng tít tắp, hoang hoải thế này, thì đi tìm con rắn khổng lồ khó khăn có khác gì đi tìm cây kim. Gặp được rắn hay tìm được cây kim, thì cũng chỉ là cơ may mà thôi. Hành trình tìm rắn còn khó hơn trúng giải độc đắc.
Mới chụp được vài kiểu ảnh, anh Truyền đã giục chúng tôi lên đường cho kịp tới chốt kiểm lâm Cây Gừa.
Càng vào sâu, rừng tràm càng bạt ngàn, dây leo chằng chịt, bít lối. Những cây tràm bị loài dây leo bám kín, trông như thể cột trồng tiêu ở Tây Nguyên và Phú Quốc. Chim hót ríu ran, khỉ chuyền cành rào rào khi thấy bóng người.
Trời vừa nhập nhoạng tối, thì chúng tôi đến chốt Cây Gừa. Đợt này anh em kiểm lâm viên vào sâu trong rừng tuần tra, vừa đẩy đuổi các đối tượng vào săn bắt thú rừng, vừa kiểm soát tình trạng cháy rừng.
Do có hẹn trước từ lãnh đạo, nên anh Tuấn ở lại chốt tiếp chúng tôi. Những con cá lóc bắt từ kênh rạch trong rừng rất nhiều, giãy đành đạch được anh Tuấn ném vào đống than hồng. Khi chú cá lóc cháy đen, thì khều ra đập cho sạch tro. Món này gọi là cá lóc nướng trui, đặc sản của vùng U Minh Hạ.
Rượu vẫn còn nửa can để ở gậm giường. Chúng tôi nhập cuộc nhanh chóng. Mỗi người chỉ uống vài chén, để không bị say, lại có thêm khí phách vào rừng đi tìm rắn khổng lồ.
Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1971, quê ở Bến Tre, nhưng theo cha mẹ về U Minh sinh sống từ năm 15 tuổi. Từ đó, anh gắn bó với rừng U Minh Hạ này, nên thuộc rừng lắm. Lớn lên lại làm kiểm lâm, ngang dọc rừng U Minh Hạ, chẳng còn chỗ nào không in dấu chân anh.
Bao năm đi rừng không có cơ may giáp mặt hổ mây, nào ngờ, mới đây, khi chuyện về hổ mây cứ rơi dần vào huyền thoại, vì ít người giáp mặt, thì anh và các đồng chí kiểm lâm ở chốt Cây Gừa lại được phen hú vía nhớ đời.
Nhấp ngụm rượu, anh Tuấn kể: “Đêm ấy, 4 năm trước, chừng 8 giờ đêm, khi anh em vừa tan cuộc lai rai, đang ngồi khoanh chân trên chiếc giường độc nhứt, thì nghe tiếng kêu của con chồn.
Ở U Minh nhiều chồn lắm, nên tiếng kêu của nó chẳng lạc đi đâu. Nghĩ có kẻ vào rừng đặt bẫy, nên bọn tui lấy đèn pin ra soi thám thính tình hình. Tiếng con chồn kêu bên bờ kinh xáng, cách chốt khoảng 50 mét. Soi ở chỗ con chồn kêu mà chẳng thấy cái bẫy nào, cũng không thấy chồn đâu.
Bỗng tiếng con chồn lại kêu ở phía xa. Nghĩ có con trăn nào bắt chồn, nên tui và Lĩnh, Hải lội vào rừng dọi đèn pin. Đến chỗ bụi tràm cao chừng 10m, cách bờ kinh chỉ 15m, cả ba chúng tui há hốc miệng, chết đứng, không ai dám nhúc nhích.
Chiếc đèn pin tui cầm rọi đúng vào đầu con rắn. Cái miệng nó đang ngậm con chồn, đong đưa nhè nhẹ ở lưng chừng cây tràm. Hai mắt nó mở to bằng hai quả trứng, đỏ lòm, cách nhau tới gang tay.
Tui rọi đèn xuống thấp hơn, thấy thân nó hơi ngả màu vàng trắng, đường kính thân cỡ 3 tấc, to bằng cái gối ôm. Tui tiếp tục dọi đèn đến phía đuôi nó, nhưng chỉ dọi được khoảng 5m thì không thấy nữa, vì thân nó lẫn trong bụi cây, tối thui. Bọn tui nắm tay nhau thật chặt, lùi lại từ từ, rồi ba chân bốn cẳng chạy tháo thân. Tối đó, bọn tui trốn tịt trong trạm, không ai dám ra bìa rừng nữa”.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro