quy che dan chu
QUY CHẾ
THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP
(ban hành kèm theo Quyết định số 44/2007/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc thực hiện dân chủ ở bệnh viện công lập
2. Quy chế này áp dụng đối với cán bộ, viên chức, người lao động theo hợp đồng có thời hạn hoặc không xác định thời hạn trong bệnh viện công lập (dưới dây gọi chung là cán bộ, viên chức) và người bệnh, người nhà người bệnh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bệnh viện công lập là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập (sau đây gọi là bệnh viện).
2. Người nhà người bệnh là những người vào bệnh viện để tham gia phục vụ, chăm sóc người bệnh, gồm: vợ hoặc chồng, ông, bà, cha, mẹ, anh chị em, con, cháu và những người thân khác.
Điều 3. Mục đích, yêu cầu thực hiện dân chủ trong các bệnh viện.
1. Mục đích thực hiện dân chủ trong các bệnh viện nhằm cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, viên chức, người bệnh và người nhà người bệnh; Tăng cường hiệu lực quản lý bệnh viện, Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bệnh viện.
2. Việc thực hiện dân chủ trong các bệnh viện phải được quán triệt từ sự chỉ đạo; tổ chức, điều hành, nâng cao chế độ trách nhiệm và sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của giám đốc bệnh viện để cán bộ, viên chức, người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện đầy đủ những nội dung về công khai, minh bạch, tham gia ý kiến và giám sát, kiểm tra hoạt động của bệnh viện nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả các dịch vụ công phục vụ người bệnh.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong các bệnh viện
1. Thực hiện dân chủ phải trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; Quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; Nghiêm cấm những hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, viên chức và của người bệnh.
2. Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của giám đốc bệnh viện, sự tham gia tích cực của các đoàn thể quần chúng, các thành viên trong bệnh viện, sự phối hợp của người bệnh, người nhà người bệnh.
3. Bảo đảm quyền thực hiện dân chủ của cán bộ, viên chức, người bệnh, người nhà người bệnh; Đề cao vai trò, trách nhiệm của giám đốc bệnh viện đối với việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của bệnh viện.
Chương 2.
THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG NỘI BỘ BỆNH VIỆN
Mục 1. NỘI DUNG GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN CÔNG KHAI
Điều 5. Nội dung thông tin kịp thời và công khai đối với cán bộ, viên chức bệnh viện
1. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về lĩnh vực y tế và những vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của bệnh viện, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, viên chức bệnh viện.
2. Quy hoạch phát triển bệnh viện; Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác hàng năm, hàng quy, hàng tháng của bệnh viện, của các khoa, phòng.
3. Nội quy, quy chế làm việc của bệnh viện và các khoa, phòng; Chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng trong bệnh viện và mỗi cán bộ, viên chức.
4. Các quy định về chuyên môn, kỹ thuật y tế, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế.
5. Dự toán, quyết toán ngân sách, kinh phí hoạt động hàng năm của bệnh viện theo quy định hiện hành của Nhà nước, bao gồm các nguồn tài chính; kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp: phí, lệ phí, viện phí; Các hoạt động dịch vụ, các nguồn kinh phí tài trợ, viện trợ, liên doanh, liên kết, vốn vay nước ngoài và các nguồn thu khác.
6. Việc thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ; Định mức sử dụng xăng, xe, điện, nước, điện thoại; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; Nội dung sử dụng các khoản tiền tiết kiệm chi của bệnh viện; Kế hoạch nội dung, tiến độ, kết quả đầu tư, đấu thầu xây dựng cơ bản; mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế có giá trị lớn theo quy định của pháp luật; Kết quả việc kiểm kê, thanh lý tài sản trong bệnh viện.
7. Quy chế, quy trình quản lý về tiêu chuẩn, số lượng biên chế, tuyển dụng, hợp đồng lao động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển; Nâng ngạch, nâng bậc lương; Đào tạo, bồi dưỡng, cử đi học tập ở trong nước hoặc ngoài nước; Khen thưởng, kỷ luật cán bộ, viên chức.
8. Quy chế công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ; Quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, kết quả các đề tài, công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến.
9. Kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo về chuyên môn, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát kinh phí, tài sản trong bệnh viện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận; Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ bệnh viện.
10. Những nội dung công khai khác mà giám đốc bệnh viện thấy cần thiết những không được trái với quy định của pháp luật.
Điều 6. Hình thức tổ chức thực hiện nội dung công khai để cán bộ, viên chức bệnh viện biết
1. Niêm yết công khai:
Nội dung quy định tại Điều 5 Quy chế này phải được niêm yết công khai tại bảng thông báo của bệnh viện, bảng kế hoạch công tác của các khoa, phòng.
- Thời gian niêm yết công khai:
- Đối với văn bản của cấp trên: Chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản theo dấu văn thư đến;
- Đối với văn bản do bệnh viện ban hành: ít nhất trước 3 ngày làm việc kể từ ngày văn bản có hiệu lực thi hành (trừ các văn bản về tổ chức cán bộ đối với tổ chức, cá nhân cụ thể)
2. Thông báo tại hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị cán bộ, viên chức.
3. Gửi văn bản đến lãnh đạo các khoa, phòng, tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng và các đối tượng này có trách nhiệm thông báo đến cán bộ, viên chức thuộc bộ phận quản lý.
4. Qua mạng máy tính nội bộ bệnh viện.
Mục 2. NỘI DUNG CÁN BỘ, VIÊN CHỨC THAM GIA Ý KIẾN
Điều 7. Nội dung cán bộ, viên chức bệnh viện tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản trước khi giám đốc bệnh viện quyết định.
1. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của ngành Y tế liên quan đến tổ chức và hoạt động của bệnh viện.
2. Quy hoạch phát triển bệnh viện, phát triển chuyên khoa kỹ thuật cao của các khoa, phòng trong bệnh viện.
3. Kế hoạch công tác, kế hoạch thu chi tài chính hàng năm; Kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở; Kế hoạch cung ứng thuốc; hóa chất, vật tư y tế tiêu hao hàng năm; Kế hoạch mua sắm, sử dụng, thanh ký tài sản của bệnh viện.
4. Nội quy, quy chế làm việc của bệnh viện, quy chế làm việc của các khoa, phòng; Quy chế, quy định chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện, của các khoa, phòng; Các quy chế, quy định thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, viên chức.
5. Kế hoạch, quy chế, quy trình tuyển dụng, hợp đồng lao động, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, viên chức theo quy định của pháp luật.
6. Biện pháp phòng hộ, an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, cải tiến chế độ làm việc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức; Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong bệnh viện.
7. Quy trình thủ tục hành chính về tiếp đón, giải quyết công việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh; Các biện pháp chống tệ quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu người bệnh và các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong khám bệnh, chữa bệnh.
8. Chương trình hành động thực hiện các phong trào thi đua của bệnh viện; Bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm; Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng, tổng kết công tác năm của bệnh viện.
9. Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế trích lập và sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, quỹ dự phòng mất việc làm.
10. Những nội dung khác mà giám đốc bệnh viện thấy cần thiết
Điều 8. Hình thức để cán bộ, viên chức bệnh viện tham gia ý kiến
1. Tham gia ý kiến trực tiếp với lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng.
2. Qua hội nghị, hội thảo trong bệnh viện.
3. Gửi ý kiến vào hòm thư góp ý của bệnh viện.
4. Qua mạng máy tính nội bộ bệnh viện.
5. Cấp ủy Đảng, các đoàn thể quần chúng lấy ý kiến của quần chúng, đảng viên, đoàn viên.
6. Phát biểu hỏi ý kiến trực tiếp; Gửi dự thảo văn bản để cán bộ, viên chức tham gia ý kiến.
Mục 3. NỘI DUNG CÁN BỘ, VIÊN CHỨC GIÁM SÁT, KIỂM TRA
Điều 9. Nội dung cán bộ, viên chức bệnh viện được quyền giám sát, kiểm tra
1. Việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch công tác của bệnh viện, của các khoa, phòng; Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị cán bộ, viên chức bệnh viện.
2. Việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của các khoa, phòng và của bệnh viện.
3. Việc thực hiện các quy định chuyên môn, kỹ thuật y tế.
4. Việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, viện phí, nguồn thu từ bảo hiểm y tế, các nguồn thu hợp pháp khác, các loại quỹ của bệnh viện.
5. Việc cung ứng thuốc, hóa chất, máu, dịch truyền, trang thiết bị; Mua sắm, sử dụng, thanh lý tài sản.
6. Quá trình đấu thầu về xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị có giá trị lớn trong bệnh viện.
7. Việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, viên chức.
8. Việc thực hiện các quy chế, quy định về công tác tổ chức – cán bộ.
9. Việc thực hiện các nội dung công khai của giám đốc bệnh viện, trưởng các khoa, phòng.
10. Quá trình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, viên chức và của người bệnh, người nhà người bệnh.
Điều 10. Hình thức tổ chức cho cán bộ, viên chức bệnh viện thực hiện nội dung giám sát, kiểm tra
1. Qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân của bệnh viện.
2. Qua Hội nghị cán bộ viên chức của bệnh viện.
3. Qua các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ của các khoa, phòng và bệnh viện.
4. Qua hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng.
5. Qua hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện.
Chương 3.
THỰC HIỆN DÂN CHỦ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH VÀ NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH
Mục 1. NỘI DUNG BỆNH VIỆN CÔNG KHAI ĐỐI VỚI NGƯỜI BỆNH, NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH
Điều 11. Nội dung thông tin kịp thời và công khai đối với người bệnh và người nhà người bệnh
1. Lịch làm việc, lịch trực hàng ngày của cán bộ, viên chức bệnh viện.
2. Quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh đối với bệnh viện.
3. Nội quy bệnh viện, sơ đồ chỉ dẫn các khoa, phòng bệnh viện.
4. Các quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh.
5. Mức thu viện phí; Chế độ miễn, giảm viện phí; Chế độ bảo hiểm y tế; Thanh toán viện phí và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
6. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh; Giá thuê phòng trọ cho người nhà người bệnh; Giá gửi xe đạp, xe máy, ô tô trong bệnh viện và các loại dịch vụ khác.
7. Bộ phận giải quyết khiếu nại, tố cáo của bệnh viện.
Điều 12. Hình thức tổ chức thực hiện nội dung công khai để người bệnh và người nhà người bệnh biết
1. Niêm yết công khai:
Bệnh viện tổ chức niêm yết công khai các nội dung quy định tại Điều 11 của Quy chế này bằng các hình thức: các văn bản, bản vẽ, sơ đồ, dấu chỉ đường đến các khu vực, khoa, phòng trong bệnh viện, các bản chữ to về nội quy, quy định, giá các loại phí, lệ phí dịch vụ phục vụ người bệnh tại các địa điểm thuận lợi có nhiều người bệnh qua lại. Việc niêm yết công khai phải thường xuyên, liên tục, kịp thời.
2. Thông tin, truyền thông, tư vấn:
Bệnh viện tổ chức thông tin, truyền thông, tư vấn về chế độ chính sách, những vấn đề có liên quan đến việc khám bệnh, chữa bệnh kể từ khi người bệnh mới đến phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, buồng bệnh.
Mục 2. NỘI DUNG NGƯỜI BỆNH VÀ NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH GIÁM SÁT, THAM GIA Ý KIẾN
Điều 13. Nội dung người bệnh và người nhà người bệnh giám sát, tham gia ý kiến
1. Việc thực hiện các chế độ chính sách y tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh như: các chế độ về viện phí, bảo hiểm y tế: Các chế độ chính sách, giá dịch vụ về khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Nhà nước.
2. Việc thực hiện nội quy, quy chế về khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện.
3. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức bệnh viện; Kịp thời phát hiện và phản ánh với lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa, phòng về những cán bộ, viên chức biểu hiện tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh yếu kém, có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, đùn đẩy, phân biệt đối xử, đòi hối lộ đối với người bệnh hoặc người nhà người bệnh; Đề xuất ý kiến, trao đổi và phối hợp với cán bộ y tế trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh
4. Việc thực hiện vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự ở bệnh viện
5. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của người bệnh và người nhà người bệnh đối với bệnh viện
Điều 14. Hình thức tổ chức cho người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện nội dung giám sát, tham gia ý kiến
1. Tham gia ý kiến, phản ánh trực tiếp với các thầy thuốc tại các khoa, phòng.
2. Tham gia ý kiến, phản ánh với cán bộ lãnh đạo bệnh viện tại Phòng tiếp dân.
3. Gửi văn bản tham gia ý kiến vào hòm thư góp ý của bệnh viện.
4. Qua đường dây điện thoại nóng do bệnh viện quy định.
5. Qua các buổi sinh hoạt của Hội đồng người bệnh.
Chương 5.
TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở BỆNH VIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của giám đốc bệnh viện
1. Tổ chức, triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong toàn bệnh viện.
2. Bố trí nơi tiếp dân, hòm thư góp ý, thực hiện việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật
3. Công khai các ý kiến tham gia góp ý, phê bình, kiến nghị của cán bộ, viên chức, người bệnh, người nhà người bệnh và của công dân, cơ quan, tổ chức, địa phương theo thẩm quyền.
4, Thực hiện công khai việc phân công công việc trong lãnh đạo bệnh viện, các khoa, phòng, bảo đảm công bằng, đúng người, đúng việc, không gây chồng chéo và sai lệch với chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.
Điều 16. Trách nhiệm của các trưởng khoa, phòng bệnh viện
Tổ chức triển khai và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 17. Trách nhiệm của cán bộ, viên chức
Thực hiện các quy định của Quy chế này liên quan đến phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Điều 18. Trách nhiệm của người bệnh và người nhà người bệnh
Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định liên quan đến trách nhiệm của người bệnh và người nhà người bệnh.
Điều 19. Trách nhiệm của các đoàn thể quần chúng, Ban Thanh tra nhân dân
1. Các đoàn thể quần chúng, có trách nhiệm thường xuyên giám sát việc thực hiện dân chủ trong bệnh viện.
2. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện dân chủ trong bệnh viện liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, viên chức.
Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp
Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định trong Quy chế này; Xử lý kịp thời các vi phạm trong việc thực hiện dân chủ trong bệnh viện
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro