Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
Khi về đến gần nhà tôi thấy ngoài cổng có một xe ô tô trắng đang đậu ở ngoài đó. Đi vào nhà thì thấy chỗ để giày dép có thêm một đôi giày nam cỡ lớn và một đôi giày cao gót, một đôi giày thể thao trắng. À, tôi biết trong nhà có khách đến thăm và đó là những ai rồi. Tôi cất giày rồi nhẹ nhàng nhón chân đi lên tầng hai cất cặp rồi thay một bộ quần áo bình thường, chôm thêm ít tiền ăn vặt tháng này cùng với tiền hôm qua tôi xin bà để sửa xe hỏng và cầm theo chiếc điện thoại, để lại một lời nhắn rồi khe khẽ xuống cầu thang, ra khỏi nhà rồi dắt chiếc xe đạp - cộng sự đã đồng hành cùng tôi suốt hai năm nay và giờ vì chiến đấu quá sức mà bị thương nặng - nổ lốp xe đi đến tiệm sửa xe để sửa chữa lại. Chiến dịch trở thành người vô hình rời nhà không một tiếng động của tôi đã hoàn mĩ thành công, không một ai phát hiện ra tôi cả. Tôi quen cửa quen nẻo dắt cộng sự của mình đến chỗ sửa xe của bác Năm rồi đi dạo trên đường phố tìm kiếm chỗ bán đồ ăn nhanh để lót dạ. Tính ra tôi cũng là một đứa hay phá hoại phết đấy chứ. Cứ có đồ nào mới vào tay tôi là một thời gian sau không hỏng cũng mất luôn. Cộng sự của tôi cũng là một ví dụ nè. Tôi mới mua nó khoảng hai năm thôi mà nó đã hẹn hò tình tứ với với bác Năm sửa xe hơn mười lần rồi. Bà nội tôi hôm trước lúc tôi xin tiền đi sửa xe cũng nói tôi là một đứa chỉ biết phá phách, không biết làm cái gì cả. À, không nhắc đến chứ nhắc lại chuyện này là cái cảm xúc khó chịu oan ức, tức mà không trút được vào cái hôm trước lúc xin tiền bà lại ập đến. Nói tôi là một đứa hay phá hư hoặc làm mất đồ thì tôi nhận nhưng mà nói tôi không biết làm gì thì có hơi quá đáng nha. Tôi biết nấu cơm nè, biết rửa bát,rán trứng,luộc rau còn biết đi chợ cò kè giá cả và dọn dẹp nhà cửa nữa,...vân vân và mây mây. Ài, giận thì giận mà nghĩ thì nghĩ vậy thôi nhưng mà tôi cũng không có nói ra ngoài đâu, trẻ em thì phải tôn trọng người lớn chứ với lại, tôi đã học được một chân lý từ cậu em hàng xóm hay ăn quả đắng vì hay chí chóe với bố mẹ mình. Đó là:" Trẻ em thì hầu như không cãi thắng được người lớn nên là tốt nhất không nên giằng co với người lớn làm gì cho đỡ mất sức, tốn thời gian vừa bị doạ cho ăn đòn".
Lết thêm một lúc nữa thì cuối cùng tôi cũng thấy một quán đồ ăn. Tôi ghé vào và mua một chiếc bánh mì kẹp thịt. Tôi tìm một chỗ ngồi rồi xử lý luôn chiếc bánh mì cho nóng. Tưởng vậy là đủ là no rồi nhưng một lúc sau, ánh mắt của tôi lại không tự chủ được mà lại nhìn chằm chằm sạp bán đồ nướng ở bên kia đường. Trông cũng ngon ghê, hay ăn thêm mấy xiên nữa nhỉ? Đấu tranh tư tưởng một lát, tôi cảm thấy mình không nên bạc đãi thân thể của mình nên đã nhanh chân chạy sang mua thêm năm xiên nữa. Dưới ánh đèn rực rỡ của đô thị, tôi ngồi yên một chỗ vừa ăn xiên nướng thơm lừng vừa nhìn ngắm nhìn dòng người đông đúc và ồn ào đi xung quanh. Có một bé gái đang kéo tay mẹ làm nũng đòi mua đồ, có đôi bạn gái dắt tay nhau đi tung tăng trên vỉa hè vừa đi vừa hát. Chắc hẳn họ là một đôi bạn tốt, ngưỡng mộ ghê, không biết bao giờ tôi mới có một người bạn thân thiết để cùng đi ăn, đi chơi, cùng học bài và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn đây.Cứ như vậy tôi vừa ăn vừa suy nghĩ linh tinh này nọ. Mãi cho đến khi có mấy hình dáng quen thuộc đứng trước mặt tôi hỏi thăm này nọ. Tôi cảm thán rằng trái đất này thật nhỏ, đi đâu cũng gặp phải người quen.
Đứng trước mặt tôi là mẹ tôi, dượng và con của bà ấy. Tôi đứng lên lễ phép chào hỏi họ. Mẹ hỏi tôi các câu như: Tối rồi con còn ngồi đây làm gì? Đã ăn tối chưa? Nếu con chưa ăn thì có muốn đi cùng với mọi người không? Dượng con không ngại đâu. Dượng tôi nghe vậy cũng nhìn tôi và gật gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Tôi lần lượt trả lời các câu hỏi của mẹ rồi từ chối lời mời của mẹ và nói là tôi ăn no rồi không muốn ăn nữa. Mẹ thấy vậy thì thôi không rủ rê tôi nữa, khuyên tôi nên về nhà sớm kẻo muộn rồi đi luôn.
Trời ạ, cuối cùng cũng đi. Nghĩ sao mà tôi sẽ đi cùng bọn họ chứ, da mặt tôi mỏng lắm, ngại chết đi được. Mẹ có còn là mẹ của tôi nữa đâu mà đi phá đám gia đình mới của mẹ. Thôi, nghe theo lời dặn cuối cùng của mẹ trước khi đi, tôi nên đi lấy xe rồi về thôi, cũng lâu rồi, chắc bác năm đã chữa khỏi bệnh cho cộng sự của tôi rồi đấy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro