Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 7: Cửu Thiên Nương Nương Bốn Mắt

Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo

Beta: Earl Panda..

*****

Theo lời chú Ba, vị thần đầu người mình chim trên bức tường đá này đã từng xuất hiện trong truyền thuyết, thần thoại của nhiều vùng đất, nhiều dân tộc. Tôi tin rằng nó và lũ quái điểu mà chúng tôi gặp ở Vân Đỉnh Thiên Cung đều cùng là một loài sinh vật.

Về sau khi tìm hiểu kỹ tôi mới biết, vị thần này còn được người Ai Cập cổ đại gọi là: "Ba", tượng trưng cho linh hồn bất tử của con người. Nói cách khác, nếu là ở Ai Cập cổ đại, ma quỷ nhà bọn họ đều đức hạnh ghê gớm như vầy đó. Còn ở bên Ấn Độ thì chuẩn mực hơn được một tý, loại thần này được gọi là "Ca-lăng-tần-già"[], truyền thuyết kể rằng, chúng là loài chim thần cư ngụ trên núi Tuyết sơn, véo von ca hát cho cõi cực lạc của Phật Tổ.

Ở Trung Quốc, loài chim này còn nổi tiếng hơn cả ở hai nơi kia. Đầu người mình chim, chính là "Cửu Thiên Huyền Nữ nương nương"[] của Trung Quốc, hình như trong "Kinh Thi" hay "Long Ngư Hà Đồ", hoặc là cuốn sách cổ nào đó khác (mà tôi thật sự nhớ không ra), người đã dạy Hoàng Đế nội hàm sâu xa của các loại kỳ môn độn giáp và "Long Giáp Thần Chương" chính là vị này đây.

Ngoài ra còn rất nhiều truyền thuyết khác nữa, có thuyết còn cho rằng Cửu Thiên Huyền Nữ chính là Tây Vương Mẫu, tuy nhiên đa phần các truyền thuyết rất lộn xộn, cho nên những thứ này không thể kiểm chứng được. Thậm chí, dưới thời Lục Triều, có một lượng lớn những ghi chép của Đạo Giáo cho rằng "Huyền Nữ" là người đã truyền lại cho Hoàng Đế kỹ thuật chăn gối. Không biết bà Huyền Nữ này có phải là Huyền Nữ kia chăng, chứ bị cái thứ như thế kia chỉ dạy kỹ thuật phòng the thì chắc chắn không phải chuyện sung sướng gì. Phải tôi, tôi thà chết quách cho xong. (nghĩ đi đâu vậy :v)

Vậy lúc chú Ba nhìn thấy bốn con mắt trên bức phù điêu, chú đã nghĩ đến cái gì?

Khi ấy, chú đã suy tính như thế này:

Trên trán bức phù điêu có bốn vết lõm, hẳn là phải có bốn hòn đá cuội được khảm vào. Hiện giờ chỉ còn hai viên, vậy chắc chắn hai viên còn lại đã bị người ta lấy mất. Mà trong cổ mộ thì không thể nào có người thường xuyên lui tới. Như vậy, người lấy mất hai viên đá kia, tám chín phần là ông bác ruột nhà mình năm xưa.

Những điều này đều rất đơn giản, ai cũng có thể nghĩ ra được, khỏi phải giải thích thêm ở đây nữa.

Vấn đề quan trọng là: 2 viên còn lại kia, tại sao vẫn ở nguyên vị trí cũ?

Thổ phu tử không coi trọng việc "Để phần cho con cháu nó hưởng". Nếu ông bác nhà mình đã có hứng thú với thứ đá cuội này thì tại sao lúc đó không gỡ hết xuống mà cầm đi, còn chừa lại hai viên làm gì?

Chú ba lại nghĩ tới kết luận lúc nãy của mình: tai họa đã biến bác Hai thành như vậy, chắc chắn đã xảy ra trong mật thất này.

Thế nhưng trong đây lại không có chỗ nào kỳ quái hết, chỉ là một không gian bốn phía bị bịt kín mà thôi.

Điều lạ lùng duy nhất chính là bốn viên đá này. Hai viên đã bị lấy xuống, chả có nhẽ bác Hai lại cố tình để lại 2 viên kia? Như vậy, lẽ nào sự cố năm xưa đã xảy ra ngay khi bác Hai gỡ hai hòn đá đó xuống? Sau khi gỡ được hai viên đá rồi, do đột nhiên gặp phải chuyện gì đó nên ông không còn thời gian lấy nốt 2 viên còn lại sao?

Chú Ba nghĩ đến đây, bỗng nhiên thông suốt. Giả thiết về viên đá và toàn bộ câu chuyện được xâu chuỗi vào với nhau không sơ hở chỗ nào. Chú vội vàng sáp lại gần bức phù điêu, quan sát thật kỹ hai viên đá cuội màu đen ma quái kia.

Đá được khảm rất sâu vào bức phù điêu. Cả bức phù điêu trông như liền một thể, nếu không nhìn kỹ thì sẽ không thể biết được nó và tường đá là hai bộ phận tách biệt. Sở dĩ chú ba thoáng nhìn đã phát hiện ra là do trong đó đã có hai viên bị lấy mất, chứ lúc đầu cả bốn viên mà còn ở nguyên đó, nếu không có khả năng quan sát đáng nể thì đừng hòng phát hiện ra được. Xem ra, ông bác nhà mình năm xưa cũng không phải là nhân vật đơn giản.

Tuy nhiên, nếu nạy mấy viên đá này xuống thì sẽ dẫn đến chuyện gì cơ chứ? Phía sau tường đá chắc chắn không có bẫy rập, vậy chẳng lẽ là đá có độc hay sao? Không thể nào, mới nãy chú vừa chạm vào rồi mà.

Chú Ba hơi do dự, một cảm giác kích động không thể kìm nén dâng lên trong lòng chú. Chú quyết định cứ nạy một viên xuống xem sao.

Chú Ba rút con dao quắm ra, quẹt dăm phát lên vách tường bên cạnh để mài rồi mới run rẩy mò sang. Chú dùng mũi nhọn gõ gõ thử lên một viên đá, sau đó lách con dao vào một khe hở rồi nạy ra. "Cách" một tiếng, một viên đá đã rơi vào lòng bàn tay chú.

Viên đá vừa rơi xuống một cái, chú Ba lập tức lùi lại một bước, cảnh giác quan sát bốn bên, chỉ sợ có cái bẫy bí mật nào đột nhiên khởi động.

Thế mà lại chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Viên đá trong lòng bàn tay chú lạnh như băng, im lìm. Bốn phía cũng không có động tĩnh gì lạ. Phù điêu vẫn là phù điêu mà bức vách thì cũng vẫn là bức vách.

Chú Ba đợi thêm tý nữa, chắc chắn không có chuyện gì xảy đến mới thở phào nhẹ nhõm, nhưng trong lòng chú lại buồn bực. Chẳng lẽ giả thiết ban nãy của mình sai rồi? Hay là, sự cố năm đó chỉ có thể bị kích hoạt một lần, bây giờ có làm gì đi nữa cũng không khiến nó xảy ra được?

Chú cất kỹ viên đá cuội này, lại cạy tiếp viên còn lại. Thứ tự hành động vẫn như cũ, lách lưỡi dao vào một bên khe hở. Lúc này chú đã trấn tĩnh hơn một chút, sức lực cũng mạnh hơn, gảy một cái, lại nghe "cách", viên đá khẽ động rồi văng ra.

Chú Ba vội vàng đỡ lấy, nhưng viên đá lại bắn đi quá nhanh, chú không kịp phản ứng. Loáng cái, nó rơi xuống đất nghe "bịch" một tiếng, cứ như tiếng một quả bóng cát rơi xuống nền xi-măng, vừa rơi đã vỡ tan thành bụi đất. Viên đá màu đen làm cuộn lên một đám bụi màu đồng thau, thoắt cái đã lan ra mù mịt trong không khí.

Chú Ba giật mình một cái, nhủ thầm "thôi xong". Chú ho khan một tiếng, phẩy phẩy tay quạt không khí, thấy trong miệng toàn một thứ mùi hăng đến cay xè. Nghĩ đến màu sắc trên người con huyết thi, theo bản năng, chú cho rằng đám bụi đất này dễ chừng có độc, bèn vội vàng lấy áo che mặt, thối lui về phía sau.

Lùi được vài bước, chú lập tức nhìn lại chỗ viên đá rơi xuống ban nãy. Chỉ thấy trên mặt đất nơi viên đá vỡ nát, ngay chính giữa đống bụi phấn màu đồng thau, bỗng dưng có một con bọ màu đỏ bò ra. Nó cuộn mình lại, kêu "chin chít".

Chú Ba vừa thấy con bọ, trong đầu liền nổ oành một tiếng, bất giác cơ thể rụt cả về phía sau.

Bởi vì vừa nhìn một cái là chú đã nhận ra loài bọ này rồi. Đó là một con bọ ăn xác, nhưng lại không giống với loại thường gặp. Bọ ăn xác màu đỏ, theo lời các vị bô lão trong nhà từng bảo thì kịch độc không gì sánh bằng, là ác quỷ trong loài sâu bọ, dính vào máu là hết đường sống, chạm nhẹ một cái là trúng độc liền.

Nhưng nghe nói loài bọ ăn xác màu đỏ này chỉ sống được trong các xác ướp cổ, gần như không ai không gì có thể bắt được nó, sao lại có thể bị người nhốt vào trong một hòn đá như thế này? Rồi còn khảm vào trong bức phù điêu đây nữa? Mà quái lạ nhất là, con bọ bị nhốt trong viên đá này, sao vẫn còn sống được?

Chú Ba cảm thấy vô cùng kỳ dị. Có điều, chú lập tức nhận ra mình không còn thời gian suy nghĩ chuyện này nữa. Trên mặt đất, con bọ nhỏ màu đỏ xoay vài vòng, dần dần duỗi cái thân ra, bắt đầu rung rung cái cánh, bò bò trên đất, hình như là chuẩn bị bay.

Trước đó chú Ba chưa từng gặp bọ ăn xác chúa, không biết độc tính của nó có lợi hại đến mức như lời kể không, chỉ biết nếu chuyện đó có thật, trong không gian nhỏ hẹp như thế này, con bọ này mà bay lên một cái thì chẳng khác nào tuyên án tử hình cho mình.

Chú cẩn thận từng li từng tí, nhích dần ra sau vài bước, lật ngang con dao quắm định đập chết nó nhân lúc nó chưa bay. Còn chưa kịp đập xuống, chú chợt nghe những tiếng "kèn kẹt kèn kẹt" vang lên từ phía dưới con dao, sau đó một bóng đỏ bay vụt ra, rồi đậu ngay lên chính vai chú!

Tốc độ của chớp sáng đỏ ấy quá nhanh, chú Ba căn bản không thể né kịp được. Chú giật mình một cái, sợ đến mức mồ hôi lạnh tứa ra đầm đìa, con dao trên tay theo phản xạ vung về phía sau một cái, đập vào chính vai mình. Con bọ ăn xác chúa thấy động liền bay lên, đậu ở một bên tường.

Lúc này con bọ ăn xác chúa đã hoàn toàn tỉnh hẳn. Nó bắt đầu đập cánh, không ngừng phát ra những tiếng "kèn kẹt kèn kẹt" như tiếng ếch nhái kêu. Một mùi thối hăng xè không ngừng toát ra từ trên thân con bọ.

Chú Ba vừa suy xét tình huống, bụng bảo dạ thôi không xong rồi. Cái thứ bỏ mẹ này còn khó đối phó hơn cả huyết thi, ở lại đây thì chỉ cầm chắc cái chết. Ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn, thôi thì té lẹ. Nghĩ đến đó, chú liền co người lại, rón rén lùi dần về phía cửa vào con đường hầm.

Trong đường hầm chật hẹp không thể xoay người được, chú chỉ còn nước bò ngược, lăn lê bò toài mà lủi xuống chỗ cửa đường hầm. Phúc bảy mươi đời là khi quay đầu nhìn sang bên, con bọ màu đỏ đó cũng không bám sát lấy chú.

Chú Ba lấy lại bình tĩnh, lần mò tìm cái chốt của cánh cửa ngầm. Nhưng do đang hoảng, tay chú run rẩy ghê gớm, gần như không thể điều khiển được chính mình.

Khó khăn lắm mới lần mò được cái chốt, đẩy cánh cửa ngầm lên, chú Ba vừa thở phào nhẹ nhõm thì đột nhiên một luồng sáng đỏ với vận tốc nhanh như chớp bay vọt ra từ trong bóng tối của đường hầm. Tốc độ của nó cực nhanh, cứ như dịch chuyển tức thời trong phim viễn tưởng vậy, chưa gì đã xông thẳng vào mặt chú Ba. Trong nháy mắt, con bọ đã vọt đến ngay trước mặt chú rồi.

Chú Ba thầm kêu một câu "Thôi chết", định trốn nhưng đã muộn. Đúng lúc chỉ mành treo chuông đó, giữa cái khó chú ló cái khôn, bèn rụt cổ lại, sau đó dốc hết sức bình sinh thổi mạnh một phát về phía con bọ.

Từ hồi phải thổi lửa bếp lò chú Ba đã luyện được một dung tích phổi khá đáng nể. Hơi chú rất khỏe, thoắt cái đã thổi vù một cái khiến con bọ ăn xác lạc phương hướng, ngã vật ra rồi đập bộp vào tường.

Nhân cơ hội này chú Ba liền vung tay, nghiêng người lộn từ trong đường ngầm ra ngoài, rồi trở tay đè cửa hầm chặt cứng.

Con bọ chúa phía dưới dường như cũng cùng lúc đi theo, nhưng giờ nó đã chậm một bước, cánh cửa ngầm đã bị bịt kín. Nó "bụp" một tiếng liền đâm phải cửa đá rồi ngã xuống, cứ thế liên tục kêu những tiếng "kèn kẹt kèn kẹt" .

Chú Ba chỉ thấy da đầu tê dại, toàn thân bủn rủn. Chú ngã phịch xuống bên cạnh quan tài, mới phát hiện ra toàn thân mình đều ướt đẫm mồ hôi, phải lâu lắm mới dầu dần khá lên được.

[Tôi đã nếm mùi lợi hại của bọ ăn xác chúa, nghe đến tên thôi cũng toát mồ hôi lạnh, vội vàng bảo chú kể ngắn gọn thôi, không cần tả sinh động đến như thế. ]

Sau đó, chú Ba cảm thấy nơi này không thể ở lâu, cũng chẳng cố kiết gì nữa, bèn thu dọn đồ đạc, đào đường hầm quay ngược lại, khuân di cốt của mấy vị tổ tiên trèo ra ngoài mộ cổ.

Chú chọn một chỗ kín đáo hỏa thiêu cái xác, sau đó men theo đường núi đi suốt đêm về thị trấn. Theo cách nói của chính chú thì, khi lên đến đỉnh núi cũng vừa lúc mặt trời ló dạng, chú ngắm vầng thái dương, lần đầu tiên cảm thấy được đứng trên mặt đất tuyệt vời đến thế nào.

Sau này khi trở về Trường Sa, chú Ba không kể lại việc này cho bất cứ ai, kể cả ông nội. Nhưng từ đó chú ôm một niềm hứng thú say mê với cuốn sách lụa Chiến Quốc, bèn bắt đầu âm thầm nghiên cứu. Tuy nhiên, đám bạn bè của chú Ba lúc bấy giờ không phải du côn thì cũng là lưu manh, chẳng có lấy một mống biết làm việc bàn giấy, điều tra nguyên cả nửa năm cũng chẳng ra được kết quả nào. Viên đá mang ra từ trong đường hầm chú cũng tìm rất nhiều vị tiền bối nhờ xem hộ, nhưng họ đều chẳng nói ra được cái đầu cua tai nheo gì.

Chú Ba nản lòng nhụt chí, dần dần mất đi hứng thú. Cho đến tận trước chuyến đi Tây Sa, chú tình cờ gặp may, sự việc mới có cơ chuyển biến.

Hồi đó, một người bạn của chú mắc bệnh qua đời. Gia đình mời một gã đạo sĩ mũi trâu về làm lễ. Đạo sĩ thời đó cũng chỉ là nghề tay trái mà thôi, khoác tấm đạo bào vào là biến thành thầy cúng, cởi ra lại có thể là bất cứ ai, cũng chẳng có gì đáng coi trọng. Cúng bái xong xuôi, cả đám ngồi chè chén một bữa no say. Chú Ba cũng quên béng mất lúc ấy đã xảy ra chuyện gì, hình như là xỉn quá nên luôn mồm chém gió, lôi viên đá ra khoe khoang.

Nào ngờ gã đạo sĩ kia vừa thấy vật nọ mặt mũi liền biến sắc, lại ngửi ngửi, rồi đột ngột nói rằng đó không phải là đá đâu.

Chú Ba không thèm để mắt đến người này, có phần giễu cợt mà hỏi gã: "Không phải đá cuội thì là cái quái gì?"

Đạo sĩ nghiêm mặt nói với chú: "Đây là một viên linh đơn."

Đạo sĩ mũi trâu nói chắc như bắp, chú Ba thấy không giống kiểu ăn ốc nói mò. Chú tưởng gặp được cao nhân rồi, bèn kéo hắn ra chỗ không người, định hỏi cặn kẽ đầu đuôi. Ấy thế mà gã mũi trâu này cũng chỉ là loại nửa mùa, chỉ biết thứ này là đơn dược, lại không biết được lai lịch cụ thể của nó. Mà sở dĩ gã biết nó là đơn dược, cũng chỉ vì đạo quán nơi bọn gã trú ngụ cổ kính vô cùng, nghe nói có từ thời Ngũ Hồ Loạn Hoa [] cơ đấy. Ở đạo quán có rất nhiều đồ cổ truyền từ mấy đời, đều được giao vào tay gã trông coi, trong đó có rất nhiều công cụ luyện đơn. Trong số đó gã từng gặp loại đơn dược giống hòn đá thế này, cũng đã từng ngửi hương vị, cho nên mới dám khẳng định vậy đó.

Chú Ba không khỏi thất vọng, nhưng rốt cuộc cũng thấy ánh bình minh. Sau đó chú tới tìm mấy nhà kim thạch học[], bọn họ cũng công nhận rằng điều đó là chính xác. Vật nọ, quả đúng là một viên "Linh đơn".

Có điều cái món linh đơn này thuộc về lĩnh vực Huyền học, rất nặng tính cá nhân. Hầu như mỗi phương sĩ(*) đều có phương pháp luyện đơn của riêng mình, lại không có văn tự cổ để tham khảo, có mỗi một viên linh đơn thì cũng chả nhìn ra được cái quái gì. Ngược lại, gã đạo sĩ mũi trâu kia bảo với chú, rằng nếu thứ này được tìm thấy trong mộ cổ thì chắc chắn nó được người xưa coi là thuốc trường sinh bất lão rồi, vì chỉ có loại thuốc đó mới được người ta đem đi bồi táng.
(*) Những người luyện đơn, dưỡng khí, tu thiền, khác đạo sĩ.

Chú Ba nghe xong cũng thấy rất hoang mang, bởi vì chú biết trong viên linh đơn này chính là bọ ăn xác chúa. Đơn dược thông thường là thuốc uống vào trong bụng, mà thứ này ăn phải thì chết là cái chắc, thậm chí còn chết thảm ấy chứ trường sinh cái rắm gì.

Trăm mối tơ vò gỡ mãi chẳng ra, lăn lộn suốt hơn nửa năm, hầu như đường nào cũng thử hết cả mà vẫn chẳng có bất cứ tiến triển gì. Đúng lúc chú Ba chuẩn bị bỏ cuộc hoàn toàn, tính quăng viên linh đơn kia vào bồn cầu giật nước cho rồi, thì một chuyện không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra.

_____________

Chú thích.

[1] Ca-lăng-tần-già là tên một loài chim quý, lông đen, mỏ đỏ, tiếng hót cực hay, êm ái, véo von hơn cả tiếng trời, thường sống thành cặp, không bao giờ rời nhau, sống trên Tuyết sơn (hay chính là Himalaya) phía bắc Ấn Độ. Tiếng hót của loài chim này thường được ví như pháp âm của Phật.

[2] Theo truyền thuyết, Cửu Thiên Huyền Nữ là thầy của Hoàng Đế, học trò của Tây Vương Mẫu, hình tượng thường thấy là nửa người nửa chim (mãi cho đến thời Tống mới được "nhân thần hóa" hoàn toàn, thoát khỏi hình tượng chim mà thành nữ thần cưỡi chim phượng đỏ, trên mây ngũ sắc, mặc áo thần cửu sắc). Khi Hoàng Đế đánh giặc Xi Vưu, bị Xi Vưu dùng phép thuật cho trăm dặm nổi mây mù, khiến quân của Hoàng Đế không phân được phương hướng. Thấy đánh mãi không xong, Hoàng Đế bèn lập đàn cầu thần tới giúp. Vương Mẫu sai Cửu Thiên Huyền Nữ xuống trần, trao cho Hoàng Đế bùa binh tín lục giáp lục nhâm, roi Linh bảo Ngũ Đế, sách sai khiến quỷ thần, ấn chế ngự yêu ma thông linh ngũ minh, lại dạy cách độn nguyên ngũ âm ngũ dương, bức hình Thái Nhất thập tinh tứ thần, khẩu quyết ngũ binh Hà đồ sách tinh, giúp Hoàng Đế diệt trừ Xi Vưu. Sau này bà còn giúp cho nhân gian nhiều việc nữa, thỉnh Gu gồ nốt -3-

Bô-nút thêm cái hình =3= Bên trái là con Bah, bên phải là tượng gốm Ca-lăng-tần-già (nguyên văn tiếng Ấn độ là Kalavinka) của Tây Hạ 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #kinhdi