PHÁT KHỞI BỒ TÁT CHÍ NHẠO KINH
Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Lược Giảng,
phần 1
(Nguyên văn: Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký)
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Cư sĩ Truyền Tịnh chỉnh lý
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
I. GIẢNG KINH DUYÊN KHỞI
Chư vị đại đức đồng tu! Ngày hôm nay nhân duyên thù thắng phi thường: Nghi thức xuất gia của nhà Phật được cử hành vào giờ Ngọ. Sau khi nghi thức hoàn tất, theo thông lệ là cúng Phật. Nghi thức chúng ta cử hành hôm nay vào thời khắc này có ý nghĩa chẳng tầm thường, có quan hệ thật sự hết sức mật thiết đối với bản kinh này. Đức Thế Tôn đã giảng cho chúng ta một bộ kinh, nói theo ngôn ngữ hiện thời, thì từ ba ngàn năm trước Ngài đã biết trước trong thời hiện tại, hàng tại gia, xuất gia dù tu học theo một pháp môn nào, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, Giáo Hạ, cho đến Tịnh Độ đều chẳng thể thành tựu.
Nguyên nhân rốt cuộc là do đâu?
Đức Di Lặc Bồ Tát hết sức từ bi, thay mặt chúng ta khải thỉnh, mong Thế Tôn chỉ dạy tường tận cho chúng ta. Nếu như chúng ta thật sự có thể chiếu theo lời răn dạy trong kinh này, chú tâm thấu hiểu, phản tỉnh, sửa lỗi, đổi mới, quay đầu về bờ, được như thế thì pháp mình tu, hạnh mình hành trong một đời sẽ nhất định thành tựu.Đấy chính là nhân duyên giảng kinh lần này của chúng tôi. Do thời gian hữu hạn, nên trong lần này, chúng tôi chỉ chọn lấy những điểm trọng yếu trong kinh văn để giới thiệu, quý vị xem nhiều lần sẽ hiểu được, còn như những danh từ, thuật ngữ thường được giảng tại giảng đường, chúng tôi đều tỉnh lược cả.
II. BẢO TÍCH - PHÁP BẢO TÍCH TẬP
Trước khi giảng kinh, trước hết, tôi sẽ giới thiệu đơn giản về bộ kinh này.Bản kinh này là một hội của kinh Đại Bảo Tích; vì thế, trước hết, tôi sẽ giới thiệu sơ lược kinh Đại Bảo Tích.
Ngẫu Ích đại sư nói: "Bắt đầu từ Hoa Nghiêm, kết thúc tại Đại Niết Bàn".Câu nói này bao quát toàn bộ bốn mươi chín năm giảng kinh thuyết pháp của đức Thích Ca Mâu Ni Phật."Hết thảy pháp tạng của hàng Bồ Tát đều gọi là Phương Đẳng". Do vậy, phạm vi của Phương Đẳng hết sức rộng rãi.
"Phương" (方) là phương tiện. Trong nhà Phật thường nói: "Từ bi là gốc, phương tiện là cửa". Hết thảy kinh pháp do đức Phật đã nói đều là pháp phương tiện, chứ pháp chân thật không thể nói ra được. Luận về chân thật, [kinh văn] thường nói: "Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt" (Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt). Bởi thế pháp gì có thể nói ra được thì đều là pháp phương tiện cả.
"Đẳng" (等) là bình đẳng, ý nghĩa giống với chữ "Bình Đẳng Giác" trong đề mục kinh Vô Lượng Thọ. Sở dĩ, chữ Phương Đẳng tượng trưng cho toàn bộ Phật pháp là vì xưa kia, Tổ Sư đại đức đem giáo pháp cả một đời của đức Thế Tôn chia thành năm thời kỳ. Phương Đẳng thuộc thời kỳ thứ ba, điều này có ý nghĩa đặc biệt.
"Nay trong pháp Đại Thừa, chọn riêng những pháp thích hợp với căn cơ Đại Thừa gọi là Hoa Nghiêm bộ". Vì thế, đối tượng của kinh Hoa Nghiêm là người căn tánh thượng thượng thừa, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ nói trong kinh đó chính là đương cơ của hội Hoa Nghiêm. Còn thì "dung thông Không - Hữu", Không - Hữu bất nhị, tánh - tướng như một, những pháp được nói như thế thuộc về Bát Nhã bộ.Ấy là vì dùng trí tuệ chân thật thì mới có thể thấu hiểu rõ ràng chân tướng sự thật. "Khai Quyền hiển Thật" là Pháp Hoa. "Hiện diệt, bàn Thường, gọi là Niết Bàn bộ". Duyên giáo hóa của Phật Thích Ca Mâu Ni đã hết, Ngài bèn thị hiện nhập Niết Bàn, lời di giáo tối hậu nhằm cảnh tỉnh chúng ta tu học phải dụng công ở chỗ nào. Những lời răn dạy ấy xếp vào bộ Niết Bàn. Đó là bốn giai đoạn của pháp Đại Thừa.
"Ngoài ra, dù Hiển hay Mật, hoặc đối Tiểu hiển Đại" (trái với Tiểu Thừa gọi là Đại Thừa) "hoặc dạy khắp nhân quả, sự lý, hạnh vị, trí đoạn của chư Phật, Bồ Tát" (Hạnh là tu hành, Vị là quả vị chứng đắc. Ví như năm mươi mốt địa vị Bồ Tát: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng... đều thuộc vào Vị. "Trí đoạn": Trí là trí huệ, Đoạn là đoạn phiền não, đoạn vô minh. Nói đến đoạn phiền não thì nhất định phải khai trí huệ; Định chỉ có công năng khuất phục phiền não, chẳng thể đoạn nổi phiền não) "đấy đều là bộ Phương Đẳng" (do đó, có thể biết là nội dung của Phương Đẳng rộng lớn phi thường), "chẳng giống như lời ngoa truyền trong đời, nói [thời Phương Đẳng] chỉ gồm tám năm". Đấy là lời giảng thông thường về năm thời thuyết giáo, ý nghĩa hết sức hạn hẹp.
[Ý nghĩa của chữ] Phương Đẳng được giảng ở đây so ra chẳng giống với ý nghĩa được giảng trong tông Thiên Thai, [tôi giảng] chữ "Phương Đẳng"này bao gồm hết thảy kinh giáo đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm. Do kinh Đại Bảo Tích thuộc bộ Phương Đẳng nên trước hết, tôi giới thiệu sơ lược qua ý nghĩa của Phương Đẳng.
Kinh Đại Bảo Tích có bốn mươi chín hội, gồm bảy mươi bảy phẩm.Mỗi một hội là một bộ kinh. Do đó, có thể biết là bộ kinh Đại Bảo Tích này giống hệt như tụ tập các kinh để tạo thành một bản hợp tuyển vậy. Nội dung kinh rất phong phú, người phiên dịch bộ kinh này cũng chẳng phải là một người, mà là do nhiều người phiên dịch. Vì thế, các sư có vị phiên dịch một hội, cũng có vị phiên dịch hai, ba hội. Trước đời Đường, chưa có ai tập hợp các kinh này lại, nên chúng được lưu hành từng bộ riêng rẽ. Kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh tông chúng ta cũng nằm trong kinh Đại Bảo Tích, bản được phiên dịch vào thời Đường là hội thứ năm của kinh Đại Bảo Tích [mang tên] "Vô Lượng Thọ Hội".
Ngài Bồ Đề Lưu Chí đến Trung Quốc vào thời Võ Tắc Thiên nhà Đường. Ngài thấy đại bộ phận kinh Đại Bảo Tích gần như đã được phiên dịch, nhưng chưa hoàn chỉnh. Vì thế, một lần nữa Ngài lại đem những bản kinh đã được người khác chú thích nhưng chưa phiên dịch, dịch toàn bộ ra. Vì vậy, Ngài dịch được ba mươi sáu hội, gồm ba mươi chín quyển. Sau đó, đem các bản dịch của những vị pháp sư khác (gồm hai mươi ba hội, tám mươi mốt quyển) gộp vào [bản do Ngài đã dịch], gạn lọc, tạo thành một bộ kinh Đại Bảo Tích hoàn chỉnh, tổng cộng bốn mươi chín hội, một trăm hai mươi quyển. Hiện thời chúng ta có thể xem [toàn bộ kinh Đại Bảo Tích] trong Đại Tạng Kinh, hình như ở Đài Loan kinh này cũng có bản lưu hành riêng. Đấy là toàn bộ kinh Đại Bảo Tích.
* Vì sao gọi là Bảo Tích?
Có cách giải thích như sau:
"Pháp bảo tích tập. Là pháp Đại Thừa thâm diệu nên gọi là Bảo". Bốn mươi chín hội trong kinh này là bốn mươi chín bộ kinh, mỗi một bộ đều thâm diệu chẳng thể nghĩ bàn, vì thế sánh ví với "Bảo" (寳: của báu). "Vô lượng pháp môn gồm thâu trong đây" cho nên gọi là "Tích" (積), Tích nghĩa là tụ tập. "Bảo Tích Kinh Luận quyển một chép:" Bảo Tích Kinh Luận là sách chú giải kinh này, nhưng không còn toàn vẹn, chỉ có bốn quyển, ai chú giải cũng không biết, đã thất truyền, nhưng lời bàn luận được lưu trong Đại Tạng Kinh, sách này giải thích đơn giản đề mục kinh. Sách ấy viết: "Hết thảy các pháp sai biệt trong pháp bảo Đại Thừa được kinh này gom sạch, nên gọi là Bảo Tích". Từ một câu này, chúng ta có thể hiểu đại khái ý nghĩa của đề mục kinh này. Giới thiệu giản lược về Phương Đẳng và kinh Đại Bảo Tích thuộc Phương Đẳng Bộ như thế.
III. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC DỊCH GIẢ: NGÀI BỒ ĐỀ LƯU CHÍ
Vừa rồi, như đã giới thiệu, người phiên dịch kinh rất nhiều, chúng tôi không cần phải giới thiệu từng vị một, chúng tôi chỉ giới thiệu riêng mình vị tập đại thành[1] là ngài Bồ Đề Lưu Chí."Bồ Đề Lưu Chí" (Bodhiruci) là dịch âm tiếng Phạn, "ở đây nói là Giác Ái": phiên dịch thành tiếng Trung Quốc là Giác Ái. Bồ-Đề là Giác, Lưu Chí là Ái."Người Nam Thiên Trúc": lúc ấy, Ấn Độ được gọi là Thiên Trúc, Ngài là ngườiNam Ấn Độ. "Đến [Trung Hoa] vào thời Đường Võ Hậu": Ngài đến Trung Quốc vào thời đại Võ Tắc Thiên. "Dịch Tam Tạng kinh": Ngài là pháp sư dịch kinh.
"Sách Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 9 ghi:" Thích Giáo Lục là mục lục kinh điển Phật giáo, trong mục lục có lời giới thiệu đơn giản cho mỗi kinh. "Sa-môn Bồ Đề Lưu Chí, vốn tên là Đạt Ma Lưu Chi": Tên Ngài vốn là Đạt Ma Lưu Chi (Dharmaruci), Đạt-Ma là pháp, Lưu Chi nghĩa là "hy hữu". Vì thế, Ngài vốn có tên là Pháp Hy Hữu."Thiên Hậu đổi tên Ngài thành Bồ Đề Lưu Chí": Thiên Hậu là Võ Tắc Thiên. Đại khái, bà Võ Tắc Thiên cho rằng ý nghĩa cái tên gốc của Ngài không hay, nên dốc tâm huyết ra, đổi tên cho Ngài, đổi thành Giác Ái. "Tiếng Đường là Giác Ái, người Nam Ấn Độ". Tống Cao Tăng Truyện quyển 3 ghi: 'Thích Bồ Đề Lưu Chí, người xứ Nam Thiên Trúc, thuộc dòng tịnh hạnh bà-la-môn, họ Ca-Diếp". Nếu các vị muốn biết rõ chi tiết hơn một chút, hãy xem Tống Cao Tăng Truyện. Trong quyển 3 bộ Tống Cao Tăng Truyện có chép truyện Ngài.
IV. GIỚI THIỆU ĐẠI LƯỢC BẢN KINH NÀY
Tiếp đây, tôi sẽ giảng về nội dung bản kinh, cũng chỉ giới thiệu đại lược.
Kinh này thuộc quyển chín mươi mốt và chín mươi hai của kinh Đại Bảo Tích. Vì thế, kinh văn có hai quyển Thượng và Hạ. Trong kinh Đại Bảo Tích, quyển Thượng là quyển chín mươi mốt, quyển Hạ là quyển chín mươi hai. [Trong kinh Đại Bảo Tích ghi là] "Phát Thắng Chí Nhạo Hội đệ nhị thập ngũ, Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chí phụng chiếu dịch". Trong đó, chữ"chiếu" chỉ thánh chỉ của Võ Tắc Thiên, Sư tuân mạng lệnh của Hoàng Đế mà phiên dịch. "Sách Duyệt Tạng Tri Tân đem nội dung toàn kinh chia ra làm mười lăm đoạn": Duyệt Tạng Tri Tân là tác phẩm của đại sư Ngẫu Ích. Ngẫu Ích đại sư đem toàn bộ kinh này chia thành 15 đoạn, nội dung mỗi đoạn được giới thiệu như dưới đây.
Đoạn thứ nhất, "Phật tại Lộc Uyển"(Phật ở tại Lộc Uyển), đây chính là Lộc Dã Uyển, "dữ thiên tỳ-kheo, ngũ bách Bồ Tát câu" (và một ngàn tỳ kheo, năm trăm Bồ Tát cùng nhóm họp). Đoạn trên đây thuộc về Tự Phần và Chánh Tông Phần. Phần này trong Duyệt Tạng Tri Tân không nhắc đến, ở đây, vì giảng bộ kinh này, để tiện theo dõi, chúng tôi thêm vào, lại chia kinh thành ba phần lớn. Đoạn thứ nhất và đoạn thứ hai thuộc Tự Phần.
Đoạn thứ nhất là Thông Tự, đoạn thứ hai là Phát Khởi Tự. Trong đoạn thứ hai: "Hữu chư Bồ Tát nghiệp chướng thâm trọng, nghi hoặc thoái chuyển, Di Lặc Bồ Tát úy vấn linh hỷ" (Có các Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, nghi hoặc thoái chuyển. Di Lặc Bồ Tát hỏihan, an ủi khiến họ vui mừng). Vì thế, đây là đầu mối để hiểu được bộ kinh này sẽ nói những gì, đoạn này hết sức quan trọng đối với người học Phật chúng ta trong hiện tại. Chúng ta đích thực là các Bồ Tát ngu si nghiệp chướng sâu nặng đấy! Mọi người đã thọ Bồ Tát giới đều là Bồ Tát, dẫu đã thọ Bồ Tát giới nhưng vẫn rất ngu si!Đó chính là điều kinh này nhắc đến.
Đoạn thứ ba thuộc về Chánh Tông Phần. "Hữu lục thập nhân tùy khuyến nghệ Phật" (Có sáu mươi người theo lời khuyên đến chỗ Phật): Thuận theo lời khuyên bảo của Di Lặc Bồ Tát, sáu mươi người theo chân Di Lặc Bồ Tát đến gặp đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi thấy được Phật, họ rất hổ thẹn, thiện căn phát khởi, "đầu địa bi lệ"(gieo mình xuống đất buồn khóc). Phật an ủi họ, bảo họ đứng dậy, thuật ác nghiệp phỉ báng pháp sư xưa kia của họ nên họ nhiều đời nhiều kiếp chịu khổ, tương lai khi nghiệp báo đó hết rồi, họ nhất định sẽ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do đấy có thể biết là bọn họ trong nhiều đời nhiều kiếp trước đã từng học pháp môn Tịnh Độ, đều niệm A Di Đà Phật, chỉ vì nghiệp chướng quá nặng nên chẳng thể vãng sanh, ở trong lục đạo chịu hết nỗi khổ.
Đoạn thứ tư: "Thời chư Bồ Tát tùy phát thập tam hoằng thệ, Phật tán ấn chi" (Khi ấy, các Bồ Tát liền phát mười ba hoằng thệ, Phật khen ngợi, ấn khả): Sáu mươi vị Bồ Tát ấy thật là hy hữu, ít người được như vậy, bọn họ nghe Phật chỉ dạy bèn chân chánh sám hối, quay đầu sửa lỗi, đổi mới, phát mười ba hoằng thệ. Đức Phật nghe xong rất khen ngợi họ.
Đoạn thứ năm: "Di Lặc nhân vấn mạt thế Bồ Tát thành tựu kỷ pháp, anổn đắc thoát" (Nhân đấy, Di Lặc Bồ Tát bèn hỏi trong đời mạt, Bồ Tát thành tựu mấy pháp thì được an ổn độ thoát). Câu hỏi này rất trọng yếu. Thời kỳ Mạt Pháp chính là thời đại của chúng ta. Hiện tại, chúng ta nên thành tựu bao nhiêu pháp thì mới có thể anổn thoát ly lục đạo luân hồi, thoát ly biển khổ sanh tử.
Đoạn thứ sáu, "Phật đáp dĩ nhị chủng, tứ pháp" (Phật đáp dùng hai loại bốn pháp). Hai loại "bốn pháp" này nằm trong kinh văn từ đoạn thứ sáu đến đoạn thứ bảy. Trong loại thứ nhất, "chẳng tìm lỗi người khác" là điều thứ nhất; "cũng chẳng nêu ra tội của người khác" là điều thứ hai; "lìa lời thô lỗ, keo kiệt, người ấy sẽ giải thoát".Trong thời kỳ Mạt Pháp, bốn điều này trọng yếu nhất, nhất định phải tuân thủ, phải làm cho được. Phật nói bốn pháp ấy xong, lại nói ra bốn pháp khác, đó là đoạn thứ bảy. "Hãy bỏ sự biếng nhác" là điều thứ nhất; "xa lìa các ồn náo" là điều thứ hai; ưa thích chỗ náo nhiệt là điều chướng ngại rất lớn. "Tịch tĩnh, thường tri túc". Vâng giữ bốn pháp này "người ấy sẽ giải thoát". Đoạn này dạy chúng ta tu hành trong thời kỳ Mạt Pháp phải có đủ hai loại "bốn pháp" này, tức là đủ tám pháp mới có thể yên ổn tu học đạt hiệu quả, đạt được mục tiêu tu học.
Đoạn thứ tám, "thứ minh vô hy vọng tâm hành pháp thí thời, thành nhị thập lợi, hựu nhị thập lợi" (tiếp đó, kinh dạy lúc hành pháp thí, tâm không mong cầu sẽ thành tựu hai mươi điều lợi, lại thành tựu hai mươi điều lợi khác nữa). Hai thứ "hai mươi điều lợi" này cộng thành bốn mươi thứ lợi ích, phải dùng tâm không mong cầu để tu hành pháp bố thí mới có thể đạt được!
Đoạn thứ chín thuyết minh các lỗi lầm, ác nghiệp trong thời kỳ Mạt Pháp, hoàn toàn là nói về những hiện trạng xã hội cũng như tình trạng của bọn người tu hành chúng ta. Đọc xong đúng là rét buốt tận xương! Đức Thế Tôn cách xa chúng ta ba ngàn năm, từ ba ngàn năm trước Ngài đã thấy rõ ràng tình trạng tu hành hiện tại của chúng ta, thật có thể nói là nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may!
Đoạn thứ mười nói về "huệ hạnh Bồ Tát dữ sơ nghiệp Bồ Tát bất đồng chi tướng" (tướng trạng bất đồng giữa huệ hạnh Bồ Tát và sơ nghiệp Bồ Tát). Chữ "huệ hạnh Bồ Tát" này chúng ta phải hiểu rõ, nếu không hiểu được nhất định sẽ không thể học theo họ được!Thế nào là "huệ hạnh?"
Trí huệ đã mở mang, trong nhà Thiền gọi là "đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh", trong pháp Đại Thừa ta thường gọi họ là Pháp Thân Đại Sĩ. Pháp Thân Đại Sĩ mới là huệ hạnh Bồ Tát. Cũng như những bậc thường được xưng tụng là "phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân", người như vậy mới là huệ hạnh Bồ Tát. Chưa đạt đến địa vị ấy thì chẳng phải là huệ hạnh Bồ Tát. Do những hành vi, biểu hiện của huệ hạnh Bồ Tát rất đặc biệt khác lạ, chúng ta chẳng thể học đòi nổi. Nếu học theo, họ thì sanh lên trời, còn chúng ta bị đọa địa ngục. Đức Phật giảng rất rõ ràng, rất minh bạch điểm này.
Đoạn thứ mười hai thuyết minh "sơ nghiệp Bồ Tát ưng đương quán sát lợi dưỡng chi quá" (sơ nghiệp Bồ Tát phải nên quán sát lỗi lầm của lợi dưỡng). Sơ Nghiệp là sơ học Bồ Tát, chúng ta hiện đang thuộc giai đoạn này, nhất định phải hiểu rõ họa hại của lợi dưỡng, chỉ cần vướng chút lợi dưỡng thì chẳng những đạo nghiệp không thể thành tựu mà nhất định còn bị nó lôi vào A Tỳ địa ngục! Học Phật chẳng thành Phật, ngược lại bị đọa vào A Tỳ địa ngục, đấy chẳng phải là điều Phật, Bồ Tát mong trông thấy. Nhưng trong thời kỳ Mạt Pháp, người như vậy rất ư là nhiều! Bởi vậy, đoạn kinh văn thuyết minh họa hại của lợi dưỡng này rất dài.
Đoạn thứ mười hai là "diệc đương quán sát hội náo quá hữu nhị thập, thế ngữ quá hữu nhị thập" (cũng nên quán sát ồn náo có hai mươi lỗi, lời lẽ thế gian có hai mươi lỗi). Đến phần sau tôi sẽ giảng chi tiết. "Thùy miên quá hữu nhị thập, chúng vụ quá hữu nhị thập"(Ngủ nghê có hai mươi lỗi, các việc có hai mươi lỗi). Chữ "chúng vụ" ở đây chỉ các thứ sự việc chẳng liên quan đến việc tu hành, hiện thời rất phổ biến vậy!
Mọi người quên hết cả rồi! Bách Trượng đại sư đã từng nói: "Phật môn do vô sự mà hưng vượng". Đạo tràng thế nào là hưng vượng? Vô sự gọi là hưng vượng. Sự việc quá nhiều, nhang đèn tưng bừng, tín đồ quá đông, đấy là tướng suy sụp của Phật môn chứ chẳng phải là tướng hưng thịnh. Vì sao vậy? Chẳng có một người nào thành tựu hết! Người tuy đông nhưng không có một người nào khai ngộ, không có ai chứng quả, thậm chí không một ai có thể vãng sanh thì thịnh vượng ở chỗ nào? Chúng ta phải nhận thức rõ ràng điều này!
Trong đoạn thứ mười ba, Phật dạy"bất tu chư hạnh, bất đoạn phiền não, bất tập thiền tụng, bất cầu đa văn, phi xuất gia giả" (chẳng tu các hạnh, chẳng đoạn phiền não, chẳng tập thiền tụng, chẳng cầu đa văn thì chẳng phải là người xuất gia). Đấy là xuất gia chỉ có hình thức, chứ thật sự ra chư Phật Như Lai chẳng thừa nhận kẻ ấy là đệ tử xuất gia.
Đoạn thứ mười bốn thuyết minh hý luận có hai mươi lỗi họa.
Cuối phần Chánh Tông, kinh văn thuyết minh "phát mười thứ tâm có thể sanh về thế giới Cực Lạc". Vì thế, đến cuối cùng, bộ kinh này cũng dẫn dắt về Cực Lạc. Chúng ta mong quyết định được sanh về Tịnh Độ của đức Di Đà ngay trong một đời này nên đối với chúng ta, bộ kinh này cũng trọng yếu phi thường!
Cuối cùng, đoạn thứ mười sáu là Lưu Thông Phần. Trong sách Duyệt Tạng Tri Tân của Ngẫu Ích đại sư chỉ giảng đến đoạn thứ mười lăm, sau đấy lại có một đoạn là phần Lưu Thông của kinh này. Trên đây tôi đã nói cho quý vị biết sơ lược đại ý kinh này.
IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN
A. TỰ PHẦN
1. Phật tại Lộc Uyển, năm trăm tỳ-kheo, năm trăm Bồ Tát cùng nhóm
Chánh kinh:
Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Ba Ly Nại thành, tiên nhân trụ xứ, thi Lộc Uyển trung.
如是我聞。一時佛在波離奈城。仙人住處。施鹿苑中
(Tôi nghe như thế này, một thời Phật ở tại thành Ba Ly Nại, ngự trong Lộc Uyển là chỗ trụ của tiên nhân).
Đây là năm thứ thành tựu đầu trong Lục Chủng Thành Tựu; tôi nghĩ chúng ta có thể tỉnh lược. Ở đây, xứ sở (địa điểm giảng kinh) là Lộc Dã Uyển, một nơi thường được nhắc đến. Tôi nghĩ trong số các vị đồng tu chúng ta, cũng có những vị đã đến thăm Ấn Độ, đến Ấn Độ triều thánh. Nếu vậy, [những người ấy] đã đến thăm các danh thắng cổ tích Phật giáo. Vườn Lộc Dã là một địa điểm trọng yếu, ban sơ Thích Ca Mâu Ni Phật độ năm vị tỳ-kheo ngay tại ấy. Sau này, chỗ ấy tạo dựng tinh xá, Phật cũng giảng khá nhiều kinh điển tại nơi ấy.
Chánh kinh:
Dữ đại tỳ kheo chúng, mãn túc thiên nhân. Phục hữu ngũ bách chư Bồ Tát chúng.
與大比丘眾。滿足千人。復有五百諸菩薩眾。
(Cùng chúng đại tỳ kheo đủ cả một ngàn vị, lại có năm trăm vị Bồ Tát).
Đây là Chúng Thành Tựu. Lúc ấy, tham gia pháp hội có một ngàn năm trăm người.
2. Có các Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, đầy đẫy hạnh bất thiện, nghi hoặc, thoái chuyển, Di Lặc Bồ Tát hỏi han, an ủi khiến họ vui mừng
Đây là đoạn thứ hai, chính là Phát Khởi Tự của kinh này.
Chánh kinh:
Thị thời chúng trung, đa hữu Bồ Tát.
是時眾中。多有菩薩。
(Lúc ấy trong đại chúng có nhiều vị Bồ Tát).
Câu này nói về đa số trong năm trăm vị Bồ Tát. Do vậy, ta biết rằng, những vị Bồ Tát ấy chẳng phải là Bồ Tát tầm thường, đa số là cổ Phật tái lai, cố ý thị hiện như thế nhằm tạo cơ hội cho Di Lặc Bồ Tát đến thỉnh pháp để Thích Ca Mâu Ni Phật răn dạy chúng ta. Những lỗi các ngài đã phạm chính là những lỗi bọn người hiện tại chúng ta đang phạm, các vị chỉ đến biểu diễn, lòng từ bi đến mức cùng cực! Bọn họ mắc những lầm lỗi gì?
Chánh kinh:
Nghiệp chướng thâm trọng, chưcăn ám độn.
業障深重。諸根闇鈍。
(Nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn).
Câu này là lời tường thuật tổng quát. Nói gọn một câu là nghiệp chướng nặng nề! Nghiệp là gì? Nóitheo ngôn ngữ hiện đại, Nghiệp (kárma) là hoạt động, tạo tác. Hoạt động ấy chướng ngại trí huệ đức năng sẵn có trong tự tánh nên gọi là "nghiệp chướng". Nghiệp chướng ấy rất sâu, rất nặng, cho nên trí huệ đức năng của chúng ta chẳng hiện ra được.
[Trong câu] "chư căn ám độn", chữ"chư căn" chỉ sáu căn. Sáu căn chẳng thông minh, mắt tuy vẫn có thể thấy nhưng lắm việc nhìn lầm, tai tuy vẫn có thể nghe nhưng ý nghĩa đúng đắn chẳng nghe ra. Nhóm chữ này chỉ căn tánh chẳng lanh lợi. Tiếp theo đây kinh nói mười hai câu, mười hai câu ấy chính là nội dung của bản kinh này.Ở phần sau, với mỗi một điều Phật sẽ giảng tường tận cho chúng ta. Điều thứ nhất là:
Chánh kinh:
Thiện pháp vi thiểu.
善法微少。
(Thiện pháp ít ỏi).
Thế nào là "thiện căn"? Thiện căntheo pháp thế gian là không tham, không sân, không si. Chúng ta hãy nghĩ xem là mình có hay không có [thiện căn]. Nếu như chúng ta tham - sân - si đều đầy đủ cả thì căn bản là chúng ta không có thiện căn. Bọn họ còn có thiện căn, nhưng thiện căn ít ỏi; chúng ta không có thiện căn; vì sao lại thành ra như thế? Thiện căn của Bồ Tát là tinh tấn, còn chúng ta hằng ngày giải đãi, biếng nhác, tán loạn.
Chánh kinh:
Háo ư hội náo
好於憒鬧。
(Ưa nơi náo nhiệt)
Ở đây, "hội" là "hôn hội" (昏憒),chúngta thường nói là hồ đồ. "Hội náo" nghĩa là ồn náo lộn xộn. Các vị có biết nơi nào là ồn náo lộn xộn chăng? Chính là những chốn ăn chơi có khá nhiều trong xã hội hiện tại: ca xướng, khiêu vũ, đấy là những chỗ ồn náo lộn xộn.Bọn họ ưa thích những chỗ ấy.
Chánh kinh:
Đàm thuyết thế sự.
談說世事。
(Bàn nói thế sự).
Đây là câu thứ ba. Phạm vi bao quát của "thế sự" rất rộng. Trong thế sự có cả tà lẫn chánh. Thế nào là chánh?Những điều Khổng Tử, Mạnh Tử nói là chánh, đều là thế sự cả! Thế sự bất hảo ư? Thế sự chẳng thể thoát tam giới.Quý vị phải hiểu rằng: Mục tiêu của Phật pháp là dạy chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới. Vì thế, sự giáo dục của Nho gia dẫu tốt, có thể giúp chúng ta đạt được thân người, thậm chí giúp chúng ta sanh lên trời, nhưng chẳng thể giúp chúng ta liễu sanh tử, thoát tam giới.
"Thế sự" là gì? Là mọi việc trong lục đạo, ưa thích bàn nói những chuyện ấy. Ngày nay người ngoại quốc bàn đến khoa học, kỹ thuật, đấy cũng là thế sự. Họ bàn chuyện vượt ra ngoài không gian, nhưng ra ngoài không gian thì vẫn còn trong luân hồi lục đạo, vẫn chưa vượt thoát luân hồi lục đạo. Thế sự có chánh, có tà. Tà là đọa ba ác đạo, Chánh là ba thiện đạo.
Điều thứ tư là ưa thích ngủ nghỉ, ham ngủ đấy! Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Đa chư hý luận.
多諸戲論。
(Lắm điều hý luận)
Phạm vi của "hý luận" cũng hết sức rộng rãi; như thông thường chúng ta nói giỡn chơi, đều gọi là hý luận.
Chánh kinh:
Quảng doanh chúng vụ.
廣營眾務。
(Rộng lo liệu các việc).
Trong xã hội hiện tại, hiện tượng này rất nhiều. "Doanh" (營) là kinh doanh,"vụ" (務) là sự vụ. "Quảng" (廣) là nhiều. Tôi vừa mới nhắc qua, Bách Trượng thiền sư từng nói: "Phật môn lấy vô sự làm hưng vượng"; há nên đa sự? Thế nào là đa sự? Nêu một thí dụ phổ biến để nói thì pháp hội là đa sự, huống gì những chuyện khác! Điều này trong phần sau đức Phật sẽ giảng rộng, quý vị nhất định phải hiểu sâu xa ý Phật.
Tu học Phật pháp là gì? Đề mục kinh Vô Lượng Thọ đã cho chúng ta biết:"Thanh tịnh, bình đẳng, giác". Làm nhiều việc quá thì tâm làm sao thanh tịnh cho được? Thù tạc quá nhiều, chẳng thể thanh tịnh được! Sự vụ quá nhiều, chẳng thể bình đẳng được! Mỗi ngày từ sáng đến tối mê hoặc điên đảo, làm sao có thể giác ngộ cho được? Đấy chính là lỗi hại của việc "quảng doanh chúng vụ". Câu thứ bảy là...
Chánh kinh:
Chủng chủng tham trước.
種種貪著。
(Tham chấp các thứ)
Câu này có phạm vi rất lớn. Tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, buông xuống chẳng được! Câu thứ tám là...
Chánh kinh:
Vi sở bất ưng.
爲所不應。
(Làm điều chẳng nên làm)
Những điều họ làm đều là điều chẳng nên làm, đều là điều Phật chẳng cho phép, họ cứ khăng khăng tạo tác. Câu thứ chín là...
Chánh kinh:
Vọng thất chánh niệm.
妄失正念。
(Hư vọng mất chánh niệm)
"Vọng" (妄) là hư vọng. Suốt ngày hư vọng nên chánh niệm bị mất. Câu thứ mười là...
Chánh kinh:
Tu tập tà huệ.
修習邪慧。
Trong nhà Phật thường gọi "tà huệ" là Thế Trí Biện Thông, chẳng phải là chân trí huệ. Câu thứ mười một là...
Chánh kinh:
Hạ liệt tinh cần.
下劣精勤。
(Siêng gắng hèn kém)
Bọn họ cũng rất nỗ lực, một ngày từ sáng đến tối chẳng nghỉ ngơi, dù bận bịu vẫn vui sướng. Bận bịu những gì?Bận bịu với sự nghiệp tam đồ. Chữ"hạ" chỉ ba ác đạo, chẳng phải ba thiện đạo! "Hạ liệt" nghĩa là gì? Vướng trong tham, sân, si, tranh danh đoạt lợi, bọn họ dũng mãnh tinh tấn làm những việc như thế. Câu cuối cùng là:
Chánh kinh:
Hành mê hoặc hạnh.
行迷惑行。
(Làm hạnh mê hoặc)
Đây là hiện tượng chung cho cả tại gia lẫn xuất gia trong cửa Phật vào thời Mạt Pháp này. Nếu như chúng ta thật sự chăm chú phản tỉnh, [sẽ thấy là] nếu mắc căn bệnh này thì bất luận đang tu học pháp môn nào cũng đều chẳng thể thành tựu, niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh. Điều kiện để vãng sanh là tâm phải thanh tịnh -"tâm tịnh thì cõi nước tịnh". Tây Phương thế giới là Tịnh Độ, chẳng phải là uế độ! Vì thế, tâm chẳng thanh tịnh, làm sao vãng sanh được? Mê hoặc là chẳng thanh tịnh, chẳng ứng hợp Tịnh Độ. Tụng kinh cho nhiều, niệm Phật cho lắm thì cũng như lời cổ nhân nói:"Rách toạc cuống họng vẫn uổng công!", chỉ có thể kết duyên lành với Tịnh Độ, chứ chẳng thể vãng sanh ngay trong một đời!
Sự việc như vậy có gì là lạ, chẳng biết là trong đời quá khứ chúng ta đã làm như thế bao nhiêu lần rồi! Chúng ta có nhân duyên rất sâu xa với Tây Phương Tịnh Độ, vì sao chẳng thành tựu? Nói chung là vì phạm phải những lầm lỗi ấy. Đời đời kiếp kiếp quá khứ phạm phải những lầm lỗi ấy nên niệm Phật mà chẳng thể vãng sanh. Đời này gặp được bản kinh này, đấy là nhân duyên hy hữu. Thử nghĩ: Nếu vẫn phạm những lỗi ấy thì một đời này ắt phải luống uổng. Nếu quả thật có thể thường tích cực phản tỉnh, sửa lỗi đổi mới, quay đầu là bờ thì trong một đời này chúng ta quyết định sẽ thành tựu.Lại xem tiếp kinh văn:
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát tại ư hội trung, kiến chư Bồ Tát cụ túc như thị bất thiện chư hạnh.
爾時。彌勒菩薩摩訶薩。在於會中。見諸菩薩。具足如是不善諸行。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát ở trong hội, thấy các Bồ Tát đầy đủ các hạnh bất thiện như thế).
"Cụ túc": Mười hai điều vừa nhắc đến trong phần trên họ đều phạm đủ cả, phạm toàn bộ. Ngài Di Lặc thấy các Bồ Tát ấy có nhiều lầm lỗi như thế.
Chánh kinh:
Tác thị niệm ngôn.
作是念言。
(Nghĩ như thế này)
Trong tâm Ngài suy nghĩ.
Chánh kinh:
Thử chư Bồ Tát ư vô thượng Bồ Đề, viên mãn đạo phần, giai dĩ thoái chuyển.
此諸菩薩。於無上菩提。圓滿道分。皆已退轉。
(Các vị Bồ Tát này đối với viên mãn đạo phần nơi vô thượng Bồ Đề đều đã lui sụt)
Cổ nhân thường nói: "Người sơ phát tâm thành Phật có thừa". Sơ Phát Tâm đều là những người phát thiện tâm, có tâm tốt lành, nhưng do nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn nên rất dễ bị thoái chuyển, rất dễ bị mê hoặc, đặc biệt là [mê hoặc] bởi danh tiếng, lợi dưỡng! Người sơ phát tâm xuất gia không có ai cúng dường họ, cuộc sống rất thanh bần, khổ sở, đạo tâm rất kiên định. Tu hành được mấy năm, có chút ít thành tựu, danh tiếng, lợi dưỡng đưa tới, kẻ ấy lại bị đọa lạc.Trong có phiền não, ngoài có dụ hoặc, làm sao không đọa lạc cho được? Vì thế đối với Vô Thượng Bồ Đề bèn thoái chuyển. Di Lặc Bồ Tát thấy vậy bèn khởi tâm từ bi.
Chánh kinh:
Ngã kim đương linh thị chư Bồ Tát giác ngộ khai hiểu, sanh hoan hỷ tâm.
我今當令。是諸菩薩。覺悟開曉。生歡喜心。
(Nay ta nên làm cho các Bồ Tát này giác ngộ, hiểu biết, sanh lòng hoan hỷ)
Di Lặc Bồ Tát đến giúp đỡ các Bồ Tát ngu si ấy. Ở đây, chúng ta phải chú ý: Thế nào là đại từ đại bi? Thế nào gọi là cứu tế bần khổ? Người tu hành không có đạo, ấy là "bần". Người tu hành vẫn phạm những lầm lỗi y như cũ, thật là "khổ"! Ở đây, Di Lặc Bồ Tát hành từ bi cứu tế. Ngài cứu tế các Bồ Tát điên đảo mê hoặc đó, làm cho họ"giác ngộ khai hiểu", nghĩa là khiến cho họ phá mê khai ngộ. Giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ là đại từ đại bi, là cứu tế chân chánh.
Chánh kinh:
Tác thị niệm dĩ.
作是念已。
(Nghĩ như vậy xong)
Di Lặc Bồ Tát khởi lên ý niệm ấy xong.
Chánh kinh:
Tức ư bô thời, tùng thiền định khởi.
即於晡時。從禪定起。
(Liền sau giờ Ngọ, từ thiền-định dậy).
"Bô thời" là sau Ngọ, sau khi dùng Ngọ trai xong, Ngài từ thiền định xuất.
Chánh kinh:
Vãng đáo kỳ sở, cộng tương úy vấn, phục dĩ chủng chủng nhu nhuyễn ngôn từ, vị thuyết pháp yếu, linh kỳ hoan hỷ.
往到其所。共相慰問。復以種種。柔軟言詞。為說法要。令其歡喜。
(Đến chỗ bọn họ, cùng nhau an ủi, thăm hỏi, lại dùng các lời lẽ mềm mỏng nói pháp yếu khiến cho họ hoan hỷ).
Đích thực là Di Lặc Bồ Tát rất có trí huệ, nói theo cách chúng ta ngày nay là trí huệ cao độ! Ngài chẳng trách móc bọn họ, mà đến an ủi họ, lời lẽ nhu hòa, dịu dàng an ủi họ, khiến cho họ sanh lòng vui mừng, sanh hảo cảm đối với Bồ Tát. Phải dùng cách khéo như vậy để họ tiếp thọ lời dẫn dụ của Ngài.
Chánh kinh:
Nhân cáo chi viết: "Chư nhân giả!"
因告之曰。諸仁者。
(Nhân đó bảo rằng:"Này các nhân giả!")
"Chư nhân giả" là tiếng tôn xưng bọn họ.
Chánh kinh:
Vân hà nhữ đẳng ư vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần nhi đắc tăng trưởng, bất thoái chuyển da?
云何汝等,於無上菩提。圓滿道分。而得增長。不退轉耶。
(Các vị làm thế nào để được tăng trưởng, chẳng thoái chuyển nơi vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần?)
Lời hỏi rất khéo! Chẳng trách móc họ phạm lỗi lầm, chẳng trách họ thoái chuyển, trái lại Ngài hỏi: Đối với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần, các vị có phương pháp nào làm cho nó tăng trưởng, chẳng thoái chuyển hay chăng? Chúng ta phải học tập điểm này: Bình thường đối với người, đối với sự, đối với vật, phải nói năng thế nào để thật sự giúp người ta giác ngộ, giúp người ta sửa lỗi đổi mới, chẳng dùng lời lẽ trách móc, mà phải dùng những lời quan hoài, thương yêu, che chở, dùng phương pháp dẫn dụ, khơi gợi. Ở đây ta mới thấy chỗ cao minh của Di Lặc Bồ Tát. Vì thế, lúc bọn họ nghe Ngài nói đều rất hoan hỷ, vui vẻ trò chuyện với Ngài.
Các vị xem nhé!
Chánh kinh:
Thị chư Bồ Tát đồng thanh bạch ngôn:
- Tôn giả! Ngã đẳng kim ư vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần vô phục tăng trưởng, duy hữu thoái chuyển.
是諸菩薩。同聲白言。尊者。我等今於。無上菩提。圓滿道分。無復增長。唯有退轉。
(Các vị Bồ Tát ấy đồng thanh thưa rằng:
- Thưa tôn giả! Chúng tôi nay với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần chẳng còn tăng trưởng, chỉ có thoái chuyển).
Những người ấy đều thưa thật: Đối với vô thượng Bồ Đề chúng tôi không tăng trưởng, ngày càng lui sụt!
Chánh kinh:
Hà dĩ cố?
何以故。
(Vì sao vậy?)
Vì sao chúng tôi ngày càng lui sụt?
Chánh kinh:
Ngã tâm thường vị nghi hoặc sở phú.
我心常為疑惑所覆。
(Tâm tôi thường bị nghi hoặc che phủ)
Tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi là phiền não trọng đại đối với Bồ Tát, là chướng ngại nghiêm trọng đối với sự tu học. Bọn họ có nghi, có Hoặc. Hoặc (惑) là mê hoặc.
Chánh kinh:
Ư vô thượng Bồ Đề bất năng giải liễu.
於無上菩提。不能解了。
(Đối với vô thượng Bồ Đề chẳng thể hiểu rõ).
Câu này ý nói bọn họ nghiệp chướng sâu nặng, tuy thường nghe đức Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, nghe xong chẳng hiểu rõ cho lắm, chẳng những không thể liễu giải, mà còn lắm phen nghe lầm lời Phật dạy, hiểu lầm ý nghĩa. Lúc chúng ta khai kinh kệ, niệm "nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa". Bọn họ hiểu lầm ý nghĩa chân thật của Như Lai, hiểu cong quẹo ý nghĩa lý chân thật của đức Như Lai. Ấy là tướng nghiệp chướng sâu nặng, tiếp theo đây các vị nói rất rõ.
Chánh kinh:
Vân hà ngã đẳng đương tác Phật da? Bất tác Phật da?
云何我等。當作佛耶。不作佛耶。
(Vậy thì chúng tôi sẽ thành Phật ư?Chẳng thành Phật ư?)
Đây là nêu lên một thí dụ cụ thể để minh họa. Bọn họ thường hoài nghi: Học Phật là tốt hay chẳng học Phật là tốt? Thành Phật là tốt hay chẳng thành Phật là tốt? Thường có những câu hỏi như thế, đó là hoài nghi thiện pháp.
Chánh kinh:
Ư đọa lạc pháp diệc bất năng liễu!
於墮落法。亦不能了。
(Với pháp đọa lạc cũng chẳng hiểu rõ).
Tam đồ lục đạo, gieo thiện nhân được thiện quả, tạo ác nghiệp nhất định phải thọ ác báo. Phật cũng đã giảng rất rõ ràng, nhưng đối với điều ấy, họ vẫn nghi hoặc!
Chánh kinh:
Vân hà ngã đẳng đương đọa lạc da? Bất đọa lạc da?
云何我等。當墮落耶。不墮落耶。
(Vậy thì chúng tôi sẽ đọa lạc ư? Chẳng đọa lạc ư?)
Chúng tôi có bị đọa lạc hay chăng?Đọa lạc thật sự hay là chỉ đọa lạc giả?Những nghi vấn ấy thường xuyên hiện hữu.
Chánh kinh:
Dĩ thị nhân duyên, thiện pháp dục sanh thường vị nghi hoặc chi sở triền phú.
以是因緣。善法欲生。常為疑惑之所纏覆。
(Bởi nhân duyên ấy, thiện pháp sắp sanh thường bị nghi hoặc ràng buộc, che phủ)
Lẽ đương nhiên là trong bất cứ thời đại nào, bất cứ cá nhân nào chẳng thể không có lấy một thiện niệm. Hết thảy chúng sanh đều là thiện ác hỗn tạp, có lúc thiện nhiều, ác ít, lại có lúc ác nhiều, thiện ít nên mới hình thành lục đạo và mười pháp giới. Bọn họ sanh thiện niệm, nhưng chỉ vì nghi hoặc nên lúc hoài nghi thì thiện chẳng thể hình thành, lúc đó rất dễ thoái chuyển.Những vị Bồ Tát này đều rất thành thật, rất khó có. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là bọn họ còn tự biết rõ mình, vẫn coi như là chưa lầm lạc! Dù có phạm lầm lỗi, vẫn còn có thể cứu, vì thế Di Lặc Bồ Tát đến cứu bọn họ.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi cáo chi viết:
- Chư nhân giả! Khả cộng vãng nghệ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri sở. Nhi bỉ Như Lai nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả, cụ túc thành tựu vô chướng ngại trí, giải thoát tri kiến, dĩ phương tiện lực thiện tri nhất thiết chúng sanh sở hành, đương vị nhữ đẳng tùy kỳ căn tánh chủng chủng thuyết pháp.
爾時。彌勒菩薩。而告之曰。諸仁者。可共往詣。如來。應供。正遍知所。而彼如來。一切知者。一切見者。具足成就。無障礙智。解脫知見。以方便力。善知一切眾生所行。當為汝等。隨其根性。種種說法。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bảo họ rằng:
- Các nhân giả! Nên cùng đến chỗ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Đức Như Lai là bậc biết hết thảy, bậc thấy hết thảy, thành tựu đầy đủ trí vô chướng ngại, giải thoát tri kiến, dùng sức phương tiện khéo biết sở hạnh của hết thảy chúng sanh, Ngài sẽ vì các ông thuyết pháp các thứ tùy theo căn tánh).
Đây cũng là điểm cao minh của Di Lặc Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát chẳng thể thuyết kinh giảng pháp cho họ ư?Đương nhiên là Ngài có thể.
Vì sao Di Lặc Bồ Tát chẳng thuyết pháp? Bởi vì Ngài còn ở trong địa vị Bồ Tát, chưa chắc bọn họ đã tin tưởng lời giảng kinh thuyết pháp của Ngài. Vì thế, Di Lặc Bồ Tát giới thiệu: "Chúng ta đi gặp Phật". Mọi người nghe đến Phật đương nhiên chẳng dị nghị, chúng ta cùng nhau đi đến chỗ Phật.
"Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri"là ba thứ trong mười danh hiệu của đức Như Lai, chúng tôi cũng không giải thích chi tiết. Câu "nhi bỉ Như Lai, nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả" là lời tán thán trí huệ đức năng của Phật: Không chi chẳng biết, không gì chẳng thể! Ý nói: Quả vị Phật là thành tựu đầy đủ, chẳng có một mảy gì thiếu khuyết. Trí huệ Phật đầy đủ viên mãn, Phật tự tại viên mãn. Hơn nữa, phương pháp của Phật hay khéo phi thường. "Dùng sức phương tiện" dạy dỗ chúng sanh khế cơ, khế lý.
Trước hết nói "thành tựu đầy đủ trí vô chướng ngại, giải thoát tri kiến", đó là Lý. Phật thuyết pháp khế lý! Lại nói"khéo biết sở hạnh của hết thảy chúng sanh": Hết thảy chúng sanh đời đời kiếp kiếp đã tạo nhân gì, thọ quả báo gì, Phật đều biết cả, vì thế, thuyết pháp bèn khế cơ. Bọn họ đến gặp Phật, nhất định đức Phật sẽ tùy theo căn tánh của mỗi người mà thuyết pháp các thứ. Ấy là khế cơ, khế lý.
Kinh văn chia làm ba phần: Phần Phát Khởi đến đây là hết. Đó là một đoạn lớn. Dưới đây là phần mở đầu phần Chánh Tông của kinh, lẽ ra [câu kế tiếp phải tách ra thành một hàng riêng]. Bản kinh hiện thời tôi bảo thầy Ngộ Quảng sao từ bản Tần Già Tạng[2]ra, rồi lại dựa theo Đại Chánh Tạng phân thành đoạn. Cách phân đoạn và chấm câu trong Đại Chánh Tạng có rất nhiều vấn đề, quý vị cứ xem kinh văn thì thấy ngay, quý vị xem kỹ thì thấy bốn chữ là một câu, cho nên đọc tụng chẳng khó.
B. CHÁNH TÔNG PHẦN
1. Có sáu mươi vị Bồ Tát nghe theo lời khuyên đến chỗ Phật, gieo mình xuống đất buồn khóc, Phật an ủi bảo họ đứng dậy, lại nói lỗi xưa: ác nghiệp phỉ báng pháp sư, thọ nhiều nỗi khổ, về sau cũng sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc
Chánh kinh:
Thị thời, ngũ bách chúng trung, hữu lục thập Bồ Tát dữ Di Lặc Bồ Tát vãng nghệ Phật sở, ngũ thể đầu địa, đảnh lễ Phật túc, bi cảm lưu lệ, bất năng tự khởi. Di Lặc Bồ Tát tu kính dĩ tất, thoái tọa nhất diện.
是時。五百眾中。有六十菩薩。與彌勒菩薩。往詣佛所。五體投地。頂禮佛足。悲感流淚。不能自起。彌勒菩薩。修敬已畢。退坐一面。
(Lúc ấy, trong số năm trăm người có sáu mươi vị Bồ Tát cùng Di Lặc Bồ Tát đi đến chỗ Phật, năm vóc gieo xuống đất, đảnh lễ dưới chân Phật, bi cảm ứa lệ, chẳng thể tự đứng lên. Di Lặc Bồ Tát kính lễ xong xuôi, lui ra ngồi một phía).
Đương thời, trong hội có năm trăm vị Bồ Tát, trong năm trăm người chỉ có sáu mươi vị nghe lời Di Lặc Bồ Tát, theo Di Lặc Bồ Tát đi gặp Thích Ca Mâu Ni Phật. Những vị Bồ Tát vừa thuật lỗi mình ấy đều là đại quyền thị hiện. Di Lặc Bồ Tát đem những vị ấy đến trước đức Thế Tôn, sau khi hành lễ hoàn tất, bèn lui ra ngồi.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát ngôn:
- Chư thiện nam tử! Nhữ đẳng ưng khởi, vật phục bi hiều, sanh đại nhiệt não.
爾時。佛告諸菩薩言。善男子。汝等應起。勿復悲號。生大熱惱。
(Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các Bồ Tát rằng:
- Các thiện nam tử! Các ông hãy đứng lên, đừng có buồn khóc, sanh nhiệt não lớn)
Sau khi chí tâm lễ kính, Di Lặc Bồ Tát ngồi lui qua một bên, sáu mươi Bồ Tát ấy quỳ mọp dưới đất chẳng đứng lên, sám hối như vậy rất khó ai hơn! Vì thế, đức Phật thấy tình trạng họ như thế bèn an ủi họ, bảo bọn họ chớ nên bi thương, cũng đừng nên buồn khổ.
Ở đây, có một điểm thường thức (kiến thức thông thường), nhân tiện tôi nói cho quý vị biết luôn. Nếu như trong phần Chánh Tông bắt đầu bằng câu"Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát..." thì trong tựa kinh có thể thêm chữ "Phật thuyết" thành ra [tựa đề kinh này là]"Phật thuyết Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh"; cũng như nếu câu thứ nhất của phần Chánh Tông là 'Phật nói' thì thông thường trên tựa đề kinh sẽ để thêm từ ngữ "Phật thuyết".Nếu câu thứ nhất chẳng phải là "Phật thuyết" thì tựa đề chẳng thêm chữ"Phật thuyết". Do vậy, quả thật ở đây phần Chánh Tông bắt đầu bằng "Nhĩ thời, ngũ bách chúng trung hữu thập lục Bồ Tát" nên [tựa đề kinh] không ghi thêm chữ "Phật thuyết". Đây là một điểm thường thức, từ rày các vị xem kinh điển, sẽ thấy có kinh thì đề Phật thuyết, có kinh chẳng đề. [Do thấy] tựa kinh không thêm chữ "Phật Thuyết" bèn cật vấn [kinh này] không phải là do Phật nói hay sao? Vẫn là do Phật nói, [nhưng tựa đề một bản kinh] có thêm chữ "Phật thuyết" hay không là do câu thứ nhất của phần Chánh Tông có hay không có chữ "Phật thuyết".
Phần khai thị của Phật trong đoạn sau đây hết sức trọng yếu, chúng ta phải nên cảnh tỉnh, kinh sợ.
Chánh kinh:
Nhữ ư vãng tích, tạo tác ác nghiệp.
汝於往昔。造作惡業。
(Ông trong xưa kia, gây tạo nghiệp ác)
Câu này là lời nói chung: Trong đời quá khứ, các vị tạo ác nghiệp rất nặng.Ác nghiệp gì vậy?
Chánh kinh:
Ư chư chúng sanh, dĩ sướng duyệt tâm.
於諸眾生。以暢悅心。
(Đối với các chúng sanh, dùng lòng vui sướng).
"Sướng duyệt tâm" là rất thống khoái, rất sung sướng. Làm chuyện gì vậy?
Chánh kinh:
Sân mạ hủy nhục, chướng não tổn hại.
瞋罵毀辱。障惱損害。
(Giận chửi, hủy nhục, gây chướng ngại, phiền não, tổn hại).
Làm đến tám việc. Đối với chúng sanh, bọn họ chửi người, chửi bới người khác thật khoái trá, gây tạo ác nghiệp như thế đó!
Chánh kinh:
Tùy tự phân biệt.
随自分别。
(Theo ý mình phân biệt).
Chấp theo tri kiến phân biệt của chính mình, nói theo cách bây giờ là "làm việc theo cảm tình, làm chuyện càn bướng, chẳng đếm xỉa đạo lý!"
Chánh kinh:
Bất năng liễu tri nghiệp báo sai biệt.
不能了知。業報差別。
(Chẳng thể biết rõ nghiệp báo sai khác)
Lúc tạo những ác nghiệp ấy, bọn họ chẳng biết những nghiệp ấy ắt có quả báo.
Chánh kinh:
Thị cố nhữ đẳng kim vị nghiệp chướng chi sở triền phú.
是故汝等。今為業障之所纏覆。
(Vì thế, các ông nay bị nghiệp chướng ràng buộc, che ngăn)
Hiện tại dù bọn họ nghe Phật giảng kinh thuyết pháp nhưng chẳng hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Đó là vì bị nghiệp chướng buộc ràng, che lấp.
Chánh kinh:
Ư chư thiện pháp, bất năng tu hành.
於諸善法。不能修行。
(Đối với các thiện pháp, chẳng thể tu hành).
Rất dễ tạo tác ác pháp, rất khó tu hành thiện pháp, những điều này đều là tình cảnh nghiệp chướng sâu nặng vậy!
Chánh kinh:
Thời chư Bồ Tát văn thị ngữ dĩ, tùng địa nhi khởi, thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính, nhi bạch Phật ngôn: "Thiện tai Thế Tôn! Nguyện vị ngã đẳng thuyết thử nghiệp chướng. Ngã đẳng tri tội, đương tự điều phục, ngã tùng kim nhật, cánh bất cảm tác".
時諸菩薩。聞是語已。從地而起。偏袒右肩。右膝著地。合掌恭敬。而白佛言。善哉世尊。願為我等。說此業障。我等知罪。當自調伏。我從今日。更不敢作。
(Khi ấy, các Bồ Tát nghe lời ấy xong, từ dưới đất đứng lên, trật áo vai phải, gối phải đặt sát đất, chắp tay cung kính, bèn bạch Phật rằng: "Lành thay, thưa Thế Tôn! Xin vì chúng con nóinghiệp chướng ấy. Chúng con biết tội sẽ tự điều phục, con từ hôm nay chẳng dám làm nữa!")
Những điều nói trong đoạn này thật là hết sức khó có, hy hữu! Chịu sửa lỗi, chịu đổi mới, người như vậy sẽ có thể cứu được. Có xấu hổ, có thẹn thùng, cầu Phật chỉ dạy rành rẽ những ác nghiệp do chính mình đã tạo trong quá khứ khiến ngày nay gặp phải những chướng nạn như thế. Biết tội lỗi ấy, bọn họ còn có thể sửa lỗi đổi mới, giống như trong kinh Vô Lượng Thọ nói "tẩy tâm dịch hạnh" (rửa lòng đổi hạnh), từ nay trở đi chẳng dám tái phạm.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Phật cáo chư Bồ Tát ngôn:
爾時。佛告諸菩薩言。
(Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các Bồ Tát rằng)
Phật giảng cho sáu mươi vị Bồ Tát nghe.
Chánh kinh:
Thiện nam tử! Nhữ tằng vãng tích, ư Câu Lưu Tôn Phật Như Lai pháp trung, xuất gia vi đạo.
善男子。汝曾往昔。於俱留孫佛。如來法中。出家為道。
(Thiện nam tử! Các ông từng trong xưa kia, ở trong pháp của đức Câu Lưu Tôn Phật Như Lai, xuất gia tu đạo)
Thời gian ấy rất lâu. Câu Lưu Tôn Phật là vị Phật thứ nhất của Hiền kiếp; Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư.Thời gian ấy rất dài lâu. Trong thời Câu Lưu Tôn Phật, bọn họ xuất gia, tu hành. Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) là tiếng Phạn, dịch nghĩa sang tiếng Trung Quốc là Sở Ưng Đoạn (cái đáng nên đoạn). Phiền não là cái đáng nên đoạn, vô minh là cái đáng nên đoạn, những gì đáng nên đoạn Ngài đều đoạn sạch, ý nghĩa của danh hiệu Ngài là vậy.
Chánh kinh:
Tự thị đa văn, tu trì tịnh giới.
自恃多聞。修持淨戒。
(Tự cậy đa văn, tu trì tịnh giới)
Có thể thấy là hạng người này rất thông minh và rất có trí huệ, nghe kinh rất nhiều. Bọn họ cậy mình đã nghe nhiều kinh, lại tự cho là mình giới luật rất thanh tịnh. Như vậy là cũng khá, tu hành cũng tốt đẹp, nghiệp chướng là do đâu? Phần kế tiếp nói:
Chánh kinh:
Thường hoài kiêu mạn, ngạo dật chi tâm.
常懷憍慢。傲逸之心。
(Thường ôm lòng kiêu mạn, ngạo nghễ, phóng dật).
Bệnh phát từ đây. Đối với người tỏ vẻ kiêu ngạo, nói theo ngôn ngữ bây giờ là "đáng nên kiêu ngạo!". Bệnh của những vị Bồ Tát ấy là ở chỗ này. Các vị xem: Họ đa văn, đa văn vốn là rất tốt, đáng nên kiêu ngạo. Giới luật thanh tịnh cũng rất hay, đáng nên kiêu ngạo! Đáng nên kiêu ngạo là xong rồi! Bây giờ quý vị có một chút sở trường nào, người khác chẳng bằng được mình, quý vị có thấy đáng nên kiêu ngạo hay không? Nếu như quý vị cũng thấy đáng nên kiêu ngạo thì hãy nhớ kỹ đoạn kinh văn này để coi quý vị có còn nên kiêu ngạo hay là không? "Mạn" là ngạo mạn, "dật" là phóng dật (buông lung), tức là rất tùy tiện.
Chánh kinh:
Hựu hành đầu-đà, thiểu dục tri túc.
又行頭陀。少欲知足。
(Lại hành đầu đà, ít muốn, biết đủ).
Điều này lại càng khó được! Đầu-đà là khổ hạnh, lúc bọn họ tu hành đã từng tu khổ hạnh. "Thiểu dục tri túc"hết sức khó được!
Chánh kinh:
Ư thị công đức, phục sanh chấp trước.
於是功德。復生執著。
(Với công đức này, lại sanh chấp trước).
Bệnh họ nổi lên rồi: Chấp tướng! Chấp tướng cũng là vướng phải kiêu ngạo: Người khác tu hành đều chẳng bằng họ, bọn họ được những tín đồ tại gia cung kính, cúng dường. Ý nghĩa đoạn này rất sâu, rất rộng, quý vị phải rất lắng lòng, rất chú tâm thấu hiểu, chẳng nên đọc sơ sài lướt qua đoạn kinh này. Đoạn dưới, đức Phật nói cụ thể về sự tướng gây tạo ác nghiệp.
Chánh kinh:
Nhĩ thời hữu nhị thuyết pháp tỳ kheo.
爾時。有二說法比丘。
(Lúc bấy giờ có hai vị tỳ-kheo thuyết pháp).
Có hai vị xuất gia, đại khái là thường giảng kinh thuyết pháp ở bên ngoài.Giảng kinh thuyết pháp đương nhiên thính chúng đông, cúng dường cũng nhiều.
Chánh kinh:
Đa chư thân hữu, danh văn, lợi dưỡng.
多諸親友。名聞利養。
(Có nhiều bè bạn, tiếng tăm, lợi lộc).
Pháp sư thuyết pháp nhất định được như vậy, nhất định có hiện tượng như thế.
Chánh kinh:
Nhữ ư thị nhân dĩ xan tật tâm.
汝於是人。以慳嫉心 。
(Với hai người ấy, các ông do lòng ghen ghét)
Họ ghen ghét hai vị pháp sư giảng kinh, thuyết pháp.
Chánh kinh:
Vọng ngôn phỉ báng.
妄言誹謗。
(Bịa đặt phỉ báng).
Các ông muốn phá hoại, ghen ghét họ. Để phá hoại họ thì phỉ báng bằng cách nào? Đồn đãi, đặt chuyện, nói hai tỳ kheo ấy là:
Chánh kinh:
Hành dâm dục sự. Thị thời pháp sư thân hữu quyến thuộc, do nhữ ly gián, thuyết kỳ trọng quá, giai linh nghi hoặc, bất sanh tín thọ.
行淫欲事。是時法師。親友眷屬。由汝離間。說其重過。皆令疑惑。不生信受。
(Làm chuyện dâm dục. Khi ấy, thân hữu, quyến thuộc của pháp sư do các ông ly gián, nói họ phạm lỗi nặng nên đều ngờ vực, chẳng sanh lòng tin nhận [pháp của hai pháp sư ấy giảng nữa])
Đấy là phá hoại tín tâm của thính chúng đối với pháp sư giảng kinh thuyết pháp, khiến cho đại chúng chẳng còn tin tưởng vị pháp sư ấy nữa.
Chánh kinh:
Bỉ chư chúng sanh, ư thị pháp sư vô tùy thuận tâm, đoạn chư thiện căn.
彼諸眾生。於是法師。無隨順心。斷諸善根。
(Các chúng sanh ấy đối với pháp sư đó không có tâm tùy thuận, dứt các thiện căn)
Cần phải hiểu là đối với hết thảy pháp, công đức nghe pháp không có gì có thể sánh bằng; bởi lẽ, nghe pháp phát sanh trí huệ. Đặc biệt là tâm cung kính. Trong kinh Phật thường dạy, cổ đức cũng thường nói. Ấn Quang đại sư nói rất hay: "Một phần cung kính được một phần lợi ích; mười phần cung kính được mười phần lợi ích". Nếu lòng cung kính bị phá hoại toàn bộ, bất cứ công đức nào cũng chẳng thể đạt được.Đó gọi là gì? Đoạn pháp thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh. Bọn họ tạo tội nghiệp như thế này: Tung tin đồn, đặt chuyện phá hoại đạo tràng.
Chánh kinh:
Thị cố nhữ đẳng do tư ác nghiệp.
是故汝等。由斯惡業。
(Vì thế các ông do ác nghiệp ấy).
Do tạo ác nghiệp ấy, các ông đã từng...
Chánh kinh:
Ư lục thập bách thiên tuế trung, sanh A Tỳ địa ngục.
於六十百千歲中。生阿鼻地獄。
(Trong sáu mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục A Tỳ).
"Lục thập bách thiên tuế" là sáu trăm vạn. Tạo tội nghiệp đó, bọn họ đã phải sống trong địa ngục A Tỳ sáu trăm vạn năm. Sáu trăm vạn năm là chỉ thời gian trong loài người, tínhtheo thời gian của chúng ta. Các vị xem: Tạo tội rất dễ dàng, đã từng sống trong địa ngục A Tỳ sáu trăm vạn năm.Các vị đọc trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện có giải thích tường tận về địa ngục A Tỳ. Trong kinh Lăng Nghiêm cũng nói rất tường tận.
Chánh kinh:
Dư nghiệp vị tận.
余業未盡。
(Nghiệp thừa chưa hết).
Vẫn còn thừa tội: Trọng tội đã trả rồi, trả xong vẫn còn dư tội. Lúc đó, chuyển sang một địa ngục nhẹ hơn.
Chánh kinh:
Phục ư tứ thập bách thiên tuế trung, sanh Đẳng Hoạt địa ngục.
復於四十百千歲中。生等活地獄。
(Lại trong bốn mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Đẳng Hoạt).
"Tứ thập bách thiên" là bốn trăm vạn. Lại trải qua bốn trăm vạn năm trong Đẳng Hoạt địa ngục. Đẳng Hoạt là một trong tám đại địa ngục, tức là trong tám địa ngục nóng, địa ngục thứ nhất là Đẳng Hoạt.
Chánh kinh:
Dư nghiệp vị tận.
余業未盡。
(Nghiệp thừa chưa hết).
Đến đây nghiệp thừa vẫn còn.
Chánh kinh:
Phục ư nhị thập bách thiên tuế trung, sanh Hắc Thằng địa ngục.
復於二十百千歲中。生黑繩地獄。
(Lại trong hai mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Hắc Thằng).
Phía dưới Đẳng Hoạt là Hắc Thằng. Địa ngục này thọ tội so với địa ngục trên nhẹ hơn một chút, nhưng vẫn thuộc trong tám đại địa ngục.
Chánh kinh:
Phục ư lục thập bách thiên tuế trung, sanh Thiêu Nhiệt địa ngục.
復於六十百千歲中。生燒熱地獄。
(Lại trong sáu mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Thiêu Nhiệt).
Địa ngục Thiêu Nhiệt là địa ngục thứ sáu trong tám đại địa ngục. Địa ngục thứ bảy tôi không nói chi tiết, trong Phật Học Đại Từ Điển, kinh Địa Tạng, kinh Lăng Nghiêm, sách Pháp Uyển Châu Lâm đều có nói, tài liệu tham khảo rất nhiều. Thọ báo trong các địa ngục lớn nhỏ kể trên, tính theo thời gian trong nhân gian tổng cộng là một ngàn tám trăm vạn năm. Đấy là tạo tội rất dễ dàng, thọ khổ thật dài lâu, có mấy ai biết hay chăng?
Chánh kinh:
Tùng bỉ một dĩ, hoàn đắc vi nhân.
從彼歿已。還得為人。
(Từ đó chết đi, lại được làm người).
Từ địa ngục thoát ra, lại được làm thân người. Được thân người như thế nào?
Chánh kinh:
Ngũ bách thế trung, sanh manh vô mục.
五百世中。生盲無目。
(Trong năm trăm đời, mù từ lúc vừa sanh, không có mắt).
Tức là mới vừa sanh ra mắt đã mù, cả năm trăm đời! Đó là dư báo.
Chánh kinh:
Dĩ tàn nghiệp cố!
以殘業故。
(Do tàn nghiệp vậy)
Đương nhiên người như vậy cuộc sống nhất định rất khốn khổ.
Chánh kinh:
Tại tại sở sanh, thường đa mông độn.
在在所生。常多蒙鈍。
(Sanh ở chỗ nào cũng thường hay tối tăm, chậm lụt).
"Độn" (鈍) là căn tánh chẳng lanh lợi."Mông" (蒙) là mờ mờ, mịt mịt, chẳng có trí huệ.
Chánh kinh:
Vong thất chánh niệm, chướng phú thiện căn, phước đức vi thiểu, hình dung xú khuyết, nhân bất hỷ kiến, phỉ báng khinh tiện, hý lộng khi hiềm, thường sanh biên địa.
忘失正念。障覆善根。福德微少。形容醜缺。人不喜見。誹謗輕賤。戲弄欺嫌。常生邊地。
(Quên mất chánh niệm, che ngăn thiện căn, phước đức ít ỏi, hình dáng xấu xa, thiếu sứt, người khác chẳng ưa trông thấy, phỉ báng, khinh dễ, chọc ghẹo, coi thường, ghét bỏ, thường sanh nơi biên địa).
Đấy là quả báo họ phải gánh chịu.Trong quá khứ họ từng chọc ghẹo người khác, nay được làm thân người bèn thuộc địa vị hèn hạ, cũng bị người khác phỉ báng, khinh rẻ, chọc ghẹo, khinh thường. "Thường sanh biên địa": Biên địa là nơi văn hóa hết sức lạc hậu; nói theo ngôn ngữ hiện tại, [biên địa] là nơi không có giáo dục, sống ở những nơi ấy không có cơ hội được hưởng sự giáo dục.
Chánh kinh:
Bần cùng hạ liệt, táng thất tài bảo, tư sanh gian nan, bất vị chúng nhân tôn trọng kính ái.
貧窮下劣。喪失財寶。資生艱難。不為眾人。尊重敬愛。
(Nghèo túng, kém hèn, của cải tan mất, cuộc sống khốn khó, chẳng được mọi người tôn trọng, yêu kính).
Trong năm trăm đời tuy được thân người, nhưng chẳng qua chỉ là những năm tháng gian khổ.
Chánh kinh:
Tùng thử một dĩ, ư hậu mạt thế,ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, hoàn ư biên địa, hạ liệt gia sanh.
從此歿已。於后末世。五百歲中。法欲滅時。還於邊地。下劣家生。
(Từ đấy chết đi, vào đời Mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, vẫn sanh trong nhà hèn kém ở nơi biên địa).
Lúc bọn họ lại được làm người nhằm thời kỳ giống như thời Mạt Pháp hiện tại của chúng ta. "Mạt thế ngũ bách niên" là năm trăm năm đầu tiên trong thời kỳ Mạt Pháp. Cũng trong năm trăm năm thường được kinh điển nói tới, trong thời gian ấy, họ vẫn sanh ở nơi biên địa, chẳng có Phật pháp. Do trong quá khứ báng pháp, nên chẳng có cơ hội nghe Phật pháp.
Chánh kinh:
Quỹ phạp cơ đống, vị nhân phỉ báng, vong thất chánh niệm, bất tu thiện pháp. Thiết ư tu hành, đa chưlưu nạn. Tuy tạm phát khởi trí huệ quang minh, dĩ nghiệp chướng cố, tầm phục hoàn một.
匱乏飢凍。為人誹謗。忘失正念。不修善法。設於修行。多諸留難。雖暫發起。智慧光明。以業障故。尋復還沒。
(Túng thiếu, đói rét, bị người khác phỉ báng, quên mất chánh niệm, chẳng tu pháp lành. Cho dù tu hành, gặp nhiều tai nạn. Dù trí huệ quang minh có tạm phát khởi, nhưng vì nghiệp chướng, bèn lại mất ngay)
Đây là nghiệp chướng sâu nặng, dù trí huệ vừa mới xuất hiện một chút, liền lập tức lại mê mờ, quên mất, hoặc là bị người khác gây chướng ngại.Chướng duyên rất nhiều!
Chánh kinh:
Nhữ đẳng tùng bỉ ngũ bách tuế hậu, thị chư nghiệp chướng nhĩ nãi tiêu diệt.
汝等從彼五百歲后。是諸業障。爾乃消滅。
(Các ông sau năm trăm năm ấy, các nghiệp chướng đó mới bèn tiêu diệt).
Có hiện tượng này là do họ thật sự giữ được sự giác ngộ. Do vì giác mà chẳng mê, chánh chứ không tà, tịnh chẳng còn nhiễm, nghiệp chướng của họ tiêu diệt. Sau khi tiêu diệt, lại y giáo tu hành, thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mới hòng thoát khỏi tam giới, mới hòng liễu sanh tử vĩnh viễn thoát luân hồi!
Chánh kinh:
Ư hậu đắc sanh A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới. Thị thời bỉ Phật đương vị nhữ đẳng thọ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ký.
於后得生。阿彌陀佛。極樂世界。是時彼佛。當為汝等。授阿耨多羅三藐三菩提記。
(Sau đấy được sanh về thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Lúc đó, đức Phật ấy sẽ thọ ký quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho các ông).
Câu này nói về sự thành tựu khi đã sanh về thế giới Cực Lạc.
2. Khi ấy các Bồ Tát liền phát mười ba hoằng thệ, Phật tán thán ấn khả
Chánh kinh:
Nhĩ thời, chư Bồ Tát đẳng văn Phật sở thuyết, cử thân mao thụ, thâm sanh ưu hối, tiện tự vấn lệ, tiền bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Ngã kim phát lộ, hối kỳ quá cữu. Ngã đẳng thường ư Bồ Tát thừa nhân khinh mạn tật nhuế, cập dư nghiệp chướng. Kim ư Phật tiền, như tội sám hối, ngã đẳng kim nhật, ư Thế Tôn tiền, phát hoằng thệ nguyện.
爾時。諸菩薩等。聞佛所說。舉身毛豎。深生憂悔。便自抆淚。前白佛言。世尊。我今發露。悔其過咎。我等常於。菩薩乘人。輕慢嫉恚。及余業障。今於佛前。如罪懺悔。我等今日。於世尊前。發弘誓願。
(Lúc bấy giờ, các vị Bồ Tát nghe lời Phật dạy, lông trên toàn thân dựng cả lên, sanh lòng buồn tủi, hối hận sâu xa, liền lau nước mắt, bạch trước Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Con nay bày tỏ, hối tội lỗi xưa. Chúng con thường đối với người hành hạnh Bồ Tát khinh mạn, ghét ganh, giận dữ, và [gây tạo] các nghiệp chướng khác. Nay đối trước Phật, đúng như tội mà sám hối, từ ngày hôm nay chúng con đối trước đức Phật phát lời thề rộng lớn)
Như trong phần trên đã nói: Các vị Bồ Tát ngu si, nghiệp chướng sâu nặng ấy đã hữu ý hay vô ý gây tạo các thứ ác nghiệp. Thời gian họ tạo ác nghiệp tuy không lâu nhưng quả báo thật là kinh khủng quá! Trong kinh điển, ta thấy rất nhiều những lời chỉ dạy giống như ở đây, cớ sao người học Phật vẫn cứ y như cũ chẳng biết kinh sợ, thức tỉnh, vẫn cứ hủy phạm? Trong kinh này, đức Phật đã giảng tường tận sự việc này cho chúng ta, ta phải chú tâm quán sát: Gây tạo ác nghiệp tựa hồ chẳng nghiêm trọng, vì sao quả báo lại nặng nề đến thế? Nếu chẳng thể thấu triệt hiểu rõ sự lý của việc này sẽ chẳng thể khiến chúng ta đoạn nghi sanh tín.
Chúng ta xem trong đoạn kinh văn trên đây, các vị Bồ Tát ấy nghe đức Phật nói xong, "lông trên toàn thân dựng đứng lên"; chúng ta thường nói là nghe xong "lạnh rởn da gà". Hôm nay chúng ta nghe [lời Phật dạy] xong tình hình có giống như vậy hay không? Không cảm thấy gì hết! Không cảm thấy gì hết thì gọi là chai lì, bất nhân.Chúng ta vẫn gây tạo những tội nghiệp ấy. Vì vậy, ta biết là: Tuy bảo sáu mươi vị Bồ Tát đó nghiệp chướng nặng nề, nhưng so với chúng ta, họ còn nhẹ hơn rất nhiều! Họ nghe xong liền có cảm xúc như thế, chúng ta nghe xong dửng dưng, bọn họ còn có cách cứu, chứ chúng ta hết cách cứu rồi!
Ở phần trước, đức Phật đã nói việc "kết tội" rất rõ ràng, chẳng phải chỉ kết tội với một người! Vì người gây tạo tội nghiệp do ghen ghét, nóng giận, nên mới ác ý phỉ báng, đồn rao đặt chuyện, phá hoại đạo tràng, phá hoại tín tâm của đại chúng. Nhà Phật thường nói:"Giết mạng người tội còn nhẹ". Quý vị giết người là giết một người, giết một trăm người, cho đến giết một vạn người, một ngàn vạn người, tội nghiệp ấy vẫn chưa nặng lắm. Chứ cái tội đoạn Pháp Thân Huệ Mạng của một người rất nặng!
Vì sao vậy? Nếu như người ấy có cơ hội ngay trong đời này được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, một người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, người ấy sẽ làm Phật, làm Bồ Tát. Quý vị phải biết là người ấy làm Phật, làm Bồ Tát sẽ độ không ít chúng sanh trong hư không pháp giới, chẳng phải chỉ ngàn vạn, ức vạn đâu nhé! Vì thế, nếu quý vị chướng ngại Pháp Thân Huệ Mạng của một người, so với cái tội giết một ngàn người, một vạn người chẳng biết là nặng hơn đến mức như thế nào. Điều này rất khó thể lãnh hội! Phải nên quán sát tư duy cẩn thận mới hòng lãnh hội được đôi phần.
Cổ nhân thường nói: "Người không phải là hiền thánh, ai không lầm lỗi?"Dù pháp sư có lầm lỗi thì ông ta là người phàm, chưa phải là thánh nhân, huống hồ là pháp sư thật sự có lỗi lầm hay là ông ta cố ý thị hiện như thế, ta đâu có biết? Phàm phu chúng ta đâu thể hiểu rõ!
Xưa kia, Thiên Thai Trí Giả đại sư đã nói rất hay, Ngài từng bảo: "Người làm pháp sư, người giảng kinh thuyết pháp, nói được nhưng chưa thể làm được, là quốc sư". Ông ta nói được, nói rồi thì sao? Chính ông ta làm chưa được; dạy mọi người đoạn tham, sân, si, nhưng ông ta chưa đoạn tham, sân, si. Ta có nên tôn kính ông ta hay chăng? Phải tôn kính! Ông ta là quốc sư, là thầy của mọi người trong một nước. Vì lời dạy của ông ta đích thực là chánh pháp, lời dạy không sai lầm, chẳng phải là tà pháp. Nếu như chúng ta chịu học hỏi lời dạy ấy, chắc chắn được lợi ích. Đấy là: "Thanh xuất ư lam, nhi thắng ư lam" (Màu xanh phát xuất từ màu lam, nhưng trội hơn hẳn màu lam). Học sinh thành tựu vượt hẳn ông thầy, chỉ cần lời ông ta dạy không phải là tà pháp thì ổng là quốc sư vậy.
"Nói được và làm được thì là quốc bảo": Quốc bảo ít, quốc sư nhiều. Cho nên [pháp sư nào ta cũng] đều phải tôn trọng, đừng thấy có chút tỳ vết bèn chẳng chấp nhận những lời dạy của ông ta. Ấy là đoạn Pháp Thân huệ mạng của chúng sanh, cho nên mới gặp phải quả báo tàn khốc. Kinh nói hạng người như thế đọa địa ngục, từ địa ngục A Tỳ, Đẳng Hoạt cho đến Thiêu Nhiệt, tính theo thời gian trong cõi người là một ngàn tám trăm vạn năm, nhưng thật ra, bọn họ chịu khổ, cảm thấy đúng là vô lượng kiếp, như ngạn ngữ nói là "sống một ngày dài như cả năm". Vì thế họ cảm nhận thời gian trong địa ngục so với thời gian thật sự chẳng biết nhiều gấp bao nhiêu lần.
Thời pháp là pháp bất định, mỗi cá nhân cảm nhận khác nhau, có người cảm thấy một năm khác nào vài ngày; trôi qua rất nhanh! Có người đang trong lúc khổ sở, hoạn nạn, thấy một năm dài dằng dặc. Phật dạy Thời chẳng phải là pháp bất định, hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp cảm của từng cá nhân. Tính ra, thiện căn của các Bồ Tát ấy sâu dày, nghe Phật dạy qua nhân quả báo ứng, toàn thân bèn rởn ốc.
"Thâm sanh ưu hối" là sanh tâm hổ thẹn.
"Tiện tự vấn lệ, tiền bạch Phật ngôn: - Thế Tôn! Ngã kim phát lộ, hối kỳ quá cữu": "Vấn lệ": Trước kia, quá nửa người ta dùng tay áo lau nước mắt.Bọn họ đối trước Phật phát lộ sám hối."Lộ" là những tội nghiệp đã tạo trong quá khứ, hiện tại, chẳng giấu diếm mảy may, đều nói ra hết. Điều khẩn yếu nhất trong sự sám hối là từ nay trở đi, chẳng còn làm những việc lầm lạc như vậy nữa, thật sự triệt để sửa lỗi đổi mới. Sám hối như vậy mới có công dụng. Quyết định chẳng làm điều lầm lỗi, đối trước đức Phật khẩn cầu sám hối. Nếu ngày mai vẫn làm như cũ, rồi lại sám hối thì chẳng có ích gì hết, tội lại càng thêm nặng; khác chi ngày ngày khinh dối Phật, Bồ Tát, đối trước Phật, Bồ Tát vọng ngữ. Vì thế, sám hối tối khẩn yếu là "về sau chẳng làm nữa". Họ thật sự thực hiện, chúng ta hãy nghe họ nói.
"Ngã đẳng thường ư Bồ Tát thừa nhân": "Bồ Tát thừa nhân" là người hoằng pháp lợi sanh, trong đó có Bồ Tát xuất gia và Bồ Tát tại gia. Chẳng cần biết là xuất gia hay tại gia, người hoằng dương chánh pháp đều gọi là"Bồ Tát thừa nhân", còn gọi là Đại Thừa Bồ Tát.
"Khinh mạn tật nhuế, cập dư nghiệp chướng": Khinh (輕) là coi rẻ, xem thường. Mạn (慢) là ngạo mạn. Tật (嫉) là ghen ghét. Nhuế (恚) là nóng giận.Tật và Nhuế là giữ trong tâm, Khinh và Mạn là biểu hiện ra ngoài. Trong lòng ganh ghét, giận dữ, biểu hiện ra ngoài thành khinh rẻ, láo xược, và các nghiệp chướng khác.
"Kim ư Phật tiền, như tội sám hối": Tội lỗi đã tạo trong quá khứ, nay đối trước Phật phát lộ sám hối. Sám hối như thế nào? Sửa lỗi, đổi mới. Tiếptheo, các vị phát ra mười ba điều đại nguyện, đấy là "sửa lỗi" một cách cụ thể. Xin hãy xem kinh văn, chúng ta phải hiểu đúng để học tập theo những điều này.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế.
世尊。我從今日。至未來際。
(Bạch Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến đời vị lai).
Câu "chí vị lai tế" này rất khẩn yếu, bởi lẽ kinh này là kinh Đại Thừa, là pháp Bồ Tát. Pháp Tiểu Thừa chỉ là"tận hình thọ" (đến hết một đời), phápĐại Thừa chẳng thể nói là "tận hình thọ", phạm vi của "tận hình thọ" quá nhỏ. "Tận vị lai tế" là đời đời kiếp kiếp ta đều tuân thủ, chứ chẳng phải chỉ một đời này! Đấy mới là chân thật sám hối, triệt để sửa lỗi.
Chánh kinh:
Nhược ư Bồ Tát thừa nhân, kiến hữu vi phạm, cử lộ kỳ quá.
若於菩薩乘人。見有違犯。舉露其過。
(Nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa, thấy họ có vi phạm mà nêu bày lỗi của họ).
Điều tôi đã làm trước đây là nếu thấy những Bồ Tát hoằng pháp lợi sanh chẳng cần biết là tại gia hay xuất gia, hễ họ phạm giới, làm điều lầm lỗi, tôi bèn "cử lộ kỳ quá" tức là phô bày lỗi lầm của họ, tuyên bố cho đại chúng biết, khiến mọi người xa lánh vị Đại Thừa Bồ Tát ấy, chẳng muốn đến nghe nhận pháp người ấy nói, chẳng muốn học hỏi với người ấy nữa. Việc làm khi trước là do tâm ganh ghét gây chướng ngại, hiện tại từ nay trở đi chẳng dám làm chuyện sai lầm nữa. Nếu vẫn làm như vậy thì....
Chánh kinh:
Ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
我等則為。欺誑如來。
(Chính là chúng con lừa dối Như Lai)
Vẫn làm những chuyện ấy thì chính là chúng con lừa dối đức Thế Tôn. Điều này được nêu đầu tiên vì đây chính là thí dụ về tạo nghiệp mà đức Thế Tôn đã nói trong phần trước. Đây là điều đầu tiên; điều này rất quan trọng. Hãy xem điều thứ hai.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế.
世尊。我從今日。至未來際。
(Bạch Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến đời vị lai).
Mười ba đại nguyện, trước mỗi một điều đều là "tùng kim nhật chí vị lai tế".
Chánh kinh:
Nhược ư Bồ Tát thừa nhân, hý lộng, cơ hiềm, khủng cụ, khinh tiện.
若於菩薩乘人。戲弄。譏嫌。恐懼。輕賤。
(Nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà bỡn cợt, chê ghét, đe đọa, khinh rẻ).
Câu này rất dễ hiểu, chúng tôi chỉ nói đôi chút. "Khủng cụ": Ta thường nói là uy hiếp, lấn lướt.
Chánh kinh:
Ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
我等則為。欺誑如來。
(Tức là chúng con lừa dối Như Lai).
Trong quá khứ thường phạm cái bệnh này, hoặc hữu ý hoặc vô ý. Vô ý làm sao phạm? Vô ý là từ vô thỉ kiếp đến nay, do ác tập khí, tự mình chẳng thể khống chế được, thường phạm những lỗi ấy. Câu thứ ba là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược kiến tại gia, xuất gia Bồ Tát thừa nhân, dĩ ngũ dục lạc, du hý, hoan ngu, kiến thọ dụng thời, chung bất ư bỉ ty cầu kỳ quá.
世尊。我從今日。至未來際。若見在家。出家。菩薩乘人,以五欲樂。游戲。歡娛。見受用時。終不於彼。伺求其過。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến tận vị lai, nếu thấy người thuộc Bồ Tát thừa dù là tại gia, hay là xuất gia, lúc thấy họ dùng thú vui ngũ dục để chơi bời, vui sướng thụ hưởng, con trọn chẳng bới tìm lỗi họ).
Điều này rất khó được. "Ngũ dục"là tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ,người đời coi là sung sướng. Họ thấy Đại Thừa Bồ Tát xuất gia hay tại gia hưởng thụ ngũ dục thế gian, thú vui lục trần, trong quá khứ, nếu thấy tình hình như vậy ắt gây phiền phức, liền bới móc lỗi họ, liền trách lỗi họ, nắm lấy đó để phỉ báng họ, giày xéo họ. Từ nay trở đi hối cải, chẳng những không tạo tội nghiệp như trong quá khứ, mà trái lại còn....
Chánh kinh:
Thường sanh tín kính, khởi giáo sư tưởng.
常生信敬。起教師想。
(Thường sanh lòng tin kính, tưởng như thầy dạy).
Dẫu cho họ có hưởng thọ ngũ dục, thú vui lục trần, chúng con vẫn cứ tin tưởng họ, vẫn tôn kính họ, vẫn thờ họ làm thầy để học theo, đấy là cách sửa lỗi đổi mới cụ thể vậy.
Chánh kinh:
Nhược bất nhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
若不爾者。我等則為。欺誑如來。
(Nếu chẳng như vậy thì chính là chúng con lừa dối Như Lai)
Trong điều này, đặc biệt nêu ra xuất gia và tại gia. Người tại gia thị hiện hưởng thụ ngũ dục, du hý vui chơi nhiều, người xuất gia so ra ít hơn.Đối với những chỗ hoan lạc trong thế gian, người xuất gia ít đi đến đó, nhưng tại gia Bồ Tát có thể đến được.Vì thế, đặc biệt nêu ra xuất gia và tại gia. Chúng ta học Phật, thường thấy trong các kinh luật nói là hết thảy chúng sanh căn tánh chẳng giống nhau. Chư Phật Bồ Tát độ chúng sanh, tức là tiếp dẫn chúng sanh, cũng phải dùng vô cùng tận những thủ đoạn, phương pháp khác nhau. Ta là phàm phu mắt thịt thiếu trí huệ, nhìn chẳng ra, lắm phen ta thấy dường như có những vị không tuân thủ giới luật, phá hoại thanh quy, chứ thật ra, [họ làm vậy] để độ một loại chúng sanh nào đó.
Trong lịch sử Trung Quốc, ai nấy đều biết thời cổ xuất hiện vị Tế Công Hoạt Phật. Cận đại, đầu thời Dân Quốc, pháp sư Diệu Thiện ở chùa Kim Sơn tỉnh Giang Tô được mọi người xưng là "Kim Sơn Hoạt Phật". Hành vi của pháp sư Diệu Thiện chẳng khác Tế Công cho mấy, Ngài cũng thị hiện khùng khùng điên điên. Cảnh giới của các Ngài chẳng thể nghĩ bàn, bọn người bình thường ta trọn chẳng thể tưởng tượng, chẳng thể suy lường được! Những người như vậy chúng ta nhất định phải tôn kính, nhất định phải tin sâu chẳng nghi. Quán sát kỹ ngôn hạnh của họ đều là Chánh Pháp, đều là dạy dỗ người khác liễu sanh thoát tử, thoát tam giới, chẳng hề chống trái với kinh giáo của Phật, chỉlà thủ đoạn của các Ngài chẳng tương đồng. Điều thứ tư là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân, xan thân hữu gia, cập chư lợi dưỡng, não bỉ thân tâm, linh kỳ bức bách, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。慳親友家。及諸利養。惱彼身心。令其逼迫。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến tận vị lai, nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà xẻn tiếc kẻ thân hữu và các lợi dưỡng, não loạn thân tâm họ, bức bách họ, tức là chúng con lừa dối Như Lai).
Đoạn này ý nói: Những vị đại đức hoằng pháp (chữ "Bồ Tát thừa nhân"bao gồm tại gia, xuất gia) nhất định có rất nhiều người tôn kính, cúng dường."Thân hữu gia" là người thân cận, cúng dường, trong đó có thân thích, bạn bè của quý vị, có rất nhiều người quen biết. Quý vị thấy những người ấy cúng dường, tôn kính vị hoằng pháp, trong tâm rất khó chịu. Sự việc này có thật, chẳng giả đâu, chúng tôi cũng từng thấy qua, rõ rệt nhất là ở những vị làm cha mẹ.
Mỗi khi pháp sư đến nhà tín đồ, con cái họ là tín đồ của pháp sư, thấy pháp sư đến liền quỳ lạy, cung kính, cúng dường, cha mẹ ở bên cạnh thấy vậy rất khó chịu! Con cái chẳng thèm lễ bái mình, cũng chẳng cúng dường mình, hằng ngày còn cộc cằn đối với mình, cái gã người ngoài đó, ổng là cái thá gì mà nó ngày ngày đến quỳ lạy, tiền bạc chẳng dễ kiếm mà lại đem cúng dường cho ổng luôn, trong tâm bất phục! Vì vậy, trong lòng nghĩ cách gây chướng ngại [pháp sư].
"Não bỉ thân tâm" là khiến cho người đó sanh phiền não, bức bách kẻ đó, chuyện này rất thường thấy! Kinh này được đức Phật giảng vào ba ngàn năm trước đây, vào lúc đó còn có những chuyện như thế, huống hồ bây giờ? Nói thật ra, pháp sư dạy dỗ tín đồ thì trước hết phải dạy họ hiếu dưỡng phụ mẫu. Nếu quý vị đối với cha mẹ chẳng kính hiếu, đối với pháp sư lại kính hiếu, thì lòng hiếu kính ấy là giả, chẳng thật vậy. Lẽ đâu đối với thân nhân của mình chẳng hiếu kính, lại đi hiếu kính người chỉ có quan hệ sơ sài, xa xôi đối với mình ư? Như vậy, xéttheo Lý chẳng thông, trái nghịch luân lý. Vì thế, Phật dạy chúng ta điều thứ nhất là "hiếu dưỡng phụ mẫu", điều thứ hai là "phụng sự sư trưởng".
Đạo thầy trò kiến lập trên cơ sở hiếu đạo; pháp sư nhất định phải dạy bảo điều này. Nếu quả thật kẻ ấy ở nhà hiếu thuận cha mẹ thì khi pháp sư đến nhà kẻ ấy, cha mẹ kẻ ấy sẽ hoan hỷ.Chuyện đó, đạo lý đó chúng ta đều phải suy nghĩ kỹ, đều phải nỗ lực phản tỉnh, chẳng khiến cho chúng sanh gây tạo tội nghiệp. Điều thứ năm là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân dĩ nhất thô ngôn linh kỳ bất duyệt, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。以一粗言。令其不悅。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ nay trở đi cho đến đời vị lai, nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà dùng một câu thô lỗ khiến cho người ấy chẳng vui thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
"Thô ngôn" tức là lời lẽ thô lỗ, lời nói chẳng dễ nghe, khiến tâm người nghe khó chịu. Khẩu nghiệp này cũng rất dễ phạm. Trong việc thanh tịnh ba nghiệp, kinh Vô Lượng Thọ xác lập điều thứ nhất của cương lãnh tu hành là: "Khéo giữ khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi người khác". Trong ba điều tương đương với thân - ngữ - ý thì thân nghiệp lẽ ra đứng đầu, vì sao lại đặt ngữ nghiệp làm đầu? Nhằm chỉ rõ khẩu nghiệp dễ phạm nhất, cho nên đặt khẩu nghiệp làm điều thứ nhất.
Điều thứ sáu [trong mười ba hoằng thệ nguyện] là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân, trú dạ lục thời bất cần lễ sự, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。晝夜六時。不勤禮事。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà đêm ngày sáu thời chẳng siêng kính thờ, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Năm điều trên là những điều thường vi phạm trong quá khứ và trong đời này. Đối với Đại Thừa Bồ Tát chẳng biết cung kính, chẳng biết thừa sự, lại còn dùng những tâm tư ghen ghét, ngạo mạn để đối xử với những người thuộc Bồ Tát thừa ấy. Từ điều thứ sáu trở đi, kể từ hôm nay chẳng những các tâm tư thái độ xấu xa, hèn kém ấy phải thay đổi, mà còn phải nỗ lực siêng năng cung kính, thừa sự. Bởi thế, họ mới phát nguyện "đêm ngày sáu thời" nghĩa là tâm cung kính ấy chẳng gián đoạn, chẳng lui sụt.
Siêng năng thừa sự. "Sự" là hầu hạ.Điều thứ bảy là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, vị dục hộ trì thử hoằng thệ cố, bất tích thân mạng. Nhược bấtnhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。為欲護持。此弘誓故。不惜身命。若不爾者。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, vì muốn hộ trì hoằng thệ này cho nên chẳng tiếc thân mạng. Nếu chẳng như thế, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Phần này nói đến "hộ trì hoằng thệ", nghĩa rộng là [hộ trì] trọn mười ba điều, nghĩa hẹp là sáu điều trước.Phát thệ tôi nhất định phải làm được, chẳng những hiện tại phải làm được mà đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn sẽ làm được. "Chẳng tiếc thân mạng" là nếu gặp phải chướng ngại, dẫu có phải bỏ thân mạng cũng chẳng tiếc, tuyệt đối chẳng trái nghịch thệ nguyện của mình. Tiếp theo đây là một điều nữa:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Thanh Văn, cập Bích Chi Phật, dĩ khinh mạn tâm, vị ư bỉ đẳng bất thắng ư ngã, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於聲聞。及辟支佛。以輕慢心。謂於彼等。不勝於我。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu đối với Thanh Văn và Bích Chi Phật, do tâm khinh mạn nói họ chẳng hơn được mình, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Những điều ở phần trên là đối với Bồ Tát Đại Thừa, còn điều này là đối với Tiểu Thừa. Người tu học Đại Thừa hay khinh mạn Tiểu Thừa, thấy các pháp sư Tiểu Thừa đều hạ họ xuống một bực, coi thường họ, khinh dễ họ, như vậy là sai lầm.
Đại Thừa Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta "lễ kính chư Phật". Phạm vi của chữ"chư Phật" rộng lớn phi thường, trừ ta ra, [ai nấy] đều là chư Phật. Chư Phật bao gồm Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai. Hết thảy chúng sanh đều là Phật tương lai, há lẽ đâu chẳng cung kính! Thanh Văn, Duyên Giác cũng là vị lai Phật, tuy hiện tại tu Tiểu Thừa, tương lai nhất định sẽ hồi tiểu hướng đại. Trong kinh Phật đã dạy: Người tu Tiểu Thừa sau khi chứng được quả A La Hán, sau hai vạn kiếp sẽ hồi tiểu hướng đại, còn Bích Chi Phật thì một vạn kiếp bèn hồi tiểu hướng đại, cho nên họ đều là vị lai Phật, há nên dùng tâm khinh mạn bảo họ chẳng phải là Như Lai ư? Chữ "bỉ đẳng" chỉ những người Tiểu Thừa ấy.
"Bất thắng ư ngã" (chẳng hơn được mình) nghĩa là coi họ chẳng bằng được mình vì mình tu Đại Thừa, họ tu Tiểu Thừa. Chẳng được sanh lòng ngạo nghễ, ngã mạn như thế. Sanh tâm như vậy là sanh phiền não, tâm chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng, đã tạo thành chướng ngại nghiêm trọng cho việc tu hành của chính mình. Lại xem tiếp điều sau đây:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược bất thiện năng tồi phục kỳ thân, sanh hạ liệt tưởng như Chiên-đà-la, cập ư cẩu khuyển, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若不善能。摧伏其身。生下劣想。如旃陀羅。及於狗犬。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu chẳng thể khéo dẹp yên cái thân, sanh ý tưởng hèn kém giống Chiên-đà-la và như chó má thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Điều này rất trọng yếu mà cũng rất khó được. Phật pháp bảo căn bản phiền não, ngoài tham, sân, si là ngạo mạn. Ngạo mạn là phiền não lớn, là căn bản phiền não, thánh nhân thế gian và xuất thế gian đều thừa nhận loại phiền não này có từ lúc ta mới sanh ra. Có chúng sanh nào mà chẳng kiêu ngạo? Quý vị cứ thử xét kỹ trong cả đời mình, quý vị có thể tìm được một ý niệm chẳng kiêu ngạo hay không?
Nho học biết kiêu ngạo là xấu nên Nho gia dạy người "ngạo bất khả trưởng", tức là chẳng nên tăng trưởng ngạo mạn, nhưng không dạy ta đoạn ngạo mạn. Phật pháp dạy ta siêu việt thế gian, vì thế nhất định phải đoạn phiền não. Phiền não chẳng đoạn sẽ chẳng thể siêu thoát lục đạo luân hồi.Vì vậy, nếu quý vị muốn thoát khỏi luân hồi, cái tâm ngạo mạn này nhất định phải đoạn. Điều phát thệ này chính là phương pháp để đoạn phiền não. Nho gia dạy người ty khiêm - khiêm hư, ty hạ (khiêm tốn, nhún nhường). Ở đây, đức Phật dạy những vị ấy ấy sám hối cũng chính là nhằm dạy dỗ chúng ta.
"Thiện năng tồi phục kỳ thân" tức là dẹp yên phiền não nơi tự thân, phải"sanh hạ liệt tưởng" (sanh ý tưởng hèn kém), "hạ liệt" nghĩa là ta chẳng bằng người khác. Đối với chư Phật, Bồ Tát, đương nhiên ta chẳng bằng được; đối với Thanh Văn, Duyên Giác, ta cũng chẳng bằng. Địa vị thấp nhất trong Tiểu thừa là quả Tu Đà Hoàn (Sơ Quả), đã đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc của tam giới, ta làm sao sánh bằng! Ta một phẩm phiền não còn chưa thể đoạn nổi! Ngay cả với hết thảy những người trong thế gian, mỗi một cá nhân đều có ưu điểm, đều có chỗ vượt trội hơn ta, lẽ nào khinh mạn người khác? Vì thế ta phải thường sanh ý tưởng kém hèn để hàng phục lòng cống cao ngã mạn của ta. Tiếp đó, kinh nêu lên hai tỷ dụ:
"Chiên-đà-la": Trong xã hội Ấn Độ thời cổ, giai cấp bất bình đẳng, Chiên-đà-la là địa vị thấp hèn nhất trong bốn chủng tánh, thậm chí "giống như chó má" . Dùng phương pháp này để hàng phục tập khí phiền não cống cao, ngã mạn. Điều thứ mười là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược tự tán thán, ư tha hủy thư, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若自贊嘆。於他毀呰。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu khen ngợi mình, chê bai người khác, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Đây là chứng bệnh chúng ta thường phạm: Tự khen mình, chê người. Học Phật cũng chẳng phải là ngoại lệ. Hiện tại chúng ta học pháp môn Tịnh Độ, biết là pháp môn Tịnh Độ thù thắng bậc nhất, các pháp môn khác chẳng sánh bằng. Nói như vậy là phạm vào lỗi "khen mình, chê người".Tuy lời lẽ ấy, trong kinh điển ta thấy có lúc Phật cũng nói, tổ sư đại đức cũng thường giảng, nhưng các Ngài có ý riêng: Nhằm khuyến khích, cổ võ những người cùng tu pháp môn này, chứ chẳng phải là lời nói quyết định đối với bên ngoài, đặc biệt là ở những đạo tràng thuộc tông phái hay pháp môn khác biệt, càng chẳng nên nói.
Bởi lẽ, chúng sanh căn tánh bất đồng, bọn họ là căn tánh học Thiền, họ tham Thiền cũng được thành tựu, họ niệm Phật chẳng thành tựu. Giống như bệnh nhân, mỗi người mắc bệnh mỗi khác, cho nên dùng thuốc khác nhau, chỉ cần họ uống thuốc nào bèn lành bệnh, uống vô là hết bệnh thì thuốc ấy có lợi ích chân thật, hiệu quả chân thật. Đấy là kiến thức thông thường người học Phật chúng ta phải hiểu rõ. Chúng ta gặp người học Thiền, nhất định phải khen ngợi tham Thiền, gặp người học Giáo, nhất định phải khen ngợi học Giáo; khuyến khích họ, giúp đỡ họ thì mới là đúng. Trọn chẳng được phỉ báng, phỉ báng là sai lầm. Các vị nói Thiền chẳng tốt thì Thiền là do ThíchCa Mâu Ni Phật truyền dạy, chẳng phải là quý vị báng Phật hay sao?
Đã báng Phật ắt sẽ báng Pháp, cũng phỉ báng luôn người tham Thiền, vậy là quý vị báng Phật, báng Pháp, báng Tăng! Quý vị phỉ báng Tam Bảo, dù có niệm Phật giỏi đến đâu cũng chẳng được vãng sanh. Điều này chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ, cho thật minh bạch, trọn chẳng phạm lỗi khen mình chê người. Điều thứ mười một là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược bất bố úy, đấu tránh chi xứ, khứ bách do tuần, như tật phong xuy, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若不怖畏。鬪諍之處。去百由旬。如疾風吹。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay đến đời vị lai, nếu chẳng đi khỏi chỗ đáng sợ, chỗ tranh chấp một trăm do-tuần, như gió thổi nhanh thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Đoạn kinh này dạy chúng ta nhất định phải biết tránh khỏi chỗ tranh đấu. Phàm chỗ nào có tranh chấp, chúng ta phải tránh xa. "Trăm do-tuần" là nói tỷ dụ, chứ chẳng phải nhất định phải bỏ đi xa chừng đó, chủ yếu là ta phải tránh xa những nơi chốn ấy."Như gió thổi nhanh" nghĩa là rất nhanh, xa lìa thật nhanh.
Học Phật tối khẩn yếu là tu tâm thanh tịnh, những chốn ấy nhất định gây trở ngại cho việc tu tâm thanh tịnh. Vì thế, Phật dạy chúng ta phải xa lìa, tránh đi. Cương lãnh tu hành của Phật pháp là Giác, Chánh, Tịnh. Tông môn (Thiền) là từ cửa Giác mà vào, giác nhưng chẳng mê. Giáo là từ cửa Chánh mà vào, chánh tri chánh kiến.Tịnh Độ là từ tâm thanh tịnh mà vào, tịnh nhưng chẳng nhiễm. Tuy nói là Giác, Chánh, Tịnh, nhưng thật ra, tuy một mà ba, tuy ba mà một. Có ai giác ngộ mà tà tri, tà kiến, có ai giác ngộ mà tâm chẳng thanh tịnh; bởi thế hễ đạt một sẽ đạt cả ba. Đấy chính là"pháp môn vô lượng, khác đường nhưng cùng về một chỗ".
Kinh Kim Cang dạy: "Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp" là nhằm ý này. Hễ quý vị đạt được một thì sẽ đạt tất cả. Vì thế, chúng ta đối với các pháp môn khác nhau đều phải khen ngợi thì mới đúng đắn, chúng ta phải nhớ kỹ điều này. Trong xã hội hiện tại, có rất nhiều chỗ tranh chấp, hễ gặp những chỗ như vậy chúng ta phải biết tránh né. Người ta thì đến tận đời vị lai, còn chúng ta mong mỏi trong một đời này tự mình thật sự thực hiện"cùng người không tranh, với sự chẳng cầu", tâm quý vị bèn thanh tịnh, đạo nghiệp mới có thể thành tựu, đạo nghiệp chính là tâm thanh tịnh. Điều thứ mười hai là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư trì giới, đa văn, đầu-đà, thiểu dục tri túc, nhất thiết công đức thân tự huyễn diệu, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於持戒。多聞頭陀。少欲知足。一切功德。身自炫曜。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay đến đời vị lai, nếu với trì giới, đa văn, đầu đà, ít dục biết đủ, hết thảy công đức mà tự mình vênh váo thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Trong điều phát thệ này, nếu tự nói ra sự thành tựu của chính mình, như là trì giới (giữ giới luật rất nghiêm), hoặc là đa văn (học rộng nghe nhiều), hoặc là tu khổ hạnh, Đầu Đà là khổ hạnh, "thiểu dục tri túc, hết thảy công đức" là nói tuy quý vị tu hành thành thục, có thành tựu, dẫu có thành tựu vẫn chẳng được ngạo mạn.
"Thân tự huyễn diệu" nói theo ngôn ngữ hiện thời là "đáng nên kiêu ngạo"."Đáng nên kiêu ngạo" là xấu, tu dù có giỏi cũng chẳng nên kiêu ngạo. Vì sao chẳng nên? So với Bồ Tát, so với chưPhật Như Lai, quý vị còn thua xa lắm, có gì đáng để kiêu ngạo đâu? Những ai muốn thành Phật đều chẳng nên kiêu ngạo. Quý vị có chút thành tựu liền nghĩ là mình ghê gớm lắm, liền nghĩ mình đáng nên kiêu ngạo, vì thế quý vị chẳng thể tiến thêm nổi. Chẳng những không thể tiến bộ, trái lại ngày càng lui sụt, "chẳng tiến ắt lùi"!
Bởi thế, câu nói "đáng nên kiêu ngạo" phổ biến trong cõi đời là một câu nói tồi tệ, cái quan niệm ấy khiến nhiều người tu hành bị đổ nhào. Bởi lẽ, dù quý vị có thành tựu, hễ khởi kiêu ngạo bèn bị lôi vào trong tam ác đạo. Điều thứ mười ba là:
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế, sở tu thiện bổn bất tự căng phạt, sở hành tội nghiệp tàm quý phát lộ. Nhược bất nhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。所修善本。不自矜伐。所行罪業。慚愧發露。若不爾者。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, gốc lành đã tu chẳng dám khoe khoang, tội nghiệp trót làm hổ thẹn bày tỏ. Nếu chẳng như thế, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
Đoạn này là tổng kết, mà cũng là nói tổng quát. Hết thảy điều lành đã tu phải gìn giữ, giữ cho lâu dài, chẳng được tự hủy hoại. Gìn giữ như thế nào? Nhẫn nhục. Nhẫn nhục gìn giữ được hết thảy điều thiện.
Đối với tội nghiệp đã tạo phải hổ thẹn, phải biết phơi bày sám hối. Điều thệ nguyện này được biểu hiện trong sanh hoạt thường ngày qua khóa tụng sớm, tối. Mục đích của khóa sáng là nhắc nhở chính mình: Ngày hôm nay mình chiếu theo đúng lời Phật dạy để sống trọn một ngày, Phật dạy ta làm gì, ta phải nghiêm túc nỗ lực thực hiện, Phật bảo điều gì chẳng được làm, ngày hôm nay ta quyết định chẳng nên làm. Khóa tối là tự phản tỉnh, kiểm điểm, cả ngày hôm nay mình đối với người, đối với sự, đối với vật có điều gì chẳng tuân theo lời Phật dạy. Điều gì làm đúng thì ngày mai mình phải tiếp tục gìn giữ. Nếu có chi lầm lỗi, mình phải nhanh chóng sửa lỗi, đấy gọi là thực hành khóa tối. Thực hiện công khóa sớm tối như vậy thì có công đức, đúng là người học Phật, chân chánh tu hành.
Khóa tối, khóa sáng chẳng phải là cầm quyển kinh đọc cho Phật, Bồ Tát nghe. Phật, Bồ Tát chẳng thích nghe những điều ấy đâu nhé! Kinh do Ngài giảng, cần gì quý vị phải niệm cho Ngài nghe. Rất nhiều người hiểu lầm ý nghĩa công khóa sáng tối, cứ tưởng sáng niệm một lượt cho Phật nghe, tối lại niệm nữa. Ngày ngày đều chẳng thiếu thì ta là học trò ngoan của Phật, Phật nhất định bảo vệ, che chở ta. Thật ra, quý vị đã tạo tội nghiệp mà tự mình chẳng biết. Tội nghiệp gì vậy?
Buổi sáng dối Phật, Bồ Tát một lần, buổi tối lại dối một lần nữa. Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày, mỗi ngày chẳng thiếu sót, tội quý vị lớn lắm đó nghe! Phật, Bồ Tát thật sự chẳng ngồi đó, tượng đất đắp, gỗ khắc mà quý vị còn nhẫn tâm lừa dối, quý vị thử nghĩ coi tội lỗi mình nặng quá chừng! Quý vị chẳng học Phật, chẳng thực hành công khóa sáng tối thì chẳng mắc tội lỗi ấy, nay học Phật, thực hiện công khóa rốt cuộc lại đọa địa ngục A Tỳ mà vẫn chẳng hiểu vì đâu! Học Phật chẳng thể không hiểu rõ lý, chẳng thể cứ hồ đồ mê lý mà học, hồ đồ mê lý mà tu. Đấy là mười ba hoằng thệ.
Trong đoạn kinh văn tiếp theo, đức Phật khen ngợi các vị Bồ Tát ấy, đức Phật thấy bọn họ thực sự có thể sửa lỗi đổi mới, quay đầu là bờ, đáng được khen thưởng.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn tán chư Bồ Tát: - Thiện tai! Thiện tai!
爾時。世尊贊諸菩薩。善哉善哉。
(Khi ấy, đức Thế Tôn khen ngợi các Bồ Tát: - Lành thay! Lành thay!)
Phật khen ngợi sáu mươi vị Bồ Tát đã được nhắc đến trong phần trước.
Chánh kinh:
Thiện nam tử! Thiện thuyết như thị giác ngộ chi pháp.
善男子。善說如是。覺悟之法。
(Thiện nam tử! Ông khéo nói pháp giác ngộ như thế).
Biết lỗi lầm của mình chính là giác ngộ; trong nhà Phật thường gọi là"khai ngộ". Mọi người nghe nói đến"khai ngộ" thường nghĩ là rất u huyền.Thế nào là khai ngộ? Biết chứng bệnh, biết lỗi lầm của mình (tức là những hành vi sai trái), sửa đổi cho đúng, người như vậy gọi là "tu hành". Bởi vậy, quý vị phải biết là mỗi ngày ta đọc kinh, niệm Phật, lễ Phật có phải là tu hành hay không?
Không nhất định! Nếu như quý vị đối với mỗi hành vi trong cuộc sống chẳng hề cải biến tí ti nào, vẫn y hệt như cũ, dù mỗi ngày quý vị tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật vẫn chẳng phải là tu hành, chẳng dính dáng gì đến tu hành chi cả! Quan niệm lầm lẫn, lời lẽ, hànhvi sai trái của quý vị chẳng được sửa đổi cho đúng thì quý vị chẳng hề tu hành.
Ngàn vạn phần chớ nghĩ rằng mỗi ngày niệm mấy bộ kinh chính là tu hành, còn cảm thấy là mình tu hành khá lắm! Khi chẳng niệm kinh thì tâm không kiêu ngạo, niệm kinh rồi bèn tưởng mình là ghê gớm lắm. Tôi có thể thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ, mấy người còn thua tôi xa lắc! Như vậy là quý vị không niệm kinh thì không có phiền não đó, chẳng tạo tội nghiệp; sau khi quý vị thuộc kinh nhuần nhuyễn rồi, hằng ngày sanh phiền não, tạo tội nghiệp khắp mọi chỗ, đều là do hiểu lầm nghĩa chân thật của Như Lai. Phật dạy quý vị đọc thuộc là để thường nhớ kỹ trong lòng, mỗi khi khởi tâm động niệm bèn nhớ đến lời Phật dạy răn: Ta có nên suy nghĩ như thế hay chăng? Ta có nên nói lời như vậy hay chăng? Ta có nên làm những việc đó hay chăng? Mục đích của niệm kinh là như vậy.
Cho nên biết lỗi lầm của mình đấy chính là thật sự giác ngộ. "Khéo nói pháp giác ngộ như thế", giác ngộ rồi bèn quay đầu.
Chánh kinh:
Thiện phát như thị quảng đại thệ nguyện.
善發如是。廣大誓願。
(Khéo phát thệ nguyện rộng lớn như thế).
Câu này chỉ mười ba thệ nguyện ở phần trước. Phát mười ba thệ nguyện là vì họ đã thật sự hồi đầu, sửa lỗi đổi mới.
Chánh kinh:
Năng dĩ như thị quyết định chi tâm an trụ kỳ trung, nhất thiết nghiệp chướng giai tất tiêu diệt, vô lượng thiện căn diệc đương tăng trưởng.
能以如是。決定之心。安住其中。一切業障。皆悉消滅。無量善根。亦當增長。
(Có thể dùng tâm quyết định như thế an trụ trong những thệ nguyện ấy thì hết thảy nghiệp chướng thảy đều tiêu diệt, vô lượng thiện căn cũng sẽ tăng trưởng).
Hai câu cuối này chúng ta rất thích nghe. Chúng ta biết nghiệp chướng của mình rất nặng, làm sao tiêu nghiệp chướng? Nay quý vị có thể "tiêu nghiệp chướng" được hay chăng? Quý vị phải học theo sáu mươi vị Bồ Tát này, chẳng cần phải bươi móc thói tật của người khác, chỉ tìm tòi lỗi lầm của chính mình, tìm được lỗi rồi phải sửa đổi thì nghiệp chướng của quý vị bèn tiêu diệt, thiện căn của quý vị cũng tăng trưởng. Đó gọi là công phu.
Chánh kinh:
Phật phục cáo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát ngôn:
- Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát vị dục thanh tịnh chư nghiệp chướng giả, đương phát như thị quảng đại thệ nguyện.
佛復告彌勒菩薩摩訶薩言。彌勒。若有菩薩。為欲清淨。諸業障者。當發如是。廣大誓願。
(Phật lại bảo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát rằng:
- Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát nào muốn thanh tịnh các nghiệp chướng thì hãy nên phát thệ nguyện rộng lớn như thế)
Phật bảo Di Lặc Bồ Tát, nhưng ngụ ý bảo cùng mọi người chúng ta. Trong pháp hội ấy, Di Lặc Bồ Tát thay mặt cho đại chúng, thay mặt chúng ta thỉnh pháp, Ngài cũng thay cho đức Như Lai tuyên nói, chỉ bày chúng ta những lời dạy răn ấy.
Chúng ta muốn thanh tịnh thân tâm, tiêu diệt nghiệp chướng thì phải làm giống như các Bồ Tát đó, phải phát thệ nguyện rộng lớn. Do đấy, có thể biết rằng: Chúng ta đọc xong mười ba thệ nguyện này, chẳng được nghĩ mười ba thệ nguyện ấy là của riêng sáu mươi vị Bồ Tát kia, chẳng dính dáng gì đến mình, mà phải nghĩ đấy chính là những điều mình suy niệm. Chúng ta phải chú tâm lãnh hội mười ba thệ nguyện ấy, biến các nguyện ấy thành nguyện của chính mình thì chúng ta bèn thọ dụng được. Xem thấy những lỗi lầm họ đã phạm, bèn nghĩ chính mình cũng phạm những lỗi lầm giống hệt như thế. Họ giác ngộ, cớ sao ta chẳng giác ngộ? Họ sửa lỗi, sao ta chẳng thể sửa lỗi? Phải đọc kinh như vậy thì mới được lợi ích chân thật!
Chánh kinh:
Nhĩ thời Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Phả hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, hộ trì thử nguyện, đương đắc viên mãn, bất thoái chuyển da?
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。頗有善男子。善女人等。護持此願。當得圓滿。不退轉耶。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch cùng Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có kẻ thiện nam tử, thiện nữ nhân nào hộ trì những nguyện này, họ có sẽ được viên mãn, chẳng thoái chuyển chăng?)
Thật ra, Di Lặc Bồ Tát hỏi thay cho chúng ta. "Thiện nam tử, thiện nữ nhân" chỉ đại chúng hiện tiền chúng ta. Nếu như chúng ta cũng phát những thệ nguyện ấy, cũng làm theo những phương pháp ấy, chúng ta sẽ có được viên mãn hay chăng? Có được bất thoái chuyển hay chăng? Đấy là điều chúng ta rất quan tâm.
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, hành Bồ Tát đạo, hộ trì thử nguyện, ninh xả thân mạng, chung bất khuyết giảm, linh kỳ thoái chuyển.
佛告彌勒菩薩言。若有善男子。善女人等。行菩薩道。護持此願。寧舍身命。終不缺減。令其退轉。
(Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Nếu có những kẻ thiện nam tử, thiện nữ nhân hành Bồ Tát đạo, hộ trì nguyện này, thà bỏ thân mạng, trọn chẳng khuyết giảm, khiến cho [chính mình] bị thoái chuyển [nơi những nguyện ấy])
Trong đoạn này, đức Phật khẳng định rõ hành Bồ Tát đạo là "tự hành, dạy người". Chính mình hành theo đúng lời Phật dạy dỗ. Chữ "hành" ấy phải nói cho rõ ràng cho minh bạch: Theo đúng lời Phật dạy dỗ mà sống, theođúng lời Phật dạy mà sống hằng ngày, đó gọi là "hành Bồ Tát đạo". Phật pháp gắn liền với cuộc sống, tuyệt đối chẳng phải Phật pháp là Phật pháp, cuộc sống là cuộc sống, hai việc chẳng liên quan chi với nhau. Nếu thế thì chúng ta học Phật làm chi? Sai lầm rồi!
Bởi lẽ, Bồ Tát đạo thuộc về cuộc sống thường nhật, lìa khỏi cuộc sống thì còn chỗ nào để tu hành nữa đây? Phải tu hành ngay trong cuộc sống thường nhật! Cuộc sống thường nhật gom lại chẳng ngoài ba phương diện đối xử với người, xử sự, đối đãi với muôn vật.Phàm trên ba phương diện ấy, do chính mình mê hoặc, không có trí huệ, tri kiến chẳng chánh, nên cách nghĩ, cách thấy, cách nói, cách làm đều sai lầm. Phật răn dạy chính là để chúng ta sửa đổi những lầm lạc ấy, đó gọi là "tu hành". Bởi vậy, quý vị phải hiểu rằng: Tự mình sửa đổi cho đúng quan niệm sai lầm đối với vật, đối với sự, sửa cho đúng cách nghĩ, cách thấy thì cuộc sống của quý vị sẽ đạt đến hạnh phúc mỹ mãn.
Học Phật hết sức thực tế: Hễ công phu đắc lực thì lập tức đạt được lợi ích thù thắng nơi Phật pháp. Có nhiều đồng tu học Phật, tôi trông thấy họ rất đau lòng. Mỗi phen gặp mặt, thấy tướng mạo người ấy mỗi năm một suy.Có người một năm không gặp, gặp lại thấy họ hom hem hơn năm ngoái.Những người như vậy đều là công phu học Phật chẳng đắc lực. Nếu quý vị học Phật công phu đắc lực thì quý vị phải thực sự thọ dụng được. Mỗi năm quý vị càng phải khỏe hơn, tướng mạo quý vị phải tươi tốt, vẻ mặt rạng rỡ, thân thể khỏe mạnh, đó là đạo lý nhất định!
Nói thật ra, đạo lý này chẳng khó hiểu chi! Trong kinh Phật thường dạy"tướng tùy tâm chuyển". Tướng mạo chẳng tốt đẹp tức là quý vị dụng tâm chẳng khéo. Tâm quý vị phải chân thành, thanh tịnh, từ bi, thì nhất định tướng mạo quý vị ngày càng giống Phật, chẳng khác với Phật cho mấy (quý vị thấy tướng mạo Phật, Bồ Tát rất viên mãn!) Thể chất quý vị nhất định mỗi ngày phải khỏe mạnh hơn, mỗi ngày một hoàn thiện hơn, đấy là quý vị học Phật công phu đắc lực, quý vị thật sự thọ dụng được.
Tâm thanh tịnh chuyển được nghiệp.Chuyển nghiệp biểu hiện cụ thể nơi thân thể, thân thể mình có chuyển biến hay không? Hiện thời, ta thường nói là "biến đổi thể chất"; thể chất có thể chuyển biến. Thể chất ấy biến đổitheo tâm.
Hết Phần 1
[1] Tập đại thành: Biên tập thành một bản hoàn chỉnh.
[2] Tần Già tạng là Đại Tạng kinh được khắc in bởi tinh xá Tần Già ở Thượng Hải vào năm 1911 đời Thanh, mãi đến năm 1920 mới hoàn thành. Bản này lấy bản của Hoằng Giáo Viện ở Nhật Bản làm chính, tham chiếu các bản Kính Sơn, Càn Long Đại Tạng kinh. Tạng này gồm 414 tập, 1.916 bộ, 8.416 quyển.
Đại Chánh Tạng là gọi tắt của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh do hiệp hội Đông Kinh Đại Chánh Nhất Thiết Kinh San Hành Hội biên tập và ấn hành từ năm 1924 đến năm 1934. Tạng này gồm 100 tập, khoảng 3.493 bộ, 13.520 quyển. Bản này đối chiếu các tạng trước đó như Thục Bản, Càn Long Tạng... và các kinh điển bằng nguyên gốc tiếng Phạn và Pali nên được coi là tạng tốt nhất, tiêu chuẩn nhất để tham cứu kinh điển. So với Tần Già Tạng, bản này còn có ưu điểm là đã thâu thập cả những trước tác của chư cổ đức Nhật Bản, Đại Hàn và một số bản nghi quỹ, tán g http://www.niemphat.net/Luan/phatkhoibotat/phatkhoibotat2.htm của Phật giáo Tây Tạng.
https://youtu.be/h4Lj6EnmlUA
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro