Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

phat trien ben vung trong boi canh toan cau hoa.

1. Mở đầu.

Biến động toàn cầu được hiểu một cách khách quan nhất là sự phụ thuộc qua lại không ngừng giữa các vùng, miền, giữa các quốc gia và giữa các cá nhân trên hành tinh trái đất. Sự phụ thuộc này có thể xảy ra trên khắp các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ, môi trường …

Biến động toàn cầu là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại và tự nhiên, nó tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực, tạo ra những hiệu quả trái ngược ở tất cả các mức độ từ các cá nhân đến các dân tộc, từ các địa điểm (vị trí địa lý) cụ thể đến các khu vực lãnh thổ rộng lớn, từ những tập tục (phong tục) địa phương đến cả những nền văn hóa lớn ,… do vậy mà tồn tại trên thực tế cả hai xu hướng “chống toàn cầu hóa” và “ủng hộ toàn cầu hóa”. Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận rằng Thế giới ngày nay phải chia sẻ những vấn đề và thách thức vượt ra khỏi quy mô biên giới quốc gia, biên giới châu lục, nhất là những vấn đề về ô nhiễm và tai biến môi trường tự nhiên.

Hệ thống Đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế (gọi tắt là hệ thống đô thị) đóng vai trò như một hệ thống “khung xương” phát triển của mỗi vùng miền lãnh thổ, mỗi quốc gia.. Do vậy hệ thống này phải chịu ảnh hưởng trước nhất và sâu sắc nhất từ “Biến động toàn cầu”. Con đường duy nhất để tránh được thách thức này là tạo ra đô thị bền vững trên cơ sở nỗ lực và tập trung đầu tư của nhân loại,

Trong khuôn khổ của tham luận này, Tác giả trình bày sơ lược về nguyên tắc tiếp cận, nội dung và những vấn đề (thách thức) của phát triển bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu và một vài nhận xét về phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. 

2. Phát triển bền vững

Chỉ từ nửa sau của Thế kỷ 20, khi phải động chạm đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, cũng như phát sinh hàng loạt các dấu hiệu về khủng hoảng môi trường toàn cầu, thì loài người mới chợt nghĩ đến vấn đề sinh thái cho sự phát triển của mình, nghĩ đến sự cần thiết phải đổi mới một cách cơ bản trong tư duy, trong hành động, để tiến đến mục tiêu phát triển bền vững. Dấu mốc đầu tiên của sự phát triển đó có thể kể đến Hội nghị thế giới đầu tiên về môi trường sống với đại diện của 173 Quốc gia tham dự tại Stockhom – Thụy Điển năm 1972. Sau đó vào năm 1983, Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là Ủy ban Brundtland ) thuộc Liên Hợp Quốc được thành lập. Ủy ban này đã kêu gọi sự hướng tới một kỷ nguyên mới phát triển kinh tế, an toàn môi trường và đưa ra khái niệm về phát triển bền vững “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu  hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...”.

Năm 1992 mới có Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Môi trường và phát triển họp tại Rio de Janero - Brazin, với sự tham gia của nguyên thủ 179 quốc gia, đã đưa ra chương trình nghị sự 21 về các giải pháp chung cho phát triển bền vững của toàn thế giới trong thế kỷ 21. Mười năm sau - năm 2002, tại Nam Phi các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh trái đất về phát triển bền vững một lần nữa tái khẳng định các nguyên tắc đã đề ra và cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 21.

Ngày nay, phát triển bền vững trở thành nhu cầu cấp bách trong tiến trình phát triển trên thế giới nói chung và của từng quốc gia nói riêng. Tuy nhiên cũng chỉ từ những năm cuối của TK 20 mới bắt đầu cuộc chuyển động thực sự (bắt đầu từ các đô thị lớn trên thế giới) tiến đến sự phát triển bền vững.

Khái niệm phát triển bền vững được thống nhất trong tất cả các Hội nghị Quốc tế , là sự kết hợp hài hoà, phát triển ổn định 3 mặt:  kinh tế (ổn định thị trường, tăng trưởng kinh tế); xã hội (ổn định chính trị và môi trường nhân văn, công bằng xã hội); môi trường ( cân bằng sinh thái, nâng cấp cuộc sống và bảo vệ môi trường đô thị). Tuy nhiên phụ thuộc vào đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở mối giai đoạn phát triển của từng quốc gia, mà viêc triển khai ứng dụng khái niệm đô thị bền vững có thể gần nhau về một số nguyên tắc chung, tiêu chí phát triển (criteria), nhưng khác nhau về các chỉ tiêu đánh giá (indicator). Chính vì vậy mà Hội nghi Rio-92 cũng đã kêu gọi các nước triển khai chiến lược Quốc gia về phát triển   bền vững của mình.

Đối với những đô thị mới, hoàn toàn có thể đưa vào những tiêu chuẩn sinh thái và bền vững từ quy hoạch đến kiến trúc, thiết kế, xây dựng và vận hành,...sao cho có thể sử dụng tối đa những quyết định lồng ghép sinh thái tối ưu để giảm tối đa hoặc loại trừ hoàn toàn những tác động ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa cư dân gần gũi với thiên nhiên, giảm thiểu nhu cầu sử dụng năng lượng,vv. Đối với những đô thị đang tồn tại, trong chương trình phát triển bền vững của mình phải có những nội dung cơ bản về cải tạo lại theo hướng sinh thái và bên vững.

Xây dựng đô thị phát triển bền vững  phải được tiến hành nghiên cứu từ tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch hạ tầng, thiết kế kiến trúc công trình, vật liệu và công nghệ xây dựng đến những nội dung môi trường, kinh tế, xã hội và quản lý trong mối liên hệ nhân - quả.

Đô thị bền vững sẽ phát huy được các nguồn lực và động lực phát triển của mình như sử dụng bền vững tài nguyên ( bao gồm cả tài nguyên tri thức), thu hút đầu tư phù hợp và nhân lực bậc cao, phát triển văn hóa, giao lưu hợp tác quốc tế,.... Đồng thời cũng chống lại được các tác động của biến động toàn cầu đến đô thị như: khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, tai biến tự nhiên...

3. Nguyên tắc tiếp cận phát triển bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu

Nguyên tắc tiếp cận duy nhất phát triển đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế  bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu là “tư duy toàn cầu, tiếp cận hệ thống và hành động địa phương”. Do vậy những vấn đề chủ yếu của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường phải được “toàn cầu hóa” và “địa phương hóa” cùng một lúc trên cơ sở liên kết đầy đủ các yếu tố phát triển bền vững ở các cấp độ khác nhau trong một hệ thống thống nhất “Ngôi làng toàn cầu” (giobal village – thế giới phẳng của Thomas Friedman).

4. Nội dung của phát triển bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu. 

4.1 - Quy hoạch phát triển bền vững

Các yếu tố ảnh hưởng và tác động của biến động toàn cầu phải được lồng ghép trong quy hoạch và thiết kế lãnh thổ (đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế). Trong đó lãnh thổ bền vững phải là một phần của một khu vực lãnh thổ bền vững rộng lớn hơn và phải đảm bảo 2 yêu cầu cơ bản là “khả năng thích ứng’ và “khả năng khắc phục” với những yếu tố biến động toàn cầu.  Vi dụ: về lĩnh vực môi trường tự nhiên, quy hoạch lãnh thổ ngoài yêu cầu về sử dụng tối đa năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, sức gió, sinh học,…) sử dụng lợi thế và hạn chế bất lợi của điều kiện tự nhiên, quy hoạch bền vững cần đặc biệt chú ý đến những tai biến tự nhiên do biến đổi khí hậu toàn cầu (lũ lụt, gió báo, nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao, động đất, sóng thần..…); về lĩnh vực công nghệ, quy hoạch phải đảm bảo đô thị thông minh, thích ứng với sự phát triển của mạng thông tin toàn cầu…

Quy hoạch lãnh thổ bền vững phải đảm bảo là quy hoạch khoa học (làm rõ định hướng), quy hoạch rõ ràng (định hướng ngành kinh tế chính), quy hoạch có tính cạnh tranh ( bảo tồn văn hóa bản sắc), quy hoạch có sắc thái riêng (quy hoạch với ý tưởng thiết kế xuyên suốt), quy hoạch bền vững ( bảo vệ môi trường sinh thái), quy hoạch thực tế ( có tính sáng tạo), quy hoạch toàn diện ( có quản lý quy hoạch) và đặc biệt phải là  quy hoạch vì dân ( lấy con người làm trung tâm),      

4.2 - Quản lý phát triển bền vững

Tăng cường năng lực quản lý lãnh thổ, đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế, chính là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp và nâng cao hiệu lực của các văn bản pháp quy về quản lý và phát triển lãnh thổ, bao gồm từ: quản lý quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đến đến quản lý kinh tế, xã hội và môi trường. Xây dựng được cơ chế quản lý lãnh thổ  trong thế giới “không biên giới” là vô cùng khó khăn. Đây là một thách thức lớn, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa - xã hội thông tin lập trình.  

Lịch sử cho thấy chính sách quản lý hợp lý có thể là con đường vững chắc cho sự phát triển”. Sự phát triển bền vững lãnh thổ là điểm kết thúc của những nghiên cứu, quản lý đơn ngành mà mở đường cho loại nghiên cứu liên ngành.

5. Những vấn đề (thách thức) của phát triển bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu:

Những vấn đề mới và chủ yếu trong bối cảnh biến động toàn cầu ảnh hưởng đến phát triển bền vững phải kể đến đó là:

Về lĩnh vực kinh tế: Toàn cầu hóa kinh tế và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, gia tăng thương mại quốc tế, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thành lập và gia tăng vai trò của các tổ chức quốc tế  như WTO, OPEC, . Toàn cầu hóa kinh tế được xem là trái ngược hẳn với chủ nghĩa kinh tế quốc gia và chủ nghĩa bảo hộ, nó ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia trong phạm vi kinh tế, nó có tác động tiêu cực từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia đang phát triển do sự tìm kiếm lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia.

Về lĩnh vực công nghệ: Bùng nổ công nhệ thông tin và viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông toàn cầu, phát triển internet, các vệ tinh liên lạc, điện thoại.  Nhờ có những thành tựu của công nghệ tin học và viễn thông, mà quan hệ giữa các khu vực trên thế giới ngày càng gần gũi tạo nên một nền văn minh toàn cầu.

Về lĩnh vực văn hóa – xã hội: Gia tăng trao đổi văn hóa quốc tế,đồng hóa, lai tạp hóa của văn hóa, gia tăng đi lại và du lịch quốc tế, gia tăng di cư, nhập cư trái phép,..Toàn cầu hóa đã giúp con người hiểu hơn về thế giới và những thách thức ở quy mô toàn cầu. Sự toàn cầu hóa có thể mang lại sự tự do cá nhân nhưng cũng có thể đánh mất bản sắc, …

Về lĩnh vực chính trị: Toàn cầu hóa làm tăng lên nhiều lần các mối quan hệ của các công dân trên thế giới và cơ hội cho từng người “công dân toàn cầu”. Tuy nhiên trong lĩnh vực chính trị, toàn cầu hóa là cơ hội gia tăng khủng bố, buôn lậu ma túy,..

Về lĩnh vực môi trường: Biến đổi khí hậu toàn ( mực nước biển dâng, nhiệt độ trái đất tăng, gia tăng lũ lụt, hạn hán, và các tai biến tự nhiên khác như: trượt lở, lũ quyet, lũ bùn đá, động đất, sóng thần....,), gia tăng ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang là thách thức lớn nhất với nhân loại trên trái đất, đe dọa trực tiếp môi trường sống của con người, đặc biệt trong phạm vi hệ thống các đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế trên trái đất.

Tất cả những vấn đề kể trên đặt ra cho xã hội, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học,  những thách thức không nhỏ trong tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó con người buộc phải tìm ra  những cách tiếp cận mới, những mô hình mới cho quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa lãnh thổ. Các đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế cũ phải nghiên cứu tổ chức lại, các vùng lãnh thổ mới phải đi tìm những định hướng phát triển khác nhau.

Như vậy, những tác động của quá trình biến động toàn cầu đến sự phát triển của các vùng lãnh thổ là vô cùng phức tạp. Các giải pháp ứng phó chỉ có thể được đề xuất trên cơ sở của cách tiếp cận liên ngành hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

6. Một số nhận xét về phát triển bền vững và phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia triển khai thực hiện những cam kết về phát triển bền vững. Ngày 17/8/2004 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” hay còn gọi “Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam”, gồm những định hướng làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân phối hợp hành động nhằm đảm bảo phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21.

Phát triển bền vững đang được xem xét triển khai dần vào thực tiễn từ quản lý quy hoạch vùng đến thiết kế kiến trúc đô thị và xây dựng công trình bằng các chủ trương, chính sách của nhà nước như: “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020” của Bộ Xây dựng ban hành. Theo đó, việc phát triển kiến trúc trước hết phải phù hợp với thiên nhiên, địa hình và khí hậu của các vùng lãnh thổ như: kiến trúc vùng miền núi, kiến trúc vùng trung du, kiến trúc vùng đồng bằng, kiến trúc vùng ven biển… qua đó tạo nên các quần thể kiến trúc phong phú, độc đáo thể hiện bản sắc riêng cho từng vùng miền trên cả nước. Trong định hướng không gian kiến trúc đô thị, điểm quan trọng chính là việc tạo ra hồn đô thị từ kiến trúc tổng thể đến các khu vực riêng.

Nghị định 29/2007/NĐ-CP về quản lý kiến trúc đô thị, theo đó, các công trình kiến trúc đô thị khi xây mới, cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa phải tôn trọng các yếu tố kiến trúc truyền thống, đặc điểm, khí hậu địa phương, phong tục, tập quán và bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi toàn cầu Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về việc "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", theo đó Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả (QCXDVN 05: 2005) và các tiêu chuẩn tương ứng khác như: “Nhà ở cao tầng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “Nhà văn phòng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 79/2006/QĐ- TTg ngày 14/4/2006 về việc Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008  về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên từ định hướng chính sách triển khai vào cuộc sống đòi hỏi sự cố gắng, đầu tư rất nhiều của nhà nước và xã hội, trong đó có đầu tư vào nghiên cứu khoa học,  chuyển giao công nghệ.

Đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay đang tăng lên nhanh chóng và ở rất nhiều đô thị có phần nào mang dáng dấp của đô thị công nghiệp phương Tây thế kỷ XX với các khối nhà cao tầng vô hồn, xa lộ xuyên tâm đô thị, tạo dựng các khu đô thị mới lấn chiếm vùng ven, siêu thị, sân golf. Nguy cơ các công ty bất động sản lớn đang chuyển đất đai nông nghiệp thành các khu đô thị mới với cư xá khép kín, với nhà ở cao cấp cùng các dịch vụ khu vui chơi giải trí riêng biệt dành cho người có thu nhập cao. Đây là hình ảnh của “đô thị toàn cầu” xa lạ với khung cảnh đa phần còn nghèo khó, làm cho đô thị phát triển mất cân đối, thiếu bền vững, ảnh hưởng sâu sắc đến công tác quản lý phát triển đô thị.

Những nghiên cứu, lý luận về phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến động toàn cầu ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, kết quả nghiên cứu còn rất khiêm tốn. Giải quyết những vấn đề của đô thị, các khu công nhiệp, các khu dân cư và kinh tế ngày nay trên cơ sở tiếp cận liên ngành hướng tới phát triển bền vững còn gặp nhiều khó khăn.  Đó cũng là lý do mà các quy hoạch đô thị hiện nay có chất lượng chưa cao – chưa có quy hoạch lồng nghép (kể cả các đồ án quy hoạch của các thành phố lớn) và  quản lý đô thị còn lúng túng, mặc dù công tác quản lý đô thị đã được đặt đúng vị trí và tầm quan trọng của nó trong phát triển đô thị, một loạt các Luật, Nghị định và các Văn bản dưới luật…. đã được ban hành.

7. Kết luận

Biến động toàn cầu là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại và tự nhiên, nó tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực, tất cả các vùng, miền.  Hệ thống Đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế  đóng vai trò như một hệ thống “khung xương” phát triển của mỗi vùng miền lãnh thổ. Do vậy hệ thống này phải chịu ảnh hưởng trước nhất và sâu sắc nhất từ “Biến động toàn cầu”. Con đường duy nhất để tránh được thách thức này là tạo ra đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế phát triển bền vững.

Xây dựng đô thị, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế phát triển bền vững phải được tiến hành nghiên cứu từ tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, quy hoạch hạ tầng, thiết kế kiến trúc công trình, vật liệu và công nghệ xây dựng đến những nội dung môi trường, kinh tế, xã hội và quản lý đô thịt rong mối liên hệ nhân – quả.

Nguyên tắc tiếp cận duy nhất phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu là “tư duy toàn cầu, tiếp cận hệ thống và hành động địa phương”.

Nội dung cơ bản của phát triển lãnh thổ bền vững trong bối cảnh biến động toàn cầu là  lồng ghép các yếu tố ảnh hưởng và tác động của biến động toàn cầu trong Quy hoạch, thiết kế lãnh thổ bền vững và quản lý phát triển lãnh thổ bền vững  trong điều kiện xã hội thông tin lập trình.

Những tác động của quá trình biến động toàn cầu đến sự phát triển của các vùng lãnh thổ, các đô thi, các khu công nghiệp và các khu dân cư, kinh tế là vô cùng phức tạp. Các giải pháp ứng phó chỉ có thể được đề xuất trên cơ sở của cách tiếp cận liên ngành hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Những nghiên cứu, lý luận về phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến động toàn cầu ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, kết quả nghiên cứu còn rất khiêm tốn, đòi hỏi sự cố gắng, đầu tư rất nhiều của Nhà nước và xã hội, trong đó có đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: