Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

on.

Bùi Công Nam, một đứa nhỏ có đam mê với nghề làm tóc. Cha nó trước đây cũng là một thợ tóc nổi tiếng trong vùng, hễ cô bác hàng xóm cần đổi kiểu hay chỉ là tỉa lại tóc tai cho gọn gàng đều sẽ đến tiệm tóc của ông Văn ở đầu hẻm.

Nó được thấy cha nó cắt tóc từ nhỏ. Từng đường kéo cắt tỉa rất nhanh, rất chính xác. Điều kì diệu lớn lao mà nó từng chứng kiến là mái tóc của một người đàn ông khi bước vào tiệm trông vô cùng bù xù luộm thuộm, che cả mắt. Ấy vậy mà chỉ với vài mũi kéo, mái tóc ấy đã trở nên gọn gàng, đẹp hơn khi được tạo kiểu mới hoàn toàn.

Hồi đó đứa con nít nào trong vùng không mê đá bóng, ô ăn quan cũng mê mấy trò như trốn tìm, nó thì chỉ thích làm tóc. Sáng đi học, chiều về là đến tiệm tóc phụ giúp việc cho cha. Tiện thể học lỏm một vài 'tuyệt kĩ' cắt tóc của cha nó. Mà học lỏm khó. Cùng lắm là nhìn thấy ông Văn lia vài đường kéo bên này rồi bên kia, tóc thì cứ rơi xuống nền nhà, rơi xuống cả tấm vải trùm trên người khách. Thế là xong một kiểu tóc.

Mà Nam chẳng hiểu gì. Nó lấy một bó rơm buộc lại rồi tập cắt cắt tỉa tỉa như cha nó, mà sao thành quả vẫn lạ lắm, chẳng ra hình hài gì mà cũng không đẹp mắt tí nào.

Cảm thấy quá thích cái nghề tóc của cha nó đi. Nam quyết định nói với cha mình để nhờ ông truyền lại nghề cho đứa con trai độc nhất nhà ông.

"Bây muốn học cắt tóc hả? Cắt tóc học không dễ đâu, có chắc muốn học chưa?"

"Dạ chắc, thưa cha."

Thế là từ đó nó bắt đầu được cha dạy cho nghề tóc. Từ những việc cơ bản cho đến khi được cắt tóc mẫu cho ma nơ canh, rồi mười tám tuổi đã được tự tay cắt tóc cho khách hàng thật. Cha nó khen, nó có khiếu với học hỏi nhanh, nhưng cũng dặn dò không được vì khen mà tự đắc, phải cố gắng, luôn phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Và năm hai mươi tuổi, Nam cũng đã trở thành một thợ cắt tóc có tay nghề. Vừa được làm việc mình thích vừa có thể phụ giúp cha. Ông Văn nhiều khi cũng nói thôi, nghề này nó làm vui thôi chứ con đường đại học đang rộng mở, tốt nghiệp rồi tìm cái nghề khác tốt hơn mà làm.

Nhưng Nam nó vẫn vừa làm vừa học, tốt nghiệp rồi vẫn dính chặt ở cái tiệm tóc cũ kĩ năm nào. Nó nói nó thích nghề này, nghề làm tóc cũng tốt mà. Được dịp xem qua tin tức trên báo, Nam thấy nghề tóc này trên đó cũng đang nổi lắm. Không chỉ có cắt và tạo kiểu thôi, người ta còn nhuộm, rồi uốn. Nom đa dạng cực kì.

Rồi năm hai mươi bốn tuổi, nó được người bạn giới thiệu lên phố làm thợ cắt tóc. Chẳng phải là vùng quê quen thuộc với đồng lúa chín, con đường làng. Nam đã đặt chân đến một mảnh đất mới, nơi sài thành tấp nập người bon chen.

Cha mẹ nó dặn kĩ lắm. Ở đây người ta biết mình là dân chân ướt chân ráo dưới quê mới lên, người ta lừa. Nên phải cẩn thận mọi thứ, không được để hớ hênh tiền bạc. Mẹ còn chuẩn bị cho nó mấy bộ quần áo, rồi thức ăn, nước uống, thuốc than đủ cả. Thấy Nam nó nai mỗi cái cặp trên lưng thế thôi chứ bao nhiêu là thứ trong đó.

.

Bạn nó có ông anh họ mở tiệm tóc, tiệm chỉ vỏn vẹn ba nhân viên thôi. Và nó cũng được nhận vào làm. Anh chủ tên Vương Bảo Trung, tốt bụng lắm, dễ gần, dễ nói chuyện trao đổi.

"Sơn, Bảo, Khoa, ba đứa nhớ giúp đỡ Nam nghe không, thằng bé từ quê mới lên, nhưng mà có tay nghề lắm đấy."

Nghe ông chủ nói thế một trong số ba người đi đến, anh ta tự nhiên khoác vai nó cười nói. Anh ta ăn mặc khá thời thượng, gương mặt cũng điển trai. Nếu không phải nghe Trung nói y là một trong số những thợ tóc ở đây, chắc bẩm rằng Nam sẽ nghĩ y là thiếu gia nhà quyền thế nào đó đến làm tóc.

"Chào em, anh tên Quốc Bảo, em cứ thoải mái tự nhiên ha, mấy anh ở đây dễ lắm, muốn yên ổn thì phải hối lộ, ủa-"

"Em tới nữa rồi đó."

"Không phải trời ơi, anh giỡn thôi chứ mọi người thoải mái vui tính lắm."

Một người khác lên tiếng. Trông cũng trạc tuổi Quốc Bảo, là Lê Trường Sơn. Nó nghe người nọ giới thiệu là thế. Cả ba người đều hơn nó bốn tuổi, chỉ riêng người còn lại là hơn nó một tuổi. Cậu ấy thì khá ít nói, chỉ nói mình tên Anh Khoa rồi thôi. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa bọn họ diễn ra như vậy đấy.

Sau đó họ cũng dần thân với nhau hơn. Thì làm chung tiệm mà, trước sau chạm mặt không nói được vài câu thì cũng vài chữ. Khi đó nó mới biết được nhiều hơn về mỗi người.

Trần Phan Quốc Bảo sinh ra ở Sài Gòn, gốc gác ông bà đều ở đây. Từ nhỏ đã sống ở đây nên việc chạy theo nhịp sống vội vã, đông đúc đã chẳng còn xa lạ với Bảo. Tính tình cũng cởi mở, hoạt bát. Nói gì chứ y là nhân viên đời đầu của tiệm đó, sau mới rủ thêm cậu em họ là Trần Anh Khoa vào làm cùng cho vui.

Khoa nhà ở cạnh Bảo nên thân từ thuở tấm bé. Khoa không phải người có thể tự nhiên mở lời với người lần đầu gặp, nhưng quen lâu rồi sẽ dễ bắt chuyện hơn nhiều. Cậu thì trầm hơn hai người anh kia một chút, nhưng rất tốt tính. Làm thợ cắt tóc ở đây cũng được ba năm hơn.

Sơn cũng là người Sài Gòn. Cha mẹ Sơn khi trước có kinh doanh buôn bán vải vóc. Nhưng thiết nghĩ bản thân không hợp với việc buôn bán nên mới chuyển sang làm thợ cắt tóc. Ai ngờ thấy làm hợp nên làm ở đây luôn, tính đến nay cũng đã bốn năm rồi.

Anh chủ tiệm tóc cũng lớn hơn nó bốn tuổi. Trung tốt nghiệp đại học lâu rồi, hiện tại thì ngoài tiệm tóc còn kinh doanh thêm tiệm bánh ngọt ở nơi khác nữa. Vì công việc bận rộn nên ít khi thấy anh chủ xuất hiện ở tiệm, nhưng mỗi lần xuất hiện đa số sẽ mang theo bánh hoặc thực phẩm gì đấy cung cấp cho nhân viên. Trả lương đúng hạn, tết nhất còn có lì xì tiền thưởng. Trung nói trong mấy cửa tiệm anh làm chủ chỉ có ưu ái nhất là tiệm này thôi.

Anh cứ hay chăm sóc mấy đứa nhỏ trong tiệm thế đấy.

.

Nó làm việc ở tiệm đó rất tốt, cũng tìm được chỗ thuê trọ giá rẻ ở gần tiệm nên chẳng có bất tiện gì. Học việc cũng khá nhanh, chỉ hơn nửa năm thôi đã thành thạo mấy kiểu tóc mới rồi, biết nhuộm, biết uốn, biết duỗi. Nói chung là học được làm được.

Chỉ là bỗng nhiên một ngày, ba ông anh trong tiệm đồng loạt xin nghỉ ốm do hôm qua dầm mưa về nhà, mà chủ tiệm thì bận đi lâu ít về. Cả tiệm còn đúng một mống duy trì là nó.

Tất nhiên, khả năng cao là nó lo không xuể. Khách thì cứ vào mà Nam thì lia kéo chẳng kịp. Đến khi tiệm đóng cửa, nó mới thấy bàn tay đã tê rần, nhức mỏi cả. Khớp tay cứ căng ra rồi lại cong vào, hoạt động liên hồi, hỏi sao chẳng đau.

Chín giờ tối, giờ mà tiệm đã đóng cửa. Ngoài trời lúc bấy giờ mưa nhiều, nghe nói có bão nên dạo này thời tiết xấu lắm. Mà nhìn trời âm u, mưa gió lớn như vậy, cảm thấy về trọ không an toàn nên nó quyết định ở lại tiệm ngủ qua đêm.

Vừa quét dọn sàng nhà xong, đang định khóa cửa thì chợt cửa kính vang lên một tiếng rầm lớn. Nam giật mình lùi ra sau, mới nhìn thấy bóng dáng một nam thanh niên đang gấp gáp đập tay vào cửa kính. Nó không kịp suy nghĩ liền mở cửa cho người nọ vào.

Anh ta cả người ướt sũng, có lẽ là đội mưa chạy đến đây. Anh ta không vội bước vào trong, đứng ở cửa trút bớt nước trên quần áo. Nó thấy thế liền lấy khăn bông cho anh lau đỡ. Lát sau khi tóc cùng quần áo khô rồi, anh mới dám bước vào trong.

"Cảm ơn cậu."

"Không có gì, anh đến tiệm muộn như vậy có việc quan trọng gì sao ạ?"

"À cũng không có gì quan trọng, tôi đến cắt tóc thôi, hôm nay mới được nghỉ nên định đi luôn, mà lu bu sáng giờ quên mất, tiệm cậu sắp đóng cửa rồi à? Có phiền cậu không?"

"Không không, anh ngồi ghế đi, anh muốn cắt kiểu tóc thế nào?"

"Cắt cho tôi quả đầu nào gọn gàng tí là được."

Vừa nói anh vừa vuốt mái tóc ra sau, hình như đã được mấy tháng không cắt rồi, tóc mái đằng trước còn che cả mắt. Anh cũng thấy phiền về mái tóc này lắm, tính chất công việc không phù hợp để tóc tạo kiểu hay sao đó. rườm rà quá không tốt.

"Vậy anh chờ tôi chút nha."

Nam đi lấy kéo cắt tóc, khi nãy vì định đóng cửa tiệm rồi nên dụng cụ làm tóc đều dẹp vào hết. đến khi quay lại đã thấy anh ngủ gục từ khi nào. Nó nghĩ chắc là công việc cũng dày đặc, đến hôm nay mới có ngày nghỉ mà còn dầm mưa chạy đến đây, chắc kiệt sức rồi.

Khi anh tỉnh dậy, anh thấy mái tóc mình đã được tỉa tót gọn gàng như mong đợi, tuy khá ngắn nhưng như thế cũng ổn rồi. Anh trả tiền xong liền nhìn ra cửa, trời vẫn mưa như trút nước, như trút cả cơn sóng dữ khơi dậy từ biển cả. Mưa lớn, chạy về thế này chắc mai đổ bệnh mất.

Anh thở dài, đành thôi vậy, chạy về cho kịp chứ không thể ở đây làm phiền nó nữa. Nhưng Nam đã gọi anh lại, nó đưa cho anh một chiếc ô màu đen. Vì cũng đã muộn nên xán hối thúc anh mau về nhà, anh chỉ kịp cảm ơn nó rồi rời đi.

Sau dạo đó, anh hay đến tiệm lắm. Không thường xuyên nhưng có dịp sẽ ghé hai đến ba lần một tháng. Lần là anh trả lại xán cái ô, mấy lần sau lại đến cắt tóc. Nó cũng có thêm một người bạn, một người anh ở mảnh đất Sài Gòn xa lạ.

Anh là Tăng Vũ Minh Phúc, nhờ cái họ đặc biệt ấy mà nó có ấn tượng, nhớ cả tên. Anh từ nhỏ đã sinh sống ở cái nơi đất chật người đông này nhưng quê gốc ở Sóc Trăng, rồi sau này anh cũng theo nghiệp cha, trở thành lính cứu hỏa.

Ngày đó nghề lính cứu hỏa còn lạ lẫm với nó. Nam không phải chưa từng nghe nhưng hẳn là không hình dung được nghề lính cứu hỏa sẽ như thế nào. Nó cũng nghe nói nghề đó phụ trách dập tắt mấy trận hỏa hoạn, cháy lớn, có khi còn phải cứu người trong biển lửa, tuy là nguy hiểm nhưng rất có ý nghĩa. Anh Bảo tiệm nó kể vậy.

Phúc thì chia sẻ nhiều hơn với nó. Anh nói anh nhìn thấy nhiều đám cháy rồi, cũng đã từng cố gắng dập tắt biết bao trận hỏa hoạn lớn nhỏ. Ban đầu chuẩn bị học thì còn sợ, nhìn lửa phừng phừng bao quanh từng ngách nhà tấm vách khiến anh sợ hãi, chùn bước. Nhưng sau này trải qua khóa huấn luyện rồi vào đơn vị làm việc, quen thuộc đến nỗi chẳng còn hay mình hết sợ từ khi nào nữa, biết sao được, đó là tính chất công việc và trách nhiệm nghề nghiệp mà.

"Em biết không, bị lửa xén không phải là cảm giác đau đớn nhất khi làm lính cứu hỏa đâu."

Làm lính cứu hỏa dường như đã là một nghề nghiệp tiếp xúc với hỏa hoạn nhiều nhất. Đối mặt với lửa, vượt qua nó, dập tắt nó. Không thể tránh khỏi những lúc bị thương hoặc chấn thương nặng. Do lửa, do khi cứu người, do dập tắt đám cháy. Thể nào cũng khó tránh. Nhưng Phúc chắc chắn cái đau đó chưa thấm vào đâu so với nỗi mất mát mà những trận hỏa hoạn gây ra.

Phúc từng nhìn thấy cảnh đồng nghiệp của mình đưa từng người từng người ra khỏi cơn hỏa hoạn của một căn chung cư, chính anh lúc ấy cũng là người đang di tản mọi người khỏi đám cháy. Một đồng nghiệp báo cho anh biết đã sơ tán cũng như cứu hết người dân trong chung cư rồi. Sau khi lửa được dập tắt, người ta mới bàng hoàng nhận ra đứa con gái của một gia đình không thấy đâu.

Một toán người tỏa ra đi tìm, còn một nhóm trở lại căn chung cư. Người ta tìm thấy con bé ngồi co ro trên giường ngủ, da thịt bỏng nặng, cháy đen. Nghe người dân khu đó kể lại, cha mẹ em ấy đã ôm xác con gái mình bật khóc rất lâu, rất thảm thiết. Con bé chỉ mới bốn tuổi thôi.

Anh biết được việc này cũng cảm thấy chạnh lòng, phần lại thấy tội lỗi. Ngỡ như đám cháy hung tợn đã không thể làm hại đến bất cứ ai, nhưng vì sơ suất nhất thời của họ mà đánh mất một sinh mệnh bé nhỏ vào tay thần chết.

Không chỉ vậy, có những trận hỏa hoạn lớn, người thân chẳng đợi được xe cứu hỏa đến, nhất mực xông vào đám cháy để cứu người. Anh từng thấy một người thanh niên cứu người yêu mình khỏi đám cháy, anh ta dùng mọi cách lay người cô gái dậy nhưng không thành. Vừa gọi tên người yêu nước mắt anh ta vừa trào ra, đến cả cánh tay bị cháy xén da rỉ máu cũng không màng. Nhưng cuối cùng cô gái ấy vẫn là không cứu được, cố hết sức rồi vẫn không cứu được.

Lúc đó Phúc mới biết, bị lửa xén không phải là cảm giác đau nhất, nhìn thấy người tử nạn trong đám cháy mới là cảm giác đau nhất.

Vì lẽ đó mà mỗi lần có hỏa hoạn ở bất cứ đâu, Phúc đều gặn hỏi kĩ càng đồng nghiệp và tự mình kiểm tra xem đã sơ tán, cứu được hết người dân khỏi đám cháy chưa. Vì sợ, trong giây phút thập tử nhất sinh ấy lại bỏ quên một sinh mạng nào đó đang oằn mình đau đớn trong đám lửa.

Nghe những việc ấy, nó càng thấy ngưỡng mộ anh hơn. Lính cứu hỏa không đơn giản như nó nghĩ, chỉ cần dập tắt hỏa hoạn là xong. Họ dũng cảm và can trường hơn thế, phải đương đầu với nhiều thứ hơn là đốm lửa nhỏ dễ dàng bị dập tắt.

Cha anh từng là lính cứu hỏa, thuộc lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, cũng từng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách riêng của nghề nghiệp. Đến đời anh, cha chỉ dặn dò đã quyết định rồi thì không được hối hận, phải có trách nhiệm với quyết định và công việc mà bản thân đã lựa chọn. Vì vậy, dù có khó khăn, dù có nguy hiểm cũng không thể nào dễ dàng từ bỏ được.

Nam cũng chia sẻ với anh về việc theo nghiệp gia đình. Cắt tóc là việc nó đam mê từ nhỏ. thích lắm. Cảm giác tạo được những kiểu tóc mới, những màu tóc ưng ý cho người khác khiến nó cảm thấy hài lòng, đến nó cũng vui nữa.

Tất nhiên những ngày đầu khởi nghiệp ở xóm có một số khó khăn cũng như vài lần cắt thất bại. Nhưng nhờ đó Nam mới cầm được kéo, lia được mấy đường cắt mà nó cho là điêu luyện của cha nó hồi đó.

Ngày đầu lên Sài Gòn, nó cũng lo lắm. Lo làm việc không được, lo chủ người ta khó, lo chỗ làm không hợp. Nhưng đến giờ thì có lẽ chẳng lo nữa rồi, chẳng những có mấy ông anh ở tiệm lại còn quen được hàng xóm xung quanh nữa. Như bác Chi thợ may nhà đối diện tiệm, ông Lâm bán báo và cả anh Huân làm nhạc sĩ nhà bên cạnh nữa. Tuy không gần nhà nó nhưng họ cứ đến cắt tóc vài lần là quen ngay.

Anh thì chẳng có bạn bè gì nhiều ngoài những anh em đồng nghiệp làm việc cùng cục. Thường ngày được nghỉ cũng không có đi đâu chơi, gia đình thì ở xa, chỉ thân với mỗi thợ cắt tóc là nó.

Phúc thấy việc cắt tóc khá thú vị, anh nghĩ phải tỉ mỉ lắm mới làm được nghề này. Vì chỉ cần cắt lệch một tí thôi là nhìn tóc ấy xấu đi hẳn, ngay cả anh cũng ít khi tự cắt tóc ở nhà lắm vì cũng sợ 'một phát đi luôn'. Từng thấy rồi người đồng nghiệp của anh, đứng trước gương cũng chải chuốt rồi canh mép tóc trông chuyên nghiệp lắm. Phập một cái méo luôn cái mái.

Tự cắt thì một là bên ngắn bên dài, hai là lệch ngói xéo mái nhà.

Tại anh cũng thử rồi, anh biết.

Nam đã cười nắc nẻ khi anh cho nó xem ảnh anh chụp hồi tự cắt ba năm trước. Lợp nhà nhưng lỡ chỉnh ngói lệch, biết sao được. Ba năm trước mà chịu đi cắt tóc hay gặp được thợ cắt tóc như nó thì quá tốt rồi. Anh nhớ đợt đó cắt xong quả tóc ai trong đội thấy cũng bụm miệng cười.

Hai người nói chuyện khá hợp nhau nên không quá khó để trở nên thân thiết. Họ kể cho nhau gần như tất cả mọi chuyện xảy ra trong đời, chuyện buồn vui đủ cả. Những câu chuyện không có điểm dừng mỗi khi gặp mặt và những sẻ chia thầm lặng chẳng ai hay.

Nam chỉ anh cắt tóc. Ừ thì việc tạo kiểu hay gì đó khá khó nên nó hướng dẫn anh vài đường cơ bản thôi. Để phòng khi Phúc mà cần gấp thì cắt ở nhà luôn một thể, không sợ cắt xấu, cắt lệch nữa.

Phúc cũng truyền đạt cho nó những cách phòng cháy chữa cháy. Những cách ấy được đăng công khai đầy trên sách báo nhưng nghe anh nói thì kĩ càng hơn, đề phòng sau này nếu không may gặp phải đám cháy thì nó còn biết cần phải làm gì.

Có hôm quan đến tiệm, anh mặc áo ba lỗ, khoác bên ngoài một chiếc sơ mi xanh. Nó vô tình thấy được lớp băng trắng lộ ra trên vai anh gần sát cổ. Nó có hỏi mà Phúc nói không sao cả, chỉ là hôm qua có vụ cháy, mà lúc cứu người trong nhà sơ ý bị lửa xén qua.

"Em đừng lo, vết thương nhỏ thôi."

Tuy nói thế chứ nom vẫn lo lắm. Qua cắt tóc mà mỗi lần sơ ý động nhẹ vào thôi là người anh cứ run lên. Phúc không thể hiện ra ngoài mặt nhưng nó biết vết thương đau lắm. Cũng không biết băng bó nhiều thế nào.

Cũng có lần Nam bị sốt nên không đi làm được. Mà ngay hôm đó anh đến thì gặp minh hạo, vừa nghe tin nó sốt cao là xin địa chỉ phòng trọ để đến thăm nó ngay. Gõ cửa hồi lâu, mới thấy từ trong nhà có người chầm chậm đi ra. Cửa nhà mở ra, anh mới thấy gương mặt nó xanh hơn tàu lá chuối, trông phờ phạc hẳn mọi hôm. Nó thấy anh thì ngạc nhiên, nhưng chưa kịp hỏi gì đã bị Phúc kéo vào nhà.

"Em sốt cao à?"

"Đâu, sốt nhẹ thôi, mới sốt tối hôm qua à."

Nam chỉ dám nói nó sốt từ đêm qua, chứ chẳng dám khai thật rằng do nó đói bụng nửa đêm nên mặc kệ mưa gió mà dầm mưa đi mua bánh bao để giờ đổ bệnh được. Tại ô rồi áo mưa tự nhiên cất ở đâu quên bén mất, tìm mãi không ra. Nhưng bánh bao ăn ngon, ngon lắm. Mà sốt cao cũng mệt, mệt lắm.

"Có ăn uống rồi thuốc than gì chưa?"

"Dạ rồi, mà sao anh tìm được phòng trọ em hay thế?"

"Anh có biết đâu, anh hỏi Anh Khoa ấy chứ."

Trông bộ dạng của nó chẳng thấy khỏe tí nào. Bình thường mắt nó to tròn, trong trẻo nhìn tươi sáng biết bao nhiêu, bây giờ cứ nhíu nhíu lại, cả người cứ trông uể oải thiếu sức sống vô cùng. Nói nó chỉ bị sốt nhẹ, anh không tin.

Rồi Phúc ở lại trông nó ăn cơm, uống thuốc xong mới đi về, quên bẵng đi cả mục đích đến tiệm cắt tóc.

.

Nay anh rủ nó đi ăn phở.

Thật tình thì cũng mấy tuần mới gặp lại mà Phúc vừa gặp là rủ đi ăn phở luôn. Quán phở không gần tiệm lắm nên anh chạy chiếc cub 50 sang đèo nó đi. Nhưng mà nó lại xin làm tài xế do lâu rồi chưa chạy xe máy, nên thành ra là nó chạy xe, anh chỉ đường.

Quán phở nằm sâu trong một con hẻm nên nếu không có anh chỉ đường thì có lẽ tìm khá khó. Không gian quán khá nhỏ, khách cũng chẳng đông mấy, chỉ có hai ba người nhưng nó nghe nói anh ăn ở đây từ thuở còn chưa ra đời. Cụ thể là cha mẹ anh đến ăn từ hồi còn quen nhau, xong đến khi mang bầu con vẫn đến ủng hộ thường xuyên nên đến đời con là cứ đến ăn hoài thôi.

Cô chủ quán có vẻ quen mặt anh luôn rồi, hai người vừa ngồi vào bàn đã nghe cô hỏi vọng ra.

"Một tô như cũ hả Phúc?"

"Dạ, thêm một tô không ớt không rau nữa nha cô."

"Ừ ừ, đợi cô chút nha cô làm liền."

Quán nhỏ nên chỉ có mình cô chủ quán và một bác nữa phụ bưng bê và thanh toán tiền. Phúc kể cô Ánh và chú Vĩnh là vợ chồng, hai cô chú buôn bán quán phở ở đây cũng hơn bốn mươi năm rồi. Tuy là bán lâu nhưng chỉ đủ để đó khách hàng thân thiết, quán nhỏ, tìm đường lại khó nên chẳng mấy ai biết đến.

Cô chủ quán bưng ra hai tô phở, giọng xởi lởi hỏi han anh.

"Phúc dạo này ít thấy ghé quán, chắc bận việc lắm hả con? Nay dẫn bạn tới ăn ủng hộ quán cô hả?"

"Dạ, dạo này con có chút việc nên không ghé quán được, đây là bạn con, con giới thiệu quán cô nấu phở ngon nức tiếng Sài Gòn nên muốn đến ăn thử."

"Dữ vậy sao, cháu cô coi bộ cũng biết quảng cáo lắm đó chớ, còn con ăn ngon nhớ quay lại ủng hộ quán cô nghen."

Nam nghe thế liền vội gật đầu 'dạ dạ'. nó nhìn tô phở bốc khói nghi ngút với những lát thịt được cắt vừa phải, không dày không mỏng với ít hành phi. Trông không có gì đặc biệt nhưng khi nếm thử miếng phở đầu tiên thì hương vị vô cùng quen thuộc. Hương vị của tô phở quê nhà.

Nó nhớ về tháng ngày thuở bé, sáng sớm đi cùng cha mẹ đến quán phở của bác Hai ăn. Phở nóng, mềm cộng thêm nước dùng đậm đà vừa miệng khiến nó ăn vào cảm thấy ấm lòng đến lạ. Những năm làm việc ở Sài Thành, đôi khi nó lại gợi nhớ về tô phở bữa sáng, tô phở ấm lòng êm dạ chốn làng quê.

Phúc trước đây nghĩ rằng anh có món mình thích nhưng chắc sẽ không có món thích nhất. Vì món gì yêu thích mà ăn một thời gian lâu dài cũng đâm ra ngán, sẽ không còn thấy ngon, thấy thích nữa. Nhưng phở cô Ánh thì khác, một món ngon, một món ấm dạ, một món đủ đầy cho bữa sáng. Mà kể cả khi ăn vào giữa khuya đi nữa vẫn thấy nó ấm áp, thơm ngon.

Cả hai cứ như vậy im lặng chén hết hai tô phở thịt bò. Xong xuôi, Phúc mới ngước mặt lên hỏi nó.

"Em thấy phở ngon không?"

"Ngon chứ, anh thấy em ăn là biết rồi."

Phúc nhìn xuống tô phở của nó, sạch sẽ bóng loáng không một làn nước lèo nào đọng lại. Chắc cô Ánh mà thấy thì vui phải biết, anh xưa giờ ăn phở ngon thật, nước lèo cũng ngon nhưng mà lười ăn hết. Nay được đâu em trai nhà mình ăn sạch bách cái tô, chứng tỏ phở phải ngon, phải chất lượng lắm.

"Ăn hết nước lèo luôn ha."

"Thì tại ngon mà anh, mẹ em nói mấy món như phở, hủ tiếu, bánh canh là dinh dưỡng nằm trong nước lèo không đó, bỏ thì phí."

Mẹ Nam từng bảo do nước lèo người ta nấu từ xương, từ rau củ, thịt thà, chất dinh dưỡng của những món ấy nằm trong nước lèo hết, nên khi ăn phải ăn cùng nước lèo nữa.

Phúc gật gật đầu đồng tình. Phải chi hồi nãy anh không tập trung ăn quá chắc đã thấy được cảnh nó bưng tô phở lên uống một loáng sạch bong rồi nhỉ. Đúng là khi chú Vĩnh dọn tô, nhìn chiếc tô trống không của nó cười hỏi.

"Phở nhà cô chú ngon không con? Nguyên liệu cô chú chọn là nguyên liệu sạch, nguyên liệu tươi không đó."

"Dạ phở ngon lắm cô, chắc mai mốt con phải qua ủng hộ thường xuyên mới được."

"Được vậy thì tốt quá, cô chú cảm ơn hai đứa nhiều nghe."

Vợ chồng cô chú chủ quán thân thiện mà tính tình xởi lởi lắm. Nam thì vui phải biết vì vừa biết thêm được quán phở ngon mà chủ quán còn tốt bụng nữa.

Ăn xong, hai người đi dạo một chút rồi đổi sang Phúc chở nó về tiệm tóc.

.

Hôm khác, Nam lại mời Phúc ăn bắp nướng bên bờ sông. Chiều chạng vạng rán vàng nắng hoàng hôn, chớm sắc ấm rồi tắt lửa nung mặt trời, để lại màu đêm đen điềm nhiên ảm đạm. Gió vây vần trong không trung, từng cơn mát rượi len qua kẽ tóc, thoáng qua làn da mi mắt.

Phúc vừa cắn được miếng bánh dừa nướng dẻo thơm, nhìn ra khung cảnh bờ sông thoáng đãng, trước mắt là nước bờ xa, phía sau là đường xe cộ, bên cạnh là Nam đang nhai miếng bánh trong miệng. Nó thầm đánh giá vị của bánh có vẻ chưa ổn lắm, vỏ ngoài hơi cháy.

"Sao ăn bánh mà mặt trầm ngâm vậy?"

"Hình như bánh em làm hơi cháy, anh ăn thấy không ổn thì thôi nha."

"Anh thấy ngon mà."

Anh còn cắn thêm một miếng bánh như chứng thực cho câu nói vừa rồi của mình. Quả thật là ngon, Phúc không cảm thấy có vị cháy khét nào, ngược lại vỏ bánh cùng nhân dừa mềm vừa phải, độ ngọt không quá gắt, hương dừa thơm mà vị dừa cũng rõ. Bánh vừa nướng còn vương hơi ấm, xoa dịu cuống họng khô khốc ngày đông.

"Thì em nói trước, nếu Phúc thấy không ổn thì đừng ăn nữa nha, ăn đồ cháy khét không tốt cho sức khỏe đâu, để mốt em rút kinh nghiệm nướng kĩ hơn."

"Có gì đâu mà, anh ăn thấy ngon thiệt chứ có phải nói cho em vui đâu."

Nó không nói gì nữa, chỉ cười cười rồi thôi.

"Bánh này là em mới học làm à?"

"Em học làm từ ba, bốn năm trước rồi, bây giờ mới làm lại."

Hồi ở nhà, mẹ hay dạy nó cái này cái kia, trong cái này cái kia đó tất nhiên cũng có việc bếp núc. Đó giờ cùng lắm là những món đơn giản như trứng luộc, rau xào, thịt kho, cá rán. Vừa hay tin con trai vài tháng nữa lên thành phố liền tận tình hướng dẫn thêm làm bánh. Chủ yếu là do Nam cũng muốn học cách làm bánh dừa nướng của mẹ, nó thích món đó cực mà lỡ đâu trên thành phố không có bán hay có khi nó thèm ăn nên nhờ mẹ chỉ làm.

Hương vị thì chắc chắn không thể qua được tay nghề của mẹ nhưng nó ăn thấy ổn là được. Cũng phải mấy mẻ cháy đen hoặc mất cân bằng nguyên liệu rồi mới ra được thành phẩm trọn vẹn như chiếc bánh trên tay Phúc đang cầm đây.

"Em có làm bánh cho mấy anh ở tiệm ăn thử chưa?"

Nó lắc đầu, nói đến nhân viên cùng chủ tiệm tóc thì thật là... Không phải làm việc ở tiệm bận rộn cả ngày thì cũng là người này bận cái kia, người kia lại bận cái nọ. Đến thời gian nói chuyện còn chẳng có, nói gì đến việc thử bánh.

"Chưa, dạo này mọi người ở tiệm bận lắm, để khi khác em làm bánh cho mọi người thử sau."

Phúc gật đầu. Cứ cách vài phút anh sẽ lại nhìn nó, ánh nhìn chần chừ như muốn nói điều gì nhưng lại thôi. Nam có để ý thấy nhưng cũng không hỏi. Khoảng lặng chấm dứt sau khi những cái bánh vơi dần trong chiếc hộp và Phúc mở lời.

"Nam có người yêu chưa?"

"Chưa, mà sao nay hỏi em vậy?"

Bình thường chủ để giữa các cuộc trò chuyện của Phúc và Nam chỉ là về công việc, về đời sống thường ngày hay kể lại những gì mà bản thân được nghe nói. Nhưng chẳng khi nào họ bàn sâu xa về chuyện yêu đương cả.

"Thì anh hỏi cho biết thôi."

"Biết rồi Phúc làm mai cho em hả?"

"Đâu ra, anh còn không có thì lấy mối đâu mà làm mai cho mày."

"Tại anh không tìm thôi chứ sao lại không có được."

Phúc không trả lời nó nữa. Anh suy nghĩ một chút lại nói sang chuyện khác.

"Nam, em muốn tìm người yêu thế nào?"

"Em không biết nữa, chắc là sẽ chu đáo, hiền lành và yêu em thật lòng."

Trong tưởng tượng của nó không có hình mẫu lý tưởng rõ ràng nhưng tính cách thì chắc chắn phải có tiêu chuẩn rồi. Nam không biết tương lai người nó yêu sẽ như thế nào nhưng biết đâu người có tính cách như nó nói sẽ làm nó rung động không chừng. Chẳng hạn như người đang ngồi bên cạnh nó đây.

"Thế nếu người đó là con trai thì sao?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro