Chap 17: Dạo phố
Đây có lẽ là bữa sáng dài nhất trong cuộc đời tôi. Ăn được mỗi bát cháo tổ yến mà phải hầu hạ tên Đường Thời đáng chết ăn hết bát này tới món nọ. Người cha già của tôi thì lại khỏi phải nói, cười không thấy mặt trời, luôn tay luôn chân múc cháo, gắp bánh cho hắn. Thật là tức chết lão nương!
Xong xuôi, lão Hạ nhà tôi lại rủ Đường Thời chơi cờ tướng. Hai người mang cờ ra bàn đá giữa vườn chơi, còn tôi xách nước tưới cây xung quanh. Trời mùa hạ có chút nắng gắt nhưng trong vườn cây cối xanh mát, không khí rất dễ chịu. Tôi cầm gáo nước tưới từng gốc hoa đỗ quyên đang khoe sắc.
- Nương nương, người có thấy khung cảnh này rất giống một gia đình hạnh phúc không?
Nghe dì Trần hỏi, tôi mới ngoái lại nhìn, hai người nam nhân, một già một trẻ, một là cha tôi, một là phu quân của tôi, đang cười nói cùng nhau chơi cờ. Còn tôi ở bên cạnh chăm bón cho cây cối trong nhà. Ừm, cũng giống hình ảnh mấy gia đình kiểu mẫu đấy! Chỉ là, nam nhân kia không phải là phu quân của mỗi mình tôi, và khung cảnh ấy cũng sẽ sớm kết thúc thôi. Đường Thời là hoàng đế, kinh đô không thể thiếu hắn quá lâu, tôi đoán hắn cũng chẳng nán lại nơi này được mấy bữa nữa.
Đúng như tôi dự đoán, một thị vệ hớt hải chạy vào thì thầm gì đấy vào tai của Đường Thời, chân mày của hắn nhăn lại, vội vã nói gì đó với cha tôi, đứng dậy đi về phía thư phòng.
- Nha đầu, con sắp tưới chết đỗ quyên của ta rồi!
Lão Hạ chẳng biết từ bao giờ đã bước tới bên tôi, lên tiếng đánh thức ánh mắt đang nhìn theo bóng lưng Đường Thời của tôi.
Tôi bĩu môi rồi quay lại tiếp tục múc nước tưới hoa.
Lão Hạ cười cười rồi ngồi xuống bên cạnh tôi, vừa nhặt tỉa lá vừa nói với tôi bằng chất giọng trầm khàn khàn:
- Nha đầu, con biết không, ngoài tưới nước và chăm bón ra, để cây có thể phát triển tốt nhất, con phải trồng nó ở đúng nơi phù hợp nhất với nó. Giống như con không thể trồng loài ưa bóng ở nơi nắng chói chang hay loài ưa nắng ở nơi không có ánh nắng. Như vậy, dù còn có chăm bón hay tưới nước kỹ càng như thế nào thì chúng cũng không thể xanh tốt mà đơm hoa kết trái được.
- Con không muốn Hoàng thượng tới đây! _ Tôi biết, nơi thích hợp nhất của hoàng đế là ở Hoàng cung.
- Nhưng Hoàng thượng vì con mà tới đây! Nha đầu, con đừng nghĩ lão già này hồ đồ, ta biết con là trốn về đây. Ta biết con muốn tự do. Nhưng Hạ à, khi ta nghe tin con tự tử trong lãnh cung, ta cũng tự hỏi bản thân mình, rằng ta có hối hận khi đưa con vào cung không. Con là con gái duy nhất của ta, ta cũng không nỡ để con một mình chống chọi nơi hoàng cung nguy hiểm ấy. Nhưng đêm hôm qua, ta đã có câu trả lời, ta không hối hận. Cả đời lão già này, vì giang sơn, vì bá tánh, vì hoàng thượng mà dốc lòng, ta ngày đó đưa con vào cung, là muốn khi ta khuất núi, con sẽ tiếp tục thay ta phò tá hoàng thượng, bảo vệ đất nước này. Hoàng thượng vội vã theo con tới đây chứng tỏ người cần con. Hoàng thượng mới lên ngôi chưa được bao lâu, ngại vàng tuy chắc nhưng chưa vững, vẫn còn rất nhiều nguy hiểm bao quanh. Nay trong triều ta đã cáo lão về quê, người đứng về phe hoàng thượng cũng vơi đi ít nhiều, chưa kể phe phái phá hoại còn đang mạnh dần lên. Thân là thầy của hoàng thượng, cũng là người nhìn hoàng thượng lớn lên, ta biết hắn đang lạc lõng và gồng mình như thế nào. Nha đầu, hoàng thượng cần con.
Tôi nhìn Lão Hạ, người có vầng trán rất cao, khuôn mặt hiền từ cùng mái tóc dày đã chuyển bạc gần hết, chẳng ai có thể nhìn ra được đây là vị thừa tướng đã từng hô mưa gọi gió trong triều một thời. Tôi hiểu những lời Lão Hạ nói, nhưng tôi không phải phế hậu, thứ tôi muốn nhất chính là tự do, không phải là nơi hoàng cung đầy dãy âm ưu đó.
Lão Hạ hình như cũng đoán được suy nghĩ của tôi, lão nắm lấy tay tôi, nghẹn ngào mà nói:
- Hạ, cha biết cha là người ích kỉ, cả đời chỉ lo việc đất nước mà làm khổ mẹ con con. Nhưng cha quả thực không thể nhắm mắt làm ngơ với bá tánh giang sơn. Coi như cha xin con, con giúp cha nốt quãng đường này được không, đây là tâm niệm cả đời của ta.
Những lời Lão Hạ nói cứ văng vẳng trong đầu tôi cả ngày. Đường Thời cũng biến mất cả ngày. Cánh cửa thư phòng từ lúc hắn bước vào thì liên tục người này người kia hớt hải chạy vào rồi lại chạy ra, mang theo thư từ, giấy tờ chuyển qua chuyển lại.
Bữa trưa và bữa tối hắn đều ăn trong thư phòng. Tôi lại chẳng có khẩu vị, cơn nhức đầu cứ kéo đến làm tôi khó chịu, người cảm giác nóng sốt nhẹ. Mệt mỏi lê thân xác về phòng, tôi nhanh chóng sửa soạn lên giường đi ngủ nhưng lại chẳng ngủ được, đành cứ nhắm nắm nằm đó.
Rất lâu sau tôi nghe được tiếng khẽ mở cửa, rồi đệm bên cạnh tôi trùng xuống, bàn tay to nặng nhẹ nhàng đặt qua eo tôi, mùi thanh mát của cỏ chanh lại bao trùm lấy tôi.
Sáng hôm sau, thức dậy, bên cạnh tôi đã chẳng thấy ai, chăn gối vẫn còn ấm chứng tỏ người rời đi chưa lâu. Tôi cũng xuống giường, vệ sinh cá nhân rồi ra phòng khách. Cha tôi và Đường Thời đã đang ngồi nói chuyện bên bàn đồ ăn sáng. Ông mỉm cười, đẩy bát cháo tới trước mặt tôi rồi nói:
- Tối nay ngoài phố có thả đèn trời, còn có muốn đi xem không?
Tôi vẫn thấy lòng mình nặng trịu, những lúc như vậy, tôi chỉ muốn ở một mình, nhưng sợ là Lão Hạ mất hứng, tôi chỉ nhàn nhạt đáp:
- Dạ, để con suy nghĩ đã!
- Sao thế? Ta nhớ hồi nhỏ con thích đi xem đèn trời lắm mà! Con không khoẻ ở đâu à?
- Dạ, con hơi đau đầu một chút, có lẽ do tối quá ngủ không ngon.
- Ừm, thế ăn xong rồi về nghỉ ngơi, khó chịu quá thì nói dì Trần gọi đại phu. Mau ăn đi con.
- Dạ!
Tôi bưng bát cháo bên cạnh, múc một muỗng rồi thổi nguội, định đưa lên miệng Đường Thời thì tay hắn ngăn lại.
- Tay ta đỡ đau rồi, có thể tự ăn được! Nàng mau ăn của nàng đi!
- Dạ!
Miệng tôi đắng ngắt, ăn được mấy muỗng cháo liên cảm thấy khó chịu, nhưng cũng cố ngồi ăn cùng hai người họ tới cuối. Kết thúc bữa ăn, tôi không về phòng mà ra vườn. Tôi thích ngồi trên chiếc ghế tre dưới tán cây cổ thụ, ngắm nhìn những tia nắng xuyên qua lớp lá, long lanh long lanh mỗi khi gió thổi nhẹ qua. Đường Thời lại chôn mình trong thư phòng của cha tôi. Làm vua như hắn, có khi nào được nghỉ ngơi không nhỉ?
Tôi cứ đung đưa trên chiếc ghế tre từ sáng tới trưa rồi lại từ trưa tới chiều, nhìn mặt trời chạy từ góc trời bên này sang góc trời bên kia. Trở về tắm rửa, ăn tối cùng Lão Hạ, suốt cả quá trình vẫn không thấy Đường Thời. Cho tới khi tôi trở về phòng, bước tới cửa phòng thì nghe giọng hắn ở sau lưng:
- Hạ Nhật Hạ!
Tôi quay người lại nhìn nam nhân cao lớn đằng sau, chẳng hiểu sao lại có cảm giác nhẹ nhõm.
Hắn bước tới, đưa tay ra trước mặt tôi, nói:
- Đi thôi!
- Đi đâu?
- Đi xem hội đèn trời!
Tôi nhìn bàn tay to lớn của hắn, rồi ngước lên nhìn đôi mắt sáng của hắn, cố gắng tìm trong đôi mắt ấy chút tâm tư của hắn, nhưng tôi không tìm được. Tôi bước đi trước ngang qua hắn rồi quay lại gọi hắn:
- Mời bệ hạ!
Hắn chậm chạp quay lại, đi tới bên tôi. Hai người chúng tôi cứ thế sóng vai đi ra phố.
Ngày lễ hội nên phố xá đông đúc, nhộn nhịp. Chúng tôi cứ duy trì trạng thái như vậy, thong thả mà hoà vào làn người, yên lặng mà đi cạnh nhau, cảm tưởng như con phố nhỏ cứ thế kéo dài mãi.
- Quý khách, mua một chiếc đèn đi, chúng tôi còn khuyến mãi bút mực để viết điều ước lên đèn nữa này, mua một chiếc đi ạ! Trăng hôm nay tròn đẹp như vậy, điều ước của quý khách ắt sẽ thành hiện thực!
- Ta không....
- Ta mua một cái!
Tôi vốn định không mua, trước giờ tôi vốn không tin vào những điều ước, tôi chỉ tin vào bản thân. Nhưng Đường Thời không biết nghĩ gì lại đòi mua một cái. Hắn chọn một chiếc đèn, rồi nhận bút mực, đưa cho tôi rồi nói:
- Nàng viết đi! Không phải nữ nhân các nàng đều thích những thứ ước nguyện như này sao?
- Ta không thích! - Tôi đáp lại hắn dứt khoát. Nữ nhân khác của hắn có lẽ thích nhưng tôi thì không.
- Nàng không muốn ước gì sao? Đằng nào cũng mua rồi, chẳng lẽ lại để phí. - Đường Thời cười nhẹ rồi đưa bút đã chấm mực cho tôi.
Suy nghĩ một hồi, tôi quyết định nhận bút, rồi viết lên một mặt của đèn 4 chữ : "Tự do tự tại"
Đường Thời nhìn tôi viết, hơi nhăn mày rồi cười:
- Nàng viết chữ thật xấu!
Tôi bĩu môi rồi đưa bút lại cho hắn, hắn cầm bút rồi cũng viết vào mặt đối diện:
" Quốc thái dân an"
Tôi nhìn hắn chán nản, đúng là đầu của thiên tử, quanh đi quẩn lại cũng chẳng có gì quá nổi giang sơn của hắn.
Thả đèn bay lên trời, tôi cứ mãi nhìn theo, chính là dòng chữ hắn thêm vào dưới cùng : Nhật Hạ, Đường Thời, 15/6 năm Canh Thìn. Có thể hiểu hắn chỉ đang đề ngày tháng, ngày hè, thời vua Đường, ngày 15 tháng 6 năm Canh Thìn. Đến khi chiếc đèn hoà cùng vô số chiếc đèn khác, làm bầu trời tối đen như mực bỗng trở nên rực rỡ, tôi mới cụp mi mắt xuống mà nói với hắn:
- Hoàng thượng, chúng ta hồi cung thôi!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro