Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Pt Lĩnh Nam chích quái

Chào các bạn,

Tết đến, chúng ta có bánh chưng, bánh tét. Đây là tập tục đẹp của dân ta, bánh vừa ngon, lại vừa là biểu trưng cho tập tục đề cao lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đầu năm, xin tìm lại câu chuyện Bánh Chưng và các câu chuyện khác liên quan đến văn hóa, phonng tục và lịch sử của dân mình, còn ghi lại trong sách Lĩnh Nam Chích Quái.

Lĩnh Nam Chích Quái là một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán văn xuôi, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần. Cho đến nay sách Việt dịch của Lĩnh Nam Chích Quái không nhiều, thế nên, thiết nghĩ việc chuyển dịch từ chữ Hán sang chữ Việt, giới thiệu các nhân vật, các câu chuyện trong "Lĩnh Nam Chích Quái" cho mọi người - đặc biệt cho lớp trẻ - là điều rất cần thiết và quan trọng vậy.

Chúc các bạn một mùa xuân an hòa!

LĨNH NAM CHÍCH QUÁI

Nguyễn Hữu Vinh

Lĩnh Nam Chích Quái (1) là một trong những tác phẩm văn học dân gian đầu tiên của Việt Nam, viết bằng chữ Hán văn xuôi, rất quý hiếm còn lại từ thời Lý, Trần. Chưa biết rõ tác giả là ai, có thể do Trần Thế Pháp (2) soạn vào khoảng cuối thế kỷ XIV, sau được Vũ Quỳnh (3) và Kiều Phú (4) ở cuối thế kỷ XV hiệu chính. Đoàn Vĩnh Phúc (5) , thời Mạc trích từ "Việt Điện U Linh" chép thêm nhiều truyện mới trong quyển 3 (tục biên). Đoàn Vĩnh Phúc khi viết tiếp quyển 3, có ghi trong phần Bạt một dữ kiện quan trọng là Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu chính, bổ sung gồm 2 quyển, tất cả có 22 truyện, bắt đầu từ truyện Hồng Bàng và chấm dứt ở truyện Dạ Xoa. Cuối thế kỷ 18 lại có Vũ Khâm Lân bổ sung thêm. Trải qua nhiều thế kỷ, Lĩnh Nam Chích Quái được nhiều người hiệu chính và tu bổ, hiện nay được biết có 11 truyền bản còn lưu lại. Những truyền bản này có số truyện khác nhau cũng như tên gọi cũng khác nhau, có bản có 22 truyện, có bản có tới 43 truyện. Các bản có nhiều tên gọi khác nhau như là Lĩnh Nam Chích Quái Liệt Truyện, Lĩnh Nam Chích Quái, Lĩnh Nam Chích Quái Ngoại Truyện, Lĩnh Nam Chích Quái Khảo Chánh... May có lời Bạt của Đoàn Vĩnh Phúc đã giúp các học giả sau này có được một ít chứng cứ để nghiên cứu và tìm tòi truyền bản nào trong tất cả 11 truyền bản còn lại là gần nhất với nguyên tác.

Nói chung, Lĩnh Nam Chích Quái làm một tập truyện cổ quan trọng, tập hợp nhiều truyện thần thoại, truyền thuyết với nội dung rất rộng, đề cập đến lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của Việt Nam, ghi lại những câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian ly kỳ, hấp dẫn về nhiều loại nhân vật, nhiều lĩnh vực và phạm vi của cuộc sống, hoặc giải thích nguồn gốc dân tộc (Truyện Hồng Bàng, Truyện Mộc Tinh...), hoặc kể sự tích các bậc anh hùng, các nhân vật tài giỏi (Truyện Phù Đổng Thiên Vương, Truyện Hai Bà Trưng...), hoặc giải thích phong tục tập quán (Truyện bánh chưng, Truyện trầu cau...), hoặc có liên quan đến các di tích văn hoá, lịch sử (Truyện Từ Đạo Hạnh, Truyện Thần Như Nguyệt...)... Lĩnh Nam Chích Quái về cơ bản là những ghi chép khá đơn giản về chân dung các nhân vật "phi thường", "toàn vẹn". Dù chứa đầy những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, nhưng nó vẫn được xem là những chuyện "có thực", là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị để nghiên cứu lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam.

Lĩnh Nam Chích Quái cũng như các bộ sách viết chữ Hán khác của Việt Nam, phần lớn còn nằm trong các thư viện chưa được xuất bản, hoặc là xuất bản lẻ tẻ. Nhà sách Khai Trí ở Sài gòn cũng như nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội, vào đầu năm 1960 cũng đã xuất bản bản dịch Việt của Lĩnh Nam Chích Quái. Hai cuốn sách này chỉ là hai cuốn sách dịch ra chữ Việt dựa trên một trong những truyền bản, chưa có sự hiệu đính, đối chiếu và tổng hợp với các truyền bản tương tự khác.

Đầu năm 1991, Nhà xuất bản Trung Châu tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã xuất bản cuốn "Lĩnh Nam Chích Quái Đẳng Sử Liệu Tam Chủng" bằng chữ Hán do Đới Khả Lai ở khoa Lịch sử, trường Đại học Trịnh Châu chủ biên. Song đây cũng chỉ sử dụng một truyền bản sưu tầm được từ Thư Viện Société Asiatique, Paris.

Cuối năm 1992, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, hợp tác với Viện Viện Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d'Extreme Orient), Paris và Đại Học Chung Cheng, Taiwan, do Trần Khánh Hạo chủ biên và nhà sách Học Sinh Thư Cục ở Taipei ấn hành một bộ sách đồ sộ: "Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết tùng san", gồm hơn 40 bộ sách cổ xưa của Việt Nam. Điều đáng tiếc là bản in chữ Hán Lĩnh Nam Chích Quái trong bộ tùng san này vẫn còn có nhiều thiếu sót trong phần hiệu đính. Tuy nhiên, cho đến lúc này, nó vẫn là bản chữ Hán tương đối phổ biến và đầy đủ nhất trong các bản in về Lĩnh Nam Chích Quái ra đời từ trước cho tới nay. Trong lần xuất bản này Lĩnh Nam Chích Quái được chọn lựa cẩn thận giữa các truyền bản, chọn ra một truyền bản thích hợp nhất, hiệu đính và cho ấn hành. Các học giả đã chọn truyền bản HV 486 của viện Sử Học làm bản chính và với 2 bản phụ khác, VHV 1473 và VHV 2914, của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiệu đính, so sánh và in thành sách xuất bản. Sách gồm 42 truyện chia thành 3 quyển:

Quyển 1

Gồm các truyện:

Hồng Bàng thị truyện: Truyện họ Hồng Bàng kể về nguồn gốc dân tộc Việt Nam

Ngư tinh truyện: Truyện Tinh Cá kể truyền thuyết Lạc Long Quân diệt Ngư tinh ở Biển Đông.

Hồ Tinh truyện: Truyện Tinh con hồ ly và sự tích Hồ Tây.

Mộc Tinh truyện: Truyện Tinh cây kể cây thành tinh và tục trừ tà của người Việt xưa

Tân Lang truyện: Truyen trầu cau kể sự tích trầu cau và tục dùng cau trầu trong việc cưới hỏi

Nhất Dạ Trạch truyện: Truyen Đầm Dạ Trạch, kể về sự tích Triệu Quang Phục và truyền thuyết Tiên Dung và Chử Đồng Tử

Đổng Thiên Vương truyện: Truyền thuyết về Thánh Dóng

Chưng Bính truyện: Truyện Bánh Chưng về truyền thuyết bánh chưng, bánh dày và con hiếu được truyền ngôi.

Tây qua truyện: Truyện Dưa Hấu kể về tích Dưa hấu truyền vào Việt Nam.

Bạch Trĩ truyện: Truyện chim Trĩ trắng và truyền thuyết về nước Việt Thường xưa.

Quyển 2

Gồm các truyện:

Lý Ông Trọng truyện: Truyện kể sự tích Lý Ông Trọng thời Tần Thuỷ Hoàng

Việt Tỉnh truyện: Truyện Giếng Việt, truyện kể Thôi Vy gặp tiên.

Kim Quy truyện: Truyện Rùa Vàng kể về Loa thành và chuyện tình nghĩa, trung hiếu Trọng Thủy Mỵ Châu.

Man Nương truyện: sự tích về Phật Mẫu Man nương .

Tản Viên sơn truyện: Truyện thần núi Tản và chuyện Sơn tinh, Thủy tinh tranh giành nhau lấy Mỵ Nương.

Long Nhãn Như Nguyệt nhị thần truyện: Truyện kể hai vị thần họ Trương giúp Lê Đại Hành đại phá quân Tống.

Từ Đạo Hạnh Nguyễn Minh Không truyện: Truyện kể về cao tăng phò vua giúp nước là sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không thời triều vua Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông.

Nam Chiếu truyện: Truyện Nam Chiếu kể sự tích con cháu của Triệu Đà chống chọi với quân phương Bắc.

Tô Lịch giang truyện: Truyện sông Tô Lịch kể chuyện Cao Biền bị giết vì xúc phạm thần sông.

Dương Không Lộ Nguyễn Giác Hải truyện: Truyện kể về thiền sư Không Lộ và Giác Hải thời Lý Thần Tông.

Hà Ô Lôi truyện: Truyện kể Hà Ô Lôi vì tính háo sắc mà bị chết thảm.

Dạ Thoa vương truyện: Truyện kể vua Dạ Thoa háo sắc, đánh nước người để cướp vợ người khác. Vì thế bị giết và mất nước.

Quyển 3 (tục biên)

Gồm các truyện: Sĩ Vương tiên truyện, Sóc Thiên Vương truyện, Kiền Hải môn tam vị phu nhân truyện, Long Độ vương khí truyện, Minh chủ Đồng Cổ truyện, Ứng thiên hóa dục hậu thổ thần truyện, Long trảo Khước lỗ truyện, Phùng Bố Cái Đại vương truyện, Trinh linh nhị Trưng truyện, Mỵ Ê trinh liệt truyện, Hồng Thánh đại thần vương truyện, Minh ứng An sở truyện, Đại Than Đô lỗ thạch thần truyện, Xung Thiên Chiêu ứng thần vương truyện, Khai thiên trấn quốc Đằng châu phúc thần truyện, Uy linh bạch hạc thần từ truyện, Thần Chu Long vương truyện, Ni sư Đức Hạnh truyện, Phạm Tử Hư truyện.

Có thể nói sách "Lĩnh Nam Chích Quái" trong bộ "Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết tùng san" là bộ sách khá hoàn hảo được chọn lọc công phu góp phần giúp chúng ta có thêm điều kiện để nghiên cứu lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam ban đầu về mọi mặt.

Lĩnh Nam chích quái là một trong những tác phẩm văn xuôi tự sự ít ỏi còn sót lại của thời Lý - Trần, bên cạnh các tác phẩm Việt điện u linh, Tam tổ thực lục, Thiền uyển tập anh, Nam Ông mộng lục... Lĩnh Nam chích quái có thể do Trần Thế Pháp soạn vào khoảng cuối thế kỷ XIV, sau được Vũ Quỳnh và Kiều Phú ở cuối thế kỷ XV nhuận sắc lại[1]. Sách gồm 22 truyện, ghi chép "những chuyện quái lạ ở cõi Lĩnh Nam"[2]. Tác phẩm chủ yếu ghi lại những câu chuyện kể, những truyền thuyết dân gian ly kỳ, hấp dẫn về nhiều loại nhân vật, nhiều lĩnh vực và phạm vi của cuộc sống. Dù chứa đầy những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, nhưng nó vẫn được người đương thời xem làm những chuyện "có thực", như truyện Hồng Bàng, truyện Hồ tinh, Ly tinh, Mộc tinh, truyện Đổng Thiên Vương, Thần Tản Viên, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Dương Không Lộ, Giác Hải, Minh Không, Đạo Hạnh, truyện trầu cau, bánh chưng, bánh dày, truyện Rùa Vàng, Man Nương, Hà Ô Lôi ... Nghệ thuật của Lĩnh Nam chích quái về cơ bản là những ghi chép khá đơn giản, thô sơ về chân dung các nhân vật "phi thường", "toàn vẹn", nhưng cũng bắt đầu xuất hiện sự hư cấu, sáng tạo, chi tiết, tỉ mỉ. Một số truyện có mầm mống của tư duy tiểu thuyết khá rõ, nhất là Truyện Hà Ô Lôi.

Về thể tài của Lĩnh Nam chích quái

Lĩnh Nam chích quái là một trong những tác phẩm văn xuôi tự sự tiêu biểu nhất trong văn học Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV). Về thể tài, có thể xếp nó vào thể tài truyện. Chữ "truyện" có thể xuất phát từ phạm trù "kinh truyện" có từ xa xưa trong học thuật Trung Quốc cổ đại, và chủ yếu trong sách vở Nho giáo, để chỉ một loại văn bản quan trọng tồn tại với tư cách là sự mở rộng, phát triển, sự giải thích hay minh hoạ cho "kinh". Điều này chúng ta có thể bắt gặp trong các bộ kinh sách Nho giáo nổi tiếng của Trung Quốc, mà ở đó thường bao giờ cũng gồm hai phần chính: kinh và truyện. Kinh thường là ghi lại lời dạy của thánh nhân, truyện là ghi "ví dụ minh hoạ". Kinh Dịch (một trong "ngũ kinh") gồm phầnkinh và phần hệ từ truyện. Sách Đại học (một trong "Tứ thư") cũng gồm hai phần, phần kinh có 205 chữ, phần truyện có 10 chương, tương đương với 10 truyện. Các sách Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử, Nam Hoa Kinh... tuy không chia ra như vậy, nhưng đây đó đều có phần truyện đan xen với phầnkinh. Sau này, truyện mở rộng phạm vi, hình thành ngày một rõ rệt từ liệt truyện nhân vật trong Sử ký(Bản kỷ, thế gia), trong Bi chí, khoáng minh, mai minh, tán chí... của văn mộ chí... Nhưng dù dưới hình thức nào, truyện đều nhất loạt tuân thủ một nguyên tắc ghi chép sự việc. Nó là loại văn ghi chép.Theo Diêu Nại, người Trung Quốc cổ xem truyện là một trong hai thể của loại truyện trạng[3]. Truyệnlà những bài văn "kể lại sự tích lúc sống của người nào đó, hay thuật lại sự tích của người đã chết", như Hạng Vũ bản kỷ, Không Tử thế gia trong Sử ký; còn trạng (cũng gọi hành thuật, hành lược, sự trạng) là kể lại những sự việc "có thật" như Đoạn thái uý dật sự trạng của Liễu Tông Nguyên v.v...

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cổ còn phân biệt rất rõ truyện với tiểu thuyết. Nếu như tiểu thuyếtthiên về sự hư cấu, bịa đặt, thiên về mô tả sự vật chi tiết tỷ mỷ, sinh động... thuần bằng trí tưởng tượng, tự do, phóng túng, ít nhiều mang tinh thần "dân chủ", thì truyện lại khác. Truyện thường mang tư duy nghệ thuật quan phương - chính thống. Nó chủ yếu phản ánh cuộc sống quan phương - chính thống. Quan điểm tiếp cận hiện thực của nó là quan điểm sử thi. Cách kể của nó là cách kể lại, thuật lại trong sự trầm tĩnh[4]. Nhân vật của truyện thường là người thật việc thật, là những tấm gương mẫu mực về chí, đạo, đức, lễ, nhân, nghĩa, v.v... của các bậc thánh, các vị thần (nhân thần và thiên thần), của Phật, của các vương công, các anh hùng, liệt nữ... mang màu sắc giáo huấn, trong sự ngợi ca, tán dương, đề cao... Đó là loại văn học chân dung, văn học tấm gương, văn học minh hoạ,"văn học chức năng"... mà các nhà nghiên cứu xem như là đặc trưng cơ bản cho một giai đoạn tư duy văn học quá khứ, tư duy quan phương - chính thống.

Trong thời quá khứ, Trung Quốc không có sự khu biệt rõ rệt lắm giữa các loại truyện, truyện vừa, truyện ngắn, truyện dài. Chỉ có sự phân biệt giữa truyện (nói chung) với tiểu thuyết (nói chung). Mọi hình thức hư cấu, bịa đặt, dù dài ngắn khác nhau đều là tiểu thuyết (nên có các loại đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết). Mọi hình thức ghi chép, hay phương pháp tiểu sử dù dài ngắn khác nhau đều là truyện. Đó là sự phân biệt của hai hình thức nghệ thuật khác nhau, của hai tư duy nghệ thuật khác nhau, của hai cách tiếp cận hiện thực và cách kể khác nhau giữa truyện và tiểu thuyết.

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà truyện trong thời Lý - Trần chủ yếu là về các chân dung, các tấm gương, là các bản tiểu sử. Phần lớn truyện trong các bộ sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Tam Tổ thực lục... là như vậy. Các truyện ở thời này chủ yếu ghi chép lại những con người và sự việc có thật, hoặc được xem là có thật. Đó là kiểu truyện giống với truyện "người thật, việc thật" sau này. Nó ghi lại một cách trung thành và nguyên vẹn công đức của những người có công với dân tộc, với sự phụng thờ ngai vàng phong kiến, cũng như phụng thờ Đức Phật. Đó là nhữngtấm gương mẫu mực mà con người cần hướng tới và noi theo. Việt điện u linh gồm 28 truyện, về 28 vị thần, cả thiên thần và nhân thần, không phải do Lý Tế Xuyên bịa ra, mà là những vị thần được xem như có thật, đang tồn tại thật, đang phù trợ cho con người và đang được thờ phụng ở cõi đất Việt, như chính tên tập sách đã nêu. Lý Tế Xuyên cũng không phải là người đầu tiên ghi chép lại. Ông chỉ là người kế thừa, tập hợp những ghi chép trong các sách Giao Chỉ ký, Báo cực truyện, Đỗ Thiện sử ký,cũng như trong các thần tích đền miếu, các đạo, sắc, chỉ phong thần của vua chúa nhà Trần đối với các thiên thần và nhân thần thời đó. Các vị thần luôn luôn tồn tại trong cuộc sống hiện thời, giúp đỡ con người trong công cuộc chống xâm lược và xây dựng quốc gia, trong lao động sản xuất, cũng như trong các hình thức sinh hoạt xã hội khác. Các vị thần ấy, vì được xem là có thật trong lịch sử, nên cũng không xa lạ gì không chỉ với đương thời mà còn với chúng ta ngày nay. Đó là Hai Bà Trưng, Cao Lỗ, Lý Phục Man, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Thần Tản Viên v.v... như những tấm gương chói loà của đời sống tinh thần con người lúc đó. Trong Thiền uyển tập anh ngữ lục có bao nhiêu "truyện" thì có bấy nhiêu nhân vật và cũng có bấy nhiêu tấm gương. Đó là những tấm gương sáng của những con người tiêu biểu nhất trong sự phụng thờ Đức Phật, như chính tên tác phẩm nêu: "Tập hợp những vị anh tú trong vườn Thiền". Tam Tổ thực lục cũng vậy. Dù cho có viết về hành trạng và công đức của gần 100 vị sư trong Thiền uyển tập anh ngữ lục, hay viết về hành trạng và công đức ba vị tổ sư Thiền phái Trúc Lâm trong Tam tổ thực lục, thì cũng đều bằng một ngòi bút chép "người thật, việc thật". Giống với các sách trên, Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng cũng là những ghi chép của tác giả về những "người thật, việc thật", những có điều do chính ông "kiến văn" (mắt thấy, tai nghe), và được ông xem như là những tấm gương sáng về "việc thiện" ở đời. Trong Bài tựa tập Nam ông mộng lục, Hồ Nguyên Trưng viết: "Tôi thường tìm ghi những việc cũ... để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa"[5].

Với Lĩnh Nam chích quái, tình hình có khác ít nhiều. Rõ ràng bản Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú ở thế kỷ XV còn lại đến nay có bút pháp đôi khi khác biệt với các loại truyện ký nêu trên. Ở đây, tính ghi chép nhiều khi bị phá vỡ, vai trò của hư cấu, bịa đặt bắt đầu có ý nghĩa nhất định. Song chúng ta đều biết, Vũ Quỳnh tự nhận đã "đem ra hiệu đính", Kiều Phú tự nhận đã "thêm ý riêng của mình" đối với cuốn Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp ở thời Trần. Ngày nay chúng ta không thể khôi phục lại được diện mạo nguyên vẹn tác phẩm của Trần Thế Pháp, nhưng có lẽ tác phẩm của ông ban đầu cũng rất đậm tính ghi chép, có điều, đây là ghi chép về các truyền thuyết dân gian. Song các truyền thuyết đó không mất đi vai trò tấm gương có tính hiện thực đối với con người. Cho nên chính Vũ Quỳnh và Kiều Phú phải thừa nhận, Lĩnh Nam chích quái đối với con người đương thời, "là những tấm gương sáng, nên truyền tụng, yêu dấu, lấy đó làm răn"[6]. Cũng như trong Việt điện u linh, ở đây, những thiên thần và những nhân thần đều gắn bó với con người, phù trợ cho con người một cách hiện thực trong cuộc sống. Đó là Hai Bà Trưng, Đổng Thiên Vương, Thần Tản Viên, họ Hồng Bàng... và gần gũi hơn nữa là những con người của chính thời đại này như: Không Lộ, Đạo Hạnh, Minh Không... Tuy nhiên, một số truyện trong Lĩnh Nam chích quái bắt đầu có dấu hiệu của hư cấu, bịa đặt, nhất là Truyện Hà Ô Lôi, tức là bắt đầu có dấu hiệu của tư duy tiểu thuyết. Và chúng ta có thể thấy, đó là sự ảnh hưởng của nghệ thuật tiểu thuyết cổ của Trung Quốc được tiếp thu vào Việt Nam.

Vậy "tiểu thuyết" ở đây cần được hiểu như thế nào? Nó có giống với khái niệm tiểu thuyết trong thời hiện đại không? Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc cổ, tiểu thuyết có nguồn gốc sâu xa từ văn học tối cổ. Lỗ Tấn cho rằng tiểu thuyết bắt nguồn từ thần thoại. Khổng Tử, Trang Tử đều có nói tới "tiểu thuyết". Nhưng phải đến Ban Cố trong Hán Thư, tiểu thuyết mới có khái niệm rõ ràng. Ban Cố viết: "Những cái mà các nhà tiểu thuyết truyền bá là do các quan nhỏ chuyên nhặt những câu chuyện đầu đường hè phố (nhai đàm hạng ngữ) rồi đặt ra". Sách Chư tử lại xem truyện ngụ ngôn là mầm mống của tiểu thuyết. Các tạp sử như Ngô Việt xuân thu, Việt tuyệt thư đều có phong vị tiểu thuyết. Đến thời Nguỵ Tấn Nam Bắc Triều thì tiểu thuyết hình thành, chia làm hai loại: Tiểu thuyết chí quái (chuyện thần quái) và tiểu thuyết dật sự (chuyện con người). Nhưng phải đến đời Đường thì tiểu thuyết mới thực sự có địa vị to lớn trên văn đàn. Lỗ Tấn viết: "Tiểu thuyết đến đời Đường có bước chuyển biến vĩ đại... Truyện chí quái và chí nhân thời Lục Triều thường rất ngắn, rất thô sơ, thiên về ghi chép. Đến đời Đường tiểu thuyết mới được sáng tác có ý thức. Trong lịch sử tiểu thuyết, đây là một tiến bộ rất lớn. Hơn nữa, văn chương của nó dài hơn, nghệ thuật miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ..."[7]

Nhưng khái niệm "tiểu thuyết" này có từ thời nào? Nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Ngô Điều Công cho rằng tiểu thuyết chính là truyện truyền kỳ đời Đường. Ông viết: "Truyền kỳ vốn là tên riêng của tập tiểu thuyết của Bùi Hàng đời Đường. Về sau người ta gọi chung tiểu thuyết đời Đường làtruyền kỳ"[8]. Sách Hậu sơn thi thoại viết rằng Phạm Trọng Yêm khi nhận xét về Âu Dương lâu ký của người đời Tống đã gọi truyền kỳ là tiểu thuyết đời Đường....Vì thế người ta còn gọi chung là tiểu thuyết truyền kỳ. Lỗ Tấn đánh giá rất cao tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường, ông viết: "Truyền kỳ vốn bắt nguồn từ chí quái, nhưng được tô điểm thêm, đưa vào nhiều chi tiết hơn, gây thêm sóng gió, vì thế mà thành tựu của nó đặc biệt khác thường"[9]

Nội dung truyện truyền kỳ thường miêu tả những chuyện lạ lùng, kỳ quái. Yếu tố hoang đường kỳ ảo vừa được xem như là một thủ pháp nghệ thuật để phản ánh hiện thực, lại vừa được xem như là bản thân hiện thực. Nó chủ yếu đi vào hai mảng đề tài chính: 1) Những tài tử, hiệp khách và cuộc sống giang hồ; 2) Những người phụ nữ với đời sống tình ái phức tạp. Nghệ thuật truyện truyền kỳ kết hợp tài tình giữa hiện thực và hoang tưởng, lịch sử và kỳ ảo, xây dựng những thế giới nhân vật sinh động, hấp dẫn, thể hiện tính hư cấu, sáng tạo . Nó miêu tả nhân vật và sự việc khúc chiết, rõ ràng, tỉ mỉ. Nó thể hiện một trí tuởng tượng phong phú, tự do và phóng túng.

Trong quan niệm của giai cấp phong kiến thống trị thời cổ xưa, thể loại tiểu thuyết là một thể loại luôn mang tư tưởng "nổi loạn", có hại cho "thế giáo", bởi nó luôn khẳng định tính "hữu biến" của cuộc đời, của các số phận, của đời sống con người nói chung, luôn mâu thuẫn với tính "bất biến", "vĩnh viễn", "trường tồn" của trật tự phong kiến. Không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết thường xuất hiện mạnh mẽ trong những thời kỳ biến động, chao đảo của chế độ phong kiến. Cũng không phải ngẫu nhiên mà từ xưa tới nay, tiểu thuyết với đúng nghĩa của nó, luôn được xem là một thể loại văn học mang tính dân chủ và tinh thần phản biện xã hội mạnh mẽ. Tiểu thuyết truyền kỳ trong con mắt của giai cấp phong kiến chính thống luôn đối lập với các loại kinh truyện được xem là loại văn chương quan phương - chính thống, văn chương cao quý. Nó bị coi là thứ văn chương thấp kém, là thứ văn "tiểu đạo", là loại "ngoại thư", là thứ "tạp truyện", "bỉ ngữ" vì chuyên phản ánh những câu chuyện đầu đường hè phố (nhai đàm hạng ngữ), chuyện "đàn bà", chuyện quỷ thần, mà chính Khổng Tử cũng tỏ ý miệt thị, cấm đoán: "Bất ngữ quái, lực, loạn, thần" (Luận ngữ).

Lĩnh Nam chích quái là một tác phẩm thuộc thể loại truyện, tuy nhiên trong đó, như đã nói, có một số truyện thể hiện rõ tính chất hư cấu của tiểu thuyết, tiêu biểu là Truyện Hà Ô Lôi. Nó đặt nền móng cho loại tiểu thuyết truyền kỳ rất phát triển trong các thời kỳ đầy biến động của sự khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam sau này.

TRUYỆN AN DƯƠNG VƯƠNG

VÀ MỴ CHÂU-TRỌNG THUỶ

Thời kì Văn Lang - Âu Lạc ( thời kì dựng nước) đã để lại cho gia tài văn hoá tinh thần Việt Nam nhiều thần thoại , truyền thuyết có giá trị lớn.

Thần thoại và truyền thuyết thời kì này thể hiện tập trung , nổi bật hai nội dung: dựng nước và giữ nước. Nếu như nhóm truyền thuyết xung quanh vua Hùng thể hiện nội dung dựng nước thì truyền thuyết chung quanh Thục An Dương Vương lại đưa ra một cách cắt nghĩa về sự thắng lợi và thất bại của vua Thục trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhận thức được giá trị to lớn của những tác phẩm dân gian này trong đời sống tinh thần tư tưởng của người Việt nên trong những thế kỉ đầu tiên của nền độc lập dân tộc các trí thức nước ta đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, ghi chép lại bằng văn bản. Những người có công đầu là Lí Tế Xuyên ( với cuốn Việt điện u linh) và Trần Thế Pháp ( với cuốn Lĩnh Nam chích quái) . Cuối thế kỉ XV, Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã tiếp tục công việc của Trần Thế Pháp hoàn chỉnh cuốn Lĩnh Nam chích quái và lưu truyền đến ngày nay. Nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian và sử học nước ta đã nhất trí coi coi các thần thọai và truyền thuyết sau đây là những truyện có giá trị lớn nhất: Truyện Họ Hồng Bàng; Truyện Thần núi Tản Viên; Truyện Thánh Gióng; Truyện Rùa Vàng. Và cho rằng truyện Rùa vàng gắn liền với nhân vật lịch sử An Dương Vương, với di tích lịch sử thành Cổ Loa với câu chuyện tình Mị Châu - Trọng Thuỷ là một truyện li kì , phức tạp biểu hiện một trình độ phát triển của xã hội và con người Việt Nam và để lại một bài học lịch sử xương máu cho muôn đời sau.

1- Về nhân vật Thục An Dương Vương.

Theo Lĩnh Nam chích quái, Thục Phán là một vị vua trẻ của nước Âu Việt, sau khi chiếm được nước Văn Lang của các vua Hùng lập nên nước Âu Lạc, định đô ở đất Việt Thường ( Cổ Loa) và gấp rút xây thành để giữ nước. Như vậy, việc dời đô từ vùng trung du (Lâm Thao, Phú Thọ ) xuống đồng bằng là một việc làm sáng suốt, một biểu hiện của sự phát triển lớn mạnh của nhà nước Âu Lạc so với nhà nước Văn Lang và Âu Việt cũ. Trong công cuộc xây thành Cổ Loa dù nhà vua đã bỏ nhiều trí lực nhưng ban đầu " hễ thành đắp đến đâu lại lở đến đấy". Sau nhờ sứ Thanh Giang giúp đỡ, vua đã diệt được các loài yêu tinh phá hoại. từ đó , thành chỉ xây trong nửa tháng là xong.

Theo quan điểm xưa, muốn thành công trong việc lớn lẫn việc nhỏ, người hành sự phải hội đủ ba yếu tố thiên thời , địa lợi , nhân hoà. Truyền thuyết còn kể lại việc Thánh Tản Viên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán, phải chăng đó là thiên cơ , thiên thời đã hướng về Thục vương . Chọn được đất định đô lâu dài , kiên cố, đó là được địa lợi. Thành xây mà đổ phải chăng Vua chưa được chữ nhân hoà. Vua trai giới , cầu đảo bách thần phải chăng là một sự điều chỉnh chính sự để được chữ nhân hoà quý báu ấy. Việc thần Rùa Vàng giúp vua xây thành phải chăng đã phản ánh hiệu quả tốt đẹp của sự điều chỉnh chính sự theo hướng thuận nhân tâm.

Đất nước yên bình có thành luỹ kiên cố , nhà vua ước ao có được thứ vũ khí thần diệu để bảo vệ. Đó là mộtước vọng chính đáng. Thần Rùa vàng đã đáp ứng nguyện vọng ấy của vua: tháo vuốt tặng vua làm lẫy nỏ Linh Quang. Tầm nhìn xa trông rộng và ý thức bảo vệ giang san của Thục Vương thật đáng cho chúng ta khâm phục và ghi nhớ. Quân Triệu Đà đã nhiều lần thảm bại trước chân thành Cổ Loa vì thứ vũ khí lợi hại của Âu Lạc. Vũ khí thần diệu một phát bắn ra có thể giết chết hàng trăm tên địch đó phải chăng là đường lối quân sự , quốc phòng đúng đắn dựa trên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc .

Nhưng tai hoạ cũng từ dó mà ra. Quá tin vào tiềm lực quốc phòng của mình, nhà vua đã lơ là mất cảnh giác trước âm mưu của Triệu Đà. Sau nhiều lần thất bại thảm hại nhưng Đà vẫn chưa thôi giấc mộng thôn tính Âu Lạc, mở rộng giang sơn cát cứ của mình. Thục An Dương Vương sơ xuất không nhận ra dã tâm đó hoặc có nhận ra nhưng vì quá chủ quan, khinh địch nên đã nhận lời thuận cho Trọng Thuỷ lấy con gái yêu của mình là Mị Châu, lại còn thuận cho ở rể luôn trong thành Cổ Loa. Tướng quân Cao Lỗ đã hết sứcc an ngăn vua nhưng Vua nhất quyết không nghe . Kết cục, Trọng Thuỷ có cơ hội lợi dụng tình cảm của vợ, đánh tráo lẫy nỏ- móng rùa thần.

Thái độ chủ quan , khinh địch của Vua Thục còn thể hiện rõ ở việc dù quân Triệu Đà đã tiến sát đến chân thành Cổ Loa song vua vẫn " điềm nhiên ngồi đánh cờ, cười mà nói rằng: " Đà không sợ nỏ thần sao?". Cho đến khi thất bại bỏ chạy Vua cũng không nhận ra vì sao nỏ thần hết hiệu nghiệm , vì sao lại thất bại. Câu nói tuyệt vọng " Trời hại ta" bên bờ biển đã cho ta thấy rõ tình trạng ấy! Đến khi sứ Thanh Giang hiện lên thét lớn " Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó". Vua mới tỉnh ngộ . Một sự tỉnh ngộ đầy cay đắng . Vua liền chém chết đứa con gái yêu và "cầm sừng tê rẽ nước về với Long vương". Thái độ của nhân dân đối với Vua Thục vừa phê phán vừa tôn kính nên đã sáng tạo ra chi tiết này chăng? ( Theo gợi ý của nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi ông cho rằng phải chăng nhân dân không muốn nói Phù Đổng Thiên Vương chết trận nên đã sáng tạo ra kết cục Phù Đổng thiên Vương và ngựa phi lên trời; không đành lòng để Vũ Nương chết thảm nên đã sáng tạo tình tiết Vũ nương thành thần tiên dưới Thuỷ cung).

Qua hình tượng An Dương vương, tác giả dân gian đã thể hiện thật sâu sắc ý tưởng: Người đứng đầu đất nước chẳng những cần được nhân dân hết lòng ủng hộ mà còn phải hết sức cảnh giác đề phòng hữu hiệu đối với các thế lực ngoại xâm, thiếu sự cảnh giác đó thì nước mất nhà tan.

2- Về nhân vật Mị Châu:

Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét về nhân vật Mị Châu: " Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc / Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu".

Quả thật Mị Châu có đặt tình cảm ( trái tim) lên trên lí trí ( đầu) , dẫn đến hậu quả khôn lường ( Cơ đồ đắm biển sâu). Vua Thục và Mị Châu đều có lỗi trước lịch sử. Tuy nhiên , các tác giả dân gian đã dành cho nhân vật nữ nầy một sự đánh giá đầy bao dung nhân hậu. Mị Châu ý thức được sự mất cảnh giác nghiêm trọng của mình nên chấp nhận cái chết một cách dũng cảm nhưng Mị Châu không chủ tâm phản bội cha , phản bội dân tộc. Lời khấn khứa cuối cùng của nhân vật vang lên thật thống thiết " Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại lại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu có lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù". Tác giả dân gian đã thật nhân hậu bao dung trong sáng tạo hình tượng " Mị Châu chết ở bờ bể , máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu", " Trọng Thuỷ ôm xác vợ đem về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch", " Người đời sau...nhân kiêng tên Mị Châu cho nên gọi ngọc minh châu là đại cữu , tiểu cữu". Giáo sư Lê Trí Viễn đã có lời bình xác đáng như sau: " Mị Châu có tội với đất nước nên bị trừng phạt, đó là trách nhiệm trước lịch sử, nhưng tấm lòng Mị Châu là trong trắng, Mị Châu chỉ ngây thơ và dại dột, cho nên tấm long của nhân dân không nỡ để Mị châu mất đi trong đen tối, mà cho Mị Châu biến thành ngọc trai trong suốt để nàng nói lên với vĩnh viễn chút lòng trong trắng của mình." Và GS kết luận: " Đó là những biểu hiện đầu tiên và tốt đẹp của tư tưởng nhân đạo thời cộng đồng.".

3- Về nhân vật Trọng Thuỷ:

Trước hết cần phải thấy động cơ hôn nhân của Trọng Thuỷ là động cơ chính trị đen tối. Lợi dụng tình cảm của vợ , Trọng Thuỷ đã " dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay vuốt rùa vàng, nói dối là về phương bắc thăm cha". Tình tiết ấy, Trọng Thuỷ không thể chối tội trước tình cảm ngây thơ trong trắng của Mị Châu trước sự phán xét của muôn đời trên giác độ tình yêu.

Tuy nhiên có một tình tiết cần phải nhìn nhận cho có tình có lí , Đó là tình tiết Trọng Thuỷ tâm sự với vợ " Tình vợ chồng không thể lãng quên , nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hoà bắc nam cách biệt, tìm nàng lấy gì làm dấu" . Để rồi Mị châu ngây thơ nói ra kế " rắc lông ngỗng" ở những chỗ ngả ba đường để "có thể cứu được nhau". Tình tiết này có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là Trọng Thuỷ cố ý đuổi cùng , giết tận. Cách hiểu thứ hai cho rằng qua bao tháng ngày chung sống , mặc dù Trọng Thuỷ âm thầm thực hiện dã tâm của cha nhưng trong lòng chàng không thể không có tình cảm sâu nặng với người vợ trẻ xinh đẹp , dịu dàng, hiền thục , ngây thơ , trong sáng nên chàng lo liệu trước việc tìm nhau sau trận can qua. Còn lúc ấy chàng cũng không nghĩ đến độc kế đuổi cùng giết tận. Sau trận chiến đẫm máu Trọng Thuỷ đã ôm xác vợ về táng ở Loa Thành cho được gần gũi sớm hôm chăm sóc, với lòng " thương tiếc khôn cùng" rồi ngẩn ngẩn ngơ ngơ " khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu , bèn lao đầu xuống giếng mà chết". Đặc biệt là chi tiết kết thúc truyện " người đời sau mò ngọc ở biển Đông lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng". Như vậy phải chăng cặp uyên ương này cũng chỉ là nạn nhân bị lợi dụng, vừa đáng thương vừa đáng giận, trong dã tâm xâm lược của Triệu Đà. Thái độ của nhân dân ta trước bi kịch lịch sử này tưởng cũng khá rõ ràng.

Tóm lại, truyện Rùa vàng đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rất cao, mang tính chất đa thanh , đa nghĩa, rất hấp dẫn đối với các thế hệ người dân Việt Nam. Mỗi hình tượng nhân vật đều gợi mở ở người đọc mọi thời đại nhiều ý nghĩa lí thú. Những vấn đề sinh tử trong sự nghiệp giữ nước lại lồng kết trong một câu chuyện tình cảm lứa đôi đầy âm hưởng bi tráng. Qua câu chuyện, hai tư tưởng lớn trong truyền thống văn học Việt Nam là tư tưởng yêu nước và tư tưởng nhân đạo đã quyện hoà một cách khăng khít . Nhân dân quả đã vừa ngợi ca, vừa phê phán, vừa cảm thông đối với những nhân vật lịch sử đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến những trang bi thương trong lịch sử nước nhà. Thái độ và tình cảm yêu ghét ở đây vừa dứt khoát , rạch ròi vừa thấm đẫm tính chất bao dung nhân hậu được thể hiện một cách nghệ thuật qua nhiều chi tiết đặc sắc và độc đáo.

Nước Âu Lạc đời An Dương Vương

Vừa mới bắt đầu dựng nước, nhân dân ta đã phải liên tiếp đương đầu với nhiều mối đe dọa từ bên ngoài. Truyền thuyết nhan gian kể lại cuộc chiến đấu chống lại nhiều kẻ giặc như giặc Man, giặc Mủi Đỏ, giặc Ân... xác nhận từ thời các vua Hùng, nhân dân ta đã phải nhiều lần đứng dậy chống ngọai xâm.......................................................

Vào thời cuối các vua Hùng, nạn ngoại xâm càng trở thành mối đe dọa to lớn. Ở Trung Quốc, Việt Vương Câu Tiễn sau khi diệt nước Ngô năm 473 tr CN làm bá chủ miền Duyên Hải từ Sơn Đông đến Quảng Đông và đã từng sai sứ xuống dụ nước Văn Lang nhưng đã bị vua Hùng cự tuyệt. Sự kiện này được các nhà sử học Việt Nam coi là cuộc đụng độ đầu tiên giữa nước ta với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Truyền thuyết "Họ Hồng Bàng" trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng phản ánh phần nào cuộc tiếp xúc và đụng độ của người Việt với người Hoa Hạ ở phương Bắc. Sách có chép" Dân phương Nam khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa...". Nước Tần thành lập năm 221 tr CN đã mở rộng những cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô ra cả hai phía bắc, nam thành lập một đế chế rộng lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Về phía Nam tiếp tục kế thừa và phát triển chủ trương " bình Bách Việt" của nước Sở trước đây, Tần Thủy Hoàng đã sai 50 vạn quân xâm lược đất đai của Bách Việt ở phía Nam Trường Giang. Hàng vạn quân Tần vượt biên giới tràn vào lãnh thổ phía Bắc và đông bắc nước ta lúc đó. Lúc này hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt (Tây Âu) vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hóa lại có điều kiện liên kết chặt chẽ lại với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Theo sách Hoài Nam Tử, "lúc đó người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu để quân Tần bắt", và "họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần" . Đó là hình thức phôi thai của lối đánh du kích và thông qua lối đánh này mà lực lượng kháng chiến của người Việt ngày càng lớn mạnh; còn quân Tần dần dần bị dồn vào thế nguy khốn và tuyệt vọng. Trên đà chiến thắng, người Việt tập hợp lực lượng tổ chức đánh lớn nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của cả dân tộc ta chống lại họa xâm lược của phong kiến phương Bắc................................................................................

Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong bộ lạc Lạc Việt. Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt - Tây Âu đã hình thành và uy tín ngày càng cao của Thục Phán, Thục Phán đã thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc. Sách Việt sử lược chép rằng "Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay" , còn một số thần tích và truyền thuyết dân gian lại cho rằng sau nhiều cuộc xung đột, cuối cùng Hùng Vương theo lời khuyên của con rể là Thánh Tản Viên đã nhường ngôi cho Thục Phán.............................................................

Tên nước Âu Lạc bao gồm hai thành tố là Tây Âu (hay Âu Việt) và Lạc Việt, phản ánh sự liên kết của hai nhóm người Lạc Việt và Tây Âu. Trong triều vua Thục vẫn có Lạc hầu và các địa phương vẫn do Lạc tướng cai quản. Lãnh thổ nước Âu Lạc cũng được mở rộng trên cơ sở sáp nhập hai vùng lãnh thổ Văn Lang và Tây Âu. Sự thành lập nước Âu Lạc không phải là kết quả của một cuộc chiến tranh thôn tính, tiêu diệt lẫn nhau mà là một sự hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Tây Âu, của vua Hùng và vua Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang. Nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn (khoảng gần 30 năm, từ năm 208 đến năm 179 tr.CN) (1), nhưng nó cũng đã có những đóng góp to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước.....................................................................

Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thời Âu Lạc đều tiếp tục phát triển trên cơ sở những thành tựu đã đạt được của nước Văn Lang trước đây. Văn hóa Đông Sơn vẫn là cơ sở văn hóa chung của nước Văn Lang và Âu Lạc. Do yêu cầu bức thiết của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, trong thời Âu Lạc, kỹ thuật quân sự có những tiến bộ vượt bậc. Đó là việc sáng chế ra nỏ Liên Châu bắn một lần nhiều phát tên, được coi là loại vũ khí mới, lợi hại (mà dân gian gọi là nỏ thần) và việc xây dựng kinh đô Cổ Loa (Đông Anh), hình ảnh tập trung sự phát triển nhiều mặt của nước Âu Lạc...............................

Cổ Loa nằm trên bờ bắc sông Hoàng. Ngày xưa Hoàng Giang là một dòng sông lớn nối liền với sông Hồng và sông Cầu, tức là từ Cổ Loa có thể thông ra cả hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình để đi đến mọi miền đất nước lúc đó. Cổ Loa ở giữa vùng đồng bằng đông dân, kinh tế phát đạt, lại được xây dựng trên một vùng đất đã được khai phá có xóm làng cư trú từ lâu đời, liên tục từ Sơ kỳ đồng thau cho đến Sơ kỳ đồ sắt. Việc dời đô về Cổ Loa với vị trí địa lý, giao thông, kinh tế như vậy chứng tỏ một yêu cầu phát triển mới của nước Âu Lạc................................................................

Theo di tích còn lại, thành Cổ Loa gồm 3 vòng thành khép kín là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Thành Nội hình chữ nhật có chu vi 1650 mét, cao khoảng 5 mét, rộng khoảng từ 6 đến 12 mét và chỉ mở 1 cửa ở phía nam. Tương truyền đấy chính là nơi thiết triều của vua Thục. Thành Trung là một vòng thành khép kín bao phía ngoài thành Nội với chu vi 6500 mét, có 5 cửa là Bắc, Đông, Nam, Tây Bắc và Tây Nam, trong đó cửa Đông là một cửa đường thủy mở lối cho một nhánh sông Hoàng chảy vào sát thành Nội. Thành Ngoại dài khoảng 8000 mét có 3 cửa Bắc, Đông và Tây Nam, trong đó cửa Đông là cửa thông ra sông Hoàng. Cả ba vòng thành đều có ngoại hào nối với nhau và nối liền với sông Hoàng tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy rất tiện lợi. Ngoài 3 vòng thành và hào khép kín, khoảng giữa các vòng thành và phía ngoài thành Ngoại còn có nhiều đoạn lũy và ụ đất được bố trí và sử dụng như những "công sự" phòng vệ nằm trong cấu trúc chung của thành.

Thành Cổ Loa với những di tích hiện còn là công trình lao động đồ sộ một kỳ công của người Việt cổ trong buổi đầu dựng nước, khi dân số Âu Lạc thuở đó mới khoảng 1 triệu người. Cấu trúc và kỹ thuật xây dựng thành Cổ Loa biểu thị tài năng sáng tạo của nhân dân Âu Lạc. Đây là một kiến trúc quân sự kiên cố được phòng vệ chắc chắn, kết hợp chặt chẽ giữa quân bộ và quân thủy. Thành Cổ Loa còn biểu thị một bước phát triển mới của Nhà nước Âu Lạc, của quyền lực xã hội và sự phân hóa xã hội. Tất nhiên di tích thành Cổ Loa hiện nay có phải hoàn toàn chỉ là tòa hình thời An Dương Vương hay nó còn được tu bổ, bồi đắp, xây dựng thêm trong các đời sau. Phân biệt một cách thật rạch ròi đâu là di tích thời An Dương Vương và đâu là di tích các thời đại sau cũng đang còn là dấu hỏi của sử học.

Trong cuộc chiến tranh chinh phục Bách Việt, quân Tần tuy bị tổn thất nặng nề và thất bại ở Âu Lạc, nhưng đã chiếm được miền đất rộng lớn của người Việt và lập ra 4 quận là Mân Trung (Chiết Giang, Phúc Kiến, Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (bắc và đông Quảng Tây) và Quận Tượng (tây Quảng Tây và nam Quý Châu). Năm 210 tr CN, Tần Thủy Hoàng chết, đế chế Tần suy yếu, 4 quận ở phía nam trên thực tế đã thoát khỏi sự quản lý và kiểm soát của triều đình trung ương. Triệu Đà (vốn là người Hán) tranh thủ cơ hội chiếm lấy quận Nam Hải; giữ các cửa ải và chặn các đường giao thông từ bắc xuống, diệt trừ những quan lại nhà Tần có ý chống đối và thay bằng những người thân cận, cùng phe cánh lập ra chính quyền cát cứ của họ Triệu ở Phiên Ngung. Năm 205 tr CN, nhà Tần bị nhà Hán tiêu diệt, Triệu Đà lập tức đánh chiếm cả Quế tâm và Quận Tượng lập ra nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung. Triệu Đà đã lợi dụng sự sụp đổ của đế chế Tần để thực hiện mưu đồ cát cứ và lợi dụng tình trạng lộn xộn của nhà Hán khi mới thành lập để củng cố và phát triển chính quyền của mình. Buổi đầu nhà Hán chấp nhận chính quyền cát cứ của Triệu Đà, phong cho Triệu Đà làm Nam Việt Vương. Triệu Đà trên danh nghĩa thần phục nhà Hán, nhưng trong thực tế vẫn hoàn toàn nắm thực quyền và ra sức củng cố lực lượng cát cứ ở Nam Việt. Năm 183 tr CN, Triệu Đà lập thành một nước riêng, không chịu thần phục nhà Hán và đẩy mạnh các hoạt động bành trướng lãnh thổ, trong đó hướng chủ yếu là nước Âu Lạc ở phương Nam (2). Quân xâm lược nhà Triệu đã nhiều lần tiến vào Tiên Du, Vũ Ninh, sông Bình Giang (vùng Bắc Ninh ngày nay). Lực lượng quốc phòng của An Dương Vương lúc bấy giờ khá hùng mạnh với số quân đông, được huấn luyện chu đáo, có vũ khí tết với loại nỏ Liên Châu, có tòa thành Cổ Loa kiên cố. Dưới sự lãnh đạo của An Dương Vương và những tướng soái tài ba như Cao Lỗ, quân dân Âu Lạc đã nhiều lần đánh bại và đánh lui quân xâm lược Triệu Đà ở vùng núi đồi Tiên Du và Vũ Ninh.......................................................................................

Sau nhiều lần tấn công thất bại, biết không thể chinh phục nước Âu Lạc bằng vũ lực, Triệu Đà quyết định thay đổi thủ đoạn xâm lược. Triệu Đà xin giảng hòa với An Dương Vương và xin cầu hôn công chúa Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy. Lợi dụng tục ở rể của người Việt, Triệu Đà cho Trọng Thủy sang ở rể tại kinh thành Cổ Loa. Các tướng lĩnh của An Dương Vương lúc đó như Cao Lỗ, Nồi Hầu đã thấy rõ âm mưu của Triệu Đà, ra sức khuyên can nhưng ông không nghe và từng bước bị quân giặc dẫn dắt vào cạm bẫy. An Dương Vương bị lung lạc ý chí chiến đấu, tê liệt tinh thần cảnh giác, nội bộ trong triều bất hòa, chia rẽ. Nhiều tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán... đã bị bạc đãi, bị giết hại hay phải bỏ đi. Trong khi đó, Trọng Thủy lại lợi dụng cương vị con rể và tình yêu chân thành của Mỵ Châu để "xem trộm nỏ thần, ngầm làm máy nỏ khác, đổi móng rùa vàng giấu đi" ...., như các sách sử của Việt Nam và Trung Quốc chép. Điều này có thể được hiểu là Trọng Thủy đã đánh cắp các bí mật quân sự, làm mất uy thế, làm suy yếu lực lượng quốc phòng của nước Âu Lạc. Do những sai lầm chủ quan của mình mà An Dương Vương bị đẩy vào tình thế cô lập, xa rời nhân dân, xa rời những người cương trực và tài giỏi, khiến cho vận nước đang đứng trước bờ vực thẳm.

Được tin báo của Trọng Thủy, Triệu Đà lập tức tiến quân xâm lược nước Âu Lạc, bất ngờ đánh thẳng vào thành Cổ Loa. Cuộc chiến đấu của An Dương Vương bị thất bại. Cơ đồ của Âu Lạc đã bị chìm đắm. Đất nước rơi vào thảm họa hơn 1000 năm bị Bắc thuộc....................................

Việt Nam trong bối cảnh chung của Đông Nam Á, nằm ở khu vực quê hương của loài người. Sống ở nơi gió mùa, thuộc vùng nhiệt đới ẩm, thế giới thực, động vật phong phú, đa dạng, cư dân nguyên thủy vùng này từ hái lượm và săn bắt đã sớm biết thuần hóa một số loài thực vật, phát minh ra nghề trồng trọt cách đây khoảng 1 vạn năm. Vì thế, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại được ghi nhận là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm của loài người. Vào Hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 5 - 6 nghìn năm, cư dân Việt Nam và Đông Nam Á đã từ một nền nông nghiệp sơ khai tiến lên nền nông nghiệp trồng lúa nước... Tất cả những thành tựu văn hóa tiền sử đó là những bước chuẩn bị, là tiền đề đưa lịch sử Việt Nam vào thời đại dựng nước và giữ nước đời Hùng Vương - An Dương Vương, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc về mọi mặt của tiến trình lịch sử dân tộc.

Trong thời đại dựng nước, ta có nhiều thành tựu lớn, trong đó hai thành tựu cơ bản nhất là đã tạo dựng được một nền văn minh rực rỡ - nền văn minh Sông Hồng và hình thái Nhà nước sơ khai - Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc . Những thành tựu này không chỉ là những bằng chứng hùng hồn xác nhận thời đại Hùng Vương - An Dương Vương là những thời đại có thật mà còn chứng minh rằng chúng ta có một lịch sử dựng nước sớm, một nền văn hiến lâu đời; tạo ra nền tảng bền vững cho toàn bộ sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam. Từ đấy, người Việt trên cơ sở một lãnh thồ chung, một tiếng nói chung, một cơ sở kinh tế - xã hội gắn bó trong một thể chế Nhà nước sơ khai, một lối sống mang sắc thái riêng, biểu thị trong một nền văn minh, văn hóa chung, đã tự khẳng định sự tồn tại của mình như một quốc gia văn minh có đủ điều kiện và khả năng vững vàng tiến lên vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo của thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử thời kỳ hơn 1000 năm thống trị của phong kiến phương Bắc.

Truyền thuyết về Thần Kim Qui có lẽ là một trong những câu chuyện dân gian đặc sắc của dân tộc Việt chứa đựng giá trị về bài học lịch sử dựng và bảo vệ đất nước, bài học về sự cảnh giác Tình yêu giữa Trong Thuỷ và Mỵ Châu là một tình yêu đẹp nhưng bị lợi dụng nên đã giúp cho Triệu Đà lấy được nỏ thần. Chính sự trong sáng đó mà máu của Mỵ Châu đã trở thành Ngọc trai và nếu ngọc trai được rửa ỏ giếng nước nơi Trọng Thuỷ nhảy xuống thì càng sáng hơn ! Truyền thuyết hay ở chỗ nó ca ngợi sự trong sáng của tình yêu đôi lứa nhưng cũng là một khúc bi tráng (như là bi kịch của Sekspear); Bài học lịch sử ở đây là sự chủ quan khinh địch, cả tin của cha con An Dương Vương dẫn đến mất nước. Chính vậy mà trong thời chiến tranh chống Mỹ, nhà thơ Tố Hữu đã trả lời nhà báo nước ngoài:

Bạn hỏi vì sao đất nước này

Ngày đêm đánh Mỹ vẫn hăng say ?

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần sơ ý trao tay gịăc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu !

Truyền thuyết đó đã được đưa vào các tác phẩm chèo, cải lương rất hay và cảm động.

An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy là truyền thuyết đẹp của người xưa với chủ đề dựng nước và giữ nước, để lại cho đời sau bài học cảnh giác chính trị sâu sắc và thấm thía. Nhưng có phải câu chuyện chỉ chứa dựng một tấn bi kịch là mất nước hay không? Theo tôi câu chuyện là sự đan xen giữa cả hai bi kịch mất nước và tình yêu. Chính khi bi kịch mất nước đã tạo nên bi kịch tình yêu và bi kịch tình yêu đã mở đường cho bi kịch mất nước.

Cả hai tấn bi kịch bắt đầu khi An Dương Vương để tình riêng lấn át tầm nhìn của một đấng minh quân. Vua cho Trọng Thủy về ở rể mà chẳng mảy may nghi ngờ không chút cảnh giác chính vì thế vua đã để Trọng Thủy có cơ hội mang mầm tai họa vào bén rễ trong Loa Thành. Sự mất cảnh giác đã cuốn vua vào bi kịch mất nước do chính tay mình tạo nên; nhưng hậu quả đâu chỉ dừng lại ở đó, chính An Dương Vương đã đẩy con gái là công chúa Mị Châu vào con đường bi kịch tình yêu.

Truyền thuyết ghi lại bởi người đời sau ngắn gọn, nhưng cốt lõi của bi kịch khá rõ ràng: mối quan hệ thông gia giữa hai nhà vốn dĩ đối địch đã tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Vậy mà An Dương Vương lại " vô tình" gả con gái yêu cho con trai kẻ thù. Theo mạch kể của truyền thuyết không có lí giải nguyên nhân sâu xa khiến Mị Châu tiếp tay cho Trọng Thủy cướp mất nỏ thần Kim Quy. Mị Châu rõ ràng đã quá yêu và tin Trọng Thủy đến với mình bằng tình yêu chân thành vì vậy nàng đã nghe theo mọi lời nói của y. Nếu xét dưới góc độ của một thần tử, nàng mang tội đáng chết vì một thần tử mà dám đem bí mật quân sự quốc gia ra nói với người khác, nhất là khi đó lại là con trai của kẻ thù. Đáng trách hơn, Mị Châu bị tình yêu làm mờ lí trí đến nỗi chẳng còn đủ tỉnh táo để nhận ra những ẩn ý trong lời nói của Trọng Thủy khi từ biệt để cảnh báo với vua cha. Nàng không còn đủ tỉnh táo để nhận ra trong lời chồng tiềm ẩn hiếm họa binh đao: "Ta nay về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa bắc nam chia cắt, ta tìm lại nàng biết lấy gì làm dấu?" Mị Châu mê muội đến mức không biết hỏi nguyên cớ chia lìa, lại chỉ chăm chăm nghĩ về sự đoàn tụ lứa đôi. Rồi ngay cả khi giặc của Triệu Đà đuổi đến nơi nàng vẫn chẳng chịu trở về với thực tại, mãi đắm mình trong cơn mộng mị, vẫn còn rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy đuổi theo. Đặt tình riêng lên trên vận mệnh quốc gia như vậy quả là vô cùng đáng trách, đáng phê phán. Nhưng nếu nhìn dưới góc độ của một người con gái bình thường đang yêu một cách cuồng nhiệt thì quả thật Mị Châu đã làm tròn trách nhiệm với con tim của mình. Dù cho có mù quáng đi chăng nữa thì tình yêu của Mị Châu thật đẹp đẽ và trong sáng. Nàng yêu hết mình và hiến dâng tất cả cho người mình yêu. Chính vì lẽ đó mà Mị Châu trở thành thủ phạm góp phần làm nên tấn bi kịch mất nước đồng thời nàng cũng là nạn nhân "bất đắc dĩ" của tấn bi kịch tình yêu. Mị Châu chẳng làm tròn chữ trung chữ hiếu, nàng chỉ để lại duy nhất cho đời riêng một chữ tình mà thôi.

Đằng sau câu chuyện tình yêu của Mị Châu - Trọng Thủy là cả một âm mưu về chính trị thâm hiểm của Triệu Đà và không ai khác kẻ trực tiếp thực hiện âm mưu đó lại chính là Trọng Thủy. Ngay từ khi bước chân vào Loa Thành y đã lộ nguyên hình là tên nội gián thâm độc, y luôn đặt nhiệm vụ gián điệp lên hàng đầu. Bỉ ổi hơn, y lợi dụng luôn cả người vợ ngây thơ để thực hiện gian kế. Xét về bản chất Trọng Thủy là một kẻ tham lam và gian trá. Chính điều đó giúp y hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, y đã làm tròn cả chữ trung lẫn chữ hiếu. Nhưng đáng tiếc thay Trọng Thủy lại lỡ đánh rơi mất chữ tình. Trái với Mị Châu, Trọng Thủy để cái đầu lạnh làm nguội trái tim mình. Những hành động đầy toan tính của y giúp y tạo nên cái bẫy đưa cha con Mị Châu vào bi kịch mất nước nhưng từ thủ phạm hắn biến thành nạn nhân của chính mình trong tấn bi kịch tình yêu.

An Dương Vương mất nước từ sự thiếu cảnh giác, khinh địch của mình. Bản thân vua mong mỏi sự hòa bình giữa hai quốc gia, chấm dứt cảnh chiến tranh loạn lạc từ tình yêu con trẻ. Nhưng trớ trêu thay điều đó lại tạo nên khe hở cho những toan tính của cha con Triệu Đà len lỏi vào. Bản thân An Dương Vương cũng phải gánh chịu bi kịch khi phải tuốt gươm trừng phạt kẻ phản bội là chính con gái yêu của mình. Nhà vua đứng trên quyền lợi quốc gia mà gạt bỏ tình riêng, hành động ấy rất được nhân dân coi trọng qua cách xử lí của dân gian: Rùa vàng rẽ nước cho vua xuống biển. Mị Châu phải trả giá cho sự nông nổi của mình nhưng nàng cũng kịp thức tỉnh để nhận ra bi kịch đau đớn. Một người con gái ngây thơ trong trắng đáng yêu bị phản bội, cuối cùng đã nhận ra kẻ thù dù đã quá muộn màng. Cái nhìn nhân hậu của nhân dân ta đã dành cho Mị Châu khi đã để nàng hóa thành ngọc thạch, máu hóa thành ngọc trai ở biển đông. Mị Châu thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Truyền thuyết không chỉ kể lại trang sử mất nước mà còn chứa đựng cả cái nhìn thương cảm cho lứa đôi - khi tình yêu phải đối mặt với âm mưu.

Trọng Thủy đã phải trả giá cho sự lừa dối khi hắn chỉ còn mang được xác Mị Châu về chôn cất. Với kẻ cướp nước, nhân dân ta không để cho hắn chiếm đoạt và tiếp tục lừa phỉnh Mị Châu. Nhưng điều đáng nói ở đây là cái chết lao đầu xuống giếng của Trọng Thủy và kết thúc câu chuyện: "Người đời sau mò được ngọc trai ở biển Đông lấy nước giếng mà rửa thì thấy trong sáng thêm". Sự lừa dối của Trọng Thủy là lời cảnh tỉnh người đời: Chỉ có tình yêu chân thành mới được đền đáp xứng đáng, tình yêu không bao giờ đồng hành với những âm mưu toan tính thấp hèn, với tham vọng cướp nước.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy muôn đời vẫn còn giá trị từ ý nghĩa nhân văn, từ bài học cảnh giác đến lời nhắc nhở về cách giải quyết cái chung và cái riêng, việc nước và việc nhà. Truyền thuyết ấy như ta vẫn biết chứa đựng bài học mất nước sâu sắc, bài học mất nước là chính và không ai có thể phủ nhận, nhưng chỉ nhắc đến bi kịch mất nước thôi là chưa đủ mà còn ẩn sâu bi kịch tình yêu còn nhiều tranh cãi...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: