Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phô mai - Truyện ngắn của Sushma Joshi

TTCN - 1. Gopi lần đầu tiên biết đến phômai sau khi xuống ở tại Kathmandu được hai năm. Prakash Babu sắp về từ Thụy Sĩ, xứ sở của những chiếc đồng hồ tinh xảo đúng đến từng phút, chứ không như đồng hồ Nepal khi thì sớm, lúc lại muộn vài phút. Prakash đem về một vali đầy quà:

Khăn choàng cashmere, giày da Ý, đồng hồ đeo tay thạch anh, những chú chim gỗ chui ra từ căn nhà gỗ và kêu “cúc cu!”, những bức tượng nhỏ xíu bằng sứ ôm bó rơm và xách xô nước được sơn hai màu hồng và vàng.

Nhưng quan trọng nhất chính là những vật dụng được nhét vào các túi bên hông chiếc vali bằng da thuộc - một bao chứa đầy những vật phẩm từ máy bay, với tên của hãng hàng không in ở mặt ngoài.

Thử hỏi làm sao người ta chứng minh được rằng mình đã đi máy bay nếu không đem về một túi chứa đầy tất ngắn màu vàng, miếng bịt mắt màu đen, hộp nhựa nhỏ đựng mứt cam, dao muỗng bằng nhựa và những viên kẹo bạc hà be bé?

Sushma Joshi lớn lên ở Kathmandu, Nepal, tốt nghiệp cử nhân quan hệ quốc tế tại Đại học Brown, Hoa Kỳ và cao học về nhân chủng học tại Trường Nghiên cứu xã hội, New York. Ngoài viết văn, cô còn vẽ tranh, làm phim tài liệu và viết kịch bản phim. Truyện Phômai (nguyên tác Cheese) được sáng tác vào tháng 5-2005

 Làm thế nào để thuyết phục một đất nước đầy những kẻ hoài nghi rằng những gì ta nói là thật? Sôcôla Pháp đúng là ngon hết chỗ chê, nhưng ngày nay, ngay cả sôcôla cũng có thể mua tại một cửa hàng nào đó và nó không còn là minh chứng cho một chuyến du lịch xa và dài ngày nữa. Bây giờ, bằng chứng duy nhất chính là phômai.

Prakash Babu về nhà vào một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo khi mà tất cả những gì Gopi muốn làm là cuộn mình trong chăn đánh một giấc ngon lành. Nhưng bà chủ không cho nó ngủ tiếp.

- Gopi! - bà quát ầm lên trong lúc quấn khăn choàng len quanh cổ - Đi đón taxi đi! Nhanh lên! Máy bay sắp hạ cánh rồi!

Máy bay theo lịch sẽ đến vào 10g sáng, mà lúc ấy chỉ mới 7g. Sương mù vẫn còn dày đặc che khuất cả người đưa sữa khi anh ta đến với những chai sữa kêu leng keng.

- Gopi! - bà chủ quát lên giận dữ - Sao chưa có những cái ấm ngoài này?

- Con mang nó ra ngay đây, thưa mẹ! - Gopi nói to.

Nó gọi bà chủ là “mẹ”, như cách những người con trai của bà ta gọi. Họ lớn tuổi hơn nó nhiều, còn nó thì chỉ đáng tuổi cháu nội bà ta, nhưng nó vẫn gọi bà là “mẹ”, một cách che giấu của các gia đình giàu có ở Kathmandu để cho thấy những đứa cháu nghèo hèn của họ được đối xử như người nhà chứ không phải kẻ hầu người hạ.

2. Gopi chạy vào với hai cái ấm đồng đầy nước và đặt chúng xuống hai bên cánh cửa gỗ.

- Giờ thì đi đón taxi đi. Nhanh, nhanh, nhanh lên! - bà chủ vừa nói vừa rắc một ít son đỏ cùng vài bông hoa dâm bụt màu hồng lên trên mặt ấm, một sự chào đón long trọng dành cho đứa con cưng của bà.

Gopi mở cổng cho taxi vào, rồi đợi mọi người lên xe, gồm bà chủ, ba người con trai và ba đứa cháu của bà ta, trước khi nép mình ngồi vào băng ghế sau.

- Thụy Sĩ! - người con út nói, phát âm từng tiếng như một câu thần chú tôn nghiêm với đứa con gái nhỏ ngồi trên đùi anh ta - Chú con về từ Thụy Sĩ.

- Chú ấy đem về cái gì ạ? - Rukmini thích thú hỏi, hai bím tóc của cô bé đung đưa lên xuống.

- Chắc nó ăn thịt bò quanh năm - người con cả ngồi ở ghế trước lầm bầm - Cầu Trời cho nó đừng đem theo miếng thịt bò nào về nhà.

- Bậy nào, Babu! Không được nói những điều ấy trong ngày hôm nay! - bà mẹ vừa cất tiếng quở mắng vừa xem xét lại cái bao nhựa để đảm bảo những vòng hoa cúc vạn thọ của bà không bị xộc xệch.

Gopi rất thích đến sân bay. Nó thích nhìn vào bên trong những khung cửa sổ bằng kính, chúng trong suốt đến độ nó sợ sẽ đụng đầu vào đấy. Nó thích mùi hương phát ra từ người khác, mùi của sự mệt mỏi thấm đầy áp suất trên cao trong nhiều giờ liền.

Prakash Babu bước ra, vẫy tay mỉm cười. Anh ta trông có vẻ xanh xao nhưng vẫn ăn uống đầy đủ, cái kiểu mà người ta thường thấy ở những người đi nước ngoài về.

- Babu! Con gầy quá! - bà chủ nói khi ôm chầm lấy Prakash, choàng vòng hoa cúc vạn thọ qua cổ và chấm son đỏ lên trán anh ta.

- Mẹ ơi, coi chừng mắt kính của con chứ! - Prakash nói trong lúc cố né những bông cúc vạn thọ vì chúng đột nhiên kéo mắt kính của anh ta xuống, khiến anh ta chẳng còn nhìn thấy rõ vật gì.

Gopi nghĩ bà chủ rất yêu quí đứa con trai thứ ba của mình khi nhìn thấy bà đeo lại mắt kính trên mặt con. Bà chẳng bao giờ đến sân bay để đón những người con khác đi công tác nước ngoài về, trong khi họ thường xuyên đi như thế.

3. Prakash Babu đợi khi tất cả bốn người anh em của anh ta và vợ của họ đi làm về lúc chiều tối để mở hành lý. Mọi người tập trung trong căn phòng cũ kỹ của bố mẹ họ. Căn phòng đông người quá chẳng còn chỗ cho Gopi ngồi, nên nó đứng bên cánh cửa và quan sát. Prakash ngồi trên một chiếc đệm giữa phòng, vừa mở hành lý vừa kể chuyện cho mọi người nghe. Máy bay đã bị delay (1) như thế nào, tại sao trường của anh ta là ngôi trường nổi tiếng nhất về quản lý hotel (2), professor (3) đã cho anh ta điểm tốt ra sao.

Căn phòng tràn ngập những từ ngữ nước ngoài cùng với mùi hương và màu sắc sinh động từ những chiếc vali vừa được mở ra. Prakash thong thả lôi quà ra khỏi vali, hết món này đến món khác. Những chiếc đồng hồ đeo tay sáng loáng, những chiếc khăn choàng mềm mại, những món đồ chơi làm bằng máy. Các món quà cứ thế tuôn ra, món sau hấp dẫn hơn, mới hơn và hiện đại hơn món trước...

Quà trong vali vơi dần, vơi dần và cuối cùng chẳng còn món nào nữa cả. Quà tặng nước ngoài chỉ có vậy thôi sao? Phải có cái gì hơn chứ, Gopi nghĩ như thế trong lúc nhìn thấy cái vali trống rỗng được đóng lại.

- A, tí nữa thì quên mất! - Prakash Babu vừa nói vừa cẩn thận lấy ra từ bên hông vali một gói màu trắng bao giấy bạc - Cheese (4) đây!

- Chij (5)! - lũ trẻ đồng loạt kêu lên. Mắt chúng ánh lên sự thèm thuồng.

Prakash đã mua một hộp phômai trong lần đi Thụy Sĩ trước đây và lũ trẻ đã từng nếm thử món này. Từ đó đến nay chúng cứ nhắc đến thứ ấy mãi, mở miệng là nói “chij” làm ra vẻ rất bí ẩn. Gopi ngây thơ lắm, nó chẳng hiểu tại sao chúng cứ nhắc đến “thứ” mà chúng đã ăn. Trong tiếng Nepal, “chij” có nghĩa là một thứ gì đó, đơn giản vậy thôi.

Làm sao mà Gopi biết được “cái thứ” được nhắc đến trong các câu chuyện của lũ trẻ lại là một thứ có tầm quan trọng lớn lao. Một thứ gần như là cao lương mỹ vị, gần như là thức ăn của các vị thần thánh, chỉ có được ở những nơi xa xôi lắm.

Prakash Babu dâng món quà quí lên mẹ để nhường lại trọng trách phân chia món ăn. Bà chủ nhà yêu cầu đưa con dao, và khi dao được đem đến, bà cắt ổ phômai tròn màu trắng thành những miếng to nhỏ không đều nhau. Đàn ông được miếng to nhất. Kế đến là trẻ con. Chúng bỏ tọt miếng phômai vào mồm. Món ăn màu trắng tan như bơ trong miệng chúng và biến mất chỉ sau một giây.

- Dạ không, được rồi ạ! - cô dâu cả nói khi được mẹ chồng đưa cho một miếng.

Các cô con dâu đều được giáo huấn về sự khiêm tốn và không được nhận bất kỳ món cao lương mỹ vị nào. Còn bà chủ nhà là một tín đồ Bà la môn sùng đạo với chế độ chay tịnh rất nghiêm ngặt, chẳng bao giờ ăn bất cứ món gì đã được chế biến sẵn, vì chúng được cho là bị ô nhiễm bởi sự trần tục của thế giới bên ngoài. Cà chua, hành tây và tỏi là những món ăn kiêng kỵ của bà. Phômai là món bà không thể chấp nhận, xét trên ba phương diện: một là vì nguồn gốc công khai của nó, hai là vì nó được làm bởi những đôi tay của người xa lạ, và ba là vì quá trình lên men bị cho là dơ bẩn.

- Gopi, lấy cho ta một cái đĩa nào! - bà nói.

Gopi, lúc bấy giờ đang rất đau khổ vì chờ đợi, chạy một mạch xuống nhà bếp, chộp lấy cái đĩa và quay lại ngay chỉ trong một phút. Nó nhen nhóm niềm hi vọng. Có rất nhiều miếng phômai hình tam giác trắng nằm trên chiếc đĩa trước mặt bà chủ. Biết đâu nó sẽ được nếm cái thứ mà lũ trẻ vẫn không ngừng nhắc đến ấy?

4. Một lúc sau, phômai đã gần hết. Trên đĩa chỉ còn duy nhất một lát phômai mỏng. Gopi không thể kiềm chế nổi nữa. Lũ trẻ đang nhấm nháp phômai một cách rất mãn nguyện. Phômai có mùi vị như thế nào? Nó có gì mà ngon đến thế?

Gopi nín thở. Mọi người ai cũng có phần cả, ngay cả bà bếp già, người đang một lần nữa nhổ toẹt phần của mình với vẻ mặt tuyệt vọng. Liệu bà chủ có cho nó miếng phômai cuối cùng không?

- Mẹ ơi, cho con ăn miếng cuối cùng nhé? - Roshana hỏi.

Roshana, đứa bé nhất, ngồi e dè khép nép trong góc, nãy giờ chỉ chăm chú gỡ những miếng ghẻ trên cái đầu gối đang lột da của nó, đứa mà Gopi chở đi vòng vòng trên chiếc xe đạp và cùng chơi bóng bàn suốt ngày. Con khỉ háu ăn. Nó thừa biết Gopi đang đứng ngay bên cánh cửa. Nó biết Gopi chưa có miếng nào. Nhưng Gopi có thể làm gì cơ chứ? Gopi không thể xin xỏ như cái cách mà con bé Roshana đã làm được.

- Đừng ăn nhiều quá! - bà chủ lơ đãng nói khi đưa miếng cuối cùng cho Roshana.

Gopi cảm thấy nỗi thất vọng chìm xuống đáy lòng như một viên đá nhỏ khi đứa con gái nhét miếng phômai vào mồm với vẻ chiến thắng. Con bé biết nó đã thèm thuồng chờ đợi cả tối nay. Con bé biết thế, vậy mà nó lại làm ngơ như thể Gopi chẳng hiện hữu trong căn phòng. Cứ như nó chẳng hề tồn tại.

Kể từ giờ phút đó, Gopi không thể nào quên được ý niệm về phômai. Nó thèm thuồng món ăn ấy đến nỗi phômai trở thành một sự chờ đợi mỏi mòn trong tâm trí nó, đeo bám nó dai dẳng cả khi thức lẫn trong những giấc mơ.

Nó cứ nghĩ về phômai thật lâu và thật nhiều đến nỗi biết rằng cuối cùng nó chẳng thể làm gì khác hơn là phải nếm thử một miếng. Nhưng chỉ có một vấn đề nhỏ - thứ đó quá đắt, ngay cả nhà giàu cũng còn không ăn phômai nữa là. Từ giờ đến lúc chết, ngay cả khi mình để dành từng đồng xu rơi vào tay mình thì mình cũng không thể mua nổi 100 gam phômai, nó suy nghĩ trong tuyệt vọng.

Bà chủ cho nó 5 rupee một tháng, cùng với dal-bhatt (6), chỗ ở và quần áo cũ của con trai bà để đổi lấy sức lao động của nó. 5 rupee, sau thành 10, 50, 100, 200 và rồi 500 trong 10 năm sau đó, đều bị nuốt chửng vì miếng ăn hằng ngày của đại gia đình nó ở quê, từ dầu mùtạt và muối để nêm bữa ăn cho đến thuốc lá để cho vào ống điếu của ông nó.

5. Phải mất 20 năm sau, ước mơ của Gopi mới trở thành sự thật. 20 năm, cậu bé Gopi ngày nào giờ đã trở thành một thanh niên trưởng thành, cưới vợ, để râu quai nón và xây một căn nhà. Trong suốt khoảng thời gian đó, Gopi cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần những người họ hàng bay về và bay đi khỏi Nepal.

Những đứa cháu trai và cháu gái của Gopi, những đứa mà anh ta đã giúp đỡ khi chúng đi học, chúng trở về từ những miền đất lạ với những chiếc vali chất đầy quà. Nhưng trách nhiệm của Gopi hình như tăng dần cùng năm tháng, với quá nhiều trói buộc khiến anh vẫn không thể dành ra 30 rupee để mua bất cứ thứ gì ngoài những vật dụng cần thiết cho bản thân. Sự thèm muốn phômai trở thành một giấc mơ bị trì hoãn, từ từ trưởng thành trong tâm trí Gopi, hết năm này đến năm khác.

Phải mất gần 20 năm sau khi Prakash Babu trở về từ Thụy Sĩ, Gopi - lúc bấy giờ đã tìm được một chỗ làm mà anh ta trông đợi từ lâu tại một khách sạn - mới kiếm đủ tiền để thỏa mãn nỗi khát khao bấy lâu của mình. Vào một ngày tươi đẹp được tô điểm bởi màu tím của những hoa dạ lan hương, Gopi leo lên chiếc xe đạp Trung Quốc cũ kỹ của mình và đạp xe vào thành phố.

Trong sân cửa hàng bơ sữa ở Kathmandu có rất nhiều chiếc xe đẩy to tướng chất đầy sữa đóng chai. Toàn khu vực bốc mùi sữa đang lên men pha thêm mùi ôi nồng nặc của váng sữa lâu ngày. Sự nghi ngại từ lâu về độ vô trùng của sữa từ cửa hàng cuối cùng đã được làm sáng tỏ khi báo chí đăng tải tin tức.

Sữa của cửa hàng bơ sữa Nepal đã bị nhiễm phóng xạ sau tai nạn rò rỉ phóng xạ ở Chernobyl. Ba Lan, nước đã bằng mọi cách tống khứ sữa bột tồn kho, bán đổ bán tháo sang thị trường của những nước thứ ba. Một năm sau khi tin tức về tai nạn lan truyền đến từng chiếc máy truyền hình trên khắp thế giới, cư dân của thành phố Kathmandu, một buổi sáng thức dậy để uống trà và đứng ở góc phố đọc báo, cảm thấy bị sốc khi nhận ra rằng vụ rò rỉ phóng xạ đó vẫn đang xảy ra tại “thế giới thứ ba”, và “thế giới thứ ba” đó chính là họ. Mọi điều trở nên thật đáng lo.

Trong một tuần ngắn ngủi, các hộ gia đình trung lưu trên khắp Kathmandu không chịu mua sữa của cửa hàng bơ sữa Nepal nữa. Những chai sữa chất đầy thành đống ngoài sân, và cuối cùng ông chủ tịch hợp tác xã đã xuất hiện trên tivi để uống sạch một chai sữa. Ông ta vẫy vẫy cái chai và hét vào màn hình: “Nhìn tôi đây này! Tôi đang uống sữa này! Con tôi cũng đang uống loại sữa này mỗi ngày!”.

Người ta bị ấn tượng. Không phải bởi những lời nói dối của ông ta, hay những lời thừa nhận và đảm bảo rằng gia đình ông ta đang uống sữa của cửa hàng. Dĩ nhiên mọi người đều biết một người thông minh như ông ta sẽ không làm chuyện đó, và rằng bất cứ ai biết suy nghĩ một chút, có nhiều tiền một chút thì đều mua sữa bột nhập từ Úc. Không, người ta bị ấn tượng bởi sự táo bạo của màn trình diễn, của bài diễn thuyết hùng hồn nhằm ép buộc toàn đất nước uống thứ sữa đã bị nhiễm xạ, đơn giản chỉ vì người trong hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ phóng khoáng từ các công ty Ba Lan.

Cũng vào lúc đó, người dân bị nhồi nhét bởi những lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo, những người đã nói một cách hết sức thuyết phục và chân thành, đến nỗi người khác bỗng hoài nghi về kiến thức của mình. Vậy là một tuần sau sự kiện chấn động đó, người ta thôi không còn phản đối nữa, họ lại trở về với công việc của mình và xếp hàng bên ngoài cửa hàng bơ sữa để mua những chai sữa hằng ngày có màu hơi xanh xanh.

6. Gopi khóa xe đạp rồi bước lại dòng người xếp hàng rồng rắn quanh sân để đến cánh cửa sổ có lưới sắt. Người ta xếp hàng để mua khẩu phần hằng ngày của họ. Hàng người nhễ nhại mồ hôi và lấm lem bụi bặm tiến chầm chậm về phía khung cửa lưới. Mồ hôi chảy xuống mặt Gopi khi anh chờ đợi. Sau 20 phút, cuối cùng cũng đến lượt anh.

- Bán cho tôi chij - Gopi nói.

Người đàn ông có cổ tay áo sơmi màu xanh dương bám đầy bụi bẩn, hết nhìn lên Gopi rồi lại ngó xuống thiếu kiên nhẫn.

- Bao nhiêu? - Ông ta hỏi. Ông ta là một người bận rộn, không thích những người mua ít.

- 30 rupee.

Người đàn ông lôi xuống một ổ phômai tròn màu vàng từ cái kệ phía trên. Gopi quan sát với vẻ căng thẳng, bắt đầu cảm thấy lo lắng. Trong ánh sáng mờ ảo chiếu qua cửa lưới, ổ phômai đó có màu vàng. Những ổ phômai khác màu trắng mà. Khi người đàn ông cắt ra một miếng, Gopi rụt rè hỏi:

- Chứ không phải phômai có màu trắng sao?

- Đúng rồi, nếu chú em quen ăn phômai mua từ Thụy Sĩ - người đàn ông đùa cợt đầy ác ý - Ở đây chúng tôi bán cả phômai của cửa hàng lẫn phômai làm từ sữa bò Tây Tạng. Chú em muốn mua thứ nào?

- Tôi mua phômai của cửa hàng - Gopi ngập ngừng đáp.

- Gì nữa không? - ông ta hỏi khi đưa Gopi miếng phômai.

- Đủ rồi! - Gopi vừa đáp với giọng khiếp sợ vừa đưa ra mớ tiền dành dụm nhăn nhúm. Giờ thì cái thứ đó đã nằm trong tay Gopi, anh lại thấy sợ hãi không dám thử. Lỡ nó không như anh mong đợi thì sao?

7. Gopi dựa chiếc xe đạp vào bức tường bao bọc cung điện hoàng gia rồi nhảy lên ngồi trên một bờ tường thấp. Anh chậm rãi mở cái gói quí giá. Bên trong là một miếng phômai to hình tam giác đã ngả màu. Anh cầm nó ở mép rồi từ từ đưa nó lại gần miệng. Nó có mùi hơi ghê ghê, nhưng Gopi sẽ không để mùi vị ngăn anh nếm thử thứ đó lúc này.

Gopi cắn một miếng. Hàm răng xắn vào miếng phômai, nhẹ nhàng, mãn nguyện. Anh cảm thấy nước bọt xoáy quanh nó. Bây giờ trong miệng anh là mùi vị nhè nhẹ của một thứ mốc meo, nong nóng, từa tựa như nấm mốc. Anh ta nhai thêm một ít, nhưng mùi vị bắt đầu tệ hơn, khó chịu hơn, chuyển từ nấm mốc sang váng sữa ôi, từ váng sữa ôi sang nước giặt đồ bẩn, từ nước giặt đồ bẩn sang một thứ chực nôn ra khỏi miệng. Gopi nuốt ực trong nỗi kinh sợ.

Ngay khi vừa nuốt vào, cơ thể Gopi phản ứng lại, dạ dày anh ta phản ứng lại, anh bắt đầu nôn ra bên bức tường của cung điện hoàng gia. Anh nôn thốc nôn tháo đến khi tất cả phômai ra khỏi người. Anh lau chất sền sệt màu vàng trên miệng, nhìn quanh xấu hổ, hi vọng không ai nhìn thấy mình vừa nôn. Gopi đã ăn thứ đó, nhưng cảm giác dường như không phải anh ăn nó mà là nó vừa mới ăn anh. Mọi sự thèm thuồng từ sâu trong lòng đều nôn ra ngoài cùng với chất sền sệt màu vàng đó. Gopi chậm rãi lau trán, cột một chiếc khăn quàng nhỏ quanh cổ, rồi đạp xe về nhà.

THANH TRÚC lược dịch

http://vietbao.vn/Van-hoa/Pho-mai-Truyen-ngan-cua-Sushma-Joshi/40104410/105/ 

(từ trang web http://eastoftheweb.com/short-stories/UBooks/Chee.shtml)

Tags: Prakash Babu,

Thụy Sĩ,

Sushma Joshi,

cửa hàng bơ sữa,

của cửa hàng,

người đàn ông,

lần đầu tiên,

cúc vạn thọ,

bà chủ,

anh ta,

cuối cùng,

đồng hồ,

ông ta,

người ta,

lên

Minh họa của Nguyễn Ngọc Thuần

1. hoãn, 2. khách sạn, 3. giáo sư, 4. phômai, 5. cách phát âm của từ cheese; 6. một món ăn của người Nepal, chế biến từ gạo, càri rau và xúp đậu lăng

Việt Báo (Theo_TuoiTre)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: