Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

PHẬT - GIÁO VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM

PHẬT – GIÁO VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM

Phật thường phán rằng :

“Phụ-nữ là một giống đa sầu đa khổ”.

Đệ-tử bèn hỏi Ngài :

“Bạch Đức Thế Tôn, tại sao phụ-nữ là giống đa sầu đa khổ ? Xin Đức Từ-bi chỉ giáo cho”.

Phật dạy rằng :

“Kể từ lúc lọt lòng mẹ, đến khi khôn lớn, không được tự-do, tự-chủ là khổ. Người lớn tuổi nhiều, trắc trở nhân-duyên cũng khổ. Lấy được chồng rồi, mà không hòa-hợp cũng khổ. Lấy chồng chưa sinh con, chồng đã chết, thảm sầu, cũng khổ. Có con rồi, mà chồng chết, một thân gánh vác giang-sơn, cũng khổ. Chồng nghèo đói, không đủ ăn, đủ mặc cũng khổ. Chồng tài-năng xuất chúng trung-thực hiền lương, vì công-danh sự nghiệp, mà chồng Nam vợ Bắc, đơn chiếc một mình, cũng khổ. Chồng cờ bạc rượu chè, say sưa suốt đời, cũng khổ. Chồng hung ác cũng khổ. Chồng mê chơi bời, khuyên răn không được, cũng khổ. Chồng phẩm-tước phú quý, già không có con kế-tự, cũng khổ. Chồng lấy vợ lẽ, ăn ở không có tôn-ty, không thượng hòa hạ mục (1), cũng khổ. Chồng chết trước, kẻ mất người còn, chiếc bách lênh đênh (2) giữa dòng, cũng khổ. Lấy chồng mà cha mẹ anh em nhà chồng cay nghiệt, cũng khổ. Đó là cái khổ của phụ-nữ mà ta xét thấy từ đời quá-khứ tới đời hiện tại vậy ”.

            Lời Phật phàn nàn cho phận phụ-nữ ta như vậy. Chúng ta ngẫm nghĩ lại thì nhận ra rằng: Cái sầu, cái khổ, cái thảm, cái thương gây ra hằng ngày đó, tuy cũng có bạn còn ở ngoài vòng, được gặp bề sung-sướng, nhưng cũng ở trong thời kỳ ngắn-ngủi, rồi sau cũng sẽ mắc vào vòng. Hoặc giả có bạn nào tợn ăn, tợn nói, bề ngoài tự hào nói rằng: “Không can chi mà sầu với khổ, được lúc nào thảnh thơi lúc ấy, vững làm tường, yếu làm phên”. Song,

tựu trung trong cảnh gia đình, ngắm cái thân mình, thời cái khổ, cái sầu của mình chan chứa trong hoàn cảnh. Cái sầu cái khổ, nó chất lên cao bằng núi Tản, chăng dài bằng dãy Hoành sơn. Nước mắt của phụ nữ tưởng đem tích lại còn nhiều hơn nước sông Nhị Hà vậy ,

Cái sầu khổ ở đâu mà ra ? do đâu mà có ?      

            Cái sầu, khổ ấy chính ở tâm mà ra. Cái tâm dục vọng gây ra thành sầu biển khổ, mà cái dục vọng ấy nó chan chứa ở trong lòng người, nhất là phái yếu.

            Phụ nữ nào có cái tính nhu nhược, tức bực về nỗi sầu khổ, thì đâm ra chán đời rồi thắt cổ, trẫm mình, hay uống thuốc độc mà quyên sinh.

            Phụ nữ nào đa tư lự, thương thân giận đời, tiếc cái thân đào liễu chỉ gặp những cơn giông tố, sinh khổ, sinh cực, sinh lo, sinh phiền tinh thần hao kiệt, rồi phát đau ốm, đeo bệnh não, nằm liệt trên giường mà chờ cái chết.

Phụ nữ nào mà bực tức quá, không chịu nổi, thì lang thang chơi bời, cờ bạc bê tha, thua thì xót và gỡ nên công nợ lan man, kẻ đòi người hỏi, than danh ô-nhục. Lại có bạn vì sự nhân duyên éo le chồng con phụ bạc, không chịu nổi thành ra ly-dị, rồi có khi vì thế mà khổ suốt đời.

Sống ở đời phụ nữ đã đeo cái sầu bi, khổ sở, cơ cực hơn bạn tu-mi, mà chết xuống cảnh Diêm-la cũng như họ phải mang cái nghiệp chướng, xoay lộn muôn kiếp trong vòng luân hồi (3), loanh quanh ngàn đời trong con đường lục đạo (4).

            Đức Phật Thích-Ca trông thấy hằng hà sa số chúng sinh trai, gái, già trẻ đủ cả, loanh quanh trong bánh xe luân hồi, mà phần nhiều là phụ nữ ở trên cõi trần bị hoàn cảnh gian nan đau khổ mà chết, nên Phật mới phát minh ra thuyết “độ tận chúng sanh (5) ” để khuyến hóa phụ-nữ tu tỉnh chân thân (6). Phật lại phàn nàn rằng : “Phụ-nữ đa sầu đa khổ, là bởi vô minh, là mờ tối không sáng, làm cho lấp mất gương trí tuệ cho nên không hiểu được khổ đế (7) ở trong tứ-đế vậy”. Ngài lại than rằng: “Phụ-nữ không biết quay đầu về ta, mà ngó xem hào quang của ta thấu khắp trong vũ-trụ cho đến cả ngoài vòng vũ-trụ. Phụ-nữ không chí tâm theo đạo của ta, Phụ-nữ không còn chịu nghe diệu-pháp của ta !” Nên cũng như bạn giai, Phụ-nữ mắc vào

vòng tứ khổ : “Sinh ra khổ, già cũng khổ, bệnh tật ốm đau cũng khổ, chết cũng khổ.”

            Từ trên tới đây, tôi đã kể hết các căn nguyên sầu khổ của Phụ-nữ rồi, tôi mong các bạn gái lưu tâm chú ý nhận lời Phật thuyết cho là có, là phải thời tự nhiên hồi tâm mà muốn quay đầu quy Phật.

            Muốn quy y Phật thì làm thế nào ? Về phần thiếu-niên bạn tự nghĩ : “Đang thời tuổi trẻ đầu xanh, cần phải đua bay nhảy trên đường đời tu thế nào được”. Còn về bạn cao tuổi kêu rằng : “Chồng con quấn quýt như dây nợ, cơ nghiệp ngổn-ngang bối-rối trong gia-đình, tu thế nào cho biết đạo ?”. Chúng tôi thưa, không có gì khó, chúng tôi quyết không có gì ngăn trở, “Hữu chí cánh thành”, có chí thì nên, sắt mài ắt hẳn có ngày nên kim.

            Bây giờ nếu chị em Phụ-nữ có cái can-đảm quy Phật, cho được “minh tâm kiến tính” (8) thì cái tâm sang suốt, cái tính an-trụ, (9) tức là cái gương trí-tuệ, sẽ phá tan thành sầu biển khổ, dẫn mình trở lại theo chính đạo, vui sướng vô cùng. Cứ chỗ chúng tôi nhận ra thì sự ích lợi của đạo Phật đối với Phụ-nữ có hai điều :

1.- Đạo Phật giúp ích cho phái nữ Thanh-niên.

2.- Đạo Phật giúp ích cho cả toàn thể Phụ-nữ.

– Nói về sự ích lợi của đạo Phật đối với nữ-lưu thanh-niên.

Có câu rằng :

“Trẻ đừng bảo đầu xanh tuổi trẻ,

Đã tội chi tu để thêm phiền

Kìa xem lại biến tự nhiên,

Cảnh trần chỉ lũ thiếu-niên mắc nhiều”

Tu không phải là cứ ở chùa, cạo đầu ăn chay, tụng kinh gõ mõ, mới là tu. Những nữ-lưu thanh-niên ở nhà với cha mẹ cũng tu được, tu đây là tu thân, là sửa lấy mình gây nên đức tính trong sạch. Tu là tu tính, tu tâm. Tu cho trọn bốn đức Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

Công : là công việc khuya sớm chuyên cần trông nom giúp mẹ mọi việc trong gia-đình.

Dung : là đức tính đoan trang, ăn mặc chỉnh tề, nói cười thong thả, đi đứng khoan thai.

Ngôn : là cách ăn nói phải cho chân thật dịu dàng.

Ta nên nhớ câu “

“Nói cho có thép có gang

Một nhời trân trọng nghìn vàng phải không?

Hay gì những thói long bong

Lưỡi ong mai mỉa, giọng ong ngắn dài

Chuông kêu thử tiếng con ơi!

Người ngoan chỉ thử một nhời biết ngoan”

Hạnh : là đức hạnh nhân từ, ôn-hòa, trinh khiết, cần mẫn, kiệm ước, cẩn thận, dung thứ, thật thà, phân-minh, ngăn nắp, lễ phép, liêm sỉ.

            Theo phong tục phương Đông hay phương Tây, đời nào, nước nào, cũng trọng cái đức hạnh của Phụ nữ hơn cái tài-năng.

Ông Nã-phá-Luân (Napoléon) là người nước Pháp, cũng nói rằng : “Ở đời có hai cái đáng quý mà hết thảy đời nào, nước nào, dân nào, cũng không bỏ là cái can ffảm, trung chính bên phái nam nhi và cái đức trinh, tính hiền bên phái phụ-nữ”.

Còn như ăn mặc trang sức thì đối với Phật-pháp cấm không được sa hoa. Đã có câu: “Những lo điểm phấn tô hương, nhỡ ra miệng cười đánh đổ thành vàng sao nên !”

Vậy về sự ăn mặc tô điểm, cần phải sạch sẽ, nhũn nhặn, gọn gàng thế là đủ rồi, và đừng theo thói thường sa-hoa quá, đã hay rằng ăn mặc tô điểm có tăng vẻ ffẹp hơn lên nhiều, song tưởng nên biết :

“Trong ngoài rạng vẻ môn-mi (10),

Đẹp chưng nề nếp, đẹp chi áo quần”

Vả chăng đối với thường tình ai chẳng ưa cái đẹp, nhưng đó chỉ là sự ngoạn mục chốc lát thuộc về bề ngoài mà thôi, thật ra những bậc nam-tử có đức hạnh học vấn đều cho cái tính trung hậu, vẻ thuần hòa, lối đoan trang, cách cao thượng, là những điều đáng quý đáng trọng nhất ở trong nữ-giới vậy.

            Vẫn biết rằng thời nào theo cách thức ấy. Chị em thanh-niên thời mới đây, không phải bó buộc theo cổ tục, đi dép da bò mặc áo nâu sồng, thắt lưng ngang nữa. Thời nay phải ăn mặc, phải tô điểm, phải vận-động, nhưng cũng cần trong đẹp ngoài đẹp, đừng hoại bỏ mất cái đẹp bề trong, tức là đức tính trong sạch, mà cũng đừng quá lòe loet bề ngoài như cô ả đánh bồng.

            Tôi mong rằng chị em thanh-niên theo đạo Phật mà tu tứ đức. Những tiểu-thuyết lằng xằng nên thoảng qua, để thì giờ quý báu xem kinh sách Phật-học mà các Hội Phật-giáo đã xuất-bản., kiên tâm học hỏi cho rõ rang triết lý, đạo-hạnh cao siêu của Phật, rồi tự nhiên cái tâm của ta khai minh, hiểu thấu điều hay, lẽ phải, cái chí của ta kiên cố, theo về con đường chí thiện chí mỹ.

Toàn thể nữ-lưu thanh-niên như thế cả thì tương-lai đối với gia-đình, sẽ là người vợ hiề, người mẹ từ, đối với nhân-loại sẽ là bực nữ-trung hào-kiệt.

Vậy thời đạo Phật chẳng là hữu ích cho phái nữ-lưu thanh-niên hay sao ?

II. – Nói về ích lợi đạo Phật đối với toàn thể nữ lưu

Thưa các đạo-hữu, bới phái nữ-lưu có chồng, có con nên Phật dạy tu theo nhân đạo.

Nhân đạo là đạo làm người, đạo làm người phải tu phúc nhân gian.

Tu phúc nhân-gian là: luân-thường hiếu nghĩa đầy đủ, ở với chồng con an hem cho hòa thuận vui vẻ, ở với bạn bè, làng xóm thì công-binh hẳn hoi, thật thà chớ có gian phi, nhẫn nhục đừng đua ăn, đua nói, hỷ-xả-từ-bi cứu nhân, cứu vật, đừng tham những của bất nhân, đừng ở những điều phi nghĩa, có của làm duyên làm phúc, không của bố thí lời nói, cứu giúp cho người khỏi nạn, thoát tai.

 Chư Phật, Bồ-tát xét xoi kiếp này chẳng được giầu sang: kiếp sau ắt hẳn được tử tế. Ta giồng giống gì tất được giống ấy, giồng ngô được ngô, giồng đậu được đậu, tu phúc rồi phúc sẽ tới.

            Nhất là hai việc: thờ chồng và dạy con là cái đạo cốt yếu mà phái nữ-lưu chúng ta cần phải tu trước nhất. Đạo phụ-nữ thờ chồng, đã có lời răn rằng:

Bước khỏi cửa vâng nhời mẹ dạy

Về nhà chồng con phải kính răn.

Xe hồng trăm bánh đưa chân.

Vui thay chí-tử (11) tới tuần vu-quy,

Đạo làm vợ mọi điều nên cần?

Nghĩa theo chồng lấy thuận làm hơn.

Đừng nên vào giận ra hờn,

Giàu nghèo đành phận, sang hèn cũng an,

Chồng là bậc tai thần mắt thánh,

Mình phải nên dạ kính lòng tôn.

Nâng khăn sửa túi vẹn tròn,

Trong bề chăn gối, ngoài khuôn mối giềng,

Chồng là kẻ tài hèn sức mọn,

Mình cũng nên khuya sớm nâng niu,

Vào ra kính mến mọi chiều,

Hết lòng ân-ái không điều ngả nghiêng.

Đạo sau trước tấc thiềng chẳng trái,

Thề non sông kết giải đồng tâm.

Quan sơn vui khúc sắt cầm,

Xướng tùy hai chữ trăm năm thuận-hòa.

            Bát đĩa nhiều khi xô xát, vợ chồng tất cũng có khi bất bình. Song đã là đạo vợ, thì phải lấy nghĩa nhân-luân làm đầu, trong gia đình chẳng nên để đến nỗi tổn thương hòa-khí. Sách có chữ “ Phu thê tương kính như tâ” là vợ chồng kính nhường lẫn nhau như khách quý vậy.

Phật dạy rằng :

“Nào là chúng-sinh phụ nữ con ơi!

Theo kiếp luân-hồi, con gặp cảnh chồng chơi bời vợ nọ con kia, ăn ở chẳng được êm thấm, làm cho con nhsc óc đau gan. Song con ơi ! Nghe nhời an ủi của ta, con đừng giận hờn, con đừng nóng nẩy, mà con phải giữ cái tâm kiên nhẫn để đối phó cho được chu toàn. Ta tu thành Phật quả, cũng chữ nhẫn mà nên. Bởi vậy khi ta thành Phật rồi, ta nói rõ cho chúng-sinh biết cái phương-pháp tu hành gốc ở “nhẫn-nhục”.

Có câu rằng :

“Chữ nhẫn là chữ tương vàng

Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”

Nhẫn là nhịn, nhịn là làm thinh. Những cái gì phải nhịn, những cái gì phải làm thinh ?

Đức Phật dạy rằng :

“Nhịn miệng ít nói. Nói nhiều tổn thọ, hết hơi phải chết. Nói nhiều tất loạn ngôn, loạn ngôn tất tổn đức. Đa ngôn đa quá, nói càn nói dở bao nhiêu thì cái lỗi chất lên bấy nhiêucho nên nhẫn đi là thiện. Vậy thì, con chỉ nói chỗ nên nói. Chỗ nên nói là : nói đạo, nói đức, nói nhân, nói nghĩa, nói toàn điều lành, nói thuận vợ, nói được chồng, nói yên nhà, nói vui bạn. Còn điều gì xét ra chẳng lành thì con quyết nhịn, tai chẳng nghe, mắt chẳng nhìn, miệng chẳng nói, y chẳng động”.

            Phật dạy vậy, ca-dao lại có câu rằng :

“Nói là then cửa người ta

Đóng vào cẩn mật mở ra quan-phòng.

Nói xuất hiến, nói hưng nhung,

Nói lên nghiệp Hán, nói dong loạn Hồ,

Một nhời can-hệ thực to,

Dẹp yên giặc miệng, chớ lo loạn đàn”.

Tiện đây, chúng tôi xin kể một chuyện hai ông bà người xưa lập phép tu thân.

Ông bà Bách-tâm-Kiên, một hôm bảo nhau mua một cái quan tài đem về treo lủng lẳng giữa một căn nhà riêng. Lúc nào xảy ra điều gì mà ông gắt gỏng xỉ nhục bà thì bà mời ông tới cái quan tài đó, chỉ mà thưa rằng : “Ôi thôi ! ông xỉ nhục hành hạ tôi làm chi cho đau đớn cực khổ. Một ngày kia tôi nhắm mắt, hai tay buông xuôi rồi ông bỏ tôi vào đây, dẫu ông thương xót nước mắt thấm khăn cũng vô ích”.

            Còn khi bà cắn rứt ông thì ông lại mời bà tới quan tài đó mà phân giải rằng :“Bà nó ơi ! sao cứ hay giận hờn, ngầy ngà to tiếng nặng nhời, gắt gỏng tôi làm chi cho lắm. Một giờ kia, quỷ dẫn tôi về địa phủ, bà bỏ xác thịt tôi vào quan tài này đóng chặt cái nắp lại. Lúc ấy dẫu bà có thương tiếc lăn-lộn, khóc cho ra máu bà cũng chả còn thấy tôi giả lời nữa”.

            Hai ông bà nhìn cái quan tài treo lủng lẳng đó, nghĩ đến cái nỗi nhập quan lấp đất, cái chết là cái hết, mà tỉnh ngộ ra, từ đó không hề cãi cọ, to tiếng nặng nhời lẫn nhau nữa. Một mực ăn ở thuận hòa, an cư lạc nghiệp, làm duyên làm phúc, tu theo thiện đạo. Sau quả có Phật độ cả cho ông bà thành chính quả Bồ Đề.

            Chúng tôi lại xin nói về sự dạy con.

Lại thường có câu : “Con hư tại mẹ, con nên tại mẹ”. Tính hạnh người con theo cái ảnh hưởng đức tính của người mẹ, mẹ hiền tức con quý.

Người con có nhân, cách, ấy là một người dân đủ nhân cách, mười người dân đủ nhân cách, cả nước đủ nhân cách, các công cuộc hòa-bình trong xã-hội chẳng phải nhờ công-đức các bà mẹ hay sao?

Nếu bà mẹ không đủ đức hạnh, thì người con nhớn lên, dẫu có học thức, nhưng “hữu tài vô hạnh”, hay làm sự phi pháp, trái đạo luân thường, hại cho thân minh, hại lây cho nhân loại!

Thế thì cái công bà mẹ cũng to mà cái tội bà mẹ cũng lớn. Bởi vậy, nếu bà mẹ cần phải tu tập tinh hạnh hiền hòa, ta cần phải tu đạo Phật, đạo Phật rất từ bi, rất quảng đại, đủ luân thường nghĩa lý, đã chia ra từng bực, để cho tín đồ tùy theo căn khi mà tu hành. Như thế thì hết thảy nam, nữ, lão, ấu, tại gia hay xuất gia, ai ai cũng tu đạo Phật được cả.

Thưa các giáo-hữu, học Phật, niệm Phật là thế sao ? Học Phật là gần người thiện-trí-thức, học kinh luật, nghiên cứu Phật-pháp, để ngăn ngừa sửa đổi những cái nết xấu mà hàng ngày ta thường bị ám ảnh.

Niệm Phật là nhất tâm chính niệm. Niệm Phật như có Phật trước mặt ta, niệm Phật chí tâm phát nguyện, nguyện xưng hết tội lỗi, nguyện bỏ hết mọi điều ác, nguyện làm hết mọi điều thiện, nguyện tu theo tâm Phật.

Lạy Phật là kính phục cảm mộ cái đức chí thiện chí mỹ của Phật.

Học Phật, niệm Phật, lễ Phật, là cốt tu theo đạo Phật.

Tu theo được đạo Phật rồi thì bỏ được ba cái độc : tham, sân, si giải thoát được mọi điều phiền não. Dầu cho phụ-nữ đa sầu đa khổ, nhưng nếu đã giác-ngộ, tâm phụ-nữ trở lại tâm Phật, tính phụ-nữ quay về tịnh Phật, sẽ nhờ pháp lực mà lấp bằng được “khổ hải vô biên”.

Xem như thế thì đạo Phật đối với phái phụ-nữ chẳng đáng theo lắm hay sao ?  

Chú thích :

(1)     Thượng hòa hạ mục : Nghĩa là trên thuận dưới hòa, trên làm trọn đạo bề trên mà khoan dung kẻ dưới, dưới biết bổn phận bề dưới mà vâng theo bề trên.

(2)     chiếc bách lênh đênh : Bách là chiếc thuyền, làm bằng gỗ cây bách. Lênh đênh là nói thiếu tay trèo lái, ví như người đàn bà mất chồng không người cầm cương nảy mực trong gia đình. Vì lẽ đó, đàn bà góa chồng ví như chiếc thuyền ko tay lái vậy.

(3)     Luân-hồi : Bánh xe xoay vòng như chong chóng, xoay tít không ngừng, ví như người đời chết nơi này, sinh nơi khác, sinh sinh lại chết chết, vòng quanh trong các ngả mãi không thôi.

(4)     Lục đạo : Sáu dương là : Trời, Người, Tu-la, địa-ngục, ngã-quỷ và súc-sinh. Ấy là những con đường mà nghiệp báo lôi kéo người ta đi đi lại lại, nghiệp thiện thì lên Thiên đình, mà nghiệp ác thì xuống Địa-ngục, loanh quanh luẩn quẩn mãi không cùng.

(5)     Độ tận chúng sinh : Cứu vớt hết mọi loài, không bỏ một loài nào, cho đều thoát nơi khổ não, mà tới cảnh sung sướng.

(6)     Chân thân :  Cái thân chân thực, tức là pháp thân, khác với cái thân xác thịt, chỉ là cái thân giả dối, do bốn chất đất, nước, lửa, gió hòa hợp mà thành ra một cách giả dối, không gi là “ta”, là “ tự chủ” cả.

(7)     Khổ đế : Nghĩa là cái lý do phải khổ.

(8)     Minh tâm kiến tính : Tỏ cái tâm, thấy cái tính, bốn chữ ấy là điều cốt yếu về sự thành công của đệ tử Phật. Vì hết thẩy mọi người, ai cũng có cái chân tâm chân chính như Phật. Chỉ vì lòng tham che lấp xóa nhòa, nên không Tỏ không Thấy được..Vậy cần phải nhờ sự tu học mà phá tan mảng ngu si, gột sạch lòng nhơ bẩn thì cái tâm tính sang sủa trong sạch kia mới hiện lộ ra, cũng vì như bụi phủi gương mờ, sạch bụi thì gương lại sang.

(9)     An trụ : Cái chân tâm thường yên lặng, không lay động, không biến đổi, khác với cái vọng tâm, hay tưởng bậy làm xằng, yêu sự này, ghét sự khác, muốn điều nọ bỏ điều kia, thương trôi chảy như sóng giạt, chạy rông như ngựa phi.

(10)Môn mi : Bức hoành thêu treo giữa cửa. Người con gái làm cho cha mẹ hiển vinh cũng như hoành thêu làm cho cảnh nhà rực rỡ.

(11)Chí tử vu quy : người con gái đi về nhà chồng.

ĐỒNG-CHÍ-NGHIÊM, Nữ giáo-học.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #dhanh