pháp đánh chiếm bắc kì lần 2
Quân Pháp Lấy Bắc Kỳ Lần Thứ II
1. Đại tá Henri Rivière ra Hà Nội. - Cuối năm Tân Tỵ (1881)169,
nhân có hai người Pháp tên là Courtin và Villeroi được giấy thông hành đi lên
Vân Nam, nhưng lên đến gần Lào Kay, bị quân Khách làm ngăn trở, không đi
được. Viên thống đốc Le Myre de Vilers bèn gửi thư về Pháp, nói rằng nước
Pháp nên dùng binh lực mà cho dẹp cho yên đất Bắc Kỳ. Sang tháng 2 năm
Nhâm Ngọ (1882), một mặt thống đốc sai hải quân đại tá Henri Rivière sắp
sửa binh thuyền ra Hà Nội; một mặt viết thư vào Huế, đại lược nói rằng : đất
Bắc Kỳ loạn lạc, luật nhà vua không ai theo. Người nước Pháp có giấy thông
hành của quân An Nam cấp cho mà đi đến đâu cũng bị quân Khách ngăn
trở. Ở Huế thì quan Việt Nam thất lễ với quan khâm sứ Rheinart. Vậy nên
nước Pháp phải dùng cách để bênh vực quyền lợi của người nước Pháp.
Được ít lâu, đại tá Henri Rivière đem hai chiếc tàu và mấy trăm quân
ra đến Hải Phòng, rồi đi tàu nhỏ lên Hà Nội, đóng ở Đồn Thủy.
2. Hạ thành Hà-nội lần thứ hai. Quan tổng đốc Hà Nội bấy giờ
là ông Hoàng Diệu thấy binh thuyền nước Pháp tự nhiên ra Bắc Kỳ, lấy làm
nghi kỵ lắm, tuy có sai quan tuần phủ Hoàng Hữu Xứng ra tiếp đãi tử tế,
nhưng trong bụng vẫn lo, cho nên mới sai sửa dọn thành trì để phòng bị. Đại
tá Henri Rivière vào thành thấy vậy có ý không bằng lòng, bèn quyết ý đánh
thành.
169 Độc giả hiểu cho rằng những ngày tháng chép trong sách này là theo ngày tháng Việt Nam
chứ không phải là theo ngày tháng Tây.
Sáng 5 giờ ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1882), quan tổng
đốc tiếp được tờ tối hậu thư của đại tá hạn cho đến 8 giờ phải giải binh, và
các quan võ Việt Nam phải ra đợi lệnh ở Đồn Thủy. Đúng 8 giờ thì quân
Pháp khởi sự đánh thành, 11 giờ thì thành đổ. Ông Hoàng Diệu trèo lên cây
thắt cổ mà tự tận, còn các quan thì bỏ chạy cả.
Lúc tiếp được thư của đại tá, thì ông Hoàng Diệu có sai Án sát sứ là
Tôn Thất Bá ra thương thuyết. Ông Tôn Thất Bá ở trên thành bỏ thang trèo
xuống vừa xong, thì quân Pháp bắn súng vào thành, ông ấy bỏ trốn mất.
Đến khi hạ được thành rồi, đại tá sai tìm ông Tôn Thất Bá về quyền lĩnh mọi
việc170.
Vua Dực Tông được tin thành Hà Nội thất thủ, bèn xuống chiếu
truyền cho quan kinh lược chánh phó sứ là là ông Nguyễn Chính và Bùi Ân
Niên đem binh lui về mặt Mỹ Đức để cùng với Hoàng Kế Viêm tìm cách
chống giữ. Nhưng quan khâm sứ Rheinart sang thương thuyết rằng việc
đánh thành Hà Nội không phải là chủ ý của nước Pháp, và xin sai quan ra
giữ lấy thành trì. Triều đình bèn sai quan nguyên Hà Ninh tổng đốc là Trần
Đình Túc làm Khâm sai đại thần, quan Tĩnh biên phó sứ là Nguyễn Hữu Độ
làm phó khâm sai, ra Hà Nội để cùng với đại tá Henri Rivière thu xếp mọi
việc. Đại tá trả thành Hà Nội cho quan ta, nhưng vẫn đóng quân ở trong
Hành cung. Hai bên thương nghị mãi. Đại tá đòi 4 khoản :
1 - nước Nam phải nhận nước Pháp bảo hộ
2 - phải nhường thành thị Hà Nội cho nước Pháp
3 - đặt thương chánh ở Bắc Kỳ
4 - sửa lại việc thương chánh ở các nơi, và giao quyền
cho người Pháp cai quản.
Bọn ông Trần Đình Túc đệ những khoản ấy về Kinh. Triều đình hội
nghị, các quan có nhiều người nói rằng : nước ta trong còn có Lưu Vĩnh
Phúc, ngoài còn có nước Tàu, lẽ nào lại bó tay mà chịu. Bèn trả lời không
chịu.
Đến tháng 10 thì ông Trần Đình Túc về Huế, ông Nguyễn Hữu Độ ở
lại làm Hà Ninh tổng đốc.
3. Việc cầu-cứu nước Tàu. Triều đình ta bấy giờ nghĩ nước Pháp
cố ý chiếm đoạt, và lại tưởng rằng nước Tàu có thể bênh vực được mình,
cho nên mới sai ông Phạm Thận Duật sang Thiên Tân cầu cứu. Chẳng qua là người mình có hay có tính ỷ lại, cho nên mới đi kêu cầu người ta, chứ
không biết rằng người Tàu giữ nước Tàu không xong còn đi cứu ai được.
Tuy vậy, không những người Tàu không cứu được mình mà lại còn muốn
nhân dịp để mượn tiếng sang lấy nước mình. Xem như khi thành Hà nội thất
thủ, quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh làm mật sớ về tâu
với vua nhà Thanh, đại lược nói rằng : "nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với
nhau mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa,
vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du.
Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía bắc sông Hồng Hà".
Bởi vậy triều đình nhà Thanh mới sai Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng đem
quân sang đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây, sau lại sai quan bố chính Quảng
Tây là Từ Diên Húc đem quân sang tiếp ứng.
4. Quân Pháp lấy Nam-định. Chính phủ Pháp trước cũng muốn
thu xếp dần dần cho xong việc bảo hộ ở nước Nam, và cho khỏi sự chiến
tranh, nhưng sau thấy Triều đình ở Huế không chịu, lại thấy có quân Tàu
sang đóng ở các tỉnh, bèn một mặt sai ông Charles Thomson sang làm thống
đốc Nam Kỳ, để thay cho ông Le Myre de Vilers về Pháp; một mặt tiếp quân
cho đại tá Henri Rivière và triệu quan khâm sứ Rheinart ở Huế về.
Nguyên trước đại tá Henri Rivière ở Hà Nội chỉ có 400 lính, sau lại
tiếp được 750 người nữa, đại tá bèn để đại úy Berthe de Villers với 400 quân
ở lại giữ Hà Nội, còn bao nhiêu đem đi đánh Nam Định. Ngày 28 tháng 2
năm Quý Mùi (1883), thì quân Pháp khởi sự đánh thành. Đánh từ sáng dến
trưa thì quân Pháp vào thành; quan tổng đốc Vũ Trọng Bình bỏ chạy, quan
đề đốc Lê Văn Điếm tử trận, quan án sát sứ Hồ Bá Ôn bị thương.
5. Đại tá Henri Rivière bị chết. Quan ta thấy quân Pháp tiến
binh, và lại cậy có quân Tàu sang cứu, bèn quyết ý đổi thế hòa ra thế công.
Một mặt quan tổng đốc Bắc Ninh là Trương Quang Đản cùng với quan phó
kinh lược Bùi Ân Niên đem binh về đóng ở Giốc Gạch, thuộc huyện Gia Lâm
chực sang đánh Hà Nội. Đại úy Berthe de Villers đem quân ở Hà Nội sang
đánh đuổi, quan quân phải lui về phía Bắc Ninh. Một mặt quan tiết chế
Hoàng Kế Viêm sai Lưu Vĩnh Phúc làm tiên phong đem quân về đóng phủ
Hoài Đức, để đánh quân Pháp.
Đại tá Henri Rivière lấy xong Nam Định rồi về Hà Nội thấy quân ta và
quân cờ đen sắp đến đánh, bèn truyền lệnh tiến binh lên đánh mặt phủ Hoài
Đức. Sáng hôm 13 tháng 4 thì đại tá đem 500 quân ra đánh ở mạn Cầu
Giấy, bị quân cờ đen phục ở chung quanh đổ ra đánh, quân Pháp chết và bị
thương đến non 100 người. Đại tá Henri Rivière tử trận, đại úy Berthe de
Villers bị thương nặng.
Sài Gòn được tin đại tá Henri Rivière chết, viên thống đốc Thomson
liền điện về cho chính phủ Pháp biết. Lúc bấy giờ ở Paris hạ nghị viện còn
đang do dự về việc đánh lấy Bắc Kỳ. Khi tiếp được điện báo ở Sài Gòn về,
nghị viện liền thuận cho chính phủ trích ra 5 triệu rưỡi phật lăng để chi tiêu
về việc binh phí, và lại thuận cho một viên quan văn làm toàn quyền, sang
kinh lý mọi việc ở Bắc Kỳ.
Chính phủ Pháp liền điện sang truyền cho lục quân thiếu tướng
Bouet ở Nam Kỳ ra thống đốc quân vụ ở Bắc Kỳ, sai Hải quân thiếu tướng
Courbet đem một đội chiến thuyền sang tiếp ứng và lại cử ông Harmand là
sứ thần Pháp ở Tiêm La ra làm toàn quyền.
Ngày mồng 3 tháng 5, thì thiếu tướng Bouet đem 200 lính tây, 300
lính tập ra đến Hải Phòng. Lập tức thiếu tướng sửa sang sự chống giữ ở Hà
Nội và Nam Định, và lại cho Georges Vlavianos (ông Kiều) là người theo Đồ
Phổ Nghĩa ngày trước, được phép mộ lính cờ vàng đi làm tiền quân.
Quan ta đem quân về đánh quân Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng và ở
Nam Định, nhưng chỗ nào cũng thất bại.
Quân ta bấy giờ không có thống nhất, ai đứng lên mộ được năm ba
trăm người cho mang gươm mang giáo đi đánh, hễ phải độ vài ba phát đạn
trái phá thì xô đẩy nhau mà chạy; còn quân của nhà vua thì không có luyện
tập, súng đại bác toàn là súng cổ, súng tay thì ít và xấu. Như thế thì chống
làm sao được với quân Pháp là quân đã quen đánh trận và lại có đủ súng
ống tinh nhuệ?
Bấy giờ cuộc hòa đổi ra chiến, súy phủ ở Sài Gòn đuổi quan lĩnh sự
Việt Nam là ông Nguyễn Thành Ý về Huế. Trong khi việc nước đang rối cả
lên như thế, thì vua Dực Tông mất.
Ngài mất ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (1883), trị vì được 36 năm,
thọ 55 tuổi, miếu hiệu là Dực Tông Anh Hoàng Đế.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro