Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

PHẦN IV: Hòa An Vương kể chuyện

Ôn Tuyền
(Ngụy Khởi)

Tuyền nguyên vân noãn bích lân lân,
Hoả tỉnh tiềm thông địa nhập Tần.
Nhất chước dĩ tiêu Thần Nữ thoá,
Thiên thu nan tẩy yết nô trần.
Sơn liên Thái Bạch không đa tuyết,
Trì đáo Hoa Thanh biệt hữu xuân.
Mạc hướng thử trung đàm vãng sự,
Phù dung, dương liễu diệc thương thần.

Dịch thơ:

Suối từ mây ấm biếc lăn tăn,
Giếng lửa ngầm thông tới đất Tần.
Thần Nữ mắng còn tiêu một chén,
Ngựa dê bẩn khó sạch ngàn năm.
Núi liền Thái Bạch riêng màu tuyết,
Ao đến Hoa Thanh chỉ có xuân.
Đừng ở đất này bàn chuyện cũ,
Phù dung, dương liễu cũng thương tâm.
(Điệp Luyến Hoa phỏng dịch)

Phần 4: Hòa An Vương kể chuyện
Chương 1: Quyết định trở về

Năm nay vùng Sa Đà lại xảy ra hạn hán, đồng lúa khô cháy nứt nẻ, cá nằm phơi thây trên con sông cạn nước. Dân chúng trong vùng sắp cạn kiệt lương thực, không ít người đang gói ghém quần áo chuẩn bị đi lánh nạn nơi khác. Ở Khương La này, mặc dù được xưng tụng là "đất lành chim đậu" nhưng đâu phải nơi nào cũng "lành". Người Khương La có một bài dân ca thế này:

"Mặt trời dậy ở đằng đông
Đế đô tỏa nắng, Mạn Hồng âm u
Trường Giang núi nước mây mù
Sa Đà cát trắng, đất dày chân chim
Hà Khổ giá lạnh buốt tim
Bình Thành loạn lạc, Ninh Him thái bình"

Bài ca bao gồm những địa danh nổi tiếng nhất Khương La. Ai chẳng biết kinh thành địa lợi nhân hòa, nhiều nắng nhiều mưa. Mạn Hồng ẩn sau dãy núi hướng Tây, lúc nào cũng thiếu tốn hơi ấm, không gian ẩm ướt, bầu trời âm u. Trường Giang cá tôm đầy ấp, núi non trùng phùng. Sa Đà quanh năm cát phủ, đất ít sỏi nhiều. Hà Khổ là biên cương phương Bắc, một năm tám tháng tuyết rơi. Bình Thành là cửa khẩu thông với Đại Thế, triều đình nào cũng giằng co từ năm này đến năm khác. Ninh Him cũng là cửa khẩu nhưng luôn luôn thái bình, dân chúng ăn nên làm ra, an cư lập nghiệp.
Hạ Hầu Y Uy đứng bên cạnh chỉ tay nói với ta:
"Đất Sa Đà này dám trụ lại cũng chỉ có Vương gia, nếu năm sau thuận lợi, chúng ta nên đào thêm kênh rạch. Ngài có nghĩ tới việc tăng thuế đối với nhóm thương nhân chở hàng hóa mượn đường qua đây không?"
Ta nhìn biển cát xuyên qua tấm lưới đen che đầu, gió cuộn trời quang, cát vàng chầm chậm di chuyển từ cồn này sang cồn khác.
"Chuyện này phải chậm rãi... hai năm trước đã tăng một lần, giờ lại thêm thuế sẽ khiến lòng người bất mãn. Xét cho cùng một chuyến buôn có bao nhiêu hiểm nguy vất vả, làm ra đồng tiền không dễ dàng..."
Ta cùng hắn trở về vương phủ, nghe tin phu nhân vừa té ngã, lập tức hốt hoảng đi xem. Đại phu khom lưng đứng ngoài cửa phòng chờ phân phó, ta hỏi hắn tình hình.
"Bẩm vương gia, vương phi may mắn chỉ động chút thai khí, từ giờ tới ngày sanh phải tuyệt đối hạn chế đi lại, nếu tiếp tục va chạm e là khó giữ!"
Ta gọi Tô ma ma đưa đại phu chút bạc rồi đi vào tẩm phòng. Nàng vừa mới ngủ, cái bụng to nổi lên dưới lớp chăn mỏng. Ta thở dài, nhẹ nhàng đặt tay lên vuốt ve. Nói ra thật là xấu hổ, đều là ông già bà lão cả rồi, giờ lại có đứa con... Thiên hạ không dám nói thẳng nhưng nhất định trong bụng họ đang chê cười. Ta ngồi nhìn nàng một lát rồi gọi a hoàn vào trông nom, chính mình đi đến thư phòng.
"Phụ vương..."
Tịch Tề không biết đã chờ bao lâu, quần áo còn lấm bụi đường. Ta chưa hỏi gì, chỉ kêu nó vào trong phòng, gọi người dâng trà. Trong năm đứa con trai, Tịch Tề là đứa ta không yên tâm nhất, nó không thích học chữ nghĩa, hoàn toàn không có thi phú, đầu óc lại để tâm tới chuyện linh tinh. Nhưng chính vì vậy mà nó lại hiểu nhiều, biết nhiều, lanh lẹ hơn những đứa khác.
Tịch Tề hối hả uống sạch tách trà rồi ngẩng đầu gấp gáp nói với ta:
"Phụ vương, hoàng đế băng rồi!"
Tay ta run lên một chút nhưng rất nhanh đã trấn tĩnh lại. Lúc này ta không nghĩ tới Tứ ca mà lại nghĩ đến Tứ hoàng tẩu. Vậy là bà ta đã làm Thái hậu rồi. Con đường bà ta chọn xem ra sắp kết thúc viên mãn rồi. Năm xưa có một người đứng trước mặt ta lạnh lùng nói rằng: "Ước nguyện của muội là trở thành mẫu nghi thiên hạ, đầu tiên phải làm Thái tử phi, rồi làm Hoàng hậu, Thái hậu, Thái hoàng thái hậu. Chỉ có địa vị đó mới thỏa mãn được muội!"
Nàng đã thay đổi, đã không còn là cô bé năm xưa nũng nịu gọi ta "hoàng tử ca ca" nữa. Cuộc đời là như vậy, cứ ngỡ sẽ cùng nhau đi hết con đường, ai ngờ lại rẽ sang ngang. Ta hoài niệm đặt tách trà xuống, thờ ơ nói:
"Vậy là có quốc tang rồi, lệnh cho gia đinh treo vải trắng, Thế tử sẽ thay bổn vương hồi kinh viếng tiên đế."
Tịch Tề chép miệng, lắc đầu nói:
"Phụ vương, không chỉ Hoàng đế băng hà, cả Thái tử cũng đi rồi!"
Lần này thì ta thực sự đánh vỡ tách trà:
-Con nói cái gì?
-Thái tử và bệ hạ cùng mất một ngày, bây giờ kinh thành rất loạn, cụ thể thì con chưa biết rõ nguyên do... chỉ nghe nói Thục phi và Thái hậu đang tranh chấp gây gắt!
Ta nhíu mày, chuyện xảy ra quá bất ngờ, quả thật nghĩ không thông. Thái tử mất rồi, vậy bà ta phải làm sao? Tam hoàng tử trẻ người non dạ, trước nay không tham chính, nhìn kiểu gì cũng thấy Nhị hoàng tử lợi thế hơn. Ngoài cửa có tiếng nói chuyện, Kinh Hà và Thán Khúc cùng nhau đến.
-Thỉnh an Thế tử gia!
-Thằng quỷ nhỏ! Biệt tích mấy tháng nay, đi đâu hả?
– Á Á....đại ca tha mạng, không phải đệ đã về rồi sao?
– Hừ, đệ là đứa con bất hiểu, không để lại chút tin tức nào đã bốc hơi. Mẫu phi ngày nào cũng hỏi ta mà ta có dám nói thật đâu!
– Rồi rồi, đệ lập tức đi thăm nương đây, đại ca buông tai đệ ra!
Kinh Hà nhìn hai huynh trưởng động tay động chân, nhe hàm răng trắng cười khì khì. Nhà có năm đứa con trai, ồn ào chết được. Hôm nay ta cũng không có tâm tư la rầy gì chúng nó. Kinh Hà nhìn thoáng qua ta, lập tức nhu thuận chạy tới, nghiêm trang gọi một tiếng "Phụ vương". Ta cố gắng cười, xoa xoa đầu thằng bé. Nó là đứa con trai út, chỉ mới 7 tuổi thôi. Ngày nó ra đời thú thật ta hơi thất vọng, cứ tưởng là một tiểu quận chúa!
-Tiểu Hà hôm nay làm những gì?
– Con đã chép xong bài của sư phó giao, còn đi theo đại ca ra ngoài thành thị sát!
-Thị sát? Vậy Tiểu Hà thấy những gì?
– Dạ, thấy rất nhiều lạc đà chở đồ đạc, đại ca nói dân chúng trong thành chuẩn bị đi lánh hạn!
Ta gật đầu, nhìn sang hai đứa con trai khác, xem ra Thán Khúc đã dạy dỗ xong Tịch Tề, ta bèn nói với nó:
– Khúc nhi, con về bảo Thế tử phi chuẩn bị hành lý, ngày mai hồi kinh!
Thán Khúc giật mình ngạc nhiên hỏi:
– Làm gì ạ?
– Hoàng thúc con băng hà, con thay ta đến chịu tang...
Thán Khúc ngơ ngác gật đầu, tuy có ngoài ý muốn nhưng nó cũng không bận tâm lắm, chắc chỉ lo lắng đường xá xa xôi thôi. Chỗ của ta là như vậy, mang tiếng là Hòa An vương phủ nhưng chẳng liên quan gì tới triều đình. Vùng Sa Đà này không phải trọng yếu quân sự, không tài nguyên, không giàu có. Trong vương phủ trừ một trăm lính vệ tiêu chuẩn thì không có tổ chức nào nữa. Ta không nắm binh quyền, vậy là trở thành vô nghĩa đối với triều đình. Từ khi về đất này, cưới vợ dựng nhà nuôi con, ta cũng không màng tới chính biến nữa, bọn trẻ rất mơ hồ về khái niệm "kinh thành", "hoàng đế", "chính trị". Thôi, vậy cũng tốt, có mấy ai dính vào đó mà sống an nhàn đâu! Từ ngày ra đi, ta cũng quyết tâm không quay về nữa, ẩn náu trong lớp bụi mù ở Sa Đà, cứ lặng lẽ làm Hòa An vương. Đất này không giàu nhưng đủ ăn, tô thuế hàng năm vương phủ thu vào so ra đã sung túc hơn dân thường rồi. Ta chỉ hy vọng bọn trẻ cũng bình an như vậy, gìn giữ một chi nhỏ huyết mạch hoàng thất, bảo tồn một phần truyền thống dòng dõi đế vương, dù nó xa lơ xa lắc nhưng cũng là cội nguồn...
Bởi vì Tố Tâm vừa bị động thai nên các con lần lượt đến thăm nàng. Có lẽ chúng nó cũng như ta, rất mong ngóng một tiểu quận chúa. Sau khi đứa trẻ này ra đời, mặc kệ là trai hay gái ta cũng không để nàng mang thai nữa, đã hơn ba mươi rồi, trẻ trung gì nữa?
Chạng vạng ngày hôm đó, Hạ Hầu Y Uy mang cùng một tin tức tới gặp ta, hắn hỏi ý ta thế nào. Ta chỉ ngồi nhìn hoàng hôn, lạnh nhạt đáp:
– Mấy chục năm rồi, Hòa An vương phủ và kinh thành không còn liên quan tới nhau. Dù có nội loạn cũng không thể tác động tới Sa Đà hẻo lánh này. Dù có chiến tranh ta cũng không thể góp thêm một tấc sắt. Thôi thì cứ án binh bất động, hạn chế liên can, như vậy mới là thượng sách!
Y Uy trầm ngâm đứng một góc, rất lâu sau hắn mới lên tiếng:
-Ta từng nhìn thấy Hoàng hậu Phượng Loan... vương phi nương nương quá giống bà ấy!
Ta bình tĩnh quay lại nhìn hắn:
– Ngươi có ý gì?
Y Uy vốn chẳng sợ địa vị của ta, hắn nhún vai thẳng thắn đáp:
– Ngài không dám trở về, chứng tỏ trong lòng ngài có quỷ. Vương phi đã hầu hạ ngài mười mấy năm, sinh cho ngài năm con trai và sắp có một hài tử nữa... Ngài luôn không nóng không lạnh, như vậy so với phụ tình bạc nghĩa còn khó coi hơn!
-Ta chưa bao giờ để nàng thiếu thốn, cũng chưa bao giờ nặng lời!
– Phải, nhưng ngài cũng chưa bao giờ thật tâm đối đãi với tỷ tỷ của ta. Đừng tưởng ta không nhìn thấy, chẳng qua ta nhịn, vì tỷ tỷ luôn yêu thương ngài. Nàng lúc nào cũng chỉ biết chờ đợi, thanh xuân hết rồi, nàng còn phải đợi bao lâu?
Ta mím môi mặc kệ hắn, tiếp tục nhìn về chân trời. Trong lòng lại nhớ mông lung chuyện thời trai trẻ. Tố Tâm gả vào đây cũng tròn trĩnh mười sáu năm rồi. Tên đầy đủ của nàng là Hạ Hầu Tố Tâm, thân phận không cao nhưng cũng là một thiên kim tiểu thư nho nhỏ trong một gia đình thư hương có gốc rễ hoàng gia. Khi Thái tổ đoạt ngôi, dòng họ này đã bị thủ tiêu gần hết, chỉ sót lại vài nhánh phụ lẻ tẻ sống ở nơi xa xôi, có người đổi tên đổi họ, có người trốn chui trốn nhủi, lưu lạc tứ xứ. Ta cưới nàng vào cửa cũng khó khăn trăm bề, tất cả chỉ vì khuôn mặt ấy.
Nàng đã theo ta đến vùng đất khắc nghiệt này, cùng ta xây nhà dựng cửa, từng chút làm cho cuộc sống no đủ hơn. Vương phủ không có trắc phi, không có di nương, không có thông phòng, cũng là ta bù đắp cho thiệt thòi của nàng. Như vậy đã đủ chưa?
Bây giờ già rồi, đầu có hai màu tóc, cháu nội cũng sắp có, còn tính toán chuyện nhi nữ thường tình, haizzz... có mà bị người ta cười vào mũi!
Đêm xuống, nhiệt độ cũng xuống rất nhanh, khác xa với cái nóng ôi ả ban ngày. Ta để nô tài cầm đèn, chầm chậm tản bộ trở về phòng.
– Tham kiến Hòa An vương!
Tên nô tài bị giật mình, nhảy sang một bên. Ta cảnh giác nheo mắt nhìn cái bóng đen biến ra từ không khí:
– Kẻ nào dám tùy tiện xông vào vương phủ?
Người nọ toàn thân áo đen, kiếm đeo bên hông, khuôn mặt cũng che đi. Hắn nhanh nhẹn đưa ra một cái túi tiền, im lặng không nói. Ta nhận món đồ, nương theo ánh sáng đèn lồng mà nhìn thấy hoa văn bươm bướm tinh xảo. Phượng Loan....
– Có ý gì?
Ta lạnh giọng hỏi hắn. Tên ám vệ nhìn mặt đất mà nói:
– Kinh thành thế sự nguy nan, Thái hậu nương nương cần ngài trợ giúp!
-Ta không có binh quyền, cũng không có trọng lượng trong triều đình, thứ lỗi không thể hỗ trợ.
– Vương gia chỉ cần có mặt, ngài là trưởng bối trong hoàng tộc, tiếng nói ít nhiều luôn có giá trị.
– Hừ, ta không đi! Sao không tìm Thiết Bình vương, Thánh Kim vương, Ôn Chính vương,...? Bọn họ đều có không dưới hai ngàn quân, tùy tiện vây kinh thành cũng có thể áp đảo triều chính.
– So với các vị vương gia khác, Thái hậu tin tưởng Hòa An vương nhất!
Ta cười lạnh, câu nói này đúng là trêu người. Dựa vào cái gì mà bà ấy tin tưởng ta? Nếu tin tưởng, hai mươi năm trước đã không lựa chọn Thái tử. Ta đưa mắt nhìn ám vệ vẫn đang quỳ. Từng là hoàng tử của Khương La quốc, ta ít nhiều có hiểu biết về tổ chức này. Ám vệ thường không quá mười người nhưng một người sánh bằng trăm quân. Tên này không thể là ám vệ của tiên đế, cũng không phải ám vệ của Thái tử, một khi chủ nhân mất thì họ cũng tự động giải tán, rất ít ai tiếp tục phục vụ. Hoàng cung có một quy tắc bất thành văn: chỉ dùng người do chính mình đào tạo!
– Ai phái ngươi tới?
– Thái hậu nương nương.
Ta cười nhạt lắc đầu:
– Nàng sẽ không phái người đi cầu cứu ta, lại còn mập mờ giữa đêm như vậy. Nói thật đi, là ai phái ngươi tới?
– Là chủ tử.
– Chủ tử ngươi là ai?
– Chẳng ai cả, chủ tử là chủ tử. Dù ngài là vua hay là giặc, dù ngài giàu có hay nghèo hèn, chỉ cần ngài còn sống thì chính là chủ tử.
Ta khá thích thú với tên ám vệ này, một câu nói đơn giản thâu tóm hết lòng trung thành của hắn. Phải là người thế nào mới bồi dưỡng ra một thuộc hạ tâm huyết như vậy?
– Nói đi nói lại ta cũng không muốn đi, chủ tử của ngươi sẽ làm thế nào?
– Chẳng thế nào cả. Có vương gia hỗ trợ, mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn một chút, quang minh chính đại hơn một chút. Không có ngài giúp đỡ, người cần chết vẫn sẽ chết, người cần giết vẫn sẽ giết, tuy nhiên thủ đoạn này không rõ ràng, dễ khiến quần thần bất mãn!
– Ha ha ha ha... ngông cuồng như vậy! Xem ra bản lĩnh của hắn không nhỏ. Tạm thời ta chưa quyết, sáng mai ngươi đợi ở cửa thành, giờ Dần chưa thấy bổn vương thì có thể tay không trở về!
Ta không quan tâm đến hắn nữa, phẩy tay áo bỏ đi. Đã lưu lạc tới đất Sa Đà này, vậy mà vẫn không yên ổn.
Nến trong phòng đã thắp lên, lan trong không khí mùi hoa nhài nhàn nhạt. Ta vén mành khẽ khàng đi vào phòng, phát hiện nàng vẫn chưa ngủ, đang ngồi làm gì đó dưới ánh nến chập chờn
-Tố Tâm?
Nàng ngẩng đầu, xuyên qua rèm the trắng nở một nụ cười:
– Vương gia... hôm nay chàng về trễ!
Ta gật gật đầu, cũng không nói lý do, chỉ cởi ngoại bào đi vào tịnh phòng. Nước ấm thấm vào da, xua bớt suy tư của một ngày dài. Nhìn mái tóc nửa đen nửa trắng của mình, cảm thấy cuộc đời đã đi quá năm phần, còn năm phần kia sẽ ra sao?
Trong lúc ta nhắm mắt ngẫm nghĩ, một bàn tay mềm mại tinh tế xoa nắn bả vai. Ta lập tức xoay người lại, không vui nhíu mày:
-Trở về giường!
-Thiếp thân chỉ muốn giúp vương gia thư giãn...
– Nàng không tiện, vẫn nên trở về đi.
– Vậy... hay thiếp gọi a hoàn vào?
Ta nhếch môi, tư lự hỏi:
– Loại a hoàn nào sẽ hầu hạ những chuyện này?
– A hoàn nào chẳng được, cùng lắm thì để các nàng làm thông phòng...
– Nàng muốn như vậy sao?
Tố Tâm không dám nhìn vào mắt ta, nàng thường không nhìn vào mắt ta. Hôm nay hai cánh môi có chút nhợt nhạt.
-Vương gia thích là được...
Ta im lặng nhìn nàng. Thật ra Tố Tâm không già, nàng vẫn còn hây hây như con gái hai mươi. Khí hậu Sa Đà khắc nghiệt như vậy, đàn bà ở vùng này lúc nào cũng thô kệch, da ngăm đen, tóc xoăn thô dày. Tố Tâm thì luôn nõn nà như vậy, ra dáng nữ nhân cao quý nhất vùng này. Có đôi lúc ta nhìn nàng soi gương, cảm thấy chúng ta không giống phu thê mà giống cha con hơn.
-Tự nhiên hôm nay lại nói chuyện này. Hay Tố Tâm đã bắt đầu chê bổn vương già, không xứng với nàng nữa?
Tố Tâm mở to mắt, lắc đầu nguầy nguậy:
– Dĩ nhiên không phải. Nhìn xem, trừ tóc ngài ra thì trên mặt vẫn chưa nhiều nếp nhăn, bắp tay vẫn cứng rắn, ngực vẫn săn chắc như vậy, dám chắc thanh niên trai tráng cũng không bằng ngài...
Ta híp mắt tiếu ý nhìn nàng, "trai tráng cũng không bằng"... này là... chỉ phương diện nào? Tuổi tác của ta như vậy, có già cũng là bình thường nhưng nàng thì... sao không thay đổi bao nhiêu? Khó trách con dâu lần đầu gặp gọi nhầm nàng thành tỷ tỷ, sau này có khi nào bọn trẻ bắt đầu bạc tóc mà nàng lại trẻ hơn chúng không?
Ta thở dài, từ trong thùng gỗ đứng dậy, với lấy cái khăn lau nước trên người. Tố Tâm theo thói quen chuẩn bị mặc áo giúp ta nhưng ta gạt tay nàng ra, tùy tiện khoác một lớp áo trắng rồi bế nàng trở về phòng. À, nặng hơn hôm qua một chút!
Đặt nàng xuống đệm, lưu loát tắt nến, ta buông rèm giường nằm vào chỗ của mình. Tố Tâm tự nhiên cũng nhích gần lại, áp má vào ngực ta.
-Vương gia, lần này nhất định là một quận chúa!
– Làm sao nàng biết?
-Thiếp có linh cảm của người mẹ, đứa bé này rất ngoan, không đạp nhiều, trẻ con ngoan ngoãn nhất định là nữ nhi!
– Lúc mang thai Kinh Hà nàng cũng nói như vậy!
– Còn có... thiếp thèm ngọt hơn chua, Tô ma ma nói nhất định là con gái.
– Lúc mang thai Tịch Tề nàng cũng nói rồi.
– Nhưng... thiếp thích ngủ quay mặt về hướng nam.
– Giường chúng ta đặt thế này, ta nằm bên ngoài mà nàng có thói quen đối diện với ta, không hướng nam mới lạ!
-... Hừ, thiếp cảm thấy ngực trái nặng hơn ngực phải!
– Lúc mang thai Thán Khúc, Vĩnh Lạc, Chí Tĩnh, ngực nàng lúc nào chả bị lệch?
Tố Tâm trợn to mắt, ngửa đầu nhìn ta gay gắt tranh cãi:
– Không có, ai nói ngực bị lệch? Chỉ là cảm thấy nằng nặng thôi!
– Bên to bên nhỏ không lệch thì là gì?
Tố Tâm cắn môi, buồn bực đem tay ta đặt lên ngực nàng:
– Đây nè, chàng sờ đi, rõ ràng bằng nhau mà!
Ta thản nhiên xoa lấy hai bầu ngực căng tròn, sinh năm đứa trẻ, nàng luôn có đủ sữa, không cần thuê vú nuôi. Nữ nhân sinh nở khó khăn nguy hiểm, nuôi con cũng không dễ, vậy mà nàng lại nhẹ nhàng cho ta một bầy con khỏe mạnh đáng yêu. Thảo nào lúc so bát tự, sư tăng lại nói nàng có hồng phúc.
Tố Tâm nằm bên cạnh chớp chớp mắt, dường như cũng thấy ý đồ của ta, tuy không có ánh nến nhưng ta biết mặt nàng đỏ ửng. Loạn xạ một hồi vẫn là nhẫn nại, muốn gì cũng phải đợi đứa trẻ chào đời đã!
-Vương gia, nếu... nếu vẫn là một bé trai thì làm sao bây giờ?
Tố Tâm âu lo hỏi ta, giọng nói nghèn nghẹn sắp khóc lên rồi.
– Chẳng sao cả, nó sẽ làm lục công tử của Hòa An vương.
– Nhưng... nhưng... chàng vẫn muốn có một quận chúa mà? Hay là thiếp lại tiếp tục...
– Không được!
– Được mà!
– Bổn vương nói không được! Nàng ngoài ba mươi rồi, trẻ trung gì nữa mà sinh nở? Ta cũng già rồi, có con không tốt!
Tố Tâm thấy ta nổi giận cũng ngoan ngoãn im miệng. Đêm lại lắng xuống, chút phiền muộn lúc chiều cũng tan không thấy bóng. Ta phát hiện lòng mình thảnh thơi, có phải nhờ nàng không?
-Tố Tâm?
– Dạ?
-...Không có gì, ngủ đi!
Một lúc sau:
-Tố Tâm?
– Vương gia, thiếp còn chưa ngủ, ngài có gì thì nói đi.
Ta nhìn đỉnh mành, khó khăn lắm mới thốt ra một câu:
-Ta muốn hồi kinh.
Tố Tâm không trả lời, hơi thở nhẹ như đã ngủ say.
– Hoàng đế băng rồi, Thái tử cũng bất hạnh qua đời... bây giờ hoàng thành rất loạn. Thái hậu nương nương lúc này ở thế yếu, ta dự tính...
– Vương gia sẽ trở về chứ?
Tố Tâm rất ít khi dám ngắt lời ta, nàng hỏi một vấn đề thật kì lạ. Ta trở mình, nằm nghiêng nhìn nàng:
– Sao lại hỏi như vậy?
Nàng co người trốn trong tấm chăn, giọng nói mơ hồ:
-Kinh thành... vừa đông vui vừa giàu có. Hoàng cung lộng lẫy xa hoa. Ở đó có không biết bao nhiêu của ngon vật lạ, mỹ nữ tài nữ danh ca... Vương gia đi rồi, có khi nào mê luyến đế đô, không về Sa Đà nghèo hèn này nữa...
Ta im lặng nhìn nàng, hai hàng mi rũ xuống man mác buồn, tóc óng ả xõa ra trên gối:
– Hồ đồ! Vương phi ở đây, Thế tử ở đây, các thiếu gia và phủ đệ cũng ở đây. Không về thì đi đâu?
Tố Tâm rưng rưng nâng hàng mi, vẫn bất an đáp:
– Nhưng... ngài đã nói không bao giờ trở về nơi đó nữa... bây giờ Hoàng hậu... không, là Thái hậu. Bà ấy xảy ra chuyện nên ngài liền nóng ruột có phải không?
– Tố Tâm! Rốt cuộc nàng muốn nói cái gì?
Giọng ta cao ngất, chắc đã làm mấy người hầu bên ngoài sợ khiếp rồi. Vậy mà Tố Tâm không hề hấn gì, thụ sủng sinh kiêu đây mà! Nàng thoát khỏi tay ta, xoay người lui vào trong góc, kéo chăn trùm lấy đầu. Một lúc sau ta nghe thấy tiếng khóc nghèn nghẹn. Này này, phụ nữ có thai không thể khóc lóc, nếu không đứa trẻ sinh ra sẽ là một cục thịt mít ướt!
Thôi được rồi, trong nhà bà bầu là to nhất, ta đành vứt bỏ tôn nghiêm của vương gia, đi dỗ nàng một chút. Từng tuổi này rồi mà hở ra lại khóc, từng tuổi này rồi vẫn còn phải ê a dỗ dành nữ nhân, khắp thiên hạ chắc chỉ có chỗ này. Giật mạnh lớp áo giáp của nàng ra, bá đạo kéo nàng trở về đúng vị trí, á... cái bụng... thật vướng víu mà!
-Tố Tâm, ngoan ngoan nào~~~ Khóc lóc om sòm còn ra thể thống?
Nàng đánh không nương tay, lâu rồi ta mới bị người khác thục vào ngực mạnh như vậy:
– Vương gia nói dối, thiếp nhìn thấy cái túi tiền trong tay áo ngài rồi!
Haizz... quả nhiên mắt nữ nhân sáng hơn mắt mèo, mũi đàn bà thính hơn mũi chó mà. Ta không cố ý so sánh nàng với chó mèo, câu này là đệ đệ của nàng dậy ta nha!
-Tố Tâm, bổn vương không lừa gạt nàng, ta có ý muốn hỗ trợ Thái hậu, cũng là nhân tiện trả món đồ lại cho bà ấy... Bao nhiêu năm rồi, cái gì xảy ra cũng qua mất rồi, cái gì muốn nói cũng sớm quên rồi... Thật tình không có hơi sức đâu mà bận tâm đến nữa.
Ta vùi mặt vào tóc nàng, bao nhiêu năm nay đã quen với mùi này, nếu phải xa có khi rất khó ngủ. Thì ra là vậy! Mãi tới lúc muốn rời đi mới nhận ra mình luyến tiếc. Con người chỉ thấy quý giá khi họ đánh mất, cứ nắm trong tay thì báu vật cũng thấy tầm thường.
Tố Tâm à, ta với nàng có lẽ thiếu đi nhiệt huyết, không có say mê nhưng ít nhất ta và nàng sẽ cùng nhau tới già, cũng đã có một bầy con lớn nhỏ. Tình yêu ta không đảm bảo cho nàng nhưng tình thân thì chỉ nàng mà thôi. Nàng là vương phi duy nhất của bổn vương, nữ nhân duy nhất của bổn vương, thê tử duy nhất của bổn vương, không trở về với vợ thì ta đi đâu sống đây?
******
Mặt trời vừa ló, đeo túi vải nhỏ gọn bên vai, lần lượt viết xong 3 lá thư gửi cho Uy Y, Thán Khúc và lão quản gia trong nhà, ta đặt thư ngay ngắn lên bàn rồi lấy ra thanh kiếm đã nhiều năm không đụng tới. Kéo lưỡi kiếm ra khỏi vỏ, lập tức nhìn thấy dấu khắc hoàng gia trên mặt kim loại sáng bóng, ta tự nhủ trong lòng: "Chỉ đem dự phòng thôi, chắc chắn không phải dùng tới."
Xong xuôi đâu vào đấy, ta trở lại giường cố ý nhìn nàng một lúc, khẽ khàng hôn lên đôi môi đỏ mộng:
– Tố Tâm, chỉ lần này nữa thôi, nàng hãy chờ ta!
Dắt con hắc mã tốt nhất đi ra ngoài thành, ám vệ tối hôm qua vẫn đứng đợi, hắn đeo mặt nạ, thản nhiên hỏi:
– Đường rất xa xôi, có cần tiểu nhân chuẩn bị xe không?
Ta liếc mắt nhìn hắn, thoăn thoắt leo lên lưng ngựa, từ trên cao nhìn xuống lười nhác đáp:
– Ở Khương La này, trừ Ôn Chính vương và tiên đế thì chưa ai đánh thắng ta đâu. Ngươi tốt nhất chạy nhanh một chút, ngựa của bổn vương không có thói quen chờ đợi.
Nói rồi ta liền vung roi, trong tiếng gió vẫn nghe thấy tên ám vệ lẩm bẩm:
– Ngài chưa đấu với chủ tử của tôi, vẫn khó nói lắm!

Chương 2: Biết dụng lòng người

"Ngựa phi đường xa, lưng chóng mỏi
Vòm trời thành đô cao ròi rọi
Nỗi lòng hồi hương ta khó nói
Chữ Quốc chữ Gia thấy bồi hồi..."
[Trích "Thượng kinh kí sự" của Chu Lạc Trinh, năm Thái Minh thứ nhất]

Hai mươi năm không phải là dài. Nó không đủ để núi thêm cao hay trời thêm rộng. Nó không đủ để Khương La thống nhất thiên hạ, cũng không đủ để bất cứ ai thôn tính Khương La. Nhưng 20 năm đó đủ lâu khiến tóc xanh bạc trắng, lòng người mỏi mòn, hoàng triều đổi chủ...
Nay ta trở lại đất này, thấy tâm thanh thản, thấy lòng nhẹ nhàng, chẳng qua từ lâu đã không còn tham, không còn cầu, không còn tranh... Đi vài ngày bỗng nhớ Sa Đà, ngủ trong khách điếm tự nhiên hoài niệm một cái ôm ấm áp, sáng nay trời mưa rả rích, chân ta bỗng lười biếng lên đường...
– Vương gia, ngài không ngủ ngon sao? Chắc là giường ở đây không tốt như vương phủ?
Tên ám vệ nhìn quầng thâm dưới mắt ta mà nói, sao nghe giọng điệu này có ý châm chọc vậy nhỉ? Đồng hành mấy ngày, ta cảm thấy cái tên này là ám vệ kiêu ngạo nhất mình từng biết, kiểu ăn nói hai ba tầng nghĩa không phải ai cũng làm được.
– Giường quả là hơi cứng nhưng cũng không tới mức khó ngủ. Chẳng qua ta bị đánh thức vài lần, khách điếm này chuột nhiều quá. Đêm hôm khuya khoắt cứ lén lút ngoài cửa phòng, chút cha chút chít...
Ta hài lòng nhìn bộ mặt ăn ớt của hắn, muốn đùa với bổn vương? Ngươi vẫn còn non lắm!
Ròng rã bốn ngày trời cũng thấy được cổng thành phía trước. Khắp nơi là cờ tang rũ xuống, cảnh vật đìu hiu. Ám vệ nói khẽ sau lưng:
– Vương gia, chúng ta dịch dung lẻn vào thành đi!
Ta hiểu ý hắn, bởi vì có một tốp thiết kỵ quân đang dàn hàng kiểm tra người ra vào thành. Áo giáp bạch kim, mũ sắt treo lông đà điểu, giày đinh ba vạch đỏ,... đây không phải thiết kỵ ở biên ải Bình Thành sao? Ta híp mắt trông ra xa, lòng không khỏi thở dài:
– Xem ra Ôn Chính muốn ngai vàng đến điên rồi...
Thời buổi loạn lạc khó nói, cái gì cũng xảy ra chớp nhoáng không lường được. Chỉ mới 4 ngày mà tình hình kinh thành lại loạn tới mức này, Ôn Chính chen chân chẳng khác nào quấy cho vũng bùn sình ương thêm.
Phải công nhận tài dịch dung của ám vệ rất cao thâm. Ta đóng vai ông già dẫn theo đứa con trai từ trên núi xuống, đem áo lông thú vào kinh thành đổi lấy tiền. Thiết kỵ quân cò kè hết xét tới khám, hỏi đông hỏi tây mãi cho tới khi "con trai" ta nhét mấy tờ bạc mới chịu cho qua. Ta không nghĩ thiết kỵ quân của Ôn Chính nổi tiếng gần xa là kỉ luật chặt chẽ lại hành xử thế này. Bởi thế mới nói, cái gì tồn tại quá lâu thì dễ biến chất.
– Phụ thân, chúng ta nghỉ tạm ở khách điếm một ngày, chờ trong nhà báo tin thì mới quay về...
Ám vệ này diễn trò tới nghiện rồi, ta cũng mặc kệ, theo hắn đi vào quán trọ. Chờ hết nửa ngày, đến tận khuya mới thấy con dơi đen quay vào khe cửa, đậu trên sà nhà. À à, bạn nhỏ truyền tin đến rồi, nhưng mà... mày là dơi sao?
– Phụ thân, chúng ta đi vào từ ngõ Bắc, trong hai canh giờ tới lính gác sẽ giảm một nửa. Tình hình bên trong không khả quan lắm...
Ta im lặng cột lại ống giày, bẻ khớp tay răng rắc, bao nhiêu năm rồi không chơi trèo tường nhỉ? Sau khi lẻn khỏi khách điếm, chúng ta dựa vào bóng đêm mà âm thầm đi về ngõ Bắc, quỷ không hay thần không biết. Bức tường hoàng thành cao chừng ba trượng, dày đến mười hai tấc, xây bằng thứ gạch vữa đặc chế rất trơn. Ta âm thầm nhìn lũ thằn lằn đang nghêu ngao bò loạn, tiếng kêu của chúng có tính khiêu khích...
– Xương cốt của phụ thân có chịu nổi không? Hay để con cõng người?
Ta liếc xéo hắn một cái, tên này đúng là không bỏ qua cơ hội chọc ngứa sau lưng mà.
– Mẫu thân ngươi từng nói, mặc dù tuổi hơi lớn nhưng ta còn vạm vỡ lắm, "dám chắc trai tráng cũng không bằng"!
Nói rồi ta vận khí, thành thục đi lên vách tường, chọn đúng mấy chỗ sần sùi vì lâu năm, cũng có vài lần suýt tuột xuống nhưng ta lập tức đổi chân lấy đà. Tên ám vệ đứng bên dưới, ta nghe rõ hắn lẩm bẩm:
– Cái này... vương phi muốn nói đến phương diện nào nhỉ?
Vượt qua năm vòng phòng thủ, ba cửa cẩn mật, cuối cùng chúng ta thành công đáp xuống ngói vàng ở Cương Dương điện. Ám vệ trườn như con rắn, nấp sau mái nhà chẳng ai phát hiện ra. Hắn tìm tòi gì đó dưới lớp ngói, cuối cùng nhe hai cái răng cửa nói với ta bằng giọng chân thành hiếm có:
– Vương gia, chia tay ngài từ đây, tại hạ không có tên, chỉ gọi bằng một chữ Trì. Vương gia quang minh lỗi lạc, phóng khoáng hào hùng, rất hân hạnh được hộ tống ngài. Chủ tử đang đợi vương gia!
Hắn gõ sáu lần có nhịp điệu xuống lá ngói, lập tức nóc nhà mở ra thành thông đạo vừa đủ cho một người. Trì lập tức tan biến, chỉ còn ta hơi do dự rồi nhảy xuống. Bên dưới nhìn giống như phòng ngủ. Một tên thái giám có khuôn mặt y chang khỉ đã đứng chờ sẵn.
– Hòa An vương cát tường, hoan nghênh ngài đường xa ghé thăm tệ xá. Điện hạ đang đợi, xin mời!
Ta gật đầu đi theo hắn, không quên tinh tế dò xét chung quanh. Không nói đâu xa, cụ thể ở tẩm phòng này ta nghe thấy có ba hơi thở, trừ ta và tên thái giám nhất định còn một người, nhưng ta không thể nào xác định kẻ đó nấp ở đâu. Trong lòng không khỏi than một tiếng, vị Tam hoàng tử này... thật không đơn giản!
Đi qua lớp lớp phòng ốc cứ như mê cung, rõ ràng tên thái giám này cố ý dẫn ta đi lòng vòng. Cuối cùng thì cũng dừng chân trước cánh cửa gỗ hết sức bình thường.
– Điện hạ, vương gia tới rồi!
Cửa liền mở ra, một thiếu niên mày ngài mắt ngọc, da hồng môi trắng xuất hiện. Hắn nghiêng đầu, cười như hoa nở:
– Hoàng thúc đã tới, mời vào mời vào...
Ta chưa kịp hoàn hồn thì đã bị tên nhóc kéo tuột vào trong, cửa nặng nề đóng lại. Không nghi ngờ gì nữa, khuôn mặt này đúng là từ một khuôn mẫu của bệ hạ mà ra, có điều mắt sâu hơn một chút, mày rậm hơn một chút, nét cười vừa hàm hồ vừa sắc bén, không biết là cười thật hay vờ cười... Cậu nhóc này chừng mười bảy thôi, lẽ ra không nên có đôi mắt tĩnh lặng như vậy. Ta nhớ hồi mình mười bảy vẫn còn mặc y phục thái giám, theo đuôi mấy ca ca lẻn ra ngoài cung chơi. Haizzz... sinh ra trong hoàng quyền, rốt cuộc là phúc hay họa?
Tam hoàng tử rất thân thiết kéo ta ngồi xuống, tự tay châm trà. Căn phòng hắn ở nhìn không có gì lạ, vẫn là mấy hơi thở âm u không xác định được, một cái giường nhỏ chăn gối lung tung, một lọ hoa Tử Đinh Hương đã cắm nhiều ngày, cánh hoa tím ngã xanh rơi lả tả...
– Hoàng thúc, Tử Đinh Hương này có đẹp không?
Ta thu lại tầm mắt, nhấp một ngụm trà...ah... trà gì khó uống thế này?
– Trà này chính tay cháu pha, thúc thấy hương vị tốt chứ?
Ta buộc lòng phải nhìn lại khuôn mặt cười cười nịnh nót kia. Lúc này khoảng cách chỉ có một cái bàn, gương mặt phóng đại của hắn có chút khiến ta choáng váng. Bộ dạng này không biết lớn lên sẽ hại chết bao nhiêu đời con gái đây?
– Ngươi bỏ cái gì vào trà?
Ca Dương nghiêng đầu nghĩ:
– Cháu cảm thấy trà Long Đĩnh có mùi nhạt quá, vì vậy thêm ít hoa hồi ép nước... còn có... màu của trà lại ngã vàng ố không đẹp, cho nên đánh ít lòng đỏ trứng cho nó tươi hơn!
Ta hít sâu một hơi, trà uống vào bụng đang reo hò đánh trận, có thể phun ra bất cứ lúc nào. Cái tên này, sao không bỏ cả xì dầu vào cho đủ bộ? Ca Dương làm như không thấy bộ dạng tái xanh tái mét của ta, hắn hồn nhiên bảo:
– Mẫu hậu từng nói, ngày xưa bà dở nhất là trà đạo, Dương nhi cũng không giỏi, có lẽ là di truyền!
Ta lại nhìn sang nhánh Tử Đinh Hương. Hồi Phượng Loan vừa đến Khương La, nàng thường đi dạo trong khu vườn trồng nhiều Tử Đinh Hương. Ta nghĩ rằng đây là loài hoa nàng yêu thích, vì vậy cố ý đặt một cành trên khung cửa sổ... Sau này nghe bằng hữu nói, Tử Đinh Hương có màu tím buồn, là ý nghĩa của tình đầu chớp nhoáng, khi chàng trai tặng cô gái một cành hoa, họ mãi mãi không thể tới với nhau... Ta từng đổ lỗi vì Tử Đinh Hương mà đoạn tình tan vỡ, về sau mới biết cho dù năm đó ta tặng nàng hồng hoa, nàng cũng sẽ không chọn theo ta.
Phượng Loan có tài nghệ không kém ai, cầm kì thi họa đều rất giỏi. Riêng một nhược điểm là nàng không pha nổi một ấm trà ngon. Vì muốn cải thiện thành tích, cứ hai ngày một lần ta sẽ làm vật thí nghiệm để nàng thử trà, uống tới nỗi vị giác rối loạn, không phân biệt được cái nào chua, cái nào ngọt...
Kí ức xưa cũ như dòng lũ tràn về, khi ta hồi tỉnh thì bắt được một nét giảo hoạt trong đôi mắt Ca Dương. Tên này... nói hắn không cố ý thì có trời mới tin!
– Tam hoàng tử tài trí hơn người, biết dụng mưu, biết lúc tiến lúc lùi, biết khơi gợi chuyện cũ để nắm tâm của người khác trong tay. Ngươi đây là đang lợi dụng bổn vương hay đang tìm sự đồng tình?
Ca Dương nhún vai, vẫn ngả ngớn cười:
– Hoàng thúc thẳng tính quá! Bổn điện hạ bây giờ đang ở thế yếu, dĩ nhiên phải cầu cạnh thúc. Bây giờ thiết kỵ binh bao vây hoàng thành, ta bị giam lỏng ở Cương Dương cung này, hoàn toàn vô lực phản kháng... Hy vọng thúc nể tình cũ với mẫu hậu, trao cho cháu một vật!
Ta lập tức đập tay xuống bàn, đứng dậy giận dữ nhìn hắn:
– Ngươi biết cái gì? Dựa vào đâu ngươi cho rằng ta sẽ vì cái "tình cũ" mà nhúng tay vào chuyện này? Đừng quên Hòa An vương hai mươi năm trước đã an cư ở Sa Đà, thề không tham chính. Ngươi muốn ngai vàng, họ cũng muốn! Ta không có lý do gì để vướng vào chính trị phe phái...
Ca Dương ngửa đầu nhìn ta, hắn ở phía dưới mà không chút hèn mọn. Có lẽ cả đời này, ta sẽ không bao giờ quên được ánh mắt hắn ngày hôm đó.
– Hoàng thúc sai rồi, chỉ có bổn điện hạ mới xứng đáng đứng trên trăm họ, cũng chỉ có ta mới có thể đánh lui 50 vạn quân còn cách Bình Thành hai mươi dặm, chỉ có ta mới gỡ được cục diện xâu xé của hoàng triều lúc này... Thúc chọn đi, hoặc là để Khương La mất nước, hoặc là để nó hòa bình thịnh trị dưới tay trẫm!
Chữ "trẫm" của hắn sao mà tự nhiên và ung dung. Ta dường như thấy được một con rồng ẩn hiện trên tấm thân kia. Hóa ra có một số người sinh ra là để tự xưng như vậy...

Chương 3: "Huyền kiếm" thô kệch rết cúi đầu

Biên ải Bình Thành giáp với Đại Thế, chính là cường quốc có sức đe dọa lớn nhất với Khương La lúc này. Đại Thế nằm ở sâu trong lục địa, từ lâu đã thèm khát địa thế giáp biển – gần núi – nhiều sông của Khương La. Vào thời đại trị vì của Thiên Vĩnh đế – Hạ Hầu Vĩnh Khang, ông đã hai lần thân chinh, đem ải Bình Thành đẩy lùi về phía Tây hơn mười dặm, đoạt đứt ba tòa thành, tạo ra cục diện bành trướng ép bọn họ phải cúi đầu. Sau vài trăm năm dòng họ Chu Lạc cầm quyền, các Hoàng đế không đủ kiên quyết, từng chút một nhượng bộ trong các trận đánh lẻ tẻ, hậu quả là ải Bình Thành lại thu về năm trăm dặm như xưa, quanh năm giằng co với Đại Thế.
Quân đội trong nước có sáu cánh, uy vũ nhất chính là thiết kỵ do Ôn Chính vương cai quản, quanh năm đóng giữ Bình Thành. Biết tin Cảnh Chân đế băng hà, Ôn Chính nổi lòng tham, bất chấp an nguy dân tộc mà đem một phần ba số binh tiến về Đế đô tranh ngai vàng. Lẽ dĩ nhiên mật thám Đại Thế liền báo tin, Cáp Nhạc Bố Tư thấy thời cơ ngàn năm khó gặp, hối hả chuẩn bị quân lương vũ khí, xuất gần năm mươi vạn binh ngày đêm tiến về Bình Thành. Ôn Chính biết không? Hắn dĩ nhiên biết nhưng hắn ngoan cố cho rằng chỉ cần mình làm vua, chỉ huy đánh bại Đại Thế là điều tất yếu. Vì lẽ đó, khi đoàn binh chỉ còn cách hai trăm dặm, cả nước chẳng ai hay biết tình trạng chiến tranh, bọn quan quyền vẫn đang lo được lo mất, Nhị hoàng tử đau đầu đối phó với tên Ôn Chính từ trên trời rơi xuống, Tam hoàng tử là xui xẻo nhất vì hắn bị Ôn Chính e ngại hơn cả Nhị hoàng tử, vừa đến kinh thành đã lập tức giam lỏng lại. Nhưng mà Ôn Chính vẫn lầm, Tam hoàng tử dưới sự quản thúc của hắn vẫn có hết thảy tin tức gần xa, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đăng cơ ngày hôm nay.
Ta đang đứng trong một mật thất ở Cương Dương điện. Phía trước là cái bàn lớn đầy đủ bản đồ các nước. Thời buổi phân tranh, cái gì không thiếu, chỉ thiếu mỗi bản đồ. Ta chưa từng thấy hoàng gia sở hữu những tấm bản đồ chi tiết và quý giá dường này, nhất là bản đồ của các nước lân bang. Thậm chí đường rừng, lối tắt, địa đạo cũng vẽ lên... Có được thứ này không phải là nắm hết thiên thời, địa lợi, nhân hòa sao? Muốn xâm chiếm một vùng đất, cái khó hàng đầu chính là không rõ địa thế đất đai, người bản xứ biết rành rẽ, họ dễ dàng dựa núi nhờ sông mà dụ địch vào tròng. Nhưng bây giờ tất cả nằm trong tay Ca Dương, khó trách hắn tự tin như vậy...
– Hoàng thúc, nếu thúc đã chọn phò trợ ta thì đầu tiên hãy giao kim bài binh phù ra!
Ta bình tĩnh nhìn khuôn mặt tươi cười của đứa cháu này, buộc miệng hỏi:
– Vì sao ngươi biết đến thứ này?
Ca Dương không gấp gáp, hắn ung dung phân tích:
– Cháu đọc được trong bí sử hoàng triều. Thái tổ từng làm bài thơ nói về "Tứ đại quốc bảo"

"Quỳnh dịch" gặp nắng lặng lẽ chết
"Ngọc hồi" bách bệnh chữa đều hết
"Thái tượng" giữ đất chân không mệt
"Huyền kiếm" thô kệch rết cúi đầu.

Bài thơ rất dễ hiểu. Chất dịch của cây Quỳnh chỉ sống ở phương Nam là một loại kịch độc. Chỉ có hoàng tộc nắm giữ bí quyết bào chế, "quỳnh dịch" gặp nắng tự nhiên kết liễu đời nạn nhân. Đây là Quốc bảo thứ nhất. Ngọc hồi là tên một loại nhân sâm ngàn năm, dân gian đồn rằng nó có thể cải tử hoàn sinh, chữa khỏi bách bệnh. Đây là Quốc bảo thứ hai. Thái tượng là bức tượng Thái Thượng lão quân, từ khối thạch trắng tạo hóa hình thành, nó hướng ra biển lớn, ngàn năm làm vị thần bảo hộ đất đai. Đây được xem là Quốc bảo thứ ba. Chỉ duy "Huyền kiếm" là không nói rõ, người ta cho rằng có thể đây là bảo kiếm Thái tổ đeo bên người. Nhưng ta không nghĩ như vậy. Nhớ đến hai mươi hai năm trước, Thái thượng hoàng từng mở một cuộc thi nhỏ dành cho các hoàng tử. Vốn dĩ là cuộc tranh tài trong ngày hội xuân. Phần thưởng là một cây kiếm "Phong Vân" không có gì quá đặc sắc. Chỉ có điều... chuôi kiếm đúc bằng gang đen, hoa văn tinh xảo, nhìn còn quý hơn lưỡi kiếm. Cờ hiệu của ngự lâm quân có biểu tượng con rết miệng ngậm thỏi vàng. "Huyền kiếm" theo bài thơ nói đến chắc chắn là một binh phù có thể điều khiển ngự lâm quân. Mà Phong Vân lâu nay... không phải vẫn nằm trong tay Hòa An vương sao?
Nghe hắn nói, thú thật ta rất khoái trá, cuối cùng phải phá ra cười:
– Hahahaha, Chu Lạc Ca Dương... tại sao ngươi lại thông minh như vậy? Khi ngươi tìm tới ta, ta hoàn toàn không nghĩ mục đích thực sự chính là "kim bài binh phù". Ngươi biết mọi thứ, quả nhiên ngươi biết mọi thứ... Nghe hoàng thúc nói này, người thông minh quá đôi lúc sẽ bị thông minh hại. Được! Ta giao cho ngươi Phong Vân, còn chuyện tìm binh phù ở đâu thì ngươi cố dụng não thêm tí nữa!
Ta hào sảng gỡ kiếm bên người, đặt lên bàn. Có lẽ các vị huynh đệ thân sinh, bao gồm cả Cảnh Chân đế không bao giờ ngờ được, một Hòa An bất tài, vô mưu lại sở hữu thứ đáng sợ như vậy. Ngự lâm quân, thật ra chỉ có một vạn người nhưng tinh nhuệ chính bằng mười vạn. Ngự lâm quân không làm gì cả, chỉ sống chết cùng hoàng thành, đây sẽ là đội quân cuối cùng cầm cự khi một nước sắp mất. Muốn chiếm được trái tim của Khương La, muốn lấy đầu Hoàng đế Khương La, phải bước qua xác một vạn Ngự lâm quân. Dù chỉ còn một người thì hắn vẫn sống chết bảo vệ uy nghiêm dân tộc. Ngự lâm quân không ai có thể triệu, chỉ có Hoàng đế chân chính. Trong tình thế ngai vàng vô chủ, họ chỉ thờ ơ mà nhìn, phải nói là khiến người ta thèm nhỏ dãi nhưng không chạm tới được. Tuy nhiên, vẫn còn một "kim bài binh phù" này, ngoài người tạo ra và người sở hữu thì không ai biết. Năm đó phụ hoàng giao nó cho ta, vẻ mặt trịnh trọng mà từ ái nói:
"Trinh, trẫm đặt Khương La vào tay con, đặt mệnh hoàng đế vào tay con, đặt an nguy xã tắc vào tay con... hãy dùng khi cấp bách, đừng phụ lòng tin của trẫm!"
Tứ ca mà biết trên đời này tồn tại kim bài binh phù, tồn tại một cây đao ngày ngày treo trên đầu, không biết có nổi điên không? Haizzz... dù sao huynh ấy cũng mất rồi, sẽ không hơn thua với ta dưới suối vàng chứ?
Lúc này Ca Dương đang sờ tay lên chuôi kiếm, rõ ràng kiềm nén sự phấn khích trong lòng. Đột nhiên ta nghĩ, nó lợi hại tới đâu vẫn là một đứa trẻ ham mê của lạ mà thôi. Ngày đó, trong căn hầm này, ta chứng kiến Thái Minh đế tự mình mở ra cơ quan bí mật trong chuôi kiếm, lấy ra khối kim bài, cũng chính là chạm vào hoàng quyền. Hắn dĩ nhiên láo như cáo, miệng nói là mượn nhưng đời nào chịu hoàn trả cho ta, nhất là khi nó đe dọa tới an nguy tương lai của hắn. Nhưng ta chả lo, bởi vì nhiều năm sau này, Chu Lạc Ca Dương thậm chí phải quỳ xuống, dâng binh phù bằng cả hai tay để lấy lòng nữ nhi của ta. Khà khà khà..., chuyện đó cứ từ từ thong thả mà kể, không gấp, không gấp!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: