PHẦN I: Thái Giám Tiểu Ninh Tử kể chuyện
THÁI LIÊN KHÚC
(Bạch Cư Dị)
Lăng diệp oanh ba hà chiễm phong,
Hà hoa thâm xứ tiểu thuyền thông.
Phùng lang dục ngữ đê đầu tiếu,
Bích ngọc tao đầu lạc thủy trung.
Dịch thơ:
Sóng đưa lá, gió rung hoa
Đầm sen thuyền nhỏ lướt qua thấy chàng
Cúi đầu thẹn, chẳng nói năng
Ao sâu rơi xuống chiếc trâm cài đầu
(Hải Đà phỏng dịch)
PHẦN I: Thái Giám Tiểu Ninh Tử kể chuyện
Chương 1. U Trì
Tôi vào cung từ khi còn rất bé, mấy tuổi cũng chẳng nhớ nổi. Cha mẹ vì quá nghèo mà bán tôi vào cung làm tiểu thái giám. Nhờ tư chất thông minh lanh lẹ mà tôi được Tú ma ma chú ý đào tạo. Đến năm mười hai tuổi thì trở thành thái giám hầu cận Tam hoàng tử. Cái này cũng coi như nhân duyên, nếu không vì cái vỏ chuối của đứa cung nhân mắc dịch nào đó ném ở giữa đường thì tôi đã không ngã nhào, mà không ngã nhào thì đã không bày ra một bộ dạng đứng lên chữa ngượng vô cùng thông thái và Tú ma ma cũng không vì thế chú ý tới tôi.
Nói tới Tú ma ma, ấn tượng lớn nhất chính là kích cỡ ba vòng của bà. Vòng một cực đại, vòng hai cực tiểu, vòng ba cực cực đại. Nhìn chung là theo mô hình hồ lô biến. Tú ma ma là a hoàn hồi môn của Hoàng hậu, rất được Hoàng hậu tin dùng. Tuy bề ngoài nhìn có vẻ nanh ác nhưng mà đối xử với hạ nhân công bằng, thưởng phạt phân minh.
Đây là năm Sùng Nghi thứ hai mươi mốt, Hoàng đế đương nhiệm là Cảnh Chân đế, tên húy là Chu Lạc Tiêu Nghi. Hoàng thượng có một Hoàng hậu, hơn ba trăm phi tần, hơn năm mươi công chúa nhưng kì lạ là chỉ có năm vị hoàng tử. À thật ra cái này cũng không có gì gọi là kì lạ, đối với người trong cuộc thì chẳng lạ chút nào. Chỉ có dân chúng không hiểu việc mới đồn đại hoàng thượng mệnh khắc nam hài tử, con trai sinh ra thường chết yểu hoặc sẩy thai từ trong bụng mẹ. Hoàng thượng tại vị hai mươi mốt năm, vất vả lắm mới nặn ra năm đứa con trai còn chưa tới ngày chầu Diêm Vương. Trong năm người này có hai người là con đẻ của Phượng Loan – Phượng Hoàng hậu. Chủ tử của tôi là một trong số đó.
Tam hoàng tử tên đầy đủ là Chu Lạc Ca Dương, ngày thường vẫn được Hoàng hậu cưng yêu gọi là "Dương Nhi". Tôi làm Thái giám hầu cận của chủ tử, bọn cung nhân thường kính nể và ghen tị vì tôi có chủ tử địa vị cao, thân thế vững chắc nhưng nào có ai hiểu được tính chất nguy hiểm của công việc tôi đang làm. Nhiều năm với sứ mệnh bám đuôi không ngừng nghỉ, tôi là một trong số ít người hiểu rõ bản chất bên trong lớp mặt nạ dễ thương vô hại của Tam hoàng tử.
Vị hoàng tử này tiền kiếp có lẽ là hóa thân của Tôn Hành Giả, thần thông quảng đại, chuyên ngành nghịch ngợm phá phách, tuyệt đỉnh công phu giỏi hơn đào hát, trong tâm chứa đầy kim châm chai lọ, nói chung là những thứ tưởng như vô hại nhưng có sức đả thương rất lớn. Thử tưởng tượng cái kim bé tí không làm nên trò trống gì nhưng mà nếu đặt nó cẩn thận bên trong đệm ngồi thì có thể đổi lấy vài tiếng "á á" thê lương, khắc khoải. Còn chai lọ? Ồ, cái này cũng dễ sử dụng lắm. Chỉ cần đập nát ra sẽ thu được rất nhiều mẫu thủy tinh li ti, lấp lánh xinh đẹp. Nhưng mà lúc nó bị bỏ vào trong giày thì chẳng đẹp chút nào. Thử nhìn Nhị hoàng tử là biết, mỗi lần chuẩn bị xỏ giày đều lấm lét trút ngược đôi giày xuống đất. Chẳng qua ngài từng một lần bị rắn cắn mà mười năm sợ dây thừng. Nhớ năm đó Thục phi nương nương đã ôm Nhị hoàng tử chạy tới Dụ Kiến cung khóc lóc, đòi Hoàng thượng phân rõ trắng đen. Đôi chân ngà ngọc của Nhị hoàng tử lấm lem máu. Ngài úp mặt vào ngực mẫu phi khóc hu hu trong lúc Thái y toát mồ hôi gắp từng mẫu thủy tinh ra. Suốt mấy tháng trời Nhị hoàng tử bó chân, phải có người khiêng lên vác xuống, về sau đi lại cũng không thoải mái như xưa, chắc là còn bị ám ảnh chuyện cũ.
Vụ việc đó om sòm suốt một thời gian dài, rốt cuộc vẫn không điều tra ra là do ai làm. Lúc Hoàng thượng giận dữ quát tháo chúng hạ nhân của Mai Tâm cung, tôi đứng phía sau chủ tử mà đổ mồ hôi lạnh. Mặc dù tôi không bỏ miểng thủy tinh vào giày nhưng tôi là người tích cực nhất trong công tác đập vỡ cái chai. Để không bị miểng thủy tinh văng trúng, tôi đã hết sức lưu ý lời căn dặn của chủ tử. Đầu tiên phải lấy vải bọc lại, sau đó mới dùng búa băm liên tiếp mấy phát. Phải công nhận là tôi đập rất hăng say, tràn trề nhiệt huyết.
Cuối cùng không tìm ra thủ phạm, mọi tội lỗi đều đổ lên đầu đám hạ nhân ở chỗ Thục phi. Lúc bọn họ bị lôi ra đánh tôi cảm thấy vô cùng áy náy, quay đầu nhìn kẻ chủ mưu thì thấy ngài ấy đang ân cần nắm tay Nhị hoàng tử, nét mặt ngây thơ lo lắng, cái miệng nhỏ líu lo động viên : "Ca ca cố lên, chịu đau một chút mới mau hết bệnh!" Nhị hoàng tử nhìn chủ tử rươm rướm nước mắt mà cảm kích, Thục phi nhìn chủ tử cũng thêm thiện cảm, các phi tần cung nhân đều ngầm nở nụ cười, Hoàng thượng vỗ đầu chủ tử khen một câu: "Chỉ có Dương Nhi ngoan ngoãn hiểu chuyện."
Từ Dụ Kiến cung trở về Cương Dương điện, tôi cẩn thận quan sát khuôn mặt thiên thần đáng yêu của chủ tử. Không có dương dương tự đắc, cũng không có nhếch môi cười đểu mà hoàn toàn điềm tĩnh tự nhiên. Chịu không nổi, tôi mới thì thầm hỏi:
"Tam hoàng tử, vì sao ngài chơi ác với Nhị hoàng tử thế?"
Cây quạt mười hai nan tinh xảo xòe ra:
"Đó là huynh ấy phải trả giá."
Tôi lại vắt óc nghĩ:
"Nhị hoàng tử đắc tội với ngài lúc nào thế?"
Cây quạt mười hai nan gấp lại.
"Hôm qua."
Tôi cẩn thận nhớ lại. Hôm qua... họ chỉ tình cờ gặp nhau ở U Trì. Đó là một cái đầm sen phía Đông Nam hoàng thành. Chỗ đó mọi ngày luôn vắng vẻ, phần vì các cung điện đều nằm ở xa, phần vì cảnh quang tiêu điều ảm đạm, phần nữa là do nhiều lời đồn thổi không tốt về U Trì. Cái đầm này mọc đầy hoa sen, nhìn có vẻ rực rỡ nhưng ẩn chứa bao câu chuyện rùng rợn. Đầu năm nay, một thái giám ở Càn Huyên điện đã bị giết rồi vùi xác xuống đáy đầm. Một năm trước, Hoa quý nhân ngã xuống đầm tắt thở. Lại nghe nói khi dòng họ Chu Lạc lật đổ dòng họ Hạ Hầu lên làm vua, có rất nhiều vương thân hoàng thất Hạ Hầu bị giết ở U Trì, hồn phách ngày nay vẫn còn lưu lại đó...
Nhớ tới cái chỗ đáng sợ kia, tôi lại rùng mình. U Trì ngoài sen là sen thì không còn gì khác, chung quanh không được chăm sóc nên chỉ toàn cỏ với cỏ. Không hiểu sao chủ tử lại thích nơi này. Cứ vài ba hôm sẽ trốn ra đó chơi, mà lại không cho tôi đi theo, chỉ bắt tôi đứng canh chừng bên ngoài. Ngày hôm qua cũng là một lần trốn đi như thế. Tôi buồn chán ngồi vẽ vòng tròn trên đất, lâu lâu quay đầu nhìn chủ tử ngồi lỳ bên đầm không biết đang làm cái gì. Lúc thiu thiu sắp ngủ thì nghe tiếng ồn ào vọng lại
"Các ngươi làm cái gì đó?"
"Bẩm, con diều của Nhị hoàng tử bị đứt dây rơi ở ngoài kia, chúng nô tài phụng mệnh lấy về..."
"Không được, rơi rồi thì bỏ luôn đi."
"Bẩm... chuyện này... diều đó là cống phẩm rất trân quý, Nhị hoàng tử cực kì yêu thích."
"Ta nói bỏ là bỏ. Ở xa như vậy các ngươi làm sao lấy về?"
"Dạ, đã chuẩn bị xuồng rồi đây ạ."
Tôi vừa lúc chạy tới nơi thì thấy chủ tử đang ngăn đám nô tài của Mai Tâm cung. Nhị hoàng tử cũng vừa đi tới, tay cầm một lưỡi liềm. Ngài ấy sai hạ nhân đẩy cái xuồng xuống đầm rồi bảo họ lấy liềm cắt đi đám sen um tùm, mở đường đi qua bên kia – nơi con diều rồng đang nằm chơ vơ.
"Không được, hoành huynh định cắt hết hoa sen sao?"
"Hoành đệ, sen ở đây làm quái gì mà tốt như thế? Mọc như cái rừng, không cắt làm sao xuồng đi qua được?"
Chủ tử gấp gáp giữ cánh tay Nhị hoàng tử:
"Không, không... sen này không thể cắt, cũng không thể hái. Huynh tìm cách khác đi. Chỉ là một con diều thôi mà."
Nhị hoàng tử hất tay chủ tử ra, nhướng chân mày:
"Đệ làm sao vậy? Cắt rồi chúng lại mọc lên thôi... sen ở đây cũng không ích lợi gì. Chỗ gớm ghiếc này nên sớm bị lấp lại mới phải!"
Chủ tử không nói gì nữa, nhìn chằm chằm bàn tay Nhị hoàng tử đang bứt một cái nụ sen, lại nhìn đám cung nhân đang hì hục cắt sen bơi ra giữa đầm. Chỉ có tôi nhìn thấy bàn tay chủ tử đang siết chặt, đôi mắt ánh lên ngọn lửa tức giận. Tam hoàng tử thích hoa sen nhưng không bao giờ ăn hạt sen. Ngài ấy thích nhìn sen trong đầm nhưng không bao giờ cho cung nữ chưng hoa sen trong Cương Dương điện. Niềm yêu thích của ngài đi liền với quý trọng và bảo vệ.
Haizzz... khó trách chủ tử ghi hận như vậy, Nhị hoàng tử bị trả đũa như thế là còn nhẹ!
Chương 2. Cấm địa
Phượng Hoàng hậu có hai người con là Thái tử Chu Lạc Ca Thần và Tam hoàng tử. Thái tử cũng là con trưởng, lớn hơn chủ tử sáu tuổi. Lúc chủ tử còn đang chơi bời lêu lổng, làm chuyện hại đời hại người thì Thái tử đã sớm hôm vùi đầu vào kinh thư, chăm chỉ tu rèn võ nghệ. Người mang mệnh thiên tử sống cũng thật khổ!
Tính tình của Thái tử nghiêm nghị, so với các hoàng tử khác điềm đạm hơn nhiều. Ngài đối với em trai luôn mang phong thái của người trưởng thành, thường giáo huấn chủ tử về lễ nghi, khuyên bảo chủ tử chăm học tập, bớt ham chơi. Mỗi lần hai huynh đệ nói chuyện đều xoay quanh mấy vấn đề này. Thái tử cái gì cũng tốt, chỉ mỗi cái tật nói nhiều. Một chuyện có thể diễn đạt thành một bài diễn văn, một vấn đề phải dùng mấy chục câu đồng nghĩa để nói tới nói lui. Khó trách chủ tử chỉ cần thoáng thấy Thái tử là bỏ chạy mất dép.
Tuy nhiên, cũng có những lúc ngài chủ động tìm gặp Thái tử. Ví như vào năm Tam hoàng tử mười lăm tuổi. Không biết nghe ai nói chuyện gì mà ngài nơm nớp lo sợ, chạy một mạch tới Tân Kiến cung. Lúc đó Thái tử đang ngồi xem xét bản đồ gì đó, dáng vẻ chăm chú. Tam hoàng tử hóa thành cậu em trai nhỏ nhắn đáng yêu, nhào vào ôm lấy ca ca, mếu máo nói:
"Hoành huynh, có phải Phụ hoàng dự định cho lấp U Trì lại không? Phụ hoàng muốn san bằng chỗ đó để làm vườn thượng uyển sao???"
Thái tử ngơ ngác nhìn tiểu đệ, gật gật đầu.
"Ta nghe nói vậy. Làm sao thế? U Trì đúng ra phải được lấp đi từ sớm. Chỗ này âm khí dày đặc, ảnh hưởng tới nguyên khí của triều đình. Kẻ ác tâm có thể lợi dụng U Trì vắng vẻ làm chuyện xằng bậy. Nơi này cũng từng phát sinh quá nhiều tai tiếng. Không nên giữ lại!"
Tam hoàng tử bối rối siết chặt cây quạt nan trong tay:
"Nhưng... nhưng... hoa sen ở đó rất đẹp."
Thái tư phá ra cười, vuốt đầu tiểu đệ:
"Sen đẹp? Thích sen thì ta sẽ nói với mẫu hậu cho đào một ao sen bên cạnh Cương Dương cung, việc gì phải ra đến U Trì vừa xa vừa hoang vắng?"
Chủ tử đẩy tay Thái tử ra, phủi áo đứng dậy, nét mặt trịnh trọng hiếm có.
"Sen ở U Trì không phải tùy tiện trồng là được. Sen ở đó... vô cùng đặc biệt!"
Tôi theo chủ tử đi ra khỏi Tân Kiến cung, lòng cũng phập phồng nhìn bộ mặt thường ngày cười như hoa giờ đang trầm xuống, ánh mắt sắc bén khó dò. Vài ngày sau, hoàng thượng đúng là thông báo với triều thần dự định lấp đi U Trì. Cái đầm sen đó vốn từ lâu gây nên nỗi bất an khó hiểu trong lòng mọi người, nay được lấp đi ai cũng vui mừng. Không ngờ Tam hoàng tử một thân bạch y đột nhiên diện kiến. Ngài đứng giữa Khương La điện một lời cứng rắn.
"U Trì không thể lấp!"
Hoàng thượng tái mặt, nhìn đứa con trai với khuôn mặt còn non nớt nhưng dáng đứng thẳng tắp kiên định bên dưới mà gượng cười:
"Hoàng nhi, không được làm loạn!"
Tam hoàng tử lập tức vung tà áo quỳ xuống rất quy củ. Ngài cúi mặt trước Hoàng thượng nói rất điềm tĩnh:
"Muôn tâu phụ hoàng, hoàng nhi không hề làm loạn. U Trì này có vai trò đặc thù đối với cung điện, dù rằng nó mang tai tiếng nhưng vẫn không thể lấp lại được."
Hoàng thượng hết sức bất ngờ. Trong mắt ngài, đứa con trai này lâu nay vẫn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, vì sao mới một đêm đã trưởng thành rồi? Hoàng đế ngồi xuống ngai vàng, tìm một tư thể thoải mái rồi nhàn nhạt nói:
"Vậy con nói trẫm nghe, U Trì có vai trò đặc thù gì?"
Tam hoàng tử đứng dậy, ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt vua cha mà thưa:
"Phụ hoàng, U Trì vốn là đầm nước tự nhiên, tồn tại trước khi kinh đô được xây dựng. Tính tới nay đã qua mấy trăm năm. Địa thế ở hoàng cung người cũng biết, so với vùng đất đai bao quanh, cung điện có mặt bằng thấp hơn đôi chút. U Trì nhiều năm nay vì sao luôn đầy ắp nước? Đó là do nó thu nhận nước từ khắp nơi trong cung điện đổ về. Nước thấm vào đất, theo mạch ngầm chảy ra U Trì, bởi vì ở đây không nơi nào địa hình thấp hơn U Trì. Nói cách khác, U Trì chính là cái đầm điều hòa nguồn nước mưa, ngăn cản ngập úng trong nội thành. Nếu bị lấp đi thì mùa mưa năm sau kinh đô nhất định chịu tình trạng nước ứ động không có chỗ thoát. U Trì rộng ra sao, sâu thế nào chắc phụ hoàng cũng từng nghe nói. Lấp đi rồi người sẽ phải đào lên rất nhiều ao hồ mới có thể thay thế vị trí của U Trì. Vừa tốn công lại vừa tốn chỗ. Vì sao không để U Trì tự nhiên tồn tại ở nơi đó? Những thứ tạo hóa sinh ra luôn có nguyên nhân và U Trì đóng vai trò bảo vệ hoàng thành!"
Cả triều đình lặng im như tờ. Lời nói của Tam hoàng tử vang vọng trong suy nghĩ mỗi người. Không sai! Kinh thành địa hình thấp hơn xung quanh nhưng lâu nay chưa bao giờ bị ngập lụt. U Trì là cái đầm cực lớn, so ra thì nó chiếm mất một phần năm hoàng cung. Muốn lấp đi cũng không phải dễ, hơn nữa đào thêm hồ khác thì càng tốn công...
Trong lúc cả điện đang xì xầm to nhỏ, Hoàng đế nhướng cao chân mày, nói với Tam hoàng tử:
"Lời con nói không phải không có lý. Nhưng U Trì biến mất không phải vì nó choáng chỗ hay cảnh sắc không đẹp mà là do nó khiến tâm can quần thần bất an. Bỏ đi U Trì cũng là chữa trị những lo âu và nỗi sợ không rõ trong lòng mọi người, để trẫm yên tâm lo chính sự, để xóa đi những lời đồn đại không tốt đẹp trong cung, cũng là để hoàng thất an tâm mà sống trong Khương La thành."
Chúng quan lại hai bên gật đầu như giã gạo, lên tiếng tán thành. Tam hoàng tử xem xét sắc mặt Hoàng đế, cắn cắn môi, cặp mắt phượng đảo láo lia rồi thận trọng nói:
"Nhi thần nói điều này, mong phụ hoàng không trách phạt."
"Có gì cứ nói."
"U Trì... nó trở nên như vậy là do con người hại, do Thái tổ thảm sát tàn dư triều đại trước mà gây nên. Vào thời dòng họ Hạ Hầu còn trị vì, U Trì có tên là Phù Dung Trì, là một chốn thiên nhiên đẹp như tiên cảnh, là nơi các giai nhân hậu cung thường ra tản bộ, là nơi tổ chức các lễ hội trong cung. Khoa cử năm Hạ Hầu đế thứ sáu cũng lấy đầm sen này làm đề tài, cho cái sĩ tử trải chiếu làm bài thi bên bờ hồ..."
Tam hoàng tử ngẩng cao đầu nhìn thẳng mặt vua cha, giọng nói càng lúc càng thêm dõng dạc, sắc bén, đôi mắt đen tròn phát ra một thứ ánh sáng rực rỡ.
"... Ngày nay, các thần tử và phụ hoàng muốn lấp nó đi, phải chăng là muốn che giấu những tội ác mà Thái tổ gây ra, muốn phủ nhận hành động đoạt vị, giết hoàng thất của một trăm năm trước? U Trì từ khi Khương La thay ngôi đổi chủ mới bị mang tiếng xấu, trở thành một cái cớ che đậy cho những tội ác vẫn diễn ra mỗi ngày chốn hậu cung. Phi tần cung nữ thảm sát nhau rồi lấy ma quỷ ở U Trì ra xảo biện..."
Tam hoàng tử đảo mắt nhìn các quan thần đang tái mặt đứng hai bên. Ngài nhếch môi cười châm biến, lại nói tiếp:
"Quan quân làm việc thiếu sót, kẻ nịnh bợ, người bất tài. Công vụ xử lý không đến nơi đến chốn, ngân sách xuất ra tham ô bỏ túi riêng. Đê Trường Giang không có tiền nên tu bổ sơ sài mà tiếp tục vỡ. Các người trách do thiên tai, do ý trời, do U Trì làm tổn thương nguyên khí của hoàng triều, sao không nói thẳng là do bọn gian thần các ngươi muốn tìm một thứ thay mình gánh tội? Còn bày trò mời tu sĩ, đạo sĩ tới xem bói... bọn thầy cúng ăn ốc đoán mò, chỉ múa môi khua mép làm sai lệch phán đoán của bệ hạ. Nói không chừng đều do các người đứng sau chỉ dạy, bảo họ đổ tội lên U Trì tìm cớ mà thoái thác những bất trắc do mình gây nên!"
Tam hoàng tử dứt lời, toàn bộ quần thần rất ăn ý mà quỳ hết xuống, trăm miệng một lời:
"Oan cho chúng thần, oan cho chúng thần thưa bệ hạ!!!"
Tam hoàng tử như không nghe thấy tiếng kêu than, ngài đập đập cây quạt nan vào lòng bàn tay, giọng nói trầm xuống và mềm mại hơn:
"Phụ hoàng, ai cũng biết người là đấng minh vương, một lòng vì nước vì dân. Chuyện trị quốc tốt xấu thế nào là nhờ vào tấm lòng quảng đại của Hoàng thượng cùng với tài trí của các thần tử. Việc tốt nên khen, việc xấu nên nhìn nhận. Một cái U Trì lẽ nào có thể khiến Khương La quốc suy sụp, làm náo loạn cung đình? Có chăng là vì kẻ làm chuyện xấu mang tật giật mình, sợ quỷ sợ ma... Vấn đề là ở việc quản lý hậu cung chưa nghiêm, việc trị quốc còn thiếu sót... U Trì chỉ là một cái hồ... sen ở đó rất đẹp... hoa cỏ thì gây nên tội tình gì? Mong Hoàng thượng minh xét!"
Tam hoàng tử nói xong đã quỳ rất thành khẩn bên dưới. Phía sau lưng là hai hàng quan lại còn cúi đầu thấp hơn. Khương La điện chìm vài yên tĩnh trong giây lát. Hoàng đế không rời mắt khỏi Tam hoàng tử, vẻ mặt đăm chiêu như đang nghĩ gì lung lắm. Cuối cùng ngài ngửa đầu, khép mắt lại, dường như có một sự phân vân tiếc nuối nào đó nơi khóe mắt. Vào lúc sự kiên nhẫn của quần thần đã đạt tới cực hạn mới nghe giọng vua nhàn nhạt nói:
"Hộ Bộ Thượng Thư ngày mai đem toàn bộ ghi chép ngân khố đến cho trẫm. Công Bộ hữu thị lang đi xem xét tu bổ đê Trường Giang, trong vòng hai năm tới mà đê vỡ thì đem đầu gặp trẫm. U Trì không lấp nữa. Bãi triều!"
Bên dưới kẻ bị nhắc tên thì líu ríu tuân mệnh, còn lại thì tung hô vạn tuế. Vụ việc U Trì chấm dứt ở đây.
Từ đó về sau mọi người đều tránh đề cập tới cái đầm sen ấy, ai cũng biết Tam hoàng tử bảo vệ U Trì. Ngày nào Tam hoàng tử còn quyền lực thì không ai tự ý bén mảng tới U Trì nữa, nơi này vốn thanh vắng lại càng yên tĩnh, bị quy ước thành vùng Cấm địa.
Tôi theo chủ tử mãi cho đến ngày chết đi, cũng không sao tháo gỡ hoàn toàn vướng mắc về cái đầm sen ấy.
Rốt cuộc U Trì có gì mà Chu Lạc Ca Dương xem trọng như vậy?
Chương 3: Phù Dung Lưu Hương
Năm Sùng Nghi thứ hai mươi hai, Cảnh Chân đế cùng Thái tử, Nhị hoàng tử, Bát hoàng tử, các phi tần và các trọng thần trong triều mang theo ba nghìn lính vệ đi săn bắn ở rừng Bách Thượng, cách kinh thành hai mươi dặm về phía nam.
Tam hoàng tử vừa đại hôn nên không tham gia. Hoàng phi là Triệu Tiếu Vy – quận chúa của Trung Lương đem tới hòa thân. Vị này lớn hơn chủ tử hai tuổi, năm nay đã mười tám. Hoàng phi nương nương có đôi mắt to tròn và mái tóc nâu đặc trưng của người Trung Lương. Dáng vẻ nhỏ nhắn đáng yêu, giọng nói mềm mỏng dịu dàng. Quận chúa đáng lẽ đã gả cho Tứ hoàng tử – con của Lam phi nương nương. Trong số các con trai của Cảnh Chân đế, Thái tử đã có Thái tử phi, Nhị hoàng tử cũng cưới vợ năm trước, Bát hoàng tử chỉ mới mười ba. Còn lại Tứ và Tam hoàng tử đồng mười sáu chưa có hôn phối.
Quận chúa là cành vàng lá ngọc của Trung Lương quốc, hiển nhiên không thể làm thiếp cho người. Trung Lương nhiều năm cùng Khương La giao hảo, cũng chỉ là một tiểu quốc, thế lực không thể so với Khương La hay Phượng Triều, Đại Thế ở phương bắc. Quận chúa hòa thân, hoàng thất dĩ nhiên đối đãi chu đáo nhưng không mấy người muốn kết thân. Các vị hoàng tử chỉ chọn hoàng phi có quyền thế vững chắc để củng cố địa vị bản thân. Vì lẽ đó mà Tứ hoàng tử cùng Lam quý phi đùn đẩy mãi không chịu cưới.
Dạ yến đêm mười lăm là lần đầu tiên chủ tử gặp quận chúa. Nàng hiến vũ, dâng lên Hoàng thượng điệu múa Phù Dung Lưu Hương – một vũ điệu cầu kì chỉ có người Trung Lương mới biết. Tam hoàng tử ngồi bên dưới, đang mải mê đập con ruồi bỏ vào cốc của Thái tử. Thái tử phát hiện nổi giận đổ sạch rượu đi. Trong lúc hai huynh đệ đấu khẩu thì tiếng tì bà vang lên. Quận chúa mang theo hai a hoàn, một người thổi sáo, một người chơi đàn. Còn nàng thì đứng giữa sân trong bộ áo màu cánh sen.
Phù Dung Lưu Hương – điệu múa của hoa sen.
Tôi chính mắt trông thấy chủ tử ngớ người đánh rơi đôi đũa trên tay. Phía xa xa là Triệu quận chúa đang vươn tay, uốn éo thân mình, mỗi động tác lưu loát mềm mại. Tà váy mô phỏng hình cánh sen, mỗi khi xoay vòng cánh hoa sẽ nở ra, tung bay một màu hồng rực rỡ. Mọi người đều tấm tắc khen ngợi. Ánh mắt ban đầu là nhìn Triệu Tiếu Vy, về sau thì nhìn Tam hoàng tử đang đờ đẫn đứng sững một chỗ. Thái tử len lén kéo hoàng đệ ngồi xuống nhưng không tác dụng. Ánh mắt nóng bỏng của Tam hoàng tử làm Triệu quận chúa mất tập trung, dẫm phải tà váy mà ngã chúi mũi. Mọi người thất kinh đồng loạt hít vào. Chỉ thấy Tam hoàng tử chạy ra, đỡ quận chúa đứng dậy.
"Cái này... gọi là Phù Dung Lưu Hương?"
Giọng nói của Tam hoàng tử tuy nhỏ nhưng vì xung quanh yên tĩnh nên ai cũng nghe thấy. Triệu Tiếu Vy đỏ bừng mặt, e lệ đáp:
"Vâng... Phù Dung Lưu Hương – hoa sen mang mùi hương...là vũ điệu truyền thống của Trung Lương"
"Con gái Trung Lương đều biết múa?"
"Không phải, điệu này là bí truyền, chỉ có nhi nữ hoàng thất mới biết."
Tam hoàng tử gật gật đầu, ánh mắt mông lung.
"Vừa rồi... là Phù dung ti mệnh? Nàng bước chân không đúng."
Quận chúa kinh ngạc nhìn Tam hoàng tử
"Dạ phải... sao ngài biết tên động tác này?"
Rồi quận chúa lại ngượng nghịu cúi đầu:
"Vì... hoàng tử làm ta phân tâm... nhấc chân sai nhịp..."
Tam hoàng tử mỉm cười, cười đến dịu dàng làm chúng phi tần hồn phách tán loạn. Phải công nhận ngài cười giống y Cảnh Chân đế, không những thế còn phong tình hơn gấp bội.
"Vậy... bây giờ múa lại đi!"
Thế là Phù Dung Lưu Hương lần nữa được trình diễn. Lần này không có sơ suất gì. Tiếng tì bà và sáo kết thúc đúng lúc Quận chúa nhoài người nằm xuống, tà váy xòe rũ trên nền đất với một vẻ bi thương lạ lùng. Tôi nghe chủ tử lẩm bầm:
"Phù dung tàn..."
Đôi mắt phượng nhìn quận chúa ẩn chứa sự đớn đau kì lạ. Mọi người hoàn hồn, tiếng vỗ tay rộ lên. Hoàng thượng khen ngợi Trung Lương toàn tài nữ, ban thưởng một cổ cầm quý cùng nhiều vàng bạc. Lam phi nương nương không bỏ qua cơ hội. Bà ta nũng nịu nói với hoàng thượng:
"Bệ hạ, xem ra Tam hoàng tử đối với Trung Lương quận chúa rất để ý."
Hoàng hậu ngồi bên phe phẩy quạt lông công, cũng góp lời:
"Dĩ nhiên, Lam quý phi cũng biết hoàng nhi của bổn cung rất thích hoa sen. Cái gì liên quan tới sen cũng thích, huống hồ Phù Dung Lưu Hương này mỗi cử động đều dập dìu như hoa sen trên mặt hồ..."
"Tỉ tỉ nói phải, may mắn là quận chúa múa thật giỏi, khiến Tam hoàng tử động lòng. Haizz... Kim Nhi là đứa mù nghệ thuật, điệu múa này nó cũng không biết thưởng thức, thật là thiệt thòi cho Triệu quận chúa. Phải chi..."
Lam quý phi kéo dài "phải chi..." nhưng không nói tiếp. Mọi người có mặt đều hiểu là phải chi cái gì. Tứ hoàng tử cũng phụ họa theo mẫu phi:
"Đúng vậy phụ hoàng, nhi thần trước giờ không rành về ca múa, chưa từng xem kĩ điệu múa nào. Không ngờ Tam huynh lại hiểu biết thâm sâu như thế, tên của từng động tác cũng thuộc ngầm lòng. Xem ra sau này quận chúa phải thường xuyên hiến vũ cho hoàng huynh rồi, người cùng chí hướng quả có lương duyên!"
Hoàng hậu giận tái mặt, nhìn qua lại hai mẹ con Lam quý phi. Hoàng đế dĩ nhiên hiểu ẩn ý, khuôn mặt trầm xuống chưa nói gì. Hai hàng bàn tiệc bên dưới cũng im lặng. Triệu Tiếu Vy cúi thấp đầu, mái tóc rũ rượi nhìn thật đáng thương. Nàng đã tới đây hơn hai tháng mà chuyện hôn sự cứ bị trì hoãn, nói trắng ra là không ai chịu cưới. Mỗi lần nhắc tới là lại nghe Hoàng hậu cùng Lam quý phi tranh cãi, Nhược phi và Bát hoàng tử mới mười ba cũng bị lôi vào. Tình trạng này khiến người người cảm thấy Triệu Tiếu Vy như củ khoai lang nóng bị ném qua ném lại.
Trong lúc bên trên còn mắt to mắt nhỏ trừng nhau thì một âm thanh trong trẻo có phần lười nhác thốt lên:
"Con sẽ lấy nàng!"
Dạ tiệc nhất loạt im bật. Tam hoàng tử lần nữa thành tâm điểm chú ý. Ngài từ từ đứng lên khỏi bàn, chiếc quạt mười hai nan xòe ra phe phẩy:
"Quận chúa có thể làm Tam hoàng phi."
Sau đó xung quanh liền bùng nổ. Lam quý phi mặt mày hớn hở khen hai người thật xứng đôi. Tứ hoàng tử thở phào nhẹ nhõm. Hoàng hậu trợn mắt nhìn con trai, hai chữ "tức giận" không đủ diễn tả tâm trạng của bà. Thái tử nhìn chằm chằm bào đệ, tay lau mồ hôi trên trán. Đám người thuộc phe phái Lam quý phi liền chúc mừng nào là "trai tài gái sắc", "song hỷ lâm môn". Dạ tiệc khép lại bằng chiếu chỉ của Hoàng đế. Mười lăm tháng sau đại hôn diễn ra, Triệu Tiếu Vy gả cho Chu Lạc Ca Dương, phong làm Tam hoàng phi, tẩm phòng đặt trong Cương Dương điện.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro