PhongDoDanOng2
Đàn ông và biển
Ngồi ở quán café. Hỏi ông bạn: "Này, ông nói thật đi, ông nghĩ thế nào về Biển". Phản xạ đầu tiên của ông bạn là chối: "Tôi có quen em nào tên là Biển đâu. Các em nhiều tên bỏ xừ, biết làm sao hết được". "Biển đây là biển nói chung ấy mà, biển để đi tắm ấy". "À... thế thì thích...".
Đàn ông nói chung ai cũng thích đàn bà. Biển như thể đàn bà. Tại sao người ta thường ví biển như đàn bà? Vì đàn bà nói nhiều và biển thì cũng sóng vỗ, ầm ào suốt ngày đêm... Một ví dụ về đàn bà nói nhiều là nàng Sheherazade có thể nói suốt ngàn lẻ một đêm nhưng biển nói nhiều hơn thế gấp triệu triệu lần. Nếu em là biển xanh, anh xin làm bờ cát trắng. Đàn bà đã nói nhiều như biển rồi thì đàn ông chỉ biết lặng im như cát. Được cái may là có người cũng hiểu: "Em biết những lời yêu còn ở trong anh. Như ốc đảo xanh nằm trong sa mạc. Nhưng trước em anh lặng im như cát. Chính điều này làm em yêu anh" (Không đề, Lâm Thị Mỹ Dạ).
Trong tiểu thuyết được Giải Nobel của Hemingway - Ông già và biển cả có đoạn: "Biển tử tế và rất đẹp. Nhưng nó có thể rất độc ác và tráo trở bất thình lình. Lão luôn nghĩ về biển như lamar, đấy là cách người ta gọi biển bằng tiếng Tây Ban Nha khi họ yêu biển. Thỉnh thoảng những người yêu biển cũng buông lời nguyền rủa biển nhưng họ luôn nói như thể biển là phụ nữ. Vài tay đánh cá trẻ, sử dụng phao nhựa làm phao câu và đi thuyền máy, sắm được khi gan cá mập được giá, gọi biển là el mar, tức giống đực. Chúng nói về biển như một đối thủ, một địa điểm hay thậm chí là một kẻ thù. Nhưng ông lão thì luôn nghĩ về biển như về một phụ nữ, như cái gì đó có thể ban phát hay chối giữ ơn huệ, và nếu biển làm điều ác độc hay tàn bạo thì bởi lẽ lúc ấy biển không thể nào kìm giữ nổi. Mặt trăng tỏa chiếu trên biển như thể tỏa chiếu trên cơ thể của người đàn bà, lão nghĩ...". Ông già mà còn nghĩ về biển cả như thế huống chi những người đàn ông tuổi đang hăng và nhựa sống đang căng.
Đàn ông trước biển, cảm giác cũng chống chếnh như trước người đàn bà đẹp, phải bám lấy chai rượu hay ít ra là chai bia. Để che giấu những con sóng trong lòng. Và để nhắm với những sản vật của biển: tôm, cua, cá, mực, ngao, sò, ghẹ...
Đàn ông ít nói chuyện về biển. Vì nói chuyện về biển nghe có vẻ lãng mạn. Đàn ông thường che giấu sự lãng mạn, như thể che giấu những phút mềm lòng. Thà nói chuyện về đàn bà, về ô tô, về điện thoại di động còn hơn. Khi nói về biển, đàn ông thường hay nói đến những thứ kèm theo biển: ở biển nào hay, khách sạn nào đẹp, dịch vụ ở đâu tốt... Khi nói về biển, đàn ông hay hỏi nhau: "Ở đấy có gì không?"
Tại sao đàn ông lại thích biển? Đi biển đàn ông ăn khỏe, uống khỏe, làm việc khỏe. Trần mà như thế kém gì tiên?
Như chiến binh chinh chiến khắp nơi được trở về bên người đàn bà yêu dấu, đàn ông sau những vật lộn với đời đến với biển, ngã vào lòng biển. Biển ầm ào như vậy nhưng đứng trước biển là cảm giác bình yên. Nghĩ về biển là nghĩ về sự nghỉ ngơi.
Nên đối xử thế nào với biển? Như thể hỏi: Nên đối xử thế nào với đàn bà? Ông bạn trả lời gọn lỏn: "Kệ nó". Khi đến với biển cũng như khi đến với đàn bà, cần chuẩn bị nhiều tiền là được. Để chuẩn bị nhiều tiền cần phải làm việc nhiều. Biển cũng như đàn bà là một trong những kích thích để đàn ông làm việc nhiều.
Đàn ông thích biển, có nhiều đàn ông thậm chí say mê biển, yêu biển. Say mê, yêu - như với đàn bà, tìm mọi cách để đến với biển, để được ở bên biển, để được nghe sóng vỗ... Có người có hẳn cả một bộ sưu tập cát từ những bãi biển đã từng đi qua. Có đàn ông đến với biển nhưng thậm chí chẳng nhúng mình xuống nước. Chỉ ngồi trên bờ, ngắm biển, hít thở không khí biển và uống, tất nhiên.
"Tại sao tự nhiên lại nói về biển?"
"Mùa hè!"
Có hẳn cả một cụm từ: "Mùa hè ở biển". Một cụm từ đẹp, đầy gợi cảm.
Đàn ông và Núi
Đàn ông thường không giấu giếm quan hệ của mình với núi. Đàn ông hay khoe: "Vừa ở trên núi về" hay: "Lại sắp lên núi rồi".
Nói chung, đàn ông thích núi. Chuyện lên núi rồi phải xuống núi đàn ông thường lờ tịt đi, coi như không có chuyện đó. Núi và đàn bà có gì giống nhau? Leo lên thì thích nhưng leo xuống thì mệt.
Núi được định nghĩa như một dạng địa hình lồi, có sườn dốc và độ cao, nằm trải dài trên một phạm vi nhất định. Theo Từ điển Britannica, phải cao hơn 610 m so với mực nước biển mới được gọi là núi nhưng chỉ cần dạng địa hình lồi làm bằng đá và cao cao một chút là đã được đàn ông gọi là núi. Đàn ông vốn phóng khoáng, đàn ông thường không chấp những chuyện nhỏ nhặt.
Núi được coi là cái gì đó thanh cao. Như thể trên núi người ta chỉ nghĩ toàn những chuyện tốt đẹp.
Cũng như khi ở biển, trên núi không khí trong lành, đàn ông ăn khỏe, ngủ khỏe và nếu phải làm việc thì làm việc khỏe.
Trên núi, đôi khi đàn ông ăn cả thịt thú rừng. Hồi lâu lắm rồi, muốn ăn thịt thú rừng, đàn ông phải tự săn bắt lấy. Bây giờ chỉ việc trao đổi với người trên núi, có mấy tờ giấy nhỏ nhỏ xanh xanh đỏ đỏ là có thịt thú rừng dọn ra, nấu nướng ngon lành. Nhẹ nhàng thì có thịt lợn rừng, gà rừng, chuột rừng, thịt nai... Nặng nề hơn và quốc cấm thì có thịt bò rừng, tê tê, kỳ đà... Hưởng những sản vật của núi, đôi khi đàn ông nên tự hỏi: ta đã làm gì cho núi? Con đường vào trái tim đàn ông đi qua dạ dày. Đàn ông thích núi một phần vì núi ngon. Trên núi có nhiều món ngon.
Đàn ông thích núi còn vì núi bổ. Núi cung cấp nhiều thứ giúp ích cho sức khỏe đàn ông: tắc kè, cao hổ cốt, mật gấu, sừng tê giác, con bổ củi...
Đàn ông thích núi vì núi có thể có cái gì đó bí ẩn, núi có thể hiền lành như đá nhưng cũng có thể bùng cháy như... núi lửa.
Đôi ngọn nên làng gọi núi đôi
Núi - như Đà Lạt "Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem" - cho người này niềm vui, cho người kia sức khỏe. Lên núi không được niềm vui thì được sức khỏe. Lên núi nhiều khi được cả niềm vui lẫn sức khỏe.
Đàn ông thỉnh thoảng phải lên núi để di dưỡng tính tình. Trên núi có thể có những cây thông. Nếu như cây tre tiêu biểu cho đồng quê Việt Nam thì cây thông tiêu biểu cho núi. Cây thông là niềm ước mơ thanh thản, là hy vọng thoát khỏi cuộc sống bằng phẳng đơn điệu để tìm đến những đỉnh cao xanh và đạt tới sự lâu dài.
Đàn ông lên núi để có thể đứng núi này trông núi nọ. Đàn ông thường thích đứng núi này trông núi nọ và không nên trách đàn ông về điều đó.
Lên núi đôi khi đàn ông nghe thấy tiếng sấm. Trong Kinh Dịch có một quẻ là Lôi phong tiểu quá - Sấm trên Núi. Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì chỉ nên làm quá trong việc nhỏ và đừng nên quá cương mà nên mềm mỏng một chút.
Lên núi đôi khi đàn ông thấy có chùa. Đàn ông lắm lúc hào sảng kiểu: "Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu". Lên núi để mở rộng tầm mắt. Lên núi để nhìn về phía chân trời xa xa.
Lên núi nhiều khi phải leo rất mệt. Đàn ông thực thụ tự leo núi, leo núi trước tiên là để chiến thắng chính mình. Đàn ông thích cảm giác mình là người chiến thắng. Leo lên đỉnh núi, đàn ông thấy mình là người chiến thắng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro