4444
Gần đây, tôi có gặp một doanh nhân vùng Texas, một người đang bừng bừng phẫn nộ. Tôi đã được báo trước rằng chỉ sau 15 phút gặp mặt, thế nào cũng kể hết nỗi bực dọc của mình cho người đối thoại. Quả đúng như thế thật. Mặc dù chuyện đã xảy ra trước đó 11 tháng nhưng ông vẫn chưa nguôi cơn giận. Ông không thể nói về một điều gì khác ngoài điều đó. Ông đã chi cho 34 nhân viên tổng cộng 10.000 đô-la tiền thưởng trong lễ Giáng sinh – tức là xấp xỉ 300 đô-la mỗi người – vậy mà ông không nhận được dù chỉ một lời cảm ơn. Ông cay đắng phàn nàn: “Giờ tôi thấy tiếc từng xu đã thưởng cho họ”.
Khổng tử nói: “Người đang giận dữ thì chứa đầy nọc độc”. Và vị doanh nhân này chứa nhiều nọc đọc đến nỗi tôi cảm thấy ái ngại cho ông. Ông đã 60 tuổi, mà theo tính toán của các công ty bảo hiểm nhân thọ thì những người ở độ tuổi của ông trung bình chỉ sống thêm được 2/3 thời gian tính từ hiện tại cho đến khi 80 tuổi. Vì vậy, nếu may mắn thì ông cũng chỉ còn khoảng 14-15 năm nữa của cuộc đời. Vậy mà ông đã lãng phí gần một năm quý báu ấy vào việc bất mãn và cay cú về một sự kiện đã qua đi từ lâu. Tôi thấy tiếc thay cho ông.
Thay vì bực tức và tủi thân, có lẽ ông nên tự hỏi tại sao mình không nhận được sự cảm kích nào. Có thể ông đã bắt nhân viên làm việc quá sức và trả lượng quá thấp. Có thể họ không coi số tiền ấy là một món quà Giáng sinh mà là phần trả công xứng đáng cho nỗ lực của mình. Có thể ông quá nghiêm khắc và khó gần nên không ai dám hoặc muốn đến nói lời cảm ơn. Có thể họ cho rằng đấy cũng chỉ là một cách ông trốn thuế mà thôi.
Mặc khác, biết đâu những nhân viên ấy là những kẻ ích kỷ, keo kiệt và xấu tính. Có thể thế này. Có thể thế kia. Cả tôi hay các bạn đều không thể biết nguyên nhân là gì. Nhưng tôi biết rằng Tiến sĩ Samuel Johnson đã nói: “Lòng biết ơn là trái ngọt của những tháng ngày dày công vun xới. Không phải ai cũng có được thái độ ấy”.
Đây chính là điều tôi muốn nói với các bạn: vị doanh nhân này đã phạm phải một sai lầm đáng buồn mà con người thường mắc phải, đó là mong đợi được biết ơn. Ông đã không thực sự hiểu rõ bản chất con người.
Nếu cứu sống một người, bạn có mong được hàm ơn không? Có thể là có. Nhưng Samuel Leibowitz – người từng là một luật sư hình sự nổi tiếng trước khi trở thành thẩm phán – thì hoàn toàn không. Ông từng giúp 78 người thoát khỏi cái án ngồi ghế điện! Theo bạn, bao nhiêu trong số này từng nói lời cảm ơn đối với Samuel Leibowitz hoặc nhớ gửi cho ông một tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh? Bao nhiêu người? Bạn thử đoán xem… Bạn đoán đúng rồi đấy – không ai hết.
Chúa Jesus đã chữa khỏi bệnh hủi cho 10 người trong một buổi chiều – nhưng bao nhiêu trong số họ bày tỏ lòng biết ơn với Ngài? Chỉ một mà thôi. Bạn cứ giở Thánh kinh Luke ra kiểm tra xem. Khi Chúa hỏi các môn đệ rằng: “Chín người kia đâu?” thì những kẻ vô ơn ấy đã đi về hết rồi. Đi về mà không có lấy một lời cảm tạ! Cho phép tôi được hỏi câu này: Đến những ân huệ của Chúa Jesus còn bị đối xử như vậy thì bạn và tôi – cùng vị doanh nhân vùng Texas kia – sao có thể mong mỏi rằng những giúp đỡ nhỏ bé của mình sẽ nhận được thái độ cảm kích xứng đáng?
Nhất là khi liên quan đến vấn đề tiền bạc thì điều này lại càng trở nên không tưởng. Charles Schwab(47) kể cho tôi nghe rằng có lần ông đã bỏ tiền ra để giúp một thủ quỷ ngân hàng khỏi phải vào tù vì tội lấy tiền của nhà băng đem đầu tư vào thị trường chứng khoán. Người thủ quỹ ấy có biết ơn Charles không? Ồ! Tất nhiên là có rồi, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Sau này anh ta đã trở mặt, sỉ nhục và lăng mạ ông – sỉ nhục và lăng mạ chính con người đã giúp anh ta không phải ngồi nhà đá!
Nếu cho một người họ hàng một triệu đô-la, bạn có mong anh ta sẽ cảm kích không? Andrew Carnegie(48) đã làm thế. Nhưng nếu bây giờ sống lại hẳn ông sẽ sửng sốt nhận ra mình đang bị chính người họ hàng ấy sỉ vả thậm tệ! Tại sao? Tại vì “lão già Andy” đã quyên góp 365 triệu đô-la cho quỹ từ thiện và “chỉ để lại cho anh ta một triệu đô-la vô tích sự, chẳng thấm vào đâu” – theo như anh ta nói.
Cuộc đời là như thế. Con người vẫn là con người – và có lẽ điều này sẽ chẳng có gì thay đổi trong thời đại của chúng ta. Vậy thì tại sao chúng ta không chấp nhận nó? Tại sao không suy nghĩ một cách thực tế như ông già Marcus Aurelius, một trong những người lãnh đạo khôn ngoan nhất của Đế chế La Mã. Ông đã viết trong nhật ký rằng: “Hôm nay ta sẽ lại gặp những kẻ nói nhiều, ích kỷ, tự cao tự đại và vô ơn. Nhưng ta sẽ không ngạc nhiên hay bực dọc, bởi ta không thể tưởng tượng nổi thế giới này sẽ như thế nào nếu thiếu những loại người như thế”.
Đấy là một thực tế phải không nào? Nếu bạn và tôi cứ cố chấp căn nhằn về sự vô ơn thì ai mới là kẻ đáng phê phán đây? Bản tính con người, vốn ích kỷ và vô ơn – hay thái độ không đếm xỉa đến bản tính con ngươi của chúng ta? Vì vậy, đừng trông gặp được thái độ biết ơn, chúng ta mới có cảm giác ngạc nhiên thú vị và hạnh phúc. Nếu gặp tình huống ngược lại, thì chúng ta cũng sẽ không phải bực mình, tức giận.
Đó chính là điều đầu tiên tôi muốn bạn lưu ý: Bản tính con người vốn ích kỷ và vô ơn. Nếu chúng ta cứ cố chấp, đòi hỏi thái độ biết ơn thì chúng ta chỉ tự chuốc lấy bực dọc và đau khổ cho mình.
Tôi biết một phụ nữ ở New York, một người luôn than vãn rằng mình rất cô đơn. Không một người thân nào muốn ở gần bà – và tôi cũng chẳng ngạc nhiên gì về điều ấy. Nếu bạn đến thăm bà, bà sẽ kể lể hàng giờ về công lao dưỡng dục của mình với hai cô cháu gái khi họ còn nhỏ; bà đã chăm sóc hai cô khi họ bị ho, lên sởi và quai bị; bà đã nuôi nấng họ bao nhiêu năm trời; đã lo cho một người vào học ở trường kinh doanh, đã che chở người kia cho đến tận khi cô ấy đi lấy chồng.
Các cháu gái có đến thăm bà không? Tất nhiên là có, thỉnh thoảng thôi, theo bổn phận. Nhưng họ sợ chết khiếp những cuộc viếng thăm ấy. Họ biết rằng mình sẽ phải ngồi nghe hàng giờ liền những lời trách móc bóng gió. Họ sẽ được thết đãi bằng hàng tràng những lời phàn nàn chua cay không ngớt và những tiếng thở dài não ruột. Rồi đến khi không thể dọa nạt, ép buộc các cháu gái đến thăm mình, bà bỗng lên một cơn đau tim. Liệu có phải bà bị đau tim không? Ồ, có chứ. Bác sĩ đã nói bà: “có một quả tim rất dễ bị kích động” và đập rất nhanh. Nhưng bác sĩ cũng nói rằng họ không thể làm gì được trong trường hợp của bà – rắc rối của bà là vấn đề tình cảm.
Điều bà thực sự cần là tình yêu và sự quan tâm. Nhưng bà lại nhầm lẫn gọi là sự biết ơn. Và bà sẽ không bao giờ nhận được sự biết ơn hay tình yêu bởi vì bà luôn đòi hỏi nó. Bà nghĩ rằng đó là những gì mình đáng được hưởng.
Có hàng ngàn người như người phụ nữ này, phiền muộn vì cảm thấy mình bị cô đơn, hắt hủi và là nạn nhân của thói vô ơn. Họ mong muốn được yêu thương; nhưng họ không biết rằng cách duy nhất để nhận được tình yêu thương trên thế giới này là cho đi tình yêu mà không đòi hỏi được đền đáp.
Nghe có vẻ là một triết lý của chủ nghĩa lý tưởng hão huyền, viển vông chăng? Không đâu. Đây là một điều rất hiển nhiên, là con đường tốt nhất dẫn chúng ta đến với hạnh phúc mà mình hằng khao khát. Tôi hiểu điều này bởi tôi đã tận mắt chứng kiến điều kỳ diệu đó trong gia đình mình. Cha mẹ tôi vẫn lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho bản thân. Chúng tôi sống nghèo khổ - lúc nào cũng trong cảnh nợ nần. Nhưng dù nghèo đến đâu, hàng năm cha mẹ vẫn gửi tiền tới một trại trẻ mồ côi mang tên Nhà Tình thương ở Hội đồng Bluffs, Iowa. Cả hai ông bà vẫn chưa một lần đặt chân đến đấy và có lẽ cha mẹ tôi cũng không nhận được hình thức cảm ơn nào khác ngoài những bức thư. Nhưng hai người đã được đền đáp xứng đáng bằng niềm vui dạt dào từ việc giúp đỡ trẻ nhỏ - mà không mong được đáp đền hay cảm tạ.
Khi trưởng thành và sống xa gia đình, tôi luôn gửi về nhà một tấm séc vào dịp Giáng sinh, giục cha mẹ đi mua sắm những gì họ thích. Nhưng chẳng mấy khi hai người làm thế. Khi tôi trở về nhà vào mấy ngày trước lễ Giáng sinh, cha sẽ lại kể cho tôi nghe về đống than đá và đồ tạp phẩm đã mua tặng một góa phụ nào đó trong thị trấn, người có một đàn con nheo nhóc mà chẳng biết kiếm đâu ra tiền để mua thức ăn và chất đốt. Hai người đã vui sướng biết bao vì có thể đem tặng những món quà ấy – niềm vui của việc cho đi mà không cần được nhận lại bất cứ thứ gì!
Tôi tin rằng cha tôi có lẽ đã đáp ứng được gần hết những chuẩn mực mà Aristotle đề ra cho một con người lý tưởng – người đáng được hưởng hạnh phúc nhất: “Con người lý tưởng là người luôn lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho mình”.
Và đây chính là điểm thứ hai tôi muốn bạn quan tâm: Nếu muốn tìm thấy hạnh phúc thì đừng băn khoăn xem mình có được biết ơn hay không mà hãy cho đi và tận hưởng niềm vui từ chính việc cho đi ấy.
Suốt mười nghìn năm nay, các ông bố bà mẹ vẫn luôn vò đầu bứt tai về thái độ vô ơn của con cái.
Ngay đến bậc vua chúa, như vua Lear của Shakespeare, cũng kêu lên: “Thà bị rắn độc cắn còn hơn có một đứa con vô ơn bạc bẽo!”
Nhưng làm sao bọn trẻ có thái độ biết ơn nếu ta không dạy dỗ chúng? Sự vô ơn là một phần của tự nhiên – cũng giống như cỏ dại. Còn thái độ biết ơn là hoa hồng – cần được vun trồng, nuôi dưỡng, nâng niu và bảo vệ.
Nếu con trẻ vô ơn, ai là người có lỗi? Có lẽ chính là người lớn chúng ta. Nếu chúng ta chưa bao giờ dạy cho chúng lòng biết ơn người khác thì sao lại mong chúng sẽ tỏ lòng biết ơn với mình?
Tôi có quen một người ở Chicago, người có lý do chính đáng để phàn nàn về thái độ vô ơn từ những đứa con riêng của vợ. Ông làm việc quần quật trong một nhà máy đóng hộp với tiền công chẳng mấy khi vượt quá 40 đô-la một tuần. Rồi ông kết hôn với một quả phụ, và bà đã thuyết phục ông vay thêm tiền để nuôi hai đứa con trai lớn của bà học đại học. Ông phải dựa vào đồng lương ít ỏi của mình để trả tiền thức ăn, tiền thuê nhà, tiền khí đốt, tiền quần áo và cả số lãi vay nữa. Đã như thế suốt 4 năm nay, ông làm việc như một cu li và chưa bao giờ phàn nàn tới nửa lời.
Vậy mà ông có nhận được lời cảm ơn nào không? Không hề, vợ ông cho đó là đương nhiên – cả hai đứa con của bà cũng vậy. Chúng chưa bao giờ nghĩ rằng mình đang nợ cha dượng một thứ gì – cả một lời cảm ơn cũng không!
Ai là người đáng trách? Những đứa con? Đúng thế; nhưng bà mẹ còn đáng trách hơn. Bà cảm thấy có lỗi nếu khiến những năm tháng tuổi trẻ của các con phải trĩu xuống dưới gánh nặng của “ý thức về bổn phận”. Bà không muốn chúng có “cảm giác phải mang nợ”. Vậy là bà chẳng bao giờ đoái hoài tới việc dạy bảo rằng: “Dượng của các con là một người thật đáng kính vì đã nuôi cả hai đứa học đại học!”. Thay vào đó, bà giữ cái thái độ: “Ôi dào, ít ra ông ấy cũng phải làm được như thế chứ”.
Bà nghĩ mình đang giúp các con được sống thảnh thơi, nhưng thực ra, bà đang đẩy chúng bước vào đời với một quan điểm rất nguy hiểm rằng cuộc đời mắc nợ chúng. Và đúng là như thế. Bởi một trong hai người này đã cố “mượn” tiền của ông chủ và rồi kết cục phải ở tù!
Chúng ta phải nhớ rằng bản tính con trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách ta uốn nắn chúng. Chẳng hạn, em gái của mẹ tôi – dì Viola Alexander, ở Minneapolis – là một ví dụ điển hình về một người mẹ không bao giờ phải phàn nàn về “thái độ vô ơn” của các con. Hồi tôi còn nhỏ, dì Viola đã đưa mẹ đẻ về nhà để phụng dưỡng, và dì cũng làm như thế với mẹ chồng. Giờ đây tôi nhắm mắt lại vẫn có thể thấy hình ảnh hai người mẹ già cùng ngồi trước lò sưởi trong căn nhà giữa nông trang của dì. Có bao giờ họ làm dì mệt mỏi không? Tôi cho là có. Nhưng bạn sẽ không bao giờ nhận ta điều này trong thái độ của dì. Dì thực sự yêu thương họ - vì thế dì chiều lòng họ, chiều theo những yêu cầu phiền hà của người già và khiến họ cảm thấy như được sống trong gia đình. Đấy là chưa kể đến việc gì Viola còn có 6 đứa con cần phải chăm sóc; nhưng chưa bao giờ dì nghĩ rằng mình đang làm một công việc cao cả, rằng mình đáng được hưởng vầng hào quang rực rỡ bởi đã đưa cả hai người mẹ già về phụng dưỡng. Đối với dì, đó là một điều hết sức tự nhiên, một điều hợp đạo lý mà dì muốn làm.
Dì Viola hiện này như thế nào? Dì đã là một quả phụ hơn 20 năm sau khi dượng tôi qua đời; những người con của dì đã trưởng thành và có gia đình riêng mà vẫn luôn đòi được chăm sóc và đưa mẹ về nhà mình ở! Họ yêu quý dì; không bao giờ họ cảm thấy mệt nỏi vì dì. Có phải đó là lòng biết ơn không? Vớ vẩn! Đó là tình yêu – chỉ tình yêu mà thôi. Khi còn bé, họ đã được sống trong bầu không khí ấm áp, tràn ngập yêu thương, nên giờ đây, đâu có gì phải ngạc nhiên khi mọi thứ đảo lại trật tự, chính họ lại tạo ra bầu không khí yêu thương ấy?
Vì vậy, chúng ta hãy ghi nhớ rằng để nuôi nấng con cái thành những người có lòng biết ơn thì cha mẹ cũng phải như thế. Hãy nhớ rằng “trẻ con hay nghe lỏm” – nên hãy chú ý những lời nói của mình. Nếu lúc nào đó, chúng ta đang có biểu hiện coi nhẹ lòng tốt của người khác ngay trước mắt bọn trẻ thì hãy bảo mình dừng lại ngay. Đừng bao giờ nói những câu đại loại như: “Nhìn vào những chiếc khăn lau bát bác Sue gửi làm quà Giáng sinh này. Bác ấy đã tự đan đấy. Vậy là không tốn một đồng nào!”. Những lời nói ấy có thể chẳng có ngụ ý gì đối với chúng ta – nhưng bọn trẻ đang nghe đấy. Vì vậy, thay vào đó chúng ta nên nói: “Thử nghĩ mà xem, bác Sue đã phải tốn bao nhiêu thời gian để làm những món quà Giáng sinh này! Bác ấy tốt quá! Chúng ta hãy viết thư cảm ơn bác ấy ngay đi thôi!”. Như thế, con bạn có thể tự nhiên hình thành thói quen biết trân trọng và khen ngợi người khác.
Để không phải bất mãn và lo lắng về thái độ vô ơn, bạn hãy ghi nhớ Nguyên tắc 3:
1/ Thay vì phẫn nộ về thái độ vô ơn, hãy chấp nhận đó là một điều bình thường.
2/ Hãy nhớ rằng cách duy nhất để có thể tìm thấy hạnh phúc là đừng mong đợi được biết ơn mà hãy cứ cho đi và vui hưởng niềm hạnh phúc từ việc làm ấy.
3/ “Lòng biết ơn là trái ngọt cần vun trồng”. Vì vậy, nếu muốn con cái có thái độ biết ơn thì chúng ta phải dạy bảo chúng bằng chính hành động và thái độ của mình
NHỮNG GÌ BẠN CÓ:
QUÝ GIÁ HƠN HÀNG TRIỆU ĐÔ-LA
Tôi biết Harold Abbott từ nhiều năm nay. Ông sống ở thành phố Webb, Missouri. Trước đây, ông từng là người quản lý công việc giảng dạy của tôi. Một ngày nọ, tôi gặp ông ở thành phố Kansas và mời ông về thăm trang trại của tôi ở Belton, Missouri. Trong chuyến đi đó, tôi đã hỏi ông làm thế nào để không phải lo lắng và được ông kể cho nghe một câu chuyện thú vị mà tôi không bao giờ quên. Ông nói:
“Trước đây, tôi rất hay lo lắng, nhưng vào một ngày mùa xuân năm 1934, khi đang đi dạo trên đường West Dougherty, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng làm tan đi mọi điều âu lo trong tâm tưởng. Chuyện chỉ xảy ta trong vòng 10 giây, nhưng trong 10 giây đó, tôi đã học được cách sống còn nhiều hơn những gì đã học được trong suốt 10 năm.
Hai năm trước đó, tôi có mở một cửa hàng tạp hóa ở thành phố Webb. Cửa hàng này không chỉ làm tôi thua lỗ toàn bộ số tiền tiết kiệm mà còn mắc một khoản nợ đến 7 năm sau mới trả hết. Lúc đó, cửa hàng tạp hóa của tôi vừa mới đóng cửa vào thứ Bảy tuần trước; và tôi đang chuẩn bị đến ngân hàng Merchants & Miners vay tiền trước khi đi Kansas tìm việc. Tôi cất bước nặng nề như người vừa bại trận, hoàn toàn mất hết niềm tin và ý chí chiến đấu. Rồi đột nhiên, tôi thấy có một người đang đi dọc con đường – người ấy không có chân. Ông ngồi trên một cái bục gỗ nhỏ có gắn những bánh xe lăn và dùng hai thanh gỗ cầm ở tay đẩy mình tiền về phía trước. Tôi nhìn thấy ông đúng lúc ông vừa băng ngang qua đường và đang chuẩn bị nhấc người lên cao vài cen-ti-mét để lên vỉa hè. Khi ghếch cái bục gỗ nhỏ lên, ông bắt gặp ánh mắt tôi đang nhìn ông. Ông nở một nụ cười rạng rỡ và vui vẻ nói: “Xin chào. Thật là một buổi sáng đẹp trời, phải không?”. Nhìn người đàn ông đó, tôi chợt nhận ra mình thật giàu có. Tôi còn cả hai chân và có thể đi lại dễ dàng. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã tự than thân trách phận quá nhiều. Tôi tự nhủ nếu người đàn ông kia không có chân mà vẫn sống tự tin, vui vẻ và hạnh phúc, thì tôi – với đôi chân lành lặn – chắc chắn sẽ làm được như thế. Tôi thấy mình thở mạnh. Tôi đã định vay ngân hàng Merchants & Min-ers chỉ 100 đô-la. Nhưng lúc đó tôi đã có đủ can đảm để hỏi vay 200. Tôi đã định nói rằng mình muốn đến Kansas để cố gắng tìm một công việc. Nhưng giờ đây tôi đã tự tin tuyên bố rằng mình muốn đến Thành phố Kansas để có một công việc. Tôi đã vay được tiền; và tôi cũng có được việc làm.
Hiện tôi vẫn dán những lời này lên tấm gương trong phòng tắm để đọc hàng sáng mỗi khi cạo râu:
Tôi buồn vì không có giầy
Cho tới khi tôi gặp trên đường một người không có chân”.
Có lần, tôi hỏi Eddie Rickenbacker về bài học lớn nhất anh đã học được khi cùng những người đồng hành lên đênh trên bè gỗ giữa Thái Bình Dương suốt 21 ngày, mất phương hướng và không mảy may nhìn thấy một tia hy vọng. Anh nói: “Bài học lớn nhất tôi rút ra từ lần đó là nếu bạn vẫn có đủ nước ngọt để uống và đủ thực phẩm để ăn thì bạn đừng bao giờ phàn nàn về bất cứ điều gì”.
Tờ Time có đăng một bài báo viết về một trung sĩ bị thương trong trận Guadalcanal. Bị một manhe đạn cối găm vào cổ họng, viên trung sĩ này đã truyền máu 7 lần. Anh viết cho bác sĩ một mẫu giấy hỏi: “Tôi sẽ sống chứ?”. Bác sĩ trả lời: “Đúng thế”. Anh lại viết một mẫu giấy khác: “Liệu tôi còn có thể nói được không?”. Một lần nữa anh lại nhận được câu trả lời có. Vậy là anh viết tiếp” “Thế thì tôi còn phải lo lắng về cái quái gì nữa chứ?”.
Tại sao bạn không dừng lại và tự hỏi: “Mình đang lo lắng về cái quái gì chứ?”. Có thể bạn sẽ thấy điều mình lo lắng là không cần thiết, thậm chí là vô lý.
Khoảng 90% những điều xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là tốt đẹp, chỉ khoảng 10% là không như mong đợi. Nếu muốn hạnh phúc, tất cả những gì chúng ta phải làm là chú tâm vào 90% những điều tốt đẹp, và bỏ qua 10% những điều bất hạnh. Còn nếu chúng ta cứ muốn chuốc lấy lo âu, cay cú và bệnh loét dạ dày thì hãy cứ tập trung vào 10% bất hạnh kia và bỏ qua 90% những điều tuyệt vời còn lại.
Jonathan Swift, tác giả của quyển Những cuộc phiêu lưu của Gulliver, là một người bi quan và chán chường bậc nhất trong nền văn học Anh. Ông thấy tiếc vì đã được sinh ra trên đời, đến nỗi ông thường mặc đồ đen và nhịn ăn vào mỗi dịp sinh nhật. Tuy nhiên, trong nỗi chán nản, người bi quan nhất trong nền văn học Anh này vẫn ca ngợi sức mạnh lớn lao mà sự vui vẻ và niềm hạnh phúc có thể mang lại cho sức khỏe của con người. Ông tuyên bố: “Những bác sĩ giỏi nhất thế gian là Bác sĩ Ăn kiêng, Bác sĩ Thanh thản và Bác sĩ Vui vẻ”.
Bạn và tôi có thể luôn hưởng được sự chăm sóc miễn phí của “Bác sĩ Vui vẻ” từng ngày, từng giờ, bằng cách lúc nào cũng nghĩ đến những tài sản vô giá của mình – những tài sản còn vượt xa kho báu của Alibaba trong truyền thuyết. Liệu bạn có bán đi đôi mắt của mình để có được một tỷ đô-la? Bạn sẽ chấp nhận lấy cái gì để đánh đổi đôi chân của bạn? Đôi tay của bạn? Thính lực của bạn? Những đứa con của bạn? Gia đình của bạn? Hãy cộng tất cả những tài sản đó, bạn sẽ thấy mình không bao giờ muốn đổi những gì đang có để lấy cả đống vàng của gia đình Rockefeller, Ford và nhà Morgan gộp lại.
Nhưng liệu chúng ta có biết trân trọng những gì mình đang có? À! Dường như không. Như Schopenhauer đã nói: “Chúng ta ít khi nghĩ đến những gì mình có mà chỉ luôn nghĩ đến những gì mình thiếu”. Vâng, xu hướng “ít khi nghĩ đến những gì mình có mà chỉ luôn nghĩ đến những gì mình thiếu” là bi kịch lớn nhất trên đời. Nó có thể gây ra đau khổ còn nhiều hơn tất cả những cuộc chiến tranh và bệnh tật trong lịch sử.
Nó khiến John Palmer sống Paterson, New Jersey, “từ một chàng trai dễ mến thành một ông già hay gắt gỏng” và suýt nữa phá hoại hạnh phúc gia đình của chính mình. Tôi biết điều đó, bởi chính anh đã kể cho tôi nghe:
“Không lâu sau ngày giải ngũ, tôi bắt đầu tự mình kinh doanh. Tôi làm việc cật lực ngày đêm. Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp thì rắc rối nảy sinh. Tôi không thể mua được nguyên vật liệu và cũng rất khó bán thành phẩm. Tôi sợ rằng mình sẽ phải từ bỏ công việc kinh doanh. Tôi lo lắng đến nỗi từ một chàng trai dễ mến trở thành ông già hay gắt gỏng. Tôi trở nên cáu gắt và chua chát – lúc đó tôi không biết; nhưng giờ nghĩ lại mới thấy suýt nữa tôi đã phá hoại hạnh phúc gia đình mình. Rồi một ngày nọ, nhân viên của tôi – một cựu binh trẻ tuổi và tàn phế - nói với tôi: “Johnny này, anh nên tự cảm thấy xấu hổ với chính mình. Anh cư xử như thể mình là người duy nhất trên đời gặp rắc rối. Cứ cho là anh sẽ phải đóng cửa hàng một thời gian, thế thì đã sao? Anh có thể làm lại từ đầu khi mọi chuyện trở lại bình thường. Anh có nhiều thứ để trân trọng. Ấy thế mà anh luôn càu nhàu. Anh có biết tôi luôn ao ước được như anh biết chừng nào! Nhìn tôi đây này. Tôi chỉ còn một cánh tay, và một nửa gương mặt đã bị bắn nát, nhưng tôi đâu có phàn nàn: Nếu không ngừng ngay việc ca thán và cằn nhằn, anh sẽ mất đi không chỉ công việc kinh doanh của mình, mà cả sức khỏe, gia đình và bạn bè nữa!”.
Những lời khiển trách đó đã vực tôi dậy từ bờ vực thẳm. Chúng khiến tôi nhận ra mình giàu có đến mức nào. Ngay lúc đó tôi hạ quyết tâm sẽ thay đổi và trở lại chính mình trước kia – và tôi đã làm được”.
Một người bạn của tôi, Lucile Blake cũng suýt nữa rơi vào bi kịch nếu cô không kịp nhận ra rằng phải biết hạnh phúc với những gì mình đang có, thay vì lo lắng về những gì mình không có.
Cách đây nhiều năm, tôi gặp Lucile khi cả hai chúng tôi cùng theo học viết truyện ngắn ở Đại học Columbia. Vài năm trước đó, cô đã gặp một cơn chấn động lớn trong đời. Khi ấy, cô đang sống ở Tucson, Arizona. Câu chuyện cô kể cho tôi như sau:
“Ngày ấy tôi sống trong guồng quay của công việc: học organ ở Đại học Arizona, quản lý một phòng thanh nhạc trong thị trấn, dạy một lớp cảm thụ âm nhạc ở Desert WiIlow Ranch, nơi tôi sinh sống. Tôi đến, tôi tham dự các bữa tiệc, khiêu vũ, cưỡi ngựa. Thế rồi, một buổi sáng, tôi quỵ ngã. Vì tim của tôi! Bác sĩ nói: “Cô sẽ phải nằm trên giường trong một năm, tĩnh dưỡng hoàn toàn”. Ông ấy thậm chí còn không động viên cho tôi tin rằng mình sẽ khỏe lại.
Nằm trên giường suốt một năm! Để thành kẻ tàn phế - cũng có thể để chết! Tôi hoang mang cực độ. Tại sao điều này lại xảy đến với tôi? Tôi đã làm gì nên tội? Tôi than khóc và tên rỉ, trong lòng trào dâng cảm giác cay đắng và muốn nổi loạn. Những tôi vẫn nằm nghỉ như lời khuyên của bác sĩ. Một người hàng xóm của tôi, họa sĩ Rudolf, nói với tôi: “Bây giờ cô đang cho rằng cả một năm nằm trên giường là một thảm kịch. Nhưng không phải thế đâu. Cô sẽ có thời gian để suy nghĩ và hiểu rõ mình hơn. Trong vài tháng tới, cô sẽ phát triển tâm hồn nhiều hơn tất cả quãng đời trước đó của cô”. Tôi trấn tĩnh lại, và cố gắng hoàn thiện những nhận thức về giá trị. Tôi đọc các sách truyền cảm hứng. Một hôm, tôi nghe phát thanh viên trên đài nói: “Bạn chỉ có thể thể hiện được những gì có trong chính tâm thức của bạn”. Tôi đã nghe những lời như thế nhiều lần trước đây, nhưng bây giờ chúng mới chạm được tới và bám rễ trong tâm trí tôi. Tôi quyết tâm sẽ chỉ sống với những suy nghĩ tích cực về niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe. Ngay khi thức dậy mỗi sáng, tôi ép bản thân phải nhắc lại những điều mình cần biết ơn. Thân thể tôi không đau đớn. Tôi có một đứa con gái nhỏ dễ thương. Tôi có thể nhìn thấy, nghe thấy. Tôi được thưởng thức những bản nhạc hay trên đài, có thời gian đọc sách, có thức ăn ngon, bạn bè tốt, v.v. Tôi đã rất vui vẻ và có nhiều người tới thăm đến nỗi bác sĩ phải đặt một tấm biển quy định mỗi lần chỉ được một người vào thăm – và chỉ được vào những giờ nhất định.
Nhiều năm trôi qua và giờ đây, tôi đã có một cuộc sống trọn vẹn và tích cực. Tôi rất biết ơn một năm năm trên giường ấy. Đó là năm hạnh phúc nhất và hữu ích nhất của tôi ở Arizona. Từ đó đến nay, tôi vẫn giữ thói quen mỗi ngày nghĩ về những điều tốt đẹp mà tôi đang có, và điều này đã trở thành một thói quen quý giá nhất của tôi. Tôi cảm thấy thật xấu hổ vì chỉ mới học được cách sống khi suýt phải đối diện cái chết”.
Có thể nói, Lucile đã hiểu được bài học mà Tiến sĩ Samuel Johnson đã rút ra từ cách đây hơn 200 năm. Ông nói:”Thói quen nhìn mọi việc một cách tích cực còn quý giá hơn việc thu được 1.000 bảng mỗi năm”.
Những lời ấy được thốt ra không phải từ một người giàu có và quá ư lạc quan, mà từ một người đã từng nếm trải những lo âu, đói khát và nghèo túng trong 20 năm – và cuối cùng trở thành một trong những nhà văn lỗi lạc thời đó.
Logan Pearsall Smith đã gói trọn trí tuệ uyên thâm của mình trong vài lời sau : “Có hai điều cần phải đạt được trong cuộc sống: Thứ nhất, có được những gì bạn muốn, và sau đó tận hưởng nó. Chỉ những người khôn ngoan nhất mới làm được điều thứ hai”.
Bạn có biết làm thế nào để khiến cho ngay cả việc rửa bát trong chậu cũng trở thành một trải nghiệm đáng nhớ? Vậy hãy đọc quyển sách về lòng can đảm đến khó tin của Borghild Dahl với nhan đề I Want to See (Tôi muốn nhìn thấy).
Cuốn sách là tác phẩm của một phụ nữ đã trải qua cảnh mù lòa suốt nửa thế kỷ. Bà kể: “Tôi chỉ còn một mắt với nhiều sẹo đến nỗi tôi phải nhìn mọi thứ qua một khe nhỏ bên mắt trái. Tôi chỉ có thể đọc sách bằng cách dí sát vào mặt và cố sức căng mắt về phía góc trái đó”.
Nhưng bà không hề than thân trách phận, cũng không muốn bị coi là “khác biệt”. Hồi nhỏ, bà rất muốn chơi nhảy lò cò với những đứa trẻ khác, nhưng lại không thể nhìn thấy những vạch kẻ. Vì thế, đợi các bạn về hết, bà liền xuống sân và vừa bò vừa kề sát mặt xuống đất để có thể nhìn thấy những đường kẻ. Nhờ cách đó, bà có thể nhớ nằm lòng từng khoảng sân chơi và không lâu sau đã trở thành một người chơi xuất sắc. Khi tập đọc ở nhà, bà cầm những quyển sách được in khổ to và dí sát mắt đến nỗi lông mi chạm cả vào trang sách. Cuối cùng bà đã tốt nghiệp Đại học Minnesota và lấy thêm một bằng Tiến sĩ ở Đại học Columbia.
Công việc đầu tiên của bà làm dạy học ở một ngôi làng nhỏ nằm trong thung lũng Twin, bang Minnesota, và bà phấn đấu cho tới khi trở thành giáo sư về báo chí và văn học của Đại học Augustana ở Sioux Falls, South Dakota. Bà dạy ở đó trong 13 năm, giảng bài cho các câu lạc bộ của phụ nữ và nói chuyện qua radio về sách và các tác giả. Bà viết: “Trong ký ức của mình, tôi luôn nơm nớp lo sợ sẽ bị mù hoàn toàn. Để vượt qua nỗi sợ hãi đó, tôi đã chọn một thái độ sống vui vẻ, gần như lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười”.
Rồi vào năm 1943, khi đã 52 tuổi, một điều kỳ diệu đã xảy đến với Borghild Dahl: bà có thể nhìn rõ hơn trước 40 lần, sau một ca phẩu thuật ở Bệnh viện chuyên khoa Mayo Clinic nổi tiếng.
Một thế giới mới mẻ, thú vị và đáng yêu mở ra trước mắt bà. Giờ đây, ngay cả việc rửa bát cũng khiến bà bồi hồi xúc động. Bà viết: “Tôi bắt đầu nghịch những bọt xà phòng trắng xóa. Tôi nhúng tay vào chậu và vớt lên những bong bóng xà phòng bé nhỏ. Tôi hướng chúng về phía ánh sáng và có thể nhìn thấy trong đó là những sắc màu rực rỡ như cầu vồng”.
Khi nhìn qua ô cửa sổ phía trên bồn rửa bát, bà thấy “những chú chim sẻ đang vỗ những đôi cánh màu xám đen, bay trong làn tuyết rơi dày trắng xóa”.
Ngây ngất trước những bo bóng xà phòng và những chú chim sẻ, bà đã viết lời cho quyển sách của mình như sau: “Tôi thầm nhủ: Chúa tôn kính, Người trị vì Thiên đàng, con cám ơn Ngài. Con cám ơn Ngài!”.
Đã khi nào chúng ta có ý nghĩ cám ơn cuộc đời vì những điều ta vẫn cho là “tầm thường” đó chưa? Chắc là không. Thậm chí, tôi biết có nhiều người đã cảm thấy vô cùng khổ sở với những chiếc bong bóng xà phòng trong bồn rửa chén! Nếu thế thì chúng ta nên tự xấu hổ với chính mình. Chúng ta được sống trong một xứ sở thần tiên đẹp tuyệt vời là cuộc đời này, nhưng lại quá mù quáng mà không nhận ra điều đó, có lẽ vì quá đầy đủ nên không biết hưởng thụ nó.
Vậy thì giờ đây, bạn có thể ngừng lo lắng và bắt đầu sống thực sự khi làm theo Nguyên tắc 4:
HÃY NGHĨ ĐẾN NHỮNG ĐIỀU MAY MẮN MÀ BẠN CÓ ĐƯỢC
– CHỨ KHÔNG PHẢI NHỮNG RẮC RỐI
Bà Edith Allred ở Mount Airy, North Carolina có gửi cho tôi một lá thư, trong đó bà viết:
“Hồi nhỏ, tôi cực kỳ nhạy cảm hay xấu hổ. Tôi bị béo phì và những ngấn cằm khiến tôi trông càng béo hơn. Mẹ tôi là người cổ hủ và cho rằng ăn diện chỉ là chuyện tầm phào. Bà luôn nói: “Mặc rộng còn được, chứ mặc chật thì sẽ rách thôi”; và bà cho tôi mặc y như thế. Tôi không bao giờ dám tham dự các bữa tiệc; chưa bao giờ vui vẻ; và ở trường, tôi cũng không bao giờ tham gia cùng bạn bè trong các hoạt động ngoài trời, kể cả chơi các môn thể thao. Tôi mặc cảm với ý nghĩ mình “khác người” và không ai ưu thích tôi.
Lớn lên, tuy kết hôn với một người hơn mình mấy tuổi, nhưng tôi vẫn không thể thay đổi. Mọi người bên gia đình chồng tôi ai cũng tự tin và đĩnh đạc. Họ có tất cả những gì mà tôi ao ước. Tôi cố gắng để được như họ, nhưng không thể. Những nổ lực của họ nhằm kéo tôi ra khỏi cái vỏ ốc tự ti chỉ càng đẩy tôi vào sâu thêm. Tôi trở nên căng thẳng và cáu kỉnh. Tôi tránh mặt bạn bè. Tình trạng của tôi trở nên tồi tệ đến nỗi ngay cả tiếng chuông cửa cũng làm tôi sợ! Tôi là một kẻ thất bại, và tôi lo sợ chồng mình sẽ nhận ra điều đó. Vì thế, mỗi khi hai vợ chồng ở chỗ đông người, tôi luôn cố tỏ ra vui vẻ - đến mức hơi thái quá; tôi biết thế thế nên sau đó, ngày nào tôi cũng cảm thấy vô cùng khổ sở. Cuối cùng, tôi buồn chán tới nỗi không còn thiết sống nữa và bắt đầu nghĩ đến việc tự vẫn”.
Điều gì đã làm thay đổi cuộc đời người phụ nữ bất hạnh này? Chỉ là một lời nhận xét ngẫu nhiên! Bà Allred kể tiếp:
“Một lời nhận xét ngẫu nhiên đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Một ngày nọ, mẹ chồng tôi kể lại việc bà đã nuôi dạy những đứa con của mình trường thành như thế nào. Bà nói: “Dù có xảy ra chuyện gì, mẹ vẫn luôn nhắc chúng hãy luôn là chính mình. “Luôn là chính mình!”.Chính câu nói đó đã thay đổi đời tôi! Ngay lập tức, tôi nhận ra mình đã tự làm khổ bản thân chỉ vì ép mình vào một khuôn mẫu hoàn toàn không phù hợp.
Chỉ sau một đêm, tôi đã thay đổi! Tôi bắt đầu là chính mình. Tôi cố gắng tìm hiểu con người thật của mình, cố gắng tìm ra tôi là ai. Tôi dần nhận thấy những điểm mạnh của bản thân. Tôi học tất cả những gì có thể về màu sắc, phong cách và ăn mặc theo cách riêng khiến tôi cảm thấy đang là chính mình.
Tôi ra ngoài kết bạn. Tôi tham sự một tổ chức – mới đầu là một tổ chức nhỏ - và đã sợ chết điếng khi người ta yêu cầu tôi phát biểu trong một chương trình. Nhưng mỗi lần đứng lên phát biểu, tôi lại có thêm một chút can đảm. Phải mất một thời gian dài để thay đổi – nhưng giờ đây, tôi hạnh phúc hơn cả những gì mình có thể mơ tới. Tôi luôn dạy các con mình điều tôi đã rút ra từ chính trải nghiệm cay đắng đó: Dù có xảy ra chuyện gì, hãy luôn là chính mình!”.
Không bằng lòng với chính mình là căn nguyên của những căn bệnh tinh thần, bệnh rối loạn thần kinh chức năng và phức cảm tự ti. Angelo Patri, tác giả của 13 quyển sách và hàng nghìn bài báo về chủ đề giáo dục trẻ em, nói: “Không ai khổ sở như những người luôn ao ước trở thành một người nào đó mà không phải là chính mình cả về tâm hồn và thể xác”.
Nỗi khao khát trở thành một người khác đặc biệt phổ biến ở Hollywood. Sam Wood, một trong những đạo diễn nổi tiếng ở Hollywood cho biết điều khiến ông đau đầu nhất với những diễn viên đang lên chính là vấn đề này: Khiến họ là chính mình. Tất cả điều muốn trở thành những Lana Turner(49) thứ hai hay Clark Gable(50) thứ ba. Sam Wood phải luôn nhắc nhở họ rằng: “Công chúng đã được thưởng thức hương vị đó rồi, và bây giờ họ muốn thưởng thức những điều mới mẻ khác kia!”
Trước khi làm đạo diễn cho những bộ phim như Goodbye, Mr. Chips (Tạm biệt Ngài Chips) và For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai), Sam Wood có nhiều năm kinh doanh bất động sản và đã học được những phẩm chất của một nhà kinh doanh. Ông tuyên bố rằng những nguyên tắc trong kinh doanh cũng cần được áp dụng trong thế giới điện ảnh: “Bạn không thể đi khắp nơi để bắt chước thiên hạ, cũng như bạn không thể là một con vẹt. Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng tốt nhất là cho rớt càng nhanh càng tốt những kẻ cố học đòi làm người khác”.
Tôi hỏi Paul Boynton, giám đốc phụ trách tuyển dụng nhân sự của một công ty dầu khí lớn, rằng đâu là sai lầm lớn nhất của những người đến xin việc. Hẳn ông phải biết rất rõ câu trả lời bởi ông từng phỏng vấn hơn 60.000 người đi xin việc đồng thời cũng là tác giả quyển sách 6 Ways to Get a Job (6 cách giúp bạn xin được việc). Ông trả lời: “Sai lầm lớn nhất của những người đến xin việc là họ không phải là chính mình. Thay vì cư xử tự nhiên và nói chuyện thẳng thắn, họ thường cố đưa ra những câu trả lời mà họ nghĩ là tôi muốn nghe”. Nhưng việc đó chẳng giúp ích gì, bởi không ai muốn sự giả dối. Không ai muốn có một đồng tiền giả.
Con gái của một người bán vé xe điện đã phải rất vất vả mới học được bài học đó. Cô ao ước trở thành ca sĩ, nhưng điều không may nằm ở gương mặt cô với cái miệng rộng và những chiếc răng hô. Lần đầu tiên hát trước đám đông – trong một hộp đêm ở New Jersey – cô đã cố gắng kéo môi trên xuống để che răng đi. Cô cố gắng tỏ ra “đẹp quyến rũ”. Kết quả ư? Cô khiến mình trở nên lố bịch và thất bại thảm hại.
Tuy nhiên, tối đó có một người đã lắng nghe cô hát và nhận ra cô có tài năng. Ông thẳng thừng nói: “Nghe này, tôi đã xem cô biểu diễn và tôi biết biết cô đang cố che giấu cái gì. Cô xấu hổ vì răng của mình!” Cô gái vô cùng lúng túng, nhưng người đã nói tiếp: “Thì sao chứ? Có răng hô là mắc tội sao? Đừng cố gắng che giấu chúng nữa! Cô hãy hát một cách tự nhiên và nồng nhiệt, khán giả sẽ yêu mến cô khi họ thấy cô không còn xấu hổ nữa. Mà”, ông ta sắc sảo nói tiếp, “biết đâu những cái răng cô đang cố che giấu kia lại chẳng mang lại may mắn cho cô!”.
Cass Deley đã nghe theo lời khuyên đó và quên đi những chiếc răng của mình. Từ đó trở đi, cô chỉ nghĩ đến khán giả. Cô mở rộng miệng hát với niềm phấn khích và say mê đến nỗi trở thành ngôi sao hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh và phát thanh. Một số diễn viên hài kịch sau đó còn cố gắng để bắt chước cô!
Khi nói rằng người bình thường chỉ phát huy được 10% tiềm năng trí tuệ của mình, triết gia nổi tiếng William James đang ám chỉ những người không bao giờ nhận ra chính mình. Ông viết: “So với khả năng thực của mình, chúng ta mới chỉ được đánh thức một nửa. Chúng ta chỉ mới đang sử dụng một phần rất nhỏ nguồn lực thể chất và trí tuệ của mình. Nói một cách tổng quát, cá nhân mỗi người có thể làm được nhiều thứ vượt xa giới hạn của bản thân. Con người sở hữu những nguồn sức mạnh mà chúng ta thường không biết cách sử dụng đến”.
Bạn và tôi đều có những khả năng như thế, vậy đừng nên lãng phí một giây nào cho việc lo lắng chỉ bởi vì bạn không giống người khác. Trên thế gian này, bạn là một bản thể mới mẻ. Từ thuở khai thiên lập địa làm gì có ai giống hệt bạn; và sau này cũng sẽ không có ai giống hệt bạn. Khoa học di truyền chứng minh rằng bạn là kết quả của sự kết hợp giữa 24 nhiễm sắc thể của cha và 24 nhiễm sắc thể của mẹ. 48 nhiễm sắc thể này quyết định mọi thứ bạn được thừa hưởng. Theo Amram Acheinfeld, trong mỗi nhiễm sắc thể “có từ hàng chục đến hàng trăm gen – và chỉ cần một gen thôi cũng đủ làm thay đổi toàn bộ cuộc đời của một ai đó”. Sự thực là chúng ta đã được tạo ra một cách “kỳ diệu và đáng sợ”.
Xác suất để có một người giống hệt bạn chỉ là 1/300.000 tỷ! Nói cách khác, nếu bạn có 300.000 tỷ anh em cùng chung cha mẹ sinh ra, thì mới có cơ may được một người giống y như bạn. Liệu tất cả chỉ là phỏng đoán? Không, điều đó hoàn toàn có cơ sở khoa học. Nếu muốn tìm hiểu thêm, bạn hãy đọc quyển You and Heredity (Bạn và Sự di truyền) của tác giả Amram Scheinfeld.
Sở dĩ tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn về việc hãy là chính mình bởi tôi biết rất rõ mình đang nói gì. Tôi đã rút ra từ trải nghiệm cay đắng của bản thân: Khi lần đầu tiên rời xa những cánh đồng ở Missouri để đến New York, tôi đã đăng ký vào Viện kịch nghệ Hoa Kỳ với ao ước trở thành một diễn viên. Tôi có một ý tưởng mà tôi tự cho là rất thông minh, một con đường tắt để tới thành công, một sáng kiến thật quá đơn giản, quá dễ dàng đến nỗi tôi không thể hiểu được tại sao hàng nghìn kẻ tham vọng khác lại không nghĩ ra. Ý tưởng đó là thế này: Tôi sẽ tìm hiểu xem những diễn viên nổi tiếng thời đó như John Drew, Walter Hampden và Otis Skinner đã làm thế nào mà có được ảnh hưởng lớn như thế. Sau đó, tôi sẽ bắt chước những điểm mạnh nhất của mỗi người và khiến bản thân mình trở thành một sự kết hợp hoàn hảo của tất cả bọn họ, và tỏa sáng. Thật ngớ ngẩn! Thật ngốc nghếch! Tôi đã lãng phí nhiều năm bắt chước những người khác trước khi bộ óc u tối của tôi hiểu ra rằng tôi phải là chính mình chứ không thể là ai khác được.
Đáng lẽ tôi phải rút ra bài học nhớ đời từ kinh nghiệm xương máu đó; nhưng không, tôi quá mê muội và cần phải ôn đi ôn lại bài học đó. Vài năm sau, tôi bắt đầu viết cái mà tôi hy vọng sẽ trở thành kiệt tác về nghệ thuật diễn thuyết trước đám đông dành cho những doanh nhân. Tôi lại nảy ra một ý tưởng viết sách ngu ngốc không kém gì ý tưởng về đóng phim trước đây: tôi sẽ mượn ý tưởng của những tác giả khác và cho tất cả vào trong một quyển sách – một quyển sách bao gồm mọi thứ. Vì thế, tôi tập hợp hàng chục quyển sách viết về diễn thuyết trước đám đông và dành ra một năm để hợp nhất những ý tưởng của họ vào trong bản thảo viết tay của mình. Nhưng cuối cùng, một lần nữa tôi lại nhận ra mình đang làm một trò thật ngu ngốc. Mớ hỗn độn những ý tưởng của những người khác nhau mà tôi viết ra tạp nham và nhàm chán đến nỗi không một doanh nhân nào thèm đếm xỉa đến. Vậy là tôi quẳng một năm làm việc của mình vào sọt rác, và bắt đầu lại từ đâu. Lần này, tôi tự nhắc mình: “Mày phải là Dale Carnegie với tất cả những lỗi lầm và hạn chế của mình. Mày không thể là một ai khác được”. Thế là tôi bỏ hẳn ý muốn trở thành sự kết hợp của những người khác. Tôi xắn tay áo lên và bắt đầu làm cái việc mà đáng lẽ phải làm ngay từ đầu: Tôi viết một quyển sách về nghệ thuật diễn thuyết trước đám đông, dựa trên những kinh nghiệm, quan sát và những lập luận của bản thân rút ra sau nhiều năm làm diễn giả và trực tiếp giảng dạy bộ môn nói chuyện trước công chúng. Và thành quả của quyết định đó là quyển How to Win Friends and Influence People (Đắc nhân tâm) được đông đảo độc giả đón nhận.
Hãy là chính mình. Hãy hành động theo lời khuyên đúng đắn của Irving Berlin dành cho Geoshwin. Khi hai người lần đầu tiên gặp nhau, Berlin đang rất nổi tiếng, còn Gershwin mới bắt đầu tự nghiệp sáng tác và phải sống chật vật với tiền công 35 đô-la một tuần ở nhà xuất bản Tin Pan Alley. Ấn tượng với tài năng của Gershwin, Berlin đã đề nghị Gershwin làm thư ký âm nhạc cho mình với mức lương cao gấp ba lần. Berlin khuyên: “Nhưng đừng dồn tâm huyết cho công việc này. Nếu làm thế, anh có thể sẽ trở thành một Berlin thứ hai. Còn nếu tiếp tục là chính mình, rồi một ngày anh sẽ trở thành một Gershwin số một”.
Gershwin đã lưu tâm đến lời cảnh báo ấy của Berlin và dần dần phát triển tài năng của mình, trở thành một trong những nhà soạn nhạc Mỹ nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Charlie Chaplin, Will Rogers, Mary Margaret McBride, Gene Autry, và hàng triệu người khác đã từng trải qua bài học mà tôi đang cố gắng ghi lại trong chương sách này. Cũng như tôi, họ học được theo một cách không mấy dễ dàng.
Khi Charlie Chaplin lần đầu tiên đóng phim, đạo diễn khăng khăng yêu cầu ông phải bắt chước một diễn viên hài kịch nổi tiếng người Đức thời bấy giờ. Charlie Chaplin đã chẳng đi tới đâu cho đến khi ông thể hiện mình trong phim. Bob Hope cũng trải qua kinh nghiệm tương tự: mất nhiều năm trong sự nghiệp hát múa – và chẳng chút thành công – cho tới khi ông bắt đầu trình diễn cách nói châm biếm dí dỏm của riêng mình.
Will Rogers đã biểu diễn với những sợi dây thừng trong những vở kịch câm suốt nhiều năm mà vẫn chẳng đạt được gì, cho tới khi ông khám phá ra khiếu hài hước độc nhất vô nhị của mình và bắt đầu đóng những vở kịch có tiếng, vừa nói vừa quay nhanh sợi dây thừng(51).
Khi Mary Margeret McBride lần đầu tiên lên sóng phát thanh, cô đã cố bắt chước một diễn viên hài kịch Ai Len, nhưng thất bại. Khi thể hiện là chính mình – một cô gái nông thôn giản dị đến từ Missouri – cô đã trở thành một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất New York.
Khi Gene Autry cố bỏ giọng Texas, ăn mặc như một thanh niên thành phố và nói rằng mình đến từ New York, mọi người chỉ cười nhạo sau lưng anh. Nhưng khi anh bắt đầu gảy đàn banjo và hát những bản batat về chàng trai cao bồi, Gane Autry đã mở ra một sự nghiệp khiến anh trở thành một chàng cao bồi nổi tiếng nhất thế giới cả ở trên phim ảnh lẫn đài phát thanh.
Bạn là một bản thể mới mẻ và duy nhất thế giới này. Hãy vui mừng vì điều đó. Hãy tận dụng những gì mà tạo hóa đã ban tặng cho bạn. Xét một cách sâu xa, mọi môn nghệ thuật đều có tính chất tự truyện. Bạn chỉ có thể hát lên hay vẽ ra những gì thuộc về con người mình. Bạn phải là chính mình với những gì mà di truyền, môi trường sống và những trải nghiệm đã hình thành nên con người bạn. Dù tốt hay xấu, bạn phải trồng cây trên chính mảnh vườn của mình. Dù hay hay dở, bạn phải chơi nhạc cụ của mình trong dàn nhạc của cuộc sống.
Như những gì tác giả Emerson đã nói trong bài luận về “Sự tự lực”: “Đến một lúc nào đó trong đời, người ta sẽ nhận ra rằng ghen tỵ là ngu dốt, bắt chước là tự tử, rằng dù tốt dù xấu thì mỗi người phải là chính mình, rằng dù thiên nhiên có tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng nếu không chịu đổ mồ hôi công sức trên mảnh đất được giao để cấy cày, thì ta không thể có được hạt ngô nào trên cánh đồng của mình. Trong mỗi người đều ẩn chứa một sức mạnh mới mẻ, và không ai ngoài người ấy biết được anh ta có thể làm gì, thậm chí chính bản thân người ấy cũng không thể biết cho tới khi anh ta thứ sức mình”.
Đó là cách nói của Emerson. Còn Douglas Malloch thì diễn đạt theo cách của một nhà thơ:
Nếu không thể là cây thông trên đồi,
Bạn hãy là một bụi cây trong thung lũng;
Hãy là bụi cây bé nhỏ bên dòng suối
Nhưng là bụi cây tươi đẹp nhất bên bờ.
Nếu không thể là một cây bụi,
Hãy là một phần nhỏ nhoi của cánh đồng cỏ,
Nhưng là một phần vươn cao hạnh phúc.
Nếu bạn không thể là một con cá lớn,
Thì hãy là một chú cá peca;
Nhưng là chú cá sống động nhất trong hồ!
Tất cả chúng ta không thể đều là thuyền trưởng,
Vậy hãy là thủy thủ,
Luôn có việc gì đó cho mỗi người trong cuộc đời này.
Có những việc lớn và có những việc không lớn bằng
Và nhiệm vụ của chúng ta là làm hết khả năng của mình.
Nếu bạn không thể là một con đường lớn,
Vậy hãy là một con đường mòn;
Nếu bạn không thể là mặt trời, hãy là một ngôi sao;
Lớn hay nhỏ - điều đó không làm nên thắng bại.
Hãy luôn là chính mình và nỗ lực.
Cho dù bạn là ai!
Để gieo mầm một thái độ tinh thần giúp xua tan lo lắng và mang lại sự thanh bình, hãy thực hiện Nguyên tắc 5:
ĐỪNG BẮT CHƯỚC NGƯỜI KHÁC.
HÃY KHÁM PHÁ BẢN THÂN VÀ TỰ TIN LÀ CHÍNH MÌNH
Trong thời gian viết quyển sách này, tôi có lần ghé thăm trường Đại Học Chicago, và đã nói chuyện với Hiệu trưởng của trường là Robert Maynard Hutchins. Khi tôi hỏi làm thế nào ông tránh khỏi cho mình khỏi ưu phiền, ông trả lời: “Tôi luôn cố gắng làm theo lời khuyên của ngài Julius Rosenwald, cố Chủ tịch của công ty Sears, Roebuck: “Nếu đời cho ta một quả chanh, hãy pha thành ly nước chanh”.
Đó chính là những gì người khôn ngoan sẽ làm. Còn những kẻ ngốc thì sẽ làm điều ngược lại: Vừa nhận thấy cuộc đời chỉ cho mình một quả chanh, họ đã vội từ bỏ và than rằng: “Đời tôi thế là đã an bài. Đó là số phận. Tôi đã không có lấy một cơ hội”. Sau đó, họ nguyền rủa thế giới và chìm đắm trong những lời than thân trách phận. Nhưng nếu là người khôn ngoan, trong trường hợp ấy, anh ta sẽ nói: “Mình học được gì từ sự không may này? Làm sao để cải thiện tình hình bây giờ? Làm thế nào để biến quả chanh này thành ly nước chanh đây?
Cả đời nghiên cứu về con người và những sức mạnh ẩn chứa bên trong họ, nhà tâm lý học vĩ đại Alfred Adler đã rút ra kết luận rằng một trong những đức tính kỳ diệu của con người là “khả năng biến mất thành được”.
Dưới đây là một câu chuyện thú vị và đáng học tập của một phụ nữ đã thực sự làm được điều kỳ diệu đó. Tên cô là Thelma Thompson. Cô kể lại:
“Hồi chiến tranh, chồng tôi đóng quân tại một doanh trại gần sa mạc Moijave, California. Tôi cũng đến sống ở đó để được gần anh ấy. Tôi rất ghét nơi đó. Tôi nguyền rủa nó. Chưa bao giờ tôi thấy khổ sở như vậy. Chồng tôi phải luyện tập ngoài sa mạc, để tôi một mình trong căn lều chật chội. Thời tiết nóng không chịu nổi – nhiệt độ trong bóng râm đã suýt soát 520C. Không có ai để nói chuyện cho khuây khỏa. Gió thổi suốt ngày đêm, đồ ăn và không khí dính đầy cát, đâu đâu cũng chỉ thấy cát và cát!
Tôi thấy vô cùng khổ sở và xót xa cho bản thân đến nỗi phải viết thư cho cha mẹ nói rằng mình sẽ từ bỏ nơi này để quay về nhà, rằng mình không thể chịu được thêm một chút nào nữa. Tôi thà ở trong tù còn hơn! Cha viết thư trả lời tôi chỉ vỏn vẹn hai dòng – hai dòng tôi sẽ ghi nhớ mãi – hai dòng đã làm cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi:
Hai người cùng nhìn ra song cửa nhà tù,
Một người nhìn thấy bùn đen,
Còn người kia thấy những vì sao.
T
ôi đọc đi đọc lại hai dòng thư của cha và cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Tôi quyết định sẽ tìm ra những điều tốt đẹp trong hoàn cảnh hiện tại: tôi sẽ tìm kiếm những vì sao.
Tôi bắt đầu làm quen với người dân bản địa, và sự đối đãi chân thành của họ làm tôi hết sức ngạc nhiên. Thấy tôi có vẻ thích thú đồ gốm và những tấm vải dệt, họ liền tặng tôi mấy món đồ mình ưu thích nhất, những thứ họ không đời nào bán cho khách du lịch. Tôi nghiên cứu về hình dạng kỳ thú của những cây xương rồng, cây ngọc giá và cây Joshua. Tôi còn tìm hiểu về loài sóc chó, ngắm hoàng hôn trên sa mạc và tìm những vỏ sò đã ở đó từ hàng triệu năm trước, khi sa mạc này hãy còn là đáy đại dương.
Điều gì đã mang lại sự thay đổi ngạc nhiên này trong tôi? Sa mạc Mojave không hề thay đổi. Nhưng tôi đã thay đổi. Tôi đã thay đổi thái độ tinh thần của mình. Và làm như vậy, tôi đã biến cuộc sống khổ sở nơi sa mạc thành cuộc phiêu lưu lý thú nhất trong đời. Tôi bị thôi thúc và cảm thấy hào hứng với thế giới mới lạ mình vừa khám phá ra đến nỗi đã viết một quyển sách về nó – quyển tiểu thuyết được xuất bản với cái tên Bright Ramparts (Thành lũy Tươi sáng). Tôi đã nhìn ra ngoài cái nhà tù mình từng tự tạo ra và trông thấy những vì sao.”
Thelma Thompson đã tìm thấy một chân lý cổ xưa mà những người Ai Cập đã phát hiện ra từ 500 năm trước Công nguyên: “Điều tốt nhất cũng là điều khó đạt được nhất”.
Đến thể kỷ 20, Harry Emerson Fosdick(52) cũng nhắc lại ý tưởng đó trong câu nói của mình: “Hạnh phúc không chỉ đơn thuần là sự hài lòng mà là cảm giác chiến thắng”. Vâng, cảm giác đạt được điều đó, cảm giác vượt qua được trở ngại, cảm giác có thể biến những quả chanh chua gắt thành nước chanh ngọt lành.
Có lần tôi đến thăm một nông dân đang sống rất hạnh phúc ở Florida, người thậm chí còn biến được một quả chanh độc thành nước chanh ngon lành. Lúc mới có trang trại, anh rất nản chí. Đất ở đấy quá cằn cỗi nên không thể chăn nuôi gia súc hay trồng cây ăn quả được. Không gì có thể phát triển nổi ngoài những cây sồi và loài rắn đuôi chuông. Nhưng rồi anh chợt nảy ra một ý tưởng. Anh sẽ biến chính những con rắn đuôi chuông này thành tiền bạc. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, anh bắt đầu đóng hộp thịt rắn. Mấy năm trước, khi đến thăm anh, tôi được biết mỗi năm trung bình có 20.000 khách đến tham quan trang trại rắn này. Công việc làm ăn rất phát đạt, nọc đọc của rắn được chở đến các phòng thì nghiệm để sản xuất thuốc giải độc; da rắn được bán với giá rất cao làm giày và túi xách; còn thịt được đóng hộp và bán đi khắp thế giới. Tôi đã mua một tấm bưu ảnh chụp cảnh trang trại và gửi đi từ bưu điện của chính ngôi làng mang tên “Rattlesnake – Rắn đuôi chuông – Florida” – cái tên được đặt để tỏ lòng trân trọng đối với một con người đã biết biến một quả chanh độc thành ly nước chanh tuyệt vời.
Trong những lần đi đó đây khắp nước Mỹ, tôi có vinh hạnh được quen biết với rất nhiều người đã chứng tỏ khả năng “biến mất thành được” của mình.
Nhà văn William Bolitho, tác giả quyển Twelve Against the Gods (Mười hai người chống lại thánh thần) đã nói: “Điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là thu lời từ những cái mình đang có. Người khờ dại đến mấy cũng làm được như thế. Điều thực sự quan trọng là phải biết thu lợi từ chính những cái đã mất. Việc đó đòi hỏi sự thông minh; và chính nó tạo ra sự khác biệt giữa người khôn và kẻ ngốc”.
Những lời ấy được Bolitho viết sau khi bị mất một chân trong một vụ tai nạn xe lửa. Nhưng tôi còn quen một người dẫu bị mất cả hai chân nhưng vẫn biết mất thành được. Tôi tình cờ gặp ông trong một khách sạn ở Atlanta, bang Geprgia. Vừa bước vào thang máy, tôi đã để ý đến người đàn ông mất cả hai chân đang ngồi trên chiếc xe lăn với gương mặt rạng rỡ. Khi thang máy lên tới nơi, ông lịch sự đề nghị tôi bước sang một bên để mình có thể lăn xe ra ngoài dễ dàng hơn. Rồi ông nói: “Xin lỗi đã làm phiền ngài” cùng một nụ cười thật tươi và ấm áp khiến cả gương mặt ông như sáng bừng lên.
Khi đã về phòng mình, tôi vẫn nghĩ đến hình ảnh người đàn ông tàn tật với gương mặt rạng rỡ kia. Bởi vậy, tôi đã đi tìm và đề nghị ông kể lại câu chuyện của mình. Ông mỉm cười cho biết:
“Chuyện xảy ra vào năm 1929, khi tôi đi chặt cây bồ đào về làm cọc leo cho dây đậu trong vườn. Chặt xong, tôi chất hết cành cây lên chiếc Ford rồi lái về nhà. Đột nhiên, một cành rơi xuống và chèn vào trục tay lái đúng lúc tôi đang cua gấp. Chiếc xe lạc tay lái, lao lên một bờ đất cao rồi đâm sầm vào một gốc cây. Cột sống của tôi bị thương nặng khiến hai chân tôi bị liệt hoàn toàn.
Lúc ấy, tôi mới 24 tuổi và kể từ đó, không bao giờ tôi còn bước đi được nữa”
Hai mươi tư tuổi, và vĩnh viễn phải ngồi trên xe lăn trong suốt quãng đời còn lại! Tôi hỏi làm thế nào ông có đủ dũng khí chấp nhận sự thật đó, ông trả lời: “Ban đầu thì không đâu!” Ông kể rằng mình đã gào thét và nổi điên lên, nguyền rủa số phận. Nhưng sau nhiều năm nặng nề, ông đã hiểu ra rằng sự oán thán sẽ chẳng đem lại lợi ích gì ngoài việc khiến bản thân càng thêm cay đắng. Ông nói: “Tôi nhận thấy mọi người xung quanh hòa nhã và cư xử rất tốt với mình. Vậy thì ít nhất tôi cũng phải đáp lại họ như thế”.
Khi tôi hỏi sau ngần ấy năm, liệu ông còn cảm thấy tai nạn đó là một bất hạnh không, ông trả lời ngay: “Không, bây giờ tôi dần như thấy mừng vì nó đã xảy ra: Ông kể rằng khi đã vượt qua được cú xốc và không còn bất mãn nữa, ông sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Ông bắt đầu đọc sách và ngày càng thấy yêu văn học. Ông khoe trong 14 năm mình đã đọc được ít nhất 1.400 quyển sách; và những quyển sách đó đã mở ra trước mắt ông một chân trời mới, khiến cuộc sống của ông phong phú hơn rất nhiều so với những gì ông từng mơ tới. Ông cũng bắt đầu tìm nghe những bản nhạc hay; và bây giờ ông đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của những bản giao hưởng kinh điển mà trước đây chỉ làm ông thấy khó chịu. Nhưng thay đổi lớn nhất là ông có thời gian để suy ngẫm. Ông nói: “Lần đầu tiên trong đời, tôi có thể chiêm nghiệm về cuộc sống và nhận ra những giá trị đích thực. Tôi bắt đầu hiểu rằng phần lớn những điều mình đã phấn đấu để đạt được trước đây chẳng đáng giá chút nào”.
Vì đọc nhiều sách nên ông bắt đầu hứng thú với chính trị, do đó ông quay sang nghiên cứu các vấn đề của công chúng, rồi vừa ngồi trên chiếc xe lăn vừa diễn thuyết! Ông quen với nhiều người hơn và cũng được biết đến nhiều hơn. Và – dù vẫn ngồi trên xe lăn, ông đã trở thành Ngoại trưởng bang Georgia trong suốt 33 năm!
Khi giảng dạy tại các lớp học dành cho người trưởng thành ở New York, tôi nhận thấy nhiều người tỏ ra vô cùng hối tiếc vì không được học đại học. Có vẻ như họ coi đó là một thiệt thòi rất lớn. Nhưng theo tôi, không nhất thiết phải như vậy bởi tôi biết có hàng nghìn người mới chỉ học hết bậc trung học mà vẫn rất thành đạt. Tôi thường kể cho học viên của mình nghe chuyện về một người quen thậm chí còn chưa học hết trung học cơ sở. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo. Khi cha anh qua đời, bạn vè ông phải góp tiền mua một cỗ quan tài để chôn cất ông. Mẹ anh phải làm việc 10 giờ mỗi ngày trong một nhà máy sản xuất dù, sau đó bà còn mang việc về nhà làm thêm đến tận 11 giờ đêm.
Chàng trai được nuôi dạy trong hoàn cảnh như thế đã tham gia một đoàn kịch nghiệp dư do một câu lạc bộ của nhà thờ địa phương tổ chức. Anh cảm thấy rất hứng thù với việc diễn kịch nên quyết định thử nghề diễn thuyết trước công chúng. Việc này đưa anh đến vớ chính trị. Mới 30 tuổi, anh đã được bầu vào Cơ quan lập pháp của New York. Nhưng tiếc là anh lại chưa được đào tạo để đảm nhận trọng trách lớn như vậy. Anh nói với tôi rằng, thật ra anh không có chút khái niệm nào về công việc đó. Anh phải nghiên cứu những dự luật rắc rối và dài lê thê để xem có nên biểu quyết thông qua hay không – thế nhưng, với tầm hiểu biết của mình, anh thấy chúng như được viết bằng ngôn ngữ Choctaw của người Da đỏ! Anh rất lo lắng và hoang mang khi được bầu vào Ủy ban quản lý rừng bởi bản thân chưa từng một lần đặt chân vào rừng. Anh càng lo lắng và hoang mang hơn khi được bầu vào Ủy ban ngân hàng trong khi anh còn chưa có lấy một tài khoản ngân hàng. Chính anh đã thổ lộ với tôi rằng nếu không sợ làm mẹ thất vọng, hẳn anh đã từ chức, rời khỏi cơ quan lập pháp vì nản chí. Trong tuyệt vọng, anh quyết định tập trung học 16 tiếng mỗi ngày và biến quả chanh hổng kiến thức của mình thành món nước chanh đầy trí tuệ. Nhờ vậy, anh đã biến mình từ một chính trị gia địa phương thành một nhân vật nổi tiếng khắp nước Mỹ và trở thành nhân vật xuất chúng mà tờ The New York Times gọi là “Công dân được yêu mến nhất New York”.
Người đó chính là Al Smith.
Sau mười năm kiên trì thực hiện chương trình tự học của mình, Al Smith đã trở thành nhà chức trách được tín nhiệm nhất trong giới lãnh đạo New York. Ông được bầu làm Thống đốc bang New York liên tiếp 4 nhiệm kỳ - một điều chưa từng có tiền lệ. Năm 1928, ông là ứng cử viên đảng Dân chủ cho chức Tổng thống. Sáu trường đại học danh tiếng – trong đó có cả Đại học Columbia và Harvard – đã phong tặng học vị danh dự cho con người chưa từng học hết trung học cơ sở này.
Chính Al Smith cũng thừa nhận rằng chắc chắn ông đã không đạt được những thành quả trên nếu không có thời gian học hành chăm chỉ 16 tiếng mỗi ngày với quyết tâm “biến mất thành được”
Triết gia Nietzsche có một tiêu chí xác định đâu là người xuất chúng như sau: Đó là những người “không những có đủ nghị lực để chịu đựng khó khăn mà còn phải yêu thích chúng nữa”
Càng đi sâu tìm hiểu sự nghiệp của những người thành đạt, tôi càng tin tưởng rằng phần lớn những người này thành công là bởi họ đã khởi đầu với những trở ngại và chính những trở ngại đã thôi thúc họ phải nổ lực không ngừng để vượt lên trên hoàn cảnh, giành lấy phần thưởng xứng đáng. Nói như William James thì “Chính sự thiệt thòi lại giúp ích cho chúng ta nhiều đến không ngờ”.
Vâng, rất có thể Milton đã viết được những vần thơ hay như thế là do ông bị mù, và Beethoven có thể soạn những bản nhạc bất hủ là vì ông bị điếc.
Helen Keller có được sự nghiệp rực rỡ như thế cũng bởi và bị thôi thúc trong cảnh mù và điếc bẩm sinh.
Nếu Tchaikovsky không từng bị cuộc hôn nhân đầy bi kịch giày vò đến mức suýt tự tử - nếu cuộc đời ông không đầy rẫy những khổ đau, có lẽ chẳng bao giờ ông soạn được những bản nhạc bất hủ như Symphonie Pathétique (Bản giao hưởng về nỗi đau).
Nếu cuộc sống của Dostoevsky và Tolstoy không đắm chìm trong khổ ải, có lẽ chẳng bao giờ hai ông có thể viết nên những thiên tiểu thuyết để đời.
Hay như Charles Darwin – người đã làm thay đổi hoàn toàn những quan điểm khoa học về sự sống trên trái đất bằng học thuyết tiến hóa của mình, đã từng viết: “Nếu không phải là một người tàn tật, hẳn tôi đã không thể làm được nhiều việc như vậy”. Chính ông đã thừa nhận rằng sự thiệt thòi về thể chất đã giúp mình nhiều đến không ngờ.
Vào đúng ngày Darwin ra đời tại Anh, Abraham Lincoln cũng được sinh ra tại một căn lều gỗ trong khu rừng ở bang Kentucky. Lincoln cũng là người hun đúc lòng quyết tâm từ hoàn cảnh thiếu thốn của mình. Nếu dược nuôi dưỡng trong một gia đình quyền quý, có bằng luật Đại học Harvard và một cuộc hôn nhân hạnh phúc, có lẽ không bao giờ ông có được những lời lẽ bất hủ đầy sức lay động như tại Gettysburg, hay những ngôn từ thiêng liêng ông đã phát biểu trong buổi lễ nhậm chức lần thứ hai của mình – những ngôn từ cao quý và đẹp đẽ nhất được thốt ra từ một người lãnh đạo nước Mỹ ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc nội chiến: “Không xử ác với một ai, nhân ái với mọi người …”.
Trong tác phẩm có tên The Power to See It Throygh (Khả năng nhìn thấu mọi việc), tác giả Harry Emerson Fosdick đã nói: “Tại sao chúng ta cứ nghĩ rằng một cuộc sống an toàn, thoải mái, sung túc sẽ khiến cho con người trở nên tốt đẹp hay hạnh phúc? Thực ra, những người đã hay than thân trách phận thì vẫn sẽ than thân trách phận ngay cả khi được sống trong chăn ấm đệm êm. Từ xưa đến nay, dù ở hoàn cảnh nào, tính cách và hạnh phúc của con người chủ yếu vẫn phụ thuộc vào cách họ nhìn nhận hoàn cảnh và xác định điều mình phải làm trong hoàn cảnh đó”.
Giả sử chúng ta đang chán nản tới mức cảm thấy không có hy vọng gì trong việc biến quả chanh của mình thành ly nước chanh – thì dẫu sao vẫn có hai lý do khiến chúng ta nên cố gắng:
Lý do thứ nhất: Chúng ta có thể thành công.
Lý do thứ hai: Ngay cả khi không thành công thì những cố gắng để biến quả chanh thành ly nước chanh cũng giúp chúng ta hướng về phía trước thay vì nhìn lại đằng sau; nó sẽ thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng những ý nghĩ tích cực; nó sẽ giúp giải phóng năng lượng và khiến chúng ta bận rộn đến mức không còn thời gian hay tâm trí để than vãn về quá khứ đã vĩnh viễn qua đi.
Có lần, trong lúc Ole Bull, nghệ sĩ violon nổi tiếng thế giới đang biểu diễn tại một buổi hòa nhạc ở Paris thì dây A trên chiếc đàn của anh bỗng dưng bị đứt. Nhưng Ole Bull vẫn điềm nhiên chơi tiếp với ba dây còn lại. Nói như Harry Emerson Fosdick: “Cuộc sống là thế, khi bị đứt dây A thì hãy hoàn thành bản nhạc với ba dây còn lại”.
Đó không chỉ là cuộc sống. Nó còn hơn cả cuộc sống. Đó là sự chiến thắng số phận!
Nhằm xây dựng một thái độ tinh thần có thể đem đến sự thanh thản và hạnh phúc, chúng ta hãy làm theo Nguyên tắc 6:
NẾU SỐ PHẬN CHỈ CHO TA MỘT QUẢ CHANH,
HÃY CỐ GẮNG PHA THÀNH LY NƯỚC CHANH.
Khi bắt đầu viết quyển sách này, tôi đã tuyên bố sẽ trao một giải thưởng trị giá 200 đô-la cho câu chuyện cảm động nhất và đem lại bài học quý báu nhất về chủ đề “Cách chế ngự nỗi lo lắng”.
Ba vị giám khảo cho cuộc thi này là: Eddie Rickenbacker, chủ tịch Hãng Hàng không Eartern; Tiến sĩ Stewart W. McClelland, Hiệu trưởng Đại học Lincoln; H. V. Kaltenborn, bình luận viên thời sự của đài phát thanh. Tuy nhiên, kết thúc quá trình chọn lựa, có hai bài viết xuất sắc đến nỗi chúng tôi cảm thấy không thể phân cao thấp nên quyết định chia đôi giải thưởng. Sau đây là một trong hai câu chuyện đã đoạt giải nhất ấy – câu chuyện của C. R. Burton, nhân viên hãng Whizzer Motor Sales của Springfield, Missouri.
“Tôi không còn mẹ từ lúc 9 tuổi và mất cha khi 12 tuổi. Mẹ tôi bỏ nhà đi cách đây 19 năm và tôi chưa bao giờ được gặp lại mẹ cùng hai đứa em gái nhỏ mà bà đã mang theo. Ba năm sau khi mẹ bỏ đi, cha tôi cũng qua đời vì tai nạn. Ông cùng một cộng sự hùn vốn kinh doanh tiệm cà phê trong một thị trấn nhỏ của Missouri. Lợi dụng một lần cha tôi đi công tác, người cộng sự ấy đã bán tiệm cà phê rồi trốn đi cùng với số tiền. Có người bạn biết được đã giục ông trở về ngay; và trong lúc vội vã, cha tôi đã gặp tai nạn xe hơi ở Salinas, Kansas. Hai người cô của tôi, già cả, ốm yếu và rất nghèo khổ, đành đưa ba trong số năm anh chị em tôi về nuôi. Còn tôi và một đứa em trai khác thì không ai muốn nhận. Hai anh em chúng tôi rất sợ hãi trước viễn cảnh sẽ phải sống vất vưởng như những đứa trẻ mồ côi. Chẳng bao lâu, nỗi lo ấy đã trở thành sự thật. Có một thời gian ngắn, tôi ở cùng một gia đình nghèo trong thị trấn. Nhưng thời cuộc ngày càng khó khăn, người trụ cột trong gia đình ấy bị mất việc và không thể nuôi tôi được nữa. Sau đó ông bà Loftin đem tôi về sống trong trang trại của ông bà, cách thị trấn khoảng 18 cây số. Ông Loftin đã 70 tuổi, mắc bệnh đau lưng và phải nằm trên giường cả ngày. Ông bảo tôi có thể ở lại, “miễn là không nói dối, không trộm cắp và biết nghe lời”. Tôi nghiêm chỉnh tuân theo ba yêu cầu ấy, xem đó như Kinh thánh của mình. Rồi tôi bắt đầu đi học, nhưng ngay sau tuần đầu tiên, tôi đã quay trở về nhà trong nước mắt. Những đứa bạn học đã lấy tôi làm trò cười; chúng chế nhạo cái mũi to của tôi, rồi bảo tôi là đứa tối dạ và còn gọi tôi là “thằng mồ côi láo xược”. Tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm đến mức muốn cho chúng một trận; nhưng ông Loftin đã bảo tôi: “Cháu hãy nhớ, một người đàn ông sẽ trở nên vĩ đại nếu biết bước qua sự tranh cãi hơn là ở lại và đánh nhau”. Tôi nghe lời ông và đã không trả đũa bất kỳ ai cho tới hôm bị một đứa nhặt phân gà từ vườn trường ném vào mặt. Tôi cho nó một trận nhừ tử; và nhờ đó mà quen được với hai người bạn nữa. Chúng nói thằng bé xấc xược ấy đáng bị như thế.
Tôi rất hãnh diện về cái mũ mới được ông Loftin mua cho. Nhưng một hôm, một đứa con gái to xác đã giật nó khỏi đầu tôi rồi đổ đầy nước vào trong và làm hỏng nó. Con bé bảo rằng phải đổ nước vào “để thấm ướt cái hộp sọ dày cộp của tôi và ngăn bộ óc chứa đầy bỏng ngô của tôi khỏi nổ lốp bốp”.
Tôi không bao giờ khóc ngay ở trường, nhưng khi về đến nhà thì lại nức nở. Thế rồi vào một ngày, bà Loftin đã cho tôi một lời khuyên giúp xua tan mọi rắc rối, lo âu và giúp biến những kẻ thù của tôi thành bạn bè. Bà bảo: “Ralph này, các bạn sẽ không trêu chọc và gọi cháu là “thằng mồ côi láo xược” nữa nếu cháu quan tâm và nghĩ cách giúp đỡ các bạn”. Tôi đã làm theo lời khuyên của bà. Tôi học hành chăm chỉ, chẳng bao lâu đã đứng đầu lớp và cũng tránh được sự ganh ghét bởi luôn sẵn lòng giúp đỡ các bạn.
Tôi thường giúp mấy cậu bạn cùng lớp viết bài luận, có lần còn làm hộ mấy cậu khác cả một bài thuyết trình hoàn chỉnh. Có cậu rất sợ mọi người biết việc đang phải nhờ tôi giảng bài nên lần nào đến nhà ông Loftin cũng nói dối mẹ là đi săn chuột đồng và vờ dắt chó theo. Tôi còn giúp một cậu nữa viết bài bình luận sách và bỏ ra các buổi tối kèm toán cho một bạn gái.
Rồi hai ông hàng xóm của tôi qua đời vì tuổi tác, một phụ nữ nhà bên cạnh cũng bị chồng bỏ rơi. Tôi trở thành người đàn ông duy nhất của cả bốn gia đình. Suốt hai năm, tôi làm đỡ việc cho những quả phụ này. Trên đường đến trường hoặc về nhà, tôi thường ghé qua trang trại của họ, giúp họ chặt củi, vắt sữa bò, cho gia súc ăn và tắm cho chúng. Từ kẻ bị nguyền rủa, ghẻ lạnh, tôi trở thành chàng trai được chúc phúc. Mọi người coi tôi như một người bạn và đã bộc lộ tình cảm rất chân thành ngày tôi từ lực lượng Hải quân trở về. Hơn 200 nông dân đến thăm trong ngày đầu tiên tôi về nhà. Có những người đã vượt cả quãng đường dài 130 cây số, tất cả đều xuất phát từ sự quan tâm ấm áp. Vì bận rộn và vui vẻ giúp đỡ người khác nên tôi chẳng mấy khi có thời gian lo buồn; và đến giờ, đã 13 năm trôi qua, chẳng còn ai gọi tôi là thằng mồ côi láo xược nữa.”
Hoan hô ông C. R. Burton! Ông đã biết cách thu phục nhân tâm và chế ngự nỗi lo lắng để tận hưởng cuộc sống.
Tiến sĩ Frank Loope sống ở Seattle, Washington, cũng là một người như vậy. Ông phải nằm liệt giường suốt 23 năm do hậu quả của bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, khi nhắc đến ông, phóng viên Stuart Whithouse của tờ Ngôi sao Seattle đã thốt lên: “Tôi từng nhiều lần phỏng vấn Tiến sĩ Loope; và chưa bao giờ thấy một người vị tha và biết sống hết mình đến thế!”.
Con người tàn tật này đã sống hết mình với quan niệm cống hiến và vì mọi người. Ông thu thập tên và địa chỉ của những người tàn tật khác rồi giúp họ và bản thân mình phấn chấn lên bằng cách viết những lá thư động viên. Ông tổ chức một câu lạc bộ viết thư dành cho người tàn tật, trong đó người này viết cho người kia. Cuối cùng ông lập ra một tổ chức quy mô toàn quốc với tên gọi Cộng đồng Người tàn tật.
Tuy phải nằm một chỗ, nhưng trung bình mỗi năm ông viết tới 1.400 lá thư và mang niềm vui đến cho hàng nghìn người tàn tật bằng cách quyên góp radio và sách báo tặng cho họ.
Đâu là sự khác biệt cơ bản giữa Tiến sĩ Loope và nhiều người tàn tật mãi sống trong sự than thân trách phận? Tiễn sĩ Loope có được nhiệt huyết của một người sống có mục đích, có trách nhiệm. Ông nhận được niềm vui lớn từ việc ý thức rằng ông đang thực hiện một lý tưởng còn cao quý và có ý nghĩa hơn chính bản thân mình, thay vì trở thành – nói như Shaw – “một kẻ vị kỷ, nhỏ mọn, luôn đau yếu và buồn phiền, chỉ biết phàn nàn rằng thế giới đã không thèm đoái hoài giúp mình được hạnh phúc”.
Dưới đây là phát biểu gây sửng sốt nhất của Alfred Adler, một nhà tâm thần học vĩ đại. Ông thường nói với những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm của mình rằng: “Anh có thể khỏi bệnh trong 14 ngày nếu tuân theo đơn thuốc này: Mỗi ngày hãy cố nghĩ cách làm vui lòng một ai đó”.
Đơn thuốc của bác sĩ Adler khuyên chúng ta phải làm một việc tốt mỗi ngày. Vậy thế nào là một việc tốt? Nói như nhà tiên tri Mohammed: “Một việc tốt là việc mang lại nụ cười vui sướng trên gương mặt của người khác”.
Tại sao mỗi ngày làm một việc tốt lại có thể đem lại hiệu quả tốt lành đến thế cho người thực hiện? Bởi vì khi cố gắng làm người khác vui lòng, chúng ta sẽ thôi không nghĩ về bản thân, cũng có nghĩa là thôi không nghĩ đến chính thứ đã tạo ra nỗi lo lắng, sợ hãi và u sầu của chúng ta.
Nhờ mải mê nghĩ cho người khác, bà William T. Moon, người điểu hành Trường Moon Secretarial ở New York đã không cần tới hai tuần để xó đi căn bệnh trầm cảm của mình. Bà còn làm tốt hơn cả mong đợi của bác sĩ Alfred – chính xác là tốt hơn tới 13 lần. Bà đã loại bỏ nỗi phiền muộn của mình không phải trong 14 ngày, mà chỉ một ngày, bằng việc đem niềm vui đến cho những trẻ mồ côi. Bà kể:
“Cách đây 5 năm, tôi là kẻ lúc nào cũng đắm chìm trong nỗi buồn phiền và xót xa. Sau ít năm sống hạnh phúc bên chồng, tôi đột ngột trở thành một góa phụ. Giáng sinh càng tới gần, nỗi buồn trong tôi càng nhói buốt. Tôi chưa bao giờ phải đón Giáng sinh một mình và rất sợ khi nghĩ đến giờ phút ấy. Tôi được bạn bè mời tham dự Giáng sinh cùng gia đình họ nhưng không thấy có chút hứng thú nào. Tôi biết dù ở bất cứ đâu thì mình cũng có thể mang tới một bộ mặt ủ rũ, làm hỏng không khí vui vẻ của người khác nên đã từ chối những đề nghị tốt bụng ấy.
Mỗi ngày qua, tôi càng thấy tủi thân hơn. Ba giờ chiều hôm trước lễ Giáng sinh, tôi rời văn phòng, bước đi vô định trên Đại lộ số 5, hy vọng sẽ dịu bớt phần nào nỗi phiền muộn. Nhìn dòng người đi lại nhộn nhịp trên đường phố với vẻ vui sướng, hân hoan, tôi lại nhớ về những tháng ngày hạnh phúc đã qua và cảm thấy không thể chịu nổi việc quay trở về căn phòng trống trải, cô đơn của mình. Tôi hoàn toàn bối rối. Tôi không biết phải làm gì và không sao ngăn nỗi những giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi cứ đi lang thang như thế khoảng một giờ rồi bỗng thấy mình đang đứng trước một trạm xe buýt. Ngày trước, hai vợ chồng tôi cũng thường bước lên những tuyến xe buýt lạ lẫm để thử xem mình sẽ được đưa tới đâu. Vậy là tôi bước lên chiếc xe buýt đỗ lại đầu tiên.
Sau khi đi qua sông Hudson một đoạn, bác tài xế thông báo là đã đến trạm cuối. Tôi xuống xe mà thậm chí còn không biết tên của thị trấn nơi tôi đang đứng. Nhưng đó là một nơi yên lặng và thanh bình. Trong lúc đợi chuyến kế tiếp để về nhà, tôi đi vào một khu dân cư. Ngang qua nhà thờ, tai tôi nghe vang lên một giai điệu quen thuộc của bài Silent night. Tôi bước vào. Nhà thờ vắng lặng, chỉ có một nhạc công đang ngồi chơi đàn organ. Tôi ngồi xuống môt chiếc ghế khuất để tránh bị chú ý. Từ cây thông Noel được trang trí rực rỡ phát ra ánh sáng lấp lánh tựa như muôn vàn vì sao đang nhảy múa dưới ánh trăng. Gia điệu ngân dài của bài hát cộng với cảm giác uể oải vì cả ngày chưa ăn gì khiến tôi cảm thấy mí mắt mình ríu lại. Lòng nặng trĩu và mệt nhọc, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Khi thức giấc, tôi không thể nhớ ra mình đang ở đâu nên thực sự hoảng sợ. Trước mặt tôi là hai đứa trẻ, hình như chúng định đến ngắm cây thông. Một cô bé đang chỉ vào tôi và hỏi bạn: “Có phải ông già Noel mang cô ấy đến không?”.Thấy tôi tỉnh dậy, cả hai cũng có vẻ rất sợ hãi. Tôi vội bảo rằng tôi sẽ không làm hại chúng. Hai đứa trẻ ăn mặc thật nghèo khổ. Tôi hỏi cha mẹ chúng đâu và cả hai đều đáp: “Chúng cháu không có cha mẹ”.
Đứng trước hai đứa trẻ mồ côi còn tội nghiệp hơn mình rất nhiều, tôi bỗng cảm thấy hổ thẹn về nỗi buồn phiền và sầu khổ của bản thân. Tôi chỉ cho các em xem cây thông rồi dẫn chúng đi đến một cửa hàng, mua đồ ăn, quà Giáng sinh và bánh kẹo. Nỗi cô đơn trong tôi vụt tan đi như một phép màu. Hai đứa trẻ đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc tưởng đã chìm sâu từ nhiều tháng trước. Khi nói chuyện với các em, tôi mới nhận ra mình đã may mắn biết chừng nào. Tôi đã thật hạnh phúc vì mỗi Giáng sinh trong tuổi ấu thơ tôi đều tràn ngập tình yêu thương và trìu mến của cha mẹ. Điều mà hai em bé ấy đã làm cho tôi còn lớn hơn gấp nhiều lần những gì tôi đã làm cho các em. Kỷ niệm ấy khiến tôi hiểu sâu sắc hơn rằng muốn có được niềm vui cho bản thân thì trước tiên mình cần phải mang hạnh phúc đến cho người khác. Tôi nhận ra hạnh phúc là sự lan truyền. Chúng ta nhận lại bằng cách cho đi, bằng cách yêu thương và giúp đỡ một ai đó. Vậy là từ ngày hôm đó, tôi đã chế ngự được nỗi lo lắng, buồn khổ và tủi thân để trở thành một con người mới, cho đến tận bây giờ.”
Có rất nhiều người đã nhờ biết quên đi những điều cần phải quên mà có thể sống hạnh phúc và khỏe mạnh. Chẳng hạn trường hợp của Margaret Tayler Yates, một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất Hải quân Hoa Kỳ.
Bà Yates là một nhà văn, nhưng có lẽ không cuốn tiểu thuyết nào của bà có sức lôi cuốn bằng câu chuyện thực sự đã xảy ra với bà vào buổi sáng định mệnh mà người Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Tính đến thời điểm đó, và đã sống như một người tàn tật hơn một năm trời vì bệnh tim, phải nằm trên giường suốt 22 giờ mỗi ngày. Hành trình dài nhất bà từng thực hiện chỉ là những chuyến đi dạo ra vườn để tắm nắng. Thậm chí, để làm được thế, bà còn phải vịn vào tay cô hầu gái mỗi khi nhấc bước. Chính bà nói với tôi rằng ngày ấy, bà đã nghĩ mình sẽ phải chịu cảnh tàn tật suốt đời. Bà bảo: “Có lẽ sẽ không bao giờ được sống lại lần nữa nếu người Nhật không đánh Trân Châu Cảng và buộc tôi phải thay đổi thái độ cam chịu của mình”.
“Lúc đó, mọi thứ hỗn loạn và rối tung lên. Một quả bom phát nổ gần nhà tôi, cơn chấn động hất văng ra khỏi giường. Xe tải quân đội dồn dập kéo đến Cánh đồng Hickham, Doanh trại Barracks và Sân bay Vịnh Kaneohe để đón vợ con những người lính Hải quân và Lục quân đến các trường học công cộng được sử dụng làm nơi ẩn nấp. Tại đó, Hội Chữ Thập Đỏ đang gọi điện đến từng nhà dân xem có ai còn thừa phòng để đưa số người cần di tản này vào ở tạm. Các nhân viên của Hội biết tôi có một chiếc điện thoại đặt cạnh giường nên đã yêu cầu tôi cho họ dùng ngôi nhà làm trạm trung chuyển thông tin. Nhờ vậy mà tôi biết được nơi ẩn náu của vợ con các binh lính, và những quân nhân thuộc Hải quân và Lục quân cũng gọi điện đến cho tôi theo hướng dẫn của Hội Chữ Thập Đỏ để được biết tin tức về nơi trú ẩn của gia đình mình.
Không lâu sau, tôi được tin chồng mình là Trung tá Robert Raleigh Yates vẫn an toàn. Tôi cố gắng động viên những người phụ nữ đang lo lắng về số phận của chồng mình, và an ủi những quả phụ có chồng hy sinh trong trận chiến. Có rất nhiều người như thế: 2.170 sĩ quan và quân nhân của Hải quân và Lục quân đã thiệt mạng, 960 người mất tích.
Ban đầu, tôi nằm trên giường khi trả lời các cuộc gọi. Về sau, tôi ngồi hẳn dậy. Cuối cùng, do quá bận rộn và hối hả với công việc nên tôi quên cả đau ốm, bước hẳn ra khỏi giường để đến ngồi bên một chiếc bàn. Bằng cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh đáng thương hơn mình, tôi đã quên đi bản thân và không bao giờ quay trở lại giường nữa, trừ 8 tiếng đi ngủ vào mỗi tối.
Giờ đây, tôi nhận ra rằng nếu quân Nhật không tấn công Trân Châu Cảng, có lẽ tôi sẽ mãi là người nửa tàn phế cho đến hết đời. Tôi từng bằng lòng nằm trên giường và đợi người đến phục vụ; và như thế, một cách vô thức, tôi đã đánh mất ý chí rèn luyện để tự phục hồi.
Cuộc tấn công ở Trân Châu Cảng là một trong những thảm kịch lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, nhưng về phần tôi, đó là bước ngoặt tuyệt diệu nhất từng xảy đến. Cơn chấn động kinh hoàng đó đã cho tôi một sức mạnh mà tôi chưa bao giờ dám mơ tới. Nó khiến tôi biết quan tâm đến người khác thay vì lúc nào cũng chỉ nghĩ về bản thân. Tôi đã sống, đã làm việc vì một điều lớn lao hơn và quan trọng hơn. Tôi không còn thời gian để nghĩ vẩn vơ hay chú ý tới bản thân nữa”.
Một phần ba số người mắc bệnh về thần kinh có thể tự chữa khỏi cho mình nếu họ biết làm như Margaret Yates: quan tâm giúp đỡ những người khác. Đó không phải là ý kiến của cá nhân tôi. Carl Jung(53) đã nói: “Khoảng 1/3 bệnh nhân của tôi phát bệnh chỉ vì cảm giác trống rỗng và vô nghĩa trong cuộc sống của họ”. Nói cách khác, đó là những người cố gắng bắt nhịp với cuộc sống mà họ mong muốn nhưng đã bị rớt lại phía sau. Vậy là họ vội cho rằng cuộc đời mình thật nhỏ hẹp, vô ích và không nghĩa lý rồi chạy đến bác sĩ tâm thần để được chữa trị. Bị lỡ tàu, họ đứng mãi trên cầu cảng, đổ tội cho bất cứ ai ngoại trừ bản thân và đòi hỏi cả thế giới phải làm theo ý mình.
Lúc này, có thể bạn đang tự nhủ: “Ồ, không biết những câu chuyện này sẽ giúp mình được gì đây? Nếu gặp những em bé mồ côi khốn khổ trong đêm Giáng sinh, mình cũng sẽ lo cho chúng như vậy; và nếu ở Trân Châu Cảng lúc đó thì mình cũng sẵn lòng làm những việc mà Margaret Yates đã làm. Nhưng hoàn cảnh của mình lại khác: chỉ là một cuộc sống buồn tẻ và hết sức bình thường với công việc nhàm chán 8 tiếng mỗi ngày. Chẳng có gì kịch tính xảy ra cả. Chẳng có tình huống nào để mình phải quan tâm đến những người khác. Mà tại sao phải làm thế? Có lợi ích gì đâu?”.
Nhưng bạn hãy nghĩ mà xem, dù bạn có một cuộc sống nhàm chán đến đâu thì chắc chắn mỗi ngày bạn đều gặp một vài người. Bạn cư xử như thế nào với họ? Bạn hờ hững liếc qua hay chú ý tìm hiểu xem có điều gì đang khiến họ khó chịu? Chẳng hạn như người đưa thư – người đã vất vả phơi người suốt ngày ngoài đường để làm việc chuyển thư cho bạn, nhưng có bao giờ bạn quan tâm xem anh ấy sống ở đâu hay hỏi han gì về vợ con anh ấy? Liệu bạn có từng hỏi thăm xem anh có cảm thấy mệt mỏi hay buồn chán không?
Còn người bán tạp hóa, câu bé bán báo dạo, hay đứa trẻ đang ngồi trong góc đường đánh giày cho bạn? Họ đều là những con người – có những rắc rối, ước mơ và khát vọng của riêng mình. Họ cũng khao khát được chia sẻ với ai đó. Nhưng bạn có cho họ cơ hội không? Đã bao giờ bạn thể hiện thái độ quan tâm chân thành đến cuộc đời của họ?
Đó chính là điều tôi muốn nói. Bạn không cần phải trở thành một nhà cải cách xã hội để cải thiện thế giới – bạn có thế giới riêng của mình; bạn có thể bắt đầu ngay từ sáng mai với những người bạn gặp!
Điều đó sẽ mang lại lợi ích gì cho bạn? Bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc hơn, hài lòng và tự hào hơn về bản thân! Aristotle gọi thái độ này là “thói ích kỷ được giải thoát”. Zoroaster(54) thì nói: “Làm việc tốt cho người khác không phải là một nghĩa vụ mà là niềm vui bởi nó khiến cho ta thêm khỏe mạnh và hạnh phúc”. Còn Benjamin Franklin đúc kết lại trong một câu nói đơn giản – “Khi bạn tốt với người khác, nghĩa là bạn đang tốt với chính mình”.
Henry C. Link, giám đốc Trung tâm Điều trị Tâm lý ở New York cũng viết: “Theo tôi, phát hiện quan trọng nhất của Tâm lý học hiện đại chính là việc nó đã chứng minh được rằng lòng vị tha chính là một nguyên lý cơ bản đem lại năng lực tự nhận thức và hạnh phúc cho chúng ta”.
Suy nghĩ cho người khác không chỉ giúp ta thoát khỏi các lo lắng của bản thân mà còn mang đến nhiều bạn vè và niềm vui. Bằng cách nào? Tôi có lần hỏi như vậy và Giáo sư William Lyon Phelps của Đại học Yale đã nói:
“Tôi không bao giờ bước vào một khách sạn, một hiệu cắt tóc hay một cửa hàng mà không nói điều gì đó làm hài lòng những người mình gặp. Tôi đối xử với từng người như một cá nhân riêng biệt và không bao giờ có thái độ coi họ chỉ là những nhân viên đơn thuần. Đôi lúc tôi khen đôi mắt hay mái tóc của cô gái phục vụ trong cửa hàng. Tôi hỏi người thợ cắt tóc liệu anh có thấy mệt khi phải đứng cả ngày không, hay vì sao anh lại chọn nghề cắt tóc – anh đã làm nghề này bao lâu rồi và anh đã cắt cho bao nhiêu người – rồi giúp anh tính ra. Tôi thấy mọi người rất thích thú khi nhận được sự quan tâm. Tôi thường bắt tay những người phục vụ đã giúp tôi khuân đồ. Điều đó khiến họ phấn chấn lên rất nhiều và làm việc hăng say hơn trong cả ngày hôm ấy. Vào một ngày hè nóng nực, tôi đến toa phục vụ đồ ăn của chuyến tàu hỏa New Heaven để dùng bữa trưa. Ở đó đông đúc ngột ngạc như một cái lò và tốc độ phục vụ hết sức chậm chạp. Cuối cùng, tôi nói: “Nóng nực thế này thì những người nấu ăn trong bếp chắc phải vất vả lắm nhỉ”. Người phục vụ kêu lên: “Trời đất ơi, ai đến đây cũng chỉ phàn nàn về thức ăn, kêu ca vì phục vụ chậm chạp, nhăn mặt vì nhiệt độ và giá tiền. Tôi đã nghe họ than phiền suốt 19 năm nay và Ngài là người đầu tiên, cũng là người duy nhất tỏ thái độ cảm thông với những đầu bếp đang nấu ăn trong căn bếp nóng nực đằng kia. Tôi ước gì thêm nhiều hành khách như ngài cho chúng tôi đỡ khổ”.
Người phục vụ đó ngạc nhiên vì tôi đã nghĩ đến những người đầu bếp như những con người có cảm xúc vui buồn, chứ không phải là những bộ phận nhỏ bé tầm thường trong cả một cỗ máy lớn như một đoàn tàu …
Một lần đến Anh, tôi gặp một người chăn cừu và thể hiện sự ngưỡng mộ chân thành của mình đối với con chó to lớn và thông minh của anh. Tôi hỏi thăm làm cách nào anh huấn luyện được nó. Khi đi qua và quay nhìn lại phía sau, tôi thấy con chó đang đặt chân lên vai người chăn cừu và anh ta đang cưng nựng nó. Bằng cách dành một chút quan tâm đối với người chăn cừu và con chó của anh, tôi đã khiến người chăn cừu hạnh phúc. Tôi chắc rằng con chó ấy cũng cảm thấy hạnh phúc, và bản thân tôi cũng hạnh phúc”.
Theo bạn, có bao giờ một người mà đến đâu cũng bắt tay với những người khuân vác và tỏ lòng cảm thông với các đầu bếp trong căn bếp nóng nực – cũng như nói với người khác rằng ông rất thích con chó của họ - lại cảm thấy chua cay, lo lắng và cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần không? Không thể có chuyện đó, đúng không? Tất nhiên ròi. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Bàn tay trao tặng hoa hồng luôn lưu lại hương thơm”.
Nếu bạn là nam giới, hãy bỏ qua đoạn này bởi nó sẽ không thu hút bạn đâu. Đó là chuyện làm thế nào mà một cô gái nghèo khó và hay lo nghĩ lại được nhiều người đàn ông đến cầu hôn. Giờ đây cô gái ấy đã lên chức bà. Vài năm trước, tôi đến thuyết giảng trong thị trấn nơi bà sinh sống và nghỉ qua đêm tại nhà bà. Sáng hôm sau bà lái xe đưa tôi đi 80 cây số để bắt chuyến tàu chính đến Trung tâm New York. Khi chúng tôi nói chuyện về việc kết bạn, bà bảo: “Ngài Carnegie này, tôi sẽ kể cho ngài nghe câu chuyện mà trước đây tôi chưa từng thổ lộ với ai – ngay cả với chồng mình”.
“Tôi lớn lên trong một gia đình bình dân ở Philadelphia. Bi kịch thời thơ ấu và thời thiếu nữ của tôi chính là cảnh nghèo khó. Chúng tôi không có điều kiện vui chơi theo cách những cô gái khác vẫn làm. Quần áo của tôi không bao giờ có thể gọi là đẹp, luôn quá chật và còn bị lỗi mốt nữa. Tôi thường cảm thấy xấu hổ và bẽ bang đến nỗi đêm nào cũng âm thầm khóc cho tới khi ngủ thiếp đi. Cuối cùng, trong nỗi tuyệt vọng, tôi nảy ra ý nghĩ là sẽ luôn hỏi han bạn nhảy trong các bữa tiệc về kinh nghiệm, quan điểm và dự định cho tương lai của người ấy. Tôi hỏi không phải vì quan tâm đặc biệt đến câu trả lời mà chỉ nhằm mục đích để họ không chú ý đến phục trang nghèo nàn của mình. Nhưng một điều kỳ lạ đã xảy ra: Khi lắng nghe những chàng trai trẻ nói chuyện và hiểu hơn về họ, tôi thực sự cảm thấy bị cuốn hút. Tôi thích thú đến nỗi đôi khi cũng quên bẵng đi bộ váy xấu xí của mình. Và chuyện đáng ngạc nhiên nhất là: do luôn biết lắng nghe và khuyến khích các chàng trai nói chuyện về bản thân, tôi đã khiến họ cảm thấy rất hạnh phúc và dần trở thành cô gái được nhiều người yêu mến nhất, rồi ba trong số những chàng trai đó đã cầu hôn tôi”.
Tôi biết có người sẽ cho rằng kinh nghiệm này là chuyện vớ vẫn, là lý thuyết suông. Vâng, mỗi chúng ta có quyền giữ quan điểm riêng; nhưng nếu bạn đúng thì tất cả những triết gia và bậc thầy tư tưởng từ buổi đầu lịch sử nhân loại như Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lpato, Aristotle, Socrates, Chúa Yesus hay Thánh Francis… đều sai lầm. Cũng có thể bạn không coi trọng lời răn dạy của các lãnh tụ tôn giáo, vậy chúng ta hãy tìm hiểu xem những người vô thần khuyên gì. Trước tiên, hãy lấy ví dụ về A. E. Housman, giáo sư Đại học Cambridge, một trong những học giả lỗi lạc nhất trong thời đại của mình. Năm 1936, ông có một bài giảng ở trường Cambridge, ông đã tuyên bố trong buổi học rằng: “Sự thật lớn nhất và khám phá đạo đức sâu sắc nhất mọi thời đại chính là những lời sau của Chúa Yesus: Kẻ kiếm tìm cuộc sống sẽ đánh mất nó; nhưng những người biết hy sinh cuộc sống của mình cho người khác sẽ tìm thấy nó”.
Cả đời chúng ta đã nghe những nhà giảng đạo nói về điều này rồi. Nhưng Housman, một người theo chủ nghĩa vô thần, một người bi quan từng suýt tự tử; cũng cảm thấy rằng nếu chỉ biết suy nghĩ cho bản thân thì ta sẽ chẳng nhận được gì từ cuộc đời sẽ phải khổ sở. Còn nếu biết quên mình vì người khác thì niềm vui sống sẽ tự đến với ta.
Nếu bạn vẫn không mấy ấn tượng với những lời của A. E. Housman, chúng ta hãy đến với lời khuyên của nhà vô thần người Mỹ lỗi lạc nhất thế kỷ 20: nhà văn Theodore Dreiser. Ông chế nhạo tôn giáo là những câu chuyện thần tiên viễn vông và coi cuộc sống như “một mớ huyền hoặc, huyên thuyên và vô nghĩa được thêu dệt nên bởi một tên ngốc”. Nhưng Dreiser cũng đồng tình với một nguyên tắc lớn mà Chúa Jesus đã dạy: phục vụ người khác. Dreiser nói: “Nếu muốn vui sống, hãy suy nghĩ và lập kế hoạch để làm mọi thứ tốt đẹp hơn không chỉ cho bản thân mà còn cho những người khác, bởi niềm vui của mỗi người phụ thuộc vào niềm vui của người khác, và ngược lại”.
Nếu bạn định “làm những điều tốt đẹp hơn cho người khác” như Dreiser cổ vũ thì hãy bắt đầu ngay đi thôi. Thời gian không chờ đợi ai. “Tôi chỉ đi qua con đường này một lần mà thôi. Hãy để tôi bày tỏ lòng tốt và thực hiện những việc tốt đẹp tôi có thể làm ngay có lúc này. Đừng để tôi ngần ngại hay trì hoãn, vì tôi sẽ không đi qua con đường này lần nữa”.
Hãy xóa tan âu lo, gieo mầm hạnh phúc và thanh thản bằng Nguyên tắc 7:
HÃY QUÊN ĐI BẢN THÂN VÀ MANG NIỀM VUI, HẠNH PHÚC ĐẾN CHO NGƯỜI KHÁC.
---//---
TÓM TẮT PHẦN BỐN
7 CÁCH LUYỆN TINH THẦN ĐỂ SỐNG THANH THẢN VÀ HẠNH PHÚC
NGUYÊN TẮC 1: Suy nghĩ và hành động một cách vui tươi.
NGUYÊN TẮC 2: Đừng bao giờ cố trả đũa kẻ thù của mình.
NGUYÊN TẮC 3: Luôn chuẩn bị tình thần để đối diện với sự vô ơn.
NGUYÊN TẮC 4: Hãy nghĩ đến những điều may mắn mà mình có được – chứ không phải những rắc rối!
NGUYÊN TẮC 5: Đừng bắt chước người khác. Hãy khám phá bản thân và tự tin là chính mình.
NGUYÊN TẮC 6: Chấp nhận và biến khó khăn thành cơ hội
NGUYÊN TẮC 7: Hãy quên bản thân và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro