phanthinhkt_than thoai hi lap
Put your sSự hình thành thế giới thần linh và các thần nhân đầu tiên
Lời nói đầu:
Giống như những em bé luôn háo hức đặt ra cho người lớn những câu hỏi không bao giờ dứt về mọi vật xung quanh chúng; các dân tộc khi mới hình thành cũng đặt ra cho mình những câu hỏi về thế giới vạn vật để họ tự trả lời. Dường như nhu cầu tìm hiểu ngọn nguồn của vạn vật là một nhu cầu tự nhiên của mỗi con người và mỗi dân tộc. Và những câu trả lời sơ khai đó chính là triết lý nguyên thủy của các dân tộc. Mỗi dân tộc đều có cách lý giải của riêng mình về sự tạo thành thế giới. Và một trong những dân tộc đã để lại cho loài người một cách lý giải độc đáo và sinh động là dân tộc Hy Lạp. Cách lý giải của họ đã thể hiện thành một hệ thống truyền thuyết và thần thoại vô cùng hấp dẫn, góp phần làm phong phú cho tâm hồn nhân loại. Tìm hiểu hệ thống thần thoại này sẽ mãi mãi là một điều bổ ích và lý thú cho mỗi tâm hồn chúng ta...
o O o
Người Hy Lạp cổ xưa kể rằng khi khai thiên lập địa khởi thủy có ba vị Thần linh: Thần Hỗn Mang Khaos, Nữ Thần Đêm tối Nyx và Thần Ái tình Eros.
Thần Hỗn Mang kết hợp với Nữ Thần Đêm tối sinh ra Thần Định Mệnh. Thần nhân này đui hai mắt, có quyền thống trị, mỗi khi phán quyết một điều gì lại ghi trên một quyển sách bằng đồng. Các Thần nhân sau này có thể dùng quyền lực của mình ngưng việc thi hành những phán quyết đó, nhưng không thể cưỡng lại.
Sau khi sinh ra Thần Định Mệnh, thần Khaos sinh ra Nữ Thần Đất Gaia và Thần Tartaros tối tăm-Đây là một vực thẳm u tối ở kế bên Trái Đất.Tiếp đó Gaia lại sinh ra Thần bầu trời trải rộng bao la (hay còn gọi là Thần Thiên Vương) Ouranos, vị thần này ra đời lại dang rộng cánh tay bao bọc lấy cả Trái Đất rộng lớn. Như vậy theo quan niệm của người Hy Lạp cổ xưa thì đất sinh ra trời chứ trời không phải sinh ra đất dù bầu trời rộng hơn đất rất nhiều. Sau đó nữ thần Đất Gaia lại sinh ra núi non hùing vĩ vươn mình lên tận trời xanh, rồi lại sinh tiếp thần Biển Cả Pontos đổ nước tràn ra khắp bề mặt Trái Đất và quanh năm vỗ sóng. Nữ Thần Gaia cũng sinh ra những thần nhân khổng lồ và độc long Cyclopes.
Ouranos kết hợp với mẹ mình là Nữ thần Đất Gaia sinh ra sáu người con trai(Titan) và sáu người con gái, tất cả đều là các thần khổng lồ hùng mạnh và đáng sợ. Sáu nam thần gồm có: Okeanos, Ceus, Hyperion, Japet, Cryos và Cronus. Sáu nữ thần là : Tethys, Rhea, Themys, Mnemosyne, Phoibe, Thaya...Sau đó, Gaia lại sinh thêm Briare và Gyas là hai thần nhân đại lực mỗi người có năm mươi đầu và một trăm tay.
Thần thoại Hy Lạp kể lại rằng sau đó vì tức giận các con mình mà thần Ouranos đạp hết các con xuống vực thẳm Tartare, nhốt họ dưới đáy sâu trong lòng đất âm u, tức là trong bụng nữ thần Đất Gaia, cấm không cho nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Gaia, mẹ của họ vô cùng đau khổ vì gánh nặng trong bụng làm bà đau đớn. Tức giận, Gaia chế ra một lưỡi hái và kêu gọi các con trả thù, nổi dậy chống lại cha. Tuy nhiên, các con bà đều không dám làm theo lời mẹ, chỉ có người con út là Thần Cronus là dám nổi loạn và được giao nhiệm vụ này. Cronus vớisự giúp đỡ của mẹ, đã chém cha mình là Ouranos bị thương, bắt giam ông xuống Địa Ngục, sau đó thay thế Cha mình trị vì vũ trụ. Máu của Ouranos chảy xuống đất sinh ra ba nữ thần Đại Nộ Furies.
Để trừng phạt tội lỗi của Cronus, Nữ thần Bóng Đêm Nys đã sinh một bầy thần khủng khiếp: Thanatos - Thần Chết, Erys - Nữ thần Bất Hoà, Ates - Nữ thần Dối Trá, Kes - Nữ thần Tàn Sát, Hypnos - Thần Ngủ cùng với bầy đoàn bóng ma tăm tối, Nemetys - Nữ thần Báo Thù và nhiều thần khác. Các vị thần này chuyên đi gieo rắc nỗi kinh hoàng, sự tan vỡ, dối trá, giao rắc sự tranh chấp và bất hạnh cho thế giớI mà Cronus đã chiếm đoạt quyền ngự trị của cha mình.
Cronus lấy chị gái mình là Nữ thần Rhea và lên ngôi trị vì thay cho Ouranos. Với mặc cảm giết cha, Cronus luôn luôn lo sợ là quyền lực của mình sẽ không tồn tại lâu. Thần bị ám ảnh bởi một ý nghĩ cho rằng rồi sẽ có lúc đến lượt các con mình sẽ nổi loạn lật đổ thần như thần đã làm với chính cha mình. Thế là hễ Rhea sinh được người con nào, Cronus lại nuốt ngay người ấy vào bụng không chút thương xót. Ba người con đầu là Demeter, Hestia và Posiedon đều chịu số phận đó. Đến khi Rhea hạ sinh Zeus và Hera thì Cronus chỉ nuốt được Hera còn Zeus thì bị Rhea đánh tráo bằng một cục đá. Sau đó theo lời khuyên của mẹ là Gaia, Rhea bỏ trốn đến hòn đảo Crete trên Địa Trung Hải. Nàng giao Zeus cho các Nữ thần Sơn Thủy nuôi dưỡng. Đứa bé Zeus lớn lên trong sự thương yêu chăm sóc của hai nữ thần; được bú sữa của con dê cái Amalthea; từng đàn ong bay lên đỉnh núi và hai nữ thần Sơn Thủy lấy mật của chúng cho chàng; trong khi đó các tu sĩ của Cybele thay nhau nhảy múa, ca hát ngăn không cho tiếng khóc của Zeus lọt đến tai Cronus.
toBản quyền của Làng Xìtrum
ZEUS, Zoose hay Zyoose, (Thần thoại La Mã gọi là Jupiter), là vị thần tối cao trên đỉnh Olympe. Zeus là cha của các người hùng Perseus và Hercule, và là người cuối cùng trong cuộc tranh giành quyền lực trên đỉnh Olympe.
Zeus là con trai của thần Titan Cronus và nữ thần Rhea. Khi vừa được sinh ra, Zeus bị cha mình dự định sẽ ăn thịt như những người con khác trước đó như: Poseiden, Hades, Hestia, Demeter và Hera. Nhưng Rhea đã dấu đứa con mới sinh của mình trong hang núi trên đỉnh Dicte, đảo Crete. (Cho tới ngày nay, những người tại hang núi "Hang của Zeus" sử dụng đèn flash để tạo bóng của các hình nộm trong hang động, tạo ra hình ảnh của đứa bé Zues trong thần thoại).
Khi lớn lên, Zeus làm cho Cronus mửa ra các anh chị của mình. Các vị thần đó về phe của Zeus trong cuộc chiến giành quyền cai quản vũ trụ long trời lở đất dài mười hai năm với các thần Titan và vua của họ là Cronus. Đánh bại cha mình và các vị thần Titan khác, Zeus giam họ dưới vực thẳm Tartare.
Sau đó, Zeus cùng những người anh em của mình phân chia quyền lực. Poseidon cai quản biển cả, Hades cai trị âm phủ, và Zeus làm chúa tể bầu trời. Zeus được xem như là vị thần có quyền lực tối cao nhất trên trái đất và đỉnh Olympe.
o O o
Nữ thần HERA (Thần thoại La Mã gọi là Juno) là nữ thần của hôn nhân, nàng là vị thần bảo trợ cho cuộc sống gia đình, cho sự thánh thiện và bền vững của nó. Hera là vợ của thần Zeus và cũng như chồng nàng có toàn quyền thống trị của một vị Nữ hoàng trên đỉnh Olympe.
Khi Hera được nhả ra từ miệng của Cronus, Rhea đã đem nàng đến chỗ của thần Okeanos ở nơi tận cùng Trái Đất giao cho Nữ thần Tethys nuôi dưỡng. Hera sống một yên bình một thờI gian dài xa Olympus, cho đến khi Zeus vĩ đại tình cờ nhìn thấy nàng trong một chuyến du hành. Vị thần sấm sét vĩ đại vừa nhìn thấy nàng đã đem lòng yêu quý vá quyếr định bắt cóc nàng về làm vợ. Các vị thần đã làm cho họ một đám cưới thật linh đình. Nữ thần Cầu Vồng Irys cùng các Nữ thần Duyên Dáng mặc cho Hera bộ váy áo đẹp nhất, làm cho nàng đẹp lộng lẫy và rạng rỡ hẳn lên giữa các thần linh trên núi Olympus.
Hera không ưa anh hùng Heracles vì chàng là con trai của chồng mình với một người phụ nữ trần gian. Khi chàng còn nhỏ, Hera đã cho rắn đến nôi tấn công chàng. Sau đó Hera đã khuấy đảo rừng Amazon để hãm hại chàng khi chàng đang đi săn.
Trong khi đó Hera lại hỗ trợ người anh hùng Jason, vốn không thể nào đoạt được Con cừu vàng nếu không có sự hỗ trợ của nàng.
Trong thần thoại Hy lạp, Hera là vị nữ thần cai trị cung điện Olympus vì nàng chính là vợ của Zeus. Nhưng việc thờ cúng Hera lại xuất hiện trước việc thờ cúng Zeus khá lâu. Để hiểu rõ hơn, ta lùi lại cái thời mà những thế lực sáng tạo mà ta gọi là "thần" được quan niệm là người phụ nữ. Vị nữ thần mang nhiều hình dạng khác nhau, trong đó có loài chim.
Hera được thờ cúng khắp đất nước Hy Lạp, những đền thờ cổ xưa và quan trọng nhất được hiến dâng cho nàng. Việc Hera chinh phục thần Zeus và miêu tả nàng như là người đàn bà đanh đá ghen tuông chính là những phản ánh thần thoại về một trong những thay đổi sâu sắc nhất trong tư duy loài người.
Căn cứ trên những tranh vẽ hang động và các di vật khảo cổ thì hàng chục ngàn năm trước đây loài người rất quan tâm đến cơ thể người phụ nữ, hoặc là lúc đang mang thai hoặc là lúc sinh nở. Việc sinh con chính là khả năng kỳ diệu nhất của loài người khiến cho thế gian được mang lại sự sống mới tươi trẻ. Ở trình độ tiến hóa cho phép tổ tiên chúng ta nghĩ đến việc thờ cúng khả năng sinh nở này, có thể kết luận rằng họ cho rằng việc này gắn với hình ảnh người phụ nữ.
Hàng ngàn năm sau (tức khoảng từ 5 đến 9 ngàn năm trước đây), các hậu duệ châu Âu của những người kể trên sống trong những ngôi làng lớn, có kiến trúc đặc trưng và những đền thờ tôn giáo. Các di vật khảo cổ cho thấy họ thờ cúng một thế lực (hoặc một nhóm thế lực) mang nhiều hình dáng khác nhau-một con chim, một con rắn, cũng có thể là chính quả địa cầu. Và thế lực vĩ đại này chính là phụ nữ. Bởi vì chỉ có người phụ nữ mới có khả năng sinh sản-đem lại cuộc sống mới.
Người ta nói rằng khi con người khám phá ra vai trò của đàn ông trong việc sinh sản thì họ mới bắt đầu thờ cúng các nam thần. Dù vậy cũng không có gì nghi ngờ rằng các vị nam thần đã được thờ cúng từ trước đó. Và cũng rõ ràng rằng sau khi hiểu rõ hơn về việc sinh sản thì những người Châu Âu hiền hòa - quan niệm của Crete trong "Minoans" - tiếp tục thờ cúng Người Mẹ Vĩ Đại.
Và có rất nhiều người châu Âu hiền hòa. Những ngôi làng lớn nhất trong kỷ nguyên ấy không cần lập hàng rào phòng chắn. Nền văn minh "Châu Âu cổ" không hề lo ngại những vụ ẩu đả với xóm giềng. Nhưng sau đó sự việc đã thay đổi và một khoảng thời gian dài bạo lực bùng phát. Quân xâm lược tràn vào Châu Âu từ những vùng đất rộng lớn ở Châu Á. Họ đem theo dòng ngôn ngữ Indo-Châu Âu mà ngày nay bao gồm tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha và tiếng Anh. Họ cũng đem theo một vị thần linh, vị nam thần tối cao mà thần thoại Hy Lạp gọi là Zeus.
Người ta biết rất ít về những người Indo-châu Âu này, nhưng những ngôi làng bình yên của châu Âu cổ không phải là điều họ mong muốn. Ở một vài nơi nền văn minh mới của họ dần chiếm thế tối thượng. Ở vài nơi khác nó thành thứ văn hóa kết hợp. Những người sống ở miền núi đã phản kháng lại, dù nhiều người đã bị đánh bật khỏi thành lũy của mình, họ tiếp tục di chuyển và đánh bật những người khác theo hiệu ứng domino. Cuộc xâm lăng Dorian của Hy Lạp cổ có thể được xem là kết quả của phản ứng dây chuyền này.
Trật tự cũ có vẻ như tồn tại lâu nhất tại Crete nơi được bảo vệ bởi biển Aegean khỏi những cuộc xâm lăng trên bộ, nền văn minh Minoan đã tồn tại suốt gần ba ngàn năm. Nhưng đột ngột sau đó, từ triển vọng của sự tồn tại loài người, giới tính của những quyền năng tối cao chuyển từ nữ sang nam. Và rất nhiều câu chuyện hình thành nên cơ sở cho thần thoại Hy Lạp đã chỉ được kể sau sự thay đổi này.
Các cuộc tình vụng trộm của Zeus có thể bắt nguồn từ những buổi lễ trong đó vị thần mới "kết hôn" với các hiện thân khác nhau của Nữ Thần Vĩ Đại. Việc có nhiều điểm nghi vấn về vị thần này và những người thờ cúng có thể thấy qua sự ra đời kỳ lạ của nữ thần Athena từ đầu của thần Zeus- dường như muốn nói rằng vị thần linh này có thể làm bất cứ điều gì mà Nữ thần vĩ đại có thể làm được.
Nữ thần Hera tiếp tục được thờ cúng ở nhiều hình thức, tùy vào các thời điểm lịch sử. Việc thờ cúng vị nữ thần này đôi khi bị bãi bỏ phần lớn là vì những tập tục tôn giáo bị suy thoái dưới những ảnh hưởng mới. Nhưng chúng ta có thể thấy những bằng chứng trong thần thoại về trật tự cũ của vị thần này, trong đó Athena bản thân cũng là một nữ thần.
Dưới ảnh hưởng của người Indo-Châu Âu, Athena trở thành thần Chiến tranh. Thần hay giả dạng thành loài cú - một loài chim biểu tượng cho thần linh. Nữ thần APHRODITE (Thần thoại La Mã gọi là Venus) là Thần Tình Yêu, Sắc Đẹp và sự sinh nở. Nàng cũng là thần hộ mệnh của thủy thủ.
Sử thi cho rằng Aphrodite được sinh ra từ bọt biển Còn theo Homer nàng là con gái của thần Zeus và Dione. (Cũng có dị bản nàng sinh ra là do máu của Ouranps bị Cronus chém rơi xuống biển.)
Khi được hỏi trong ba vị nữ thần Olympia ai là người xinh đẹp nhất thì Paris,hoàng tử thành Troy, đã chọn Aphrodite chứ không phải là Hera hay Athena dù hai vị nữ thần này đã hứa ban cho chàng quyền lực và chiến thắng. Điều này cũng dễ hiểu vì nữ thần Aphrodite đã hứa ban tặng cho chàng tình yêu của người phụ nữ đẹp nhất trần gian.
Sau này khi Paris cưới Helen xứ Sparta thì tên tuổi nàng đã gắn liền với địa danh thành Troy như một sự ô nhục. Trong cuộc chiến thành Troy diễn ra sau đó, Hera và Athena là hai kẻ thù không đội trời chung của thành Troy trong khi Aphrodite lại trung thành với Paris và dân thành Troy.
Sử thi Homer về cuộc chiến thành Troy kể rằng Aphrodite đã can thiệp vào trận chiến để cứu con trai mình là Aeneas, đồng minh của thành Troy. Người anh hùng Hy Lạp Diomedes lúc đó sắp giết được Aeneas đã chuyển sang tấn công nữ thần, phóng lao vào cổ tay nàng làm chảy ichor ( ichor là máu của các vị thần).
Aphrodite vội thả Aeneas ra, Aeneas may sao đã được Apollo, vị thần đứng về phe thành Troy, cứu sống. Trong cơn đau đớn nàng đã cầu cứu anh trai mình là thần Chiến tranh Ares lúc bấy giờ đang đứng gần đấy theo dõi cuộc chiến, Aphrodite mượn cỗ xe ngựa của Ares để bay lên đỉnh Olympus. Tại đây nàng khẩn cầu mẹ là Dione chữa lành vết thương cho mình. Thần Zeus yêu cầu con gái đừng tham chiến nữa vì chiến tranh là công việc của Ares và Athena, còn nhiệm vụ của nàng là chăm lo chuyện hôn nhân của thế gian thì hơn.
Ngoài ra trong sử thi Iliad có nói Aphrodite cứu Paris khi chàng sắp chết trong khi giao chiến với Menelaus. Nữ thần đã dùng sương mù phủ lấy chàng và đem chàng đi đặt vào giường ngủ của chàng trong thành Troy. Sau đó nàng biến thành một người đầy tớ già đến báo với Helen rằng Paris đang đợi nàng.
Helen nhận ra vị thần trong lốt giả dạng và hỏi liệu nàng có đang bị dẫn dụ cho việc gây ra một cuộc chiến nữa không. Vì Aphrodite đã phù phép khiến nàng phải bỏ chồng là Menelaus để theo Paris. Nàng nói Aphrodite có muốn đến gặp Paris thì cứ mà đi một mình.
Aphrodite nổi trận lôi đình, cảnh báo rằng Helen không được láo xược, nếu không nàng sẽ bị cả người Hy Lạp lẫn dân thành Troy căm ghét. Vị nữ thần tính khí thất thường này nói: "Hiện ta yêu thương ngươi bao nhiêu thì ta cũng sẽ ghét giận ngươi bấy nhiêu."
Dù nữ thần Hera vợ Zeus và Aphrodite không cùng chiến tuyến trong cuộc chiến thành Troy nhưng Aphrodite vẫn cho Hera mượn chiếc thắt lưng của mình để làm xao nhãng cơn giận của Zeus. Ai đeo chiếc thắt lưng này sẽ khiến cho đàn ông (cả các vị thần) chết mê chết mệt.
Homer gọi Aphrodite là "người Cyprus" và nhiều biểu tượng của nàng có lẽ đến từ Châu Á qua Cyprus (và Cythea) trong thời kỳ Mycenaean... Điều này hẳn là do nhầm lẫn với những nữ thần đã xuất hiện từ trước đó như thần Hellenic hoặc thần Aegean. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng Aphrodite có nguồn gốc vừa Hy Lạp vừa ngoại quốc.
Aphrodite và Jason
Aphrodite còn có liên quan đến chuyện tình cảm của những người anh hùng. Khi Jason thỉnh cầu vua Colchis cho đem con cừu vàng bị treo trong rừng đi, vị vua này đã do dự không muốn đáp ứng. Vì vậy nữ thần Hera, người đứng về phía Jason, đã lên tiếng nhờ Aphrodite can thiệp một phen. Vị nữ thần tình yêu đã khiến cho con gái nhà vua là Medea đem lòng yêu Jason, và Medea đã trở thành công cụ đắc lực đem lại thành công cho Jason.
Aphrodite và Aeneas
Có lần thần Zeus trừng phạt Aphrodite vì đã quyến rũ các vị thần vào những cuộc tình duyên trái khoáy. Thần Zeus đã khiến nàng si mê Anchiese là con người trần gian. Đó là lý do vì sao nàng trở thành mẹ của Aeneas. Nàng đã bảo vệ người anh hùng này trong suốt cuộc chiến thành Troy cũng như sau đó khi Aeneas tìm ra nước Ý và trở thành người sáng lập một phần của đế chế La Mã.
Một nữ thần Ý tên là Venus có dung mạo rất giống với Aphrodite, vì thế Aphrodite có tên gọi La Mã là Venus. Nàng đã xuất hiện dưới cái tên Venus trong Aeneiad, bộ sử thi kể về công cuộc sáng lập thành Rome.
Aphrodite và Hephaestus
Vị nữ thần tình yêu đã kết hôn với Thần thợ rèn Hephaestus. Nhưng nàng lại không chung thủy với chồng mà lại đi mây mưa với Ares. Trong Odyssey, Homer có đề cập đến chuyện Hephaestus đã trả thù như thế nào.
Ảnh hưởng của Aphrodite trong nghệ thuật
Trong nghệ thuật cổ điển Aphrodite không có biểu tượng nào đáng kể ngoại trừ sắc đẹp của nàng. Hoa và các họa tiết cây cỏ cho thấy mối liên hệ giữa nàng với sự sinh sôi tươi tốt.
Aphrodite có liên hệ với chim bồ câu. Một loài chim thiêng liêng khác tượng trưng cho nàng là thiên nga, người ta thấy nàng cưỡi thiên nga trong bức tranh vẽ trên chiếc bình hoa cổ .
Họa sỹ thời kỳ phục hưng Botticelli đã tìm cảm hứng từ ý tưởng sử thi cho rằng Aphrodite sinh ra từ biển trong bức danh họa vẽ vị nữ thần nằm trong một chiếc vỏ sò khổng lồ. Tương tự là Venus de Milo, bức tượng nữ thần không tay nổi tiếng.
Aphrodite là Nữ thần Chiến tranh?
Nhà văn Pausanias đã miêu tả rằng có rất nhiều tượng nữ thần Aphrodite trong trang phục ra trận, nhiều nhất là ở Sparta. Lấy ví dụ như cách mà binh lính Sparta nuôi con gái, không có gì ngạc nhiên khi họ quan niệm ăn mặc theo kiểu quân đội giống vị nữ thần. Aphrodite cũng có thể đã phục trang như vậy để bảo vệ các thành phố, như Corinth, thành phố đã nhận nàng làm nữ anh hùng. Điều này không có nghĩa là nàng là thần chiến tranh, dù có người thấy nàng trong vị trí đó hoặc thấy có những dấu hiệu đó trong chuyện nàng xe duyên với thần chiến tranh Ares trong thần thoại.
Hai ấn bản gần đây nhất của "Từ điển cổ điển Oxford" lại có sự khác biệt về vấn đề này của vị nữ thần. Ấn bản năm 1970 cho rằng nàng là nữ thần chiến tranh và lấy căn nguyên từ gốc gác phương Đông của nàng. Thật sự nàng giống với Astarte, là một vị thần chiến tranh đồng thời cũng là thần của sự sinh nở.
Ấn bản 1996 thì lại đưa ra nhiều luận điểm đối lập. Ví dụ như ấn bản này cho rằng nàng kết duyên với Ares không phải vì họ cùng thích chiến tranh như nhau mà nguyên nhân sâu xa là vì tình yêu và chiến tranh là hai phạm trù đối nghịch.
Dù sao đi nữa, chức năng cơ bản của nữ thần Aphrodite là chăm lo cho sự sinh nở, vì đây là điều vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của con người.
hth245 và Icy biên dịch
Nguyên bản tiếng Anh từ Mythweb
DIONYSUS (Thần thoại La Mã gọi là Bacchus) là vị thần Rượu Nho. Dionysus chính là con trai của thần Zeus và công chúa Semele, con gái Vua Cadmus sáng lập ra thành Thebes.
Khi Semele nghe theo lời xúi giục của Hera nài nỉ xin Zeus cho nàng nhìn thấy dung nhan của vị Thần oai quyền nhất vũ trụ thì nàng đang hoài thai Dionysus. Bị ràng buột của lời thề trước đó, Zeus hiện nguyên hình là vị thần Sấm Sét và Semele bị thiêu cháy thành than sau khi sinh non ra Dionysus. Zeus lúc đó đã rạch đùi mình và ủ Dionysus vào đó để nuôi sống đứa bé bằng sức mạnh của Vị thần tối cao. Sau đó Zeus giao Dionysus cho các Nữ thần Thời Khắc và Sơn Thủy nuôi dưỡng ở thung lũng Nyse.
Dionysus lớn lên trở thành Thần Rượu Nho sinh đẹp. Thần dạy loài người cách trồng nho vá cất rượu, đem lại cho loài người sức mạnh và niềm vui sảng khoái. Là một vị thần vui tính Dionysus đi chu du khắp đó đây. Thần đội chiếc vành kết bằng dây nho trên đầu, trong tay cầm một cây gậy có núm bằng quả thông và quấn dây trường xuên xung quanh. Theo sau Thần là các nữ thần Sơn Thủy và các vị thần Đồng Quê vui nhộn đội trên đầu những chiếc vành hoa lá vừa đi vừa uống rượu nho và múa hát vui vẻ.
Dionysus đã cứu thoát Ariadne sau khi nàng bị Theseus bỏ rơi. Chàng cũng đã cứu mẹ mình từ địa phủ, sau khi thần Zeus cho bà biết sự thật thần chính là vị thần Bão tố và đã dùng tia chớp tiêu diệt bà.
Dionysus chính là người đã cho Midas khả năng biến mọi thứ ông ta chạm vào trở thành vàng, nhưng sau đó chính thần cũng đã lấy lại khả năng này khi chứng minh cho Midas thấy nó không phải là một điều ước khôn ngoan vì bất cứ cái gì Midas chạm vào đều biến thành vàng, kể cả thức ăn.
o O o
HEPHAESTUS (Thần thoại La Mã gọi là Vulcan) chính là vị thần thọt chân cai quản ngọn lửa và nghề thủ công, có khi cả hai, vì vậy còn có tên gọi là thần thợ rèn.
Hephaestus là con trai của thần Zeus và thần Hera. Tương truyền lúc mới sinh ra Hephaestus cũng là một vị thần sinh đẹp nhưng khi Hera vì tính ghen tuông của mình mà mưu toan xúi giục các thần khác nổi loạn bị Zeus phát hiện bắt treo giữa Thiên Cung và Hạ Giới bằng sợi xích vàng, chàng định lại gần giải thoát cho mẹ thì bị thần Zeus đã nắm chân quẳng xuống đất từ trên cung điện Olympus. Cũng có dị bản kể rằng ngay từ lúc sinh ra Hephaestus đã là một cậu bé yếu ớt và thọt chân. Hera trông thấy vừa xấu hổ vừa tức giận túm ngay lấy đứa bé quẳng xuống hạ giới.
Hephaestus rơi xuống biển và được Nữ thần Thetis thương tình nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Dù xấu xí và thọt chân nhưng Hephaestus có hai cánh tay khoẻ mạnh và một bộ ngực rắn chắc, vạm vỡ. Và đặc biệt là chàng rất khéo léo biết chế tạo ra các thứ đồ kim loại từ to lớn đến tinh xảo.
Hephaestus đã thực hiện được rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo như những cung điện nguy nga xây cho các vị thần ở trên đỉnh núi Olympus, hoặc là bộ áo giáp làm cho Achilles trong cuộc chiến thành Troy (mô tả về chiếc áo giáp này chiếm khá nhiều bút mực trong sử thi Homer về cuộc chiến thành Troy).
Hephaestus đồng thời cũng tạo ra người đàn bà đầu tiên cho loài người, Pandora, theo yêu cầu của phụ vương Zeus, nhằm trả đũa vụ thần Titan Prometheus lừa thần linh làm điều lợi cho con người mà gây ra tổn thất cho thần linh (đó là Prometheus đã đem lửa xuống cho loài người). Pandora được gả làm vợ anh trai của Titan, Epimetheus. Của hồi môn của Pandora là một cái bình chứa đầy điều xấu xa độc ác, khi nàng kéo nắp bình ra nàng sẽ đem khổ đau, vốn là một thứ xa lạ, đến cho con người vì họ phải làm lụng cực nhọc và đau yếu luôn. Chỉ có hy vọng là còn nằm lại trong chiếc bình đó. (Trong Thần thoại Hy Lạp có viết: "Từ nàng Pandora này sẽ sinh sôi, nảy nở ra giống đàn bà, một loài độc hại cho giống đàn ông mà giống đàn ông không sao dứt bỏ được bởi vì, theo sự sáng tạo của các vị thần, giống đàn bà là loại không thể chịu đựng được cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, nghèo túng, khó khăn mà chỉ sinh ra để sống trong cảnh an nhàn, sung túc và hưởng thụ kết quả lao động khó nhọc của người đàn ông, cũng như gây ra cho đàn ông biết bao điều đau khổ, phiền muộn trong chuyện hôn nhân và gia đình. Người đàn bà sẽ là người bạn đường của người đàn ông nhưng là người bạn đường gây ra những nỗi bất hạnh cho người đàn ông. Đó là cái tai họa mà thần Zeus ban cho loài người"
Thần HERMES (Thần thoại La Mã gọi là Mercury) là sứ giả đưa tin của các vị thần và là người dẫn đường cho các linh hồn sau khi chết xuống địa phủ. Bản tính Hermes vốn hiếu động thông minh từ nhỏ. Chàng từng giúp đỡ các anh hùng Odysseus và Perseus trong những cuộc đi săn của họ.
Hermes là con trai thần Zeus và một nữ thần núi. Khi mới ra đời chàng đã tỏ ra vô cùng tinh khôn.Thuở thiếu thời có lần chàng tìm thấy một cái mai rùa rỗng và đã để ý thấy tiếng vang từ trong đó. Chàng đã cột các sợi gân vào khe mai và tạo ra chiếc đàn lia đầu tiên.
Hermes được mọi người biết đến bởi sự giúp ích của chàng đối với loài người, bằng tài năng của một người đưa tin lẫn những sáng kiến của chàng. Khi Perseus quyết định giáp mặt với Gorgon Medusa, Hermes đã giúp người anh hùng này. Theo một bản thần thoại thì Hermes đã cho Perseus mượn đôi giày phép thuật của mình, ai mang nó vào sẽ bay được.
Có người cho rằng Hermes đã cho Perseus mượn một cái mũ tàng hình. Đây chính là chiếc mũ bóng đêm, cũng giống như cái mũ mà Hermes đội khi chàng đánh bại tên khổng lồ Hippolytus. Chuyện xảy ra khi những đứa con trai khổng lồ của mặt đất ngoi lên định soán quyền với các vị thần trên đỉnh Olympus.
Biểu tượng nghề nghiệp của Hermes với tư cách sứ giả chính là chiếc đũa caduceus.
Nguồn gốc của nó là một nhánh cây liễu có nhiều dây ruybăng quấn quan, theo truyền thống là huy hiệu của người đưa tin. Nhưng các dải ruybăng về sau lại được liên hệ đến hình ảnh loài rắn. Để củng cố cho điều này, một câu chuyện cho rằng Hermes đã dùng chiếc đũa thần để tách 2 con rắn đang cắn nhau ra, sau đó chúng đã quấn mình quanh cây đũa cùng chung sống trong hòa bình.
Nhiệm vụ của Hermes là dẫn dắt các linh hồn sau khi chết đi xuống địa phủ. Vì là người bảo trợ cho những linh hồn nên chàng thường đội một cái mũ bằng rơm rực rỡ ánh sáng. Hermes được gọi là Mercury trong thần thoại La Mã. Hình ảnh nổi tiếng nhất về chàng là một bức tượng do Bellini điêu khắc thể hiện chàng nhanh nhẹn trên 1 chân, ở gót có cánh, chiếc đũa rắn cầm tay và ở trên đầu là một thứ kết hợp giữa chiếc mũ tàng hình và chiếc mũ ánh sáng.
o O o
ARTEMIS (Thần thoại La Mã gọi là Diana) là Nữ Thần đồng trinh (Nàng đã xin phụ vương Zeus cho Nữ Thần đồng trinh không bao giờ phải yêu) cai quản việc săn bắn. Nàng giúp đỡ những người phụ nữ trong việc sinh nở nhưng cũng mang đến những cái chết bất ngờ với những mũi tên của mình.
Artemis và anh trai Apollo là con của Zeus và Leto. Trong vài phiên bản Thần thoại khác thì Artemis được sinh ra trước và giúp đỡ Mẹ của mình sanh ra Apollo.
Niobe, nữ hoàng thành Thebes, đã khoe khoang là hơn hẳn Leto vì có nhiều con trong khi Nữ Thần Leto chỉ có 2 người con. Artemis và Apollođã rửa nhục cho mẹ bằng cách dùng tên lần lượt giết tất cả những đứa con của Niobe. Trước cái chết của các con mình, Niobe đau lòng than khóc đến khi hoá đá vẫn chưa nguôi.
Để ý thấy em gái suốt ngày đi săn với tên khổng lồ Orion, Apollo quyết định chấm dứt mối quan hệ này. Thần thách Artemis chứng tỏ tài nghệ của mình bằng cách bắn vào một vật đang trôi ngoài biển. Những phát bắn của Nữ Thần đều rất hoàn hảo. Sau đó nàng mới biết vật đó là cái đầu của Orion.
Artemis thường được miêu tả như một thiếu nữ trẻ mặc bộ áo quần làm bằng da hươu, vai đeo một cánh cung và một bao tên. Nàng thường được các động vật hoang dã như hươu hoặc gấu cái hộ tống.
o O o
ARES (Thần thoại La Mã gọi là MARS) là Thần chiến tranh, hay chính xác hơn là vị thần của những kẻ cuồng loạn hiếu chiến. Là một vị thần bất tử nhưng Ares đã bị Harales đánh bại trong một trận đánh và có lần còn suýt bị hai tên khổng lồ giết chết. Khi bị thương trong cuộc chiến thành Troy, thần đã không được phụ vương Zeus đoái hoài gì đến.
Thần Ares có diện mạo khôi ngô nhưng bản tính rất tàn bạo. Thần thường được miêu tả cầm một ngọn giáo dính máu đỏ tươi. Tương truyền chiếc ngai của Thần trên đỉnh Olympus được bọc kín bằng da người.
Thần Mars trong thần thoại La Mã và thần Ares được xem là như nhau. Mars là cha của Romulus và Remus, hai huyền thoại sáng lập ra thành Rome. Vì vậy đối với dân La Mã thần Mars có vị trí quan trọng hơn và được sùng kính hơn
POSEIDON (Thần thoại La Mã gọi là Neptune) là vị thần của cai quản biển cả bao gồm các đạI dương, hảI đảo và các bờ biển. Mặc dù ông là một trong những vị thần tối cao của núi Olympus, nhưng phần lớn thời gian ông ở trong lãnh thổ của mình dưới sâu tận đáy biển của mình.
Poseidon là anh của thần Zeus và thần Hades. Ba vị thần năng chia nhau những quyền năng sáng tạo : thần Zeus thống trị bầu trời, thần Hades cai quản địa ngục và Poseidon được giao cho tất cả những gì thuộc về nước - cả sông và biển.
Với vẻ đẹp rực rỡ của một vị thần hùng mạnh cai trị biển cả, Poseidon có một cung điện tráng lệ nguy nga dưới đáy biển sâu. Mỗi khi Thần Poseidon trầm lặng, uy nghi ngồi trên chiếc xe do những con hải sư dũng mãnh kéo chạy trên mặt biển mênh mông, khi đó thì sóng biển dạt sang hai bên nhường đường cho thần, xung quanh có những con cá heo nhào lộn đón mừng và từng đàn cá tung tăng bám theo cỗ xe thần thánh. Khi Poseidon khua chiếc đinh ba xuống mặt nước thì biển cả dậy sóng, bão tố kinh hoàng, gây nên nhựng cơn địa chấn rung chuyển mặt đất. Nhưng khi thần chĩa đinh ba lên đầu các ngọn sóng thì chúng ngoan ngoãn dịu đi. Bão tố ngừng thổI và mặt biển trở nên êm dịu hiền hoà như cũ. Chính tay Poseidon chặt ngang các lục địa tạo thành những eo biển, cửa sông. Thần cũng tự tay phát ra các mạch nước nguồn, làm nổi lên những hải đảo. Cũng chính Poseidon đã giữ gìn cho các lục địa khỏi sụp đổ.
o O o
APOLLO (Thần thoại La Mã cũng gọi là Apollo) là Thần tiên tri, âm nhạc, chữa bệnh.
Như hầu hết các vị Thần trên đỉnh Olympus, Apollo ko hề do dự khi xen vào những quan hệ dưới trần gian. Thần là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của người anh hùng Achilles. Trong đội ngũ các anh hùng bao vây thành Troy trong cuộc chiến thành Troy, Achilles là chiến sĩ tài giỏi nhất. Chàng đã đánh bại dễ dàng chỉ huy Hector của thành Troy trong cuộc đơn đấu. Nhưng Apollo đã giúp Paris anh trai của Hector báo thù, giết chết Achilles bằng một mũi tên thần.
Khi một ai chết đột ngột, người đó bị cho là đã trúng một mũi tên của Apollo. Bản anh hùng ca của Homer về cuộc chiến thành Troy bắt đầu với việc thần Apollo gây ra một trận bệnh dịch bằng một cơn mưa tên xuống nơi đóng quân của quân Hy Lạp.
Là Thần âm nhạc, Apollo thường được hình dung khi đang chơi đàn Lia (lyre). Thế nhưng, chàng không sáng chế ra nhạc cụ này, mà được thần Hermes tặng để chuộc lỗi sau vụ Hermes bắt trộm bò của Apollo. Có người nói rằng Apollo là người sáng chế ra đàn luýt (một loại đàn dây họ ghita), mặc dù kỹ năng chơi đàn Lia của Apollo là tài giỏi nhất.
Apollo đã chiến thắng nhiều cuộc thi với nhạc cụ này. Trong một lần tranh tài với Aplollon, thần Pan đã dùng cây sáo mục đồng của mình và phải chịu thua cuộc trước tiếng đàn của Apollon. Lần đó, vua Midas sai lầm khi nói rằng ông thích tiếng sáo của thần Pan hơn, khiến Apollo tức giận biến tai ông thành tai lừa.
Athena và Demeter
ATHENA (Thần thoại La Mã gọi là Minerve), vị thần của nghề thủ công và nội trợ nhưng đồng thời cũng là một vị thần chiến tranh. Athena là vị thần bảo hộ của Athen. Nguyên hình của vị nữ thần vĩ đại này xuất phát từ hình dạng của loài chim với dấu hiệu chính là con cú.
Zeus kết hôn cùng Metis, người con gái thông thái của Biển cả. Khi nàng mang thai, Zeus đã được cảnh báo từ các nữ thần Hộ Mệnh rằng đứa con sinh ra từ Metis sau này sẽ lật đổ ông ấy cũng giống như ông ấy đã từng đoạt ngai vàng của bố mình (Cronos) trước kia.
Vì thế Zeus đã nuốt cả Metis lẫn cái thai trong bụng. Liền sau đó Zeus phải cố gắng vật lộn với những cơn nhức đầu triền miên, Zeus đành mời gọi thần Hephaestus. Hephaestus đã chẻ trán của Zeus ra bằng cái rìu của mình và Athena từ đó đã vọt ra với đầy đủ vũ khí, y phục.
Sau này chính Athena đã hỗ trợ cho các anh hùng: Perseus, Jason, Cadmus,Odysseus và Heracles trong những chuyến hành trình của họ. Đặc biệt trong cuộc chiến thành T'roa, lúc quân Hy Lạp gần như vô vọng trong việc phá thành thì Athena đã giúp quân Hy Lạp tạo ra con ngựa gỗ khổng lồ, kết quả là T'roa lọt vào tay quân Hy Lạp ngay sau đó.
Cả Athena và Poseidon đều muốn trở thành thần bảo hộ cho miền Atikes. Để xứng đáng với sự tôn kính của mình, Athena đã tạo ra một cây ôliu làm tươi tốt khắp các thành luỹ Atikes và cả vùng đất Acropolos. Poseidon cố gắng vượt qua Athena bằng cách dùng cây đinh ba của mình đâm xuyên qua mặt đất làm phun lên những cột nước khổng lồ, tuy nhiên vì ông ấy là vị thần của Biển cả nên trong nước chỉ có... muối. Món quà của Athena với người dân Atikes xem ra hữu ích hơn, vì vậy Athena đã trở thành vị thần bảo hộ cho vùng đất này. Thành cũng được đổi tên thành Athens.
Peuseus cũng đã được Athena hổ trợ trong cuộc truy sát quái vật Medusa vì nàng muốn trang trí cái khiên của mình bằng đầu của Gorgon.
Athena là một nữ thần rất mực thông minh, một nữ thần vừa hiếu chiến vừa chủ hoà, vì chỉ có sau khi chiến thắng thì mới có hoà bình. Nàng khuyến khích tinh thần chiến đấu của các dũng sĩ, cho họ sức mạnh và lời khuyên lúc nguy nan. Athena cũng dạy cho dân chúng các kiến thức khoa học, dạy họ nghệ thuật và các nghề thủ công...
o O o
DEMETER (Thần thoại La Mã gọi là Ceres) là Nữ thần Nông Nghiệp, cai quản mùa màng và nghề nông ở hạ giới. Demeter là con gái của Cronus và Rhea, là chị gái của thần Zeus và là mẹ của Persephone-Vợ của Hades.
Nàng thường đi đây đi đó để dạy cho loài người trồng trọt, chăm lo cho đất đai màu mỡ, cgo cây cối ra hoa kết trái. Không có Demeter thì đất đá trở nên khô cằn và cây cối khô héo mà chết. Với quyền năng này, nàng trở thành người bạn thân thiết của loài người và được người đời sùng kính.
Demeter có vớI Zeus một người con gái vô cùng xinh đẹp tên là Persephone. Một hôm Persephone đang hái hoa trên bãi cỏ thì mặt đất nứt ra một vết rất lớn và Diêm vương Hades vươn lên từ thế giới của bóng đêm. Vị thần đuổi bắt Persephone vào cỗ xe ngựa rồi trở về địa phủ, nơi nàng trở thành Hoàng hậu. Demeter vô cùng đau khổ, nàng đã đi cùng trời cuối đất hy vọng tìm được con gái mình, suốt thời gian đó mùa màng héo úa và mùa đông kéo dài đến vô tận.
Cuối cùng Hades cũng đã bị thuyết phục là sẽ trả Persephone lại nửa năm một lần, khi mùa xuân và mùa hè đến, khi đó hoa trái nở rộ. Nửa năm còn lại Persephone ở dưới địa phủ thì cũng là mùa khô cằn lạnh giá trên thế gian.
Demeter thường được mô tả trong nghệ thuật với hình ảnh đang mang một bó lúa
ry text here...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro