9: Bức Họa Của Rubens
9: Bức Họa Của Rubens
THE GIRDLE OF HYPPOLITA
Trần Bình dịch
"Vụ này dẫn tới vụ kia", đó là lời Poirot thường nói đến mà không cho biết rõ nguồn gốc của ý kiến này.
Anh chỉ nói thêm là cái đó có những chứng cứ được minh xác, nhất là trong vụ bức họa của Rubens bị đánh cắp.
Vụ này không làm anh thích thú. Một phần, bức họa chỉ có vinh dự đối với anh về phương diện hội họa. Phần khác trường hợp nó bị đánh cắp thì chằng có gì là khác thường cả. Anh đảm nhiệm việc điều tra vụ này chỉ để làm hài lòng ông Alexander Simpson, người đối với anh như người bạn thân, và vì những lý do cá nhân liên quan đến một số kỷ niệm thần thoại khác nữa.
Sau khi mất trộm, Alexander đã mời Poirot tới và thốt ra những lời lẽ giận dữ. Bức họa của Rubens mới được phát hiện ra trong thời gian gần đây. Đó là một tác phẩm ít được biết đến nhưng đã được công nhận khi trưng bày trong phòng triển lãm của Simpson. Người ta đã ăn trộm nó giữa ban ngày, ban mặt. Đó là thời kỳ mà những người thất nghiệp có thói quen nằm ăn vạ ở vỉa hè hoặc tràn vào nhà hàng Ritz. Một vài người trong số họ đã vào phòng triển lãm Simpson, dạo khắp nơi với băng khẩu hiệu "Nghệ thuật là một loại xa xỉ vô ích! Hãy nuôi sống những người đang đói". Khi người ta đã gọi cảnh sát tới, đám người lạ lùng ấy mới chịu giải tán. Lúc đó mọi người mới nhận ra bức họa của Rubens bị lấy cắp, bức họa bị cắt khỏi khung cửa của nó.
- Nó chỉ là bức tranh cỡ nhỏ – Simpson giải thích – Ai cũng có thể cuộn tròn lại mang nó dưới nách trong khi mọi người đang để mắt vào bọn người u mê vì thiếu việc làm.
Những người u mê ấy đã phải trả giá, người ta mãi sau này mới biết, khi mở lại phòng triển lãm. Nhưng không ai hiểu rõ lý do thực sự của vụ này.
Poirot đã suy nghĩ, nhưng cho rằng cảnh sát có nhiều điều kiện giải quyết việc này hơn mình...
- Nghe tôi, anh Poirot – Simpson năn nỉ – Tôi biết rõ ai là người ăn cắp bức tranh ấy và hiện giờ nó ở đâu.
Người chủ phòng triển lãm tin rằng có một băng cướp quốc tế làm việc này cho một tên triệu phú nào đó không biết hổ thẹn muốn chiếm lấy những tác phẩm nghệ thuật... với giá rẻ mạt. Bức họa của Rubens sẽ được chuyển một cách gian lận sang nước Pháp và giao cho nhà triệu phú ấy. Cảnh sát Anh và Pháp đã được báo tin nhưng Simpson không tin tưởng một chút nào về kết quả công việc của họ.
- ... Và một khi tên triệu phú khốn kiếp đã nhận được hàng thì công việc sẽ rất khó khăn. Đối với những kẻ giàu có phải được đối đãi một cách kính trọng. Hoàn cảnh sẽ rất tế nhị. Anh chính là người mà chúng tôi cần đến.
Để kết thúc câu chuyện, Hercule Poirot tuy không thích thú chút nào nhưng vẫn phải nhận việc này và anh phải sang nước Pháp càng nhanh càng tốt. Việc điều tra này không làm anh vui thích nhưng chính nó lại dẫn tới một vụ khác rất thú vị đối với anh: vụ một nữ sinh mất tích.
Chính cảnh sát trưởng Japp là người đầu tiên nói với anh chuyện này. Anh ta tới tận nhà nên việc coi sóc người hầu phòng đóng gói va li của nhà thám tử bị đứt quãng.
- A – Japp nói – Anh đi Pháp đấy ư? Nhưng hình như thế giới ta đã báo đầy đủ tin tức cho Scotland Yard rồi kia mà.
Japp chép miệng.
- Chúng tôi có nhiều thám tử! Simpson đã nhờ cậy anh điều tra vụ mất bức họa của Rubens. Ông ta không tin tưởng ở chúng tôi! Cuối cùng thì chẳng có gì là quan trọng. Vì anh đi Paris. Tôi nghĩ rằng anh có thể làm một công đôi việc. Thanh tra Hearn đang ở đấy, anh ta cộng tác với cảnh sát Pháp. Nhưng anh biết rõ Hearn... Một chàng trai tốt nhưng thiếu... óc tưởng tượng. Tôi muốn biết ý kiến anh...
- Về chuyện gì?
- Một cô gái mất tích. Báo chí buổi chiều đã nói rồi. Tất cả cho rằng cô ta bị bắt cóc. Cô ta là Winnie King. Đó là con gái của một ông thày tu ở Cranchester.
Winnie từ Crachester đi Paris để sống tại một trường đại học của bà Pope, một trường học lớn cho trẻ em người Mỹ và người Anh. Ở Londres một nhân viên của hãng Elder Sister Limited phụ trách việc dẫn em ra ga Victoria và giao cho bà Burshaw, người đại diện của bà Pope. Tại đây cùng với mười tám cô gái khác, cô xuống tàu thủy. Mười chín em đã qua biển Manche, qua hải quan ở Calais, lên xe lửa đi Paris và đã dùng bữa trong một toa xe-phòng ăn. Nhưng khi tới ngoại ô Paris, bà Burshaw đếm lại đàn cừu của mình thì chỉ còn mười tám!
- A! A! – Poirot nói – Xe lửa có dừng lại ở chỗ nào không?
- Ở Amiens; nhưng tất cả các nữ sinh ở trong toa xe-phòng ăn đều cam đoan là Winnie cùng dùng bữa với họ lúc ấy. Họ cho rằng cô ta biến mất trong lúc họ về chỗ ngồi trong xe. Họ không chú ý vì đơn giản họ tưởng là cô gái đã sang ngồi ở toa khác.
- Người ta nhìn thấy cô ta lần cuối cùng vào lúc nào?
- Khoảng mười phút sau khi xe chuyển bánh từ Amiens – Japp húng hắng ho một cách khó chịu – Người ta đã thấy cô gái vào phòng vệ sinh.
- Cái đó rất bình thường – Poirot bình luận – Còn gì nữa?
- Phải. Người ta đã tìm thấy chiếc mũ của em bên cạnh đường sắt... cách Amiens khoảng hai mươi kilometer.
- Nhưng không thấy xác chết?
- Không.
- Ý kiến riêng của anh thế nào?
- Thật là khó nói! Không có dấu vết bị giết... Cô ta không thể rơi từ xe lửa xuống được.
- Sau khi rời Amiens xe lửa có dừng lại chỗ nào không?
- Không. Xe chỉ chạy chậm lại vì có biển báo hiệu. Nhưng tôi cho rằng tốc độ xe chạy lúc ấy vẫn còn lớn, nếu ai nhảy xuống thì chắc chắn đã bị thương ngay. Anh nghĩ rằng cô gái đã sợ hãi và tìm cách chạy trốn ư? Cô cảm thấy khó chịu vì đây là lần đầu tiên cô ta xa nhà ư? Có thể là như vậy. Nhưng dù sao cô gái cũng đã mười lăm tuổi rưỡi rồi! Và trong suốt chuyến đi cô vẫn vui vẻ, nói chuyện như một con chim sáo kia mà.
- Người ta đã lục tìm trên xe lửa rồi chứ?
- Rồi, trước khi tàu vào ga phía Bắc Paris. Cô gái không có mặt ở trên tàu nữa. Đó là điều chắc chắn – Người cảnh sát trưởng thở dài – Cô bé biến mất, thật là lạ lùng. Kỳ cục!
- Cô gái ấy thuộc loại nào?
- Cũng bình thường thôi, đó là tất cả những gì tôi biết.
- Tôi cho rằng... Cô ta là người như thế nào?
- Tôi có tấm ảnh nhỏ của cô. Ô! Cô ta không nhan sắc lắm.
Anh đưa tấm ảnh cho Poirot. Nhà thám tử yên lặng ngắm nhìn. Tấm ảnh được chụp một cách tự nhiên. Người ta thấy một cô gái lều nghều đang ăn một quả táo. Đôi môi mở tô để lộ hàm răng hơi thô. Cô bé có hai tết tóc hai bên và đeo kính.
- Thường thôi, phải không? – Japp hỏi – Vào tuổi này các cô gái đều như vậy cả. Nhưng sau đó các cô sẽ là hoa hậu. Tôi tự hỏi các cô ấy đã biến đổi như thế nào, thật là mầu nhiệm.
Poirot cười:
- Không có gì là mầu nhiệm đối với một người đàn bà cả – Anh nói – Còn gia đình cô gái thì như thế nào? Họ có cho biết thêm điều gì không?
Japp lắc đầu.
- Không tin tức gì thêm. Người mẹ đang ốm. Ông bố thì hoảng hốt.Ông ta chửi rủa cô bé đã đòi đi Paris... Con gái ông đã chờ đợi chuyến đi này từ lâu. Cô ta muốn học hội họa và âm nhạc. Học trò của bà Pope đều ham thích nghệ thuật. Nhà trường có danh tiếng từ lâu, con cái những gia đình giàu có thường theo học ở đây. người ta không nhận bất kỳ ai vào học vì chi phí quá lớn.
Poirot thở dài.
- Tôi biết loại trường đó. Còn bà Burshaw tới nước Anh nhận học sinh thì sao?
- Bà ta không được tận tâm lắm xét về phương diện suy nghĩ. Bà đã rụng rời với ý nghĩ là bà Pope trút mọi trách nhiệm cho mình.
- Trong việc này không có một chàng trai nào chứ?
Japp ra một cử chỉ hùng biện chỉ vào tấm ảnh.
- Liệu trong đầu cô bé có chàng trai nào không?
- Chắc chắn là không, nhưng cái đó cũng có thể có trong một trái tim lãng mạn. Vào cái tuổi mười lăm thì đó không phải là quá sớm.
- Nhưng, nếu một trái tim lãng mạn có thể làm con người biến mất khỏi một con tàu đang chạy thì tôi phải tìm đọc trong các tiểu thuyết ái tình.
Nói xong người cảnh sát nhìn Poirot một cách tràn đầy hy vọng.
- ... Anh đã có ý kiến gì chưa?
Poirot chậm chạp lắc đầu.
- Có thể ngẫu nhiên người ta tìm được đôi giày của cô bé trên đường sắt chăng? – Nhà thám tử hỏi.
- Giày ư? Không, tại sao?
- Đơn giản chỉ là một ý kiến thôi...
Hercule Poirot đang sửa soạn rời khỏi nhà để lên xe tắc-xi thì chuông điện thoại reo lên.
- Ai vậy?
Đó là Japp.
- Rất may gặp được anh! Mọi việc đã xong, anh bạn. Tôi vừa mới nhận được tin của Scotland Yard. Cô gái đã được tìm thấy. Bên đường, cách Amiens khoảng hai mươi kilometer. Cô bé rất hoảng sợ. Người ta chưa kịp gây chuyện gì cho cô. Theo thầy thuốc, người ta đã tiêm thuốc ngủ cho cô... Dù sao cô ta cũng đã thoát nạn và mạnh khỏe.
- Thế là anh không cần đến tôi nữa chứ – Poirot chậm chạp hỏi.
- Vâng, không! Rất tiếc là đã làm anh bận rộn!
Japp cười và bỏ máy.
Nhưng Hercule Poirot không cười. Nét mặt vẫn nghiêm nghị anh buông máy.
*
Thanh tra Hearn nhìn Poirot với vẻ ngạc nhiên:
- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ông quan tâm đến việc này như thế, thưa ông.
- Cảnh sát trưởng Japp đã nói với ông việc này rồi, đúng không? Tôi có thể xem lại vụ này chứ?
- Vâng. Ông ấy nói rằng tôi tới đây để giải quyết một vụ khác nhưng ông cũng sẽ giúp thêm vào việc giải đáp câu đố này. Nhưng tôi không đợi vì công việc xong rồi. Tôi tưởng rằng đang điều tra vụ kia.
- Việc kia có thể tạm gác lại. Còn cái việc làm tôi quan tâm thì câu đó vẫn chưa được giải quyết, đúng không?
- Có nghĩa là cô bé đã được tìm thấy. Cô ta không bị thương. Đó là cái chính.
- Nhưng như vậy chưa đủ để giải đáp bài toán. Cô bé trở về như thế nào? Cô ta nói gì? Cô ta đã được một bác sĩ khám sức khỏe chưa? Bác sĩ nói sao?
- Người ta đã tiêm thuốc mê cho cô. Cô gái hãy còn bị ngây ngất. Cô bé không nhớ gì từ sau lúc ở Cranchester ra đi nữa. Chắc chắn cô hơi bị rối loạn thần kinh. Có vết bầm máu ở sọ não. Theo bác sĩ, cái đó giải thích sự mất trí nhớ.
- Cái đó thường xảy ra... nhưng do ai? – Poirot lưu ý.
- Ông không nghĩ rằng cô gái đóng kịch đấy chứ, thưa ông?
- Còn ông nghĩ sao?
- Không. Tôi nghĩ trái lại. Đó là một cô bé ngoan... hãy còn là trẻ con so với tuổi cô.
- Một cô gái thật thà – Poirot nói – Nhưng làm thế nào mà cô bé rời khỏi xe lửa được? Tôi biết ai là người chịu trách nhiệm và tại sao?
- Nếu như vậy thì tôi cho rằng đã có một mưu đồ bắt cóc cô gái. Người ta muốn giữ cô ta để đòi một khoản tiền chuộc.
- Nhưng họ đã không làm như thế!
- Họ sợ vì tin tức đã được loan báo... và họ đã trả cô ta lại ở dọc đường.
- Số tiền chuộc sẽ là bao nhiêu đối với một ông thày tu ở Cranchester – Poirot hoài nghi hỏi lại – Các chức sắc ở Nhà thờ Anh quốc không phải là những triệu phú.
- Theo tôi đó là một việc làm bị thất bại nửa chừng, thưa ông.
- A! Đây là ý kiến của ông ư?
- Vậy ý kiến của ông thì thế nào, thưa ông?
- Tôi muốn biết cô ta biến khỏi xe lửa như thế nào? Có những hành khách nào trong toa xe, toa mà bà Pope đã dành riêng ấy?
Hearn gật đầu tán thành và lấy ra một cuốn sổ tay.
- Có bà Jordan và bà Butters, hai bà già độc thân ở Thụy Sĩ về; không có gì để nói về hai bà này (họ là những người mà ai cũng biết là tử tế ở Hampshire, nơi cư trú của họ); hai thương nhân đáng kính trọng. Một chàng trai tên là James Eliott và vợ. Vợ rất xinh. Người chồng thì nghèo. Cảnh sát đã từng nghi ngờ anh ta dính líu vào những việc mua bán gian lận. Nhưng chưa bao giờ anh ta bắt cóc trẻ con. Dù sao người ta cũng đã khám xét hành lý của anh chàng và không thấy gì đáng nghi ngờ cả. Cuối cùng có một bà người Mỹ, bà Van Suyder, tới Paris. Người ta không biết gì về bà này cả. Nhưng bà ta tỏ ra đứng đắn. Đó là tất cả.
- Từ sau khi rời Amiens thì đoàn tàu không dừng lại ở đâu nữa, đó tuyệt đối là chắc chắn chứ?
- Tuyệt đối. Tàu có chạy chậm lại một lần nhưng người ta không thể nhảy xuống mà không chết hoặc bị thương được.
- Đúng là điều làm cho câu chuyện trở nên lý thú. Một nữ sinh biến mất như một phép lạ đúng ngay ở đoạn sau ga Amiens. Và cô ấy lại hiện ra như một phép lạ đúng sau ga Amiens. Giữa hai thời điểm ấy cô ta ở đâu?
- Cái đó hình như là điên rồ khi được trình bày như vậy – Người thanh tra lắc đầu nói. - A! Người ta có nhắc đến việc ông hỏi về đôi giày. Cô nữ sinh ấy có đi đôi giày khi người ta tìm thấy cô nhưng một nhân viên đường sắt cũng tìm thấy một đôi giày khác bên đường ray. Người ấy đã mang về nhà mình vì giày còn tốt. Đôi giày đi đường, màu đen, đóng chắc chắn.
- A! – Poirot nói một cách thỏa mãn trong khi Hearn nhìn anh với vẻ lạ lùng.
- Tôi không hiểu, thưa ông. Nhưng chiếc giày ấy có một ý nghĩa nào đó ư?
- Chúng xác nhận một lý thuyết – Poirot trả lời...
*
Như mọi học đường khác về loại này, trường của bà Pope được xây dựng ở Neuilly. Hercule Poirot đang dừng lại trước đường, ngắm nhìn mái nhà được xây dựng một cách trang trọng thì đột nhiên bị một đám đông cô gái nhỏ từ cửa lớn chạy ra và vây quanh.
Anh đếm được hai mươi nhăm nữ sinh, tất cả ăn vận đồng phục, áo dài màu xanh nước biển, mũ loại xấu. Từ mười bốn đến mười tám tuổi, các nữ sinh còn vụng về, da trắng hoặc ngăm đen béo mập hoặc gày gò. Một người đàn bà tóc xám đi theo. Chắc đó là bà Burshaw.
Poirot phải đợi một phút trước khi có chuông vào lớp và anh yêu cầu gặp bà Pope.
Bà Lavina Pope khác hẳn người đồng sự của mình, bà Burshaw. Bà có nhân cách gợi lên sự kính trọng. Bà đội mũ mốt mới và ăn mặc nghiêm trang nhưng rất đẹp. Tóm lại bà là người duyên dáng.
Văn phòng tiếp Poirot của bà nói lên bà là người có học vấn cao. Đồ gỗ đẹp, lọ hoa, các bản sao những tác phẩm hội họa nổi tiếng và một vài bức họa thuốc nước rất nổi. Có những tấm ảnh được đóng khung có ghi chú của những học sinh đã thành công trên đường đời.
Bà Pope đón Poirot với vẻ thận trọng của một người hay nhầm lẫn.
- Ông Hercule Poirot đấy ư? Tôi đã nghe thấy tên ông, thưa ông. Chắc hẳn ông đến vì vụ của em Winnes King phải không? Một vụ rắc rối đáng buồn.
Nhưng bà Pope lại không buồn chút nào. Bà đánh giá việc xảy ra theo giá trị của bà và cố diễn đạt một cách đơn giản nhất.
- ... Cái đó từ trước tới nay chưa hề xảy ra. Và nó sẽ không xảy ra nữa!
- Cô gái ấy là một nữ sinh mới, phải không?
- Đúng vậy.
- Bà đã có cuộc gặp sơ bộ với Winnie... và với cha mẹ cô ta chứ?
- Không! Không phải là gần đây. hai năm trước đây tôi đi nghỉ một làng bên Cranchester... Ở nhà một đức giám mục... - Bà Pope nhấn mạnh - Xin ông nhớ cho: Đức Giám mục. Tôi đã làm quen với ông thày tu và bà King (bà ta rất vụng về). Tôi đã thấy em Winnie. Một em gái ngoan ngoãn, có năng khiếu nghệ thuật. Tôi đã nói với bà King là tôi sẽ rất sung sướng nếu được đón em về trường tôi... để tiếp tục việc học tâp bình thường. Chúng tôi tập hợp các em theo từng môn nghệ thuật, thưa ông Poirot. Các em được dẫn đến nhà hát lớn, đến nhà hát kịch Pháp, đến viện bảo tàng Louvres để các em học tại đấy. Những thày giáo giỏi về âm nhạc, về ca vũ, về hội họa tới đây để giảng dạy cho các em.
- Bà Pope chợt nhớ ra rằng Poirot không phải là một phụ huynh học sinh.
- Tôi có thể làm gì giúp ông đây, thưa ông?
- Tôi rất sung sướng nếu biết rõ hoàn cảnh hiện tại của Winnie.
- Bà King đã tới Amiens và mang em về nhà. Đó là cách giải quyết khôn ngoan sau khi đứa trẻ khốn khổ bị cú sốc như vậy... Chúng tôi không nhận những học sinh đau ốm. Chúng tôi tập hợp các em lại không phải là để chăm sóc người ốm.
- Theo bà thì đã có chuyện gì xảy ra – Poirot hỏi không quanh co.
- Tôi không có ý kiến gì. Câu chuyện mà người ta kể lại cho tôi nghe thì hình như không thể tưởng tượng nổi.
- Có thể là bà đã có cuộc gặp với cảnh sát?
Bà Pope hơi rùng mình. Giọng nói của bà lạnh lùng hơn.
- Một ông Lafarge ở đồn cảnh sát đã tới gặp tôi với hy vọng là tôi có thể rọi thêm một chút ánh sáng vào chuyện này không. Đúng là tôi không thể làm gì được. Ông ta đòi kiểm tra chiếc rương của Winnie. Tôi nói với ông ta rằng chiếc rương đã được một nhân viên cảnh sát khác kiểm tra rồi. Nói nhỏ với ông, cảnh sát họ làm ăn thiếu phương pháp. Ít lâu sau, người ta gọi điện thoại cho tôi, cảnh cáo tôi là không để họ xem xet mọi đồ đạc của Winnie. Tôi đã tỏ ra rất đúng đắn. Không nên để họ bắt nạt.
- Bà là người có cá tính và tôi ngỏ lời khen ngợi bà, thưa bà. Chiếc rương của Winnie đã được mở ra để kiểm tra chứ, tôi giả định như vậy?
Bà Pope phần nào mất đi vẻ tự tin.
- Vấn đề thủ tục cổ hủ. Tuyệt đối không cần thiết như vậy. Người ta mở tất cả những chiếc rương của học sinh và đồ dùng của các em được sắp xếp theo một trật tự nhấ định. Tất nhiên sau đó người ta xếp lại đúng như khi những chiếc rương chưa được mở ra.
- Đúng ư? – Poirot đứng lên nhắc lại, lưng tựa vào tường. Này, có phải đây là bức tranh vẽ cây cầu Cranchester nổi tiếng và ngôi nhà thờ ở phía sau không đấy?
- Ông có lý, Winnie ngẫu nhiên đã vẽ cái đó để làm tôi ngạc nhiên. Bức tranh dó xếp trong rương của em. Việc làm đó thật cảm động.
- A – Poirot nói – Bà nghĩ như thế nào... về phương diện hội họa?
Poirot đã nhìn thấy nhiều phiên bản vẽ cây cầu Cranchester bằng sơn dầu, bằng thuốc nước, bằng than, bằng bút chỉ. Có những bức họa đẹp, những tác phẩm nổi tiếng, những bức họa bình thường, những bức vẽ xấu xí, vẽ bôi bác như thế này thì anh chưa thấy bao giờ.
Bà Pope nở một nụ cười độ lượng:
- Không nên làm nản chí một đứa trẻ, ông thân mến. Winnie sẽ học và vẽ tốt hơn.
- Cô ta sẽ vẽ tranh thuốc nước có đúng không?
- Đúng như vậy. Tôi cũng không rõ em này có thích vẽ tranh sơn dầu không.
- Thưa bà, xin phép bà...
Nhấc bức tranh khỏi chỗ treo, Poirot mang ra trước cửa sổ ngắm nghĩa kỹ càng.
- Thưa bà, tôi yêu cầu bà cho tôi bức tranh này.
- Đó là... thưa ông.
- Bà không muốn nói rằng nó cần được treo ở đây chứ... Nó quả xấu xí.
- Ô! Cái đó chẳng có chút giá trị nghệ thuật nào, tôi thừa nhận như thế. Nhưng đó là kết quả lao động của một học sinh và...
- Tôi cam đoan, thưa bà, bức tranh này không có chỗ đứng trên tường của bà.
- Nhưng, tại sao, thưa ông?
- Tôi sẽ chứng minh để bà rõ, nhưng trước hết xin bà hãy nghe câu chuyện một con vịt xấu xí trở thành con thiên nga thế nào.
Nhà thám tử miệng nói, tay lấy trong túi ra một chiếc lọ nhỏ, một miếng bọt biển và vài miếng giẻ lau rồi bắt đầu làm việc. Một mùi dầu thông tỏa khắp gian phòng.
- Có lẽ bà ít đi nhà hát dự các buổi diễn.
- Không, đúng vậy, nó rất nhạt nhẽo...
- Vâng, chắc chắn là như thế, nhưng nhiều khi nó có ý nghĩa giáo dục lớn. Tôi đã thấy một nhà nghệ sĩ tạp kỹ đã làm thay đổi sự vật một cách thần kỳ. Một bức họa vẽ một quán rượu tuyệt hảo, đầy thơ mộng. Mười phút sau biến thành một cô bé gày gò mặc đồng phục nữ sinh, mười phút sau nữa trở thành một phụ nữ Bohemien lang thang nói những chuyện bói toán...
- Rất có thể, nhưng tôi không hiểu...
- Nhưng tôi xin chỉ cho bà thấy chuyện lý thú đã xảy ra trên xe lửa. Winnie, cô học trò với hai bím tóc mỏng mảnh, mắt đeo kính, bộ hàm giả chỉnh răng làm miệng méo đi, ăn mặc xoàng xĩnh. Mười lăm phút sau cô đã biến thành một cô gái xinh đẹp như lời của thanh tra cảnh sát Dream. Tay chân mềm mại, giày cao gót... chiếc áo măng-tô đắt tiền khoác ngoài bộ đồng phục, một chiếc khăn nhung che đến mang tai và một phần bộ mặt, da trắng, môi son! Đó là bộ mặt của ai thì chỉ có Thượng đế mới biết được. Nhưng bà thì bà có thể xác nhận một cô học sinh vụng về đã biến thành một thiếu nữ kiều diễm như thế nào.
Suýt nữa thì bà Pope kêu lên.
- Ông muốn nói rằng Winnie King đã hóa trang...
- Không. Không phải tự cô bé. Người ta đã bắt cóc cô gái trong thời gian cô đang ở giữa Cranchester và Londres và một người nào đó đã thế chân cô. Bà Burshaw chưa bao giờ nhìn thấy Winnie King. Làm thế nào mà bà ấy biết được cô nữ sinh có hai bím tóc mỏng manh, đeo chiếc hàm chỉnh răng mà bà tiếp nhận lại không phải là cô gái mà bà đón tiếp? Cho đến đây mọi việc đã tốt đẹp, nhưng sự gian trá không phải chỉ có thế. Bà biết rõ cô Winnie thật. Cô Winnie giả biến mất để hiện lại nguyên hình là người vợ của James Eliott. Bím tóc, tất chân, bộ hàm giả là những vật nhỏ. Còn đôi giày và chiếc mũ thì được ném qua cửa sổ toa xe. Một lúc sau Winnie thật đã qua biển Manche và được một chiếc xe hơi chở đi và bỏ lại trên đường giữa Amiens và Paris. Nếu người ta đã tiêm thuốc mê cho cô bé thì cô không còn nhớ những việc đã xảy ra đối với cô nữa.
- Nhưng tại sao? – Bà Pope mất hẳn vẻ đĩnh đạc, hỏi lại – Lý do của việc lừa lọc ấy là gì?
- Vì chiếc rương của Winnie. Người ta muốn chuyển từ nước Anh sang nước Pháp một vật mà mọi cơ quan hải quan đang tìm kiếm... Một vật bị đánh cắp. Có nơi nào chắc chắn hơn một chiếc rương của học sinh? Thưa bà, trường bà có tiếng tăm tốt. Ở ga phía Bắc hành lý của học trò được đưa đến một lúc! Và sau đó, sau khi có vụ bắt cóc, có gì hợp lý hơn là xem xét chiếc rương của đương sự một cách công khai của một nhân viên cảnh sát. Nhưng may thay thủ tục của nhà trường quy định rằng chiếc rương đó được mở ra với sự có mặt của Winnie...Nhưng không phải là cái mà cô ta mang đi từ Cranchester... Bà cho tôi bức họa này chứ, thưa bà? Bà đã thừa nhận rằng nó không thích hợp với trường của bà, đúng không?
Và Poirot đưa bức họa cho bà Pope.
Bức họa "Cây cầu Cranchester" đã biến mất như trò ảo thuật, một cảnh rất cổ điển màu nhạt thay vào đó "Chiếc thắt lưng của Hippolyte", Hippolyte đang đưa cho dũng sĩ Hercule chiếc thắt lưng của mình do nhà danh họa Rubens sáng tác.
- Một tác phẩm nghệ thuật lớn... Ở văn phòng của bà thì rất đẹp.
Bà Pope hơi đỏ mặt.
Hippolyte một tay tháo thắt lưng, bộ áo quần duy nhất... Dũng sĩ Hercule khoác tấm da cừu trên lưng.
- Thật là đẹp – Bà Pope nói sau khi bình tĩnh lại – Bây giờ... như ông đã nói... cần phải chú ý đến nỗi khổ tâm của các bậc làm cha mẹ. Một số người trong bọn họ tỏ ra có những thiên hướng suy nghĩ nông cạn...
Vừa bước ra khỏi cửa trường Hercule Poirot bị một đám đông nữ sinh đủ các tầm thước các màu da tấn công. Chớp mắt anh đã bị vòng vây khép kín và siết chặt.
- Trời ơi! – Anh tự nhủ – Có phải đây là trận chiến đấu của nữ giới không?
Hai mươi nhăm giọng the thé nhắc lại cùng một câu:
- Thưa ông Poirot, xin ông vui lòng ký tên vào cuốn sổ chữ ký của em!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro