Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Lược Giảng <4 phần>
Đặt văn bản tại đây...Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Lược Giảng,
phần 1
(Nguyên văn: Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký)
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Cư sĩ Truyền Tịnh chỉnh lý
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
I. GIẢNG KINH DUYÊN KHỞI
Chư vị đại đức đồng tu! Ngày hôm nay nhân duyên thù thắng phi thường: Nghi thức xuất gia của nhà Phật được cử hành vào giờ Ngọ. Sau khi nghi thức hoàn tất, theo thông lệ là cúng Phật. Nghi thức chúng ta cử hành hôm nay vào thời khắc này có ý nghĩa chẳng tầm thường, có quan hệ thật sự hết sức mật thiết đối với bản kinh này. Đức Thế Tôn đã giảng cho chúng ta một bộ kinh, nói theo ngôn ngữ hiện thời, thì từ ba ngàn năm trước Ngài đã biết trước trong thời hiện tại, hàng tại gia, xuất gia dù tu học theo một pháp môn nào, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, Giáo Hạ, cho đến Tịnh Độ đều chẳng thể thành tựu.
Nguyên nhân rốt cuộc là do đâu?
Đức Di Lặc Bồ Tát hết sức từ bi, thay mặt chúng ta khải thỉnh, mong Thế Tôn chỉ dạy tường tận cho chúng ta. Nếu như chúng ta thật sự có thể chiếu theo lời răn dạy trong kinh này, chú tâm thấu hiểu, phản tỉnh, sửa lỗi, đổi mới, quay đầu về bờ, được như thế thì pháp mình tu, hạnh mình hành trong một đời sẽ nhất định thành tựu. Đấy chính là nhân duyên giảng kinh lần này của chúng tôi. Do thời gian hữu hạn, nên trong lần này, chúng tôi chỉ chọn lấy những điểm trọng yếu trong kinh văn để giới thiệu, quý vị xem nhiều lần sẽ hiểu được, còn như những danh từ, thuật ngữ thường được giảng tại giảng đường, chúng tôi đều tỉnh lược cả.
II. BẢO TÍCH - PHÁP BẢO TÍCH TẬP
Trước khi giảng kinh, trước hết, tôi sẽ giới thiệu đơn giản về bộ kinh này. Bản kinh này là một hội của kinh Đại Bảo Tích; vì thế, trước hết, tôi sẽ giới thiệu sơ lược kinh Đại Bảo Tích.
Ngẫu Ích đại sư nói: "Bắt đầu từ Hoa Nghiêm, kết thúc tại Đại Niết Bàn". Câu nói này bao quát toàn bộ bốn mươi chín năm giảng kinh thuyết pháp của đức Thích Ca Mâu Ni Phật. "Hết thảy pháp tạng của hàng Bồ Tát đều gọi là Phương Đẳng". Do vậy, phạm vi của Phương Đẳng hết sức rộng rãi.
"Phương" (方) là phương tiện. Trong nhà Phật thường nói: "Từ bi là gốc, phương tiện là cửa". Hết thảy kinh pháp do đức Phật đã nói đều là pháp phương tiện, chứ pháp chân thật không thể nói ra được. Luận về chân thật, [kinh văn] thường nói: "Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt" (Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt). Bởi thế pháp gì có thể nói ra được thì đều là pháp phương tiện cả.
"Đẳng" (等) là bình đẳng, ý nghĩa giống với chữ "Bình Đẳng Giác" trong đề mục kinh Vô Lượng Thọ. Sở dĩ, chữ Phương Đẳng tượng trưng cho toàn bộ Phật pháp là vì xưa kia, Tổ Sư đại đức đem giáo pháp cả một đời của đức Thế Tôn chia thành năm thời kỳ. Phương Đẳng thuộc thời kỳ thứ ba, điều này có ý nghĩa đặc biệt.
"Nay trong pháp Đại Thừa, chọn riêng những pháp thích hợp với căn cơ Đại Thừa gọi là Hoa Nghiêm bộ". Vì thế, đối tượng của kinh Hoa Nghiêm là người căn tánh thượng thượng thừa, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ nói trong kinh đó chính là đương cơ của hội Hoa Nghiêm. Còn thì "dung thông Không - Hữu", Không - Hữu bất nhị, tánh - tướng như một, những pháp được nói như thế thuộc về Bát Nhã bộ. Ấy là vì dùng trí tuệ chân thật thì mới có thể thấu hiểu rõ ràng chân tướng sự thật. "Khai Quyền hiển Thật" là Pháp Hoa. "Hiện diệt, bàn Thường, gọi là Niết Bàn bộ". Duyên giáo hóa của Phật Thích Ca Mâu Ni đã hết, Ngài bèn thị hiện nhập Niết Bàn, lời di giáo tối hậu nhằm cảnh tỉnh chúng ta tu học phải dụng công ở chỗ nào. Những lời răn dạy ấy xếp vào bộ Niết Bàn. Đó là bốn giai đoạn của pháp Đại Thừa.
"Ngoài ra, dù Hiển hay Mật, hoặc đối Tiểu hiển Đại" (trái với Tiểu Thừa gọi là Đại Thừa) "hoặc dạy khắp nhân quả, sự lý, hạnh vị, trí đoạn của chư Phật, Bồ Tát" (Hạnh là tu hành, Vị là quả vị chứng đắc. Ví như năm mươi mốt địa vị Bồ Tát: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng... đều thuộc vào Vị. "Trí đoạn": Trí là trí huệ, Đoạn là đoạn phiền não, đoạn vô minh. Nói đến đoạn phiền não thì nhất định phải khai trí huệ; Định chỉ có công năng khuất phục phiền não, chẳng thể đoạn nổi phiền não) "đấy đều là bộ Phương Đẳng" (do đó, có thể biết là nội dung của Phương Đẳng rộng lớn phi thường), "chẳng giống như lời ngoa truyền trong đời, nói [thời Phương Đẳng] chỉ gồm tám năm". Đấy là lời giảng thông thường về năm thời thuyết giáo, ý nghĩa hết sức hạn hẹp.
[Ý nghĩa của chữ] Phương Đẳng được giảng ở đây so ra chẳng giống với ý nghĩa được giảng trong tông Thiên Thai, [tôi giảng] chữ "Phương Đẳng" này bao gồm hết thảy kinh giáo đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm. Do kinh Đại Bảo Tích thuộc bộ Phương Đẳng nên trước hết, tôi giới thiệu sơ lược qua ý nghĩa của Phương Đẳng.
Kinh Đại Bảo Tích có bốn mươi chín hội, gồm bảy mươi bảy phẩm. Mỗi một hội là một bộ kinh. Do đó, có thể biết là bộ kinh Đại Bảo Tích này giống hệt như tụ tập các kinh để tạo thành một bản hợp tuyển vậy. Nội dung kinh rất phong phú, người phiên dịch bộ kinh này cũng chẳng phải là một người, mà là do nhiều người phiên dịch. Vì thế, các sư có vị phiên dịch một hội, cũng có vị phiên dịch hai, ba hội. Trước đời Đường, chưa có ai tập hợp các kinh này lại, nên chúng được lưu hành từng bộ riêng rẽ. Kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh tông chúng ta cũng nằm trong kinh Đại Bảo Tích, bản được phiên dịch vào thời Đường là hội thứ năm của kinh Đại Bảo Tích [mang tên] "Vô Lượng Thọ Hội".
Ngài Bồ Đề Lưu Chí đến Trung Quốc vào thời Võ Tắc Thiên nhà Đường. Ngài thấy đại bộ phận kinh Đại Bảo Tích gần như đã được phiên dịch, nhưng chưa hoàn chỉnh. Vì thế, một lần nữa Ngài lại đem những bản kinh đã được người khác chú thích nhưng chưa phiên dịch, dịch toàn bộ ra. Vì vậy, Ngài dịch được ba mươi sáu hội, gồm ba mươi chín quyển. Sau đó, đem các bản dịch của những vị pháp sư khác (gồm hai mươi ba hội, tám mươi mốt quyển) gộp vào [bản do Ngài đã dịch], gạn lọc, tạo thành một bộ kinh Đại Bảo Tích hoàn chỉnh, tổng cộng bốn mươi chín hội, một trăm hai mươi quyển. Hiện thời chúng ta có thể xem [toàn bộ kinh Đại Bảo Tích] trong Đại Tạng Kinh, hình như ở Đài Loan kinh này cũng có bản lưu hành riêng. Đấy là toàn bộ kinh Đại Bảo Tích.
* Vì sao gọi là Bảo Tích?
Có cách giải thích như sau:
"Pháp bảo tích tập. Là pháp Đại Thừa thâm diệu nên gọi là Bảo". Bốn mươi chín hội trong kinh này là bốn mươi chín bộ kinh, mỗi một bộ đều thâm diệu chẳng thể nghĩ bàn, vì thế sánh ví với "Bảo" (寳: của báu). "Vô lượng pháp môn gồm thâu trong đây" cho nên gọi là "Tích" (積), Tích nghĩa là tụ tập. "Bảo Tích Kinh Luận quyển một chép:" Bảo Tích Kinh Luận là sách chú giải kinh này, nhưng không còn toàn vẹn, chỉ có bốn quyển, ai chú giải cũng không biết, đã thất truyền, nhưng lời bàn luận được lưu trong Đại Tạng Kinh, sách này giải thích đơn giản đề mục kinh. Sách ấy viết: "Hết thảy các pháp sai biệt trong pháp bảo Đại Thừa được kinh này gom sạch, nên gọi là Bảo Tích". Từ một câu này, chúng ta có thể hiểu đại khái ý nghĩa của đề mục kinh này. Giới thiệu giản lược về Phương Đẳng và kinh Đại Bảo Tích thuộc Phương Đẳng Bộ như thế.
III. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC DỊCH GIẢ: NGÀI BỒ ĐỀ LƯU CHÍ
Vừa rồi, như đã giới thiệu, người phiên dịch kinh rất nhiều, chúng tôi không cần phải giới thiệu từng vị một, chúng tôi chỉ giới thiệu riêng mình vị tập đại thành là ngài Bồ Đề Lưu Chí. "Bồ Đề Lưu Chí" (Bodhiruci) là dịch âm tiếng Phạn, "ở đây nói là Giác Ái": phiên dịch thành tiếng Trung Quốc là Giác Ái. Bồ-Đề là Giác, Lưu Chí là Ái. "Người Nam Thiên Trúc": lúc ấy, Ấn Độ được gọi là Thiên Trúc, Ngài là người Nam Ấn Độ. "Đến [Trung Hoa] vào thời Đường Võ Hậu": Ngài đến Trung Quốc vào thời đại Võ Tắc Thiên. "Dịch Tam Tạng kinh": Ngài là pháp sư dịch kinh.
"Sách Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 9 ghi:" Thích Giáo Lục là mục lục kinh điển Phật giáo, trong mục lục có lời giới thiệu đơn giản cho mỗi kinh. "Sa-môn Bồ Đề Lưu Chí, vốn tên là Đạt Ma Lưu Chi": Tên Ngài vốn là Đạt Ma Lưu Chi (Dharmaruci), Đạt-Ma là pháp, Lưu Chi nghĩa là "hy hữu". Vì thế, Ngài vốn có tên là Pháp Hy Hữu. "Thiên Hậu đổi tên Ngài thành Bồ Đề Lưu Chí": Thiên Hậu là Võ Tắc Thiên. Đại khái, bà Võ Tắc Thiên cho rằng ý nghĩa cái tên gốc của Ngài không hay, nên dốc tâm huyết ra, đổi tên cho Ngài, đổi thành Giác Ái. "Tiếng Đường là Giác Ái, người Nam Ấn Độ". Tống Cao Tăng Truyện quyển 3 ghi: 'Thích Bồ Đề Lưu Chí, người xứ Nam Thiên Trúc, thuộc dòng tịnh hạnh bà-la-môn, họ Ca-Diếp". Nếu các vị muốn biết rõ chi tiết hơn một chút, hãy xem Tống Cao Tăng Truyện. Trong quyển 3 bộ Tống Cao Tăng Truyện có chép truyện Ngài.
IV. GIỚI THIỆU ĐẠI LƯỢC BẢN KINH NÀY
Tiếp đây, tôi sẽ giảng về nội dung bản kinh, cũng chỉ giới thiệu đại lược.
Kinh này thuộc quyển chín mươi mốt và chín mươi hai của kinh Đại Bảo Tích. Vì thế, kinh văn có hai quyển Thượng và Hạ. Trong kinh Đại Bảo Tích, quyển Thượng là quyển chín mươi mốt, quyển Hạ là quyển chín mươi hai. [Trong kinh Đại Bảo Tích ghi là] "Phát Thắng Chí Nhạo Hội đệ nhị thập ngũ, Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chí phụng chiếu dịch". Trong đó, chữ "chiếu" chỉ thánh chỉ của Võ Tắc Thiên, Sư tuân mạng lệnh của Hoàng Đế mà phiên dịch. "Sách Duyệt Tạng Tri Tân đem nội dung toàn kinh chia ra làm mười lăm đoạn": Duyệt Tạng Tri Tân là tác phẩm của đại sư Ngẫu Ích. Ngẫu Ích đại sư đem toàn bộ kinh này chia thành 15 đoạn, nội dung mỗi đoạn được giới thiệu như dưới đây.
Đoạn thứ nhất, "Phật tại Lộc Uyển" (Phật ở tại Lộc Uyển), đây chính là Lộc Dã Uyển, "dữ thiên tỳ-kheo, ngũ bách Bồ Tát câu" (và một ngàn tỳ kheo, năm trăm Bồ Tát cùng nhóm họp). Đoạn trên đây thuộc về Tự Phần và Chánh Tông Phần. Phần này trong Duyệt Tạng Tri Tân không nhắc đến, ở đây, vì giảng bộ kinh này, để tiện theo dõi, chúng tôi thêm vào, lại chia kinh thành ba phần lớn. Đoạn thứ nhất và đoạn thứ hai thuộc Tự Phần.
Đoạn thứ nhất là Thông Tự, đoạn thứ hai là Phát Khởi Tự. Trong đoạn thứ hai: "Hữu chư Bồ Tát nghiệp chướng thâm trọng, nghi hoặc thoái chuyển, Di Lặc Bồ Tát úy vấn linh hỷ" (Có các Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, nghi hoặc thoái chuyển. Di Lặc Bồ Tát hỏi han, an ủi khiến họ vui mừng). Vì thế, đây là đầu mối để hiểu được bộ kinh này sẽ nói những gì, đoạn này hết sức quan trọng đối với người học Phật chúng ta trong hiện tại. Chúng ta đích thực là các Bồ Tát ngu si nghiệp chướng sâu nặng đấy! Mọi người đã thọ Bồ Tát giới đều là Bồ Tát, dẫu đã thọ Bồ Tát giới nhưng vẫn rất ngu si! Đó chính là điều kinh này nhắc đến.
Đoạn thứ ba thuộc về Chánh Tông Phần. "Hữu lục thập nhân tùy khuyến nghệ Phật" (Có sáu mươi người theo lời khuyên đến chỗ Phật): Thuận theo lời khuyên bảo của Di Lặc Bồ Tát, sáu mươi người theo chân Di Lặc Bồ Tát đến gặp đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi thấy được Phật, họ rất hổ thẹn, thiện căn phát khởi, "đầu địa bi lệ" (gieo mình xuống đất buồn khóc). Phật an ủi họ, bảo họ đứng dậy, thuật ác nghiệp phỉ báng pháp sư xưa kia của họ nên họ nhiều đời nhiều kiếp chịu khổ, tương lai khi nghiệp báo đó hết rồi, họ nhất định sẽ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do đấy có thể biết là bọn họ trong nhiều đời nhiều kiếp trước đã từng học pháp môn Tịnh Độ, đều niệm A Di Đà Phật, chỉ vì nghiệp chướng quá nặng nên chẳng thể vãng sanh, ở trong lục đạo chịu hết nỗi khổ.
Đoạn thứ tư: "Thời chư Bồ Tát tùy phát thập tam hoằng thệ, Phật tán ấn chi" (Khi ấy, các Bồ Tát liền phát mười ba hoằng thệ, Phật khen ngợi, ấn khả): Sáu mươi vị Bồ Tát ấy thật là hy hữu, ít người được như vậy, bọn họ nghe Phật chỉ dạy bèn chân chánh sám hối, quay đầu sửa lỗi, đổi mới, phát mười ba hoằng thệ. Đức Phật nghe xong rất khen ngợi họ.
Đoạn thứ năm: "Di Lặc nhân vấn mạt thế Bồ Tát thành tựu kỷ pháp, an ổn đắc thoát" (Nhân đấy, Di Lặc Bồ Tát bèn hỏi trong đời mạt, Bồ Tát thành tựu mấy pháp thì được an ổn độ thoát). Câu hỏi này rất trọng yếu. Thời kỳ Mạt Pháp chính là thời đại của chúng ta. Hiện tại, chúng ta nên thành tựu bao nhiêu pháp thì mới có thể an ổn thoát ly lục đạo luân hồi, thoát ly biển khổ sanh tử.
Đoạn thứ sáu, "Phật đáp dĩ nhị chủng, tứ pháp" (Phật đáp dùng hai loại bốn pháp). Hai loại "bốn pháp" này nằm trong kinh văn từ đoạn thứ sáu đến đoạn thứ bảy. Trong loại thứ nhất, "chẳng tìm lỗi người khác" là điều thứ nhất; "cũng chẳng nêu ra tội của người khác" là điều thứ hai; "lìa lời thô lỗ, keo kiệt, người ấy sẽ giải thoát". Trong thời kỳ Mạt Pháp, bốn điều này trọng yếu nhất, nhất định phải tuân thủ, phải làm cho được. Phật nói bốn pháp ấy xong, lại nói ra bốn pháp khác, đó là đoạn thứ bảy. "Hãy bỏ sự biếng nhác" là điều thứ nhất; "xa lìa các ồn náo" là điều thứ hai; ưa thích chỗ náo nhiệt là điều chướng ngại rất lớn. "Tịch tĩnh, thường tri túc". Vâng giữ bốn pháp này "người ấy sẽ giải thoát". Đoạn này dạy chúng ta tu hành trong thời kỳ Mạt Pháp phải có đủ hai loại "bốn pháp" này, tức là đủ tám pháp mới có thể yên ổn tu học đạt hiệu quả, đạt được mục tiêu tu học.
Đoạn thứ tám, "thứ minh vô hy vọng tâm hành pháp thí thời, thành nhị thập lợi, hựu nhị thập lợi" (tiếp đó, kinh dạy lúc hành pháp thí, tâm không mong cầu sẽ thành tựu hai mươi điều lợi, lại thành tựu hai mươi điều lợi khác nữa). Hai thứ "hai mươi điều lợi" này cộng thành bốn mươi thứ lợi ích, phải dùng tâm không mong cầu để tu hành pháp bố thí mới có thể đạt được!
Đoạn thứ chín thuyết minh các lỗi lầm, ác nghiệp trong thời kỳ Mạt Pháp, hoàn toàn là nói về những hiện trạng xã hội cũng như tình trạng của bọn người tu hành chúng ta. Đọc xong đúng là rét buốt tận xương! Đức Thế Tôn cách xa chúng ta ba ngàn năm, từ ba ngàn năm trước Ngài đã thấy rõ ràng tình trạng tu hành hiện tại của chúng ta, thật có thể nói là nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may!
Đoạn thứ mười nói về "huệ hạnh Bồ Tát dữ sơ nghiệp Bồ Tát bất đồng chi tướng" (tướng trạng bất đồng giữa huệ hạnh Bồ Tát và sơ nghiệp Bồ Tát). Chữ "huệ hạnh Bồ Tát" này chúng ta phải hiểu rõ, nếu không hiểu được nhất định sẽ không thể học theo họ được! Thế nào là "huệ hạnh?"
Trí huệ đã mở mang, trong nhà Thiền gọi là "đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh", trong pháp Đại Thừa ta thường gọi họ là Pháp Thân Đại Sĩ. Pháp Thân Đại Sĩ mới là huệ hạnh Bồ Tát. Cũng như những bậc thường được xưng tụng là "phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân", người như vậy mới là huệ hạnh Bồ Tát. Chưa đạt đến địa vị ấy thì chẳng phải là huệ hạnh Bồ Tát. Do những hành vi, biểu hiện của huệ hạnh Bồ Tát rất đặc biệt khác lạ, chúng ta chẳng thể học đòi nổi. Nếu học theo, họ thì sanh lên trời, còn chúng ta bị đọa địa ngục. Đức Phật giảng rất rõ ràng, rất minh bạch điểm này.
Đoạn thứ mười hai thuyết minh "sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát lợi dưỡng chi quá" (sơ nghiệp Bồ Tát phải nên quán sát lỗi lầm của lợi dưỡng). Sơ Nghiệp là sơ học Bồ Tát, chúng ta hiện đang thuộc giai đoạn này, nhất định phải hiểu rõ họa hại của lợi dưỡng, chỉ cần vướng chút lợi dưỡng thì chẳng những đạo nghiệp không thể thành tựu mà nhất định còn bị nó lôi vào A Tỳ địa ngục! Học Phật chẳng thành Phật, ngược lại bị đọa vào A Tỳ địa ngục, đấy chẳng phải là điều Phật, Bồ Tát mong trông thấy. Nhưng trong thời kỳ Mạt Pháp, người như vậy rất ư là nhiều! Bởi vậy, đoạn kinh văn thuyết minh họa hại của lợi dưỡng này rất dài.
Đoạn thứ mười hai là "diệc đương quán sát hội náo quá hữu nhị thập, thế ngữ quá hữu nhị thập" (cũng nên quán sát ồn náo có hai mươi lỗi, lời lẽ thế gian có hai mươi lỗi). Đến phần sau tôi sẽ giảng chi tiết. "Thùy miên quá hữu nhị thập, chúng vụ quá hữu nhị thập" (Ngủ nghê có hai mươi lỗi, các việc có hai mươi lỗi). Chữ "chúng vụ" ở đây chỉ các thứ sự việc chẳng liên quan đến việc tu hành, hiện thời rất phổ biến vậy!
Mọi người quên hết cả rồi! Bách Trượng đại sư đã từng nói: "Phật môn do vô sự mà hưng vượng". Đạo tràng thế nào là hưng vượng? Vô sự gọi là hưng vượng. Sự việc quá nhiều, nhang đèn tưng bừng, tín đồ quá đông, đấy là tướng suy sụp của Phật môn chứ chẳng phải là tướng hưng thịnh. Vì sao vậy? Chẳng có một người nào thành tựu hết! Người tuy đông nhưng không có một người nào khai ngộ, không có ai chứng quả, thậm chí không một ai có thể vãng sanh thì thịnh vượng ở chỗ nào? Chúng ta phải nhận thức rõ ràng điều này!
Trong đoạn thứ mười ba, Phật dạy "bất tu chư hạnh, bất đoạn phiền não, bất tập thiền tụng, bất cầu đa văn, phi xuất gia giả" (chẳng tu các hạnh, chẳng đoạn phiền não, chẳng tập thiền tụng, chẳng cầu đa văn thì chẳng phải là người xuất gia). Đấy là xuất gia chỉ có hình thức, chứ thật sự ra chư Phật Như Lai chẳng thừa nhận kẻ ấy là đệ tử xuất gia.
Đoạn thứ mười bốn thuyết minh hý luận có hai mươi lỗi họa.
Cuối phần Chánh Tông, kinh văn thuyết minh "phát mười thứ tâm có thể sanh về thế giới Cực Lạc". Vì thế, đến cuối cùng, bộ kinh này cũng dẫn dắt về Cực Lạc. Chúng ta mong quyết định được sanh về Tịnh Độ của đức Di Đà ngay trong một đời này nên đối với chúng ta, bộ kinh này cũng trọng yếu phi thường!
Cuối cùng, đoạn thứ mười sáu là Lưu Thông Phần. Trong sách Duyệt Tạng Tri Tân của Ngẫu Ích đại sư chỉ giảng đến đoạn thứ mười lăm, sau đấy lại có một đoạn là phần Lưu Thông của kinh này. Trên đây tôi đã nói cho quý vị biết sơ lược đại ý kinh này.
IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN
A. TỰ PHẦN
1. Phật tại Lộc Uyển, năm trăm tỳ-kheo, năm trăm Bồ Tát cùng nhóm
Chánh kinh:
Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Ba Ly Nại thành, tiên nhân trụ xứ, thi Lộc Uyển trung.
如是我聞。一時佛在波離奈城。仙人住處。施鹿苑中
(Tôi nghe như thế này, một thời Phật ở tại thành Ba Ly Nại, ngự trong Lộc Uyển là chỗ trụ của tiên nhân).
Đây là năm thứ thành tựu đầu trong Lục Chủng Thành Tựu; tôi nghĩ chúng ta có thể tỉnh lược. Ở đây, xứ sở (địa điểm giảng kinh) là Lộc Dã Uyển, một nơi thường được nhắc đến. Tôi nghĩ trong số các vị đồng tu chúng ta, cũng có những vị đã đến thăm Ấn Độ, đến Ấn Độ triều thánh. Nếu vậy, [những người ấy] đã đến thăm các danh thắng cổ tích Phật giáo. Vườn Lộc Dã là một địa điểm trọng yếu, ban sơ Thích Ca Mâu Ni Phật độ năm vị tỳ-kheo ngay tại ấy. Sau này, chỗ ấy tạo dựng tinh xá, Phật cũng giảng khá nhiều kinh điển tại nơi ấy.
Chánh kinh:
Dữ đại tỳ kheo chúng, mãn túc thiên nhân. Phục hữu ngũ bách chư Bồ Tát chúng.
與大比丘眾。滿足千人。復有五百諸菩薩眾。
(Cùng chúng đại tỳ kheo đủ cả một ngàn vị, lại có năm trăm vị Bồ Tát).
Đây là Chúng Thành Tựu. Lúc ấy, tham gia pháp hội có một ngàn năm trăm người.
2. Có các Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, đầy đẫy hạnh bất thiện, nghi hoặc, thoái chuyển, Di Lặc Bồ Tát hỏi han, an ủi khiến họ vui mừng
Đây là đoạn thứ hai, chính là Phát Khởi Tự của kinh này.
Chánh kinh:
Thị thời chúng trung, đa hữu Bồ Tát.
是時眾中。多有菩薩。
(Lúc ấy trong đại chúng có nhiều vị Bồ Tát).
Câu này nói về đa số trong năm trăm vị Bồ Tát. Do vậy, ta biết rằng, những vị Bồ Tát ấy chẳng phải là Bồ Tát tầm thường, đa số là cổ Phật tái lai, cố ý thị hiện như thế nhằm tạo cơ hội cho Di Lặc Bồ Tát đến thỉnh pháp để Thích Ca Mâu Ni Phật răn dạy chúng ta. Những lỗi các ngài đã phạm chính là những lỗi bọn người hiện tại chúng ta đang phạm, các vị chỉ đến biểu diễn, lòng từ bi đến mức cùng cực! Bọn họ mắc những lầm lỗi gì?
Chánh kinh:
Nghiệp chướng thâm trọng, chư căn ám độn.
業障深重。諸根闇鈍。
(Nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn).
Câu này là lời tường thuật tổng quát. Nói gọn một câu là nghiệp chướng nặng nề! Nghiệp là gì? Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Nghiệp (kárma) là hoạt động, tạo tác. Hoạt động ấy chướng ngại trí huệ đức năng sẵn có trong tự tánh nên gọi là "nghiệp chướng". Nghiệp chướng ấy rất sâu, rất nặng, cho nên trí huệ đức năng của chúng ta chẳng hiện ra được.
[Trong câu] "chư căn ám độn", chữ "chư căn" chỉ sáu căn. Sáu căn chẳng thông minh, mắt tuy vẫn có thể thấy nhưng lắm việc nhìn lầm, tai tuy vẫn có thể nghe nhưng ý nghĩa đúng đắn chẳng nghe ra. Nhóm chữ này chỉ căn tánh chẳng lanh lợi. Tiếp theo đây kinh nói mười hai câu, mười hai câu ấy chính là nội dung của bản kinh này. Ở phần sau, với mỗi một điều Phật sẽ giảng tường tận cho chúng ta. Điều thứ nhất là:
Chánh kinh:
Thiện pháp vi thiểu.
善法微少。
(Thiện pháp ít ỏi).
Thế nào là "thiện căn"? Thiện căn theo pháp thế gian là không tham, không sân, không si. Chúng ta hãy nghĩ xem là mình có hay không có [thiện căn]. Nếu như chúng ta tham - sân - si đều đầy đủ cả thì căn bản là chúng ta không có thiện căn. Bọn họ còn có thiện căn, nhưng thiện căn ít ỏi; chúng ta không có thiện căn; vì sao lại thành ra như thế? Thiện căn của Bồ Tát là tinh tấn, còn chúng ta hằng ngày giải đãi, biếng nhác, tán loạn.
Chánh kinh:
Háo ư hội náo
好於憒鬧。
(Ưa nơi náo nhiệt)
Ở đây, "hội" là "hôn hội" (昏憒),chúng ta thường nói là hồ đồ. "Hội náo" nghĩa là ồn náo lộn xộn. Các vị có biết nơi nào là ồn náo lộn xộn chăng? Chính là những chốn ăn chơi có khá nhiều trong xã hội hiện tại: ca xướng, khiêu vũ, đấy là những chỗ ồn náo lộn xộn. Bọn họ ưa thích những chỗ ấy.
Chánh kinh:
Đàm thuyết thế sự.
談說世事。
(Bàn nói thế sự).
Đây là câu thứ ba. Phạm vi bao quát của "thế sự" rất rộng. Trong thế sự có cả tà lẫn chánh. Thế nào là chánh? Những điều Khổng Tử, Mạnh Tử nói là chánh, đều là thế sự cả! Thế sự bất hảo ư? Thế sự chẳng thể thoát tam giới. Quý vị phải hiểu rằng: Mục tiêu của Phật pháp là dạy chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới. Vì thế, sự giáo dục của Nho gia dẫu tốt, có thể giúp chúng ta đạt được thân người, thậm chí giúp chúng ta sanh lên trời, nhưng chẳng thể giúp chúng ta liễu sanh tử, thoát tam giới.
"Thế sự" là gì? Là mọi việc trong lục đạo, ưa thích bàn nói những chuyện ấy. Ngày nay người ngoại quốc bàn đến khoa học, kỹ thuật, đấy cũng là thế sự. Họ bàn chuyện vượt ra ngoài không gian, nhưng ra ngoài không gian thì vẫn còn trong luân hồi lục đạo, vẫn chưa vượt thoát luân hồi lục đạo. Thế sự có chánh, có tà. Tà là đọa ba ác đạo, Chánh là ba thiện đạo.
Điều thứ tư là ưa thích ngủ nghỉ, ham ngủ đấy! Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Đa chư hý luận.
多諸戲論。
(Lắm điều hý luận)
Phạm vi của "hý luận" cũng hết sức rộng rãi; như thông thường chúng ta nói giỡn chơi, đều gọi là hý luận.
Chánh kinh:
Quảng doanh chúng vụ.
廣營眾務。
(Rộng lo liệu các việc).
Trong xã hội hiện tại, hiện tượng này rất nhiều. "Doanh" (營) là kinh doanh, "vụ" (務) là sự vụ. "Quảng" (廣) là nhiều. Tôi vừa mới nhắc qua, Bách Trượng thiền sư từng nói: "Phật môn lấy vô sự làm hưng vượng"; há nên đa sự? Thế nào là đa sự? Nêu một thí dụ phổ biến để nói thì pháp hội là đa sự, huống gì những chuyện khác! Điều này trong phần sau đức Phật sẽ giảng rộng, quý vị nhất định phải hiểu sâu xa ý Phật.
Tu học Phật pháp là gì? Đề mục kinh Vô Lượng Thọ đã cho chúng ta biết: "Thanh tịnh, bình đẳng, giác". Làm nhiều việc quá thì tâm làm sao thanh tịnh cho được? Thù tạc quá nhiều, chẳng thể thanh tịnh được! Sự vụ quá nhiều, chẳng thể bình đẳng được! Mỗi ngày từ sáng đến tối mê hoặc điên đảo, làm sao có thể giác ngộ cho được? Đấy chính là lỗi hại của việc "quảng doanh chúng vụ". Câu thứ bảy là...
Chánh kinh:
Chủng chủng tham trước.
種種貪著。
(Tham chấp các thứ)
Câu này có phạm vi rất lớn. Tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, buông xuống chẳng được! Câu thứ tám là...
Chánh kinh:
Vi sở bất ưng.
爲所不應。
(Làm điều chẳng nên làm)
Những điều họ làm đều là điều chẳng nên làm, đều là điều Phật chẳng cho phép, họ cứ khăng khăng tạo tác. Câu thứ chín là...
Chánh kinh:
Vọng thất chánh niệm.
妄失正念。
(Hư vọng mất chánh niệm)
"Vọng" (妄) là hư vọng. Suốt ngày hư vọng nên chánh niệm bị mất. Câu thứ mười là...
Chánh kinh:
Tu tập tà huệ.
修習邪慧。
Trong nhà Phật thường gọi "tà huệ" là Thế Trí Biện Thông, chẳng phải là chân trí huệ. Câu thứ mười một là...
Chánh kinh:
Hạ liệt tinh cần.
下劣精勤。
(Siêng gắng hèn kém)
Bọn họ cũng rất nỗ lực, một ngày từ sáng đến tối chẳng nghỉ ngơi, dù bận bịu vẫn vui sướng. Bận bịu những gì? Bận bịu với sự nghiệp tam đồ. Chữ "hạ" chỉ ba ác đạo, chẳng phải ba thiện đạo! "Hạ liệt" nghĩa là gì? Vướng trong tham, sân, si, tranh danh đoạt lợi, bọn họ dũng mãnh tinh tấn làm những việc như thế. Câu cuối cùng là:
Chánh kinh:
Hành mê hoặc hạnh.
行迷惑行。
(Làm hạnh mê hoặc)
Đây là hiện tượng chung cho cả tại gia lẫn xuất gia trong cửa Phật vào thời Mạt Pháp này. Nếu như chúng ta thật sự chăm chú phản tỉnh, [sẽ thấy là] nếu mắc căn bệnh này thì bất luận đang tu học pháp môn nào cũng đều chẳng thể thành tựu, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh. Điều kiện để vãng sanh là tâm phải thanh tịnh - "tâm tịnh thì cõi nước tịnh". Tây Phương thế giới là Tịnh Độ, chẳng phải là uế độ! Vì thế, tâm chẳng thanh tịnh, làm sao vãng sanh được? Mê hoặc là chẳng thanh tịnh, chẳng ứng hợp Tịnh Độ. Tụng kinh cho nhiều, niệm Phật cho lắm thì cũng như lời cổ nhân nói: "Rách toạc cuống họng vẫn uổng công!", chỉ có thể kết duyên lành với Tịnh Độ, chứ chẳng thể vãng sanh ngay trong một đời!
Sự việc như vậy có gì là lạ, chẳng biết là trong đời quá khứ chúng ta đã làm như thế bao nhiêu lần rồi! Chúng ta có nhân duyên rất sâu xa với Tây Phương Tịnh Độ, vì sao chẳng thành tựu? Nói chung là vì phạm phải những lầm lỗi ấy. Đời đời kiếp kiếp quá khứ phạm phải những lầm lỗi ấy nên niệm Phật mà chẳng thể vãng sanh. Đời này gặp được bản kinh này, đấy là nhân duyên hy hữu. Thử nghĩ: Nếu vẫn phạm những lỗi ấy thì một đời này ắt phải luống uổng. Nếu quả thật có thể thường tích cực phản tỉnh, sửa lỗi đổi mới, quay đầu là bờ thì trong một đời này chúng ta quyết định sẽ thành tựu. Lại xem tiếp kinh văn:
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát tại ư hội trung, kiến chư Bồ Tát cụ túc như thị bất thiện chư hạnh.
爾時。彌勒菩薩摩訶薩。在於會中。見諸菩薩。具足如是不善諸行。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong hội, thấy các Bồ Tát đầy đủ các hạnh bất thiện như thế).
"Cụ túc": Mười hai điều vừa nhắc đến trong phần trên họ đều phạm đủ cả, phạm toàn bộ. Ngài Di Lặc thấy các Bồ Tát ấy có nhiều lầm lỗi như thế.
Chánh kinh:
Tác thị niệm ngôn.
作是念言。
(Nghĩ như thế này)
Trong tâm Ngài suy nghĩ.
Chánh kinh:
Thử chư Bồ Tát ư vô thượng Bồ Đề, viên mãn đạo phần, giai dĩ thoái chuyển.
此諸菩薩。於無上菩提。圓滿道分。皆已退轉。
(Các vị Bồ Tát này đối với viên mãn đạo phần nơi vô thượng Bồ Đề đều đã lui sụt)
Cổ nhân thường nói: "Người sơ phát tâm thành Phật có thừa". Sơ Phát Tâm đều là những người phát thiện tâm, có tâm tốt lành, nhưng do nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn nên rất dễ bị thoái chuyển, rất dễ bị mê hoặc, đặc biệt là [mê hoặc] bởi danh tiếng, lợi dưỡng! Người sơ phát tâm xuất gia không có ai cúng dường họ, cuộc sống rất thanh bần, khổ sở, đạo tâm rất kiên định. Tu hành được mấy năm, có chút ít thành tựu, danh tiếng, lợi dưỡng đưa tới, kẻ ấy lại bị đọa lạc. Trong có phiền não, ngoài có dụ hoặc, làm sao không đọa lạc cho được? Vì thế đối với Vô Thượng Bồ Đề bèn thoái chuyển. Di Lặc Bồ Tát thấy vậy bèn khởi tâm từ bi.
Chánh kinh:
Ngã kim đương linh thị chư Bồ Tát giác ngộ khai hiểu, sanh hoan hỷ tâm.
我今當令。是諸菩薩。覺悟開曉。生歡喜心。
(Nay ta nên làm cho các Bồ Tát này giác ngộ, hiểu biết, sanh lòng hoan hỷ)
Di Lặc Bồ Tát đến giúp đỡ các Bồ Tát ngu si ấy. Ở đây, chúng ta phải chú ý: Thế nào là đại từ đại bi? Thế nào gọi là cứu tế bần khổ? Người tu hành không có đạo, ấy là "bần". Người tu hành vẫn phạm những lầm lỗi y như cũ, thật là "khổ"! Ở đây, Di Lặc Bồ Tát hành từ bi cứu tế. Ngài cứu tế các Bồ Tát điên đảo mê hoặc đó, làm cho họ "giác ngộ khai hiểu", nghĩa là khiến cho họ phá mê khai ngộ. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ là đại từ đại bi, là cứu tế chân chánh.
Chánh kinh:
Tác thị niệm dĩ.
作是念已。
(Nghĩ như vậy xong)
Di Lặc Bồ Tát khởi lên ý niệm ấy xong.
Chánh kinh:
Tức ư bô thời, tùng thiền định khởi.
即於晡時。從禪定起。
(Liền sau giờ Ngọ, từ thiền-định dậy).
"Bô thời" là sau Ngọ, sau khi dùng Ngọ trai xong, Ngài từ thiền định xuất.
Chánh kinh:
Vãng đáo kỳ sở, cộng tương úy vấn, phục dĩ chủng chủng nhu nhuyễn ngôn từ, vị thuyết pháp yếu, linh kỳ hoan hỷ.
往到其所。共相慰問。復以種種。柔軟言詞。為說法要。令其歡喜。
(Đến chỗ bọn họ, cùng nhau an ủi, thăm hỏi, lại dùng các lời lẽ mềm mỏng nói pháp yếu khiến cho họ hoan hỷ).
Đích thực là Di Lặc Bồ Tát rất có trí huệ, nói theo cách chúng ta ngày nay là trí huệ cao độ! Ngài chẳng trách móc bọn họ, mà đến an ủi họ, lời lẽ nhu hòa, dịu dàng an ủi họ, khiến cho họ sanh lòng vui mừng, sanh hảo cảm đối với Bồ Tát. Phải dùng cách khéo như vậy để họ tiếp thọ lời dẫn dụ của Ngài.
Chánh kinh:
Nhân cáo chi viết: "Chư nhân giả!"
因告之曰。諸仁者。
(Nhân đó bảo rằng:"Này các nhân giả!")
"Chư nhân giả" là tiếng tôn xưng bọn họ.
Chánh kinh:
Vân hà nhữ đẳng ư vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần nhi đắc tăng trưởng, bất thoái chuyển da?
云何汝等,於無上菩提。圓滿道分。而得增長。不退轉耶。
(Các vị làm thế nào để được tăng trưởng, chẳng thoái chuyển nơi vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần?)
Lời hỏi rất khéo! Chẳng trách móc họ phạm lỗi lầm, chẳng trách họ thoái chuyển, trái lại Ngài hỏi: Đối với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần, các vị có phương pháp nào làm cho nó tăng trưởng, chẳng thoái chuyển hay chăng? Chúng ta phải học tập điểm này: Bình thường đối với người, đối với sự, đối với vật, phải nói năng thế nào để thật sự giúp người ta giác ngộ, giúp người ta sửa lỗi đổi mới, chẳng dùng lời lẽ trách móc, mà phải dùng những lời quan hoài, thương yêu, che chở, dùng phương pháp dẫn dụ, khơi gợi. Ở đây ta mới thấy chỗ cao minh của Di Lặc Bồ Tát. Vì thế, lúc bọn họ nghe Ngài nói đều rất hoan hỷ, vui vẻ trò chuyện với Ngài.
Các vị xem nhé!
Chánh kinh:
Thị chư Bồ Tát đồng thanh bạch ngôn:
- Tôn giả! Ngã đẳng kim ư vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần vô phục tăng trưởng, duy hữu thoái chuyển.
是諸菩薩。同聲白言。尊者。我等今於。無上菩提。圓滿道分。無復增長。唯有退轉。
(Các vị Bồ Tát ấy đồng thanh thưa rằng:
- Thưa tôn giả! Chúng tôi nay với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần chẳng còn tăng trưởng, chỉ có thoái chuyển).
Những người ấy đều thưa thật: Đối với vô thượng Bồ Đề chúng tôi không tăng trưởng, ngày càng lui sụt!
Chánh kinh:
Hà dĩ cố?
何以故。
(Vì sao vậy?)
Vì sao chúng tôi ngày càng lui sụt?
Chánh kinh:
Ngã tâm thường vị nghi hoặc sở phú.
我心常為疑惑所覆。
(Tâm tôi thường bị nghi hoặc che phủ)
Tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi là phiền não trọng đại đối với Bồ Tát, là chướng ngại nghiêm trọng đối với sự tu học. Bọn họ có nghi, có Hoặc. Hoặc (惑) là mê hoặc.
Chánh kinh:
Ư vô thượng Bồ Đề bất năng giải liễu.
於無上菩提。不能解了。
(Đối với vô thượng Bồ Đề chẳng thể hiểu rõ).
Câu này ý nói bọn họ nghiệp chướng sâu nặng, tuy thường nghe đức Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, nghe xong chẳng hiểu rõ cho lắm, chẳng những không thể liễu giải, mà còn lắm phen nghe lầm lời Phật dạy, hiểu lầm ý nghĩa. Lúc chúng ta khai kinh kệ, niệm "nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa". Bọn họ hiểu lầm ý nghĩa chân thật của Như Lai, hiểu cong quẹo ý nghĩa lý chân thật của đức Như Lai. Ấy là tướng nghiệp chướng sâu nặng, tiếp theo đây các vị nói rất rõ.
Chánh kinh:
Vân hà ngã đẳng đương tác Phật da? Bất tác Phật da?
云何我等。當作佛耶。不作佛耶。
(Vậy thì chúng tôi sẽ thành Phật ư? Chẳng thành Phật ư?)
Đây là nêu lên một thí dụ cụ thể để minh họa. Bọn họ thường hoài nghi: Học Phật là tốt hay chẳng học Phật là tốt? Thành Phật là tốt hay chẳng thành Phật là tốt? Thường có những câu hỏi như thế, đó là hoài nghi thiện pháp.
Chánh kinh:
Ư đọa lạc pháp diệc bất năng liễu!
於墮落法。亦不能了。
(Với pháp đọa lạc cũng chẳng hiểu rõ).
Tam đồ lục đạo, gieo thiện nhân được thiện quả, tạo ác nghiệp nhất định phải thọ ác báo. Phật cũng đã giảng rất rõ ràng, nhưng đối với điều ấy, họ vẫn nghi hoặc!
Chánh kinh:
Vân hà ngã đẳng đương đọa lạc da? Bất đọa lạc da?
云何我等。當墮落耶。不墮落耶。
(Vậy thì chúng tôi sẽ đọa lạc ư? Chẳng đọa lạc ư?)
Chúng tôi có bị đọa lạc hay chăng? Đọa lạc thật sự hay là chỉ đọa lạc giả? Những nghi vấn ấy thường xuyên hiện hữu.
Chánh kinh:
Dĩ thị nhân duyên, thiện pháp dục sanh thường vị nghi hoặc chi sở triền phú.
以是因緣。善法欲生。常為疑惑之所纏覆。
(Bởi nhân duyên ấy, thiện pháp sắp sanh thường bị nghi hoặc ràng buộc, che phủ)
Lẽ đương nhiên là trong bất cứ thời đại nào, bất cứ cá nhân nào chẳng thể không có lấy một thiện niệm. Hết thảy chúng sanh đều là thiện ác hỗn tạp, có lúc thiện nhiều, ác ít, lại có lúc ác nhiều, thiện ít nên mới hình thành lục đạo và mười pháp giới. Bọn họ sanh thiện niệm, nhưng chỉ vì nghi hoặc nên lúc hoài nghi thì thiện chẳng thể hình thành, lúc đó rất dễ thoái chuyển. Những vị Bồ Tát này đều rất thành thật, rất khó có. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là bọn họ còn tự biết rõ mình, vẫn coi như là chưa lầm lạc! Dù có phạm lầm lỗi, vẫn còn có thể cứu, vì thế Di Lặc Bồ Tát đến cứu bọn họ.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi cáo chi viết:
- Chư nhân giả! Khả cộng vãng nghệ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri sở. Nhi bỉ Như Lai nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả, cụ túc thành tựu vô chướng ngại trí, giải thoát tri kiến, dĩ phương tiện lực thiện tri nhất thiết chúng sanh sở hành, đương vị nhữ đẳng tùy kỳ căn tánh chủng chủng thuyết pháp.
爾時。彌勒菩薩。而告之曰。諸仁者。可共往詣。如來。應供。正遍知所。而彼如來。一切知者。一切見者。具足成就。無障礙智。解脫知見。以方便力。善知一切眾生所行。當為汝等。隨其根性。種種說法。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bảo họ rằng:
- Các nhân giả! Nên cùng đến chỗ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Đức Như Lai là bậc biết hết thảy, bậc thấy hết thảy, thành tựu đầy đủ trí vô chướng ngại, giải thoát tri kiến, dùng sức phương tiện khéo biết sở hạnh của hết thảy chúng sanh, Ngài sẽ vì các ông thuyết pháp các thứ tùy theo căn tánh).
Đây cũng là điểm cao minh của Di Lặc Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát chẳng thể thuyết kinh giảng pháp cho họ ư? Đương nhiên là Ngài có thể.
Vì sao Di Lặc Bồ Tát chẳng thuyết pháp? Bởi vì Ngài còn ở trong địa vị Bồ Tát, chưa chắc bọn họ đã tin tưởng lời giảng kinh thuyết pháp của Ngài. Vì thế, Di Lặc Bồ Tát giới thiệu: "Chúng ta đi gặp Phật". Mọi người nghe đến Phật đương nhiên chẳng dị nghị, chúng ta cùng nhau đi đến chỗ Phật.
"Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri" là ba thứ trong mười danh hiệu của đức Như Lai, chúng tôi cũng không giải thích chi tiết. Câu "nhi bỉ Như Lai, nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả" là lời tán thán trí huệ đức năng của Phật: Không chi chẳng biết, không gì chẳng thể! Ý nói: Quả vị Phật là thành tựu đầy đủ, chẳng có một mảy gì thiếu khuyết. Trí huệ Phật đầy đủ viên mãn, Phật tự tại viên mãn. Hơn nữa, phương pháp của Phật hay khéo phi thường. "Dùng sức phương tiện" dạy dỗ chúng sanh khế cơ, khế lý.
Trước hết nói "thành tựu đầy đủ trí vô chướng ngại, giải thoát tri kiến", đó là Lý. Phật thuyết pháp khế lý! Lại nói "khéo biết sở hạnh của hết thảy chúng sanh": Hết thảy chúng sanh đời đời kiếp kiếp đã tạo nhân gì, thọ quả báo gì, Phật đều biết cả, vì thế, thuyết pháp bèn khế cơ. Bọn họ đến gặp Phật, nhất định đức Phật sẽ tùy theo căn tánh của mỗi người mà thuyết pháp các thứ. Ấy là khế cơ, khế lý.
Kinh văn chia làm ba phần: Phần Phát Khởi đến đây là hết. Đó là một đoạn lớn. Dưới đây là phần mở đầu phần Chánh Tông của kinh, lẽ ra [câu kế tiếp phải tách ra thành một hàng riêng]. Bản kinh hiện thời tôi bảo thầy Ngộ Quảng sao từ bản Tần Già Tạng ra, rồi lại dựa theo Đại Chánh Tạng phân thành đoạn. Cách phân đoạn và chấm câu trong Đại Chánh Tạng có rất nhiều vấn đề, quý vị cứ xem kinh văn thì thấy ngay, quý vị xem kỹ thì thấy bốn chữ là một câu, cho nên đọc tụng chẳng khó.
B. CHÁNH TÔNG PHẦN
1. Có sáu mươi vị Bồ Tát nghe theo lời khuyên đến chỗ Phật, gieo mình xuống đất buồn khóc, Phật an ủi bảo họ đứng dậy, lại nói lỗi xưa: ác nghiệp phỉ báng pháp sư, thọ nhiều nỗi khổ, về sau cũng sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc
Chánh kinh:
Thị thời, ngũ bách chúng trung, hữu lục thập Bồ Tát dữ Di Lặc Bồ Tát vãng nghệ Phật sở, ngũ thể đầu địa, đảnh lễ Phật túc, bi cảm lưu lệ, bất năng tự khởi. Di Lặc Bồ Tát tu kính dĩ tất, thoái tọa nhất diện.
是時。五百眾中。有六十菩薩。與彌勒菩薩。往詣佛所。五體投地。頂禮佛足。悲感流淚。不能自起。彌勒菩薩。修敬已畢。退坐一面。
(Lúc ấy, trong số năm trăm người có sáu mươi vị Bồ Tát cùng Di Lặc Bồ Tát đi đến chỗ Phật, năm vóc gieo xuống đất, đảnh lễ dưới chân Phật, bi cảm ứa lệ, chẳng thể tự đứng lên. Di Lặc Bồ Tát kính lễ xong xuôi, lui ra ngồi một phía).
Đương thời, trong hội có năm trăm vị Bồ Tát, trong năm trăm người chỉ có sáu mươi vị nghe lời Di Lặc Bồ Tát, theo Di Lặc Bồ Tát đi gặp Thích Ca Mâu Ni Phật. Những vị Bồ Tát vừa thuật lỗi mình ấy đều là đại quyền thị hiện. Di Lặc Bồ Tát đem những vị ấy đến trước đức Thế Tôn, sau khi hành lễ hoàn tất, bèn lui ra ngồi.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát ngôn:
- Chư thiện nam tử! Nhữ đẳng ưng khởi, vật phục bi hiều, sanh đại nhiệt não.
爾時。佛告諸菩薩言。善男子。汝等應起。勿復悲號。生大熱惱。
(Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các Bồ Tát rằng:
- Các thiện nam tử! Các ông hãy đứng lên, đừng có buồn khóc, sanh nhiệt não lớn)
Sau khi chí tâm lễ kính, Di Lặc Bồ Tát ngồi lui qua một bên, sáu mươi Bồ Tát ấy quỳ mọp dưới đất chẳng đứng lên, sám hối như vậy rất khó ai hơn! Vì thế, đức Phật thấy tình trạng họ như thế bèn an ủi họ, bảo bọn họ chớ nên bi thương, cũng đừng nên buồn khổ.
Ở đây, có một điểm thường thức (kiến thức thông thường), nhân tiện tôi nói cho quý vị biết luôn. Nếu như trong phần Chánh Tông bắt đầu bằng câu "Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát..." thì trong tựa kinh có thể thêm chữ "Phật thuyết" thành ra [tựa đề kinh này là] "Phật thuyết Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh"; cũng như nếu câu thứ nhất của phần Chánh Tông là 'Phật nói' thì thông thường trên tựa đề kinh sẽ để thêm từ ngữ "Phật thuyết". Nếu câu thứ nhất chẳng phải là "Phật thuyết" thì tựa đề chẳng thêm chữ "Phật thuyết". Do vậy, quả thật ở đây phần Chánh Tông bắt đầu bằng "Nhĩ thời, ngũ bách chúng trung hữu thập lục Bồ Tát" nên [tựa đề kinh] không ghi thêm chữ "Phật thuyết". Đây là một điểm thường thức, từ rày các vị xem kinh điển, sẽ thấy có kinh thì đề Phật thuyết, có kinh chẳng đề. [Do thấy] tựa kinh không thêm chữ "Phật Thuyết" bèn cật vấn [kinh này] không phải là do Phật nói hay sao? Vẫn là do Phật nói, [nhưng tựa đề một bản kinh] có thêm chữ "Phật thuyết" hay không là do câu thứ nhất của phần Chánh Tông có hay không có chữ "Phật thuyết".
Phần khai thị của Phật trong đoạn sau đây hết sức trọng yếu, chúng ta phải nên cảnh tỉnh, kinh sợ.
Chánh kinh:
Nhữ ư vãng tích, tạo tác ác nghiệp.
汝於往昔。造作惡業。
(Ông trong xưa kia, gây tạo nghiệp ác)
Câu này là lời nói chung: Trong đời quá khứ, các vị tạo ác nghiệp rất nặng. Ác nghiệp gì vậy?
Chánh kinh:
Ư chư chúng sanh, dĩ sướng duyệt tâm.
於諸眾生。以暢悅心。
(Đối với các chúng sanh, dùng lòng vui sướng).
"Sướng duyệt tâm" là rất thống khoái, rất sung sướng. Làm chuyện gì vậy?
Chánh kinh:
Sân mạ hủy nhục, chướng não tổn hại.
瞋罵毀辱。障惱損害。
(Giận chửi, hủy nhục, gây chướng ngại, phiền não, tổn hại).
Làm đến tám việc. Đối với chúng sanh, bọn họ chửi người, chửi bới người khác thật khoái trá, gây tạo ác nghiệp như thế đó!
Chánh kinh:
Tùy tự phân biệt.
随自分别。
(Theo ý mình phân biệt).
Chấp theo tri kiến phân biệt của chính mình, nói theo cách bây giờ là "làm việc theo cảm tình, làm chuyện càn bướng, chẳng đếm xỉa đạo lý!"
Chánh kinh:
Bất năng liễu tri nghiệp báo sai biệt.
不能了知。業報差別。
(Chẳng thể biết rõ nghiệp báo sai khác)
Lúc tạo những ác nghiệp ấy, bọn họ chẳng biết những nghiệp ấy ắt có quả báo.
Chánh kinh:
Thị cố nhữ đẳng kim vị nghiệp chướng chi sở triền phú.
是故汝等。今為業障之所纏覆。
(Vì thế, các ông nay bị nghiệp chướng ràng buộc, che ngăn)
Hiện tại dù bọn họ nghe Phật giảng kinh thuyết pháp nhưng chẳng hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Đó là vì bị nghiệp chướng buộc ràng, che lấp.
Chánh kinh:
Ư chư thiện pháp, bất năng tu hành.
於諸善法。不能修行。
(Đối với các thiện pháp, chẳng thể tu hành).
Rất dễ tạo tác ác pháp, rất khó tu hành thiện pháp, những điều này đều là tình cảnh nghiệp chướng sâu nặng vậy!
Chánh kinh:
Thời chư Bồ Tát văn thị ngữ dĩ, tùng địa nhi khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính, nhi bạch Phật ngôn: "Thiện tai Thế Tôn! Nguyện vị ngã đẳng thuyết thử nghiệp chướng. Ngã đẳng tri tội, đương tự điều phục, ngã tùng kim nhật, cánh bất cảm tác".
時諸菩薩。聞是語已。從地而起。偏袒右肩。右膝著地。合掌恭敬。而白佛言。善哉世尊。願為我等。說此業障。我等知罪。當自調伏。我從今日。更不敢作。
(Khi ấy, các Bồ Tát nghe lời ấy xong, từ dưới đất đứng lên, trật áo vai phải, gối phải đặt sát đất, chắp tay cung kính, bèn bạch Phật rằng: "Lành thay, thưa Thế Tôn! Xin vì chúng con nói nghiệp chướng ấy. Chúng con biết tội sẽ tự điều phục, con từ hôm nay chẳng dám làm nữa!")
Những điều nói trong đoạn này thật là hết sức khó có, hy hữu! Chịu sửa lỗi, chịu đổi mới, người như vậy sẽ có thể cứu được. Có xấu hổ, có thẹn thùng, cầu Phật chỉ dạy rành rẽ những ác nghiệp do chính mình đã tạo trong quá khứ khiến ngày nay gặp phải những chướng nạn như thế. Biết tội lỗi ấy, bọn họ còn có thể sửa lỗi đổi mới, giống như trong kinh Vô Lượng Thọ nói "tẩy tâm dịch hạnh" (rửa lòng đổi hạnh), từ nay trở đi chẳng dám tái phạm.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát ngôn:
爾時。佛告諸菩薩言。
(Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các Bồ Tát rằng)
Phật giảng cho sáu mươi vị Bồ Tát nghe.
Chánh kinh:
Thiện nam tử! Nhữ tằng vãng tích, ư Câu Lưu Tôn Phật Như Lai pháp trung, xuất gia vi đạo.
善男子。汝曾往昔。於俱留孫佛。如來法中。出家為道。
(Thiện nam tử! Các ông từng trong xưa kia, ở trong pháp của đức Câu Lưu Tôn Phật Như Lai, xuất gia tu đạo)
Thời gian ấy rất lâu. Câu Lưu Tôn Phật là vị Phật thứ nhất của Hiền kiếp; Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư. Thời gian ấy rất dài lâu. Trong thời Câu Lưu Tôn Phật, bọn họ xuất gia, tu hành. Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Trung Quốc là Sở Ưng Đoạn (cái đáng nên đoạn). Phiền não là cái đáng nên đoạn, vô minh là cái đáng nên đoạn, những gì đáng nên đoạn Ngài đều đoạn sạch, ý nghĩa của danh hiệu Ngài là vậy.
Chánh kinh:
Tự thị đa văn, tu trì tịnh giới.
自恃多聞。修持淨戒。
(Tự cậy đa văn, tu trì tịnh giới)
Có thể thấy là hạng người này rất thông minh và rất có trí huệ, nghe kinh rất nhiều. Bọn họ cậy mình đã nghe nhiều kinh, lại tự cho là mình giới luật rất thanh tịnh. Như vậy là cũng khá, tu hành cũng tốt đẹp, nghiệp chướng là do đâu? Phần kế tiếp nói:
Chánh kinh:
Thường hoài kiêu mạn, ngạo dật chi tâm.
常懷憍慢。傲逸之心。
(Thường ôm lòng kiêu mạn, ngạo nghễ, phóng dật).
Bệnh phát từ đây. Đối với người tỏ vẻ kiêu ngạo, nói theo ngôn ngữ bây giờ là "đáng nên kiêu ngạo!". Bệnh của những vị Bồ Tát ấy là ở chỗ này. Các vị xem: Họ đa văn, đa văn vốn là rất tốt, đáng nên kiêu ngạo. Giới luật thanh tịnh cũng rất hay, đáng nên kiêu ngạo! Đáng nên kiêu ngạo là xong rồi! Bây giờ quý vị có một chút sở trường nào, người khác chẳng bằng được mình, quý vị có thấy đáng nên kiêu ngạo hay không? Nếu như quý vị cũng thấy đáng nên kiêu ngạo thì hãy nhớ kỹ đoạn kinh văn này để coi quý vị có còn nên kiêu ngạo hay là không? "Mạn" là ngạo mạn, "dật" là phóng dật (buông lung), tức là rất tùy tiện.
Chánh kinh:
Hựu hành đầu-đà, thiểu dục tri túc.
又行頭陀。少欲知足。
(Lại hành đầu đà, ít muốn, biết đủ).
Điều này lại càng khó được! Đầu-đà là khổ hạnh, lúc bọn họ tu hành đã từng tu khổ hạnh. "Thiểu dục tri túc" hết sức khó được!
Chánh kinh:
Ư thị công đức, phục sanh chấp trước.
於是功德。復生執著。
(Với công đức này, lại sanh chấp trước).
Bệnh họ nổi lên rồi: Chấp tướng! Chấp tướng cũng là vướng phải kiêu ngạo: Người khác tu hành đều chẳng bằng họ, bọn họ được những tín đồ tại gia cung kính, cúng dường. Ý nghĩa đoạn này rất sâu, rất rộng, quý vị phải rất lắng lòng, rất chú tâm thấu hiểu, chẳng nên đọc sơ sài lướt qua đoạn kinh này. Đoạn dưới, đức Phật nói cụ thể về sự tướng gây tạo ác nghiệp.
Chánh kinh:
Nhĩ thời hữu nhị thuyết pháp tỳ kheo.
爾時。有二說法比丘。
(Lúc bấy giờ có hai vị tỳ-kheo thuyết pháp).
Có hai vị xuất gia, đại khái là thường giảng kinh thuyết pháp ở bên ngoài. Giảng kinh thuyết pháp đương nhiên thính chúng đông, cúng dường cũng nhiều.
Chánh kinh:
Đa chư thân hữu, danh văn, lợi dưỡng.
多諸親友。名聞利養。
(Có nhiều bè bạn, tiếng tăm, lợi lộc).
Pháp sư thuyết pháp nhất định được như vậy, nhất định có hiện tượng như thế.
Chánh kinh:
Nhữ ư thị nhân dĩ xan tật tâm.
汝於是人。以慳嫉心 。
(Với hai người ấy, các ông do lòng ghen ghét)
Họ ghen ghét hai vị pháp sư giảng kinh, thuyết pháp.
Chánh kinh:
Vọng ngôn phỉ báng.
妄言誹謗。
(Bịa đặt phỉ báng).
Các ông muốn phá hoại, ghen ghét họ. Để phá hoại họ thì phỉ báng bằng cách nào? Đồn đãi, đặt chuyện, nói hai tỳ kheo ấy là:
Chánh kinh:
Hành dâm dục sự. Thị thời pháp sư thân hữu quyến thuộc, do nhữ ly gián, thuyết kỳ trọng quá, giai linh nghi hoặc, bất sanh tín thọ.
行淫欲事。是時法師。親友眷屬。由汝離間。說其重過。皆令疑惑。不生信受。
(Làm chuyện dâm dục. Khi ấy, thân hữu, quyến thuộc của pháp sư do các ông ly gián, nói họ phạm lỗi nặng nên đều ngờ vực, chẳng sanh lòng tin nhận [pháp của hai pháp sư ấy giảng nữa])
Đấy là phá hoại tín tâm của thính chúng đối với pháp sư giảng kinh thuyết pháp, khiến cho đại chúng chẳng còn tin tưởng vị pháp sư ấy nữa.
Chánh kinh:
Bỉ chư chúng sanh, ư thị pháp sư vô tùy thuận tâm, đoạn chư thiện căn.
彼諸眾生。於是法師。無隨順心。斷諸善根。
(Các chúng sanh ấy đối với pháp sư đó không có tâm tùy thuận, dứt các thiện căn)
Cần phải hiểu là đối với hết thảy pháp, công đức nghe pháp không có gì có thể sánh bằng; bởi lẽ, nghe pháp phát sanh trí huệ. Đặc biệt là tâm cung kính. Trong kinh Phật thường dạy, cổ đức cũng thường nói. Ấn Quang đại sư nói rất hay: "Một phần cung kính được một phần lợi ích; mười phần cung kính được mười phần lợi ích". Nếu lòng cung kính bị phá hoại toàn bộ, bất cứ công đức nào cũng chẳng thể đạt được. Đó gọi là gì? Đoạn pháp thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh. Bọn họ tạo tội nghiệp như thế này: Tung tin đồn, đặt chuyện phá hoại đạo tràng.
Chánh kinh:
Thị cố nhữ đẳng do tư ác nghiệp.
是故汝等。由斯惡業。
(Vì thế các ông do ác nghiệp ấy).
Do tạo ác nghiệp ấy, các ông đã từng...
Chánh kinh:
Ư lục thập bách thiên tuế trung, sanh A Tỳ địa ngục.
於六十百千歲中。生阿鼻地獄。
(Trong sáu mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục A Tỳ).
"Lục thập bách thiên tuế" là sáu trăm vạn. Tạo tội nghiệp đó, bọn họ đã phải sống trong địa ngục A Tỳ sáu trăm vạn năm. Sáu trăm vạn năm là chỉ thời gian trong loài người, tính theo thời gian của chúng ta. Các vị xem: Tạo tội rất dễ dàng, đã từng sống trong địa ngục A Tỳ sáu trăm vạn năm. Các vị đọc trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện có giải thích tường tận về địa ngục A Tỳ. Trong kinh Lăng Nghiêm cũng nói rất tường tận.
Chánh kinh:
Dư nghiệp vị tận.
余業未盡。
(Nghiệp thừa chưa hết).
Vẫn còn thừa tội: Trọng tội đã trả rồi, trả xong vẫn còn dư tội. Lúc đó, chuyển sang một địa ngục nhẹ hơn.
Chánh kinh:
Phục ư tứ thập bách thiên tuế trung, sanh Đẳng Hoạt địa ngục.
復於四十百千歲中。生等活地獄。
(Lại trong bốn mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Đẳng Hoạt).
"Tứ thập bách thiên" là bốn trăm vạn. Lại trải qua bốn trăm vạn năm trong Đẳng Hoạt địa ngục. Đẳng Hoạt là một trong tám đại địa ngục, tức là trong tám địa ngục nóng, địa ngục thứ nhất là Đẳng Hoạt.
Chánh kinh:
Dư nghiệp vị tận.
余業未盡。
(Nghiệp thừa chưa hết).
Đến đây nghiệp thừa vẫn còn.
Chánh kinh:
Phục ư nhị thập bách thiên tuế trung, sanh Hắc Thằng địa ngục.
復於二十百千歲中。生黑繩地獄。
(Lại trong hai mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Hắc Thằng).
Phía dưới Đẳng Hoạt là Hắc Thằng. Địa ngục này thọ tội so với địa ngục trên nhẹ hơn một chút, nhưng vẫn thuộc trong tám đại địa ngục.
Chánh kinh:
Phục ư lục thập bách thiên tuế trung, sanh Thiêu Nhiệt địa ngục.
復於六十百千歲中。生燒熱地獄。
(Lại trong sáu mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Thiêu Nhiệt).
Địa ngục Thiêu Nhiệt là địa ngục thứ sáu trong tám đại địa ngục. Địa ngục thứ bảy tôi không nói chi tiết, trong Phật Học Đại Từ Điển, kinh Địa Tạng, kinh Lăng Nghiêm, sách Pháp Uyển Châu Lâm đều có nói, tài liệu tham khảo rất nhiều. Thọ báo trong các địa ngục lớn nhỏ kể trên, tính theo thời gian trong nhân gian tổng cộng là một ngàn tám trăm vạn năm. Đấy là tạo tội rất dễ dàng, thọ khổ thật dài lâu, có mấy ai biết hay chăng?
Chánh kinh:
Tùng bỉ một dĩ, hoàn đắc vi nhân.
從彼歿已。還得為人。
(Từ đó chết đi, lại được làm người).
Từ địa ngục thoát ra, lại được làm thân người. Được thân người như thế nào?
Chánh kinh:
Ngũ bách thế trung, sanh manh vô mục.
五百世中。生盲無目。
(Trong năm trăm đời, mù từ lúc vừa sanh, không có mắt).
Tức là mới vừa sanh ra mắt đã mù, cả năm trăm đời! Đó là dư báo.
Chánh kinh:
Dĩ tàn nghiệp cố!
以殘業故。
(Do tàn nghiệp vậy)
Đương nhiên người như vậy cuộc sống nhất định rất khốn khổ.
Chánh kinh:
Tại tại sở sanh, thường đa mông độn.
在在所生。常多蒙鈍。
(Sanh ở chỗ nào cũng thường hay tối tăm, chậm lụt).
"Độn" (鈍) là căn tánh chẳng lanh lợi. "Mông" (蒙) là mờ mờ, mịt mịt, chẳng có trí huệ.
Chánh kinh:
Vong thất chánh niệm, chướng phú thiện căn, phước đức vi thiểu, hình dung xú khuyết, nhân bất hỷ kiến, phỉ báng khinh tiện, hý lộng khi hiềm, thường sanh biên địa.
忘失正念。障覆善根。福德微少。形容醜缺。人不喜見。誹謗輕賤。戲弄欺嫌。常生邊地。
(Quên mất chánh niệm, che ngăn thiện căn, phước đức ít ỏi, hình dáng xấu xa, thiếu sứt, người khác chẳng ưa trông thấy, phỉ báng, khinh dễ, chọc ghẹo, coi thường, ghét bỏ, thường sanh nơi biên địa).
Đấy là quả báo họ phải gánh chịu. Trong quá khứ họ từng chọc ghẹo người khác, nay được làm thân người bèn thuộc địa vị hèn hạ, cũng bị người khác phỉ báng, khinh rẻ, chọc ghẹo, khinh thường. "Thường sanh biên địa": Biên địa là nơi văn hóa hết sức lạc hậu; nói theo ngôn ngữ hiện tại, [biên địa] là nơi không có giáo dục, sống ở những nơi ấy không có cơ hội được hưởng sự giáo dục.
Chánh kinh:
Bần cùng hạ liệt, táng thất tài bảo, tư sanh gian nan, bất vị chúng nhân tôn trọng kính ái.
貧窮下劣。喪失財寶。資生艱難。不為眾人。尊重敬愛。
(Nghèo túng, kém hèn, của cải tan mất, cuộc sống khốn khó, chẳng được mọi người tôn trọng, yêu kính).
Trong năm trăm đời tuy được thân người, nhưng chẳng qua chỉ là những năm tháng gian khổ.
Chánh kinh:
Tùng thử một dĩ, ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, hoàn ư biên địa, hạ liệt gia sanh.
從此歿已。於后末世。五百歲中。法欲滅時。還於邊地。下劣家生。
(Từ đấy chết đi, vào đời Mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, vẫn sanh trong nhà hèn kém ở nơi biên địa).
Lúc bọn họ lại được làm người nhằm thời kỳ giống như thời Mạt Pháp hiện tại của chúng ta. "Mạt thế ngũ bách niên" là năm trăm năm đầu tiên trong thời kỳ Mạt Pháp. Cũng trong năm trăm năm thường được kinh điển nói tới, trong thời gian ấy, họ vẫn sanh ở nơi biên địa, chẳng có Phật pháp. Do trong quá khứ báng pháp, nên chẳng có cơ hội nghe Phật pháp.
Chánh kinh:
Quỹ phạp cơ đống, vị nhân phỉ báng, vong thất chánh niệm, bất tu thiện pháp. Thiết ư tu hành, đa chư lưu nạn. Tuy tạm phát khởi trí huệ quang minh, dĩ nghiệp chướng cố, tầm phục hoàn một.
匱乏飢凍。為人誹謗。忘失正念。不修善法。設於修行。多諸留難。雖暫發起。智慧光明。以業障故。尋復還沒。
(Túng thiếu, đói rét, bị người khác phỉ báng, quên mất chánh niệm, chẳng tu pháp lành. Cho dù tu hành, gặp nhiều tai nạn. Dù trí huệ quang minh có tạm phát khởi, nhưng vì nghiệp chướng, bèn lại mất ngay)
Đây là nghiệp chướng sâu nặng, dù trí huệ vừa mới xuất hiện một chút, liền lập tức lại mê mờ, quên mất, hoặc là bị người khác gây chướng ngại. Chướng duyên rất nhiều!
Chánh kinh:
Nhữ đẳng tùng bỉ ngũ bách tuế hậu, thị chư nghiệp chướng nhĩ nãi tiêu diệt.
汝等從彼五百歲后。是諸業障。爾乃消滅。
(Các ông sau năm trăm năm ấy, các nghiệp chướng đó mới bèn tiêu diệt).
Có hiện tượng này là do họ thật sự giữ được sự giác ngộ. Do vì giác mà chẳng mê, chánh chứ không tà, tịnh chẳng còn nhiễm, nghiệp chướng của họ tiêu diệt. Sau khi tiêu diệt, lại y giáo tu hành, thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mới hòng thoát khỏi tam giới, mới hòng liễu sanh tử vĩnh viễn thoát luân hồi!
Chánh kinh:
Ư hậu đắc sanh A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới. Thị thời bỉ Phật đương vị nhữ đẳng thọ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ký.
於后得生。阿彌陀佛。極樂世界。是時彼佛。當為汝等。授阿耨多羅三藐三菩提記。
(Sau đấy được sanh về thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Lúc đó, đức Phật ấy sẽ thọ ký quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho các ông).
Câu này nói về sự thành tựu khi đã sanh về thế giới Cực Lạc.
2. Khi ấy các Bồ Tát liền phát mười ba hoằng thệ, Phật tán thán ấn khả
Chánh kinh:
Nhĩ thời, chư Bồ Tát đẳng văn Phật sở thuyết, cử thân mao thụ, thâm sanh ưu hối, tiện tự vấn lệ, tiền bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Ngã kim phát lộ, hối kỳ quá cữu. Ngã đẳng thường ư Bồ Tát thừa nhân khinh mạn tật nhuế, cập dư nghiệp chướng. Kim ư Phật tiền, như tội sám hối, ngã đẳng kim nhật, ư Thế Tôn tiền, phát hoằng thệ nguyện.
爾時。諸菩薩等。聞佛所說。舉身毛豎。深生憂悔。便自抆淚。前白佛言。世尊。我今發露。悔其過咎。我等常於。菩薩乘人。輕慢嫉恚。及余業障。今於佛前。如罪懺悔。我等今日。於世尊前。發弘誓願。
(Lúc bấy giờ, các vị Bồ Tát nghe lời Phật dạy, lông trên toàn thân dựng cả lên, sanh lòng buồn tủi, hối hận sâu xa, liền lau nước mắt, bạch trước Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Con nay bày tỏ, hối tội lỗi xưa. Chúng con thường đối với người hành hạnh Bồ Tát khinh mạn, ghét ganh, giận dữ, và [gây tạo] các nghiệp chướng khác. Nay đối trước Phật, đúng như tội mà sám hối, từ ngày hôm nay chúng con đối trước đức Phật phát lời thề rộng lớn)
Như trong phần trên đã nói: Các vị Bồ Tát ngu si, nghiệp chướng sâu nặng ấy đã hữu ý hay vô ý gây tạo các thứ ác nghiệp. Thời gian họ tạo ác nghiệp tuy không lâu nhưng quả báo thật là kinh khủng quá! Trong kinh điển, ta thấy rất nhiều những lời chỉ dạy giống như ở đây, cớ sao người học Phật vẫn cứ y như cũ chẳng biết kinh sợ, thức tỉnh, vẫn cứ hủy phạm? Trong kinh này, đức Phật đã giảng tường tận sự việc này cho chúng ta, ta phải chú tâm quán sát: Gây tạo ác nghiệp tựa hồ chẳng nghiêm trọng, vì sao quả báo lại nặng nề đến thế? Nếu chẳng thể thấu triệt hiểu rõ sự lý của việc này sẽ chẳng thể khiến chúng ta đoạn nghi sanh tín.
Chúng ta xem trong đoạn kinh văn trên đây, các vị Bồ Tát ấy nghe đức Phật nói xong, "lông trên toàn thân dựng đứng lên"; chúng ta thường nói là nghe xong "lạnh rởn da gà". Hôm nay chúng ta nghe [lời Phật dạy] xong tình hình có giống như vậy hay không? Không cảm thấy gì hết! Không cảm thấy gì hết thì gọi là chai lì, bất nhân. Chúng ta vẫn gây tạo những tội nghiệp ấy. Vì vậy, ta biết là: Tuy bảo sáu mươi vị Bồ Tát đó nghiệp chướng nặng nề, nhưng so với chúng ta, họ còn nhẹ hơn rất nhiều! Họ nghe xong liền có cảm xúc như thế, chúng ta nghe xong dửng dưng, bọn họ còn có cách cứu, chứ chúng ta hết cách cứu rồi!
Ở phần trước, đức Phật đã nói việc "kết tội" rất rõ ràng, chẳng phải chỉ kết tội với một người! Vì người gây tạo tội nghiệp do ghen ghét, nóng giận, nên mới ác ý phỉ báng, đồn rao đặt chuyện, phá hoại đạo tràng, phá hoại tín tâm của đại chúng. Nhà Phật thường nói: "Giết mạng người tội còn nhẹ". Quý vị giết người là giết một người, giết một trăm người, cho đến giết một vạn người, một ngàn vạn người, tội nghiệp ấy vẫn chưa nặng lắm. Chứ cái tội đoạn Pháp Thân Huệ Mạng của một người rất nặng!
Vì sao vậy? Nếu như người ấy có cơ hội ngay trong đời này được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, một người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, người ấy sẽ làm Phật, làm Bồ Tát. Quý vị phải biết là người ấy làm Phật, làm Bồ Tát sẽ độ không ít chúng sanh trong hư không pháp giới, chẳng phải chỉ ngàn vạn, ức vạn đâu nhé! Vì thế, nếu quý vị chướng ngại Pháp Thân Huệ Mạng của một người, so với cái tội giết một ngàn người, một vạn người chẳng biết là nặng hơn đến mức như thế nào. Điều này rất khó thể lãnh hội! Phải nên quán sát tư duy cẩn thận mới hòng lãnh hội được đôi phần.
Cổ nhân thường nói: "Người không phải là hiền thánh, ai không lầm lỗi?" Dù pháp sư có lầm lỗi thì ông ta là người phàm, chưa phải là thánh nhân, huống hồ là pháp sư thật sự có lỗi lầm hay là ông ta cố ý thị hiện như thế, ta đâu có biết? Phàm phu chúng ta đâu thể hiểu rõ!
Xưa kia, Thiên Thai Trí Giả đại sư đã nói rất hay, Ngài từng bảo: "Người làm pháp sư, người giảng kinh thuyết pháp, nói được nhưng chưa thể làm được, là quốc sư". Ông ta nói được, nói rồi thì sao? Chính ông ta làm chưa được; dạy mọi người đoạn tham, sân, si, nhưng ông ta chưa đoạn tham, sân, si. Ta có nên tôn kính ông ta hay chăng? Phải tôn kính! Ông ta là quốc sư, là thầy của mọi người trong một nước. Vì lời dạy của ông ta đích thực là chánh pháp, lời dạy không sai lầm, chẳng phải là tà pháp. Nếu như chúng ta chịu học hỏi lời dạy ấy, chắc chắn được lợi ích. Đấy là: "Thanh xuất ư lam, nhi thắng ư lam" (Màu xanh phát xuất từ màu lam, nhưng trội hơn hẳn màu lam). Học sinh thành tựu vượt hẳn ông thầy, chỉ cần lời ông ta dạy không phải là tà pháp thì ổng là quốc sư vậy.
"Nói được và làm được thì là quốc bảo": Quốc bảo ít, quốc sư nhiều. Cho nên [pháp sư nào ta cũng] đều phải tôn trọng, đừng thấy có chút tỳ vết bèn chẳng chấp nhận những lời dạy của ông ta. Ấy là đoạn Pháp Thân huệ mạng của chúng sanh, cho nên mới gặp phải quả báo tàn khốc. Kinh nói hạng người như thế đọa địa ngục, từ địa ngục A Tỳ, Đẳng Hoạt cho đến Thiêu Nhiệt, tính theo thời gian trong cõi người là một ngàn tám trăm vạn năm, nhưng thật ra, bọn họ chịu khổ, cảm thấy đúng là vô lượng kiếp, như ngạn ngữ nói là "sống một ngày dài như cả năm". Vì thế họ cảm nhận thời gian trong địa ngục so với thời gian thật sự chẳng biết nhiều gấp bao nhiêu lần.
Thời pháp là pháp bất định, mỗi cá nhân cảm nhận khác nhau, có người cảm thấy một năm khác nào vài ngày; trôi qua rất nhanh! Có người đang trong lúc khổ sở, hoạn nạn, thấy một năm dài dằng dặc. Phật dạy Thời chẳng phải là pháp bất định, hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp cảm của từng cá nhân. Tính ra, thiện căn của các Bồ Tát ấy sâu dày, nghe Phật dạy qua nhân quả báo ứng, toàn thân bèn rởn ốc.
"Thâm sanh ưu hối" là sanh tâm hổ thẹn.
"Tiện tự vấn lệ, tiền bạch Phật ngôn: - Thế Tôn! Ngã kim phát lộ, hối kỳ quá cữu": "Vấn lệ": Trước kia, quá nửa người ta dùng tay áo lau nước mắt. Bọn họ đối trước Phật phát lộ sám hối. "Lộ" là những tội nghiệp đã tạo trong quá khứ, hiện tại, chẳng giấu diếm mảy may, đều nói ra hết. Điều khẩn yếu nhất trong sự sám hối là từ nay trở đi, chẳng còn làm những việc lầm lạc như vậy nữa, thật sự triệt để sửa lỗi đổi mới. Sám hối như vậy mới có công dụng. Quyết định chẳng làm điều lầm lỗi, đối trước đức Phật khẩn cầu sám hối. Nếu ngày mai vẫn làm như cũ, rồi lại sám hối thì chẳng có ích gì hết, tội lại càng thêm nặng; khác chi ngày ngày khinh dối Phật, Bồ Tát, đối trước Phật, Bồ Tát vọng ngữ. Vì thế, sám hối tối khẩn yếu là "về sau chẳng làm nữa". Họ thật sự thực hiện, chúng ta hãy nghe họ nói.
"Ngã đẳng thường ư Bồ Tát thừa nhân": "Bồ Tát thừa nhân" là người hoằng pháp lợi sanh, trong đó có Bồ Tát xuất gia và Bồ Tát tại gia. Chẳng cần biết là xuất gia hay tại gia, người hoằng dương chánh pháp đều gọi là "Bồ Tát thừa nhân", còn gọi là Đại Thừa Bồ Tát.
"Khinh mạn tật nhuế, cập dư nghiệp chướng": Khinh (輕) là coi rẻ, xem thường. Mạn (慢) là ngạo mạn. Tật (嫉) là ghen ghét. Nhuế (恚) là nóng giận. Tật và Nhuế là giữ trong tâm, Khinh và Mạn là biểu hiện ra ngoài. Trong lòng ganh ghét, giận dữ, biểu hiện ra ngoài thành khinh rẻ, láo xược, và các nghiệp chướng khác.
"Kim ư Phật tiền, như tội sám hối": Tội lỗi đã tạo trong quá khứ, nay đối trước Phật phát lộ sám hối. Sám hối như thế nào? Sửa lỗi, đổi mới. Tiếp theo, các vị phát ra mười ba điều đại nguyện, đấy là "sửa lỗi" một cách cụ thể. Xin hãy xem kinh văn, chúng ta phải hiểu đúng để học tập theo những điều này.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế.
世尊。我從今日。至未來際。
(Bạch Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến đời vị lai).
Câu "chí vị lai tế" này rất khẩn yếu, bởi lẽ kinh này là kinh Đại Thừa, là pháp Bồ Tát. Pháp Tiểu Thừa chỉ là "tận hình thọ" (đến hết một đời), pháp Đại Thừa chẳng thể nói là "tận hình thọ", phạm vi của "tận hình thọ" quá nhỏ. "Tận vị lai tế" là đời đời kiếp kiếp ta đều tuân thủ, chứ chẳng phải chỉ một đời này! Đấy mới là chân thật sám hối, triệt để sửa lỗi.
Chánh kinh:
Nhược ư Bồ Tát thừa nhân, kiến hữu vi phạm, cử lộ kỳ quá.
若於菩薩乘人。見有違犯。舉露其過。
(Nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa, thấy họ có vi phạm mà nêu bày lỗi của họ).
Điều tôi đã làm trước đây là nếu thấy những Bồ Tát hoằng pháp lợi sanh chẳng cần biết là tại gia hay xuất gia, hễ họ phạm giới, làm điều lầm lỗi, tôi bèn "cử lộ kỳ quá" tức là phô bày lỗi lầm của họ, tuyên bố cho đại chúng biết, khiến mọi người xa lánh vị Đại Thừa Bồ Tát ấy, chẳng muốn đến nghe nhận pháp người ấy nói, chẳng muốn học hỏi với người ấy nữa. Việc làm khi trước là do tâm ganh ghét gây chướng ngại, hiện tại từ nay trở đi chẳng dám làm chuyện sai lầm nữa. Nếu vẫn làm như vậy thì....
Chánh kinh:
Ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
我等則為。欺誑如來。
(Chính là chúng con lừa dối Như Lai)
Vẫn làm những chuyện ấy thì chính là chúng con lừa dối đức Thế Tôn. Điều này được nêu đầu tiên vì đây chính là thí dụ về tạo nghiệp mà đức Thế Tôn đã nói trong phần trước. Đây là điều đầu tiên; điều này rất quan trọng. Hãy xem điều thứ hai.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế.
世尊。我從今日。至未來際。
(Bạch Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến đời vị lai).
Mười ba đại nguyện, trước mỗi một điều đều là "tùng kim nhật chí vị lai tế".
Chánh kinh:
Nhược ư Bồ Tát thừa nhân, hý lộng, cơ hiềm, khủng cụ, khinh tiện.
若於菩薩乘人。戲弄。譏嫌。恐懼。輕賤。
(Nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà bỡn cợt, chê ghét, đe đọa, khinh rẻ).
Câu này rất dễ hiểu, chúng tôi chỉ nói đôi chút. "Khủng cụ": Ta thường nói là uy hiếp, lấn lướt.
Chánh kinh:
Ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
我等則為。欺誑如來。
(Tức là chúng con lừa dối Như Lai).
Trong quá khứ thường phạm cái bệnh này, hoặc hữu ý hoặc vô ý. Vô ý làm sao phạm? Vô ý là từ vô thỉ kiếp đến nay, do ác tập khí, tự mình chẳng thể khống chế được, thường phạm những lỗi ấy. Câu thứ ba là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược kiến tại gia, xuất gia Bồ Tát thừa nhân, dĩ ngũ dục lạc, du hý, hoan ngu, kiến thọ dụng thời, chung bất ư bỉ ty cầu kỳ quá.
世尊。我從今日。至未來際。若見在家。出家。菩薩乘人,以五欲樂。游戲。歡娛。見受用時。終不於彼。伺求其過。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến tận vị lai, nếu thấy người thuộc Bồ Tát thừa dù là tại gia, hay là xuất gia, lúc thấy họ dùng thú vui ngũ dục để chơi bời, vui sướng thụ hưởng, con trọn chẳng bới tìm lỗi họ).
Điều này rất khó được. "Ngũ dục" là tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ, người đời coi là sung sướng. Họ thấy Đại Thừa Bồ Tát xuất gia hay tại gia hưởng thụ ngũ dục thế gian, thú vui lục trần, trong quá khứ, nếu thấy tình hình như vậy ắt gây phiền phức, liền bới móc lỗi họ, liền trách lỗi họ, nắm lấy đó để phỉ báng họ, giày xéo họ. Từ nay trở đi hối cải, chẳng những không tạo tội nghiệp như trong quá khứ, mà trái lại còn....
Chánh kinh:
Thường sanh tín kính, khởi giáo sư tưởng.
常生信敬。起教師想。
(Thường sanh lòng tin kính, tưởng như thầy dạy).
Dẫu cho họ có hưởng thọ ngũ dục, thú vui lục trần, chúng con vẫn cứ tin tưởng họ, vẫn tôn kính họ, vẫn thờ họ làm thầy để học theo, đấy là cách sửa lỗi đổi mới cụ thể vậy.
Chánh kinh:
Nhược bất nhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
若不爾者。我等則為。欺誑如來。
(Nếu chẳng như vậy thì chính là chúng con lừa dối Như Lai)
Trong điều này, đặc biệt nêu ra xuất gia và tại gia. Người tại gia thị hiện hưởng thụ ngũ dục, du hý vui chơi nhiều, người xuất gia so ra ít hơn. Đối với những chỗ hoan lạc trong thế gian, người xuất gia ít đi đến đó, nhưng tại gia Bồ Tát có thể đến được. Vì thế, đặc biệt nêu ra xuất gia và tại gia. Chúng ta học Phật, thường thấy trong các kinh luật nói là hết thảy chúng sanh căn tánh chẳng giống nhau. Chư Phật Bồ Tát độ chúng sanh, tức là tiếp dẫn chúng sanh, cũng phải dùng vô cùng tận những thủ đoạn, phương pháp khác nhau. Ta là phàm phu mắt thịt thiếu trí huệ, nhìn chẳng ra, lắm phen ta thấy dường như có những vị không tuân thủ giới luật, phá hoại thanh quy, chứ thật ra, [họ làm vậy] để độ một loại chúng sanh nào đó.
Trong lịch sử Trung Quốc, ai nấy đều biết thời cổ xuất hiện vị Tế Công Hoạt Phật. Cận đại, đầu thời Dân Quốc, pháp sư Diệu Thiện ở chùa Kim Sơn tỉnh Giang Tô được mọi người xưng là "Kim Sơn Hoạt Phật". Hành vi của pháp sư Diệu Thiện chẳng khác Tế Công cho mấy, Ngài cũng thị hiện khùng khùng điên điên. Cảnh giới của các Ngài chẳng thể nghĩ bàn, bọn người bình thường ta trọn chẳng thể tưởng tượng, chẳng thể suy lường được! Những người như vậy chúng ta nhất định phải tôn kính, nhất định phải tin sâu chẳng nghi. Quán sát kỹ ngôn hạnh của họ đều là Chánh Pháp, đều là dạy dỗ người khác liễu sanh thoát tử, thoát tam giới, chẳng hề chống trái với kinh giáo của Phật, chỉ là thủ đoạn của các Ngài chẳng tương đồng. Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân, xan thân hữu gia, cập chư lợi dưỡng, não bỉ thân tâm, linh kỳ bức bách, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。慳親友家。及諸利養。惱彼身心。令其逼迫。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến tận vị lai, nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà xẻn tiếc kẻ thân hữu và các lợi dưỡng, não loạn thân tâm họ, bức bách họ, tức là chúng con lừa dối Như Lai).
Đoạn này ý nói: Những vị đại đức hoằng pháp (chữ "Bồ Tát thừa nhân" bao gồm tại gia, xuất gia) nhất định có rất nhiều người tôn kính, cúng dường. "Thân hữu gia" là người thân cận, cúng dường, trong đó có thân thích, bạn bè của quý vị, có rất nhiều người quen biết. Quý vị thấy những người ấy cúng dường, tôn kính vị hoằng pháp, trong tâm rất khó chịu. Sự việc này có thật, chẳng giả đâu, chúng tôi cũng từng thấy qua, rõ rệt nhất là ở những vị làm cha mẹ.
Mỗi khi pháp sư đến nhà tín đồ, con cái họ là tín đồ của pháp sư, thấy pháp sư đến liền quỳ lạy, cung kính, cúng dường, cha mẹ ở bên cạnh thấy vậy rất khó chịu! Con cái chẳng thèm lễ bái mình, cũng chẳng cúng dường mình, hằng ngày còn cộc cằn đối với mình, cái gã người ngoài đó, ổng là cái thá gì mà nó ngày ngày đến quỳ lạy, tiền bạc chẳng dễ kiếm mà lại đem cúng dường cho ổng luôn, trong tâm bất phục! Vì vậy, trong lòng nghĩ cách gây chướng ngại [pháp sư].
"Não bỉ thân tâm" là khiến cho người đó sanh phiền não, bức bách kẻ đó, chuyện này rất thường thấy! Kinh này được đức Phật giảng vào ba ngàn năm trước đây, vào lúc đó còn có những chuyện như thế, huống hồ bây giờ? Nói thật ra, pháp sư dạy dỗ tín đồ thì trước hết phải dạy họ hiếu dưỡng phụ mẫu. Nếu quý vị đối với cha mẹ chẳng kính hiếu, đối với pháp sư lại kính hiếu, thì lòng hiếu kính ấy là giả, chẳng thật vậy. Lẽ đâu đối với thân nhân của mình chẳng hiếu kính, lại đi hiếu kính người chỉ có quan hệ sơ sài, xa xôi đối với mình ư? Như vậy, xét theo Lý chẳng thông, trái nghịch luân lý. Vì thế, Phật dạy chúng ta điều thứ nhất là "hiếu dưỡng phụ mẫu", điều thứ hai là "phụng sự sư trưởng".
Đạo thầy trò kiến lập trên cơ sở hiếu đạo; pháp sư nhất định phải dạy bảo điều này. Nếu quả thật kẻ ấy ở nhà hiếu thuận cha mẹ thì khi pháp sư đến nhà kẻ ấy, cha mẹ kẻ ấy sẽ hoan hỷ. Chuyện đó, đạo lý đó chúng ta đều phải suy nghĩ kỹ, đều phải nỗ lực phản tỉnh, chẳng khiến cho chúng sanh gây tạo tội nghiệp. Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân dĩ nhất thô ngôn linh kỳ bất duyệt, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。以一粗言。令其不悅。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ nay trở đi cho đến đời vị lai, nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà dùng một câu thô lỗ khiến cho người ấy chẳng vui thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
"Thô ngôn" tức là lời lẽ thô lỗ, lời nói chẳng dễ nghe, khiến tâm người nghe khó chịu. Khẩu nghiệp này cũng rất dễ phạm. Trong việc thanh tịnh ba nghiệp, kinh Vô Lượng Thọ xác lập điều thứ nhất của cương lãnh tu hành là: "Khéo giữ khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi người khác". Trong ba điều tương đương với thân - ngữ - ý thì thân nghiệp lẽ ra đứng đầu, vì sao lại đặt ngữ nghiệp làm đầu? Nhằm chỉ rõ khẩu nghiệp dễ phạm nhất, cho nên đặt khẩu nghiệp làm điều thứ nhất.
Điều thứ sáu [trong mười ba hoằng thệ nguyện] là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân, trú dạ lục thời bất cần lễ sự, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。晝夜六時。不勤禮事。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà đêm ngày sáu thời chẳng siêng kính thờ, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Năm điều trên là những điều thường vi phạm trong quá khứ và trong đời này. Đối với Đại Thừa Bồ Tát chẳng biết cung kính, chẳng biết thừa sự, lại còn dùng những tâm tư ghen ghét, ngạo mạn để đối xử với những người thuộc Bồ Tát thừa ấy. Từ điều thứ sáu trở đi, kể từ hôm nay chẳng những các tâm tư thái độ xấu xa, hèn kém ấy phải thay đổi, mà còn phải nỗ lực siêng năng cung kính, thừa sự. Bởi thế, họ mới phát nguyện "đêm ngày sáu thời" nghĩa là tâm cung kính ấy chẳng gián đoạn, chẳng lui sụt.
Siêng năng thừa sự. "Sự" là hầu hạ. Điều thứ bảy là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, vị dục hộ trì thử hoằng thệ cố, bất tích thân mạng. Nhược bất nhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。為欲護持。此弘誓故。不惜身命。若不爾者。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, vì muốn hộ trì hoằng thệ này cho nên chẳng tiếc thân mạng. Nếu chẳng như thế, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Phần này nói đến "hộ trì hoằng thệ", nghĩa rộng là [hộ trì] trọn mười ba điều, nghĩa hẹp là sáu điều trước. Phát thệ tôi nhất định phải làm được, chẳng những hiện tại phải làm được mà đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn sẽ làm được. "Chẳng tiếc thân mạng" là nếu gặp phải chướng ngại, dẫu có phải bỏ thân mạng cũng chẳng tiếc, tuyệt đối chẳng trái nghịch thệ nguyện của mình. Tiếp theo đây là một điều nữa:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Thanh Văn, cập Bích Chi Phật, dĩ khinh mạn tâm, vị ư bỉ đẳng bất thắng ư ngã, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於聲聞。及辟支佛。以輕慢心。謂於彼等。不勝於我。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu đối với Thanh Văn và Bích Chi Phật, do tâm khinh mạn nói họ chẳng hơn được mình, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Những điều ở phần trên là đối với Bồ Tát Đại Thừa, còn điều này là đối với Tiểu Thừa. Người tu học Đại Thừa hay khinh mạn Tiểu Thừa, thấy các pháp sư Tiểu Thừa đều hạ họ xuống một bực, coi thường họ, khinh dễ họ, như vậy là sai lầm.
Đại Thừa Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta "lễ kính chư Phật". Phạm vi của chữ "chư Phật" rộng lớn phi thường, trừ ta ra, [ai nấy] đều là chư Phật. Chư Phật bao gồm Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai. Hết thảy chúng sanh đều là Phật tương lai, há lẽ đâu chẳng cung kính! Thanh Văn, Duyên Giác cũng là vị lai Phật, tuy hiện tại tu Tiểu Thừa, tương lai nhất định sẽ hồi tiểu hướng đại. Trong kinh Phật đã dạy: Người tu Tiểu Thừa sau khi chứng được quả A La Hán, sau hai vạn kiếp sẽ hồi tiểu hướng đại, còn Bích Chi Phật thì một vạn kiếp bèn hồi tiểu hướng đại, cho nên họ đều là vị lai Phật, há nên dùng tâm khinh mạn bảo họ chẳng phải là Như Lai ư? Chữ "bỉ đẳng" chỉ những người Tiểu Thừa ấy.
"Bất thắng ư ngã" (chẳng hơn được mình) nghĩa là coi họ chẳng bằng được mình vì mình tu Đại Thừa, họ tu Tiểu Thừa. Chẳng được sanh lòng ngạo nghễ, ngã mạn như thế. Sanh tâm như vậy là sanh phiền não, tâm chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng, đã tạo thành chướng ngại nghiêm trọng cho việc tu hành của chính mình. Lại xem tiếp điều sau đây:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược bất thiện năng tồi phục kỳ thân, sanh hạ liệt tưởng như Chiên-đà-la, cập ư cẩu khuyển, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若不善能。摧伏其身。生下劣想。如旃陀羅。及於狗犬。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu chẳng thể khéo dẹp yên cái thân, sanh ý tưởng hèn kém giống Chiên-đà-la và như chó má thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Điều này rất trọng yếu mà cũng rất khó được. Phật pháp bảo căn bản phiền não, ngoài tham, sân, si là ngạo mạn. Ngạo mạn là phiền não lớn, là căn bản phiền não, thánh nhân thế gian và xuất thế gian đều thừa nhận loại phiền não này có từ lúc ta mới sanh ra. Có chúng sanh nào mà chẳng kiêu ngạo? Quý vị cứ thử xét kỹ trong cả đời mình, quý vị có thể tìm được một ý niệm chẳng kiêu ngạo hay không?
Nho học biết kiêu ngạo là xấu nên Nho gia dạy người "ngạo bất khả trưởng", tức là chẳng nên tăng trưởng ngạo mạn, nhưng không dạy ta đoạn ngạo mạn. Phật pháp dạy ta siêu việt thế gian, vì thế nhất định phải đoạn phiền não. Phiền não chẳng đoạn sẽ chẳng thể siêu thoát lục đạo luân hồi. Vì vậy, nếu quý vị muốn thoát khỏi luân hồi, cái tâm ngạo mạn này nhất định phải đoạn. Điều phát thệ này chính là phương pháp để đoạn phiền não. Nho gia dạy người ty khiêm - khiêm hư, ty hạ (khiêm tốn, nhún nhường). Ở đây, đức Phật dạy những vị ấy ấy sám hối cũng chính là nhằm dạy dỗ chúng ta.
"Thiện năng tồi phục kỳ thân" tức là dẹp yên phiền não nơi tự thân, phải "sanh hạ liệt tưởng" (sanh ý tưởng hèn kém), "hạ liệt" nghĩa là ta chẳng bằng người khác. Đối với chư Phật, Bồ Tát, đương nhiên ta chẳng bằng được; đối với Thanh Văn, Duyên Giác, ta cũng chẳng bằng. Địa vị thấp nhất trong Tiểu thừa là quả Tu Đà Hoàn (Sơ Quả), đã đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc của tam giới, ta làm sao sánh bằng! Ta một phẩm phiền não còn chưa thể đoạn nổi! Ngay cả với hết thảy những người trong thế gian, mỗi một cá nhân đều có ưu điểm, đều có chỗ vượt trội hơn ta, lẽ nào khinh mạn người khác? Vì thế ta phải thường sanh ý tưởng kém hèn để hàng phục lòng cống cao ngã mạn của ta. Tiếp đó, kinh nêu lên hai tỷ dụ:
"Chiên-đà-la": Trong xã hội Ấn Độ thời cổ, giai cấp bất bình đẳng, Chiên-đà-la là địa vị thấp hèn nhất trong bốn chủng tánh, thậm chí "giống như chó má" . Dùng phương pháp này để hàng phục tập khí phiền não cống cao, ngã mạn. Điều thứ mười là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược tự tán thán, ư tha hủy thư, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若自贊嘆。於他毀呰。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu khen ngợi mình, chê bai người khác, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Đây là chứng bệnh chúng ta thường phạm: Tự khen mình, chê người. Học Phật cũng chẳng phải là ngoại lệ. Hiện tại chúng ta học pháp môn Tịnh Độ, biết là pháp môn Tịnh Độ thù thắng bậc nhất, các pháp môn khác chẳng sánh bằng. Nói như vậy là phạm vào lỗi "khen mình, chê người". Tuy lời lẽ ấy, trong kinh điển ta thấy có lúc Phật cũng nói, tổ sư đại đức cũng thường giảng, nhưng các Ngài có ý riêng: Nhằm khuyến khích, cổ võ những người cùng tu pháp môn này, chứ chẳng phải là lời nói quyết định đối với bên ngoài, đặc biệt là ở những đạo tràng thuộc tông phái hay pháp môn khác biệt, càng chẳng nên nói.
Bởi lẽ, chúng sanh căn tánh bất đồng, bọn họ là căn tánh học Thiền, họ tham Thiền cũng được thành tựu, họ niệm Phật chẳng thành tựu. Giống như bệnh nhân, mỗi người mắc bệnh mỗi khác, cho nên dùng thuốc khác nhau, chỉ cần họ uống thuốc nào bèn lành bệnh, uống vô là hết bệnh thì thuốc ấy có lợi ích chân thật, hiệu quả chân thật. Đấy là kiến thức thông thường người học Phật chúng ta phải hiểu rõ. Chúng ta gặp người học Thiền, nhất định phải khen ngợi tham Thiền, gặp người học Giáo, nhất định phải khen ngợi học Giáo; khuyến khích họ, giúp đỡ họ thì mới là đúng. Trọn chẳng được phỉ báng, phỉ báng là sai lầm. Các vị nói Thiền chẳng tốt thì Thiền là do Thích Ca Mâu Ni Phật truyền dạy, chẳng phải là quý vị báng Phật hay sao?
Đã báng Phật ắt sẽ báng Pháp, cũng phỉ báng luôn người tham Thiền, vậy là quý vị báng Phật, báng Pháp, báng Tăng! Quý vị phỉ báng Tam Bảo, dù có niệm Phật giỏi đến đâu cũng chẳng được vãng sanh. Điều này chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ, cho thật minh bạch, trọn chẳng phạm lỗi khen mình chê người. Điều thứ mười một là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược bất bố úy, đấu tránh chi xứ, khứ bách do tuần, như tật phong xuy, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若不怖畏。鬪諍之處。去百由旬。如疾風吹。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay đến đời vị lai, nếu chẳng đi khỏi chỗ đáng sợ, chỗ tranh chấp một trăm do-tuần, như gió thổi nhanh thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Đoạn kinh này dạy chúng ta nhất định phải biết tránh khỏi chỗ tranh đấu. Phàm chỗ nào có tranh chấp, chúng ta phải tránh xa. "Trăm do-tuần" là nói tỷ dụ, chứ chẳng phải nhất định phải bỏ đi xa chừng đó, chủ yếu là ta phải tránh xa những nơi chốn ấy. "Như gió thổi nhanh" nghĩa là rất nhanh, xa lìa thật nhanh.
Học Phật tối khẩn yếu là tu tâm thanh tịnh, những chốn ấy nhất định gây trở ngại cho việc tu tâm thanh tịnh. Vì thế, Phật dạy chúng ta phải xa lìa, tránh đi. Cương lãnh tu hành của Phật pháp là Giác, Chánh, Tịnh. Tông môn (Thiền) là từ cửa Giác mà vào, giác nhưng chẳng mê. Giáo là từ cửa Chánh mà vào, chánh tri chánh kiến. Tịnh Độ là từ tâm thanh tịnh mà vào, tịnh nhưng chẳng nhiễm. Tuy nói là Giác, Chánh, Tịnh, nhưng thật ra, tuy một mà ba, tuy ba mà một. Có ai giác ngộ mà tà tri, tà kiến, có ai giác ngộ mà tâm chẳng thanh tịnh; bởi thế hễ đạt một sẽ đạt cả ba. Đấy chính là "pháp môn vô lượng, khác đường nhưng cùng về một chỗ".
Kinh Kim Cang dạy: "Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp" là nhằm ý này. Hễ quý vị đạt được một thì sẽ đạt tất cả. Vì thế, chúng ta đối với các pháp môn khác nhau đều phải khen ngợi thì mới đúng đắn, chúng ta phải nhớ kỹ điều này. Trong xã hội hiện tại, có rất nhiều chỗ tranh chấp, hễ gặp những chỗ như vậy chúng ta phải biết tránh né. Người ta thì đến tận đời vị lai, còn chúng ta mong mỏi trong một đời này tự mình thật sự thực hiện"cùng người không tranh, với sự chẳng cầu", tâm quý vị bèn thanh tịnh, đạo nghiệp mới có thể thành tựu, đạo nghiệp chính là tâm thanh tịnh. Điều thứ mười hai là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư trì giới, đa văn, đầu-đà, thiểu dục tri túc, nhất thiết công đức thân tự huyễn diệu, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於持戒。多聞頭陀。少欲知足。一切功德。身自炫曜。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay đến đời vị lai, nếu với trì giới, đa văn, đầu đà, ít dục biết đủ, hết thảy công đức mà tự mình vênh váo thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Trong điều phát thệ này, nếu tự nói ra sự thành tựu của chính mình, như là trì giới (giữ giới luật rất nghiêm), hoặc là đa văn (học rộng nghe nhiều), hoặc là tu khổ hạnh, Đầu Đà là khổ hạnh, "thiểu dục tri túc, hết thảy công đức" là nói tuy quý vị tu hành thành thục, có thành tựu, dẫu có thành tựu vẫn chẳng được ngạo mạn.
"Thân tự huyễn diệu" nói theo ngôn ngữ hiện thời là "đáng nên kiêu ngạo". "Đáng nên kiêu ngạo" là xấu, tu dù có giỏi cũng chẳng nên kiêu ngạo. Vì sao chẳng nên? So với Bồ Tát, so với chư Phật Như Lai, quý vị còn thua xa lắm, có gì đáng để kiêu ngạo đâu? Những ai muốn thành Phật đều chẳng nên kiêu ngạo. Quý vị có chút thành tựu liền nghĩ là mình ghê gớm lắm, liền nghĩ mình đáng nên kiêu ngạo, vì thế quý vị chẳng thể tiến thêm nổi. Chẳng những không thể tiến bộ, trái lại ngày càng lui sụt, "chẳng tiến ắt lùi"!
Bởi thế, câu nói "đáng nên kiêu ngạo" phổ biến trong cõi đời là một câu nói tồi tệ, cái quan niệm ấy khiến nhiều người tu hành bị đổ nhào. Bởi lẽ, dù quý vị có thành tựu, hễ khởi kiêu ngạo bèn bị lôi vào trong tam ác đạo. Điều thứ mười ba là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế, sở tu thiện bổn bất tự căng phạt, sở hành tội nghiệp tàm quý phát lộ. Nhược bất nhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。所修善本。不自矜伐。所行罪業。慚愧發露。若不爾者。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, gốc lành đã tu chẳng dám khoe khoang, tội nghiệp trót làm hổ thẹn bày tỏ. Nếu chẳng như thế, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Đoạn này là tổng kết, mà cũng là nói tổng quát. Hết thảy điều lành đã tu phải gìn giữ, giữ cho lâu dài, chẳng được tự hủy hoại. Gìn giữ như thế nào? Nhẫn nhục. Nhẫn nhục gìn giữ được hết thảy điều thiện.
Đối với tội nghiệp đã tạo phải hổ thẹn, phải biết phơi bày sám hối. Điều thệ nguyện này được biểu hiện trong sanh hoạt thường ngày qua khóa tụng sớm, tối. Mục đích của khóa sáng là nhắc nhở chính mình: Ngày hôm nay mình chiếu theo đúng lời Phật dạy để sống trọn một ngày, Phật dạy ta làm gì, ta phải nghiêm túc nỗ lực thực hiện, Phật bảo điều gì chẳng được làm, ngày hôm nay ta quyết định chẳng nên làm. Khóa tối là tự phản tỉnh, kiểm điểm, cả ngày hôm nay mình đối với người, đối với sự, đối với vật có điều gì chẳng tuân theo lời Phật dạy. Điều gì làm đúng thì ngày mai mình phải tiếp tục gìn giữ. Nếu có chi lầm lỗi, mình phải nhanh chóng sửa lỗi, đấy gọi là thực hành khóa tối. Thực hiện công khóa sớm tối như vậy thì có công đức, đúng là người học Phật, chân chánh tu hành.
Khóa tối, khóa sáng chẳng phải là cầm quyển kinh đọc cho Phật, Bồ Tát nghe. Phật, Bồ Tát chẳng thích nghe những điều ấy đâu nhé! Kinh do Ngài giảng, cần gì quý vị phải niệm cho Ngài nghe. Rất nhiều người hiểu lầm ý nghĩa công khóa sáng tối, cứ tưởng sáng niệm một lượt cho Phật nghe, tối lại niệm nữa. Ngày ngày đều chẳng thiếu thì ta là học trò ngoan của Phật, Phật nhất định bảo vệ, che chở ta. Thật ra, quý vị đã tạo tội nghiệp mà tự mình chẳng biết. Tội nghiệp gì vậy?
Buổi sáng dối Phật, Bồ Tát một lần, buổi tối lại dối một lần nữa. Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày, mỗi ngày chẳng thiếu sót, tội quý vị lớn lắm đó nghe! Phật, Bồ Tát thật sự chẳng ngồi đó, tượng đất đắp, gỗ khắc mà quý vị còn nhẫn tâm lừa dối, quý vị thử nghĩ coi tội lỗi mình nặng quá chừng! Quý vị chẳng học Phật, chẳng thực hành công khóa sáng tối thì chẳng mắc tội lỗi ấy, nay học Phật, thực hiện công khóa rốt cuộc lại đọa địa ngục A Tỳ mà vẫn chẳng hiểu vì đâu! Học Phật chẳng thể không hiểu rõ lý, chẳng thể cứ hồ đồ mê lý mà học, hồ đồ mê lý mà tu. Đấy là mười ba hoằng thệ.
Trong đoạn kinh văn tiếp theo, đức Phật khen ngợi các vị Bồ Tát ấy, đức Phật thấy bọn họ thực sự có thể sửa lỗi đổi mới, quay đầu là bờ, đáng được khen thưởng.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn tán chư Bồ Tát: - Thiện tai! Thiện tai!
爾時。世尊贊諸菩薩。善哉善哉。
(Khi ấy, đức Thế Tôn khen ngợi các Bồ Tát: - Lành thay! Lành thay!)
Phật khen ngợi sáu mươi vị Bồ Tát đã được nhắc đến trong phần trước.
Chánh kinh:
Thiện nam tử! Thiện thuyết như thị giác ngộ chi pháp.
善男子。善說如是。覺悟之法。
(Thiện nam tử! Ông khéo nói pháp giác ngộ như thế).
Biết lỗi lầm của mình chính là giác ngộ; trong nhà Phật thường gọi là "khai ngộ". Mọi người nghe nói đến "khai ngộ" thường nghĩ là rất u huyền. Thế nào là khai ngộ? Biết chứng bệnh, biết lỗi lầm của mình (tức là những hành vi sai trái), sửa đổi cho đúng, người như vậy gọi là "tu hành". Bởi vậy, quý vị phải biết là mỗi ngày ta đọc kinh, niệm Phật, lễ Phật có phải là tu hành hay không?
Không nhất định! Nếu như quý vị đối với mỗi hành vi trong cuộc sống chẳng hề cải biến tí ti nào, vẫn y hệt như cũ, dù mỗi ngày quý vị tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật vẫn chẳng phải là tu hành, chẳng dính dáng gì đến tu hành chi cả! Quan niệm lầm lẫn, lời lẽ, hành vi sai trái của quý vị chẳng được sửa đổi cho đúng thì quý vị chẳng hề tu hành.
Ngàn vạn phần chớ nghĩ rằng mỗi ngày niệm mấy bộ kinh chính là tu hành, còn cảm thấy là mình tu hành khá lắm! Khi chẳng niệm kinh thì tâm không kiêu ngạo, niệm kinh rồi bèn tưởng mình là ghê gớm lắm. Tôi có thể thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ, mấy người còn thua tôi xa lắc! Như vậy là quý vị không niệm kinh thì không có phiền não đó, chẳng tạo tội nghiệp; sau khi quý vị thuộc kinh nhuần nhuyễn rồi, hằng ngày sanh phiền não, tạo tội nghiệp khắp mọi chỗ, đều là do hiểu lầm nghĩa chân thật của Như Lai. Phật dạy quý vị đọc thuộc là để thường nhớ kỹ trong lòng, mỗi khi khởi tâm động niệm bèn nhớ đến lời Phật dạy răn: Ta có nên suy nghĩ như thế hay chăng? Ta có nên nói lời như vậy hay chăng? Ta có nên làm những việc đó hay chăng? Mục đích của niệm kinh là như vậy.
Cho nên biết lỗi lầm của mình đấy chính là thật sự giác ngộ. "Khéo nói pháp giác ngộ như thế", giác ngộ rồi bèn quay đầu.
Chánh kinh:
Thiện phát như thị quảng đại thệ nguyện.
善發如是。廣大誓願。
(Khéo phát thệ nguyện rộng lớn như thế).
Câu này chỉ mười ba thệ nguyện ở phần trước. Phát mười ba thệ nguyện là vì họ đã thật sự hồi đầu, sửa lỗi đổi mới.
Chánh kinh:
Năng dĩ như thị quyết định chi tâm an trụ kỳ trung, nhất thiết nghiệp chướng giai tất tiêu diệt, vô lượng thiện căn diệc đương tăng trưởng.
能以如是。決定之心。安住其中。一切業障。皆悉消滅。無量善根。亦當增長。
(Có thể dùng tâm quyết định như thế an trụ trong những thệ nguyện ấy thì hết thảy nghiệp chướng thảy đều tiêu diệt, vô lượng thiện căn cũng sẽ tăng trưởng).
Hai câu cuối này chúng ta rất thích nghe. Chúng ta biết nghiệp chướng của mình rất nặng, làm sao tiêu nghiệp chướng? Nay quý vị có thể "tiêu nghiệp chướng" được hay chăng? Quý vị phải học theo sáu mươi vị Bồ Tát này, chẳng cần phải bươi móc thói tật của người khác, chỉ tìm tòi lỗi lầm của chính mình, tìm được lỗi rồi phải sửa đổi thì nghiệp chướng của quý vị bèn tiêu diệt, thiện căn của quý vị cũng tăng trưởng. Đó gọi là công phu.
Chánh kinh:
Phật phục cáo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát ngôn:
- Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát vị dục thanh tịnh chư nghiệp chướng giả, đương phát như thị quảng đại thệ nguyện.
佛復告彌勒菩薩摩訶薩言。彌勒。若有菩薩。為欲清淨。諸業障者。當發如是。廣大誓願。
(Phật lại bảo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát rằng:
- Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát nào muốn thanh tịnh các nghiệp chướng thì hãy nên phát thệ nguyện rộng lớn như thế)
Phật bảo Di Lặc Bồ Tát, nhưng ngụ ý bảo cùng mọi người chúng ta. Trong pháp hội ấy, Di Lặc Bồ Tát thay mặt cho đại chúng, thay mặt chúng ta thỉnh pháp, Ngài cũng thay cho đức Như Lai tuyên nói, chỉ bày chúng ta những lời dạy răn ấy.
Chúng ta muốn thanh tịnh thân tâm, tiêu diệt nghiệp chướng thì phải làm giống như các Bồ Tát đó, phải phát thệ nguyện rộng lớn. Do đấy, có thể biết rằng: Chúng ta đọc xong mười ba thệ nguyện này, chẳng được nghĩ mười ba thệ nguyện ấy là của riêng sáu mươi vị Bồ Tát kia, chẳng dính dáng gì đến mình, mà phải nghĩ đấy chính là những điều mình suy niệm. Chúng ta phải chú tâm lãnh hội mười ba thệ nguyện ấy, biến các nguyện ấy thành nguyện của chính mình thì chúng ta bèn thọ dụng được. Xem thấy những lỗi lầm họ đã phạm, bèn nghĩ chính mình cũng phạm những lỗi lầm giống hệt như thế. Họ giác ngộ, cớ sao ta chẳng giác ngộ? Họ sửa lỗi, sao ta chẳng thể sửa lỗi? Phải đọc kinh như vậy thì mới được lợi ích chân thật!
Chánh kinh:
Nhĩ thời Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Phả hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, hộ trì thử nguyện, đương đắc viên mãn, bất thoái chuyển da?
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。頗有善男子。善女人等。護持此願。當得圓滿。不退轉耶。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch cùng Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có kẻ thiện nam tử, thiện nữ nhân nào hộ trì những nguyện này, họ có sẽ được viên mãn, chẳng thoái chuyển chăng?)
Thật ra, Di Lặc Bồ Tát hỏi thay cho chúng ta. "Thiện nam tử, thiện nữ nhân" chỉ đại chúng hiện tiền chúng ta. Nếu như chúng ta cũng phát những thệ nguyện ấy, cũng làm theo những phương pháp ấy, chúng ta sẽ có được viên mãn hay chăng? Có được bất thoái chuyển hay chăng? Đấy là điều chúng ta rất quan tâm.
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, hành Bồ Tát đạo, hộ trì thử nguyện, ninh xả thân mạng, chung bất khuyết giảm, linh kỳ thoái chuyển.
佛告彌勒菩薩言。若有善男子。善女人等。行菩薩道。護持此願。寧舍身命。終不缺減。令其退轉。
(Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Nếu có những kẻ thiện nam tử, thiện nữ nhân hành Bồ Tát đạo, hộ trì nguyện này, thà bỏ thân mạng, trọn chẳng khuyết giảm, khiến cho [chính mình] bị thoái chuyển [nơi những nguyện ấy])
Trong đoạn này, đức Phật khẳng định rõ hành Bồ Tát đạo là "tự hành, dạy người". Chính mình hành theo đúng lời Phật dạy dỗ. Chữ "hành" ấy phải nói cho rõ ràng cho minh bạch: Theo đúng lời Phật dạy dỗ mà sống, theo đúng lời Phật dạy mà sống hằng ngày, đó gọi là "hành Bồ Tát đạo". Phật pháp gắn liền với cuộc sống, tuyệt đối chẳng phải Phật pháp là Phật pháp, cuộc sống là cuộc sống, hai việc chẳng liên quan chi với nhau. Nếu thế thì chúng ta học Phật làm chi? Sai lầm rồi!
Bởi lẽ, Bồ Tát đạo thuộc về cuộc sống thường nhật, lìa khỏi cuộc sống thì còn chỗ nào để tu hành nữa đây? Phải tu hành ngay trong cuộc sống thường nhật! Cuộc sống thường nhật gom lại chẳng ngoài ba phương diện đối xử với người, xử sự, đối đãi với muôn vật. Phàm trên ba phương diện ấy, do chính mình mê hoặc, không có trí huệ, tri kiến chẳng chánh, nên cách nghĩ, cách thấy, cách nói, cách làm đều sai lầm. Phật răn dạy chính là để chúng ta sửa đổi những lầm lạc ấy, đó gọi là "tu hành". Bởi vậy, quý vị phải hiểu rằng: Tự mình sửa đổi cho đúng quan niệm sai lầm đối với vật, đối với sự, sửa cho đúng cách nghĩ, cách thấy thì cuộc sống của quý vị sẽ đạt đến hạnh phúc mỹ mãn.
Học Phật hết sức thực tế: Hễ công phu đắc lực thì lập tức đạt được lợi ích thù thắng nơi Phật pháp. Có nhiều đồng tu học Phật, tôi trông thấy họ rất đau lòng. Mỗi phen gặp mặt, thấy tướng mạo người ấy mỗi năm một suy. Có người một năm không gặp, gặp lại thấy họ hom hem hơn năm ngoái. Những người như vậy đều là công phu học Phật chẳng đắc lực. Nếu quý vị học Phật công phu đắc lực thì quý vị phải thực sự thọ dụng được. Mỗi năm quý vị càng phải khỏe hơn, tướng mạo quý vị phải tươi tốt, vẻ mặt rạng rỡ, thân thể khỏe mạnh, đó là đạo lý nhất định!
Nói thật ra, đạo lý này chẳng khó hiểu chi! Trong kinh Phật thường dạy "tướng tùy tâm chuyển". Tướng mạo chẳng tốt đẹp tức là quý vị dụng tâm chẳng khéo. Tâm quý vị phải chân thành, thanh tịnh, từ bi, thì nhất định tướng mạo quý vị ngày càng giống Phật, chẳng khác với Phật cho mấy (quý vị thấy tướng mạo Phật, Bồ Tát rất viên mãn!) Thể chất quý vị nhất định mỗi ngày phải khỏe mạnh hơn, mỗi ngày một hoàn thiện hơn, đấy là quý vị học Phật công phu đắc lực, quý vị thật sự thọ dụng được.
Tâm thanh tịnh chuyển được nghiệp. Chuyển nghiệp biểu hiện cụ thể nơi thân thể, thân thể mình có chuyển biến hay không? Hiện thời, ta thường nói là "biến đổi thể chất"; thể chất có thể chuyển biến. Thể chất ấy biến đổi theo tâm.
Hết Phần 1
Tập đại thành: Biên tập thành một bản hoàn chỉnh.
Tần Già tạng là Đại Tạng kinh được khắc in bởi tinh xá Tần Già ở Thượng Hải vào năm 1911 đời Thanh, mãi đến năm 1920 mới hoàn thành. Bản này lấy bản của Hoằng Giáo Viện ở Nhật Bản làm chính, tham chiếu các bản Kính Sơn, Càn Long Đại Tạng kinh. Tạng này gồm 414 tập, 1.916 bộ, 8.416 quyển.
Đại Chánh Tạng là gọi tắt của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh do hiệp hội Đông Kinh Đại Chánh Nhất Thiết Kinh San Hành Hội biên tập và ấn hành từ năm 1924 đến năm 1934. Tạng này gồm 100 tập, khoảng 3.493 bộ, 13.520 quyển. Bản này đối chiếu các tạng trước đó như Thục Bản, Càn Long Tạng... và các kinh điển bằng nguyên gốc tiếng Phạn và Pali nên được coi là tạng tốt nhất, tiêu chuẩn nhất để tham cứu kinh điển. So với Tần Già Tạng, bản này còn có ưu điểm là đã thâu thập cả những trước tác của chư cổ đức Nhật Bản, Đại Hàn và một số bản nghi quỹ, tán vịnh của Phật giáo Tây Tạng.
Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Lược Giảng, phần 2
(Nguyên văn: Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký)
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Cư sĩ Truyền Tịnh chỉnh lý
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
3. Di Lặc Bồ Tát nhân đó hỏi Bồ Tát đời mạt thành tựu mấy pháp để được an ổn độ thoát
Tiếp theo đây là đoạn thứ năm, kinh văn không dài, chỉ có một hàng rưỡi.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát phục bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Nhược hữu Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu kỷ pháp, an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.
爾時。彌勒菩薩。復白佛言。世尊。若有菩薩。於后末世五百歲中。法欲滅時。成就幾法。安隱無惱。而得解脫。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát lại bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát trong đời mạt sau, trong năm trăm năm, khi pháp sắp diệt, nên thành tựu mấy pháp để an ổn, không phiền não hòng được giải thoát).
Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề chúng ta hết sức quan tâm. "Ư mạt hậu thế, ngũ bách tuế trung" là nói đến năm trăm năm đầu tiên trong thời kỳ Mạt Pháp, [năm trăm năm ấy] gọi là "ngũ bách tuế trung". Trong pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật, Chánh Pháp tồn tại một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp là một vạn năm. Năm trăm năm đầu của thời kỳ Mạt Pháp, nói chính xác là hai ngàn năm trăm năm sau khi đức Phật diệt độ. Bởi thế, câu này chính là nói đến thời đại hiện tại của chúng ta.
"Pháp dục diệt thời": Diệt ở đây không phải là thật sự diệt, mà là Phật pháp ngày càng suy thoái. Chúng ta thấy Phật pháp trong xã hội hiện đại, đúng là "pháp sắp diệt" như đức Phật đã nói. Đừng tưởng Phật pháp tại Đài Loan hưng thịnh phi thường, tướng hưng thịnh ấy là giả, chẳng thật đâu, chỉ có thể nói là Phật pháp tại Đài Loan náo nhiệt mà thôi! Xưa kia, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ (cụ chưa từng đến Đài Loan) giảng kinh thuyết pháp ở Bắc Kinh đã công khai bảo mọi người: "Phật pháp tại Đài Loan là giả, chẳng phải thật. Phật pháp chân chánh nằm ở Hoa Lục". Tôi đến Bắc Kinh, thính chúng đem câu nói ấy hỏi tôi: "Phật pháp tại Đài Loan có phải là giả hay không?"
Chư vị hãy chú tâm quan sát một phen: Phật pháp ở Đài Loan rốt cuộc là thật hay chỉ là giả? Phật pháp chân chánh dạy người liễu sanh tử, thoát tam giới, còn Phật pháp giả dạy người ta tiếp tục gây tạo lục đạo luân hồi. Người Đài Loan tu phước rất nhiều, người tu đạo rất ít. Người tu phước nhiều thì sẽ đến đâu để hưởng phước ấy? Vấn đề này lớn lắm đó nghe!
Đời sau có được làm người nữa hay không là một vấn đề lớn. Đời sau nếu chẳng được làm thân người thì vẫn có phước báo. Trong đường súc sanh có rất nhiều phước báo đấy chứ! Chúng ta chẳng cần phải tự hào chính mình có phước báo rất lớn; thật ra, nghĩ lại, bọn ta phước báo kém hơn súc sanh đó nghe! Quý vị có thấy người ngoại quốc nuôi các con thú cưng chưa? Bao nhiêu kẻ phục dịch, chăm sóc chúng. Chúng ta đến những chỗ đó, có ai quan tâm đến mình hay chăng? Nghĩ ra, phước báo của mình chẳng bằng chúng nó! Quý vị thấy những con mèo nhỏ, con chó nhỏ đó được chăm sóc chu đáo thì phước báo của chúng do đâu mà có? Là do đời trước tu đấy! Quan sát nhiều sẽ hiểu rõ, quý vị phải nên thức tỉnh.
Đoạn kinh này nói trong thời đại Mạt Pháp, chúng ta cần phải thành tựu mấy pháp mới hòng đạt được "an ổn, không phiền não, đạt được giải thoát". Ở đây, "giải thoát" là siêu thoát luân hồi lục đạo. Điều thứ hai là gì? Lại còn phải tiến lên, vượt khỏi mười pháp giới thì mới là giải thoát rốt ráo. Bởi lẽ, siêu thoát lục đạo luân hồi vẫn chưa rốt ráo, nhất định phải siêu việt mười pháp giới. Pháp môn Tịnh Độ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là siêu thoát mười pháp giới, Tây Phương Tịnh Độ chẳng thuộc trong mười pháp giới.
4. Phật đáp: Dùng hai loại "bốn pháp" để được giải thoát
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, đương thành tựu tứ pháp, an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.
佛告彌勒菩薩言。彌勒。若有菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。當成就四法。安隱無惱。而得解脫。
(Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, hãy nên thành tựu bốn pháp thì sẽ được an ổn, không phiền não, được giải thoát).
Trong đoạn này, đức Phật dạy chúng ta bốn nguyên tắc vô cùng trọng yếu, ta cần phải tuân thủ. Chẳng cần biết là tu học pháp môn nào, nếu trái nghịch, vi phạm bốn nguyên tắc này thì quý vị sẽ chẳng thể tu học thành tựu.
Chánh kinh:
Hà đẳng vi tứ? Sở vị: Ư chư chúng sanh, bất cầu kỳ quá.
何等為四。所謂於諸眾生。不求其過。
(Những gì là bốn? Chính là: Với các chúng sanh, chẳng tìm lỗi họ).
Chẳng những chỉ đối với các vị Đại Thừa Bồ Tát, mà đối với hết thảy chúng sanh đều chẳng nên gây rắc rối cho họ, đều chẳng nên tìm lỗi lầm của họ. Câu này giống như trong Đàn Kinh, Lục Tổ đã nói: "Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá" (Nếu là người thật sự tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian). Người chân chánh tu đạo, trong mỗi một niệm chỉ quan tâm đến chánh niệm của chính mình, có thời gian đâu để thấy lỗi lầm của người khác cơ chứ! Chúng ta phải biết điều này, thấy lỗi người khác tức là mình có lỗi sờ sờ. Nếu tâm quý vị thanh tịnh, không có phiền não, làm sao quý vị thấy lỗi người khác cho được? Nếu một phen tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài mà trong tâm phiền não bèn hiện hành, thì đấy là do "thấy lỗi của người khác".
Bởi thế, Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, Bồ Tát thấy hết thảy chúng sanh đều là Bồ Tát. Bọn ta là hạng nghiệp chướng sâu nặng, thấy chư Phật, Bồ Tát nghiệp chướng cũng sâu nặng luôn! Đấy chính như đức Phật đã dạy: "Tướng tùy tâm chuyển". Vì thế, quý vị thấy cảnh giới bên ngoài tướng trạng ra sao thì sẽ biết rõ tâm mình như thế nào. Quý vị thấy ai cũng có lỗi lầm nghĩa là chính mình lầm lỗi vô lượng vô biên. Khi nào thấy hết thảy chúng sanh đều chẳng có lầm lỗi thì xin chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật rồi! Điều này rất khẩn yếu đấy nhé! Vì thế mới nói "với các chúng sanh, chẳng tìm lỗi họ" chính là điều thứ nhất người tu hành phải tuân thủ. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Kiến chư Bồ Tát hữu sở vi phạm, chung bất cử lộ.
見諸菩薩。有所違犯。終不舉露。
(Thấy các Bồ Tát có vi phạm gì, trọn chẳng nêu bày)
"Bồ Tát" ở đây là người hoằng dương chánh pháp. Bất luận là tại gia Bồ Tát hay xuất gia Bồ Tát, cũng chẳng cần biết người ấy là Bồ Tát thật hay Bồ Tát giả, miễn sao những điều người ấy giảng là chánh pháp, chẳng phải là tà pháp, dẫu cho người ấy có lầm lỗi đi nữa, cũng chẳng nghe, chẳng hỏi đến, vẫn cứ sanh tín tâm thanh tịnh, sanh tâm cung kính đối với người ấy. Điều này rất trọng yếu. Điều thứ ba là:
Chánh kinh:
Ư chư thân hữu, cập thí chủ gia, bất sanh chấp trước.
於諸親友。及施主家。不生執著。
(Với các thân hữu và hàng thí chủ, chẳng sanh chấp trước).
Đối với chuyện thân hữu, thí chủ cúng dường pháp sư, nếu chẳng chấp trước thì sẽ chẳng tạo thành chướng ngại. Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Vĩnh đoạn nhất thiết thô quánh chi ngôn.
永斷一切。粗獷之言。
(Vĩnh viễn dứt trừ hết thảy lời lẽ thô lỗ, hung tợn).
"Thô" (粗) là lời lẽ thô lỗ. "Quánh" (獷)là lời lẽ hung ác. Chẳng được có thái độ như thế. Đức Phật nói bốn điều ấy.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu tứ pháp an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.
彌勒。是為菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。成就四法。安隱無惱。而得解脫。
(Này Di Lặc! Đấy là Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, thành tựu bốn pháp an ổn không phiền não mà được giải thoát).
Chỉ cần giữ đúng bốn pháp này là được, quý vị sẽ có thể thành tựu đạo nghiệp.
Chánh kinh:
Nhĩ thời Thế Tôn, dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:
爾時世尊。欲重宣此義。而說偈言。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nhắc lại nghĩa này, bèn nói kệ rằng)
Thể lệ Phật dùng để thuyết kinh chẳng giống với cách mọi người chúng ta trước tác văn chương. Trong kinh Phật, có Trường Hàng (văn xuôi), có Kệ Tụng, có lúc còn có cả Chú Ngữ. Dụng ý của Ngài rất sâu. Kệ Tụng gần giống như thi ca của Trung Quốc, cũng có gieo vần, nhưng không câu nệ luật bằng trắc, mục đích là nhằm thuận tiện cho việc ghi nhớ, tụng đọc. Ấy là vì đức Phật khai thị điều gì rất trọng yếu xong, sợ bọn ta quên tuốt, kinh văn cũng có lúc chẳng nhớ kỹ hết, Ngài bèn dùng Kệ Tụng cho [thính chúng] dễ thuộc, thường nhớ mãi trong tâm, để hết thảy lúc, hết thảy nơi đều y giáo phụng hành. Vì thế, Phật bèn nói bốn câu sau đây:
Chánh kinh:
Bất cầu tha quá thất,
Diệc bất cử nhân tội,
Ly thô ngữ, xan lận,
Thị nhân đương giải thoát.
Di Lặc! Phục hữu Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, đương thành tựu tứ pháp an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.
不求他過失。
亦不舉人罪。
離粗語慳吝。
是人當解脫。
彌勒。復有菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。當成就四法。安隱無惱。而得解脫。
(Chớ tìm cầu lỗi người,
Cũng đừng cử tội người,
Lìa lời thô, keo bẩn,
Người ấy sẽ giải thoát.
Này Di Lặc! Lại có Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, nên thành tựu bốn pháp sẽ an ổn, không phiền não, bèn được giải thoát).
Tiếp theo đây, đức Phật nói bổ sung bốn câu kinh cũng vô cùng trọng yếu. Trong phần trên, đức Phật nói bốn pháp, trong phần này lại nói bốn pháp nữa, tổng cộng là tám pháp. Trong thời hiện tại, chúng ta phải giữ gìn được tám điều này thì học Phật mới có thể thành tựu, chẳng lui sụt.
Chánh kinh:
Hà đẳng vi tứ? Sở vị: Bất ưng thân cận giải đãi chi nhân.
何等為四。所謂不應親近。懈怠之人。
(Những gì là bốn? Chính là: Chẳng nên thân cận kẻ biếng nhác).
Chúng ta thường thân cận hạng người ấy thì sự tu học của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta là phàm phu sơ học, chẳng có định lực, thiếu trí huệ, vì thế giao du phải chọn lựa người. Có khá nhiều bạn đồng tu chẳng hề để tâm cảnh giác điều này, bị hoàn cảnh xoay chuyển, đáng tiếc vô cùng! Đấy chính là điều ta thường gọi là "nhân tình Phật sự" (làm Phật sự theo cảm tình, thiếu lý trí để phán đoán), nó có ảnh hưởng rất lớn đối với hàng phàm phu sơ học. Học Phật ắt cần phải có lý tánh (tức là xử sự theo lý trí), phải buông tình cảm xuống thì mới có thể thành tựu. Pháp thứ nhất nhắm vào ý đó. Phạm vi của chữ "giải đãi" hết sức rộng, quý vị có nhận ra hay chưa? Giải đãi, lười biếng có phải là những người hằng ngày ngủ thật nhiều hay chăng? Đối với hạng người ấy, đương nhiên quý vị chẳng thể thân cận được! Họ còn bận ngủ, họ cũng chẳng kề cận quý vị được.
Vậy thì ai mới là kẻ giải đãi? Trước đây, Ấn Quang đại sư từng giảng là kẻ nào ưa đến đạo tràng rất siêng năng, ngày ngày la cà đạo tràng, ngày ngày tìm náo nhiệt. Vì sao họ là kẻ giải đãi? Họ giải đãi đối với việc tu đạo, biếng nhác tu định. Kẻ chẳng tu định, tu huệ, cứ ngày ngày đuổi theo náo nhiệt thì gọi là "kẻ giải đãi". Bởi thế, chớ nên hiểu lầm ý nghĩa đoạn kinh này. Quý vị đọc Văn Sao, xem Vĩnh Tư Lục sẽ thấy mỗi khi lão hòa thượng thấy đệ tử quy y đến thăm, Ngài liền quở mắng:
- Ngươi đến đây làm chi?
- Con đến gặp sư phụ.
- Trước kia ngươi gặp sư phụ rồi, còn đến đây làm chi nữa? (Ngài quát quay về). Đến chỗ bon chen, tâm cũng loạn động theo, bảo ngươi ở nhà thật thà niệm Phật, ngươi chẳng chịu niệm, ngươi vẫn muốn đến chùa miếu gặp sư phụ, có gì hay mà xem! Đó gọi là "giải đãi".
Sở dĩ Ấn Quang đại sư nói ra điều gì, ai nấy đều rất tôn kính là vì pháp giáo hóa của Ngài chưa có ai đề xướng cả. Hiện thời, các đạo tràng mong mỏi tín đồ đông đảo, tín đồ không đến thì làm sao duy trì được đạo tràng? Bởi thế, con người hiện tại đều chuộng náo nhiệt. "Náo nhiệt" chính là giải đãi; biếng nhác tu định, tu huệ, tu tâm thanh tịnh. Ở đây, Phật dạy chúng ta chớ nên thân cận những kẻ như thế, đừng ngày ngày bắt chước họ khiến cho tâm bị loạn động. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Xả ly nhất thiết hội náo chi chúng.
舍離一切。憒鬧之眾。
(Rời bỏ hết thảy các chúng ồn náo).
Không nên "ưa thích náo nhiệt" không chỉ có nghĩa là chẳng ưa thích những nơi ăn chơi vui vẻ trong thế gian mà ngay cả những chỗ hoan hỷ náo nhiệt nơi cửa Phật cũng chẳng nên ham mến. Nói chung, điều gì trái nghịch với Giới, Định, Huệ; trái nghịch với Giác, Chánh, Thanh Tịnh đều là giải đãi, ồn náo. Bởi thế, đoạn văn này dung hàm ý nghĩa rất sâu, rất rộng.
Mục đích của chúng ta là cầu giải thoát, cho nên phải hiểu rõ hai chữ "giải thoát" này. "Giải" (解) là cởi mở. Cởi mở cái gì? Cởi bỏ phiền não. "Thoát" (脱) là thoát ly lục đạo luân hồi. Mục đích của việc học Phật là đây. Nếu quý vị chẳng nghĩ đến giải thoát thì chẳng sao, cứ việc ngày ngày lăn vào nơi náo nhiệt. Còn ai là kẻ niệm Phật thật sự mong liễu sanh tử, thoát luân hồi, thật sự cầu vãng sanh Cực Lạc thế giới thì nhất định phải tuân thủ lời dạy này.
Trước đây, trong kỳ Phật thất, Đàm Hư đại sư đã từng kể cho chúng ta nghe đôi ba câu chuyện cũ, đều là chuyện thật. Ngài kể một đồ đệ niệm Phật của lão pháp sư Đế Nhàn, xuất thân là thợ đóng đai thùng, niệm Phật ba năm bèn đứng mà vãng sanh. Người ấy chưa từng đi học, chẳng hề biết chữ, chỉ là một người rất chân thật. Sau khi xuất gia, lão hòa thượng chỉ dạy ông ta sáu chữ "nam mô A Di Đà Phật", chứ chẳng dạy điều gì khác, chỉ dặn dò: "Ngươi cứ niệm một câu Phật hiệu này, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ ngơi xong lại niệm tiếp". Quả nhiên, người ấy ở trong một tòa miếu hư nát, không ra khỏi cửa lớn, niệm một câu Phật hiệu suốt ba năm, chẳng bệnh tật gì, biết trước lúc mất, bèn đứng vãng sanh. Vãng sanh rồi vẫn đứng suốt ba ngày để đợi lão hòa thượng Đế Nhàn thay mình lo việc hậu sự.
Ông ta dựa vào đâu để thành tựu? Chính là chẳng thân cận kẻ giải đãi, rời bỏ hết thảy các chúng ồn náo; bởi thế nói giải thoát chẳng khó, nhưng sao ngày nay chúng ta học Phật khó khăn đến thế? Đó là vì chúng ta đã phạm phải lỗi lầm sau đây: hằng ngày đuổi theo náo nhiệt, coi chuyện đua chen náo nhiệt là làm Phật sự. Quý vị nói coi: Đó có phải là vớ vẩn hay chăng? Quan niệm sai lầm rồi!
Chánh kinh:
Độc xử nhàn tịnh, thường cần tinh tấn.
獨處閑靜。常勤精進。
(Ở riêng chốn thanh vắng, thường siêng tinh tấn).
Ấy là thật sự mong liễu sanh tử, xuất tam giới, thật sự mong giải quyết xong vấn đề ngay trong một đời này. Quý vị phải nhận biết niềm vui tịch tĩnh; hoàn cảnh thanh tịnh chính là sự hưởng thụ tối cao của đời người, trong ấy có niềm vui chân thật. Thế nào là tinh tấn? "Tinh" (精) là tinh thuần, chuyên nhất. "Tấn" (進) là chẳng lùi. Hiện thời, quý vị thấy người học Phật chúng ta cũng rất siêng gắng, nhưng chẳng phải là tinh tấn, mà chỉ là tạp tấn, loạn tấn, nên chẳng có thành tựu. Muốn thành tựu thì phải thâm nhập một môn. Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Dĩ thiện phương tiện, điều phục kỳ thân.
以善方便。調伏其身。
(Dùng phương tiện khéo điều phục cái thân).
Phương tiện khéo léo điều phục cái thân, trong phần kệ tụng ở phía sau, ta sẽ thấy ý nghĩa này rõ hơn nữa. Câu kệ "tịch tĩnh, thường tri túc" nghĩa là điều phục cái thân, biết đủ, thường vui, cuộc sống rất dễ chịu. Có áo để mặc, có cơm ăn no ba bữa, có căn nhà nhỏ để đụt nắng che mưa, là đủ quá rồi, chẳng cần chi hơn nữa. Có cầu thêm thì chỉ là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, cầu thấy A Di Đà Phật, ngoài ra chẳng cầu cái gì khác nữa. Tâm quý vị định rồi, quý vị sẽ thật sự hưởng thụ an lạc.
Dùng phương pháp ấy để điều phục cái thân, những chuyện người đời tranh giành đều là giả, đều chẳng mang theo được, đều tranh chẳng được, đều là ngu si tạo tác tội nghiệp. Người thật sự hiểu thấu, người giác ngộ sẽ chẳng thèm tranh nữa, đều buông xuống hết, nhất tâm hướng về đạo. Hướng về đạo là hướng về cái tâm thanh tịnh, hướng đến nguyện vọng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới của chính mình.
Trên đây là đức Phật vì chúng ta lại nói thêm bốn pháp nữa.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, thành tựu tứ pháp, an ổn vô não, nhi đắc giải thoát.
Nhĩ thời, Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:
- Đương xả ư giải đãi,
Viễn ly chư hội náo,
Tịch tĩnh, thường tri túc.
Thị nhân đương giải thoát.
彌勒。是為菩薩。於后末世。五百歲中。法欲滅時。成就四法。安隱無惱。而得解脫。爾時世尊。欲重宣此義。而說偈言。
當舍於懈怠。
遠離諸憒鬧。
寂靜常知足。
是人當解脫。
(Này Di Lặc! Đấy là Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, thành tựu bốn pháp, an ổn, không phiền não, bèn được giải thoát.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn muốn nhắc lại nghĩa này, bèn nói kệ rằng:
- Hãy bỏ rời giải đãi,
Xa lìa các ồn náo,
Tịch tĩnh, thường biết đủ,
Người ấy sẽ giải thoát)
Phật dùng kệ tụng nhắc lại lần nữa những pháp nghĩa ở trên.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn thuyết thử kệ dĩ, cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Di Lặc! Thị cố Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế thời, dục tự vô não, nhi giải thoát giả, trừ diệt nhất thiết chư nghiệp chướng giả.
爾時世尊。說此偈已。告彌勒菩薩言。彌勒。是故菩薩。於后末世。五百歲時。欲自無惱。而解脫者。除滅一切。諸業障者。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ ấy xong, bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Này Di Lặc! Vì thế các Bồ Tát vào đời Mạt sau, trong năm trăm năm, muốn tự không phiền não, được giải thoát, trừ diệt hết thảy nghiệp chướng thì...)
Đoạn kinh văn này dùng để tổng kết các đoạn kinh văn trong phần trước. Di Lặc Bồ Tát thay chúng ta thỉnh giáo đức Thế Tôn: Trong thời kỳ Mạt Pháp (tức là trong xã hội hiện đại đây), chúng ta học Phật phải nên tu bao nhiêu pháp mới hòng gìn giữ an ổn, được độ thoát? Đức Thế Tôn dạy chúng ta tu bốn pháp, nói xong, lại dạy thêm bốn pháp nữa; tổng cộng là tám pháp. Ngài nói xong lại phó chúc Di Lặc Bồ Tát, chứ thật ra là phó chúc mọi người chúng ta, Di Lặc Bồ Tát là người thay mặt cho chúng ta. Đoạn kinh này hết sức quan trọng.
Nói "trong đời mạt sau, lúc năm trăm năm" là nói đến xã hội hiện tại. Nếu chúng ta muốn được không phiền não, mong đạt giải thoát - hai chữ "giải thoát" này rất trọng yếu - chúng ta đọc [chữ Giải theo âm Quan Thoại] là xiè thì sẽ thành động từ, còn nếu đọc là jiẻ sẽ thành danh từ; tháo gỡ, dứt bỏ phiền não nên gọi là "giải trừ". "Thoát" là liễu thoát lục đạo sanh tử luân hồi mới coi là thành tựu. Nếu chẳng đoạn phiền não, chẳng thể liễu thoát sanh tử luân hồi, chẳng được kể là thành tựu, bất luận tu pháp môn gì, tu giỏi đến đâu cũng chẳng thành tựu, quý vị vẫn phải sanh tử luân hồi y như cũ. Bởi thế, hai chữ "giải thoát" trọng yếu phi thường, có thể nói nó chính là mục tiêu tu học hiện tiền của chúng ta.
Điều thứ hai là "trừ diệt hết thảy các nghiệp chướng". Tôi tin là người có nguyện vọng đạt mục tiêu thứ nhất "liễu sanh tử" chẳng có mấy ai, dường như mục tiêu kế đó là "tiêu nghiệp chướng" thì mọi người đều mong. Ít người có quan niệm liễu sanh tử, nhưng mong tiêu nghiệp chướng lại rất phổ biến. Nếu như quý vị mong tiêu trừ hết thảy nghiệp chướng thì có tám pháp như vậy, đủ thấy tám pháp ấy hết sức quan trọng. Tiếp theo đây, Phật nói:
Chánh kinh:
Ưng đương xả ly hội náo chi xứ.
應當舍離。憒鬧之處。
(Phải nên lìa bỏ những nơi ồn náo).
Phải lìa bỏ những nơi ồn náo. Chúng ta là phàm phu, chẳng phải là thánh nhân tái lai. Các vị Phật, Bồ Tát tái lai tu hành chẳng giống chúng ta, mà là: "Trong pháp Đại Thừa, ở trong chỗ ồn náo mà lìa ồn náo", chẳng phải là điều người bình thường [có thể làm được]. Nếu ta học đòi các Ngài, xa lìa ồn náo trong chỗ ồn náo, ta nhất định đọa địa ngục A Tỳ; bởi thế, chắc chắn là chẳng học được.
Cuối bản kinh này có nói: Sơ nghiệp Bồ Tát chẳng giống như huệ hạnh Bồ Tát. Huệ hạnh Bồ Tát phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân, họ được kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Hạnh của các vị ấy đích thực là "phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn". Chúng ta là sơ học Bồ Tát, sanh tử là sanh tử, phiền não là phiền não, tuyệt đối chẳng thể "phiền não chính là Bồ Đề", chúng ta làm không được!
Chúng ta nhất định phải hiểu rõ thân phận mình là như thế nào, trình độ của mình ra sao, phải nên tu học những gì; hoàn cảnh nhất định ảnh hưởng đến tâm tình của chúng ta. Bất cứ hoàn cảnh bất hảo nào cũng sẽ khiến cho thân tâm ta chẳng đạt được hoàn cảnh thanh tịnh, cho nên nhất định phải xa lìa chúng. Vì thế, đức Phật mới dạy chúng ta xa lìa những nơi náo nhiệt, xô bồ.
Chánh kinh:
Trụ A-lan-nhã, tịch tĩnh lâm trung.
住阿蘭若。寂靜林中。
(Ở A-lan-nhã, trong rừng vắng lặng)
Tuy câu này tựa hồ để nói với người xuất gia, nhưng người tại gia mà muốn thành tựu thì cũng chẳng thể tránh khỏi. Bây giờ ta phải hiểu câu kinh này như thế nào đây? Chính là dạy quý vị phải chọn lựa địa phương để cư ngụ. Chúng ta ở chỗ nào mới là tốt? Ở chỗ nào an tịnh thì mới tốt! Người Trung Quốc đặc biệt những ai sống ở Đài Loan, náo nhiệt đã biến thành thói quen, đột nhiên thanh tịnh thì tựa hồ chẳng thể chịu đựng nổi. Chúng tôi ở ngoại quốc thấy người quen sống ở Đài Loan, đến Mỹ quốc sẽ chẳng thể chịu đựng nổi.
Nước Mỹ rất thanh tịnh, hoàn cảnh cư trú rất êm đềm. Họ quy hoạch từng khu vực rất phân minh, trong khu vực buôn bán nhất định không thể ở được, trong khu vực gia cư nhất định không thể buôn bán được. Họ mong cầu hoàn cảnh yên vắng, tuy khoảng cách giữa các nhà lân cận chẳng xa, nhưng nhất định quý vị chẳng nghe thấy âm thanh nhà hàng xóm. Đấy là hoàn cảnh cư trú hiện tại của Mỹ quốc, yêu cầu của họ rất phù hợp với điều được dạy trong kinh này đây. Có những người Trung Quốc già cả, về hưu, sang Mỹ, sống trong hoàn cảnh ấy cảm thấy rất tịch mịch, rất quạnh quẽ nên chẳng sống lâu ở đấy được. Đó đều là vì đã quen ưa chỗ náo nhiệt, đột nhiên an tịnh bèn chẳng thể chịu được!
Thế nhưng đức Phật dạy chúng ta: người tu hành nhất định phải sống nơi thanh tịnh. "A-lan-nhã" (Aranya) là tiếng Phạn, có nghĩa là chỗ tịch tĩnh. Thời cổ, tiêu chuẩn an tịnh là chẳng nghe thấy tiếng trâu rống. Do người tu hành quá nửa là sống trong vùng núi hoang, trong thôn quê có nông phu nuôi gia súc. Tiếng trâu rống vang xa nhất. Chỗ nào chẳng nghe thấy tiếng trâu rống, chỗ đấy gọi là A Lan Nhã. Chúng ta phải thấu hiểu ý nghĩa, cảnh giới ấy. "Tịch tĩnh lâm trung" là chọn lựa chỗ tu học, chọn lựa chỗ cư trú. Câu thứ ba là:
Chánh kinh:
Ư bất ưng tu, nhi tu hành giả, cập chư lãn nọa, giải đãi chi thuộc, giai đương viễn ly.
於不應修。而修行者。及諸懶惰。懈怠之屬。皆當遠離。
(Với những kẻ tu hành những pháp chẳng nên tu, và những hạng lười nhác, biếng trễ, đều nên xa lìa).
Câu này dạy chúng ta phải xa lìa ác tri thức. Hạng người ấy gây trở ngại cho sự tu học của chúng ta, ta cần phải xa lìa. "Ư bất ưng tu, nhi tu hành giả", quý vị thử nghĩ xem, những gì là "bất ưng tu" (chẳng nên tu)? Bọn họ hằng ngày tu những gì? Tu tham, sân, si đấy! Tu tham, sân, si thì quả báo là tam ác đạo. Chúng ta tu hành mong thành Phật, bọn họ tu hành mong thành ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, đấy là những điều chẳng nên tu. Nhưng người thế gian tu tam ác đạo rất nhiều, trong số đó có cả chúng ta nữa! Bởi vậy, chúng ta phải tự phản tỉnh, phải tự kiểm điểm xem chính mình có tham, sân, si hay không? Tập khí tham, sân, si của chúng ta có nghiêm trọng hay không? Nếu đã có mà lại nghiêm trọng nữa thì phải dùng phương cách đối trị. Dùng phương cách nào? Đức Phật dạy chúng ta dùng Giới, Định, Huệ để phá Tham, Sân, Si "và những hạng lười nhác, biếng trễ".
Đấy mới chỉ là một loại, nếu muốn kể ra thì chẳng thể kể hết đượ! Đó đều là những hạng trái nghịch lời Phật răn dạy, chúng ta đều phải xa lìa!
Chánh kinh:
Đản tự quán thân, bất cầu tha quá.
但自觀身。不求他過 。
(Chỉ tự xét mình, chẳng cầu lỗi người).
Đây chính là điều kinh Vô Lượng Thọ dạy "tẩy tâm dịch hạnh" (rửa lòng, đổi hạnh). Người tu đạo chân chánh thường phải phản tỉnh, kiểm điểm lỗi lầm của chính mình, chẳng chuyên chú tìm lỗi người khác. Thấy lỗi người khác là một chướng ngại lớn nhất, quý vị tu học Phật pháp công phu chẳng đắc lực, chẳng thể thành tựu. Niệm Phật chẳng những không đạt được Sự Nhất Tâm, mà công phu thành một khối cũng chẳng đạt được, nguyên nhân là vì đâu? Hằng ngày lo ngó lỗi người khác, hằng ngày kể tội người khác, tạo nghiệp đấy nhé! Dù miệng niệm Phật, nhưng tâm hạnh đều là tạo nghiệp, làm sao quý vị thành tựu cho được! Vì thế, phải nhớ kỹ: "Chỉ tự xét mình, đừng cầu lỗi người".
Chánh kinh:
Nhạo ư điềm mặc.
樂於恬默。
(Ưa thích lặng lẽ).
Câu này dạy chúng ta phải an trụ tịnh tu, phải biết thân tâm tịch tĩnh chính là chân lạc.
Chánh kinh:
Cần hành Bát Nhã Ba La Mật Đa tương ưng chi hạnh.
勤行般若波羅蜜多。相應之行。
(Siêng hành hạnh tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa).
Trong sanh hoạt thường ngày, đối đãi người, xử sự, đối đãi với mọi vật, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, hành vi đều phải có trí huệ cao độ. Bát Nhã Ba La Mật Đa nói theo ngôn ngữ bây giờ là trí huệ cao độ. Chư Phật, Bồ Tát biểu hiện trí huệ cao độ trong từng sanh hoạt, phàm phu sanh hoạt chẳng có trí huệ, chỉ có phiền não. Ở đây, Phật dạy chúng ta phải tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Bát Nhã Ba La Mật Đa là gì? Phật nói kinh Bát Nhã hai mươi hai năm, bản dịch chữ Hán kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển. Chúng ta phải tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật, nói nghe dễ dàng sao! Nhưng không tương ứng thì không được! Nhất định phải tương ứng. Bởi vậy, chúng ta phải nắm được cương yếu, tổng cương lãnh của Bát Nhã. Điều này, cổ nhân đã làm thay cho chúng ta rồi; dựa theo kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa tiện lắm. Giản tiện, tinh yếu hơn nữa thì có lẽ mỗi vị đồng tu hằng ngày đều niệm Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, hai trăm sáu mươi chữ. Chúng ta lấy đó làm tiêu chuẩn tu hành, sửa đổi cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của mình.
Về phương diện ứng dụng Bát Nhã, cổ đức bảo rằng chỉ cần quý vị nắm được hai câu cuối trong một bài kệ của kinh Kim Cang, ắt quý vị sẽ tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa. Hai câu ấy là: "Bất thủ ư tướng, như như bất động". Chúng tôi giảng sơ lược hai câu này như sau: Ngoài chẳng chấp tướng, trong tâm bất động. Bất luận lúc nào, hoàn cảnh nào, đối với người với sự, đối với vật, dù là pháp thế gian hay Phật pháp đều chẳng có ngoại lệ. Đối với pháp thế gian chúng ta dùng thái độ đó, đối với Phật pháp vẫn dùng đúng thái độ đó: Chẳng chấp tướng, chẳng khởi tâm động niệm. Thật sự làm được "bất thủ ư tướng, như như bất động" thì quý vị chẳng khác gì Phật, Bồ Tát rồi!
Hai câu này chúng tôi thường diễn tả là "buông xuống" (phóng hạ), buông xuống được. Tổng cương lãnh của Giáo Hạ là Chỉ Quán. Ngài Thiên Thai giảng Ma Ha Chỉ Quán, hai câu trên đây chính là Chỉ, mà cũng là nói đến buông xuống. Bài kệ cuối cùng trong kinh Kim Cang là:
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ, diệc như điển.
Ưng tác như thị quán.
(Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như ánh chớp, như giọt sương,
Nên thường quán như vậy)
Bốn câu kệ này "thấy thấu suốt" (khán phá). Dùng bốn câu kệ này để thấy thấu suốt hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Hết thảy pháp là hữu vi, pháp xuất thế gian cũng vẫn là pháp hữu vi. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, thậm chí hết thảy chư Phật vì chúng sanh giảng kinh thuyết pháp, toàn bộ là pháp hữu vi!
Pháp hữu vi là mộng, huyễn, bọt nước, ảnh. Vì thế, đức Phật mới bảo "pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp" (pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp). "Pháp" là Phật pháp. Phật pháp còn chẳng được chấp trước, vậy thì những gì chẳng phải là Phật pháp đều phải nên bỏ hết! Đấy là lời dạy quý vị phải thấy thấu suốt vậy! Hết thảy pháp là gì? Mộng, huyễn, bọt nước, ảnh chẳng phải thật, là giả đó! Điều này chúng tôi đã giảng rất tường tận, rất thấu đáo trong khi giảng kinh Kim Cang.
Câu "như lộ, diệc như điển" nói đến huyễn tướng, giả tướng ấy tồn tại trong thời gian rất ngắn. "Lộ" (露) là giọt sương đọng, tỉ dụ cái tướng tương tục của hiện tượng ấy chỉ tồn tại trong một thời gian, nhưng thời gian ấy chẳng dài lâu. "Như điển" (如電: Như ánh chớp) là nói sanh diệt trong sát-na, nói cách khác là về căn bản nó chẳng hề tồn tại! Trong Phật pháp có nói "bất sanh bất diệt". Bất sanh bất diệt ngụ ý sanh diệt đồng thời; lúc sanh cũng chính là lúc diệt. Đó chính là chân tướng của hết thảy hiện tượng, rất khó hiểu rõ. Các nhà khoa học hiện đại đã chứng minh cho chúng ta thấy rồi, điều xác thực là tất cả hiện tượng đều tồn tại trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi, gần như chúng ta không có cách nào tưởng tượng được, không cách gì hiểu được nổi. Bài kệ này thuyết minh chân tướng thế gian và xuất thế gian, hễ quý vị thấu hiểu được, quý vị sẽ thấy thấu suốt. Bởi thế, hai câu kệ trước và bài kệ này là nói đến thấy thấu suốt và buông xuống!
Có thể thấy thấu suốt và buông xuống được thì chẳng cần biết là tu học theo tông phái nào hay pháp môn nào, quý vị đều có "nhập xứ" cả! Nhập xứ là gì? Là quý vị đều có thể chứng quả. Chữ "nhập" này là nhập vào Nhất Chân Pháp Giới, nhập Bất Nhị pháp môn. Nhập được Nhất Chân Pháp Giới, Bất Nhị pháp môn thì chẳng những quý vị vượt khỏi lục đạo, mà còn siêu việt mười pháp giới nữa kia, đấy mới kể là thành tựu viên mãn rốt ráo. Bởi thế, câu này trọng yếu phi thường.
Trong cuộc sống, chúng ta phải tu những gì? Tu những điều này. Nếu nói như vậy, cần chi phải cầu sanh Tịnh Độ nữa? Nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, quý vị cứ chiếu theo phương pháp này tu hành vượt thoát lục đạo, vượt thoát mười pháp giới xong; sau khi vượt thoát, quý vị muốn chứng viên mãn Bồ Đề thì lại phải tu trọn ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Thời gian ấy rất dài! Con số ấy là con số dùng trong thiên văn học đấy nhé!
Chúng ta thường nói thành Phật phải mất ba A-tăng-kỳ kiếp, nhưng [thời gian ấy] chẳng phải là tính từ thời gian hiện tại đâu nhé. Lúc quý vị chưa nhập Nhất Chân Pháp Giới sẽ không tính, lúc còn tu hành trong lục đạo không tính, lúc còn trong mười pháp giới, dẫu là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều chẳng tính, phải là vượt thoát mười pháp giới, chứng được Nhất Chân Pháp Giới rồi thì kể từ ngày ấy mới tính, phải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới có thể viên mãn Bồ Đề. Đấy là điều kinh điển Đại Thừa thường nói, nếu quý vị lưu ý một chút sẽ hiểu rõ.
Trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất chứng được ba mươi địa vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng; A-tăng-kỳ kiếp thứ hai chứng được bảy địa vị từ Sơ Địa đến Thất Địa; A-tăng-kỳ kiếp thứ ba chứng được Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa. Tu trọn ba A-tăng-kỳ kiếp rồi, quý vị đạt đến địa vị nào? Pháp Vân Địa Bồ Tát, vẫn chưa đạt tới địa vị Đẳng Giác; còn phải đạt tới Đẳng Giác mới là thành Phật. Chúng ta thấy lại phải tốn thêm một A-tăng-kỳ kiếp nữa mới thành công. Đó là nói trong trường hợp quý vị chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Nếu cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ thì sao?
Ái chà! Quý vị chiếm tiện nghi lớn lắm! Quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân phận chúng ta là phàm phu nghiệp chướng, hạ hạ phẩm vãng sanh một phẩm phiền não còn chưa đoạn được, đến thế giới Cực Lạc rồi muốn chứng được Phật quả viên mãn rốt ráo thì phải mất bao lâu? Trong quá khứ, khi giảng kinh chúng tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, chúng tôi dựa theo kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà tính toán tỉ mỉ thì khoảng ba bốn kiếp là thành công! Ba kiếp, bốn kiếp thôi nhé! Nếu quý vị chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ thì phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chẳng thể so sánh được nổi!
Chúng tôi nói rút gọn ý nghĩa này lại cho quý vị nghe: Chẳng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị tu hành chứng quả thì phải cần ba vạn năm mới có thể thành công; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thì cần bao nhiêu thời gian? Ba ngày là thành công! Quý vị cứ tính toán đi. Đó là lý do vì sao chúng ta y chiếu Bát Nhã Ba La Mật Đa tu hành, nhưng vẫn phải vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì quý vị mới chết lòng sát đất niệm Phật cầu sanh, mà cũng chẳng hoài nghi, chẳng còn do dự. Đây là nói về tự hạnh.
Chánh kinh:
Nhược dục ư bỉ chư chúng sanh đẳng, thâm sanh lân mẫn, đa sở nhiêu ích, ưng dĩ vô hy vọng tâm thanh tịnh thuyết pháp.
若欲於彼。諸眾生等。深生憐愍。多所饒益。應以無希望心。清淨說法。
(Nếu đối với những chúng sanh ấy, sanh lòng thương xót sâu xa, muốn làm nhiều điều lợi ích cho họ thì phải dùng tâm không mong cầu mà thanh tịnh thuyết pháp).
Câu này nói về "lợi tha". Bồ Tát luôn có tâm từ bi, thấy chúng sanh rất khổ, rất đáng thương, nói chung là muốn giúp đỡ họ, nhưng rất đáng tiếc là chính mình không có trí huệ thì rốt cuộc phải giúp đỡ bằng cách nào đây? Càng giúp càng rối thêm, chúng ta thấy rất nhiều [trường hợp như vậy]. Giúp đỡ như thế nào mà càng rối thêm? Giúp họ đọa tam đồ, đẩy họ đọa vào địa ngục, còn bảo là mình tạo công đức rất lớn. Oan uổng quá!
Ở chỗ này, quý vị phải đọc kỹ bộ kinh này, mới hiểu rõ: Chúng ta thường nói mình độ chúng sanh, cứu tế những người khổ nạn, nhưng rốt cuộc là chúng ta đã làm những việc gì? Chúng ta tạo nhân quả như thế nào? Ta cần phải làm những gì thì mới đúng lý, đúng pháp, mới có thể thành tựu chính mình, giúp đỡ người khác? Kinh này dạy "thâm sanh lân mẫn, đa sở nhiêu ích". "Nhiêu" (饒) là phong phú, phong nhiêu, cũng có nghĩa là lợi ích tối cao, lợi ích thù thắng nhất: giúp cho người khác giác ngộ, chứ chẳng phải nói đến thứ gì khác. Giúp họ nhận biết Phật giáo Đại Thừa, giúp họ nhận hiểu Tịnh Độ, lợi ích ấy vô lượng vô biên.
Nên dùng thái độ như thế nào? Dùng "tâm không mong cầu" để giới thiệu Phật pháp cho họ. Nếu như thuyết pháp cho họ mà có tâm mong mỏi nơi họ thì là trật rồi!
5. Lúc dùng tâm không mong cầu để hành pháp thí, sẽ thành hai mươi điều lợi, và lại thêm hai mươi điều lợi nữa
Theo cách đại sư Ngẫu Ích phán định, chia kinh này thành tất cả mười lăm đoạn, đoạn chúng tôi sẽ giảng dưới đây là đoạn thứ tám.
Chánh kinh:
Phục thứ Di Lặc! Nhược Bồ Tát dĩ vô hy vọng tâm, hành pháp thí thời, bất trước danh, văn, lợi, dưỡng, quả, báo, dĩ nhiêu ích sự nhi vi thượng thủ, thường vị chúng sanh, quảng tuyên chánh pháp.
復次彌勒。若菩薩以無希望心。行法施時。不著名。聞。利。養。果。報。以饒益事。而為上首。常為眾生。廣宣正法。
(Lại này nữa Di Lặc! Nếu Bồ Tát dùng tâm không mong cầu, lúc hành pháp thí, chẳng chấp vào danh tiếng, lợi dưỡng, quả báo, lấy sự nhiêu ích làm đầu, thường vì chúng sanh rộng nói chánh pháp).
"Vô hy vọng" nói cụ thể là ta chẳng mong mỏi những điều gì?
Điều thứ nhất là danh, chẳng vì cái danh, mà cũng chẳng vì "văn". "Văn" (聞) nói theo ngôn ngữ ngày nay là mức độ nổi tiếng. Chúng ta chẳng vì những thứ đó. Hiện thời, có những vị đồng tu in những cuốn sách nhỏ. Có một lần ở phi trường, tôi thấy một vị đồng tu cầm cuốn sách nhỏ để đọc ở đó, đại khái là Vô Lượng Thọ Kinh. Trang đầu cuốn sách ấy in một tấm hình của tôi, tôi thấy là do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn tống, thật là hồ đồ, phiền toái quá. Không nên như vậy! Quý vị làm vậy tưởng chừng như tôn trọng tôi, chứ thật sự ra là gì? Chỉ là đề xướng danh văn, lợi dưỡng, đề xướng bất tịnh thuyết pháp. Đầu cuốn kinh in hình Phật, hình Bồ Tát thì được, chứ quyết định chẳng thể in hình ai, tuyệt đối chẳng được!
Pháp thế gian có chỗ đáng học theo, nhưng có chỗ chẳng nên bắt chước! Minh tinh điện ảnh gây chú ý, họ đăng ảnh quảng cáo rất nhiều. Lúc chúng ta thuyết pháp, quyết định chớ nên làm giống như thế. Lúc phát thiếp thông báo [thuyết giảng], nếu cứ phải in hình pháp sư lên trên ấy thì có khác gì minh tinh quảng cáo đâu! Người thật sự có đức xem thấy, họ không trách quý vị nhưng cũng chẳng đến dự. Trên thiếp thông báo in hình Phật, hình hoa sen thì được, ngàn vạn phần chẳng nên in hình ai. Điều này quý vị phải nhớ lấy, tuyệt đối đừng tạo danh văn!
"Lợi" là lợi ích, "dưỡng" là cúng dường. Chẳng vì những thứ này [mà thuyết pháp]. Nếu chẳng vì những thứ này, lại có người vì những thứ gì? Vì quả báo. Tôi làm như thế tương lai sẽ thành Phật, thành Bồ Tát. Ý niệm thành Phật, thành Bồ Tát cũng phải bỏ sạch đi, cái gì cũng chẳng cầu thì quý vị mới thật sự thành tựu. Quý vị nghĩ "tôi muốn chứng A La Hán, thành Bích Chi Phật, thành Bồ Tát" thì gọi là "khởi vọng tưởng", là tiêu chuẩn của phàm phu. Họ mong mỏi thì nhất định họ sẽ chẳng đạt được.
Vì sao vậy? Chư Phật, Bồ Tát tâm địa thanh tịnh, một niệm chẳng sanh, làm sao còn có vọng niệm cơ chứ? Thành Phật, thành Bồ Tát là bọn phàm phu chúng ta nói, chứ chính các Ngài chẳng hề nói mình thành Phật, thành Bồ Tát. Kinh nói các Ngài thành Phật, thành Bồ Tát là tùy thuận chúng sanh mà nói. Chúng sanh hiểu như vậy cho nên Phật nói thuận theo chúng sanh, chứ trong tâm các Ngài tuyệt đối chẳng có ý niệm ấy.
Chẳng những chư Phật, Bồ Tát không có ý niệm ấy, chúng ta xem trong kinh Kim Cang, Tu Đà Hoàn cũng chẳng có ý niệm ấy; chúng ta mới nhận thức rõ ràng là Tiểu Thừa Sơ Quả còn chẳng có ý niệm ấy, nên các Ngài mới chứng được Sơ Quả! Nếu có ý niệm ấy, các Ngài chẳng thể chứng Sơ Quả! Vì sao vậy? Còn có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước. Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì là lục đạo phàm phu, chẳng phải là thánh nhân! Bởi thế, những lời Phật răn dạy ở đây gọi là lời răn dạy chân thật, chúng ta chẳng nên có những ý niệm như thế.
Đối với chúng sanh, nhất định phải lấy "nhiêu ích" làm đầu. Nói theo ngôn ngữ hiện thời, "nhiêu ích" là lợi ích lớn nhất, thù thắng nhất, là giúp đỡ hết thảy chúng sanh, lấy đó làm điều ưu tiên. Thù thắng nhất, thù thắng khôn sánh là dạy chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Pháp môn này gọi là pháp khó tin, làm sao khiến cho họ tin tưởng? Điều này rất trọng yếu! Bởi thế, tự mình phải nỗ lực tu hành. Nếu chính mình chẳng tu hành, làm sao khiến người khác tin tưởng? Nhất định phải lấy chính mình làm gương tốt nhất để chúng sanh trông vào, họ không tin cũng không được!
Chính tôi khi học Phật, lúc chúng tôi gặp thầy Lý Bỉnh Nam vào năm ấy, thầy Lý ước chừng bảy mươi mốt tuổi, so với tôi, tuổi tác chênh lệch rất nhiều! Thế mà tôi thấy thầy Lý nhiều lắm là bốn mươi tuổi, mà sao cũng chẳng thấy cụ đã ngoài bảy mươi à nghe! Là vì tinh thần cụ sung mãn, thanh âm vang rõ, mắt nhìn cũng chưa quáng. Chúng tôi thường ở cùng một chỗ đọc sách tra tự điển. Thầy bảo tôi tra, lúc tra xong, thầy nói: "Cầm đến đây tôi đọc cho các anh nghe để coi thị lực của tôi ra sao?" Cụ đọc không sai một chữ! Chữ trong tự điển so với chữ in trong báo còn nhỏ hơn nữa, cụ chẳng cần phải đeo kính lão, vì sao? Là để biểu diễn cho chúng tôi thấy, chúng tôi chẳng thể không tin.
Nếu nói một người tu hành vừa khô héo, vừa còm cõi, vừa chẳng có tinh thần, chúng ta trông thấy người như vậy sẽ chẳng có tín tâm. Quý vị học Phật phải nêu gương tốt cho người khác thấy, người ta mới tin tưởng chứ! Thấy quý vị học Phật mấy năm, khô cằn, héo hon, còm cõi, quý vị nói cách nào, nói nghe hay đến đâu đi nữa, người khác cũng chẳng dễ gì tiếp nhận, mà cũng chẳng tin tưởng. Bởi vậy, quý vị phải triển khai cho người ta thấy, họ thấy xong, nếu họ rất hâm mộ, thì quý vị mới bảo họ: "Các vị làm như vậy đó thì các vị sẽ giống như tôi, so ra còn giỏi hơn tôi nữa đó!"
Tướng tùy tâm chuyển, cảnh tùy tâm chuyển. Cảnh là hoàn cảnh sanh hoạt của chúng ta. Quý vị phải hiểu rõ ý nghĩa này, quý vị có thấy hiện thời không ít người hô hào cải biến thể chất. "Cải biến thể chất" là một khẩu hiệu không ít người bị mắc lừa! Những ai bị lừa? Là do những người ấy có ham muốn như thế, người ta bèn chế ra các món thuốc thang. Ôi! Những món thuốc ấy có ích chi đâu! Những dược vật tưởng là hữu ích, kỳ thật là độc dược. Quý vị dùng những dược vật ấy, có ai biến đổi được thể chất hay chăng? Tôi chẳng thấy có ai đạt hiệu quả cả, đủ thấy là bị lừa, bị gạt gẫm rồi!
Phật dạy chúng ta phương pháp hữu hiệu nhất: Tâm địa thanh tịnh, chân thành, từ bi, thì thể chất quý vị sẽ biến đổi. Tâm thanh tịnh khiến cho những gì tệ hại trên thân thể quý vị biến mất, thân thể quý vị bèn thanh tịnh, chẳng bị ô nhiễm. Hiện thời, ăn bất cứ gì, đồ ăn uống nào cũng đều có chất độc cả. Dùng gì để tiêu trừ chất độc đây? Dùng tâm từ bi để tiêu độc. Do vậy, nếu tâm địa quý vị thanh tịnh, từ bi, lẽ nào chẳng được khỏe mạnh?
Quý vị bảo thân mình đau bệnh thì nói cách khác là quý vị thiếu tâm từ bi, tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Quý vị nói mình thanh tịnh, từ bi đều là giả, chẳng phải thật. Phật chẳng dối người, đức Phật chẳng cho ta dược vật nào! Đức Phật dạy ta tự điều chỉnh thân tâm mình, chẳng vì danh, văn, lợi, dưỡng, quả, báo, những thứ ấy phải bỏ sạch hết cả đi.
Chánh kinh:
Thường vị chúng sanh, quảng tuyên chánh pháp, đương đắc thành tựu nhị thập chủng lợi.
常為眾生。廣宣正法。當得成就。二十種利。
(Thường vì chúng sanh rộng nói chánh pháp, sẽ được thành tựu hai mươi điều lợi)
Hai mươi điều lợi này tự nhiên có, chẳng cần phải cầu. Chẳng cầu mà có, trái lại nếu cầu sẽ chẳng được đâu! Vì sao vậy? Bởi ý niệm mong cầu ấy là nhiễm ô, là chẳng thanh tịnh, cho nên quý vị chẳng đạt được. Quý vị đừng cầu, chẳng cầu sẽ được!
Chánh kinh:
Vân hà danh vi nhị thập chủng lợi?
云何名為。二十種利。
(Thế nào là hai mươi điều lợi?)
Dưới đây, kinh nói cho chúng ta biết.
Chánh kinh:
Sở vị: Chánh niệm thành tựu.
所謂正念成就。
(Chính là: Chánh niệm thành tựu)
Đây là điều lợi thứ nhất. Chánh niệm là vô niệm. Lại sợ quý vị niệm gì cũng chẳng có, bèn biến thành Vô Tưởng Định thì hỏng mất. Quả báo của Vô Tưởng Định là ở tại trời Vô Tưởng trong Tứ Thiền Thiên, thế là học Phật lại trở thành học ngoại đạo mất rồi; bởi thế, Phật mới dạy chúng ta vô niệm là "không có tà niệm thì mới gọi là Chánh Niệm". Chánh niệm là niệm của Phật, Bồ Tát, tương ứng với Phật pháp. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Trí huệ cụ túc.
智慧具足。
(Đầy đủ trí huệ).
Trí huệ là tác dụng do tâm thanh tịnh phát khởi, phiền não là tác dụng do tâm nhiễm ô phát khởi. Thân tâm thanh tịnh thì trí huệ tăng trưởng. Điều thứ ba là:
Chánh kinh:
Hữu kiên trì lực.
有堅持力。
(Có sức kiên trì).
Sức kiên trì từ đâu sanh? Từ trí huệ sanh. Người ấy thông đạt, hiểu rõ hết thảy sự lý, chẳng mê hoặc mảy may, bởi thế người ấy làm gì cũng thông suốt từ đầu đến đuôi. Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Trụ thanh tịnh hạnh.
住清淨行。
(Trụ hạnh thanh tịnh)
Tâm thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh, hành vi thanh tịnh. Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Sanh giác ngộ tâm.
生覺悟心。
(Sanh tâm giác ngộ)
Niệm niệm giác chẳng mê. Điều thứ sáu là:
Chánh kinh:
Đắc xuất thế trí.
得出世智。
(đắc xuất thế trí)
Làm thế nào để vượt thoát lục đạo luân hồi? Làm sao để vượt thoát mười pháp giới? Người ấy hiểu rất rõ ràng, rất minh bạch.
Chánh kinh:
Bất vị chúng ma chi sở đắc tiện.
不為眾魔之所得便。
(Chẳng bị các ma thừa dịp làm hại).
Nói theo ngôn ngữ bây giờ là quyết định chẳng để cho yêu ma, quỷ quái nắm đằng chuôi. "Đắc sở tiện" nghĩa là bị người khác thao túng. Yêu ma, quỷ quái định khống chế quý vị mà quý vị đã hiểu đạo lý này, tâm địa của quý vị thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, yêu ma quỷ quái chẳng còn cách nào làm gì được quý vị cả! Những gì là nhược điểm để yêu ma quỷ quái lợi dụng? Chính là danh, văn, lợi, dưỡng, quả, báo. Hễ quý vị có những ý niệm ấy thì sẽ bị chúng thao túng, bị chúng khống chế.
Các vị đồng tu chúng ta đã từng coi qua Tây Du Ký hay chưa? Trong Tây Du Ký có Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, nhưng hắn bị Quán Thế Âm Bồ Tát nắm chuôi, suốt đời bị Ngài khống chế, chẳng ra khỏi lòng bàn tay của Ngài được. Những gì là nhược điểm của hắn? Thích đội cái mũ cao. Tôn Ngộ Không thích được người khác săn đón, thích được khen thưởng, đấy chính là chỗ yếu của hắn. Bởi thế, đức Quán Thế Âm Bồ Tát mới tặng cho hắn cái mũ cao để đội, đội vào rồi Ngài bèn niệm chú Kim Cô, hắn bèn bị khống chế!
Vì thế, quý vị háo danh, háo lợi, thích được cúng dường, ham quả báo, sẽ bị người ta nắm thóp ngay, bị người khác khống chế dễ dàng. Nếu quý vị chẳng ham thích chi hết, họ chẳng có cách nào hết, đối với quý vị họ không biết làm cách nào! Chỉ cần quý vị có chút vọng tưởng, có chút ý niệm, có chút dục vọng, quý vị bèn bị ma khống chế ngay! Suy nghĩ cặn kẽ, sẽ thấy ý nghĩa của câu kinh này rất sâu rộng. Điều thứ tám, thứ chín, thứ mười là:
Chánh kinh:
Thiểu ư tham dục, vô hữu sân nhuế, diệc bất ngu si.
少於貪欲。無有瞋 恚。亦不愚痴。
(Ít tham dục, chẳng nóng giận, cũng chẳng ngu si).
Ba câu này chính là thành tựu ba thiện căn. Ba thiện căn là vô tham, vô sân, vô si. Có thể thấy là nếu tham chấp danh, văn, lợi, dưỡng, quả, báo sẽ chẳng có ba thiện căn; cớ sao quý vị hằng ngày cứ tăng trưởng tham, sân, si? Đoạn kinh trên đây nói về ba thiện căn hiện tiền vậy. Điều thứ mười một là:
Chánh kinh:
Chư Phật Thế Tôn chi sở ức niệm.
諸佛世尊之所憶念。
(Được chư Phật Thế Tôn nghĩ nhớ)
Đây là được chư Phật hộ niệm, vì sao vậy? Tâm tâm tương ứng chư Phật, cho nên cảm được chư Phật hộ niệm.
Chánh kinh:
Phi nhân thủ hộ.
非人守護。
(Được phi nhân bảo vệ, gìn giữ)
Chữ "phi nhân" chỉ quỷ thần; quỷ thần cũng bảo vệ, giúp đỡ quý vị.
Chánh kinh:
Vô lượng chư thiên gia kỳ oai đức.
無量諸天。加其威德。
(Vô lượng chư thiên tăng thêm oai đức).
Câu này ý nói thiên long bát bộ, hộ pháp thần. Hộ pháp thần bảo vệ, giúp đỡ quý vị đấy!
Chánh kinh:
Quyến thuộc thân hữu vô năng trở hoại.
眷屬親友。無能沮壞。
(Quyến thuộc, thân hữu không ai có thể ngăn trở, phá hoại).
Một người tu cho tốt, cả nhà cũng được hưởng lây, người nhà, quyến thuộc đều được hưởng lợi ích như quý vị, đều hưởng nhờ phước báo của quý vị.
Chánh kinh:
Hữu sở ngôn thuyết, nhân tất tín thọ, bất vị oan gia ty cầu kỳ tiện.
有所言說。人必信受。不為冤家。伺求其便。
(Nói ra điều gì, người khác đều tin nhận, chẳng bị oan gia bới tìm khuyết điểm).
Từ vô thỉ kiếp đến nay, đã kết oán rất nhiều đối với hết thảy chúng sanh, bởi thế gặp rất nhiều chướng ngại trên đường đạo Bồ Đề, ấy là ma chướng đó! Chẳng phải là oan gia, chủ nợ dung tha quý vị đâu nhé, chỉ vì quý vị chẳng hề chấp vào danh, văn, lợi, dưỡng, quả, báo nên oan gia chủ nợ cũng chẳng biết làm sao. Họ cũng chẳng có biện pháp nào để trở ngại, quấy nhiễu quý vị. Điều thứ mười bảy là:
Chánh kinh:
Đắc vô sở úy.
得無所畏。
(Được không sợ hãi).
Điều thứ mười tám là:
Chánh kinh:
Đa chư khoái lạc.
多諸快樂。
(Được nhiều điều vui sướng)
Ta thường gọi điều này là "pháp hỷ sung mãn". Điều thứ mười chín là:
Chánh kinh:
Vị chư trí nhân chi sở xưng thán.
為諸智人之所稱嘆。
(Được những người trí khen ngợi).
Người có trí huệ thật sự trông thấy quý vị sẽ khen ngợi. Điều thứ hai mươi là:
Chánh kinh:
Thiện năng thuyết pháp, chúng nhân kính ngưỡng.
善能說法。眾人敬仰。
(Khéo có thể thuyết pháp, mọi người kính ngưỡng).
Lời quý vị nói ra, tuy là mượn lời chư Phật, Bồ Tát hoặc lời của các vị tổ sư đại đức, nhưng vì tâm quý vị chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, dù mượn lời kinh sách của người khác, nhưng lời ấy từ tự tánh lưu lộ ra ngoài, đó gọi là "khéo có thể thuyết pháp" khiến người nghe rất cảm động, tạo ấn tượng sâu đậm, chứ chẳng phải là chiếu theo kinh văn mà phân khoa; thuyết pháp như thế chẳng thể làm cho người khác được lợi ích chân thật.
Phật giảng cho ta nghe hai mươi điều, đều là những lợi ích tự nhiên đạt được, tuyệt đối chẳng phải là do mong cầu mà có.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát đương đắc thành tựu nhị thập chủng lợi. Bất trước danh văn, lợi dưỡng, quả báo, hành nhiêu ích sự nhi vi thượng thủ, thường vị chúng sanh dĩ vô hy vọng tâm, thanh tịnh thuyết pháp.
彌勒。是為菩薩。當得成就。二十種利。不著名聞。利養。果報。行饒益事。而為上首。常為眾生。以無希望心。清淨說法。
(Này Di Lặc! Đấy là hai mươi điều lợi mà Bồ Tát sẽ được thành tựu, chẳng chấp vào danh văn, lợi dưỡng, quả báo, lấy việc nhiêu ích làm đầu, thường vì chúng sanh dùng tâm chẳng mong cầu thanh tịnh thuyết pháp).
Câu này là đức Phật lại phó chúc, lại dặn dò một lần nữa. Phật nói hai mươi điều lợi, tiếp theo đây Ngài lại nói hai mươi điều lợi khác, đủ thấy tâm không mong cầu thanh tịnh thuyết pháp cho chúng sanh thì công đức lợi ích vô lượng vô biên. Chúng ta xem đoạn kế tiếp như sau:
Chánh kinh:
Phục thứ Di Lặc! Nhược Bồ Tát dĩ vô hy vọng tâm, hành pháp thí thời, bất trước danh văn, lợi dưỡng, quả báo, dĩ nhiêu ích sự nhi vi thượng thủ, thường vị chúng sanh quảng tuyên chánh pháp, hựu năng thành tựu nhị thập chủng lợi.
復次彌勒。若菩薩以無希望心。行法施時。不著名聞。利養。果報。以饒益事。而為上首。常為眾生。廣宣正法。又能成就。二十種利。
(Lại này Di Lặc! Nếu Bồ Tát lúc hành pháp thí, do tâm không hy vọng, chẳng chấp vào danh văn, lợi dưỡng, quả báo, lấy việc nhiêu ích làm đầu, thường vì chúng sanh rộng tuyên chánh pháp, sẽ lại thành tựu hai mươi điều lợi).
Hai mươi điều lợi này, quá nửa là những điều người thuyết pháp thường mong mỏi: Cầu hiểu rõ lý luận, phương pháp, đấy gọi là "như lý, như pháp". Trong nhà Phật, có cầu ắt ứng. Thế nào là "như lý, như pháp?" Chẳng cầu danh văn, lợi dưỡng, quả báo là "như lý, như pháp". Dùng tâm thanh tịnh vì chúng sanh thuyết pháp chính là tâm không mong cầu, thanh tịnh thuyết pháp vậy.
Chánh kinh:
Vân hà danh vi nhị thập chủng lợi? Sở vị: Vị sanh biện tài, nhi năng đắc sanh.
云何名為。二十種利。所謂未生辯才。而能得生。
(Thế nào là hai mươi điều lợi? Chính là: Biện tài chưa sanh sẽ được sanh khởi).
Đây là lợi ích thứ nhất. Rất nhiều người mong được biện tài vô ngại. Biện tài vô ngại do đâu mà có? Ở đây, đức Phật dạy cho chúng ta biết: Vô ngại biện tài là tánh đức của chính mình, trong bản tánh vốn đã sẵn có. Vì sao hiện tại chưa có được biện tài này? Chưa có là do còn có chướng ngại, nghiệp chướng đó mà! Ấy là vì trong quá khứ và hiện tại tạo tác khẩu nghiệp quá nhiều nên chẳng có biện tài; tâm chẳng thanh tịnh! Tâm thanh tịnh, biện tài bèn khôi phục. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Dĩ sanh biện tài, chung bất vong thất.
已生辯才。終不忘失。
(Biện tài đã sanh, trọn chẳng quên mất).
Quý vị đã đắc thì biện tài ấy thì sẽ chẳng bị mất đi. Điều thứ ba là:
Chánh kinh:
Thường cần tu tập, đắc đà-ra-ni.
常勤修習。得陀羅尼。
(Thường siêng tu tập, đắc đà-ra-ni).
"Đà-ra-ni" (dhāranī) là tiếng Phạn, nói theo ngôn ngữ hiện thời là "cương lãnh". Chẳng cần biết quý vị tu học pháp môn nào, hễ quý vị nắm được cương lãnh, nắm được đại cương của pháp ấy thì lúc quý vị tu học rất dễ thụ dụng. Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Dĩ thiểu công dụng, thiện năng lợi ích vô lượng chúng sanh.
以少功用。善能利益。無量眾生。
(Dùng ít công sức mà khéo có thể lợi ích vô lượng chúng sanh).
Chẳng cần phải mất nhiều thời gian, cũng chẳng cần phải đổ nhiều tinh thần, vẫn có thể lợi ích rất nhiều chúng sanh. Có thể thấy đó là biểu hiện của trí huệ cao độ, thiện xảo vậy! Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Dĩ thiểu công dụng, linh chư chúng sanh khởi tăng thượng tâm, cung kính tôn trọng.
以少功用。令諸眾生。起增上心。恭敬尊重。
(Dùng công sức ít mà khiến cho chúng sanh khởi lòng tăng thượng, cung kính, tôn trọng).
"Cung kính, tôn trọng" là đối với Tam Bảo mà nói. Một phần cung kính được một phần lợi ích, một phần tôn trọng được một phần lợi ích. Nếu chẳng cung kính, tôn trọng, dù chư Phật, Bồ Tát có thuyết pháp hay khéo đến đâu, người nghe cũng chẳng đạt được lợi ích. Vì thế, điều này rất là trọng yếu. Điều thứ sáu là:
Chánh kinh:
Đắc thân khẩu ý thanh tịnh luật nghi.
得身口意。清淨律儀。
(Thân, miệng, ý phù hợp luật nghi thanh tịnh).
Đây chính là tam nghiệp thanh tịnh. Điều thứ bảy là:
Chánh kinh:
Siêu quá nhất thiết ác đạo bố úy.
超過一切。惡道怖畏。
(Vượt qua khỏi hết thảy những đường ác, những sự sợ hãi).
Đây là chuyện đương nhiên. Dù tự mình có chủng tử ác nghiệp, nhưng trong đời này vì mình đã đoạn hết ác duyên nên chủng tử ác chẳng có duyên để kết quả. Chẳng những đoạn sạch duyên trong tam ác đạo, mà duyên trong lục đạo cũng đoạn sạch. Chẳng những đoạn sạch các duyên trong lục đạo mà duyên trong mười pháp giới cũng bỏ sạch. Người ấy trong một đời nhất định chứng Nhất Chân Pháp Giới. Muốn vậy thì phải làm như thế nào? Thật thà niệm Phật! Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thuộc trong mười pháp giới, người vãng sanh đã siêu thoát mười pháp giới. Điều thứ tám là:
Chánh kinh:
Ư mạng chung thời, tâm đắc hoan hỷ.
於命終時。心得歡喜。
(Lúc lâm chung, tâm được hoan hỷ).
Người bình thường lúc lâm chung rất thống khổ, rất ưu sầu, thật chẳng biết phải làm sao! Nhưng người tu đạo biết lúc mạng chung sẽ đi về đâu nên họ rất hoan hỷ, rất sung sướng, đúng là lúc thoát ly biển khổ! Người ấy muốn sang sống nơi thanh tịnh tối cực, nơi thù thắng tối cực vậy. Điều thứ chín là:
Chánh kinh:
Hiển dương chánh pháp, tồi phục dị luận.
顯揚正法。摧伏異論。
(Hiển dương chánh pháp, đập tan dị luận)
Năng lực thuyết pháp của người ấy phảng phất giống với chư Phật, Bồ Tát. Điều thứ mười là:
Chánh kinh:
Nhất thiết hào quý, oai đức, tôn nghiêm, do tự bất năng sở hữu khuy vọng, hà huống hạ liệt thiểu phước chúng sanh.
一切豪貴。威德。尊嚴。猶自不能有所窺望。何況下劣少福眾生。
(Hết thảy kẻ giàu sang, oai đức, tôn nghiêm còn chẳng thể đánh giá người ấy chút phần, huống là những chúng sanh hèn kém, ít phước).
Câu này tán thán những thành tựu của người ấy. Đầu tiên, kinh nói đến những kẻ phú quý, "hạ liệt thiểu phước" là kẻ bần tiện. Người phú quý hay bần tiện trong thế gian chẳng thể suy lường được người ấy cao thâm đến đâu. Đấy là nói đến cảnh giới của người ấy. Điều thứ mười một là:
Chánh kinh:
Chư căn thành tựu.
諸根成就。
(Các căn thành tựu).
Điều thứ mười hai là:
Chánh kinh:
Vô năng ánh tế.
無能映蔽。
(Không chi che lấp được)
Biểu hiện năng lực trí huệ của người ấy rất rạng rỡ, [thấu hiểu mọi sự] không thừa sót, không ai có thể chướng ngại người ấy. Điều thứ mười ba là:
Chánh kinh:
Cụ túc nhiếp thọ thù thắng ý lạc.
具足攝受。殊勝意樂。
(Nhiếp thọ đầy đủ niềm vui xứng ý thù thắng).
Câu này nói đến sự hưởng thụ cuộc sống của người ấy: Đạt được hạnh phúc khoái lạc viên mãn. Niềm hạnh phúc khoái lạc đó từ trong tâm tỏa lộ ra bên ngoài, chứ chẳng phải từ bên ngoài mà có. Đấy gọi là "thù thắng ý lạc". Hạnh phúc xứng ý trong cuộc sống của phàm phu là do từ bên ngoài khơi gợi, phát khởi: hưởng thụ ngũ dục, lục trần, cho đó là khoái lạc. Chư Phật, Bồ Tát chẳng vậy, khoái lạc phát xuất từ nội tâm. Khoái lạc phát khởi từ vô lượng trí huệ, vô lượng tài nghệ, vô lượng đức năng trong tâm tánh. Đấy mới là khoái lạc chân thật. Điều thứ mười bốn, mười lăm là:
Chánh kinh:
Đắc Xa Ma Tha, Tỳ Bà Xá Na.
得奢摩他。毘婆舍那。
(Chứng đắc Chỉ, Quán).
Hai câu này là tiếng Phạn. Xa-ma-tha (Śamatha) là Chỉ, là Định. Tỳ-bà-xá-na (Vipaśyanā) là Quán. Chúng tôi nói một cách thông tục cho quý vị dễ hiểu. Xa-ma-tha là từ buông bỏ hết thảy mà đắc Định. Quý vị buông xuống được vạn duyên thì sẽ đắc Định, đó gọi là Xa-ma-tha. Tỳ-bà-xá-na là từ "khán phá" (看破: Thấy thấu suốt bản chất các pháp) mà đắc Định. Đều là đắc Định, nhưng từ buông xuống mà đắc Định thì gọi là Xa-ma-tha. Từ khán phá mà đắc Định thì gọi là Tỳ-bà-xá-na. Điều thứ mười sáu là:
Chánh kinh:
Nan hành chi hạnh giai đắc viên mãn.
難行之行。皆得圓滿。
(Các hạnh khó hành đều được viên mãn).
Thế pháp (pháp thế gian) có pháp khó hành, xuất thế pháp cũng có pháp khó hành, nhưng quý vị đều thực hiện rất thuận lợi, rất viên mãn. Vì sao thế? Là vì quý vị có trí huệ, có cách thức thiện xảo. Điều thứ mười bảy, mười tám là:
Chánh kinh:
Phát khởi tinh tấn, phổ hộ chánh pháp.
發起精進。普護正法。
(Phát khởi tinh tấn, hộ trì hết thảy chánh pháp).
Tinh tấn khó đạt phi thường. "Tấn" là tiến bộ, vĩnh viễn không lùi sụt. Tiến bộ cần phải tinh (chuyên ròng), tinh thuần chuyên nhất, chẳng xen tạp. Đó gọi là "tinh tấn". "Phổ hộ chánh pháp" cũng lại hết sức trọng yếu, bất cứ hết thảy pháp nào do chư Phật, Bồ Tát nói ra, ta đều dùng tấm lòng chân thành để ủng hộ, trọn chẳng vì mình tu Tịnh Độ bèn chỉ hộ trì pháp Tịnh Độ, kẻ khác tham Thiền mình bèn chê bai thì là lầm mất rồi. Như thế là quý vị chẳng hộ trì người ấy rồi! Đối với hết thảy các pháp do đức Phật Như Lai đã nói đều phải dùng tâm bình đẳng, tâm chân thành để hộ trì, như vậy mới là đúng. Giống như trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử tham học năm mươi ba lần, quý vị xem: Năm mươi ba vị thiện tri thức, mỗi người chỉ tu có một pháp môn, nhưng đối với tất cả các pháp môn bọn họ đều thán thán, quyết định chẳng hề phỉ báng. Đấy là "phổ hộ chánh pháp", chúng ta phải học theo. Điều thứ mười chín là:
Chánh kinh:
Tốc tật năng siêu Bất Thoái Chuyển địa.
速疾能超不退轉地。
(Có thể nhanh chóng vượt lên địa vị Bất Thoái Chuyển).
"Tốc tật" (速疾) là nhanh chóng. Quý vị có thể nhanh chóng vượt lên chứng đắc địa vị Bất Thoái Chuyển. Câu này chuyên chỉ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ mà mong chứng đắc địa vị Bất Thoái Chuyển sẽ cực khó! Cực kỳ khó! Chỉ có vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có thể lập tức đạt được ba thứ Bất Thoái Chuyển. Điều thứ hai mươi là:
Chánh kinh:
Nhất thiết hạnh trung, tùy thuận nhi trụ.
一切行中。隨順而住。
(Tùy thuận trụ trong hết thảy các hạnh).
Đấy là đắc đại tự tại. Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, bất luận là thiện đạo hay ác đạo, đều có thể tùy thuận, mà cũng đều có thể tùy duyên, đều có thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Do hằng thuận, tùy hỷ thành tựu vô lượng công đức. Đấy là hai mươi điều lợi thứ hai.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát đương đắc thành tựu nhị thập chủng lợi. Bất trước danh văn, lợi dưỡng, quả báo, hành nhiêu ích sự nhi vi thượng thủ, thường vị chúng sanh, dĩ vô hy vọng tâm, thanh tịnh thuyết pháp.
彌勒。是為菩薩。當得成就。二十種利。不著名聞。利養。果報。行饒益事。而為上首。常為眾生。以無希望心。清淨說法。
(Này Di Lặc! Đấy là hai mươi điều lợi mà Bồ Tát sẽ được thành tựu, chẳng chấp vào danh văn, lợi dưỡng, quả báo, lấy việc nhiêu ích làm đầu, thường vì chúng sanh, dùng tâm chẳng mong cầu để thanh tịnh thuyết pháp).
Câu trùng lặp như thế này rất nhiều, câu này rất trọng yếu. Hy vọng chúng ta nghe nhiều lần sẽ nhớ kỹ càng, trong sanh hoạt thường ngày thường phải nương theo đấy mà tu hành.
6. Những lỗi xấu ác trong đời Mạt Pháp:
6.1. Tham cầu lợi dưỡng
Trong đoạn kinh sau đây, đức Phật giảng rõ những lỗi lầm và các thứ ác hạnh trong thế gian hiện thời. Chúng ta đọc xong phải tỉnh ngộ sâu xa, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phải lưu tâm đề phòng vi phạm. Xin hãy xem kinh văn:
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc: "Nhữ quán vị lai hậu ngũ bách tuế".
佛告彌勒。汝觀未來。后五百歲
(Phật bảo Di Lặc: "Ông xem trong đời tương lai, năm trăm năm sau).
Câu này chỉ thời đại hiện tại của chúng ta.
Chánh kinh:
Hữu chư Bồ Tát thậm vi vô trí.
有諸菩薩。甚為無智。
(Có những Bồ Tát rất là vô trí).
"Bồ Tát" ở đây đều là Sơ Phát Tâm Bồ Tát. Chúng ta ngày nay gặp được Phật pháp, ai nấy đã thọ Tam Quy, Ngũ Giới, Bồ Tát Giới, nên đều là những Bồ Tát được nói đến trong đoạn kinh này. Là Bồ Tát gì vậy? Bồ Tát ngu si, chẳng có trí huệ chi cả!
Chánh kinh:
Hành pháp thí thời.
行法施時。
(Lúc hành pháp thí).
Trong các loại bố thí, đặc biệt nhắc đến Pháp Bố Thí. Pháp Bố Thí bậc nhất là giảng kinh, thuyết pháp. Bất luận tại gia Bồ Tát hay xuất gia Bồ Tát đều có thể làm được. Đây là một hiện tượng hết sức rõ rệt tại Đài Loan, người giảng kinh thuyết pháp ở Đài Loan rất nhiều.
Chánh kinh:
Nhược hữu lợi dưỡng, sanh hoan hỷ tâm.
若有利養。生歡喜心。
(Nếu có lợi dưỡng, sanh tâm hoan hỷ).
Giảng kinh thuyết pháp mà được người ta cúng dường rất nhiều, được người ta cung kính, khen ngợi rất nhiều, bèn rất khoái chí, rất hoan hỷ vậy!
Chánh kinh:
Nhược vô lợi dưỡng, bất sanh hoan hỷ.
若無利養。不生歡喜。
(Nếu không có lợi dưỡng, chẳng sanh hoan hỷ).
Nếu không ai cung kính, cúng dường thì ý nguyện giảng kinh bèn suy giảm, thậm chí chẳng còn có ý nguyện giảng kinh nữa.
Chánh kinh:
Bỉ chư Bồ Tát vị nhân thuyết pháp, tác như thị tâm.
彼諸菩薩。為人說法。作如是心。
(Các Bồ Tát đó thuyết pháp cho người ta, sanh tâm như thế này)
Đây là khởi tâm động niệm. Khởi tâm gì? Động niệm gì?
Chánh kinh:
Vân hà đương linh thân hữu, đàn việt quy thuộc ư ngã?
云何當令。親友檀越。歸屬於我。
(Phải làm thế nào khiến cho thân hữu, đàn việt phải quy thuộc ta?)
Nói theo cách bây giờ là "lôi kéo tín đồ". Nghĩ đủ mọi phương cách, dùng mọi phương tiện (hay nói theo cách bây giờ là "dùng mọi thủ đoạn") để lôi kéo tín đồ, chẳng để cho họ đi đâu khác, cúng dường ai khác. Quý vị có muốn cúng dường thì chỉ nên cúng dường tôi, chẳng được cúng dường người khác. Quý vị muốn đến đạo tràng, chỉ nên đến đạo tràng của tôi, chẳng được đến đạo tràng bên cạnh. Mang lòng như thế, khởi lên ý niệm như thế.
Chánh kinh:
Phục cánh niệm ngôn: Vân hà đương linh tại gia, xuất gia chư Bồ Tát đẳng, nhi ư ngã sở, sanh tịnh tín tâm, cung kính, cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thang dược?
復更念言。云何當令。在家出家。諸菩薩等。而於我所。生淨信心。恭敬。供養。衣服。飯食。臥具。湯藥。
(Lại còn nghĩ rằng: Phải làm thế nào để các hàng Bồ Tát tại gia, xuất gia, đối với ta sanh lòng tin trong sạch, cung kính, cúng dường quần áo, thức ăn, đồ nằm, thuốc men?)
Hiện nay cái gì cũng quy thành tiền cả! Hoằng pháp lợi sanh mà khởi lên ý niệm ấy thì làm sao tương ứng cho được? Đây là hiện trạng của xã hội hiện tại.
Chánh kinh:
Như thị Bồ Tát, dĩ tài lợi cố, vị nhân thuyết pháp!
如是菩薩。以財利故。為人說法。
(Hàng Bồ Tát như thế vì tài lợi mà thuyết pháp cho người khác)
Mục đích thuyết pháp là vì tài, vì lợi.
Chánh kinh:
Nhược vô lợi dưỡng, tâm sanh bì yếm.
若無利養。心生疲厭。
(Nếu không có lợi dưỡng, sanh tâm mệt chán)
[Không có lợi dưỡng] họ sẽ chán chường, không chịu làm nữa!
Chánh kinh:
Di Lặc! Thí như hữu nhân chí nhạo thanh tịnh, hoặc vị tử xà, tử cẩu, tử nhân đẳng thi, nùng huyết lạn hoại, hệ trước kỳ cảnh, thị nhân ưu não, thâm sanh yếm hoạn. Dĩ vi nghịch cố, mê muộn bất an.
彌勒。譬如有人。志樂清淨。或為死蛇。死狗。死人等尸。膿血爛壞。繫著其頸。是人憂惱。深生厭患。以違逆故。迷悶不安。
(Này Di Lặc! Ví như có người tánh ưa thanh tịnh, nếu bị xác rắn chết, chó chết, người chết v.v... máu mủ rữa nát, buộc chặt nơi cổ, người ấy sẽ sầu não, sanh chán sợ sâu xa. Do vì trái ý, họ sẽ buồn bực chẳng yên)
Ở đây Phật nêu lên một thí dụ để giảng: Ví như có một người, tánh ưa thích thanh tịnh, chẳng chút gì ô nhiễm, chợt gặp phải tình cảnh như sau: rắn chết, chó chết, người chết. Những thứ ấy để ví với gì? Để ví với danh văn, lợi dưỡng, quả báo đã nói ở phần trên. Nếu những thứ ấy buộc ràng vào thân, sẽ giống như bị đem xác chết đã tươm máu mủ, rữa nát buộc chặt vào cổ, chẳng khác chút nào! Người tâm chí ưa thích thanh tịnh sẽ coi đó là khổ, còn ai lấy đó làm vui? Bồ Tát ngu si không trí huệ coi đó là vui thì có phải là rồ dại hay không rồ dại đây? Chúng ta lại xem tiếp đoạn kinh văn tiếp theo:
Chánh kinh:
Di Lặc! Đương tri ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, thuyết pháp chi nhân diệc phục như thị. Ư chư nhất thiết vô lợi dưỡng xứ, bất thuận kỳ tâm, vô hữu tư vị, tiện sanh yếm quyện, khí xả nhi khứ.
彌勒。當知於后末世。五百歲中。說法之人。亦復如是。於諸一切。無利養處。不順其心。無有滋味。便生厭倦。棄舍而去。
(Này Di Lặc! Ông nên biết rằng người thuyết pháp vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, cũng giống như thế. Đối với hết thảy những chỗ không có lợi dưỡng, họ chẳng vui lòng, với chỗ không có mùi vị, bèn sanh mệt chán, bèn buông bỏ đi)
Những vị Bồ Tát ấy, chúng ta vừa thấy liền hiểu là chí ý họ chẳng ưa thích thanh tịnh. Họ bị ngũ dục, lục trần, danh văn, lợi dưỡng buộc ràng. Vì thế, nếu chẳng được danh lợi, họ sẽ chẳng làm; chỗ nào danh lợi nhiều, họ liền hiện vẻ dũng mãnh, tinh tấn, sẽ làm rất nhanh nhẹn, siêng năng. Toàn là vì danh lợi. Cần phải hiểu là danh văn, lợi dưỡng quyết định có quả báo là tam đồ. Bởi thế họ đang tu điều gì vậy? Tu tam ác đạo đấy! Họ đâu có tu đạo Bồ Đề.
Chánh kinh:
Bỉ chư pháp sư tác như thị niệm: Ngã ư thử trung, thuyết pháp vô ích. Hà dĩ cố? Thị chư nhân đẳng, ư ngã sở tu, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược, bất sanh ưu niệm, hà duyên ư thử, đồ tự bì lao?
彼諸法師。作如是念。我於此中。說法無益。何以故。是諸人等。於我所須。衣服。飲食。臥具。醫藥。不生憂念。何緣於此。徒自疲勞。
(Các pháp sư đó nghĩ như thế này: Ta ở nơi đây, thuyết pháp vô ích. Vì sao vậy? Những người này đây, đối với y phục, đồ ăn, đồ nằm, thuốc men ta cần, họ chẳng lo nghĩ đến, cớ gì mình phải uổng công nhọc nhằn ở nơi đây?)
Khởi tâm ấy, động niệm ấy, hoàn toàn trái nghịch lời đức Như Lai răn dạy. Phật dạy ta dùng tâm không hy vọng để thanh tịnh thuyết pháp, mà họ thuyết pháp nhằm thỏa mãn những điều mong cầu, nhưng điều họ mong cầu vĩnh viễn không bao giờ dứt. Điều này rất phiền toái, chẳng thể giảng tường tận cho quý vị đồng tu bộ kinh này, chỉ có thể điểm tới là thôi. Mọi người về nhà hãy dốc lòng thấu hiểu. Nếu giảng tỉ mỉ sẽ đắc tội với rất nhiều người, cho nên tôi mới nói là rất phiền toái. Ba mươi năm trước tôi giảng Thiền Lâm Bảo Huấn, có người gọi điện thoại, gởi thơ sửa lưng tôi: "Sư nói những điều này nọ đắc tội với rất nhiều người". Bộ kinh này nếu giảng kỹ ắt sẽ lòi xương, bởi thế tôi hy vọng quý vị sẽ dốc tâm thấu hiểu.
Điều quan trọng nhất là ta chẳng thấy lỗi người khác, mà phải phản tỉnh coi chính mình có phạm phải những căn bệnh ấy hay không. Có như vậy ta mới đạt được lợi ích chân thật. Người khác làm gì là chuyện của họ, chẳng liên can gì đến ta. Họ thành Phật chẳng liên can gì đến ta, họ đọa địa ngục cũng chẳng liên can gì đến ta. Việc gì ta phải bận tâm đến họ! Khẩn yếu nhất là phải quan tâm giữ mình cho tốt; giữ mình chẳng dễ đâu! Gặp được bộ kinh này là nhân duyên thù thắng khôn sánh, y chiếu lời dạy răn chân thật của đức Phật, tích cực phản tỉnh, kiểm điểm, sửa lỗi, đổi mới, hy vọng được giải thoát ngay trong một đời này, được vãng sanh Phật quốc, nhanh chóng được viên mãn Bồ Đề mới là mục tiêu chân chánh của chúng ta.
Chúng ta đọc đoạn kinh này một lượt nữa: "Các pháp sư đó nghĩ như thế này: Ta ở nơi đây, thuyết pháp vô ích. Vì sao vậy? Những người này đây, đối với y phục, đồ ăn, đồ nằm, thuốc men ta cần, chẳng lo nghĩ đến, cớ gì mình phải uổng công nhọc nhằn nơi đây?"
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị chư pháp sư tự cầu cúng dường, cấp thị, tôn trọng, nhiếp thọ đồng trụ, cập ư cận trụ.
彌勒。是諸法師。自求供養。給侍尊重。攝受同住。及於近住。
(Này Di Lặc! Các pháp sư ấy do tự cầu [được] cúng dường, cung cấp, hầu hạ, tôn trọng [nên bèn] nhiếp thọ kẻ đồng trụ và kẻ cận trụ)
Câu này cần lại phải nói lướt qua. "Đồng trụ" là những người ở trong cùng một đạo tràng với chúng ta, đa phần chỉ người xuất gia. "Cận trụ" là tín đồ thường vãng lai đạo tràng của mình. Đồng trụ và cận trụ là hết thảy đại chúng và hết thảy tín đồ trong đạo tràng của các pháp sư ấy. Nói chung là pháp sư nghĩ cách lung lạc, nghĩ cách khống chế để mọi người phải nghe theo lệnh mình. Đấy chính là ý nghĩa của câu này.
Chánh kinh:
Bất vị ư pháp, cập lợi ích sự, nhi nhiếp thọ chi.
不為於法。及利益事。而攝受之。
(Chẳng vì pháp và sự lợi ích mà nhiếp thọ)
Họ nhiếp thọ những chúng sanh ấy chẳng phải là để chân chánh dạy người ta học Phật pháp, dạy người ta giác ngộ, dạy người ta liễu sanh tử, xuất tam giới. Họ chẳng nói đến những sự ấy.
Chánh kinh:
Thị chư pháp sư, tự cầu ẩm thực, y phục, ngọa cụ, trá hiện dị tướng.
是諸法師。自求飲食。衣服。臥具。詐現異相。
(Các pháp sư ấy vì mong cầu thức ăn, quần áo, đồ nằm nên dối hiện tướng lạ).
Chữ "trá" (詐) hàm nghĩa lừa dối, gạt gẫm. Đối với câu này, trong nhà Phật cũng có một câu ngạn ngữ: "Hòa thượng bất tác quái, cư sĩ bất lai bái" (Thầy chùa chẳng giở trò, cư sĩ chẳng đến lễ). "Trá hiện dị tướng" tức là bày vẽ những trò lạ, để kêu gọi tín đồ ngày ngày đến lễ bái. Những chuyện thuộc phạm vi này cũng rất nhiều! Hiện tại có rất nhiều người đặc biệt cường điệu chuyện thần thông cảm ứng. "Thần thông cảm ứng" chính là "dị tướng". Những chuyện thần thông cảm ứng như vậy có khi cũng có, nhưng nhất định chẳng nên tuyên truyền.
Trong đạo tràng chúng ta đã từng thấy chuyện này: Lúc mọi người đến chụp ảnh, trong ảnh có quang minh, có dị tướng, chúng tôi đem hủy hết những ảnh ấy, vì đó là điều chẳng hay. Nếu mọi người tham chấp vào việc ấy sẽ rất dễ bị ma dựa đó nghe! Vì thế, nếu chẳng quan tâm đến: Họ là Phật cũng hay, là ma cũng chẳng đếm xỉa tới, thì đạo tràng ấy bình yên vô sự, có thể duy trì, bảo vệ chánh pháp.
Chánh kinh:
Nhập ư vương thành, quốc ấp, tụ lạc.
入於王城。國邑。聚落。
(Họ vào trong vương thành, quốc ấp, tụ lạc).
"Vương thành" gọi theo cách bây giờ là thủ đô, chỗ đặt văn phòng chánh phủ trung ương. "Quốc ấp" là đô thị lớn. "Tụ lạc" là thôn trấn, xóm làng, hương trấn.
Chánh kinh:
Nhi thực bất vị lợi ích, thành thục ư chư chúng sanh, nhi hành pháp thí. Sở dĩ giả hà?
而實不為。利益成熟。於諸眾生。而行法施。所以者何。
(Nhưng thật sự chẳng vì nhằm lợi ích, thành thục cho chúng sanh mà hành pháp thí. Vì sao vậy?)
Bọn họ hoằng pháp lợi sanh tại các địa phương ấy, nhưng thật ra chỉ vì mục đích tư lợi, toàn là vì danh văn, lợi dưỡng, chứ chẳng thật sự nhằm làm lợi, thành thục chúng sanh. "Lợi ích" khác với "thành thục" một chút. "Lợi ích" là dạy dỗ cho họ được tiếp xúc với chánh pháp, đem chánh pháp của đức Phật giới thiệu cho họ. "Thành thục" là giúp cho họ ngay trong một đời này được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thật sự thoát ly luân hồi; bởi lẽ, chẳng vãng sanh thì chẳng thể ly khai lục đạo luân hồi. Quý vị được lợi ích thì chưa thể coi là thành thục được! Thành thục là lợi ích viên mãn. Kiểu hành pháp thí như thế, nói theo cách bây giờ, "hoằng pháp lợi sanh" là vì cái gì? Ở đây, Phật nêu câu hỏi để chúng ta tự phản tỉnh.
6.2. Mười lăm thứ tà pháp đức Phật chẳng hề nói đến
Dưới đây, đức Phật nói đến mười lăm điều mà đức Phật chẳng bao giờ đề cập. Thật ra, trong đoạn kinh này, đức Phật chỉ nêu lên một số điều làm thí dụ, chứ chẳng phải chỉ có mười lăm điều mà thôi! Ngài hy vọng từ những điều này, chúng ta sẽ tự có thể lãnh hội, tự hiểu rõ đâu là chánh pháp? Đâu là tà pháp? Chúng ta hãy đọc kinh văn:
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn:
彌勒。我不說言。
(Di Lặc! Ta chẳng hề nói:)
"Ngã" là đức Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng. Đức Phật chẳng hề nói những điều như sau:
Chánh kinh:
Hữu hy cầu giả vi pháp thí thanh tịnh. Hà dĩ cố? Nhược tâm hữu hy cầu, tắc pháp vô bình đẳng.
有希求者。為法施清淨。何以故。若心有希求。則法無平等。
(Có lòng mong cầu là thực hành pháp thí thanh tịnh. Vì sao vậy? Nếu tâm có mong cầu thì pháp sẽ không bình đẳng).
Đây là điều thứ nhất. Bởi lẽ Phật pháp rất dễ bị người khác mạo danh lợi dụng, bắt chước giả mạo. Yêu ma, quỷ quái rất thông minh, những danh từ hay ho trong Phật pháp chúng đều lấy sử dụng hết, những chúng sanh nào mê hoặc điên đảo đều bị xí gạt cả. [Mạo danh] chiêu bài Phật pháp rất hay, nghe rất kêu, chứ thật sự bên trong chẳng phải là như vậy! Vì thế, thanh tịnh thí pháp thì pháp thí sẽ thanh tịnh. Nếu như quý vị đối với chúng sanh mà có tâm mong cầu, thì pháp thí ấy chẳng phải là thật, chỉ là chiêu bài giả mạo, là giả dối, đức Phật chẳng thuyết pháp giống như thế. Đối với hết thảy pháp thế gian, xuất thế gian, hết thảy người, hết thảy sự, chư Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng có mảy may ý niệm cầu mong gì. Phiền lắm nghe!
Lần này, tôi trở về đây, có những đồng tu thưa với tôi là muốn in kinh, tính đến hỏi tôi in tác phẩm này có được chăng, in tác phẩm kia có được chăng? Tôi chẳng quan tâm đến những điều đó! Quý vị thích in thì cứ tự mình in. Tôi chẳng hề giữ bản quyền thứ gì; quý vị thích làm sao thì cứ làm vậy, chỉ cần quý vị suy nghĩ xem mình như thế này thì sẽ đúng: Nếu việc ấy có lợi cho xã hội, cho chúng sanh thì quý vị cứ dốc sức mà làm, chẳng cần phải hỏi ý tôi. Tôi ngại phiền rộn lắm! Tôi thường sợ phiền, nhưng chư Phật, Bồ Tát chẳng thấy phiền. Có phiền hay không các Ngài chẳng bận tâm đến những chuyện ấy! Bởi vậy, tâm địa thanh tịnh là điều hết sức trọng yếu. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Ngã bất thuyết ngôn: tham ô tâm giả năng thành chúng sanh.
我不說言。貪污心者。能成熟眾生。
(Ta chẳng nói rằng: Kẻ tâm tham ô có thể thành thục chúng sanh)
[Tâm tham ô là] trong tâm có những phiền não như tham, sân, si, mạn đấy! Câu này ý nói chưa đoạn phiền não; nếu chính mình chưa đoạn phiền não thì quý vị thành thục người khác sao được? Làm sao giúp đỡ người khác được?
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Tự vị thành thục, năng thành thục tha, vô hữu thị xứ!
何以故。自未成熟。能成熟他。無有是處。
(Vì sao cố? Chính mình chưa thành thục mà lại có thể thành thục người khác, quyết không có lẽ đó).
"Vô hữu thị xứ" nghĩa là chẳng có đạo lý ấy!
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: tôn trọng, cúng dường, an lạc kỳ thân, tham trước nhiếp thọ bất tịnh vật giả, vi lợi ích sự.
彌勒。我不說言。尊重供養。安樂其身。貪著攝受。不淨物者。為利益事。
(Này Di Lặc! Ta chẳng hề nói: tôn trọng, cúng dường, yên vui cái thân, tham đắm thâu góp các vật bất tịnh là chuyện lợi ích).
Rất nhiều đồng tu xuất gia, tại gia nghĩ đến việc tu tập tích lũy công đức. Trong kinh Phật nói đến việc tích tập công đức, mọi người xem đến [những đoạn kinh ấy] rất hoan hỷ, chúng ta phải tích cực thực hiện. Nên làm như thế nào? Nếu có những sự như sau, khởi lên những ý niệm như sau thì đều sai rồi:
- Quý vị có ý niệm tham muốn được tôn trọng, cúng dường hay chăng?
- Quý vị có tham muốn hưởng thụ hay chăng?
- Quý vị có ham muốn thâu góp những vật bất tịnh hay chăng?
Thế nào gọi là "vật bất tịnh?" Quý vị phải tự hiểu rõ, phải hiểu minh bạch điều này. Phạm vi bao quát của từ ngữ này rất rộng. Chúng tôi xin nêu một thí dụ: Ví như lúc bố thí cúng dường, nếu dùng thủ đoạn để buộc hết thảy đại chúng dù chẳng cam tâm tình nguyện cũng phải cúng dường, bức bách họ cúng dường, thì gọi là cúng dường chẳng thanh tịnh. Bức bách như thế nào? Tìm những người thân cận với mình, bảo trước với họ: "Quý vị phải ghi tiền cúng dường nhiều hơn một chút!" Những người đằng sau thấy vậy không vui lòng, nhưng gặp lúc chẳng thể không cúng dường, không cúng dường thì mất mặt lắm, chứ thật ra trong lòng chẳng cam tâm, chẳng tình nguyện, nhưng chẳng thể không làm, đó gọi là "vật bất tịnh".
Tôi chỉ nêu một thí dụ đấy nhé! Những sự việc như vậy rất nhiều. Vì thế người học Phật học rất khổ sở, áp lực rất nặng đó nghe! Phật, Bồ Tát dạy chúng ta học Phật đại tự tại, ngày ngày học Phật hoan hỷ, chúng ta thấy phần đông người học Phật mặt nhăn, mày nhíu, nguyên nhân bên trong rất phức tạp! Tiếp theo đây, Phật giảng:
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Vị cầu tự thân an ổn, phong lạc, nhiếp thọ chúng hội, bất năng linh kỳ an trụ chánh tín.
何以故。為求自身。安隱豐樂。攝受眾會。不能令其安住正信。
(Vì sao vậy? Vì muốn cho thân mình được an ổn, dư dật, yên vui mà nhiếp thọ chúng hội, chẳng thể làm cho họ an trụ trong chánh tín).
Chẳng thể khiến cho hết thảy chúng sanh an trụ trong chánh tín, tín nguyện của họ đều chẳng thật.
Trong đoạn kinh văn tiếp theo đây, đức Phật cũng nói đến điều Ngài sẽ chẳng đề cập. Dụng ý của Ngài là đề phòng trong thời kỳ mạt pháp, có hạng Bồ Tát ngu si. Nhưng thật sự ra, đoạn kinh văn sau đây cũng để nói: Trong thời đại này, có con cháu của ma vương đi xuất gia, cũng mặc ca-sa để phá hoại chánh pháp, giả mạo danh nghĩa Phật pháp chứ thật ra phá hoại Phật pháp. Trong số đó, có kẻ cố ý phá hoại, có kẻ vô ý. Vô ý phá hoại Phật pháp là sao? Bị ma khống chế, tự mình chẳng hiểu làm như thế chính là phá hoại Phật pháp, cứ tưởng là đang tích tập công đức. Đây chính là điều chúng ta phải suy xét, phải giác ngộ. Chúng ta hãy xem đoạn thứ tư:
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: kiểu trá chi nhân trụ a-lan-nhã.
彌勒。我不說言。矯詐之人。住阿蘭若。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói là người giả dối, man trá trụ nơi tịch tĩnh)
Câu này nói theo cách bây giờ là "bế quan, ở lều tranh". "Bế quan, ở lều tranh" nhằm mục đích gì? Dùng cách thức này để lừa dối tín đồ. Mọi người nếu gặp cá nhân nào đã từng bế quan như thế, ắt nhất định nghĩ kẻ ấy khá lắm. Bởi lẽ, mục đích của kẻ ấy là tom góp danh văn, lợi dưỡng, chẳng thật sự tu hành, cũng chẳng vì hoằng pháp lợi sanh, mà là hạng giả dối, man trá! Đích xác là có chuyện như thế. Nếu quý vị chú ý quan sát, sẽ nhận biết kẻ như vậy chẳng khó khăn gì!
Dù có phát giác thì cũng chẳng cần phải nói ra, chỉ cốt sao mình chẳng bị lừa là được. Người khác mắc lừa là do nhân duyên. Trong phần trên, đức Thế Tôn đã dạy chúng ta phải tu hành trong thời đại này như thế nào mới chẳng sanh phiền não, mới được an ổn giải thoát. Phật dạy chúng ta bốn phương pháp, lại nói thêm bốn phương pháp nữa, tám phương pháp ấy các vị còn nhớ hay chăng? Phải nhớ cho chắc nghe! Nếu chẳng nhớ thì quý vị đã nghe uổng công rồi, mà cũng đã uổng công đọc kinh rồi! Điều này hết sức quan trọng!
Câu thứ nhất đức Phật dạy chúng ta là "chẳng tìm lỗi người khác". Người khác có lỗi hay không, trong tâm chúng ta biết rõ, nhưng ta chẳng gây phiền phức cho người ta, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ. "Chẳng nêu tội người": Họ có phạm giới, tạo tác tội nghiệp, ta cũng chẳng chỉ trích. Mỗi người tự có nhân quả, tự có báo ứng mà! Cớ chi chúng ta phải xen vào? Trong tám điều, hai điều này được xếp lên đầu là vì chúng hết sức quan trọng, chúng ta phải hiểu rõ.
Chánh kinh:
Bạc phước đức giả, nhi vi thiểu dục.
薄福德者。而為少欲。
(Kẻ kém phước đức mà [đáng coi] là thiểu dục).
Kẻ đó làm ra vẻ thiểu dục, làm ra vẻ tri túc, là vì sao? Là vì kẻ ấy chẳng có phước đức. Không có phước đức sao lại nói là thiểu dục cho được? Lúc không có phước đức bèn làm ra vẻ thiểu dục. Thiểu dục là một hạnh pháp rất cao siêu trong Phật pháp đã bị kẻ đó giả mạo.
Chánh kinh:
Tham thắng vị giả, danh dị mãn túc.
貪勝味者。名易滿足。
(Kẻ tham mùi vị thù thắng mà đáng gọi là "dễ thỏa mãn").
"Thắng" (勝) là thù thắng. "Vị" (味) là ngũ dục, lục trần. Tham muốn hưởng thụ ngũ dục, lục trần, bèn khoác lên danh xưng đẹp đẽ là "dị mãn túc". "Dị mãn túc" nghĩa là tri túc.
Chánh kinh:
Đa cầu mỹ thiện, dĩ vi khất thực.
多求美膳。以為乞食。
([Chẳng thể coi kẻ] ham thích có đồ ăn ngon là đi khất thực).
Trong thời đức Phật tại thế, phương thức sanh hoạt của người xuất gia là "thác bát" (ôm bát đi khất thực). Những kẻ khất thực [được nhắc đến trong đoạn kinh này] đi đến nơi nào? Họ chuyên môn đến khất thực nhà phú quý vì tham luyến đồ ăn ngon; chẳng đến khất thực nhà bần cùng là vì sao? Đồ cúng của kẻ nghèo không ngon! Cơm, thức ăn [của kẻ nghèo] chẳng ngon lành chi cả! Gọi đó là "khất thực". Từ ý này các vị suy ra thì thấy: Hễ tham muốn hưởng thụ danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục thì sẽ chẳng thành người xuất gia!
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: khất cầu chủng chủng thượng diệu y phục, vị như thị đẳng trì phấn tảo y.
彌勒。我不說言。乞求種種。上妙衣服。謂如是等持糞掃衣。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Xin tìm các thứ y phục tốt đẹp thì cũng giống như mặc y phấn tảo).
Đức Thế Tôn dạy các đệ tử dùng "phấn tảo y" là nhằm dụng ý dạy người xuất gia phải thời thời khắc khắc thường tự cảnh tỉnh: Thế gian này khổ lắm! Luân hồi càng đáng sợ hơn! Vì thế phải sống đơn giản, mặc áo rất thô. Thời cổ khoa học, kỹ thuật chưa phát triển, một bộ quần áo rất khó có được, chẳng phải rất dễ có như thời hiện tại. Y phục của người xuất gia toàn là nhặt nhạnh từ quần áo cũ của người tại gia đã vứt bỏ đi, chẳng ai muốn nữa. Nhặt lấy những thứ đó, xem phần nào còn có thể dùng được thì cắt ra, sau đó chằm từng miếng một lại thành bức. Đó chính là "ca-sa".
Ca-sa là do may chằm lại như thế, toàn là do vải cũ chằm lại, màu sắc, chất liệu không đồng nhất, đức Phật dạy nhuộm thành màu tro hay màu cà phê, gọi là "phấn tảo y". Y phục này người thế gian chẳng mặc được, mặc y phục này sẽ thời thời khắc khắc tự răn nhắc, tuyệt chẳng tham muốn hưởng thụ. Ngày nay chúng ta nghĩ đến lời giáo huấn của đức Thích Ca Mâu Ni, khi chúng ta may y ca-sa, đem cả nguyên cuốn vải, cắt vụn ra, rồi may chằm lại, nhưng đấy chẳng phải là ý Phật. Vì thế, phải thường nghĩ đến cuộc sống của Tăng đoàn khi đức Thế Tôn còn tại thế, đức Thế Tôn khổ tâm răn dạy, không gì chẳng nhằm khiến cho chúng ta bất cứ nơi đâu, bất cứ thời khắc nào tâm luôn cảnh tỉnh, trọn chẳng bị mê hoặc bởi ngũ dục, lục trần trong thế gian. Do vậy, đức Phật tuyệt đối chẳng nói là "xin tìm các thứ y phục quý tốt để mặc trên thân mà vẫn giống hệt như mặc y phấn tảo!"
Hiện tại, người xuất gia cũng khá chịu khó nghiên cứu y phục, chất liệu toàn tuyển loại thượng hạng. Phương thức sanh hoạt như vậy rất dễ tăng trưởng tâm tham, khiến cho quý vị lưu luyến thế gian này, lìa bỏ chẳng nổi. Nếu là kẻ niệm Phật cầu vãng sanh, đến lúc A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, quý vị lại nhớ mình còn có nhiều thứ tốt đẹp quá, bỏ đi chẳng đành thì phiền quá! Những thứ đó đâu có mang theo được! Bởi vậy lúc bình thường phải buông bỏ. Điều thứ sáu là:
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: tại gia, xuất gia, vô thức tri giả, vi ly hội náo.
彌勒。我不說言。在家出家。無識知者。為離憒鬧。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: kẻ tại gia, xuất gia không ai biết đến bèn là xa lìa chốn ồn náo)
Bồ Tát tại gia hay xuất gia, nếu chưa nổi tiếng lắm, không ai biết đến mình, quý vị bèn làm ra vẻ ta là người xa lìa chốn ồn náo. Quý vị xem, cái tiếng tốt ấy hay bị người ta mạo nhận lắm.
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Siểm khúc chi nhân, trị Phật hưng thế.
彌勒。我不說言。諂曲之人。值佛興世。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng người dua vạy sẽ gặp Phật xuất hiện trong cõi đời).
Tâm chẳng chánh trực, chẳng thành thật, người như vậy sẽ gặp hay chẳng gặp được Phật xuất thế? Dù đức Phật xuất thế, kẻ ấy cũng chẳng gặp. Vì sao chẳng gặp? Kẻ ấy có chướng ngại: Siểm khúc là chướng ngại. Người như thế nào mới gặp được Phật? Chân thành! "Trong cửa nhà Phật chẳng bỏ một ai". Tâm địa quý vị chân thành sẽ cảm ứng đạo giao chư Phật, Bồ Tát, nên có thể gặp được các Ngài, người tâm dua vạy chẳng thể gặp được. Chẳng phải là Phật không từ bi, chỉ là do chính người ấy có chướng ngại.
Trong xã hội hiện tại, hay có chuyện này: "Ở Trung Quốc hay ở ngoại quốc, ta thường nghe nói ông nọ là Bồ Tát chi đó tái lai, là Phật nào đó tái lai; có nhiều người thân cận kẻ đó thấy mình được vẻ vang, hết sức nở mày nở mặt! Kẻ đó thấy Phật, thấy được Phật sống". Nếu quý vị chú tâm quan sát kỹ thì sẽ thấy kẻ đó là "siểm khúc", làm sao thấy Phật sống cho được? Thấy Bồ Tát cho được? Nếu những vị đó nói họ là Phật tái lai, Bồ Tát tái lai, sao nói xong không thị tịch? Trong lịch sử Trung Quốc đã từng có chuyện như vậy: Các vị hé lộ thân phận xong bèn tịch diệt, đó mới là thật. Nói ra thân phận vẫn sống nhăn, thì rất kỳ quái! Bởi vậy, nếu quý vị hiểu rõ sự lý này rồi thì sẽ chẳng bị mắc lừa!
Chánh kinh:
Cầu tha đoản giả, vi như lý tu hành
求他短者。為如理修行。
([Chẳng nói] kẻ tìm chỗ dở của người khác là tu hành đúng lý).
Phải nhớ kỹ điều này. Vì sao ở phần trước đức Phật dạy chúng ta điều thứ nhất là "đừng tìm lỗi người". Tìm lỗi người chính là chuyên môn tìm chỗ dở của người khác, người như vậy tự cho mình là tu hành đúng lý, chứ thật ra đã trật rồi! Phật chẳng hề thuyết pháp như vậy!
Chánh kinh:
Đa tổn hại giả, danh giới uẩn thanh tịnh.
多損害者。名戒蘊清淨。
([Chẳng nói] kẻ gây nhiều tổn hại mà được gọi là giới uẩn thanh tịnh)
Đây là nói về trì giới thanh tịnh. Người trì giới thanh tịnh làm sao có thể gây chuyện tổn hại người khác cho được? Phàm là ai ôm lòng tổn hại chúng sanh khác thì giới của người ấy đã bị phá, sao có thể nói là "giới uẩn thanh tịnh" nữa?
Chánh kinh:
Tăng thượng mạn tâm, vi đa văn đệ nhất.
增上慢者。為多聞第一。
([Chẳng nói] tâm tăng thượng mạn là đa văn bậc nhất).
Thế nào là "tăng thượng mạn?" Nói theo ngôn ngữ bây giờ là "đáng nên kiêu ngạo". Kẻ ấy học rộng nghe nhiều, so ra người khác chẳng sánh bằng, bèn sanh khởi tâm ngạo mạn, tức là thấy mình đáng nên kiêu ngạo! Chắc chắn Phật, Bồ Tát chẳng hề thuyết pháp như thế. Chẳng riêng gì thánh nhân xuất thế (Phật, Bồ Tát), thánh nhân thế gian cũng nói: "Học vấn càng sâu càng khiêm hư, càng cung kính", há có người học vấn sâu xa nào mà ngạo mạn ư? Chẳng hề có đạo lý ấy!
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Háo bằng đảng giả, danh trụ luật nghi.
彌勒。我不說言。好朋黨者。名住律儀。
(Này Di Lặc! Ta chẳng hề nói kẻ thích kết bè kéo đảng mà đáng gọi là người giữ luật nghi)
"Bằng đảng" nói theo cách bây giờ là "bè phái". Trong Tăng đoàn mà lập ra những tổ chức nhỏ thì gọi là phá hoại luật nghi, tuyệt đối chẳng phải là "trụ luật nghi".
Chánh kinh:
Tâm cống cao giả, danh tôn kính pháp sư.
心貢高者。名尊敬法師。
([Chẳng nói] kẻ có tâm ngạo nghễ [mà đáng] gọi là tôn kính pháp sư).
Mặt ngoài lễ tiết rất chu đáo, trong tâm ngạo nghễ, ngã mạn thì chẳng phải là chân chánh tôn kính pháp sư.
Chánh kinh:
Ỷ ngữ khinh lộng, vi thiện thuyết pháp.
綺語輕弄。為善說法。
([Chẳng bảo kẻ] nói thêu dệt, bỡn cợt là khéo thuyết pháp)
Căn bệnh này nếu quý vị chú tâm quan sát, quý vị đều thấy ngay. "Ỷ ngữ" là hoa ngôn xảo ngữ. "Khinh lộng" là thường dùng những môi miếng giỡn hớt đùa bỡn để giảng kinh thuyết pháp, khiến đại chúng cười vỡ cả nhà! Ôi! Kẻ ấy nói rất giỏi, nhưng Phật chẳng gọi kẻ ấy là người thuyết pháp giỏi!
Chánh kinh:
Dữ tục giao tạp, năng ư tăng chúng, ly chư quá thất.
與俗交雜。能於僧眾。離諸過失。
(Giao du hỗn tạp với người đời mà có thể lìa các lầm lỗi đối với tăng chúng)
Điều này đức Phật cũng chẳng nói. Ưa thích qua lại cùng kẻ tục gia, ưa thích kết giao với tục nhân, mà chẳng hề có lầm lỗi trong tăng đoàn là điều rất khó. Vì sao vậy? Tiêm nhiễm tập khí thế tục, trở ngại tăng chúng tu hành thì sao có thể nói là "lìa các lầm lỗi" cho được?
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Giản thắng phước điền, vi thí bất vọng báo!
彌勒。我不說言。簡勝福田。為施不望報。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói: Coi thường phước điền thù thắng là bố thí mà chẳng mong được báo)
"Bố thí chẳng mong được báo" là điều đức Phật thường dạy chúng ta, giống như ở phần trước đã nói là dùng tâm không mong cầu để hành pháp bố thí. "Tâm không mong cầu" chính là "bố thí chẳng mong được báo". Nếu có kẻ "coi thường phước điền thù thắng" mà cho là mình làm như vậy chính là bố thí chẳng mong cầu quả báo thì là đã hiểu lầm mất rồi, đã hiểu lầm ý nghĩa của danh từ, thuật ngữ do Phật đã nói mất rồi.
Thế nào là "giản thắng phước điền?" Thắng là tốt đẹp thù thắng. "Giản" là giản mạn (đối đãi với người khác một cách qua loa, nhạt nhẽo), sơ mạn (coi thường, khinh dễ), khinh mạn. Kẻ ấy bố thí tu phước với thái độ ngạo nghễ, ngã mạn. Chẳng hạn như kẻ ấy có rất nhiều tiền, tùy tiện xả thí một ít trong chốn chùa miếu, tâm khinh rẻ, chẳng có lấy một chút lòng tôn trọng, cung kính gì, cứ tưởng như thế là bố thí chẳng mong cầu quả báo. Hiểu ý nghĩa "bố thí chẳng mong được báo" như vậy là lầm mất rồi!
Chánh kinh:
Cầu ân báo giả, vi thiện nhiếp chư sự.
求恩報者。為善攝諸事。
([Chẳng nói] kẻ mong được đền ơn là khéo nhiếp các sự)
"Nhiếp" (攝) nói theo cách bây giờ là "quản chế" (trông coi); giống như trong đạo tràng chúng ta ngày nay gọi là làm nghĩa công (volunteer, làm công quả). Đấy là "thiện nhiếp chư sự". Lúc bọn họ đến làm công quả thì mục đích là gì? Cầu được báo ân, cầu quả báo, đó chính là "chẳng khéo nhiếp các sự". Làm công quả, tốt lắm! Nhưng phải "tâm không mong cầu" mới là "khéo nhiếp các sự". Hễ có tâm mong mỏi là chẳng trúng. Vì thế, chúng ta phải hiểu rõ ràng, minh bạch ý nghĩa này.
Chánh kinh:
Cầu cung kính, lợi dưỡng, vi chí nhạo thanh tịnh.
求恭敬。利養。為志樂清淨。
([Chẳng nói] cầu cung kính, lợi dưỡng là chí ưa thanh tịnh).
Người tâm chí thích thanh tịnh quyết định chẳng có ý niệm cầu cung kính, lợi dưỡng. Có ý niệm ấy mà tự cho là mình rất thanh tịnh thì lầm to rồi.
Chánh kinh:
Đa vọng kế giả, dĩ vi xuất gia.
多妄計者。以為出家。
([Chẳng nói] kẻ lắm tính toán xằng bậy là xuất gia)
"Vọng" (妄) là hư vọng, "kế" (計) là tính toán. Đấy là điều người xuất gia chẳng nên làm. Phạm vi của "vọng kế" rất rộng lớn.
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Phân biệt bỉ ngã, danh nhạo trì giới.
彌勒。我不說言。分別彼我。名樂持戒。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói kẻ phân biệt ta - người gọi là thích trì giới)
Người trì giới quyết định chẳng phân biệt ta - người. Nếu như có ý niệm phân biệt ta - người thì người như vậy trì giới chẳng thể đắc định, nên chẳng phải là người trì giới chân chánh. Quý vị phải hiểu là đối với Giới Học, do Giới mà đắc Định, nhân Định khai Huệ. Người chân chánh trì giới giống như Lục Tổ nói: "Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian". Quý vị vẫn còn có chấp trước, phân biệt đây - kia, ta - người thì là sai rồi!
Chánh kinh:
Bất tôn kính giả, danh vi thính pháp.
不尊敬者。名為聽法。
([Chẳng nói] kẻ không tôn kính mà gọi là nghe pháp)
Nơi giảng kinh thuyết pháp, người đến nghe pháp rất nhiều. Có hạng người tuy cũng đến nghe, nhưng Phật nói hạng người ấy chẳng nghe pháp. Vì sao vậy? Họ nghe mà chẳng hiểu được ý nghĩa của Phật pháp. Họ đến đấy làm gì? Do hiếu kỳ mà đến, đến để coi rốt cuộc Phật giáo giảng dạy những gì, thậm chí đến để gây rắc rối nữa đấy. Rất nhiều đạo tràng gặp tình cảnh này. Vì thế giảng kinh thuyết pháp chẳng phải là chuyện dễ, đặc biệt là ở đạo tràng [có kẻ] sanh lòng khinh dễ.
Năm 1977, tôi đến Hương Cảng giảng kinh lần thứ nhất, ngay chiều hôm đó, pháp sư Sướng Hoài bảo tôi: "Pháp sư! Ở đây Ngài phải chú ý cẩn thận, địa phương này có những kẻ chuyên gây rắc rối cho pháp sư. Họ nghe xong, liền nêu ngay câu hỏi tại chỗ để bắt bí pháp sư đó nghe!" Sư nói: "Ngài phải chú ý. Rất nhiều pháp sư bị thua thiệt tại Hương Cảng đấy!" Đó là hạng chuyên gây rối, là "kẻ chẳng tôn kính". Họ chẳng đến để nghe pháp mà chỉ đến để gây rối mà thôi.
Chánh kinh:
Nhạo trước thế điển, chú trớ, ngôn luận, dĩ vi thọ pháp.
樂著世典。咒詛。言論。以為受法。
(Ưa đắm sách vở thế tục, bùa chú, lý luận, cho đó là thọ pháp)
"Thọ pháp" là truyền pháp. Ưa thích sách vở thế gian, những sách ấy không phải là kinh điển nhà Phật. Ưa thích chú ngữ, các ngôn luận như thế, cho là mình "thọ pháp", tức tiếp nhận đại pháp của Như Lai. Đấy cũng là lầm lạc, chẳng phải là điều đức Phật nói.
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Ư chư không tánh, vô thắng giải giả, năng xuất ly sanh tử.
彌勒。我不說言。於諸空性。無勝解者。能出離生死。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Kẻ không có sự hiểu biết thù thắng đối với các tánh Không mà có thể thoát lìa sanh tử)
Nhờ vào đâu để liễu sanh tử, xuất tam giới? Ở đây, đức Phật nói rất hay, thật là đơn giản dễ hiểu. Đối với đạo lý Nhân Không Tánh, Ngã Không Tánh, đối với sự tướng chân thật ấy, nếu quý vị chẳng thể lý giải sâu xa sẽ chẳng có cách nào liễu sanh tử, thoát tam giới. Vì thế, chúng ta tu học pháp môn, nhất định phải biết căn cứ trên lý luận nào. Nếu quý vị chẳng hiểu rõ lý luận ấy thì người ta nói pháp môn nào có thể liễu thoát sanh tử, pháp môn nào có thể thành Phật ngay trong thân này, quý vị nghe xong liền tin ngay. Đấy gọi là "mê tín". Đó là giả, chẳng phải thật!
Lý luận căn bản của xuất ly sanh tử là như thế này: Đối với các tánh Không, nhất định phải sanh thắng giải (giải ngộ thù thắng). Đây cũng là điều chúng tôi đã nói trong phần trước: Quý vị phải thật sự "khán phá" (thấy thấu suốt bản chất các pháp), phải thật sự buông xuống! Được vậy, quý vị mới có thể xuất ly sanh tử. Nếu quý vị có thể buông xuống được, triệt để buông xuống được bèn sẽ có thể siêu thoát lục đạo luân hồi. Thấy thấu suốt cả thế pháp lẫn Phật pháp thì quý vị sẽ có thể vượt thoát mười pháp giới. Thấy thấu suốt, buông xuống như vậy chính là sanh thắng giải rất sâu đối với các tánh Không.
Chánh kinh:
Đa chấp trước giả, vi ly chư hạnh.
多執著者。為離諸行。
([Chẳng nói] kẻ có nhiều chấp trước là lìa các hạnh)
"Ly chư hạnh" là buông xuống. Người nhiều chấp trước làm sao có thể buông xuống được?
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Ư Bồ Đề phần, trụ hữu sở đắc, danh vi chứng trí.
彌勒。我不說言。於菩提分。住有所得。名為証智。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Còn trụ vào sở đắc nơi Bồ Đề phần mà gọi là chứng trí)
Câu này nói đến "chứng quả" (tu hành chứng quả). Nếu quý vị chú tâm quan sát thì thấy kẻ ấy đối với Bồ Đề phần vẫn thấy có sở đắc. Chúng ta đọc kinh Kim Cang sẽ hiểu là người ấy chẳng hề chứng quả! Chẳng những không chứng được quả Đại Thừa, ngay cả Sơ Quả Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa cũng chẳng chứng. Người chứng đắc quả Tu Đà Hoàn chẳng thấy mình chứng đắc quả Tu Đà Hoàn, thì mới là chứng đắc thật sự. Nghĩ mình chứng đắc bèn là giả, chẳng phải thật! Vì sao vậy? Cho là mình chứng đắc tức là có trụ. Trong tâm còn trụ vào địa vị tức là khởi vọng tưởng đấy! Phật bảo chúng ta "không nên trụ vào đâu mà sanh tâm" thì làm sao có thể trụ được? "Trụ" nghĩa là trong tâm thấy có. Hễ trong tâm có một quả vị nào thì chưa phải là chứng quả. Kinh Kim Cang có dạy chúng ta một câu rất trọng yếu: "Hết thảy thánh hiền đều do vô vi pháp mà có sai biệt". Từ Tiểu Quả Tu Đà Hoàn cho đến quả vị Như Lai viên mãn, chúng ta hay nói đại khái là Tiểu Thừa có Tứ Quả, Tứ Hướng là tám giai đoạn, Đại Thừa từ Sơ Tín Vị cho đến Đẳng Giác Vị gồm năm mươi mốt địa vị.
Những đẳng cấp này căn cứ vào đâu để định luận? Dựa theo pháp Vô Vi để nói. Pháp Vô Vi là không có chấp trước. Công phu nơi pháp Vô Vi có sâu cạn chẳng đồng nên đức Phật mới nói ra nhiều địa vị như vậy. Trong mỗi một quả vị đều chẳng chấp trước. Hễ ai có chấp trước bèn là phàm phu, chẳng phải là thánh nhân. Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín chẳng có chấp trước. Kinh Kim Cang giảng về tiêu chuẩn không chấp trước ấy rất khéo: không tướng Ta, không tướng Người, không có tướng Chúng Sanh, không có tướng Thọ Giả. Nếu quý vị làm được như vậy thì quý vị là Nhập Lưu, tức là nhập vào dòng thánh.
Do công phu phá tứ tướng và phá tứ kiến sâu hay cạn mà quả vị Bồ Tát cao hay thấp bất đồng. "Đều do vô vi pháp mà có sai biệt", tức là đều không trụ vào đâu mà sanh tâm đấy thôi! Có trụ thì sao? Tâm có trụ là hỏng rồi! Trụ tức là như tất cả chúng ta, trong tâm quý vị thật sự có [những vướng mắc, chấp trước]. Việc này rất phiền toái đấy nhé! Tâm là không, trong tâm không có vật chi, có pháp thế gian là sai, nhưng có Phật pháp cũng trật luôn! Phật pháp cũng chẳng để trong tâm thì mới là chứng trí chân chánh.
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: Vô thế lực giả, nhẫn nhục thành tựu.
彌勒。我不說言。無勢力者。忍辱成就。
(Này Di Lặc! Ta không nói rằng: kẻ không có thế lực là thành tựu nhẫn nhục)
Người ta lừa dối, coi rẻ quý vị mà quý vị không có sức phản kháng thì có phải là thành tựu nhẫn nhục hay chăng? Chẳng phải là nhẫn nhục! Có năng lực phản kháng mà chẳng phản kháng, có năng lực để trả đũa mà chẳng trả đũa thì mới gọi là nhẫn nhục chứ! Không có năng lực, làm sao nói là thành tựu nhẫn nhục cho được?
Chánh kinh:
Vô nhiễu xúc giả, bị nhẫn nhục giáp.
無嬈觸者。被忍辱甲。
([Chẳng nói kẻ] không bị quyến rũ là mặc giáp nhẫn nhục)
"Nhiễu xúc" (嬈觸) nói theo cách bây giờ là bị quyến rũ, mê hoặc. Người nào chống lại được sự mê hoặc thì Phật mới dùng thí dụ sau đây: mặc áo giáp nhẫn nhục, nghĩa là người ấy chống được mê hoặc, quyến rũ. Đối với hết thảy mê hoặc, quyến rũ, người ấy như như bất động thì mới gọi là "mặc giáp nhẫn nhục". Nếu quý vị chẳng bị quyến rũ mà bảo là "mặc giáp nhẫn nhục" thì chẳng có đạo lý ấy!
Chánh kinh:
Thiểu phiền não giả, danh luật nghi thanh tịnh.
少煩惱者。名律儀清淨。
([Chẳng nói] người ít phiền não gọi là luật nghi thanh tịnh)
Phiền não ít nhẹ ư? Thế mà gọi là luật nghi thanh tịnh thì đều là giả, chẳng phải chân vậy.
Chánh kinh:
Tà phương tiện giả, vi như thuyết tu hành.
邪方便者。為如說修行。
([Chẳng nói] kẻ dùng tà phương tiện là tu hành đúng như lời dạy)
Ý nghĩa câu này cũng rộng lớn phi thường. Giống như trong phần trước, đối với mười lăm điều trong đoạn này, nếu nói tỉ mỉ thì giảng mỗi điều cả buổi chiều cũng không xong. Trong thời đại này, nói thật ra, cũng chẳng thể nào giảng chi tiết được. Giảng tỉ mỉ rất phiền phức; bởi vậy tôi mới nói là đối với bộ kinh này "chỉ điểm tới rồi thôi". Quý vị cứ đọc tụng kỹ, cứ suy nghĩ kỹ càng, rồi lại tỉ mỉ quan sát tâm hạnh của chính mình, quan sát khắp các hoàn cảnh, quý vị sẽ hiểu được phải tu hành như thế nào mới là "như lý, như pháp", chẳng đi vào tà đạo! Trong bộ kinh này, đức Phật đã giảng cho chúng ta vô cùng tường tận vậy!
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: ái ngôn thuyết giả, vi nhất tâm trụ.
彌勒。我不說言。愛言說者。為一心住。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Kẻ thích ăn nói là trụ vào nhất tâm)
Đặc biệt là đối với người niệm Phật chúng ta, mục đích của người niệm Phật là "nhất tâm bất loạn". Người ham nói làm sao đạt nhất tâm cho được? Đấy là điều chẳng thể có.
Chánh kinh:
Háo doanh thế vụ, ư pháp vô tổn.
好營世務。於法無損。
([Chẳng nói] kẻ thích lo toan việc đời mà chẳng tổn hoại nơi pháp)
Phật chẳng nói điều này. "Doanh" (營) là kinh doanh, "vụ" (務) là sự vụ. Ưa thích lo toan sự vụ thế gian mà nói là chẳng hề trở ngại gì đến tu hành lẫn đạo nghiệp, đức Phật chẳng dạy như thế. Nói cách khác là quyết định có trở ngại đấy! Chẳng cần nói là phải lo liệu việc đời, chỉ phải quản lý nhân sự đã có chướng ngại rồi. Đại sư Trí Giả nói như thế đấy!
Trước lúc Trí Giả đại sư vãng sanh, có môn đệ hỏi Ngài: "Lão nhân gia vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới phẩm vị ra sao?" Ngài đáp: "Ta do làm trụ trì chùa miếu, phải trông nom mọi sự, nên đối với việc tu hành của chính mình có trở ngại. Bởi thế, phẩm vị vãng sanh chẳng cao, chỉ đạt địa vị Ngũ Phẩm". Địa vị Ngũ Phẩm là Phàm Thánh Đồng Cư độ, là đới nghiệp vãng sanh. "Nếu như chẳng lãnh chúng, chẳng làm trụ trì, chẳng trông coi nhân sự, thì phẩm vị sẽ cao". Do đấy biết là việc quản trị đại chúng trong chùa miếu đối với phẩm vị và việc tu hành của chính mình đều có chướng ngại; huống chi là lo liệu việc đời!
Thế nào là việc đời? Những gì chẳng thể liễu sanh tử, thoát tam giới đều gọi là "việc đời" (thế vụ). Chữ "thế" chỉ lục đạo luân hồi, còn thuộc trong tam giới. Ưa thích làm những việc như thế là sai lầm. Nói dễ nghe hơn một chút là làm những việc cốt để tu phước. Phước thì tu được, nhưng đối với việc liễu sanh tử, xuất tam giới, đối với Giới, với Định, Huệ, quyết định bị chướng ngại.
Chánh kinh:
Chí nhạo thanh tịnh, đọa chư ác thú.
志樂清淨。墮諸惡趣。
([Ta chẳng nói] người tâm chí ưa thích thanh tịnh mà đọa trong các đường ác)
Vì sao đức Phật lại nói lời này? Nói thật ra, nhìn vào thời đại này, chúng ta thấy câu này nghiệm ra rất có lý. Có những người bảo kẻ chắc thật niệm Phật: "Các ngươi chỉ là kẻ lo giải thoát cho riêng mình, tâm lượng hẹp hòi quá đi! Các ngươi đang tu hạnh Tiểu thừa, là pháp bị chư Phật, Bồ Tát quở trách đó!" Chúng ta nghe nói như thế bèn chẳng dám tu nữa, bèn tu theo cách của họ. Tu theo cách của họ là sao? "Ưa lo việc đời", "ham thích nói nhiều", bắt chước họ làm những chuyện đó. Phật nói ra một câu, chúng ta thấy rõ ngay. "Người chí ưa thích thanh tịnh, quyết định chẳng đọa địa ngục", làm sao có đạo lý đọa địa ngục cho được?
Chánh kinh:
Tu tập trí huệ, vi hội náo hạnh.
修習智慧。為憒鬧行。
([Chẳng nói] tu tập trí huệ là hạnh ồn náo)
Trí huệ do đâu có? Trí huệ từ thiền định mà ra. Nói cách khác, trí huệ xuất phát từ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khởi ra tác dụng là trí huệ chân thật. Người tu tâm thanh tịnh làm sao có thể ồn náo, rối ren cho được? "Hội náo" (憒鬧) nói theo cách bây giờ là náo nhiệt, rối ren. Cuối cùng là điều thứ mười lăm:
Chánh kinh:
Di Lặc! Ngã bất thuyết ngôn: phương tiện tương ứng, danh vi siểm khúc.
彌勒。我不說言。方便相應。名為諂曲。
(Này Di Lặc! Ta chẳng nói rằng: Phương tiện tương ứng mà gọi là siểm khúc)
"Phương tiện tương ứng" là điều Đại Thừa Bồ Tát thường dùng, chính là "hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức". Nhìn từ biểu hiện bên ngoài có phần tương tự như "siểm khúc", nhưng bên trong hoàn toàn bất đồng. Bồ Tát thật sự một dạ từ bi, dùng phương tiện khéo léo để tiếp dẫn chúng sanh.
Chánh kinh:
Bất cầu lợi dưỡng, nhi vi vọng ngữ.
不求利養。而為妄語。
([Chẳng nói] chẳng cầu lợi dưỡng là vọng ngữ).
Điều này Phật tuyệt đối chẳng nói. Chẳng phải là Phật thì kẻ nào nói va-vậy? Ma nói đấy! Ma đồn nhảm đặt chuyện nhằm phá hoại chánh pháp đó mà!
Chánh kinh:
Vô chấp trước giả, phỉ báng chánh pháp, hộ chánh pháp giả, nhi tích thân mạng.
無執著者。誹謗正法。護正法者。而惜身命。
([Chẳng nói] kẻ không chấp trước là phỉ báng chánh pháp, kẻ hộ trì chánh pháp mà còn tiếc thân mạng)
Đấy đều chẳng phải là điều Phật nói.
Chánh kinh:
Sở hành hạ liệt, vi vô thắng mạn.
所行下劣。為無勝慢。
(Việc làm hèn kém mà chẳng phải là thắng mạn).
Câu này phải giải thích sơ lược một chút. Trong câu "sở hành hạ liệt", chữ "hạ" chỉ lục đạo, trong mười pháp giới lục đạo là "hạ". Đã "hạ" còn "liệt" (hèn kém). Liệt là chỉ ba ác đạo. Nói cách khác, câu này ý nói: Hành vi, tư tưởng người ấy thể hiện tham, sân, si, mạn mà làm ra vẻ mình chẳng ngạo mạn. Thứ ngạo mạn ấy vì sao gọi là "thắng mạn"? Trong kinh, đức Phật quy nạp ngã mạn thành ba loại lớn.
Loại thứ nhất là "thắng mạn", thắng mạn nghĩa là so với người khác mình luôn ngon lành hơn! Người khác không ai bằng được mình, luôn nghĩ mình trội hơn người khác. "Vô thắng mạn" là chẳng có dư nghiệp ngạo mạn ấy.
Ngoài ra, còn một loại khác là "Đẳng Mạn". Đẳng Mạn là dù tôi dường như chẳng vượt trội anh, tôi cũng chẳng kém anh cho mấy; so với tôi, anh cũng chẳng cao hơn tôi cho mấy. Loại mạn này gọi là Đẳng Mạn, cho là người khác cũng bằng mình, không giống như loại trên, coi mình hơn người khác.
Loại thứ ba là Ty Mạn, Ty Mạn là tự mình cảm thấy không bằng người khác, tuy không bằng người khác nhưng cũng không chấp nhận, đó gọi là Ty Mạn. Tất cả các thứ Mạn quy về ba loại lớn này. Ở đây kinh chỉ nói đến Thắng Mạn, nhưng thực tế gồm cả ba loại Mạn.
Đức Thế Tôn nêu lên nhiều thí dụ, nhưng nói thật ra, những sự tướng ấy chẳng thể nói hết được. Từ khá nhiều thí dụ ấy, chúng ta phải hiểu rõ chân - vọng, tà - chánh, thị - phi. Nếu từ những thí dụ được nêu lên đó, chúng ta đọc xong, nghe xong vẫn chẳng thể phân biệt tà - chánh, thị - phi thì chúng ta khá ngu si đó nghe! Ngu si thì phải làm sao? Đọc nhiều lần, nghe nhiều lần. Chỉ cần đọc nhiều lần, nghe nhiều lần thì dần dần cũng sẽ thông minh!
Chánh kinh:
Như thị Di Lặc! Ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, đương hữu Bồ Tát độn căn, tiểu trí, siểm khúc, hư cuống, trụ ư tặc hạnh, nhữ ưng hộ chi.
如是彌勒。於后末世。五百歲中。當有菩薩。鈍根。小智。諂曲。虛誑。住於賊行。汝應護之。
(Như thế đó, Di Lặc! Vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, sẽ có những Bồ Tát độn căn, trí nhỏ, dua vạy, hư dối, giữ lấy hạnh giặc, ông nên gìn giữ)
Nói thật ra, những điều này đều là nói về chúng ta cả. Chúng ta chẳng phải là lợi căn, chẳng thông minh, nghe rồi cũng chẳng hiểu, nghe xong cũng chẳng nhớ gì! "Tiểu trí" là không có trí huệ chân thật, kém thông minh đấy! "Siểm khúc, hư cuống": Hư cuống là tự mình lừa dối chính mình, dối mình, lừa người. Xử thế, đối đãi với người, tiếp vật, dụng tâm chẳng ngay thẳng, cong queo, vạy vò, đích xác chúng ta là hạng Bồ Tát như thế đó! "Trụ ư tặc hạnh" là đức Thế Tôn nói cho chúng ta biết, hiện tại chúng ta đang tu hạnh gì vậy? Tặc hạnh đấy!
Tặc hạnh nghĩa là gì? Công đức pháp tài của chính mình đều bị hao tổn! "Tặc hạnh" là phiền não hạnh. Phiền não gây chướng ngại cho pháp tài trí huệ, công đức của chúng ta nên phiền não được ví với giặc. Trí huệ Bát Nhã, công đức pháp tài nơi bổn tánh chúng ta bị phiền não trộm mất, chúng ta chẳng thọ dụng được. Vì thế, tặc hạnh là phiền não hạnh, khởi tâm động niệm, hết thảy những gì tu trì đều thuộc trong phiền não. Tuy vậy, Phật, Bồ Tát vẫn đại từ đại bi, chẳng hề vứt bỏ chúng ta. Quý vị xem [kinh ghi] "các ông nên gìn giữ", nghĩa là đức Thế Tôn phó chúc Di Lặc Bồ Tát: "Ông phải hộ trì những người như thế đó!" Vì sao?
Dù chúng ta lắm bệnh, lòng chúng ta đối với Phật vẫn có mấy phần cung kính, vẫn muốn học theo, vẫn có một hai phần cung kính, vẫn có ý niệm học theo, hết sức đáng quý! Quý vị coi trong thế gian này, nhan nhãn chúng sanh, có mấy kẻ muốn học Phật? Chúng tôi giảng kinh ở nơi này, tầng trên, tầng dưới cao ốc này có bao nhiêu là người; những kẻ ở sát vách đều chẳng đến nghe, quý vị mới hiểu là dù "trụ trong tặc hạnh" cũng rất đáng quý đấy nhé! Chẳng dễ gì đâu! Vì thế, Phật, Bồ Tát rất trân quý, chẳng buông bỏ chúng ta, phó chúc Di Lặc Bồ Tát bảo hộ chúng ta, phải hộ niệm chúng ta!
6.3. Chúng sanh đời mạt phỉ báng, ô nhục, chán lìa người có sư trưởng lẫn Bồ Tát trì chánh pháp
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Tối hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, duy thử lục thập chư Bồ Tát đẳng, nghiệp chướng sở triền, vi phục tiện hữu dư Bồ Tát da?
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。最后末世。五百歲中。唯此六十諸菩薩等。業障所纏。為復更有。余菩薩耶。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Vào đời mạt sau cùng, trong năm trăm năm, chỉ có sáu mươi Bồ Tát này bị nghiệp chướng trói buộc, hay là còn các Bồ Tát khác hay chăng?)
Di Lặc Bồ Tát hỏi câu này rất hay. Ý Ngài hỏi như sau: Vào thời Mạt Pháp, những Bồ Tát ngu si như thế thật sự chỉ có con số ít ỏi là sáu mươi người ấy? Hay là còn nhiều hơn nữa?
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Di Lặc! Ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, hữu chư Bồ Tát đa vị nghiệp chướng chi sở triền phú. Thị chư nghiệp chướng hoặc hữu tiêu diệt, hoặc phục tăng trưởng.
佛告彌勒菩薩言。彌勒。於后末世五百歲中。有諸菩薩。多為業障。之所纏覆。是諸業障。或有消滅。或復增長。
(Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Này Di Lặc! Vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, có các Bồ Tát bị nhiều nghiệp chướng trói buộc, che lấp. Các nghiệp chướng ấy có trường hợp sẽ tiêu diệt, có trường hợp càng tăng trưởng)
Ý của Phật là: Trong thời kỳ Mạt Pháp có nhiều Bồ Tát nghiệp chướng. Rất nhiều! Họ đều bị nghiệp chướng che phủ, trói buộc. Có những vị Bồ Tát ngu si nhưng do duyên thù thắng, gặp được chân thiện tri thức, nghe xong hiểu được minh bạch rồi bèn y giáo phụng hành, nghiệp chướng của họ cũng dần dần tiêu diệt.
Có tiêu diệt được hay chăng? Được chứ! Quả thật là được. Do đâu mà biết? Trước khi học Phật, tham - sân - si rất nặng, tu hành mấy năm tham - sân - si không còn nữa; đấy là nghiệp chướng tiêu diệt. Nếu vẫn còn tham - sân - si - nghi - mạn thì nghiệp chướng chưa tiêu diệt. Hoặc có khi còn tăng trưởng, tăng trưởng những gì? Tức là như ở phần trước đã nói: Vì hiểu lầm ý Phật nên tu trì Phật pháp, hoặc là trì giới thanh tịnh, giới luật tinh nghiêm mà nghiệp chướng lại tăng trưởng. Vì sao người giới luật tinh nghiêm mà nghiệp chướng lại tăng trưởng? Thấy người khác chẳng trì giới, vậy là bọn họ chẳng bằng mình, ta vượt trội họ nhiều quá, bọn họ chẳng đáng để ta qua lại, chẳng đáng chuyện trò cùng ta! Phiền não tăng trưởng đấy!
Nói theo người thế gian là bọn họ rất đáng nên kiêu ngạo! Có kẻ cậy mình tu hành giỏi hơn người khác bèn khởi tâm ngạo mạn; có kẻ giảng kinh thuyết pháp giỏi bèn khởi tâm ngạo mạn; có kẻ phước báo lớn bèn khởi tâm ngạo mạn. Tăng trưởng nghiệp chướng đấy! Như vậy chẳng gọi là tiêu nghiệp chướng. Tướng trạng của nghiệp chướng tiêu trừ là ngày càng khiêm tốn, ngày càng nhún nhường, ngày càng chẳng khác gì kẻ khác. Đấy là hiện tượng nghiệp chướng tiêu diệt.
Chánh kinh:
Di Lặc! Ư thử ngũ bách chư Bồ Tát trung, hữu nhị thập Bồ Tát, nghiệp chướng vi thiểu, hậu ngũ bách tuế, hoàn lai sanh thử thành ấp, tụ lạc, thị hãn, sơn dã.
彌勒。於此五百諸菩薩中。有二十菩薩。業障微少。后五百歲。還來生此。城邑。聚落。市閈。山野。
(Này Di Lặc! Trong số năm trăm Bồ Tát đây, có hai mươi Bồ Tát, nghiệp chướng nhỏ ít, sau năm trăm năm, lại sanh vào trong thành ấp, tụ lạc, phố thị, đồng núi này)
Chúng ta phải chú tâm lãnh hội đoạn kinh này. Đức Phật dạy chúng ta: Vào năm trăm năm sau trong thời đại hiện tại này, các Bồ Tát trong thời đức Phật còn tại thế sẽ có những vị tái lai, đấy là vì lòng từ bi chân thật đến cùng cực. Có bao nhiêu vị? Hai mươi vị, không nhiều nhặn gì! Hai mươi vị Bồ Tát ấy nghiệp chướng ít, nghiệp chướng nhẹ mỏng, năm trăm năm sau họ trở vào thế gian này hóa độ chúng sanh. Họ sẽ ở tại những địa phương nào? "Thành ấp" là đô thị, "tụ lạc" là xóm làng, làng mạc, "thị hãn" nói theo bây giờ là những phố thị, "sơn dã" là những khu vực nằm ngoài phố thị.
Chánh kinh:
Chủng tánh tôn hào, hữu đại oai đức.
種姓尊豪。有大威德。
(Giòng họ tôn quý, giàu mạnh, có oai đức lớn)
Câu này nói về sự thị hiện nơi thành phần xuất thân của các Ngài.
Chánh kinh:
Thông minh, trí huệ, thiện xảo phương tiện, tâm ý điều nhu, thường hoài từ mẫn, đa sở nhiêu ích, nhan mạo đoan nghiêm, biện tài thanh diệu.
聰明。智慧。善巧。方便。心意調柔。常懷慈愍。多所饒益。顏貌端嚴。辯才清妙。
(Thông minh, trí huệ, phương tiện hay khéo, tâm ý nhu hòa, thường ôm lòng từ mẫn, làm nhiều điều lợi ích, vẻ mặt đoan nghiêm, biện tài trong trẻo, hay khéo)
Câu này diễn tả đức hạnh của các Ngài.
Chánh kinh:
Số thuật, công xảo, giai năng thiện tri.
數術。工巧。皆能善知。
(Số thuật, nghề khéo thảy đều biết rõ).
Hai câu này nói về tài nghệ của các Ngài. Có thể nói là các Ngài thông minh, trí huệ, chân thành, từ bi, đa tài, lắm nghề. Các vị Bồ Tát này có vị thị hiện tại gia, có vị xuất gia. Những điều các Ngài biểu hiện trong ba câu tiếp theo đây rất là trọng yếu.
Chánh kinh:
Tự ẩn kỳ đức, an trụ đầu-đà, công đức chi hạnh.
自隱其德。安住頭陀。功德之行。
(Các vị tự giấu đức mình, an trụ hạnh đầu-đà công đức).
Các Ngài chẳng tự phô trương, tuyệt đối chẳng tự tuyên truyền, các Ngài biết "tự giấu đức mình, an trụ đầu-đà", nói theo cách bây giờ là sanh hoạt rất bình phàm, cũng có thể là các ngài sống rất thanh bần, cũng chẳng tỏ vẻ là rất giàu có, các Ngài tu học công đức chân thật.
Chánh kinh:
Tại tại sở sanh, xả gia vi đạo, dĩ ư vô lượng a-tăng-kỳ câu-chi kiếp trung, tích tập A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
在在所生。舍家為道。已於無量阿僧祇俱胝劫中。積集阿耨多羅三藐三菩提。
(Sanh ở nơi đâu đều bỏ nhà tu đạo, trong vô lượng a-tăng-kỳ câu chi kiếp, tích tập Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).
Do đây ta biết là họ thiện căn hết sức sâu dày. Câu "tại tại sở sanh" trong đoạn này nghĩa là đời đời kiếp kiếp, các Ngài thị hiện xuất gia tu đạo, "xả gia" nghĩa là xuất gia.
Mọi người phải hiểu rõ chữ "xuất gia"; xuất gia chẳng nhất định là quý vị phải lìa bỏ gia đình, đến chùa viện làm hòa thượng. Nếu hiểu như vậy là lầm mất rồi! "Xả gia" ở đây là tâm trọn chẳng vương vấn việc nhà, như thường nói: "Tâm xuất gia, thân chẳng xuất" đấy mới là chân xuất gia. Thân xuất gia mà tâm vẫn mơ tưởng thì có khác gì người thế gian, đấy là "thân xuất, tâm chẳng xuất", đâu phải là xuất gia, chỉ là dối người đó thôi! Bởi thế, Phật pháp chú trọng tâm xuất gia, chẳng coi trọng thân xuất gia. Vì thế, những Bồ Tát tại gia ấy đều là tâm xuất, thân chẳng xuất. Các ngài thị hiện như thế, nhưng thật sự ra tâm các Ngài tại đạo, chẳng tại gia nghiệp. Ý nghĩa này rất rõ ràng, rất minh bạch.
Chánh kinh:
Hộ trì chánh pháp, bất tích thân mạng.
護持正法。不惜身命。
(Hộ trì chánh pháp, chẳng tiếc thân mạng)
Khởi tâm động niệm, làm gì cũng nhất định tương ứng với pháp, trọn chẳng trái nghịch lời răn dạy của đức Phật.
Chánh kinh:
Trụ a-lan-nhã, không nhàn lâm trung, thường cần tinh tấn, bất cầu lợi dưỡng.
住阿蘭若。空閑林中。常勤精進。不求利養。
(Ở chốn a-lan-nhã, trong rừng trống vắng, thường siêng tinh tấn, chẳng cầu lợi dưỡng)
Hoàn cảnh sanh sống và tu học của các Ngài cũng rất thanh tịnh. "A-lan-nhã" và "không nhàn lâm trung" ý nói hoàn cảnh cư trú của các Ngài rất u tịnh. Dù ở ngay chốn thành thị, trong khu vực ồn ào, náo nhiệt, chẳng khác nào ta đang ở trong căn chung cư này, dù bên ngoài rất náo nhiệt, hoàn cảnh cư trú riêng của họ cũng vẫn thanh tịnh, vẫn là chẳng nhiễm mảy trần! Đó gọi là "trong chốn ồn náo giữ được thanh tịnh". Các Ngài an trụ trong thanh tịnh, nhàn hạ.
Chánh kinh:
Thiện nhập nhất thiết chúng sanh tâm hạnh.
善入一切。眾生心行。
(Khéo vào trong tâm hạnh của hết thảy chúng sanh).
Đây là giáo hóa chúng sanh nhất định phải khế cơ. Phải hiểu thật rõ, thật minh bạch ý tưởng, kiến giải, điều ưa thích của hết thảy chúng sanh thì pháp nói ra mới được đại chúng tin tưởng, ngưỡng mộ, mới tạo lợi ích chân thật cho đại chúng được. Đấy là cũng giảng pháp khế cơ.
Chánh kinh:
Chú thuật ngôn luận, tất năng liễu tri. Ư chư nghĩa lý, thiểu văn đa giải.
咒術言論。悉能了知。於諸義理。少聞多解。
(Chú thuật, ngôn luận thảy đều hiểu trọn. Với các nghĩa lý, nghe ít hiểu nhiều)
Đây là trí huệ rộng mở. Chú thuật, ngôn luận đều hiểu trọn vẹn, ý nói: Kiến thức thông thường rất phong phú, những gì người thế gian biết, các Ngài đều hiểu cả, không gì là không biết. Nghĩa lý, thế pháp, xuất thế pháp, vừa tiếp xúc một lần liền có thể hiểu rành, đó gọi là trí huệ mở mang.
Chánh kinh:
Biện tài trí huệ, giai tất cụ túc, bỉ chư Bồ Tát ư thị pháp trung, tinh cần tu tập, đắc đà-ra-ni, vô ngại biện tài.
辯才智慧。皆悉具足。彼諸菩薩。於是法中。精勤修習。得陀羅尼。無礙辯才。
(Biện tài trí huệ thảy đều đầy đủ, các vị Bồ Tát ấy ở trong pháp đó, siêng năng chuyên ròng tu tập, đắc đà-ra-ni, biện tài vô ngại).
Nếu các Ngài chẳng đầy đủ những điều kiện vừa nêu trên, các Ngài làm sao đạt đại thành tựu trong Phật pháp cho được? "Đà-ra-ni" là nắm được tổng cương lãnh của Phật pháp. Đã vậy lại còn có trí huệ biện tài nên mới có thể thuyết pháp.
Chánh kinh:
Ư tứ chúng trung, tuyên thuyết chánh pháp.
於四眾中。宣說正法。
(Ở trong tứ chúng, tuyên nói chánh pháp)
Bản thân các Ngài có đầy đủ những điều kiện như thế. Bản thân có đủ những điều kiện ấy vẫn chưa đủ, nhất định phải được Phật lực gia trì. Nếu chẳng được Phật lực gia trì, những điều kiện bản thân chẳng thể chống cự phiền não, tà kiến của chúng sanh. Vì vậy, ta mới biết là hoằng dương chánh pháp đâu phải là chuyện dễ dàng. Bởi thế, đoạn kinh văn tiếp theo nói:
Chánh kinh:
Dĩ Phật oai đức gia bị lực cố.
以佛威德。加被力故。
(Do sức gia bị từ oai đức của Phật)
Đây chính là được Phật lực gia trì. Nếu chúng ta hỏi: "Nhờ đâu các Ngài được Phật lực gia trì?" Nhờ vào những điều kiện đã nói ở trên. Những điều kiện đó lấy thiện căn trong vô lượng kiếp làm nhân, lấy đức hạnh trong một đời này làm duyên. Đã có nhân lành lại có duyên lành nên mới được Phật, Bồ Tát gia trì; được Phật lực gia trì thì trong đạo tràng Phật quang sẽ chiếu rọi vậy.
Vì sao mọi người vào đạo tràng này bèn sanh tâm hoan hỷ? Là vì họ được Phật quang tưới gội vậy. Điều ấy chẳng phải do tôi nói. Con người có năng lực gì? Không có chi cả! Quý vị ở nơi đây sanh tâm hoan hỷ là do Phật quang chiếu rọi, được chư Phật gia trì đó thôi. Người giảng được Phật lực gia trì, người nghe cũng được Phật lực gia trì. Chẳng có Phật lực gia trì thì chúng tôi nói không nổi, chẳng có Phật lực gia trì thì quý vị nghe cũng chẳng hiểu nổi ý nghĩa. Người giảng, người nghe đều được Phật gia trì.
Chánh kinh:
Ư Phật sở thuyết tu-đa-la,
於佛所說修多羅。
(Với những tu-đa-la do đức Phật nói)
Tu-đa-la (Sūtra) là Khế Kinh.
Chánh kinh:
Kỳ-dạ.
祇夜。
Kỳ-dạ (Geya) là kệ tụng.
Chánh kinh:
Thọ ký, già-đà.
受記。伽陀。
Già-đà (Gāthā) là phúng tụng, ta còn gọi là Cô Khởi Tụng.
Chánh kinh:
Ưu-đà-na.
優陀那。
Ưu-đà-na (Udāna) là vô vấn tự thuyết (không ai hỏi tự nói). Như kinh A Di Đà là thuộc về thể loại Ưu-đà-na.
Bởi lẽ mười hai câu trong đoạn này đều là dịch âm tiếng Phạn nên tôi thuật ý nghĩa của chúng.
Chánh kinh:
Ni-đà-na.
尼陀那。
Ni-đà-na (nidāna) là Nhân Duyên.
Chánh kinh:
A-ba-đà-na.
阿波陀那。
A-ba-đà-na (Avadāna) là Thí Dụ.
Chánh kinh:
Y-đế-việt-đa-già.
伊帝越多伽。
[Y-đế-việt-đa-già (Itivrttakam)] là Bổn Sự.
Chánh kinh:
Xà-đa-già.
闍多伽。
[Jātaka] là Bổn Sanh.
Chánh kinh:
Tỳ-phật-lược.
毗佛略。
[Vaipulya] là Phương Quảng.
Chánh kinh:
A-phù-đà-đạt-ma.
阿浮陀達摩。
[Adbhuta-dharma] là Vị Tằng Hữu (chưa từng có).
Chánh kinh:
Ưu-ba-đề-xá.
優波提舍。
[Upadesa] là Luận Nghị. Mười hai loại này thường gọi là "mười hai phần giáo", cũng như nếu gộp chung hết thảy Phật pháp đức Thích Ca Mâu Ni đã tuyên thuyết trong cả một đời thì xét ra chẳng ngoài mười hai loại này, chẳng ngoài mười hai phương cách này.
Chánh kinh:
Giai đắc biện tài, vô ngại tự tại.
皆得辯才。無礙自在。
(Đều được biện tài vô ngại tự tại).
Do được Phật lực gia trì nên đối với hết thảy pháp đức Thế Tôn đã giảng trong suốt bốn mươi chín năm, các Ngài chẳng có chướng ngại, các Ngài được tự tại, tiếp xúc một lần liền có thể thông đạt. Đấy là do thiện căn của chính mình là nhân, được Phật lực gia trì là duyên, nên mới có thành tựu như thế. Đối với những ai phát tâm theo đuổi công tác hoằng pháp lợi sanh, đoạn kinh văn này hết sức trọng yếu. Nếu chẳng đầy đủ những điều kiện đã nói trong phần này mà quý vị đeo đuổi công tác hoằng pháp lợi sanh, nhất định sẽ bị chướng ngại trùng trùng. Bởi thế, nhất định phải nỗ lực để tu tập.
Chắc cũng có vị nói: Xem đến những điều được thuật trong đoạn kinh này, ta thấy các vị Bồ Tát ấy "đã trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp" tích tập Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, sợ rằng mình chẳng có phần đâu! Quý vị bất tất phải buồn lo. Nếu quý vị chẳng có thiện căn sâu dầy như thế, nói thật ra, trong đời này quý vị chẳng được nghe đến pháp môn này, trong đời này quý vị chẳng đọc được bộ kinh này đâu nhé! Quý vị có duyên phận tiếp xúc pháp môn này, đọc đến kinh điển này, thì nói cách khác là: thiện căn quá khứ của quý vị cũng rất thâm hậu đó nghe! Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, kinh Kim Cang, sẽ thấy được điều này.
Vì thế, quý vị ai nấy đều có thiện căn hết sức sâu dầy, nhưng vấn đề là trong đời hiện tại chẳng có thiện duyên. Nếu gặp được thiện duyên, chắc cũng có vị sẽ là một người trong số hai mươi vị Bồ Tát mà đức Thế Tôn đã nhắc đến. Xuất gia hay tại gia chẳng liên quan gì đến chuyện này. Tại gia Bồ Tát cũng gánh vác công tác hoằng pháp lợi sanh giống hệt như vậy. Chúng ta hãy xem tiếp đoạn sau:
Chánh kinh:
Di Lặc! Bỉ chư nhị thập thiện xảo Bồ Tát, tùng ư hòa thượng, a-xà-lê sở, đắc văn vô lượng bách thiên Khế Kinh, giai năng thọ trì, đương thuyết thị ngôn: "Ngã thử pháp môn tùng mỗ hòa thượng a-xà-lê sở, thân tự thính thọ, vô hữu nghi hoặc" .
彌勒。彼諸二十善巧菩薩。從於和尚。阿闍梨所。得聞無量百千契經。皆能受持。當說是言。我此法門。從某和尚阿闍梨所。親自聽受。無有疑惑。
(Này Di Lặc! Hai mươi vị Bồ Tát thiện xảo ấy từ nơi hòa thượng a-xà-lê được nghe vô lượng trăm ngàn Khế Kinh, đều có thể thọ trì, sẽ nói như thế này: "Pháp môn này ta đích thân được nghe nhận từ vị hòa thượng a-xà-lê X..., chẳng có ngờ vực").
Hai hàng kinh văn này, nói theo lối cổ là "sư thừa". Rất trọng yếu đấy! Pháp của quý vị là do đâu mà có? Ai truyền cho quý vị? Điều này rất trọng yếu. Không có thầy mà tự thông đạt thì chẳng hề có đạo lý ấy. Đoạn kinh này nói đến việc cầu sư thừa. Trong thời hiện tại đây, việc này hết sức khó khăn. Trong thời hiện tại đây, sư đạo (đạo làm thầy) còn chẳng có; còn sư thừa thì đừng nói là chưa thấy qua, còn chưa hề nghe qua nữa đấy. Nếu như chẳng có được sư thừa, dù có thiên tánh, quý vị chẳng được chư Phật Như Lai gia trì. Điều này là thật đấy.
Nếu như quý vị cũng có thể thuyết pháp, thuyết pháp đến mức hoa trời rơi lả tả, cũng hấp dẫn được đại chúng, nói thật ra là phải có người gia trì, nếu không phải là Phật thì là ma gia trì quý vị. Năng lực của ma cũng rất lớn, vì thế đồ chúng ma rất đông đấy nhé! Đạo tràng xây dựng to lớn chừng ấy, đủ thấy thế lực của ma cũng chẳng nhỏ. Ma có tà trí huệ nên nó cũng có tà thiện xảo, phương tiện, cũng có thể nhiếp thọ quảng đại quần chúng, nhưng những thứ ấy chẳng phải là chánh pháp.
Như vậy, chúng ta học Phật nhất định phải có thầy, ta phải học theo một vị thầy nào đó. Hai danh xưng "hòa thượng", "a-xà-lê" dùng để chỉ thầy. Hòa Thượng là Thân Giáo Sư, có quan hệ mật thiết nhất đối với mình, cũng là vị thầy truyền thừa. "A-xà-lê" là vị thầy để chúng ta mô phỏng, bắt chước theo. Ngôn hạnh của Ngài có thể làm khuôn mẫu cho đại chúng.
"Nghe kinh, thọ trì" là nói đến năng lực của các Bồ Tát ấy. Năng lực này cũng phải cầu cảm ứng, cũng phải cầu Phật gia trì. "Đương thuyết thị ngôn" nghĩa là các vị Bồ Tát ấy thường nói như vậy. Câu "Pháp môn này ta đích thân được nghe từ vị hòa thượng a-xà-lê X... chẳng có ngờ vực" là lời thuyết minh về sư thừa của vị ấy.
Chánh kinh:
Di Lặc! Ư bỉ thời trung, đương hữu tại gia, xuất gia chư Bồ Tát đẳng, vô hữu trí huệ, thiện xảo, phương tiện.
彌勒。於彼時中。當有在家出家。諸菩薩等。無有智慧。善巧。方便。
(Này Di Lặc! Trong thời kỳ đó, sẽ có những hàng Bồ Tát tại gia hay xuất gia chẳng có trí huệ, thiện xảo, phương tiện).
Câu này ý nói: Có rất nhiều Bồ Tát tại gia hay xuất gia, trông thấy thiểu số Bồ Tát vừa nói ở trên có sư thừa để y giáo tu hành bèn chẳng khỏi khởi lòng ganh ghét, gây chướng ngại. Do vậy mới có những hàng Bồ Tát xuất gia, tại gia chẳng có trí huệ, thiện xảo, phương tiện.
Chánh kinh:
Ư thử thọ trì chánh pháp Bồ Tát sở thuyết chi pháp, khước sanh cơ tiếu, khinh hủy.
於此受持正法菩薩所說之法。卻生譏笑。輕毀。
(Do vậy bèn chê cười, khinh hủy những pháp do vị Bồ Tát thọ trì chánh pháp nói ra).
Khinh (輕) là khinh thị (coi thường), hủy (毀) là hủy báng.
Chánh kinh:
Báng ngôn: "Như thị chi pháp giai do nhữ đẳng thiện xảo ngôn từ, tùy ý chế tạo, thật phi Như Lai chi sở tuyên thuyết. Ngã đẳng ư trung, bất năng tín nhạo, phát hy hữu tâm".
謗言。如是之法。皆由汝等。善巧言詞。隨意制造。實非如來之所宣說。我等於中。不能信樂。發希有心。
(Báng rằng: "Những pháp như thế là do các ngươi [dùng] lời lẽ hay khéo tùy ý đặt ra, thật sự chẳng phải do đức Như Lai tuyên thuyết. Bọn ta đối với những pháp ấy chẳng thể tin ưa, sanh tâm hy hữu")
Trong hiện tại có những việc như thế xuất hiện hay chăng? Có! Chúng tôi ở trong nước hay ở ngoại quốc cũng thường nghe nói đến. Có người còn viết thư bảo là người này kẻ nọ (đều là những người rất có địa vị, rất có danh vọng) phủ định kinh Phật, cho rằng kinh Phật hoàn toàn là do cổ nhân bịa ra, đều chẳng phải là thật. Kinh nào mới là thật? Kinh A Hàm mới là thật. Ngay cả Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh họ cũng nói là do Bồ Tát Long Thọ giả mạo ra để gạt người. Điều này trong kinh Phật nói rất rõ: Bọn họ ỷ mình là kẻ có trí huệ, cho chúng ta là hạng mê hoặc điên đảo, không có trí huệ. Sự việc này càng ngày càng rõ rệt trong tương lai, càng ngày càng rành rành, khiến cho hết thảy những người tu học Đại Thừa tín tâm chao đảo. Đấy là ma nạn đó!
Chánh kinh:
Di Lặc! Đương nhĩ chi thời, vô lượng chúng sanh ư thị pháp sư, giai sanh phỉ báng.
彌勒。當爾之時。無量眾生。於是法師。皆生誹謗。
(Này Di Lặc! Ngay trong lúc ấy, vô lượng chúng sanh đối với pháp sư đó đều sanh phỉ báng).
Nghe những kẻ đó nói như vậy đều khởi tâm nghi.
Chánh kinh:
Xả chi nhi khứ.
舍之而去。
(Bèn bỏ đi)
Đều chẳng tu học nữa!
Chánh kinh:
Hỗ tương vị ngôn: "Thị chư tỳ-kheo, vô hữu quỹ phạm, đa chư tà thuyết, bất y Khế Kinh, bất y giới luật, do như xướng kỹ hý lộng chi pháp. Nhữ đẳng ư trung mạc sanh tín nhạo, phát hy hữu tâm, phi chánh pháp dã.
互相謂言。是諸比丘。無有軌範。多諸邪說。不依契經。不依戒律。猶如倡妓。戲弄之法。汝等於中。莫生信樂。發希有心。非正法也。
(Bảo với nhau rằng: "Các tỳ-kheo này chẳng có khuôn phép, có lắm tà thuyết, chẳng nương vào Khế Kinh, chẳng nương theo giới luật, giống hệt như cách đào hát bỡn cợt. Các ngươi đối với các pháp ấy chớ sanh tin ưa, phát tâm hy hữu, bởi đó chẳng phải là chánh pháp vậy").
Đây là ma nạn trong đời vị lai, ma đến chướng đạo đấy! Càng thật sự tu hành, càng gặp phải những tai nạn như thế. Vì thế, ở phần trên, đức Phật đã dạy người thật sự tu hành phải "ẩn giấu đức mình", "trụ hạnh đầu-đà", trọn hết khả năng tránh khỏi những phiền phức ấy. Dưới đây, đức Phật lại càng nói rõ ràng hơn.
Chánh kinh:
Di Lặc! Bỉ chư ngu nhân vị ma sở trì.
彌勒。彼諸愚人。為魔所持。
(Những kẻ ngu đó bị ma nắm giữ)
Bị ma nhiếp trì tức là bị ma khống chế, bị ma làm cho tâm mê, họ chẳng thể làm chủ lấy mình được. Vì sao bị ma khống chế? Tuyệt đại đa số là do ưa thích thần thông, ham thích cảm ứng. Như trong phần trước tôi đã nói là "để ma nắm đằng chuôi!" Quý vị có tham, sân, si, mạn, hoài nghi, thì ma bèn nắm đằng chuôi, rất dễ bị ma khống chế mà chẳng hay chẳng biết chi!
Có một số ít người giác ngộ, hồi đầu, nhưng thoát ly [bè lũ ma] cũng chẳng phải là việc đơn giản, phải trải qua những vật lộn rất thống khổ mới thoát được bàn tay của ma! Có những kẻ bé gan, thiếu trí huệ, biết rõ là mình bị khống chế, nhưng vẫn chẳng biết làm sao, cả một đời chẳng thoát khỏi bàn tay ma, hạng người này đáng thương vô cùng. Trong câu "bỉ chư ngu nhân vị ma sở trì", chữ "trì" nghĩa là khống chế.
Chánh kinh:
Ư thị pháp trung, bất năng giải liễu, vị: phi Như Lai chi sở diễn thuyết.
於是法中。不能解了。謂非如來之所演說。
(Đối với pháp này chẳng thể hiểu rõ, cho là chẳng phải pháp do đức Như Lai diễn nói).
Ở đây đặc biệt chỉ pháp Đại Thừa.
Chánh kinh:
Ư thị trì pháp chư tỳ-kheo sở, sanh ư phỉ báng, tác hoại pháp nghiệp.
於是持法諸比丘所。生於誹謗。作壞法業。
(Đối với các vị tỳ kheo trì pháp bèn sanh phỉ báng, gây nghiệp hoại pháp).
Chuyên môn làm chuyện phá hoại chánh pháp như thế.
Chánh kinh:
Dĩ thị nhân duyên, đương đọa ác đạo. Thị cố Di Lặc! Nhược chư trí huệ, thiện xảo Bồ Tát, dục hộ chánh pháp, đương ẩn kỳ đức.
以是因緣。當墮惡道。是故彌勒。若諸智慧。善巧菩薩。欲護正法。當隱其德。
(Do nhân duyên đó, sẽ đọa ác đạo. Vì thế, này Di Lặc! Nếu các Bồ Tát trí huệ, thiện xảo, muốn hộ trì chánh pháp thì phải nên ẩn giấu đức mình).
Quý vị xem, trong đoạn này, đức Phật dặn dò lần thứ hai, đủ thấy là việc này hết sức quan trọng vậy!
Chánh kinh:
Ư đa phân biệt chư chúng sanh sở, ưng tu hộ niệm, mạc linh ư nhữ sanh bất thiện tâm.
於多分別。諸眾生所。應須護念。莫令於汝。生不善心。
(Đối với những chúng sanh nhiều phân biệt, phải nên hộ niệm, đừng làm cho họ sanh tâm chẳng lành đối với mình).
Tự mình phải hộ trì lấy mình, mà cũng phải hộ trì cho đối phương nữa! Chẳng khiến cho người khác hoài nghi, chẳng làm cho người khác ghen ghét, chẳng để cho người khác tạo ác nghiệp. Vì thế bản thân phải tận sức hạ thấp mình để khỏi gặp phải những ma nạn đó! Địa vị càng cao, càng dễ mắc thị phi; phải hiểu rõ điều này. Từ ba ngàn năm trước, đức Phật đã đau lòng rát miệng dạy răn chúng ta, chúng ta phải hiểu được ý ấy, phải biết nên làm thế nào!
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi bạch Phật ngôn:
- Hy hữu Thế Tôn! Ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, hữu chư Bồ Tát thậm vi vô trí. Ư đại chúng trung, phỉ báng chánh pháp, cập trì pháp giả.
爾時。彌勒菩薩。而白佛言。希有世尊。於后末世。五百歲中。有諸菩薩。甚為無智。於大眾中。誹謗正法。及持法者。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bèn bạch Phật rằng:
-Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, có các Bồ Tát thật là vô trí, ở trong đại chúng phỉ báng chánh pháp và người trì pháp).
"Trì pháp" là người tu hành đúng pháp. Kẻ đáng gọi là "Bồ Tát ngu si, vô trí báng Phật, báng Pháp, báng Tăng" mới làm những việc [phỉ báng] như thế.
Chánh kinh:
Phục ư kỳ trung, đáng ư biện tài, cập đà-ra-ni, nhi ư thị pháp, bất năng tín thọ.
復於其中。當於辯才。及陀羅尼。而於是法。不能信受。
(Trong số ấy lại sẽ có kẻ ngăn trở biện tài, đà-ra-ni, nhưng đối với những pháp này, kẻ ấy chẳng thể tin nhận).
Chữ "đương" (當) ở đây nên đọc lên giọng, đọc thành "đáng", có nghĩa là "trở đáng" (阻擋: ngăn trở). Nghĩ cách chướng phá khiến cho người khác không được biện tài, chướng ngại người khác đắc đà-ra-ni. "Đà-ra-ni" là cương lãnh Phật pháp, là nguyên tắc tu hành. Dùng các phương pháp để chướng ngại, phá hoại, cản trở. "Nhi ư thị pháp, bất năng tín thọ" là đối với pháp môn Đại Thừa thâm diệu chẳng tiếp nhận nổi. Tiếp theo đây, Di Lặc Bồ Tát nêu một tỷ dụ tuyệt hay. Chúng ta hãy đọc qua một lượt.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Thí như hữu nhân, khát phạp tu thủy.
世尊。譬如有人。渴乏須水。
(Bạch Thế Tôn! Ví như có người khát muốn uống nước).
Có một người khát nước, muốn được uống nước.
Chánh kinh:
Vãng nghệ tuyền trì, nhi dục ẩm chi.
往詣泉池。而欲飲之。
(Đến bên suối, ao, toan uống nước đó).
Kẻ ấy đến bên dòng suối, hoặc bên bờ ao, tính uống nước trong đó cho hết khát.
Chánh kinh:
Thị nhân tiên lai, đầu chư phẩn uế ư thử thủy trung, hậu bất giác tri, dục ẩm kỳ thủy, tiện thủ xú chi, ký văn xú dĩ, bất ẩm kỳ thủy.
是人先來。投諸糞穢。於此水中。后不覺知。欲飲其水。便取嗅之。既聞臭已。不飲其水。
(Người này trước đó, ném các thứ phẩn dơ vào trong nước ấy. Sau đấy, chẳng hay biết, muốn uống nước ấy, thấy nước hôi thối. Đã nghe mùi hôi, chẳng uống nước nữa)
Quý vị hãy chú tâm xem kỹ thí dụ này. Cái ao ấy nước trong veo, kẻ kia nhằm lúc chẳng khát nước, cũng chẳng nghĩ đến uống nước đó, bèn làm bẩn nước ao. Sau khi ao bị ô nhiễm, bản thân khát nước, muốn uống nước ao, lại thấy nước ao bẩn thỉu quá đỗi, chẳng thể uống nổi. Ai phá hoại vậy? Chính mình phá hoại chứ ai! Đoạn kinh văn này tỷ dụ kẻ ấy trước đó đã phá hoại Phật pháp, sau nghĩ muốn tu học Phật pháp, nhưng Phật pháp đã bị kẻ ấy phá hoại rồi.
Chánh kinh:
Bỉ chi tự ô, cánh thuyết kỳ quá, nãi chí thán ngôn: "Kỳ tai! Thử thủy thậm đại xú uế". Thị nhân quá thất, đô bất giác tri.
彼之自污。更說其過。乃至嘆言。奇哉此水。甚大臭穢。是人過失。都不覺知。
(Kẻ ấy tự làm bẩn nước, lại còn chê trách, thậm chí than thở: "Lạ thay! Nước này hôi thối quá sức". Người ấy chẳng hề hay biết lỗi lầm của mình).
Tự mình phạm lầm lỗi, tự mình phỉ báng Tam Bảo, chẳng hề hiểu biết.
Chánh kinh:
Nhi ư thị thủy, phản sanh oán cữu.
而於是水。反生怨咎。
(Ngược ngạo sanh lòng oán hờn nước ấy).
Kẻ ấy muốn học Phật pháp, mà vẫn chê trách Tam Bảo.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Như tuyền trì giả, đương tri tức thị trì pháp tỳ-kheo, do Phật thần lực, ư thử pháp nhãn, thiện năng giải thuyết.
世尊。如泉池者。當知即是。持法比丘。由佛神力。於此法眼。善能解說。
(Bạch Thế Tôn! Như suối, ao kia, nên biết đấy chính là tỳ-kheo trì pháp, do thần lực Phật, khéo có thể giải nói pháp nhãn này).
Đây là tỷ dụ. "Nước ao" tỷ dụ những người phụng giáo tu hành, thân tâm thanh tịnh.
Chánh kinh:
Hựu phục như bỉ ngu si chi nhân, nhược ư tuyền trì, tự đầu phẩn uế, hậu bất giác tri, dục ẩm thủy giả.
又復如彼。愚痴之人。若於泉池。自投糞穢。后不覺知。欲飲水者。
(Lại như những kẻ ngu si kia, đã tự quăng phẩn nhơ vào trong ao suối, sau đấy chẳng hay biết, muốn uống nước ấy).
Đây là nói đến những Bồ Tát ngu si, tỷ dụ bọn họ muốn học Phật pháp, hóa ra là có chướng ngại.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Tối hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, hữu chư vô trí chư Bồ Tát đẳng, diệc phục như thị.
世尊。最后末世。五百歲中。有諸無智諸菩薩等。亦復如是。
(Bạch Thế Tôn! Đời mạt thế tối hậu, trong năm trăm năm, có các hàng Bồ Tát vô trí cũng giống như thế).
Điều này có cùng một ý nghĩa như trong tỷ dụ đã nói: Tự mình làm bẩn nước, đến lúc sau cùng, chính mình khát nước nhưng chẳng thể uống được. Chúng ta hãy xem đoạn kinh văn tiếp theo đây, kinh nhắc lại sự việc ấy một lần nữa: những người ấy...
Chánh kinh:
Ư bỉ chánh pháp, cập trì pháp giả, sanh phỉ báng dĩ, phục ư thị nhân, thính thọ pháp vị.
於彼正法。及持法者。生誹謗已。復於是人。聽受法味。
(Đối với chánh pháp và người trì pháp, đã sanh phỉ báng rồi, lại ở nơi người ấy, nghe nhận pháp vị).
Họ phỉ báng. Phỉ báng như thế nào? Họ vẫn lén lút học tập, vẫn nghĩ cách để nghe được kinh pháp này. Họ nghe có thật sự hiểu nổi hay chăng? Nghe chẳng hiểu! Vì sao nghe chẳng hiểu được? Tâm họ dua vạy, trong tâm họ có phiền não, tâm chẳng thanh tịnh. Nói cách khác, giống như chúng tôi vừa mới nói, họ chẳng được Phật, Bồ Tát gia trì. Chẳng được Phật, Bồ Tát gia trì thì chẳng những nghe trộm chẳng hiểu, mà còn hiểu lầm ý nghĩa nữa, có mặt ngay nơi đó nghe cũng chẳng hiểu. Vì thế, chúng ta nghe pháp mà có thể lý giải, sanh tâm hoan hỷ đều là được Phật lực gia trì đấy nhé! Hy hữu hết sức khó được! Phải biết quý trọng, tiếc nuối nhân duyên của chính mình.
Chánh kinh:
Bỉ nhân tự thất, đô bất giác tri.
彼人自失。都不覺知。
(Kẻ ấy tự để lỡ mất mà trọn chẳng hay biết)
"Tự thất" là hiểu lệch lạc ý nghĩa, nghe lầm.
Chánh kinh:
Dĩ nghi hoặc quá, ô nhiễm ý căn.
以疑惑過。污染意根。
(Do lỗi nghi hoặc ô nhiễm ý căn)
Đoạn kinh này nói rõ vì sao kẻ ấy đọc kinh, nghe pháp bèn hiểu lầm ý nghĩa. Ấy là vì kẻ đó có nghi hoặc, đối với Phật pháp đã có thành kiến; là vì trong quá khứ nghe người khác nói bèn nghĩ pháp đó chẳng phải do đức Phật nói. Cái thành kiến ấy đã có rất sớm, tức là quan niệm Đại Thừa chẳng phải do đức Phật nói. Đặc biệt là tại Trung Quốc, như kinh Lăng Nghiêm chẳng hạn, rất nhiều người chẳng tin tưởng kinh Lăng Nghiêm, cho kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo, Đại Thừa Khởi Tín Luận cũng là ngụy tạo! Hai bộ kinh luận này gây ra thật nhiều tranh luận. Không chỉ tranh cãi xuông, bao nhiêu người còn viết thành sách, phán quyết hai bộ ấy là giả, chẳng phải là thật.
Những chuyện như vậy, lúc chúng ta đọc bộ kinh này sẽ thấy đức Phật giảng rất rõ ràng, rất minh bạch: Đấy là những hiện tượng kỳ quái trong thời kỳ Mạt Pháp. Nguyên nhân là do những kẻ ấy có chướng ngại. Trong quá khứ họ đã có thành kiến ấy, ý căn đã bị ô nhiễm; bởi thế đọc kinh, nghe pháp bèn sanh ra lắm tri kiến lầm lạc, chẳng thể hiểu nổi ý nghĩa chân thật của đức Như Lai!
Chánh kinh:
Bỉ trì pháp giả, đương bị hý lộng, hoặc thọ cơ tiếu.
彼持法者。當被戲弄。或受譏笑。
(Những người trì pháp kia sẽ bị bỡn cợt, hoặc bị chê cười)
Những người tu hành đúng pháp đâm ra bị những kẻ đó chê cười, bỡn cợt, lăng nhục.
Chánh kinh:
Nãi chí thán ngôn: "Kỳ tai, thử pháp vị chư quá thất chi sở nhiễm ô". Bỉ vô trí nhân ư thử chánh pháp, cập thị pháp sư, bất năng thính thọ, ty cầu kỳ đoản, báng ngôn ô nhục, sanh yếm ly tâm, xả chi nhi khứ.
乃至嘆言。奇哉此法。為諸過失。之所染污。彼無智人。於此正法。及是法師。不能聽受。伺求其短。謗言。污辱。生厭離心。舍之而去。
(Đến nỗi than rằng: "Lạ thay! Pháp này bị các lầm lỗi ấy nhiễm ô". Những kẻ vô trí kia đối với chánh pháp và vị pháp sư này, chẳng thể nghe nhận, bới tìm khuyết điểm, báng bổ, ô nhục, [khiến vị pháp sư ấy] sanh tâm nhàm chán, bèn bỏ đi)
Đây là điều chúng ta thường gặp trong xã hội hiện tại, nghe nói đến rất nhiều. Bộ kinh này đã được lưu truyền rất lâu, trọn chẳng phải do người hiện tại ngụy tạo! Kinh này sao chép từ trong Đại Tạng Kinh: Kinh Đại Bảo Tích hội thứ hai mươi lăm, người phiên dịch cũng thật rõ rệt: Ngài Bồ Đề Lưu Chí đời Đường phiên dịch, thì làm sao còn lầm được? Ngài Bồ Đề Lưu Chí cách thời chúng ta, nói chẳng sai mấy là gần một ngàn bốn trăm năm. Niên đại Phật giảng kinh còn xa hơn nữa; ngay từ đầu, đối với những hiện tượng như vậy phát sanh trong xã hội hiện tại của chúng ta, đức Phật đều nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Tôi nghĩ: Đối với những điều đức Thế Tôn đã nói, những người đầu óc sáng suốt chẳng thể không bội phục vậy.
6.4. Có bốn loại biện tài, hết thảy chư Phật đều tuyên nói
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn tán Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Thiện tai! Thiện tai! Di Lặc! Thiện năng diễn thuyết như thị thí dụ, vô năng ty cầu thuyết kỳ đoản giả.
爾時世尊。贊彌勒菩薩言。善哉善哉。彌勒。善能演說。如是譬喻。無能伺求。說其短者。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn khen Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Lành thay! Lành thay! Di Lặc! Khéo có thể diễn nói thí dụ như thế, chẳng ai có thể tìm bới chỗ dở được!)
Mấy câu này dùng để tổng kết đoạn kinh văn ở phần trước. Đức Thế Tôn tán thán Di Lặc Bồ Tát nói rất hay. Tiếp đó, đức Thế Tôn lại bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
Chánh kinh:
Di Lặc! Dĩ thị nhân duyên, nhữ ưng đương tri: hữu tứ biện tài, nhất thiết chư Phật chi sở tuyên thuyết. Hữu tứ biện tài, nhất thiết chư Phật chi sở giá chỉ.
彌勒。以是因緣。汝應當知。有四辯才。一切諸佛。之所宣說。有四辯才。一切諸佛。之所遮止。
(Này Di Lặc! Do nhân duyên đó, ông nên biết rằng, có bốn thứ biện tài được hết thảy chư Phật tuyên nói. Có bốn thứ biện tài bị hết thảy chư Phật ngăn cấm)
Đoạn này khai thị hết sức trọng yếu, khiến cho chúng ta biết rõ cách phân biệt đâu là Phật pháp, đâu chẳng phải là Phật pháp. "Biện tài": Phật có biện tài, ma cũng có biện tài. Nếu ma chẳng có biện tài, làm sao nó có thể khiến nhiều người tin tưởng, sùng phụng đến thế? Ma cũng có vô ngại biện tài. Vì thế, ở đây, đức Phật nói rõ có bốn loại biện tài được hết thảy chư Phật khen ngợi, đó là Phật pháp. Ngoài ra có bốn thứ biện tài, cũng là vô ngại biện tài, nhưng bị hết thảy chư Phật cấm chỉ, quyết định chẳng chấp nhận. Nếu thật sự là đệ tử Phật - là tỳ-kheo hoặc là Bồ Tát - mà thuyết pháp chẳng tương ứng với lời Phật dạy, ta biết rõ kẻ ấy chẳng như pháp.
Chánh kinh:
Vân hà danh vi, hữu tứ biện tài, nhất thiết chư Phật chi sở tuyên thuyết?
云何名為。有四辯才。一切諸佛。之所宣說。
(Thế nào gọi là có bốn thứ biện tài được hết thảy chư Phật tuyên nói?)
Đây là những biện tài được hết thảy chư Phật khen ngợi, được chư Phật Như Lai tuyên nói. Thứ nhất là:
Chánh kinh:
Sở vị: lợi ích tương ứng, phi bất lợi ích tương ứng.
所謂利益相應。非不利益相應。
(Chính là: Ứng với lợi ích, chẳng ứng với không lợi ích).
Phật, Bồ Tát vì hết thảy chúng sanh thuyết pháp, mục đích là làm cho hết thảy chúng sanh được lợi ích chân thật. Nếu nói hiện tại Phật làm cho ta được lợi ích, đời sau chẳng được lợi ích, hậu thế chẳng được lợi ích, thì đó chẳng phải là lời Phật nói. Lợi ích chân thật của lời Phật dạy là khiến cho chúng ta đời sau, hậu thế, đời đời kiếp kiếp đều được lợi ích; cho nên "chẳng ứng với không lợi ích" chính là chẳng tương ứng với bất cứ điều gì không có lợi ích.
Ý Phật nói rất sâu, rất rộng. Tầm nhìn của người đời nhìn thường rất thiển cận, chỉ thấy được những mối lợi nhỏ nhặt trước mắt, chẳng hề chú tâm quan sát kỹ, được một điều lợi nhỏ mà phải trả giá bao nhiêu? Nếu như lắng lòng quan sát sẽ biết rõ: Mối lợi nhỏ nhặt ấy thật sự chẳng bõ công. Nếu tâm địa chẳng thanh tịnh, đời sau sẽ vì đó mà đọa tam đồ, tổn hại rất lớn! Đấy nhất định chẳng phải là điều Phật nói.
Về cái lợi trước mắt, chúng tôi nói đến một chuyện đơn giản nhất: Phật pháp khiến cho con người thường sanh tâm hoan hỷ, nhất định Phật pháp chẳng tạo áp lực cho con người. Nếu như trong cuộc sống cảm thấy có áp lực, có áp lực tinh thần, có áp lực vật chất, thì nhất định chẳng phải là Phật pháp, Phật chẳng tạo áp lực lên con người. Nói ra lời này, chỉ sợ có một số ít các vị đồng tu nghe không hiểu.
Thế nào là "áp lực"? Tôi nêu một thí dụ cho quý vị hiểu nhé. Quý vị đến Phật đường có cần phải bố thí, cúng dường hay không? Ít nhiều gì cũng phải bố thí một chút, cúng dường một chút; có người e ngại điều này. Lúc tài lực của mình chẳng đủ, bèn vay lãi nặng để cúng dường, phải trả lợi tức rất nặng. Đấy chẳng phải là áp lực ư? Nhất định đức Phật chẳng chấp thuận điều này. Quý vị vào cửa Phật có cần phải cúng dường hay chăng? Nói thật ra, Phật chẳng cần quý vị phải cúng dường vật chất. Ngài muốn quý vị làm gì? Ngài dạy quý vị cúng dường bằng cách phụng hành.
Quý vị xem trong Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm có nói đến việc "rộng tu cúng dường", hết thảy tài cúng dường đều chẳng bằng pháp cúng dường. Trong pháp cúng dường, bậc nhất là "như thuyết tu hành" (tu hành đúng theo lời dạy). Trong kinh đức Phật dạy làm sao, ta cứ theo đúng như thế ấy mà làm, đấy mới là chân cúng dường vậy!
Chúng ta vừa đọc qua bộ kinh này, đức Phật dạy chúng ta trong thời hiện tại phải tu học ra sao để tránh được hết thảy chướng ngại, được thành tựu. Đức Phật dạy chúng ta bốn pháp, pháp đầu tiên là "chẳng cầu lỗi người khác", chúng ta có làm được hay không? (Chẳng phải là ta lúc nào cũng trách móc người khác, luôn thấy khuyết điểm người khác đó sao?) Nếu quý vị làm được một điều này là đã thật sự cúng dường rồi! Như vậy có tạo áp lực cho quý vị hay không? Đấy gọi là "tương ứng", "ứng với lợi ích". Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Dữ pháp tương ứng, phi bất dữ pháp tương ứng.
與法相應。非不與法相應。
(Tương ứng với pháp, chẳng phải không tương ứng với pháp).
Nhất định chẳng thể không tương ứng với pháp, nhất định phải tương ứng với pháp. Chữ "pháp" chỉ điều gì? Là hết thảy kinh điển do chư Phật Như Lai đã nói. Nhất định phải tương ứng với những đạo lý, phương pháp, cảnh giới dạy trong kinh điển; nếu có điều gì trái nghịch thì biện tài đó chẳng phải là biện tài được chư Phật, Bồ Tát khen ngợi. Điều thứ ba là:
Chánh kinh:
Phiền não diệt tận tương ứng, phi dữ phiền não tăng trưởng tương ứng.
煩惱滅盡相應。非與煩惱增長相應。
(Tương ứng với diệt sạch phiền não, chẳng tương ứng với tăng trưởng phiền não).
Điểm này tất cả các vị học Phật phải nhớ kỹ. Đặc biệt là câu thứ nhất "tương ứng với lợi ích". Nếu quý vị học Phật công phu đắc lực, cũng như nói quý vị học rất khá, tu rất tốt, là căn cứ vào đâu? Phiền não ít đi. Xem trong một giai đoạn dài, phiền não nhất định mỗi năm một ít đi. Phiền não ít đi, trí huệ tăng trưởng, thân tâm thanh tịnh. Đấy là đạo lý nhất định! Nếu công phu càng giỏi, ắt mỗi tháng mỗi khác. Nếu quý vị quan sát kỹ sẽ thấy tháng nào cũng có tiến bộ. Tiến bộ là phiền não nhẹ lần, tháng này so ra nhẹ hơn tháng trước. Tham, sân, si, mạn đều giảm dần đến khi không còn nữa, thân tâm khang kiện, trí huệ tăng trưởng, quý vị niệm Phật chắc chắn được vãng sanh, thật sự có chỗ để nương cậy. Bởi thế, Phật pháp nhất định dạy quý vị đoạn phiền não, khai trí huệ.
Nếu như quý vị học Phật, học kiểu gì mà mỗi năm phiền não càng nhiều hơn là hỏng rồi, quý vị đâu có học Phật, quý vị học ma đấy! Ma rất tương phản với Phật, ma dạy quý vị tăng trưởng phiền não, mỗi năm mỗi thêm nhiều; Phật dạy cho quý vị ít phiền não, mỗi năm một ít hơn. Đấy là sự tương phản rất rõ rệt giữa ma và Phật. Từ thành quả mà kiểm điểm, quan sát, chúng ta sẽ rốt ráo biết là mình học Phật hay học ma! Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Niết Bàn công đức tương ứng, phi dữ sanh tử quá lậu tương ứng.
涅槃功德相應。非與生死過漏相應。
(Tương ứng với công đức Niết Bàn, chẳng tương ứng với sanh tử quá lậu).
Niết Bàn (Nirvāna) là tiếng Phạn, có nghĩa là bất sanh bất diệt. Cầu bất sanh bất diệt được không? Cầu được chứ! Đấy là mục đích tối hậu của việc tu học Phật pháp - nhập cảnh giới Niết Bàn. Niết Bàn là cảnh giới không có sanh diệt. Phật dạy chúng ta: Lục đạo có sanh tử luân hồi, mười pháp giới có biến dịch sanh tử, như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát có biến dịch sanh tử. Nơi Phật quả, hai thứ sanh tử đều chẳng có: Phần đoạn sanh tử diệt sạch, biến dịch sanh tử cũng diệt hết. Đó gọi là Đại Niết Bàn. Hết thảy pháp do đức Phật giảng nhất định phải theo phương hướng này, nhất định phải hướng đến mục tiêu này.
Nếu là ma thuyết pháp sẽ khác hẳn. Ma dạy quý vị đời đời kiếp kiếp chẳng lìa sanh tử luân hồi, vĩnh viễn chuyển dịch trong lục đạo, thuộc quyền khống chế của ma! Đặc biệt là Đại Thừa Phật pháp, trong kinh thường nói vô lượng pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn. Pháp là phương pháp, Môn là cửa ngõ. Phương pháp, đường lối rất nhiều, nhưng mục tiêu - phương hướng chỉ là một: Đại Niết Bàn. Bởi vậy trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy: "Pháp này bình đẳng, chẳng có cao thấp". Tất cả các pháp môn đều bình đẳng, đều có thể giúp quý vị chứng đắc cảnh giới Đại Niết Bàn.
Vậy tại sao trong nhiều pháp môn như thế, ta phải chọn lựa? Pháp môn là bình đẳng, nhưng căn tánh ta chẳng bình đẳng. Nếu pháp môn không phù hợp căn tánh của chính mình, ta tu học khó thể thành tựu. Đời người rất ngắn, trong thời gian ngắn ngủi như thế, nếu ta tu chẳng thành công là phí mất đời này rồi. Bởi vậy, chọn lựa pháp môn hết sức trọng yếu!
Trong nhiều pháp môn như thế, rốt cuộc ta nên chọn pháp môn nào mới là tốt? Nói thật ra, chúng ta phiền não rất nặng, tập khí rất sâu, cũng chẳng có thiện căn, phước đức, lại chẳng có trí huệ, trong nhiều pháp môn như thế, chọn bằng cách nào đây? Điều này đức Phật khi còn tại thế đã từng nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch, Ngài thật sự là bậc từ bi đến cùng cực. Trong kinh Đại Tập có một đoạn khai thị; nếu như bản thân quý vị không có năng lực để tuyển chọn pháp môn, quý vị cứ theo đúng lời Phật khai thị.
Phật dạy: "Trong thời kỳ Chánh Pháp (một ngàn năm đầu tiên sau khi Phật diệt độ), giới luật thành tựu", quý vị nghiêm trì giới luật bèn có thể chứng quả. Chứng quả ấy chẳng cần phải là rất sâu, thông thường là quả A La Hán, tức là tự có năng lực vượt thoát lục đạo luân hồi. Dù chẳng chứng được quả A La Hán, nếu như chứng được quả Tu Đà Hoàn cũng là rất khả quan. Tu Đà Hoàn nhập lưu, tức là dự vào dòng thánh. Sau khi chứng được Tu Đà Hoàn, bảy lượt sanh trong cõi trời, cõi người, bèn vượt thoát luân hồi, mới kể là thành tựu.
Đức Phật nói: "Trong thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu". Nghĩa là một ngàn năm thứ hai sau khi Phật diệt độ, trong thời kỳ ấy, Phật pháp truyền từ Ấn Độ sang Trung Quốc, cho nên Thiền tông Trung Quốc đặc biệt hưng thịnh, bởi đó là pháp môn thành tựu trong giai đoạn thứ hai. Giai đoạn thứ ba là thời kỳ Mạt Pháp, đức Phật đã diệt độ hơn hai ngàn năm rồi, căn tánh con người mỗi đời càng tệ đi, phiền não tập khí càng đặc biệt nặng nề, trì giới chẳng thể thành tựu, tham thiền chẳng đắc định nổi. Đức Phật dạy chúng ta trong thời kỳ này "Tịnh Độ thành tựu".
Nếu quý vị thật thà niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh, sẽ thành tựu vượt trội hơn hai loại trên. Hai loại trên chỉ có thể thoát ly lục đạo luân hồi, chứ vẫn chưa ra khỏi mười pháp giới. Tịnh Độ vãng sanh đến được Tây Phương Cực Lạc thế giới là siêu việt mười pháp giới; bởi thế, pháp môn này thù thắng khôn sánh. Bản thân chúng ta chẳng có trí huệ, chẳng có năng lực chọn lựa, nghe lời đức Phật, Phật thay ta chọn lựa pháp môn Tịnh Độ, ta cứ y giáo phụng hành là được. Đấy chính là tương ứng với Đại Niết Bàn, tuyệt đối chẳng tương ứng với sanh tử luân hồi.
Chánh kinh:
Thị vi nhất thiết chư Phật chi sở tuyên thuyết tứ chủng biện tài.
彌勒。是為一切諸佛之所宣說四種辯才。
(Đấy là bốn thứ biện tài được hết thảy chư Phật tuyên nói).
Bốn thứ biện tài vừa nói trên đây là chánh pháp được hết thảy chư Phật tuyên nói.
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà di.
彌勒。若比丘。比丘尼。優婆塞。優婆夷。
(Này Di Lặc! Nếu tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cận sự nam, cận sự nữ)
Hai hạng Bồ Tát xuất gia và tại gia đều được nhắc đến.
Chánh kinh:
Dục thuyết pháp giả.
欲說法者。
(Muốn thuyết pháp)
Quý vị tính phát nguyện hoằng pháp lợi sanh, vì người khác giảng kinh thuyết pháp, đem Phật pháp giới thiệu cho quảng đại quần chúng, ở đây, đức Phật đặc biệt dặn dò:
Chánh kinh:
Ưng đương an trụ như thị biện tài.
應當安住如是辯才。
(Hãy nên an trụ trong những biện tài như thế).
Quý vị phải nhớ thật kỹ bốn nguyên tắc này đức Phật đã nói, nhất định phải tuân thủ.
Chánh kinh:
Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, hữu tín nguyện tâm, đương ư thị nhân, nhi sanh Phật tưởng, tác giáo sư tưởng, diệc ư thị nhân, thính thọ kỳ pháp.
若善男子。善女人等。有信順心。當於是人。而生佛想。作教師想。亦於是人。聽受其法。
(Nếu hàng thiện nam tử, thiện nữ nhân có tâm tín nguyện thì đối với những người ấy hãy tưởng như đức Phật, tưởng như thầy dạy, và cũng nghe nhận pháp từ những người ấy).
Ở đây nói về thính chúng. Thính chúng phải có thái độ như thế nào? Người giảng kinh thuyết pháp phải theo đúng bốn nguyên tắc nói trên, thì ở đây, đức Phật dạy người nghe pháp phải tin tưởng, phải tùy thuận, đối với người thuyết pháp phải tôn kính, coi người thuyết pháp ấy như Phật, bởi lẽ người ấy thăng tòa thuyết pháp chính là thay đức Phật giảng kinh. Tâm cung kính một phần, được lợi ích một phần. Cung kính mười phần, được lợi ích mười phần!
Bởi thế cung kính, nói thật ra chẳng phải là để cung kính người giảng kinh ấy, mà là nhằm đem lòng cung kính của chính mình biểu hiện ra. Cung kính là tánh đức, là lương tri lương năng nơi Chân Như bản tánh, dùng cách này đó để dẫn khởi [những tánh đức ấy] mà thôi! "Tác giáo sư tưởng" là coi người thuyết pháp như vị thầy dạy. "Cũng nghe nhận pháp từ những người ấy" là học tập theo.
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Thị nhân sở thuyết, đương tri giai thị nhất thiết Như Lai chi sở tuyên thuyết, nhất thiết chư Phật thành thật chi ngữ.
何以故。是人所說。當知皆是。一切如來。之所宣說。一切諸佛。誠實之語。
(Vì sao vậy? Nên biết là những điều người ấy nói đều do hết thảy chư Phật tuyên nói, đều giống như lời thành thật của hết thảy chư Phật)
Những người ấy y chiếu kinh giáo để tuyên thuyết, chẳng nói sai lầm. Câu nào cũng đều chẳng lìa khỏi ý kinh. Ý nghĩa kinh văn là lời thành thật của Như Lai, họ cũng chẳng giảng sai. Trong đoạn kinh này, đức Phật dạy chúng ta tâm tư và thái độ nghe pháp trong lúc người khác thuyết pháp. Nếu chúng ta tu học đúng pháp, chúng ta sẽ đạt được lợi ích chân thật nơi Phật pháp.
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược hữu phỉ báng thử tứ biện tài.
彌勒。若有誹謗。此四辯才。
(Này Di Lặc! Nếu có kẻ phỉ báng bốn thứ biện tài này).
Đây là nói tương phản. Đích xác là trong thời đại này thường phát sanh những sự việc như sau: Có kẻ phỉ báng bốn thứ thuyết pháp "tương ứng lợi ích, tương ứng với pháp, tương ứng với diệt sạch phiền não, tương ứng với công đức Niết Bàn" ấy. Kẻ nào phỉ báng vậy? Đương nhiên là ma rồi! Chúng nói bốn nguyên tắc ấy chẳng phải do Phật nói.
Chánh kinh:
Ngôn phi Phật thuyết, bất sanh tôn trọng, cung kính chi tâm. Thị nhân dĩ oán tắng cố.
言非佛說。不生尊重。恭敬之心。是人以怨憎故。
(Nói những pháp đó chẳng phải do Phật nói, chẳng sanh tâm tôn trọng cung kính. Người ấy do vì oán ghét)
"Oán" (怨) là ôm lòng hờn, "tắng" (憎) là ghét hận.
Chánh kinh:
Ư bỉ nhất thiết chư Phật Như Lai sở thuyết biện tài, giai sanh phỉ báng. Phỉ báng pháp dĩ, tác hoại pháp nghiệp.
於彼一切諸佛如來。所說辯才。皆生誹謗。誹謗法已。作壞法業。
(Đối với những biện tài được hết thảy chư Phật Như Lai nói ra đó đều sanh phỉ báng. Phỉ báng pháp xong bèn gây nghiệp hoại pháp).
"Hoại pháp nghiệp" là phá hoại Phật pháp.
Chánh kinh:
Tác hoại pháp dĩ, đương đọa ác đạo.
作壞法已。當墮惡道。
(Phá hoại pháp rồi sẽ đọa ác đạo).
Ở đây kinh giảng rất rõ rệt, nhất định phải đọa địa ngục A Tỳ. Điều này so với chuyện đức Phật nói ở phần đầu kinh này chẳng khác gì.
Chánh kinh:
Thị cố Di Lặc! Nhược hữu tịnh tín, chư thiện nam tử, vị dục giải thoát phỉ báng chánh pháp nghiệp nhân duyên giả, bất dĩ tắng tật nhân cố, nhi tắng tật ư pháp, bất dĩ nhân quá thất cố, nhi ư pháp sanh quá, bất dĩ ư nhân oán cố, nhi ư pháp diệc oán.
是故彌勒。若有淨信。諸善男子。為欲解脫。誹謗正法業因緣者。不以憎嫉人故。而憎嫉於法。不以人過失故。而於法生過。不以於人怨故。而於法亦怨。
(Bởi thế nên Di Lặc! Nếu những kẻ thiện nam tử lòng tin trong sạch, vì muốn được thoát khỏi nhân duyên của nghiệp phỉ báng chánh pháp thì chẳng vì ghen ghét người mà ghen ghét pháp, chẳng vì người ta có lầm lỗi mà tạo lỗi với pháp, chẳng vì oán người mà oán lây cả pháp).
Đoạn khai thị này rất hay. Trước kia, chúng ta chưa được nghe chánh pháp, đã tạo tội nghiệp phỉ báng Tam Bảo, hãy suy nghĩ xem bản thân chúng ta có làm như vậy hay là không? Nếu là có, hôm nay đọc đến bộ kinh này, nghe đến Phật pháp này, bản thân tỉnh ngộ rồi, muốn sám hối nghiệp chướng của chính mình thì có cách nào hay không? Những điều Phật dạy ở đây chính là dạy chúng ta phương cách ấy. Nếu chúng ta đã từng hữu ý hoặc vô ý phỉ báng Phật pháp (tội nghiệp báng pháp rất nặng nề!) mà biết giác ngộ, hồi đầu thì vẫn là thiện nam tử, vẫn là thiện nữ nhân vậy! Rốt cuộc quý vị vẫn là người có thiện căn sâu dầy, cho nên mới nói "vì muốn thoát khỏi nhân duyên của nghiệp phỉ báng chánh pháp".
Trong quá khứ đã từng phỉ báng chánh pháp, hiện tại muốn giải thoát, giải trừ tội nghiệp ấy để khỏi đọa vào địa ngục, thì ở đây Phật dạy chúng ta hãy "chẳng vì ghen ghét người mà ghen ghét pháp". Không riêng gì đức Phật dạy chúng ta như vậy, vào thời xa xưa ở Trung Quốc, cổ thánh tiên hiền cũng dạy chúng ta như vậy, tức là "chẳng giận lây"! Ở đây Phật dạy chúng ta đừng giận lây đấy nhé! Đừng phạm lỗi lần nữa! Chúng ta chán ghét người nào, nếu như pháp người ấy nói là chánh pháp, chẳng phải là tà pháp, thì chẳng vì ta ghét kẻ ấy mà cũng ghét lây luôn pháp ấy. Chẳng vì kẻ ấy có lỗi lầm, ta bèn cho rằng pháp của họ cũng có lỗi lầm. Hành động như vậy là sai rồi.
Vì thế người nào ta ghét, dù hắn có lầm lỗi, có khuyết điểm, ta cũng vẫn chú tâm nghe pháp để xem hắn giảng có lầm lỗi hay không. Nếu pháp kẻ ấy thuyết đúng là chánh pháp, chúng ta có thể học theo, chẳng cần phải học theo cách kẻ ấy cư xử. Nghe kẻ ấy thuyết pháp, ta học theo pháp của kẻ ấy mà thôi! Vì thế, "chẳng vì oán người khác mà oán lây cả pháp". Vì oán ghét kẻ ấy bèn phỉ báng pháp thì chính là lầm lẫn vô cùng lớn. Phật dạy chúng ta nếu quá khứ từng hữu ý hoặc vô ý phỉ báng Tam Bảo, chúng ta bèn thay đổi quan niệm này thì đó là bước thứ nhất để sám hối vậy!
6.5. Có bốn biện tài (thế trí biện tài) bị hết thảy chư Phật ngăn cấm
Chánh kinh:
Di Lặc! Vân hà danh vi tứ chủng biện tài, nhất thiết chư Phật chi sở giá chỉ?
彌勒。云何名為。四種辯才。一切諸佛。之所遮止。
(Này Di Lặc! Thế nào gọi là bốn thứ biện tài bị hết thảy chư Phật ngăn cấm?)
Đây là bốn thứ biện tài Phật chẳng hứa khả (chấp nhận), Phật quyết định chẳng tán thành. Bốn thứ biện tài này chẳng được chư Phật, Bồ Tát dùng đến, bốn thứ biện tài này tương phản khít khao với bốn thứ biện tài ở phần trước.
Chánh kinh:
Sở vị: phi lợi ích tương ứng, bất dữ lợi ích tương ứng.
所謂非利益相應。不與利益相應。
(Chính là: Tương ứng với không lợi ích, chẳng tương ứng với lợi ích).
Điều thứ nhất, những điều kẻ ấy nói ra tuyệt đối chẳng có lợi ích gì. Chẳng có lợi ích gì mà sao lắm người tin tưởng đến thế? Vì sao có lắm người học theo kẻ ấy? Như tôi vừa mới nói đó, lợi ích đó rất nông cạn, rất ngắn ngủi (nói trên phương diện thời gian thì rất ngắn ngủi, tạm bợ), là lợi ích rất nhỏ, nhưng phải trả giá rất nhiều, đời sau quyết định chẳng được lợi ích, những đời sau đấy chẳng cần phải nói đến nữa. Đây là tương ứng với chẳng lợi ích, chẳng tương ứng với lợi ích. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Phi pháp tương ứng, bất dữ pháp tương ứng.
非法相應。不與法相應。
(Tương ứng phi pháp, chẳng tương ứng với pháp)
Nhất định mâu thuẫn với lý luận, phương pháp, cảnh giới đức Phật đã nói, chẳng giống với điều đức Phật dạy. Điều thứ ba là:
Chánh kinh:
Phiền não tương ưng, bất dữ phiền não diệt tận tương ưng.
煩惱相應。不與煩惱滅盡相應。
(Tương ứng phiền não, chẳng tương ứng với diệt sạch phiền não)
Nếu quý vị chẳng nghiên cứu Phật pháp sâu xa, quý vị sẽ chẳng biết là kẻ ấy có giảng đúng pháp hay không. Ở đây, ta có thể kiểm nghiệm điều này rất dễ dàng. Quý vị tu học theo kẻ ấy thấy nhiều phiền não hơn thì là "phiền não tương ứng". Những điều kẻ ấy đề xướng là tăng trưởng tham, sân, si, mạn, nghi, chẳng phải là đoạn trừ tham, sân, si, mạn, nghi. Dẫu cho kẻ ấy nói nghe rất hay là: "Chúng ta sẽ ở trong phiền não mà đoạn được phiền não", quý vị có đoạn được phiền não hay không? Trong phần sau, Di Lặc Bồ Tát có nêu câu hỏi về vấn đề này. Bởi lẽ, khi đức Phật dạy các Pháp Thân đại sĩ đại Bồ Tát những lời nào đều bị những kẻ ấy đều học theo, học xong rồi bèn giả mạo Phật pháp, dối gạt chúng sanh, quý vị học theo kẻ ấy thì phiền não ngày càng tăng trưởng, tâm quý vị chẳng thể thanh tịnh nổi! Cho nên, kẻ ấy "chẳng tương ứng với diệt hết phiền não" vậy! Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Sanh tử tương ứng, bất dữ Niết Bàn công đức tương ứng.
生死相應。不與涅槃功德相應。
(Tương ứng với sanh tử, chẳng tương ứng với công đức Niết Bàn).
Kẻ ấy cùng quý vị tương ứng với sanh tử, đời sau vẫn phải tiếp tục luân hồi chẳng dứt. Đấy chẳng phải là điều Phật nói. Phải nhớ kỹ điều này nhé! Có pháp sư chẳng những dạy tín đồ như thế, mà chính pháp sư ấy cũng phát nguyện như thế này: Chẳng cầu liễu sanh tử, chẳng cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Họ cầu điều gì? Họ muốn đời đời kiếp kiếp làm pháp sư. Họ đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn mà! Chúng sanh trong thế gian này quá khổ nên họ chuyển sanh sang đời sau vẫn muốn sẽ là pháp sư.
Nói nghe rất hay, nhưng đời sau quý vị có làm nổi thân người hay không? Nếu chẳng được thân người cũng tốt thôi, cứ cho là quý vị vẫn làm pháp sư đi! Sẽ làm pháp sư trong đường súc sanh, làm pháp sư trong đường ngạ quỷ, trong địa ngục không có pháp sư, rốt cuộc quý vị vào đường nào đây? Nhất định đó chẳng phải là điều đức Phật nói. Khởi tâm động niệm như vậy, quyết định chẳng phải là đệ tử Phật, hoàn toàn trái nghịch lời Phật răn dạy.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi nhất thiết chư Phật chi sở giá chỉ tứ chủng biện tài.
彌勒。是為一切諸佛。之所遮止。四種辯才。
(Này Di Lặc! Đấy là bốn thứ biện tài bị hết thảy chư Phật ngăn cấm)
Bốn thứ biện tài vừa nói trên hoàn toàn bị Phật cấm chỉ, tuyệt đối chẳng phải là pháp Phật nói, cũng tuyệt đối chẳng phải là điều đệ tử Phật nói. Dưới đây, Di Lặc Bồ Tát thay chúng ta nêu lên một nghi vấn, chúng ta phải chú ý lắng nghe.
Chánh kinh:
Nhĩ thời Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Như Phật sở thuyết, nhược hữu biện tài tăng trưởng sanh tử, phi chư Như Lai chi sở tuyên thuyết.
爾時彌勒菩薩。白佛言。世尊。如佛所說。若有辯才增長生死。非諸如來之所宣說。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Như Phật đã nói: Nếu có biện tài nào tăng trưởng sanh tử thì nó chẳng phải là điều được các Như Lai tuyên nói)
Quý vị xem đó: Đức Phật dạy bốn câu, mà Di Lặc Bồ Tát chỉ lấy một câu để hỏi là vì câu này rõ rệt, dễ kiểm nghiệm nhất.
Chánh kinh:
Vân hà Thế Tôn thuyết chư phiền não năng vi Bồ Tát lợi ích chi sự? Hựu phục xưng tán nhiếp thủ sanh tử, nhi năng viên mãn Bồ Đề phần pháp?Như thị đẳng biện, khởi phi Như Lai chi sở tuyên thuyết da?
云何世尊。說諸煩惱。能為菩薩利益之事。又復稱贊攝取生死。而能圓滿菩提分法。如是等辯。豈非如來之所說耶。
(Vì sao đức Thế Tôn nói các phiền não có thể biến thành những điều lợi ích cho Bồ Tát? Vì sao lại khen ngợi "nhiếp thủ sanh tử bèn có thể viên mãn pháp Bồ Đề phần?" Những câu nói như vậy há có phải là do đức Như Lai tuyên thuyết hay chăng?)
Câu hỏi này rất hay, tựa hồ những điều đức Phật vừa giảng ở trên hoàn toàn tự mâu thuẫn! Ý nghĩa của câu hỏi này là: Chúng ta thường nghe nói "phiền não tức Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn". Do phiền não tức là Bồ Đề nên chẳng cần phải đoạn phiền não, vì phiền não đã là Bồ Đề rồi mà! Sanh tử tức là Niết Bàn nên đâu cần phải liễu sanh tử. Những câu nói ấy có phải do đức Phật nói ra hay không? Đích thật đức Phật đã nói như thế! Nhưng quý vị phải hiểu: Đức Phật chẳng nói những điều ấy với kẻ sơ học! Đức Phật nói những điều ấy với ai? Nói với hàng Pháp Thân đại sĩ.
Quý vị hãy thử hỏi mình có phải là Pháp Thân đại sĩ hay không? Pháp Thân đại sĩ là bậc đã đoạn sạch Kiến Tư phiền não, đoạn sạch Trần Sa phiền não, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Với người như vậy, đức Phật mới dạy "phiền não tức Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn". Có lẽ quý vị đã từng nghe nói "nhập bất nhị pháp môn". Đấy chẳng phải là cảnh giới của hàng sơ học, mà là cảnh giới của ai? Tối thiểu phải là hạng như Lục Tổ Huệ Năng đại sư bên Thiền tông, đức Phật mới nói pháp như thế, đó gọi là "pháp bất nhị".
Nếu quý vị dùng cách thức này để nhận định lời đối đáp giữa Lục Tổ và Ấn Tông trong Pháp Bảo Đàn Kinh, quý vị sẽ thấy rất rõ. Hai người họ gặp nhau lần đầu ở chỗ hiện nay là chùa Quang Hiếu ở Quảng Châu, vừa nêu lên chuyện gió động hay phan động, ngài Ấn Tông liền biết Tổ là truyền nhân của Ngũ Tổ đại sư, đối với Tổ bèn hết sức cung kính, lễ độ, thỉnh giáo Tổ:
- Ngài ở Hoàng Mai thường nghe Ngũ Tổ khai thị, Ngũ Tổ có giảng Thiền Định, giải thoát hay chăng? Ngài giảng như thế nào?
Huệ Năng đại sư chẳng đáp trực tiếp, Ngài chỉ nói:
- Thiền Định, giải thoát là hai pháp. Phật pháp là pháp bất nhị. Hai pháp chẳng phải là Phật pháp, vậy thì thầy muốn gì?
Sanh tử và Niết Bàn là hai pháp. Hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp bất nhị. Phiền não và Bồ Đề cũng là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Đấy là nói với Pháp Thân đại sĩ, chẳng phải nói với những người bình phàm. Chúng ta là phàm phu nghiệp chướng, phiền não sâu nặng, làm sao có thể học đòi các vị ấy cho được? Phật chẳng hề nói sai, chỉ vì chúng ta chẳng hiểu ý Phật, chẳng rõ ý Phật. Ở đây, Di Lặc Bồ Tát nêu lên một câu hỏi hết sức quan trọng để chúng ta chẳng bị mê hoặc bởi những tà sư trong thời kỳ Mạt Pháp.
Lúc tôi còn đang học Phật, xuất gia hai năm rồi mới thọ giới. Thọ giới xong, tôi ở tại chùa Hương Vân tại Đại Khê. Lúc ấy, chùa Hương Vân hoang tàn đổ nát, chẳng giống như bây giờ, hiện thời chùa rất đẹp đẽ. Không ai quản lý ngôi chùa hư nát, tôi bèn trụ tại đó, cuộc sống vô cùng gian khổ! Tôi giảng kinh tại miếu Quan Đế ở Đại Khê. Mỗi tuần giảng hai lượt, nhận lấy chút cúng dường để duy trì cuộc sống. Lúc ấy, trong chùa có năm người sống. Ở Đại Khê có chùa Trai Minh, Khuyết Thượng Sư truyền Mật Pháp ở đây, phái người tới báo tin với chúng tôi, hy vọng năm người bọn tôi sẽ đến lễ ông ta làm thầy, theo ông ta học Mật. Ông ta đề ra một điều kiện: Chu cấp mỗi người trong bọn tôi ba trăm đồng tiền chi dụng hằng tháng. Lúc ấy, Trụ Trì lão hòa thượng (ngài đã mất rồi) nghe nói vậy rất mừng: "Chúng ta mỗi tháng có một ngàn năm trăm đồng thu nhập". Lúc đó, một ngàn năm trăm đồng có giá lắm nghe!
Sự việc này xảy ra chừng ba mươi năm trước. Hòa Thượng bèn gọi mấy người chúng tôi lại, nói Thượng Sư có hảo ý như thế đó, muốn thâu thập bọn tôi. Tôi nghe xong, trước đây vốn rất tôn kính vị Thượng Sư ấy, nay vì cử chỉ này, tâm tôi hết còn tôn kính Thượng Sư nữa. Vì thế, tôi nói với mấy người trong miếu rằng: "Nếu như chúng ta đến bái ông ấy làm thầy, muốn theo ông ấy học pháp, ổng chỉ dùng một chân đá chúng ta văng ra, tôi sẽ phục lắm, ông ta thật sự là Thượng Sư. Nay tụi mình chẳng đến cầu ổng, ổng lại đem lợi nhử tụi mình, dụ dỗ tụi mình tới, mỗi người bọn ta chỉ đáng ba trăm đồng ư? Ba trăm đồng là tiền bán thân khuất mình đấy!" Từ đấy về sau mấy người đó chẳng dám nói gì nữa. Quý vị phải biết: Mật giáo là Phật pháp tối thượng thừa, chúng ta có tư cách để học Mật hay chăng? Chúng tôi đã tự vấn, mình chẳng hề có tư cách!
Vị thầy dạy tôi học Phật đầu tiên là Chương Gia đại sư. Ngài là bậc đại đức trong Mật Tông; bởi thế tình hình trong Mật giáo tôi được biết khá nhiều. Phật giáo giống như nhà trường, Mật là viện nghiên cứu, là phân ban tiến sĩ. Chúng tôi thuộc trình độ nào? Chưa đạt trình độ tiểu học. Khuyết Thượng Sư cứ kêu chúng tôi học lớp tiến sĩ, đem học vị tiến sĩ cấp cho chúng tôi, thì đương nhiên là giả, chẳng phải thật rồi! Ông ta lừa dối ai còn được, chứ lừa dối tôi thì đừng hòng!
Đoạn kinh trên đây là nói đến sự việc ấy. Trong xã hội ngày nay, có quá nhiều sự việc mê hoặc con người, chẳng hạn như "tức thân thành Phật" (thành Phật ngay trong thân này). Quý vị có thành Phật được hay chăng? Nói thật ra, tức thân đọa địa ngục thì có, chứ đâu có tức thân thành Phật! Cần phải biết Mật là gì? Mật là có thể thực hiện được tiêu chuẩn "vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng" đã dạy trong kinh Kim Cang thì mới có tư cách học. Phải như vậy mới có thể chẳng cần đoạn phiền não. Vì sao chẳng đoạn phiền não? Chẳng có phiền não ư? Vì sao chẳng cần? Bồ Đề cũng chẳng có chăng? Phiền não, Bồ Đề đều chẳng thể được! Nhập vào cảnh giới ấy, đâu có phải là cảnh giới của phàm phu bọn ta! Bởi thế, xác thực là quý vị đều phải đoạn trừ sạch vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì quý vị mới có tư cách học Mật. Nếu quý vị vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quý vị còn chẳng đạt được lợi ích nơi Hiển Giáo, đối với Mật Giáo bất tất phải nói đến nữa!
Mật Tông hay nói: "Chẳng học Mật chẳng thể thành Phật". Câu nói này đúng hay sai? Đúng, chẳng sai tí nào! Mỗi cá nhân đều phải học Mật thì quý vị mới có thể thành Phật. Lúc nào mới học Mật được? Khi quý vị đã là Bát Địa Bồ Tát. Trong tương lai, khi quý vị chứng Bát Địa rồi, đức Phật bèn dạy quý vị pháp môn ấy, còn hiện tại quý vị là Bồ Tát thuộc địa nào? Bát Địa Bồ Tát gọi là Bất Động Địa, cho nên ngàn vạn phần đừng bị người khác lừa dối. Thầy tôi là Chương Gia Đại Sư rất tốt! Tôi theo học với Ngài ba năm, Ngài chẳng truyền Mật giáo cho tôi vì tôi chẳng có tư cách. Tôi là kẻ mới bắt đầu học. Ngài dạy tôi những gì? Ngài dạy tôi lấy Giới Luật làm nền tảng, Mật pháp kiến lập trên nền tảng Hiển Giáo. Hiển Giáo kiến lập trên nền tảng Giới Luật. Bởi thế, Ngài là một vị thầy giỏi thật sự, Ngài dạy cho tôi cơ sở. Hiện tại những kẻ vô trí bị lừa dối, bị mê hoặc chẳng biết là bao nhiêu? Vì thế, đoạn kinh văn này đặt ở đây thật là hay. Di Lặc Bồ Tát nêu ra câu hỏi rồi, quý vị hãy xem tiếp đức Thế Tôn dạy chúng ta như thế nào.
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát ngôn:
- Di Lặc! Ngã kim vấn nhữ, tùy nhữ ý đáp.
佛告彌勒菩薩摩訶薩言。彌勒。我今問汝。隨汝意答。
(Phật bảo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát rằng:
- Này Di Lặc! Nay ta hỏi ông, ông tùy ý đáp).
Phật hỏi ngược lại Di Lặc Bồ Tát, bảo rằng: "Ông cứ tùy ý mà trả lời".
Chánh kinh:
Nhược hữu thuyết ngôn: Bồ Tát vị dục viên mãn thành tựu Bồ Đề phần cố, nhiếp thủ sanh tử, hựu phục thuyết ngôn: Dĩ chư phiền não vi lợi ích sự.
若有說言。菩薩為欲圓滿成就菩提分故。攝取生死。又復說言。以諸煩惱為利益事。
(Nếu có kẻ nói rằng: Bồ Tát vì muốn viên mãn thành tựu Bồ Đề phần nên nhiếp thủ sanh tử, lại có kẻ nói rằng: Lấy các phiền não để làm chuyện lợi ích).
Trong Phật pháp xác thực là có dạy như vậy, nhưng câu tiếp theo đây mới là trọng yếu.
Chánh kinh:
Như thị thuyết giả, vi dữ lợi ích tương ứng? Phi lợi ích tương ứng? Vi dữ pháp tương ứng? Phi pháp tương ứng?
如是說者。為與利益相應。非利益相應。為與法相應。非法相應。
(Thì kẻ nói như vậy là tương ứng với lợi ích hay chẳng tương ứng với lợi ích? Là tương ứng với pháp hay chẳng tương ứng với pháp?)
Hai câu hỏi này của đức Phật rất hay. Hai câu hỏi ấy như sau:
- Tương ứng với lợi ích hay không?
- Tương ứng với pháp hay không?
Nếu tương ứng thì là Phật nói, nếu không tương ứng, sẽ chẳng phải là đức Phật nói.
Chánh kinh:
Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Nhược chánh thuyết giả, tắc dữ nghĩa lợi tương ứng.
彌勒菩薩。白佛言。世尊。若正說者。則與義利相應。
(Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Nếu là chánh thuyết thì sẽ tương ứng với nghĩa lợi)
Tức là tương ứng với lợi ích. "Nghĩa lợi" là lợi ích chánh đáng. Tương ứng với pháp thì có thể khiến cho pháp Bồ Đề phần được viên mãn. Điều này không sai! Đó là Pháp Thân đại sĩ đấy! Nói với họ như vậy thì là chánh thuyết.
Chánh kinh:
Phật ngôn: "Di Lặc! Nhược thuyết Bồ Tát vị dục viên mãn Bồ Đề phần, cố nhiếp thủ sanh tử".
佛言彌勒。若說菩薩為欲圓滿菩提分故攝取生死。
(Phật nói: "Này Di Lặc! Nếu nói Bồ Tát vì muốn viên mãn Bồ Đề phần mà nhiếp thủ sanh tử")
Giống như trong kinh Địa Tạng, Địa Tạng Bồ Tát nói: "Ta chẳng vào địa ngục, ai vào địa ngục". Địa Tạng Bồ Tát làm được! Ta nghe nói vậy cũng phát khởi tâm đại từ đại bi, theo gót Địa Tạng Bồ Tát vào địa ngục là xong rồi, hoàn toàn lầm mất rồi! Bởi lẽ, đấy là những việc thuộc quả địa của chư Phật Như Lai, phàm phu chúng ta chẳng có năng lực ấy.
Chánh kinh:
Thuyết chư phiền não năng vi Bồ Tát lợi ích chi sự, như thị biện tài, chư Phật Như Lai chi sở tuyên thuyết. Hà dĩ cố? Di Lặc! Thử chư Bồ Tát đắc pháp tự tại.
說諸煩惱能為菩薩利益之事。如是辯才。諸佛如來之所宣說。何以故。彌勒。此諸菩薩得法自在。
(Nói các phiền não có thể tạo thành sự lợi ích cho Bồ Tát thì biện tài như vậy được chư Phật Như Lai tuyên nói. Vì sao thế? Này Di Lặc! Các Bồ Tát ấy được tự tại nơi pháp).
Quý vị xem đó: Phật nói những pháp ấy là nói với những vị Bồ Tát được tự tại nơi pháp. Nếu ai đối với pháp vẫn chưa được tự tại thì Phật quyết định chẳng nói những pháp ấy. Những Bồ Tát nào được tự tại nơi pháp? Là Pháp Thân đại sĩ, cũng như tôi vừa mới đó, họ nhập Bất Nhị pháp môn. Những vị này, mức độ thấp nhất là đã phá được một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Những điều đức Phật dạy họ chẳng giống với những điều Phật dạy cho hạng sơ học chúng ta. Quý vị xem nhé:
Chánh kinh:
Sở khởi phiền não, vô hữu quá thất.
所起煩惱。無有過失。
(Khởi lên phiền não, chẳng có lầm lỗi)
Các vị ấy tỏ vẻ phiền não, nhưng phiền não ấy chẳng có lầm lỗi, là vì sao? Tâm các Ngài thanh tịnh, tâm rất tự tại! Nói cách khác, đối với các vị Pháp Thân đại sĩ ấy, phiền não tức Bồ Đề, các vị dùng phiền não làm phương cách độ sanh. Chúng ta xem trong kinh Hoa Nghiêm, phần năm mươi ba lần tham học, thấy Cam Lộ Hỏa Vương dùng nóng giận để độ chúng sanh; nóng giận là đại phiền não đấy nhé! Ngài hiện vẻ nóng giận, nhưng tâm Ngài thanh lương tự tại, một dạ từ bi. Điều này chúng ta rất khó thấu hiểu nổi!
Quý vị nghĩ xem: Cha mẹ giáo huấn con cái mình, có lúc đánh, có lúc chửi, có lúc mặt mũi rất khó coi, là vì sao? Là vì yêu thương, che chở con mình đấy chứ! Là để dạy con thành người đấy chứ! Chứ nào phải là giận dữ thật sự đâu! Cha mẹ dùng phương cách ấy đối với con cái mình, sao không dùng phương cách ấy đối với con cái người khác? Là vì yêu thương, gìn giữ vậy! Con cái người khác chẳng liên quan gì đến mình, cho nên thường tươi cười đó mà! Quý vị đối chiếu những điều được nói trong đoạn kinh này với kinh Hoa Nghiêm, sẽ thấy rất thú vị! Bởi lẽ đó, các Ngài khởi lên phiền não, nhưng không có lầm lỗi!
Chánh kinh:
Thị vi Bồ Tát thiện xảo phương tiện, phi chư Thanh Văn, Duyên Giác cảnh giới.
是為菩薩善巧方便。非諸聲聞緣覺境界。
(Đấy là phương tiện hay khéo của Bồ Tát, chẳng phải là cảnh giới của hàng Thanh Văn, Duyên Giác).
Chẳng phải là cảnh giới của Thanh Văn, A La Hán, Bích Chi Phật, các vị ấy chẳng làm được! Các vị ấy còn chẳng làm được thì phàm phu chúng ta làm sao nổi? Nhất định phải biết điều này. Chúng ta phải biết, phải hiểu rõ Phật pháp ở mức độ cao, nhưng quyết định chẳng học đòi các Ngài ấy được, đó chẳng phải là cảnh giới ta làm được!
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược hữu phiền não, bất năng vị tha tác lợi ích sự, diệc bất năng viên mãn Bồ Đề phần pháp, nhi phát khởi giả, bất dữ nghĩa lợi tương ứng, bất dữ pháp tương ứng, đản vi hạ liệt thiện căn nhân giả, Bồ Tát ư trung ninh xả thân mạng, diệc bất tùy bỉ phiền não nhi hành.
彌勒。若有煩惱。不能為他作利益事。亦不能滿菩提分法。而發起者。不與義利相應。不與法相應。但為下劣善根因者。菩薩於中寧舍身命。亦不隨彼煩惱而行。
(Này Di Lặc! Nếu có phiền não, chẳng thể vì người khác làm điều lợi ích, cũng chẳng thể viên mãn pháp Bồ Đề phần, mà phát khởi, chẳng tương ứng với nghĩa lợi, chẳng tương ứng với pháp, chỉ tại thành cái nhân cho thiện căn hèn kém, thì Bồ Tát thà xả thân mạng chứ chẳng hành theo những phiền não đó).
Đoạn khai thị này vô cùng yếu khẩn. Nếu bây giờ có ai nói với ta những điều [chẳng tương ứng với lợi ích, chẳng tương ứng với pháp] như thế đó, ta chớ nên tùy thuận theo. Nếu quý vị tùy thuận theo lời ấy, nói cách khác là quý vị tùy thuận làm ác, quý vị sẽ đọa tam đồ đấy! Nếu là bị ép buộc, bất đắc dĩ, trong tâm mình phải hiểu rõ, phải chân chánh sám hối, thiện thì ta tùy thuận theo, còn ác thì chẳng tùy thuận. Lúc quý vị tùy thuận sẽ "chẳng tạo thành cái nhân cho thiện căn hèn kém", "hạ liệt" (hèn kém) là tam đồ ác đạo! Một đệ tử Phật chân chánh, một Bồ Tát chân chánh tu hành bèn thà xả thân mạng, chứ chẳng thể tùy thuận phiền não mà hành!
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Di Lặc! Hữu dị Bồ Tát đắc trí lực cố, ư chư phiền não hiện hữu phan duyên.
何以故。彌勒。有異菩薩得智力故。於諸煩惱現有攀緣。
(Vì sao thế? Này Di Lặc! Có Bồ Tát khác do đắc trí lực nên đối với các phiền não bèn hiện có vin nắm).
Đây là nói về các Pháp Thân đại sĩ, các Ngài thị hiện. Các vị "Bồ Tát khác" ấy là những vị Bồ Tát tâm đã thanh tịnh, giống như trong kinh Vô Lượng Thọ nói là "thanh tịnh bình đẳng giác", tâm các Ngài thật sự đạt được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, trong hết thảy cảnh duyên chỉ giác chứ không mê. Các vị Bồ Tát ấy có trí huệ, trí huệ Bát Nhã hiện tiền. "Đối với các phiền não bèn hiện có vin nắm" là vì lợi ích chúng sanh, các Ngài bèn dùng thủ đoạn ấy, cho nên chẳng có lỗi lầm gì! Các Ngài làm được, ta không làm được đâu!
Trong lịch sử, cũng như trong phim ảnh hiện thời, các vị đã từng xem truyện Tế Công, Tế Công ưa uống rượu, Ngài có vì rượu mà làm bậy hay không? Ngài có uống đến say khướt hay chăng? Chẳng hề có! Cận đại, chúng ta biết đến vị Phật sống chùa Kim Sơn: Năm Dân Quốc thứ nhất (1911), pháp sư Diệu Thiện ở chùa Kim Sơn, Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, hành vi cũng chẳng khác Tế Công mấy tí, chẳng khác gì nhau, cũng lôi thôi nhếch nhác. Ngài ăn uống, sanh hoạt đi đứng vô cùng tùy tiện, chẳng có chút câu thúc nào, nhưng người học Phật chúng ta chẳng học theo được. Quý vị xem Ngài ăn cơm, ăn hai, ba mươi chén không hề chi, mấy ngày chẳng ăn cơm cũng chẳng việc gì. Tại Đài Loan có một vị pháp sư theo dõi Ngài rất kỹ, theo dõi những việc Ngài đã làm, đó là pháp sư Lạc Quán. Sư viết thành sách Kim Sơn Hoạt Phật Truyện Ký. Có một bữa, Ngài ép pháp sư Lạc Quán ăn cơm, cứ từng chén, từng chén ép ăn, pháp sư Lạc Quán vô tình ăn hết mười chén cơm, đó là do sức gia trì của Ngài vậy.
Pháp sư Lạc Quan từng hỏi Ngài: "Ăn nhiều vậy sao chẳng bị no căng bụng?" Ngài đáp: "Ông chưa nghe nói trong Phật pháp chẳng tăng chẳng giảm ư?" Bất tăng bất giảm là chuyện của người ta, ta chẳng học được, ta bắt chước Ngài chắc chắn sẽ sanh bệnh. Ngài làm được chuyện chẳng tăng chẳng giảm: Ăn nhiều đến mấy vẫn chẳng tăng, không ăn vẫn chẳng giảm. Ngài có năng lực ấy, những người tầm thường chúng ta chẳng học đòi được đâu! Câu tiếp theo là:
Chánh kinh:
Hữu dị Bồ Tát, vô trí lực cố.
有異菩薩。無智力故。
(Có Bồ Tát khác, vì không có trí lực)
Không có trí huệ, không có thần thông đạo lực, đây cũng là nói có một hạng Bồ Tát có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
Chánh kinh:
Ư chư phiền não, tăng thượng chấp trước.
於諸煩惱。增上執著。
(Đối với các phiền não, chấp trước tăng mạnh mẽ thêm).
Lúc quý vị muốn học theo như thế, phiền não sẽ càng tăng thêm. Điều khai thị trong đoạn này cực trọng yếu, trong xã hội hiện tại của chúng ta, ở bất cứ địa phương nào cũng đều thấy có hiện tượng này. Chính mình phải minh bạch, phải hiểu rõ ràng.
Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Lược Giảng, phần 2 hết
Tử tâm tháp địa: Ý nói tâm chuyên dốc vào một việc niệm Phật, dứt bặt mọi ý niệm vọng cầu khác, giống như cõi lòng đã chết, đã nguội lạnh đối với những gì phù phiếm, viển vông, tâm khiêm hạ, không tự ngông nghênh nghĩ "ta đây bản lãnh phi phàm, không thèm cậy vào Phật lực"!
Đây là một thành ngữ hàm nghĩa chỉ nêu ra những điểm chính, như người học võ giao đấu để ấn chứng trình độ, không quyết chí sát phạt. Ở đây, Hòa Thượng chỉ gợi ý những điểm chính để thính chúng tự lãnh hội, không thể nói huỵch toẹt ra hết, kẻo đụng chạm.
Theo pháp sư Viên Anh, Số là những gì liên quan đến bói toán, lịch pháp, toán pháp v.v... Còn Thuật là những cách thức chữa bệnh, coi tướng, phong thủy, địa lý v.v...
Nguyên văn "phá âm tự", tức là những chữ được cổ nhân dùng theo lối giả tá. Do chữ Đương (當) và Đáng (擋) vào thời Đường có âm đọc tương tự như nhau nên được dùng lẫn, phải tùy theo ngữ cảnh mà đọc khác âm và hiểu cho đúng nghĩa.
Lược Giảng kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo,
phần 3
(Nguyên văn: Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký)
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Cư sĩ Truyền Tịnh chỉnh lý
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
7. Tướng trạng bất đồng giữa huệ hạnh Bồ Tát và sơ nghiệp Bồ Tát
Đoạn dưới đây thuyết minh Pháp Thân đại sĩ và sơ học Bồ Tát chẳng giống nhau.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Như ngã giải Phật sở thuyết nghĩa, nhược chư Bồ Tát ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung.
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。如我解佛所說義。若諸菩薩。於后末世五百歲中。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa đức Phật đã nói, nếu các Bồ Tát vào đời mạt sau, trong năm trăm năm)
Đây là nói về những người học Phật chúng ta trong hiện tại, chẳng luận là xuất gia hay tại gia.
Chánh kinh:
Nhạo dục ly chư nghiệp chướng triền phược.
樂欲離諸業障纏縛。
(Thích được lìa các nghiệp chướng trói buộc)
Tiếp theo đây nói đến năm sự việc, điều thứ nhất là "hy vọng". Chữ "nhạo" (樂) là yêu thích, là hy vọng. Chúng ta hy vọng thoát khỏi nghiệp chướng ràng buộc.
Chánh kinh:
Tự vô tổn hại, nhi đắc giải thoát.
自無損害而得解脫。
(Tự chẳng tổn hại mà được giải thoát)
Trong quá trình tu học của một đời này, có thể chẳng bị tổn hại mà còn giải trừ phiền não, thoát ly sanh tử luân hồi.
Chánh kinh:
Thị nhân đương ư Bồ Tát hạnh trung thâm sanh tín giải.
是人當於菩薩行中深生信解。
(Người ấy nên sanh tâm tin hiểu sâu xa đối với hạnh Bồ Tát)
Nếu trong một đời này, quý vị mong đạt được hai mục tiêu; hai mục tiêu ấy vô cùng thuần chánh; nói theo cách bây giờ, mục tiêu thứ nhất là tiêu nghiệp chướng. Tôi nói "tiêu nghiệp chướng", ai nấy đều hiểu, còn kinh nói là "thích được lìa các nghiệp chướng trói buộc". Mục tiêu thứ hai là liễu thoát sanh tử luân hồi. Nếu như quý vị học Phật, lấy điều này làm mục tiêu thì trong phần sau, Bồ Tát sẽ giảng hãy nên dùng tâm tư, thái độ như thế nào để tu hành. "Người ấy nên sanh tâm tin hiểu sâu xa đối với hạnh Bồ Tát": Bộ kinh này giảng về hạnh Bồ Tát. Đối với những điều được giảng trong kinh này, quý vị phải sanh tâm tin hiểu sâu xa, phải tin tưởng, phải hiểu rõ nhé! Đức Phật dạy chúng ta trong kinh này, điều thứ nhất là "chẳng tìm lỗi người khác, chẳng nêu lỗi người khác"; ở đây, Di Lặc Bồ Tát cũng nhắc lại:
Chánh kinh:
Ư tha quá thất, bất sanh phân biệt.
於他過失不生分別。
(Đối với lầm lỗi của người khác, chẳng sanh phân biệt)
Quý vị nói đi, học Phật phải bắt đầu từ đâu?
Phải bắt đầu từ chỗ này. Chẳng cần phải vạch tìm lỗi người khác, chẳng muốn thấy lỗi người khác, chẳng muốn kể lỗi người khác, cứ bắt đầu thực hiện từ chỗ này! Ý nghĩa của câu nói này, nghĩ ra rất sâu xa. Bởi vì căn bệnh lớn nhất của con người hiện thời là nói đến lầm lỗi của người khác: Nhà họ Trương giỏi, nhà họ Lý dở. Chẳng chạm mặt nhau thì thôi, hễ chạm mặt nhau toàn là kể xấu người khác, chớ hề kể tội chính mình! Quý vị thấy đó: Phật xếp chuyện này thành điều đầu tiên nhằm để trị căn bệnh nặng của quý vị đấy. Nếu chẳng áp dụng cho khéo cách trị bệnh này, bệnh của kẻ ấy hết cách cứu!
Vì thế, bây giờ quý vị phải hiểu cho rõ: Ngày nay, chúng ta học Phật phải bắt đầu từ đâu? Đừng nói đến lỗi người khác, phải bắt đầu từ đó. Căn bệnh tập khí này rất nặng, hằng ngày chú ý tìm lỗi người khác, đó là tâm gì vậy? Tâm quý vị làm sao thanh tịnh cho được? Tâm chẳng thanh tịnh, niệm Phật chẳng thể vãng sanh. Bởi vậy, điều này chính là căn bệnh lớn đấy nghe! Chúng ta đều coi thường, đều chẳng chú ý đến sự việc này. Hôm nay đọc đến bộ kinh này, suy nghĩ kỹ mới thấy có lý lắm chứ! Lại nghĩ đến Lục Tổ từng nói: "Nếu ai chân thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian" mới thấy câu ấy hoàn toàn tương ứng với điều Phật giảng ở đây.
Chánh kinh:
Chí cầu Như Lai chân thật công đức.
志求如來真實功德。
(Chí cầu công đức chân thật của Như Lai)
Mục tiêu của bản thân chúng ta là gì? Là cầu công đức chân thật của Như Lai. Như Lai là ai? Là Chân Như bản tánh. Kinh Kim Cang giảng rất rõ ràng: Hễ nói đến "Như Lai" thì đều là từ tự tánh mà nói, còn nói "chư Phật" là từ hình tướng mà nói. Bởi vậy, chẳng nói là "chí cầu công đức chân thật của chư Phật". Nếu nói "chư Phật" là nói theo bề ngoài, nói theo mặt Tướng; nói "Như Lai" là nói theo mặt Tánh; nói theo công đức chân thật của tâm tánh, tự tánh. Điều khai thị này rất trọng yếu vậy!
Chánh kinh:
Phật ngôn: "Như thị, như thị".
佛言如是如是。
(Phật nói: "Đúng như vậy, đúng như vậy")
Di Lặc Bồ Tát thuyết pháp như thế, đức Thế Tôn ấn chứng cho Ngài, ấn chứng [điều Bồ Tát nói giống như] là Phật nói. Phật bảo những điều Bồ Tát Di Lặc nói hoàn toàn chính xác.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị cố đương ư chư Bồ Tát đẳng phương tiện hạnh trung, thâm sanh tín giải.
彌勒。是故當於諸菩薩等方便行中。深生信解。
(Này Di Lặc! Vì thế phải nên sanh lòng tin hiểu sâu xa đối với các hạnh phương tiện của hàng Bồ Tát).
Phật ấn chứng cho Bồ Tát xong, lại đặc biệt nhấn mạnh một điều: Phải sanh lòng tin hiểu sâu xa đối với hạnh Bồ Tát. Trong phần trên, Di Lặc Bồ Tát đã nói [điều này rồi], ở đây, đức Thế Tôn lại nhắc lại để chúng ta đoạn nghi sanh tín.
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Huệ hạnh Bồ Tát phương tiện chi hạnh, nan tín giải cố.
何以故。慧行菩薩方便之行。難信解故。
(Vì sao vậy? Vì khó thể tin hiểu hạnh phương tiện của huệ hạnh Bồ Tát)
"Huệ hạnh" là Pháp Thân đại sĩ. Đối với họ, đức Phật nói "phiền não tức Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn", chứ chẳng nói với ai khác. Hạnh phương tiện của họ quá sâu, ý nghĩa quá sâu, Thanh Văn, Duyên Giác, phàm phu đều chẳng thể lý giải. Chúng ta thấy được rằng: Kinh này thường giảng những điều chẳng thể nghĩ bàn, hạnh của các vị ấy thật chẳng thể nghĩ bàn.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thí như Tu Đà Hoàn nhân thị phàm phu hạnh.
彌勒。譬如須陀洹人示凡夫行。
(Này Di Lặc! Ví như bậc Tu Đà Hoàn thị hiện hạnh phàm phu)
Ở đây, đức Phật nêu một thí dụ: Lấy địa vị tu hành chứng quả thấp nhất (Tu Đà Hoàn) nhằm chỉ rõ họ chẳng giống như chúng ta. Tu Đà Hoàn thị hiện làm phàm phu, giả vờ làm phàm phu, chứ họ chẳng phải thật sự là phàm phu đâu nhé!
Chánh kinh:
Như thị phàm phu dữ Tu Đà Hoàn vị các sai biệt.
如是凡夫。與須陀洹位各差別。
(Phàm phu như thế so với Tu Đà Hoàn thì địa vị sai biệt).
Đem phàm phu thật sự so với Tu Đà Hoàn thì sai biệt rất lớn.
Chánh kinh:
Phàm phu ngu nhân dĩ tham, sân, si chi sở triền cố, đọa chư ác đạo.
凡夫愚人。以貪瞋 痴之所纏故墮諸惡道。
(Kẻ phàm phu ngu muội do bị tham, sân, si trói buộc nên đọa vào các ác đạo)
Kẻ phàm phu ấy cả ngày từ sáng đến tối khởi tâm động niệm là tham, sân, si, mạn; học Phật cũng là tham, sân, si, mạn; thậm chí xuất gia vẫn cứ tham, sân, si, mạn; giảng kinh thuyết pháp cũng là tham, sân, si, mạn. Trong phần trước, tôi đã chẳng từng nói rồi đó hay sao? Cúng dường, cung kính nhiều thì tiếng giảng sang sảng; cúng dường ít thì chẳng muốn giảng nữa, chỉ muốn gấp rút bỏ đi. Toàn là gây tạo tham, sân, si, mạn mà thôi! Tương lai sẽ đi về đâu? Đọa trong các ác đạo! Đó là phàm phu đấy!
Chánh kinh:
Nhi Tu Đà Hoàn ư tham, sân, si, thiện năng liễu đạt; chung bất đọa lạc tam ác đạo nhĩ!
而須陀洹於貪瞋痴善能了達。終不墮落三惡道耳。
(Nhưng Tu Đà Hoàn khéo có thể liễu đạt tham, sân, si, trọn chẳng bị đọa lạc trong ba ác đạo)
Quý vị làm sao sánh bằng người ta! Tiểu Thừa Sơ Quả chưa đoạn tham, sân, si. Đức Phật đã giảng rất rõ ràng: Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn đã đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, nhưng tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc hoàn toàn chưa đoạn, họ vẫn có đủ tham, sân, si. Nhưng dù có đủ tham, sân, si, họ đã liễu đạt, tức là đã hiểu rõ; cho nên dù có khởi lên ý niệm tham, sân, si, họ cũng chẳng bị đọa trong tam ác đạo. Bản lãnh của họ là ở chỗ này! Đối với tham, sân, si, mạn, chúng ta mê mà chẳng giác, họ đối với tham, sân, si là giác chẳng mê. Do giác chẳng mê nên có năng lực chẳng đọa tam ác đạo. Nêu ra một thí dụ rõ ràng như thế. Phàm phu còn chẳng sánh bằng Tu Đà Hoàn, huống hồ đem so với huệ hạnh Bồ Tát! Huệ hạnh là Pháp Thân đại sĩ đấy nhé!
Chánh kinh:
Di Lặc! Huệ hạnh Bồ Tát diệc phục như thị, ư tham, sân, si tập khí vị đoạn.
彌勒。慧行菩薩亦復如是。於貪瞋痴習氣未斷。
(Này Di Lặc! Huệ hạnh Bồ Tát cũng giống như thế: Chưa đoạn tập khí tham, sân, si)
Huệ hạnh Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đã đoạn tham, sân, si; xác thực là chẳng còn [tham, sân, si], đã đoạn phiền não Kiến - Tư, đã đoạn Trần Sa Vô Minh. Dù đã đoạn, họ vẫn còn có chút tập khí chưa đoạn. Điều này chẳng trở ngại chi. Chữ "tập khí" chẳng dễ hiểu cho lắm, cổ nhân có nêu thí dụ sau đây cho chúng ta dễ hiểu: Ví như cái bình đựng rượu, rượu đã cạn sạch sành sanh, một giọt cũng chẳng còn, mặt trong bình đã được chùi sạch bóng, đích thực chẳng có gì hết, nhưng vẫn nghe thoảng chút mùi rượu. Đó gọi là "tập khí". Trong thực tế, huệ hạnh Bồ Tát thật sự đã đoạn sạch [tham, sân, si] rồi, xác thực là chẳng còn có [tham, sân, si], nhưng vẫn còn có chút tập khí.
Chánh kinh:
Bỉ diệc biệt dư sơ nghiệp Bồ Tát.
彼亦別余初業菩薩。
(Họ cũng khác với các sơ nghiệp Bồ Tát khác)
Họ cũng chẳng giống với các sơ nghiệp Bồ Tát.
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Kỳ tâm bất vị phiền não sở phú, bất đồng sơ nghiệp chư Bồ Tát đẳng, độn hạnh Bồ Tát vô hữu thiện xảo, đồng chư phàm phu bất năng xuất ly.
何以故。其心不為煩惱所覆。不同初業諸菩薩等。鈍行菩薩無有善巧。同諸凡夫不能出離。
(Vì sao vậy? Tâm họ chẳng bị phiền não che lấp, chẳng giống như những hàng sơ nghiệp Bồ Tát hoặc độn hạnh Bồ Tát chẳng có thiện xảo, giống như các phàm phu chẳng thể xuất ly).
Huệ hạnh Bồ Tát tập khí chưa đoạn, nhưng đã thật sự đoạn sạch phiền não rồi, xác thực chẳng có phiền não. Các ngài chẳng giống sơ nghiệp Bồ Tát. Chữ "biệt" (別) ở đây nghĩa là sai biệt, chẳng giống nhau. Vì sao? "Kỳ tâm bất vị phiền não sở phú" (tâm họ chẳng bị phiền não che lấp). "Phú" (覆) là chướng ngại. Phiền não chẳng còn có thể gây trở ngại cho họ được nữa, bởi vậy, họ khác sơ nghiệp Bồ Tát.
"Độn hạnh Bồ Tát" là Bồ Tát độn căn, tức là hàng Bồ Tát không có trí huệ như trong kinh này đã nói. Sơ học Bồ Tát và Bồ Tát không có trí huệ giống hệt như phàm phu. "Không có thiện xảo, giống như phàm phu chẳng thể xuất ly": Chẳng thể lìa khỏi lục đạo, chẳng thể thoát ly tam giới.
Chánh kinh:
Di Lặc! Huệ hạnh Bồ Tát nhất thiết trọng tội.
彌勒。慧行菩薩一切重罪。
(Này Di Lặc! Hết thảy trọng tội của huệ hạnh Bồ Tát)
Những "trọng tội" ấy do tập khí biến hiện. Giống như trong năm mươi ba lần tham học của kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy có những vị huệ hạnh Bồ Tát: Bà-la-môn Thắng Nhiệt ngu si, Cam Lộ Hỏa Vương nóng giận, cô gái Mật Tô Phiệt Đa tham ái. Ba vị ấy tượng trưng cho ba độc tham - sân - si. Đấy là hết thảy trọng tội.
Chánh kinh:
Dĩ trí huệ lực tất năng tồi diệt, diệc bất nhân bỉ, đọa ư ác đạo.
以智慧力悉能摧滅。亦不因彼墮於惡道。
(Do sức trí huệ nên đều có thể dẹp tan, cũng chẳng vì đó mà đọa ác đạo)
Sức trí huệ ấy là do quán hạnh tương ứng nên hiện ra vẻ tạo tác ác nghiệp như thế, chứ cõi lòng họ thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Đối với hết thảy chúng sanh, họ thật sự đại từ đại bi, chỉ dùng thủ đoạn ấy để giáo hóa chúng sanh mà thôi. Vì thế, họ chẳng bị đọa ác đạo! Họ thường trụ trong Nhất Chân pháp giới, chẳng những không thuộc trong sáu đường, mà cũng chẳng thuộc trong mười pháp giới. Điều này chúng ta phải hiểu rõ, phải nhận thức rõ. Nếu hiểu lầm điều này là sai mất rồi. Hiểu được thân phận, năng lực của chính mình thì đối với những vị ấy, chúng ta chỉ biết kính ngưỡng, chứ tuyệt đối chẳng thể học theo, học theo là hỏng đấy!
Chánh kinh:
Di Lặc! Thí như hữu nhân, ư đại hỏa tụ, đầu dĩ tân mộc, sổ sổ thiêm chi. Như thị thiêm dĩ, kỳ diệm chuyển xí, di cánh tăng minh, vô hữu tận diệt.
彌勒。譬如有人。於大火聚。投以薪木。數數添之。如是添已。其焰轉熾。彌更增明。無有盡滅。
(Này Di Lặc! Ví như có người đối với đống lửa lớn, bỏ thêm củi mới, nhiều lượt thêm củi. Thêm củi như thế, ngọn lửa càng cháy mạnh hơn, càng sáng thêm hơn, chẳng bị tắt mất).
Ở đây, đức Phật nêu một tỷ dụ: Ví như có người đốt một chậu lửa, chẳng ngừng bỏ thêm củi vào. Bởi đó, lửa càng cháy càng mạnh thêm lên, ánh lửa càng lúc càng sáng rực hơn. Đây chính là "phiền não tức Bồ Đề". Phiền não là củi, là củi khô nỏ, bỏ vào trong lửa càng làm cho ánh sáng tỏa bừng. Đoạn này có ý nghĩa như vậy.
Chánh kinh:
Di Lặc! Huệ hạnh Bồ Tát diệc phục như thị, dĩ trí huệ hỏa thiêu phiền não tân.
彌勒。慧行菩薩亦復如是。以智慧火。燒煩惱薪。
(Này Di Lặc! Huệ hạnh Bồ Tát cũng giống như thế: Dùng lửa trí huệ đốt củi phiền não)
Ánh lửa tượng trưng trí huệ. Bỏ thêm củi vào, củi tức là phiền não, càng gieo phiền não vào thì trí huệ của họ càng lớn. Bởi thế, phiền não chính là Bồ Đề.
Chánh kinh:
Như thị thiêm dĩ, trí huệ chi hỏa chuyển cánh tăng minh, vô hữu diệt tận. Di Lặc! Như thị, như thị. Huệ hạnh Bồ Tát trí huệ chi lực, thiện xảo phương tiện, nan khả liễu tri.
如是添已。智慧之火。轉更增明。無有盡滅。彌勒。如是如是。慧行菩薩智慧之力。善巧方便難可了知。
(Thêm vào như vậy, lửa trí huệ hóa ra càng sáng hơn, chẳng bị tắt mất. Này Di Lặc! Đúng như vậy đấy, đúng như vậy đấy. Khó thể hiểu trọn sức trí huệ, phương tiện thiện xảo của huệ hạnh Bồ Tát)
Người bình thường chẳng thể biết nổi điều này đâu nhé! Cảnh giới của các Ngài quá cao, sở chứng của các Ngài quá sâu. Bởi thế, đối với các Ngài, phiền não càng giúp tăng trưởng trí huệ, còn đối với chúng ta, phiền não giúp ta đọa tam đồ, phải cảm lấy khổ báo, hoàn toàn chẳng giống nhau!
8. Sơ nghiệp Bồ Tát phải nên quan sát những điều tai hại của lợi dưỡng, ồn náo, ngôn luận thế gian, sự vụ
Xem tiếp kinh văn, chúng ta sẽ thấy trong đoạn kinh tiếp theo đây, đức Phật đặc biệt giáo huấn chúng ta: Hàng sơ học Bồ Tát phải hiểu rõ những tai hại của danh văn, lợi dưỡng. Bởi lẽ, trong thời đại hiện tại, bất luận xuất gia hay tại gia phát tâm hành Bồ Tát đạo, hễ làm công tác hoằng pháp lợi sanh thì danh văn, lợi dưỡng sẽ hiện hữu rất nhanh. Nếu quý vị chẳng biết lợi hại, cứ để nó lôi mình theo mãi thì thật đáng tiếc quá! Bởi thế, ở đây, đức Phật đặc biệt nêu lời cảnh tỉnh. Xin hãy xem kinh văn:
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Sơ nghiệp Bồ Tát ký xuất gia dĩ, vị đắc huệ lực nhi dục đắc giả, đương xả hà pháp? Đương tu hà pháp? Vị sanh huệ lực năng linh xuất sanh, dĩ sanh huệ lực năng linh tăng trưởng.
爾時。彌勒菩薩摩訶薩白佛言。世尊。初業菩薩既出家已。未得慧力而欲得者。當舍何法。當修何法。未生慧力能令出生。已生慧力能令增長。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Sơ nghiệp Bồ Tát đã xuất gia rồi, chưa đắc huệ lực mà muốn đắc thì nên bỏ những pháp nào? Nên tu những pháp nào để huệ lực chưa sanh sẽ sanh ra, huệ lực đã sanh sẽ được tăng trưởng?)
Câu hỏi của Bồ Tát chính là những điều tâm ta mong cầu. "Sơ nghiệp Bồ Tát" chính là sơ học Bồ Tát đã xuất gia rồi. Ý nghĩa chữ "xuất gia" này rất rộng, chẳng phải là cạo đầu, mặc áo rộng tay thụng mới là người xuất gia. Người như thế chưa chắc đã là xuất gia! Ở đây, xuất gia là đã thật sự đem những phiền não, tham ái trong tâm bỏ đi rồi thì mới gọi là "xuất gia", tức là ra khỏi nhà phiền não, ra khỏi nhà sanh tử. Sáu nẻo luân hồi là nhà, vượt thoát khỏi sáu nẻo luân hồi là "xuất gia". Chẳng thể thoát khỏi sáu nẻo luân hồi thì quý vị vẫn là tại gia vậy!
Lục đạo luân hồi được tạo thành như thế nào? Do phiền não tạo thành. Bởi thế, nếu trong tâm có thị - phi, ta - người, có tham, sân, si, mạn thì quý vị chưa xuất gia. Nếu trong tâm đã bỏ được thị - phi, ta - người, chẳng còn có tham, sân, si, mạn thì quý vị là xuất gia. Người mới xuất gia đó trí huệ chưa mở mang, đang mong được mở mang trí huệ. Cho nên "đương xả hà pháp, đương tu hà pháp": Chúng ta nên bỏ những điều gì, nên tu những điều gì, ngõ hầu "huệ lực chưa sanh sẽ được xuất sanh", trí huệ đã sanh sẽ tăng trưởng thêm, chẳng bị lui sụt. Những điều Di Lặc Bồ Tát đã hỏi ở đây chính là điều tâm chúng ta mong mỏi. Tiếp theo đây, đức Phật khai thị, chúng ta hãy nên chú ý.
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát ký xuất gia dĩ, dục linh huệ lực nhi đắc tăng trưởng, đương ư lợi dưỡng tri kỳ quá thất, ưng tu xả ly.
佛告彌勒菩薩言。彌勒。初業菩薩既出家已。欲令慧力而得增長。當於利養知其過失。應須舍離。
(Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát đã xuất gia rồi, muốn khiến cho huệ lực được tăng trưởng thì hãy nên biết lỗi lầm của lợi dưỡng, phải nên lìa bỏ nó).
Đây là lời đáp cho câu hỏi "Bồ Tát nên xả những pháp nào?" Ở đây, đức Phật dạy rõ: Phải bỏ danh văn, lợi dưỡng. Muốn bỏ được danh văn, lợi dưỡng thì trước hết phải hiểu được những lỗi lầm của danh văn, lợi dưỡng. Nếu quý vị đã biết những tai hại của chúng, tự nhiên quý vị sẽ bỏ được.
Chánh kinh:
Nhược háo hội náo, thế tục ngôn thoại, đam trước thùy miên, quảng doanh chúng vụ, nhạo chư hý luận, như thị quá thất giai ưng viễn ly.
若好憒鬧。世俗言話。耽著睡眠。廣營眾務。樂諸戲論。如是過失。皆應遠離。
(Nếu ưa thích náo nhiệt, ngôn luận thế tục, ham mê ngủ nghê, làm đủ mọi việc, thích các lời giỡn cợt; những lầm lỗi như thế đều phải nên xa lìa).
Tiếp theo, lại đặc biệt thêm một câu.
Chánh kinh:
Thị cố, ưng xả lợi dưỡng.
是故應舍利養。
(Vì thế, phải bỏ lợi dưỡng).
Quý vị xem đó: Trong đoạn này, đức Phật hai lần nhắc đến lợi dưỡng, đủ thấy cội rễ lầm lỗi nằm tại lợi dưỡng. Nếu chẳng tham lợi dưỡng sẽ dễ dàng bỏ được những sai trái khác. Tham chấp lợi dưỡng thì những lỗi lầm khác cũng chẳng dễ gì bỏ được. Những lỗi lầm được nói trong phần này chính là những vấn đề chuyên được bàn luận trong quyển này (quyển Hạ). "Hội náo" tức là náo nhiệt, nơi chốn náo nhiệt không có mảy may lợi ích gì. "Thế tục ngôn thoại": Chữ "ngôn thoại" bây giờ gọi là "ngôn luận", những ngôn luận đó chẳng giúp ích gì cho việc liễu sanh thoát tử, xuất tam giới. Bởi lẽ, phạm vi của "ngôn luận thế tục" rộng lớn phi thường, có thể nói là ngoại trừ Phật pháp ra, tất cả đều là "ngôn luận thế tục" vì quý vị chưa lìa khỏi tam giới, chưa lìa khỏi lục đạo mà!
"Đam trước thùy miên" là tham ngủ đấy! "Quảng doanh chúng vụ": "Doanh" (營) là kinh doanh, "vụ" (務) là sự vụ. "Quảng" (廣) là nhiều, một ngày từ sáng đến tối luôn lo liệu. "Chúng" (眾) cũng là nhiều. Lo toan bao nhiêu là sự việc chẳng dính dáng gì đến đạo nghiệp. "Nhạo chư hý luận": Ưa thích nói giỡn. Những điều ấy đều là lỗi lầm, lỗi lầm rất lớn đấy! Ở đây, đức Phật dạy chúng ta "đều phải nên xa lìa", chẳng được tham chấp. Phải xa lìa, tránh xa. Trong đó, trọng yếu nhất là lợi dưỡng: "Vì thế, phải bỏ lợi dưỡng". Đấy là nói đến những pháp quý vị nên bỏ, những gì quý vị phải rời xa. Tiếp theo đây là những gì nên tu, nên tu những pháp nào? Xin thưa cùng quý vị, những điều được tu sẽ tương phản với những điều trên đây, đấy là những gì quý vị cần phải tu.
Chánh kinh:
Tu ư thiểu dục.
修於少欲。
(Tu nơi thiểu dục).
Đối với người chân chánh tu hành, thật sự mong trong một đời này vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì điều kiện thứ nhất là Thiểu Dục.
Dục (欲) là dục vọng, [thiểu dục] là phải giảm thiểu dục vọng! Giảm thiểu đến mức độ nào? Mỗi ngày chúng ta ăn ba bữa đủ no, có được một bộ quần mặc đủ ấm, có một gian nhà nhỏ để đụt nắng che mưa là đủ, là yên tâm rồi. Tâm có yên mới hành được đạo, nói cách khác là quý vị mới đạt được tâm thanh tịnh. Chẳng cần phải so sánh với người khác, thiên hạ ở căn nhà to, ra khỏi cửa đi xe nhãn hiệu sang trọng, chẳng cần thấy những điều đó, chẳng cần phải ganh đua với người khác. Những thứ đó là gì vậy? Quý vị chẳng cần biết xe người ta rất đẹp đẽ làm chi, lái về đâu? Lái trên đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đấy! Lúc quý vị thấy rõ rồi sẽ chẳng ưa thích nữa, đừng có thấy mình không có xe phải đi bộ đó nghe!
Chúng ta tiến về Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng giống như họ đâu! Phương hướng, mục tiêu bất đồng, nhất định phải thấy rõ ràng. Bọn họ ngày ngày khiến tham, sân, si, phiền não tăng trưởng, còn chúng ta phải khiến trí huệ tăng trưởng, tâm mỗi ngày một thanh tịnh hơn. Phải biết thiểu dục, phải biết tri túc; thiểu dục tri túc là căn bản để chúng ta tu hành.
Chánh kinh:
Xả chư hội náo.
舍諸憒鬧。
(Bỏ các chỗ náo nhiệt).
Phải rời lìa những chỗ náo nhiệt.
Chánh kinh:
Nhạo ư tịch tĩnh.
樂於寂靜。
(Thích chốn tịch tĩnh)
Tâm ai định, kẻ ấy sẽ ở trong hoàn cảnh an tịnh rất tự tại. Nói theo cách bây giờ là "cam chịu tịch mịch", đó là công phu đấy nhé! Có một số người chẳng chịu nổi cảnh tịch mịch, cứ thích nhiệt náo, không chịu nổi một ngày không nhiệt náo, cứ ưa phiền não thôi!
Chánh kinh:
Xả chư thế thoại, quán ư thật nghĩa.
舍諸世話。觀於實義。
(Bỏ các lời thế tục, quán sát thật nghĩa)
"Thật nghĩa" là gì? Là chân tướng của nhân sanh vũ trụ. Quý vị phải dùng trí huệ để quan sát chân tướng của nhân sanh vũ trụ đấy! Chân tướng là gì? Kinh Kim Cang nói: "Ba tâm chẳng thể được. Các pháp duyên sanh, thể của chúng là không", đó là thật nghĩa đấy! Đó là chân tướng của các pháp đấy!
Chánh kinh:
Sơ dạ, hậu dạ, viễn ly thùy miên.
初夜后夜。遠離睡眠。
(Đầu đêm, cuối đêm, xa lìa ngủ nghỉ)
Ở đây, đức Phật khuyên chúng ta mỗi ngày tốt nhất là ngủ bốn tiếng đồng hồ. Từ mười giờ tối đến hai giờ sáng là "trung dạ". Đừng để phí uổng tấc bóng tốt đẹp, phải dùng thời gian quý báu đó để niệm Phật.
Chánh kinh:
Quán sát tư duy, tùy hạnh tu tập.
觀察思惟。隨行修習。
(Quán sát tư duy, tùy hạnh tu tập).
"Quán sát, tư duy" là chánh trí huệ, chánh tư duy trong Bát Chánh Đạo. "Tùy hạnh tu tập": Hạnh là những cách xử thế, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống thường ngày; phải nên tu, phải nên học nơi những hạnh ấy.
Chánh kinh:
Xả ư chúng vụ, cập chư hý luận.
舍於眾務。及諸戲論。
(Bỏ các sự việc và các hý luận)
Càng ít sự việc càng tốt, "đa sự bất như thiểu sự, thiểu sự bất như vô sự" (nhiều sự chẳng bằng ít sự, ít sự chẳng bằng vô sự). Đây chẳng phải là tiêu cực, ai nấy vô sự thiên hạ thái bình rồi! Mỗi cá nhân đều an cư lạc nghiệp. Vì sao thế giới loạn lạc dường ấy? Người ham hố quá nhiều. Ai là kẻ ham hố? Kẻ ham hố là kẻ ham việc. Người tham việc rất nhiều. Người vô sự được tự tại, đấy chính là hưởng thụ thật sự.
Chánh kinh:
Tu xuất thế đạo, từ niệm chúng sanh.
修出世道。慈念眾生。
(Tu đạo xuất thế, nghĩ thương chúng sanh)
Nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ, nhưng vẫn từ bi đối với hết thảy chúng sanh, tận tâm tận lực khuyên bảo hết thảy chúng sanh tu trì pháp môn Niệm Phật, đó chính là "từ niệm chúng sanh". Chỉ có mỗi pháp môn này là có thể giúp cho những cá nhân ngay trong một đời liễu sanh tử, xuất tam giới.
8.1. Mười một pháp chướng đạo nghiêm trọng
Chánh kinh:
Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát ký xuất gia dĩ, vị đắc huệ lực nhi dục đắc giả, thị pháp ưng xả, thị pháp ưng tu. Hà dĩ cố? Di Lặc! Bỉ chư Bồ Tát ký xuất gia dĩ, vị đắc huệ lực nhi dục đắc giả, bất xả lợi dưỡng, bất tu thiểu dục, vị sanh huệ lực đương linh xuất sanh, dĩ sanh huệ lực năng linh tăng trưởng, vô hữu thị xứ!
彌勒。初業菩薩既出家已。未得慧力而欲得者。是法應舍。是法應修。何以故。彌勒。彼諸菩薩既出家已。未得慧力而欲得者。不舍利養。不修少欲。未生慧力當令出生。已生慧力能令增長。無有是處。
(Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát đã xuất gia rồi, chưa đắc huệ lực mà muốn đắc, phải bỏ những pháp ấy, phải tu những pháp ấy. Vì sao thế? Này Di Lặc! Các Bồ Tát đó đã xuất gia rồi, chưa đắc huệ lực mà muốn được đắc, nhưng nếu chẳng bỏ lợi dưỡng, chẳng tu thiểu dục, lại toan khiến cho huệ lực chưa sanh sẽ được xuất sanh, huệ lực đã sanh sẽ được tăng trưởng thì quyết chẳng có lẽ ấy!)
Trong đoạn này, đức Phật giảng cho chúng ta về mười một pháp chướng đạo nghiêm trọng. Phần trên đã nói là trong thời đại Mạt Pháp, bất luận tu học bất cứ pháp môn nào, nếu có một hai pháp trong mười một pháp ấy sẽ chẳng thể tu học thành tựu; huống chi là đầy đủ cả mười một pháp, đương nhiên sẽ chẳng thể thành tựu được. Bởi thế, chúng ta phải đặc biệt lưu ý, nhất định phải sửa trừ toàn bộ những căn bệnh này thì những điều chúng ta mong cầu mới hòng mãn nguyện. Những thí dụ được nêu ở đây là nhằm cầu khai trí huệ.
Câu "sơ nghiệp Bồ Tát đã xuất gia rồi, chưa đắc huệ lực mà muốn đắc" ý nói cầu khai trí huệ. Chúng ta chưa khai trí huệ, hy vọng tự mình mở mang trí huệ, bởi lẽ, chỉ có trí huệ mới giải quyết được mọi vấn đề. Nhất định phải hiểu rõ, phải minh bạch điều này. Định có công năng khuất phục phiền não, nhưng vẫn chẳng thể giải quyết vấn đề. Sau khi trí huệ mở mang, phiền não sẽ chuyển thành Bồ Đề. Vì thế, chuyển phiền não thành Bồ Đề là nhờ sức của trí huệ. Di Lặc Bồ Tát thay chúng ta khải thỉnh: Muốn mở mang trí huệ thì phải bỏ những pháp như thế, phải tu những pháp như thế.
"Xả" (舍) là buông xuống. Xem ra những pháp đức Phật dạy chúng ta buông xuống, ta chưa hề buông xuống; những pháp đức Phật dạy ta tu học, ta chưa từng tu học. Trong mười một điều ấy, điều thứ nhất là lợi dưỡng: "Chẳng xả lợi dưỡng". Điều thứ hai là "chẳng tu thiểu dục". Ở đây, Phật lại nhắc đến danh văn, lợi dưỡng, do đấy, ta biết chúng là bệnh căn (cội rễ của bệnh), quyết định chẳng để chúng tiêm nhiễm mình. Nhưng trong xã hội hiện tại, đặc biệt là tại Đài Loan và cả một giải Đông Nam Á, có thể nói là lợi dưỡng phong phú đứng đầu thế giới. Chúng ta thường hay nghe nói: "Vùng đất của quốc gia này nọ trở thành Đài Loan". Mục đích trở thành Đài Loan là gì? Là lợi dưỡng phong phú, nhưng chẳng biết đến cái hại của lợi dưỡng. Hại gì? Tăng trưởng tâm tham, tăng trưởng keo bẩn.
Về phiền não, Phật dạy có sáu thứ căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Sáu căn bản phiền não này lại quy nạp thành ba độc tham, sân, si. Ba độc lại quy nạp thành một loại là Tham. Vì thế Tham chính là cội rễ tối nguyên thủy của tất cả hết thảy phiền não. Lợi dưỡng tăng trưởng tâm tham; vì thế, Phật coi Tham quan trọng như thế đấy. Chưa đoạn được điều này, dù tu bất cứ pháp môn nào cũng chẳng thể thành tựu. Chẳng những không thành tựu, mà còn tuy học Phật pháp nhưng rốt cuộc biến thành yêu ma quỷ quái hết. Sao lại biến thành như thế? Do tham lam, keo kiệt, nên học Phật rốt cuộc biến thành ma hết. Vì thế, ngay câu đầu tiên trong đoạn kinh này, đức Phật đã dạy chúng ta phải bỏ lợi dưỡng. Bỏ lợi dưỡng thì nhất định phải tu khổ hạnh, phải tu thiểu dục vậy!
Cụ Hoàng Niệm Tổ ở Đại Lục có lần nói, tôi chưa đích thân nghe, chỉ nghe học trò cụ thuật lại, cụ chưa đến Đài Loan, nhưng cụ bảo: "Ở Đài Loan không có người xuất gia, Đài Loan không có Phật pháp, Phật pháp ở Đài Loan là giả". Vì sao cụ nói như thế? Nói thật ra, chúng tôi đọc kinh này xong, ít nhiều hiểu được lời cụ: Người xuất gia ở Đài Loan ai đã bỏ được lợi dưỡng? Ai chịu tu khổ hạnh? Vì thế, cụ bảo ngày nay Phật pháp ở tại Đại Lục Trung Quốc. Tôi chưa hề có dịp phỏng vấn người tu hành ở Đại Lục, chỉ nghe nói mà thôi.
Khi tôi ở Tân Gia Ba, cư sĩ Lý Mộc Nguyên dẫn một phái đoàn đông đảo gồm bảy tám chục người qua Đại Lục thăm viếng, chuyên thưa hỏi về Phật giáo, thời gian ước chừng mấy tháng. Họ thấy người chân chánh tu hành ở Hoa Lục đối với Phật pháp rất cung kính, khiến cho người khác than thở, trông vào, cảm động sâu xa. Kinh sách luôn đội trên đảnh đầu, cung kính như thế đấy! Họ có được kinh sách rất khó, chẳng giống như chúng ta ở đây có quá nhiều, có được quá dễ. Bọn họ sống thanh bần, áo mặc vá chằng vá đụp, ăn những thứ do chính mình trồng, vô cùng khổ cực. Lúc phái đoàn của ông Lý ra đi, muốn tặng tiền họ, chẳng ai chịu nhận. Tính tặng họ y phục, họ cũng chẳng chịu lấy. Họ nói cuộc sống chúng tôi quá tốt đẹp, nhưng người ngoài thấy họ khổ sở chẳng kham được nổi. Hỏi họ cần gì? Họ đáp cần kinh sách, cần băng thâu âm. Họ không cần băng video vì họ đâu có tivi, chẳng xem được. Tặng họ những thứ ấy, họ xem như của báu.
Bởi vậy, phái đoàn Tân Gia Ba sau khi trở về, hết sức hổ thẹn, họ vốn tưởng mình tu rất hay, nhưng sánh với những người kia, khác gì một trời một vực, tâm cung kính mới thật sự sanh khởi. Điều bọn họ làm được chính là bỏ được lợi dưỡng, tu khổ hạnh, tuyệt đối chẳng có ý niệm tham cầu cuộc sống vật chất. Họ cũng chẳng mong người ngoài đến thăm viếng đạo tràng của mình, chẳng mở rộng cửa cho người ngoài, chân chánh thanh tu.
Nếu như chẳng bỏ lợi dưỡng, chẳng tu thiểu dục, thì ở đây đức Phật nói: "Lại toan khiến cho huệ lực chưa sanh sẽ được xuất sanh, huệ lực đã sanh sẽ được tăng trưởng thì quyết chẳng có lẽ ấy". "Vô hữu thị xứ" là chẳng có đạo lý ấy! Quý vị muốn khai trí huệ thì đừng có hòng! Đã có một điểm trí huệ, muốn được chẳng lui sụt thì cũng đừng có hòng!
Chánh kinh:
Bất xả hội náo, bất trụ tịch tĩnh, vị sanh huệ lực đương linh xuất sanh, dĩ sanh huệ lực năng linh tăng trưởng, diệc vô thị xứ!
不舍憒鬧。不住寂靜。未生慧力當令出生。已生慧力能令增長。亦無是處。
(Chẳng bỏ náo nhiệt, chẳng trụ tịch tĩnh, lại toan khiến cho huệ lực chưa sanh sẽ được xuất sanh, huệ lực đã sanh sẽ được tăng trưởng thì quyết cũng chẳng có lẽ ấy!)
Cũng chẳng có đạo lý này! Bởi lẽ, hoàn cảnh cư trụ tu học của quý vị phải an tịnh. Chúng ta là phàm phu, phàm phu chắc chắn bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài; bởi thế, chẳng thể không chọn lựa chỗ đặt đạo tràng, chỗ mình sanh sống; nhưng trong xã hội hiện tại, chúng tôi nghĩ rất khó chọn lựa, nhân khẩu quá đông, đâu đâu cũng đều là chỗ ồn ào, tìm đâu ra một chỗ an tịnh? Tìm chẳng được! Đảo Đài Loan này nhỏ xíu như thế, nhân khẩu đông như thế, cho nên chọn lấy một chỗ an tịnh, thực sự chẳng dễ dàng. Tuy thế, một điều rất trọng yếu nói chung vẫn là trong ồn náo giữ lấy yên tịnh, rời khỏi chỗ náo nhiệt. Hễ chỗ ồn náo nào gây trở ngại cho cái tâm thanh tịnh của chính mình thì phải biết rời bỏ nơi ấy. Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Bất xả thế thoại, bất quán thật nghĩa.
不舍世話。不觀實義。
(Chẳng bỏ lời lẽ thế tục, chẳng quán thật nghĩa)
Quý vị muốn mở mang trí huệ, cũng chẳng có lẽ ấy. "Thế thoại" tức là ngôn luận thế gian, chúng ta chưa thể bỏ được, bởi lẽ từ sáng đến tối phải ở chung với đại chúng, phải tiếp xúc đại chúng, trọn chẳng thể không nói năng được! Với loại ngôn luận này, phải biết là càng ít càng hay, điều gì không bắt buộc phải nói đừng có nói. Vì sao vậy? Vì phương hại tâm thanh tịnh. Điều này cần phải bỏ đi, phải tận hết khả năng bỏ đi. Trong đoạn trước, tôi đã nói về "thế thoại", chữ này hàm nghĩa rất rộng.
Đã trừ bỏ chuyện này rồi, lại còn phải tu điều gì nữa? Phải "quán sát thật nghĩa". Ta thường gọi thật nghĩa là "thật tướng của các pháp", tức là chân tướng của nhân sanh, vũ trụ. Chưa quán được chân tướng, hãy nên đọc kinh Kim Cang. Đọc kinh Kim Cang không hiểu thì quý vị nên nghe giảng, chúng tôi có băng giảng kinh Kim Cang thâu âm rất tường tận. Quý vị chú ý nghe kỹ, nghe hiểu rồi quý vị sẽ quán. Hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh, tự nhiên quý vị sẽ buông xuống được, giúp ích rất nhiều cho sự tu học của quý vị.
Chánh kinh:
Sơ dạ, hậu dạ, đam trước thùy miên, tằng bất giác ngộ.
初夜后夜。耽著睡眠。曾不覺悟。
(Đầu đêm, cuối đêm đắm chấp ngủ nghỉ, chưa từng giác ngộ)
Chúng ta đều phải sửa đổi loại tập khí phiền não này. Phải khắc phục sự khổ sở của chính mình thì mới ít ngủ nghỉ. Ở đây, đức Phật dạy chúng ta một tiêu chuẩn là ngủ bốn giờ thôi, ngủ vào lúc "trung dạ". Chẳng được ngủ vào lúc sơ dạ. "Sơ dạ" là từ sáu giờ chiều đến mười giờ đêm; nói chung chẳng được ngủ. "Hậu dạ" thì sao? Hậu dạ là từ hai giờ sáng đến sáu giờ sáng; chính là lúc ngủ ngon nhất. Phật dạy chẳng được ngủ, cho nên chỉ ngủ vào lúc trung dạ. Làm sao thực hiện được? Ngủ vào lúc trung dạ là mười giờ tối đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy. Thật sự chẳng làm được, phiền não rất nặng! Ngủ chẳng đủ thì chẳng có tinh thần. Tận khả năng để rút ngắn thời gian ngủ nghê lại, người thế gian cũng thường đề xướng ngủ sớm dậy sớm thân thể khỏe mạnh đó mà! Bởi vậy, mười giờ tối đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy. Nếu hai giờ chưa dậy nổi, thì bốn giờ thức dậy, cũng kể như là được. Đấy là đã tính trừ hao; vì thế phải nỗ lực học tập, khắc phục phiền não tập khí của chính mình. Ngủ nghê là hôn trầm, chẳng phải là giác ngộ. Điều thứ tám là:
Chánh kinh:
Hệ niệm tư duy, bất xả chúng vụ.
繫念思惟。不舍眾務。
(Vấn vương suy nghĩ, chẳng bỏ các việc).
"Hệ niệm tư duy" nghĩa là trong tâm có điều vướng mắc, lo lắng quá nhiều chuyện. Quý vị vướng mắc những gì? Lo lắng những gì? Mọi việc! Sự tình thế gian quá nhiều, những sự tình đó chẳng giúp quý vị liễu sanh tử, xuất tam giới được! Nói cách khác, những gì chẳng thể giúp quý vị đoạn phiền não, chẳng thể giúp quý vị khai trí huệ đều gọi là "chúng vụ" (các việc). "Chúng" (眾) là sự nghiệp rất nhiều, chẳng bỏ được đấy mà! Nhiều thêm một sự chẳng bằng bớt đi một sự, ít đi một sự chẳng bằng vô sự, chẳng cần bới thêm việc! Phật dạy chúng ta tùy duyên nhưng chẳng phan duyên (vin nắm). Tạo ra chuyện, gây thêm chuyện là "phan duyên". Chuyện này nhất định trở ngại chúng ta tu học. Điều thứ chín là:
Chánh kinh:
Háo chư hý luận.
好諸戲論。
(Thích các hý luận)
Phạm vi của "hý luận' cũng rộng phi thường. Điều thứ mười là:
Chánh kinh:
Ư xuất thế đạo, bất năng tu hành.
於出世道。不能修行。
(Đối với đạo xuất thế, chẳng thể tu hành)
"Xuất thế" là vượt khỏi lục đạo luân hồi. Quý vị chưa thể tu tập [điều này]. Điều thứ mười một là:
Chánh kinh:
Ư chư chúng sanh, bất sanh từ niệm.
於諸眾生。不生慈念。
(Đối với chúng sanh, chẳng nghĩ thương yêu)
Đối đãi chúng sanh chẳng có tâm từ bi. Chắc cũng có nhiều vị nghe chẳng hiểu lắm. Đối với chúng sanh, tôi có tâm từ bi mà! Tôi vừa ăn chay, vừa phóng sanh, gặp ai bị khó khăn, tôi đều cứu giúp, sao lại chẳng từ bi? Trong mắt Phật, quý vị chưa từ bi; quý vị chẳng có tâm từ bi! Thế nào là từ bi? Giúp chúng sanh thoát ly tam giới, thoát ly lục đạo luân hồi mới gọi là "từ bi". Xoay đi, xoay lại, họ vẫn còn trong lục đạo luân hồi thì quý vị từ bi ở chỗ nào đây? Nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa này: Chẳng thể liễu thoát sanh tử, chẳng thể xuất ly luân hồi là chẳng từ bi. Mục tiêu tu học Phật pháp là ở chỗ này! Quý vị phạm những lỗi lầm như thế thì sẽ có nhiều lầm lỗi, tức là:
Chánh kinh:
Vị sanh huệ lực đương linh xuất sanh, dĩ sanh huệ lực năng linh tăng trưởng, diệc vô thị xứ.
未生慧力當令出生。已生慧力能令增長。亦無是處。
([Muốn cho] huệ lực chưa sanh sẽ được xuất sanh, huệ lực đã sanh sẽ được tăng trưởng thì cũng chẳng có lẽ ấy!)
Mười một điều trên đây, quý vị phạm một điều sẽ chẳng đoạn được phiền não, trí huệ chẳng mở mang, quý vị muốn xuất ly tam giới chẳng thể được. Huống hồ là mười một điều đều có đủ thì làm sao liễu thoát cho được. Chúng ta phải tự nghiêm cẩn phản tỉnh, phải nỗ lực khắc phục nghiệp chướng, tập khí của chính mình, nhất định phải sửa đổi.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị cố Bồ Tát vị đắc huệ lực nhi dục đắc giả.
彌勒。是故菩薩。未得慧力而欲得者。
(Này Di Lặc! Bởi thế Bồ Tát chưa đắc huệ lực mà muốn được đắc)
Trí huệ chưa mở, muốn cho được mở.
Chánh kinh:
Ưng xả chư pháp, đương tu xả ly.
應舍諸法。當須舍離。
(Các pháp nên bỏ, phải nên lìa bỏ).
Ở phần trên đức Phật đã dạy quý vị phải bỏ những pháp ấy, quý vị ắt nên lìa bỏ.
Chánh kinh:
Ưng tu chư pháp, đương tu tu tập.
應修諸法。當須修習。
(Các pháp nên tu, phải nên tu tập).
Phật dạy chúng ta phải tu những pháp sau đây: phải tu thiểu dục, phải tu tịch tĩnh, phải tu quán thật nghĩa... Những gì Phật dạy chúng ta phải tu, ta phải nghiêm cẩn học tập.
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Bồ Tát trí huệ tùng nhân duyên sanh; nhược vô nhân duyên, chung bất năng sanh. Nhân duyên hòa hợp, nhĩ nãi đắc sanh.
何以故。菩薩智慧從因緣生。若無因緣終不能生。因緣和合爾乃得生。
(Vì sao thế? Trí huệ của Bồ Tát sanh từ nhân duyên. Nếu không có nhân duyên, trọn chẳng thể sanh. Nhân duyên hòa hợp mới bèn được sanh)
Tuy trí huệ là bản tánh và vốn sẵn có, nhưng hiện thời nó đang bị phiền não, nghiệp chướng che lấp; nếu chẳng tu học, không có nhân duyên thì trí huệ, đức năng nơi tự tánh chẳng thể hiện tiền. Đấy chính là điều trong kinh luận thường gọi là "Phật pháp nhân duyên sanh", chẳng lìa khỏi nhân duyên. Nhân thì chẳng có vấn đề gì, chúng ta ai nấy đều có, cái quan trọng trong hiện tại là Duyên. Duyên là đoạn ác tu thiện. Phật dạy chúng ta cần đoạn trừ những gì, chúng ta phải nghiêm cẩn đoạn trừ, dạy phải tu những gì, chúng ta phải nghiêm cẩn tu tập. Đấy là Duyên. Trong đoạn này, chỉ nêu tổng quát cương lãnh trọng yếu, trong phần kinh văn tiếp theo, sẽ phân tích từng lỗi hại thì chúng ta mới hiểu vì sao đức Phật dạy chúng ta phải xả, phải lìa. Xin hãy xem kinh văn:
8.2. Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát lỗi hại của lợi dưỡng
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Vân hà danh vi lợi dưỡng trung quá?
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。云何名為利養中過。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là lỗi của lợi dưỡng?)
Di Lặc Bồ Tát thay chúng ta khải thỉnh: Phật dạy chúng con phải bỏ lợi dưỡng, rốt cuộc lợi dưỡng có những lỗi lầm gì? Nghiêm trọng đến mức độ nào? Chúng con chẳng biết được. Nếu chẳng biết, Phật dạy chúng con phải bỏ, ắt có lúc chúng con chẳng cam tâm, nên nhất định phải xin Phật giảng rõ những lỗi hại của lợi dưỡng, nói minh bạch cho chúng con. Sau khi chúng con biết rõ rồi, nghĩ thấy cần phải lìa bỏ, thì mới cam tâm tình nguyện bỏ được.
Chánh kinh:
Nhược quán sát thời, năng linh Bồ Tát nhạo ư thiểu dục, bất sanh nhiệt não.
若觀察時。能令菩薩。樂於少欲。不生熱惱。
(Như lúc quán sát sẽ khiến cho Bồ Tát ưa thích thiểu dục, chẳng sanh nhiệt não).
"Quán sát" là hiểu minh bạch, có hiểu rõ những tai hại của lợi dưỡng thì Bồ Tát mới bỏ được, mới vui thích thiểu dục, mới vui lòng sống thanh bần. Người đời cho là thanh bần, Bồ Tát chẳng thấy đó là thanh bần, thật sự sống những tháng ngày rất tự tại, vì sao? Họ chẳng có phiền não. Những gì là phiền não? Tham, sân, si là phiền não. Họ sống cuộc đời chẳng sanh tham, sân, si. Chẳng sanh tham, sân, si thì sanh cái gì? Sanh trí huệ đấy! Khi nào trong cuộc sống quý vị chẳng sanh phiền não, chắc chắn là có trí huệ, trí huệ khai hiển vậy. Vì thế, tương phản với chẳng sanh nhiệt não là sanh trí huệ. Đó là điều đức Di Lặc Bồ Tát thay chúng ta khải thỉnh.
Chánh kinh:
Phật ngôn:
- Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát đương quán lợi dưỡng sanh tham dục cố.
佛言彌勒。初業菩薩。當觀利養。生貪欲故。
(Đức Phật nói:
- Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán: Lợi dưỡng sanh ra tham dục vậy)
Điều thứ nhất là lợi dưỡng sanh ra tham dục, lợi dưỡng tăng trưởng tâm tham. Hễ tham phiền não tăng trưởng là si, mạn, nghi phiền não nào cũng đều nổi lên hết. Nó chính là gốc mà! Cũng giống như một cái cây, lợi dưỡng là gì? Là như tưới bón. Ngày ngày tưới tắm gốc cây, cây ấy bèn mọc sum suê. Cây gì thế? Cây phiền não, cây sanh tử, phiền toái rất lớn như thế đó, lẽ đâu quý vị dùng các thứ để tưới bón nó cơ chứ? Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng hoại thất chánh niệm, sanh sân nhuế cố.
當觀利養。壞失正念。生瞋 恚故。
(Nên quán lợi dưỡng, đánh mất chánh niệm, nên sanh ra nóng giận).
Người tham đắm lợi dưỡng có tâm "được - thua" rất nặng, thấy người khác hơn mình bèn sanh ganh ghét, sân hận, thế là đại phiền não bèn sanh khởi, đương nhiên chánh niệm chẳng còn. Chánh niệm là gì? Chúng tôi lại dùng thí dụ để thuyết minh. Mọi người chúng ta đều tu Tịnh Độ, chánh niệm của người tu Tịnh Độ là Phật hiệu. Nhớ Phật, niệm Phật là chánh niệm của chúng ta. Người tâm tham nặng nề, đã bỏ sạch sành sanh Phật hiệu nên sanh nóng giận vậy. Điều thứ ba là....
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, niệm kỳ đắc thất, sanh ngu si cố.
當觀利養。念其得失。生愚痴故。
(Nên quán lợi dưỡng, do nghĩ được mất nên sanh ra ngu si).
Tôi vừa mới nói do tâm được thua rất nặng, từ sáng đến tối cứ lo toan tính, so đo nơi đó, ngu si đấy nhé! Quý vị xem: Ba câu trên là nói về tham, sân, si đấy! Nếu quý vị chẳng bỏ lợi dưỡng thì ba độc phiền não tham sân si ngày càng tăng trưởng. Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, năng sanh cao hạ, tật đố tâm cố.
當觀利養。能生高下。嫉妒心故。
(Nên quán lợi dưỡng sanh ra cao thấp, nên tâm ghen ghét)
Sau tham, sân, si là mạn, ngạo mạn đấy! Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng: ư thân hữu gia, xan lận đam trước, sanh cuống hoặc cố.
當觀利養。於親友家。慳吝耽著。生誑惑故。
(Nên quán lợi dưỡng, đối với kẻ thân hữu, keo tiếc, tham đắm nên sanh dối trá, mê hoặc).
Vì tham cầu lợi dưỡng nên đối với thân thích, bè bạn, trai chủ, những người quen biết, tâm quý vị thường dính mắc nơi họ. Vì sao vậy? Tham cầu được họ cung kính, cúng dường. Quý vị đã đánh mất tâm thanh tịnh, tâm quý vị ngập tràn tham, sân, si, đánh mất chánh niệm rồi, Phật cũng chẳng nghĩ đến nữa, chỉ nghĩ những gì? Nghĩ tới tín đồ giàu có, có thế lực, thường nghĩ đến họ, thường nhớ tới họ, thường mong mỏi họ đem tiền đến dâng cho mình. Kẻ ấy nghĩ như thế rồi, sẽ nghĩ cách gì? Cuối cùng là chẳng nề hà thủ đoạn, dùng đủ mọi phương cách lừa bịp, mê hoặc họ, tạo thành tội nghiệp nặng nề, quả báo là tam đồ. Điều thứ sáu là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng thành tựu ái vị, sanh siểm khúc cố.
當觀利養。成就愛味。生諂曲故。
(Nên quán lợi dưỡng thành tựu ái vị nên sanh dua vạy)
Chữ "ái" (愛) ở đây là tham ái, tham luyến, chẳng có cách nào buông xuống được, khác nào trúng độc, đã lậm chất độc rồi! Phiền lắm! Tâm dua vạy, cong cong, quẹo quẹo, tâm chẳng chánh trực. Điều thứ bảy là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng: xả tứ thánh chủng, vô tàm quý cố.
當觀利養。舍四聖種。無慚愧故。
(Nên quán lợi dưỡng bỏ bốn giòng thánh nên chẳng hổ thẹn).
Bốn giòng Thánh là gì? Lúc Phật tại thế, dạy hàng đệ tử xuất gia phải biết tri túc thường lạc, phải tu thiểu dục, tức là đối với vật chất, chúng ta phải tận lực sống đời đơn giản. Đối với cuộc sống vật chất, trọng yếu nhất thức ăn, đồ nằm, y phục. Chúng là những thứ chẳng thể thiếu được. Đối với ba thứ ấy, đức Phật dạy hàng đệ tử phải dùng tâm tư, thái độ như thế nào để đi xin? Tùy sở đắc (thuận theo duyên, hễ xin được thì thọ hưởng, không xin được thì thôi, không dùng những cách dẫn dụ để xin xỏ), cũng có nghĩa là tùy duyên nhưng chẳng phan duyên (vin nắm). Do vậy, khi thác bát, chỉ được xin ở bảy nhà, xin bảy nhà không được gì thì ngày hôm ấy không ăn. Quý vị thác bát đến nhà thứ tám, thứ chín là có tâm tham rồi đó! Còn y phục là y phấn tảo, còn "ngọa cụ" (đồ nằm) như bây giờ ta gọi là tấm trải, đơn giản vô cùng. Ba y một bát phải tùy sở đắc.
Mục đích là gì? Là trị tham, đối trị ý niệm tham lam. Đấy là ba thứ. Điều thứ tư là hoan hỷ tu, hoan hỷ đoạn. Ở đây điều này có nghĩa là đức Phật dạy họ nên tu những pháp nào, nên đoạn những pháp nào, họ sẽ hết sức hoan hỷ, y giáo phụng hành. Đấy là đối trị phóng dật, đối trị giải đãi. Bốn pháp (ẩm thực, y phục, ngọa cụ và hoan hỷ tu-đoạn) gọi là Tứ Thánh Chủng. Người tham đắm lợi dưỡng quên sạch cả bốn pháp này, chẳng có tâm hổ thẹn. Điều thứ tám là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, nhất thiết chư Phật sở bất hứa khả, sổ tập kiêu dật, sanh cao mạn cố.
當觀利養。一切諸佛。所不許可。數習憍逸。生高慢故。
(Nên quán lợi dưỡng chẳng được hết thảy chư Phật chấp thuận vì thường quen thói kiêu căng phóng dật, sanh tâm cao ngạo, khinh mạn).
Đấy là cái hại của lợi dưỡng. Lợi dưỡng chẳng được hết thảy chư Phật chấp nhận, chẳng được hết thảy chư Phật tán thành. Nói cách khác, tham đắm lợi dưỡng là trái nghịch lời dạy răn của hết thảy chư Phật, chứ chẳng phải là trái nghịch riêng mình đức Phật Thích Ca Mâu Ni đâu nhé! Cái bệnh này là "thường quen thói kiêu căng, phóng dật, sanh tâm cao ngạo, khinh mạn". Điều thứ chín là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, ư thắng phước điền, khởi ư khinh mạn, vi ma đảng cố.
當觀利養。於勝福田。起於輕慢。為魔黨故。
(Nên quán lợi dưỡng, đối với phước điền thù thắng khởi tâm khinh mạn, nên thành bè đảng ma)
Đây là cái hại lớn nhất của lợi dưỡng. "Thắng" (勝) là thù thắng. Phước điền tối thù thắng mà kẻ ấy khinh mạn, coi thường. Thế nào là phước điền tối thù thắng? Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là phước điền thù thắng khôn sánh, trong một đời liễu sanh tử, xuất tam giới, thành Phật, làm Tổ! Trong một đời có thể làm được những điều ấy! Bất cứ pháp môn nào cũng chẳng sánh được bằng. Người tham đắm lợi dưỡng chẳng cầu vãng sanh Tịnh Độ, họ chẳng hề có ý niệm ấy. Tham cầu ngũ dục thế gian, hưởng thụ lục trần, tham cầu phú quý thế gian, nên bèn thành ma, thành đồng đảng của ma vậy! Điều thứ mười là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, chúng ác căn bản, chư thiện hoại cố.
當觀利養。眾惡根本。諸善壞故。
(Nên quán lợi dưỡng là cội rễ của các ác vì nó phá hoại các điều lành)
Lẽ đương nhiên là ba thiện căn chẳng còn gì cả. Ba thiện căn là vô tham, vô sân, vô si. Còn họ tham, sân, si ngày càng tăng trưởng, vì thế đoạn sạch thiện căn. Thiện căn đã đoạn sạch rồi thì những thứ được sanh khởi là các điều ác, vô lượng vô biên ác hạnh, tạo tác ác nghiệp. Điều thứ mười một là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, đa sở tham trước, do sương bạc cố.
當觀利養。多所貪著。猶霜雹故。
(Nên quán lợi dưỡng, lắm thứ tham đắm khác nào sương, mưa đá vậy)
"Sương, mưa đá" là tỷ dụ. Chẳng bỏ được lợi dưỡng, nhất định là tham đắm rất nhiều. Điều thứ mười hai là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, ư thân hữu gia, chiêm hầu nhan sắc, sanh ưu não cố.
當觀利養。於親友家。瞻候顏色。生憂惱故。
(Nên quán lợi dưỡng, đối với kẻ thân quen, nhìn ngóng vẻ mặt, sanh lòng buồn khổ)
Đây cũng là như ta thường nói: Người tham cầu lợi dưỡng quan sát vẻ mặt người khác để tính cách bợ đỡ, nịnh nọt. Điều thứ mười ba là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, ái vật tổn hoại, ưu tâm loạn cố.
當觀利養。愛物損壞。憂心亂故。
(Nên quán lợi dưỡng, ưa vật tổn hoại, nên tâm buồn loạn)
Người tham trước lợi dưỡng ưa thích những vật gây tổn hoại, tâm họ lo buồn, sanh ra phiền não, tâm được thua rất nặng. Điều thứ mười bốn là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, ư tứ niệm xứ, đa sở vong thất, bạch pháp luy cố.
當觀利養。於四念處。多所忘失。白法羸故。
(Nên quán lợi dưỡng, do phần nhiều quên mất tứ niệm xứ nên bạch pháp mòn mỏi)
Tứ Niệm Xứ là những điều Phật dạy để tu học trí huệ, là pháp cơ sở để nương theo. Nói chính xác, Tứ Niệm Xứ là quán niệm trí huệ: Quán thân bất tịnh, quán Thọ là khổ, quán Tâm vô thường, quán Pháp vô ngã. Bởi thế, Tứ Niệm Xứ là Tu Huệ. Người tham đắm lợi dưỡng quên sạch những điều đức Phật đã dạy ấy. "Bạch pháp" là thiện pháp, thiện pháp mỗi ngày một lui sụt. Chữ "luy" (羸) hàm nghĩa lui sụt. Điều thứ mười lăm là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng: ư Tứ Chánh Cần, đa hữu thoái thất.
當觀利養。於四正勤。多有退失。
(Nên quán lợi dưỡng, đối với Tứ Chánh Cần, thường hay lui sụt)
Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc là những đề mục mà Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa đều phải cùng tu học. Đối với những điều ấy, những kẻ tham đắm lợi dưỡng đều thoái chuyển cả.
Chánh kinh:
Năng linh nhất thiết tha luận thắng cố.
能令一切。他論勝故。
(khiến cho hết thảy những lý luận khác thắng được mình vậy).
"Tha luận" là lý luận của ngoại đạo đấy! Đối với ngoại đạo, chẳng thể hơn được người khác. Điều thứ mười sáu là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, tự ngôn dĩ đắc thần thông, trí huệ, vi bội sanh cố.
當觀利養。自言已得。神通智慧。違背生故。
(Nên quán lợi dưỡng: Tự nói mình đã đắc thần thông, trí huệ nên sanh ra trái nghịch)
Đây là điều chúng ta thường gặp trong hiện tại. Vì tham cầu lợi dưỡng bèn dối hiện tướng lạ, phô trương mình đã có thần thông, phô phang mình đã khai ngộ. Ở đây, "trí huệ" là như ta thường nói: "Khai ngộ". Kẻ ấy [tự khoe] đã khai ngộ, có thần thông. Ngôn hạnh như thế hoàn toàn trái nghịch lời răn dạy của đức Phật "nên sanh ra trái nghịch". Dùng phương pháp ấy để lừa dối chúng sanh khiến họ cung kính mình, cúng dường mình là tạo tác tội nghiệp rất nặng, là phạm đại vọng ngữ. Chưa đắc nói là đã đắc. Điều thứ mười bảy:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, tiên hậu đắc thất, oán tắng sanh cố.
當觀利養。先后得失。怨憎生故。
(Nên quán lợi dưỡng, do được mất trước sau nên sanh ra oán ghét).
Đây là tranh danh đoạt lợi. Đã tranh danh đoạt lợi thì lẽ đương nhiên là sanh ra rất nhiều oán ghét. Nếu chẳng bỏ được nỗi oán ghét ấy thì họa hại sẽ là oan oan tương báo chẳng bao giờ hết. Điều thứ mười tám là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, hỗ tương sân hiềm, thuyết kỳ quá ác, đa giác quán cố.
當觀利養。互相瞋嫌。說其過惡。多覺觀故。
(Nên quán lợi dưỡng, giận dữ, ghét bỏ lẫn nhau, kể tội lẫn nhau, nên có lắm giác quán)
Đây là "đây kia tranh chấp". Hễ kình chống nhau thì thoạt đầu là kể tội nhau. "Giác quán" là tạp niệm, vọng tưởng. Thô niệm gọi là Giác, tế niệm gọi là Quán. Trong đoạn kinh này thì Giác là tạp niệm, Quán là vọng tưởng. Điều thứ mười chín:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng: Vị ư hoạt mạng, doanh chư thế nghiệp, kế độ tư duy, an lạc giảm cố.
當觀利養。為於活命。營諸世業。計度思惟。安樂減故。
(Nên quán lợi dưỡng: Để sanh sống bèn lo liệu các sự nghiệp thế gian, tính toán, suy nghĩ, nên an lạc bị giảm)
"An lạc" là sự hưởng thụ chánh đáng của người học Phật: khinh an, tự tại, thân tâm chẳng có phiền não đấy mà! Đó là sự hưởng thụ chánh đáng. [Kẻ tham đắm lợi dưỡng] chẳng hề được hưởng thụ như vậy. Kẻ ấy vì cuộc sống, "lo liệu những sự nghiệp thế gian" ("doanh" là kinh doanh) chẳng khác gì người đời. Toàn làm những việc kiếm lời của thế gian. Nếu quý vị quan sát kỹ, ắt sẽ hiểu rõ ràng. "Kế độ tư duy": Kế (計) là ngày ngày lập kế hoạch, tính toán hòng được lời nhiều, ngày ngày cứ nghĩ tưởng như thế nên tâm chẳng thanh tịnh, khinh an, tự tại. Kẻ ấy chẳng được an lạc, chẳng hưởng thụ những niềm vui ấy. Điều thứ hai mươi là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, nãi chí thiền định, giải thoát, tam-muội, tam-ma-bát-để, tâm như dâm nữ, năng thoái thất cố.
當觀利養。乃至禪定。解脫。三昧。三摩缽底。心如淫女。能退失故。
(Nên quán lợi dưỡng, ngay cả đối với thiền định, giải thoát, tam muội, tam-ma-bát-để, tâm cũng như dâm nữ nên bị lui sụt).
Đây là công phu tu học chẳng thể thành tựu. Thứ nhất là kẻ ấy chẳng thể thiền định, chẳng thể được giải thoát. "Thiền định, giải thoát" ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, chẳng phải chỉ có nghĩa là tham Thiền. Đối với người niệm Phật chúng ta, "nhất tâm bất loạn" như trong kinh đã dạy chính là Thiền Định. Nghĩa này chính là nghĩa rộng, bao gồm hết thảy pháp Đại, Tiểu Thừa; cũng có thể hiểu là kẻ ấy chẳng thể đắc Định. "Giải thoát" là so với phiền não mà nói, kẻ ấy chẳng thể đoạn phiền não, chẳng thể liễu sanh tử.
"Tam-muội" (Samādhi) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Chánh Thọ, tức sự hưởng thụ chánh đáng. Trong sự hưởng thụ chánh đáng chẳng có phiền não! Người tham đắm lợi dưỡng đầy ắp tham, sân, si, mạn, nên sự hưởng thụ chẳng khác gì phàm phu. "Tam-ma-bát-để" (Samāpati) cũng là tiếng Phạn, có nghĩa là Định, còn gọi là Đẳng Trì. Thật ra, trong kinh Vô Lượng Thọ nói đến thanh tịnh, bình đẳng, đó nghĩa là Tam-ma-bát-để. Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng chẳng thể hiện tiền. Tiếp đó, đức Phật nêu một tỷ dụ: "dâm nữ". Dâm nữ ngụ ý bất định. Công đức tu học của quý vị dễ dàng bị lui sụt, chẳng gìn giữ được. Điều thứ hai mươi mốt là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, xả ly trí đoạn, đọa ư địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Diêm Ma La giới, chư ác đạo cố.
當觀利養。舍離智斷。墮於地獄。餓鬼。畜生。閻摩羅界。諸惡道故。
(Nên quán lợi dưỡng vì lìa bỏ trí đoạn nên đọa trong các đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi Diêm Ma La)
Đây là nói về quả báo. Quả báo thật đáng sợ. Bởi lẽ, quý vị tạo các nghiệp chướng như thế, tương lai nhất định đọa trong ba ác đạo. Nói cách khác, bởi chẳng bỏ lợi dưỡng, quý vị bèn tham đắm những cái hết sức hữu hạn trước mắt. Dẫu cho ta đã đạt được điều tham muốn thì quý vị hưởng được mấy năm? Cứ cho là quý vị sống đến hai trăm tuổi, có thể hưởng phước cả trăm năm đi nữa, thời gian phải chịu tội báo trong địa ngục rất dài như chúng ta đã thấy trong phần trước rồi đó! Trong phần trên, ta đã thấy: Tạo ác nghiệp như thế, đức Phật nói sẽ đọa địa ngục, tính theo thời gian ở nhân gian là một ngàn tám trăm vạn năm. Thật là được chẳng bù mất! Bởi thế, nếu đã hiểu rõ đạo lý này, đã hiểu được chân tướng sự thật này, há còn chịu làm những điều ác ấy ư? Đến đây, quý vị mới hiểu rõ cái hại của lợi dưỡng. Nếu đức Phật chẳng phân tích cho chúng ta như vậy, làm sao chúng ta hiểu được! Tham cầu chẳng được đâu! Đáng sợ quá đi! Điều thứ hai mươi hai là:
Chánh kinh:
Đương quán lợi dưỡng, dữ Đề Bà Đạt Đa, Ô Đà Lạc Ca, đồng ư pháp trụ, đọa ác đạo cố.
當觀利養。與提婆達多。烏陀洛迦。同於法住。墮惡道故。
(Nên quán lợi dưỡng là, cùng trụ một pháp với Đề Bà Đạt Đa và Ô Đà Lạc Ca, nên đọa ác đạo)
Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là một người trong thời đức Phật tại thế, chuyên môn đối nghịch đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông ta ganh ghét Phật, chẳng bỏ lợi dưỡng, sau cùng bị đọa địa ngục A Tỳ. Ô Đà Lạc Ca là tên một ác quỷ, nó gây ác nên hứng chịu quả báo, cũng là đồng loại của Đề Bà Đạt Đa. Nếu như chúng ta chẳng bỏ lợi dưỡng, thì đức Thế Tôn bảo chúng ta cùng trụ một pháp với Đề Bà Đạt Đa, Ô Đà Lạc Ca, là đồng loại của chúng, tương lai cũng sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ.
8.3. Lợi ích của sự xa lìa lợi dưỡng
Dưới đây, đức Phật sẽ nói những điều tương phản: Nếu bỏ được lợi dưỡng, quý vị sẽ được bao nhiêu lợi ích? Chúng ta cũng cần phải hiểu rõ.
Chánh kinh:
Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát như thị quán sát lợi dưỡng quá thất, nhạo ư thiểu dục, bất sanh nhiệt não.
彌勒。初業菩薩。如是觀察利養過失。樂於少欲。不生熱惱。
(Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát lỗi ác của lợi dưỡng như thế đó, thích thiểu dục, chẳng sanh nhiệt não)
Câu này là nói tổng quát. "Như thị quán sát": Đối với mỗi một lỗi hại trong những điều đức Phật vừa giảng trên đây, quý vị đều phải thấy rành rẽ, rõ ràng, quý vị sẽ tự nhiên bỏ được lợi dưỡng, tự nhiên thích thiểu dục, chẳng sanh phiền não nữa!
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Di Lặc! Thiểu dục Bồ Tát ư nhất thiết quá, giai tất bất sanh.
何以故。彌勒。少欲菩薩。於一切過。皆悉不生。
(Vì sao vậy? Này Di Lặc! Bồ Tát thiểu dục đối với hết thảy lỗi sẽ đều chẳng sanh)
Tiếp đó là lời nói riêng: Đức Phật sẽ giảng cho chúng ta mười bốn câu gồm mười bốn thứ lợi ích, câu kinh này nói đến lợi ích thứ nhất. "Thiểu dục Bồ Tát" nói theo cách bây giờ là những người tu hành sống đơn giản, thanh bần, sống càng đơn giản càng hay! Hiện thời, ta thấy cuộc sống của họ rất thanh bần, họ chẳng sanh khởi hết thảy lầm lỗi, chẳng có lỗi họa. Họ chẳng phải là phàm phu. Phàm phu khởi tâm động niệm không có gì chẳng phải là tội, còn bọn họ khởi tâm động niệm, lời lẽ, hành vi chẳng hề có lầm lỗi. Vì thế mới biết tất cả hết thảy lầm lỗi từ đâu mà sanh? Từ tham dục mà sanh. Bọn họ đã đoạn được tham, sân, si. Điều lợi ích thứ hai là:
Chánh kinh:
Kham vi chư Phật thanh tịnh pháp khí.
堪為諸佛。清淨法器。
(Kham làm pháp khí thanh tịnh của chư Phật)
Câu này ý nói: Họ là đối tượng dạy dỗ của hết thảy chư Phật, họ có thể tiếp nhận Phật pháp; chư Phật, Bồ Tát thích dạy dỗ họ. Vì sao? Họ có thể tiếp nhận, tâm họ thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh nên có thể tiếp nhận đại pháp. Điều thứ ba là:
Chánh kinh:
Nhi bất hệ thuộc tại gia, xuất gia.
而不繫属。在家出家。
(Nhưng chẳng phụ thuộc vào tại gia hay xuất gia)
Dù là xuất gia hay tại gia, tâm họ đều thanh tịnh, đều chẳng nhiễm trước vậy! Bởi lẽ, hiện thời có nhiều vị đồng tu đến hỏi: "Học Phật có cần phải xuất gia chăng?" Chẳng cần phải xuất gia! Tại gia tu hành cũng thành Phật, thành Tổ giống hệt như vậy. Vậy thì vì lẽ gì quý vị phải xuất gia? Trong thế gian, chúng ta có rất nhiều hạnh nghiệp, tôi thích hạnh nghiệp xuất gia này lắm. Đó là lý do thật sự.
Vậy thì xuất gia là một hạnh nghiệp, nhưng là hạnh nghiệp gì? Hạnh nghiệp hy sinh, phụng hiến. Hưởng thụ ngũ dục, lục trần của thế gian, chúng tôi đều bỏ sạch, hoằng pháp lợi sanh vô điều kiện, chứ chẳng phải là buôn bán giống như người khác: Tôi giảng một bộ kinh, quý vị phải cung kính cúng dường tôi bao nhiêu đó thì thành ra buôn bán kiếm lợi mất rồi, là có điều kiện rồi! Hy sinh, phụng hiến vô điều kiện rất sung sướng! Bản thân tôi sống rất đơn giản, chỉ trần trụi một thân, ăn no, mặc ấm là đủ rồi, không cần gì nữa!
Bây giờ, tôi xin thưa với các đồng tu: Tôi tu đến trình độ nào rồi? Đối với tôi, tiền đã thành vô dụng. Có lần tôi đã ở ngoại quốc hơn một năm, chưa từng dùng đến một đồng nào, không có việc gì cần phải dùng tiền. Ngân hàng cấp cho tôi năm, sáu thẻ tín dụng loại vàng (gold), tôi chẳng hề dùng qua, cho đến nay vẫn chưa hề dùng đến. Bởi vậy, tiền tài đối với với tôi đã thành vô dụng, thật rất tự tại, rất sung sướng à nghe! Quý vị phiền não vì không có tiền, còn nếu bây giờ ai cho tôi tiền, tôi sẽ sanh phiền não, cho tôi làm gì? Dùng làm gì đây? Vì thế, quả thực là chẳng ràng buộc nơi tâm. Chẳng cần vướng mắc là tại gia hay xuất gia thì quý vị mới được tự tại thật sự. Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Trụ ư chân thật tối thắng ý lạc.
住於真實。最勝意樂。
(Trụ nơi sự thỏa ý chân thật, tối thắng)
Cõi lòng quý vị chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, pháp hỷ sung mãn. Đó là chân tự tại, khoái lạc đấy! Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Bất vi ty hạ, diệc bất kinh bố.
不為卑下。亦不驚怖。
(Chẳng trở nên hèn kém, cũng chẳng kinh sợ)
Tâm trí quý vị vĩnh viễn an ổn, chẳng sợ hãi, dù quý vị gặp phải tai biến lớn đến cách nào cũng chẳng kinh, chẳng hoảng. Vì sao? Chẳng bị ngoại cảnh lay chuyển. Đấy chính là đã làm được như kinh Kim Cang dạy: "Chẳng lấy các tướng, như như bất động". Điều thứ sáu là:
Chánh kinh:
Ly chư ác đạo, đọa lạc úy cố.
離諸惡道。墮落畏故。
(Vì lìa khỏi nỗi sợ đọa lạc trong các đường ác)
Mọi người sợ đọa ác đạo, nhưng người thiểu dục tri túc quyết định chẳng đọa ác đạo. Dù kẻ ấy chẳng học Phật, chẳng cầu vãng sanh, ở trong lục đạo luân hồi cũng chẳng đọa ác đạo. Phàm những kẻ đọa trong ba đường ác là những kẻ dục vọng quá nhiều, tham, sân, si, mạn quá nặng. Người chẳng có tham, sân, si làm sao đọa vào tam ác đạo cho được! Điều thứ bảy là:
Chánh kinh:
Vô năng ánh tế, xả đam vị cố.
無能映蔽。舍耽味故。
(Không gì có thể che lấp được vì đã bỏ tham đắm mùi vị)
Trí huệ, đức năng của người ấy không ai chướng ngại được. "Ánh tế" (映蔽) nghĩa là chướng ngại. Vì sao chẳng thể chướng ngại được? Là vì người ấy chẳng ham thích gì, chẳng hề tham đắm gì. Người thế gian có thể thao túng, có thể khống chế một cá nhân nào thì nhất định phải nắm được nhược điểm của người ấy. Nhược điểm là gì? Nói chung, chẳng ngoài danh văn, lợi dưỡng! Quý vị có điều gì tham đắm là họ nắm được quý vị, họ có thể dùng điều đó để khống chế quý vị. Quý vị sợ chết, họ dùng ngay cái chết để uy hiếp quý vị. Quý vị chẳng sợ chết, họ chẳng biết làm sao! Quý vị tham tài sản, họ dùng của cải khống chế quý vị. Quý vị chẳng ham tài sản, họ chẳng thể khống chế quý vị. Chỉ cần quý vị có tham ái điều gì đó, có mê đắm thứ chi đó, sẽ liền bị yêu ma, quỷ quái khống chế, chúng nó sẽ có thể chướng ngại quý vị. Nếu quý vị bỏ được hết thảy lợi dưỡng, yêu ma quỷ quái đành bó tay, cũng chẳng thể chướng ngại quý vị được!
Chánh kinh:
Chúng ma cảnh giới, đắc giải thoát cố.
眾魔境界。得解脫故。
(Vì được giải thoát các cảnh giới ma)
Ở ngay trong cảnh ma mà chúng nó cũng chẳng thể chướng ngại quý vị, quý vị đã tự tại trong cảnh ma. "Giải thoát" nghĩa là tự tại.
Chánh kinh:
Nhất thiết chư Phật chi sở xưng tán.
一切諸佛之所稱贊。
(Được hết thảy chư Phật khen ngợi)
Tâm hạnh quý vị tương ứng với chư Phật, nên được chư Phật hộ niệm. Chữ "xưng tán" ở đây có nghĩa là hộ niệm.
Chánh kinh:
Chư thiên cập nhân, diệc đương ái tiện.
諸天及人。亦當愛羨。
(Chư thiên và loài người cũng sẽ yêu thích)
Chư thiên, người lành cũng sẽ yêu mến, ưa thích quý vị.
Chánh kinh:
Ư chư Thiền Định, nhi bất nhiễm trước, trụ biên tế cố.
於諸禪定。而不染著。住邊際故。
(Chẳng nhiễm trước các Thiền Định, vì trụ vào biên tế)
Tuy đắc Thiền Định, nhưng chẳng nhiễm trước Thiền Định. Chẳng tham ái Thiền Định thì trí huệ mới có thể phát sanh. Nếu sanh nhiễm trước nơi Thiền Định thì dù có đắc Thiền Định, cũng chẳng thể mở mang trí huệ. Vì sao? Kẻ ấy trụ trong thiền định nên có chỗ trụ, nhưng trong kinh Kim Cang, đức Phật đã dạy: "Ưng vô sở trụ" (nên không có chỗ trụ). "Vô sở trụ" là chẳng trụ vào hai bên: Có và Không. Phàm phu có trụ, tham đắm lợi dưỡng chính là trụ vào lợi dưỡng. Tham đắm Thiền Định là trụ vào Thiền Định. Bởi thế, chẳng được trụ vào Có lẫn Không, đó gọi là "trụ biên tế". Biên Tế có nghĩa là chẳng trụ vào hai bên.
Chánh kinh:
Kỳ tâm chất trực, vô hữu siểm khúc, ư ngũ dục trung, diệc bất phóng dật, kiến kỳ quá cố.
其心質直。無有諂曲。於五欲中。亦不放逸。見其過故。
(Tâm chất trực, chẳng có dua vạy. Đối với ngũ dục, cũng chẳng buông lung vì thấy lỗi của nó)
Điều này rất trọng yếu. Tâm kẻ ấy chân thành. "Chất trực" là chân thành, chẳng cong vạy. Đối với đại chúng, kẻ ấy cung kính, trong ngũ dục, trong lục trần kẻ ấy cũng cẩn thận chẳng buông lung. "Phóng dật" nghĩa là rất tùy tiện. Chẳng những không buông lung, lại còn rất cẩn thận, rất cung kính. Vì sao vậy? Biết rõ lỗi hại của ngũ dục, của lục trần, nên chẳng tham đắm!
Chánh kinh:
Như thuyết tu hành, năng trụ thánh chủng.
如說修行。能住聖種。
(Tu hành đúng theo lời dạy, trụ trong dòng thánh)
Người ấy có thể y theo lời Phật răn dạy để tu hành, nên trụ trong dòng Thánh. Như trong phần trước, tôi đã giảng: Y phục, thức ăn, ngọa cụ thảy đều tùy duyên, chẳng vin nắm, Phật dạy nên tu đoạn điều gì, người ấy rất thích đoạn trừ, Phật dạy người ấy nên tu hành những gì, người ấy cũng rất vui vẻ tu theo. Đấy là trụ vào dòng Thánh.
Chánh kinh:
Đồng phạm hạnh giả, diệc đương ái nhạo.
同梵行者。亦當愛樂。
(Những người có cùng phạm hạnh cũng sẽ yêu thích)
Những đồng bạn cũng như những người tu cùng một phạm hạnh cũng vô cùng mến thích, vô cùng tán thán người ấy. Ở đây, Phật nói xa lìa lợi dưỡng có tổng cộng mười bốn điều lợi ích.
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát trí huệ thông mẫn, ư thử công đức, năng như thị tri. Dĩ thắng ý lạc đương xả lợi dưỡng, dĩ thắng ý lạc trụ ư thiểu dục, vị đoạn tham ái nhi phát khởi cố.
彌勒。若有菩薩。智慧聰敏。於此功德。能如是知。以勝意樂當舍利養。以勝意樂住於少欲。為斷貪愛而發起故。
(Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát trí huệ thông mẫn, đối với các công đức này mà có thể biết được như thế. Do ý lạc thù thắng bèn bỏ lợi dưỡng, do ý lạc thù thắng mà trụ vào thiểu dục, vì đoạn tham ái mà phát khởi vậy)
Phật dạy chúng ta: Lợi dưỡng có hai mươi hai điều lầm lỗi, xa lìa lợi dưỡng có mười bốn điều lợi ích, rồi bảo Di Lặc Bồ Tát (tuy bảo với Di Lặc Bồ Tát nhưng thật ra là bảo mọi người chúng ta): "Nếu có Bồ Tát trí huệ thông mẫn, đối với các công đức này mà có thể biết được như thế". Đối với lỗi hại của lợi dưỡng và lợi ích do bỏ được lợi dưỡng mà quý vị biết rõ ràng, rành rẽ, nhất định quý vị sẽ dùng ý lạc, ý nguyện tối thù thắng, tức là hoan hỷ làm gì? Hoan hỷ bỏ lợi dưỡng, tức là như chúng tôi thường nói: Buông xuống, quý vị thật sự buông xuống được! Vì sao có thể buông xuống được? Vì đã thấy thấu suốt rồi. Thấy thấu suốt như thế nào? Biết cái hại của lợi dưỡng, biết cái hay của việc bỏ lợi dưỡng. Quý vị biết rồi, đó là thấy thấu suốt (Khán Phá). Quý vị thật sự chịu buông xuống, bỏ đi, đó là Phóng Hạ.
Quý vị buông xuống rồi thì mới bèn "dùng ý lạc thù thắng để trụ trong thiểu dục", quý vị mới thích chọn cách sống đơn giản. Phương cách sống đơn giản chẳng hề phiền lụy chi! Thật sự tự tại đấy nhé! Chẳng riêng mình cá nhân người tu hành phải nhận thức rõ, mà toàn bộ đại chúng tu học chúng ta cũng phải nên hiểu rõ! Chúng tôi giảng kinh thuyết pháp ba mươi mấy năm; trong thời gian lâu dài ấy, rất nhiều vị đồng tu biết rõ: Tôi giảng kinh thuyết pháp hai mươi năm mới có thư viện này. Hai mươi lăm năm mới có Cơ Kim Hội tại Hàng Châu Nam Lộ, đều là tự nhiên thành tựu, chứ chúng tôi chẳng hề nói:"Chúng ta phải kiến lập một đạo tràng". Đạo tràng ở ngoại quốc cũng giống như vậy, đều là tự nhiên thành tựu. Sau khi thành tựu thì các đồng tu ngày một đông.
Có nhiều người đến bảo tôi: "Chúng tôi muốn tậu cuộc đất đó, để lập chùa cho to hơn một chút". Tôi hoàn toàn chẳng tán thành, vì sao? Tham đắm lợi dưỡng! Chùa càng lớn, tài sản nhiều, người xuất gia càng đông. Vì sao những kẻ ấy xuất gia? Thấy có thể thừa kế tài sản, có ý nghĩa khác hẳn. Đạo tràng của tôi hiện thời bé tí tẹo cái gì cũng chẳng có, ai đến xuất gia nói chung là do hảo tâm, chẳng có ác ý. Còn nếu như đạo tràng to lớn, có kẻ muốn đến xuất gia, ắt tôi phải suy đoán: Kẻ kia vì lẽ gì mà đến xuất gia? Có phải là nó muốn xuất gia để tranh đoạt tài sản đó chăng? Vì sao? Lợi dục tăng trưởng tâm tham, có thể tăng trưởng phiền não tham muốn của con người. Do vậy, đạo tràng được kiến lập sẽ khiến nhiều kẻ đến tranh giành, há chẳng phải là tạo tội nghiệp địa ngục A Tỳ ư? Bởi thế, bất cứ ai đến trước mặt tôi bảo cần phải kiến lập đạo tràng, tôi một mực cự tuyệt, tôi tuyệt đối chẳng làm chuyện ấy. Chuyện ấy chẳng phải là việc tốt đâu nhé!
Bây giờ, nếu có ai nói: "Pháp sư! Ngài phải từ bi hoằng pháp lợi sanh". Hoằng pháp lợi sanh trong thời hiện tại chẳng cần phải có đạo tràng, mà cần phải có gì? Phải có mạng lưới quốc tế! Chúng tôi giảng điều gì ở đây, một khi đã đăng lên mạng Internet, mỗi một máy điện não (computer) gia đình trên toàn thế giới nối vào mạng, sẽ đều trông thấy, đều nghe thấy. Rất là tự tại! Vậy thì cần đạo tràng để làm gì? Thư viện của chúng tôi hiện đã gặp quá nhiều hiềm nghi rồi, mạng lưới quốc tế hay vô cùng. Băng thâu âm (cassette tape), băng video, kinh sách của chúng tôi đã lưu thông toàn thế giới. Khoa học kỹ thuật tiến bộ, phải lợi dụng khoa học kỹ thuật để truyền bá, đem Phật pháp đến với gia đình của mỗi cá nhân. Tôi tin là mười năm sau, ai cũng có máy điện não tùy thân. Bất luận tại địa phương nào, cứ nối mạng là hình ảnh của chúng tôi bèn xuất hiện, cần kiến lập đạo tràng làm chi nữa!
Ngay cả đối với những phương thức khoa học kỹ thuật ấy, tôi cũng chẳng bận tâm, ai muốn làm thì làm, ai thích sử dụng thì cứ việc, tôi chẳng hề giữ bản quyền, ai thích lưu truyền đều được cả. Vẫn có người lúc làm bèn đến hỏi tôi có đồng ý hay chăng? Tôi đồng ý để làm gì? Chỉ thêm phiền toái thôi! Quý vị thích làm cứ việc làm, chẳng cần phải hỏi tôi nữa. Tôi đã nói rồi, không giữ bản quyền, quý vị còn đến kiếm tôi để làm gì? Vẫn còn phải xin tôi đồng ý để làm chi? Đó chẳng phải là cố ý tạo thêm phiền phức ư? Nếu chẳng phải là cố ý gây phiền thì chính là xem văn tự chẳng hiểu vậy!
Đối với lỗi lầm của lợi dưỡng và lợi ích do xa lìa lợi dưỡng, nếu quý vị đã hiểu rõ, nhất định quý vị sẽ thích thiểu dục, ưa sống một cuộc đời đơn giản, bởi lẽ, càng đơn giản càng tự tại, càng đơn giản càng ít phiền não! "Vì đoạn tham ái mà phát khởi": Phát khởi ở đây là phát khởi Bồ Tát thù thắng chí nhạo (sự vui thích thù thắng của bậc Bồ Tát), họ nhất định phát khởi được điều ấy.
8.4. Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát: Ồn náo có hai mươi loại lỗi lầm lớn.
8.4.a. Trường hàng:
Đoạn dưới đây là Di Lặc Bồ Tát vì chúng ta khải thỉnh, quán sát nhiệt náo có hai mươi loại lầm lỗi.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Vân hà danh vi hội náo trung quá, nhược quán sát thời, Bồ Tát độc xử nhàn tịnh, bất sanh nhiệt não.
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。云何名為憒鬧中過。若觀察時。菩薩獨處閑靜不生熱惱。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là những lầm lỗi của nhiệt náo để khi quán sát, Bồ Tát sẽ ở riêng nơi thanh vắng, chẳng sanh nhiệt não)
Chữ "quán sát" ở đây là hiểu rõ triệt để, biết rõ lỗi lầm của nhiệt náo. "Hội" là "hôn hội" (昏憒 ), ta thường nói là hồ đồ, lộn xộn đấy! Sự xô bồ, lộn xộn trong hoàn cảnh náo nhiệt gọi là "hội náo". Hội náo gây sự chướng ngại rất lớn cho sự tu hành, khiến cho quý vị mê hoặc, điên đảo, chẳng giúp cho quý vị giác ngộ được! Ở phần trên, lợi dưỡng tăng trưởng phiền não tham, sân, si; ở đây, hội náo tăng trưởng vô minh, đều là những chuyện phiền phức. Bồ Tát hiểu minh bạch rồi, sẽ có thể ở một mình nơi thanh vắng. Có nhiều vị đồng tu đến ngoại quốc ở vài ngày liền cảm thấy như thế nào? Tịch mịch quá, quạnh quẽ quá, ở không nổi, phải trở về Đài Loan gấp. Đài Loan náo nhiệt mà!
Ở Đài Loan thân thích, bạn bè nhiều, hôm nay cùng nhau khen nhà họ Trương hay, mai cùng nhau chê nhà họ Lý dở, hằng ngày nói chuyện nhảm nhí, coi đó là vui, coi đó là lạc thú một đời người! Ra ngoại quốc, không có ai trò chuyện, hàng xóm là người ngoại quốc, ngôn ngữ chẳng thông, lại chẳng biết lái xe, con cái cũng rất bận rộn với công ăn việc làm, một ngày từ sáng đến tối ngồi một mình trong nhà, cảm thấy rất quạnh quẽ. Chỉ nội một điều này thôi là quý vị chẳng thể sống nơi thanh vắng. Nếu như quý vị thấy rõ điều này, sẽ ưa thích đến một nơi rất an tịnh để tu học, sanh sống; nói thật ra, hoàn cảnh ở ngoại quốc tốt hơn nước ta nhiều lắm.
Chánh kinh:
Phật ngôn:
- Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát hội náo quá thất, hữu nhị thập chủng. Nhược quán sát thời, năng linh Bồ Tát độc xử nhàn tịnh, bất sanh nhiệt não.
佛言彌勒。初業菩薩。應當觀察。憒鬧過失。有二十種。若觀察時。能令菩薩。獨處閑靜。不生熱惱。
(Phật dạy:
- Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát nhiệt náo có hai mươi điều lầm lỗi. Như lúc quán sát sẽ có thể làm cho Bồ Tát ở riêng nơi thanh vắng, chẳng sanh nhiệt não)
"Chẳng sanh nhiệt não" là chẳng sanh phiền não. Chư vị phải hiểu ý câu này: Chẳng sanh nhiệt não là sanh khởi trí huệ, đó là đạo lý nhất định.
Chánh kinh:
Di Lặc! Vân hà danh vi nhạo ư hội náo nhị thập chủng quá? Nhất giả, bất hộ thân nghiệp. Nhị giả, bất hộ ngữ nghiệp. Tam giả, bất hộ ý nghiệp.
彌勒。云何名為樂於憒鬧二十種過。一者。不護身業。二者。不護語業。三者。不護意業。
(Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi lỗi của việc ưa thích hội náo? Một là chẳng giữ gìn thân nghiệp. Hai là chẳng giữ gìn ngữ nghiệp. Ba là chẳng giữ gìn ý nghiệp).
Quý vị xem: Từ đầu mối này mà phạm lầm lỗi nơi ba nghiệp thân, ngữ, ý. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy người niệm Phật chúng ta ba tổng cương lãnh tu hành tối trọng yếu cũng là ba nghiệp: "Khéo giữ khẩu nghiệp, chẳng chê lỗi người khác", chẳng khéo giữ ngữ nghiệp sẽ hằng ngày bàn nói thị phi, hay dở của người khác; "khéo giữ thân nghiệp, chẳng mất luật nghi", chẳng giữ thân nghiệp, luật nghi phế sạch; "khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm", chẳng giữ được ý nghiệp, thì nói cách khác là phiền não ô nhiễm ngày càng tăng trưởng! Đấy là sự tổn hại do náo nhiệt gây cho chúng ta, chướng ngại đạo nghiệp. Ba điều này được nêu lên trước tiên.
Chánh kinh:
Tứ giả, đa nhiêu tham dục.
四者。多饒貪欲。
(Bốn là càng tăng tham dục)
Ồn náo giúp cho tham dục nẩy nở.
Chánh kinh:
Ngũ giả, tăng trưởng ngu si. Lục giả, đam trước thế thoại.
五者。增長愚痴。六者。耽著世話。
(Năm là tăng trưởng ngu si. Sáu là mê đắm ngôn luận thế gian)
Tiếp xúc đại chúng, hết thảy chuyện trò đều là nghiệp chướng lục đạo luân hồi! Ngôn luận thế tục có phạm vi rất rộng, phàm những tư tưởng, ngôn luận nào chẳng giúp cho quý vị siêu thoát lục đạo thì đều thuộc vào "thế thoại". Bởi lẽ, trong thế thoại có chánh luận, có tà luận. Tà luận khiến đọa trong ba ác đạo, chánh luận khiến sanh trong ba thiện đạo. Giáo học của Nho Gia là chánh luận, nhưng chẳng thể giúp quý vị liễu sanh tử, xuất tam giới. Bởi thế, nó là thế thoại, chẳng phải là Phật thoại.
Chánh kinh:
Thất giả, ly xuất thế ngữ.
七者。離出世語。
(Bảy là lìa khỏi ngôn ngữ xuất thế)
"Xuất thế ngữ" là những điều Phật dạy chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới. Hiện tại, chúng ta tu học pháp "niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ" do đức Phật chỉ dạy; kẻ ưa thích ồn náo lìa bỏ những lời dạy ấy, lìa bỏ những lời Phật răn dạy. "Ly" có ý nghĩa rất sâu. Mọi người chúng ta ngày ngày niệm Phật, tụng kinh, muốn cầu sanh Tịnh Độ, nhưng thật ra, chúng ta "mê đắm ngôn luận thế gian, lìa lời xuất thế". Bởi lẽ, chúng ta chẳng thật sự thực hành tuy có niệm Phật; quý vị cứ nghĩ thử coi: Một ngày quý vị niệm Phật được mấy giờ, nói chuyện nhảm nhí mấy giờ. Cứ so sánh hai thời gian đó mà xem. Niệm Phật được hai tiếng đồng hồ, nói nhảm nhí hai mươi tiếng. Quý vị nghĩ xem quả báo của mình sẽ ở đâu, thật rõ rành rành, thật minh bạch vậy! Bởi thế, chữ Ly này có ý nghĩa rất dài sâu vậy!
Chánh kinh:
Bát giả, ư phi pháp trung, tôn trọng tu tập.
八者。於非法中。尊重修習。
(Tám là tôn trọng, tu tập những điều phi pháp)
Quý vị ngày ngày tu và học, nhưng học những gì? Học những thứ phi pháp. "Phi pháp" chỉ những gì? [Những gì] tăng trưởng tam độc, tăng trưởng việc đời mà hằng ngày quý vị đã làm chính là nó đấy! Tăng trưởng tham, sân, si đấy! Ý niệm tham, sân, si chẳng hề giảm bớt, thân tăng trưởng giết, trộm, dâm; miệng tăng trưởng vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, nói thêu dệt, quý vị rất tôn trọng những pháp ấy, rất tin tưởng học tập theo! Quý vị đã có ý tưởng ấy, hoàn cảnh bên ngoài cũng như thế thì quý vị coi có chỗ nào chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc hay chăng? Điện ảnh, truyền hình chẳng cần nói đến nữa. Ngay cả nhật báo, tạp chí, tất cả hết thảy quảng cáo đều là những thứ dụ dỗ, mê hoặc; dụ dỗ mê hoặc tham, sân, si, mười ác nghiệp. Trong có phiền não, ngoài có dụ dỗ mê hoặc, xong luôn! Quý vị bèn tôn trọng, tu tập những thứ đó. Tu những thứ đó thì sao? Thì gọi là tu tam ác đạo, chứ đâu phải là tu Tây Phương Tịnh Độ!
Chánh kinh:
Cửu giả, xả ly chánh pháp.
九者。舍離正法。
(Chín là lìa bỏ chánh pháp)
Chánh pháp là Tam Bảo. Tam Học, Lục Độ là chánh pháp. Bỏ sạch những điều này, chẳng nghiêm cẩn học tập, đối với tam độc, thập ác, lại rất tin tưởng học theo, lầm mất rồi! Đấy đều là những lỗi hại của ồn náo.
Chánh kinh:
Thập giả, thiên ma Ba Tuần nhi đắc kỳ tiện.
十者。天魔波旬。而得其便。
(Mười là thiên ma Ba Tuần được dịp làm hại)
Đấy là vì quý vị đã đưa chuôi cho Ma Vương nắm, để Ma Vương khống chế mình. Chỉ cần quý vị bị Ma Vương khống chế thì thiện căn rất khó sanh khởi. Quý vị muốn làm điều lành cũng chẳng dễ gì thành tựu được, ma đến chướng ngại liền!
Chánh kinh:
Thập nhất giả, ư bất phóng dật, vị tằng tu tập.
十一者。於不放逸。未曾修習。
(Mười một là chưa từng tu tập hạnh chẳng buông lung)
"Bất phóng dật" là cung kính, cẩn thận. Bất luận đối với người, đối với sự, đối vật, tâm cung kính, ý nguyện thận trọng của quý vị rất khó thể sanh khởi.
Chánh kinh:
Thập nhị giả, ư phóng dật hạnh, thường hoài nhiễm trước.
十二者。於放逸行。常懷染著。
(Mười một là đối với hạnh phóng dật, thường ôm lòng đắm nhiễm)
Tức là khinh mạn, tùy tiện, thiếu cẩn thận đấy! Những điều chẳng nên làm vẫn cứ thường có, thường phạm!
Chánh kinh:
Thập tam giả, đa chư giác quán.
十三者。多諸覺觀。
(Mười ba là lắm các giác quán)
"Giác quán" ở đây là tạp niệm, vọng tưởng, đều là những thứ phương hại tâm thanh tịnh. Trong nhà Phật thường dựa vào "giác quán" nhiều hay ít để phán đoán định lực sâu hay cạn. Người định lực rất sâu, giác quán ít; người định lực cạn, giác quán nhiều. Giác quán là những tạp niệm bên trong, tạp niệm quá nhiều đương nhiên định lực nông cạn. Tạp niệm càng ít thì định lực càng sâu. Vì thế, nói tứ thiền, bát định là phân biệt trên giác quán sâu hay cạn.
Chánh kinh:
Thập tứ giả, tổn giảm đa văn.
十四者。損減多聞。
(Mười bốn là tổn giảm đa văn)
"Đa văn" là siêng học. Người ưa thích náo nhiệt nhất định việc học sẽ bị trở ngại.
Chánh kinh:
Thập ngũ giả, bất đắc Thiền Định.
十五者。不得禪定。
(Mười lăm là chẳng đắc Thiền Định)
Ưa thích ồn náo, nhất định tâm thanh tịnh nơi Định bị trở ngại.
Chánh kinh:
Thập lục giả, vô hữu trí huệ. Thập thất giả, tốc tật nhi đắc phi chư phạm hạnh.
十六者。無有智慧。十七者。速疾而得。非諸梵行。
(Mười sáu là chẳng có trí huệ. Mười bảy là nhanh chóng đạt được những thứ chẳng phải là phạm hạnh)
Vì sao? Vì tham lam, người đời nay cứ nói "cầu đổi mới, cầu biến đổi, cầu nhanh chóng", gọi đó là "tinh thần khoa học". Trong Phật pháp nói là "nhanh chóng đạt được" những thứ chẳng phải là phạm hạnh, chẳng phải là thanh tịnh hạnh. Dù quý vị có đạt được gì, tâm quý vị cũng chẳng thể thanh tịnh.
Chánh kinh:
Thập bát giả, bất ái ư Phật. Thập cửu giả, bất ái ư Pháp. Nhị thập giả, bất ái ư Tăng.
十八者。不愛於佛。十九者。不愛於法。二十者。不愛於僧。
(Mười tám là chẳng yêu mến Phật. Mười chín là chẳng yêu mến Pháp. Hai mươi là chẳng yêu mến Tăng)
Đây chính là trái nghịch Tam Bảo. Quý vị thấy đó: Chúng ta vào cửa Phật, trước hết là thọ Tam Quy, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Kẻ ấy bỏ sạch Phật, Pháp, Tăng, cứ theo náo nhiệt mà thôi.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát quán ư hội náo nhị thập chủng quá.
彌勒。是為菩薩觀於憒鬧二十種過。
(Di Lặc! Đấy là Bồ Tát quán hai mươi lỗi của ồn náo).
Đức Thế Tôn đã đem hai mươi lỗi của sự ồn náo giảng cho chúng ta. Tiếp theo đây là phần trùng tụng. Để nhắc lại những ý nghĩa ấy, Phật dùng kệ tụng nói lại lần nữa. Trong phần kệ tụng này, không những nhắc đến nhiệt náo mà còn nhắc đến cả những lỗi lầm của lợi dưỡng đã giảng trong phần trước. Mục đích của kệ tụng là hy vọng đại chúng ghi nhớ chắc chắn, trong từng thời, từng khắc của sanh hoạt thường nhật sẽ tự đề khởi chánh niệm. Điều này hết sức trọng yếu.
8.4.b. Trùng Tụng:
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn trùng thuyết kệ ngôn:
爾時世尊。重說偈言。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nhắc lại bằng kệ như sau)
Dưới đây là hai mươi bốn bài kệ tụng. Quá nửa là trùng tụng, tức là dùng phương thức kệ tụng để nhắc lại một lượt những điều đức Phật đã giảng trong phần trường hàng ở trên. Mục đích của kệ tụng gồm có hai điều:
- Một là giảng kinh thuyết pháp trong nhà Phật, chẳng giống như học sinh đến lớp trong nhà trường. Học sinh đến lớp con số nhất định; còn chỗ giảng kinh thì có kẻ đến sau, người đến trước. Đức Phật vô cùng từ bi, đối với những kẻ đến sau, chưa được nghe phần đầu, Ngài bèn dùng kệ tụng để nhắc lại giản lược một lượt. Đây chính là ý nghĩa thứ nhất.
- Ý nghĩa thứ hai là để tiện ghi nhớ. Phật toàn giảng những điều răn dạy vô cùng trọng yếu. Nếu chẳng thể thường nhớ trong tâm sẽ chẳng có biện pháp gì để thọ trì được. Thọ trì là y giáo phụng hành. Vì thế, nhất định phải nhớ kỹ lời Phật răn dạy. Kệ tụng giúp ghi nhớ thuận tiện. Vì thế, người biết học nhất định phải học thuộc kệ tụng, nhớ kỹ trong tâm, trong sanh hoạt thường ngày luôn luôn đề khởi công phu quán chiếu thì tu trì mới đắc lực.
Chánh kinh:
Xả ly chư tham sân,
Bất trụ ư hội náo.
舍離諸貪嗔。
不住於憒鬧。
(Lìa bỏ các tham, sân,
Chẳng trụ vào ồn náo)
Kệ tụng bị câu chữ hạn chế, chẳng thể dài dòng thoải mái như trường hàng được. Bởi thế, chúng ta phải nhận hiểu những ý nghĩa được bao hàm trong kệ tụng. "Lìa bỏ các tham, sân" là chỉ nói đến hai thứ phiền não, chứ tính ra còn phải có si, mạn, nghi, nhưng vì câu kệ này chỉ có năm chữ nên tỉnh lược những thứ sau. Mọi người đừng nghĩ là do tỉnh lược nên chúng chẳng có, chẳng phải như vậy. Ý nghĩa câu này vẫn viên mãn, chúng ta phải hiểu rõ.
Chánh kinh:
Nhược hữu chuyên trụ bỉ,
Thị quá, bất ưng tác.
若有專住彼。
是過不應作。
(Nếu ai chuyên trụ đó,
Là sai, chẳng nên làm)
Nghĩa là trong tâm chẳng nên tham đắm ồn náo. Nếu thường tưởng nghĩ những trường hợp, cảnh giới nhiệt náo như thế, sanh lòng vui thích chúng thì tâm quý vị có chỗ trụ. Phật bảo đó là lầm lỗi, là chẳng nên làm. Vì sao? Bài kệ tiếp theo sẽ nói rõ nguyên nhân.
Chánh kinh:
Kiêu mạn cập giác quán
憍慢及覺觀
(Kiêu mạn và giác quán)
Quý vị đã thấy vì sao tham, sân, si vô ích chưa? Trong đoạn trước đã nói tới tham sân, ở đây nói tới kiêu mạn và giác quán, đủ thấy là trong tham, sân có mạn; tham, sân, si, mạn đều gộp trong ấy hết. "Giác quán" là trong tâm vọng tưởng chẳng ngừng, vọng niệm rất nhiều. Đấy đều là do ồn náo sanh ra; ồn náo là tăng thượng duyên.
Chánh kinh:
Hoại hạnh vô giới nhân,
Xưng thán ư hội náo.
壞行無戒人。
稱嘆於憒鬧。
(Kẻ hoại hạnh, thiếu giới,
Bèn khen ngợi ồn náo)
Hạng người nào ưa thích những điều đó? Người chẳng trì giới, người chẳng nghiêm cẩn tu hành. "Hoại hạnh" là phá hoại sự tu hành chánh đáng, và những kẻ chẳng trì giới mới vui thích ồn náo, mới khen ngợi ồn náo. Hai bài kệ này cùng nói về một việc!
Chánh kinh:
Ngu nhân nhạo thế luận,
Thoái thất Đệ Nhất Nghĩa.
愚人樂世論。
退失第一義。
(Kẻ ngu ưa thế luận,
Lui sụt Đệ Nhất Nghĩa)
"Đệ Nhất Nghĩa" là như trong phần văn Trường Hàng ở trên đã nói là "quán Thật Nghĩa", quán sát Thật Tướng của các pháp. Người nào ưa thích những luận nghị thế gian, người ấy nhất định quên mất những đạo lý, răn dạy của pháp xuất thế. Đó là "thoái thất" vậy!
Chánh kinh:
Phóng dật, đa giác quán,
Thị quá, bất ưng tác.
放逸多覺觀。
是過不應作。
(Buông lung, nhiều giác quán,
Là sai, chớ nên làm!)
Đây cũng là lầm lỗi của người tu hành, chớ có làm. Chớ nên tham nhiễm thế luận (những lời bàn luận của thế gian).
Chánh kinh:
Tỳ-kheo xả đa văn,
Ngôn luận bất như lý,
Tổn giảm chư Thiền Định,
Thường tư duy thế gian.
比丘舍多聞。
言論不如理。
損減諸禪定。
常思惟世間。
(Tỳ kheo bỏ đa văn,
Ngôn luận chẳng đúng lý,
Các Thiền Định tổn giảm,
Thường nghĩ chuyện thế gian)
Ở đây, đức Phật nêu một thí dụ: Tỳ-kheo xuất gia bỏ đa văn. Đây là lối nói mang hai ý nghĩa. Nếu như hiểu là "ngay cả đức Phật giảng kinh thuyết pháp, quý vị cũng chẳng nghe, cứ bỏ sạch cả đi" thì lầm mất rồi. Ý nghĩa chánh yếu ở đây là như sau: Người xuất gia cần phải đa văn, nghe nhiều Phật pháp! Tuy nói là đa văn Phật pháp, nhưng cũng phải có thứ tự trước sau, như trong tứ thệ nguyện ta thường nói là "pháp môn vô lượng thệ nguyện học", đấy là học rộng đa văn. Nhưng điều nhất định là trước tiên quý vị phải đoạn phiền não.
Nếu phiền não vô tận chưa đoạn, quý vị sẽ chẳng thể đa văn, mà phải cần thâm nhập một môn. Thâm nhập một môn giúp quý vị đắc Định, giúp quý vị bỏ được giác quán. Khi trí huệ mở mang rồi thì mới có thể học rộng đa văn. Vì thế, phải theo thứ tự, đa văn chẳng dành để nói với người sơ học. Bởi thế, chúng ta phải thông đạt, phải hiểu rõ ý nghĩa của đoạn kinh này. Nếu như "bỏ đa văn" là chẳng thường nghe Phật pháp, lẽ đương nhiên ngôn luận có sai trái. "Bất như lý" là chẳng đúng với chân lý đức Phật đã nói. Phật giảng hết thảy pháp đều nhằm giảng cho chúng ta chân tướng của nhân sanh vũ trụ, hiện tại ta gọi "chân tướng" là chân lý đấy! Quý vị chẳng thể học rộng đa văn, ắt ngôn luận của quý vị nhất định chẳng thể là chân tướng sự thật.
Trong câu "tổn giảm chư Thiền Định", chúng ta phải đặc biệt chú ý chữ "chư". Chư (諸) có nghĩa là vô lượng tam-muội, tam-muội là Thiền Định. Vì sao có nhiều Thiền Định thế? Là do có rất nhiều phương thức để tu hành Thiền Định, bất luận dùng công phu nào, dùng phương pháp nào để tu Thiền Định, nếu cứ ham hố ngôn luận thế gian thì đều uổng công thôi, ngay cả môn Niệm Phật của chúng ta cũng bị trở ngại. Vì thế, các bậc đại đức xưa nay thường hay dạy người sơ học chúng ta hãy bỏ lìa thế luận, từ báo chí, tạp chí cho đến máy truyền hình, truyền thanh đều bỏ cả, tâm quý vị mới được thanh tịnh, mới có thể định được.
Trong các buổi giảng, cũng có lúc chúng tôi nhắc tới vấn đề này, nhưng có mấy ai tuân theo? Quý vị chưa thể làm theo thì nói cách khác: Nhất định sẽ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Trước đây, ước chừng hai mươi, ba mươi năm trước, chính phủ vừa mới đề xướng cuộc vận động phục hưng văn hóa, có một ngày tôi đang ở nhà tiên sinh Phương Đông Mỹ. Khéo sao hôm ấy có hai viên chức thuộc bộ Giáo Dục cũng đến thăm giáo sư Phương, hỏi ý kiến cụ Phương: "Cuộc vận động phục hưng văn hóa nên bắt đầu từ đâu?" Phương tiên sinh trầm ngâm chừng mấy phút rồi mới nói: "Nhất loạt ngưng in các loại tạp chí, báo chí ở Đài Loan, đóng cửa hết các đài truyền thanh, truyền hình". Viên chức bộ Giáo Dục nghe vậy, lắc đầu:
- Thưa thầy, điều ấy chẳng thể làm được đâu!
- Chẳng làm được điều đó, còn bàn chuyện phục hưng văn hóa Trung Quốc làm gì nữa? Văn hóa Trung Quốc đã bị những thứ ấy phá hoại sạch cả rồi!
Lời cụ rất có lý! Phục hưng văn hóa cố hữu còn bị thế luận gây chướng ngại, huống hồ là tu đạo! Nói đến tu đạo, thì đạo là gì? Đạo là tâm thanh tịnh, đạo là chánh tri chánh kiến, đạo là chân chánh giác ngộ. Vì thế, nếu chẳng lìa bỏ được những thứ trên, đương nhiên sẽ thoái thất Đệ Nhất Nghĩa, Đệ Nhất Nghĩa chính là đạo! Một câu "tổn giảm các thiền định" này có nghĩa như vậy, tu hành công phu chẳng đắc lực, chẳng có thành tựu. "Thường tư duy thế gian": Ý niệm hằng ngày của quý vị toàn là dính mắc trong các pháp thế gian ấy.
Chánh kinh:
Đam trước tư duy giả,
Hà đắc ư tịch tĩnh?
耽著思惟者。
何得於寂靜。
(Kẻ mê đắm tư duy,
Làm sao đạt tịch tĩnh?)
"Đam trước tư duy" là kẻ thích suy nghĩ lung tung, tâm kẻ ấy làm sao có thể định được? Làm sao thanh tịnh cho được?
Chánh kinh:
Kỳ tâm thường tán dật.
其心常散逸。
(Tâm hắn thường tán dật)
Tâm kẻ ấy thường tán loạn, thường buông lung.
Chánh kinh:
Vĩnh ly ư chánh quán.
永離於正觀。
(Mãi lìa nơi chánh quán)
[Chánh quán ở đây là] chánh quán của chư Phật Như Lai. Chánh quán là chánh tri chánh kiến, giác chứ không mê, chánh chứ không tà; kẻ ấy vĩnh viễn chẳng thể đạt được. Chúng ta tu hành hằng ngày mong chứng đắc, nhưng vì sao chẳng thể chứng đắc? Bây giờ ta đã biết: Chẳng thể chứng đắc là vì mắc căn bệnh nào? Sai lầm ở đâu? Trong bộ kinh này, đức Phật đã dạy minh bạch cho chúng ta.
Chánh kinh:
Tốc đắc phi phạm hạnh.
速得非梵行。
(Mau đạt phi phạm hạnh)
"Tốc" (速) là nhanh chóng. Người hiện thời chẳng có lòng nhẫn nại, chẳng có tánh nhẫn nại sẽ chẳng thể tu định. Bất cứ việc gì, họ cũng cầu những gì mới mẻ, cầu nhanh chóng, cầu biến chuyển. Tâm lý ấy gây trở ngại rất lớn cho tu đạo; đấy chẳng phải là phạm hạnh. "Phạm hạnh": Phạm (梵) nghĩa là thanh tịnh. Bởi thế, người học đạo trước hết phải tu tâm nhẫn nại. Trong lục độ của Bồ Tát có Nhẫn Nhục Ba La Mật; Nhẫn Nhục là tu tâm nhẫn nại.
Chánh kinh:
Huyên tạp vô nghi kiểm.
諠雜無儀檢。
(Ồn tạp, không đức hạnh)
"Nghi" (儀) là oai nghi, "kiểm" (檢) là cẩn thận, kiểm điểm. Câu này ý nói đức hạnh đều mất cả.
Chánh kinh:
Diệc bất tằng ái Phật,
Cập ái ư thánh chúng,
Khí xả ly dục pháp,
Đam trước phi pháp ngôn.
亦不曾愛佛。
及愛於聖眾。
棄舍離欲法。
耽著非法言。
(Cũng chưa từng mến Phật,
Và mến yêu thánh chúng,
Vứt bỏ pháp ly dục,
Mê đắm lời phi pháp)
Trong câu "bất ái Phật", Phật có nghĩa là giác ngộ. Chẳng yêu mến chánh giác đấy! Chẳng mến chánh giác thì ngày ngày điên đảo, mê hoặc. "Chẳng yêu mến thánh chúng": Chữ "thánh chúng" chỉ thanh tịnh. Trong Tam Bảo, Tăng Bảo là sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Kẻ ấy chẳng thích thanh tịnh. Thánh chúng cũng tượng trưng cho Lục Hòa. Kẻ ấy cũng chẳng ưa Lục Hòa. Trong câu "vứt bỏ pháp ly dục", Pháp là chánh. Bởi thế, ba câu Giác, Tịnh, Chánh này chính là Tam Bảo. Chúng ta học Phật, vào cửa Phật bèn quy y Tam Bảo, giờ đây, hành vi việc làm đều trái nghịch Tam Bảo! Vì đâu nên nỗi trái nghịch Tam Bảo? Là vì tham đắm ngôn luận thế gian, ưa thích ngôn luận thế tục, đủ thấy là mắc phải lầm lỗi rất nghiêm trọng.
Chánh kinh:
Ngã thường xả thiên thân,
Chi phần cập đầu mục,
Vị cầu vô thượng đạo,
Văn pháp vô yếm túc.
我常舍千身。
支分及頭目。
為求無上道。
聞法無厭足。
(Ta thường bỏ ngàn thân,
Chi phần và đầu, mắt,
Để cầu đạo vô thượng,
Nghe pháp không chán đủ)
Bốn câu kệ này nói lên sự việc: Thích Ca Mâu Ni Phật nêu gương cho chúng ta; xả thân cầu pháp thì mọi người cũng sẽ tôn trọng pháp giống như vậy. Trong kinh Niết Bàn có nói lúc Phật tu nhân, còn là Bồ Tát, vì cầu nửa bài kệ mà xả toàn thân. Tôi nhớ đến một câu chuyện nhỏ, có lẽ nhiều vị đồng tu đã biết rồi. Do vì tâm đức Phật cầu pháp tha thiết, thiên thần trông thấy, trời Đế Thích trông thấy, cố ý biến thành một con quỷ La Sát đến nói hai câu kệ: "Các hành vô thường, là pháp sanh diệt" rồi không nói tiếp phần sau. Người cầu pháp nghe được hai câu ấy, liền hỏi: "Còn phần sau thì sao?" Quỷ nói:
- Phần tiếp theo ta không có sức, nói không nổi nữa.
- Vì sao vậy?
- Bụng ta đói, không có gì để ăn.
Người ấy nói:
- Ngài muốn ăn gì?
- Ta muốn ăn thịt người.
Bồ Tát liền phát tâm: "Tôi sẽ xả thân, trao cái thân này của tôi cho Ngài, xin Ngài nói nốt hai câu cuối có được chăng?" vì pháp xả thân. Quỷ La Sát thấy Bồ Tát thành tâm như thế, nói hai câu kệ cuối xong, Bồ Tát thật sự xả mạng để cúng dường. Hai câu kệ cuối là: "Sanh diệt dứt rồi, tịch diệt là vui!" Khi ấy, quỷ bèn hiện lại thân Đế Thích, cung kính, lễ bái, cúng dường người ấy. Đấy là chuyện khi còn tu nhân, Phật đã xả thân cầu pháp, chẳng tiếc thân mạng, vì cầu đạo vô thượng, nghe pháp không chán đủ. Hãy nghĩ xem chúng ta nghe pháp có nhiệt thành như thế hay chăng? Có chút trở ngại cỏn con nào bèn chẳng nghĩ tới nữa, bèn buông ngay ý nguyện nghe pháp, sao chẳng nghĩ đức Phật đã làm gương cho chúng ta như thế?
Chánh kinh:
Thị chư phi pháp nhân,
Thiểu văn tiện yếm xả.
是諸非法人。
少聞便厭舍。
(Những kẻ phi pháp ấy,
Nghe một chút, chán bỏ)
Được chút ít cho là đủ. Nghe một chút Phật pháp đã cho là đủ quá rồi, chẳng cầu đa văn. Chúng ta nghe kinh dạy như vậy, thì có rất nhiều vị cao tuổi, trí nhớ không tốt, nghe xong rất khó chịu! [Bởi lẽ họ thấy mình] không có năng lực đa văn. Có cần phải đa văn chăng? Không nhất thiết! Việc này nhằm nói với những người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi cần phải đa văn, người phát nguyện hoằng pháp lợi sanh đương nhiên phải đa văn. Không đa văn làm sao có thể giáo hóa chúng sanh có bao nhiêu là căn tánh bất đồng? Người cao tuổi cứ một câu A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới xong sẽ lại học rộng nghe nhiều là ổn rồi. Chính xác phi thường! Vì thế, hiện tại bất tất phải lãng phí thời gian, cứ thâm nhập một môn, một câu Di Đà cứ niệm đến cùng!
Chánh kinh:
Ngã tích tác quốc vương,
Vị cầu tứ cú kệ,
Thê tử cập tài bảo,
Tất giai năng thí dữ.
我昔作國王。
為求四句偈。
妻子及財寶。
悉皆能施與。
(Ta xưa làm quốc vương,
Vì cầu bốn câu kệ,
Vợ con cùng của báu,
Thảy đều đem thí cả)
Đoạn này cũng là đức Thế Tôn tự trình bày hành vi lúc còn tu nhân. Trong kinh Hiền Ngu, có đoạn thuật: Lúc Phật tu nhân, làm quốc vương, cũng là vì nghe một bài kệ:
Hết thảy hành vô thường,
Sanh đều là có khổ,
Vô nhân, không, vô tướng,
Chẳng có Ngã, ngã sở!
Vì nghe bài kệ đó, bèn bỏ vợ con, của báu. Những chuyện này nhằm nói lên Phật pháp rất đáng quý! Nếu một câu, nửa bài kệ mà quý vị nghe hiểu, thật sự thể hội, sẽ khế nhập cảnh giới, chẳng có của báu thế gian nào sánh bằng! Trong nhiều kinh điển Đại Thừa, chúng ta đã thấy Thích Ca Mâu Ni Phật so sánh công đức, so lường tài thí với pháp thí: Bố thí của báu đầy khắp đại thiên thế giới chẳng thể bằng bố thí bốn câu kệ. Bốn câu này hợp thành một bài kệ. Một bài kệ có thể khiến cho quý vị khai ngộ, khiến cho quý vị liễu sanh thoát tử, khiến cho quý vị khế nhập cảnh giới Như Lai, của báu thế gian dù nhiều đến đâu đi nữa cũng không có cách gì sánh bằng! Bởi thế, người chân chánh giác ngộ biết Phật pháp là quý báu, có thể xả thân vì pháp.
Chánh kinh:
Hà hữu ư trí giả,
Nhi bất cần thính pháp
何有於智者。
而不勤聽法。
(Há có người trí nào,
Mà chẳng siêng nghe pháp?)
Há có kẻ trí huệ chân chánh nào lại chẳng chịu siêng năng nghe pháp hay sao? Kẻ chẳng thể nghe pháp, thích đến chỗ vui chơi là kẻ ngu si, chẳng có trí huệ! Người thật sự có trí huệ sẽ đối với việc nghe pháp, tu trì, đúng là giành giật từng phút giây, chẳng dám để thời gian quý báu luống qua!
Chánh kinh:
Ngã thường xả nhất thiết,
Phi pháp chi hý luận,
Vị ư bách thiên kiếp,
Nan đắc giải thoát cố!
我嘗舍一切。
非法之戲論。
為於百千劫。
難得解脫故。
(Ta từng bỏ hết thảy,
Những hý luận phi pháp
Vì trong trăm ngàn năm,
Khó được giải thoát vậy!)
Bốn câu kệ này của đức Phật nhằm khuyên chúng ta, Ngài là tấm gương cực tốt cho chúng ta: Ngài đã từng - "thường" (嘗) nghĩa là từng trải qua - "bỏ hết thảy": Danh văn, lợi dưỡng thế gian, ngũ dục, lục trần thảy đều bỏ sạch. "Những hý luận phi pháp" cũng bỏ luôn. Mục đích là gì? Ngài thật sự hiểu rõ, thật sự minh bạch rằng "trong trăm ngàn kiếp, khó được giải thoát" - chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, không phải chỉ là trăm ngàn kiếp, luôn luân hồi trong lục đạo, tiền đồ (tương lai) một bề tối om, mù mịt vô cùng, biết bao giờ giải thoát. Từ trước đến nay, chúng ta chưa từng giác ngộ, còn Ngài đã thành Phật là vì đạo lý này đây: Ngài đã giác ngộ. Đã giác ngộ, Ngài lại còn có thể bỏ, Ngài chịu buông bỏ thì mới có thể thành tựu được!
Chánh kinh:
Nhữ đẳng ưng hân nhạo,
Chí cầu vi diệu pháp.
汝等應欣樂。
志求微妙法。
(Các ngươi nên vui thích,
Chí cầu pháp vi diệu)
Chúng ta phải học theo đức Phật. Hãy nên ưa thích, vui ưa, mong cầu Phật pháp vi diệu vô thượng. Phật pháp vi diệu ấy trong cuối kinh sẽ gom chỉ về Tịnh Độ. Vì thế, pháp vi diệu này chẳng phải là nói pháp Đại Thừa, mà thật ra là nói tới pháp môn cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Bởi lẽ, chỉ có pháp môn này mới thật sự có thể bảo đảm chúng ta ngay trong một đời này thoát ly tam giới luân hồi.
Chánh kinh:
Nhược nhạo ư giải thoát.
若樂於解脫。
(Nếu thích nơi giải thoát)
Chữ "lạc" (樂) ở đây phải đọc biến âm thành Nhạo, nghĩa là yêu thích. Quý vị phải yêu thích giải thoát.
Chánh kinh:
Tối thắng công đức giả.
最勝功德者。
(Công đức tối thù thắng)
"Thắng" (勝) là thù thắng, công đức thù thắng. Hai câu kệ này chỉ chung pháp Đại Thừa, đồng thời chỉ riêng pháp Tịnh Độ. Pháp môn Tịnh Độ thù thắng khôn sánh, quý vị phải thật sự yêu mến, phải thật sự hiểu rõ.
Chánh kinh:
Thế gian chư sự nghiệp,
Giai sở bất ưng vấn,
世間諸事業。
皆所不應問。
(Các sự nghiệp thế gian,
Đều chẳng nên hỏi đến)
Nếu quý vị buông xuống thì quý vị mới có thể thực sự cầu đạt được giải thoát. Chữ "giải" (解) này là giải trừ, giải trừ hết thảy phiền não ràng buộc. "Thoát" (脱) là thoát ly lục đạo sanh tử luân hồi. Người thật sự giác ngộ đối với những sự nghiệp thế gian đều buông xuống hết. Nói "sự nghiệp thế gian" là chỉ những sự nghiệp tạo luân hồi lục đạo.
Chánh kinh:
Y thực vô thắng lợi,
Diệc bất chứng Niết Bàn.
衣食無勝利。
亦不証涅槃。
(Cơm áo không lợi ích,
Cũng chẳng chứng Niết Bàn)
Đây là nêu thí dụ. Người thế gian bận bịu những gì? Bận bịu vì cơm áo. Cơm áo chẳng phải là lợi ích thù thắng ("thắng lợi"); bởi thế, cơm áo chỉ cần vừa đủ là được. Đặc biệt là tại Đài Loan, nếu ai thật sự giác ngộ thì ở Đài Loan thật sự có đại phước báo. Vì sao vậy? Cơm áo dễ dàng, chẳng khó cầu chi. Chẳng cần phải tranh đua với ai. Mỗi ngày muốn ăn no, mặc ấm thì điều kiện ấy tại Đài Loan rất dễ dàng. Có một năm tôi đi giảng kinh, đi xe taxi, người lái xe bảo tôi: "Kiếm tiền thật chẳng dễ, cay đắng lắm!" Tôi bèn hỏi ông ta: "Vì sao ông cần phải kiếm thật nhiều tiền vậy? Chẳng biết ông có cơm ăn không? Ông không có y phục để mặc phải không? Một bộ quần áo mặc tám, mười năm còn chưa hư kia mà!" Ông ta gật gù: "Cũng có lý chớ!"
Nếu tự vui với cuộc sống của chính mình thì mỗi tháng chỉ làm việc năm ngày cũng đủ ăn cả tháng, để ra hai mươi lăm ngày niệm Phật. Quý vị coi có phải là tự tại không? Cớ chi cứ ngày ngày khổ cực vậy? Là vì đua tranh với người khác đó mà! Bây giờ người ta mặc y phục theo mode, ngày mai không mua một bộ khác là không theo kịp thời trang rồi, cái tâm lý đua đòi ấy chỉ khiến chính mình khổ sở mà thôi! Bởi thế, nếu quý vị thật sự hiểu rõ đạo lý này thì ở Đài Loan, quý vị có thể làm một năm, nghỉ một năm; nói thật đó! Ở ngoại quốc có rất nhiều nơi chẳng làm như vậy được, rất là khổ cực đấy nhé! Tháng nào không làm việc, tháng ấy không có cơm mà ăn. Tại Đài Loan thì khác, làm một tháng mà biết tiết kiệm thì có thể đủ ăn cả năm.
Trên đây, nói cơm áo chẳng phải là lợi ích thù thắng, "cũng chẳng chứng Niết Bàn". Hai câu này là như trong kinh Kim Cang nói: "Pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp". "Chứng Niết Bàn" là pháp, ngay cả ý niệm chứng Niết Bàn cũng bỏ luôn, chẳng cầu nữa, huống hồ là cơm áo! "Cơm áo còn chẳng phải là lợi ích thù thắng", huống chi là phi pháp!
Chánh kinh:
Đương xưng thán tối thắng.
當稱嘆最勝。
(Nên ngợi khen tối thắng)
Hãy nên khen ngợi điều tối thù thắng. Điều gì tối thù thắng? Chính là Phật pháp Đại Thừa. Kinh Kim Cang Bát Nhã nói: "Các pháp đều không, nhân quả chẳng không". Quý vị thấy đó, đức Phật nói "ba tâm chẳng thể được". Chủ thể chấp trước (năng chấp trước) là không, vạn pháp duyên sanh, bản thể của chúng là Không, trọn chẳng thể được; cái được quý vị chấp trước (sở chấp trước) cũng là không. Năng, Sở đều không. Đấy là nói "vạn pháp đều không". Bồ Tát chẳng nói tướng đoạn diệt; chẳng nói tướng đoạn diệt chính là "nhân quả chẳng không". Đấy là lời tổng luận toàn bộ kinh ấy một cách đơn giản như thế; đấy là điều tối thù thắng.
Nếu quy vào pháp môn Niệm Phật thì niệm Phật là nhân, thành Phật là quả; đấy là pháp tối thắng được chư Phật Như Lai khen ngợi. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, niệm Phật thành Phật. Bởi thế chẳng cần phải niệm pháp thế gian, phải bỏ thế gian đi, phải bỏ sạch cả đi!
Chánh kinh:
Thiện lai, chư tỳ-kheo!
Ưng phu tòa linh tọa,
Hỗ thuyết chư pháp yếu.
善來諸比丘。
應敷座令坐。
互說諸法要。
(Các tỳ kheo khéo đến,
Hãy nên trải tòa ngồi,
Bảo nhau các pháp yếu)
"Thiện lai chư tỳ kheo" hiểu theo nghĩa rộng là tứ chúng đồng học. Chúng ta thường có duyên tụ hội một chỗ, khi gặp nhau đừng nói chuyện thế tục, mà hãy thuật cho nhau nghe các pháp yếu, trao đổi những điều tâm đắc trong việc tu học, thảo luận những khai thị trọng yếu trong kinh luận Phật giáo có quan hệ như thế nào đối với việc tu học của chúng ta, giúp cho chúng ta thấy thấu suốt, buông xuống, giúp chúng ta đoạn ác, tu thiện. Thảo luận những điều như vậy là đúng.
"Pháp yếu" là những điểm tối tinh yếu trong pháp, chẳng hạn như bài kệ gồm hai câu trong kinh Kim Cang vừa nhắc ở phần trên, hai câu ấy trọng yếu nhất: "Chẳng lấy các tướng, như như bất động". Ngoài chẳng chấp tướng, trong tâm bất động, là điều trọng yếu! Trong pháp môn Tịnh tông, sáu chữ hồng danh "nam-mô A Di Đà Phật" là trọng yếu, không còn gì trọng yếu hơn. Nếu thật sự thật thà niệm danh hiệu ấy thì sẽ có thể thoát khỏi tam giới thành công. Ngày Chủ Nhật, chúng ta họp nhau niệm Phật tại đây, mọi người cùng niệm Phật chính là bảo cho nhau nghe pháp yếu đấy! Mỗi một người quý vị không có tạp tâm, không có tạp niệm, nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật, đấy thật sự là bảo cho nhau nghe pháp yếu vậy!
Chánh kinh:
Nhân thân thậm nan đắc,
Tùy phận hành bạch pháp,
Độc tụng cập thiền định,
Nhữ ưng như thị vấn.
人身甚難得。
隨分行白法。
讀誦及禪定。
汝應如是問。
(Thân người rất khó được,
Tùy sức hành pháp lành,
Đọc tụng và thiền định,
Ông nên hỏi như thế!)
Tìm thầy, kiếm bạn hỏi đạo, hỏi những điều gì? Nhất định phải hiểu thân người khó được, Phật pháp khó nghe. "Bạch pháp" là thiện pháp, những pháp đức Phật thuyết chính là bạch pháp. Câu này mang ý nghĩa dạy chúng ta "như thuyết tu hành", thường đọc tụng kinh điển Đại Thừa. "Thiền định" là thọ trì, thật sự tu hành đấy! Đọc xong phải thật sự tu hành! "Thiền định" hàm ý thật sự tu hành. "Ông nên hỏi như thế": Hỏi như vậy mới là chính xác, mới được đức Phật khen ngợi vậy!
Chánh kinh:
Như Lai nhập Niết Bàn,
Di pháp đương diệt hoại,
Tỳ-kheo đa phóng dật,
Nhạo chúng, khí nhàn tịnh,
Vị ẩm thực lợi dưỡng,
Trú dạ đàm thế thoại.
如來入涅槃。
遺法當滅壞。
比丘多放逸。
樂眾棄閑靜。
為飲食利養。
晝夜談世話。
(Như Lai nhập Niết Bàn,
Di pháp sẽ diệt hoại,
Tỳ-kheo nhiều buông lung,
Ưa đông, bỏ thanh vắng,
Vì uống ăn, lợi dưỡng,
Ngày đêm bàn chuyện đời)
Sáu câu này nói về hiện tượng học Phật trong thời kỳ Mạt Pháp. Hiện tại đã cách thời đức Phật diệt độ ba ngàn năm rồi, tình trạng tu tập hiện thời của chúng ta đức Phật nói chẳng sai chút nào! Câu thứ nhất nghĩa là sau khi đức Phật diệt độ, Phật pháp sẽ dần dần bị biến chất, Phật pháp cũng bị hoại diệt. Trong thời đại mạt pháp này, "tỳ-kheo hay buông lung", đệ tử xuất gia của Phật phóng dật, chẳng tuân thủ lời dạy răn, ưa thích tụ hội cùng đại chúng. "Nhạo chúng" là thích tụ hội cùng đại chúng, chẳng thích nhàn tịnh. Càng nhàn tịnh họ càng chẳng ưa! Vì lợi dưỡng, ăn uống bèn "ngày đêm bàn chuyện đời". Bài kệ này mô tả đích xác tình trạng học Phật hiện tại của chúng ta!
Chánh kinh:
Ngu nhân ư mộng trung,
Kinh bố nhi phiêu nịch,
Tự tri đa hủy phạm,
Đương đọa tam ác đạo.
愚人於夢中。
驚怖而漂溺。
自知多毀犯。
當墮三惡道。
(Kẻ ngu ở trong mộng,
Kinh hãi nên trôi chìm,
Tự biết lắm hủy phạm,
Sẽ đọa ba đường ác)
"Ngu" (愚) là ngu si, không có trí huệ, mê hoặc, điên đảo. Chữ "trong mộng" miêu tả cuộc sống hiện tại: Kẻ ấy sống như trong mộng. "Mộng" có nghĩa là trong cuộc sống chẳng hề giác ngộ, chẳng tỉnh táo, mê hoặc điên đảo, thời thời khắc khắc sợ hãi, chẳng thể rời bỏ sự sợ hãi, phiêu giạt, chìm đắm trong tam đồ lục đạo. Ngẫu nhiên, tạm giác ngộ, liền nhận biết mình đã hủy phạm nhiều, mình chưa hề tuân thủ những dạy răn của đức Thế Tôn, không những chỉ phạm giới mà còn hủy phạm nữa, vậy là xong luôn rồi! Câu kệ cuối cùng nói đến quả báo: Sẽ đọa trong ba đường ác. Những điều đức Phật nói đều là chân tướng sự thật, chẳng nói dối câu nào; càng phản tỉnh, càng kinh hãi, biết làm cách nào đây? Tiếp theo đây, đức Phật dạy chúng ta:
Chánh kinh:
Ưng sanh hoan hỷ tâm,
Độc xử ư nhàn tịch,
Nhược tại a-lan-nhã,
Chí cầu vô thượng đạo.
應生歡喜心。
獨處於閑寂。
若在阿蘭若。
志求無上道
(Nên sanh tâm hoan hỷ,
Ở riêng chỗ vắng lặng,
Như ở a-lan-nhã,
Chí cầu đạo vô thượng)
Đây là đức Phật dạy chúng ta "quay đầu là bờ", đối với những ác nghiệp do mê hoặc điên đảo đã tạo trong quá khứ, chẳng cần phải thường nghĩ đến nữa. Nhiều vị đồng tu thường đến thưa với tôi: Tâm thần họ chẳng thể an định, cứ nghĩ đến những ác nghiệp đã tạo trước đây bèn kinh tâm động phách, ngay cả Phật hiệu cũng niệm chẳng được, hỏi tôi làm cách nào? Làm cách nào ư? Ở đây, đức Phật bảo đừng nghĩ đến nữa! Quá khứ là chuyện đã qua, từ hôm nay trở đi vui vẻ, mừng rỡ nghĩ đến Phật, niệm Phật, cảnh giới của quý vị có chuyển biến thì nghiệp chướng của quý vị mới tiêu trừ được! Quý vị cần phải biết rằng: Mỗi lần quý vị nghĩ đến là quý vị lại tạo [nghiệp ấy] một lần nữa, quý vị còn sợ tạo nghiệp chưa đủ nhiều hay sao? Tạo nghiệp là tâm, miệng, ý; dù thân và miệng chẳng tạo, nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến cũng giống như tạo thêm một lần nữa, thật đáng sợ lắm!
Vậy thì, làm thế nào để tiêu nghiệp chướng? Đừng nghĩ đến nữa, chúng ta nghĩ từ nay đã chấm dứt rồi, đã ngưng hẳn rồi; từ nay trở đi, chỉ nghĩ đến Phật, nghĩ trong kinh đức Phật răn dạy bao điều để chuyển biến ý niệm, có vậy mới hòng tiêu trừ nghiệp chướng. Niệm Phật công phu như vậy mới đắc lực, tự nhiên xa lìa hết thảy lo sợ, vọng tưởng, đấy là chính là điều đức Phật thường răn dạy chúng ta. Chúng ta nghe được Phật pháp Đại Thừa, thật là hy hữu! Bởi thế, phải sanh tâm hoan hỷ.
"Ở riêng nơi thanh vắng", tâm phải tịnh, tâm phải định. "Như trụ a-lan-nhã": A-lan-nhã là hoàn cảnh hết sức u tịch. Hoàn cảnh thanh tịnh giúp ích rất nhiều cho việc tu hành của chính mình. "Chí cầu đạo vô thượng": Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là đạo vô thượng. Điều đầu tiên là phải tự biết làm thế nào để tiêu nghiệp chướng, làm thế nào để tiêu trừ vọng tưởng, xác định phương hướng mục tiêu tu học của chính mình, chỗ thực hiện vẫn là nương theo những điều đức Phật chỉ dạy.
Chánh kinh:
Bất ưng kiến nhân quá.
不應見人過。
(Chẳng nên thấy lỗi người)
Ở phần trên, đức Phật đã dạy chúng ta phương pháp thứ nhất, tức phương pháp trọng yếu nhất: Chẳng tìm lỗi người, [tức là] chẳng thấy lỗi người khác đấy!
Chánh kinh:
Tự vị tối tôn thắng
自謂最尊勝。
(Tự bảo tôn thắng nhất)
Thấy người khác ai cũng có lầm lỗi, tự mình tự tôn tự đại, tự hào mình không mắc lầm lỗi gì, nào biết thấy lỗi người chính là mình có lỗi, phải biết điều này! Nếu quý vị chẳng có lầm lỗi, quý vị sẽ chẳng thấy lỗi người khác. Câu kinh này nói [người cho mình tôn quý nhất] chính là tự tôn tự đại.
Chánh kinh:
Kiêu tứ, phóng dật bổn.
憍恣放逸本。
(Kiêu tứ: gốc phóng dật)
Kiêu tứ (kiêu căng ngạo mạn, ý phóng túng) chính là cội rễ của buông lung, chúng ta phải ngăn ngừa.
Chánh kinh:
Mạc khinh hạ liệt nhân,
Bỉ ư di pháp trung,
Tiệm thứ nhi giải thoát,
莫輕下劣人。
彼於遺法中。
漸次而解脫。
(Chớ khinh kẻ kém hèn,
Họ sẽ trong di pháp,
Lần lượt được giải thoát)
Chớ có khinh khi người kém hèn, thậm chí đối với súc sanh cũng chẳng được khinh mạn chúng. Quý vị thấy đời này chúng mang thân súc sanh, biết đâu nghiệp báo súc sanh của chúng đã mãn, đời sau được làm thân người, niệm Phật vãng sanh, chúng quyết định sẽ thành Phật, còn ta vẫn cứ lẩn quẩn trong sáu đường. Thường có chuyện ấy; vì thế, chẳng được xem thường người khác, cũng có người một khi chuyển sanh sẽ thành tựu vượt trội chúng ta. "Họ sẽ trong di pháp": Di pháp là di giáo của Phật, rất có thể họ sẽ lần lượt được giải thoát, tu hành chứng quả vậy.
Chánh kinh:
Tỳ-kheo tuy phá giới,
Thâm tín ư Tam Bảo,
Thị tắc giải thoát nhân,
Bất ưng kiến kỳ quá.
比丘雖破戒。
深信於三寶。
是則解脫因。
不應見其過。
(Tỳ kheo tuy phá giới,
Nhưng tin sâu Tam Bảo,
Chính là nhân giải thoát,
Chẳng nên thấy lỗi họ)
Ở đây, Phật lại thuyết minh vì sao chẳng nên thấy lỗi người khác? Có đạo lý đấy! Trong Giới kinh thường nói kẻ phá giới Phật vẫn có biện pháp cứu được, nhưng mất chánh kiến, Phật không còn cách nào cứu nổi. Những người kia tuy phá giới, nhưng không phá chánh kiến. Vì sao? Vì họ tin tưởng Tam Bảo sâu xa, vẫn còn cứu được!
Thí dụ rõ ràng nhất là như chuyện pháp sư Oánh Kha đời Tống được chép trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục là một thí dụ rất hay. Lúc còn sống, sư Oánh Kha phá giới, tạo tác rất nhiều ác nghiệp. Sở dĩ sư được cứu là vì tin tưởng Tam Bảo, vẫn tin tưởng nhân quả, tự nghĩ mình nhất định đọa địa ngục A Tỳ. Nghĩ đến chuyện ấy, sư sợ run, cầu hỏi bạn đồng tu có cách nào cứu giúp hay không? Bạn đồng tu của sư cũng rất hiếm có, tặng sư một cuốn Vãng Sanh Truyện, bảo hãy tự xem. Sư đọc thấy người ta niệm Phật vãng sanh, tâm liền chấn động, thật sự phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tâm sư chân thành, khẩn thiết, niệm đến ba ngày ba đêm cảm đức A Di Đà Phật hiện thân.
A Di Đà Phật dạy ông: "Ông còn sống được mười năm nữa, hãy gắng tu tập, mười năm sau, lúc ông mạng chung, ta sẽ đến rước ông". Oánh Kha cũng hiếm có, sư thưa cùng A Di Đà Phật: "Con nghiệp chướng rất nặng, chẳng chống cự nổi những dụ dỗ, mê hoặc, người ta dẫn dụ là con lại phạm tội, phạm tội nữa thì chẳng biết mười năm sau con tạo không biết bao nhiêu là tội nghiệp, con chẳng cần sống thêm mười năm nữa đâu, bây giờ con cứ theo Phật thôi!" Phật cũng từ bi đáp ứng: "Ba ngày sau ta sẽ đến tiếp dẫn ông". Ba ngày sau sư liền vãng sanh.
Kinh A Di Đà nói niệm một ngày, hai ngày đến bảy ngày là thật đấy, chẳng phải giả đâu. Vì sao chúng ta niệm Phật đã lâu như vậy mà chẳng được vãng sanh? Chúng ta chỉ ưa thích vãng sanh nơi cửa miệng, chứ trong tâm tham luyến thế giới này , bỏ chẳng được! Phật biết rất rõ ràng, minh bạch, biết những lời quý vị nói đều là giả, nói không thật, nên Ngài chẳng đến; quý vị thật sự muốn vãng sanh, Phật sẽ đến. Quý vị chẳng nói lời chân thật, miệng đúng, tâm sai, nên có niệm suốt đời, Phật cũng chẳng nghĩ đến, còn người ta niệm chỉ ba ngày là Phật liền nghĩ đến ngay, là vì nguyên nhân nào? Vì thật sự niệm. Nếu như ở đây chúng ta đả Phật thất đúng như thế, niệm Phật bảy ngày liền vãng sanh thì sẽ chẳng còn ai đến đây nữa đâu! Đúng vậy đó, sau bảy ngày là phải chết rồi, còn ai dám đến đây nữa!
Đoạn kinh này nói về người phá giới, nhưng chẳng phá chánh kiến, [vẫn còn là] chánh tri, chánh kiến, chẳng phải là tà tri, tà kiến. Chánh kiến đó là nhân để giải thoát, họ sẽ được cứu, được vãng sanh, không chỉ vãng sanh mà lắm khi phẩm vị vãng sanh còn rất cao nữa kia! Qua kinh điển, chúng ta thấy vua A Xà Thế, chẳng hạn theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, vua từng giết cha, hại mẹ, theo Đề Bà Đạt Đa phá hoại Tăng đoàn, tạo tội ngũ nghịch, thập ác. Đề Bà Đạt Đa đọa địa ngục, còn vua lúc lâm chung mới sám hối, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, Phật bảo nhà vua là thượng phẩm trung sanh, thật là ngoài sức tưởng tượng của chúng ta!
Bởi thế, chúng ta mới hiểu được rằng: Có hai loại người vãng sanh Tịnh Độ, một là hạng bình thời niệm Phật tích công lũy đức, hai là khi lâm chung sám hối, phẩm vị cao hay thấp phụ thuộc sức sám hối của người đó. Vua A Xà Thế chân tâm sám hối, nên đạt được phẩm vị cao như thế. Bởi thế, chúng ta chẳng được khinh mạn những người tạo ác nghiệp, "chẳng nên thấy lỗi họ".
Chánh kinh:
Tồi phục tham sân nan,
Vật kinh ư phóng dật,
Trừ tập pháp ưng nhĩ,
Thị cố bất tu thuyết.
摧伏貪嗔難。
勿驚於放逸。
余習法應爾。
是故不須說。
(Khó dẹp yên tham sân,
Đừng kinh sợ phóng dật,
Trừ tập, pháp phải vậy,
Nên chẳng cần nói nữa)
Bài kệ này cho thấy đức Phật hết sức thông hiểu tình cảm con người. Nói theo phương diện tình cảm con người, chẳng nên khinh mạn những hạng người ấy là vì cớ gì? Phiền não tham - sân - si muốn đoạn trừ rất khó khăn. Biếng trễ, lười nhác, buông lung đều là tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay. "Trừ tập pháp ưng nhĩ" (trừ tập khí, lẽ đương nhiên phải như thế): Thấy những hiện tượng ấy, biết những hiện tượng ấy là chuyện đương nhiên. Cho nên chẳng thấy lỗi người khác. Ôi! Chẳng cần phải nói đến làm chi, phiền não từ vô thỉ đó mà! Kẻ kia chưa phải là thánh nhân, cũng chưa phải là Phật, Bồ Tát tái lai, làm sao không có phiền não cơ chứ?
Vì thế, dù thấy họ có lỗi cũng chẳng cần phải nói đến, hãy ngoảnh lại xét mình, bản thân mình có lỗi đó hay không? Tự xét mình khó lắm nghe! Thấy lỗi người khác dễ ợt! Hệt như tròng mắt chỉ thấy những gì bên ngoài chứ chẳng thấy được chính mình. Như vậy, người giác ngộ chẳng có gì phi thường cả, họ thấy người khác giống như chính mình, ta và người chẳng hai. Thấy người khác có lỗi, họ liền biết chính mình có lỗi ấy, mong mỏi người khác sửa lỗi thế nào thì họ sẽ tự nghiêm chỉnh sửa lỗi [như thế ấy]. Người như vậy có trí huệ, người như vậy khéo tu đấy! Biết tu hành đấy!
Chánh kinh:
Nhược thanh tịnh tỳ-kheo,
Ty tha nhân quá thất,
Thị tối phi chân thật,
Bất danh tu chánh pháp.
若清淨比丘。
伺他人過失。
是最非真實。
不名修正法。
(Nếu tỳ-kheo thanh tịnh,
Bới tìm lỗi người khác,
Là chẳng chân thật nhất,
Chẳng gọi tu chánh pháp)
Nếu là một tỳ-kheo chân chánh thanh tịnh mà lại gây phiền phức cho người khác, tìm lỗi người khác, đức Phật nói kẻ ấy chẳng đúng là tỳ-kheo thanh tịnh, cũng chẳng phải là kẻ chân chánh tu hành, mà là giả, là giả vờ đó thôi!
Chánh kinh:
Như lý tu hành giả,
Đương tu tự quán sát.
如理修行者。
當須自觀察。
(Kẻ đúng lý tu hành,
Phải nên tự quán sát)
Thực sự là người tu hành thì phải thường tự xét mình, chẳng cần phải nhòm ngó người khác.
Chánh kinh:
Cầu đạo chư tỳ-kheo,
Xả ly ác ngôn luận,
Thường dĩ hoan hỷ tâm,
Độc xử ư nhàn tịnh.
求道諸比丘。
舍離惡言論。
常以歡喜心。
獨處於閑靜。
(Các tỳ-kheo cầu đạo,
Lìa bỏ lời lẽ ác,
Thường dùng tâm hoan hỷ,
Ở riêng nơi thanh vắng)
Đây là một tấm gương tu hành. Thật sự là người tu hành thì nhất định phải ít nói, ngôn ngữ phải nhu hòa, thanh tịnh, hoan hỷ, an tịnh, đúng như thường nói: "Nhiều sự chẳng bằng ít sự; ít sự chẳng bằng vô sự". Đấy mới là người chân chánh tu hành vậy! Trong đoạn này tổng cộng có hai mươi bốn bài kệ, trùng tụng đại ý đã nói trong phần trường hàng. Đoạn kinh văn tiếp theo đây là đoạn kinh tổng kết.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát phục bạch Phật ngôn:
- Hy hữu Thế Tôn! Đam trước hội náo, nãi hữu như thị vô lượng quá ác.
爾時。彌勒菩薩復白佛言。希有世尊。耽著憒鬧。乃有如是。無量過惡。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát lại bạch Phật rằng:
- Hy hữu thay, bạch đức Thế Tôn! Mê đắm ồn náo bèn có vô lượng lỗi ác như thế)
Di Lặc Bồ Tát nghe đức Phật tuyên thuyết rất cảm khái, bèn thưa: "Tham ái, ưa thích ồn náo có nhiều lỗi ác như thế đó".
Chánh kinh:
Thoái thất công đức, vô hữu lợi ích, tăng trưởng phiền não, đọa chư ác thú, viễn ly bạch pháp.
退失功德。無有利益。增長煩惱。墮諸惡趣。遠離白法。
(Lui sụt công đức, chẳng có lợi ích, tăng trưởng phiền não, đọa các đường ác, xa lìa bạch pháp)
"Bạch pháp" là thiện pháp. [Kẻ ấy] toàn là tạo ác pháp, chẳng phải là thiện pháp.
Chánh kinh:
Hà hữu Bồ Tát cầu thiện pháp giả, văn thị quá thất, nhi bất nhạo ư độc xử nhàn tịnh.
何有菩薩。求善法者。聞是過失。而不樂於。獨處閑靜。
(Có vị Bồ Tát nào cầu thiện pháp, nghe những lỗi ấy, mà chẳng thích ở riêng nơi thanh vắng ư?)
Đây là lời khích lệ chúng ta. Ngài nói có Bồ Tát nào cầu thiện pháp, nghe giảng nhiều lỗi lầm của việc ưa thích ồn náo như thế mà vẫn chẳng chịu buông bỏ chăng? Vẫn chẳng tìm một nơi an tịnh để tu học hay chăng?
8.5. Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán ngôn luận thế gian có hai mươi lỗi lớn
8.5.a. Trường hàng:
Phần dưới đây nói ngôn luận thế gian có hai mươi lỗi lớn, xin hãy xem kinh văn:
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Vân hà danh vi thế thoại trung quá, nhược quán sát thời, Bồ Tát ưng trụ quyết định chi nghĩa. Do quán thị nghĩa, bất sanh nhiệt não.
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。云何名為。世話中過。若觀察時。菩薩應住。決定之義。由觀是義。不生熱惱。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm của ngôn luận thế gian để khi Bồ Tát quán sát sẽ trụ vào nghĩa quyết định. Do quán nghĩa ấy, chẳng sanh nhiệt não).
Lời lẽ thỉnh pháp của Di Lặc Bồ Tát chẳng khó hiểu gì, chỉ e các vị đồng tu nghi hoặc chữ "quyết định nghĩa". Chữ "quyết định nghĩa" trong câu "Bồ Tát ưng trụ quyết định nghĩa" chỉ sự lý chân thật. Kinh Bát Nhã giảng Thật Tướng của các pháp, hiện thời ta gọi [Thật Tướng] là chân tướng của nhân sanh vũ trụ. Các vị ấy phải trụ, phải nên trụ trong chân tướng của nhân sanh vũ trụ. Có thể tu học như thế thì mới chẳng sanh phiền não.
Chánh kinh:
Phật ngôn:
- Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát thế thoại quá thất, hữu nhị thập chủng. Nhược quán sát thời, năng linh Bồ Tát trụ quyết định nghĩa; do quán thị nghĩa, bất sanh nhiệt não.
佛言彌勒。初業菩薩。應當觀察。世話過失。有二十種。若觀察時。能令菩薩。住決定義。由觀是義。不生熱惱。
(Phật dạy:
- Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát hãy nên quán sát ngôn luận thế gian có hai mươi thứ lầm lỗi. Như khi quán sát sẽ khiến cho Bồ Tát trụ trong nghĩa quyết định; do quán sát nghĩa ấy, chẳng sanh nhiệt não)
Đây là lời Phật đáp chung cho câu hỏi của Bồ Tát Di Lặc. Đích xác là có thể thực hiện được điều ấy, vấn đề là quý vị phải quán sát, đối với lỗi lầm của ngôn luận thế gian cũng như công đức lợi ích do lìa bỏ ngôn luận thế gian, quý vị phải quán sát thấu triệt, hiểu rõ, quý vị mới trụ được nơi "nghĩa quyết định", tâm mới an trụ trong Thật Tướng các pháp, mới chẳng sanh phiền não.
Chánh kinh:
Di Lặc! Vân hà danh vi nhạo ư thế thoại nhị thập chủng quá?
彌勒。云何名為。樂於世話。二十種過。
(Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi lỗi do ưa thích ngôn luận thế gian?)
"Nhạo" (樂) là vui thích, yêu mến. Yêu thích ngôn luận thế gian có hai mươi lỗi, ở đây, đức Phật sẽ giảng cho chúng ta.
Chánh kinh:
Nhất giả, tâm sanh kiêu tứ, bất kính đa văn.
一者。心生憍恣。不敬多聞。
(Một là tâm sanh kiêu ngạo, phóng túng, chẳng kính đa văn)
Chữ "đa văn" chỉ người nghe nhiều Phật pháp; đối với người học rộng đa văn, họ chẳng hề tôn kính. Vì sao? Nói đơn giản, là vì họ biết pháp thế gian quá nhiều, nhân đấy bèn sanh tâm kiêu mạn, kiêu ngạo, ngạo nghễ, ngã mạn, dù hàng tỳ-kheo Bồ Tát xuất gia đọc kinh sách rất nhiều, họ vẫn coi thường, chẳng thèm để vào mắt - chẳng kính đa văn.
Chánh kinh:
Nhị giả, ư chư tránh luận, đa khởi chấp trước.
二者。於諸諍論。多起執著。
(Hai là, hay khởi chấp trước vào các tranh cãi)
Điều này từ xưa đến nay chẳng thể tránh khỏi, tranh chấp rất nhiều! Vì sao có tranh chấp? Vì thành kiến rất sâu.
Chánh kinh:
Tam giả, thất ư chánh niệm, như lý tác ý.
三者。失於正念。如理作意。
(Ba là đánh mất chánh niệm, suy nghĩ đúng lý)
Họ khởi tâm động niệm chẳng đúng lý, cũng chẳng như pháp. "Lý" (理) là chân tướng của nhân sanh vũ trụ, chẳng tương ưng với Lý nên gọi là "đánh mất chánh niệm". Chẳng biết suy nghĩ đúng lý, họ khởi tâm động niệm toàn là sanh phiền não.
Chánh kinh:
Tứ giả, vi sở bất ưng thân đa tháo động.
四者。為所不應。身多躁動。
(Bốn là làm điều chẳng nên làm, thân hay tháo động)
"Vi" (為) là hành vi, là tạo tác, họ tạo tác những điều chẳng nên làm. Thế nào là những điều chẳng nên làm? Chẳng nên tạo nghiệp tam đồ đấy! Nói đơn giản là như trong nhà Phật thường nói: Chẳng nên làm mười ác nghiệp. "Thân hay tháo động": Kẻ ấy cứ khăng khăng gây tạo.
Chánh kinh:
Ngũ giả, tốc tật cao hạ, hoại ư pháp nhẫn.
五者。速疾高下。壞於法忍。
(Năm là nhanh chóng cao thấp, hư hoại pháp nhẫn)
"Cao hạ" ở đây là tâm sanh phân biệt, tâm phân biệt rất mạnh nên sanh ý tưởng cao thấp. Pháp nhẫn chẳng có, chẳng thể nhẫn nại!
Chánh kinh:
Lục giả, tâm thường cang cường.
六者。心常剛強。
(Sáu là tâm thường ương ngạnh).
Tâm ương ngạnh này chướng ngại Thiền Định, chướng ngại trí huệ. Vì thế....
Chánh kinh:
Thiền Định trí huệ tằng bất huân tu. Thất giả, phi thời nhi ngữ, ngôn luận sở triền.
禪定智慧。曾不薰修。七者。非時而語。言論所纏。
(Thiền Định, trí huệ chưa từng huân tu. Bảy là nói chẳng đúng thời, bị ngôn luận ràng buộc)
"Phi thời": Ngôn ngữ có thời tiết, nhân duyên. Vào một lúc nào đó, có những lời chẳng nên nói, họ cứ nói bừa, cứ nói hoài những lời ấy, nên gặp phải rất nhiều chướng nạn; như bây giờ ta thường nói là bị người khác phê bình, bị công kích. Chẳng nên nói những lời nói đấy. Nói năng là cả một nghệ thuật lớn, nhất định phải hiểu rõ thời tiết, nhân duyên. Nơi nào, lúc nào, lời nào chẳng thể nói. Kẻ kia ngu si, chẳng có trí huệ, chẳng nên nói mà cứ nói hoài! Vì thế, bị ngôn luận ràng buộc, tức là bị người khác công kích, phê bình vậy!
Chánh kinh:
Bát giả, bất năng kiên cố chứng ư thánh trí.
八者。不能堅固。証於聖智。
(Tám là chẳng thể kiên cố, chứng thánh trí)
Câu này nói về chứng quả. Đương nhiên đây chẳng phải là việc thuộc khả năng của họ rồi. Chẳng những không thể chứng quả vị sâu, mà quả vị cạn như Tu Đà Hoàn, họ cũng chẳng thể chứng được. Chẳng những không thể chứng thánh quả, nếu chúng ta quan sát kỹ thì công phu niệm Phật của những người ấy cũng chẳng thể thành một khối được! Nếu người niệm Phật thật sự niệm thành một khối, ắt sẽ nắm chắc vãng sanh. Vì vậy, kinh thường gọi [pháp môn Niệm Phật] là "đạo dễ hành" (dị hành đạo). "Dị" (易) là dễ dàng! So với những pháp môn khác thì pháp môn này dễ hơn, chứ thật ra, nó cũng chẳng dễ dàng chi! Nói dễ dàng là so với các pháp khác mà nói đấy!
Các pháp môn khác nhất định phải đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, chứng đắc quả Tu Đà Hoàn mới tính là thành tựu. Người niệm Phật chúng ta, vãng sanh so ra dễ dàng hơn nhiều lắm. Niệm Phật cầu vãng sanh, tám mươi phẩm Hoặc chẳng cần phải đoạn một phẩm nào cả! Chẳng đoạn thì làm như thế nào? Quý vị cần phải có năng lực khống chế chúng nó, sự khống chế ấy gọi là "công phu thành phiến". Khống chế dễ, đoạn mới khó! Cổ nhân đã ví von: "Khống chế" như lấy đá đè cỏ, "đoạn" là nhổ cả rễ, khó lắm!
Chúng ta dùng một câu Phật hiệu để chèn ép phiền não, một ý niệm vừa khởi lên, câu A Di Đà Phật liền đè chặt xuống, một ngày từ sáng đến tối hai mươi bốn tiếng đồng hồ chẳng cho tạp niệm khởi lên; nếu quý vị làm được như vậy sẽ nhờ đó mà vãng sanh. Chúng ta có thể đè giữ phiền não hay không? Phật hiệu chỉ niệm ở ngoài miệng, vọng niệm vẫn cứ khởi như thường thì vô ích, chẳng thể đè giữ được đâu! Chẳng thể dùng cách niệm như vậy để vãng sanh được đâu! Chúng ta phải biết điều này!
Chánh kinh:
Cửu giả, bất vị thiên, long chi sở cung kính.
九者。不為天龍。之所恭敬。
(Chín là chẳng được trời, rồng cung kính)
"Thiên long" chỉ hộ pháp thần. Hộ pháp thần chẳng giúp đỡ quý vị đâu à!
Chánh kinh:
Thập giả, vị biện tài giả thường hoài khinh tiện.
十者。為辯才者。常懷輕賤。
(Mười là bị kẻ biện tài thường ôm lòng khinh rẻ).
Nói thật ra, chẳng phải là người ta thật sự khinh rẻ quý vị đâu nhé; chỉ là người ta tránh xa quý vị, đối với quý vị họ kiềng mặt mà tránh xa! Thật đấy, chẳng phải giả đâu! Chữ "biện tài" chỉ người tu hành công phu đắc lực.
Chánh kinh:
Thập nhất giả, vị thân chứng giả chi sở ha trách.
十一者。為身証者。之所呵責。
(Mười một là bị người thật chứng quở trách)
Chữ "thân chứng" chỉ người thật sự chứng quả. Họ cũng có lúc quở trách quý vị.
Chánh kinh:
Thập nhị giả, bất trụ chánh tín, thường hoài hối hận.
十二者。不住正信。常懷悔恨。
(Mười hai là chẳng trụ chánh tín, thường ôm lòng hối hận)
Họ chẳng thể sanh khởi chánh tín, tín tâm do dự, có lúc tin, có lúc chẳng tin, vì thế họ thường hay sanh lòng hối hận.
Chánh kinh:
Thập tam giả, tâm đa nghi hoặc, dao động bất an.
十三者。心多疑惑。搖動不安。
(Mười ba là tâm hay ngờ vực, dao động chẳng yên)
Nguyên nhân đều là do tham đắm duyên thế gian.
Chánh kinh:
Thập tứ giả, do như xướng kỹ tùy trục âm thanh.
十四者。猶如倡妓。隨逐音聲。
(Mười bốn là giống như đào hát đuổi theo âm thanh).
"Xướng kỹ" là tỷ dụ tâm kẻ ấy bị cảnh chuyển. "Xướng kỹ" nói theo cách bây giờ là diễn viên sân khấu. Diễn viên phải nói theo kịch bản, chứ chẳng do ý mình, tự mình chẳng có chủ kiến gì; xướng ca, múa may mỗi động tác đều phải rập theo phách nhịp. Do người nghe chỉ huy, tự mình chẳng làm chủ được. Ý nghĩa của tỷ dụ này là như thế.
Chánh kinh:
Thập ngũ giả, nhiễm trước chư dục, tùy cảnh lưu chuyển.
十五者。染著諸欲。隨境流轉。
(Mười lăm là nhiễm đắm các dục, xoay chuyển theo cảnh)
Mê đắm ngũ dục, lục trần, nhất định tâm bị cảnh chuyển.
Chánh kinh:
Thập lục giả, bất quán chân thật, phỉ báng chánh pháp.
十六者。不觀真實。誹謗正法。
(Mười sáu là chẳng quán chân thật, phỉ báng chánh pháp)
Quen tu tập tà pháp, gặp chánh pháp chẳng phải là thứ mình quen thuộc, bèn chẳng thể tiếp nhận, xem chánh pháp như tà pháp, coi tà pháp là chánh pháp, việc này trong xã hội hiện tại chúng ta thường thấy rất nhiều.
Chánh kinh:
Thập thất giả, hữu sở hy cầu, thường bất xứng toại.
十七者。有所希求。常不稱遂。
(Mười bảy là có mong cầu chi thường chẳng được toại ý)
Trong nhà Phật thường nói: "Trong cửa Phật hữu cầu tất ứng", mà họ chẳng cầu được! Tâm họ cầu chi cũng chẳng được như nguyện.
Chánh kinh:
Thập bát giả, kỳ tâm bất điều, vị nhân khí xả.
十八者。其心不調。為人棄舍。
(Mười tám là tâm họ chẳng điều phục, bị người khác vứt bỏ)
Bởi lẽ tâm họ lắm phiền não, lắm tri kiến - tức là lắm ý kiến, rất khó hòa đồng với đại chúng. Chẳng thể hòa hợp với đại chúng, đương nhiên họ sẽ bị các đoàn thể khai trừ.
Chánh kinh:
Thập cửu giả, bất tri pháp giới, tùy thuận ác hữu.
十九者。不知法界。隨順惡友。
(Mười chín là chẳng biết pháp giới, tùy thuận bạn ác)
Đối với những lý luận, sự thật của mười pháp giới, kẻ ấy đều chẳng biết gì, đó gọi là mê hoặc điên đảo đấy! Vì thế, kẻ ấy chẳng có tâm xuất ly, cũng chẳng biết phương pháp xuất ly. "Tùy thuận bạn ác": Họ toàn giao du với kẻ ngu si, kẻ lười nhác, đều là bạn làm ác.
Chánh kinh:
Nhị thập giả, bất liễu chư căn, hệ thuộc phiền não.
二十者。不了諸根。繫屬煩惱。
(Hai mươi là các căn chẳng giải thoát, bị phụ thuộc chặt chẽ vào phiền não)
"Chư căn" chỉ chung sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mỗi một căn đều dính chặt với phiền não, chẳng có biện pháp nào để thoát khỏi phiền não. Cuộc sống như vậy khổ sở phi thường, quả báo đương nhiên chẳng thể tưởng tượng nổi.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát nhạo ư thế thoại nhị thập chủng quá.
彌勒。是為菩薩。樂於世話。二十種過。
(Này Di Lặc! Đó là hai mươi lỗi do ưa thích ngôn luận thế gian của Bồ Tát)
Nói thật ra, ưa thích ngôn luận thế gian có vô lượng vô biên lầm lỗi Thế Tôn quy nạp vô lượng vô biên lầm lỗi ấy thành hai mươi loại lớn, nói đại lược cho chúng ta nghe.
8.5.b. Trùng tụng:
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn trùng thuyết kệ ngôn:
爾時世尊。重說偈言。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nhắc lại bằng kệ như sau)
Dưới đây, tổng cộng là hai mươi mốt bài kệ, đều thuộc vào phần Trùng Tụng.
Chánh kinh:
Kiêu ngạo ư đa văn,
Chấp trước chư tránh luận,
Thất niệm, bất chánh tri,
Thị danh thế thoại quá.
憍傲於多聞。
執著諸諍論。
失念不正知。
是名世話過。
(Kiêu ngạo với đa văn,
Chấp trước các tranh cãi,
Mất niệm, không chánh tri,
Gọi là lỗi thế thoại)
Câu thứ nhất trùng tụng ý: "Tâm sanh kiêu mạn, chẳng kính đa văn". Câu thứ hai trùng tụng ý: "Hay khởi lên chấp trước đối với các thứ tranh cãi". Câu thứ ba nhắc lại lỗi thứ ba trong hai mươi lỗi đã nói ở phần trước: "Thất niệm, bất chánh tri". Thất niệm là một loại Tùy Phiền Não. Trong Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận có nói phiền não gồm hai mươi sáu món, trong ấy, có sáu món Căn Bản Phiền Não, hai mươi món là Tùy Phiền Não. Tùy Phiền Não chia ra Đại Tùy, Trung Tùy và Tiểu Tùy. Thất Niệm là một Đại Tùy Phiền Não.
Thế nào là Thất Niệm? Là đối với chánh pháp thường quên mất, cũng như ta nói trí nhớ chẳng tốt, thường hay quên mất. Trong kinh điển, đức Phật giảng đạo lý, phương pháp tu hành, cảnh giới khế nhập, kẻ ấy thường quên mất, đánh mất chánh tri kiến; những điều này đều liên quan đến việc tham chấp, ưa thích ngôn luận thế gian. Vô minh, phiền não, tập khí là nguyên nhân của hết thảy lầm lỗi. Các lỗi đức Phật nói trong kinh này đều có thể gọi là duyên, đã có nhân lại có thêm duyên, quả báo liền hiện, giống như trong kinh đã nói. Bài kệ thứ hai là:
Chánh kinh:
Viễn ly chánh tư duy.
遠離正思惟。
(Xa lìa chánh tư duy)
"Chánh tư duy" là một điều trong Bát Chánh Đạo, kinh điển Đại Thừa còn thường gọi nó là Chánh Tri Chánh Kiến. Tiêu chuẩn của Chánh Tri Chánh Kiến là gì? Nhất định phải tương ứng với chân tướng sự thật, kinh Bát Nhã thường nói tới "Thật Tướng của các pháp", cũng như ta thường nói "chân tướng của nhân sanh vũ trụ". Có tương ứng với Thật Tướng của các pháp thì mới kể là Chánh Tri Chánh Kiến. Do đây biết rằng chánh tri chánh kiến trong Phật pháp hết sức hợp lý, chẳng phải là đoán mò.
Chánh kinh:
Thân tâm bất tịch tĩnh.
身心不寂静。
(Thân tâm chẳng tịch tĩnh).
Tâm rất nhiều vọng niệm, thân lao chao, loạn động. Thân lẫn tâm đều chẳng ngưng lặng được.
Chánh kinh:
Thoái thất ư pháp nhẫn.
退失於法忍。
(Lui sụt nơi Pháp Nhẫn)
Nói đơn giản là kẻ ấy chẳng có lòng nhẫn nại. Không chỉ chẳng có tâm nhẫn nại học Phật, mà ngay cả trong việc làm, sanh hoạt thường ngày, kẻ ấy cũng không có lòng nhẫn nại. Đấy cũng là lỗi hại của việc ưa thích ngôn luận thế gian.
Chánh kinh:
Kỳ tâm bất điều thuận,
Viễn ly Xa-ma-tha,
Cập Tỳ-bát-xá-na,
Thị danh thế thoại quá.
其心不調順。
遠離奢摩他。
及毘缽舍那。
是名世話過。
(Tâm họ chẳng điều thuận,
Xa lìa pháp tu Chỉ,
Cùng là pháp tu Quán.
Đó gọi lỗi thế thoại)
Bài kệ thứ ba luận về dụng công. Ngôn ngữ thế gian cũng gây trở ngại rất lớn cho việc dụng công của chúng ta. "Tâm chẳng điều thuận" nghĩa là trong tâm kẻ ấy vọng tưởng, phiền não, tri kiến rất nhiều, công phu tu hành chẳng đắc lực. Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na đều là tiếng Phạn. Xa-ma-tha (Śamatha) dịch là Chỉ, Tỳ-bát-xá-na (Vipaśyanā) dịch là Quán. Trong Giáo Hạ, thường nói Chỉ Quán là Thiền Định. Thiền (Dhyāna) cũng là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tĩnh Lự. "Tĩnh" (静) nghĩa là Chỉ, "Lự" (慮) nghĩa là Quán. Đủ thấy dù chữ dùng để phiên dịch sai khác, nhưng xét về mặt ý nghĩa, cảnh giới thì hoàn toàn tương đồng. Vì thế, hai câu này bao gồm hết thảy pháp môn trong Phật pháp, tất cả phương pháp tu hành đều gom về hai loại lớn này.
Ta gọi Chỉ là "phóng hạ" (buông xuống); nếu quý vị đem thân, tâm, thế giới, hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông hết cả xuống, bắt đầu từ đó thì gọi là "Xa-ma-tha". Còn nếu quý vị từ "khán phá" (thấy thấu suốt thể tánh của mọi pháp), Tỳ-bát-xá-na là khán phá. Khán phá là thấy rõ ràng sự thật chân tướng, hoàn toàn hiểu rõ, thông đạt, tâm bèn thanh tịnh; từ đó mà nhập đạo thì gọi là "Tỳ-bát-xá-na". Vì thế, nhập Bất Nhị pháp môn, quy nạp lại chẳng ngoài hai phương pháp: Một là Khán Phá, hai là Phóng Hạ. Người ưa thích ngôn luận thế gian, bị trở ngại nơi dụng công tu tập , "xa lìa Xa-ma-tha", Chỉ lẫn Quán đều chẳng thể thành tựu.
Chúng ta niệm Phật, chư vị đồng tu phải biết: Người có thể niệm Phật thì một câu Phật hiệu là Chỉ lẫn Quán. Trong ấy vừa có Chỉ vừa có Quán. Lúc niệm Phật buông xuống vạn duyên, sự gì cũng chẳng nghĩ tới, đó là Chỉ đấy! Hết thảy vọng niệm đều ngưng lặng, đều buông xuống, một câu sáu chữ hồng danh rành mạch, phân minh, minh bạch, rõ ràng, đó là Quán. Trong Đại Tập Kinh, đức Thế Tôn có dạy chúng ta như sau: "Niệm Phật là vô thượng thâm diệu thiền", là do đạo lý này. Vì thế nếu quý vị thật thà niệm Phật, chẳng cần phải tu tham Thiền; niệm Phật là vô thượng thâm diệu Thiền, một câu Phật hiệu có đủ Xa-ma-tha lẫn Tỳ-bát-xá-na!
Tiếp theo là bài kệ thứ tư cho biết ngay trong cuộc sống, cũng nẩy sanh rất nhiều vấn đề.
Chánh kinh:
Bất tôn kính sư trưởng,
Ái nhạo ư thế luận,
Trí huệ bất kiên cố,
Thị danh thế thoại quá.
不尊敬師長。
愛樂於世論。
智慧不堅固。
是名世話過。
(Chẳng tôn kính sư trưởng,
Yêu thích lời thế gian,
Trí huệ chẳng vững vàng,
Đó gọi lỗi thế thoại)
Chữ "sư trưởng" ở đây chỉ các vị thầy dạy chúng ta học Phật pháp, chứ chẳng phải là bậc sư trưởng trong thế gian. Bậc sư trưởng thế gian chẳng dạy ta liễu sanh tử, xuất tam giới; sư trưởng ở đây chỉ vị thầy dạy liễu thoát sanh tử, siêu thoát luân hồi. Do vì quý vị ưa thích ngôn luận thế gian, đương nhiên quý vị quên mất sự nghiệp tu đạo, hoặc tối thiểu cũng là [tu tập] qua quýt, chẳng sốt sắng thực hành; đó là chẳng kính sư trưởng. Bởi lẽ, sư trưởng chẳng cần ta phải thường phụng dưỡng, cung kính; [tôn kính sư trưởng] chẳng có nghĩa như vậy. Thế nào là tôn kính sư trưởng? Y giáo phụng hành mới là tôn kính chân chánh. "Trí huệ chẳng vững vàng", đấy là đạo lý nhất định. Trí huệ chân thật sanh khởi từ tâm thanh tịnh. Tâm quý vị chẳng thanh tịnh làm sao có trí huệ? Bài kệ thứ năm là:
Chánh kinh:
Chư thiên bất cung kính,
Long thần diệc phục nhiên,
Thoái thất ư biện tài,
Thị danh thế thoại quá.
諸天不恭敬。
龍神亦復然。
退失於辯才。
是名世話過。
(Chư thiên chẳng cung kính,
Long thần cũng giống vậy,
Biện tài bị lui sụt,
Đó gọi lỗi thế thoại)
Quý vị chẳng được hộ pháp thiện thần bảo vệ, giúp đỡ. Dẫu có biện tài thì biện tài ấy cũng bị lui sụt. Bài kệ thứ sáu:
Chánh kinh:
Thánh giả thường ha trách,
Như thị đam trước nhân,
Đường quyên ư thọ mạng,
Thị danh thế thoại quá.
聖者常呵責。
如是耽著人。
唐捐於壽命。
是名世話過。
(Bậc thánh thường quở trách,
Kẻ đắm nhiễm như thế,
Để phí uổng thọ mạng,
Đó gọi lỗi thế thoại)
"Thánh giả" là người tu hành chứng quả. Họ trông thấy quý vị, cảm thấy oán tiếc vô cùng cho quý vị. Phải hiểu rằng: Trong vô lượng kiếp, được làm thân người, được nghe Phật pháp, thật vô cùng khó khăn. Trong Phật pháp, khó nhất là được nghe pháp môn Tịnh Độ, thật là hy hữu khôn sánh. Vì sao? Nếu như quý vị tin tưởng sâu xa pháp môn này chẳng nghi ngờ, y giáo phụng hành, bảo đảm trong một đời quý vị sẽ được giải thoát!
Quý vị tu học các pháp môn khác, chưa chắc được vậy đâu! Vì sao? Tu các pháp môn khác phải đoạn Kiến Tư phiền não. Đoạn Kiến Tư phiền não nào phải chuyện dễ dàng. Pháp môn này chẳng cần đoạn phiền não, gọi là "đới nghiệp vãng sanh", cốt sao quý vị tin tưởng, phát nguyện, chịu niệm Phật, quý vị sẽ thành công. Bởi thế, pháp môn này gọi là Đạo Dễ Hành.
Trong hết thảy pháp Đại Thừa, pháp này dễ tu học nhất, dễ thành tựu nhất. Bởi thế, nó là pháp môn hy hữu khó gặp. Gặp được pháp môn này mà vẫn lười nhác, vẫn chẳng buông pháp thế gian xuống được, thật đáng tiếc thay! "Thánh giả" quở trách là vì vậy. Trong câu "đường quyên ư thọ mạng", "đường quyên" (唐捐) là lãng phí. Quý vị bỏ phí thời gian quý báu của một đời này, chẳng dùng vào đạo nghiệp, thật đáng tiếc phi thường!
Chánh kinh:
Chư hạnh giai khiếm giảm,
Viễn ly đại Bồ Đề,
Mạng chung sanh ưu khổ,
Thị danh thế thoại quá.
諸行皆缺減。
遠離大菩提。
命終生憂苦。
是名世話過。
(Các hạnh đều khuyết giảm,
Xa lìa đại Bồ Đề,
Mạng dứt sanh lo khổ,
Đó gọi lỗi thế thoại)
Chữ "chư hạnh" chỉ sự tu hành của người đó. Chúng ta phải hiểu thật rõ ý nghĩa của hai chữ "tu hành". Phải vận dụng công phu tu học của chính mình vào trong sanh hoạt thường nhật, vào công việc, vào sự giao tiếp thông thường, thì mới gọi là "thật sự đắc lực", chân chánh đạt được lợi ích thù thắng nơi Phật pháp. Đây cũng chính là điều tiên sinh Phương Đông Mỹ trong quá khứ thường gọi là sự hưởng thụ tối cao trong đời người vậy! Quý vị thật sự hưởng thụ được.
"Các hạnh đều khuyết giảm" nghĩa là dù quý vị dụng công, cũng chẳng thể áp dụng vào sanh hoạt thường nhật được; trong công việc sanh sống hằng ngày, xử thế, đãi người, tiếp vật toàn là phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nói cách khác, quý vị sử dụng công phu trật khớp đối với cuộc sống. Câu này có nghĩa như thế đó. "Xa lìa đại Bồ Đề": Trong cuộc sống chẳng thể đạt lợi ích, nếu muốn chứng Bồ Đề Niết Bàn thì đương nhiên là càng mờ mịt, chẳng có hy vọng gì. "Mạng dứt sanh lo khổ", chữ "lo khổ" chỉ ba ác đạo. Đấy cũng là do ngôn luận thế gian khiến cho công hạnh của chúng ta bị lỡ làng.
Chánh kinh:
Nghi hoặc tâm động dao,
Do như phong xuy thảo,
Trí huệ bất kiên cố,
Thị danh thế thoại quá.
疑惑心動搖。
猶如風吹草。
智慧不堅固。
是名世話過。
(Tâm ngờ vực lay động,
Như gió thổi rạp cỏ,
Trí huệ chẳng vững vàng.
Đó gọi lỗi thế thoại)
Người nói nhiều chuyện thế gian, đắm chấp tranh luận thế gian, đối với những điều được nói trong kinh điển nhà Phật, dù lý luận, cảnh giới có hay đến đâu, kẻ ấy thường sanh tâm ngờ vực. Vì thế, tâm kẻ ấy bất định, lúc tin, lúc ngờ, lòng tin dao động, tín tâm chẳng thanh tịnh. "Gió thổi cỏ" là tỷ dụ, mang ý nghĩa bất định, đương nhiên trí huệ chẳng vững vàng. Bài kệ tiếp sau là tỷ dụ.
Chánh kinh:
Thí như xướng kỹ nhân,
Tán thuyết tha dũng kiện,
Bỉ nhân diệc phục nhiên,
Thị danh thế thoại quá.
譬如倡妓人。
贊說他勇健。
彼人亦復然。
是名世話過。
(Ví như kẻ hát xướng,
Khen người khác hùng mạnh.
Người kia cũng giống thế.
Đó gọi lỗi thế thoại)
"Xướng kỹ nhân" là người biểu diễn, chẳng phải thật; ta thường gọi là người đóng tuồng. Đóng tuồng chứ không phải thật. Trên sân khấu, họ khen ngợi người nọ là "dũng mãnh" thì chỉ là lời nói trên sàn diễn, chứ người biểu diễn có thật sự mạnh mẽ hay chăng? Chưa hề thấy, họ chỉ diễn vai trò ấy. Giả đấy, chẳng thật đâu! Vì thế, người tu hành [ham thích ngôn luận thế gian] cũng giống như người đóng tuồng, chẳng thật sự thực hiện! Kẻ ấy giả vờ làm, chứ chẳng làm thật. Ý nghĩa của bài kệ này rất sâu, rất rộng vậy. Chúng ta hãy nghĩ kỹ xem mình học Phật là học thật sự hay chỉ là diễn tuồng thôi? Diễn cho chính mình coi hay là diễn cho người khác coi vậy? Rốt cuộc đều uổng công, thật đáng tiếc quá!
Chánh kinh:
Tùy trục thế ngữ ngôn,
Nhiễm trước chư dục cảnh,
Thường hành ư tà đạo,
Thị danh thế thoại quá.
隨逐世語言。
染著諸欲境。
常行於邪道。
是名世話過。
(Ruổi theo lời thế gian,
Nhiễm trước các cảnh dục,
Thường hành theo đạo tà,
Đó gọi lỗi thế thoại).
Đây cũng là lỗi hại của ngôn luận thế gian. Ý nghĩa bài kệ này rất dễ hiểu. "Đạo tà": Những gì chẳng phải do Phật nói, trái nghịch với Phật thì gọi là "đạo tà".
Chánh kinh:
Hy cầu tâm bất toại.
希求心不遂。
(Tâm mong cầu chẳng thỏa)
Có mong cầu nhưng cầu chẳng được, đấy chính là Cầu Bất Đắc Khổ trong Bát Khổ đó!
Chánh kinh:
Siểm khúc, đa tránh luận.
諂曲多諍論。
(Dua vạy, lắm tranh cãi)
Tâm không chánh trực, thích tranh luận.
Chánh kinh:
Viễn ly ư thánh hạnh,
Thị danh thế thoại quá.
遠離於聖行。
是名世話過。
(Xa lìa nơi hạnh thánh,
Đó gọi lỗi thế thoại)
"Thánh hạnh" là Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hạnh là sáu Ba La Mật, mười đại nguyện vương. Kẻ ấy hoàn toàn trái nghịch, xa lìa lục độ và mười nguyện vương. Đây cũng là lỗi hại của ngôn luận thế gian.
Chánh kinh:
Ngu nhân đắc thiểu lợi,
Kỳ tâm thường dao động,
Như viên hầu tháo nhiễu,
Thị danh thế thoại quá.
愚人得少利。
其心常搖動。
如猿猴躁擾。
是名世話過。
(Kẻ ngu được chút lợi,
Tâm hắn thường dao động.
Như vượn khỉ lăng xăng,
Đó gọi lỗi thế thoại)
"Ngu" (愚) là ngu si, không có trí huệ. Được chút ít cho là đủ, một chút lợi ích nhỏ nhoi trước mắt liền cho là đủ. Đối với thánh giáo, thậm chí đối với cả Tây Phương Cực Lạc thế giới của Tịnh Tông, họ lúc thì tin tưởng, lúc thì hoài nghi: "Phương Tây thật sự có thế giới Cực Lạc hay chăng? Mình niệm Phật, A Di Đà Phật có thật sự đến tiếp dẫn mình hay chăng?" Nẩy sanh mối ngờ vực ấy rất phiền. Quý vị đọc kinh Vô Lượng Thọ sẽ biết ngay! Nghi là chướng ngại lớn nhất đối với Bồ Tát, bởi thế căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi ở đây chẳng phải là mối nghi thông thường, mà là hoài nghi thánh giáo, là đại phiền não đó nghe! Nó khiến cho đạo nghiệp của kẻ ấy chẳng thể thành tựu, bởi lẽ tâm kẻ đó phập phều. "Viên hầu tháo nhiễu" là tỷ dụ, cũng như nói là "tâm viên ý mã" (tâm như vượn, ý như ngựa).
Chánh kinh:
Trí huệ đa thoái thất,
Vô hữu giác ngộ tâm,
Ngu giả sở nhiếp trì,
Thị danh thế thoại quá.
智慧多退失。
無有覺悟心。
愚者所攝持。
是名世話過。
(Trí huệ hay lui sụt,
Chẳng có tâm giác ngộ,
Bị kẻ ngu nắm giữ,
Đó gọi lỗi thế thoại)
Tự mình thiếu trí huệ, chẳng giác ngộ, thường bị kẻ ngu bỡn cợt, nắm giữ, khống chế.
Chánh kinh:
Mê hoặc ư nhãn nhĩ,
Nãi chí ý diệc nhiên,
Thường dữ phiền não câu,
Thị danh thế thoại quá.
迷惑於眼耳。
乃至意亦然。
常與煩惱俱。
是名世話過。
(Mắt, tai bị mê hoặc,
Cho đến ý cũng thế,
Thường chung đụng phiền não,
Đó gọi lỗi thế gian)
Đây là sáu căn mê hoặc; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý khởi lên công dụng đều tương ứng với phiền não, đó cũng là lỗi của ngôn luận thế gian.
Chánh kinh:
Ngu nhân nhạo thế thoại,
Tận thọ thường không quá,
Bất như tư nhất nghĩa,
Hoạch lợi vô hữu biên.
愚人樂世話。
盡壽常空過。
不如思一義。
獲利無有邊。
(Kẻ ngu ưa thế thoại,
Trọn đời để luống qua,
Chẳng bằng nghĩ một nghĩa,
Được lợi chẳng ngằn mé)
Trong bài kệ thứ mười lăm này, đức Thế Tôn vừa chỉ dạy vừa khuyên bảo chúng ta. Những ai ham thích "thế thoại"? Chữ "thế thoại" quý vị cần phải nhớ kỹ, phần trên tôi đã nói qua rồi, phạm vi của chữ này hết sức rộng; phàm hết thảy ngôn luận chẳng thể giúp quý vị vượt thoát lục đạo luân hồi đều gọi là "thế thoại". Do đó biết rằng: Người ham thích thế thoại nhiều lắm! Những văn gia trứ danh trong lịch sử đều là những nhân vật đại biểu cho hạng người ưa thích thế thoại.
Chúng tôi nhớ trong quá khứ, khi đại sư Huệ Viễn lập Liên Xã ở Lô Sơn mời những người chí đồng đạo hợp nhóm lại để niệm Phật cộng tu; khi đó, có đại văn học gia Tạ Linh Vận muốn dự vào liên xã liền bị đại sư Huệ Viễn cự tuyệt. Vì sao đại sư Huệ Viễn cự tuyệt? Vì ông Tạ ưa thích văn chương, làm thơ, đó đều là thế thoại. Ông ta có sở thích như thế sẽ làm ảnh hưởng đến tâm thanh tịnh của những người khác. Những người khác ngày ngày niệm kinh, niệm Phật, ông ta ở nơi đó ngâm thơ, viết văn, thì tu hành làm sao được? Đấy là ngu si, chẳng phải thông minh đâu nhé! Ngu si là gì? Là chẳng biết sợ luân hồi lục đạo đấy!
Người có trí huệ nghĩ mọi cách để vượt thoát lục đạo luân hồi. "Trọn đời để luống qua": Trọn cả đời này bỏ uổng. "Chẳng bằng nghĩ một nghĩa": Nói đơn giản, câu này hàm nghĩa: Những kẻ ấy chẳng bằng bà cụ già chẳng biết lấy một chữ nhưng niệm một câu A Di Đà Phật, ngay cả câu A Di Đà Phật bà cụ cũng chẳng hiểu, nhưng bà cụ cũng chẳng quan tâm, cứ niệm mãi một câu A Di Đà Phật, niệm ba năm, năm năm, bà cụ thành công, biết trước lúc mất, đứng yên vãng sanh. Đấy gọi là người có trí huệ, người thông minh, người như vậy chẳng phải là kẻ ngu đâu nhé! "Được lợi không ngằn mé": Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn thành Phật, bèn thành Bồ Tát, lợi ích như thế Phật còn chẳng nói rõ được, chẳng thể nói cùng tận được.
Chánh kinh:
Thí như cam giá vị,
Tuy bất ly bì tiết,
Diệc bất tùng bì tiết,
Nhi đắc ư thắng vị.
譬如甘蔗味。
雖不離皮節。
亦不從皮節。
而得於勝味。
(Ví như vị cây mía,
Tuy chẳng lìa vỏ, đốt;
Cũng chẳng từ vỏ, đốt,
Mà được vị thù thắng)
Ở đây, đức Phật lại nêu một tỷ dụ. Ví như ăn mía. Ba ngàn năm trước chỉ ở Ấn Độ mới có mía, còn chúng ta hiện thời cũng có, mía là thứ mọi người thường thích ăn. Vị mía rất ngọt; vị ngọt ấy chẳng tách rời khỏi vỏ mía hay đốt mía, nhưng cũng chẳng phát sanh từ vỏ mía hay đốt mía. Quý vị suy nghĩ kỹ điều này sẽ nhận hiểu, sẽ hiểu được ý vị ấy. Tiếp theo là diễn giải về mặt pháp [của tỷ dụ trên đây].
Chánh kinh:
Bì tiết như thế thoại,
Nghĩa lý do thắng vị,
Thị cố xả hư ngôn,
Tư duy ư thật nghĩa.
皮節如世話。
義理猶勝味。
是故舍虛言。
思惟於實義。
(Vỏ, đốt như thế thoại,
Nghĩa lý như vị ngon,
Vì thế, bỏ lời rỗng,
Suy nghĩ nghĩa chân thật)
Đạo lý này rất sâu. Vì thế, trước hết Phật phải nói tỷ dụ: Thế thoại giống như vỏ và đốt của cây mía. Chúng ta có cần thế thoại hay không? Cần chứ, chẳng thể rời lìa thế thoại được. Người với người giao tiếp nhau, phải dùng đến ngôn ngữ. Đời trước truyền đạt ý tưởng cho đời sau, hiện tại chúng ta muốn truyền đạt cho người đời sau, tức là lưu lại lịch sử, cũng phải dựa vào văn tự! Ngày nay chúng ta đọc kinh Phật, kinh Phật là văn tự, lời đức Phật nói từ ba ngàn năm trước, bây giờ chúng ta đọc đến hiểu được ý Phật, đều là thuộc thế thoại cả! Do vậy, thế thoại có công dụng, nhưng chẳng được chấp trước, chẳng được tham ái. Tham ái và chấp trước đều sai cả!
Chúng ta cần phải hiểu rõ nghĩa lý của thế thoại, nghĩa lý ấy giống như vị ngọt của cây mía. Thế thoại dù là ngôn ngữ hay văn tự đều giống như vỏ, đốt cây mía. Chúng ta nhai xong nhổ ra, bỏ đi, hưởng mùi vị của nó thôi! "Vì thế, bỏ lời rỗng": Quý vị phải hiểu như thế này, chẳng phải là không cần đến thế thoại, cứ dùng nó nhưng chẳng chấp trước nó là được! Vì thế quý vị phải biết "suy nghĩ nghĩa chân thật", từ ngôn ngữ, văn tự của kinh điển mà thấu hiểu chân tướng của nhân sanh vũ trụ, đấy là điều đức Phật muốn dạy chúng ta.
Chánh kinh:
Trí huệ chư Bồ Tát,
Năng tri thế thoại quá.
智慧諸菩薩。
能知世話過。
(Các Bồ Tát trí huệ,
Biết lỗi của thế thoại)
Những vị Bồ Tát có trí huệ đều biết lỗi hại của việc tham chấp thế thoại. Từ cổ đến nay, các vị tổ sư đại đức trong nhà Phật để lại cho chúng nhiều trước thuật; trong đó không chỉ là Phật pháp tức là lời giảng giải, sớ luận của hết thảy kinh điển, mà ngoài ra các ngài cũng lưu lại rất nhiều văn chương, thi từ. Vậy các ngài có tham chấp [thế thoại] hay không? Không! Nếu là không, tại sao các ngài trước tác những thứ đó? Các ngài có năng lực [làm như thế] chứ không cố ý học; nếu quyết ý học là sai mất rồi. Chúng ta phải quyết ý học đạo mà thôi, làm sao có thể học những thứ đó cho được?
Các ngài có thiên phú ấy, ta hay nói là thiên tài. Các ngài vừa tiếp xúc liền biết, chẳng những biết mà còn biết rất cao minh nữa kia. Các ngài bèn dùng những thứ đó để làm Phật sự, để tiếp dẫn chúng sanh, kết duyên với đại chúng. Như Hoằng Nhất đại sư trong thời cận đại, thế ngữ, thế thoại đều là những điều Ngài đã học trước khi học Phật. Ngài thật sự có thiên tài, giỏi thư pháp, hội họa cũng giỏi. Ngài viết đẹp, vẽ khéo, làm thơ, điêu khắc vàng, đá cũng giỏi, những nghệ thuật thế gian như thế Ngài rất tinh tường. Ngài dùng những tài khéo ấy để làm Phật sự, để làm phương tiện tiếp dẫn chúng sanh. Chúng ta chẳng có thiên tài nên chẳng cần phải cố ý học những thứ ấy, học những thứ ấy là phạm lỗi rồi đấy! Nếu quý vị có năng lực như thế thì cứ việc, còn không có năng lực thì bất tất phải học.
Ấn Quang đại sư rất chất phác; Ấn Quang đại sư viết rất nhiều, quý vị xem kỹ đi: Ngài hoàn toàn chẳng phải là một bậc thư pháp gia, nhưng chữ Ngài viết rất công phu, nhưng nếu luận về nghệ thuật, Ngài không muốn bàn đến. Quý vị quan sát kỹ: Ngài dốc tinh thần vào từng chữ. Vì thế, lão nhân gia dạy người, chữ chỉ cần viết từng nét, từng nét sao cho đúng quy củ là được, chẳng cần phải đẹp! Ngài chẳng muốn làm một vị thư pháp gia thì cần viết chữ đẹp để làm gì? Viết sao cho đoan chánh, thẳng thớm, quy củ, chỉnh tề là được. Ấn Quang đại sư nêu tấm gương như thế, chúng ta phải nhận biết. Đấy chính là gương tốt cho người tu học vậy.
Chánh kinh:
Thường ái nhạo tư duy,
Đệ nhất nghĩa công đức.
常愛樂思惟。
第一義功德。
(Thường ưa thích tư duy
Công đức Đệ Nhất Nghĩa)
Đệ Nhất Nghĩa là Thật Tướng của các pháp, là Chân Như Bản Tánh, là chân tướng của nhân sanh vũ trụ. Nếu như quý vị vẫn chưa hiểu rõ, tôi xin thưa một cách chất phác cùng các vị như sau, một câu "nam mô A Di Đà Phật" là Đệ Nhất Nghĩa. Quý vị cứ thật thà niệm, đem hết tinh thần tập trung vào danh hiệu, niệm mệt bèn nghỉ, nghỉ khỏe rồi lại niệm tiếp, niệm Phật hiệu cho đến khi chẳng có tạp niệm xen lẫn vào đó thì đấy chính là "tư duy Đệ Nhất Nghĩa". Bởi thế, đọc đến kinh văn này mà vẫn chẳng biết thế nào là Đệ Nhất Nghĩa thì phiền lắm đấy.
Chánh kinh:
Pháp vị cập nghĩa vị,
Giải thoát đệ nhất vị,
Thùy hữu trí huệ giả,
Tâm bất sanh hân nhạo?
法味及義味。
解脫第一味。
誰有智慧者。
心不生欣樂
(Pháp vị và nghĩa vị,
Vị giải thoát bậc nhất,
Ai là người trí huệ,
Chẳng sanh lòng vui ưa?)
Phật, Bồ Tát vì chúng ta giảng kinh, thuyết pháp, quý vị nghe xong có chỗ giải ngộ thì đó gọi là "pháp vị". Cùng một bộ kinh, quý vị mỗi ngày đọc tụng, mỗi ngày có điều giải ngộ. Phải làm sao mới có thể giải ngộ được? Vì sao chúng ta niệm mỗi ngày mà chẳng giải ngộ gì? Là vì chúng ta dụng tâm không đúng; phải dùng cái tâm chân thành, tâm cung kính, tâm thanh tịnh thì mới có ý vị, mới có chỗ giải ngộ.
Quý vị không có chỗ giải ngộ tức là tâm quý vị chẳng chân thành, chẳng cung kính, chẳng thanh tịnh, đọc kinh Phật chẳng khác gì đọc báo thì làm sao đúng được? Làm sao có chỗ giải ngộ cơ chứ? Tâm chân thành, cung kính, thanh tịnh thì mỗi lần quý vị niệm một biến đều có chỗ giải ngộ. Ngộ sâu - cạn, rộng - hẹp liên quan rất lớn đối với việc dụng tâm của quý vị. Tâm quý vị càng thanh tịnh thì quý vị ngộ nhập càng sâu, ý nghĩa cũng càng rộng. Đó là pháp vị đấy!
"Nghĩa vị": "Nghĩa" là ngộ nhập cảnh giới, nghĩa lý. "Vị giải thoát bậc nhất": "Giải thoát" là khế nhập cảnh giới. Ba nghĩa này, mỗi nghĩa sau càng sâu hơn nghĩa trước, tức là nghĩa càng về sau càng thù thắng hơn nghĩa trước. Nghĩa vị sâu hơn pháp vị, đệ nhất vị lại càng sâu hơn nghĩa vị. Nói chung đối với mọi người chúng ta, người nghiêm túc học Phật thường có thể đạt được pháp vị. Tâm địa thanh tịnh, chân thành đến mức cực điểm thì mới đạt được nghĩa vị. Trong bài kệ khai kinh, câu "nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa" nói đến nghĩa vị, tức là quý vị hiểu rõ ràng đạo lý, nghĩa thú của lời Phật dạy.
"Đệ nhất vị" là quý vị chứng nhập cảnh giới, tức là chứng quả. Nghĩa thứ nhất là nghe nói, nghĩa thứ hai là hiểu rõ, nghĩa thứ ba là nhập cảnh giới. Nhập cảnh giới là vị bậc nhất mà quý vị tự nếm được. "Ai người có trí huệ, chẳng sanh lòng vui ưa?": Ai có trí huệ mà chẳng ưa thích việc này? Vị của thế thoại trọn chẳng thể sánh bằng được! Vị của thế thoại cũng rất nồng. Cũng có loại thế thoại rất hay, đọc cả trăm lần chẳng chán, nó có sức quyến rũ như thế. Những tác phẩm văn học hay khiến cho người đọc yêu mến chẳng rời tay thì loại thế thoại ấy cũng có pháp vị, nhưng chẳng có nghĩa vị và đệ nhất vị. Nó cũng có pháp vị, nhưng đương nhiên là chẳng nồng đậm như trong Phật pháp.
Chánh kinh:
Thị cố ưng khí xả,
Vô lợi chư ngôn thoại.
是故應棄舍。
無利諸言話。
(Vì thế, nên vứt bỏ,
Những lời lẽ vô ích)
Đối với chúng ta, chúng chẳng có lợi ích chân thật. Đoạn phiền não, khai trí huệ, liễu sanh tử, thoát tam giới, đấy mới là lợi ích chân thật. Phàm tất cả những gì không có nhũng lợi ích ấy, chúng ta đều phải nên xa lìa.
Chánh kinh:
Thường nhạo cần tư duy,
Thù thắng đệ nhất nghĩa.
常樂勤思惟。
殊勝第一義。
(Thường thích siêng suy nghĩ,
Nghĩa thù thắng bậc nhất)
Đệ Nhất Nghĩa thường được nói tới trong Đại Thừa Phật pháp là Bồ Đề Niết Bàn, còn gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Đây chính là Đệ Nhất Nghĩa chân thật, Đệ Nhất Nghĩa thù thắng.
Chánh kinh:
Như thị đệ nhất pháp,
Chư Phật sở tán thán,
Thị cố minh trí nhân,
Thường nhạo cần tu tập.
如是第一法。
諸佛所贊嘆。
是故明智人。
常樂勤修習。
(Pháp bậc nhất như thế,
Được chư Phật khen ngợi,
Vì thế, người trí sáng,
Thường thích siêng tu tập)
Pháp được hết thảy chư Phật Như Lai khen ngợi chính là đại Bồ Đề, đại Niết Bàn, chư Phật Như Lai đã chứng đắc pháp ấy. Hy vọng hết thảy Bồ Tát nỗ lực tinh tấn, cũng mau chóng chứng đắc. Đấy là nguyện vọng Phật dạy cho chúng sanh.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát phục bạch Phật ngôn:
- Hy hữu Thế Tôn nãi năng thiện thuyết thế thoại quá thất, tư duy thắng nghĩa lợi ích công đức.
爾時。彌勒菩薩。復白佛言。希有世尊。乃能善說。世話過失。思惟勝義。利益功德。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát lại bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Hy hữu thay, Ngài có thể khéo nói lỗi lầm của ngôn luận thế gian và lợi ích công đức của việc tư duy nghĩa lý thù thắng)
Đây là lời Bồ Tát Di Lặc tán thán đức Phật.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Hà hữu Bồ Tát cầu ư Như Lai chân thật trí huệ, nhi phục nhạo ư hư cuống thế thoại.
世尊。何有菩薩。求於如來。真實智慧。而復樂於。虛誑世話.
(Bạch Thế Tôn! Há có Bồ Tát nào cầu trí huệ chân thật của Như Lai mà lại thích những ngôn luận thế gian hư dối ư?)
"Hà hữu Bồ Tát" nghĩa là có Bồ Tát nào hay không? Nếu như Bồ Tát chân chánh cầu chân thật trí huệ nơi tự tánh, thì vị ấy lẽ nào lại ưa thích những ngôn luận thế gian, học thuật thế gian như thế chăng? Đương nhiên vị ấy sẽ vứt bỏ, bởi lẽ, ưa thích ngôn luận thế gian, học thuật thế gian sẽ chẳng thể siêu thoát tam giới. Những lời răn dạy này của đức Thế Tôn đều là những lời răn dạy chân thật, thánh hiền thế gian chẳng thể nói được, chúng ta phải chú tâm thấu hiểu.
Lược Giảng kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo, phần 3 hết
Lược giảng kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo, phần 4
(Nguyên văn: Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký)
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Cư sĩ Truyền Tịnh chỉnh lý
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
8.6. Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát ngủ nghê có hai mươi lỗi lầm lớn
Tiếp theo đây là một đoạn kinh nói ngủ nghê có hai mươi lỗi lầm lớn.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Vân hà danh vi thùy miên trung quá?
爾時。彌勒菩薩。而白佛言。世尊。云何名為睡眠中過。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bèn bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm của ngủ nghê?)
Ngủ nghê có những lỗi hại gì?
Chánh kinh:
Nhược quán sát thời, Bồ Tát ưng đương phát khởi tinh tấn, bất sanh nhiệt não.
若觀察時。菩薩應當。發起精進。不生熱惱。
(Nếu lúc Bồ Tát quán sát sẽ phát khởi tinh tấn, chẳng sanh nhiệt não)
Do đây biết rằng: Những lỗi lầm được nói ở đây đều khiến cho chúng sanh sanh nhiệt não, khởi ngu si; bởi thế, trong đoạn này, đức Phật và Bồ Tát một người hỏi, một người đáp, nhằm mục đích cho chúng ta nghe ké xong sẽ giác ngộ, thức tỉnh, xa lìa những lỗi lầm đó. Tiếp theo là kinh văn:
Chánh kinh:
Phật ngôn:
- Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát thùy miên quá thất, hữu nhị thập chủng, nhược quán sát thời, năng linh Bồ Tát phát khởi tinh tấn, ý lạc vô quyện.
佛言彌勒。初業菩薩。應當觀察。睡眠過失。有二十種。若觀察時。能令菩薩。發起精進。意樂無倦。
(Phật nói:
- Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát hãy nên quán sát ngủ nghê có hai mươi lỗi, nếu lúc quán sát sẽ khiến cho Bồ Tát phát khởi tinh tấn, thỏa ý không mệt mỏi)
Chúng ta hãy coi hai câu cuối Phật nói: "Tinh tấn, thỏa ý không mệt mỏi". Đây đúng là điều người học Phật chúng ta hướng đến, mong đạt được. Làm thế nào mới đạt được? Phải bỏ lìa ngủ nghê mới có thể đạt được! Chúng ta xem tiếp theo đây là hai mươi lỗi của ngủ nghê.
Chánh kinh:
Di Lặc! Vân hà danh vi nhạo ư thùy miên, nhị thập chủng quá?
彌勒。云何名為。樂於睡眠。二十種過。
(Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi lỗi của ham thích ngủ nghỉ?)
Người ham ngủ có hai mươi lầm lỗi.
Chánh kinh:
Nhất giả, giải đãi lãn nọa.
一者。懈怠嬾惰。
(Một là lười nhác, biếng trễ)
Điều này là chuyện đương nhiên, ham ngủ ắt lười nhác, biếng trễ.
Chánh kinh:
Nhị giả, thân thể trầm trọng.
二者。身體沈重。
(Hai là thân thể nặng nề)
Đây cũng là sự thật, nhưng chúng ta thường phớt lờ. Người ngủ nhiều thân thể hiển nhiên thô nặng, nói cách khác là động tác chẳng nhanh nhẹn, chẳng linh hoạt. Trong quá khứ chúng tôi đã từng gặp, trước kia có một vị đồng tu, hiện tại bà đã thay đổi nhiều. Bà ta từng kể với tôi: Trong quá khứ, lúc chưa học Phật rất ham ngủ, mỗi ngày gần như phải ngủ từ mười mấy đến hai mươi tiếng; gần như là hai mươi lỗi lầm bà ta đều có đủ cả, chẳng thiếu một điều nào. Đích xác là nhiều thứ bệnh tật đều do đây mà sanh!
Chánh kinh:
Tam giả, nhan sắc tiều tụy.
三者。顏色憔悴。
(Ba là vẻ mặt tiều tụy)
Đích thị là khuôn mặt bệnh hoạn.
Chánh kinh:
Tứ giả, tăng chư bệnh tật.
四者。增諸疾病。
(Bốn là, tăng thêm các bệnh tật)
Lúc có bệnh, nhất định bệnh nặng thêm; ngủ nhiều cũng gây ra lắm bệnh.
Chánh kinh:
Ngũ giả, hỏa giới luy nhược.
五者。火界羸弱。
(Năm là hỏa giới suy kém)
"Hỏa giới" tức là thân nhiệt. Thân nhiệt chẳng bình thường, so với người khác thân nhiệt sai biệt nhiều, cho thấy thân thể rất yếu.
Chánh kinh:
Lục giả, thực bất tiêu hóa.
六者。食不消化。
(Sáu là ăn không tiêu)
Lúc ngủ, do thân thể không cử động, nhu động (sự co bóp) của bao tử và ruột rất chậm chạp, quý vị ăn gì tiêu hóa cũng chẳng tốt. Nếu ăn nhiều, lại còn tham ăn thì phiền phức rất lớn.
Chánh kinh:
Thất giả, thể sanh sang pháo.
七者。體生瘡皰。
(Bảy là thân thể sanh ghẻ chốc)
Nói như bây giờ là rất dễ bị bịnh ngoài da. Nếu chẳng thường tắm rửa, chẳng thường thay giặt chiếu mền, lúc quý vị ngủ nhiều, quả thật rất dễ bị bệnh ngoài da.
Chánh kinh:
Bát giả, bất cần tu tập.
八者。不勤修習。
(Tám là chẳng siêng tu tập)
Phật dạy chúng ta tu học các pháp môn, nhưng nếu quý vị tham ngủ, ngủ hết sạch thời gian rồi, còn thời gian đâu để tu tập nữa cơ chứ!
Chánh kinh:
Cửu giả, tăng trưởng ngu si.
九者。增長愚癡。
(Chín là tăng trưởng ngu si)
Ngủ nghê là hôn trầm; người hôn trầm là ngu si, chẳng có trí huệ.
Chánh kinh:
Thập giả, trí huệ luy liệt.
十者。智慧羸劣。
(Mười là trí huệ yếu hèn)
Trí huệ kẻ ấy rất tệ, trí huệ rất kém.
Chánh kinh:
Thập nhất giả, bì phu ám trược.
十一者。皮膚闇濁。
(Mười một là da dẻ tối dơ)
Đây là như chúng ta thường nói: "Màu da không tốt". Thoạt nhìn biết ngay kẻ ấy không khỏe, chẳng bình thường.
Chánh kinh:
Thập nhị giả, phi nhân bất kính.
十二者。非人不敬。
(Mười hai là phi nhân chẳng kính)
"Phi nhân" chỉ quỷ thần, hộ pháp thần, đối với người ấy họ đều chẳng sanh lòng cung kính, họ chẳng hộ trì.
Chánh kinh:
Thập tam giả, vi hành ngu độn.
十三者。為行愚鈍。
(Mười ba là hành động ngu độn)
"Hành" (行) có thể hiểu là hành động, mỗi một cử động của kẻ ấy đều rất trì độn, dù nhằm lúc tỉnh táo đi nữa, cũng tựa hồ như đang hôn trầm. Nay chúng ta thường nói là kẻ ấy tinh thần ủy mị, chẳng phấn chấn.
Chánh kinh:
Thập tứ giả, phiền não triền phược.
十四者。煩惱纏縛。
(Mười bốn là phiền não trói buộc)
Lắm phiền não.
Chánh kinh:
Thập ngũ giả, tùy miên phú tâm.
十五者。隨眠覆心。
(Mười lăm là tùy miên che lấp tâm)
"Tùy miên" là thuật ngữ Phật học, có nghĩa là "chủng tử phiền não". Tập khí, chủng tử phiền não trong A-lại-da thức gây chướng ngại cho tâm thanh tịnh của quý vị, chướng ngại trí huệ phát sanh. Vì thế, chúng được gọi là "tùy miên". Tùy miên là chủng tử của tập khí.
Chánh kinh:
Thập lục giả, bất nhạo thiện pháp.
十六者。不樂善法。
(Mười sáu là chẳng ưa pháp lành)
Đối với hết thảy pháp lành, chẳng sanh lòng hoan hỷ, mà cũng có thể nói là kẻ ấy chẳng có tinh thần, chẳng nghĩ đến việc làm những pháp lành ấy nữa.
Chánh kinh:
Thập thất giả, bạch pháp giảm tổn.
十七者。白法減損。
(Mười bảy là bạch pháp hao tổn)
"Bạch pháp" là thiện pháp. Kẻ ấy điều thiện ngày một ít, làm ác ngày một nhiều.
Chánh kinh:
Thập bát giả, hành hạ liệt hạnh.
十八者。行下劣行。
(Mười tám là làm hạnh hèn kém)
"Hạ liệt hạnh" là điều ác kẻ ấy làm ngày càng chồng chất, điều thiện ngày càng giảm ít.
Chánh kinh:
Thập cửu giả, tắng hiềm tinh tấn.
十九者。憎嫌精進。
(Mười chín là ghét hiềm người tinh tấn)
Kẻ ấy vẫn có tâm ganh tỵ. Thấy người khác ít ngủ nghỉ, dụng công nhiều, rất tinh tấn, bèn ghen ghét, hiềm hận, giận dữ.
Chánh kinh:
Nhị thập giả, vị nhân khinh tiện.
二十者。為人輕賤。
(Hai mươi là bị người khác khinh rẻ)
Đừng nói là người tu hành, ngay cả mọi người trong thế gian, ai nấy thấy hành vi kẻ ấy như thế thảy đều khinh rẻ, cũng chẳng nể nang kẻ ấy.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát nhạo ư thùy miên nhị thập chủng quá.
彌勒。是為菩薩。樂於睡眠。二十種過。
(Di Lặc! Đây là hai mươi lỗi của Bồ Tát ham thích ngủ nghỉ)
Hai mươi lỗi này đức Phật đã nói ra, chúng ta phải suy nghĩ kỹ. Phần lớn chúng ta đều có thể hiểu được, nhưng nhất định phải hiểu ngủ nghê là hôn trầm, hôn trầm tăng trưởng vô minh, nên nó là một phiền não rất nặng đấy nhé! Những người khéo công phu trong thế gian đều chẳng cần ngủ nhiều. "Ngủ" là một trong năm dục vọng - tài, sắc, danh, thực, thùy. Trong tam giới, chỉ Dục Giới mới có ngủ nghê. Nếu lên đến trời Sắc Giới, năm thứ ấy đều chẳng còn nữa. Người cõi trời Sắc Giới chẳng cần Tài, chúng ta tham của cải! Nếu quý vị bỏ được tánh tham của cải, quý vị sẽ có tư cách lên được trời Sắc Giới. Đoạn được Tài rồi, đoạn được Sắc rồi, Sắc tức là tình dục nam nữ, đoạn sạch rồi, không còn nữa. Danh, họ cũng chẳng cần. Thực (ăn uống): Họ chẳng cần ăn thứ gì; họ cũng chẳng cần ngủ nữa. Người cõi trời Sắc Giới chẳng có ăn uống, chẳng có ngủ nghê. Quý vị nghĩ coi: Họ chẳng ăn uống thì cần dùng tiền để làm chi đây? Bởi thế, họ chẳng tham tài.
Vậy họ duy trì sanh mạng bằng cách nào? Lấy Thiền Duyệt làm thức ăn. Đây là điều phàm phu chúng ta không cách chi tưởng tượng được! Tự nhiên tinh thần họ no đủ, thọ mạng dài lâu, thanh xuân mãi mãi, chẳng già cả chi! Người cõi trời Sắc Giới đắc Thiền Định, Thiền Định là tâm thanh tịnh. Do đây biết rằng, quý vị chưa lìa bỏ năm thứ dục ấy sẽ quyết định ở trong Dục Giới, chẳng thể ở Sắc Giới.
Do đó biết rằng, đừng nói gì là Phật, Bồ Tát, A La Hán bỏ sạch được những dục ấy, ngay cả phàm phu bậc cao trong thế gian (người cõi trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới) cũng đều bỏ sạch được. Bởi thế, đức Phật dạy người tu đạo chúng ta càng ít năm món dục ấy càng hay, biết chúng là phiền não, chẳng phải là những điều tốt.
Phải ít ngủ, ít ăn. Ăn ít thì thân thể quý vị mới khỏe mạnh đấy nhé! Ngàn vạn phần chớ nên mê hoặc, cứ tưởng nhất định phải ăn những đồ ngon, uống những thuốc bổ thì thân thể mới khỏe, gạt người cả đấy! Chẳng hề có đạo lý ấy đâu! Quý vị giở sách lịch sử ra mà xem, những đế vương, đại thần, hào môn (nhà giàu có, quyền uy), quý tộc Trung Quốc thời cổ, ngày ngày đều dùng các đồ bổ tốt nhất trong thế gian, nhưng thọ mạng chẳng dài, chẳng phải là những thí dụ rõ rệt đấy ư? Quý vị hãy quan sát kỹ, đừng có bị dối gạt nữa!
Những điều Phật dạy chúng ta là thật, chẳng phải giả đâu. Chất dinh dưỡng tốt nhất là tâm thanh tịnh. Chất bổ tốt nhất là ít dục vọng, càng ít càng tốt. Ăn uống, mỗi ngày quý vị có thể ăn một bữa là tốt nhất, quý vị nói xem có phải là bớt việc hay không? Ăn một bữa được không? Tuyệt đối là được. Hiện tại vì sao quý vị chưa làm được? Vì quý vị nghĩ là không được, nên không có cách chi [làm được]. Trong Phật pháp thường nói "hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh". Trong tâm quý vị nghĩ: Mỗi ngày nhất định ta phải ăn ba bữa, một bữa không ăn sẽ bị đói. Nếu quý vị nghĩ: Ta mỗi ngày chỉ ăn một bữa, chẳng cần phải ăn tới ba. Ui cha! Quý vị ăn một bữa, hôm ấy chẳng đói. Đây là vấn đề quan niệm, chuyển được ý niệm sẽ đoạn được việc ấy!
Tôi thường giảng kinh ở ngoại quốc, người ta trông thấy hỏi: "Pháp sư! Thật ra thầy dùng thuốc bổ gì vậy? Tôi thấy thân thể ngài khỏe mạnh, dung mạo tươi tốt quá!" Tôi nói: "Tôi thật sự có thuốc bổ -- là nước máy từ công ty nước máy của Đài Loan đấy!" Nếu có ai pha trà, tôi uống trà, không ai pha trà, tôi chẳng tự mình nấu trà. Vì sao vậy? Phiền phức quá! Một chén nước sôi giải khát được rồi, ít phiền, bớt việc.
Có nhiều người cứ tưởng tôi rất sành trà, thật ra, tôi chẳng sành trà. Trà dở, trà ngon, tôi chẳng phân biệt được. Bởi thế, quý vị cúng dường tôi thứ ngon lành gì rất uổng! Thật ra, tôi chẳng biết! Lơ mơ thôi! Chẳng qua, tôi chỉ biết trà người ta tặng tôi đều là trà ngon cả, tôi đem quà ấy tặng cho người khác. Bởi thế, chỉ cần tâm quý vị thanh tịnh, chẳng phân biệt, chẳng nhiễm trước, ắt sẽ mạnh khỏe, sống lâu. Ăn uống càng đơn giản càng tốt. Trước kia, thầy Lý thường dặn tôi: "Đừng vào quán ăn thứ gì, hàng quán thiếu vệ sinh, anh chưa vô nhà bếp coi họ làm, [vô đó coi] anh sẽ hiểu họ làm như thế nào". Bởi thế, có ai mời tôi ra tiệm ăn thứ gì, về nhà tôi phải uống thuốc giải độc. Tốt nhất là đừng ăn ở ngoài, càng đơn giản càng khỏe mạnh, càng đơn giản càng sống lâu.
7.2. Trùng tụng
Tiếp theo đây, chúng ta thấy có hai mươi bài kệ tụng.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn trùng thuyết kệ ngôn:
Thân trọng, vô nghi kiểm,
Giải đãi, thiểu kham nhậm,
Nhan sắc vô quang trạch,
Thị nhạo thùy miên quá.
爾時。世尊重說偈言。
身重無儀檢。
懈怠少堪任。
顏色無光澤。
是樂睡眠過。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:
- Thân nặng, thiếu oai nghi,
Biếng nhác, thiếu năng lực,
Dung mạo chẳng tươi tắn,
Là lỗi thích ngủ nghê)
Ham thích ngủ thân thể nặng nề. "Nghi" (儀) là oai nghi, đương nhiên chẳng có oai nghi, chẳng cần phải nói nữa. "Kiểm" (檢) là tự mình kiểm điểm, kẻ ấy cũng chẳng kiểm điểm, cho nên "biếng nhác, thiếu oai nghi". "Kham nhiệm" là năng lực đảm nhiệm công tác, họ mất hết, chẳng có năng lực làm nổi việc gì, đương nhiên kể cả việc tu đạo, chẳng có năng lực tu đạo. Câu "dung mạo chẳng tươi tắn" nói đến thể chất người đó.
Chánh kinh:
Bỉ nhân thường bệnh não.
彼人常病惱。
(Kẻ ấy thường bệnh khổ)
Lắm bệnh, lắm phiền não.
Chánh kinh:
Phong hoàng đa tích tập.
風黃多積集。
(Phong hoàng chất chứa nhiều)
Có nghĩa là thân thể chẳng mạnh khỏe.
Chánh kinh:
Tứ Đại hỗ vi phản.
四大互違反。
(Tứ Đại trái nghịch nhau)
"Tứ Đại" là Địa, Thủy, Hỏa, Phong; tứ đại chẳng điều hòa sẽ thường sanh bệnh, đây đều là do ngủ nhiều gây ra.
Chánh kinh:
Ẩm thực bất tiêu hóa,
Thân thể vô quang nhuận,
Thanh tê, bất thanh triệt,
Thị nhạo thùy miên quá.
飲食不消化。
身體無光潤。
聲嘶不清徹。
是樂睡眠過。
(Ăn uống chẳng tiêu hóa,
Thân thể chẳng tươi nhuận,
Tiếng rè, chẳng rõ ràng,
Là lỗi thích ngủ nhiều)
"Thanh tê" là âm thanh rè đục, nói năng chẳng rõ ràng. Đấy là lỗi hại của việc ngủ nhiều.
Chánh kinh:
Kỳ thân sanh sang pháo,
Trú dạ thường hôn thùy,
Chư trùng sanh cơ quan,
Thị nhạo thùy miên quá.
其身生瘡皰。
晝夜常昏睡。
諸蟲生機關。
是樂睡眠過。
(Thân mình sanh ghẻ chốc,
Ngày đêm thường mê mờ,
Trùng lắm dịp sanh trưởng,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
"Trùng" (蟲 ) bây giờ ta thường gọi là vi sinh vật và ký sinh trùng. Xác thực là người ngủ nhiều, trong nội tạng có nhiều ký sinh trùng, có những ký sinh trùng chẳng hại gì đến thân thể, nhưng cũng có ký sinh trùng có hại; những loại thông thường này ai cũng có. "Cơ quan" (機關) nói theo cách bây giờ là cơ hội, [ham ngủ nghỉ] tạo nhiều cơ hội cho ký sinh trùng sanh trưởng.
Chánh kinh:
Thoái thất ư tinh tấn,
Phạp thiểu chư tài bảo,
Đa mộng, vô giác ngộ,
Thị nhạo thùy miên quá.
退失於精進。
乏少諸財寶。
多夢無覺悟。
是樂睡眠過。
(Tinh tấn bị lui sụt,
Thiếu thốn các của báu,
Lắm mộng, không giác ngộ,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Người ngủ nhiều đương nhiên tinh tấn chẳng cần bàn đến nữa. Ưa ngủ nghê, năng lực công tác kém người khác, cơ hội kiếm tiền cũng chẳng nhiều. Đó là nguyên nhân "thiếu thốn các của báu". Người hôn trầm nhiều là "đa mộng", đa mộng bèn chẳng giác ngộ. Bởi thế người ngủ ngon, người tâm địa thanh tịnh, rất ít mộng! Những mộng cảnh (cảnh trong mộng) mà người phàm mộng thấy, nếu quý vị lưu ý sẽ có thể dùng những mộng cảnh ấy để khảo nghiệm công phu của chính mình: Ta học Phật nhiều năm như vậy có tiến bộ hay không? Nói chung, trước khi học Phật thường gặp ác mộng, cảnh trong mộng hết sức hỗn loạn. Sau khi học Phật, vọng niệm ít đi, tâm dần dần thanh tịnh, dù có nằm mộng, ác mộng ít hẳn; thậm chí không còn ác mộng nữa, ấy là công phu của quý vị đã tiến lên một nấc.
Nếu từ mộng ít, tiến đến không mộng, công phu của quý vị bèn lại tăng thêm một nấc nữa. Đến lúc chẳng có mộng cảnh, sẽ như đức Phật đã nói "ngủ bốn giờ", tinh thần quý vị nhất định khôi phục rất sung mãn. Thường nằm mộng là giấc ngủ chẳng ổn, thân thể dù nghỉ ngơi, tinh thần chẳng ngơi nghỉ, nên lúc quý vị thức dậy, vẫn cảm thấy rất thiếu ngủ, rất mệt mỏi, đạo lý ở chỗ này! Mọi người chúng ta ngủ không sâu, ngủ không ngon, là do mộng nhiều quá.
Chánh kinh:
Si võng thường tăng trưởng.
癡網常增長。
(Lưới si thường tăng trưởng)
"Võng" (網) tỷ dụ rất nhiều, rất phức tạp. Ngu si tăng trưởng.
Chánh kinh:
Nhạo trước ư chư kiến.
樂著於諸見。
(Vui chấp vào các kiến)
"Kiến" (見) nói theo cách bây giờ là cách nghĩ, cách nhìn rất nhiều. Toàn là suy bậy nghĩ bạ.
Chánh kinh:
Xí thịnh nan liệu trị.
熾盛難療治。
(Lừng lẫy khó chữa trị)
Quý vị vọng tưởng, chấp trước rất nhiều, thật chẳng dễ đối trị. Vì sao chẳng dễ đối trị? Quý vị ngủ nhiều quá.
Chánh kinh:
Tổn giảm ư trí huệ,
Tăng trưởng ư ngu si,
損減於智慧。
增長於愚癡。
(Trí huệ bị tổn giảm,
Ngu si càng tăng trưởng)
Trí huệ giảm ít, ngu si tăng trưởng.
Chánh kinh:
Chí ý thường hạ liệt,
Thị nhạo thùy miên quá.
志意常下劣。
是樂睡眠過。
(Chí ý thường kém hèn,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Người ấy chẳng có chí hướng cao thượng.
Chánh kinh:
Bỉ trụ a-lan-nhã,
Thường hoài giải đãi tâm,
Phi nhân đắc kỳ tiện,
Thị nhạo thùy miên quá.
彼住阿蘭若。
常懷懈怠心。
非人得其便。
是樂睡眠過。
(Kẻ ấy trụ lan-nhã,
Thường ôm lòng giải đãi,
Phi nhân thừa dịp hại,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Người tham ngủ, biếng nhác, lười trễ như thế nếu ở nơi A-lan-nhã lại càng thuận tiện: không ai quấy nhiễu, ngủ càng lâu. Có chuyện đó hay không? Có hạng người như thế đấy! Tôi từng gặp hai vị bế quan, bế quan làm gì? Bế quan để ngủ! Sau khi bế quan ra, các tín đồ tôn trọng, cúng dường, thật phi thường, bế quan mà! Nhưng là bế cái quan nào đâu ai biết! Bế quan để ngủ, trong quan phòng ngủ đẫy giấc.
Tuổi vị pháp sư ấy không chênh lệch tuổi tôi nhiều lắm, đã qua đời lâu rồi. Lúc ông ta bế quan, hỏi mượn tôi kinh sách, tôi thu thập rất nhiều bản kinh sách hay, ông ta hỏi mượn để dụng công trong quan phòng, tôi cũng rất hoan hỷ. Ông ta mượn tôi bộ Trung Quán Luận Sớ, in mộc bản, sách đóng gáy bằng chỉ khâu, gồm mười hai quyển. Đến năm thứ hai - ông ta bế quan đã được một năm rồi - tôi đến thăm ông. Ông kể cho tôi nghe những chuyện trong giới Phật giáo: Tình hình của vị pháp sư chùa này nọ, kể lể rất tường tận, tôi chẳng biết gì cả. Ông ta ở trong quan phòng mà chuyện gì cũng biết, tôi hằng ngày ở ngoài mà chẳng biết chi cả.
Tôi lại hỏi ông ta: "Thầy xem bộ Trung Quán Luận Sớ xong chưa?" Ông ta bảo tôi: "Mười hai cuốn mới xem được nửa cuốn, cuốn thứ nhất vẫn chưa xem xong!" Chẳng phải là bế quan để ngủ tít mù hay sao? Chẳng những là ngủ tít mù, nói chung là hằng ngày thường gặp gỡ người khác, lại còn săn tin, cho nên chuyện gì bên ngoài cũng biết cả. Thế là ý nghĩa bế quan đã mất rồi! "Bế quan" là tìm một nơi thanh tịnh để chân chánh dụng công; dũng mãnh tinh tấn, lìa bỏ hết thảy những sự việc tạp nhạp của thế gian.
Tôi từng gặp hai người như vậy. Đó là "trụ a-lan-nhã, thường ôm lòng giải đãi, phi nhân thừa dịp hại". "Phi nhân thừa dịp hại" là dễ bị ma dựa. Yêu ma quỷ quái thấy biết tâm tư, ý niệm, hành vi của kẻ ấy nên dễ dàng thao túng, khống chế, ta gọi là "ma dựa". Sau khi bị ma dựa, kẻ ấy bị ma lợi dụng. Đó là lỗi của ngủ nghê.
Chánh kinh:
Mông hội thất chánh niệm.
蒙憒失正念。
(Mờ mịt mất chánh niệm)
"Mông hội" nói theo cách bây giờ là hồ đồ, ngu si, hồ đồ đánh mất chánh niệm.
Chánh kinh:
Phúng tụng bất thông lợi.
諷誦不通利。
(Đọc tụng chẳng trôi chảy)
Nghĩa là đọc kinh nhưng chẳng hiểu ý nghĩa kinh, thường quên mất kinh văn.
Chánh kinh:
Thuyết pháp đa phế vong,
Thị nhạo thùy miên quá.
說法多廢忘。
是樂睡眠過。
(Thuyết pháp thường quên mất,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Lúc giảng kinh thuyết pháp, cũng thường hiểu lầm ý Phật, hiểu lệch lạc, quên mất nghĩa chân thật.
Chánh kinh:
Do si khởi mê hoặc,
Trụ ư phiền não trung,
Kỳ tâm bất an lạc,
Thị nhạo thùy miên quá.
由癡起迷惑。
住於煩惱中。
其心不安樂。
是樂睡眠過。
(Do si khởi mê hoặc,
Trụ ở trong phiền não,
Trong lòng chẳng yên vui,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Đó là hiện tượng tất nhiên do ngu si. Vì ngu si ngu si nên khởi mê hoặc, đối với thế pháp lẫn Phật pháp đều chẳng thông đạt, hiểu rõ. Chẳng thông đạt hiểu rõ thì nhất định nghi hoặc trùng trùng, đương nhiên là sanh phiền não, chẳng thể được khinh an! Tâm được yên vui là lợi ích đầu tiên mà người học Phật chúng ta phải đạt được. Học Phật có gì hay? Cái hay đầu tiên là thân tâm yên vui. Nếu chẳng đạt được điều này, quý vị phải nghiêm túc kiểm điểm, phản tỉnh, nhất định quý vị đã học Phật sai lệch, lầm lạc. Nếu không, nhất định phải đạt được lợi ích này. Đây chỉ là công phu nông cạn, chưa phải là công phu rất sâu. Phải đạt được công phu nông cạn nhất, phải đạt lợi ích nhỏ nhất này. Do vậy, chưa học Phật ít phiền não, càng học càng nhiều phiền não, càng học áp lực càng nặng, thì lầm mất rồi, quý vị đi vào ma đạo mất rồi!
Ma là gì? Là vùi dập quý vị. Quý vị chịu sức ép, bị đau khổ là quý vị học ma chứ phải đâu là học Phật! Học Phật nhất định phải được hai thứ yên và vui. Kẻ này chẳng đạt được an lạc là do đã phạm phải lỗi lầm tham ngủ nghê đó mà!
Chánh kinh:
Công đức giai tổn giảm,
Thường sanh ưu hối tâm,
Tăng trưởng chư phiền não,
Thị nhạo thùy miên quá.
功德皆損減。
常生憂悔心。
增長諸煩惱。
是樂睡眠過。
(Công đức đều tổn giảm,
Thường sanh lòng buồn hối,
Các phiền não tăng trưởng,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Đây cũng là lỗi lầm do ham ngủ. "Công đức" khác với phước đức, quý vị phải nhớ cho rõ ràng, rành rẽ. "Công" (功) là công phu, một phần công phu đạt một phần thâu hoạch, điều ấy gọi là "đức" (德). Ví như trì giới hữu công, Thiền Định là đức. Tu Định hữu công, khai trí huệ là đức. Nếu quý vị trì giới chẳng đắc Định thì giới là phước đức, chẳng phải là công đức, bởi lẽ rốt ráo chẳng có đức. Trì giới phải đắc Định.
Có nhiều người trì giới rất giỏi, giới luật rất tinh nghiêm, nhưng chẳng đắc Định. Vì sao chẳng thể đắc Định? Tâm kẻ ấy tán loạn, tự mình trì giới giỏi hơn người khác, trông thấy người khác liền cảm thấy đáng nên kiêu ngạo, kiêu ngạo như thế sẽ chẳng đắc Định, vì lầm lẫn rồi. Bởi vậy, trong kinh này, câu đầu tiên Phật dạy chúng ta là "chẳng cầu lỗi người khác, chẳng nêu tội người khác" rất có đạo lý đó nghe! Lục Tổ từng nói: "Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian".
Quý vị trì giới rất giỏi, chẳng thấy lỗi người khác, quý vị bèn đắc Định, tâm thanh tịnh hiện tiền. Tự mình giới luật rất tinh nghiêm, thấy người này chẳng trì giới, thấy người khác phá giới, kẻ nọ phạm tội, là xong rồi, làm sao quý vị đắc Định cơ chứ? Dù trì giới rất giỏi, vẫn chỉ là một chút si phước trong lục đạo đó thôi, làm sao gọi là công đức cho được? Chẳng có công đức gì! Người tham ngủ chẳng thể thành tựu công đức đâu à! "Thường sanh lòng buồn hối, tăng trưởng các phiền não".
Chánh kinh:
Viễn ly chư thiện hữu,
Diệc bất cầu chánh pháp,
Thường hành phi pháp trung,
Thị nhạo thùy miên quá.
遠離諸善友。
亦不求正法。
常行非法中。
是樂睡眠過。
(Xa lìa các bạn lành,
Cũng chẳng cầu chánh pháp,
Thường làm chuyện phi pháp,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
"Thiện hữu" quá nửa là người tinh tấn, dũng mãnh, quý vị tham ngủ làm sao hợp với họ cho được? Chẳng phải là đồng loại mà! Bạn lành tự nhiên xa lánh quý vị, quý vị tự xa lánh bạn lành, quý vị cũng khó cầu chánh pháp. Hành động như thế tất nhiên trái nghịch lời Phật răn dạy, nên gọi là "phi pháp".
Chánh kinh:
Bất hân cầu pháp lạc,
Tổn giảm chư công đức.
Viễn ly ư bạch pháp,
Thị nhạo thùy miên quá.
不欣求法樂。
損減諸功德。
遠離於白法。
是樂睡眠過。
(Chẳng vui cầu pháp lạc,
Tổn giảm các công đức,
Xa lìa các pháp lành,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Chẳng thể vui thích học Phật, chẳng thể vui thích cầu pháp, nên pháp lạc, pháp hỷ cũng chẳng thể đạt được. Bởi đó, hết thảy những điều kẻ ấy tu học đều chẳng có công đức. Nói theo cách bây giờ, "không có công đức" là chẳng có hiệu quả, chẳng có thành tích. "Công đức" nói theo cách bây giờ là hiệu quả, là thành tích. Dù tu học nhưng chẳng gây được thành tích, quý vị học mà chẳng đạt được mục tiêu dự định. Ví như công đức của người niệm Phật chúng ta là gì? Chẳng phải nói mỗi ngày tôi niệm mười vạn câu Phật hiệu, mỗi ngày tôi tụng mười bộ kinh Vô Lượng Thọ là có công đức đâu nhé! Chẳng phải vậy, mà là quý vị ra sức công phu rồi cuối cùng có đạt được gì hay không? Nếu có đạt được thì quý vị tu mới có công đức, [công đức là] sau khi dụng công đạt được đấy mà!
Đạt được cái gì? Mức thấp nhất là công phu thành phiến. Thế nào là "công phu thành phiến"? Quý vị công phu sao cho dẹp yên hết vọng tưởng, tạp niệm, phiền não, chẳng cho chúng khởi tác dụng, thì gọi là "công phu thành phiến". Ta niệm Phật để làm gì? Dùng Phật để chèn ép tâm tham chẳng cho nó khởi tác dụng. Gặp chuyện chẳng vừa ý, tâm phiền não khởi lên, A Di Đà Phật bèn đè phiền não xuống, thật sự đè nén được, thật sự chẳng khởi tác dụng. Niệm danh hiệu Phật là Công, đè nén được gọi là Đức. Chẳng thể nói một mặt niệm Phật, một mặt khởi phiền não; như vậy là chẳng có tác dụng chi hết. Niệm Phật như thế chẳng gọi là công đức; so ra chỉ tốt hơn nói bậy bạ, chửi người khác một chút thôi, chẳng có công đức!
Công phu sâu hơn nữa là Sự Nhất Tâm Bất Loạn, công phu cao hơn nữa là Lý Nhất Tâm Bất Loạn, đó gọi là công đức. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải minh bạch điều này. Kẻ kia chẳng có tâm chân chánh vui thích cầu pháp, nên đương nhiên chẳng có thành tích, đương nhiên chẳng có hiệu quả? "Xa lìa các bạch pháp": Hết thảy thiện pháp đều chẳng sanh.
Chánh kinh:
Bỉ nhân tâm khiếp nhược,
Hằng thiểu ư hoan hỷ,
Chi phần đa luy sấu,
Thị nhạo thùy miên quá.
彼人心怯弱。
恆少於歡喜。
支分多羸瘦。
是樂睡眠過。
(Kẻ ấy tâm khiếp nhược,
Luôn luôn ít vui mừng,
Chi phần hay yếu gầy,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Bài kệ này ý nói kẻ ngủ nhiều thân tâm chẳng khỏe mạnh. "Tâm khiếp nhược" là trong tâm chẳng khang kiện, lắm nỗi ưu tư, ít vui vẻ. Câu "chi phần..." ý nói tứ chi, tay chân trên thân đều rất gầy yếu. Đó là thân thể chẳng khang kiện.
Chánh kinh:
Tự tri thân giải đãi,
Tật đố tinh tấn giả,
Nhạo thuyết kỳ quá ác,
Thị nhạo thùy miên quá.
自知身懈怠。
嫉妒精進者。
樂說其過惡。
是樂睡眠過。
(Tự biết mình giải đãi,
Ganh ghét người tinh tấn,
Thích nói lỗi kẻ ấy,
Là lỗi thích ngủ nghỉ)
Bản thân kẻ ấy chẳng tinh tấn, giải đãi, tham ngủ, kẻ ấy cũng tự biết, nhưng đối với người tinh tấn dụng công vẫn cứ ghen ghét, vẫn kể tật xấu của người ấy, vẫn kể lỗi lầm của người ấy. Tạo nghiệp đấy! Đấy thật là tội chồng thêm tội!
Chánh kinh:
Trí giả liễu kỳ quá,
Thường ly ư thùy miên.
智者了其過。
常離於睡眠。
(Kẻ trí rõ lỗi ấy,
Thường rời thói ngủ nghỉ)
Phật dùng hai câu này cảnh tỉnh chúng ta, người có trí huệ biết rõ lỗi hại của ngủ nghê, cho nên "thường rời thói ngủ nghỉ", "rời thói ngủ nghỉ" là như đức Phật dạy ta ngủ vào lúc trung dạ. Sơ dạ là từ sáu giờ chiều đến mười giờ đêm, hậu dạ là cuối đêm, nói theo bây giờ là từ hai giờ sáng đến sáu giờ sáng. Phật dạy chúng ta thời gian ngủ là bốn tiếng đồng hồ, mười giờ tối đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy. Thật sự, hiện tại chúng ta làm không được, chúng ta nghiệp chướng rất nặng, ngủ bốn tiếng quả thật thể lực không khôi phục được, bởi thế phải ngủ sáu tiếng. Ngủ sáu tiếng thì nếu như mười giờ đêm đi ngủ, bốn giờ sáng thức dậy; nói chung, mọi đạo tràng hiện tại của chúng ta đều như vậy. Bốn giờ sáng thức dậy tụng khóa sáng, đó là đã trừ hao rồi.
Chánh kinh:
Ngu nhân tăng kiến võng.
愚人增見網。
(Kẻ ngu tăng lưới kiến)
"Tăng" (增) là tăng trưởng, "kiến" (見) là tà tri tà kiến.
Chánh kinh:
Vô lợi, tổn công đức,
Trí giả thường tinh tấn,
Cần tu thanh tịnh đạo.
無利損功德。
智者常精進。
勤修清淨道。
(Không lợi, tổn công đức,
Bậc trí thường tinh tấn,
Siêng tu đạo thanh tịnh)
Một đằng là người ngu si, một đằng là người trí huệ giác ngộ, hành vi chẳng giống nhau.
Chánh kinh:
Ly khổ đắc an lạc,
Chư Phật sở xưng thán.
離苦得安樂。
諸佛所稱嘆。
(Lìa khổ được yên vui,
Được chư Phật khen ngợi)
Ngủ nghỉ là khổ, chẳng phải là chuyện vui, huống gì là tham ngủ! Bởi lẽ, nó có nhiều điều lỗi hại như vừa thuật ở trên.
Chánh kinh:
Thế gian chư kỹ nghệ,
Cập xuất thế công xảo,
Giai do tinh tấn lực,
Trí giả ưng tu tập.
世間諸伎藝。
及出世工巧。
皆由精進力。
智者應修習。
(Các kỹ nghệ thế gian,
Cùng tài khéo xuất thế,
Đều do sức tinh tấn,
Bậc trí nên tu tập)
Các thứ kỹ thuật, kỹ năng thế gian cho đến các tài khéo xuất thế gian đều sanh từ tinh tấn, tuyệt đối chẳng phải là kẻ biếng nhác có thể đạt được! Hiện tại trong thế giới này, do giao thông thuận tiện, nhanh chóng, thông tin phát triển, người ngoại quốc đã nhìn người Trung Quốc chúng ta bằng con mắt khác. Trong quá khứ họ xem thường người Trung Quốc, chẳng tiếp xúc với người Trung Quốc, chỉ nghe nói mà thôi: Người Trung Quốc rất ngu si, rất vụng về, cho nên họ xem thường.
Khi xưa, người Tàu ra ngoại quốc (chẳng hạn như Mỹ quốc) đều làm cu- ly (coolie), chẳng phải là nghề nghiệp cao quý gì. Hiện tại giao thông thuận tiện, nhanh chóng, thông tin phát đại, chúng ta đi ra ngoài nhiều, người ngoại quốc hiểu rồi, họ nói theo lương tâm: Nếu đem so từng người một trên thế giới với nhau, người Trung Quốc hạng nhất. Trí huệ, tài nghệ người Trung Quốc không ai sánh bằng, họ hết sức bội phục. So sánh từng hai người một, người Do Thái bậc nhất. So sánh từng ba người một, người Nhật Bản bậc nhất. Điều này cho thấy người Trung Quốc tuy hết sức ưu tú, thông minh, nhưng chẳng đoàn kết chi cả! Mạnh ai nấy làm, không hợp tác.
Tôi đến Nữu Ước hoằng pháp lần thứ nhất vào năm 1983, gặp người ngoại quốc nói với tôi như thế. Rốt cục, vẫn là chẳng coi trọng, vẫn là xem nhẹ người Trung Quốc, vẫn coi thường. Nói với tôi điều ấy xong, cuối cùng, ông ta hỏi tôi:
- Người Trung Quốc các ông vì sao không đoàn kết?
Câu hỏi này thật hay! Tôi thấy người ngoại quốc toàn là giáo đồ Cơ Đốc (Christian), bèn bảo người ấy:
- Đấy là do Thượng Đế an bài.
Ông ta kinh ngạc, nói:
- Vì sao do Thượng Đế an bài?
Tôi nói:
- Nếu người Trung Quốc đoàn kết lại, các ông chẳng còn cơm ăn đâu!
Mọi người cười cho qua chuyện. Người Trung Quốc đoàn kết, người trên thế giới không có cơm ăn đâu, toàn thế giới này là người Tàu hết! May là người Trung Quốc không đoàn kết, nên bọn họ vẫn có cơm ăn. Nay trong cách nhìn của người ngoại quốc, chẳng dám xem thường người Hoa nữa. Bởi thế, bất cứ dân tộc, quốc gia nào trên toàn thế giới đều sợ Trung Quốc đoàn kết, đấy là điều họ hoảng sợ nhất. Hiện tại chúng ta nói chuyện thống nhất, chuyện đoàn kết, họ sợ chết khiếp, tôi nói thật đấy!
Chánh kinh:
Nhược nhân thú Bồ Đề,
Liễu tri thùy miên quá,
An trụ tinh tấn lực,
Giác ngộ sanh tàm quý,
Thị cố chư trí giả,
Thường sanh tinh tấn tâm,
Xả ly ư thùy miên,
Thủ hộ Bồ Đề chủng.
若人趣菩提。
了知睡眠過。
安住精進力。
覺悟生慚愧。
是故諸智者。
常生精進心。
捨離於睡眠。
守護菩提種。
(Nếu ai hướng Bồ Đề,
Biết rõ lỗi ngủ nghỉ,
An trụ sức tinh tấn,
Giác ngộ sanh hổ thẹn,
Vì thế, những bậc trí,
Thường sanh lòng tinh tấn,
Bỏ lìa thói ngủ nghỉ,
Thủ hộ giống Bồ Đề)
Hai bài kệ cuối cùng là đức Thế Tôn phó chúc chúng ta: Nếu chúng ta có chí hướng liễu sanh tử, xuất tam giới, nhất là niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật, tức là hướng đến Đại Bồ Đề, thì nhất định phải biết những lỗi lầm của ngủ nghê, phải biết bớt ngủ, phải nỗ lực tinh tấn, chúng ta mới hòng thành tựu.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi bạch Phật ngôn:
- Hy hữu Thế Tôn! Nhạo trước thùy miên nãi hữu như thị vô lượng quá thất. Nhược hữu văn giả, bất sanh ưu hối, yếm ly chi tâm, phát khởi tinh tấn, đương tri thị nhân, thậm đại ngu si.
爾時。彌勒菩薩。而白佛言。希有世尊。樂著睡眠。乃有如是。無量過失。若有聞者。不生憂悔。厭離之心。發起精進。當知是人。甚大愚癡。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bèn bạch Phật rằng:
- Hy hữu thay đức Thế Tôn! Tham đắm ngủ nghỉ bèn có vô lượng lỗi lầm như thế. Nếu kẻ nào nghe thấy, chẳng sanh tâm buồn hối, chán lìa, phát khởi tinh tấn, nên biết kẻ ấy hết sức ngu si)
Đoạn cuối cùng là Di Lặc Bồ Tát từ bi vô cùng, Ngài nghe đức Phật răn dạy xong, bèn vì chúng ta tổng kết. Mỗi chữ, mỗi câu trong đoạn này đều là lời khuyến khích, cảnh tỉnh chúng ta, chúng ta phải thấu hiểu. Đúng như đức Thế Tôn vừa nói, tham chấp ngủ nghỉ lỗi hại hết sức nhiều, Phật nói có hai mươi thứ, chẳng qua là nói đại lược đó thôi, trên thực tế là nói không cùng tận. Chúng ta nghe đức Phật răn dạy xong, phải nên hối lỗi, phải nên sám hối. Sám hối như thế nào? Nhất định phải vận dụng tinh thần khắc phục con ma ngủ, phát khởi tinh tấn mới là chân chánh sám hối. Nếu chẳng làm được như vậy thì đúng như Bồ Tát Di Lặc nói: Con người như thế hết sức ngu si! Kẻ ấy nghe Phật dạy rồi vẫn chẳng đổi lỗi, hồi đầu!
Chánh kinh:
Nhược hữu Bồ Tát vị dục chí cầu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề giả, văn thuyết như thị chân thật cú nghĩa, công đức lợi ích, ư chư thiện pháp, nhi sanh giải đãi, bất khởi tinh tấn, trụ Bồ Đề phần, vô hữu thị xứ!
若有菩薩。為欲志求。阿耨多羅三藐三菩提者。聞說如是。真實句義。功德利益。於諸善法。而生懈怠。不起精進。住菩提分。無有是處。
(Nếu có Bồ Tát có chí mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nghe nói cú nghĩa chân thật, công đức lợi ích như thế mà đối với các thiện pháp bèn sanh giải đãi, chẳng khởi tinh tấn, trụ Bồ Đề phần, thì chẳng có lẽ ấy)
Lời tổng kết của Di Lặc Bồ Tát gồm hai đoạn, đoạn trước nói tất cả những ai nghe lời Phật dạy đều phải nên giác ngộ, sám hối, sửa lỗi. Còn nếu là Bồ Tát thì khác với những người bình thường, chí hướng của Bồ Tát là thành Phật. Học Phật nhằm mục đích gì? Học Phật nhất định là phải để thành Phật. Hiện thời, các đồng tu học Phật rất đông, nhưng những người có chí khí như thế chẳng có mấy ai! Tôi học Phật đã hơn bốn mươi năm rồi, trước giờ chưa thấy có một vị nào, hoặc nghe nói có một vị đồng tu nào nói mình mong thành Phật cả; quý vị mới thấy là những người ấy đều chưa đủ tư cách làm Bồ Tát. Đã là Bồ Tát thì mục đích phải là thành Phật. Lúc trẻ, tôi đọc Pháp Bảo Đàn Kinh của Lục Tổ, đọc đến những câu đối đáp khi Lục Tổ gặp Ngũ Tổ, tôi bội phục, năm vóc gieo xuống đất.
Ngũ Tổ hỏi: - Huệ Năng! Ngươi đến đây rốt cuộc là vì lẽ gì?
Lục Tổ đáp rất hay: - Con đến làm Phật.
Thật là tuyệt vời! Đủ thấy chí hướng của Ngài bất phàm. "Làm Phật" là cầu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, từ ngữ này là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là cầu làm Phật. Người chân chánh mong thành Phật, nghe đến lời Phật khai thị, mỗi chữ mỗi câu đều là "cú nghĩa chân thật" (lời răn dạy chân thật), [để đạt được] "công đức lợi ích", mà đối với các thiện pháp vẫn sanh lòng giải đãi, vẫn chẳng tinh tấn, tâm chẳng an trụ nơi đạo mà được chăng? (Bồ Đề tức là Đạo, cũng là thanh tịnh tâm, giác tâm).
Do đây biết rằng: Chúng ta nghe xong chẳng chú ý lắm, nghe giảng ở giảng đường xong, nếu có chuyện gì đó bận tâm, vừa xuống khỏi lầu bèn quên sạch sành sanh, như thế chẳng phải là Bồ Tát! Bồ Tát chẳng giống như thế, Bồ Tát nghe xong liền có tác dụng. Hãy tự kiểm điểm xem chúng ta có khởi tác dụng hay là không?
8.7. Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát rộng lo các việc có hai mươi lỗi lớn
8.7.a. Trường hàng
Đoạn kinh văn tiếp theo đây nói đến những lỗi lầm người hiện thời chúng ta thường phạm. Dù phạm lỗi, vẫn chẳng tự biết lỗi mình, cứ tưởng mình công đức rất lớn. Thật ra, trong sanh hoạt tu trì thường nhật, phàm phu phạm đủ thứ lỗi, nhưng luôn tưởng là công đức, luôn tưởng mình ghê gớm lắm; chẳng hạn như chuyện tham ngủ. Cổ đức nói: "Cơ lai ngật phạn, khổn lai miên" (Đói thì ăn cơm, mệt bèn ngủ). Ngủ như thế chẳng bình thường đâu à! Phải là bậc đại tu hành.
Quý vị tu học bằng công phu nào? Người ta nói: "Đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ" là cách dụng công của họ, quý vị học theo cách dụng công đó thì vô lượng lầm lỗi đã nói ở phần trên, quý vị sẽ có đủ cả! Nhưng cách dụng công của bậc đại tu hành do tổ sư vừa nói đó có lầm lạc, lỗi hại hay là không? Chẳng có! Các ngài bụng đói bèn ăn, mệt bèn ngủ thì được, chúng ta không được! Vì sao vậy? Các vị ấy sanh tử đã xong.
Nói cách khác, các Ngài đã đoạn phiền não, đã liễu sanh tử, không còn lo liệu chuyện gì nữa. Chúng ta chưa đoạn phiền não, vọng niệm rất nhiều, đại sự sanh tử chưa hoàn thành, làm sao an tâm ngủ cho được? Bởi thế, lời Phật, Bồ Tát, tổ sư nói, nhất định chớ nên hiểu lầm, Ngài nói câu ấy với hạng người nào, nói trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải hiểu rõ. Có câu chúng ta học theo được, có câu chẳng thể học! Học theo là hỏng, vì chẳng phải là cảnh giới của chúng ta.
Trong phần trước, tôi có nói sơ nghiệp Bồ Tát và huệ hạnh Bồ Tát cách thức tu hành không giống nhau. Huệ hạnh Bồ Tát là Pháp Thân đại sĩ, Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não đoạn xong rồi, tối thiểu là phá được mấy phẩm vô minh, cho nên cách thức tu hành của các Ngài chẳng giống với hàng sơ học chúng ta. Bọn sơ học chúng ta phải theo quy củ, bởi lẽ, cảnh giới của các Ngài chẳng thể nghĩ bàn, chẳng phải là cảnh giới của phàm phu, Tiểu Thừa, Quyền giáo Bồ Tát, cho nên ta chẳng học theo được. Trong đoạn này cũng vậy, chúng ta phải chú tâm thấu hiểu.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Vân hà danh vi chúng vụ trung quá, nhược quán sát thời, linh chư Bồ Tát bất doanh chúng vụ, cần tu Phật đạo?
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。云何名為。眾務中過。若觀察時。令諸菩薩。不營眾務。勤修佛道。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi của các việc, nếu lúc quán sát sẽ khiến cho Bồ Tát chẳng lo liệu các việc, chăm tu Phật đạo?)
Đây là câu hỏi của Di Lặc Bồ Tát. Thế nào là "chúng vụ trung quá?" Chúng (眾) là rất nhiều, Vụ (務) là sự vụ; rất nhiều sự vụ. "Doanh" (營) là kinh doanh, tạo tác. Quý vị kinh doanh, tạo tác rất nhiều sự vụ, gây trở ngại rất lớn cho sự tu hành, ở đây cũng gồm hai mươi lầm lỗi. Trong câu "nếu lúc quán sát", "quán sát" nghĩa là quý vị hiểu rõ, giác ngộ, biết rõ các sự việc là chướng đạo, là điều người tu hành chẳng nên làm, "khiến cho các Bồ Tát chẳng lo liệu các việc": Chẳng còn kinh doanh tạo tác những việc ấy nữa.
Những sự việc ấy chẳng mảy may liên quan chi đến liễu sanh tử, xuất tam giới. Bởi thế, Phật dạy chúng ta phải "siêng tu Phật đạo". Phật đạo là đạo Chánh Giác, Đại Giác, giác ngộ triệt để rốt ráo vũ trụ nhân sanh nên gọi là Phật đạo. Chẳng những Di Lặc Bồ Tát vì chúng ta khải thỉnh, mà Ngài còn nói rõ mục đích khải thỉnh: "Khiến cho các Bồ Tát chẳng lo liệu các việc, siêng tu Phật đạo". Tiếp theo đây là lời đức Thế Tôn khai thị.
Chánh kinh:
Phật ngôn:
- Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát nhạo doanh chúng vụ nhị thập chủng quá.
佛言彌勒。初業菩薩。應當觀察。樂營眾務。二十種過。
(Phật nói:
- Này Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát nên quán sát hai mươi lỗi lầm của chuyện thích lo liệu các việc)
Quý vị xem những câu đức Thế Tôn đáp lời, câu thứ nhất nói rõ "sơ nghiệp Bồ Tát". Sơ nghiệp Bồ Tát là bọn chúng ta, phiền não chưa đoạn, sanh tử chưa liễu, đã thọ Bồ Tát giới, đã là Bồ Tát, Bồ Tát được nói ở đây là sơ nghiệp Bồ Tát, là phàm phu Bồ Tát. Câu này rất trọng yếu! Bởi lẽ, nếu quý vị đồng tu chú tâm đọc tụng các kinh điển nhà Phật, các trước thuật của các tổ sư đại đức thời cổ, quý vị sẽ thấy rõ: Xưa kia, trong các tự viện, từ trụ trì, đương gia cho đến những người làm các sự vụ, tạp vụ trong các tự viện đều chẳng phải là phàm phu đâu nghe! Họ toàn là chư Phật, Bồ Tát tái lai. Phật, Bồ Tát đại từ đại bi thấy quý vị chân chánh phát tâm, muốn dụng công tu học, các ngài hóa thân đến làm những sự việc để hộ trì quý vị.
Chúng tôi đọc Cao Tăng Truyện, thấy vào những năm đầu đời Đường, Trí Giả Đại Sư ở núi Thiên Thai lúc vãng sanh, đồ đệ hỏi phẩm vị vãng sanh của Ngài; lão nhân gia nói: Nhân vì làm trụ trì, phải quản sự, quản chúng, chuyện gì cũng phải trông coi, đương nhiên sự tu hành của bản thân bị ảnh hưởng, chướng ngại, nên Ngài chỉ vãng sanh trong địa vị Ngũ Phẩm. Địa vị Ngũ Phẩm là đới nghiệp vãng sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ, địa vị này rất thấp, chẳng cao. Nếu Ngài chẳng phải lãnh chúng, chẳng quản trị đồ chúng, chẳng trông nom sự vụ, ắt phẩm vị sẽ cao.
Chuyện này cho thấy Ngài hy sinh phẩm vị để giúp hàng sơ học, nhưng sự hy sinh ấy có giới hạn, giới hạn gì? Quyết định vãng sanh. Ta vãng sanh trong Hạ Hạ Phẩm là được rồi, cốt sao được vãng sanh, giới hạn là đó. Nếu vì phục vụ đại chúng mà tự mình chẳng thể vãng sanh, đời sau vẫn phải luân hồi trong lục đạo, thậm chí đọa tam ác đạo, là lầm lạc quá rồi, đấy tuyệt đối chẳng phải là ý của Phật, Bồ Tát.
Địa Tạng Bồ Tát nói: "Ta chẳng vào địa ngục, ai vào địa ngục?" Chúng ta có vào địa ngục được không? Chúng ta vào địa ngục chẳng được đâu! Các vị phải đạt địa vị như Địa Tạng Bồ Tát mới có thể nói: "Ta chẳng vào địa ngục, ai vào địa ngục?" Phải biết Địa Tạng Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, chẳng phải là Bồ Tát bình phàm. Nếu nói theo khái niệm sơ học Bồ Tát và huệ hạnh Bồ Tát trong kinh này thì Địa Tạng Bồ Tát là huệ hạnh Bồ Tát, chúng ta là sơ học Bồ Tát chẳng thể học đòi Ngài được!
Sơ học Bồ Tát cứ thật thà niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới gặp đức Phật A Di Đà, trí huệ, thần thông, đạo lực của quý vị đều được khôi phục, chẳng khác với đức Phật cho mấy, quý vị mới học theo huệ hạnh Bồ Tát được, quý vị lo liệu các việc chẳng sợ, chẳng chướng ngại. Đấy là nói về Phật, Bồ Tát.
Chúng ta biết Trí Giả đại sư là Thích Ca Mâu Ni Phật hóa thân, Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư là A Di Đà Phật hóa thân, hóa thân lần này mang thân phận làm Trụ Trì lãnh chúng. Còn có vị làm những tạp vụ, việc gì các Ngài cũng làm, đủ thấy cái tâm bình đẳng, chẳng hề chọn lựa, phân biệt. Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù, Phổ Hiền, hai vị làm tạp vụ trong nhà bếp, ở trong bếp lo nổi lửa, gánh nước. Lại còn có hòa thượng Phong Can làm tạp vụ, giã gạo trong nhà bếp, hầu hạ đại chúng. Phong Can là A Di Đà Phật. Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền làm tạp vụ để cúng dường đại chúng đó nghe! Vì sao vậy? Là để lo liệu các việc.
Quý vị nghĩ xem: Thời cổ, trong các đạo tràng ấy có người chân chánh tu hành nên Phật, Bồ Tát đến hầu hạ, chăm sóc. Bởi thế, với bất cứ hạng người nào trong cửa Phật, chúng ta đều phải đối đãi bằng tâm cung kính nhất, bởi chẳng hiểu thân phận họ như thế nào. Quý vị chẳng được nói vì kẻ ấy lo quét dọn, sắp chén trà, tiếp đãi khách bèn coi thường, biết đâu kẻ ấy là A Di Đà Phật thì sao? Quý vị là phàm phu mắt thịt nhìn chẳng ra đâu! Đây chính là nhằm dạy chúng ta phải dùng tâm bình đẳng, tâm chân thành để đối đãi hết thảy mọi người.
Vậy thì phải tu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng ở nơi đâu? Cửa Phật là chỗ tu học tốt nhất. Bởi lẽ, chúng ta biết trên dưới đều có chư Phật, Bồ Tát, A La Hán hỗn tạp trong ấy, quý vị chẳng nhận biết, cũng chẳng hiểu họ là thân phận gì. Cho nên, tốt nhất là cứ nhất loạt bình đẳng cung kính mới khỏi sai lầm, mới là thật sự tu phước. Nếu quý vị có tâm phân biệt, chẳng những công đức quý vị chẳng tu được mà phước đức cũng chẳng tu được luôn! Bởi thế, mới nói rõ sơ nghiệp Bồ Tát "phải nên quán sát": Kẻ ưa thích ("nhạo" là yêu mến, ưa thích) làm đủ mọi việc tạp nhạp, sẽ có hai mươi lỗi lầm. Nội dung bốn chữ "nhạo doanh chúng vụ" có phạm vi vô cùng rộng.
Chánh kinh:
Nhược quán sát thời, năng linh Bồ Tát bất doanh chúng vụ, cần tu Phật đạo.
若觀察時。能令菩薩。不營眾務。勤修佛道。
(Nếu lúc quán sát có thể khiến cho Bồ Tát chẳng lo liệu các việc, siêng tu Phật đạo)
Đây là lời đáp chính cho câu hỏi của Di Lặc Bồ Tát. Mục đích câu hỏi của Di Lặc Bồ Tát là đây: Nếu những kẻ ấy quán sát, hiểu rõ lầm lỗi của các việc, họ sẽ tự nhiên lìa bỏ, chuyên tâm tu đạo.
Chánh kinh:
Di Lặc! Vân hà danh vi nhị thập chủng quá?
彌勒。云何名為。二十種過。
(Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi thứ lỗi?)
Chúng ta hãy nên chú tâm suy nghĩ, chú tâm thấu hiểu đoạn kinh văn này thì mới hiểu được ý Phật ở đâu. Lại phải nên tự lắng lòng phản tỉnh, ta có những bệnh ấy hay chăng? Có những tập khí ấy chăng? Điều này vô cùng trọng yếu.
Chánh kinh:
Nhất giả, đam trước thế gian hạ liệt chi nghiệp.
一者。耽著世間。下劣之業。
(Một là đắm chấp nghiệp hèn kém thế gian)
"Nghiệp" (業) là sự nghiệp, sự nghiệp thế gian. Sự nghiệp thế gian rất nhiều, rất rộng. Chẳng riêng gì Bồ Tát tại gia đắm chấp sự nghiệp thế gian, xuất gia Bồ Tát cũng thường bị phiền não tập khí che đậy, nên cũng tham nhiễm sự nghiệp thế gian. Trước hết, phải hiểu rõ thế gian là gì? Thế gian là lục đạo. Quý vị kinh doanh, tạo tác các sự nghiệp chẳng thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, thì những sự nghiệp ấy là sự nghiệp thế gian.
Quý vị tu thiện, tích đức, tu phước để đời sau sẽ làm Đại Phạm Thiên Vương, là người mà bất cứ vua chúa nào trong thế giới này đều chẳng sánh bằng thì sai quá xá rồi! Dù quý vị làm Đại Phạm Thiên Vương thì vẫn là sự nghiệp thế gian. Quý vị mới hiểu phạm vi của sự nghiệp thế gian rất rộng. "Sự nghiệp hèn kém" là sự nghiệp chẳng tốt lành. "Hèn kém" là gì? Là tam ác đạo trong lục đạo. Quý vị kinh doanh, tạo tác những sự gì? Là sự nghiệp ngạ quỷ đạo, là sự nghiệp súc sanh đạo, là sự nghiệp địa ngục đạo; đó gọi là "nghiệp hèn kém". Nghĩa là sao? Trong kinh này nói rất nhiều, mọi người phải chú tâm thấu hiểu. Ở đây có một tổng cương lãnh (nguyên tắc, nguyên lý chung): Phàm những sự nghiệp nào tăng trưởng tham, sân, si, mạn, ghen ghét thì chúng đều là nghiệp hèn kém; phàm những sự nghiệp nào giảm thiểu tham, sân, si, mạn thì chúng đều là Phật sự.
Quý vị phải nhớ kỹ: Phật sự nhất định giúp con người đoạn phiền não, mở mang trí huệ, được thanh lương tự tại. Nếu tương phản những điều ấy, nó sẽ chẳng phải là sự nghiệp Phật mà đúng là sự nghiệp hèn kém. Bởi thế, đây là một điều chúng ta phải lắng lòng phản tỉnh.
Chánh kinh:
Nhị giả, vị chư độc tụng tu hành tỳ-kheo chi sở khinh tiện.
二者。為諸讀誦。修行比丘。之所輕賤。
(Hai là bị các tỳ-kheo đọc tụng, tu hành khinh rẻ)
"Khinh rẻ": Đại khái, những ai chân chánh tu đạo, chân chánh dụng công, họ chẳng làm phiền quý vị, chẳng kể tội quý vị. Vậy thì khinh rẻ ra sao? Họ kiềng mặt quý vị. Đó là khinh rẻ đấy. Trong Giới kinh, đức Phật dạy đệ tử: "Mặc tẫn". Mặc tẫn nói như cổ nhân Trung Quốc là "kính nhi viễn chi". Tôi rất tôn kính ngài, nhưng tôi tránh xa ngài, "khinh rẻ" nghĩa là như thế đấy.
Chánh kinh:
Tam giả, diệc vị cần tu Thiền Định tỳ-kheo chi sở ha trách.
三者。亦為勤修。禪定比丘。之所呵責。
(Ba là cũng bị tỳ-kheo siêng tu thiền định quở trách)
"Quở trách" cũng là "kính nhi viễn chi, mặc tẫn", trọn chẳng phải là họ đến gặp quý vị, giáo huấn một chập, chửi cho một trận, chẳng hề có đạo lý ấy đâu nhé! Tỳ-kheo siêng tu Thiền Định là người tu hành công phu sâu hơn hạng trước, người nói trong đoạn trên là sơ học, thật sự có y giáo tu hành. Người nói trong phần này là người có công phu kha khá, cũng là người đã đắc Thiền Định, còn người ở phần trên chưa đắc Thiền Định.
Nếu nói theo người niệm Phật chúng ta, thì người "đọc tụng tu hành" trong điều thứ hai là người "công phu thành phiến", người "siêng tu Thiền Định" trong điều thứ ba là người đạt "nhất tâm bất loạn", công phu ấy rất sâu. Bọn họ đối với quý vị đều kính nhi viễn chi.
Chánh kinh:
Tứ giả, tâm thường phát khởi vô thỉ sanh tử, lưu chuyển chi nghiệp.
四者。心常發起。無始生死。流轉之業。
(Bốn là tâm thường phát khởi nghiệp lưu chuyển sanh tử vô thỉ)
Đây là điều nhất định chẳng thể tránh khỏi. Trong tâm kẻ ấy thường nghĩ đến những chuyện mình đang kinh doanh, những sự nghiệp ấy toàn là sự nghiệp luân hồi lục đạo, cho nên nói tâm họ "thường phát khởi", tức là sanh khởi, "vô thỉ sanh tử" tức là tập khí. Trong có tập khí, ngoài có hoàn cảnh, lại chẳng phải là hoàn cảnh tốt đẹp mà là ác cảnh, là cảnh giới chướng đạo! Bởi thế, vẫn y như cũ tạo tác sự nghiệp lưu chuyển sanh tử, luân hồi lục đạo chẳng dứt.
Chánh kinh:
Ngũ giả, hư thực cư sĩ cập bà-la-môn tịnh tâm tín thí.
五者。虛食居士。及婆羅門。淨心信施。
(Năm là luống ăn đồ tín thí của tịnh tâm cư sĩ và bà-la-môn)
Đây là nói về cái nạn của người xuất gia. Xuất gia buông bỏ hết thảy sự nghiệp kiếm sống của thế gian; người thế gian vì cần phải nuôi gia đình, nuôi chính mình nên phải làm những việc kiếm lời, gọi là "sự nghiệp mưu sinh". Xuất gia rồi, buông bỏ hết thảy những sự nghiệp ấy, quý vị chẳng cần phải mưu sinh, tiếp nhận tín đồ cúng dường. Họ cung kính, cúng dường quý vị nhằm mục đích gì? Là vì người xuất gia là phước điền, họ đến gieo phước nơi đấy.
Chúng ta phải tự hỏi: Mình có phải là phước điền hay chăng? Nếu chẳng phải là phước điền, những người ấy đến gieo phước, tương lai dài lâu mà chẳng có kết quả thì sẽ như thế nào đây? Vấn đề rất nghiêm trọng. Bởi thế, nhà Phật thường nói:
Thí chủ nhất lạp mễ,
Đại như Tu-di sơn,
Kim sanh bất liễu đạo,
Phi mao đới giác hoàn
(Một hạt gạo thí chủ,
To như núi Tu Di,
Đời này chẳng liễu đạo,
Mang lông đội sừng đền)
Phải làm sao thì thí chủ mới được phước? Quý vị phải tự tu hành chứng quả, họ mới được phước. Nếu quý vị tu hành chẳng thể chứng quả, đời sau vẫn luân hồi lục đạo thì là chẳng xứng với họ rồi! Tương lai phải trả nợ. Người cúng dường quý vị trong hiện thời toàn là chủ nợ, tương lai đời đời kiếp kiếp quý vị phải đền bồi. Quý vị nhận cúng dường càng nhiều, thời gian trả nợ càng dài, thật đấy, chẳng phải giả đâu. Tổ sư đại đức chẳng dọa chúng ta đâu, câu nào cũng là lời thật.
Bởi thế, chúng ta phải tự hiểu rõ, cẩn thận. Đồ cúng dường của thí chủ, xưa kia gọi là tứ sự: thức ăn, quần áo, đồ nằm, thuốc men lúc bệnh tật, phải giảm mức vật chất sanh hoạt xuống đến mức thấp nhất thì chúng ta mới có thể tiếp nhận, ngõ hầu nhất tâm tu đạo, quyết định chẳng để dư nhiều. Có dư nhiều là tội lỗi. Có dư nhiều dễ tăng trưởng tâm tham, đạo nghiệp chẳng thành tựu. Hiện thời chúng ta nói mình tu Đạo Dễ Hành thì phải thật sự được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nếu không vãng sanh vẫn là "mang lông đội sừng đền".
Chúng ta đã hiểu rõ chân tướng sự thật, đã có tâm cảnh giác thì bạn đồng tu cúng dường mình, cơm áo vừa đủ là được rồi, những thứ dư ra mình đem in kinh, làm băng video, làm băng cassette, CD, tặng cho các đồng tu học Phật tại các đạo tràng trên thế giới để kết duyên cùng họ, dù cho chúng ta "chẳng liễu đạo", những người ấy cũng phải thay ta đền nợ.
Trước hết, phải hiểu rõ điều này: Bởi lẽ, quý vị ai cũng có phần, của cúng dường đều chia cho quý vị, trong tương lai, lúc phải tính sổ, quý vị phải thay tôi bồi hoàn. Cố nhiên mình phải dụng công, nhưng phải nghĩ: Vạn nhất lỡ mình chẳng được vãng sanh thì sao? Phải tính trước đường sau cho vẹn toàn chứ! Ắt phải làm chuyện thật sự lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, phá mê khai ngộ, đó là lợi ích chân thật. Bởi thế, ý nghĩa của điều lỗi thứ năm "luống ăn đồ tín thí của tịnh tâm cư sĩ và bà-la-môn" này rất sâu, "tín thí" là cúng dường đấy!
Chánh kinh:
Lục giả, ư chư tài vật, tâm hoài thủ trước.
六者。於諸財物。心懷取著。
(Sáu là đối với các tài vật, ôm lòng chấp lấy)
Hiện tại chúng ta còn có tập khí này chăng? Đối với tài vật, tâm đã bất động hay chưa? Còn có tâm tham hay không? Phải đoạn trừ đi! Những thứ ấy đều là giả, đều chẳng phải là chân thật, quyết định có hại. Thật sự là trăm điều chẳng có lấy một điều lợi nào cả! Quý vị cần những thứ ấy để làm gì? Chư Phật, Bồ Tát dạy chúng ta: Tùy duyên nhưng chẳng phan duyên, hễ có ý niệm ấy bèn là tâm phan duyên, sao không chướng đạo cho được!
Đạo là gì? Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành, quyết định bị chướng ngại. Quý vị nhất định phải hiểu, điều kiện để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là tâm thanh tịnh, chứ chẳng phải là niệm Phật bao nhiêu thì mới có thể vãng sanh, chẳng có chuyện đó đâu!
Cổ đức thường nói: "Mỗi ngày quý vị niệm Phật mười vạn tiếng, rách toạc cuống họng cũng uổng công". Là vì sao? Chẳng thể vãng sanh. Niệm Phật là cách thức, là phương pháp, mục đích nhắm vào đâu? Tâm thanh tịnh. Hễ vọng niệm khởi lên, một câu A Di Đà Phật đè vọng niệm xuống. Dùng phương pháp ấy để tâm mình được thanh tịnh, tâm tịnh thời quốc độ tịnh. Bởi thế, nếu quý vị có mảy may ý niệm chấp trước, tham keo nào, tâm quý vị chẳng thanh tịnh; chẳng thể không biết điều này. Người niệm Phật rất nhiều, người vãng sanh chẳng nhiều. Vấn đề là ở chỗ này!
Chánh kinh:
Thất giả, thường nhạo quảng doanh thế gian sự vụ.
七者。常樂廣營。世間事務。
(Bảy là thường thích rộng làm sự vụ thế gian)
Ưa thích làm các việc, ngày ngày động cân não, vẫn mong khuếch đại sự nghiệp, người thế gian có ý niệm như thế đã lầm rất to, nếu người xuất gia có ý niệm ấy càng lầm hơn nữa. Chẳng hạn như lập đạo tràng. Cổ nhân dựng đạo tràng là dựa trên nhu cầu thực tế, có bao nhiêu người thì cần phải dựng đạo tràng to theo bấy nhiêu, cách kiến lập là như thế; chẳng phải là dựng sẵn một đạo tràng lớn rồi mới đi kiếm người, chẳng có việc như thế đâu!
Quý vị xem, các tùng lâm, tự viện được tạo dựng trước kia, xem trong sơn chí, xem trong lịch sử, thoạt đầu, vị tổ sư khai sơn dựng một cái chòi tranh để tu đạo, Ngài có đạo hạnh, rất nhiều ngưỡng mộ, theo Ngài tu học, người dần dần càng đông, đông hơn nên phải che thêm một gian bên cạnh, đông hơn nữa lại phải che thêm một gian. Bởi thế, tùng lâm phải qua mấy chục năm, một hai trăm năm mới hình thành, do nhu cầu mới dựng; như vậy mới là đúng. Chẳng phải là cất cho thật to rồi mới đi các nơi kiếm người, kiếm người chẳng thích hợp, hằng ngày cự lộn, gấu ó là lầm mất rồi.
Hiện thời các việc trong nhà Phật chẳng giống với khi trước, quý vị phải lắng lòng chú tâm quán sát. Trước kia như pháp, nay xuất hiện những chuyện chẳng như pháp, đó là điều chúng ta phải phản tỉnh. Đặc biệt là hiện thời khoa học kỹ thuật phát đạt, chẳng cần phải dựng đạo tràng to, thời đại đạo tràng to sẽ bị đào thải theo năm tháng, không còn có tác dụng nữa.
Đạo tràng ngày nay là gì? Mạng lưới quốc tế là đạo tràng hiện tại của chúng ta. Chúng ta cần một nơi rất lớn thì căn nhà này đã rất lớn rồi, chúng tôi giảng kinh ở đây, thâu hình ở đây, thâu hình xong gởi lên mạng lưới quốc tế, toàn thế giới chỉ cần có computer nối vào mạng là hình ảnh xuất hiện liền. Tôi tin là mười năm sau, laptop chỉ lớn bằng một cuốn sách, mỗi cá nhân đều cầm theo, ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần tiếp nhận được tín hiệu, thì nơi đó hoạt động giảng kinh sẽ ở ngay trước mặt, đâu cần phải chạy đến đây nghe kinh, chen chúc, khắp thân mướt mồ hôi nữa! Chọn nơi phong cảnh đẹp đẽ, mở computer lên, hưởng thụ tiêu dao tự tại!
Bởi thế, Phật pháp phải vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hàng đầu, chẳng cần phải tốn nhiều công sức, tiêu tiền oan uổng như trước nữa! Tiền [xây cất đạo tràng] đó là gì? Là chôn xuống đất, biến thành tiền chết, chẳng cử động được. Có ích cho mấy chúng sanh? Người học Phật hiện thời phải hiểu điều này vậy.
Chánh kinh:
Bát giả, niệm kỳ gia nghiệp, thường hoài ưu thán.
八者。念其家業。常懷憂嘆。
(Tám là nghĩ đến gia nghiệp, thường ôm lòng lo lắng, than thở)
Ưa thích kinh doanh sự nghiệp, thường phải lo nghĩ làm cách nào để khuếch trương sự nghiệp. Nói thật ra, bọn họ tiền dùng cả đời chẳng hết, vẫn cứ muốn kiếm tiền. Ý niệm ấy rất lầm, đó là tăng trưởng tham, sân, si, mạn.
Chánh kinh:
Cửu giả, kỳ tánh lang lệ, phát ngôn thô quánh.
九者。其性狠戾。發言麤獷。
(Chín là tánh tình hung tàn, nói năng thô ác)
Người địa vị cao, nghĩa là người phú quý, do họ có tiền của, có địa vị trong xã hội hiện thời bèn cảm thấy đáng nên kiêu ngạo. Có mấy ai thân phận, địa vị tương đương với mình đâu! Kẻ chẳng ngang vai vế, họ chẳng buồn để mắt tới! Đãi người tiếp vật thường khinh mạn. Ở đây, kinh nói ngôn từ, hành vi, thái độ của họ là "hung tàn, thô ác", chính họ cũng chẳng biết.
Chánh kinh:
Thập giả, tâm thường hoài niệm cần tu gia nghiệp.
十者。心常懷念。勤修家業。
(Mười là tâm luôn mong tưởng siêng lo gia nghiệp)
Tâm họ luôn nghĩ đến gia nghiệp, chẳng hề nghĩ đến đạo, chẳng hề nghĩ đến chúng sanh, chỉ nghĩ đến gia nghiệp của chính mình, tiểu đoàn thể của chính mình. Đó là tăng trưởng chấp ngã, tăng trưởng chấp pháp. Phật pháp phá hai chấp, họ lại ngày càng tăng trưởng hai thứ chấp.
Chánh kinh:
Thập nhất giả, ái trước chư vị, tăng trưởng tham dục.
十一者。愛著諸味。增長貪欲。
(Mười một là yêu chấp các vị, tăng trưởng tham dục)
Chữ "vị" (味) ở đây chẳng phải chỉ [mùi vị] thức ăn. Nói theo nghĩa rộng, Vị chính là sự hưởng thụ vật chất, hưởng thụ tinh thần trong hiện tại, hết thảy mọi hưởng thụ đều gồm trong hai chữ "chư vị". "Tăng trưởng tham dục": Tăng trưởng tham tâm, tăng trưởng dục vọng hưởng thụ.
Chánh kinh:
Thập nhị giả, vô lợi dưỡng xứ, bất sanh hoan hỷ.
十二者。無利養處。不生歡喜。
(Mười hai là, đối với chỗ không lợi dưỡng chẳng sanh hoan hỷ)
Những chỗ nào chẳng có lợi cho họ, những nơi nào họ chẳng đạt được danh văn, lợi dưỡng, họ chẳng có hứng thú, họ chẳng sanh tâm hoan hỷ đâu nhé! Họ ở chỗ nào, chỗ đó nhất định phải có thể đạt được danh văn, lợi dưỡng!
Chánh kinh:
Thập tam giả, đa sanh phiền não, chướng ngại chi nghiệp.
十三者。多生惱害。障礙之業。
(Mười ba là hay sanh nghiệp phiền não, chướng ngại)
"Chướng ngại" là chướng đạo, chướng ngại quý vị tu đạo! Họ sanh nhiều phiền não, đương nhiên chướng ngại tu đạo.
Chánh kinh:
Thập tứ giả, thường nhạo thân cận chư ưu-bà-tắc cập ưu-bà-di.
十四者。常樂親近。諸優婆塞。及優婆夷。
(Mười bốn là thường thích thân cận Cận Sự Nam và Cận Sự Nữ)
Đây là nói về Bồ Tát xuất gia, thích kinh doanh các việc nên bèn thích thân cận tín đồ tại gia. Thường thân cận tín đồ tại gia, có giữ mối quan hệ thân thiết với họ thì danh lợi mới hòng đạt được đấy mà! Nói theo cách bây giờ là dốc sạch tâm trí để lôi kéo tín đồ, đó là hạng Bồ Tát ngu si. Hiện thời trong cửa Phật, hiện tượng này rất phổ biến, trong xã hội xưa kia chẳng hề có, chúng ta chưa hề thấy. Một vị pháp sư già cả từng bảo tôi: "Chỉ sau khi đến Đài Loan họ mới biến đổi như thế!"
Lúc tôi thọ giới, hòa thượng truyền giới là lão pháp sư Đạo Nguyên, Ngài bảo tôi: Lúc nhỏ, Ngài xuất gia ở một tự viện miền Bắc Trường Giang. Do chùa miếu nào thời đó cũng có tài sản, có đất cát, có núi non cho nông phu cấy rẽ, tự viện chỉ thu tô nên có lương thực cố định. Bởi thế, chùa viện rất thanh tịnh, chẳng cần đến tín đồ. Tín đồ đến chùa dâng hương, người xuất gia trong chùa đúng là mắt nhìn xuống mũi, mũi cúi xuống ngực, khác nào chẳng thấy gì hết, chẳng cần phải tiếp đãi. Ai sẽ tiếp đãi những tín đồ ấy? Chính là Tri Khách Sư. Vị tri khách có trách nhiệm tiếp đón tín đồ, người chẳng giữ chức vụ ấy trông thấy tín đồ thì một câu cũng chẳng nói.
Quý vị xem đạo tràng ấy rất thanh tịnh, rất trang nghiêm như thế đó! Chẳng giống như bây giờ, một vị khách bên ngoài đến, từ hòa thượng trụ trì cho đến chúng thường trụ đều xoay mòng mòng! Vì sao? Chỉ sợ đắc tội với tín đồ! Ấy là vì đạo tràng hiện thời chẳng có thâu nhập, chẳng có hằng sản (tài sản cố định), hoàn cảnh kinh tế khác hẳn thời xưa. Xưa kia, tự viện tự có lương thực, tiền của, có thâu nhập, chẳng bận tâm tới tín đồ. Bây giờ tín đồ biến thành "y thực phụ mẫu", phải phụ thuộc họ, tình thế như vậy, đâu dám đắc tội! Nhưng thường qua lại với họ, sẽ chẳng có đạo nghiệp, đúng như lời đức Phật dạy ở đây: "Đắm chấp nghiệp thế gian hèn kém!" Sự tình này rất phiền, bởi thế, lẽ được mất, lợi hại chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ để biết nên làm như thế nào.
Chánh kinh:
Thập ngũ giả, đản niệm y thực, nhi độ trú dạ.
十五者。但念衣食。而度晝夜。
(Mười lăm là chỉ nghĩ cơm áo cho qua ngày đêm)
Suốt ngày bôn ba vì cơm áo, tạo phiền não, đủ thấy là việc tu đạo bị sự tình này đoạt mất, chỉ làm qua quít, chứ chẳng tích cực thực hiện.
Chánh kinh:
Thập lục giả, sổ vấn thế gian sở tác sự nghiệp.
十六者。數問世間。所作事業。
(Mười sáu là thường hỏi những việc làm thế gian)
Mở miệng nói năng, những chuyện thường bàn luận đều là chuyện thế gian.
Chánh kinh:
Thập thất giả, thường nhạo phát khởi phi pháp ngữ ngôn.
十七者。常樂發起。非法語言。
(Mười bảy là thường thích thốt ra những lời phi pháp)
"Phi pháp" là những ngôn luận trái nghịch chánh pháp. Tiếp xúc, trò chuyện với họ, mười câu thì gần như hết chín câu là ngôn luận thế gian.
Chánh kinh:
Thập bát giả, thị doanh chúng vụ, nhi khởi kiêu mạn.
十八者。恃營眾務。而起憍慢。
(Mười tám là do cậy lo các việc, bèn khởi kiêu mạn)
"Thị" (恃) là cậy vào. Cậy mình lo liệu rất nhiều việc, mình có sự nghiệp thành công hơn người khác bèn sanh tâm ngạo mạn, tỏ thái độ ngạo mạn, coi thường người khác.
Chánh kinh:
Thập cửu giả, đản cầu nhân quá, bất tự quán sát.
十九者。但求人過。不自觀察。
(Mười chín là chỉ tìm lỗi người, chẳng tự xét mình)
Tìm bới lỗi người, chuyên môn thấy lỗi người khác, chẳng biết đến lỗi mình.
Chánh kinh:
Nhị thập giả, ư thuyết pháp giả, tâm hoài khinh tiện.
二十者。於說法者。心懷輕賤。
(Hai mươi là đối với người thuyết pháp, ôm lòng khinh rẻ)
Đối với người chân chánh thuyết pháp tu hành, họ xem thường, cho là chẳng có thành tựu gì lớn lao, cậy mình kinh doanh sự nghiệp đúng cách.
Đức Phật vì chúng ta nói ra hai mươi lỗi, chứ thật ra, ta phải hiểu đó chỉ là hai mươi loại lỗi lớn, trong mỗi một lỗi lại chẳng biết là có bao nhiêu lầm lỗi!
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vi Bồ Tát nhạo doanh chúng vụ nhị thập chủng quá.
彌勒。是為菩薩。樂營眾務。二十種過。
(Di Lặc! Đấy là hai mươi lỗi của Bồ Tát thích kinh doanh các việc)
8.7.b. Trùng tụng
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn trùng thuyết kệ ngôn:
爾時世尊。重說偈言。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng kệ nhắc lại)
Đoạn kinh văn này là lời khai thị rất trọng yếu, đối với người học Phật chúng ta hiện thời, bất luận tại gia hay xuất gia, đều là thuốc đặc hiệu cứu mạng đấy nhé! Bởi thế, sau mỗi phần trường hàng Phật đều có phần kệ tụng, ngoài việc lập lại ý nghĩa của phần trường hàng, kệ tụng còn có phần bổ sung ý nghĩa. Chúng ta chẳng thể đọc thuộc kinh thì kệ tụng rất tiện để đọc thuộc, thời thời khắc khắc đề khởi công phu quán chiếu sẽ biết mình khởi tâm động niệm, việc làm, hành vi có đúng pháp hay không.
Như trong kinh Pháp Tượng, đức Phật dạy chúng ta nên làm điều gì, chẳng nên làm điều gì. Phật dạy chúng ta nên làm điều gì, ta nên tích cực nỗ lực thực hiện; Phật dạy chúng ta không nên làm điều gì, ta chẳng làm, đó là như pháp. Phật dạy chúng ta đừng làm điều gì, ta cứ khăng khăng làm, dạy ta nên làm điều gì, ta cứ lười nhác, biếng trễ chẳng chịu làm, thế là chẳng như pháp. Xin hãy xem đoạn kinh văn dưới đây:
Chánh kinh:
An trụ hạ liệt nghiệp.
安住下劣業。
(An trụ nghiệp kém hèn)
Tâm quý vị an trụ trong thế pháp, chẳng những là sự nghiệp thế gian mà còn là sự nghiệp thế gian hèn kém. Đó là những sự nghiệp tăng trưởng tham, sân, si, mạn, ghen ghét.
Chánh kinh:
Viễn ly thù thắng hạnh.
遠離殊勝行。
(Xa lìa hạnh thù thắng)
"Hạnh thù thắng": Có thể nói hết thảy Phật pháp Đại Thừa đều là hạnh thù thắng, nhưng bản kinh này tối hậu quy kết Tịnh Độ, bởi bản kinh này hiển nhiên quy kết Tịnh Độ nên ta có thể hiểu hạnh thù thắng là tu Tịnh Độ, cũng có thể hiểu là nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ. Kẻ kia xem thường, xa lìa việc này, thật đáng tiếc thay!
Chánh kinh:
Thoái thất đại lợi ích.
退失大利益。
(Lui sụt, đánh mất lợi ích lớn)
"Đại lợi ích" là vãng sanh bất thoái thành Phật đấy! Đấy là đại lợi ích chân thật, hết thảy lợi ích thế gian hay xuất thế gian đều chẳng sánh bằng được, đủ thấy "đắm trước các việc" tạo lầm lỗi nghiêm trọng đến thế.
Chánh kinh:
Nhạo độc tụng tỳ-kheo,
Cập tu thiền định giả,
Nhất thiết giai ha trách,
Thị danh chúng vụ quá.
樂讀誦比丘。
及修禪定者。
一切皆呵責。
是名眾務過。
(Tỳ-kheo thích đọc tụng,
Và người tu Thiền Định,
Hết thảy đều quở trách,
Đó gọi lỗi các việc)
Câu đầu chỉ những người đã hiểu trọn lời răn dạy, chữ "tu Thiền Định" chỉ những người y giáo thật sự tu hành. Chữ "Thiền Định" ở đây không nhất định chỉ là người tu Thiền, mà là nói về những người chân chánh tu hành, phải hiểu theo nghĩa rộng, đừng hiểu nghĩa hẹp. Tu trì Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện chúng ta thường nói là "vô lượng pháp môn". Dẫu vô lượng hay tám vạn bốn ngàn pháp môn thì cũng chỉ là phương pháp, cách thức chẳng giống nhau.
Tu điều gì? Tất cả đều là tu Giới, Định, Huệ; nhưng trong Tam Học Giới - Định - Huệ, Định là mấu chốt, Giới là biện pháp với mục đích nhằm đắc Định, đắc Định sẽ tự nhiên khai trí huệ. Bởi thế, tám vạn bốn ngàn pháp môn là các biện pháp, phương pháp bất đồng, ngõ hầu tu cho đắc Định.
"Thiền Định" ở đây được dùng với nghĩa rộng, chẳng phải theo nghĩa hẹp. Chúng ta niệm Phật cũng là tu Thiền Định. Trong kinh Đại Tập, đức Phật nói rất rõ ràng: "Niệm Phật là vô thượng thâm diệu Thiền". Chúng ta dùng phương pháp Niệm Phật này niệm đến nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn là Thiền Định. Bởi thế câu này nghĩa là: Người chân chánh y giáo tu hành, bọn họ đối với quý vị (là những người ham lo liệu việc đời) sẽ kính nhi viễn chi!
Chánh kinh:
Thường hành sanh tử nghiệp,
Xả ly giải thoát nhân,
Hư thọ ư tín thí,
Thị danh chúng vụ quá.
常行生死業。
捨離解脫因。
虛受於信施。
是名眾務過。
(Thường hành nghiệp sanh tử,
Bỏ lìa nhân giải thoát,
Luống nhận của tín thí,
Đó gọi lỗi các việc)
"Thường hành": Quý vị thường làm những điều gì? "Nghiệp sanh tử" tức là sự nghiệp luân hồi lục đạo. Thế nào là sự nghiệp sanh tử, luân hồi? Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Trong Duy Thức Học, chúng là sáu căn bản phiền não, hết thảy sự nghiệp nào tương ứng với sáu căn bản phiền não ấy thì đều là sự nghiệp luân hồi sanh tử. Quý vị làm những sự nghiệp ấy, đương nhiên đánh mất cái nhân giải thoát, "bỏ lìa nhân giải thoát". Nhân giải thoát là Giới, Định, Huệ. "Luống nhận của tín thí", quý vị tiếp nhận những đồ cúng dường, tương lai phải trả nợ, bởi quý vị chẳng phải là phước điền chân chánh mà!
Chánh kinh:
Nhạo thọ chư tài bảo,
Bất đắc sanh ưu não,
Trụ ư hạ liệt hạnh,
Thị danh chúng vụ quá.
樂受諸財寶。
不得生憂惱。
住於下劣行。
是名眾務過。
(Thích nhận các của cải,
Chẳng được, sanh buồn khổ,
Trụ trong hạnh kém hèn,
Đó gọi lỗi các việc)
Tham ái của cải thế gian, lúc được bèn hoan hỷ, kiêu ngạo; lúc không đưọc, bèn nổi nóng, ưu não. Thứ tâm lý, tư tưởng, hành vi ấy đều là hạnh kém hèn. Hạnh kém hèn ấy là nghiệp sanh tử, là hạnh tam đồ lục đạo.
Chánh kinh:
Thị nhân đa ái nhiễm,
Vãng lai dâm nữ gia,
Như điểu nhập phiền lung,
Thị danh chúng vụ quá.
是人多愛染。
往來婬女家。
如鳥入樊籠。
是名眾務過。
(Người ấy nhiều ái nhiễm,
Tới lui nhà gái dâm,
Như chim vào lồng rọ,
Đó gọi lỗi các việc)
Bài kệ này nêu tỷ dụ. Câu thứ nhất ý nói người ấy nhiều ái nhiễm, người ấy bị tham ái ô nhiễm tâm tánh, tức là: Trong tâm có phiền não tham, sân, si, mạn, những phiền não bên trong rất nặng. Câu "tới lui nhà gái dâm" ý nói bên ngoài những sự quyến rũ, mê hoặc. Trong có phiền não, ngoài có dụ hoặc, làm sao chẳng đọa lạc cho được? Khác nào chim bị nhốt trong lồng. "Như chim vào lồng rọ" là tỷ dụ đọa ác đạo, là bị lôi vào trong ba ác đạo.
Chánh kinh:
Thường ưu thán gia nghiệp,
Hằng hoài nhiệt não tâm,
Xuất ngôn nhân bất tín,
Thị danh chúng vụ quá.
常憂嘆家業。
恆懷熱惱心。
出言人不信。
是名眾務過。
(Thường buồn than gia nghiệp,
Luôn ôm lòng nhiệt não,
Nói ra, chẳng ai tin,
Đó gọi lỗi các việc)
Chuyện họ thường âu lo là gia nghiệp. Thế pháp, xuất thế pháp đều là gia nghiệp, nhất là trong các đạo tràng hiện tại. Thời xưa, có không ít đạo tràng được gọi là "thập phương đạo tràng", chẳng thuộc về một ai hết; chỉ cần là người xuất gia đúng quy củ, đều có thể quải đơn đều có thể cùng ở lại tu chung. Trong những đạo tràng hiện thời, người xuất gia đều có bằng khoán chủ quyền, đều biến thành gia nghiệp. Đã là người xuất gia rồi thì trong tay chẳng có bằng khoán chủ quyền nào, vì xuất gia rồi, không còn nhà nữa! Người có một tờ bằng khoán sẽ trở thành "nhập gia", chẳng thể không nhận biết điều này!
Thật ra, quý vị không đọc kinh sẽ chẳng hiểu ra tầm nghiêm trọng của vấn đề này, chẳng biết trong tương lai họa hại thảm khốc đâu nhé! Trong kinh, đức Phật chẳng lừa dối chúng ta! Tôi đã bảy mươi tuổi, sẽ chết rất lẹ, bởi thế tôi toàn nói lời thật cùng quý vị, tôi thời thời khắc khắc đều chuẩn bị ra đi. Bởi thế, tôi chẳng phải là người thuộc thế gian này nữa; tôi thấy thế gian này khá rõ ràng, vì là người ngoài cuộc mà! Thế gian này đối với tôi chẳng có lợi hay hại gì, đúng như câu nói: "Bàng quán giả thanh, đương cục giả mê" (Người ngoài thì sáng, người trong thì quáng). Học Phật phải siêu xuất, vượt thoát thế giới này, thế giới này chẳng liên quan gì đến tôi, chẳng còn việc gì nữa, rõ ràng là cách nhìn của tôi khác với cách nhìn của quý vị. Ở đây, kinh nói: Người trong tâm thường có phiền não thì nói ra điều gì cũng chẳng ai tin!
Chánh kinh:
Bất thọ tôn giả giáo,
Vi củ, nhi khinh tiện,
Hủy phạm thanh tịnh giới,
Thị danh chúng vụ quá.
不受尊者教。
違矩而輕賤。
毀犯清淨戒。
是名眾務過。
(Chẳng nghe tôn trưởng răn,
Trái phép tắc, khinh rẻ,
Hủy phạm giới thanh tịnh,
Đó gọi lỗi các việc)
Thiện tri thức, Bồ Tát dạy răn chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể y giáo phụng hành. "Vi củ" là phạm quy củ, "hủy phạm" là phạm giới. Đối với pháp thế gian hay pháp xuất thế đều nghĩ cách luồn lách chiếm lợi thế, tránh né, chẳng tuân thủ, đều là lầm lạc cả, đều là các lầm lỗi do [ham thích lo liệu] các việc phát sanh.
Chánh kinh:
Kỳ tâm đa ức tưởng,
Cần doanh ư thế nghiệp,
Bất năng tu trí đoạn,
Thị danh chúng vụ quá.
其心多憶想。
勤營於世業。
不能修智斷。
是名眾務過。
(Tâm họ lắm nhớ tưởng,
Siêng lo việc thế gian,
Chẳng thể tu trí đoạn,
Đó gọi lỗi các việc)
Tâm kẻ ấy vọng tưởng quá nhiều, luôn nghĩ đến những lợi hại được mất trong sự nghiệp kinh doanh; bởi thế, kẻ ấy "chẳng thể tu trí đoạn". Trí (智) là trí huệ, phá được vô minh; Đoạn (斷) là tu Định, đoạn được phiền não. Tức là nói bất luận tu học một pháp môn nào, công phu cũng chẳng đắc lực, chẳng thể thành tựu.
Chánh kinh:
Tham tâm hằng xí thạnh.
貪心恆熾盛。
(Tâm tham luôn hừng hực)
"Hằng" (恆) là thường hằng. Tâm tham ngày càng tăng trưởng.
Chánh kinh:
Nhạo trước ư chư vị.
樂著於諸味。
(Ưa chấp nơi các vị)
Hưởng thụ ngũ dục, lục trần thế gian, kẻ ấy thường tham đắm những vị ấy.
Chánh kinh:
Tằng vô tri túc tâm.
曾無知足心。
(Tâm chưa hề biết đủ)
Vĩnh viễn chẳng chán đủ, quý vị mới thấy con người như vậy sống khổ sở quá đỗi! Nhọc nhằn, bươn bả đến lúc chết, chẳng đem theo được gì, đúng là "muôn thứ đều bỏ sạch, chỉ có nghiệp tùy thân"!
Chánh kinh:
Đắc lợi sanh hoan hỷ,
Vô lợi tiện ưu não,
Tham lận vô nhân tâm,
Thị danh chúng vụ quá.
得利生歡喜。
無利便憂惱。
貪吝無仁心。
是名眾務過。
(Được lợi, lòng vui mừng,
Chẳng lợi, bèn sầu khổ,
Tham keo, thiếu lòng nhân,
Đó gọi lỗi các việc)
"Nhân" (仁) là nhân từ, tức là tâm từ bi. Chẳng có tâm từ bi!
Chánh kinh:
Não hại vô từ mẫn.
惱害無慈愍。
(Não hại chẳng xót thương)
Đối với hết thảy chúng sanh, kẻ ấy chỉ tham keo, đoạt lấy lợi ích của hết thảy mọi người để tự mình hưởng thụ, nào có từ bi, thương xót chúng sanh chi đâu!
Chánh kinh:
Tăng trưởng chư ác nghiệp,
Ái mạn tương triền phược,
Thị danh chúng vụ quá.
增長諸惡業。
愛蔓相纏縛。
是名眾務過。
(Tăng trưởng các nghiệp ác,
Bị dây ái buộc ràng,
Đó gọi lỗi các việc)
"Ái" (愛) là tham ái, tức là phiền não. Tham, sân, si, mạn buộc ràng kẻ ấy.
Chánh kinh:
Viễn ly ư sư trưởng,
Thân cận ác tri thức,
Tẫn xích trì giới nhân,
Thị danh chúng vụ quá.
遠離於師長。
親近惡知識。
擯斥持戒人。
是名眾務過。
(Xa lìa bậc sư trưởng,
Thân cận ác tri thức,
Đuổi, chê người trì giới,
Đó gọi lỗi các việc)
Kẻ ấy xa lìa thiện tri thức, thầy tốt, là vì sao? Chí thú chẳng phù hợp. Họ thích thân cận "ác tri thức" vì lẽ gì? Ác tri thức dạy họ làm sao đạt được danh văn, lợi dưỡng, làm sao tạo tham, sân, si, những kẻ đó chí đồng đạo hợp với họ. Người trì giới chẳng xứng hợp với chuyện kẻ ấy tu, kẻ ấy học; lẽ đương nhiên bị kẻ ấy bài xích.
Chánh kinh:
Trú dạ vô dư tưởng,
Duy niệm cầu y thực,
Bất nhạo chư công đức,
Thị danh chúng vụ quá.
晝夜無餘想。
唯念求衣食。
不樂諸功德。
是名眾務過。
(Ngày đêm chẳng nghĩ khác,
Chỉ mong được cơm áo,
Chẳng ưa các công đức,
Đó gọi lỗi các việc)
Bài kệ này ý nghĩa dễ hiểu.
Chánh kinh:
Thường vấn thế gian trí,
Bất nhạo xuất thế ngôn,
Đam ái ư tà thuyết,
Thị danh chúng vụ quá.
常問世間智。
不樂出世言。
耽愛於邪說。
是名眾務過。
(Thường hỏi trí thế gian,
Chẳng ưa lời xuất thế,
Yêu đắm các tà thuyết,
Đó gọi lỗi các việc)
Những ngôn luận thường ngày đều là chuyện thế gian, chẳng mảy may dính dáng gì đến liễu sanh tử, xuất tam giới. Họ ưa thích những tà thuyết.
Chánh kinh:
Tự thị tri chúng vụ,
Khinh mạn chư tỳ-kheo,
Do như cuồng túy nhân,
Thị danh chúng vụ quá.
自恃知眾務。
輕慢諸比丘。
猶如狂醉人。
是名眾務過。
(Tự ỷ biết các việc,
Khinh mạn các tỳ-kheo,
Khác nào kẻ say cuồng,
Đó gọi lỗi các việc)
Cậy vào kỹ năng, năng lực làm việc của chính mình, nói như bây giờ là năng lực làm việc rất cao! Trên phương diện sự nghiệp, người ấy đích thực có thành tựu hơn người, họ cậy vào đó, nẩy sanh lòng kiêu mạn, coi thường những người tu hành. Câu tiếp đó là tỷ dụ "giống như người say cuồng".
Chánh kinh:
Thường ty cầu tha đoản,
Bất tự kiến kỳ quá,
Khinh hủy hữu đức nhân,
Thị danh chúng vụ quá.
常伺求他短。
不自見其過。
輕毀有德人。
是名眾務過。
(Thường bới tìm lỗi người,
Chẳng tự thấy lỗi mình,
Khinh hủy người có đức,
Đó gọi lỗi các việc)
"Chẳng tự thấy": Chẳng tự thấy lỗi mình, chuyên môn vạch tìm lỗi người khác.
Chánh kinh:
Như thị ngu si giả,
Vô hữu thiện phương tiện,
Khinh mạn thuyết pháp giả,
Thị danh chúng vụ quá.
如是愚癡者。
無有善方便。
輕慢說法者。
是名眾務過。
(Kẻ ngu si như thế,
Chẳng có phương tiện khéo,
Khinh mạn người thuyết pháp,
Đó gọi lỗi các việc)
Khinh thị người tu hành, coi rẻ người thuyết pháp. Ngay trong phần mở đầu kinh này, đức Phật đã nói: Hạng Bồ Tát ngu si, khinh mạn, phỉ báng hai vị tỳ-kheo thuyết pháp, kết quả là vướng tội nghiệp đọa trong địa ngục A-Tỳ, địa ngục Đẳng Hoạt, địa ngục Thiêu Nhiệt, tính theo thời gian trong cõi người là một ngàn tám trăm vạn năm. Bởi thế, tạo tác tội nghiệp rất dễ dàng, phỉ báng chỉ mấy ngày, mấy giờ, nhưng trong tương lai, thời gian phải chịu khổ trong địa ngục dài như thế đó.
Quý vị phải hiểu: Trong kinh đức Phật nói một ngàn tám trăm vạn năm là thời gian trong cõi người chúng ta, nhưng người thọ tội trong địa ngục cảm thấy như là vô lượng kiếp vậy! Trong ngạn ngữ cũng thường nói: "Ngày dài như cả năm". Xem ra, thời gian tựa hồ chẳng dài lắm, một ngàn tám trăm vạn năm, nhưng kẻ ấy cảm nhận giống như vô lượng kiếp. Bởi thế, đừng có tạo tội nghiệp! Cũng đừng có nghĩ là chẳng qua đức Phật dọa dẫm chúng ta, mong chúng ta đừng tạo tội. Chẳng có chuyện như vậy đâu! Lầm rồi đấy! Tương lai, quý vị đọa lạc, đúng là tự mình làm, tự mình chịu. Đức Phật thật sự từ bi, nói ra chân tướng sự thật cho chúng ta biết, quý vị vẫn chẳng tin, vẫn muốn tạo tác, còn trách ai nữa đây? Đọa địa ngục A Tỳ thì Phật cũng chẳng thể cứu nổi đâu nghe!
Chánh kinh:
Như thị hạ liệt nghiệp,
Cụ túc chư quá thất,
Hà hữu trí huệ nhân,
Ái nhạo nhi tu tập?
如是下劣業。
具足諸過失。
何有智慧人。
愛樂而修習。
(Nghiệp kém hèn như thế,
Đầy đủ các lầm lỗi,
Có người trí huệ nào,
Lại ưa thích tu tập?)
Hai câu đầu tổng kết những điều đã nói, nói chung đều là nghiệp hèn kém, đều là vô lượng vô biên tội lỗi. Có người trí huệ nào lại ưa thích những việc ấy, chịu làm những việc ấy chăng?
Chánh kinh:
Thanh tịnh thù thắng nghiệp,
Cụ túc chư công đức,
清淨殊勝業。
具足諸功德。
是故有智人。
愛樂常修習。
(Nghiệp thanh tịnh thù thắng,
Đầy đủ các công đức)
"Thanh tịnh thù thắng": Nếu quý vị chẳng chú tâm thấu hiểu, quý vị sẽ chẳng đạt được. Nếu quý vị tu hành đúng pháp, quý vị sẽ đạt được. Hai ngày trước có một vị đồng tu ở Hương Cảng - trong những năm đầu, tôi giảng kinh ở Hương Cảng, bà ta là một trong số thính chúng - hôm trước đến đây gặp Quán Trưởng, chúng tôi vừa nhìn đã biết bà ta tu hành khá lắm, tướng mạo bà biến chuyển rất tốt, tu hành thật sự có chút thành tích. Thành tích là gì? Thành tích nơi dáng vẻ; thể chất khỏe mạnh, tướng mạo chuyển biến, dung mạo tươi sáng, đó là biểu hiện tu hạnh bên ngoài của quý vị, người ta thoạt trông biết liền, người như thế rất khó có.
Khi đó, tôi giảng kinh, đề xướng người thật sự tu hành phải tu tâm thanh tịnh. Muốn thật sự tu tâm thanh tịnh, tốt nhất là báo chí, tạp chí, truyền hình, radio đều tránh xa. Bà ta thật sự nghe theo, gần mười một, mười hai năm chưa từng xem qua báo chí, truyền hình, bà ta rất là vui sướng. Bả nói: "Cái gì tôi cũng không biết, mỗi một ngày thiên hạ thái bình, vui vẻ, sung sướng, cái gì cũng chẳng biết". Bả nói: "Hương Cảng xảy ra chuyện gì đến hỏi tôi, tôi chẳng biết gì". Bả chỉ biết mỗi một việc niệm A Di Đà Phật, mỗi một ngày sống rất sung sướng, chuyện gì cũng chẳng có, do đó, tâm bà ta được thanh tịnh.
Bởi vậy, báo chí, tạp chí, truyền hình hại chết người đó nghe! Mỗi ngày quý vị xem chuyện này, chuyện nọ, tâm quý vị thanh tịnh sao nổi? Tránh sao khỏi suy nghĩ lung tung? Bởi thế, nếu thật sự nghĩ muốn cầu "thanh tịnh thù thắng" - "thù thắng" là niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật - quý vị phải hạ tâm quyết định: Trong một đời này ta nhất định phải thành tựu. Quý vị phải y giáo phụng hành đó nghe!
Thời cổ, tự viện, am đường, đạo tràng đều dựng trong núi sâu, ở những nơi giao thông rất bất tiện hòng tránh khỏi những chướng ngại. Hiện tại, không thể được. Hiện thời, dù ở trên núi cao, máy truyền hình vẫn có thể nhận sóng. Thật phiền toái quá! Con người ngày càng khổ sở, càng ngày càng đáng thương!
Hiện tại, hạnh phúc tuổi thơ đã mất rồi, trẻ nhỏ hằng ngày xem TV, mới sanh ra đã xem TV. Bởi thế, trẻ nhỏ mới bảy, tám tháng tuổi đã biết quan sát vẻ mặt, biết lấy lòng người lớn, tâm hài đồng mất tiêu, thiên chân mất tiêu, thật là đáng tiếc! Như vậy thì con người làm sao tái lai cho được! Chẳng thể tái lai, khổ quá đi! Trong xã hội nông nghiệp trước kia, thời kỳ đồng niên thiên chân (tánh hồn nhiên của trẻ thơ) đại khái giữ được đến mười lăm, mười sáu tuổi, giữ được đến mười hai, mười ba tuổi rất thường. Mười hai, mười ba tuổi chẳng hiểu gì nhân tình thế sự. Đúng là một tấm lòng thành son sắt, một phiến thiên chân vậy! Trong xã hội hiện thời, chúng ta chẳng thể thấy [tình trạng như xưa] nữa.
Xưa kia, đi học rất vui sướng. Hiện thời học hành rất khổ sở. Bởi thế, tôi thấy học sinh đi học đeo một cái cặp táp to, nghĩ chẳng muốn làm người nữa! Làm người, ôi chao! Phải đi học khổ quá, quyết định chẳng muốn tái lai. Trở lại thế gian này, nhất định phải thành Phật, thành Bồ Tát nương theo bổn nguyện tái sanh, chứ tái sanh vì nghiệp lực tái lai thì chẳng được rồi, đời người khổ quá chừng!
Chánh kinh:
Thị cố hữu trí nhân,
Ái nhạo thường tu tập.
是故有智人。
愛樂常修習。
(Vì thế, người có trí,
Yêu thích thường tu tập)
Người thật sự có trí huệ, nhất định chọn niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật, quyết định chọn tu tâm thanh tịnh. Điều trọng yếu là thấy thấu suốt, buông xuống. Thật sự thấy thấu suốt và buông xuống, quý vị sẽ được đại tự tại, quý vị mới đạt được hạnh phúc chân chánh. Bởi thế, chẳng buông xuống được là ngu si.
Chánh kinh:
Nhược nhạo hạ liệt nghiệp,
Trí giả đương ha trách,
Như nhân xả đa tài,
Tham cầu ư thiểu phần,
Thị cố minh trí nhân,
Đương xả hạ liệt nghiệp,
Ưng cầu thắng thượng pháp,
Chư Phật thường xưng thán.
若樂下劣業。
智者當呵責。
如人捨多財。
貪求於少分。
是故明智人。
當捨下劣業。
應求勝上法。
諸佛常稱歎。
(Nếu thích nghiệp kém hèn,
Bậc trí sẽ quở trách,
Như người bỏ nhiều của,
Tham cầu lấy chút phần,
Vì thế, người trí sáng,
Nên bỏ nghiệp hèn kém,
Nên cầu pháp thắng thượng,
Chư Phật thường khen ngợi)
Hai bài kệ này, nửa trước bài kệ dễ hiểu, nửa sau bài kệ là tỷ dụ. Đổ hết tâm cơ kinh doanh sự nghiệp thế gian, được chẳng bù mất! Trong hiện tại ngay cả Phật pháp cũng bị đem vào sự nghiệp kinh doanh thế gian, đấy là hiện tượng rất phổ biến hiện thời. Dùng Phật pháp để kinh doanh sự nghiệp thế gian, hại chẳng bù nổi lợi. Bởi lẽ, được lợi một tí ti, tổn thất nói bất tận - tổn thất là tương lai gánh lấy quả báo; có đáng hay không? Bởi vậy người hiểu rõ, người có trí huệ nhất định buông bỏ, "ưng xả hạ liệt": Xả (捨) là buông xuống, quyết định chẳng làm những chuyện ấy.
Bách Trượng và Mã Tổ là những vị khai sáng tùng lâm Trung Quốc: "Mã Tổ dựng tùng lâm, Bách Trượng lập thanh quy". Điều trọng yếu bậc nhất trong Thanh Quy là "tùng lâm coi vô sự là hưng thịnh", câu nói này của Ngài hợp với đạo. Xuất gia tu hành là tu cái gì? Tu tâm thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, hoàn cảnh thanh tịnh, đó mới là hưng thịnh. Cũng có nghĩa là đạo tràng này tương lai sẽ có bao nhiêu người khai ngộ, bao nhiêu người vãng sanh, bao nhiêu người chứng quả, đó mới là hưng thịnh, chứ chẳng phải do tín đồ đông đảo, hương đèn rộn rịp!
Tín đồ càng đông, nhang đèn càng nhiều, nhưng chẳng có ai vãng sanh hết, ai nấy đều vào tam đồ, có kể là hưng thịnh được hay chăng? Quý vị phải hiểu điều này. Bởi thế, đạo tràng trọng chất, không trọng lượng, điều khẩn yếu là thật sự có người thành tựu. Hiện thời, đạo tràng nào có một, hai người thành tựu, thì đạo tràng ấy thật sự có công đức, thật sự là phước điền chân thật cho tín đồ. Nếu đạo tràng nào trong tương lai chẳng có một ai vãng sanh thì không được rồi, quả báo tương lai sẽ như đức Phật đã nói trong kinh này. Lại coi tiếp kinh văn.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi bạch Phật ngôn:
- Hy hữu Thế Tôn! Bỉ chư Bồ Tát xả ly thù thắng tinh tấn chi nghiệp, nhi nãi phát khởi hạ liệt chi sự, đương tri thị nhân, thậm vi thiểu trí, giác huệ vi thiển.
爾時。彌勒菩薩。而白佛言。希有世尊。彼諸菩薩。捨離殊勝精進之業。而乃發起下劣之事。當知是人。甚為少智。覺慧微淺。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bèn bạch Phật rằng:
- Đức Thế Tôn hy hữu! Các Bồ Tát ấy bỏ lìa nghiệp tinh tấn thù thắng, bèn phát khởi những sự hèn kém, phải biết là người ấy rất là ít trí, giác huệ ít cạn)
Đây là Di Lặc Bồ Tát nghe đức Phật khai thị xong, lão nhân gia bèn nêu cảm tưởng. Ngài nói: Những Bồ Tát sơ nghiệp ngu si ấy, bỏ lỡ pháp môn tối thù thắng bậc nhất do chư Phật Như Lai truyền dạy, chẳng chịu tu học, lại đi làm những việc thế gian hèn kém, người như vậy đúng là thiếu trí huệ, đúng là "giác huệ ít cạn", kẻ ấy chưa từng giác ngộ. Đến đây là hết đoạn tám.
9. Chẳng tu các hạnh, chẳng đoạn phiền não, chẳng tập thiền tụng, chẳng cầu đa văn, chẳng phải là người xuất gia
Đoạn tiếp theo đây nói rõ: Chẳng tu các hạnh, chẳng đoạn phiền não, chẳng tập Thiền tụng, chẳng cầu đa văn, đức Phật nói kẻ ấy chẳng phải là người xuất gia, chúng ta đọc kinh văn một lượt:
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Di Lặc! Ngã kim thật ngôn cáo nhữ.
佛告彌勒菩薩言。彌勒。我今實言告汝。
(Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Này Di Lặc! Ta nay bảo thật cùng ông)
Trong câu này, quan yếu nhất là hai chữ "thật ngôn", đức Phật nói lời chân thật.
Chánh kinh:
Nhược hữu Bồ Tát.
若有菩薩。
(Nếu có Bồ Tát).
Đây đều là sơ nghiệp Bồ Tát, tức là người sơ phát tâm hiện tại chúng ta. Điều thứ nhất là:
Chánh kinh:
Bất tu chư hạnh.
不修諸行。
(Chẳng tu các hạnh)
"Hạnh" (行) là hành vi. Ngôn ngữ là khẩu nghiệp hành vi, động tác nơi thân thể là thân nghiệp hành vi, ý niệm trong tâm là ý nghiệp hành vi. Ba nghiệp thân, khẩu, ý đều có sai trái thì phải theo lời Phật răn dạy trong kinh để sửa đổi cho đúng, những lời dạy trong kinh điển là tiêu chuẩn để chúng ta tu hành. Điều thứ hai là:
Chánh kinh:
Bất đoạn phiền não.
不斷煩惱。
(Chẳng đoạn phiền não)
Người chân chánh tu hành, nhất định phải đoạn phiền não. Phiền não phải mỗi năm một ít, mỗi tháng một giảm. Nếu như quý vị thật sự đạt được mỗi tháng phiền não ít đi, cầm chắc quý vị được vãng sanh. Trong tâm rất thanh tịnh, tâm sanh trí huệ, cùng Phật cảm ứng đạo giao. Điều thứ ba là:
Chánh kinh:
Bất tập thiền tụng.
不習禪誦。
(Chẳng tu tập thiền tụng)
"Thiền tụng" là tu hành, đúng theo lời dạy tu hành. Hai chữ "thiền tụng" bao gồm các nghĩa này. Điều thứ tư là...
Chánh kinh:
Bất cầu đa văn.
不求多聞。
(Chẳng cầu đa văn)
Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta chỉ cần làm được ba điều kiện trên đây là được rồi, làm sao thực hiện được điều thứ tư này? Điều thứ tư là "trùng phức đa văn", nay chúng ta gọi là "thâm nhập một môn". Một bộ kinh Vô Lượng Thọ, mỗi ngày ta đọc mấy lượt, ngày ngày chẳng gián đoạn, hằng năm chẳng gián đoạn chính là đa văn, đa văn ở đây chẳng phải là "quảng học đa văn". Quảng học đa văn là chuyện của ai? Là chuyện của Pháp Thân đại sĩ. Khi nào quý vị phá được một phẩm vô minh, chứng được Pháp Thân xong, lúc ấy sẽ quảng học đa văn. Đa văn của sơ nghiệp Bồ Tát là "trùng phức đa văn". Chớ nên hiểu lầm ý nghĩa. Nếu như cả bốn điều này đều chẳng làm được thì...
Chánh kinh:
Ngã thuyết thị nhân, phi xuất gia giả.
我說是人。非出家者。
(Ta nói người ấy chẳng phải là xuất gia)
Phật nói người ấy chẳng thật sự xuất gia, thân xuất gia tâm chẳng xuất gia, chẳng thể coi là người xuất gia được! Tại gia Bồ Tát làm được bốn điều trên, Phật cũng thừa nhận là người xuất gia, thân chẳng xuất gia, nhưng tâm xuất gia. Khẩn yếu là tâm xuất gia, chứ chẳng nệ thân xuất gia.
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược hữu cần tu trí đoạn hạnh giả, trí xuất sanh giả, trí thành tựu giả, bất tác thế nghiệp, doanh chúng vụ giả, ngã thuyết thị nhân trụ Như Lai giáo.
彌勒。若有勤修智斷行者。智出生者。智成就者。不作世業。營眾務者。我說是人。住如來教。
(Này Di Lặc! Nếu có ai tu siêng tu trí đoạn hạnh, trí xuất sanh, trí thành tựu, chẳng làm việc đời, chăm lo các việc, ta nói người ấy trụ trong giáo pháp của đức Như Lai)
Mở đầu kinh này, đức Phật nói tứ chúng đệ tử trong thời kỳ Mạt Pháp, chẳng riêng gì chúng tại gia, mà kể cả chúng xuất gia, đều có mười hai căn bệnh, mười hai căn bệnh ấy vốn là nội dung kinh này. Gốc những căn bệnh ấy đều phát sanh từ nghiệp chướng sâu nặng. Nghiệp chướng gì vậy? Nghiệp là tạo tác. Phạm vi tạo tác vô cùng rộng rãi, ngôn ngữ là tạo tác, thân thể nhất cử nhất động cũng là tạo tác, tất cả ý niệm trong tâm cũng là tạo tác. Bởi thế, đức Phật nói ba thứ tạo tác nơi thân, khẩu, ý bao gồm tất cả hết thảy tạo tác, nên gọi là ba nghiệp. Hết thảy tạo tác có thể phân chia đại lược thành thiện nghiệp, ác nghiệp và tịnh nghiệp.
Thiện nghiệp, ác nghiệp đều là chướng cả! Chướng điều gì? Chướng ngại chúng ta minh tâm kiến tánh, chướng ngại chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới, cho nên gọi là "chướng"! Chúng ta hãy chú tâm suy nghĩ: Chúng ta khởi tâm, động niệm, nói năng, tạo tác, chẳng phải là ngày ngày gây nghiệp chướng ư? Từ vô thỉ đến nay, nghiệp chướng rất nặng. Ngay trong một đời này, có thể nói là từ lúc sanh ra đến nay, vẫn hằng ngày tạo nghiệp như cũ. Học Phật rồi, Phật dạy chúng ta lìa bỏ hết thảy thiện nghiệp và ác nghiệp, tu tịnh nghiệp.
Chúng ta có thật sự tu tịnh nghiệp hay không? Ngàn vạn phần chẳng được nghĩ mình đang tu Tịnh nghiệp; tôi mỗi ngày niệm mấy bộ kinh Vô Lượng Thọ, niệm mấy biến kinh Di Đà, niệm mấy câu Phật hiệu là tu Tịnh nghiệp. "Tịnh nghiệp" là tâm thanh tịnh, tâm quý vị chẳng thanh tịnh thì niệm Phật cũng là tạo nghiệp, đọc kinh vẫn là tạo nghiệp, cổ nhân nói là "rách toạc cuống họng vẫn uổng công". Nghiệp quý vị tạo là thiện hay ác nghiệp vậy? Rất khó nói. Hãy mở kinh ra để đối chiếu kỹ càng, sẽ tự biết nguyên nhân căn bản là nghiệp chướng sâu nặng.
Tiêu trừ nghiệp chướng phải khởi đầu từ đâu? Không ít người chẳng tìm thấy lối ra. Trong kinh này, đức Phật dạy chúng ta: Thứ nhất là chẳng cầu lỗi người, hai là chẳng nêu tội người khác. Tiêu nghiệp bắt đầu từ đấy, học Phật thật sự bắt đầu từ đấy. Câu thứ nhất có nghĩa là: Chẳng cần phải tìm lỗi người khác, chẳng thấy lỗi người khác. Câu thứ hai nghĩa là: Chẳng cần phải kể tội người khác. Chúng ta nghĩ coi có đúng hay chăng? Vô cùng chánh xác! Nghiệp chướng chẳng thể tiêu được là vì khẩu nghiệp. Ngày ngày trong tâm chuyên thấy lỗi người khác, miệng ngày ngày kể tội người khác thì quý vị đang tu cái hạnh gì vậy? Bởi thế, niệm Phật, tụng kinh đều chẳng phải là Tịnh nghiệp.
Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta ba đại cương lãnh tu hành, đặt khẩu nghiệp lên đầu "khéo giữ khẩu nghiệp, chẳng gièm lỗi người", chẳng khác gì kinh này. Chúng ta muốn thật sự tu hành, thật sự muốn trong một đời này vãng sanh, bất thoái thành Phật thì phải bắt đầu từ đây, phải nhớ kỹ lời đức Phật giáo huấn trong kinh này, câu nào cũng trọng yếu phi thường. Thế Tôn đem hai câu ấy đặt lên đầu, cho thấy chúng rất trọng yếu. Còn thấy lỗi người khác, còn kể tội người khác, thì đức Thế Tôn nói là quý vị tội nghiệp rất nặng, nghiệp chướng rất nặng đấy nhé! Lỗi chẳng sửa, bệnh cũ cứ phạm luôn, sao lại như vậy cơ chứ?
Chúng ta coi trong toàn bản kinh, đức Phật nói đến lỗi lầm của các việc rất việc. Trong đoạn kinh này, đức Phật lại nhắc lại, mới thấy điều này rất khẩn yếu, chẳng thể không biết! Phật bảo Di Lặc Bồ Tát: "Nếu có ai siêng tu trí đoạn hạnh, trí xuất sanh, trí thành tựu..." ba câu này luận về thành tích tu hành, về ba thứ thành tựu.
Thứ nhất là Trí Đoạn, Đoạn là đoạn phiền não, đây là công phu cạn, được tính chung là có thành tựu. Quý vị phải hiểu trí xuất phát từ đâu? Trí sanh từ tâm thanh tịnh; tâm quý vị chẳng thanh tịnh, làm sao có trí huệ được? Tâm chẳng thanh tịnh lại bảo có trí huệ thì kinh gọi cái trí đó là Thế Trí Biện Thông, chứ chẳng phải là chân trí huệ đâu nhé! Bởi lẽ, trí huệ, biện tài ấy từ phiền não mà có, phiền não ấy do phân biệt, chấp trước sanh khởi. Trí huệ chân chánh là lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trí huệ sanh khởi từ đấy mới là chân trí huệ. Chân trí huệ đoạn được phiền não: "Trí đoạn hạnh". Trong nhà Thiền, công phu như thế gọi là công phu "quán chiếu" đắc lực. Trong pháp môn Niệm Phật, công phu này gọi là "công phu thành phiến", tức là công phu Niệm Phật của chúng ta bắt đầu đắc lực. Trong những pháp môn khác, đạt đến giai đoạn này chưa thể tính là thành tựu. Vì sao? Chưa ra khỏi tam giới. Trong các công phu khác, phải thật sự đoạn phiền não, còn công phu này là "phục đoạn" (dẹp yên), chứ chưa phải là "đoạn diệt" (dứt sạch).
Công phu phục đoạn phiền não nông cạn, ví như những cõi trời Sắc Giới, Vô Sắc Giới thuộc lục đạo mà đức Phật nhắc đến trong kinh đều thuộc giai đoạn này, họ khuất phục được phiền não, nhưng chưa thể ra khỏi tam giới nổi. Còn trong pháp môn Niệm Phật, có được công phu như thế sẽ quyết định vãng sanh, Tịnh tông gọi là "dị hành đạo" bởi dễ dàng đạt được điều này. Trong các pháp môn khác, với công phu đó, chẳng thể thoát khỏi tam giới; còn pháp môn Niệm Phật với công phu ấy có thể đới nghiệp vãng sanh, quyết định được sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ.
Công phu cao hơn một tầng nữa là "trí xuất sanh". Trí là trí huệ Bát Nhã, trí huệ đã xuất sanh, đã tỏ lộ ra, đó là "chiếu trụ". Phần trên là "quán chiếu", phần này là "chiếu trụ"; trong Tịnh tông gọi là Sự Nhất Tâm Bất Loạn, đó là tam-muội hiện tiền. Pháp môn Niệm Phật được gọi là Niệm Phật tam muội!
"Trí thành tựu" là "chiếu kiến", tức là công phu ở giai đoạn cao hơn nữa, còn gọi là Lý Nhất Tâm Bất Loạn. "Trí xuất sanh" đoạn được Kiến Tư phiền não, chứ chẳng phải là chế phục. Do đó biết rằng, theo hết thảy các kinh dạy, địa vị của người chứng trí này là A La Hán. "Trí thành tựu" thuộc vào địa vị Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo và Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo.
Đó là ba thứ thành tựu trong tu học sâu cạn khác nhau, nói chung là đều có công phu. Những người tu hành như thế tất nhiên "chẳng làm việc đời, chẳng lo liệu các việc", bọn họ chẳng làm những chuyện ấy, dù có làm cũng chỉ là thị hiện, nhằm lợi ích chúng sanh, chứ chẳng phải tự họ ưa thích làm; còn phàm phu thì thích làm những chuyện đó! Kinh doanh những sự nghiệp thế gian. Những "sự nghiệp thế gian" vừa nói đó, tức là những gì chẳng thể liễu sanh tử, xuất tam giới đều gọi là làm sự nghiệp thế gian. "Ta nói người đó trụ trong giáo pháp của đức Như Lai": Trụ trong giáo pháp của đức Như Lai là an trụ nơi lời đức Như Lai dạy răn, tức là như phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện gọi là "như giáo tu hành". Phật dạy như thế nào, chúng ta cứ làm như thế đó. Bồ Tát như giáo tu hành được chư Phật hộ niệm, khen ngợi.
Chánh kinh:
Nhược hữu Bồ Tát nhạo tác thế nghiệp, doanh ư chúng vụ.
若有菩薩。樂作世業。營於眾務。
(Nếu có Bồ Tát ưa làm việc đời, kinh doanh các việc)
"Nhạo" (樂) là ưa thích, ưa thích làm sự nghiệp thế gian, kinh doanh rất nhiều sự vụ. "Chúng" (眾) là đông nhiều, "vụ" (務) là sự vụ. Họ thích thú làm những chuyện ấy, tuy những điều ấy đều bị Như Lai ngăn cấm.
Chánh kinh:
Vi sở bất ưng.
為所不應。
(Làm điều chẳng nên làm)
Phật dạy những gì là điều chẳng nên làm? Trong phần trường hàng ở trên có nói hai mươi lầm lỗi, tiếp đó, đức Phật lại nói hai mươi bài kệ tụng để trùng tụng những việc ấy. Những gì chẳng nên làm họ vẫn cứ thích thú làm.
Chánh kinh:
Ngã thuyết thị nhân trụ ư sanh tử.
我說是人。住於生死。
(Ta nói người ấy trụ trong sanh tử)
"Trụ trong sanh tử" là vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, chẳng thể vượt khỏi tam giới.
Chánh kinh:
Thị cố Bồ Tát bất ưng thân cận.
是故菩薩。不應親近。
(Vì thế Bồ Tát chẳng nên thân cận)
Bồ Tát ở đây là sơ nghiệp Bồ Tát. Sơ phát tâm Bồ Tát chẳng nên thân cận những kẻ ấy, bắt chước những kẻ ấy. Nói cách khác, đừng học theo họ! Trong đoạn tiếp theo, đức Phật lại nói càng minh bạch, càng rõ ràng hơn, chúng ta nghe nhưng vẫn chẳng hiểu thì chẳng còn cách gì nữa!
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát đa doanh chúng vụ.
彌勒。若有菩薩。多營眾務。
(Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát lo làm nhiều việc)
Đó đều là sơ nghiệp Bồ Tát, ưa thích làm nhiều sự vụ thế tục. Những gì là sự vụ thế tục? Ở đây đức Phật nêu ra một thí dụ, quý vị hãy suy nghĩ kỹ thí dụ ấy.
Chánh kinh:
Tạo thất bảo tháp.
造七寶塔。
(Dựng tháp bảy báu)
Quý vị nói xem: Phật sự "tạo tháp bảy báu" mà vẫn là sự thế gian ư? Tạo bao nhiêu tháp bảy báu vậy?
Chánh kinh:
Biến mãn tam thiên đại thiên thế giới.
遍滿三千大千世界。
(Trọn khắp tam thiên đại thiên thế giới)
Tạo rất nhiều đó nghe! Ngạn ngữ thường nói: "Cứu nhất nhân mạng, thắng tạo thất cấp phù-đồ": Cứu được một mạng người, công đức còn thù thắng hơn dựng một tòa tháp báu [bảy tầng]. Ở đây, những nơi được dựng tháp bảy báu là khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, họ tạo rất nhiều, vậy mà Phật nói:
Chánh kinh:
Như thị Bồ Tát bất năng linh ngã nhi sanh hoan hỷ, diệc phi cúng dường, cung kính ư ngã.
如是菩薩。不能令我。而生歡喜。亦非供養。恭敬於我。
(Bồ Tát như thế chẳng thể làm cho ta sanh hoan hỷ, cũng chẳng cúng dường, cung kính ta)
Chính miệng đức Phật nói: Làm những việc như thế, đức Phật chẳng hoan hỷ, Phật cũng chẳng chấp nhận đó là cung kính, cúng dường Ngài đâu à! Do đây, chúng tôi liên tưởng đến chuyện tổ sư Đạt Ma sang Trung Quốc, gặp Lương Võ Đế. Lương Võ Đế khoe khoang công đức, bảo tổ sư Đạt Ma: "Trẫm làm rất nhiều việc cho Phật giáo, cất bốn trăm tám mươi tự viện, độ tăng mấy mươi vạn người, công đức của trẫm lớn hay không?" Câu nói này nói như bây giờ là "đáng nên kiêu ngạo". Giờ đây ta mới hiểu câu đáp của tổ sư Đạt Ma chẳng khác gì lời đức Phật nói: "Trọn không công đức gì!" Vì sao không có công đức? Chúng ta đọc qua kinh văn bèn hiểu ngay, đó là những sự vụ thế gian, chẳng thể liễu sanh tử, xuất tam giới; xét ra, chỉ là một chút phước báo hữu lậu.
Chúng ta lại suy nghĩ, trong kinh Vô Lượng Thọ, vua Thế Nhiêu Vương thật là cao minh. Thế Nhiêu Vương là tiền thân của Phật A Di Đà, Ngài cao minh hơn Lương Võ Đế rất nhiều. Ngài nghe Phật giảng kinh, thuyết pháp, giác ngộ minh bạch xong, bèn bỏ ngôi vua, xuất gia tu đạo liền! Tâm nguyện của Ngài chẳng thể nghĩ bàn, từ bi chẳng thể nghĩ bàn, sau khi tu thành chứng quả, kiến tạo Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Tây Phương Cực Lạc thế giới là một hoàn cảnh tu học tối hảo, đem hoàn cảnh ấy ban cho hết thảy chúng sanh có ý nguyện thành Phật trong cùng tột pháp giới, tận hư không, đều hoan nghênh họ đến nơi ấy để tu học. Bốn trăm tám mươi ngôi chùa của Lương Võ Đế làm sao sánh bằng được? Độ tăng mấy mươi vạn người chẳng thể sánh bằng A Di Đà Phật, quý vị nói xem A Di Đà Phật độ bao nhiêu chúng sanh? Chư Phật Như Lai cùng nhau tính toán cũng chẳng thể biết rõ số! Một đằng là ưa thích sự vụ thế gian, khoe khoang công đức của chính mình, thật ra chẳng có công đức gì! Điều này rất đáng cho chúng ta phản tỉnh sâu xa, đó là chẳng cung kính, cúng dường Như Lai đâu à! Mà là tạo nghiệp, tạo nghiệp sanh tử đấy nhé!
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát ư Ba-la-mật tương ứng chi pháp, nãi chí thọ trì nhất tứ cú kệ, độc tụng, tu hành, vị nhân diễn thuyết, thị nhân nãi vi cúng dường ư ngã.
彌勒。若有菩薩。於波羅蜜。相應之法。乃至受持。一四句偈。讀誦修行。為人演說。是人乃為。供養於我。
(Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát đối với pháp tương ứng Ba-la-mật, cho đến thọ trì một bài kệ bốn câu, đọc tụng, tu hành, vì người khác diễn nói, người ấy chính là cúng dường ta)
Lời thuyết pháp này chúng ta đọc thấy rất nhiều trong kinh điển Đại Thừa. Kinh được người Trung Quốc thích đọc tụng nhất không gì hơn kinh Kim Cang, chẳng những người học Phật nhất định phải đọc, người không học Phật, người đọc sách trong thế gian cũng thích đọc kinh Kim Cang. Câu nói trên đây được nhắc đi nhắc lại trong kinh Kim Cang mấy mươi lần, nhắc đi nhắc lại nhiều lần như thế, cho thấy câu nói ấy khẩn yếu vô cùng. Phật sợ một hai lần quý vị không nhớ, bèn nhắc đi nhắc lại để tạo ấn tượng khắc sâu cho quý vị: Điều này rất khẩn yếu đấy nhé! Tiền đề là "pháp tương ứng với Ba-la-mật".
Đức Thế Tôn giảng kinh Bát Nhã hai mươi hai năm, giảng những gì vậy? Có thể tóm gọn trong một câu hay chăng? Chẳng cần chúng ta phải nói, đức Phật tự nói rồi, trong Bát Nhã Tâm Kinh, câu cuối cùng là "vô trí diệc vô đắc". Hai mươi hai năm Bát Nhã là "vô trí diệc vô đắc". "Vô trí" là nói Năng Không, Vô Đắc là Sở Không, Năng lẫn Sở đều không. Kinh Kim Cang giảng rất thấu triệt: "Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc", đó là Vô Trí. Tác dụng của tâm là Trí, vạn pháp đều là không, do nhân duyên sanh, thể của chúng đều là không, trọn chẳng thể được, ấy là "vô sở đắc" - Năng lẫn Sở đều không. Năng lẫn Sở đều không, tâm quý vị sạch không, mới thật sự đạt đến mảy trần chẳng nhiễm đấy! Thế mới là thật sự chẳng có sự gì cả!
Kinh Kim Cang dạy phá bốn tướng, phá bốn kiến, nếu khế nhập Năng lẫn Sở đều là không thì mới là cảnh giới viên mãn rốt ráo. Khởi tâm động niệm mà vẫn có ta - người thì quý vị chưa Không; chưa Không thì chẳng tương ứng pháp Ba-la-mật. Bởi thế, mọi người hay hoài nghi: Thọ trì một bài kệ bốn câu sao công đức lại vượt hẳn người bố thí bảy báu khắp tam thiên đại thiên thế giới?
Đừng nghĩ là Phật nói chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu, ngay trước đó đã có một đại tiền đề: Ắt phải thấy rõ ràng chân tướng sự thật, thông đạt rõ ràng, khế nhập cảnh giới "Năng - Sở đều không", khi đó thọ trì một bài kệ bốn câu thì công đức sẽ vô lượng vô biên bởi người ấy xứng tánh. "Đọc tụng, tu hành, vì người khác diễn nói": Đọc tụng, tu hành là tự lợi, "vì người khác diễn nói" là lợi tha, chính là Bồ Tát đạo, tự hành hóa tha đấy! Người làm như thế chính là chân chánh cúng dường Phật, chân chánh lễ tán Phật nên Phật tiếp nhận.
Dưới đây, đức Phật giảng cho chúng ta nguyên nhân vì sao?
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Chư Phật Bồ Đề tùng đa văn sanh, bất tùng chúng vụ nhi đắc sanh dã.
何以故。諸佛菩提。從多聞生。不從眾務。而得生也。
(Vì sao vậy? Bồ Đề của chư Phật từ đa văn sanh, chẳng sanh từ các việc vậy).
Câu nói này rất minh bạch, rất rõ ràng. "Đa văn": Quý vị phải nhớ kỹ là thọ trì một bài kệ bốn câu. Do đây, biết rằng: Đa văn ở đây chẳng phải là "quảng học đa văn", một bài kệ bốn câu [thọ trì] chẳng dứt là "trùng phức đa văn". Chúng ta phải hiểu rõ điều này, Ngài nói là thọ trì một bài kệ bốn câu. Chúng ta suốt ngày niệm một câu "nam mô A Di Đà Phật", một ngày niệm mấy ngàn lần, mấy vạn lần, đều gọi là "đa văn" cả! Vì sao phải niệm nhiều lượt như thế? Nói trắng ra là vì chưa hiểu gì cả, một ngày niệm mấy ngàn biến, mấy vạn biến, nhưng một câu A Di Đà Phật vẫn chưa thể hiểu nổi!
"Đọc tụng": Đọc xong, có tu hành hay không? Không tu hành chi cả! Vì thế, đó là tu nơi cửa miệng. Trừ cái miệng ra, tâm chẳng tương ứng, trong tâm vẫn là thị phi nhân ngã, thân cũng chẳng tương ứng. Làm thế nào niệm một câu Phật hiệu được tương ứng? Tâm có giống với tâm A Di Đà Phật hay không? Nguyện có giống với nguyện của A Di Đà Phật hay không? Hết thảy tạo tác của quý vị có giống với tạo tác của A Di Đà Phật hay không? Thân, ngữ, ý nếu tương ứng với A Di Đà Phật, quý vị thành công rồi, quý vị là hóa thân của A Di Đà Phật rồi đấy!
A Di Đà Phật giữ lấy tấm lòng gì? Phát những nguyện gì? Quý vị cứ đọc trong kinh Vô Lượng Thọ, đọc rồi nếu hiểu rõ, phải hiểu nghĩa nhé, nếu hiểu rồi bèn làm theo, làm theo một trăm phần trăm thì quý vị chính là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật chẳng là một người đâu nhé! Vô lượng vô biên cơ đấy! Những ai vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Di Đà Phật cả. Không phải là A Di Đà Phật thì làm sao sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới được? Thân, ngữ, ý ba nghiệp giống như A Di Đà Phật thì mới đúng, mới nên. Bởi thế, phải từ đa văn, chứ không từ các việc! Các việc đó, chẳng hạn như dựng tháp bảy báu khắp tam thiên đại thiên thế giới, vẫn là luân hồi lục đạo, vẫn chẳng thể liễu sanh tử y như cũ. Ở đây, đức Phật nói rất rõ ràng, rất minh bạch vậy.
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát cần doanh chúng vụ.
彌勒。若有菩薩。勤營眾務。
(Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát siêng làm các việc)
"Cần" (勤) là rất mạnh mẽ siêng năng, "doanh" (營) là kinh doanh, rất siêng năng kinh doanh những sự vụ thế gian; dựng đạo tràng, tạo tháp bảy báu đều là những việc đời.
Chánh kinh:
Linh bỉ độc tụng, tu hành, diễn thuyết, chư Bồ Tát đẳng doanh ư chúng vụ.
令彼讀誦。修行。演說。諸菩薩等。營於眾務。
(Khiến cho các hàng Bồ Tát đọc tụng, tu hành, diễn thuyết kia lo liệu các việc)
Có một hạng Bồ Tát ưa thích làm những việc như thế, họ có phước báo, có oai đức; lại có những Bồ Tát trở thành học trò, đồ tử, đồ tôn của họ hoặc là y chỉ nơi họ. Những tiểu Bồ Tát đọc tụng, tu hành, diễn thuyết đó cũng bị họ dạy kinh doanh các việc.
Chánh kinh:
Đương tri thị nhân, tăng trưởng nghiệp chướng, vô chư phước lợi.
當知是人。增長業障。無諸福利。
(Nên biết kẻ ấy tăng trưởng nghiệp chướng, không có các phước lợi)
Hạng Bồ Tát ấy có oai đức, thích thú kinh doanh các sự vụ thế gian, thậm chí những ai đọc tụng, diễn thuyết, y chỉ họ, đều đồng loạt theo họ kinh doanh sự vụ hết. Những người ấy chỉ toàn là tăng trưởng nghiệp chướng. "Vô chư phước lợi": Ý nghĩa trọng yếu của lời Phật nói là đây. Phước lợi như đức Phật nói chính là phước lợi xuất thế pháp, bọn họ chẳng có. Nếu là phước lợi thế gian, họ có được một chút. Đại phước báo, đại lợi ích xuất thế gian họ chẳng có được chút nào!
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Như thị sở thuyết tam chủng phước nghiệp.
何以故。如是所說。三種福業。
(Vì sao vậy? Ba thứ phước nghiệp đã nói như thế)
"Ba thứ phước nghiệp" là đọc tụng, tu hành, diễn thuyết.
Chánh kinh:
Nhất thiết giai tùng trí huệ nhi sanh.
一切皆從。智慧而生。
(Hết thảy đều sanh từ trí huệ)
Nói cách khác, chẳng sanh từ lo liệu các việc thật nhiều. Việc này xét về lý rất sâu, cảnh giới rất vi tế, phải rất chú tâm, rất ngưng lặng để quán sát thì quý vị mới hiểu được lòng từ bi của Phật, hiểu được lời Phật chân thật dạy răn. Người thô tâm hời hợt sẽ chẳng thể nhận ra, dù có thấy cũng chẳng chấp nhận. Trong xã hội hiện thời, trong mắt người đời coi trọng những gì? Sự nghiệp từ thiện, cứu tế, phước lợi cao hơn hết thảy, là điều cả nhân gian khen ngợi, cung kính, còn nếu quý vị đọc tụng, tu hành, diễn nói, không ai màng đến, ai thèm coi trọng, cho rằng quý vị là kẻ chỉ lo tự giải thoát cho mình. Vì đâu lại hiểu sai như thế? Lý này rất sâu, sự này rất vi tế, chẳng phải là phàm phu mắt thịt có thể thấy được; người thật sự có trí huệ thấy rất rõ, rất minh bạch. Người thiếu trí huệ chẳng thể nhìn ra nổi!
Chánh kinh:
Thị cố Di Lặc!
是故彌勒。
(Bởi thế này Di Lặc)
Tiếp đó, Phật gọi đức Di Lặc để đánh thức chúng ta.
Chánh kinh:
Doanh sự Bồ Tát.
營事菩薩。
(Bồ Tát lo liệu sự việc)
Những Bồ Tát kinh doanh các sự vụ đó.
Chánh kinh:
Ư bỉ độc tụng, tu hành, diễn thuyết chư Bồ Tát sở, bất ưng chướng ngại, vi tác lưu nạn.
於彼讀誦。修行。演說。諸菩薩所。不應障礙。為作留難。
(Đối với các Bồ Tát đọc tụng, tu hành, diễn nói, chẳng nên chướng ngại, gây khó khăn)
Sự vụ nhiều đến mấy, bận đến mấy, cũng chẳng được kéo người khác vào giúp tay, cũng chẳng được làm lỡ làng chuyện tu hành của người ta, đấy mới là đúng, chẳng được gây chướng ngại, làm khó dễ người ta. So lường công đức [giữa đôi bên] thì chuyện người ta làm mới là điều đáng nên làm, mới là tu đạo vậy!
Chánh kinh:
Độc tụng, tu hành, diễn thuyết Bồ Tát ư tu Thiền Định chư Bồ Tát sở, bất ưng chướng ngại, vi tác lưu nạn.
讀誦。修行。演說菩薩。於修禪定。諸菩薩所。不應障礙。為作留難。
(Đối với các Bồ Tát tu Thiền Định, hàng Bồ Tát đọc tụng, tu hành, diễn thuyết chẳng nên gây chướng ngại, làm khó)
Đến đây quý vị thấy rõ: So ra, Bồ Tát tu Thiền Định cao hơn Bồ Tát đọc tụng, tu hành, diễn thuyết nói ở phần trước một bậc. Đọc tụng, tu hành, diễn thuyết là sơ học Bồ Tát, ở đây nói đến những Bồ Tát y giáo tu hành, tức hàng Bồ Tát tu Thiền Định. Những Bồ Tát tu Thiền Định là những Bồ Tát công phu đã thành tựu, quý vị tham Thiền chưa đắc Định, còn họ đã đắc Định; so với quý vị chỉ là người tham Thiền thì người đắc Định tất nhiên cao hơn! Cùng một đạo lý ấy, quý vị đắc Định nhưng chưa khai trí huệ thì người đã khai trí huệ nhất định phải cao hơn người chỉ đắc Định.
Nếu dùng lời Thiên Thai đại sư để diễn tả thì cảnh giới của hai hạng người này sẽ tách bạch, rõ rệt vô cùng. Thiên Thai đại sư nói "nói được nhưng chưa làm được". Bồ Tát đọc tụng, tu hành, diễn thuyết thuộc về giai đoạn "nói được nhưng chưa làm được", họ tu hành, nhưng tu hành chưa có thành tích, niệm Phật chưa đắc nhất tâm, tu Thiền chưa đắc Định. Họ thật sự tu tập, chẳng phải là không tu, hằng ngày tu tập, nhưng chưa có thành tích; họ thật sự tu tập, chẳng sai lầm, nhưng công phu còn chưa đạt; còn người tu Thiền Định công phu đã thành tựu. Vậy thì kẻ sơ học đối với người tu già dặn, tu Thiền Định là tu già dặn, chẳng nên gây chướng ngại, gây khó dễ. Chẳng những không được gây chướng ngại, làm khó, mà còn phải hộ trì họ. Thành tựu của họ chính là phước đức của ta đấy! Nếu chính mình dũng mãnh, tinh tấn, phước đức ấy sẽ chuyển thành công đức, chúng ta phải hiểu điều này. Nếu quý vị gây chướng ngại, gây khó dễ, quý vị đã tạo tội nghiệp giống như trong phần mở đầu kinh này đã nói, sẽ phải bị đọa vào địa ngục A Tỳ đó nghe!
Chúng ta xem trong phần sau, đức Phật càng nói càng rõ ràng, càng nói càng minh bạch.
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược nhất Diêm Phù Đề doanh sự Bồ Tát.
彌勒。若一閻浮提。營事菩薩。
(Này Di Lặc! Nếu một Diêm Phù Đề Bồ Tát lo liệu các việc)
Chúng tôi không nói nhiều, cứ coi Diêm Phù Đề như là một quả địa cầu của chúng ta vậy. Những Bồ Tát kinh doanh sự vụ trên toàn bộ quả địa cầu này...
Chánh kinh:
Ư nhất độc tụng, tu hành, diễn thuyết Bồ Tát chi sở, ưng đương thân cận, cúng dường, thừa sự.
於一讀誦。修行。演說菩薩之所。應當親近。供養承事。
(Ở nơi một Bồ Tát đọc tụng, tu hành diễn thuyết, phải nên thân cận, cúng dường, thừa sự)
Đức Phật dạy chúng ta điều này, chúng ta có làm được như thế hay không? Có khởi ý niệm như thế hay không? Có phát được tâm ấy hay không? Vì sao ta chẳng sanh khởi được ý niệm ấy? Vì sao chẳng phát tâm? Hãy suy nghĩ kỹ đi, rồi coi tiếp đoạn thứ hai.
Chánh kinh:
Nhược nhất Diêm Phù Đề độc tụng, tu hành, diễn thuyết chư Bồ Tát đẳng, ư nhất cần tu thiền định Bồ Tát, diệc đương thân cận, cúng dường, thừa sự.
若一閻浮提讀誦。修行。演說諸菩薩等。於一勤修禪定菩薩。亦當親近。供養承事。
(Như các Bồ Tát đọc tụng, tu hành, diễn thuyết trong một Diêm Phù Đề , đối với một Bồ Tát tu thiền định, cũng phải nên thân cận, cúng dường, thừa sự)
So với chính mình, hạng này lại cao hơn. Bồ Tát tu Thiền Định nói ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng, đừng hiểu theo nghĩa hẹp. Nghĩa hẹp là quý vị hiểu tu Thiền Định là tham Thiền, cách nhìn như thế có phạm vi quá hẹp. Ở đây là nghĩa rộng, trong Phật pháp, bất luận tu học theo tông phái hay theo một pháp môn nào, thường nói là "tám vạn bốn ngàn pháp môn". Vô lượng pháp môn, phương pháp, cách thức khác nhau, nhưng nguyên lý, nguyên tắc tu hành luôn giống nhau. Tu những gì? Đều là tu Giới, Định, Huệ.
Thế nào là Giới? Tám vạn bốn ngàn pháp môn là Giới, Giới là phương pháp, cách thức. Bởi thế, nghe nói đến Giới, đừng có hiểu đại khái là Ngũ Giới, Thập Giới, 250 giới tỳ-kheo. Hiểu vậy là hỏng rồi, quý vị chẳng hiểu ý nghĩa của lời đức Như Lai nói. Tam Học Giới - Định - Huệ là phương pháp, cách thức; mấu chốt là Định. Nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ. Bởi thế, chữ Định trong đoạn kinh này là Định trong Giới - Định - Huệ.
Vì sao biết vậy? Do trong đoạn tiếp theo đây nhắc đến Huệ. Do đây, ta biết rằng, phần trên kinh nói tới các Bồ Tát đọc tụng, tu hành, diễn thuyết là nói đến trì Giới; quý vị dùng Tam Học Giới - Định - Huệ để luận thì đây là Giới. Siêng tu Thiền Định là Định, phần tiếp theo nói "nếu với các Bồ Tát siêng tu trí huệ", đó là Huệ. Tam Học Giới - Định - Huệ rõ rệt vô cùng. Thế nhưng Định cũng có thể hiểu là công phu tu hành đắc lực, đó là Thiền Định đấy!
Người niệm Phật chúng ta tâm đạt được thanh tịnh, đắc nhất tâm bất loạn thì chính là Bồ Tát tu Thiền Định. Nếu nghiêm túc tu hành nhưng vẫn chưa đắc Định thì trong Tam Học Giới - Định - Huệ, quý vị vẫn còn thuộc vào chữ thứ nhất (tức Giới). Quý vị nghiêm túc tu học chưa đắc Định, thấy Bồ Tát thật sự đắc Định, tâm được thanh tịnh. Dẫu cho người y giáo tu hành đầy cả một Diêm Phù Đề, hễ gặp được một người chân chánh tu hành, thành tựu tâm thanh tịnh thì phải nên thân cận, cúng dường, thừa sự.
Chánh kinh:
Như thị thiện nghiệp, Như Lai tùy hỷ, Như Lai duyệt khả.
如是善業。如來隨喜。如來悅可。
(Thiện nghiệp như thế, Như Lai tùy hỷ, Như Lai vui mừng chấp thuận)
Đó là thiện nghiệp đấy! Thiện gì vậy? Đấy mới là chân thiện nghiệp mà đức Phật vui thích. Tiếp theo là:
Chánh kinh:
Nhược ư cần tu trí huệ Bồ Tát.
若於勤修智慧菩薩。
(Nếu với Bồ Tát siêng tu trí huệ)
Câu này chỉ rõ Tam Học Giới - Định - Huệ vậy! Đây là đạt đến mức cao nhất, nhân Định khai Huệ! Trí huệ khai rồi, nhà Thiền gọi là "đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh", trong Tịnh tông chúng ta gọi là "Lý nhất tâm bất loạn", cũng là minh tâm kiến tánh, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Nếu đối với hạng Bồ Tát như thế mà...
Chánh kinh:
Thừa sự, cúng dường, đương hoạch vô lượng phước đức chi tụ.
承事供養。當獲無量。福德之聚。
(Thừa sự, cúng dường, sẽ đạt vô lượng khối phước đức)
Bởi lẽ, trong Phật pháp, chẳng cần biết là học theo tông phái nào, pháp môn nào, cương lãnh chung là Giới - Định - Huệ, nguyên tắc chung là Giác - Chánh - Tịnh. Quý vị thấy đó, nhập Phật môn liền thọ Tam Quy. Tam Quy là gì? Tam Quy là vị thầy đem phương hướng tu hành, cương lãnh tu hành truyền trao cho quý vị, gọi đó là [quy y] Tam Bảo! Tam Bảo ấy là tự tánh Tam Bảo, mới là chỗ chúng ta thật sự quy hướng. Tự tánh Phật chính là giác chẳng mê, tự tánh Pháp chính là chánh không tà, tự tánh Tăng là tịnh nhưng không nhiễm! Tam Bảo là Giác - Chánh - Tịnh.
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Trí huệ chi nghiệp vô thượng thù thắng, siêu quá nhất thiết tam giới sở hạnh.
何以故。智慧之業。無上最勝。超過一切。三界所行。
(Vì sao vậy? Nghiệp trí huệ thù thắng vô thượng, vượt trỗi hết thảy các hạnh trong tam giới)
Có như thế thì quý vị mới có thể xuất tam giới. Trí huệ chẳng thành tựu thì thoát khỏi tam giới sao được? Giờ đây chúng ta mong thành tựu trí huệ trong một đời này, nói thật ra, chẳng thể được đâu! Những điều tâm quý vị nghĩ toàn là vọng tưởng cả! Hôm qua tôi đã nói đến rồi đó. Chúng tôi rất khâm phục Lục Tổ Huệ Năng đại sư của Thiền Tông, Ngài gặp Ngũ Tổ để mong làm Phật. Trong các đồng tu chúng ta, có ai dám nói là tôi muốn được thành Phật hay chăng?
Nếu quý vị muốn học theo Ngài: "Tôi muốn thành Phật", thì quý vị có giống như ngài Huệ Năng hay chăng? Huệ Năng làm Phật là vì có điều kiện làm Phật. Người ta niệm kinh Kim Cang ở bên cạnh, Ngài không biết chữ, nghe được mấy câu bèn đại triệt đại ngộ. Chúng ta có được năng lực ấy chăng? Chúng ta niệm kinh Kim Cang đến mấy ngàn lượt vẫn chẳng khai ngộ, vẫn là suy nghĩ nhảm nhí! Vì thế, Ngài nói làm Phật thì được, chứ ta không làm Phật được! Học đòi theo Ngài thì chúng ta thành một ông Phật hồ đồ, chẳng phải là Phật thật! Như thế thì học theo sao được? Học theo là mắc lỗi ngay.
Nhưng trong thời kỳ Mạt Pháp, chân chánh phát tâm mong thành Phật có một con đường như đức Thế Tôn đã dạy: "Thật thà niệm Phật". Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả mà! Chúng ta niệm Phật chỉ cầu vãng sanh, vãng sanh bất thoái thành Phật, đó là con đường nhanh tắt để thành Phật đấy! Cách này chúng ta có phần. Nếu chúng ta chẳng nương theo pháp môn này, ắt sẽ là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chẳng phải là chân thật, chính mình nhất định phải hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch.
Nếu quý vị hỏi: "Chúng con thật sự muốn tu hành, đoạn ác tu thiện, phải bắt đầu từ đâu?" Bộ kinh này dạy cho ta phương cách. Tôi tuyên bố cùng mọi người: Lý luận kinh Kim Cang dạy quý vị thấy thấu suốt, buông xuống, còn kinh này toàn giảng về sự tướng, dạy quý vị phải sống như thế nào? Dạy quý vị phương pháp làm việc tron xã hội hiện tại như thế nào? Xử thế, đãi nhân, tiếp vật ra sao? Kinh nói thật chi ly, tường tận! Thế nào là ứng với Bát Nhã? Thế nào là ứng với phiền não? Tương ứng với phiền não là nghiệp sanh tử luân hồi; ứng với Bát Nhã là sự nghiệp của Phật, Bồ Tát. Bởi thế, phải nghiêm túc tu tập kinh này, phải thâm nhập để tìm tòi.
Chúng tôi giảng trong một thời gian ngắn, chẳng thể giảng sâu, giảng tường tận. Vì thế, chỉ điểm tới rồi thôi, cốt ý nhằm cảnh tỉnh các vị đồng tu. Quý vị về nhà nghiêm túc nỗ lực tu tập, phải thật sự hành, chịu thực hành, ắt quý vị sẽ nhận ra trong mỗi chữ, mỗi câu chứa đựng vô lượng nghĩa.
Chánh kinh:
Thị cố Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát phát khởi tinh tấn, ư trí huệ trung, đương cần tu tập.
是故彌勒。若有菩薩。發起精進。於智慧中。當勤修習。
(Vì thế này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát phát khởi tinh tấn, hãy nên siêng tu tập trí huệ)
Ai thật sự phát tâm tu Bồ Tát đạo, nhất định phải tích cực lấy trí huệ chân thật làm mục tiêu tu học cho chính mình, bởi lẽ nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ, quý vị phải hiểu rõ ý nghĩa này.
10. Lược nói hý luận có hai mươi loại lỗi lớn
Tiếp theo đây là một đoạn nữa, lược nói hý luận có hai mươi loại lầm lỗi.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Như Lai thiện thuyết sơ nghiệp Bồ Tát nhạo ư hội náo, thế thoại, thùy miên, chúng vụ quá thất.
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。如來善說。初業菩薩。樂於憒鬧。世話。睡眠。眾務過失。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai khéo nói lầm lỗi của hàng sơ nghiệp Bồ Tát ưa thích ồn náo, ngôn luận thế gian, ngủ nghê, các việc)
Mấy câu này nhằm tổng kết những điều đức Thế Tôn đã giảng. Trong thời kỳ Mạt Pháp, Bồ Tát sơ phát tâm ưa thích những điều ấy, những điều ấy đều là sai trái, vô lượng lầm lỗi, nhưng còn lỗi hại của hý luận đức Phật chưa nói, bởi thế, ở đây Ngài phải hỏi:
Chánh kinh:
Vân hà danh vi hý luận trung quá? Nhược quán sát thời, linh chư Bồ Tát đương đắc trụ ư tịch tĩnh, vô chư tránh luận.
云何名為。戲論中過。若觀察時。令諸菩薩。當得住於寂靜。無諸諍論。
(Thế nào gọi là lỗi của hý luận? Nếu lúc quán sát sẽ khiến cho các Bồ Tát trụ trong tịch tĩnh, không có các tranh cãi).
Nếu như đối với lỗi lầm của hý luận mà họ minh bạch, nhất định sẽ bỏ được hý luận, an trụ nơi tịch tĩnh, không tranh cãi, điều đó tương ứng với đạo tâm và thanh tịnh tâm. Tiếp theo đây, đức Thế Tôn khai thị:
Chánh kinh:
Phật ngôn:
- Di Lặc! Sơ nghiệp Bồ Tát hý luận quá thất vô lượng vô biên, ngã kim lược thuyết hữu nhị thập chủng. Vân hà danh vi nhị thập chủng quá?
佛言彌勒。初業菩薩。戲論過失。無量無邊。我今略說。有二十種。云何名為。二十種過。
(Phật nói:
- Này Di Lặc! Lỗi lầm hý luận của sơ nghiệp Bồ Tát vô lượng vô biên, ta nay nói đại lược có hai mươi thứ. Thế nào gọi là hai mươi thứ lỗi?)
Hai chữ "hý luận" (戲論) bao hàm ý nghĩa rất sâu, rất rộng, nói đơn giản là [những lời lẽ] chẳng có ý nghĩa chân thật; thậm chí đối với pháp thế gian hoàn toàn chẳng có lợi ích chân thật, những ngôn ngữ, luận thuyết như thế đều gọi là "hý luận". Phật quy nạp chúng thành hai mươi loại.
Chánh kinh:
Nhất giả, ư hiện tại sanh đa chư khổ não.
一者。於現在生。多諸苦惱。
(Một là sanh nhiều khổ não ngay trong đời này)
Vì sao hý luận có lắm khổ não? Thánh nhân Trung Quốc cũng hiểu được việc này. Trong nền giáo dục của đức Khổng Phu Tử, điều thứ nhất trong bốn khoa là đức hạnh, điều thứ hai là ngôn ngữ, quý vị mới thấy ngôn ngữ trọng yếu. Nói năng chẳng cẩn thận sẽ biến thành hý luận, hý luận mang đến vô biên khổ não cho quý vị!
Chánh kinh:
Nhị giả, tăng trưởng sân nhuế, thoái thất nhẫn nhục.
二者。增長瞋恚。退失忍辱。
(Hai là tăng trưởng nóng giận, lui sụt nhẫn nhục)
Đây đều là những lỗi hại của hý luận.
Chánh kinh:
Tam giả, vị chư oán đối chi sở não hại.
三者。為諸怨對。之所惱害。
(Ba là bị các oán đối não hại)
"Não" (惱) là bị những người quý vị trót đắc tội, những người mà quý vị đã trót xúc phạm, họ đến hãm hại quý vị, khiến quý vị sanh phiền não.
Chánh kinh:
Tứ giả, ma cập ma dân giai sanh hoan hỷ.
四者。魔及魔民。皆生歡喜。
(Bốn là ma và dân ma đều sanh hoan hỷ)
Phật, Bồ Tát trông thấy chẳng hoan hỷ, yêu ma, quỷ quái trông thấy rất hoan hỷ, vì sao thế? Yêu ma, quỷ quái ưa thích hý luận, quý vị là đồng loại của chúng.
Chánh kinh:
Ngũ giả, vị sanh thiện căn giai tất bất sanh.
五者。未生善根。皆悉不生。
(Năm là thiện căn chưa sanh thảy đều chẳng sanh)
Điều này dễ hiểu.
Chánh kinh:
Lục giả, dĩ sanh thiện căn năng linh thoái thất.
六者。已生善根。能令退失。
(Sáu là thiện căn đã sanh có thể bị thoái thất)
Hết thảy thiện pháp đều sanh từ đó nên gọi là "thiện căn". Trong kinh, Phật dạy chúng ta thế pháp thiện căn có ba loại: vô tham, vô sân, vô si. Đó gọi là ba thiện căn, các thiện pháp thế gian đều sanh từ đó. Thiện pháp xuất thế gian là tinh tấn. Quý vị phải nhớ kỹ: Tinh (精) là thuần nhất không tạp, Tấn (進) là tiến bộ; đấy là thiện căn sanh ra thiện pháp xuất thế. Hiện giờ, chúng ta thấy có người cũng siêng năng, dũng mãnh, nhưng chẳng tinh tấn mà là tạp tấn, họ rối tung tít mù, bạ cái gì cũng học, loạn tấn, tạp tấn, chẳng phải là [tinh tấn] như kinh Phật nói.
Tinh tấn nói trong kinh Phật là thâm nhập một môn. Dù trí huệ đã mở, chứng đắc quả vị Bồ Tát sâu xa, biểu hiện bên ngoài của các Ngài vẫn là tinh tấn; các vị đọc kinh Hoa Nghiêm sẽ thấy ngay. Quý vị xem năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm, năm mươi ba vị thiện tri thức đều là Pháp Thân đại sĩ, trong đó có rất nhiều vị Đẳng Giác Bồ Tát, biểu hiện của các Ngài đều là "một môn tinh tấn". Thiện Tài đồng tử đến tham phỏng, các Ngài tự nói trong vô lượng pháp môn, ta chỉ chọn lấy một pháp môn để tu học, còn các pháp môn khác thì họ nói: "Ta còn chưa biết, ngươi nên đi hỏi người khác". Tự mình khiêm hư, khen ngợi người khác vậy! Họ biểu hiện tinh tấn, chẳng phải là tạp tấn, loạn tấn. Bồ Tát ở địa vị sâu còn như thế, huống hồ là bọn sơ học chúng ta.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói chẳng lầm đâu, chỉ sợ mọi người hiểu lầm. "Pháp môn vô lượng thệ nguyện học", xem đến đây bèn vội học hết thảy pháp môn cùng một lúc. Quý vị cứ tưởng mình y giáo phụng hành, thật ra là lầm to. Vì sao vậy? Trước đó có hai điều kiện, quý vị đã làm được hay chưa? "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ", quý vị đã phát được tâm nguyện ấy chưa?
Ngày ngày niệm bốn câu kệ, chỉ là miệng có, tâm không. "Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" mỗi ngày đều niệm, ở trước Phật, Bồ Tát phát nguyện ấy, nhưng thấy chúng sanh này thì chán ngán, thấy chúng sanh kia bèn ghét bỏ! Vậy thì phía sau lời nguyện "chúng sanh vô biên thệ nguyện độ" phải chua thêm: Tôi chẳng độ kẻ này, tôi chẳng độ kẻ nọ. Quý vị có làm như vậy hay là không? "Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn", đoạn được một điều phiền não nào chưa? Bởi thế, quý vị phải có nguyện tâm chân thật, đoạn hết phiền não rồi mới có thể học vô lượng pháp môn, đó là giai đoạn thứ ba vậy.
Phiền não chưa đoạn, học chi lắm pháp môn! Trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, ngài Thanh Lương đại sư viết hai câu rất hay: "Hữu giải vô hành" (có hiểu biết nhưng không thực hành), quý vị học cho nhiều, nhưng chẳng tu hành, chẳng đoạn phiền não. Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, quý vị có "pháp môn vô lượng thệ nguyện học", nhưng không đoạn phiền não, kết quả sẽ là gì? "Tăng trưởng tà kiến", quý vị càng học cho nhiều, tà kiến càng nhiều. Đủ thấy Ngài giảng rất minh bạch vậy! Phật pháp chẳng quý ở chỗ nói cho nhiều, mà phải chân chánh phụng hành thì quý vị mới thật sự thụ dụng được.
Chánh kinh:
Thất giả, tăng chư đấu tránh, oán cạnh chi tâm.
七者。增諸鬥諍。怨競之心。
(Bảy là tăng thêm các tâm tranh giành, đua chen, oán ghét)
Người ưa thích hý luận, tâm hiếu thắng rất mạnh, có tâm hiếu thắng ắt sẽ sanh khởi tranh chấp, háo cường, đấu đá, bây giờ gọi là "cạnh tranh".
Chánh kinh:
Bát giả, tạo tác địa ngục, ác thú chi nghiệp.
八者。造作地獄。惡趣之業。
(Tám là tạo tác nghiệp địa ngục, đường ác)
Khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác đều là ác nghiệp, vì sao vậy? Vì tương ứng với tham, sân, si. Tham, sân, si, mạn, nghi, ghen ghét là nghiệp nhân của ba đường ác.
Chánh kinh:
Cửu giả, đương đắc xú lậu, bất thiện chi quả.
九者。當得醜陋。不善之果。
(Chín là sẽ lãnh quả xấu xa, chẳng lành)
Nhân chẳng lành, đương nhiên quả chẳng lành.
Chánh kinh:
Thập giả, thiệt bất nhu nhuyễn, ngôn từ kiển sáp.
十者。舌不柔軟。言詞謇澀。
(Mười là lưỡi chẳng mềm mại, lời lẽ ngọng nghịu)
Nghĩa là nói năng khó khăn, đó là quả báo đấy! Là quả báo hiện tiền.
Chánh kinh:
Thập nhất giả, sở thọ giáo pháp bất năng ức trì.
十一者。所受教法。不能憶持。
(Mười một là chẳng thể nhớ giữ giáo pháp đã nhận lãnh)
Nói như bây giờ là hay quên! Trong Phật pháp gọi là "thất niệm", tức là thường quên mất chánh niệm.
Chánh kinh:
Thập nhị giả, ư vị văn kinh, văn chi bất ngộ.
十二者。於未聞經。聞之不悟。
(Mười hai là đối với kinh chưa nghe, nghe cũng chẳng ngộ)
Đọc tụng, nghe giảng chẳng dễ gì khai ngộ.
Chánh kinh:
Thập tam giả, chư thiện tri thức giai tất xả ly.
十三者。諸善知識。皆悉捨離。
(Mười ba là các thiện tri thức thảy đều lìa bỏ)
Thiện tri thức vốn rất khó gặp, dù gặp đi nữa, vì chí thú chẳng tương đồng, quý vị cũng chẳng thể tiếp nhận lời thiện tri thức răn dạy, thiện tri thức cũng chẳng muốn dạy quý vị.
Chánh kinh:
Thập tứ giả, chư ác tri thức tốc đương trị ngộ.
十四者。諸惡知識。速當值遇。
(Mười bốn là sẽ chóng gặp gỡ các ác tri thức)
Là vì chí hướng phù hợp nhau, rất dễ kết thành bầy.
Chánh kinh:
Thập ngũ giả, tu hành ư đạo, nan đắc xuất ly.
十五者。修行於道。難得出離。
(Mười lăm là tu hành nơi đạo, khó được xuất ly)
Chữ "đạo" (道) chỉ Đại Thừa, Tiểu Thừa Phật pháp, bất luận tu một pháp môn nào, chẳng có cách nào để xuất tam giới.
Chánh kinh:
Thập lục giả, bất duyệt ý ngữ, sổ sổ thường văn.
十六者。不悅意語。數數常聞。
(Mười sáu là thường nghe những lời chẳng vừa ý)
Thường phải nghe những ngôn từ chẳng đẹp ý, cũng như là phải nghe người khác nói những lời khiến tâm mình rất khó chịu.
Chánh kinh:
Thập thất giả, tại tại sở sanh, đa chư nghi hoặc.
十七者。在在所生。多諸疑惑。
(Mười bảy là sanh ở đâu cũng lắm nỗi ngờ vực)
"Tại tại" là đời đời kiếp kiếp, phiền não lấp tâm, nghiệp chướng tập khí khiến cho quý vị hay đâm ra ngờ vực chánh pháp.
Chánh kinh:
Thập bát giả, thường sanh nạn xứ, bất văn chánh pháp.
十八者。常生難處。不聞正法。
(Mười tám là thường sanh chỗ nạn, chẳng nghe chánh pháp)
"Nạn" (難) là tam đồ bát nạn, chẳng nghe đến Phật pháp.
Chánh kinh:
Thập cửu giả, tu hành bạch pháp, đa hữu chướng ngại.
十九者。修行白法。多有障礙。
(Mười chín là tu hành bạch pháp có nhiều chướng ngại)
"Bạch pháp" là thiện pháp. Dẫu cho thiện căn hiện tiền, làm chút việc tốt cũng gặp chướng ngại.
Chánh kinh:
Nhị thập giả, ư sở thọ dụng, đa chư oán tật.
二十者。於所受用。多諸怨嫉。
(Hai mươi là với những thứ được thọ dụng, hay bị oán ghét)
Trong sanh hoạt tự thân, bất luận về mặt hưởng thụ vật chất hay tinh thần đều bị người khác ghen ghét, oán hờn, chuốc lấy những quả báo chẳng như ý.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị vị Bồ Tát đam trước hý luận nhị thập chủng quá.
彌勒。是為菩薩。耽著戲論。二十種過。
(Này Di Lặc! Đó là hai mươi lỗi của Bồ Tát đắm chấp hý luận)
9.2.Trùng tụng
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn trùng thuyết kệ ngôn:
爾時世尊。重說偈言。
(Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn lại nói kệ rằng)
Tiếp theo là kệ tụng.
Chánh kinh:
Hiện sanh thường khổ não,
Ly nhẫn, đa sân nhuế,
Oán thù sanh hại tâm,
Thị danh hý luận quá.
現生常苦惱。
離忍多瞋恚。
怨讎生害心。
是名戲論過。
(Đời này thường khổ não,
Lìa nhẫn, lắm nóng giận,
Tâm oán thù sanh hại,
Đó gọi lỗi hý luận)
"Nhẫn" (忍) là nhẫn nhục, chẳng có tâm nhẫn nại, hay nóng giận.
Chánh kinh:
Ma cập ma quyến thuộc,
Giai sanh hoan hỷ tâm,
Táng thất chư thiện pháp,
Thị danh hý luận quá.
Vị sanh thiện bất sanh,
Thường trụ ư đấu tránh,
Tạo ư ác thú nghiệp,
Thị danh hý luận quá.
魔及魔眷屬。
皆生歡喜心。
喪失諸善法。
是名戲論過。
未生善不生。
常住於鬥諍。
造於惡趣業。
是名戲論過。
(Ma và quyến thuộc ma,
Đều sanh lòng hoan hỷ,
Chôn mất các pháp lành.
Đó gọi lỗi hý luận,
Thiện chưa sanh chẳng sanh,
Thường trụ nơi tranh giành,
Tạo các nghiệp ác đạo,
Đó gọi lỗi hý luận)
Những lời đức Phật giảng đây thực sự đều là chuyện thấy ngay nhãn tiền. Mỗi ngày chúng ta thường thấy, nghe thấy, đều là những chuyện kinh đã nói rồi; bởi thế, phải thời thời khắc khắc khởi tâm cảnh giác.
Chánh kinh:
Thân hình đa xú lậu,
Sanh ư hạ liệt gia,
Phát ngôn thường kiển sáp,
Thị danh hý luận quá,
Văn pháp bất năng trì,
Hoặc văn bất nhập nhĩ,
Thường ly chư thiện hữu,
Thị danh hý luận quá,
Trị ngộ ác tri thức,
Ư đạo nan xuất ly.
身形多醜陋。
生於下劣家。
發言常謇澀。
是名戲論過。
聞法不能持。
或聞不入耳。
常離諸善友。
是名戲論過。
值遇惡知識。
於道難出離。
(Thân hình nhiều xấu xí,
Sanh trong nhà hèn hạ,
Nói năng thường ngọng líu,
Đó gọi lỗi hý luận,
Nghe pháp chẳng thể trì,
Hoặc nghe chẳng lọt tai,
Thường lìa các bạn lành,
Đó gọi lỗi hý luận,
Gặp gỡ ác tri thức,
Với đạo khó xuất ly)
Chữ "đạo" (道) chỉ lục đạo, nếu nói nghiêm trọng hơn một chút thì là tam ác đạo! Đọa lạc tam ác đạo dễ dàng, thoát ra rất khó.
Chánh kinh:
Thường văn bất thuận ngữ,
Thị danh hý luận quá,
Tùy bỉ sở sanh xứ,
Thường hoài nghi hoặc tâm,
Ư pháp bất năng liễu,
Thị danh hý luận quá.
Thường sanh bát nạn trung.
常聞不順語。
是名戲論過。
隨彼所生處。
常懷疑惑心。
於法不能了。
是名戲論過。
常生八難中。
(Thường nghe lời trái tai,
Đó gọi lỗi hý luận,
Kẻ ấy sanh ở đâu,
Thường ôm lòng ngờ vực,
Với pháp chẳng thể liễu,
Đó gọi lỗi hý luận,
Thường sanh trong tám nạn)
Phần trên đã nói "nạn" là tam đồ bát nạn.
Chánh kinh:
Viễn ly vô nạn xứ.
遠離無難處。
(Xa lìa chốn không nạn)
Chỗ "không có nạn" tức là chỗ có Phật pháp, họ chẳng dễ gì sanh vào được những chỗ ấy.
Chánh kinh:
Cụ túc vô lợi ích,
Thị danh hý luận quá,
Ư thiện đa chướng ngại,
Thoái thất chánh tư duy,
Sở thọ đa oán tật,
Thị danh hý luận quá.
Như thị chư quá thất,
Giai nhân hý luận sanh.
具足無利益。
是名戲論過。
於善多障礙。
退失正思惟。
所受多怨嫉。
是名戲論過。
如是諸過失。
皆因戲論生。
(Đầy đủ không lợi ích,
Đó gọi lỗi hý luận,
Làm lành lắm chướng ngại,
Lui sụt chánh tư duy,
Hưởng thụ lắm oán ghét,
Đó gọi lỗi hý luận,
Những lỗi lầm như thế,
Đều do hý luận sanh)
Câu này tổng kết hai mươi bài kệ tụng ở trên, các duyên ấy đều là do hý luận sanh ra.
Chánh kinh:
Thị cố hữu trí nhân,
Tốc tật đương viễn ly,
Như thị hý luận giả,
Nan chứng đại Bồ Đề.
是故有智人。
速疾當遠離。
如是戲論者。
難證大菩提。
(Vì thế, người có trí,
Nên nhanh chóng xa lìa.
Kẻ hý luận như thế,
Khó chứng đại Bồ Đề)
Đây là chướng đạo.
Chánh kinh:
Thị cố hữu trí nhân,
Diệc bất ưng thân cận,
Hý luận, tránh luận xứ,
Đa khởi chư phiền não,
Trí giả ưng viễn ly,
Đương khứ bách do-tuần
是故有智人。
亦不應親近。
戲論諍論處。
多起諸煩惱。
智者應遠離。
當去百由旬。
(Vì thế người có trí,
Cũng chẳng nên thân cận,
Chỗ hý luận, tranh luận,
Khởi nhiều các phiền não,
Người trí nên xa lìa
Cả một trăm do-tuần)
"Một trăm do-tuần" ở đây là tỷ dụ, không nhất định phải cách xa chừng đó. Ở đây, đức Phật dạy chúng ta: Những nơi hý luận, tranh cãi là nơi dấy lên nhiều phiền não, người học Phật gặp những chốn ấy nên mau tránh xa, đừng đến xem náo nhiệt, náo nhiệt sẽ gây phiền phức, tức là khởi phiền não vậy.
Chánh kinh:
Diệc bất cận ư bỉ,
Tạo lập chư xá trạch.
亦不近於彼。
造立諸舍宅。
(Cũng đừng dựng nhà cửa,
Ở gần những nơi đó)
Câu này ý nói: Những địa phương tranh luận, hý luận ấy, tốt nhất ta nên sống xa ra, đừng cất nhà ở gần đó.
Chánh kinh:
Thị cố xuất gia nhân,
Bất ưng trụ tránh luận.
是故出家人。
不應住諍論。
(Bởi thế người xuất gia,
Chẳng nên vướng tranh cãi)
Ở đây, đức Phật nói rất rõ vậy! Ngài nói:
Chánh kinh:
Nhữ đẳng vô điền trạch,
汝等無田宅。
(Các ông không ruộng, nhà)
Đây là nói về người xuất gia. "Điền trạch" tức là hằng sản (tài sản cố định), người xuất gia không có hằng sản, nhưng người xuất gia hiện thời chẳng như vậy. Đó là điều chúng ta phải thời thời khắc dấy lòng hổ thẹn! Đương nhiên là do nhiều nguyên nhân, người xuất gia hiện tại nói thật ra rất khổ, bất đắc dĩ mà thôi! Quý vị chẳng có một chỗ nhỏ nhoi nào, không ai cho quý vị quải đơn cả, đường cùng bí lối, không có chỗ nào để tu hành hết. Tình thế bức bách, chẳng thể không tự mình tậu một ngôi miếu nhỏ, nhưng phải sanh lòng hổ thẹn, biết là chẳng đúng pháp.
Chánh kinh:
Thê tử cập đồng bộc,
Nãi chí vinh vị đẳng,
Hà duyên hưng tránh luận?
妻子及僮僕。
乃至榮位等。
何緣興諍論。
(Vợ con và tôi tớ,
Cho đến địa vị sang,
Cớ gì gây tranh cãi?)
"Duyên" là lý do. Quý vị có lý do gì để tranh cãi cùng người? Quý vị đã buông xuống hết thảy danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần thế gian rồi, đều bỏ sạch rồi, còn gì để tranh giành với người ta?
Chánh kinh:
Xuất gia trụ tịch tĩnh,
Thân bị ư pháp phục,
Chư tiên hàm kính sự,
出家住寂靜。
身被於法服。
諸仙咸敬事。
(Xuất gia trụ tịch tĩnh,
Thân khoác lấy pháp phục,
Chư tiên đều kính thờ)
Chữ "Tiên" (仙) chỉ tiên nhân. Tiên nhân có trí huệ, thần thông, thấy quý vị là người chân chánh tu hành, họ tôn kính quý vị.
Chánh kinh:
Đương tu nhẫn nhục tâm,
Như thị hý luận giả,
Tăng trưởng độc hại tâm,
Đương đọa ư ác thú,
Thị cố ưng tu nhẫn.
當修忍辱心。
如是戲論者。
增長毒害心。
當墮於惡趣。
是故應修忍。
(Nên tu tâm nhẫn nhục,
Kẻ hý luận như thế,
Tăng trưởng tâm độc hại,
Sẽ đọa trong đường ác,
Vì thế nên tu nhẫn)
Làm thế nào để rời bỏ hý luận? Phải có tâm nhẫn nại. Quý vị có tâm nhẫn nại, quý vị sẽ xa lìa được. Nói theo bây giờ, hý luận, tranh cãi đã mò vào tận nhà quý vị, quý vị chẳng tin ư? Mỗi ngày bật TV lên, trong TV toàn là hý luận, vẫn có đấu đá, tranh cãi. Lúc quý vị xem TV, tâm bị động theo, sanh ra phiền não. Nếu trong nhà có máy TV, gấp sớm bỏ đi. Đó mới là viễn ly! Thật đó, báo chí, tạp chí đều chẳng cần xem, trong đó toàn là hý luận, tranh cãi, chúng là một loại ác duyên dẫn khởi phiền não đấy, chẳng phải là thứ tốt. Bởi thế, phải có tâm nhẫn nại, phải tu Nhẫn Nhục Ba La Mật.
Chánh kinh:
Tù cấm cập hệ phược,
Hình hại nhi chúy sở,
Như thị đẳng chư khổ,
Giai do tránh luận sanh.
囚禁及繫縛。
刑害而捶楚。
如是等諸苦。
皆由諍論生。
(Tù giam cùng trói buộc,
Trừng phạt cùng đánh đập,
Các nỗi khổ thế đó,
Đều do tranh cãi sanh)
Câu này nói đến chuyện hiện tiền. Quý vị tranh cãi đắc tội với hạng oan gia có oai đức, họ muốn sát hại quý vị, bèn có thể giả mạo tội danh để vu hãm quý vị, trong lịch sử ta từng thấy rất nhiều [trường hợp giống như vậy]. Đối với xã hội hiện tại, quý vị lắng lòng quán sát cũng thấy thường có những chuyện ấy. Hiện tại, quý vị bị người ta giam cầm trong ngục chịu hình phạt, chịu các nỗi khổ; tương lai trong tam đồ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu các nỗi khổ đều là do tranh cãi mà ra cả!
Chánh kinh:
Như thị hý luận giả,
Thường ngộ ác tri thức,
Danh xưng bất tăng trưởng,
Tằng vô hoan hỷ tâm.
如是戲論者。
常遇惡知識。
名稱不增長。
曾無歡喜心。
(Kẻ hý luận như thế,
Thường gặp ác tri thức,
Tiếng tăm chẳng tăng thêm,
Lòng chưa từng hoan hỷ)
"Danh xưng" (名稱) nói theo bây giờ là "danh dự", đại chúng trong xã hội chẳng khen ngợi quý vị.
Chánh kinh:
Nhược xả ư tránh luận,
Vô năng ty kỳ tiện,
Quyến thuộc bất quai ly,
Thường ngộ ư thiện hữu.
若捨於諍論。
無能伺其便。
眷屬不乖離。
常遇於善友。
(Nếu bỏ được tranh cãi,
Không ai kiếm cớ hại,
Quyến thuộc chẳng trái lìa,
Thường gặp được bạn lành)
Nếu quý vị bỏ được tranh cãi, thân tâm sẽ thanh tịnh, oan gia đối đầu chẳng nắm được đằng chuôi, cũng chẳng có cách nào hãm hại quý vị. Đó gọi là lợi ích đạt được về mặt thế gian, cả một đời này sống yên ổn, bình an.
Chánh kinh:
Ư thừa đắc thanh tịnh,
Nghiệp chướng tận vô dư,
Tồi phục ư ma quân,
Cần tu nhẫn nhục hạnh.
於乘得清淨。
業障盡無餘。
摧伏於魔軍。
勤修忍辱行。
(Được thanh tịnh nơi Thừa,
Nghiệp chướng hết chẳng sót,
Dẹp yên các quân ma,
Siêng tu hạnh nhẫn nhục)
Đây là nói về mặt học Phật. "Thừa" là Đại Thừa, Tiểu Thừa, Tam Thừa, Ngũ Thừa, tức là Phật pháp. Bất luận quý vị tu theo một pháp môn nào đều được thanh tịnh, thanh tịnh là thành tựu đấy! Trong đề mục kinh Vô Lượng Thọ nêu bật cương lãnh tu học: "Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác". Bởi thế, người tu Tịnh Độ phải biết tu cái gì? Tu thanh tịnh, bình đẳng, giác. Quý vị đạt thanh tịnh, bình đẳng, giác thì nhất định quý vị vãng sanh! Tâm tịnh quốc độ tịnh, có vậy mới cảm ứng đạo giao. "Nghiệp chướng hết không sót": thật sự tiêu nghiệp chướng, tâm thanh tịnh hiện tiền. "Ma quân": Quân là tỷ dụ, ma nhiễu loạn bên ngoài, tâm quý vị thanh tịnh, chẳng bị hoàn cảnh bên ngoài nhiễu loạn, vì vậy, quý vị có định lực, có thể nhẫn nhục.
Chánh kinh:
Tránh luận đa chư quá,
Vô tránh cụ công đức.
諍論多諸過。
無諍具功德。
(Tranh cãi: các lỗi lắm,
Không tranh: công đức vẹn)
Hai câu này nhằm so sánh rõ.
Chánh kinh:
Nhược hữu tu hành giả,
Đương trụ ư nhẫn nhục.
若有修行者。
當住於忍辱。
(Nếu có kẻ tu hành,
Nên trụ trong nhẫn nhục)
Người chân chánh phát tâm tu hành, nhất định phải tu Nhẫn Nhục Ba-la-mật. Trong kinh Kim Cang, Phật dạy chúng ta: Bồ Tát phải tu học sáu cương lãnh, tức là sáu Ba-la-mật, đặc biệt là bố thí, nhẫn nhục, Ngài giảng tường tận nhất. Vì sao vậy? Trong Lục Độ, hai môn này trọng yếu vô cùng. Bố Thí là buông xuống, Nhẫn Nhục là thành tựu. Quý vị có buông xuống được, nhưng không nhẫn được thì khó giữ được công đức, vẫn chẳng thể thành tựu. Bởi thế, nhẫn nhục trọng yếu vô cùng. Có nhẫn được thì sau đấy mới có thể tinh tấn, mới có Thiền Định, mới có trí huệ. Do đây biết rằng: Quý vị đắc Định, đắc Huệ thì Nhẫn là then chốt; chẳng thể nhẫn, quyết định chẳng thể thành tựu được Định và Huệ.
Trong đoạn tiếp theo đây, Di Lặc Bồ Tát hỏi Phật: Các Bồ Tát trong thời kỳ Mạt Pháp như bọn chúng ta đây, nghe đức Phật dạy răn có thể hiểu nổi hay không? Di Lặc Bồ Tát rất quan tâm đến chúng ta. Phật nói rất rõ: Có! Có một số ít, chẳng phải là đa số giác ngộ. Số ít là như trong kinh Di Đà nói: "Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức nhân duyên để sanh về nước kia". Một số ít người thiện căn, phước đức nhân duyên sâu dầy, nghe răn dạy bèn giác ngộ, chân chánh phản tỉnh, kiểm điểm, hồi đầu, đoạn ác tu thiện. Đa số là nghiệp chướng sâu nặng, vẫn mê hoặc điên đảo như cũ, vẫn tạo nghiệp y như thế, tương lai vẫn phải đọa ác đạo. Phật tận hết trách nhiệm, đau lòng, rát miệng dạy răn, vậy thì chúng ta hãy suy nghĩ, mình có phải thuộc vào thiểu số Bồ Tát đức Phật nói đó hay không? Có phải là một người trong số các vị thiểu số Bồ Tát hay không? Hay vẫn là một trong đa số Bồ Tát chẳng giác ngộ? Phải tự mình phản tỉnh!
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát phục bạch Phật ngôn:
- Hy hữu Thế Tôn! Nãi năng thiện thuyết như thị quá thất, linh chư Bồ Tát sanh giác ngộ tâm. Thế Tôn! Ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, phả hữu Bồ Tát văn thuyết như thị tránh luận quá thất, năng sanh ưu hối, ly phiền não phủ?
爾時。彌勒菩薩。復白佛言。希有世尊。乃能善說。如是過失。令諸菩薩。生覺悟心。世尊。於後末世。五百歲中。頗有菩薩。聞說如是。諍論過失。能生憂悔。離煩惱不。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát lại bạch Phật rằng:
- Đức Thế Tôn hy hữu có thể khéo nói những lầm lỗi như thế, khiến cho các Bồ Tát sanh lòng giác ngộ. Bạch Thế Tôn! Vào đời mạt sau, trong năm trăm năm, há có Bồ Tát nào nghe nói lỗi lầm của tranh cãi như thế, bèn có thể sanh lo hối, lìa phiền não chăng?)
Đoạn này là Di Lặc Bồ Tát sau khi nghe đức Phật dùng đủ mọi lẽ răn dạy, đến đây bèn tổng kết. Ngài tán thán đức Thế Tôn: Hy hữu! Những ý nghĩa ấy rất sâu rộng, Thế Tôn khai thị nhằm mục đích khiến cho chúng ta nghe xong sẽ chân chánh giác ngộ. Sau khi thỉnh pháp, Di Lặc Bồ Tát bèn nói, thực ra là nói với chúng ta, "trong đời mạt, vào năm trăm năm sau", tức là trong thời đại hiện tại của chúng ta, "há có Bồ Tát" - chữ Bồ Tát ở đây chỉ các vị đồng tu đang hiện diện, nghe những lời Phật khai thị như thế xong, quý vị có ưu lự hay là không? Có sám hối hay không? Có từ nay trở đi cải ác, tùng thiện, sửa lỗi, đổi mới, mãi lìa phiền não hay không? Có thể lìa nổi các thứ lầm lỗi, phiền não như đức Phật đã giảng trong kinh này chăng? Chúng ta hãy xem đức Phật đáp lời Di Lặc Bồ Tát.
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Di Lặc! Ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung.
佛告彌勒菩薩言。彌勒。於後末世。五百歲中。
(Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Này Di Lặc! Vào đời mạt sau, trong năm trăm năm)
Ngay từ đầu kinh này, Di Lặc Bồ Tát khải thỉnh chủ yếu là vì "vào đời mạt sau, trong năm trăm năm", toàn là vì thời đại hiện tại của chúng ta.
Chánh kinh:
Thiểu hữu Bồ Tát năng sanh ưu hối, xả ly phiền não.
少有菩薩。能生憂悔。捨離煩惱。
(Ít có Bồ Tát có thể sanh lo hối, bỏ lìa phiền não)
Có hay không? Có, nhưng chẳng qua chỉ là thiểu số mà thôi, tức là "ít có Bồ Tát", đúng như lời thường nói trong cửa Phật: "Nhà Phật chẳng bỏ một ai". Dẫu trong đời Mạt chỉ có một cá nhân chịu y giáo phụng hành, chịu giác ngộ, Thế Tôn cũng chẳng lìa bỏ, cũng sẽ vì người đó thuyết pháp, huống hồ nào phải chỉ có một người! Câu "ít có Bồ Tát" thật ra là để nói đến những hạng người như kinh Di Đà đã dạy: "Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức nhân duyên để được sanh về cõi kia". Trong thời đại này, những người đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên chỉ là thiểu số!
Nếu quý vị hỏi: Thế nào là thiện căn, phước đức? Thiện căn là hiểu rõ lời Phật dạy răn, đối với lời Phật giảng dạy đều hiểu cả, người như vậy là có thiện căn. Lại còn có thể y giáo phụng hành, người ấy chính là có phước. Thế nào là phước báo? Trong một đời này vĩnh viễn thoát luân hồi. Bất cứ phước báo thế gian nào cũng đều chẳng sánh bằng phước báo ấy. Như các kinh Đại Thừa đã nói, phước báo do bố thí bảy báu khắp cả tam thiên đại thiên thế giới cũng chẳng thể sánh bằng, người ấy sẽ một đời này vãng sanh thành Phật, làm Phật. Đó là thiểu số Bồ Tát đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên.
Chánh kinh:
Đa hữu Bồ Tát kỳ tâm cang cường, bất tương tôn kính, hoài tăng thượng mạn, hỗ tương thị phi, văn thuyết như thị thậm thâm nghĩa thú, thù thắng công đức, tuy phục thọ trì, độc tụng, diễn thuyết, do thị Bồ Tát nghiệp chướng thâm trọng, bất năng đắc sanh thù thắng công đức.
多有菩薩。其心剛強。不相尊敬。懷增上慢。互相是非。聞說如是。甚深義趣。殊勝功德。雖復受持。讀誦。演說。由是菩薩。業障深重。不能得生。殊勝功德。
(Có nhiều Bồ Tát tâm họ ương bướng, chẳng thể tôn kính, ôm lòng tăng thượng mạn, cùng nhau thị phi, nghe nói nghĩa thú rất sâu, công đức thù thắng như thế, dù vẫn thọ trì, đọc tụng, diễn nói, nhưng do những Bồ Tát ấy nghiệp chướng sâu nặng nên chẳng thể sanh công đức thù thắng)
Còn có nhiều Bồ Tát, số này chiếm đa số. Đa số là những kẻ thiện căn, phước đức rất mỏng, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rất nặng. "Ương ngạnh khó hóa độ, chẳng thể tôn kính", đó là vẻ biểu hiện bên ngoài. Chúng ta học Phật muốn một đời thành tựu thì điều tối khẩn yếu là tâm chân thành, đối với bất kỳ ai đều chân thành, cung kính. Người ta chẳng coi trọng mình thì đó là chuyện của người ta, nhất định chẳng cần trách móc, thắc mắc. Là vì sao? Họ là phàm phu, nghiệp chướng sâu nặng. Nếu chúng ta trách móc, thắc mắc, ta cũng là phàm phu, có khác gì họ đâu!
Bồ Tát chẳng giống với phàm phu, phàm phu chửi rủa Bồ Tát, Bồ Tát thương xót phàm phu, chẳng giống nhau! Bởi thế, học Phật phải học từ đâu? Phải học từ đây nhé! "Ôm lòng tăng thượng mạn, cùng nhau thị phi", thật là dễ hiểu. "Nghe nói nghĩa thú rất sâu, công đức thù thắng như thế", tức là những điều được giảng trong kinh này xác thực là những nghĩa lý rộng sâu vô lượng vô biên, công đức chẳng thể xưng dương.
Những Bồ Tát ương ngạnh khó hóa độ kia cũng thọ trì, đọc tụng, thậm chí diễn thuyết, "do những Bồ Tát ấy nghiệp chướng sâu nặng, nên chẳng thể sanh công đức thù thắng". Nói cách khác, họ thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết, nhưng chẳng thể y giáo phụng hành, họ làm không được! Muốn làm thì bao thứ tập khí phiền não hiện tiền, đúng như trong kinh này nói: "Tu tập hết thảy nghiệp lành đều có chướng ngại". Đó là nghiệp chướng đấy!
Chánh kinh:
Tiện ư thị kinh, nghi hoặc bất tín, bất phục thọ trì, vị nhân diễn thuyết.
便於是經。疑惑不信。不復受持。為人演說。
(Bèn ngờ vực chẳng tin kinh này, chẳng còn thọ trì, vì người khác diễn nói)
Phiền não hiện tiền, Phật nói thế nào họ cũng chẳng tin, sanh khởi nghi hoặc, từ đó trở đi chẳng nói nữa. Sự việc như vậy, hạng người như vậy chúng ta lắng tâm quán sát thấy có rất nhiều. Chúng ta thường nói "thoái tâm, thoái chuyển", tức là chỉ những người vừa được nhắc đến ở đây.
Chánh kinh:
Thời Ma Ba Tuần kiến thị sự dĩ, vị cuống hoặc cố, tác tỳ-kheo tướng, lai đáo kỳ sở.
時魔波旬。見是事已。為誑惑故。作比丘像。來到其所。
(Khi ấy Ma Ba Tuần thấy việc như vậy rồi, nhằm lừa gạt nên hiện tướng tỳ-kheo, đến chỗ kẻ ấy)
Nếu ai ngã lòng, ắt sẽ hoài nghi kinh giáo, rất tệ vậy! Yêu ma, quỷ quái ở bên cạnh trông thấy rất rõ ràng, quý vị tín tâm vừa dao động, chúng nó đến liền. Ma hóa thành tỳ-kheo, đó là một loại. Còn có loại ma cũng đầu thai trong thế gian này, ứng hóa trong thế gian này, xuất gia làm pháp sư. Kinh Lăng Nghiêm từng nói: "Tà sư thuyết pháp như hằng hà sa", cũng là nói về thời đại này vậy! Vậy những tà sư đó là ai? Là con cháu của Ba Tuần, con cháu Ma Vương.
Lúc đức Thế Tôn còn tại thế, Ba Tuần (Ma Vương) cũng rất hộ trì đức Thế Tôn, nhưng chẳng muốn cho các chúng sanh đều thoát khỏi tam giới. Người ta thoát khỏi tam giới hết thì những kẻ bị Ma thống trị giảm thiểu, đều thoát đi hết, Ma chẳng thích thú gì. Khi ấy, có lần Ma thưa cùng Phật: "Tôi phải phá hoại Phật pháp". Phật bảo Ma: "Phật pháp là chánh pháp, chẳng có năng lực nào có thể phá hoại Phật pháp cả". Ma cười cợt nói: "Tôi đợi đến thời kỳ Mạt Pháp, tôi sai con cháu đi xuất gia, mặc lấy ca-sa phá hoại Phật pháp". Thế Tôn nghe nói thế, không đáp lấy một câu, ứa nước mắt. Bởi thế, mới nói thí dụ: Ví như trùng trong thân sư tử lại ăn thịt sư tử. Những kẻ ấy chẳng phải là đệ tử Phật, là con cháu Ma Vương đến tiêu diệt Phật pháp. Chúng ta thấy đó, những kẻ ấy mang hình tướng tỳ-kheo, xuất gia vậy.
Chánh kinh:
Lai đáo kỳ sở, thuyết như thị ngôn:
- Thử chư kinh điển giai thị thế tục thiện văn từ giả chi sở chế tạo, phi thị Như Lai chi sở tuyên thuyết.
來到其所。說如是言。此諸經典。皆是世俗。善文詞者。之所製造。非是如來。之所宣說。
(Đến chỗ kẻ ấy, nói như thế này:
- Các kinh điển này đều là do kẻ giỏi văn chương trong thế tục chế tạo ra, chẳng phải do đức Như Lai tuyên nói)
Trong xã hội hiện tại, khắp nơi nghe thấy nói pháp này chẳng phải do đức Phật nói, kinh kia chẳng do đức Phật nói, thậm chí toàn bộ kinh Đại Thừa đều chẳng phải do đức Phật giảng. Chẳng những nói như thế không thôi, còn có rất nhiều trước tác nữa kia! Khiến cho con người đối với chánh pháp khởi lòng nghi hoặc, chẳng những tín tâm lui sụt, mà chướng ngại hết thảy chúng sanh tu học chánh pháp, tin hiểu chánh pháp. Cái tội ấy rất nặng!
Chánh kinh:
Hà dĩ cố? Thử kinh sở thuyết công đức lợi ích, nhữ giai bất đắc.
何以故。此經所說。功德利益。汝皆不得。
(Vì sao thế? Những công đức, lợi ích nói trong kinh này, các ông đều chẳng đạt được)
Bọn họ nói rất có lý, quý vị cứ nghĩ kỹ đi: Bọn họ nói cả trăm câu, chín mươi chín câu đều rất hợp đạo lý, chỉ có một câu độc hại, một câu độc hại ấy hại chết quý vị đó nghe! Bởi thế, trong thời kỳ Mạt Pháp, quý vị gặp được chánh pháp, chân thiện tri thức là do thiện căn, phước đức, nhân duyên trong quá khứ đấy!
Chánh kinh:
Do Ma Ba Tuần, như thị cuống hoặc.
由魔波旬。如是誑惑。
(Do Ma Ba Tuần dối gạt, mê hoặc như thế)
"Cuống" (誑) là lừa dối, "hoặc" (惑) là mê hoặc,
Chánh kinh:
Ư thử Không tánh, nghĩa lợi tương ứng, thậm thâm khế kinh, tâm sanh nghi hoặc, khởi chư tránh luận, bất phục thọ trì, độc tụng, diễn thuyết.
於此空性。義利相應。甚深契經。心生疑惑。起諸諍論。不復受持。讀誦。演說。
(Đối với khế kinh rất sâu, tương ứng với tánh Không và nghĩa lợi này, lòng sanh ngờ vực, khởi các tranh cãi, chẳng còn thọ trì, đọc tụng, diễn nói)
Câu này chỉ chung các kinh luận Đại Thừa. Đối với kinh luận Đại Thừa sanh lòng ngờ vực, đây kia tranh luận. Hiện tại, bị tranh cãi nhiều nhất là kinh Lăng Nghiêm, luận Đại Thừa Khởi Tín và kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Chúng tôi đọc đến đoạn kinh này liền hiểu nguyên nhân. Trong thời kỳ Mạt Pháp, chúng ta thấy có hiện tượng ấy thì biết cũng là chuyện bình thường. Vì sao? Phật đã nói rồi mà! Nếu không có hiện tượng này, há chẳng phải là trong kinh này đức Phật đã nói dối ư? Bởi vậy, trong lúc này, [có những kẻ] phá hoại Phật pháp, tranh cãi Phật pháp thì chính là hiện tượng bình thường, đức Phật đều nói đến cả rồi! Điều khẩn yếu nhất là tự chúng ta phải nên tu học như thế nào, đó mới là điều rất trọng yếu.
Đức Phật giảng hết thảy các kinh trong bốn mươi chín năm, mục đích nhằm độ các chúng sanh căn tánh bất đồng, điều này nhất định phải hiểu cho rõ! Hết thảy các kinh đều là tài liệu giảng dạy, đều là sách giáo khoa. Giáo học nhà Phật giống như một đại học hoàn chỉnh, trong ấy các khoa hệ đều có đủ. Ta thuộc trình độ nào, học theo học hệ ấy, phải hiểu rõ điều này! Ta thuộc học hệ nào, sách giáo khoa của học hệ ấy là môn chánh để tu tập, nhất định ta phải học cho giỏi. Những gì chẳng thuộc vào học hệ của mình, chẳng cần phải học, vì chúng chẳng dính dáng gì đến ta hết cả!
Ta học về Văn Học, các tài liệu Văn Học chẳng đọc, lại đi đọc các sách thuộc bộ môn Y Học, có tốt nghiệp nổi không? Có học thành công được không? Vậy thì, Đại Thừa Phật pháp đến thời đại Tùy - Đường, những cao tăng đại đức phân biệt theo căn tánh bất đồng của chúng sanh mà kiến lập tông phái; tông phái là phân khoa, phân hệ. Quý vị học theo tông phái nào, tông phái ấy có một hệ thống kinh luận riêng. Tịnh Độ Tông của chúng ta kinh luận ít nhất! Nguyên lai chỉ có ba kinh một luận, đến hiện tại, do các tổ sư đại đức thêm vào hai bộ nữa nên mới có năm kinh một luận. Trong khoa hệ của chúng ta, chỉ có năm kinh một luận, tiêu chuẩn tu học phải dựa vào năm kinh một luận.
Trưa hôm nay, có một vị đồng tu hỏi tôi: "Có người nói, chúng ta niệm Phật nếu không ăn chay sẽ chẳng thể vãng sanh, người ấy đến hỏi tôi ông ta có nhất định phải ăn chay hay không?" Tôi chưa từng nghe nói như vậy. Đức Phật dạy chúng ta "y pháp bất y nhân". Trong khoa hệ của chúng ta, năm kinh một luận chẳng thấy có lời thuyết pháp như thế. Có người nói trong kinh Lăng Già nói như thế. Chúng ta chẳng học kinh Lăng Già, kinh Lăng Già thuộc về khoa hệ khác, nên ta chẳng học kinh Lăng Già. Quý vị phải hiểu rõ đạo lý này! Kinh luận trong tông mình chẳng thuyết pháp như thế, đương nhiên là ăn chay bồi dưỡng tâm từ bi của mình, bởi lẽ, chẳng nhẫn tâm ăn thịt hết thảy chúng sanh. Mục đích là ở chỗ này!
Người niệm Phật như thế nào mới gọi là người thật thà niệm Phật? Thế nào là thật thà? Tuân theo đúng năm kinh một luận là thật thà! Ngoài năm kinh một luận mà còn đèo bồng thêm kinh khác thì chẳng thật thà! Ngoài những thứ thuộc khoa mình, quý vị đem những thứ của khoa khác bỏ thêm vào, tức là quý vị chẳng chắc thật! Điều này có khác gì với việc học hành trong nhà trường đâu! Hiện thời, chúng ta chọn lựa Tịnh Độ tông, chứ đâu có chọn tông nào khác. Lẽ đương nhiên là cũng có thể tham khảo các tông khác, nhưng tham khảo theo nguyên tắc nào? Tương ứng với kinh điển trong tông của mình thì mình dùng để tham khảo, chẳng tương ứng với tông của mình, ta chẳng dùng, chẳng nhắc tới, đó mới gọi là "chắc thật"! Chẳng phải là đọc hết tất cả các kinh luận; cũng như tất cả sách vở thuộc các phân khoa trong trường đều phải đọc hết thì có hợp lý hay chăng?
Hiểu rõ nguyên tắc này rồi, tối thiểu là có thể giúp cho quý vị trừ được nghi hoặc, thâm nhập một môn vậy! Chúng ta đạt được thành tích thì thành tích là của chung. Bất luận tu học pháp môn nào, thành tích nhất định phải là phiền não nhẹ, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mỗi năm một ít đi, trí huệ mỗi năm một nhiều hơn, đó là sanh trí huệ. Biểu hiện ra ngoài là thân thể nhất định mỗi năm một khỏe hơn. Vì sao? Cảnh tùy tâm chuyển, tâm quý vị chân thành, thanh tịnh, từ bi thì tướng mạo, thể chất sẽ chuyển biến theo tâm. Điều này chẳng thể lừa người khác được. Người ta trông thấy quý vị, lại thấy ngôn ngữ, cử chỉ, quý vị đạt đến cảnh giới nào, tu hành có công phu hay chăng đều biểu hiện ra ngoài, quyết định chẳng thể bịp người khác được. Có bịp là bịp kẻ ngu si, chẳng bịp nổi người có trí huệ, người có học vấn, người có đức hạnh, họ vừa thấy là biết rõ ngay.
Chánh kinh:
Di Lặc! Bỉ chư ngu nhân bất năng liễu tri.
彌勒。彼諸愚人。不能了知。
(Này Di Lặc! Những kẻ ngu kia chẳng thể hiểu rõ)
Người ngu si chẳng biết đâu!
Chánh kinh:
Do tự nghiệp cố, bất năng hoạch bỉ thù thắng công đức.
由自業故。不能獲彼。殊勝功德。
(Do nghiệp của chính mình, chẳng thể đạt được công đức thù thắng kia)
Nghĩa lý rất sâu, công đức thù thắng giảng trong kinh vì sao kẻ ấy chẳng thể đạt được? Chẳng đạt được là do nghiệp chướng sâu nặng chướng ngại.
Chánh kinh:
Tự nghiệp tiêu dĩ, quyết định đương đắc như thị công đức.
自業消已。決定當得。如是功德。
(Nghiệp của chính mình tiêu rồi thì nhất định sẽ đạt được công đức như thế)
Nghiệp chướng quý vị tiêu rồi, liền đạt được. Lúc ban đầu, tôi mới học Phật, Chương Gia đại sư dạy tôi, Ngài bảo: "Trong nhà Phật hữu cầu tất ứng". Lời Ngài nói là thật, chẳng phải giả, nhưng có lúc quý vị cầu chẳng được, chẳng có ứng. Là do nguyên nhân nào? Quý vị có nghiệp chướng đấy! Quý vị tiêu trừ được nghiệp chướng ấy, sự cảm ứng sẽ hiện tiền; lấy ngay kinh này để ấn chứng. Vậy thì phải làm sao để tiêu trừ nghiệp chướng? Nhất định phải tu pháp sám hối, Chương Gia đại sư dạy tôi điều này.
Sám hối như thế nào? Có phải là lạy Lương Hoàng Sám hay Thủy Sám đó chăng? Chẳng phải vậy. Đại Sư dạy tôi: Phát hiện lầm lỗi của chính mình, từ nay trở đi chẳng được tạo những lỗi lầm giống như thế nữa, đó mới là sám hối. Ngài dạy tôi sám hối, tiêu nghiệp chướng như thế. Đó là chân sám hối đấy! Pháp hội chỉ là gây hình thức náo nhiệt, nếu quý vị chẳng hiểu rõ ý nghĩa, sẽ chẳng thể đoạn ác, tu thiện, sửa lỗi, đổi mới, chẳng mảy may liên can gì đến sám hối cả. Nhất định phải biết điều này!
Trong truyện ký của pháp sư Đàm Hư, tôi cũng thấy có một câu chuyện rất hay. Ảnh Trần Hồi Ức Lục là cuốn truyện ký của cụ Đàm, chính miệng cụ Đàm kể, pháp sư Đại Quang ghi lại. Trong đó có đoạn kể câu chuyện "tám năm đóng cửa đọc kinh Lăng Nghiêm". Quý vị hãy xem đó: Có một vị cư sĩ chưa xuất gia, mỗi ngày đọc kinh Lăng Nghiêm, nghiên cứu nghĩa lý kinh Lăng Nghiêm. Sau tám năm ông ta có chút điểm tâm đắc. Lúc chợp mắt giữa trưa, có mấy quỷ hồn đến cầu ông ta siêu độ, ông ta nhận ra họ đều là những người mình biết trong quá khứ. Ông ta bèn hỏi họ:
- Quý vị cầu tôi siêu độ thì cũng được, nhưng siêu độ bằng cách nào?
- Chỉ cần ông đáp ứng cho là được.
- Được, tôi đáp ứng.
Ông ta thấy những quỷ hồn ấy bám lấy đầu gối, bám lấy bả vai mình để lên trời, tất cả là bốn người, chẳng có hình thức nào khác. Chẳng có hình thức gì khác, là do dựa vào đâu? Dựa vào công phu tu trì của ông ta. Bởi thế, ở đây nói nghiệp chướng tiêu trừ thì những công đức, lợi ích được nói trong kinh này nhất định có thể đạt được vậy!
11. Phát mười thứ tâm có thể sanh về thế giới Cực Lạc
Chúng ta lại xem tiếp đoạn kinh sau cùng; đoạn thứ mười lăm là tổng kết toàn kinh.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Như Phật sở thuyết A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới công đức lợi ích, nhược hữu chúng sanh phát thập chủng tâm, tùy nhất nhất tâm, chuyên niệm hướng ư A Di Đà Phật. Thị nhân mạng chung, đương đắc vãng sanh bỉ Phật thế giới.
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。如佛所說。阿彌陀佛。極樂世界。功德利益。若有眾生。發十種心。隨一一心。專念向於。阿彌陀佛。是人命終。當得往生。彼佛世界。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Như đức Phật nói công đức lợi ích của thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, nếu có chúng sanh phát mười thứ tâm, với mỗi một tâm, chuyên niệm hướng về A Di Đà Phật, người ấy mạng chung, sẽ được vãng sanh thế giới Phật ấy)
Di Lặc Bồ Tát nói mấy câu này là vì chúng ta xin đức Thế Tôn giới thiệu thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, đấy là chuyện Phật thường giảng. Ba kinh là chuyên nói; trừ ba kinh ra, mọi lúc giảng kinh, Phật đều nhắc đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Người Hoa không có tâm nhẫn nại, chẳng bằng người Nhật Bản. Người Nhật Bản đã soạn bộ Tịnh Độ Toàn Thư (có khả năng là hiện thời ở Đài Loan cũng có xuất bản). Họ đã thật sự kiểm trong Đại Tạng Kinh, tìm thấy trong Đại Tạng có tổng cộng hơn hai trăm bản kinh luận giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, có những phần văn tự rất rõ rệt, giảng thật rõ ràng, chẳng hạn như kinh này giảng rất rõ ràng. Bởi thế, cổ đức nói: "Thiên kinh vạn luận, xứ xứ chỉ quy" (Ngàn kinh vạn luận đâu đâu cũng chỉ quy [Tịnh Độ]).
Trong bốn mươi chín năm, đức Thế Tôn giảng rất nhiều kinh luận, chúng ta có thể nói là tối hậu đều quy hết về Tịnh Độ - "thù đồ đồng quy" (đường lối tuy khác nhau nhưng đều dẫn về cùng một nơi). "Như đức Phật nói công đức, lợi ích của thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà" là điều đức Phật thường giảng, vậy thì mười tâm này, nhất định đức Phật đã từng nói đến. Nếu không, sao Di Lặc lại hỏi?
"Phát mười thứ tâm, với mỗi một tâm, chuyên niệm hướng về A Di Đà Phật" là như kinh Vô Lượng Thọ nói: "Phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm". Dưới đây là mười thứ tâm, là tâm gì vậy? Thưa cùng quý vị, là Bồ Đề tâm. Nói "phát Bồ Đề tâm" là nói tổng quát đấy.
Làm sao phát được Bồ Đề tâm? Tâm như thế nào mới gọi là Bồ Đề tâm? Mười thứ tâm nói ra ở đây đều là sự tướng cụ thể của Bồ Đề tâm; chúng ta tu pháp môn Niệm Phật có hay không có mười tâm này. Nếu thật sự có, sẽ là chân chánh phát Bồ Đề tâm. Nếu không có những tâm ấy, phải gấp phát khởi đi!
Chánh kinh:
Thế Tôn! Vân hà danh vi phát thập chủng tâm? Do thị tâm cố, đương đắc vãng sanh bỉ Phật thế giới.
世尊。何等名為。發十種心。由是心故。當得往生。彼佛世界。
(Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là phát mười thứ tâm? Do những tâm ấy sẽ được vãng sanh thế giới Phật ấy)
Di Lặc Bồ Tát từ bi thay chúng ta khải thỉnh.
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Di Lặc! Như thị thập tâm phi chư phàm ngu, bất thiện trượng phu, cụ túc phiền não giả chi sở năng phát.
佛告彌勒菩薩言。彌勒。如是十心。非諸凡愚。不善丈夫。具煩惱者。之所能發。
(Đức Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Này Di Lặc! Mười tâm như thế chẳng phải là những kẻ phàm ngu, trượng phu bất thiện, kẻ trọn đủ phiền não mà hòng phát khởi nổi)
Thích Ca Mâu Ni Phật nói câu này, chẳng phải là có cùng một ý nghĩa với câu "chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức, nhân duyên để được sanh về cõi kia" trong kinh Di Đà đó sao? Tuy Tịnh Độ là đạo dễ hành, nhưng chẳng phải là ai cũng có thể vãng sanh đâu nhé! Những ai thiện căn, phước đức, nhân duyên chẳng đủ, sẽ chẳng thể vãng sanh. Ở đây kinh nói là "chẳng phải là những kẻ phàm phu", nói cách khác, nếu quý vị thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ, quý vị chẳng phải là phàm ngu đâu nhé! Có thật không? Quý vị đọc kinh Vô Lượng Thọ cho thật kỹ, kinh Vô Lượng Thọ chẳng nói rất rõ [người tu Tịnh Độ] chẳng phải là phàm ngu đó sao? Quý vị là hạng người nào vậy? Là đệ tử bậc nhất của đức Như Lai đó nghe. Đó chính là lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, hết thảy chư Phật Như Lai đều thừa nhận.
Nếu phát những tâm này, sẽ được hết thảy chư Phật hộ niệm, hết thảy thiên, long, thiện thần bảo hựu quý vị liền! Bởi thế, "kẻ trượng phu bất thiện", kẻ ngu si, kẻ phiền não nặng nề, nhất định chẳng thể phát khởi những tâm này. Lời nói này rất rõ ràng, rất minh bạch; vậy thì mười tâm này là trọng yếu. Chúng ta phát chẳng nổi thì phải biết là phiền não rất nặng, tập khí rất sâu, phải nỗ lực khắc phục chướng ngại của chính mình, nhất định phải nghiêm cẩn học tập, khiến cho mình được Phật gia trì. Những lời kinh dạy là gia trì, chúng ta thật sự giác ngộ, thật sự chịu làm, chịu học. Nếu chịu học thì sẽ chịu phát những tâm này.
Chánh kinh:
Hà đẳng vi thập? Nhất giả, ư chư chúng sanh, khởi ư đại từ, vô tổn hại tâm.
何等為十。一者。於諸眾生。起於大慈。無損害心。
(Những gì là mười? Một là đối với các chúng sanh, khởi tâm đại từ, không có tâm tổn hại)
Trong mười tâm này, từ bi được nêu lên đầu tiên. Phật pháp lấy từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa. Hết thảy chư Phật, Bồ Tát tâm đều đại từ, đại bi, chẳng có tâm từ bi sẽ chẳng tương ứng. Vì thế, nhất định phải bồi dưỡng tâm từ bi của chính mình. Trong từ bi, tối trọng yếu là đối với hết thảy chúng sanh, nhất định chẳng có tâm tổn hại, chẳng được có ý niệm ấy. Nếu muốn làm tổn thương một chúng sanh thì lợi ích chân thật đối với chúng sanh ấy bị tổn hủy, chẳng còn có tâm từ bi nữa.
Chánh kinh:
Nhị giả, ư chư chúng sanh, khởi ư đại bi, vô bức não tâm.
二者。於諸眾生。起於大悲。無逼惱心。
(Hai là đối với các chúng sanh, khởi lòng đại bi, không có tâm bức bách, làm khổ họ)
Chẳng được áp bức chúng sanh, chẳng thể vì phân biệt ta người mà khởi lên phiền não, nếu không, tâm bi của quý vị chẳng còn nữa. "Từ" là ban vui, "bi" là dẹp khổ. Phải giống như chư Phật Như Lai, thương xót hết thảy chúng sanh, thời thời khắc khắc, ở bất cứ nơi đâu, luôn mang lòng giúp đỡ chúng sanh phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui! Những khổ gì? Khổ tam giới, khổ luân hồi. Thật sự giúp đỡ họ đoạn phiền não, mở mang trí huệ, niệm Phật vãng sanh, đó là cách thật sự thoát lìa luân hồi trong một đời này!
Tu học các pháp môn khác, nói trên phương diện lý luận thì chẳng lầm bởi pháp môn bình đẳng chẳng có cao, thấp; nhưng vì chúng sanh căn tánh bất đồng, phiền não tập khí sai khác, học những pháp môn khác, chưa chắc đoạn được phiền não. Pháp môn Niệm Phật này chẳng cần phải đoạn phiền não, thật rất thuận tiện, chỉ cần một câu Phật hiệu, niệm cho đạt công phu, chế phục được phiền não, như vậy sẽ có thể vãng sanh. Có một số đồng tu đến hỏi tôi: Một mặt niệm Phật, một mặt vẫn khởi vọng tưởng, một mặt đọc kinh, một mặt vẫn là vọng tưởng, hỏi tôi làm cách nào đây? Tôi nói:
- Quý vị học lâu chưa?
- Hai ba năm rồi, là do nguyên nhân nào?
- Công phu chưa đắc lực. Cũng có thể là do quý vị chẳng dụng công nên công phu chẳng khởi tác dụng.
Người biết dụng công thì niệm Phật hiệu theo cách nào? Quý vị chẳng nhất định mỗi ngày phải niệm mấy vạn tiếng. Ý niệm vừa khởi lên bèn A Di Đà Phật. Cổ đức nói: "Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm". Có phiền não tập khí, đương nhiên quý vị phải khởi niệm. Quý vị chẳng khởi niệm đâu còn là phàm phu nữa, mà là Bồ Tát rồi! Lục đạo phàm phu nhất định phải khởi ý niệm, bởi thế, chẳng sợ ý niệm khởi, chỉ sợ quý vị nhận biết quá chậm.
Trong pháp môn chúng ta, thế nào là giác? A Di Đà Phật là giác. Một niệm khởi lên, chẳng cần biết đó là thiện niệm hay ác niệm; ác niệm là vọng niệm, mà thiện niệm cũng là vọng niệm, vô niệm cũng chẳng được. Có niệm là vọng tưởng, vô niệm là vô minh, đều chẳng đúng cả! Bởi thế một niệm khởi lên, A Di Đà Phật! Chuyển biến ý niệm ngay lập tức thì gọi là "biết niệm Phật". Quý vị chú ý điều này, dụng công ngay tại đó, ắt hai, ba năm vọng niệm tự nhiên giảm thiểu, có lúc công phu đắc lực.
Đương nhiên, trong đây có một nguyên tắc rất trọng yếu, tức là như phần trên đã nói, phải phá mê, khai ngộ! Ngộ điều gì? Ngộ các thứ trong nhân gian đều là giả, chẳng phải thật. Nếu quý vị thật sự giác ngộ minh bạch, ắt sẽ buông xuống. Những lo buồn, vướng víu trong tâm đều buông xuống hết, điều này giúp cho công phu đắc lực rất nhiều. Bởi thế, nhất định phải hiểu thân tâm, thế giới đều là chẳng thể được. Kinh Kim Cang dạy như "mộng, huyễn, bọt nước, ảnh" chính là dạy quý vị thấy thấu suốt. Đó là chân tướng của sự thật: "Chẳng có gì là thật hết!" "Vạn pháp đều bỏ hết, chỉ mỗi nghiệp tùy thân". Lẽ nào đành vì vọng niệm, phiền não mà tạo tác ác nghiệp ư? Như thế là thật ngu si, thật chẳng đáng vậy.
Bởi thế, nhất định phải thấy thấu suốt, phải buông xuống, sẽ dùng được Phật hiệu đắc lực. Có được công phu như thế là tốt, hai ba năm bèn vãng sanh là chuyện cầm chắc, thật sự muốn đi lúc nào sẽ đi lúc ấy là chuyện cầm chắc. Vì thế, tâm từ bi là trọng yếu. Chẳng có tâm từ bi sẽ chẳng tương ứng. Dù niệm Phật giỏi đến đâu, thậm chí công phu giỏi đến đâu, cũng chẳng thể vãng sanh; vì sao vậy? Bởi lẽ, tâm lý quý vị có chướng ngại đối với chư Phật, Bồ Tát, và hải hội đại chúng nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị đến đó, quý vị chẳng quen thấy họ, họ cũng chẳng quen thấy quý vị, chẳng thể ở cùng một chỗ được! Bởi vậy, quý vị chẳng đến đó được.
Mỗi một người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đều trọn đủ mười tâm. Trong mười tâm này, hễ có được một điều thì chín điều kia đều có cả. Nếu quý vị bảo tôi có chín tâm, còn một tâm có chút vấn đề, thì cả mười tâm quý vị đều chẳng có! Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một. Bởi thế, chẳng thể coi chúng như mười điều riêng rẽ, mà phải là một chỉnh thể, tức là một thể mà có mười khía cạnh, tức là mười khía cạnh của Bồ Đề tâm, chẳng thể khiếm khuyết bất cứ một điều nào.
Chánh kinh:
Tam giả, ư Phật chánh pháp, bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ tâm.
三者。於佛正法。不惜身命。樂守護心。
(Ba là đối với chánh pháp của Phật, chẳng tiếc thân mạng, tâm thích gìn giữ)
Đối với chánh pháp của đức Phật, hiện tại chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ, thì chánh pháp là năm kinh một luận, nhất định phải y giáo tu hành. Dẫu gặp bất cứ tai nạn nào, thậm chí tổn thất sanh mạng cũng chẳng hề tiếc, ta vẫn quyết định chẳng quay đầu, chẳng canh cải, vẫn giữ lòng tin kiên định như thế, cứ giữ chặt pháp môn này. Đối với người khác, cũng đem pháp môn này khuyên lơn, khích lệ, tự hành, dạy người sống trong chánh pháp.
Chánh kinh:
Tứ giả, ư nhất thiết pháp, phát sanh thắng nhẫn, vô chấp trước tâm.
四者。於一切法。發生勝忍。無執著心。
(Bốn là đối với hết thảy pháp, phát sanh tâm nhẫn thù thắng, không lòng chấp trước)
Tâm thứ ba trong phần trên là đối với sự chọn lựa tu tập của chính mình, giống như chúng ta đi học, chúng ta theo khoa hệ nào, tin tưởng vào khoa ấy, quyết định chẳng thay đổi, học xong bốn năm là tốt nghiệp. Nhưng đối với những bạn đồng học chẳng cùng một khoa hệ, tức là những người chẳng theo cùng một pháp môn, chẳng cùng tông phái, chúng ta phải tôn kính, chẳng được phỉ báng đó nghe!
Bởi thế, phải "phát sanh thắng nhẫn". Thắng (勝) là thù thắng, Nhẫn (忍) là thừa nhận, chấp nhận, đồng ý. Pháp môn của họ cũng là pháp môn vô thượng, cũng có thể dùng để đạt học vị tiến sĩ, chẳng được ôm lòng chấp trước. Chấp khoa của mình là số một, khoa của người ta là số hai; mình thù thắng, người ta chẳng bằng mình, như vậy là quý vị "khen mình, chê người". Pháp môn kia do đức Phật nói, quý vị báng Phật. Quý vị báng Pháp, [phỉ báng] những người tu học theo pháp môn ấy và đã được thành tựu, đấy là quý vị báng Tăng! Tuy quý vị tu rất giỏi một môn, rất khá, nhưng do quý vị báng Tam Bảo, sẽ chẳng thể thành tựu. "Phỉ báng Tam Bảo", quý vị cứ coi trong Giới kinh kết tội, A Tỳ địa ngục đấy nhé!
Chúng ta phải dùng những tâm tư, thái độ như thế nào đối với những pháp môn khác? Phần năm mươi ba lần tham học trong kinh Hoa Nghiêm là một thí dụ tốt để áp dụng vào đây. Năm mươi ba vị Bồ Tát, mỗi một vị tự mình đều tu một pháp môn [khác biệt], bàn đến pháp môn của người khác, mỗi ngài đều bảo Thiện Tài: Ta chẳng được như người này người nọ, ta chỉ hiểu được mỗi một pháp môn này, chẳng giống như những vị Bồ Tát kia. Ta chẳng hiểu những pháp môn đó, ngươi hãy qua chỗ họ thỉnh giáo. Tự mình khiêm hư, tán thán người khác vậy!
Có một số người nghe quý vị thuyết pháp như thế sẽ bảo: "Kỳ quái! Ông đã khen ngợi pháp môn ấy, vì sao chẳng tu pháp môn đó?" Năm xưa, tôi giảng kinh tại Hương Cảng, lão pháp sư Thánh Nhất ở Đại Dự Sơn mời tôi đến đạo tràng của Ngài giảng khai thị. Đạo tràng của Ngài là đạo tràng Thiền Tông tham Thiền. Tôi là người niệm Phật, tôi đến đó cực lực khen ngợi Thiền, khen ngợi đạo tràng, khen ngợi pháp môn, khen ngợi pháp sư, khen ngợi đại chúng đồng tu. Khen ngợi xong, người ta hỏi tôi:
- Thưa pháp sư! Thiền hay như vậy, vì sao Ngài chẳng tu?
- Tôi chẳng phải là hạng căn khí - tôi thật thà đáp lời.
Tham Thiền phải là người thượng căn mới có thể khai ngộ. Tôi là hạng hạ hạ căn, tôi làm sao sánh bằng người khác được. Tôi nói thật, tôi thật thà niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh là may lắm rồi. Hãy nhớ kỹ, tự mình phải khiêm hư, phải biết khen ngợi người khác, phải tôn trọng pháp môn chẳng tương đồng, đối xử hòa mục, Phật pháp sẽ hưng vượng! Cổ đức nói: "Nếu muốn cho Phật pháp hưng thịnh thì chỉ có Tăng khen ngợi Tăng". Đôi bên khen ngợi lẫn nhau, đối xử khiêm hư với nhau, Phật pháp bèn hưng vượng. Đừng nghĩ mình tu khá quá, cảm thấy đáng nên kiêu ngạo, ngạo mạn, coi thường người khác, coi thường pháp môn của người khác; chẳng hề biết tối hậu là tự mình hóa độ mình. Trong kinh này, đức Phật nói những đạo lý, những sự tình ấy rất nhiều, nên "đối với hết thảy pháp, phát sanh thắng nhẫn, không tâm chấp trước".
Chánh kinh:
Ngũ giả, bất tham lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tịnh ý lạc tâm.
五者。不貪利養。恭敬。尊重。淨意樂心。
(Năm là chẳng tham lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tâm giữ ý lạc thanh tịnh)
Đây cũng chính là một khuôn phép lớn lao đức Phật dạy răn chúng ta trong kinh này. "Lợi dưỡng" chẳng được đâu nghe! Vừa nhiễm lợi dưỡng, tiền đồ bị hủy hoại ngay. Lợi dưỡng có vô lượng vô biên lỗi hại, chẳng được nhiễm. Bởi thế, người tu hành đời sống càng thanh bần càng tốt. Sống thanh bần sẽ chẳng lưu luyến thế giới này, tâm xuất ly thường sanh khởi. Điều ấy rất tốt, đạo tâm tăng trưởng. Nếu tham chấp lợi dưỡng, A Di Đà Phật đến đón quý vị, quý vị vẫn chẳng bỏ được đâu! Ở đây, kinh dạy quý vị phải buông bỏ lợi dưỡng, phiền lắm! Cũng đừng tham chấp sự cung kính, tôn trọng tham chấp, quyết định chẳng được mong cầu, dù người khác rất cung kính, rất tôn trọng.
Chẳng hạn như ở nhiều nơi, người ta thỉnh tôi đến giảng kinh, tôi bảo họ trước là đừng tuyên truyền, họ vẫn cứ quảng cáo, vẫn cứ đăng báo, điều này quyết định chẳng nên. Nhiều lắm là báo cho tín đồ trong nhà quý vị, gọi điện thoại, phát thông tri đơn giản cho họ biết là đủ rồi, chẳng cần phải quảng cáo chiêu tập người đến cho thật đông, chẳng phải là điều hay đâu! Hôm đầu, người đến đông lắm. Người ta nghe tôi giảng một bữa sẽ chẳng được như vậy nữa, hôm thứ hai không đến nữa, người đến nghe ít hơn một nửa. Quý vị nói có phải là đạo tràng khó coi lắm hay không? Người ta do chưa từng gặp mặt nên hiếu kỳ mà đến, kết quả là gặp mặt rồi chẳng biết để làm gì nữa! Đạo tràng thính chúng mỗi ngày một ít là tướng suy. Cần phải hiểu điều này!
Tôi chẳng tuyên truyền, ngày đầu ba người đến nghe, ngày thứ hai năm người đến, đó là tướng đạo tràng hưng vượng đấy! Tôi ở đây, người đến mỗi ngày một đông! Phải hiểu điều này, đó là đường lối thành công. Bởi thế, chớ có quảng cáo, đừng giống như hát xướng, diễn tuồng, cứ phải chèo kéo, dụ dỗ, chẳng nên đâu! Nếu quý vị có thể lìa bỏ lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, thủy chung gìn giữ pháp hỷ thanh tịnh, cái "ý lạc" (sự vui thích nơi ý) ấy ta thường gọi là "pháp hỷ sung mãn".
Chánh kinh:
Lục giả, cầu Phật chủng trí, ư nhất thiết thời, vô vong thất tâm.
六者。求佛種智。於一切時。無忘失心。
(Sáu là cầu Phật chủng trí, trong hết thảy thời, tâm chẳng quên mất)
Đây đúng thực là mục tiêu, phương hướng học Phật của chúng ta, mỗi thời, mỗi khắc đều chẳng sai lệch. Mục tiêu gì? "Cầu Phật chủng trí". "Chủng trí" là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Chúng ta học Phật vì lẽ gì? Chính là vì điều này, chứ chẳng vì cái gì khác. Chúng ta đạt đến Chánh Giác, tức là ngang với A La Hán; đạt đến Chánh Đẳng Chánh Giác chính là Bồ Tát, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là viên mãn thành Phật. Đấy là mục tiêu, phương hướng học Phật chánh xác, chẳng được sai lệch mảy may. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng vì lẽ này. Bởi lẽ, trong thế giới này chướng ngại quá nhiều, hoàn cảnh tu học chẳng tốt, chẳng dễ gì thành tựu, nên đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để thay đổi hoàn cảnh, vẫn chỉ vì việc này.
Chánh kinh:
Thất giả, ư chư chúng sanh, tôn trọng, cung kính, vô hạ liệt tâm.
七者。於諸眾生。尊重。恭敬。無下劣心。
(Bảy là đối với các chúng sanh tôn trọng, cung kính, không có tâm hèn kém)
Chúng ta dùng tâm tư, thái độ nào để đối xử với người khác, để đối đãi hết thảy chúng sanh? Chẳng phân biệt, phải dùng tâm thanh tịnh, bình đẳng để tu. "Tôn trọng": Dối với hết thảy chúng sanh đều tôn trọng, cung kính, đều chẳng được có "tâm hèn kém". "Hèn kém" là khinh mạn, coi rẻ. Nói tới tu kính thì kính là gì? Kính là tánh đức, quý vị thấy trong mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát, nguyện thứ nhất là "lễ kính chư Phật", đó là tu lễ kính chư Phật, tức là [lễ kính] chúng sanh hiểu theo nghĩa rộng.
Hết thảy pháp đều do các duyên hòa hợp mà sanh. Thân thể của động vật và thân thể của chúng ta đều do các duyên hòa hợp mà sanh, thực vật cũng do các duyên hòa hợp mà sanh. Bàn, ghế tựa, ghế dài vẫn là các duyên hòa hợp mà sanh. Cho thấy: Đối với người, đối với vật, đối với sự đều phải tôn trọng, cung kính, đấy là học Phật! Tâm ấy là tâm Bồ Đề, tâm giác ngộ. Tâm giác ngộ nhất định phải làm như thế, chẳng làm được như thế thì chính là mê hoặc, điên đảo, chưa giác ngộ. Người giác ngộ nhất định phải tôn trọng, cung kính người khác.
Chánh kinh:
Bát giả, bất trước thế luận, ư Bồ Đề phần, sanh quyết định tâm.
八者。不著世論。於菩提分。生決定心。
(Tám là chẳng dính mắc thế luận, sanh tâm quyết định nơi Bồ Đề phần)
"Thế luận" là học thuật, ngôn luận thế gian. Ở đây, kinh dạy "chẳng dính mắc", chẳng có nghĩa là chẳng được tiếp xúc, chẳng được xem đọc những thứ ấy; mà chỉ có nghĩa là "chớ có tham chấp". Nếu tham chấp sẽ sanh lòng yêu thích những thứ ấy, rất phiền! Chẳng nên yêu thích, chỉ nên tùy duyên. Nếu tâm yêu thích, tham chấp thì gọi là "phan duyên", phan duyên là hỏng rồi. Tùy duyên là tốt vì là tùy hỷ công đức vậy. "Với Bồ Đề phần", Bồ Đề là giác, chẳng mê! "Trước" là mê, tham trước là mê. Chẳng được mê đó nghe! Giác chẳng mê, đó là "sanh tâm quyết định".
Chánh kinh:
Cửu giả, chủng chư thiện căn, vô hữu tạp nhiễm, thanh tịnh chi tâm.
九者。種諸善根。無有雜染。清淨之心。
(Chín là trồng các căn lành, tâm thanh tịnh chẳng có tạp nhiễm)
Thiện căn theo pháp thế gian gồm có ba điều: vô tham, vô sân, vô si, đó gọi là ba thiện căn. Hết thảy thiện pháp thế gian xuất sanh từ đấy, bởi thế gọi là "ba thiện căn". Đại pháp xuất thế gian, ta thường gọi là thiện căn của Bồ Tát. Thiện căn của Bồ Tát chỉ gồm một điều: Tinh Tấn. Các vị nhất định phải nhớ kỹ chữ "tinh tấn": Tinh là thuần nhất không tạp. Chúng ta học Phật, tu Tịnh Độ, đối với năm kinh một luận, đọc tụng, thọ trì, vì người khác diễn nói là tinh tấn.
Nếu chúng ta xen tạp những thứ thuộc tông phái khác vào để siêng tu, đó gọi là loạn tấn, tạp tấn, chứ chẳng phải là tinh tấn. Bởi lẽ, tinh tấn là thiện căn của Bồ Tát, nên nhất định có thành tựu. Điều này cho thấy thâm nhập một môn rất trọng yếu, thâm nhập một môn gọi là tinh tấn. Căn tánh con người chúng ta hiện thời, phần lớn chẳng bằng cổ nhân, đấy là sự thực. Tâm người hiện thời chẳng thanh tịnh như cổ nhân. Có thể nói: Đại đa số tâm cổ nhân là định. Người hiện tại tâm phập phều, chao động; cổ nhân có tâm nhẫn nại, người hiện tại không có tâm nhẫn nại. Nói là cầu cái mới, cầu thay đổi, cầu nhanh chóng, đều là biểu hiện tâm không nhẫn nại.
Bởi thế, người thật sự muốn học, thật sự dụng công đều phải cầu lấy cách tu học đơn thuần, giản tiện, dễ dàng. Bởi thế, chẳng mong mỏi những chuyện phức tạp, khó khăn đều là do muốn tránh những thứ đó. Do vậy, tuy nói là Tịnh tông chỉ có năm kinh một luận, nhưng nếu chúng ta không có năng lực, thời gian, hiện tại cuộc sống gian nan, công việc bận rộn, áp lực rất nặng, kiếm không ra thời gian để đọc hết những kinh luận ấy thì thọ trì một bộ là được rồi.
Năm kinh một luận là sáu loại, quý vị chọn lấy một loại, suốt một đời chẳng thay đổi, quyết định sẽ thành tựu. Trong sáu thứ ấy, đơn giản nhất là Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, hai trăm bốn mươi bốn chữ thôi, có thể bảo đảm quý vị vãng sanh. Kinh ấy là ngắn nhất. Nếu quý vị hỏi kinh ngắn như thế có đáng trông cậy hay không? Vậy là quý vị lại khởi nghi hoặc, lại khởi tranh luận, tự mình mắc hại đó thôi. Quý vị không thấy là khi chúng tôi ấn tống cuốn Niệm Phật Luận của lão pháp sư Đàm Hư, chúng tôi đã sao lại những lời khai thị của lão nhân gia từ băng thâu âm trong kỳ đả Phật thất tại Hương Cảng, in kèm vào sau cuốn Niệm Phật Luận, quý vị hãy xem kỹ:
Ngài kể một người đồ đệ của Đế Nhàn lão pháp sư là thợ đóng đai thùng, chỉ dùng một câu A Di Đà Phật bèn có thể thành công. Chỉ sáu chữ còn thành công, huống hồ là hai trăm bốn mươi bốn chữ ư? Quý vị còn muốn nghi ngờ nữa hay chăng? Đồ đệ ngài Đế Nhàn niệm một câu A Di Đà Phật suốt ba năm, lão hòa thượng dạy ông ta phương pháp cực diệu: Niệm mệt thì nghỉ, nghỉ xong lại niệm tiếp. Quý vị thấy đó, thật là tự tại, chẳng có ước thúc gì. Ông ta thật là chất phác, thành công do chất phác vậy. Ông nghe dạy, y giáo phụng hành, niệm trọn ba năm ông ta thành công, biết trước lúc mất, chẳng sanh bệnh, đứng sững vãng sanh. Chết rồi còn đứng đợi thêm ba ngày nữa, đợi sư phụ lo liệu hậu sự cho. Hy hữu quá! Đứng vãng sanh chúng ta cũng từng nghe qua, nhưng đứng suốt ba ngày thì chưa từng nghe vậy. Ông ta có tài cán đứng được ba ngày, sáu chữ bèn thành công.
Bởi thế, có rất nhiều người đến hỏi tôi: "Thưa sư phụ! Có rất nhiều người nói một bộ kinh quá ít chẳng thể thành công được!" Trong kinh này, đức Phật giảng rõ: Tâm quý vị sanh ngờ vực, khởi các tranh cãi, đấy mới là nguyên nhân thật sự khiến quý vị chẳng thể thành công. Nếu quý vị có lòng tin chân thành, chẳng mảy may nghi ngờ gì, sẽ quyết định thành công. Nếu quý vị nghi sẽ chẳng thành công, nhất định chẳng thành công. Bởi thế, khẩn yếu là "chẳng có tạp nhiễm", nhất định phải gìn giữ tâm thanh tịnh.
Chánh kinh:
Thập giả, ư chư Như Lai xả ly chư tướng, khởi tùy niệm tâm.
十者。於諸如來。捨離諸相。起隨念心。
(Mười là đối với các Như Lai bỏ lìa các tướng, khởi tâm tùy niệm)
Câu cuối cùng này là đạt đến cứu cánh viên mãn. Chẳng những phải xa lìa các tướng, mà ngay cả Phật tướng cũng phải lìa thì tâm mới rỗng sạch. Lúc quý vị làm được như thế, quý vị mới có thể niệm đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn; chẳng làm được điều này, chỉ có chín điều trước, thì quý vị có thể niệm đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn. Điều này chính là như kinh Kim Cang nói: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" (Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng). Tướng của Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là hư vọng, cũng chớ nên chấp trước.
Đó là nhập Lý Nhất Tâm, nhập Nhất Chân pháp giới, chính là như đức Phật giảng trong kinh: "Pháp còn nên bỏ, huống hồ là phi pháp". Chữ "pháp" ấy chỉ Phật pháp, Phật pháp còn phải bỏ. Quý vị phải hiểu nghĩa chữ "bỏ" đó, chẳng phải là pháp gì ta cũng chẳng cần! Chẳng cần đến Pháp là quý vị sắp đọa A Tỳ địa ngục đấy nghe! Đừng có chấp trước! Có cần pháp hay là không? Cần chứ! Y giáo phụng hành, nhưng trọn chẳng chấp trước.
Chữ "xả" có nghĩa là bỏ ý niệm chấp trước, bỏ cái tâm chấp trước. Đừng nói chúng ta phải y pháp, ngay cả Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn y pháp cơ mà! Chẳng hề có đạo lý không y pháp. Các Ngài y pháp nhưng chẳng chấp trước pháp, tâm họ thanh tịnh, chẳng có nghi hoặc, chẳng có tranh cãi. Chúng ta y pháp, chấp trước pháp, do vậy, khởi nghi hoặc, khởi tranh cãi; thấy trong kinh này Phật nói có, kinh kia Phật nói không, lung tung quá! Rốt cuộc là có hay là không đây? Sanh lòng ngờ vực liền! Chúng ta chẳng thể đại khai viên giải vì trí huệ chưa mở mà!
Phật giảng kinh giống như thầy thuốc tùy bệnh cho thuốc. Kẻ này chấp trước Hữu, Phật bèn giảng Không cho kẻ ấy; giảng Không với dụng ý phá chấp trước Hữu của kẻ ấy. Còn kẻ kia lại chấp trước Không, thế nên đức Phật giảng Hữu cho kẻ ấy, giảng Hữu để phá Không chấp. Quý vị phải hiểu dụng ý trong lời Phật, Ngài giảng cho ai nghe điều gì là nhằm trị bệnh nấy. Quý vị chẳng xét đến, cứ đơn giản nghe đức Phật lúc thì nói không, lúc lại nói có, bèn hoài nghi đầu óc đức Thích Ca Mâu Ni Phật có vấn đề, chẳng được tỉnh táo cho lắm, nên mới có lúc nói năng chẳng có chủ ý nhất định như thế, tránh sao chẳng ăn nói lung tung! Quý vị phải hiểu nghĩa thú của lời Phật nói!
Bởi thế, với kinh luận, quý vị mới thấy các tổ sư đại đức, thiện tri thức chân chánh răn đe người mới học chẳng được tùy tiện xem kinh, là do ý nghĩa này. Hiện tại, các thiện tri thức như vậy chẳng còn nữa; dù cho là có, người học cũng chẳng nghe theo. Vị giáo sư thật sự dạy giỏi, chẳng cho phép quý vị xem kinh là vì lẽ gì? Sợ quý vị xem đến chỗ ấy, quý vị khởi nghi hoặc, khởi tranh cãi, tự mình chuốc lấy lắm phiền não, rốt cuộc tín tâm chẳng còn, chỉ có hại mà không có lợi. Bởi thế, với kinh điển nhà Phật mà được người chỉ dạy, chúng ta tốn ít thời gian mà được lợi ích thật sự.
Chánh kinh:
Di Lặc! Thị danh Bồ Tát phát thập chủng tâm, do thị tâm cố, đương đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới.
彌勒。是名菩薩發十種心。由是心故。當得往生阿彌陀佛極樂世界。
(Này Di Lặc! Đó gọi là Bồ Tát phát mười thứ tâm. Do những tâm ấy sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà)
Đến đây, Phật nói xong mười thứ tâm, nói với Di Lặc Bồ Tát một câu nói vô cùng khẳng định, chẳng còn mảy may nghi ngờ chi nữa, sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.
Chánh kinh:
Di Lặc! Nhược nhân ư thử thập chủng tâm trung, tùy thành nhất tâm, nhạo dục vãng sanh bỉ Phật thế giới, nhược bất đắc sanh, vô hữu thị xứ.
彌勒。若人於此。十種心中。隨成一心。樂欲往生。彼佛世界。若不得生。無有是處。
(Này Di Lặc! Trong mười thứ tâm này, nếu ai thành được một tâm, muốn vãng sanh thế giới đức Phật ấy, mà chẳng được sanh thì chẳng có lẽ ấy!)
"Tùy thành nhất tâm" (hễ thành được một tâm trong mười tâm vừa nói trên đây) là như ở phần trên chúng tôi đã nói: "Một chính là hết thảy", kinh Di Đà gọi là "nhất tâm bất loạn", thế nào là nhất tâm? Viên mãn đầy đủ là nhất tâm. Đầy đủ bất cứ một tâm nào sẽ trọn đủ chín tâm kia, đó chính là một tức là nhiều, nhiều tức là một, đấy gọi là "nhất tâm".
Đã có từ tâm, sao chẳng có bi tâm cho được? Người chân chánh từ bi sẽ tự nhiên hộ trì chánh pháp, tự nhiên đắc thắng nhẫn đối với hết thảy pháp, đó là đạo lý nhất định. Cái tâm ấy viên mãn, cho nên "tùy thành một tâm" chính là như kinh Đại Thừa thường nói "nhập bất nhị pháp môn", chẳng hai, là một. Người như vậy ắt phải có một nguyện vọng "mong mỏi vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới". Nếu chẳng thể vãng sanh, quyết chẳng có lẽ ấy! Đến đây là xong phần kinh văn Chánh Tông. Tiếp theo đây là phần Lưu Thông của kinh này.
III. Lưu Thông Phần
* Kinh này tên là Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo, còn gọi là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn
Chánh kinh:
Nhĩ thời, tôn giả A Nan bạch Phật ngôn:
- Hy hữu Thế Tôn! Nãi năng khai thị, diễn thuyết Như Lai chân thật công đức, phát khởi Bồ Tát thù thắng chí nhạo.
爾時。尊者阿難。白佛言。希有世尊。乃能開示。演說。如來真實功德。發起菩薩殊勝志樂。
(Lúc bấy giờ, tôn giả A Nan bạch Phật rằng:
- Đức Thế Tôn hy hữu, bèn có thể khai thị, diễn thuyết công đức chân thật của Như Lai như thế, phát khởi chí hướng, lòng ưa thích thù thắng cho Bồ Tát)
Điều được kinh này khai thị từ đầu cho đến cuối là "công đức chân thật của Như Lai". Ngài chẳng nói là công đức chân thật của chư Phật; nếu nói là công đức chân thật của Phật, chưa chắc chúng ta đã có đâu nghe! Nói "chư Phật" là nói trên mặt Sự; nói Như Lai là nói theo mặt Lý, nói theo mặt Tánh. Đấy là những công đức chân thật trong tự tánh của chúng ta, chẳng khác biệt gì. Quý vị nói: Tôi có cần phải tu hay chăng? Người ta thì khác, ta có sẵn lòng tu hay không? Do nơi chính mình, không tu được mà tu thì cũng được. Công đức từ nơi tự tánh mà! Quý vị chẳng muốn minh tâm kiến tánh mất rồi!
Kiến tánh thì công đức trong tự tánh sẽ hiện tiền viên mãn. Trong kinh đức Phật giảng, từng chữ, từng câu đều là tự tánh công đức, chứ chẳng phải là gì khác! Nếu Bồ Tát giác ngộ nhất định sẽ phát khởi "chí hướng, lòng ưa thích thù thắng". "Chí" (志) là thệ nguyện, "Nhạo" (樂) là yêu thích, hoan hỷ vậy! Quý vị nhất định thích làm, nhất định thích cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là chí nhạo thù thắng của Bồ Tát.
Một lần nữa, vì sao chúng tôi muốn chọn giảng kinh này? Thật ra là vì thấy trong mấy năm qua, quý vị rất dụng công nơi Tịnh tông, rất nghiêm cẩn đọc tụng, niệm Phật, tu trì, nhưng chưa có thành tích. Giống như học sinh học hành, học rất nhọc nhằn, rất gắng sức, nhưng thi rớt mãi. Vấn đề rất nghiêm trọng! Căn bệnh là do đâu? Chúng ta phải tìm cho ra, bởi thế mới dùng hai bộ kinh để đối trị căn bệnh ấy.
Chúng tôi chọn giảng kinh Kim Cang nhằm mục đích khiến quý vị hiểu rõ chân tướng sự thật, chân tướng của nhân sanh vũ trụ, dạy quý vị thấy thấu suốt, buông xuống thì về mặt công phu có thể đột phá được những chướng ngại đối với việc niệm Phật. Bộ kinh này giảng về cách đoạn phiền não, tập khí. Trong cuộc sống thường nhật, trong lúc làm việc, xử thế, đãi người, tiếp vật, vô tình phạm rất nhiều bệnh. Nếu đối với những bệnh ấy mà chẳng giác ngộ, sửa lỗi, đổi mới, thì vẫn tạo thành chướng ngại y như cũ. Bởi vậy, kinh Kim Cang là phá chướng ngại trên mặt Lý, kinh này phá chướng ngại trong những sinh hoạt vụn vặt thường ngày. Hy vọng công phu niệm Phật của quý vị sẽ thuận buồm xuôi gió! Mục đích giảng kinh của chúng tôi là như vậy. Bởi lẽ, kinh văn chỉ quy Cực Lạc rất rõ rệt, đừng cho là thừa thãi, chẳng phải là kinh thích hợp cho tông của mình.
Tông của ta chỉ có năm kinh một luận, sao lại dính thêm những thứ khác? Tôi vừa mới nói rồi đó! Những sách giáo khoa thuộc tông khác, nếu giúp ích cho chúng ta, chúng ta có thể tuyển tu cơ mà! Tuy chẳng phải là chủ tu (tu chính yếu), chúng ta nhất định phải nghiêm túc tuyển tu. Cái gì chẳng tương ứng với tông của mình, chúng ta chẳng tu thứ ấy. Kinh này tương ứng với tông chúng ta.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Đương hà danh thử kinh, ngã đẳng vân hà thọ trì?
世尊。當何名此經。我等云何受持。
(Bạch Thế Tôn! Nên đặt tên kinh này như thế nào, chúng con thọ trì như thế nào?)
Đây là điều chẳng thể thiếu trong phần Lưu Thông, nhất định phải hỏi - xin Phật dạy tên kinh. Kinh này trong tương lai khi kết tập, lưu truyền thì nên dùng danh xưng nào? Danh xưng ấy do đức Phật đặt.
Chánh kinh:
Phật cáo A Nan ngôn:
- Thử kinh danh vi Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo.
佛告阿難言。此經名為。發起菩薩殊勝志樂。
(Phật bảo A Nan rằng:
- Kinh này tên là Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo).
Tên kinh do đức Phật nói.
Chánh kinh:
Diệc danh: Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn.
亦名彌勒菩薩所問。
(Cũng có tên là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn)
Bởi vậy, nếu nhắc tới Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh (kinh chép những câu hỏi của Bồ Tát Di Lặc) cũng là cùng một bộ kinh. Bộ kinh này có hai tên.
Chánh kinh:
Dĩ thị danh tự, nhữ đương thọ trì.
以是名字。汝當受持。
(Dùng danh tự ấy, ông nên thọ trì)
Tên của kinh là tổng cương lãnh của toàn kinh. Bởi lẽ, từ tên kinh, quý vị có thể nhận hiểu kinh này giảng về nghĩa lý nào, tông chỉ là đâu, chúng ta phải nên thọ trì như thế nào.
Chánh kinh:
Phật thuyết thử kinh dĩ, Di Lặc Bồ Tát, cập chư Thanh Văn, nhất thiết thế gian: thiên, nhân, a-tu-la, càn-thát-bà đẳng.
佛說此經已。彌勒菩薩。及諸聲聞。一切世間。天。人。阿修羅。乾闥婆等。
(Phật nói kinh này xong, Di Lặc Bồ Tát và các Thanh Văn, hết thảy thế gian: trời, người, a-tu-la, càn-thát-bà v.v...)
Thính chúng tham gia pháp hội trong lúc ấy.
Chánh kinh:
Văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.
聞佛所說。皆大歡喜。信受奉行。
(Nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ lớn, tin nhận vâng làm)
Câu cuối cùng rất khẩn yếu. Nghe xong chẳng phải tan hội là hết, chẳng phải vậy! Ra về phải tin nhận phụng hành. Nghe xong thật sự tin tưởng. "Thọ" (受) là minh bạch, giác ngộ, tiếp nhận hoàn toàn, y giáo phụng hành. Từ nay trở đi, khởi tâm, động niệm, nói năng, hành động đều lấy kinh này làm tiêu chuẩn, quyết định chẳng trái nghịch lời Phật dạy dỗ, mới là đệ tử Tam Quy chân chánh của đức Phật vậy!
Lược Giảng kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo hết
(Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa dịch xong ngày 15 tháng 07 năm 2004,
Tu chỉnh, tăng đính lần thứ nhất nhằm ngày 28 tháng 06 năm 2010)
Đây là quan niệm y học cổ của Ấn Độ. Họ quan niệm bệnh tật do bốn nguyên nhân chính gây ra, phong, hoàng, đàm, nhiệt. Phong là hơi thở, cũng như những yếu tố thuộc về khí hậu bên ngoài. Hoàng là những chất dịch do gan, mật v.v... tiết ra, Nhiệt là hơi nóng, còn đàm là đờm rãi, các chất nhầy. Nếu vì nguyên nhân nào đó, các chất này không cân bằng sẽ khiến cho cơ thể bị bệnh. Vì vậy, kinh hay dùng chữ Phong Hoàng để chỉ bệnh tật.
Quan phòng: Chỗ ở của vị bế quan. Ở đây, hòa thượng chơi chữ. "Bế quan" có nghĩa đen là đóng chặt cửa ải. Người tu hành bế quan để tránh tiếp xúc với quá nhiều ngoại duyên, nhất tâm tu tập hòng đạt nhất tâm, đóng chặt cửa ải phiền não, tham sân v.v... Nhưng bế quan để ngủ thì có đóng được cửa ải phiền não nào đâu, nên mới hỏi là "bế cái quan nào?"
Quải đơn: Xin nhập chúng tu học.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro