222
“Việc suy nghĩ quá mức chỉ khiến ta rối trí và lo lắng. Đến một ngưỡng nào đó thì việc xem xét hay cân nhắc sẽ trở thành tai hại. Khi ấy chúng ta cần phải quyết định, rồi hành động đến cùng”.
-WAITE PHILLIPS-
Giải pháp tuyệt vời của Willis H. Carrier được đề cập ở Chương 2 tuy rất hiệu quả nhưng không thể giải quyết tất cả các vấn đề gây lo lắng của chúng ta. Chúng ta cần một cách giải quyết toàn diện hơn. Chúng ta đã có nói. Đó là phương pháp của Aristotle(11) vĩ đại. Phương pháp này dựa trên ba bước cơ bản sau:
1/ Tìm hiểu vấn đề
2/ Phân tích vấn đề
3/ Đi đến quyết định – và hành động để thực hện quyết định đó.
Aristotle đã dạy thế - và đã làm như thế từ mấy ngàn năm trước. Tôi và bạn cũng phải làm như thế nếu muốn giải quyết những rắc rối khiến chúng ta khốn đốn và biến cuộc sống của chúng ta thành địa ngục thực sự.
Chúng ta hãy tìm hiểu bước đầu tiên: Tìm hiểu vấn đề. Tại sao tìm hiểu vấn đề lại quan trọng? Bởi nếu không hiểu vấn đề, tất cả những gì chúng ta có thể làm chỉ là rối trí, đứng ngồi không yên. Giáo sư Herbert E. Hawkes của Đại học Columbia, người đã giúp 200.000 sinh viên giải tỏa mối lo lắng của họ, đã nói với tôi rằng: “Sự rối trí chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lo lắng”. Theo ông: “Một nửa trường hợp lo lắng trên đời này xuất phát từ chỗ mọi người vội vã quyết định trước khi có đủ những hiểu biết cần thiết. Nếu tôi phải giải quyết một vấn đề vào lúc 3 giờ chiều thứ Ba tuần tới, tôi sẽ không quyết định vội vàng mà sẽ đợi cho tới hôm ấy. Trong khoảng thời gian đó, tôi sẽ tập trung tìm kiếm tất cả những thông tin về vấn đề một cách đầy đủ và chính xác. Tôi không lo lắng, không cảm thấy khổ sở và cũng không mất ngủ. Tôi chỉ đơn giản làm công việc tìm hiểu thực trạng. Và đến hạn chót vào thứ Ba, nếu tôi đã có được tất cả những điều cần biết thì vấn đề tự nó sẽ được giải quyết!”.
Tôi đã hỏi Hawkes: “Liệu điều này có đồng nghĩa với việc ông là người hoàn toàn không vướng bận lo âu?”. Ông trả lời: “Vâng, đúng vậy. Tôi nghĩ mình có thể thành thật nói rằng cuộc sống của tôi bây giờ đây gần như không có một gợn nhỏ lo âu nào. Tôi nhận thấy nếu một người chịu dành thời gian tìm hiểu toàn diện vấn đề của mình bằng một thái độ nghiêm túc và khách quan thì nỗi lo lâu của anh ta thường sẽ tự tiêu tan dưới sánh sáng của sự hiểu biết”.
Tôi xin được nhắc lại câu nói ấy: “Nếu một người chịu dành thời gian tìm hiểu toàn diện vấn đề của mình bằng một thái độ nghiêm túc và khách quan thì nỗi lo âu của anh ta thường sẽ tự tiêu tan dưới ánh sáng của sự hiểu biết”.
Nhưng hầu hết chúng ta đã làm gì? André Maurois(12) nhận xét: “Tất cả những gì thuận với ước mong của chúng ta đều có vẻ đúng đắn. Và tất cả những gì ngược lại đều khiến chúng ta nổi giận!”. Chúng ta chỉ muốn tìm những gì có thể biện minh cho hành động của mình – những điều thuận với ước muốn của ta và phù hợp với những định kiến ta đã có sẵn trong đầu – mà không hề muốn quan tâm đến các hướng tư duy khác!
Đó là lý do ta cảm thấy khó tìm ra đáp án cho vấn đề của mình; tương tự như khi một người nào đó cố gắng giải một bài toán lớp hai mà trong đầu vẫn luôn giữ nguyên giả định rằng hai cộng hai bằng năm! Ấy vậy mà, rất nhiều người trên thế giới này vẫn tự biến cuộc sống của họ và của người khác thành địa ngục vì khăng khăng rằng hai cộng hai bằng năm – thậm chí bằng năm trăm!
Thế thì chúng ta phải làm gì? Phải phân biệt rạch ròi giữa suy nghĩ và cảm xúc; hay như Giáo sư Hawkes đã nói, cần tìm hiểu vấn đề một cách “khách quan và toàn diện”.
Đây là một việc chẳng dễ dàng gì khi chúng ta đang lo âu. Trong trạng thái ấy, cảm xúc có sức chi phối rất lớn. Tuy nhiên, khi cố gắng giải quyết các rắc rối của cá nhân mình, tôi nhận thấy có hai ý tưởng khá hữu ích giúp nhìn nhận thực tế một cách khách quan và sáng suốt.
1/ Khi tìm hiểu vấn đề, tôi giả định rằng mình không chỉ thực hiện điều này cho bản thân mà còn cho người khác nữa. Nhờ vậy, tôi xem xét các thông tin dưới cái nhìn toàn diện và điềm tĩnh hơn. Nó giúp tôi loại trừ các ảnh hưởng của cảm xúc.
2/ Khi thu thập thông tin về vấn đề khiến mình lo lắng, đôi khi tôi tự đặt mình vào vị trí luật sư biện hộ cho mặt kia của vấn đề. Nói cách khác – những điều trái với ước muốn của tôi, những điều tôi không muốn chấp nhận.
Sau đó tôi viết ra cả hai mặt của vấn đề - và thường thì chân lý sẽ hiện ra đâu đó giữa ranh giới của hai cực đối lập.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: bạn hay tôi, hay ngay đến Einstein(13) hoặc Thẩm phán của Tòa án tối cao cũng không thể tài giỏi đến mức có thể đưa ra một quyết định chính xác về bất cứ vấn đề gì khi chưa tìm hiểu cặn kẽ.
Bởi vậy quy tắc đầu tiên để giải quyết vấn đề là: Tìm hiểu vấn đề. Hãy làm theo lời khuyên của Giáo xư Hawkes: “Đừng vội vã quyết định trước khi có đủ những hiểu biết cần thiết”.
Tuy nhiên, thu thập mọi thông tin trên đời cũng chẳng ích gì nếu ta không phân tích và lý giải đúng.
Tôi đã có một kinh nghiệm đắt giá để từ đó rút ra kết luận rằng sẽ dễ dàng phân tích tình hình hơn sau khi viết chúng ra. Thực tế, chỉ cần ghi lại và nêu rõ ràng vấn đề lên một mảnh giấy thì chúng ta đã đi được một quãng đường dài hướng đến cái đích cuối cùng là đưa ra một quyết định đúng đắn. Hay như cách nói của Charles Kettering(14). “Một vấn đề được diễn đạt rõ ràng là một vấn đề đã được giải quyết xong một nửa”.
Đó là trường hợp của Galen Litchfield – một trong những doanh nhân Hoa Kỳ thành đạt nhất ở Châu Á. Litchifield có mặt ở Trung Quốc vào năm 1942 khi quân Nhật chiếm đóng Thượng Hải. Ông kể với tôi:
“Không lâu sau khi ném bom Trân Châu Cảng, quân Nhật tiến vào Thượng Hải. Lúc đó tôi đang là giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ ở Thượng Hải. Họ cử một “thanh lý viên của quân đội” cũng là một đô đốc đến gặp tôi, và yêu cầu tôi phải hỗ trợ ông này trong việc kê biên tài sản của công ty. Tôi không có lựa chọn nào trong trường hợp này. Tôi có thể hợp tác – hoặc không. Nhưng “không” ở đây đồng nghĩa với cái chết.
Tôi bất đắc dĩ phải làm theo. Nhưng trong danh sách tài sản đưa cho viên đô đốc, tôi đã không kê khai về lô trái phiếu trị giá 750.000 đô-la. Tôi bỏ qua vì chúng thuộc sở hữu của cơ sở tại Hồng Kông của chúng tôi chứ không liên quan gì đến các tài sản ở Thượng Hải. Lúc đó, tôi cũng sợ rằng sẽ gặp phải rắc rối nếu người Nhật biết được. Quả nhiên không lâu sau, họ đã phát hiện ra.
Lúc ấy, tôi không ở văn phòng nhưng kế toán trưởng của tôi thì có mặt. Theo lời ông kể lại, viên đô đốc đã hết sức tức giận, hắn dậm chân và chửi bới, gọi tôi là đồ kẻ cắp, tên phản bội! Tôi dám coi thường quân đội Nhật! Tôi hiểu điều này có ý nghĩa gì. Tôi sẽ bị tống vào Bridgehouse!
Bridgehouse! Trại tra tấn của phát xít Nhật. Có những người bạn thân của tôi đã thà tự vẫn còn hơn bị giải đến nhà tù ấy. Một người khác thì đã chết sau 10 ngày bị hỏi cung và tra tấn dã man ở đó. Giờ thì sắp đến lượt tôi.
Tôi biết tin vào chiều Chủ nhật và vô cùng lo lắng. Nhưng may mà tôi có một phương pháp giúp giải quyết những vấn đề của mình. Đã nhiều năm, mỗi khi thấy lo lắng, tôi lại đến bên chiếc máy chữ và đánh ra hai câu hỏi cùng với câu trả lời, hai câu hỏi là:
1/ Tôi đang lo lắng vì điều gì?
2/ Tôi có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó?
Có một thời gian dài, tôi thường cố gắng tự trả lời chúng trong đầu mà không chịu viết ra. Nhưng đó là nhiều năm trước. Tôi đã kịp nhận ra rằng, viết ra cả câu hỏi và câu trả lời sẽ giúp mình suy nghĩ rõ ràng hơn.Vì vậy, ngay chiều Chủ nhật, tôi đến thẳng văn phòng ở Thượng Hải, lấy máy chữ ra, đánh ra giấy câu hỏi thứ nhất:
1/ Mình đang lo lắng vì điều gì?
“Mình sợ sẽ bị giải đến nhà tù Bridgehouse vào sáng mai”.
Sau đó tôi tiếp tục với câu hỏi thứ hai:
2/ Mình có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó?
Tôi đã ngồi hàng giờ để nghĩ và viết ra bốn phương án hành động – kèm theo các kết quả tương ứng.
1) Tôi có thể cố gắng giải thích với viên đô đốc người Nhật. Nhưng ông ta không biết tiếng Anh. Nếu cố gắng giải thích thông qua một phiên dịch, tôi có thể khiến ông ta nổi điên lần nữa. Điều đó đồng nghĩa với cái chết, bởi ông ta là người tàn bạo, ông ta sẽ tống tôi vào Bridgehouse mà không thèm nghe một lời giải thích.
2) Tôi có thể tìm cách chạy trốn. Nhưng trên thực tế thì điều này là không thể. Họ theo dõi tôi rất sát sao. Mỗi khi ra vào phòng, tồi đều phải ghi danh. Nếu tìm cách trốn, tôi có thể bị bắt lại và bị bắn.
3) Tôi có thể ngồi lì ở nhà và không đến văn phòng nữa. Nếu thế, viên đô đốc sẽ nghi ngờ và có thể cho lính lập tức lôi tôi đến Bridgehouse.
4) Tôi có thể đến văn phòng như thường lệ vào sáng thứ Hai. Nếu vậy, có khả năng viên đô đốc Nhật vì quá bận rộn mà sẽ không nhớ đến việc tôi đã làm. Ngay cả khi nhớ ra thì ông ta cũng có thể đã nguôi giận và thôi không truy cứu nữa. Nếu điều này xảy ra, tôi vẫn còn cơ hội để giải thích. Vậy thì tôi sẽ vẫn đến văn phòng như thường lệ vào sáng thứ Hai, và làm như không có chuyện gì xảy ra. Thế là tôi sẽ có hai lần cơ hội thoát khỏi Bridgehouse.
Ngay sau khi biết hết suy nghĩ của mình và quyết định sẽ làm theo phương án thứ 4 – đến văn phòng như thường lệ vào sáng thứ Hai – tôi cảm thấy thanh thản hẳn.
Sáng hôm sau, khi tôi bước vào văn phòng, viên đô đốc người Nhật vẫn ngồi đó, miệng ngậm điếu thuốc lá, trừng mắt nhìn tôi như thường lệ và không nói lời nào. Sáu tuần sau – ơn Chúa – ông ta trở về Tokyo và nỗi lo lắng của tôi chấm dứt.
Tôi đã rất may mắn trong lần ấy. Nhưng có lẽ tôi đã không thể tự cứu mình nếu tôi không ngồi viết ra các phương án hành động cùng kết quả tương ứng rồi bình tĩnh quyết định. Nếu không làm thế, rất có thể tôi đã rối trí, do dự và đưa ra quyết định sai lầm vào giờ phút quan trọng nhất. Rất có thể tôi đã phát điên vì lo lắng suốt buổi chiều đó. Rất có thể tôi đã mất ngủ cả đêm hôm ấy, rồi đến văn phòng vào sáng thứ Hai với gương mặt lo lắng tiều tụy – chỉ riêng điều đó thôi cũng đã khiến cho viên đô đốc người Nhật nghi ngờ và tống tôi vào ngục!
Đã nhiều lần, kinh nghiệm cho tôi thấy giá trị rất lớn của việc đưa ra quyết định đúng lúc. Chính việc không thể đạt được mục đích đã định, không thể thoát ra vòng suy nghĩ luẩn quẩn đã khiến nhiều người bị suy nhược thần kinh và sống một cuộc đời địa phục. Tôi nhận thấy 50% mối lo lắng của mình đã vơi đi khi tôi đưa ra một quyết định rõ ràng, dứt khoát, và 40% khác sẽ biến mất khi tôi thực hiện quyết định đó.
Vậy là tôi có thể gạt bỏ được 90% nỗi lo lắng bằng cách thực hiện bốn bước sau đây:
1/ Viết ra chính xác điều tôi đang lo lắng
2/ Viết ra những gì tôi có thể làm để giải quyết điều đó
3/ Quyết định sẽ làm gì
4/ Thực hiện ngay quyết định đó
Galen Litchfield hiện là Tổng giám đốc khu vực Viễn Đông của Starr, Park & Freeman, một tập đoàn có nguồn lợi nhuận khổng lồ thu từ các hoạt động tài chính vào bảo hiểm. Ông đã xác nhận với tôi rằng phần lớn thành công ông đạt được là nhờ vào phương pháp phân tích và đương đầu với lo lắng.
Phương pháp của Litchfield ưu việt vì nó hiệu quả, cụ thể và đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề. Đặc biệt, nó thỏa mãn yêu cầu không thể bỏ qua của quy tắc thứ ba trong việc giải quyết lo lắng: làm điều gì đó để cải thiện vấn đề. Nếu chúng ta không hành động, tất cả nỗ lực tìm hiểu tình hình sẽ thành công cốc và chỉ là một sự phí phạm năng lượng.
William James từng nói: “Khi bạn đã quyết định và tiến hành thực hiện kế hoạch rồi, đừng bận tâm lo lắng gì nữa”. Ý ông là một khi bạn đã đưa ra quyết định một cách cẩn trọng dựa trên các dữ liệu thực tế, thì hãy cứ bắt tay vào hành động. Đừng đắn đo xem xét lại nữa. Đừng chần chừ, lo lắng hay lùi bước. Đừng chìm đắm trong nỗi hoài nghi về bản thân vì điều đó sẽ kéo theo các hoài nghi khác. Đừng lung lay dao động!
Một lần tôi đã hỏi Waite Phillips, một trong những ông trùm dầu mỏ nổi tiếng nhất của Oklahoma về việc ông thực thi các quyết định của mình như thế nào. Ông trả lời: “Tôi nhận thấy rằng việc suy nghĩ quá mức chỉ khiến ta rối trí và lo lắng. Đến một ngưỡng nào đó thì việc xem xét hay cân nhắc sẽ trở thành tai hại. Khi ấy chúng ta cần phải quyết định, rồi hành động đến cùng”.
Tại sao bạn không sử dụng phương pháp của Galen Litchfield để giải tỏa nỗi lo lắng của mình ngay từ bây giờ
Nói một cách chính xác thì tôi không thể loại bỏ được 50% những nỗi lo về công việc của bạn – người làm việc đó phải chính là bạn. Điều tôi có thể làm là giới thiệu những cách thức hiệu quả mà nhiều người đã áp dụng – phần còn lại sẽ phụ thuộc vào bạn.
Leon Shimkin, giám đốc nhà xuất bản danh tiếng Simon & Schuster, có thể giảm bớt không phải chỉ 50% mà là 75% thời lượng các cuộc họp căng thẳng vốn vẫn làm cho ông lo lắng và mệt mỏi hàng ngày. Sau đây là câu chuyện do chính Leon Chimkin kể lại:
“Suốt 15 năm, ngày nào tôi cũng dành gần một nửa thời gian để tổ chức họp về các khó khăn của công ty. Chúng tôi bàn bạc xem nên làm thế này hay thế kia – hay là không nên làm gì, v.v. Trong các cuộc họp ấy, chúng tôi luôn bị căng thẳng, ngồi không yên trên ghế, bồn chồn đi tới đi lui, rồi lại tranh cãi lẫn nhau và rơi vào vòng luẩn quẩn. Kết thúc một ngày làm việc, tôi hoàn toàn kiệt sức. Tôi sống như thế suốt 15 năm và chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có cách tổ chức cuộc họp tốt hơn. Nếu có ai nói rằng tôi có thể bớt được ¾ căng thẳng về thần kinh bằng cách giảm 75% thời gian họp, hẳn tôi sẽ cho anh ta là kẻ bông đùa không đúng chỗ hoặc một người lạc quan viển vông. Ấy thế mà tôi đã nghĩ ra được cách thực hiện điều đó. Tôi áp dụng nó suốt 8 năm nay và cùng với nó, biết bao điều kỳ diệu đã đến với công việc, sức khỏe, cũng như hạnh phúc của tôi.
Nghe giống như một trò ảo thuật – nhưng cũng giống như tất cả các trò ảo thuật, nếu bạn biết được cách thức thực hiện, bạn sẽ thấy thật đơn giản.
Bí quyết chính là: Đầu tiên, tôi bỏ hẳn cách vẫn làm suốt 15 năm qua: Không mở đầu cuộc họp bằng việc mọi người trình bày chi tiết bằng khó khăn rồi hỏi nhau: “Chúng ta sẽ làm gì đây? như trước kia. Thay vào đó, tôi đưa ra một quy định mới: Bất cứ ai muốn trình bày vấn đề gì thì phải chuẩn bị trước một bản báo cáo trả lời được bốn câu hỏi sau”
Câu hỏi 1: Vấn đề là gì?
(Ngày trước chúng tôi thường mất một đến hai giờ đồng hồ thảo luận mà không ai biết chính xác vấn đề là gì. Các thành viên thường tự đẩy mình vào những cuộc tranh luận gay gắt mà không chịu viết và nêu ra một cách cụ thể.)
Câu hỏi 2: Đâu là nguyên nhân của vấn đề?
(Có lúc nhìn lại con đường sự nghiệp, tôi phát hoảng khi nhận ra mình đã bỏ phí quá nhiều thì giờ vào việc họp hành mà chưa có lấy một lần cố gắng làm rõ căn nguyên của vấn đề đang được thảo luận).
Câu hỏi 3: Những giải pháp nào có thể giúp giải quyết vấn đề?
(Ngày trước, khi một người trong cuộc họp đưa ra ý kiến, một số người khác sẽ đứng lên phản đối. Thế là tranh cãi nổ ra và chúng tôi đi lạc đề. Không ai chịu ghi lại tất cả những ý kiến khác nhau đã được đề xuất).
Câu hỏi 4: Bạn chọn giải pháp nào?
Hồi ấy, chúng tôi thường đi tìm giải pháp sau khi đầu óc đã căng ra do kết quả của hàng giờ liền tranh cãi và lo lắng luẩn quẩn. Chúng tôi không biết để tâm suy xét vấn đề cho thật thấu đáo rồi viết ra rằng: “Đây là giải pháp mà tôi đề nghị tiến hành”.
Còn bây giờ, các nhân viên chẳng mấy khi đem vấn đề của mình đến gặp tôi vì họ biết rằng để trả lời được bốn câu hỏi trên, bản thân họ phải tìm hiểu và suy xét thấu đáo mọi khía canh của vấn đề trước đã. Mà sau khi làm xong công việc ấy thì có đến ¾ các trường hợp không cần phải hỏi ý kiến tôi nữa, bởi giải pháp đúng đắn cứ tự nhiên hiện ra trong đầu họ giống như những lát bánh mì tự động bật ra khỏi lò nướng điện. Ngay cả trong những trường hợp cần sự đóng góp ý kiến của mọi người, thời gian bàn bạc để đi đến quyết định hợp lý cũng chỉ bằng một phần ba so với trước đây bởi việc thảo luận được tiến hành theo một trật tự rất lô-gic.
Giờ đây, nhà xuất bản Simon & Schuster đã giảm thiểu được rất nhiều thời gian hao phí vào việc lo lắng và bàn bạc suông về những vướng mắc; thay vào đó, chúng tôi tiến hành được nhiều hành động cụ thể để cải thiện công việc”.
Frank Bettger, một người bạn của tôi và cũng là một trong những người bán bảo hiểm hàng đầu ở Mỹ, có kể rằng ông không chỉ giảm bớt được những lo lắng trong công việc mà còn làm tăng gần gấp đôi thu nhập của mình nhờ vào một phương pháp tương tự như của Leon Achimkin, Frank Bettger kể:
“Sau một thời gian bán bảo hiểm, nhiệt huyết và niềm đam mê ban đầu cạn dần trong tôi. Tôi nản chí tới mức đã tính đến chuyện bỏ việc. Có lẽ tôi đã làm thế thật nếu vào buổi sáng thứ Bảy hôm đó, tôi không nảy ra ý tưởng ngồi viết ra vấn đề của mình và tìm cách giải quyết nó.
Trước tiên, tôi tự hỏi bản thân: “Vấn đề thực sự ở đây là gì?”. Vấn đề là số tiền tôi kiếm được không đủ để chi trả cho những chuyến viếng thăm khách hàng. Công việc thuyết phục dường như rất trôi chảy, thế rồi đến lúc tôi đề nghị ký hợp đồng thì họ lại bảo: “Được rồi, ông Bettger ạ, tôi sẽ cân nhắc việc này. Hãy đến gặp tôi lần sau nhé”. Chính những lần viếng thăm liên tiếp, phí phạm thì giờ mà chẳng đi đến đâu ấy đã khiến tôi vô cùng thất vọng.
Sau đó tôi lại tự hỏi: “Vậy mình có những giải pháp gì?”. Để trả lời, tôi phải nghiên cứu kỹ thực trạng của vấn đề. Vậy là tôi lấy quyển sổ ghi chép doanh thu trong vòng 12 tháng qua của mình ra xem.
Tôi đã phát hiện ra một điều hết sức ngạc nhiên! Giấy trắng mực đen đã chỉ ra 70% doanh thu bán bảo hiểm của tôi đến từ các cuộc gặp mặt đầu tiên với khách hàng! 23% nữa đến từ lần thứ hai! Chỉ có 7% còn lại thu được trong các lần thứ ba, thứ tư, thứ năm,… cũng chính là những lần gặp mặt tốn thời gian và khiến tôi phải điêu đứng. Nói cách khác, tôi đã lãng phí tới một nửa thời gian làm việc của mình chỉ vì 7% doanh thu ít ỏi.
Giải pháp ở đây là gì? Câu trả lời đã quá rõ ràng. Tôi lập tức dừng việc gặp khách hàng nếu không ký được hợp đồng sau hai lần gặp đầu tiên, đồng thời dành thêm thời gian cho những khách hàng mới. Kết quả thật bất ngờ: Chỉ một thời gian ngắn, tôi đã tăng gấp đôi doanh thu so với trước đây.”
Frank Bettger đã trở thành một trong những người bán bảo hiểm thành công nhất nước Mỹ, dù trước đó ông từng suýt bỏ việc, buông xuôi và chịu thất bại. Ông chỉ tiến bước nhanh chóng trên con đường dẫn đến thành công sau khi đã phân tích thấu đáo vấn đề của mình.
Tôi tin bạn sẽ áp dụng 4 câu hỏi trên để giải quyết những rắc rối trong công việc của mình. Xin nhắc với bạn rằng những người đã từng áp dụng đều công nhận là chúng có thể giảm bớt hơn 50% những lo lắng của họ. Bạn hãy nhớ kỹ bốn câu hỏi này nhé:
1/ Vấn đề là gì?
2/ Đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề?
3/ Tất cả những giải pháp có thể đưa ra để giải quyết vấn đề là gì?
4/ Giải pháp tốt nhất là gì?
TÓM TẮT PHẦN HAI
PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH VÀ GIẢI QUYẾT LO LẮNG
---//---
NGUYÊN TẮC 1:
Tìm hiểu vấn đề gây lo lắng, thu thập tất cả các dữ liệu có liên quan.
NGUYÊN TẮC 2:
Cân nhắc tất cả các thông tin, rồi đưa ra quyết định.
NGUYÊN TẮC 3:
Một khi đưa ra quyết định, hãy thực hiện ngay và kiên định làm theo quyết đinh đó.
NGUYÊN TẮC 4:
Nêu ra và trả lời bốn câu hỏi sau:
1/ Vấn đề là gì?
2/ Đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề?
3/ Tất cả những giải pháp có thể đưa ra để giải quyết vấn đề là gì?
4/ Giải pháp tốt nhất là gì
Gia đình Marion J. Douglas, một học viên trong lớp chúng tôi, đã trải qua những tháng ngày thật bi thảm. Anh cho biết đau khổ giáng xuống gia đình anh không chỉ một mà tới hai lần. Lần đầu là khi anh mất đi đứa con gái 5 tuổi mà anh hết mực yêu thương. Vợ chồng anh tưởng chừng không thể vượt qua được cú sốc ấy thì 10 tháng sau, họ lại mất thêm đứa con gái vừa mới chào đời được 5 ngày.
Hai nỗi đau liên tiếp ấy gần như nằm ngoài sức chịu đựng của vợ chồng anh. Người cha này nói: “Tôi không thể chịu đựng điều đó, tôi không ăn nổi, không ngủ nổi, không thể nghỉ ngơi hay thư giãn gì được. Tôi trở nên yếu đuối và hoàn toàn mất tự tin vào bản thân”. Cuối cùng anh phải đến gặp bác sĩ, người thì đưa anh hàng đống thuốc ngủ, người khác lại bảo anh nên đi du lịch. Anh đã thử cả hai cách nhưng đều vô ích. Anh nói: “Tôi có cảm giác như cả người mình đang bị đặt trong một cái ê-tô(15) mà hai cái hàm ngày càng kẹp chặt hơn”. Quả là anh đã rơi vào một nỗi đau buồn khôn xiết – ai có trải qua hoàn cảnh ấy thì mới hiểu được cảm giác của Douglas lúc đó. Anh tâm sự:
“Nhưng may mắn là tôi vẫn còn một đứa con nữa – một cậu nhóc 4 tuổi. Chính thằng bé đã giúp tôi tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình. Một buổi chiều, khi tôi đang ngồi thẩn thờ thì nó lại gần và hỏi: “Bố ơi, bố làm cho con một chiếc thuyền nhé?”. Lúc đó, tôi chẳng có tâm trạng nào mà làm thuyền; và thật ra thì tôi chẳng còn tâm trạng làm bất cứ việc gì nữa.
Nhưng con trai tôi vốn là một cậu bé bướng bỉnh. Nó cứ nằng nặc đòi và tôi đành phải nhượng bộ.
Mất 3 giờ đồng hồ để làm xong chiếc thuyền. Đến khi hoàn thành món đồ chơi cho con, tôi mới chợt nhận ra rằng đấy cũng là 3 giờ đầu tiên trong nhiều tháng nay tinh thần tôi được thư giãn và thanh thản!
Phát hiện đó khiến tôi bừng thoát khỏi trạng thái đờ đẫn và đầu óc linh hoạt lên một chút. Lần đầu tiên sau nhiều tháng, tôi có thể suy nghĩ và nhận ra rằng: người ta chẳng thể nào lo lắng được khi phải bận rộn tính toán và lên kế hoạch cho một việc gì đó. Như trong trường hợp của tôi, việc tập trung đóng thuyền cho con đã giúp đánh bật nỗi lo lắng ra khỏi tâm trí. Thế là tôi quyết tâm giữ cho mình lúc nào cũng bận rộn. +++
Ngay đêm đó, tôi đi từ phòng này sang phòng khác trong nhà, lên một danh sách các việc cần làm. Có hàng đống thứ cần được sửa chữa: tủ sách, cầu thang, cửa chớp, cánh cửa sổ, nắm đấm cửa, khóa cửa, vòi nước bị hở. Thật ngạc nhiên là chỉ trong hai tuần, tôi đã tìm ra 242 thứ cần phải được sửa chữa.
Suốt hai năm trôi qua tôi đã sửa gần hết những vật dụng đó. Ngoài ra, tôi còn lấp đầy thời gian trống của mình bằng các hoạt động xã hội khác. Mỗi tuần hai tối, tôi tham dự các lớp học dành cho người trưởng thành ở New York. Tôi tham gia các buổi sinh hoạt xã hội tại địa phương và hiện đang là trưởng ban giáo dục. Tôi cũng giúp việc quyên tiền tài trợ cho Hội Chữ Thập Đỏ và nhiều hoạt động khác. Giờ đây tôi bận rộn đến nỗi không còn thời gian mà lo lắng”.
Không có thời gian để lo lắng! Đó cũng chính là lời Winston Churchill(16) đã nói khi phải làm việc 18 giờ mỗi ngày trong thời kỳ cao điểm của Thế chiến thứ hai. Lúc được hỏi ông có lo lắng về trọng trách to lớn mà mình đang đảm nhiệm không, Churchill đã trả lời “Tôi quá bận rộn nên không có thời gian để lo lắng về chuyện ấy”
Giống như Winston Churchill, trong quá trình nghiên cứu để phát minh bộ khởi động tự động dùng cho ô-tô, Charles Kettering cũng miệt mài làm việc đến mức không còn thời gian lo lắng. Lúc ấy, ông nghèo đến nỗi phải lấy gác xếp trong kho chứa cỏ khô làm phòng thí nghiệm và dùng 1.500 đô-la vợ ông dành dụm từ thù lao dạy đàn piano của bà để mua sắm dụng cụ nghiên cứu. Sau đó ông còn phải mượn thêm 500 đô-la từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình. Tôi hỏi vợ ông rằng khi đó bà có lo lắng hay không. Bà trả lời: “Có chứ, tôi lo đến mất ngủ, nhưng ông Kettering thì không. Ông ấy quá mải mê với công việc đến nỗi không còn thời gian để lo lắng nữa”.
Nhà khoa học vĩ đại Pasteur có nói về “sự thanh thản trong thư viện và phòng thí nghiệm”. Tại sao lại tìm được sự thanh thản ở những nơi đó? Vì người làm việc trong thư viện và phòng thí nghiệm luôn miệt mài nghiên cứu khoa học và không còn tâm trí để lo lắng về những vấn đề cá nhân của mình. Họ hiếm khi bị suy sụp tình thần bởi không có thời gian để phung phí cho việc lo nghĩ.
Tại sao việc đơn giản giữ cho mình luôn bận rộn lại có thể xua tan nỗi lo lắng? Các nhà tâm lý có thể lý giải điều này dựa trên một quy luật cơ bản nhất của tâm lý học: Một người dù thông minh đến mấy cũng không thể đồng thời nghĩ đến hai điều. Không thể cùng một lúc vừa hăng hái và nhiệt tình làm một việc gì đó vừa cảm thấy lo lắng bất an. Trạng thái cảm xúc này sẽ loại bỏ trạng thái cảm xúc kia.
Chính phát hiện đơn giản đó đã giúp các bác sĩ tâm thần đạt được những kết quả kỳ diệu chữa trị cho các quân nhân bị rối loạn thần kinh sau Thế chiến thứ hai. Nhiều người lính bước ra khỏi cuộc chiến mà vẫn bị ám ảnh vì những gì đã trải qua, và họ đã được các bác sĩ chữa trị bằng toa thuốc: “Bận rộn liên tục”. Từng phút trong ngày của những bệnh nhân này được sắp xếp kín các hoạt động – thường là các hoạt động ngoài trời như: câu cá, săn bắn, chơi bóng, chơi golf, chụp ảnh, làm vườn, khiêu vũ … để họ không còn thời gian rỗi mà nhớ lại sự kinh hoàng của chiến tranh.
Ngày nay, thuật ngữ “liệu pháp lao động” được dùng trong tâm thần học để chỉ việc sử dụng lao động như một phương pháp chữa bệnh. Đây không phải là một phương pháp mới mẻ gì. Nó đã được các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại sử dụng từ 500 năm trước công nguyên.
Những tín đồ phái Quaker(17) cũng từng sử dụng phương pháp chữa bệnh này ở Philadephia từ thế kỷ 18. Năm 1774, có người đến thăm một viện điều dưỡng của họ và đã bị sốc khi chứng kiến cảnh các bệnh nhân tâm thần đang hì hục quay sợi lanh. Anh ta cứ nghĩ những con người khốn khổ này đang bị bóc lột, cho đến khi anh được những tín đồ ở đấy giải thích rằng việc sẽ giúp soa dịu các dây thần kinh của bệnh nhân.
Bất cứ một bác sĩ tâm thần nào cũng sẽ nói với bạn rằng công việc – hay việc giữ cho mình luôn bận rộn – là một trong những phương thuốc tốt nhất cho người mắc bệnh thần kinh. Thi hào Mỹ Henry W. Longfellow đã nhận ra điều đó khi vợ ông qua đời. Một ngày, trong lúc vợ chồng ông đang lấy nên hơ tan lớp xi dính thì quần áo của bà bị bắt lửa. Longfellow nghe thấy tiếng hét của vợ, vội lao đến nhưng không kịp nữa, bà đã chết vì bỏng nặng. Ông đau đớn vì cái chết thương tâm của vợ đến nỗi gần như hóa điên trong một thời gian sau đó. Nhưng may mắn là ông còn ba đứa con nhỏ đang cần đến sự chăm sóc của cha. Mặc dù rất đau buồn, ông vẫn phải gắng gượng đảm nhận vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ. Ông đưa các con đi dạo, kể chuyện cho chúng nghe, chơi với chúng và viết bài thơ bất hủ The Children’s Hour về các con. Ông còn dốc công dịch trọn vẹn kiệt tác La Divina Commedia (Thần khúc). Của Dante sang tiếng Anh, một bản dịch được xem là hay nhất trong rất nhiều bản dịch tác phẩm này. Tất cả những công việc đó khiến ông lúc nào cũng bận bịu đến quên cả bản thân và dần lấy lại sự thanh thản. Đúng như những gì Tennyson(18) nói khi ông mất đi người bạn thân thiết nhất của mình là Arthur Hallam: “Tôi phải làm việc để quên đi chính mình, để khỏi bị khô héo tâm can vì đau buồn”.
Trong lúc làm việc không ngơi tay, phần lớn chúng ta đều không phải khổ tâm vì suy nghĩ. Thế nhưng khoảng thời gian thảnh thơi sau giờ làm việc là rất nguy hiểm. Thời gian dành cho việc nghỉ ngơi vui vẻ ấy cũng chính là lúc sự lo lắng buồn phiền dễ len lỏi vào tâm trí chúng ta nhất. Đó là lúc chúng ta bắt đầu băn khoăn liệu mình đã đạt được những gì trong cuộc sống; liệu đời mình có tẻ nhạt quá không; sếp “có ý gì” không khi nhận xét như thế vào hôm nay; hay liệu mình có mất đi sự hấp dẫn với người khác giới, v.v
Khi không có việc gì làm, đầu óc chúng ta sẽ trở nên trống rỗng. Và như bất kỳ một vật trống rỗng nào khác, sẽ có một cái gì đó lập tức ùa vào lấp đầy nó. Và lấp đầy đầu óc ta khi đó là những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, thù oán, ghen tị, và ganh ghét. Vì sao vậy? Vì từ thuở sơ khai của loài người, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và đời sống đã tạo nên những cảm xúc ấy trước tiên, trở thành thiên hướng cảm xúc cố hữu của con người. Chúng mãnh liệt đến nỗi có thể lấn át tất cả những cảm xúc và ý nghĩ vui tươi, thanh thản khác của chúng ta.
James L. Mursell, giảng viên Đại học Sư phạm Columbia nhận xét: “Lo âu dễ khiến chúng ta bị rối loạn tinh thần nhất vào lúc ta đã hoàn thành công việc chứ không phải khi đang đầu tắt mặt tối với nó. Trí tưởng tượng lúc thảnh thơi sẽ vẽ ra cả những khả năng không tưởng nhất, sau đó lại phóng đại hậu quả của chúng lên. Những lúc như thế, đầu óc ta như một động cơ quay tít… Phương thuốc chữa trị lo lắng hữu hiệu là làm cho tâm trí bận rộn với một công việc tích cực nào đó”.
Không nhất thiết bạn phải là giáo sư đại học mới có thể nhận ra và áp dụng điều này. Trong thế chiến thứ hai, tôi có gặp một bà nội trợ người Chicago trên chuyến xe lửa từ New York đi Missouri và đã được nghe kể về cách bà nghiệm ra rằng: “Phương thuốc trị lo lắng hữu hiệu là làm cho tâm trí bận rộn với một công việc hữu ích nào đó”.
Vợ chồng bà có con trai tham gia quân đội từ sau trận Trân Châu Cảng(19) và bà gần như tự hủy hoại sức khỏe của mình vì quá lo nghĩ cho cậu con trai độc nhất. “Nó đang ở đâu” Có an toàn không? Hay đang chiến đấu? Liệu nó có bị thương không? Hay là đã chết?...” Những câu hỏi đó cứ quay cuồng trong đầu bà.
Khi tôi hỏi làm thế nào để bà thoát khỏi nỗi lo lắng ấy, bà nói: “Tôi làm cho mình lúc nào cũng bận rộn”. Đầu tiên, bà cho người giúp việc nghỉ để bản thân luôn bận bịu với việc nội trợ. Nhưng điều đó chẳng mấy tác dụng.
“Vấn đề ở chỗ tôi có thể làm việc nhà một cách máy móc mà không cần phải dùng đến đầu óc. Vì vậy, tôi vẫn cứ lo nghĩ trong khi dọn phòng hay rửa bát. Tôi nhận ra rằng mình cần một công việc đòi hỏi phải bận rộn cả chân tay lẫn đầu óc nên đã xin một chân bán hàng trong một cửa hàng bách hóa lớn.
Và công việc đó đã thực sự giúp ích cho tôi. Tôi thấy mình bị cuốn vào cuồng quay của công việc: Khách hàng liên tục hỏi tôi về mẫu mã, giá cả, kích cỡ, màu sắc,… Khiến tôi không có lấy một giây để nghĩ ngợi đến thứ gì ngoài việc bán hàng. Đêm về, tôi lại quanh quẩn cách làm giảm đau cho cái chân mỏi nhừ. Sau bữa tối, tôi lên giường và lập tức ngủ say như chết. Tôi chẳng còn thời gian và hơi sức đâu để mà lo nghĩ”.
Bà đã trải nghiệm điều mà John Cowper Powys đã viết trong quyển The Art of Forgetting the Unpleasant (Nghệ thuật quên đi những điều không vui): “Khi miệt mài tập trung vào công việc, tâm trí ta sẽ được xoa dịu trong sự bình yên, thanh thản và cảm giác lâng lâng hạnh phúc”.
Thật may mắn vì sự thật đúng là như thế! Osa Johnson, nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới đã kể cho tôi nghe cách bà dẹp bỏ được lo lắng và phiền muộn. Năm 16 tuổi, bà kết hôn với Martin Johnson và rời khỏi những con đường bằng phẳng vùng Chanute của bang Kansas để đến với những lối đi rậm rạp trong những khu rừng hoang dã ở Borneo. Suốt ¼ thế kỷ, đôi vợ chồng người Kansas này đã đi khắp thế giới, thực hiện những bộ phim tài liệu về cuộc sống hoang dã đang dần biến mất ở Châu Phi và Châu Á. Sau đó, họ bắt đầu đi diễn thuyết và công chiếu các bộ phim của mình. Không may, họ gặp nạn trong một chuyến bay từ Denver đến vùng duyên hải khi máy bay đâm vào một ngọn núi. Tai nạn khiến Martin Johnson chết ngay tại chỗ. Còn Osa, các bác sĩ chẩn đoán bà phải nằm liệt giường suốt đời. Nhưng bác sĩ đã không hiểu hết về con người của Osa Johnson. Ba tháng sau, bà đã ngồi trên xe lăn để diễn thuyết trước một đám đông khán giả. Khi tôi hỏi vì sao bà phải làm như vậy, bà trả lời: “Tôi muốn mình không có thời gian để đau khổ và ưu phiền” +++
Đô đốc Byrd(20) cũng nhận ra điều đó khi ông phải sống một mình suốt 5 tháng trong một chiếc lều chôn dưới lớp băng tuyết vùng Nam cực buốt giá – lớp băng nắm giữ những bí mật lâu đời của tự nhiên, bao phủ trên một diện tích rộng lớn cả nước Mỹ và châu Âu gộp lại. Suốt 5 tháng trời Đô đốc Byrd đã sống một mình ở đó, nơi không một sinh vật nào có thể tồn tại trong vòng bán kính 100 dặm. Cái lạnh khắc nghiệt đến mức ông có thể nhìn thấy hơi thở của mình bị đông cứng rồi kết thành băng và bay rít qua tai ông mỗi khi có gió thổi qua. Trong quyển Alone (Một mình), ông đã kể lại những ngày tháng sống trong bóng tối hoang vu, cô đơn và nặng nề đó. Ngày cũng như đêm, quanh ông chỉ là một màu đen thăm thẳm mênh mông. Ông phải giữ cho mình luôn bận rộn thì đầu óc mới tỉnh táo và sáng suốt. Ông viết:
“Ban đêm, trước khi tắt đèn đi ngủ, tôi tập cho mình thói quen phân chia sẵn thời gian cho từng công việc ngày mai. Chẳng hạn như một giờ để thông đường hầm lên mặt đất đã bị tuyết phủ kín sau một đêm, nửa giờ để san phẳng lớp tuyết bao phủ quanh hầm, một giờ để dựng thẳng lại các ống nhiên liệu, và một giờ để đục các giá sách trên bức tường hầm chứa thức ăn và hai giờ để gia cố lại thanh ngang bị gẫy trong chiếc xe kéo”.
Ông cho biết: “Cách làm này mang lại cho tôi một nhận thức rõ ràng là mình đang làm chủ bản thân. Nếu không, chuỗi ngày ở Nam cực sẽ là những ngày trống rỗng; và khi không có mục đích, cuộc sống của con người sẽ tự tan rã rồi chấm dứt”.
Bạn hãy lưu ý câu nói cuối cùng của ông: “Khi sống không có mục đích, cuộc sống của con người sẽ tự tan rã rồi chấm dứt”.
Nếu bạn và tôi đang lo lắng về vấn đề gì đó, hãy ghi nhớ rằng chúng ta có thể áp dụng liệu pháp cổ xưa này như một phương thuốc hữu hiệu. Nó đã được khẳng định bởi các nhà chuyên môn, trong đó có bác sĩ Richard C. Cabot, nguyên giáo sư y học lâm sàng của Đại học Harvard. Trong quyển sách What Men Live By (Con người sống nhờ vào điều gì), bác sĩ Cabon nói: “Là một bác sĩ, tôi có hạnh phúc lớn được chứng kiến việc lao động đã cứu được nhiều bệnh nhân mắc chứng chấn động thần kinh, chân tay tê liệt và run rẩy mà nguyên nhân là do nghi ngờ, lưỡng lự, do dự và sợ hãi”.
George Bernard Shaw đã đúng khi tổng kết rằng: “Muốn làm cho mình khốn khổ thì chỉ cần hỏi” bản thân có hạnh phúc hay không”. Vì vậy, đừng nên dành thời gian cho việc nghĩ ngợi mà hãy xắn tay vào công việc và giữ cho mình luôn bận rộn. Khi lao mình vào công việc, máu trong cơ thể bạn sẽ lưu thông mạnh mẽ, trí óc sẽ năng động và nguồn sống dồi dào của cơ thể sẽ sớm xua tan nỗi lo lắng trong bạn.
Đừng ăn không ngồi rồi mà hãy giữ cho mình luôn hoạt động hướng về một mục đích tốt đẹp. Đó là phương thuốc rẻ nhất và hữu hiệu nhất trên đời để chữa trị căn bệnh lo lắng.
Để loại bỏ thói quen hay lo lắng, hãy tuân theo Nguyên tắc 1: Hãy giữ cho mình luôn bận rộn
Có lẽ suốt đời tôi không thể quên câu chuyện gây cấn và hấp dẫn mà Robert Moore ở Maplewood, New Jersey, đã kể cho tôi nghe. Câu chuyện của Robert Moore như sau:
“Tôi đã học được bài học quý giá nhất trong cuộc đời vào tháng 3 năm 1945, ở độ sâu gần 90 mét ngoài khơi biển Đông. Lúc ấy, tôi là một trong 80 người có mặt trên chiếc tàu ngầm Baya S.S. 318. Qua ra-đa, chúng tôi phát hiện ra một đội tàu chiến của Nhật đang tiến về phía mình. Quan sát qua kính tiềm vọng, tôi thấy chúng gồm một tàu khu trục hộ tống, một tàu chở dầu và một tàu thả thủy lôi. Chúng tôi lặn xuống để chuẩn bị tấn công. Chúng tôi bắn ba quả ngư lôi về phía tàu khu trục nhưng bị trượt do có bộ phận nào đó của vũ khí này bị hỏng.
Chiếc khu trục vẫn không hay biết gì về việc vừa bị tấn công nên tiếp tục di chuyển. Nhưng khi chúng tôi chuẩn bị tấn công chiếc cuối cùng chở thủy lôi thì đột nhiên nó chuyển hướng nhắm vào chúng tôi. (Sau này tôi được biết một máy bay Nhật đã phát hiện ta vị trí tàu S.S. 318 ở độ sâu khoảng 18 mét và báo cho nó biết). Chúng tôi buộc phải lặn xuống độ sâu 45 mét nhằm tránh bị phát hiện và chuẩn bị đối phó với đợt tấn công sắp đến bằng cách tắt hết các cánh quạt, hệ thống làm lạnh và thiết bị điện để giữ im lặng tuyệt đối.
Ba phút sau, 6 quả mìn phát nổ xung quanh như trời long đất lở, nhấn S.S. 318 xuống độ sâu gần 90 mét dưới đáy đại dương. Chúng tôi vô cùng kinh hoàng. Bị tấn công trong trường hợp này là vô cùng nguy hiểm, gần như cầm chắc cái chết. Vậy mà khi ấy, chiếc tàu chở thủy lôi liên tiếp dội mìn suốt 15 giờ. Chỉ cần một quả mìn phát nổ cách chúng tôi 5 mét thì chấn động của nó cũng đủ sức khoét một lỗ sâu vào chiếc tàu ngầm của chúng tôi. Mà có tới hàng chục quả như thế phát nổ cách chúng tôi chỉ chừng 15 mét.
Chúng tôi nhận được lệnh không được manh động – phải nằm yên trong khoang tàu và giữ bình tĩnh. Nhưng tôi hoảng hốt đến mức gần như nghẹt thở, miệng liên tục lẩm bẩm: “Chết rồi! Chết rồi! … Chết rồi!. Lúc ấy, nhiệt độ trong khoang lên đến gần 38oC do quạt máy và hệ thống làm lạnh đã tắt hết, nhưng rồi sợ hãi đến mức dù đã mặc thêm một áo len và một áo khoác lót lông thú rồi mà vẫn run lên bần bật. Răng tôi đánh vào nhau lập cập. Mồ hôi túa ra lạnh toát.
Cuộc tấn công kéo dài 15 giờ rồi đột ngột chấm dứt. Có lẽ con tàu kia đã sử dụng hết số mìn và lặng lẽ rời đi. Suốt 15 giờ dài đăng đẳng chẳng khác nào 15 triệu năm ấy, mọi ký ức hiện ra trong tôi. Tôi nhớ về tất cả những việc không tốt mà mình đã làm cũng như tất cả những lo lắng vụn vặt trước đây.
Hồi chưa gia nhập Hải quân, tôi từng là một nhân viên ngân hàng. Khi ấy, lúc nào tôi cũng không yên về chuyện tiền lương và thăng tiến. Tôi lo không có nhà riêng, không mua được ô-tô mới, không sắm được cho vợ những bộ quần áo đẹp. Tôi đã ghét ông sếp suốt ngày la rầy quát mắng biết bao! Tôi còn nhớ lần mình về nhà lúc nửa đêm, bực tức, gắt gỏng và cãi cọ với vợ vì những chuyện không đâu. Tôi cũng rất lo ngại về vết sẹo xấu xí còn lưu lại trên trán – hậu quả của một vụ va chạm xe hơi bình thường.
Ngày trước, những lo lắng ấy mới to tát làm sao! Nhưng dường như chúng chẳng còn nghĩa lý gì khi những quả mìn đang nổ ầm ầm bên cạnh, đe dọa lấy mạng tôi bất cứ lúc nào. Ngay lúc ấy, tôi đã tự hứa với bản thân rằng nếu còn được sống để nhìn thấy mặt trời thì tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ lo lắng nữa. Không bao giờ! Không bao giờ! Không bao giờ!!!
Trong 15 giờ trên tàu ngầm ngày hôm ấy, đúng là tôi đã học được về cách sống còn nhiều hơn cả bốn năm sách vở tại Đại học Syracuse.”
Chúng ta thường dũng cảm đương đầu với những thảm họa khủng khiếp – nhưng lại để những thứ vụn vặt làm cho mình khổ sở. Chẳng hạn, trong quyển nhật ký của mình, Samuel Peoys đã kể lại vụ chặt đầu Ngài Harry Vane(21) ở Luân Đôn như sau: Khi bị đưa lên đoạn đầu đài, Ngài Harry Vane không hề cầu xin được tha chết nhưng lại xin đao phủ đừng chạm vào chỗ cái mụn đinh sưng tấy ở cổ ông!
Trong cái lạnh buốt cóng và bóng tối thăm thẳm của đêm địa cực, Đô đốc Byrd cũng phát hiện rằng tùy tùng của ông dễ nổi nóng vì những chuyện nhỏ nhặt hơn là những điều hệ trọng. Họ có thể chịu đựng nguy hiểm, gian khổ trong cái lạnh ít nhất là âm 300C mà không than vãn lời nào. “Nhưng”, Đô đốc Byrd nói, “tôi biết có những người cùng lều đã không thèm nói với nhau nửa lời chỉ vì người này nghi ngờ người kia đã để đồ đạc lấn sang chỗ mình vài centimét; và tôi còn biết có những người sẽ không thể nuốt trôi cơm nếu không tìm được một chỗ ngồi khuất xa những tín đồ Fletcherist kỳ cục, những người nhất định phải nhai đủ 28 lần rồi mới nuốt!”.
Ông kết luận: “Trong một chiếc lều ở địa cực, những thứ nhỏ nhặt như thể có thể khiến một người rất tôn trọng kỷ luật cũng nổi khùng lên”.
Từ những lời của Đô đốc Byrd, hẳn các bạn cũng có thể tự bổ sung thêm: Những điều vặt vãnh trong hôn nhân cũng có thể làm người ta mất hết bình tĩnh và là nguyên nhân của “một nửa số ca đau tim trên thế giới”.
Ít ra đó cũng là ý kiến của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, Thẩm phán Joseph Sabath ở Chicago, sau khi phân xử hơn 40.000 cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã kết luận: “Những bất hòa nhỏ nhặt là lý do chủ yếu gây ra bất hạnh trong hôn nhân”. Còn Frank S. Hogan, cựu Công tố viên của New York thì nói: “Hơn một nửa án hình sự xuất phát từ những điều vụn vặt. Thái độ chướng mắt ở quán rượu, những vụ cãi cọ trong gia đình, một nhận xét xúc phạm, một lời nói dè bỉu, một hành động thô lỗ - tất cả đều có thể dẫn đến những vụ xô xát và giết người. Rất hiếm người chủ tâm làm điều sai trái mà chủ yếu là do bị ức chế vì những thứ nhỏ nhặt nhưng động chạm đến lòng tự ái và thể diện của mình. Chính chúng đã gây ra một nửa số trường hợp bệnh tim trên thế giới”.
Khi mới kết hôn, bà Eleanor Roosevelt “lo lắng cả ngày” bởi người đầu bếp mới đã nấu một bữa ăn rất tệ. Sau này, bà nói: “Nhưng nếu bây giờ chuyện ấy lại xảy ra, tôi sẽ nhún vai bỏ qua”. Đó chính là cách xử lý của một người đã trưởng thành. Ngay đến nữ hoàng Catherine Đệ nhất nổi tiếng độc đoán cũng chỉ cười trừ nếu đầu bếp làm hỏng bữa tối.
Tôi và vợ có lần đến ăn tối tại nhà một người bạn ở Chicago. Trong lúc thái thịt, anh bạn tôi đã làm điều gì đó không đúng cách. Tôi không chú ý đến; mà ngay cả có chú ý thì cũng chẳng thấy có vấn đề gì. Nhưng vợ anh thì khác. Chị mắng té tát vào mặt chồng ngay trước mặt chúng tôi: “Jonh, nhìn xem anh đang làm gì! Anh không dọn một bữa ăn cho tử tế được à!”.
Rồi chị bảo chúng tôi: “Anh ấy lúc nào cũng vụng về như thế đấy. Chẳng bao giờ anh ấy chịu để tâm làm việc gì cho ra hồn cả”. Có thể là anh bạn tôi đã không gắng thái thịt cho đẹp mắt nhưng tôi thực sự khâm phục anh vì đã gắng chung sống với vợ suốt 20 năm. Thành thật mà nói, tôi thà ăn xúc xích với mù tạc – trong bầu không khí yên bình – còn hơn là ăn vịt quay Bắc Kinh và vây cá mập mà phải nghe tiếng la hét của chị ấy.
Không lâu sau đó, hai vợ chồng tôi cũng mời mấy người bạn đến nhà ăn tối. Ngay trước khi khách đến, vợ tôi phát hiện có 3 chiếc khăn ăn không hợp với vải trải bàn.
Sau này, cô ấy kể lại với tôi: “Lúc ấy, em chạy vội vào hỏi người giúp việc mới biết là 3 chiếc khăn ấy đang còn ở tiệm giặt. Khách đã đến ngoài cửa rồi nên không thay kịp nữa. Em cảm thấy muốn khóc với ý nghĩ: “Sao mình lại không chú ý đến điều này từ trước? Nó có thể làm cho buổi tiệc mất vui?”. Nhưng rồi em chợt nghĩ: “Sao mình lại để cho sai sót ấy phá hỏng cả buổi tối của mình cơ chứ? Có một chút kinh nghiệm thì đã sao?”. Vậy là em đến bàn ăn, quyết tâm phải tạo ra một bầu không khí thật vui. Và em đã làm được. Em thà để bạn bè nghĩ mình là một bà nội trợ đễnh đoảng mà tươi vui còn hơn là một chủ nhà khó tính, cáu bẳn. Đến lúc khách khứa ra về hết, em thở phào nhẹ nhõm vì không thấy ai để ý đến mẫy chiếc khăn ăn!”
Có một câu quen thuộc trong luật pháp là: “Luật không xét xử những điều vụn vặt”. Và những người hay lo lắng cũng nên có quan niệm ấy – nếu muốn tìm được sự thư thái trong tâm hồn. Trong phần lớn các trường hợp, để vượt qua nỗi bực dọc vụn vặt, tất cả những gì chúng ta cần làm là thay đổi cách nhìn – xem xét sự việc dưới một góc độ mới, độ lượng hơn. Homer Croy, một người bạn của tôi đồng thời là tác giả của They Had to See Paris (Họ phải thấy Paris) cùng rất nhiều quyển sách khác chính là một tấm gương điển hình về chuyện này. Trước kia, anh thường phát cáu mỗi khi nghe tiếng lách cách của chiếc lò sưởi điện. Anh kể lại:
“Nhưng rồi có lần tôi cùng bạn bè đi cắm trại. Lúc nghe thấy cành cây nổ lách tách trong ánh lửa nhảy nhót, tôi thấy chúng giống tiếng lách cách của cái lò sưởi ở nhà vô cùng. Thế mà tại sao tôi lại thích cái này và ghét cái kia? Khi trở về căn hộ ở New York, tôi tự nhủ: “Tiếng nổ giòn lách tách của lò sưởi cũng thế - mình sẽ đi ngủ và không bận tâm gì đến tiếng ồn của nó nữa”. Và đúng là tôi đã làm được. Mấy ngày đầu tôi vẫn còn hơi khó chịu vì cái lò sưởi; nhưng chẳng bao lâu tôi đã quên mất sự hiện diện của nó.
Những lo lắng vụn vặt của chúng ta cũng tương tự như thế. Chúng ta sợ điều này điều kia rồi bắt đầu cuống quyết lên trong khi thực ra, chúng ta đang thổi phồng sự nghiêm trọng của chúng”.
Disraeli(22) từng nói: “Cuộc đời quá ngắn ngủi để có thời gian xét nét những điều vụn vặt”. Và André Maurois đã viết trong tạp chí This Week rằng: “Câu nói ấy đã giúp tôi vượt qua rất nhiều chuyện đau lòng; chúng ta thường để bản thân bị giày vò bởi những thứ lẽ ra nên xem thường và bỏ qua … Chúng ta ở đây, trên trái đất này, chỉ sống thêm được vài chục năm nữa, vậy mà cứ tiêu phí thời gian vô giá vào việc gặm nhấm những chuyện phiền muộn mà chỉ sau một năm đã chẳng ai còn nhớ. Không, hãy dành thời gian cho những hành động và cảm xíc đáng quý, cho những suy nghĩ lớn lao, những tình cảm sâu sắc và những sự nghiệp lâu dài”.
Tuy nhiên, con người không phải lúc nào cũng thực hiện được đúng theo sự hiểu biết của mình. Một người lỗi lạc như Rudyard Kipling(23) cũng có lúc quên mất phương châm sống này. Hậu quả ra sao? Ông và người em vợ đã có một vụ kiện tụng ầm ĩ nhất trong lịch sử Vermont – một vụ tranh chấp ở tòa nổi tiếng đến mức có cả một quyển sách viết về nó: Mối bất hòa tại Vermont của Rudyard Kipling.
Chuyện là thế này: Kipling kết hôn với Caroline Balestier, một cô gái người Vermont, rồi cho xây một căn nhà xinh xắn ở Brattleboro, Venmont, với ý định sống những năm tháng cuối đời ở đó. Người em vợ, Beatty Ballestier, trở thành bạn thân nhất của ông. Hai người cùng làm việc và chơi với nhau.
Sau đó Kipling mua một miếng đất của Balestier với thỏa thuận rằng cậu em vợ vẫn được quyền cắt cỏ ở đấy mỗi mùa. Nhưng một hôm Balestier lại thấy Kipling đang trồng một vườn hoa trong khu đồng cỏ. Thế là anh ta sôi máu lên và đùng đùng nổi giân. Kipling cũng không vừa. Không khí trong lành vùng Green Mountains ở Vermont bổng trở nên căng thằng, ngột ngạt.
Mấy hôm sau, khi Kipling đang đạp xe đi dạo thì cậu em vợ đột ngột đánh xe kéo theo một đàn ngựa băng ngang đường khiến Kipling loạng choạng ngã khỏi xe. Trước đó, chính ông đã viết rằng: “Hãy giữ cái đầu mình tỉnh táo ngay cả khi những người xung quanh đã mất hết lý trí và đổ lỗi cho ta”. Nhưng trong tình huống ấy, Kipling đã nổi điên lên và thề sẽ khiến Balestier bị bắt giữ! Vậy là, một phiên xử gây xôn xao đã diễn ra. Phóng viên từ các thành phố lớn đổ về thị trấn. Tin tức bay đi khắp thế giới. Cuối cùng, chẳng giải quyết được việc gì, Kipling cùng vợ rời quê hương đi sang nước khác sống suốt phần đời còn lại. Ngần ấy lo lắng và hục hặc chỉ vì một thứ vụn vặt! Một đống cỏ khô.
Hai mươi bốn thể kỷ trước đây, Pericless(24) nói: “Thôi nào, các quý ông, chúng ta đã chấp nhặt quá lâu rồi đấy!”. Đúng là con người rất thường rơi vào thái độ đó, khiến cho cuộc sống của chúng ta mệt mỏi và căng thẳng một cách không cần thiết.
Dưới đây tôi xin thuật lại một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất do mục sư Harry Amerson Fosdick kể về sự thành bại của một cây đại thụ trong rừng.
“Trên miền núi Long’s Peak ở Colorado có một cây đại thụ đã khô héo, chỉ còn trơ lại phần gốc. Theo các nhà tự nhiên học, nó đã sống được hơn 400 năm. Lúc Columbus đặt chân đến San Salvador (1492), nó mới chỉ là một chồi non bé nhỏ. Đến khi những người Pilgrims định cư ở Plymouth (1620), nó vẫn đang tuổi phát triển. Thân cây cổ thụ từng bị sét đánh 14 lần, đã trải qua vô số trận lở đất và bão tố mà vẫn hiên ngang trụ vững. Nhưng, cuối cùng nó đã chết vì một đàn bọ cánh cứng bé xíu. Những con vật bé nhỏ đã ăn xuyên qua lớp vỏ cây rồi từ từ và dai dẳng hủy hoại sức sống của cây. Một gốc đại thụ mà thời gian không khuất phục được, sấm sét không đánh ngã được, bão tố không phá hủy được, cuối cùng lại ngã gục trước những con bọ nhỏ xíu mà người ta chỉ cần dí một đầu ngón tay là có thể nghiền nát.
Chẳng phải chúng ta rất giống cây đại thụ đó sao? Chẳng phải chúng ta có thể vượt qua những cơn bão tố, sấm sét của cuộc đời, thế rồi lại để trái tim mình bị ăn mòn bởi những con bọ lo lắng bé nhỏ sao – những con vật có thể bị giết chết chỉ với một đầu ngón tay?
Tôi từng đến thăm Công viên quốc gia Teton ở Wyoming với Charled, người quản lý tuyến quốc lộ của bang Wyoming, cùng vài người bạn của anh. Mọi người quyết định tham quan khu đất của John D. Rockfeller trong côn viên. Nhưng do rẽ nhầm đường và bị lạc nên xe tôi đến lối vào của khu đất muộn hơn một giờ so vớ các xe khác. Anh Seifred là người giữ chìa khóa mở cổng nên phải nán lại đợi tôi trong khu rừng nóng ẩm. Muỗi ở đó dày đặc đến mức một vị thánh cũng phải phát điên, vậy mà chúng phải chịu thua Charles Seifred. Trong khi chờ đợi, anh đã ngắt một chiếc lá rồi làm thành một cái kèn. Khi đến nơi, chúng tôi thấy anh đang thong dong thổi kèn! Đến nay tôi vẫn giữ lại chiếc kèn đó như vật kỷ niệm về một người biết đặt những thứ nhỏ nhặt vào đúng vị trí của chúng.
Để có thể gạt bỏ nỗi lo lắng trước khi nó hủy hoại bạn, hãy tuân theo nguyên tắc 2:
ĐỪNG QUAN TÂM QUÁ NHIỀU ĐẾN NHỮNG CHUYỆN VẶT VÃNH.
HÃY NHỚ RẰNG:
“CUỘC ĐỜI QUÁ NGẮN NGỦI ĐỂ CÓ THỜI GIAN XÉT NÉT NHỮNG ĐIỀU VỤN VẶT”
LUẬT BÌNH QUÂN: PHƯƠNG THUỐC HIỆU NGHIỆM!
Ngày còn nhỏ, lúc nào tôi cũng lo lắng. Khi mưa bão, tôi sợ mình sẽ bị sét đánh chết. Thời kỳ khó khăn, tôi sợ chúng tôi sẽ không có gì để ăn. Tôi sợ bị chôn sống, sợ lúc chết sẽ phải xuống địa ngục. Tôi cũng rất sợ một thằng bé lớn tuổi hơn tên là Sam White sẽ cắt tai tôi như lời nó dọa. Tôi sợ các cô gái sẽ cười nếu tôi bày tỏ tình cảm đối với họ. Tôi sợ không biết sẽ phải nói gì với vọ ngay sau đám cưới. Tôi tưởng tượng chúng tôi sẽ tổ chức lễ cưới trong một nhà thờ ở vùng nông thôn, rồi bước lên một chiếc xe ngựa có tua rua trang trí và đánh xe trở về nông trại … Nhưng tôi biết nói chuyện gì trên suốt quãng đường ấy? Làm cách nào giữ cho cuộc đối thoại được liên tục? Làm sao đây? … Tôi sứ suy nghĩ về vấn đề ghê gớm đó hàng giờ liền những lúc đang đi sau lưỡi cày trên cánh đồng.
Nhiều năm trôi qua, tôi dần nhận ra rằng 90% những điều tôi lo lắng sẽ không bao giờ xảy ra.
Chẳng hạn về nỗi sợ sấm sét, đến bây giờ tôi đã biết rằng tỷ lệ người bị sét đánh chết chỉ là 1/350.000. Việc sợ bị chôn sống thậm chí còn vô lý hơn: ngay cả vào thời man rợ, cũng chỉ có 1/10.000.000 người bị chôn sống. Ấy thế mà tôi từng khóc lóc lo sợ về chuyện đó!
Những lo sợ ngớ ngẩn kiểu này không chỉ có ở tuổi niên thiếu và vị thành niên mà người lớn đôi khi cũng không tránh khỏi. Bạn và tôi có thể loại bỏ 9/10 những lo âu của mình ngay lập tức nếu chịu dành ra một khoảng thời gian hợp lý tạm gác lại nỗi phiền muộn để kiểm tra xem theo luật bình quân, liệu có căn cứ nào cho những lo lắng của mình hay không.
Công ty bảo hiểm nổi tiếng nhất thế giới – Lloyd’s of London – đã kiếm được hàng triệu đô-la nhờ xu hướng hay lo lắng về những chuyện hiếm khi xảy ra của mỗi người. Lloyd’s o London đánh cược với khách hàng rằng những thảm họa mà họ đang lo lắng sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, công ty này không gọi đó là đánh cược. Họ gọi đó là bảo hiểm. Nhưng thực chất đây là một sự đánh cược dựa trên luật bình quân. Công ty bảo hiểm này đã không ngừng lớn mạnh trong hơn 200 năm qua; và nếu bản tính của con người không thay đổi, nó sẽ vẫn tiếp tục lớn mạnh trong hơn 50 thế kỷ nữa, bằng cách bảo hiểm dày dép, tàu thuyền, xi gắn … khỏi những thảm họa mà theo luật bình quân, sẽ không xảy ra thường xuyên như người ta tưởng.
Nếu xem xét kỹ quy luật này, chúng ta sẽ phải kinh ngạc trước những gì ta phát hiện được. Chẳng hạn, nếu biết rằng trong 5 năm nữa mình phải chiến đấu trong một trận đánh đẫm máu như trận Gettysburg(25), tôi sẽ hoảng sợ. Tôi sẽ tham gia tất cả mọi loại bảo hiểm nhận thọ có thể tìm được. Tôi sẽ viết di chúc và thu xếp hết những vấn đề chưa giải quyết xong. Tôi tự nhủ: “Biết đâu mình không sống nổi qua trận này, thế thì phải gắng tận dụng những năm tháng ít ỏi còn lại của cuộc đời”. Tuy nhiên, thực tế là theo luật bình quân, việc chiến đấu trong trận Gettysburg cũng chỉ xác suất tử trận ngang bằng với tỷ lệ người trong độ tuổi 50-55 tử vong trong thời bình.
Khi đi nghỉ hè tại bờ hồ Bow Lake, tôi đã gặp ông bà Herbert H. Salinger đến từ San Francisco. Bà Salinger là một phụ nữ điềm đạm, trầm lặng và tạo cho tôi ấn tượng rằng bà không bao giờ lo lắng. Một buổi tối, trước ánh lửa bập bùng bên lò sưởi, tôi hỏi bà đã bao giờ gặp phải rắc rối vì lo lắng hay chưa. Bà trả lời tôi bằng một câu hỏi và sau đó, bà gần như kể cả một câu chuyện về cuộc đời mình:
“Chỉ rắc rối thôi ư? Cuộc đời tôi đã từng gần như bị hủy hoại vì lo lắng ấy chứ! Trước khi học được cách kiểm soát nỗi lo lắng, tôi đã phải sống 11 năm trong cái địa ngục do mình tự tạo ra. Tôi rất nóng tính, dễ nổi cáu và thường xuyên cảm thấy căng thẳng khủng khiếp. Hàng tuần, tôi bắt xe buýt từ nhà ở San Mateo để đi mua sắm ở San Francisco. Nhưng thậm chí ngay cả lúc mua sắm, tôi cũng lo lắng đến rùng mình: Tôi có thể quên rút dây điện ra khỏi bàn ủi. Có thể ngôi nhà đã bị cháy. Có thể người giúp việc đã bỏ chạy và bỏ mặc bọn trẻ. Có thể chúng đã đi xe đạp ra ngoài chơi và bị một chiếc xe ô-tô đâm chết … Chưa mua xong hàng, tôi đã lo lắng đến toát mồ hôi lạnh và cuống quýt bắt xe buýt về nhà để xem mọi chuyện có ổn thỏa không. Chẳng có gì lạ khi cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi kết thúc trong bi kịch.
Người chồng thứ hai của tôi là một luật sư – một người trầm tính và biết suy xét kỹ lưỡng, người không bao giờ lo lắng về bất cứ điều gì. Mỗi khi tôi lo lắng và căng thẳng, anh lại bảo: “Thư giãn đi em. Chúng ta hãy tìm cách tống nó khỏi đầu nào … Em đang thực sự lo lắng về điều gì vậy? Hãy lấy luật bình quân ra kiểm tra xem điều đó có khả năng xảy ra hay không”.
Chẳng hạn, tôi nhớ có lần đang lái xe trên một con đường bụi đất mù mịt từ Albuquerque, New Maxico đến Carlsbad Carvens thì chúng tôi gặp một trận mưa khủng khiếp. Chiếc xe cứ trượt đi mà không kiểm soát nổi. Tôi đinh ninh rằng chúng tôi sẽ bị trượt vào một cái rãnh bên đường; nhưng chồng tôi liên tục bảo: “Anh đang lái rất chậm. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu. Thậm chí nếu xe có trượt vào rãnh, thì theo luật bình quân, chúng ta cũng sẽ không bị thương”. Sự bình tĩnh và tự tin của anh ấy đã làm tôi trấn tĩnh lại.
Có một mùa hè, vợ chồng tôi đi cắm trại trong thung lũng Touquin của dãy núi Canadian. Một buổi tối, khi chúng tôi đang ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển thì một cơn bão nổi lên, đe dọa xé tung căn lều của chúng tôi thành từng mảnh. Những chiếc lều đã được cột chặt với sàn gỗ bằng dây thừng nhưng vẫn rung lắc dữ dội và kêu rít lên trong gió. Tôi có cảm tưởng nó sẽ bị giật phăng và cuốn tung lên trời bất cứ lúc nào. Tôi thật sự hoảng hốt nhưng chồng tôi đã trấn an: “Em đừng lo, chúng ta có những người hướng dẫn dày dạn kinh nghiệm. Người ta đã dựng lều cắm trại ở đây từ 60 năm qua. Ngay chỗ mình đang đứng đây cũng là nơi dựng trại nhiều năm rồi mà có bao giờ bị gió cuốn đi đâu. Mà ngay cả khi chuyện đó có xảy ra đi nữa thì chúng ta vẫn có thể trú ở một cái lều khác. Em hãy thư giãn đi, đừng lo lắng nữa …”. Tôi nghe theo và đã ngủ một giấc ngon lành ngay trong đêm mưa bão đó.
Mấy năm trước, ở California này cũng xảy ra một đợt dịch bại liệt trẻ em. Nếu là ngày xưa, hẳn tôi đã lo lắng cuống quýt lên rồi, nhưng chồng tôi đã thuyết phục tôi rằng hãy bình tĩnh. Hai vợ chồng tôi đề phòng rất cẩn thận: không cho bọn trẻ đến trường, đi xem phim hay tới bất kỳ chỗ nào đông người. Thông tin của ngành y tế cho biết là ngay trong trận dịch bại liệt tồi tệ nhất trong lịch sử thì toàn bang California cũng chỉ có 1.835 trẻ nhiễm bệnh, còn bình thường thì con số này chỉ từ 200-300 trẻ. Vậy thì theo luật bình quân, khả năng một đứa trẻ mặc bệnh là rất thấp.
“Theo luật bình quân, điều đó sẽ không xảy ra”. Chính câu nói đó đã xóa tan 90% nỗi lo lắng của tôi, giúp tôi sống bình tâm và vui vẻ trong suốt 20 năm qua.
Có người từng nói, hầu hết những nỗi lo lắng và phiền muộn của chúng ta chỉ có trong tưởng tượng chứ chẳng mấy khi xảy ra trong thực tế. Ngẫm lại mấy chục năm đời người, tôi thấy nhận xét đó chẳng sai chút nào. Jim Grant, chủ công ty phân phối James A. Grant tại New York kể rằng ông đã từng rơi vào trường hợp như thế. Công ty ông phải vận chuyển từ 10 đến 15 xe trái cây mỗi ngày để cung cấp cho thị trường New York. Và ông đã tự làm khổ mình với những ý nghĩ như: Nếu những chiếc xe tải bị trục trặc thì sao? Nhỡ trái cây bị rơi dọc đường? Chẳng may xe đang đi qua mà cầu bị sập thì làm thế nào? Tất nhiên là số trái cây của công ty ông đã được mua bảo hiểm, nhưng ông sợ mất thị trường nếu hàng đến chậm. Ông lo lắng tới mức bị loét dạ dày và phải đi khám bệnh. Bác sĩ cho biết rắc rối duy nhất của ông là sự căng thẳng thần kinh. Ông kể lại:
“Tôi chợt hiểu ra vấn đề và bắt đầu tư vấn bản thân: “Này, Jim Grant, mày đã vận chuyển tộng cộng bao nhiêu lần xe hoa quả trong những năm qua, và bao nhiêu chiếc trong số đó bị trục trặc?. Câu trả lời: “Chỉ chừng 5 chiếc trong khoảng 25.000 xe”. Theo tỷ lệ thì chỉ có 1/5.000 chiếc xe bị hỏng trên đường. “Vậy thì mình còn lo lắng về cái gì nữa? Tôi lo cầu sập! Nhưng nghĩ lại thì chưa từng có một chuyến xe nào bị sự cố sập cầu cả. Đến lúc ấy, tôi đã tự mắng mình: “Mình thật là ngốc khi lo lắng đến loét cả dạ dày chỉ vì một cái cầu chưa bao giờ sập và vì những vụ trục trặc xe cộ chỉ xảy ta với xác suất 1/5.000!”.
Khi nhìn thận thấy sự việc theo hướng đó, tôi thấy mình sao mà ngớ ngẩn đến thế.Từ đấy, tôi quyết định lấy luật bình quân để làm căn cứ cho việc có nên lo lắng hay không – và cũng từ ngày đó, các vết loét dạ dày không còn hành hạ tôi nữa!”
Khi Al Smith làm thống đốc bang New York, tôi thấy ông đã đáp lại lời công kích từ các đối thủ chính trị bằng cách nhắc đi nhắc lại một câu quen thuộc: “Chúng ta hãy cùng kiểm tra các số liệu …”. Sau câu nói ấy, bao giờ ông cũng đưa ra các chứng cứ xác thực có thể giải tỏa mọi lo lắng và thắc mắc. Tôi nghĩ nếu còn e ngại về những chuyện không hay có thể xảy ra, chúng ta cũng nên làm theo cách khôn ngoan ấy: Kiểm tra các số liệu đẻ biết có cơ sở nào cho những lo lắng đang giày vò mình hay không. Đó cũng chính xác là điều mà Frederick J. Mahlstedt đã làm trong Thế chiến thứ hai khi ông lo sợ rằng mình sẽ vùi xác tại nơi đang trú ẩn. Đây là câu chuyện mà ông đã kể trước một lớp học của chúng tôi ở New York:
“Đầu tháng 6 năm 1944, tôi đang nằm trong một chiến hào gần bãi biển Omaha. Lúc ấy, Đại đội 999th Signal Service của chúng tôi đã “khoét sâu” vào tận Normandy. Lúc nhìn khắp đường hào đã bị bom đánh thủng thành những cái hố hình chữ nhật trên mặt đất, tôi lẩm bẩm: “Trông cứ như những cái huyệt ấy …”. Khi nằm xuống và cố chợp mắt, tôi lại càng thấy cảm giác của mình là thật và không thể không tự nhủ: “Có khi đây sẽ là nấm mộ của mình!”.
Đến 11 giờ trưa, máy bay Đức bắt đầu thả bom khiến tôi sợ hãi cứng đờ cả người. Trong hai ba đêm đầu tiên, tôi không sao ngủ được. Đến đêm thứ tư và thứ năm thì tinh thần tôi hoảng loạn trầm trọng. Tôi biết rằng mình sẽ phát điên nếu không làm một điều gì đó. Vậy là tôi tự động viên bản thân rằng năm đêm đã trôi qua mà tôi vẫn chưa chết, và cả đại đội của tôi cũng thế. Chỉ có hai người bị thương, nhưng không phải do bom của bọn Đức mà do mãnh đạn từ chính súng phòng không của quân đồng minh. Tôi liền quyết định sẽ làm một điều gì đó có ích để xua đi nỗi lo lắng. Thế là tôi làm một cái nắp hầm kiên cố bằng gỗ để tránh đạn lạc. Trong lúc ước lượng về diện tích của khu vực rộng lớn mà đơn vị đang đóng quân, tôi tự nhủ mình không thể chết được trong cái đường hào dài và hẹp này, trừ khi bị dội bom thẳng xuống đầu, một khả năng mà theo tính toán của tôi chỉ có xác suất chưa tới 1/10.000. Sau vài đêm đánh giá tình hình dưới góc độ ấy, tôi đã lấy lại được bình tĩnh và thậm chí còn có thể ngủ ngon lành ngay trong tiếng bom nổ ầm ầm”.
Hải quân Mỹ cũng dựa vào luật bình quân để trấn an tình thần binh lính. Một cựu lính thủy đã kể với tôi rằng khi ông và các đồng nghiệp được phân công làm nhiệm vụ trên một tàu chở dầu, họ đã vô cùng lo sợ. Ai cũng biết rằng nếu một chiếc tàu như thế bị trúng thủy lôi thì chẳng còn thanh niên nào có thể sống sót trở về.
Nhưng Hải quân Hoa Kỳ đã đưa ra những số liệu chính xác cho thấy trong 100 tàu chở dầu bị trúng thủy lôi thì 60 chiếc vẫn nổi được; và trong số 40 chiếc bị đắm, chỉ có 5 chiếc có thời gian chìm nhanh hơn 10 phút. Đât cũng chính là khoảng thời gian cần thiết để thoát ra khỏi một chiếc tàu chìm. Điều này có nghĩa là tỷ lệ tử vong vô cùng nhỏ. Phân tích đó có giúp nâng cao tinh thần không? Theo lời bộc bạch của Clyde W. Mass, lính thủy tàu St. Paul, Minnesota, cũng chính là tác giả của câu chuyện trên thì: “Nỗi hoảng sợ của tôi tan biến hẳn sau khi biết được sự thật ấy … Cả thủy thủ đoàn thấy nhẹ cả người vì biết mình vẫn còn cơ hội sống sót (kể cả nếu bị trúng thủy lôi), bởi theo luật bình quân có thể chúng tôi sẽ không chết”.
Để gạt bỏ thói quen lo lắng trước khi nó hủy hoại bạn – hãy tuân theo nguyên tắc 3:
HÃY KIỂM TRA CÁC SỐ LIỆU! HÃY TỰ HỎI BẢN THÂN
“THEO LUẬT BÌNH QUÂN THÌ XÁC SUẤT XẢY RA SỰ VIỆC MÌNH ĐANG LO LẮNG LÀ BAO NHIÊU?”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro