Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

QTTNc5

Chương 5

QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG TÁC NGHIỆP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

5.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ RỦI RO, TỔN THẤT TRONG TÁC NGHIỆP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

5.1.1. Khái niệm và phân loại rủi ro, tổn thất

Ngày nay có không ít định nghĩa được đưa ra về rủi ro nói chung theo những tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản các định nghĩa đều cho rằng, rủi ro là những sự kiện bất ngờ ngoài mong đợi của con người và gây những thiệt hại cho con người trong các hoạt động của mình. Mặc dù rủi ro là sự kiện khách quan, xảy ra ngoài ý muốn của con người, nhưng con người lại hoàn toàn có thể kiểm soát được rủi ro ở những mức độ khác nhau, từ đó có những biện pháp hạn chế tối đa những tổn thất do rủi ro mang đến. Ở đây cũng cần phân biệt giữa rủi ro và nguy cơ rủi ro. Nguy cơ rủi ro là những đe doạ nguy hiểm có thể xảy ra, được đo lường bằng xác xuất thống kê, nghĩa là nguy cơ rủi ro là đề cập đến khả năng xảy ra những sự kiện, hiện tượng bất lợi đối với con người, luôn tiềm ẩn và song hành cùng các hoạt động của con người. Trong khi đó, nói đến rủi ro là đề cập đến một thực tại khách quan, đã xảy ra đối với con người và gây thiệt hại cho con người. Từ tiếp cận như trên, có thể định nghĩa rủi ro là những sự kiện bất lợi, bất ngờ đã xảy ra gây tổn thất cho con người .

Như vậy, khi nói đến rủi ro chúng ta cần lưu ý những vấn đề quan trọng sau:

Rủi ro là sự kiện bất ngờ đã xảy ra. Bất ngờ là con người không thể lường trước được một cách chắc chắn, nó có thể xuất hiện vào một thời điểm bất kỳ trong tương lai và bất kỳ ở đâu. Mọi rủi ro đều là bất ngờ, cho dù mức độ bất ngờ có thể khác nhau và phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức của con người, vào quy luật của rủi ro. Sự kiện bất ngờ đó phải đã xảy ra thì mới được coi là rủi ro. Trong thực tế có rất nhiều nguy cơ rủi ro (có khả năng xảy ra), nhưng không phải mọi nguy cơ đều mang đến rủi ro cho con người.

Rủi ro là những sự cố gây ra tổn thất. Khi rủi ro xảy ra, luôn để lại những hậu quả (có thể là hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả ít nghiêm trọng, hậu quả trực tiếp hoặc hậu quả gián tiếp). Hay nói cách khác, mọi rủi ro đều dẫn đến tổn thất, nhưng trong không ít các trường hợp, tổn thất là không đáng kể hoặc tổn thất gián tiếp, khó nhận ra nên đã có quan niệm cho rằng không phải mọi rủi ro đều dẫn đến tổn thất.

Rủi ro là sự kiện ngoài mong đợi. Rủi ro mang lại tổn thất, là sự cố bất ngờ và vì thế, nó là điều không được mong đợi của mọi người trong mọi hoạt động. Bên cạnh đó, rủi ro là sự kiện ngoài mong đợi còn nói lên tính khó lường trước, tính khách quan và loại bỏ các ý đồ chủ quan của chủ thể tham gia các hoạt động.

Ba vấn đề trên được coi là ba điều kiện của rủi ro. Hay nói cách khác, một sự kiện được coi là rủi ro khi hội đủ (đồng thời thoả mãn) ba điều kiện trên đây. Nếu sự kiện xảy ra là do chủ định hoặc đã biết trước chắc chắn sẽ xảy ra hoặc xảy ra nhưng không để lại hậu quả thì sự việc đó không được coi là rủi ro. Hoặc nếu như một sự kiện xảy ra gây tổn thất nhưng nằm trong kế hoạch dự định của chủ thể thì cũng không được coi là rủi ro.

Như vậy, việc nghiên cứu rủi ro thực chất nhằm đạt được mục đích cuối cùng là hạn chế những thiệt hại (tổn thất) cho các đối tượng có liên quan. Nghĩa là việc nghiên cứu rủi ro được xem xét trong những phạm vi nhất định, gắn với từng đối tượng nhất định trong từng hoạt động, bởi rất có thể một sự kiện xảy ra được coi là rủi ro với người này, với công ty này nhưng lại là cơ hội, sự may mắn đối với người khác hoặc công ty khác.

Từ đây chúng ta thấy rằng, nghiên cứu rủi ro không thể tách rời với nghiên cứu về tổn thất. Nói đến rủi ro luôn phải đi cùng với những hậu quả do rủi ro mang lại. Đó là những tổn thất mà các chủ thể tham gia hoạt động có thể phải hứng chịu. Thực tế thì con người chủ yếu quan tâm đến những tổn thất mà họ có thể phải gánh chịu, và nguyên nhân của những tổn thất đó lại là từ những rủi ro. Những rủi ro gây ra tổn thất càng lớn thì càng được quan tâm nhiều hơn.

Tổn thất là những thiệt hại, mất mát về tài sản; cơ hội mất hưởng; về con người, tinh thần, sức khỏe và sự nghiệp của họ do những nguyên nhân từ các rủi ro gây ra.

Tổn thất có thể là hữu hình (tổn thất tài sản, con người, sức khoẻ) và cũng có thể là vô hình (cơ hội mất hưởng, tinh thần, đe doạ sự nghiệp...). Tổn thất vô hình hoàn toàn có thể đo lường và quy đổi ra thành tiền, và trong không ít các trường hợp tổn thất vô hình còn lớn hơn cả tổn thất hữu hình, chẳng hạn, vì rủi ro chậm trễ thời gian trong vận chuyển hàng hóa, đã bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, dẫn đến không được hưởng lãi và còn bị phạt hợp đồng, giảm uy tín trong kinh doanh... Trong thực tế hoạt động thương mại quốc tế, thường người ta chỉ đề cập đến những tổn thất hữu hình. Chính vì vậy, không ít các tài liệu liên quan đến bảo hiểm trong hoạt động xuất nhập khẩu cho rằng có những rủi ro gây ra tổn thất và có những rủi ro không gây tổn thất.

Rủi ro và tổn thất là hai phạm trù khác nhau cùng phản ánh một sự kiện không may xảy ra, nhưng có mối quan hệ nhân quả, theo đó, rủi ro là nguyên nhân còn tổn thất là hậu quả. Rủi ro phản ánh về mặt chất của sự kiện, bao gồm nguyên nhân, mức độ, tính chất nguy hiểm còn tổn thất phản ánh về mặt lượng của sự kiện, nghĩa là phản ánh mức độ những thiệt hại, mất mát về vật chất và tinh thần có nguyên nhân từ rủi ro gây ra, qua đó thấy được mức độ nghiêm trọng của sự kiện.

Xuất phát từ những mục đích và hướng tiếp cận khác nhau, người ta có thể phân chia rủi ro trong kinh doanh nói chung và thương mại quốc tế nói riêng thành các loại khác nhau dựa trên những dấu hiệu (tiêu chí phân loại) khác nhau.

- Dựa vào phạm vi ảnh hưởng của rủi ro, chia ra: Rủi ro cơ bản (là những rủi ro phát sinh từ những nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát của con người) và rủi ro riêng biệt (là những rủi ro phát sinh từ các biến cố chủ quan và khách quan liên quan đến hành vi của con người).

- Dựa vào các yếu tố tác động của môi trường vĩ mô, chia ra: Rủi ro kinh tế (do các yếu tố kinh tế gây ra), rủi ro chính trị (do các yếu tố thuộc về thể chế chính trị gây ra), rủi ro pháp lý (do sự thay đổi luật pháp, các quy tắc, tập quán...), rủi ro cạnh tranh (do sự thay đổi thị hiếu, sự xuất hiện sản phẩm mới...), rủi ro thông tin (thông tin sai lệch, thiếu...).

- Dựa vào phạm vi được bảo hiểm, chia ra: Rủi ro được bảo hiểm (là những rủi ro được ghi trong các hợp đồng bảo hiểm, trong đó lại được chia nhỏ hơn thành rủi ro thông thường và rủi ro đặc biệt), rủi ro không được bảo hiểm (là những rủi ro sẽ không được các công ty bảo hiểm bồi thường khi có tổn thất xảy ra, lại được chia nhỏ hơn thành rủi ro loại trừ và rủi ro không thoả thuận).

- Dựa vào thời điểm phát sinh rủi ro trong quy trình tác nghiệp thương mại quốc tế, chia ra: Rủi ro trong lựa chọn đối tác đàm phán và ký kết hợp đồng (là những rủi ro xảy ra trong giai đoạn lựa chọn đối tác, đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại quốc tế), rủi ro trong chuẩn bị hàng xuất khẩu (là những rủi ro xảy ra trong giai đoạn chuẩn bị hàng xuất khẩu, gồm cả thu gom, sản xuất, gia công, tái chế), rủi ro trong giao nhận hàng hoá (là những rủi ro xảy ra xảy ra trong quá trình giao nhận đối với hàng hoá xuất nhập khẩu); rủi ro trong vận chuyển, mua bảo hiểm cho hàng hoá (là những rủi ro xảy ra xảy ra trong quá trình), rủi ro trong thanh toán tiền hàng (là những rủi ro xảy ra xảy ra trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ thanh toán tiền hàng, tiền bảo lãnh, tiền đặt cọc...), rủi ro trong khiếu nại và giải quyết khiếu nại (là những rủi ro xảy ra xảy ra trong quá trình thực hiện việc khiếu nại và giải quyết các khiếu nại trong thương mại quốc tế) và các rủi ro khác.

Đối với tổn thất người ta thường dựa vào các dấu hiệu sau để phân loại:

- Dựa vào mức độ của tổn thất, chia ra: Tổn thất toàn bộ (là tổn thất hoàn toàn đối tượng như mất kiện hàng, hư hỏng hoặc bị phá huỷ tất cả hàng hoá..., trong đó có thể lại được chia ra thành tổn thất toàn bộ thực sự và tổn thất toàn bộ ước tính), tổn thất bộ phận (là tổn thất một phần của đối tượng như đổ vỡ một số lượng nhất định hàng hoá, hàng bị ẩm mốc một phần..., trong đó có thể được chia ra thành tổ thất về số lượng và tổn thất về phẩm chất).

Dựa vào tính chất của tổn thất, chia ra: Tổn thất riêng (là những tổn thất của đối tượng bảo hiểm của từng bên tham gia bảo hiểm như tổn thất của chủ hàng khi bị mất hàng hoá vận chuyển, tổn thất về cước phí của người vận chuyển, tổn thất về con tàu của chủ tàu), tổn thất chung (là tổn thất hoặc những chi phí do hành động cố ý của người chuyên chở, thuyền trưởng ...gây ra nhằm mục đích an toàn chung cho toàn bộ hành trình vận chuyển trước những đe doạ bất ngờ) .

Dựa vào đối tượng bị thiệt hại, chia ra: Tổn thất hữu hình (là những thiệt hại về tài sản, hàng hoá, tiền bạc...), tổn thất vô hình (là những tổn thất về tinh thần, uy tín trong kinh doanh).

Trong thực tiễn hoạt động thương mại quốc tế, tuỳ theo góc độ tiếp cận khác nhau mà có thể nghiên cứu, quản trị rủi ro theo những phạm vi, mức độ không hoàn toàn giống nhau, từ đó, việc xác định mức độ thiệt hại (tổn thất) trong kinh doanh cũng không cố định theo một tiêu chí phân loại nào trong số các tiêu chí đã được nêu trên đây.

5.1.2. Phương pháp xác định nguy cơ rủi ro và đo lường tổn thất trong tác nghiệp thương mại quốc tế

5.1.2.1. Các phương pháp xác định nguy cơ rủi ro

Xác định nguy cơ rủi ro chính là xác định xác xuất xảy ra rủi ro, thể hiện khả năng xảy ra rủi ro trong các hoạt động khác nhau của con người. Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau để xác định xác xuất rủi ro và không có phương pháp nào được coi là hoàn hảo và ưu việt nhất bởi mỗi phương pháp lại phù hợp và tối ưu với từng loại rủi ro cũng như từng hoạt động của con người, trong từng điều kiện tác động khác nhau của các yếu tố cả bên trong cũng như bên ngoài đến các hoạt động đó. Trong thực tế, người ta thường sử dụng kết hợp các phương pháp nhằm bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

Phương pháp thống kê kinh nghiệm là phương pháp dựa trên các số liệu thống kê về những sự cố đã xảy ra trong một khoảng thời gian đã được quan sát liên quan đến một hoạt động cụ thể hoặc một nhóm các hoạt động có liên quan nào đấy.

Tần suất xuất hiện rủi ro (T) được xác định theo công thức sau:

(1)

Trong đó:

T: Tần suất xuất hiện rủi ro

r: Số lần xuất hiện rủi ro trong thời gian quan sát (tháng, quý, năm)

N: Tổng số thời gian quan sát (tháng, quý, năm)

Tuy nhiên, để có được số liệu chính xác hơn cho dự báo rủi ro, người ta không chỉ quan sát trong một khoảng thời gian nhất định, với một loại rủi ro mà thường quan sát nhiều lần với cùng một khoảng thời gian (tháng, quý hoặc năm), cho nhiều loại rủi ro, vì thế có thể áp dụng công thức chung cho cả một thời kỳ quan sát dưới đây:

(2)

Trong đó:

T: Tần suất xuất hiện rủi ro

: Tổng số lần xuất hiện của i loại rủi ro trong thời gian quan sát

n: Tổng số lần quan sát

Phương pháp này hiện đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện để dự báo rủi ro trong các hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt trong tác nghiệp thương mại quốc tế do có ưu điểm là đơn giản, dễ tiến hành, mặc dù nhược điểm là sử dụng các dữ liệu trong quá khứ nên chỉ có tính chất tham khảo, không loại trừ được các yếu tố tác động và dự báo được những biến động trong tương lai.

Phương pháp xác xuất thống kê là phương pháp ước lượng dựa trên các mô hình của khoa học về xác xuất thống kê, có tính đến các yếu tố tác động dự báo và thống kê kinh nghiệm của quá khứ quan sát rủi ro. Mô hình xác định xác xuất rủi ro được lập theo nhiều biến số với mẫu đại diện ngẫu nhiên. Khi mẫu đại diện càng lớn và càng nhiều biến số (mỗi biến số đặc trưng cho một yếu tố tác động hoặc những biến động dự báo trong tương lai) thì tính chính xác của kết quả sẽ càng cao. Phương pháp này thường được áp dụng để dự báo các rủi ro độc lập, đơn lẻ. Nhược điểm cơ bản của phương pháp này là nghiên cứu trên mẫu đại diện nên kết quả bị phụ thuộc nhiều vào việc xác định mẫu và những lập luận để xác lập mô hình theo các biến số. Đây cũng là phương pháp được dùng khá phổ biến trong thương mại quốc tế, nhất là trong hoạt động bảo hiểm đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Phương pháp phân tích, cảm quan là phương pháp dự đoán dựa trên cơ sở tổng hợp hàng loạt các sự cố ngẫu nhiên để tìm ra tính quy luật (lặp lại) cũng như tìm ra nội dung và bản chất của sự việc. Đây chính là phương pháp suy luận và có thể được thực hiện theo 2 hướng chính: Một là, phân tích các tình huống đã xảy ra, chỉ rõ nguyên nhân cũng như những tác động của các điều kiện ngoại cảnh, phân tích một cách khoa học các điều kiện môi trường, nhân tố ảnh hưởng trong tương lai, từ đó đưa ra các dự báo về rủi ro có thể gặp phải. Tuy nhiên, để thực hiện theo hướng này đòi hỏi phải có nhiều thông tin về đối tượng cần nghiên cứu; Hai là, Trên cơ sở phân tích và tổng hợp các yếu tố cộng với kinh nghiệm của chuyên gia nghiên cứu để đưa ra các dự báo về rủi ro. Sự trải nghiệm và nhạy cảm của các chuyên gia đóng vai trò quan trọng trong hướng nghiên cứu này. Tuy nhiên, do mang nặng tính chủ quan của chuyên gia nên hướng tiếp cận này còn gây nhiều tranh cãi.

Phương pháp chuyên gia là phương pháp dựa trên những nghiên cứu, phân tích và tổng hợp của các nhóm chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau có liên quan như bảo hiểm, quản trị rủi ro, quản trị kinh doanh...(còn được gọi là phương pháp đánh giá tổng hợp). Cách thức tiến hành như sau: Mỗi chuyên gia được cung cấp các thông tin quá khứ về rủi ro (gồm cả số lần xuất hiện rủi ro, những nhân tố tác động, các yếu tố biến động theo những chều hướng khác nhau...), các chuyên gia sẽ phân tích tình hình dựa trên các số liệu quá khứ, sự trải nghiệm cá nhân và sự nhạy cảm của riêng mình, từ đó đưa ra dự báo bằng cách cho điểm vào mẫu phiếu thống nhất. Tổng hợp điểm của các chuyên gia và bình quân gia quyền điểm của tất cả các chuyên gia có tính đến hệ số quan trọng (trọng số) của các yếu tố sẽ là kết quả phân tích cuối cùng để đưa ra các dự báo về rủi ro có thể xảy ra trong tương lai liên quan đến từng hoạt động cụ thể trong thương mại quốc tế.

Phương pháp này có tính khách quan cao, loại trừ được nhiều yếu tố liên quan và khai thác được kinh nghiệm của các chuyên gia, nhưng mức độ phức tạp khá cao, ít được các doanh nghiệp sử dụng.

Ngoài những phương pháp trên, còn có một số phương pháp khác cũng được sử dụng để dự báo rủi ro trong kinh doanh nói chung và trong thương mại quốc tế nói riêng, nhưng những phương pháp kể trên nói chung được sử dụng nhiều hơn cả, tuy mức độ chính xác và phạm vi sử dụng của chúng có khác nhau.

5.1.2.2. Các phương pháp đo lường tổn thất

Như trên đã trình bày, rủi ro luôn mang đến những tổn thất với những mức độ nhất định cho các chủ thể thực hiện hoạt động, việc dự báo rủi ro là cực kỳ cần thiết, song chưa phải là cuối cùng. Điều quan trọng nhất trong mọi hoạt động là phải làm sao hạn chế được tổn thất do những rủi ro mang đến bằng những biện pháp khác nhau. Con người không thể loại trừ được hoàn toàn các tổn thất do rủi ro, vì thế việc đo lường mức độ tổn thất (thực tế và dự báo) là cực kỳ quan trọng để có thể áp dụng các biện pháp ngăn cản, né tránh hoặc bù đắp thiệt hại.

Ngày nay, có rất nhiều phương pháp đo lường tổn thất và chúng có thể được chia ra thành nhóm các phương pháp định lượng và nhóm các phương pháp định tính trong đo lường tổn thất. Nội dung phần này không đi sâu phân tích cụ thể kỹ thuật của từng phương pháp đo lường tổn thất mà chỉ nêu hướng tiếp cận chủ yếu của một số phương pháp đo lường mà các doanh nghiệp có thể áp dụng trong thực tiễn kinh doanh hoặc trong hoạt động quản trị rủi ro mà các doanh nghiệp có thể tham khảo.

Phương pháp đo lường trực tiếp là phương pháp đơn giản nhất trong đo lường tổn thất. Để thực hiện, người ta tiến hành đo, đếm (xác định cụ thể tổn thất đã xảy ra) đối tượng bị tổn thất, từ đó tính toán giá trị thiệt hại thực tế của đối tượng. Phương pháp này nhìn chung là đơn giản, trực quan và có thể xác định chính xác tổn thất trong không ít các trường hợp. Hạn chế cơ bản của phương pháp này là không lượng hoá được những thiệt hại liên đới và những thiệt hại vô hình của/hoặc do đối tượng gây ra. Đây là phương pháp được dùng nhiều nhất trong thương mại quốc tế, đặc biệt trong xác định tổn thất bộ phận hay tổn thất toàn bộ của hàng hoá vận chuyển, hàng hoá đã được bảo hiểm...

Việc tính toán tổn thất của hàng hoá theo phương pháp này cần phải chỉ ra được khối lượng hàng hoá bị tổn thất, mức độ tổn thất của từng đơn vị hàng hoá, chi phí khắc phục sửa chữa, thay thế (nếu có thể) và những thiệt hại trực tiếp có liên quan.

Phương pháp đo lường gián tiếp là phương pháp suy diễn trên cơ sở phân tích dữ liệu tổn thất thực tế của đối tượng và suy diễn các thiệt hại liên đới do đối tượng gây ra. Phương pháp này thường được dùng trong khi đo lường thiệt hại vô hình như giảm sút sức khoẻ và khả năng lao động; mất cơ hội kinh doanh; thiệt hại về uy tín và lợi nhuận dự tính... Tuy nhiên, do phải suy diễn nên tính chính xác thường bởi ảnh hưởng bởi tư duy và lập luận chủ quan của người tham gia đánh giá. Việc đo lường gián tiếp tổn thất không thể thực hiện độc lập mà không dựa trên những dữ liệu của phương pháp đo lường trực tiếp (trong đại đa số các trường hợp), vì thế thực tế đây là phương pháp kết hợp và còn có tên là phương pháp suy diễn.

Phương pháp xác xuất thống kê là phương pháp xác định tổn thất của đối tượng thông qua xác định tổn thất của mẫu đại diện, từ đó xác định tỷ lệ tổn thất trung bình và tính toán tổn thất của toàn bộ đối tượng. Phương pháp này có chi phí thấp nhưng mức độ chính xác thường không cao và phụ thuộc nhiều vào tính chính xác của mẫu chuẩn và kích thước mẫu. Nói chung phương pháp này rất ít được dùng khi xác định tổn thất của hàng hoá có giá trị cao mà thường được áp dụng đối với những hàng hoá có khối lượng lớn, giá trị thấp hoặc trong tính toán tỷ lệ phí bảo hiểm và mức bồi thường trong các hợp đồng và quy định bảo hiểm trong kinh doanh bảo hiểm.

Phương pháp phân tích tổng hợp là phương pháp sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp đo lường khác nhau để xác định thiệt hại của đối tượng. Một nhóm chuyên gia sẽ được tập hợp để tính toán giá trị thiệt hại dựa trên những dữ liệu của phương pháp đo lường trực tiếp, những suy diễn của phương pháp gián tiếp và tính toán xác xuất từ mẫu chuẩn được thiết lập (nếu quy mô thiệt hại quá lớn, không thể đo lường trực tiếp). Phương pháp này không chỉ dùng để xác định tổn thất thực tế đã xảy ra mà còn có thể được áp dụng để dự báo tổn thất trong tương lai. Có rất nhiều mô hình khác nhau để tiến hành đo lường bằng phương pháp phân tích tổng hợp tuỳ theo mức độ và đối tượng bị tổn thất cần đánh giá.

Thực tế thì phương pháp phân tích tổng hợp có tính phức tạp cao và không dễ áp dụng ở quy mô doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5.1.3. Các nguyên nhân của rủi ro trong thương mại quốc tế

Việc xác định nguyên nhân (nguồn) gây ra rủi ro thực tế có ý nghĩa quan trọng trong dự báo và áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất do rủi ro mang lại trong hoạt động thương mại quốc tế. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến rủi ro cho các hoạt động của con người và các đối tượng liên quan nói chung và trong thương mại quốc tế nói riêng và chúng có thể được chia thành hai nhóm cơ bản là những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Việc phân chia nguyên nhân rủi ro thành 2 nhóm cơ bản trên đây chỉ mang tính chất tương đối, xuất phát từ hành vi của con người, tất nhiên, theo các dấu hiệu khác nhau người ta hoàn toàn có thể phân chia thành các nhóm nguyên nhân khác nhau.

Những nguyên nhân khách quan là những nguyên nhân không phải xuất phát từ những hành động trực tiếp của con người như:

- Những điều kiện tự nhiên bất lợi: gió, bão, sóng ngầm, mưa lụt, động đất, núi lửa phun, cháy rừng, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng lồng kính...

Đây thực sự là những nguy cơ tiềm tàng dẫn đến các rủi ro và tác động không nhỏ đến hoạt động thương mại quốc tế. Những nguyên nhân này thường được đề cập và quan tâm rất nhiều trong các hoạt động bảo hiểm cho hàng hoá xuất nhập khẩu và trong không đa số các trường hợp người ta coi đó là nguyên nhân chủ yếu được xem xét đầu tiên.

- Những nguyên nhân từ môi trường kinh doanh: Cơ hội thị trường; các thay đổi và điều chỉnh của chính sách mặt hàng; hệ thống các rào cản thương mại quốc tế, khủng hoảng kinh tế; sự biến động tài chính, tiền tệ...

Thực tế đây là những nguyên nhân rất đa dạng, thường có sự liên hệ qua lại với nhau và khi xảy ra rủi ro từ những nguyên nhân này con người cũng khó đo lường được chính xác mức độ tổn thất của hàng hoá do trong không ít các trường hợp hàng hoá vẫn không bị suy giảm giá trị sử dụng của chúng và nếu không loại trừ được sự tác động riêng của từng nhân tố ảnh hưởng.

Nhìn chung, những nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro là những nguyên nhân ngoài tầm kiểm soát, rất khó khống chế của doanh nghiệp và những rủi ro xảy ra do những nguyên nhân này thường dẫn đến thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

Những nguyên nhân chủ quan là những nguyên nhân xuất phát từ các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của con người (cá nhân và tổ chức) tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế như:

- Sự không ổn định của thể chế chính trị; hệ thống pháp luật luôn thay đổi; pháp chế không nghiêm; sự khác biệt trong các quy tắc ứng xử, tập quán kinh doanh và tiêu dùng...

Những nguyên nhân này thường rất khó dự báo và chúng thường tác động khá mạnh đến quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi rủi ro phát sinh từ những nguyên nhân này cũng làm cho doanh nghiệp khó áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất theo các cách thông thường như thực hiện các biện pháp bảo hiểm.

- Sai lầm trong lựa chọn chiến lược kinh doanh, cơ chế quản lý; thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch; thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; những sơ suất, bất cẩn của các cá nhân, tổ chức...

Đây là nhóm nguyên nhân thường xuyên nhất trong hoạt động thương mại quốc tế của các doanh nghiệp và những rủi ro từ những nguyên nhân này không phải khi nào cũng dễ dàng nhận ra được, tổn thất do những rủi ro này cũng không tức thì và vì thế phản ứng của doanh nghiệp với những nguyên nhân này thường không quyết liệt và không kịp thời.

- Buôn lậu; làm hàng giả; lừa đảo; cạnh tranh không lành mạnh; nạn tham nhũng, cửa quyền, quan liêu sách nhiễu...

Những nguyên nhân này cũng đang có xu hướng gia tăng và diễn biến tinh vi, phức tạp ở không ít các khu vực thị trường mà doanh nghiệp nhắm tới. Tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu do những rủi ro từ những nguyên nhân này thường xảy ra trong thời gian dài và không dễ dàng đo lường một cách chính xác, nhưng chúng tác động rất lớn đến khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Nghiên cứu nguyên nhân của rủi ro một hoạt động cần thiết trong thương mại quốc tế nhằm đưa ra được những dự báo và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa những tổn thất cho doanh nghiệp.

5.2. CÁC RỦI RO THƯỜNG GẶP TRONG TÁC NGHIỆP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA RỦI RO, HẠN CHẾ TỔN THẤT

Như trên đã phân tích, có thể chia rủi ro thành rất nhiều loại khác nhau tuỳ theo những tiêu thức phân loại được lựa chọn xuất phát từ quan điểm tiếp cận và mục đích nghiên cứu rủi ro. Trong nội dung của phần này, theo tiếp cận của quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế và nhằm mục đích cung cấp kiến thức về quản trị rủi ro cho các đối tượng trực tiếp tham gia từng tác nghiệp trong chuỗi các tác nghiệp thương mại quốc tế, các rủi ro được sắp xếp một cách tương đối theo trình tự các nhóm tác nghiệp của quy trình nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Việc phân chia như vậy, theo chúng tôi, sẽ thuận lợi hơn cho nghiên cứu và vận dụng trong điều kiện quản trị của các doanh nghiệp, mặc dù trong thực tế, các rủi ro thường không độc lập và không chỉ xảy ra riêng biệt ở một nhóm tác nghiệp nào. Mỗi rủi ro thường do những nguyên nhân khác nhau và chúng lại có những tác động liên hoàn với những mức độ khác nhau đến quá trình thực hiện từng nhóm tác nghiệp khác nhau. Trong một chừng mực nhất định, có nhiều rủi ro xảy ra ở nhóm tác nghiệp này lại là nguyên nhân dẫn đến những rủi ro xảy ra ở các nhóm tác nghiệp tiếp theo trong chuỗi các tác nghiệp thương mại quốc tế. Một rủi ro có thể do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng một nguyên nhân cụ thể cũng có thể gây ra nhiều rủi ro khác nhau trong các nhóm tác nghiệp.

Chính vì vậy, việc phân chia các loại rủi ro theo tiếp cận của phần này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghiên cứu và vận dụng các biện pháp khác nhau trong quản trị rủi ro ở từng nhóm tác nghiệp độc lập trong chuỗi tác nghiệp thương mại quốc tế. Rất có thể cách phân chia như vậy lại không thích ứng với các tiếp cận và các nghiệp vụ khác trong hoạt động kinh doanh quốc tế (như đầu tư, chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng thương quyền...hoặc trong kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh vận tải).

5.2.1. Những rủi ro trong lựa chọn đối tác, đàm phán và ký kết hợp đồng

Lựa chọn đối tác, đàm phán và ký kết hợp đồng là nhóm tác nghiệp khởi đầu rất quan trọng trong chuỗi các tác nghiệp thương mại quốc tế, trong đó lựa chọn đối tác có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của một thương vụ và trực tiếp ảnh hưởng đến các tác nghiệp sau đó.

Để lựa chọn một đối tác trong kinh doanh, doanh nghiệp phải căn cứ vào rất nhiều các căn cứ và dữ liệu như thông tin thị trường, đặc thù của sản phẩm, năng lực và hành vi của đối tác, phẩm chất và những dấu hiệu bất bình thường trong các mối quan hệ của đối tác, các yếu tố có thể chi phối hành vi trong tương lai của đối tác...Chính vì vậy trong thực tiễn kinh doanh xuất nhập khẩu ngày nay, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo và không dựa trên đồng thời nhiều căn cứ và dữ liệu để lựa chọn đối tác kinh doanh thì rất dễ gặp phải những rủi ro khác nhau. Có thể nêu ra một số rủi ro điển hình trong lựa chọn đối tác như:

- Rủi ro do mạo danh

Đó là việc một cá nhân hay tổ chức sử dụng trái phép danh nghĩa của một cá nhân hay tổ chức khác (cố ý sử dụng trái phép hoặc sử dụng không chính danh) trong giao dịch với khách hàng. Đại bộ phận các trường hợp mạo danh đều là hành vi lừa đảo, nhưng cũng có một số ít trường hợp là do các bên thiếu kiến thức pháp lý nên dẫn đến sử dụng không chính danh (không đủ tư cách pháp lý) trong giao dịch. Cùng với hành vi mạo danh, không ít thương nhân khi tiến hành giao dịch còn cung cấp cho đối tác những thông tin sai lệch về năng lực kinh doanh của mình, thông tin sai lệch về sản phẩm, phóng đại các quan hệ thương mại để thực hiện những hành vi lừa đảo trong đàm phán, mưu lợi cho mình.

Có rất nhiều kiểu mạo danh khác nhau như: Mạo danh đại diện những công ty lớn, mạo danh đại diện khu vực của những tập đoàn nổi tiếng, mạo danh trung gian thương mại, mạo danh chuyên gia giám định chất lượng, mạo danh bên thứ ba để cam kết mua lại sản phẩm hoặc bán lại sản phẩm...

Tổn thất do những rủi ro này mang đến thường không gặp ngay trong quá trình đàm phán mà kéo theo là những hệ luỵ trong các bước tác nghiệp sau đó và thường là dẫn đến hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp bị hại (nhẹ thì hợp đồng phải huỷ bỏ, nặng thì mất tiền, mất hàng và thậm chí là phá sản).

Thực tế tại Việt Nam đã có không ít doanh nghiệp gặp phải những rủi ro này như những trường hợp ký hợp đồng với thương nhân nước ngoài mạo danh là đại diện của những tập đoàn lớn, hoặc lựa chọn đối tác là những công ty "ma", đối tác nước ngoài mạo danh để bán hàng đang tồn kho,...

Biện pháp phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất trong trường hợp này được khuyến cáo là:

+ Phải điều tra, nghiên cứu thật kỹ về đối tác thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là cần xác định một cách tin cậy về nhân thân của người sẽ giao dịch và đàm phán với chúng ta. Thường kẻ lừa đảo đã chuẩn bị rất kỹ những điều cần cung cấp cho đối tác khi bị kiểm tra, vì thế, khi tiếp xúc và giao dịch các doanh nghiệp cần khéo léo và rất nhanh chóng kiểm tra bằng cách liên hệ trực tiếp với công ty hoặc tập đoàn lớn được nghi là bị mạo danh thông qua các đại chỉ website, e-mail hoặc fax, telephone.

+ Lòng tham luôn là kẽ hở lớn nhất mà những kẻ lừa đảo có thể lọt qua. Các doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo khi có cơ hội quá lớn mang đến cho mình, trong khi chúng ta lại chưa có những nỗ lực đáng kể nào. Trong giao dịch, khi đối tác chấp nhận cho ta lợi ích càng lớn, cơ hội càng nhiều thì nguy cơ bị lừa đảo sẽ càng lớn.

+ Kiên quyết bảo vệ quan điểm thanh toán tiền hàng bằng phương thức an toàn như L/C, T/T trả trước, sẽ hạn chế được nhiều hơn những thiệt hại có thể phải gánh chịu.

- Rủi ro do đối tác không đủ năng lực thực hiện hợp đồng và do hợp đồng soạn thảo thiếu chặt chẽ, có nhiều sơ hở

Đây là rủi ro chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong số các rủi ro trong lựa chọn đối tác và đàm phán hợp đồng, mà có thể là đối tác gặp khó khăn về khung khổ pháp lý (vấn đề hạn ngạch của hàng hoá, các rào cản mới được xác lập hoặc đã không được lường trước); khả năng thanh toán tiền hàng (với đối tác nhập khẩu) hoặc cung ứng hàng hoá (với đối tác xuất khẩu); nhân lực và thời gian cho triển khai các bước tiếp theo trong quy trình nghiệp vụ...

Các nội dung về hàng hoá và giá cả không được chặt chẽ, không tính hết các yếu tố biến động của thị trường thế giới và khu vực. Cũng không loại trừ các trường hợp do chủ quan, các doanh nghiệp Việt Nam đã xem nhẹ vai trò của hợp đồng, thiết lập hợp đồng mang tính chiếu lệ trong khi tập trung tôn trọng các thoả thuận riêng nên bị đối tác lợi dụng, chèn ép. Đây là tình trạng khá phổ biến ở những doanh nghiệp mới tham gia thị trường hoặc những doanh nghiệp nhỏ ít kinh nghiệm trong đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế hoặc những doanh nghiệp luôn kỳ vọng vào những hành vi gian lận thương mại, kinh doanh khuất tất.

Khi gặp những rủi ro này thường dẫn đến hủy bỏ hợp đồng hoặc hợp đồng bị kéo dài, hoặc mất đi cơ hội trong kinh doanh, hoặc phát sinh nhiều chi phí cho giải quyết sự cố, dẫn đến những thiệt hại cả về tài chính và uy tín của doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, khi gặp rủi ro ở giai đoạn này, nhưng hậu quả lại liên đới và kéo dài trong nhiều khâu kế tiếp của quy trình tác nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp đã không tiến hành điều tra kỹ về đối tác nên không có khả năng đánh giá được về năng lực thực hiện hợp đồng của đối tác. Rủi ro này thường rất hay gặp khi doanh nghiệp tiến hành chào hàng cố định và hậu quả là doanh nghiệp bị mất đi cơ hội kinh doanh. Trong trường hợp hợp đồng đã được ký kết thì thiệt hại đôi khi còn lớn hơn nhiều.

Biện pháp phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất được khuyến cáo thường là:

+ Điều tra thật kỹ về đối tác thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, có thể tham vấn ngân hàng để tìm hiểu về năng lực của doanh nghiệp trong các giao dịch trước đó (hiện nay hầu hết các ngân hàng đều sẵn sàng chia sẻ và tư vấn cho doanh nghiệp trong lựa chọn đối tác);

+ Xác lập điều khoản phạt (penalty) trong hợp đồng và rà soát thật kỹ các điều khoản của hợp đồng trước khi đặt bút ký;

+ Tăng cường hoạt động giám sát thực hiện hợp đồng để kịp thời có những điều chỉnh nội dung hợp đồng và L/C nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đối tác thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Rủi ro do các hành vi lừa đảo khác của đối tác

Cùng với những rủi ro đã nêu ở trên, trong quá trình lựa chọn đối tác, đàm phán và ký kết hợp đồng còn có thể xảy ra các rủi ro liên quan đến các hành vi lừa đảo như: Đánh tráo hợp đồng (một bên dự thảo hợp đồng theo những thoả thuận hoặc đàm phán trước đó, bên kia cũng tiến hành soạn một văn bản hợp đồng tương tự nhưng với một số nội dung được sửa lại, chẳng hạn thời hạn giao hàng được kéo dài hoặc thời hạn trả tiền được kéo dài...Khi tiến hành ký, họ đề nghị được đọc lại toàn bộ hợp đồng và nhanh chóng đánh tráo bản hợp đồng đã được sửa đổi để hai bên cùng ký); đưa ra các điều kiện giao dịch rất thuận lợi để lừa đảo (đánh vào lòng tham của đối tác, như chấp nhận giá cao hơn bình thường để được chấp nhận thanh toán bằng T/T, sau đó thì không trả tiền khi đã nhận được hàng, hoặc chấp nhận trả trước một khoản tiền để lấy lòng tin đối với người bán sau đó lừa lấy cả lô hàng mà không trả tiền...); lừa mua để bán hoặc lừa bán để mua (lừa ký hợp đồng với giá rất cao lô hàng mà họ đang bị ế, sau đó tìm cách bán chính lô hàng đó cho đối tác của mình hoặc lừa trong các quan hệ buôn bán đối lưu ...).

Những rủi ro loại này xảy ra không ít trong giai đoạn những năm 1995 - 2000 khi mà các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu rất nhiều kinh nghiệm và chưa có được chỗ đứng vững chắc ở nhiều khu vực thị trường.

Thiệt hại khi gặp những rủi ro này thường rất lớn bởi hầu hết các trường hợp là mất toàn bộ hoặc gần như toàn bộ lô hàng, với những doanh nghiệp nhỏ chỉ cần một vụ bị lừa đảo là đã có thể dẫn đến phá sản.

Biện pháp phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất cổ điển và chủ yếu nhất vẫn là:

+ Điều tra thật kỹ đối tác trước khi tiến hành giao dịch và đàm phán, có thể tham vấn ý kiến của ngân hàng về tình trạng kinh doanh của đối tác; cùng với đó, các doanh nghiệp cần hết sức cảnh giác với những lời mời chào hấp dẫn trong mua bán hàng hoá (giá rẻ khi mua, đắt khi bán, mua với số lượng rất lớn...);

+ Đàm phán để được thanh toán bằng những phương thức chắc chắn như L/C hoặc T/T trả trước với tỷ lệ cao, yêu cầu các bên cùng ký quỹ tại ngân hàng...;

+ Thường xuyên để ý chống đánh tráo hợp đồng trong khi ký hoặc đọc lại những nội dung quan trọng của hợp đồng trước khi ký...

5.2.2. Những rủi ro trong quá trình chuẩn bị hàng xuất khẩu

- Rủi ro do khan hiếm nguồn hàng cung ứng cho xuất khẩu

Do những yếu tố bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất có thể dẫn đến khan hiếm nguồn hàng xuất khẩu. Khi đó, người xuất khẩu luôn tìm mọi cách để giảm lượng hàng xuất khẩu hoặc yêu cầu thay thế bằng hàng hoá khác hoặc kéo dài thời gian chuẩn bị hàng hoá, thậm chí là tự ý không thực hiện việc giao hàng. Ngay cả trong một số trường hợp, nguồn hàng cung ứng cho xuất khẩu thực tế không thiếu, nhưng do người bán đã không tổ chức tốt công tác thu gom hàng hoá nên đã không có hàng cho xuất khẩu, tạo ra sự khan hiếm "giả tạo" ở một thời điểm nhất định. Như vậy thì nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn hàng xuất khẩu có thể là khách quan (ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, cạn kiệt nguồn nguyên liệu...) và cũng có thể là chủ quan (hạn chế xuất khẩu của chính phủ, không tổ chức tốt công tác thu mua,...). Trường hợp nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu năm 2008 bị phạt hợp đồng xuất khẩu gạo do chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Việt Nam là một ví dụ về những nguyên nhân chủ quan theo tiếp cận hành vi của con người.

Thiệt hại trong trường hợp này không chỉ riêng đối với người nhập khẩu mà cả đối với người xuất khẩu. Với người nhập khẩu thì do chậm nhận hàng, nhận không đủ lượng hàng hoặc không nhận được hàng sẽ dẫn đến những thiệt hại về lợi nhuận, đọng vốn do mở L/C, suy giảm uy tín trong các giao dịch kế tiếp, ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Với người xuất khẩu thì do không có hàng để thực hiện hợp đồng nên có thể bị phạt do vi phạm hợp đồng, suy giảm lợi nhuận, suy giảm uy tín thương mại, nguy cơ mất thị trường và khách hàng, phát sinh nhiều chi phí để giải quyết lượng hàng đã được chuẩn bị nhưng không xuất khẩu được ...

Tình trạng này đã xảy ra không ít ở Việt Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như cà phê, hạt tiêu, rau quả chế biến. Nguyên nhân dẫn đến rủi ro này thì có rất nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do các doanh nghiệp xuất khẩu đã không có được kế hoạch bền vững và nhất quán trong sản xuất và cung ứng hàng xuất khẩu, không gắn kết được kế hoạch xuất khẩu với kế hoạch thu mua hàng hoá, không lường trước được những yếu tố biến động về nguồn hàng để có được những thoả thuận hợp lý với đối tác.

Để hạn chế thiệt hại từ những rủi ro trên, có thể áp dụng các biện pháp như:

+ Trước hết, doanh nghiệp cần có kế hoạch hợp lý trong thu gom hàng hoá xuất khẩu trên cơ sở xác định năng lực cung ứng của từng nguồn hàng, xác lập được danh mục các yếu tố biến động và dự báo được xác xuất xuất hiện nguy cơ rủi ro, xây dựng phương án dự phòng trong chuẩn bị hàng xuất khẩu (thông qua việc ký các hợp đồng lệch nhau về thời gian giao hàng, thoả thuận thay thế linh hoạt hàng hoá, thoả thuận các trường hợp bất khả kháng...).

+ Người nhập khẩu cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường và tình hình cung ứng hàng xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời, sẵn sàng cùng người xuất khẩu thoả thuận để có được lợi ích tốt nhất cho cả hai bên (như chấp nhận lô hàng ít hơn so với hợp đồng, chấp nhận tăng giá hợp lý để có được lượng hàng mong muốn, hỗ trợ bên xuất khẩu thu gom hàng...).

- Rủi ro do sự biến động giá cả hàng hoá

Trong nền kinh tế thị trường, sự biến động của giá cả hàng hoá diễn ra một cách thường xuyên dưới những tác động của hàng loạt các yếu tố từ môi trường kinh tế vĩ mô và những điều chỉnh trong chính sách vi mô của mỗi quốc gia. Với những biến động giảm giá thường ít được xem như là rủi ro trong quá trình chuẩn bị hàng xuất khẩu, ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo chắc chắn nguồn hàng đã ký hợp đồng thu mua với số lượng lớn hơn nhiều lượng hàng xuất khẩu của hợp đồng. Khi đó với mức độ xuất khẩu hạn chế sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Các trường hợp còn lại thường được xem xét khi giá cả hàng hoá có biến động tăng. Rõ ràng khi giá cả tăng, việc thu mua sẽ trở nên khó khăn hơn, lợi nhuận sẽ bị suy giảm đến mức thậm chí bị thua lỗ. Nguy cơ hàng giao không đủ số lượng hoặc chậm giao hoặc từ chối giao hàng là rất cao.

Tổn thất trong trường hợp này cũng không chỉ xảy ra riêng đối với người xuất khẩu mà cả đối với người nhập khẩu. Người xuất khẩu có thể bị thua lỗ, bị phạt hợp đồng, suy giảm uy tín thương mại, mất dần khách hàng, trong khi đó, với người nhập khẩu cũng rất dễ bị tổn thương do giá hàng tăng cao (do không có đủ lượng hàng như đã thoả thuận, phải chấp nhận giá cao hoặc phải tìm kiếm những nguồn hàng khác thay thế dẫn đến phát sinh nhiều chi phí và bỏ lỡ cơ hội kinh doanh).

Biện pháp hạn chế tổn thất chủ yếu trong trường hợp này là:

+ Các bên cùng bàn bạc để khắc phục theo hướng cùng chung nhau gánh chịu hậu quả rủi ro nếu muốn duy trì quan hệ thương mại lâu dài, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro do biến động giá cả, thực hiện các biện pháp tự bảo hiểm thông qua các giao dịch tại sở giao dịch hàng hoá (nếu có điều kiện).

+ Bên cạnh đó, khi đàm phán và ký kết hợp đồng cũng cần nêu cụ thể các điều kiện ràng buộc trách nhiệm và hướng xử lý những tình huống không mong đợi, trong đó có tình huống biến động tăng của giá cả hàng hoá.

- Rủi ro do mất khả năng kiểm soát về chất lượng và số lượng hàng hoá xuất khẩu

Đây là rủi ro có nguyên nhân từ những hành vi chủ quan của những người tham gia và có liên quan đến công tác chuẩn bị hàng xuất khẩu. Người xuất khẩu hoặc người nhập khẩu, vì những nguyên nhân khác nhau bị mất khả năng kiểm soát về số lượng và chất lượng của hàng hoá xuất khẩu, chẳng hạn không thể kiểm tra được toàn bộ số lượng và chất lượng lô hàng do được tập kết cùng thời điểm với số lượng lớn, do chủ quan và tin tưởng ở những bên cung ứng, do thiếu kiểm soát trong các hợp đồng giao hàng tay ba (giữa nhà sản xuất với người xuất khẩu và người vận chuyển hoặc người nhập khẩu), thiếu các phương tiện kiểm tra chất lượng, do điều kiện thời tiết bất lợi hoặc những điều kiện khác như chiến tranh, bạo động...

Với những trường hợp này, có thể gây ra những tổn thất khi thì cho người xuất khẩu khi thì cho người nhập khẩu và thậm chí cho cả người xuất khẩu và người nhập khẩu. Mất kiểm soát về chất lượng và số lượng có thể là hàng hoá được chuẩn bị không đủ số lượng, không đúng chất lượng, bị lẫn chủng loại, bị sai quy cách, bao bì thiếu hoặc không phù hợp dẫn đến nguy cơ suy giảm chất lượng trong vận chuyển và bảo quản...Khi đó, người xuất khẩu có thể phải sửa chữa hàng hoá, thay thế bằng một số lượng hàng hoá khác, tiến hành bổ sung hoặc thay thế bao bì. Mức độ thiệt hại sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ vi phạm về số và chất lượng so với hợp đồng hoặc thoả thuận. Cũng đã có không ít trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam khi nhận hàng tại cảng đến đã phát hiện hàng hoá thừa về số lượng và trong nhiều tình huống đó phần thiệt hại đã thuộc về đối tác xuất khẩu nước ngoài.

Với người nhập khẩu, khi bị mất khả năng kiểm soát đối với số lượng và chất lượng hàng hoá trong quá trình chuẩn bị của đối tác thì nguy cơ thiệt hại lại là rất cao, bởi trong thương mại quốc tế, ngày nay, người ta sử dụng rất rộng rãi phương thức thanh toán bằng tính dụng chứng từ (L/C), một phương thức thanh toán chủ yếu dựa vào chứng từ chứ không dựa vào thực tế số lượng và chất lượng hàng hoá. Nên khi phát hiện hàng hoá bị sai lệch về số và chất lượng thì cũng đã muộn và phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để khiếu nại, giải quyết.

Các biện pháp phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất trong trường hợp này được đề xuất là:

+ Tăng cường kiểm soát về số lượng và chất lượng thông qua các thoả thuận sử dụng các cơ quan giám định độc lập có uy tín.

+ Bên cạnh đó, người xuất khẩu trong quá trình chuẩn bị hàng hoá cần có nhân viên theo dõi trực tiếp quá trình thu mua, thường xuyên đối chiếu giữa thực tế hàng hoá với các chỉ tiêu được quy định trong các hợp đồng, tính toán thời gian hợp lý cho công tác chuẩn bị hàng hoá để có thể tiến hành kiểm tra được toàn bộ lô hàng (theo phương pháp kiểm tra đại diện hoặc kiểm tra toàn bộ).

+ Bên nhập khẩu cũng cần có phương án kiểm tra lượng hàng hoá do bên xuất khẩu chuẩn bị (trực tiếp cho nhân viên kiểm tra hoặc thoả thuận để thuê khoán chuyên gia tiến hành kiểm tra, xác nhận). Rất nhiều hợp đồng xuất khẩu nông sản, thuỷ sản của Việt Nam đã phải chấp nhận để chuyên gia nước ngoài tiến hành kiểm tra lô hàng xuất khẩu trong quá trình chuẩn bị ngay tại nhà máy hoặc kho của người xuất khẩu Việt Nam. Văn bản xác nhận về việc đã được kiểm tra sơ bộ của chuyên gia nước ngoài là một chứng từ không thể thiếu để doanh nghiệp Việt Nam thanh toán tiền hàng xuất khẩu.

+ Với những rủi ro do các yếu tố khách quan như đình công, chiến tranh, bạo động dẫn đến các bên bị mất khả năng kiểm soát về số lượng và chất lượng hàng hoá trong quá trình chuẩn bị hàng xuất khẩu thì biện pháp ưu việt được khuyến cáo là mua bảo hiểm đặc biệt cho hàng hoá (nếu trị giá lô hàng lớn) hoặc các bên cùng nhau thoả thuận chi tiết về các trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng và những thoả thuận riêng khác tuỳ theo từng loại hàng hoá cụ thể.

- Rủi ro do những biến đổi phẩm chất hàng hoá xuất khẩu

Với không ít trường hợp, giai đoạn chuẩn bị hàng xuất khẩu kéo dài hàng tháng trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong khi không phải ở đâu và lúc nào điều kiện kho tàng cũng đủ để bảo quản hàng hoá theo đúng những quy định. Vì thế, ngay trong quá trình chuẩn bị, hàng hoá có thể bị suy giảm chất lượng do những tác động từ môi trường tự nhiên cũng như từ ý thức và hành vi của con người (chất xếp không đúng, vận chuyển sai quy định, bảo quản không tốt...). Ngoại trừ những trường hợp hàng hoá bị suy giảm chất lượng rõ rệt như ngấm nước mưa, vón cục, vỡ bao bì, chảy nhão...thì rất nhiều trường hợp những biến đổi chất lượng trong giai đoạn này là không dễ dàng nhận thấy bằng cảm quan nên các doanh nghiệp xuất khẩu thường ít có các biện pháp đối phó hợp lý. Do để hàng ngoài trời nắng nhiều ngày có thể làm cho bề mặt của sản phẩm bị nhăn, phai màu, kém bóng; do độ ẩm không khí cao dẫn đến độ ẩm của hàng hoá cao hơn tiêu chuẩn, hàng hoá bị lẫn mùi, mất mùi...là những tổn thất khó nhận thấy trong quá trình chuẩn bị hàng xuất khẩu.

Tổn thất do những rủi ro này mang lại thường là loại tổn thất bộ phận và nó tác động đến cả người xuất khẩu và người nhập khẩu. Người xuất khẩu có thể phải chịu nhiều chi phí sửa chữa, thay thế hàng hoá, thậm chí bị trả lại hàng do người mua từ chối nhận lô hàng không đảm bảo chất lượng như thoả thuận. Bên cạnh đó, người nhập khẩu có thể phải gánh chịu hậu quả nếu sau khi nhận hàng mức độ suy giảm chất lượng gia tăng nhanh chóng do nguyên nhân từ khâu chuẩn bị hàng hoá không tốt của người xuất khẩu. Uy tín thương mại của người nhập khẩu sẽ giảm đáng kể nếu hàng được đưa ra bán cho người tiêu dùng khi đã bị suy giảm chất lượng.

Các biện pháp khuyến cáo áp dụng để hạn chế tổn thất gồm:

+ Lường trước được những biến động của tự nhiên (mưa gió, bão, lụt...), hành vi không mong muốn (cháy, nổ, phá hoại..) để hạn chế tối đa những suy giảm chất lượng trong quá trình chuẩn bị hàng xuất khẩu là biện pháp cần phải được áp dụng triệt để.

+ Người xuất khẩu cũng cần tổ chức tốt quá trình chuẩn bị hàng hoá và các yếu tố hậu cần phục vụ cho công tác thu gom, bảo quản hàng xuất khẩu.

+ Thoả thuận kiểm tra, giám định hàng hoá trước khi xếp hàng là biện pháp cần được các nhà nhập khẩu áp dụng triệt để để hạn chế tối đa những thiệt hại do suy giảm chất lượng trong công đoạn chuẩn bị hàng xuất khẩu của người xuất khẩu.

+ Trong những trường hợp đặc biệt, do sự khắc nghiệt của thời tiết hoặc điều kiện rất hạn chế về các phương tiện hậu cần, người nhập khẩu có thể có các biện pháp hỗ trợ người xuất khẩu trong bảo quản hàng đã thu gom được (tất nhiên với những thoả thuận cụ thể về kinh phí và giá cả hàng hoá).

+ Mua bảo hiểm cho hàng hoá trong thời gian lưu kho chờ xuất khẩu để đề phòng thiệt hại do cháy nổ, ngập lụt...).

5.2.3. Những rủi ro trong quá trình giao, nhận hàng hoá

- Rủi ro do người bán không giao đúng số lượng, chất lượng và chủng loại hàng hoá

Trong thực tiễn kinh doanh, có thể vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần nhiều là do những nguyên nhân chủ quan của người xuất khẩu, hàng hoá đã không được cung cấp đúng như quy định trong hợp đồng hoặc trong L/C (về số lượng, chất lượng, chủng loại) mặc dù người nhập khẩu đã mở L/C hoặc thực hiện ký quỹ tại ngân hàng. Sự chủ quan của người xuất khẩu trong chuẩn bị hàng hoá; giá cả hàng hoá biến động tăng gây bất lợi cho người xuất khẩu; người xuất khẩu tìm kiếm được hợp đồng xuất khẩu có lợi hơn; người xuất khẩu không tin tưởng khả năng nhận hàng và thanh toán của người nhập khẩu; sự thoả thuận không rõ ràng trong hợp đồng về số lượng, chất lượng và chủng loại; sự suy giảm chất lượng hàng hoá trong quá trình chuẩn bị hàng xuất khẩu; mất khả năng kiểm soát về số và chất lượng của người xuất khẩu; các hạn chế xuất khẩu của chính phủ thường là những nguyên nhân được nhắc đến nhiều hơn khi đề cập đến nhóm rủi ro này.

Việc cung cấp hàng hoá không đúng số lượng có thể là thừa hoặc thiếu về số lượng, trọng lượng (bao gồm cả phần dung sai nếu hợp đồng có quy định dung sai và người được quyền chọn dung sai). Khi xác định mức độ tổn thất do giao hàng không đúng số lượng cần tính toán và loại trừ cả sự gia tăng độ ẩm hàng hoá (nếu có). Sai lệch về chủng loại và tỷ lệ giữa các loại hàng trong một lô hàng được xác định căn cứ và thảo thuận trong hợp đồng. Rất có thể trọng lượng không sai lệch nhưng chủng loại lại có sai lệch hoặc sai về màu sắc, kích cỡ của hàng hoá. Những sai lệch này thường không phải ít gặp khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản, nông sản (chẳng hạn một công ty giao 15MT tôm đông lạnh, trong đó 10MT loại 30 con/kg và 5MT loại 40 con/kg, trong khi hợp đồng quy định 13MT loại 30 con/kg và 2MT loại 40 con/kg). Giao hàng không đúng về số lượng cũng ghi nhận cả trường hợp giao hàng không đúng tiến độ của từng chủng loại (trong trường hợp cho phép giao hàng từng phần, chẳng hạn với thiết bị toàn bộ thì nhóm thiết bị sẽ lắp đặt trước lại được giao sau trong khi những thiết bị lắp đặt sau lại được giao trước).

Thực tế xác định mức độ tổn thất do giao hàng không đúng chủng loại và chất lượng là không dễ dàng để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại, khi mà trong hợp đồng không chỉ rõ đơn giá của từng loại hàng. Chẳng hạn, một hợp đồng xuất khẩu phi lê cá bá sa đông lạnh chỉ ghi là đơn giá 3,5 USD/kg (cho cả loại phi lê thịt trắng và phi lê thịt vàng), trong đó 70% khối lượng lô hàng là phi lê thịt trắng và 30% khói lượng là phi lê thịt vàng. Người xuất khẩu đã giao 50% loại thịt trắng và 50% loại thịt vàng. Trong trường hợp này thật khó xác định tổn thất do rủi ro giao không đúng chủng loại hàng hoá theo những cách thông thường.

Mức độ thiệt hại mà người nhập khẩu phải gánh chịu trong các trường hợp này không giống nhau và phụ thuộc rất nhiều vào mức độ vi phạm của bên xuất khẩu, vào đặc điểm của hàng hoá và các yếu tố thị trường. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều do nguyên nhân chủ quan và những hành động cố ý của người xuất khẩu, những sơ suất của người xuất khẩu giao hàng không đúng có thể cũng gây những thiệt hại nhất định cho chính họ như giảm uy tín thương mại, khách hàng rời bỏ doanh nghiệp, thiệt hại do bị phạt hoặc phải sửa chữa, thay thế hàng hoá, thậm chí phải tái nhập khẩu lô hàng khi bị những lỗi nghiêm trọng về chất lượng (như nhiều lô hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2007 và 2008 bị buộc phải tiêu huỷ hoặc buộc phải quay trở lại Việt Nam, những chi phí khi đó sẽ cực kỳ lớn mà người xuất khẩu phải gánh chịu).

Để phòng ngừa những rủi ro liên quan đến việc người bán giao hàng không đúng theo thoả thuận và hạn chế tối đa những tổn thất do những rủi ro đó mang lại, các doanh nghiệp có thể áp dụng một số các biện pháp sau đây:

+ Trước hết cần tìm hiểu bạn hàng thật kỹ lưỡng cả về uy tín thương mại và về khả năng cung cấp hàng hoá;

+ Tham khảo ý kiến ngân hàng về quá trình kinh doanh của người xuất khẩu; quy định trong hợp đồng điều khoản phạt (penalty), trong đó quy định phạt bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ;

+ Yêu cầu cả hai bên (mua và bán) cùng ký quỹ tại một ngân hàng để đảm bảo thực hiện hợp đồng;

+ Sử dụng các công cụ mạnh của ngân hàng như: L/C dự phòng (standby L/C), bảo lãnh ngân hàng (bank guarantee), đảm bảo thực hiện hợp đồng (performance bond). Tất nhiên những công cụ mạnh này thường chỉ được áp dụng đối với những hợp đồng lớn và khách hàng không quen biết nhau để đảm bảo quyền lợi nhà nhập khẩu.

- Rủi ro do chậm giao hàng hoặc không giao hàng

Người xuất khẩu có thể chậm giao hàng theo như tiến độ đã được quy định trong hợp đồng và không ít trường hợp họ còn không có khả năng giao hàng. Việc xác định rạch ròi giữa chậm giao hàng và không giao hàng không phải khi nào cũng dễ dàng khi trong hợp đồng không quy định cụ thể thời hạn cuối cùng và trong các hợp đồng có thời hạn giao hàng kéo dài, giao từng phần.

Rủi ro do chậm giao hàng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động thương mại quốc tế người ta thường nói nhiều đến những nguyên nhân chủ quan và trong đa số các trường hợp khi người bán chậm giao hàng thì người mua thường tìm mọi lý lẽ chứng minh đó là ý muốn chủ quan của người bán. Các nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm giao hoặc không thể giao hàng của người bán có thể là do những biến động mạnh về nguồn cung (giá cả tăng quá nhanh, không còn nguồn hàng xuất khẩu do thiên tai, hiểm hoạ tự nhiên..). Mức độ thiệt hại của trường hợp chậm giao hoặc không giao hàng về cơ bản cũng như trường hợp giao không đủ lượng hàng, sẽ làm suy giảm đáng kể lợi nhuận, làm mất đi cơ hội kinh doanh và tạo ra những thiệt hại liên đới cho người nhập khẩu. Tuy nhiên, rủi ro này cũng mang đến những tổn thất nhất định cho cả bên xuất khẩu (ngoại trừ trường hợp họ cố ý không giao hàng vì lợi ích của riêng mình).

Các biện pháp có thể áp dụng để phòng ngừa rủi ro và hạn chế thiệt hại do những rủi ro liên quan đến chậm giao hoặc không giao hàng được khuyến cáo gồm:

+ Ước luợng thời gian chuẩn bị hàng và gom hàng với sự tính toán các yếu tố tác động (thực chất là tính toán có dự phòng thời gian gom hàng sao cho hợp lý để người xuất khẩu có cơ hội chuẩn bị và gom hàng);

+ Tính toán hợp lý và thoả thuận hoặc điều chỉnh với người bán và người chuyên chở về thời gian xếp hàng lên tàu để người bán có nhiều cơ hội nhất giao hàng đúng thời hạn; thực hiện tu chỉnh L/C nếu thấy khả năng người bán không kịp giao hàng;

+ Quy định trong hợp đồng điều khoản phạt (penalty), trong đó quy định phạt bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình một cách đầy đủ;

+ Yêu cầu cả hai bên (mua và bán) cùng ký quỹ tại một ngân hàng để đảm bảo thực hiện hợp đồng;

+ Sử dụng các công cụ mạnh của ngân hàng như: L/C dự phòng (standby L/C), bảo lãnh ngân hàng (bank guarantee), đảm bảo thực hiện hợp đồng (performance bond).

- Rủi ro do người mua không nhận hàng

Người mua trả tiền để được nhận hàng. Đó là lẽ thường trong kinh doanh nói chung và trong thương mại quốc tế nói riêng. Như vậy thì việc nhận hàng chính là quyền lợi của người mua. Tuy nhiên, đi kèm với quyền lợi được nhận hàng thì trong các điều kiện thương mại quốc tế (Incoterms) người ta cũng quy định nghĩa vụ của người mua là phải trả tiền và nhận hàng. Điều này nghĩa là, một khi người bán đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình thì người mua không được quyền từ chối nhận hàng. Với lập luận như vậy, một khi người mua nếu không muốn nhận hàng thì phải tìm mọi cách chứng minh rằng người bán đã có lỗi trong quá trình giao hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng. Như vậy, khi người mua không nhận hàng sẽ được xem như là rủi ro đã xảy ra đối với người bán.

Nguyên nhân dẫn đến người mua không nhận hàng có thể là gặp tình thế bất lợi (giá cả giảm nhanh sẽ thua lỗ khi nhận hàng hoặc tình thế thị trường có những bất lợi do cạnh tranh), người mua nghi ngờ về chất lượng lô hàng đã giao, người bán có lỗi khi giao hàng (không đúng về chủng loại, số lượng hoặc thời gian giao hàng).

Thiệt hại mà người bán phải gánh chịu thường là chi phí khiếu kiện, thời gian lưu tàu, lưu kho và đôi khi là rất lớn do phải tái nhập khẩu hoặc chuyển bán lô hàng sang một khu vực thị trường khác.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào thiệt hại cũng xảy ra với người bán. Một khi người mua không đưa ra được những bằng chứng thuyết phục mà từ chối nhận hàng thì thiệt hại lại xảy đến với người bán như trường hợp của một công ty Việt Nam khi từ chối nhận lô hàng 13.000MT phân bón của công ty HELM (Đức). Hậu quả là công ty Việt Nam phải chịu phí tổn tại toà gần 60.000 USD và toàn bộ trị giá lô hàng gần 4 triệu USD. Đây có lẽ là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt Nam khi từ chối nhận hàng một cách thiếu căn cứ. Những tổn thất vô hình và liên đới do người mua từ chối nhận hàng như suy giảm uy tín thương mại, mất khách hàng, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, chịu phạt với khách hàng trong nước do không có hàng cung cấp...cũng hoàn toàn không phải là nhỏ cả đối với người bán và đối với người mua.

Các biện pháp được khuyến cáo áp dụng để phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất có thể gồm:

+ Lựa chọn kỹ đối tác khi ký kết hợp đồng;

+ Gia tăng tỷ lệ ký quỹ tại ngân hàng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng và L/C;

+ Chia sẻ một phần thiệt hại với người mua khi thị trường có những biến động quá bất lợi cho người mua (nếu có thể, như giảm giá một phần cho lô hàng hiện tại hoặc cho những lô hàng sau đó);

5.2.4. Những rủi ro trong quá trình vận chuyển, mua bảo hiểm cho hàng hoá

Với đặc điểm hàng hoá xuất nhập khẩu thường có khối lượng lớn với nhiều chủng loại hàng hoá đa dạng, phải di chuyển qua biên giới của ít nhất là một quốc gia, đặc biệt thường được vận chuyển bằng đường biển nên luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây rủi ro và khi bị rủi ro, mức độ thiệt hại thường rất lớn. Thực tế, những rủi ro gặp phải trong quá trình vận chuyển, mua bảo hiểm cho hàng hoá thường chiếm tỷ lệ rất cao và rất đa dạng so với các quá trình khác của quy trình tác nghiệp thương mại quốc tế. Có thể tìm hiểu về một số rủi ro đặc trưng trong quá trình vận chuyển và mua bảo hiểm cho hàng hoá dưới đây:

- Các rủi ro do lựa chọn hãng tàu không đủ tin cậy, lừa đảo hàng hải

Trong 13 điều kiện của Incoterms 2000, có những điều kiện người bán phải thuê phương tiện vận tải (thường là thuê tàu biển) như điều kiện CFR, CIF, CPT, CIP, DAF, DES, DEQ, DDU, DDP và những điều kiện còn lại, nghĩa vụ thuê phương tiện vận tải là thuộc về người mua (EXW, FCA, FAS, FOB). Vấn đề là, trong đại đa số các điều kiện của incoterms 2000, rủi ro xảy ra đối với hàng hoá trong quá trình vận chuyển lại do người mua phải gánh chịu như trong các điều kiện EXW, FCA, FAS, FOB, CFR, CIF, CPT, CIP, trong số đó các điều kiện FOB, FCA, CFR, CIF được sử dụng rất phổ biến trong thương mại quốc tế, đặc biệt tại Việt Nam. Người bán có nghĩa vụ thuê tàu, nhưng nếu có rủi ro xảy ra trên đường vận chuyển thì người mua phải gánh chịu - một động lực để bên có nghĩa vụ thuê tàu thường tìm mọi cách để thuê tàu sao cho có lợi nhất có thể. Chính vì vậy, rủi ro do thuê tàu và lựa chọn hãng tàu không đủ tin cậy, gặp các trường hợp lừa đảo hàng hải diễn ra khá phức tạp và với tỷ lệ không hề nhỏ.

- Thuê tàu không đủ khả năng đi biển là trường hợp khá phổ biến, theo đó, bên thuê tàu đã thuê những con tàu không đủ khả năng đi biển (tất nhiên chi phí thuê tàu sẽ giảm đi khá nhiều), hoặc chủ tàu đã cung cấp những con tàu không đủ khả năng đi biển để chuyên chở hàng hoá. Mặc dù trong các công ước quốc tế về vận tải bằng đường biển cũng đã quy định rõ rằng, chủ tàu phải có nghĩa vụ cung cấp cho người thuê tài con tàu có đủ khả năng đi biển, nhưng để tập hợp chứng cứ chứng minh còn tàu không đủ khả năng đi biển lại không mấy dễ dàng khi mà chủ tàu đã tìm mọi cách hợp thức hoá khả năng đi biển của con tàu bằng những bằng chứng đôi khi là gian lận. Trong hành trình, do không đủ khả năng đi biển, con tàu có thể gặp trục trặc và kéo theo rất nhiều chi phí phát sinh, lịch trình bị kéo dài, hư hỏng hàng hoá... Tổn thất mà người mua phải gánh chịu đôi khi rất lớn (mất hàng, hàng bị hư hỏng, lỡ cơ hội kinh doanh, bị phạt trong những hợp đồng liên đới tiếp theo với khách hàng trong nước, chi phí khắc phục sự cố...).

- Thuê tàu của những chủ tàu hoặc người thuê tàu định hạn để chuyên chở hàng hoá không có năng lực tài chính nên khi có sự cố dọc đường (hỏng hóc, gặp nạn, bị cầm cố, bắt giữ do nợ tiền...) chủ tàu thường tìm mọi cách để thoái thác trách nhiệm với hàng hoá trên tàu và thậm chí là bỏ rơi con tàu. Tổn thất mà doanh nghiệp gánh chịu trong các trường hợp này rất lớn, có khi là mất trắng lô hàng chuyên chở. Đã có một số lô hàng nhập khẩu của các công ty Việt Nam nằm trên những con tàu như vậy và thực tế thiệt hại mà các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu là thời gian giải quyết sự cố kéo dài hàng năm trời với tổn thất tiền bạc lên đến hàng triệu USD.

- Thuê phải những con tàu "ma" là trường hợp thuê tàu của những chủ tàu lừa đảo, những con tàu không có lý lịch rõ ràng, giả mạo hồ sơ để lừa đảo. Trong hàng hoá quốc tế, có rất nhiều con tàu đã bị bọn hải tặc, cướp biển bắt giữ và chúng thay đổi tên, quốc tịch tàu, lập hồ sơ giả để tiến hành lừa đảo. Hàng hoá được xếp lến những con tàu này sẽ được bán bất hợp pháp khi tàu đã rời khỏi cảng và thiệt hại là chủ hàng bị mất trắng lô hàng nhưng không thể khiếu kiện vì sẽ không bao giờ tìm được chủ tàu và con tàu. Trường hợp của Công ty vật tư Hà Anh (Việt Nam) bị mất 5.000MT phân urê khi chuyên chở trên con tàu Brilliant 08, hoặc những trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị tàu "ma" lừa hàng chục nghìn tấn gạo xuất khẩu là những ví dụ điển hình.

Các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo thường là:

+ Giành quyền chủ động thuê tàu (khi nhập khẩu theo các điều kiện của nhóm F), khi đó bên nhập khẩu sẽ có cơ hội lựa chọn được những hãng tàu có uy tín, có thể đàm phán về lịch trình và tuyến đường hợp lý;

+ Chỉ định hãng tàu nổi tiếng (khi nhập khẩu theo các điều kiện của nhóm C), hoặc quy định chi tiết những yêu cầu đối với con tàu trong hợp đồng nhập khẩu và ràng buộc trách nhiệm của bên bán khi thuê tàu không đúng yêu cầu. Phương án tối ưu là nên chỉ định thuê tàu của các hãng có văn phòng giao dịch tại nước nhà nhập khẩu để dễ dàng trong theo dõi lịch trình và giải quyết sự cố;

+ Mua bảo hiểm cho hàng hoá chuyên chở theo những điều kiện phù hợp với thời gian vận chuyển trong năm, tuyến đường vận chuyển và đặc tính của hàng hoá.

- Các rủi ro do xếp hàng không đúng quy cách, chuyên chở không đúng lịch trình, chuyển tải hàng hoá

Đây là những rủi ro chủ yếu do hành vi của con người gây ra, có thể là xếp hàng trong khoang tàu không đúng quy định và không phù hợp với đặc tính của hàng hoá gây đổ vỡ, lẫn mùi, ... Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do chủ hàng đã không cung cấp một cách đầy đủ thông tin về hàng hoá và những yêu cầu đối với việc chất xếp hàng hoá trên tàu, hoặc do sơ suất, chủ quan, sự thiếu trách nhiệm của người chuyên chở cũng như bên xếp hàng trong quá trình xếp hàng trên tàu. Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân khách quan khác như chiến tranh, bạo động, thiên tai...hoặc cấm vận, buộc tàu phải thay đổi lịch trình và tuyến đường để đảm bảo an toàn cho hành trình.

Chuyên chở không đúng lịch trình cũng dễ dàng gây ra những tổn thất cho hàng hoá vận chuyển như bị biến dạng, suy giảm chất lượng do thời gian vận chuyển có thể bị kéo dài, tàu đi vào vùng biển có nguy hiểm, độ ẩm quá cao. Hậu quả có thể không chỉ dừng lại ở chất lượng hàng hoá bị suy giảm mà có thể là chậm trễ trong cung ứng, dẫn đến những thiệt hại liên đới trong các thoả thuận kế tiếp, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Những tổn thất này thường khó đo lường được một cách chính xác như những tổn thất về hàng hoá thông thường khác.

Một số rủi ro trong vận chuyển không đúng lịch trình và chất xếp không đúng quy cách có thể dẫn đến phải chuyển tải hàng hoá như trong trường hợp tàu bị sự cố, hàng bị đổ vỡ buộc phải chuyển tải sang phương tiện khác hoặc dỡ hàng lên bờ thường kéo theo những thiệt hại không chỉ cho chủ hàng mà còn cho cả người vận chuyển. Chi phí khắc phục sự cố có thể bao gồm rất nhiều từ phí kéo tàu, phí sửa chữa, phí dỡ hàng và chuyển tải, lệ phí qua cảng và hàng loạt thiệt hại từ sự suy giảm chất lượng, đỗ vỡ, thay thế hàng hoá.

Để phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất trong các trường hợp này, khuyến cáo các doanh nghiệp nên:

+ Ràng buộc trách nhiệm của nhà xuất khẩu trong vấn đề xếp hàng lên tàu như thoả thuận trong hợp đồng nhập khẩu theo điều kiện FOB stowed (FOB xếp hàng), hoặc CFR stowed, CIF stowed...Khi đó sẽ hạn chế tối đa những tổn thất do xếp hàng không đúng quy cách;

+ Đàm phán để nhập khẩu theo các điều kiện nhóm C, khi đó người nhập khẩu sẽ có cơ hội lựa chọn hãng tàu, chủ động lựa chọn lịch trình và tuyến đường vận chuyển;

+ Khảo sát tuyến vận tải ngay sau khi ký hợp đồng và chọn những hãng tàu có thế mạnh về tuyến vận chuyển đó;

+ Thuê tàu chuyến nếu khối lượng hàng hoá vận chuyển lớn. Trong trường hợp giao hàng từng phần cần trước hết đọc kỹ những yêu cầu của L/C và giám sát chặt chẽ thời gian giao hàng, số lần giao hàng, khối lượng và chủng loại hàng giao từng lần sao cho phù hợp với yêu cầu của bên nhập khẩu;

+ Thực hiện tu chỉnh L/C nếu cần thiết để phù hợp với thực tế vận chuyển hàng hoá.

- Các rủi ro do những tai hoạ tiềm ẩn trong quá trình vận chuyển

Đây được coi là nhóm rủi ro phức tạp và đa dạng nhất trong quá trình vận chuyển bằng đường biển. Vận chuyển đường biển luôn tiềm ẩn quá nhiều hiểm họa cả trên mặt biển và dưới mặt nước biển, các va chạm với vật thể không phải là nước, sự khắc nghiệt và bất thường của các hiện tượng tự nhiên như gió bão, động đất băng tan, băng trôi...các hiện tượng do con người như bạo động, cấn vận, đình công, chiến tranh. Nhóm các rủi ro này cũng thường được đề cập nhiều nhất trong bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển.

Theo phân loại trong nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển, có thể liệt kê một số loại rủi ro chủ yếu thuộc nhóm này như:

+ Cháy hoặc nổ;

+ Tàu hay xà lan bị mắc cạn, đắm hoặc lật úp;

+ Tàu đâm va nhau hoặc tàu, xà lan hay phương tiện vận chuyển đâm va phải bất kỳ vật thể gì bên ngoài không kể nước hoặc bị mất tích;

+ Phương tiện vận chuyển đường bộ bị lật đổ, hoặc trật bánh;

+ Những hy sinh tổn thất chung, ném hàng khỏi tàu để đảm bảo an toàn cho toàn bộ hành trình đi biển;

+ Rủi ro do chiến tranh, đình công, bạo động, cấm vận...;

+ Mìn, thuỷ lôi, bom hay những vũ khí chiến tranh khác đang trôi dạt;

+ Động đất núi lửa phun, sét đánh;

+ Nước cuốn hàng khỏi tàu;

+ Nước biển, nước hồ, nước sông chảy vào tàu, xà lan, hầm hàng, phương tiện vận chuyển, container hoặc nơi chứa hàng;

+ Các nguyên nhân khác.

Mặc dù ngày nay, con người đã tìm mọi cách để hạn chế tối đa những sự cố có thể xảy ra và tổn thất khi xảy ra rủi ro trong quá trình vận chuyển trên biển, nhưng tỷ lệ rủi ro vẫn chiếm khá cao so với các quá trình khác trong quy trình nghiệp vụ thương mại quốc tế. Khi xảy ra rủi ro, tổn thất mà các bên phải gánh chịu thường không hề nhỏ và không chỉ xảy ra với riêng chủ hàng.

Các biện pháp được khuyến cáo áp dụng để phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất trong các trường hợp này có thể là:

+ Mua bảo hiểm cho hàng hoá chuyên chở theo những điều kiện hợp lý . Có rất nhiều điều kiện bảo hiểm khác nhau (điều kiện A, B, C, bảo hiểm chiến tranh, bảo hiểm đặc biệt khác), doanh nghiệp cần chủ động và tính toán hợp lý để mua bảo hiểm sao cho với chi phí thấp nhất và phạm vi bảo hiểm cao nhất cho từng lô hàng cụ thể.

+ Không phải mọi rủi ro xảy ra đều được bảo hiểm cho dù chủ hàng có mong muốn được bảo hiểm, vì thế để hạn chế, các nhà nhập khẩu cần chủ động đàm phán để nhập khẩu theo các điều kiện nhóm F để có thể chủ động thuê tàu biển có đủ khả năng đi biển, tàu trẻ, khoẻ và chủ động lịch trình, tuyến đường vận chuyển sao cho hợp lý, tránh được những sự cố có thể gặp phải.

+ Thường xuyên giám sát lịch trình tàu chạy để có thể đưa ra những biện pháp hợp lý hạn chế tổn thất khi gặp rủi ro trong hành trình.

- Các rủi ro do bị mất cắp hàng hoá, trục lợi bảo hiểm, cướp biển

Hàng hoá vận chuyển có thể bị mất cắp do chính những người vận chuyển hoặc do những người khác. Cũng có thể, lợi dụng những sự cố trên biển, người chuyên chở đã tìm cách lấy cắp hàng hoá và quy hợp lý cho những tổn thất chung hoặc trục lợi bảo hiểm bằng cách bán toàn bộ lô hàng và tiến hành đánh đắm con tàu để lấy tiền bảo hiểm thân vỏ tàu. Việc điều tra nguyên nhân trong những trường hợp này không phải khi nào cũng dề dàng và có hiệu quả. Mặc dù những trường hợp này không phải thường xuyên xảy ra nhưng khi gặp những rủi ro này, tổn thất xảy ra đối với chủ hàng thường là không nhỏ.

Cướp biển cũng là rủi ro có nguy cơ bùng phát trong thời gian gần đây ở nhiều vùng biển trên thế giới. Các biện pháp phối hợp ngăn chặn dường như tỏ chưa không có hiệu quả khi mà bọn cướp biển được trang bị rất hiện đại và hành động rất táo tợn.

Tổn thất không chỉ xảy ra với chủ hàng mà còn cả đối với chủ tàu, những người chuyên chở, người bảo hiểm và thuyền viên. Tuy nhiên, chủ hàng dù ở trường hợp nào thì cũng bị thiệt hại không nhỏ (mất cơ hội kinh doanh, mất chi phí giải quyết sự cố, tổn thất tài chính khi không mua bảo hiểm một cách đầy đủ...).

Chính vì vậy biện pháp được khuyến cáo áp dụng thường là:

+ Mua bảo hiểm cho hàng hoá ở những công ty bảo hiểm có uy tín, tốt nhất nên mua bảo hiểm ở những công ty có đại diện hoặc văn phòng, chinh nhánh ở nước người nhập khẩu, hoặc mua bổ sung bảo hiểm cho hàng hoá (các loại bảo hiểm đặc biệt như bảo hiểm chiến tranh, bảo hiểm mất cắp...).

+ Lựa chọn hoặc chỉ định tuyến đường vận chuyển an toàn hơn để tránh cướp biển (cân đối với chi phí bổ sung khi chuyển sang các tuyến đường khác).

+ Trong những trường hợp đặc biệt, chấp nhận mua hàng theo các điều kiện của nhóm D như DES, DEQ để tránh thiệt hại cho dù giá cả hàng hoá có thể cao hơn nhiều.

5.2.5. Những rủi ro trong quá trình thanh toán tiền hàng

Thanh toán tiền hàng luôn là khâu quan trọng trong quy trình tác nghiệp thương mại quốc tế, đặc biệt đối với người xuất khẩu. Có rất nhiều phương thức thanh toán quốc tế khác nhau và mỗi phương thức lại có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Sử dụng phương thức thanh toán chắc chắn, có sự ràng buộc cao như thanh toán bằng L/C sẽ loại trừ được nhiều nguy cơ rủi ro trong giao dịch như lừa đảo, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng..., nhưng lại đòi hỏi các bên phải rất chú ý và thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ các quy định trong L/C. Vì vậy mà trong nghiệp vụ thanh toán tiền hàng cũng luôn hàm chứa những rủi ro ở những mức độ và quy mô khác nhau.

- Rủi ro do thanh toán dựa trên chứng từ giả, chứng từ không trung thực

Trong nhiều trường hợp của nghiệp vụ thanh toán quốc tế, việc trả tiền được tiến hành dựa trên kết quả xem xét bộ chứng từ (cho dù thực tế hàng hoá có thể có những khác biệt). Đây chính là một kẽ hở để những kẻ trục lợi, gian lận có thể lợi dụng bằng cách cung cấp bộ chứng từ thanh toán giả mạo, chứng từ không trung thực. Chứng từ giả mạo có thể là vận đơn giả, C/O giả, C/Q giả, thậm chí là toàn bộ hồ sơ thanh toán đều là những chứng từ giả mạo. Ở mức độ thấp hơn, có thể những chứng từ thanh toán không đủ tin cậy, thiếu trung thực là do những cơ quan hoặc các bên liên quan không đủ thẩm quyền cấp (như vận đơn - B/L do không phải hãng tàu lập mà chỉ là đại diện người chuyên chở hoặc người gom hàng cấp).

Đi kèm với những chứng từ giả mạo và không trung thực thường là chất lượng lô hàng không như thoả thuận hoặc không có hàng để giao hoặc hàng đã bị đánh tráo trên đường vận chuyển. Những rủi ro này có nguyên nhân hầu hết là do lừa đảo trong thương mại quốc tế, vì thế tổn thất xảy đến với người nhập khẩu thường là rất lớn.

Một khó khăn không nhỏ đối với cả người nhập khẩu và ngân hàng là khả năng kiểm tra tính xác thực của các chứng từ còn chưa cao, nhất là trong các trường hợp thanh toán bằng điện chuyển tiền (T/T) hoặc bằng các phương thức nhờ thu phiếu trơn, nhờ thu kèm chứng từ.

Để phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất do rủi ro do chứng từ giả, chứng từ không trung thực, cần yêu cầu toàn bộ chứng từ phải do những cơ quan đáng tin cậy cấp, cụ thể như:

+ Đối với vận đơn đường biển (loại chứng từ thường bị làm giả) cần yêu cầu người xuất khẩu cung cấp vận đơn do hãng tàu đích danh lập. Khi xếp hàng hoá lên tàu phải có sự giám sát của đại diện phía nhà nhập khẩu để kịp thời đối chiếu sự thật giả của vận đơn và lịch trình tàu (đối với những lô hàng có giá trị lớn) và đề nghị nhà xuất khẩu gửi thẳng 1/3 bộ vận đơn gốc (bản chính) thẳng tới nhà nhập khẩu để có thể kiểm tra tính xác thực của lô hàng;

+ Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu bên xuất khẩu cung cấp hoá đơn thương mại có sự xác nhận của đại diện phía nhà nhập khẩu hoặc của Phòng Thương mại hoặc hoá đơn lãnh sự (Consular's invoice);

+ Giấy chứng nhận chất lượng do cơ quan có uy tín ở nước xuất khẩu hoặc quốc tế cấp hoặc có sự giám sát kiểm tra và ký xác nhận vào giấy chứng nhận của đại diện phía nhà nhập khẩu;

+ Giấy chứng nhận số lượng cũng phải có sự giám sát của đại diện phía nhà nhập khẩu hoặc đại diện thương mại nước người nhập khẩu tại nước ngoài cấp.

- Rủi ro từ ngân hàng mở L/C

Trong thanh toán bằng L/C, ngân hàng mở L/C cam kết sẽ rả tiền cho người bán khi người bán thực hiện đầy đủ những nội dung được nêu ra trong bức thư tín dụng. Hay nói cách khác, thanh toán bằng L/C là phương thức thanh toán dựa vào chứng từ chứ không dựa vào thực tế hàng hoá và khi người xuất khẩu xuất trình đầy đủ chứng từ theo yêu cầu thì ngân hàng mở L/C buộc phải thanh toán. Vì thế, việc thanh toán tiền hàng phần nhiều phụ thuộc vào ngân hàng mở L/C. Tuy nhiên, trong thực tế có thể gặp phải trường hợp ngân hàng mở L/C mất khả năng tài chính hoặc không trung thực hoặc cố ý chây ỳ, lừa đảo trong thanh toán. Với những trường hợp này, khả năng lấy được tiền hàng của người xuất khẩu dường như bằng không cho dù có sự tác động mạnh từ ngân hàng của người xuất khẩu.

Rủi ro do ngân hàng mất khả năng thanh toán thường xảy ra khi người bán bỏ ngỏ yêu cầu người mua mở L/C ở ngân hàng có uy tín, vì thế họ có thể mở L/C ở những ngân hàng nhỏ với chi phí hoặc tỷ lệ ký quỹ thấp. Tất nhiên cũng không loại trừ trường hợp khủng hoảng tài chính dẫn đến hàng loạt ngân hàng mất khả năng tài chính cho dù đó là ngân hàng lớn.

Rủi ro do đạo đức của ngân hàng mở L/C thường xảy ra khi xuất khẩu hàng hoá vào những khu vực thị trường mà các quan hệ thanh toán liên ngân hàng giữa các ngân hàng bên xuất khẩu và ngân hàng bên nhập khẩu chưa được xác lập chắc chắn hoặc xuất khẩu vào những khu vực thị trường có những biến động mạnh về tình hình chính trị, hoặc thanh toán với những ngân hàng nhỏ ở những khu vực thị trường mới, kinh doanh không nghiêm túc. Với những trường hợp này, các ngân hàng sẵn sàng từ chối thanh toán cho dù người bán thực tế không vi phạm quy định trong L/C. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã gặp rủi ro này khi xuất khẩu sang một số quốc gia Đông Âu giai đoạn những năm 90 (thế kỷ 20) sau khi Liên Xô tan rã.

Biện pháp được đề xuất để phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất do ngân hàng mở L/C thường được khuyến cáo là:

+ Yêu cầu người mua mở L/C tại các ngân hàng uy tín, có tên tuổi (có thể tham vấn ngân hàng tại nước xuất khẩu để lựa chọn ngân hàng có uy tín, hoặc đề nghị mở L/C tại những ngân hàng có chi nhánh tại nước xuất khẩu);

+ Sử dụng L/C có xác nhận (nếu cần thiết) và chỉ định đích danh ngân hàng xác nhận là ngân hàng đại lý của ngân hàng phát hành L/C tại nước xuất khẩu.

+ Khi xuất khẩu vào những khu vực thị trường mới, có nhiều mạo hiểm cần đàm phán để được thanh toán một phần tiền hàng bằng T/T trả trước.

- Rủi ro do bộ chứng từ thanh toán không phù hợp quy định của L/C

Thư tín dụng (L/C) có hai tính chất quan trọng, một là tính độc lập (L/C được mở trên cơ sở của một thoả thuận, nhưng khi đã mở rồi thì L/C lại độc lập với hợp đồng và trực tiếp điều chỉnh tất cả các chứng từ liên quan), hai là, tính hình thức của L/C (mọi sai sót dù chỉ là về hình thức giữa chứng từ và L/C đều không được chấp nhận cho dù về nội dung không có sai sót, nghĩa là khi thanh toán bằng L/C, yêu cầu đầu tiên là bộ chứng từ phải phù hợp với yêu cầu của L/C về hình thức. Đây được coi là một tính chất rất máy móc của L/C). Chính vì vậy, trong thanh toán bằng L/C, những sai sót trong bộ chứng từ so với yêu cầu của L/C thường rất hay xảy ra.

Những sai sót có thể là: Không thống nhất khi thể hiện đơn vị đo lường trên các chứng từ khác nhau; ghi sai hoặc không rõ đơn vị tiền tệ, thể hiện không thống nhất về giá trị lô hàng; ghi không đầy đủ, thiếu thống nhất tên và địa chỉ các bên trên chứng từ; chứng từ không đầy đủ như quy định của L/C; chứng từ được cấp không đúng thẩm quyền theo yêu cầu L/C...Nói chung là mọi sai sót dù là nhỏ giữa chứng từ và yêu cầu của L/C đều có thể bị từ chối thanh toán.

Tổn thất mà người xuất khẩu có thể phải gánh chịu trong trường hợp này thường là bị chậm được trả tiền hoặc bị từ chối trả tiền; phải chấp nhận giảm giá để được trả tiền hoặc phải lập lại bộ chứng từ...dẫn đến không chỉ là mất thời gian, lỡ cơ hội kinh doanh mà còn thiệt hại về tài chính do chậm nhận được tiền và phải giảm giá. Mức độ thiệt hại sẽ tăng lên đáng kể khi đối tác (người nhập khẩu hoặc ngân hàng mở L/C) không có thiện chí, gây sức ép đối với người xuất khẩu.

Các biện pháp được khuyến cáo gồm:

+ Bố trí nhân sự giỏi về nghiệp vụ ở khâu lập bộ chứng từ thanh toán để hạn chế tối đa sự sai sót;

+ Lựa chọn đối tác có uy tín, có thiện chí để dễ dàng chia sẻ và cùng chung tay giải quyết những sự cố có thể xảy ra với bộ chứng từ thanh toán;

+ Thỏa thuận rõ ràng và đầy đủ với nhà nhập khẩu những chứng từ cần xuất trình ngay khi ký hợp đồng xuất khẩu;

+ Đọc, nghiên cứu kỹ những quy định của L/C đối với bộ chứng từ thanh toán. Trong trường hợp có những nội dung mập mờ, chưa rõ cần yêu cầu bên nhập khẩu giải thích rõ ràng và nếu cần đề nghị tu chỉnh L/C cho phù hợp với điều kiện của người xuất khẩu.

5.3. NGHIỆP VỤ QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG TÁC NGHIỆP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

5.3.1. Quan điểm tiếp cận về phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất trong tác nghiệp thương mại quốc tế nói riêng và kinh doanh nói chung

Trong thực tế có không ít những quan điểm và ý kiến khác nhau về rủi ro và tổn thất cũng như các khả năng phòng ngừa rủi ro, hạn chế tổn thất. Nội dung phần này không đi sâu phân tích tính hợp lý xác đáng hay sự hạn chế của từng quan điểm mà chỉ đưa ra cách tiếp cận đa chiều về khả năng phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất trong tác nghiệp thương mại quốc tế dựa trên nhận thức rằng, mọi rủi ro đều gây ra tổn thất (có thể là tổn thất rõ rệt hoặc tổn thất không rõ rệt); hoàn toàn có thể lường trước và giảm bớt các nguy cơ rủi ro bằng nhiều biện pháp khác nhau; các biện pháp phòng ngừa khi được áp dụng đồng bộ và hợp lý sẽ hạn chế tối đa những tổn thất cho các doanh nghiệp trong thực hiện các tác nghiệp thương mại quốc tế. Xuất phát từ đó, một số quan điểm về phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất được đề cập như:

- Quản trị rủi ro là một trong số các chức năng chính (quản trị chiến lược, quản trị hoạt động và quản trị rủi ro...) của một doanh nghiệp, nhằm để nhận dạng, đánh giá, đối phó với những nguyên nhân và hậu quả của rủi ro đối với doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình. Là một nội dung của quản trị rủi ro trong doanh nghiệp, quản trị rủi ro trong tác nghiệp thương mại quốc tế là hệ thống các nghiệp vụ nhằm nhận dạng, đánh giá, đối phó với những nguyên nhân và hậu quả của rủi ro trong quá trình tiến hành các tác nghiệp thương mại quốc tế. Như vậy quản trị rủi ro trong tác nghiệp thương mại quốc tế không chỉ đơn thuần là nhận dạng được rủi ro mà quan trọng hơn là phải đánh giá được mức độ nguy hiểm của rủi ro và đưa ra các biện pháp hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thất do rủi ro mang đến trong từng tác nghiệp của chuỗi tác nghiệp thương mại quốc tế từ khi lựa chọn đối tác cho đến khi thanh toán tiền hàng và thực hiện các nghĩa vụ liên quan khác. Quản trị rủi ro trong tác nghiệp thương mại quốc tế cần phải được tiến hành một cách đồng bộ từ xác lập kế hoạch nhân sự đến triển khai các tác nghiệp trong từng khâu, từng tác nghiệp với khả năng huy động và vận dụng tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp theo phương châm "phòng ngừa" được ưu tiên trước nhất.

- Không phải mọi nguy cơ rủi ro đều dẫn đến rủi ro trong tác nghiệp thương mại quốc tế và nguy cơ có thể do các yếu tố khách quan tạo ra cũng có thể (đôi khi chiếm tỷ lệ không hề nhỏ) là do hành vi chủ quan của chính con người trong các tác nghiệp liên quan tạo ra. Nhận dạng được các nguy cơ sẽ cho phép dự báo ở một mức độ nhất định khả năng xảy ra rủi ro trong từng nhóm nghiệp vụ cũng như các hoạt động liên quan trong tác nghiệp thương mại quốc tế.

Cùng một sự cố khi xảy ra, có thể mang đến rủi ro cho nhóm quyền lợi này, nhưng rất có thể lại mang đến cơ hội cho nhóm quyền lợi khác (chẳng hạn, sự biến động tăng của giá cả hàng hoá có thể sẽ mang đến rủi ro và những tổn thất nhất định cho người bán nhưng có thể lại mang lại cơ hội to lớn cho người mua). Vì thế, khi nghiên cứu về rủi ro cần xác định rõ phạm vi ảnh hưởng và đối tượng hứng chịu rủi ro (đối tượng trực tiếp và những đối tượng liên đới, gián tiếp). Đây là quan điểm tiếp cận trong thương mại quốc tế và không trùng hoàn toàn với quan điểm trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu.

- Con người không thể loại trừ hoàn toàn được rủi ro, nhưng với khả năng quản trị một cách đồng bộ các nhóm tác nghiệp dựa trên phân tích đầy đủ và áp dụng đồng thời nhiều biện pháp khác nhau nhằm phòng ngừa rủi ro, xác xuất xảy ra rủi ro sẽ giảm thiểu đáng kể và tổn thất khi xảy ra rủi ro cũng sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất. Để hoàn toàn không phải đối mặt với những rủi ro chỉ có cách duy nhất là con người không tham gia vào các hoạt động (như không vận chuyển hàng hoá, không tiến hành kinh doanh thì sẽ không phải đối mặt với rủi ro trong vận chuyển và rủi ro trong kinh doanh). Tuy nhiên, điều đó chỉ là giả định không xảy ra trong thực tế. Vì vậy, con người trong các hoạt động của mình nói chung và hoạt động thương mại quốc tế nói riêng phải biết chấp nhận và đối mặt với những rủi ro. Tất nhiên, chấp nhận rủi ro không có nghĩa là phó mặc cho những sự cố và số phận mà con người biết chấp nhận và dám mạo hiểm dựa trên những tính toán, dự báo, vận dụng các kỹ năng và khai thác tốt các công cụ để có thể kiểm soát được một phần nào đấy những tác động từ các rủi ro.

- Con người quan tâm nhất khi nghiên cứu về rủi ro không phải là xác xuất rủi ro mà là hậu quả do rủi ro mang đến, nghĩa là những tổn thất (tổn thất hữu hình và tổn thất vô hình) do rủi ro. Như vậy rủi ro không bao giờ tách rời khỏi tổn thất, nghiên cứu rủi ro là nghiên cứu nguyên nhân còn đi liền với nó, nghiên cứu tổn thất là nghiên cứu hậu quả. Quản trị rủi ro trong tác nghiệp thương mại quốc tế được tiếp cận cả với những tổn thất trực tiếp cho đối tượng gặp rủi ro và những tổn thất liên đới, phát sinh bởi tổn thất của đối tượng này có thể là nguyên nhân gây ra rủi ro và tổn thất cho các đối tượng và hoạt động khác kế tiếp (chẳng hạn, do bão, tàu chở hàng bị đắm, hàng hoá chuyên chở trên tàu bị chìm theo tàu và hư hỏng hoàn toàn. Tổn thất xảy ra với lô hàng đó là tổn thất trực tiếp, nhưng kéo theo đó, doanh nghiệp bị lỡ kế hoạch kinh doanh, không giao được hàng cho đối tác khác, có thể bị phạt vi phạm hợp đồng và suy giảm uy tín thương mại... là những tổn thất gián tiếp. Những tổn thất gián tiếp, liên đới thường không được tính đến khi xem xét quyền lợi bảo hiểm, nhưng rất cần phải được quan tâm đầy đủ trong quản trị rủi ro trong các doanh nghiệp).

5.3.2. Các nghiệp vụ chủ yếu quản trị rủi ro trong tác nghiệp thương mại quốc tế tại các doanh nghiệp

Hình thành các vị trí nhân sự quản trị rủi ro

Khó có thể thực hiện quản trị rủi ro một cách hiệu quả khi không có các vị trí nhân sự cho quản trị rủi ro. Với những doanh nghiệp lớn, một nhóm nhân sự hoặc một bộ phận chuyên trách về quản trị rủi ro có thể dễ dàng được hình thành, nhưng ở những doanh nghiệp nhỏ, điều này dường như là không thể. Vì thế việc chỉ định một nhân sự cụ thể thuộc phòng kinh doanh hoặc phòng xuất nhập khẩu phụ trách các nội dung nghiệp vụ và chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc về vấn đề quản trị nhân sự là rất cần thiết và sẽ có tính khả thi hơn nhiều.

Với vai trò kiêm nhiệm, những nhân sự này có thể tham gia đầy đủ và tích cực vào nhiều nhóm tác nghiệp thương mại quốc tế khác nhau tại doanh nghiệp, vì thế có nhiều cơ hội và thực tiễn để phân tích, dự báo nguồn rủi ro, đối tượng rủi ro và những tổn thất có thể phải gánh chịu khi rủi ro xảy ra.

Nghiên cứu, nhận dạng rủi ro

Đây là các nghiệp vụ quan trọng trong quản trị rủi ro nhằm thu thập và phân tích các nguồn thông tin về những rủi ro, các nguy cơ rủi ro cũng như nguyên nhân dẫn đến các rủi ro trong quá khứ hoặc dự báo, từ đó phân loại rủi ro theo những tiêu chí khác nhau và làm căn cứ xác lập các biện pháp phòng ngừa theo từng nhóm rủi ro đã phân loại.

- Nghiên cứu về nguồn rủi ro và đối tượng rủi ro

Có rất nhiều nguồn gây rủi ro khác nhau như từ những hành vi của con người, từ các yếu tố tự nhiên...Mỗi nguồn rủi ro lại có thể có những tác động rất khác nhau đến các tác nghiệp thương mại quốc tế, vì thế khi nghiên cứu nguồn rủi ro cần phân chia hợp lý chúng thành từng nhóm, chẳng hạn, chia ra thành nhóm các nguồn rủi ro từ hành vi của người bán, nhóm nguồn gây rủi ro từ hành vi của người chuyên chở và chủ tàu, nhóm nguồn gây rủi ro từ sự điều chỉnh của chính sách, nhóm nguồn rủi ro từ các yếu tố tự nhiên, thời tiết...Việc phân chia nguồn rủi ro phụ thuộc nhiều vào đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp và khả năng mà doanh nghiệp tham gia vào những nhóm tác nghiệp khác nhau trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như bối cảnh và môi trường cụ thể. Nguồn rủi ro được xác lập bởi người bán sẽ khác với nguồn rủi ro được xác lập bởi người mua.

Khi nghiên cứu nguồn rủi ro cần chú ý rằng việc không bao quát hết các nguồn rủi ro có thể dẫn đến bị động trong các hoạt động ứng phó khi xảy ra rủi ro và thiệt hại có thể bị tăng thêm vì lý do này.

Nghiên cứu đối tượng rủi ro chính là nghiên cứu những đối tượng (tài sản, con người, uy tín, cơ hội kinh doanh...) sẽ chịu thiệt hại, tổn thất do rủi ro xảy ra. Tuỳ từng hoạt động cụ thể trong kinh doanh xuất nhập khẩu mà đối tượng rủi ro có thể sẽ khác nhau. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, đối tượng trực tiếp và quan trọng nhất thường luôn được đề cập chính là hàng hoá mua bán, mặc dù đó không phải là đối tượng duy nhất cần được nghiên cứu. Cũng cần lưu ý rằng, không chỉ nghiên cứu các đối tượng trực tiếp của rủi ro mà cần quan tâm cả những đối tượng vô hình của rủi ro như uy tín thương mại, cơ hội mất hưởng, sức khoẻ con người; các đối tượng liên đới, gián tiếp trong các quan hệ thương mại tiếp sau...

- Nhận dạng các rủi ro

Từ kết quả nghiên cứu và phân tích về nguồn rủi ro và đối tượng rủi ro, trong nghiệp vụ quản trị rủi ro, các nhà quản trị cần sử dụng các phương pháp khác nhau để nhận dạng được rủi ro một cách càng chính xác càng tốt để không bỏ sót rủi ro. Mỗi nguồn rủi ro có thể gây ra một hoặc nhiều rủi ro khác nhau và một rủi ro có thể do một hay nhiều nguồn gây rủi ro tạo ra. Một nhà quản trị rủi ro dù giỏi đến đâu cũng không thể nhận dạng được toàn bộ rủi ro. Vấn đề quan trọng là nhà quản trị rủi ro cần phải sử dụng các phương pháp khác nhau để có thể nhận dạng được tối đa các rủi ro mà doanh nghiệp của mình có thể phải đối mặt, từ đó mới có được các biện pháp xử lý và ứng phó tương thích.

Các phương pháp nhận dạng rủi ro có thể được áp dụng là:

Phân tích các báo cáo tài chính để nhận dạng rủi ro được tiến hành bằng cách phân tích từng tài khoản, chi tiết các khoản chi phí và lợi nhuận, đối chiếu với kế hoạch tài chính được thiết lập đầu năm tài chính để có được những số liệu và nhận định về những rủi ro đã gặp phải. Đây là phương pháp khách quan, có độ tin cậy, nhưng khó áp dụng tại nhiều doanh nghiệp do đòi hỏi nhân sự quản trị rủi ro phải có năng lực tốt và kỹ năng cao cả về rủi ro, tổn thất và về kế toán tài chính để có thể loại trừ các yếu tố ngoài rủi ro.

Phương pháp nhận dạng theo nhóm tác nghiệp dựa trên sự phân chia chuỗi các tác nghiệp thương mại quốc tế thành các nhóm tác nghiệp nhất định theo đặc thù của tác nghiệp hoặc theo công đoạn tiến hành nội dung nghĩa vụ và các cam kết để từ đó chỉ ra được những rủi ro cho từng nhóm tác nghiệp. Thường các nhóm tác nghiệp được phân chia như sau:

Đây là phương pháp được sử dụng rất phổ biến không chỉ trong các doanh nghiệp mà ngay cả trong nghiên cứu về rủi ro bởi nó cho phép các doanh nghiệp có thể nhận dạng rất linh hoạt các rủi ro theo những nhóm tác nghiệp mà mình tham gia và bởi một doanh nghiệp thường không tham gia và tất cả các nhóm tác nghiệp. Thực chất phương pháp nhận dạng theo nhóm tác nghiệp là phân chia các nguy cơ rủi ro dựa theo các nhóm tác nghiệp thương mại quốc tế để dễ dàng theo dõi, ứng phó.

Yêu cầu cơ bản trong nhận dạng rủi ro là phải chỉ ra được những nguy cơ có thể xảy ra với từng nhóm tác nghiệp và sắp xếp chúng theo tần xuất xuất hiện của các rủi ro (nguy cơ) dựa trên những số liệu quá khứ của chính doanh nghiệp và của nhiều doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc khác ngành. Việc sử dụng số liệu thống kế của chỉ một doanh nghiệp sẽ không đảm bảo độ tin cậy trong nghiên cứu nhận dạng rủi ro.

Phân tích và dự báo tổn thất

Phân tích tổn thất được tiến hành dựa trên các số liệu quá khứ về tổn thất (thực tế đã tổn thất hoặc suýt đã xảy ra tổn thất) mà doanh nghiệp đã trải nghiệm cũng như các nguồn thông tin bên ngoài doanh nghiệp về những trường hợp tương tự trong toàn bộ các khâu của quy trình tác nghiệp thương mại quốc tế.

Khi phân tích tổn thất cần chia tách riêng các tổn thất về tài sản, tổn thất về nguồn nhân lực, tổn thất liên đới, tổn thất về uy tín thương mại...Thường thì với các số liệu quá khứ, đặc biệt liên quan đến những tổn thất trong nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá thì khó có thể tách riêng từng loại tổn thất. Vì vậy, cần sử dụng nghiệp vụ dự báo, suy đoán để phân tích các tổn thất gián tiếp, liên đới. Kết quả phân tích tổn thất phải phản ánh được mức độ tổn thất, tỷ lệ tổn thất, tình trạng nguy hiểm của tổn thất nguyên nhân của tổn thất.

Để có được những thông tin và dữ liệu phục vụ cho phân tích tổn thất, bộ phận quản trị rủi ro cần xây dựng mẫu báo cáo tổn thất và yêu cầu áp dụng trong mọi bộ phận có liên quan của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân khi tham gia và triển khai một hoặc nhiều nội dung cụ thể của quy trình tác nghiệp cần phải điền đầy thông tin liên quan vào mẫu báo cáo tổn thất (gồm cả những tổn thất đã xảy ra và những tổn thất suýt xảy ra, kèm theo những số liệu thực tế hoặc suy đoán). Mẫu báo cáo có thể gồm các nội dung như:

- Bộ phận báo cáo (ghi bộ phận, phòng,...làm báo cáo);

- Họ và tên người lập báo cáo;

- Nội dung công việc được phụ trách, đảm nhận (nếu có nhiều công việc đồng thời, có liên quan thì có thể tiến hành kẻ bảng để tiện theo dõi);

- Thời điểm tiếp nhận công việc và thời hạn hoàn thành;

- Tóm lược quá trình triển khai các nội dung công việc;

- Liệt kê các tổn thất đã xảy ra và nêu rõ chi phí tổn thất (bằng tiền với những tổn thất trực tiếp về tài sản);

- Liệt kê những trường hợp suýt xảy ra tổn thất (dự kiến nếu không may mắn hoặc nỗ lực để vượt qua thì chi phí tổn thất là bao nhiêu);

- Liệt kê các biện pháp, nỗ lực đã được triển khai áp dụng (ghi rõ nỗ lực của từng bộ phận, cá nhân tham gia khắc phục);

- Tóm lược một số nhận định về đối tác trong khắc phục hậu quả của rủi ro;

- Các cảnh báo, đề xuất và kiến nghị để phòng ngừa rủi ro, hạn chế tổn thất.

Thiết lập bảng liệt kê cảnh báo rủi ro, tổn thất

Từ các bước tác nghiệp trên đây, một nhiệm vụ dặt ra trong quản trị rủi ro là thiết lập bảng liệt kê cảnh báo rủi ro để phục vụ cho triển khai các bước tác nghiệp trong thương mại quốc tế. Bảng liệt kê rủi ro có thể theo những khuôn mẫu khác nhau tuỳ theo yêu cầu và nội dung công việc của từng doanh nghiệp. Có thể tham khảo mẫu bảng liệt kê rủi ro dưới đây:

Bảng liệt kê cảnh báo rủi ro và tổn thất trong xuất khẩu hàng hoá

TT Các rủi ro có thể gặp phải Nguyên nhân gây ra rủi ro Các tổn thất có thể Các biện pháp được khuyến cáo áp dụng

I Lựa chọn đối tác, đàm phán và ký kết hợp đồng

1.1 Bị mạo danh Không lựa chọn kỹ đối tác.

Thiếu kỹ năng thẩm tra hồ sơ, chứng từ của đối tác.

Quá tin tưởng vào người môi giới.

... Mất toàn bộ lô hàng.

Mất cơ hội bán hàng do hợp đồng bị huỷ.

- Điều tra kỹ đối tác.

- Nhờ ngân hàng thẩm tra năng lực của đối tác.

- Cảnh giác trước những lợi ích lớn được đưa ra từ phía đối tác.

... ... ... ... ...

II Chuẩn bị hàng xuất khẩu và giao hàng xuất khẩu

1.2 Chậm hoặc không chuẩn bị được hàng xuất khẩu Hạn chế bởi nguồn cung hàng xuất khẩu.

Chính sách hạn chế xuất khẩu.

Không đủ năng lực thu mua.

Thiên tai, mất mùa.

... Bị phạt hợp đồng.

Bị từ chối nhận hàng.

Mất khách hàng và thị trường.

Buộc phải giảm giá.

... - Tạo liên kết trong cung ứng hàng xuất khẩu.

- Tính toán hợp lý thời gian giao hàng.

- Yêu cầu hỗ trợ và chia sẻ từ phía nhà nhập khẩu.

- Hiệu chỉnh L/C.

...

...

III ...

Tương tự như vậy, sẽ thiết lập bảng liệt kê cảnh báo rủi ro, tổn thất trong nhập khẩu hàng hoá.

Lưu ý khi thiết lập bảng liệt kê cảnh báo rủi ro và tổn thất là phải liệt kê được chi tiết các rủi ro có thể gặp phải và dự báo những tổn thất có thể phải đối mặt. Liệt kê càng chi tiết sẽ càng thuận lợi trong triển khai các biện pháp phòng ngừa cả về kinh tế kỹ thuật và nghiệp vụ kinh doanh. Tuỳ theo điều kiện và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp mà bảng liệt kê có thể lập theo nhóm các nghiệp vụ kinh doanh riêng biệt hoặc lập riêng cho từng khu vực thị trường, không loại trừ lập đồng thời theo cả hai cách trên.

Xây dựng phương án né tránh rủi ro và hạn chế tổn thất

Xây dựng phương án né tránh rủi ro và hạn chế tổn thất không thể tiến hành chung cho mọi trường hợp (mọi hợp đồng mà doanh nghiệp thực hiện) mà cần phải được thiết lập riêng cho từng trường hợp cụ thể căn cứ vào mặt hàng kinh doanh, đối tác lựa chọn, đặc điểm khu vực thị trường và những nhân tố khách quan khác. Để xây dựng phương án né tránh rủi ro và hạn chế tổn thất, nhà quản trị rủi ro sẽ dựa trên bảng liệt kê rủi ro và kết quả phân tích tổn thất để đề xuất phương án (gồm cả dự toán tài chính cho phòng ngừa, khắc phục hậu quả).

Thông thường ở nhiều doanh nghiệp, phương án né tránh rủi ro và hạn chế tổn thất được triển khai đồng thời (như một nội dung) trong phương án triển khai hợp đồng. Tuy nhiên, đại đa số các trường hợp, việc đề xuất phương án còn chưa chi tiết và chưa thể hiện được tính đặc thù của từng thương vụ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #c5qttn