Hồi 01: Họa Vô Đơn Chí
Chuyện là vào năm Minh Mạng thứ 22, tại Phú Xuân có một cô bé 15 tuổi rất nổi tiếng trong vùng với khả năng thấy được linh hồn và xoa dịu tâm hồn những người bị ma ám bằng cách xâm nhập vào giấc mơ của họ. Tiếng tăm lừng lẫy lan tỏa đến Tử Cấm Thành. Lúc bấy giờ, hoàng tử thứ 31 của Hoàng đế Minh Mạng là ngài Nguyễn Phúc Miên Lương (sau này là Sơn Tĩnh Quận công) có mắc một căn bệnh lạ, ban ngày thì thơ thẩn như người mất hồn, ban đêm thì ngủ không ngày nào thẳng giấc. Tần Lệ - thân mẫu của ngài, một phi tần của Đức Kim Thượng, bà Lệ tần vốn xuất thân bình dân, nhân vào một năm vua Minh Mạng đi tuần du, dân chúng thấy ngự giá đi qua đều dạt ra xa để tránh đường, duy chỉ một người con gái cầm liềm cắt cỏ vẫn dửng dưng không chịu tránh đường. Nhà vua lấy làm lạ cho thị vệ bắt cô gái đó đến xét hỏi. Cô gái bèn than rằng: "Chàng đi võng giá nghênh ngang, thiếp cầm bán nguyệt giữ an cõi bờ.". Đức Kim Thượng nhìn kỹ thấy cô gái rất đẹp, ăn nói có duyên lại có vẻ bướng bỉnh dễ thương nên động lòng cho nạp cung và thăng làm Lệ tần ở hàng Ngũ giai. Bà rất lo lắng cho tình hình sức khỏe của ông hoàng Miên Lương nên đã cho gọi các Thái Y trong cung, cũng như các lang y nổi tiếng nhất trong vùng đến tư phủ thăm khám và kê đơn thuốc cho ông hoàng nhưng ngài vẫn không khá khẩm lên được gì. Nhân một dịp bà Tần Lệ cùng một số thị nữ đi hành lễ cầu an ở cây đa thiêng cổ thụ ở Trầm Bái thì có nghe được về một nha đầu có tên là Thị Giang - con gái của một bà đồng có tiếng trong vùng, mới 15 tuổi nhưng có thể giải mộng chữa lành tâm hồn, với căn bệnh lạ của hoàng tử, bà đặt niềm tin và cho gọi Thị Giang vào cung.
"Ngươi là Thị Giang?" - Tần Lệ hỏi.
"Bẩm bà vâng ạ!" - Thị Giang cúi gằm mặt và đáp.
"Nghe nói thân mẫu ngươi là một bà đồng?"
Thị Giang hơi ngẩng đầu lên lén nhìn Tần Lệ vì đây là lần đầu tiên trong cuộc đời cô nhóc được diện kiến một phi tần trong Đại Nội. Trước mặt nó là một người phụ nữ xinh đẹp, khuôn mặt sắc nét toát lên vẻ quyền uy trong bộ áo nhật bình màu tím. Lén nhìn chưa nổi vài giây nó đã bị ánh mắt sắc lẹm của Tần Lệ làm cho sợ hãi phải cúi gằm mặt xuống.
"Bây giờ theo ta đến tẩm cung để giải mộng cho ông hoàng." - Tần Lệ nghiêm nghị nói.
Thị Giang theo bà Tần Lương đi vào sau tẩm cung. Nằm trên giường là một chàng trai chừng 17 tuổi đang ngủ, khuôn mặt thanh tú nhưng sắc mặt tái nhợt, còn lã chã những giọt mồ hôi mặc dù tiết trời đang mát mẻ. Theo lệnh của Tần Lệ, Thị Giang rón rén quỳ gối đến bên mạn giường, đưa tay ra nắm lấy tay của ông hoàng Miên Lương, bàn tay của ngài lạnh toát và ướt đẫm mồ hôi. Nó nhắm nghiền mắt và bắt đầu cảm nhận những xúc cảm từ ông hoàng, bắt đầu bước vào trạng thái đi vào cõi mộng. Bà Tần Lệ nín thở dõi theo từng hành động, từng biểu cảm của Thị Giang. Bỗng nét mặt của nó biến sắc, giật mình rồi buông tay ra. Bà Tần Lệ hốt hoảng hỏi:
"Ngươi sao vậy? Có chuyện gì thế?"
"Rất nhiều ạ!"
"Nhiều cái gì? Ngươi nói nhiều nhiều cái gì?" - Tần Lệ lo lắng.
"Những oan hồn chết dưới tay hoàng tộc đang gào thét kêu oan trong giấc mơ của ông hoàng thưa bà."
"Cái gì? Ngươi nói gì cơ? Oan hồn?!" - Bà Tần sửng sốt, lặng lẽ nhìn lên khuôn mặt hoàng tử đang toát mồ hôi rồi hỏi tiếp.
"Vậy bây giờ ta phải làm sao để có thể xua đuổi chúng?" - Tần Lệ lòng như lửa đốt.
"Thưa bà, không thể xua đuổi họ đâu... Cần phải an ủi họ ạ!" - Thị Giang đáp.
"Giờ phải làm sao?" - Tần Lệ lúc này lo âu, trên khuôn mặt đã không còn toát lên vẻ nghiêm nghị nữa mà đã chuyển sang trạng thái sợ sệt, cầu khẩn.
"Phải tìm kiếm các thi hài, lên chùa lập đàn cầu siêu ạ!" - Thị Giang trả lời.
"Nhưng ta phải làm sao để có thể tìm được?" - Bà Tần thắc mắc.
Thị Giang ngước đầu nhìn lên khuôn mặt của ông hoàng rồi quay sang nhìn bà Tần Lệ trả lời: "Hãy cho dân nữ vài ngày, con sẽ lắng nghe các oan hồn rồi bẩm báo lại với bà ạ!"
Tần Lệ vừa nhìn ông hoàng vừa rưng rưng nước mắt, vì xót con, với lại đây cũng là tia hi vọng cuối cuối cùng nên bà cũng không đắn đo gì thêm nữa, bà trả lời: "Được! Được... Ngươi hãy giúp ta, hãy làm đi. Chỉ cần chữa được cho ông hoàng, ta sẵn sàng làm bất cứ thứ gì!".
Kể từ hôm đó trở đi, hàng ngày Thị Giang đều được một thị vệ lẫn cung giám đưa đón ra vào Đại Nội để giải mộng, an ủi cho các vong hồn đang kêu gào trong giấc ngủ của ông hoàng Miên Lương. Ngày qua ngày, bệnh tình của hoàng tử được chữa lành. Đây là tâm bệnh khởi phát từ yếu tố tâm linh, là nghiệp quả được gieo bởi các thành viên hoàng tộc bất hảo mà đời con cháu phải trả nghiệp. Nhờ vào sự tận tình an ủi của Thị Giang và nhờ vào sự thành tâm của bà Tần Lệ ngày ngày đến chùa Thiên Mụ tụng kinh niệm Phật cầu an cầu siêu.
Thấm thoắt cũng đã vài ngày trôi qua, Thị Giang cũng đã lắng nghe hết những câu chuyện, những nguyện vọng của các vong hồn trong cõi mộng của ông hoàng Miên Lương. Lúc thì là những câu chuyện được các vong hồn thuật lại đáng sợ đến rùng mình, lúc lại là những nỗi niềm xót thương đến rơi cả nước mắt. Hôm nay là ngày cuối cùng Thị Giang vào cung diện kiến bà Tần Lệ.
"Con sẽ không vào Đại Nội nữa sao?" - Tần Lệ hỏi.
"Bẩm bà! Dân nữ đã an ủi các oan hồn. Ông hoàng cũng đã khỏe mạnh và thoải mái hơn rồi ạ." - Thị Giang đáp.
"Ừ đúng vậy! Quả là sắc mặt của ông hoàng đã tươi tắn và có sinh khí trở lại. Con đã cứu ông hoàng, à không, đã cứu người của hoàng gia. Để cảm ơn công lao của con, ta sẽ hậu tạ con hậu hĩnh." - Tần Lệ bày tỏ.
"Thưa bà dân nữ không dám ạ! Thần là một thường dân, được giúp đỡ ông hoàng đã là phúc phần của dân nữ, của cả dòng tộc rồi. Con không dám đòi hỏi gì thêm đâu ạ."
"Dẫu vậy ta cũng phải có gì đó đáp lại công lao của con chứ."
Thị Giang cáo từ bà Tần Lệ rồi rời Đại Nội để trở về nhà. Mẹ của ông hoàng Miên Lương đã có chủ ý sai người mang lễ vật cảm tạ đến nhà của Thị Giang từ trước. Nó ngồi nhoài xuống trước các vật phẩm như các nén bạc, trang sức... và thở hắt ra thật nặng nề, nhìn đống lễ vật ấy tuy vui nhưng trong lòng lại tràn đầy sự trĩu nặng.
Ở Đại Nội, ông hoàng Miên Lương đang cùng các cung giám lẫn cung nữ theo hầu đi dạo trong vườn ngự uyển. Một vị cung giám tiến lên phía trước ngay sau lưng ông hoàng thưa bẩm:
"Bẩm ông hoàng, nay người đã bình phục. Ngài Ngự đã ra chỉ dụ rằng người phải nên quay trở về tư phủ để dùi mài kinh sử cùng ngài giáo quan Dương Bính ạ!"
Mãi không thấy ông hoàng Miên Lương đáp, vị cung giám rón rén ngẩng đầu lên nhìn và gọi:
"Dạ thưa ông hoàng?... Bẩm ông hoàng?!"
Vị nội quan này vẫn không thấy ông hoàng đáp, chỉ thấy ngài ấy đứng nhìn vô thức và mỉm cười như đang tương tư. Từ phía xa, bà Tần Lệ cùng một tì nữ theo hầu cũng đang quan sát ông hoàng. Bà bất ngờ với thái độ của ông hoàng, bèn quay sang hỏi tì nữ:
"Sao ông hoàng lại như vậy? Lúc nào cũng cười ngây ngô, ai hỏi cái gì cũng phải một lúc mới quay lại trả lời. Nhìn giống như người mất hồn vậy?" - Tần Lệ hỏi.
"Xin bà thứ tội. Ông hoàng đạ như rứa vài hôm rồi ạ! Nhưng thái y lại nhủ là không chi hết. Có khi mô... việc giải mộng ni đạ để lại di chứng không bà hỉ?" - Nô tì thân cận của Tần Lệ trả lời. Vị phi tần tròn mắt hoang mang nhìn tì nữ, ngẫm nghĩ một lúc rồi ra lệnh cho gọi Thị Giang vào cung.
Vị tì nữ theo lệnh của Tần Lệ, mặc thường phục rời cung đến Phú Xuân tìm nhà của Thị Giang. Tại đây, cô tình cờ nghe được người dân nơi đây đang xúm lại trước nhà Thị Giang bàn tán. Một trong số đó chỉ tay vào nhà và nói với những người xung quanh:
"Con bé Giang vào cung mấy lần xong giờ đổi đời luôn các ông các bà ạ! Nghe nói được phi tần của nhà vua thưởng cho nhiều của cải lắm."
"Thật hả bà?" - Một người phụ nữ khác ngạc nhiên hỏi.
"Chỉ vài câu giải mộng mà được nhiều của cải vậy sao? Giờ nhà nó thành quý tộc rồi còn gì?" - Một lão nông lên tiếng.
"Chắc là còn hầu hạ ông hoàng cả đêm ý chứ!" - Một bà khác đâm chọt thêm.
Vị tì nữ của Tần Lệ chú ý dõi theo cuộc trò chuyện của dân làng, người đàn bà vừa nói lại "thêm mắm dặm muối" thêm rằng:
"Có khi sắp tới lại được gả vào tiềm đệ làm nguyên cơ của ông hoàng chứ chả đùa! Giả dụ như mai sau ông Hoàng được truyền ngôi lại được nạp vào hậu cung trở thành phi tần."
"Cái gì cơ?" - Một bà khác réo lên.
"Chắc là nó xâm nhập vào giấc mơ của ông hoàng rồi dụ dỗ điện hạ rồi chứ gì? Không thì làm sao mà điện hạ lại có thể để ý đến một đứa con gái của bà đồng, một đứa thường dân được cơ chứ?" - Lão nông nhanh chóng bơm đểu thêm.
"Con nhỏ này nó tài thật ấy, nó tẩy não ông hoàng kiểu gì mà tôi nghe nói đêm nào ông hoàng cũng truyền gọi nó đến hầu hạ." - Một vị phụ nữ đứng cạnh đâm chọt thêm.
"Đúng là thứ xuất thân thấp kém mà! Chỉ làm những việc hèn mọn, bán thân để kiếm sống thôi!" - Bà ta vừa nói thêm, vữa bĩu môi khinh thường, nhưng thực chất chỉ là đang tỏ vẻ đố kị.
Vị nữ quan của Tần Lệ sửng sốt không thể nào chấp nhận được những gì vừa nghe thấy, nhóm người bàn tán trước nhà Thị Giang vẫn đang tiếp tục xôn xao.
Trong lúc này, ở điện thờ trong nhà Thị Giang, mẹ của nó đang tụng niệm bỗng thấy rùng mình, bà cảm nhận thấy những luồng gió lạnh toát xoẹt ngang qua. Bà mở mắt ra và ngước nhìn lên bức tranh của các vị thánh mẫu. Có dự cảm chẳng lành, bà tiếp tục nhắm nghiền mắt chắp tay khấn niệm nhưng lại càng thấy lạnh toát và nghe thấy âm thanh tiếng chuông gió rung lên rất lớn bên tai mặc dù nhà bà không hề treo chiếc chuông gió nào. Mà mở trừng mắt ngước nhìn xung quanh, thật u ám và lạnh lẽo, những ngọn nến cứ cháy bập bùng chợp chờn như có gió thổi nhưng kì thực không hề có cơn gió nào, trong điện thờ bà cũng không mở cửa sổ ra. Lúc này bà lấy hết bình tĩnh để lắng nghe tất cả thanh âm, linh tính mách bảo rằng đang có một sự việc tồi tệ diễn ra, bà vội nhìn sang phía gian nhà Thị Giang ở. Bà vội chạy qua đó, bà hốt hoảng nói với Thị Giang:
"Mau, mau cuốn gói đồ đạc, những gì cần thiết nhất thôi, rồi mau chóng rời khỏi đây ngay lập tức."
"Nhưng mà..." - Nó chưa kịp nói hết câu thì mẹ đã chặn ngang họng rằng.
"Không nhưng nhị gì hết, cần phải nhanh lên, mặc đồ của mẹ vào, quấn khăn lươn của mẹ nữa nhanh lên cái con này." - Bà ta tỏ thái độ cọc và vội và dọn đồ của con gái.
"Sao lại bắt con mặc đồ của mẹ rồi còn quấn cả khăn lươn nữa, con chưa lấy chồng, quấn khăn lươn lên nhìn kì cục lắm."
"Đừng hỏi nhiều, mau thay đồ rồi cầm theo gói đồ này và một ít tiền rời khỏi đây, tìm đến nhà của dì Hai ở ngoài Quảng Bình. Không được chậm trễ!" - Bà ta dặn dò.
"Nhưng mà con chưa lấy chồng, sao bắt con đeo khăn lươn rườm rà mà làm gì?"
"Im mồm ngay cho mẹ. Vợ chồng nên duyên đôi khi không cần làm lễ cưới, quan trọng là tình cảm dành cho nhau!"
Thị Giang tròn xoe đôi mắt, mắt nó sáng trưng dưới ánh nến, mồm há hốc ngạc nhiên, nó hỏi: "Mẹ... mẹ biết rồi ạ?"
Bà ấy lấy lại bình tĩnh, thở hắt ra một tiếng rõ trĩu nặng, bà nắm lấy tay con gái rồi đáp:
"Người ta đã đồn ầm hết cả lên! Mỗi một lời đồn thổi như là một lưỡi dao chờ chực kề vào cổ con. Con không thể ở lại Huế thêm nữa. Hãy đi ngay và đừng dừng lại."
"Nhưng tại sao mẹ lại để con đi một mình? Sao mẹ không đi cùng con?" - Thị Giang lưng chừng nước mắt.
Bà Hà lặng nhìn đứa con gái tội nghiệp, rồi bà đưa tay lên tháo đôi vòng tai ra rồi đưa cho Thị Giang. Bà nói tiếp:
"Con sẽ không cô đơn đâu! Lúc con mệt mỏi và gặp khó khăn nhất, sẽ có quý nhân xuất hiện giúp đỡ con. Hãy luôn giữ đôi khuyên tai này bên mình. Đã có khi nào mẹ nói sai điều gì chưa?"
Thị Giang gạt nước mắt và đưa hai tay ra nhận lấy đôi khuyên tai của mẹ. Nó theo lời của bà Hà lên đường đi Quảng Bình lánh nạn ngay trong đêm. Vừa đi được một đoạn, nó nghe tiếng hô hoán báo cháy của dân làng. Nó ngoảnh đầu lại nhìn thì đám cháy được xác định là ở ngay nhà của nó.
Nó tức tốc chạy ngược lại trở về nhà, lúc xông vào nhà, nó thấy bà Hà nằm bất động trên sàn nhà trong điện thờ. Bà Hà đã tắt thở do bị đánh bất tỉnh rồi sau đó ngạt khói. Giang gào lên:
"Mẹ ơi... Mẹ ơi mẹ mở mắt ra đi mẹ ơi!"
Nó khóc nức nở, nước mắt giàn giụa. Và cứ tiếp tục ôm lấy mẹ rồi gào lớn.
"Ôi than ôi mẹ ơi mẹ đừng chết mẹ ơi... Mẹ đừng bỏ con mà mẹ ơi... Con biết con sai rồi mẹ ơi. Mẹ ơi con sai rồi... Tất cả đều là tại con cả mẹ ơi. Mẹ quay lại ở lại với con đi mà mẹ ơii..."
Nó gào đến độ không thốt ra được lời nào nữa. Bụng dạ thắt lại quằn quại đau đớn.
Sau một hồi gào khóc thảm thiết, dân làng cũng đã kéo đến đông để dập lửa, nó cũng tự nhận thức được rằng đã đến lúc nhất định phải rời đi, tai họa đã ập đến rõ ràng. Nó kéo thi thể của mẹ ra một nơi đám cháy chưa tràn đến, xong trốn ra phía vườn sau rồi chạy ra ngoài để rời đi. Trên đường đi, nó lê bước chân mệt nhoài, bước lơ thơ như người bị mất hồn, nó vừa đi vừa nghĩ đến mẹ đã mất rồi, nó cũng chẳng biết bây giờ chính nó đang thiết tha điều gì.
Trong lúc đôi chân mỏi mệt của nó bước ngang qua vùng đất Trầm Bái, ngay trước mặt nó là cổng đình với cây đa thiêng cổ thụ, xung quanh là những bàn lễ vật người ta dọn ra để cúng bái cầu may. Trên cây đa buộc những dải lụa màu. Nó nảy ra ý định dại dột. Vội vàng chạy lao đến gạt hết những thứ đồ lễ đang đặt trên những chiếc bàn, nó xếp lại những cái bàn lên cao và trèo lên. Nó đứng nhìn về phía Đại Nội và gào thét:
"Suốt kiếp này ta ôm trong lòng mối thù hận với các người! Cho dù ta có chết, cho dù có những kiếp sau nữa ta cũng sẽ nguyền rủa các người."
Đôi mắt nó sáng quắc lên sắc lẹm, nhìn về phía hoàng thành với một nỗi hận thù to lớn. Nó nhắm lại đôi mắt cho nước mắt trôi đi, rồi thòng cổ vào một dải lụa nó bện chặt lại sẵn. Đôi mắt nhìn về hoàng thành một lần cuối rồi nhắm nghiền lại, lấy hết sức đạp đổ những cái bàn được xếp chồng lên dưới chân.
Những con chim lợn kêu lên éc éc rồi toan bay đi khỏi cành đa. Gió nổi lên từng cơn lạnh lẽo, khung cảnh trở nên thật u ám với một xác chết treo lơ lửng trên cây. Những dải lụa thi nhau đung đưa như muốn với tới vuốt ve lấy con bé, xác của Thị Giang vẫn thòng lòng ở đó tuyệt vọng. Nó nắm chặt đôi bông tai trong tay, nhưng giờ thân xác nó đã không còn tí sức lực nào để giữ chặt thêm nữa rồi. Đôi khuyên tai tuột khỏi bàn tay nó và rơi xuống nền đất. Mặt đất như thể vỡ toang ra thành những đường nứt rực cháy, bao trùm lên xung quanh và lên cả trên thân cây đa. Những lá bùa dán trên thân cây, những dải lụa màu buộc trên cây, những cây đèn cần xung quanh,... tất cả đều cháy thành tro tàn. Những tàn lửa li ti rực rỡ như hàng nghìn con đom đóm vây quanh lấy thân xác của Thị Giang rồi nhập vào, nó tan biến thành khói bụi....
Con bé Giang đã tự tử, liệu có phải chết là hết? Hồi sau sẽ rõ.
Đón xem Hồi 02 mang tựa đề: Sở Diêm La - Diêm Vương Phán Xử.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro