Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Quỷ Cốc Vũ 5

Chương 5 - Lệ quỷ trăm năm.

Hòn Lớn, đảo Nam Du.

Biệt thự nhà họ Hoàng.

Hoàng Gia mặc đồ tang trắng tinh khiết đồng thời pha lẫn buồn thương đứng bên cạnh quan tài thủy tinh đặt tại đại sảnh tòa biệt thự nguy nga tráng lệ nhưng không mất cổ kính của nhà họ Hoàng, đôi mắt không có tiêu cự dường như ai thán sâu kín nhìn ông Hoàng Bách đang nằm trong quan tài.

Mặc dù không nhìn thấy được dáng vẻ lúc này của ông nội, nhưng anh biết ông không hề ra đi thanh thản, an tường. Những sợi tóc bạc kín mái đầu, từng nếp nhăn khắc sâu nơi khóe mắt và vầng trán suy tư với đôi chân mày còn nhíu chặt đã đổi lại một cơ ngơi to lớn, gia tài bạc vạn cho nhà họ Hoàng trong bấy lâu nay, nhưng lúc ông nằm xuống, từ giã cõi đời tạm bợ để bước sang thế giới cực lạc bên kia, có bao nhiêu người thực sự vì ông mà đau lòng, nhớ nhung?

Thứ họ để tâm nhất, chẳng qua là họ sẽ được chia bao nhiêu phần trong số tài sản mà ông vất vả gầy dựng bao năm nay với ý nguyện - Con cháu dòng họ Hoàng luôn sống vui vẻ, hạnh phúc và sung túc.

Ý nguyện này của ông...đến khi ông nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn.

"Cậu Hoàng Gia, về di chúc..."

Nguyễn Hạo Nhiên mặc vest trắng đứng sau lưng Hoàng Gia, nghiêm túc chắp hai tay trước bụng bày tỏ lòng tôn kính với ông Hoàng Bách, anh ấy vừa mở miệng, Hoàng Gia đã giơ tay ngăn cản, "Đợi đến sau cái thất đầu của ông nội tôi rồi tính."

"Tôi hiểu rồi." Nguyễn Hạo Nhiên nhẹ gật đầu, "Tôi ra ngoài xem mọi người đã chuẩn bị đến đâu." Anh để lại không gian yên tĩnh cho cậu Hoàng Gia từ biệt ông Hoàng Bách, bởi trong căn nhà đồ sộ đông người nhìn ngoài mặt ấm cúng đầy phúc phần này, chỉ có cậu Hoàng Gia là thật lòng thật dạ kính trọng, yêu thương ông chủ, còn những người khác...anh đoán không ra. Mỗi một người đều có tâm tư thâm trầm, đeo hàng ngàn hàng vạn lớp mặt nạ, kể cả người có kinh nghiệm sống dày dặn như ông Hoàng Bách còn không thể nhìn ra thì một tiểu bối chưa được trải nghiệm nhiều như anh làm sao nhìn thấu.

Hoàng Gia im lặng khi Nguyễn Hạo Nhiên xoay người đi ra khỏi linh đường, anh đặt tay lên thành quan tài, nhẹ giọng nói, "Cơn bão lớn sắp kéo đến rồi, ông nội. Nó sẽ nhấn chìm tất cả hay đẩy những thứ được ẩn giấu thật sâu bên dưới lên bề mặt đây."

"Khặc khặc..."

Đột nhiên, có một tràng cười ma quái vang vọng trong không gian rộng lớn của đại sảnh, khiến bầu không khí tĩnh lặng bỗng dưng trở nên âm trầm, dường như quan tài bằng thủy tinh đã biến thành quan tài băng và tản ra một luồng khí mát lạnh, rợn người.

"Ông ta nên chết đi vào mười tám năm trước rồi! Linh hồn của ông ta phải xuống địa ngục! Khặc khặc....!"

Thần sắc của Hoàng Gia bất biến, anh điềm nhiên đứng tại chỗ, lắng nghe từng câu từng chữ trong thanh âm như vọng về từ cõi hư vô nào đó.

Giây lát sau, Hoàng Gia mới lên tiếng, "Rồi có một ngày, vong hồn của cô cũng phải xuống nơi ấy. Một khi cô chạm vào máu tươi của con người."

"Khặc khặc...! Chúng ta cùng chờ xem. Là anh xuống địa ngục trước, hay là tôi. Khặc khặc...!" Một luồng gió âm làm người dựng tóc gáy nhè nhẹ thoảng qua, tiếng nói lanh lảnh, lạnh lẽo đó tắt dần, trả lại không gian yên ắng ban đầu cho Hoàng Gia.

Cùng lúc này, bên thành phố Rạch Giá, khu phố A.

Lê Dĩnh kéo vali về đến trước nhà, cửa tiệm hàng mã mở rộng cửa đón khách, vậy mà chẳng có một ai ngồi trông coi, để mặc những hình nộm bằng giấy đứng ngoài hàng hiên lắc lư trong gió tự mình vẫy tay 'mời gọi' người mua ghé vào.

"Ba mẹ!" Lê Dĩnh vừa đẩy vali vào tiền sảnh chất đầy hàng mã vừa lớn tiếng gọi, "Ba mẹ ơi!" Nhưng gọi mấy tiếng vẫn không có ai đáp lời, chẳng khác nào người đi nhà trống.

Lê Dĩnh dùng chun buộc mái tóc dài suôn mượt của mình lên cao, cô thở dài, "Chắc đi xem náo nhiệt rồi. Để cửa tiệm không ai trông coi, ba mẹ nghĩ rằng ông Địa sẽ hiển linh ngồi đây canh chừng cửa tiệm cho ba mẹ hay sao?" Cũng may con phố này xưa nay không hề xảy ra tình trạng trộm cắp, nếu không đã bị người ta vào dọn sạch sẽ hết những món đồ bán được tiền dù ít dù nhiều.

Quay người, cất bước ra khỏi nhà, Lê Dĩnh hướng về con hẻm đối diện nhà cô mà đi, càng đi sâu vào trong thì càng nghe thấy rõ âm thanh ồn ào huyên náo, giọng nói nam nữ trộn lẫn, dù chưa nhìn thấy cảnh tượng đó, cô cũng hình dung được hiện trường đang hỗn loạn tới mức nào.

"Trời ơi mặt thằng nhỏ ngơ ngơ ngáo ngáo như vậy là bị mất hồn mất vía rồi, đưa nó đi thầy pháp xem đi."

"Thằng Tâm với con Quyên vô nhà thắp hương cho tổ tiên thử xem, cầu xin ông bà dẫn hồn thằng nhỏ về."

"Nhấn vô nhân trung của nó đi!"

"Nó có bị xỉu đâu mà nhấn ông ơi!"

Lê Dĩnh nương theo tiếng ồn rẽ sang bên trái, từ xa đã trông thấy một đám người vây quanh ngôi nhà màu trắng đục, chật như nêm cối. Mỗi người một câu, chỉ trỏ góp ý, chín người mười cách, đẩy cục diện vốn rối ren càng đi vào tình trạng bế tắc.

Lê Dĩnh bất đắc dĩ lắc đầu, người ta nói ba bà đàn bà họp lại thành cái chợ, ba ông thợ sửa giày hợp lại bằng Gia Cát Lượng, nhưng nếu cả ông và bà đều có mặt thì thế nào cũng chia bè chia phái, xảy ra cuộc chiến giữa nam và nữ.

"Bà giỏi quá thì bà nghĩ cách giúp thằng nhỏ tỉnh táo lại đi."

"Ông thì biết cái gì? Bà Bảy bả nói có sai đâu? Thằng Tuấn nó bị ma bắt hồn, không đi tìm thầy bà chả lẽ đi bác sĩ?"

"Kêu ba mẹ nó ra bến sông vái hồn nó về đi."

"Xuống đó cho ma da kéo giò à? Mấy tháng nay phà còn không dám chạy, bởi tao nói vợ chồng mày dở lắm Quyên ơi, tự nhiên cho thằng nhỏ đi xuống đó tắm làm gì!"

"Người ta đã đủ đau khổ rồi mà bà còn trách móc, sao bà không giỏi coi chừng con bà đi? Nó cũng đi tắm chung với thằng Tuấn đó."

"Mà con tôi có sao đâu. Ông đừng nghĩ ông là mối quen của tiệm cơm nhà tôi thì ông muốn nói gì thì nói nghe, tôi trở mặt à."

"Bà trở mặt thì bà lỗ hay tôi lỗ? Trời ơi, chưa từng thấy ai ngu như bà."

Lê Dĩnh phì cười, thấy chưa, cô nghĩ đâu có sai.

"Ba mẹ!" Kéo cánh tay của một người phụ nữ mặc đồ bà ba bằng vải lụa, kiểu dáng có chút cổ xưa nhưng sắc màu vẫn còn tươi mới, Lê Dĩnh gọi khẽ.

Ngoái đầu nhìn lại cùng với người phụ nữ còn có người đàn ông mặc quần sooc ngang đầu gối và áo thun trơn bình thường, trông họ trạc tuổi bốn mươi, năm mươi và ngũ quan của Lê Dĩnh có nét tương tự của cả hai người họ.

"Con gái!" Mẹ Lê vui mừng khôn xiết ôm lấy Lê Dĩnh, cười tít cả mắt, "Con về sao không nói với mẹ trước?"

"Sao con biết ba mẹ vô đây vậy?" Ba Lê nâng tay yêu thương xoa đầu của Lê Dĩnh, cười hiền lành hỏi.

Chợt thấy có vài người đã tạm dừng cãi vã, bắt đầu chú ý đến gia đình mình, Lê Dĩnh nhẹ vỗ vào lưng mẹ Lê, để bà buông cô ra, "Con mới vừa về tới. Con nhìn thấy có người ôm thằng bé bị đuối nước chạy lên giữa phố, lại nghe được dì Mười nói chuyện với dì Kim, sau đó về nhà mà chẳng thấy ba mẹ đâu nên con đoán chắc ba mẹ đã đi hóng chuyện rồi."

"Chèn ơi! Đi Sài Gòn học xong rồi sang thành phố Long Xuyên làm việc tới giờ, về quê rồi nói giọng khác hẳn đi hé. Ra dáng người thượng lộ lắm nha con." Một người đàn bà chừng hơn năm mươi tuổi cười tủm tỉm nhìn Lê Dĩnh từ trên xuống dưới.

"Thượng lưu bà nội ơi! Bà nói thượng lộ là bà nói nhỏ thượng lộ bình an đó bà nội. Nhỏ mới về nhà mà bà tính tiễn nhỏ đi nữa hả gì? Nói tiếng Việt còn nói nhầm mà bày đặt chơi văn chương." Một người đàn bà trạc tuổi người đàn bà vừa rồi nói chen vào.

"Dạ, thượng lưu. Con nói đúng chưa má?"

"Con không dám làm má của mẹ đâu, mẹ Năm. Con sợ bị tổn thương."

"Tổn thọ má ơi! Vậy mà má bắt bẻ con, má cũng dính tào lao à."

Lê Dĩnh bật cười ra tiếng, dù cô đi xa quê hương bao nhiêu năm cũng vậy, khi quay về nơi chôn nhau cắt rốn này, cô vẫn cười nhiều như thế, chưa từng cảm thấy tẻ nhạt lẻ loi.

"Để con vào xem thằng bé Tuấn." Lê Dĩnh nói với ba mẹ của mình, cô lần lượt lễ phép gật đầu chào hỏi những người hàng xóm lâu năm của mình rồi tiến vào trong vòng vây khi họ rẽ sang hai bên, nhường cho cô một lối đi.

Trước sân nhà trát xi măng của đôi vợ chồng có con trai gặp nạn là bóng dáng hai người lớn đang ôm chặt đứa bé tám chín tuổi vào lòng, vừa khóc vừa gọi tên con, nhưng thằng bé vẫn ngơ ngác ngồi trên ghế gỗ, hai mắt thẫn thờ khờ dại, cả người run lẩy bẩy, sắc mặt trắng bệch, đôi môi tím đen, dáng vẻ không có chút sinh cơ đó khiến người nhìn cảm thấy nhói lòng đồng thời e dè, sợ sệt.

"Anh chị lấy rượu trắng, ly nước rỗng và con dao thái ra đây cho em, em giúp thằng bé tỉnh lại." Lê Dĩnh thản nhiên nói.

Lúc này, vợ chồng anh Tâm mới chú ý đến sự hiện diện của Lê Dĩnh, họ hoang mang ngờ nghệch hỏi, "Em biết cách sao, Lê Dĩnh?"

"Chị định đưa thằng Tuấn qua chùa nhờ sư thầy cứu nó, em có chắc mình làm được không?"

"Anh chị cứ tin em." Lê Dĩnh hiểu được tâm trạng của họ lúc này, chuyện liên quan tới sống chết, hơn nữa lại là con của họ thì không thể trách họ sẽ nảy sinh nghi ngờ, chần chừ.

"Hai đứa bây cứ làm theo lời con bé đi. Tụi bây đừng quên ông ngoại của Lê Dĩnh là ai."

Ba mẹ của Lê Dĩnh định lên tiếng khuyên nhủ vợ chồng anh Tâm để con gái mình giúp đỡ, nhưng có một bà lão có mái tóc bạc phơ đã lên tiếng.

Bà được một cô gái thanh tú khoảng mười tám tuổi dìu đi vào lối đi mà Lê Dĩnh vừa bước, tiến lại gần Lê Dĩnh, lưng bà đã còng nên phải ngẩng đầu lên nhìn Lê Dĩnh vài giây, bà mỉm cười hiền từ, sau đó mới quay sang vợ chồng anh Tâm, "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Ông Trường Sinh tài giỏi cỡ nào không ai rành qua tao, vợ chồng bây mà kéo dài thời gian nữa thì không ai cứu nổi thằng Tuấn."

"Dạ, bà Tư!" Anh Tâm tức tốc chạy vào nhà tìm rượu, người già ở phố này đều đã thay phiên nhau qua đời trong mấy năm nay, hiện tại chỉ còn mỗi bà Tư và ông Sáu, họ đã hơn chín mươi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn như xưa, lời họ nói cũng vô cùng có trọng lượng đối với những người trẻ tuổi trong phố.

Một lát sau, anh Tâm chạy như bay ra ngoài, trên tay cầm theo những thứ Lê Dĩnh yêu cầu.

"Trời Phật ơi, thằng quỷ! Mày cầm dao mà chạy gì ghê vậy, lỡ đâm trúng người xung quanh hay sốc vào mình mày thì sao?" Có người lên tiếng nhắc nhở nhưng anh Tâm mặc kệ, anh chỉ biết, chuyện cứu chữa cho con trai mình quan trọng hơn những vấn đề khác.

Lê Dĩnh nhận lấy chai rượu cùng cái chung trước, cô đổ vào chung sứ một ít rượu, sau đó dùng tay bắt ấn, miệng khẽ niệm chú. Tiếp theo, cô dùng ngón giữa của bàn tay trái thấm vào rượu rồi vẽ lên mi tâm của đứa trẻ tên Tuấn, "Tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh âm lịch, giờ sinh ra của thằng bé là gì?"

"Nguyễn Thanh Tuấn. Sinh lúc 3 giờ sáng ngày 23 tháng 5, năm Nhâm Thìn." Chị Tâm đang đứng kề sát con trai, vội trả lời. Không ai nắm rõ sinh thần bát tự của con bằng mẹ, bởi nét mặt mờ mịt, nghi hoặc của anh Tâm đã nói lên tất cả.

Lê Dĩnh vừa dùng rượu vẽ gì đó lên mi tâm bé Tuấn vừa khẽ niệm tên cùng sinh thần bát tự, can chi của thằng bé. Ở nơi đông nghìn nghịt một mảnh, hầu như người của cả con phố đều kéo đến đây, vây quanh nhà anh Tâm, không một ai kể cả ba mẹ của Lê Dĩnh có thể nhìn thấy được trên trán bé Tuấn dần dần xuất hiện một đầu hổ nhe nanh như đang gầm gừ, đường nét vẽ nên đầu hổ không ngừng phát ra ánh sáng màu vàng kim nhấp nháy. Khi Lê Dĩnh vẽ đến dấu vết chữ vương (王) trên trán của con hổ, một luồng hào quang phóng ra cực mạnh, ngay tức khắc, bé Tuấn giật bắn người, đôi mắt vốn đang mơ hồ ngu ngơ của thằng bé có thần trở lại, nhìn chằm chằm vào Lê Dĩnh không chớp mắt.

Thu tay về, Lê Dĩnh lấy qua con dao thái, cô nói với anh Tâm, "Đưa tay trái của anh đây."

Mặc dù không hiểu Lê Dĩnh muốn làm gì, trong lòng cực kỳ nghi hoặc nhưng anh Tâm vẫn ngoan ngoãn vươn tay về phía cô. Lật bàn tay của anh Tâm ngửa lên, Lê Dĩnh dùng dao cứa nhẹ vào đầu ngón tay giữa, kế đó nhỏ máu của anh vào chung sứ trong lúc anh nhăn mặt nhe răng vì đau nhói.

Dưới ánh mắt đầy hiếu kỳ, tò mò của mọi người, Lê Dĩnh đem chung sứ chứa máu đó đút cho bé Tuấn uống vào, cô giải thích, "Ngón tay giữa ở bàn tay trái của con người là nơi tập trung sinh khí cùng chính khí nhiều nhất, con người có ba hồn bảy vía, ba hồn gồm Thiên hồn, Địa hồn, Sinh hồn. Bé Tuấn bị lạc mất Thiên hồn, cần dùng máu của người thân ruột thịt gọi hồn về." Cô vừa dứt lời, bé Tuấn lập tức khóc óe lên một tiếng, gương mặt trắng bệch hồng hào hẳn lên, đôi môi vốn bị tím đen cũng quay về sắc màu thường có.

"Ba mẹ...con sợ...hu hu hu...!" Bé Tuấn gào khóc nhào vào lòng của chị Quyên, "Con thấy con ma tóc dài nắm giò con...nó có răng nanh, mắt nó đỏ lòm, thấy ghê lắm...hu hu hu!"

Những người vây xem cảm thấy lòng bàn chân mình lạnh buốt, một cảm giác rợn người chạy dọc theo sống lưng lên thẳng đỉnh đầu khiến họ rùng mình – Dưới con sông Tiên Hương lặng lẽ chứng kiến vùng đất này thay đổi theo thời gian, từ khung cảnh hoang tàn đổ nát đến lúc nhộn nhịp khang trang, con sông hiền từ ấy chưa từng cướp lấy mạng sống của một người nào dù là lúc bão tố mưa giông. Nhưng mấy tháng qua, đã có mấy mạng người chìm mình dưới đáy sông, và ẩn sâu bên dưới dòng nước sạch trong đó, thực sự là một con quỷ ghê rợn như bọn họ từng suy đoán.

Bầu không khí trở nên nặng nề, một nỗi sợ hãi, hoang mang cùng bất an bao trùm lấy tất cả những người có mặt tại đây. Họ trao nhau cái nhìn khiếp đảm mà không nói được nên lời, chỉ có bà Tư mở miệng, "Lê Dĩnh, con có cách nào xử lý con quỷ dưới sông không?"

"Đúng rồi, Lê Dĩnh! Con giúp mọi người thu phục nó đi!"

"Mấy tháng nay đã chết nhiều người rồi, chúng ta có mời thầy pháp tới cúng nhưng chẳng ăn thua gì. Thầy pháp vẫn cứ lấy tiền, mà người vẫn cứ chết."

"Con nghĩ cách giúp mọi người đi Lê Dĩnh, con tài giỏi không thua gì ông ngoại con mà."

Thanh danh cùng tài năng của ông Trần Trường Sinh - Ông ngoại của Lê Dĩnh nổi tiếng xưa nay, không phải chỉ mỗi con phố này mà hầu như gần toàn bộ thành phố Rạch Giá đều biết uy danh của ông. Ông giúp mọi người trừ ma bắt quỷ nhưng chưa hề nhận một đồng của ai, ông kiếm sống bằng nghề lái xe buýt, sau đó chuyển sang mài dao. Gia đình bên nội của Lê Dĩnh giàu có hơn gia đình nhà ngoại của cô rất nhiều, thậm chí còn có mâu thuẫn gay gắt, ba mẹ của cô có thể kết hôn với nhau cũng xem như là một kỳ tích.

Những hồn ma bóng quế vất vưởng ở phố này, có con nào mà không bị ông Trường Sinh thu phục nếu chúng nó gây hại tới con người. Ma quỷ nào ngoan cố, ông sẽ nhốt vào hũ rồi dán bùa trấn áp, sau đó gửi vào chùa cho nghe kinh để giảm bớt sát khí, lệ khí cùng oán khí. Còn ma nào hiền lành, ông sẽ niệm chú Vãng Sinh, siêu độ vong hồn họ tìm được đến cõi U Minh, chờ một ngày có thể đầu thai chuyển thế làm người.

Ông mất chưa đầy ba năm mà nơi đây đã xảy ra chuyện tà ám, ma quỷ bắt đầu lộng hành trở lại, thực sự khiến lòng người bất an.

"Con biết dưới sông Tiên Hương có thứ tà ám, nhưng nó không phải ma da." Lê Dĩnh nhìn lướt qua mọi người, cô nói, "Nó là lệ quỷ, tu vi gần trăm năm. Muốn thu phục nó, con phải về xem lại bút ký của ông ngoại." Cuốn bút ký đó ghi chép lại tất cả những gì mà ông ngoại cô đã học được, bao nhiêu lần ông thu phục ma quỷ, trấn áp tà ám đều được viết lại đầy đủ. Từng có suy nghĩ không muốn kế thừa sự nghiệp của ông, cho nên cô đã đặt nó chung một nơi với những quyển kinh của bà ngoại. Có lẽ...đã đến lúc cô phải để bút ký của ông ngoại lại thấy được ánh sáng Mặt trời.

Đúng lúc này, bỗng nhiên có gì trỗi dậy dưới đáy sông Tiên Hương, một luồng hắc khí nồng đậm chui lên từ bùn đất, xoay tròn và dần dần hình thành một cơn lốc xoáy, nó từ từ lan rộng ra, biến mặt sông thành một lòng chảo cực lớn, luồng hắc khí nương theo đó bay đi khắp mọi nơi, gần như bao trùm toàn bộ con sông. Từ xa nhìn lại, khung cảnh vốn yên bình đẹp đẽ của sông Tiên Hương đã không còn nữa, thay vào đó là cảnh tượng âm u, thê lãnh đầy chết chóc.

Dường như, lệ quỷ đã nghe thấy được từng lời nói của người dân chốn này, và nó đang vô cùng phẫn nộ, muốn thoát ra tàn sát hết tất cả những sinh vật sống có ý định cản bước nó tăng tiến tu vi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #kinhdi