Phân tích tình huống truyện ngắn Vợ Nhặt
Cách làm bài về tình huống:
1. Lí luận về tình huống
2. Nội dung tình huống truyện ngắn
3. Giá trị của tình huống
Ta có thể khái quát tính huống nhặt vợ ở ba ý sau:
- Đùa như thật, thật như đùa
- Ngạc nhiên
- Thương cảm, éo le
=> Giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm
Bài làm
Nguyễn Khải từng tâm sự :"Tôi vẫn không tin Nguyễn Tuân viết Chữ người tử tù cũng như Kim Lân viết Vợ nhặt. Đó không phải là người viết mà là thần viết. Thần mượn tay người để viết nên những trang bất hủ". Truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân xứng đáng với lời khen đó. Câu chuyện khắc họa một nét đẹp rất riêng trong con người nhân vật và cũng là một sự tiêu biểu cho con người những năm trước cách mạng tháng Tám. Sẽ không là nói quá nếu dùng những từ ngữ ngợi khen cho một truyện ngắn đã trở thành tên tuổi của văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt là với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện cực kỳ đặc sắc của nhà văn.
Tình huống là tình thế xảy ra câu chuyện (là lát cắt đời sống mà qua đó thấy được cả trăm đời thảo mộc, là một khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại). Có thể coi truyện ngắn là nghệ thuật của khoảnh khắc, qua một khoảnh khắc mà thấy được toàn bộ cuộc đời, toàn bộ diện mạo.
Nghệ thuật đó được thể hiện rất rõ ở trong truyện ngắn Vợ nhặt. Đó là tình huống anh Tràng chỉ với một câu hò bâng quơ đã có được một người vợ theo không mình về nhà. Nhưng trong khi đó, Tràng lại là một người thô kệch, "là sự gọi đẽo sơ sài của hóa công", khuôn mặt lưỡi cày xấu xí, lại là dân xóm ngụ cư đang có nguy cơ "ế vợ". Chuyện lấy vợ gả chồng xưa nay là chuyện hệ trọng, phải có sính lễ và lễ nghi, nhưng ở đây lại chỉ với một câu hò, vài lời đưa đẩy và bốn bát bánh đúc, Tràng đã có vợ trước sự ngỡ ngàng của không biết bao nhiêu người. Tuy nhiên, ẩn chứa đằng sau đó là một khát vọng hạnh phúc vẫn đang bập bùng, và là một niềm tin vào sự đổi đời lớn lao.
Sự bi hài của nó quả thật đã làm sững sờ những người xung quanh. Đối với những người dân xóm ngụ cư, đó là một điều mà không ai có thể tin được vào mắt mình. Họ nhìn người đàn bà mà Tràng dẫn về với một vẻ gì đó rất lạ lùng. Cả bọn trẻ con cũng cứ đùa reo lên "chông vợ hài". Dường như đó là phản ứng đầu tiên mà thị nhận được khi làm vợ của Tràng. Cô không thể giấu nổi sự thẹn thùng của mình trước bao ánh mắt dội vào cô. Nhưng sự bất ngờ đó còn được nối tiếp bằng bà cụ Tứ, mẹ của Tràng. Có ai ngờ được rằng lại có một người đàn bà nào ngồi ở mép giường chênh vênh thế kia "Quái","Ai thế nhỉ ?"...liên tiếp những câu hỏi nảy lên trong đầu bà. Ấy là phải chăng bà không dám tin rằng đó là một người con dâu mới về, một điều mà khó có ai tin được trong hoàn cảnh nghèo đói xác xơ đến tột cùng. Và thậm chí cả Tràng, người đã tự tay dắt theo cô vợ về nhà, cũng bị tư tưởng hoài nghi tác động. Đến sáng hôm sau, Tràng vẫn tự hỏi "Mình đã có vợ rồi sao ?". Quả thật, đó là một câu chuyện thật như đùa, đùa như thật. Cái nghèo đã nhuốm màu vào nó sự lo âu, vả cả sự xót xa thương cảm.
Cái xót xa ấy được thể hiện qua rất nhiều biểu hiện trong tác phẩm. Đám cưới không được diễn ra như đúng những gì mà con người ta thường hay kỳ vọng. Trái lại, đó lại là sự lo âu trước bối cảnh nạn đói đã bóc lột tới tận xương tận tủy người dân đói khổ. Liệu có phải ai cũng dám phá lấy cái không khí đó ? Những người dân xóm ngụ cư ai ai cũng lấy đề tài này ra bàn tán. Người đàn bà mới về như là một sinh khí mới về cho người dân. Tuy con người cô hốc hác, bản thân không có lấy một chút hấp dẫn của người phụ nữ, song cô đã thổi vào đây một tia sáng lạ vào cuộc sống. "Những khuôn mặt u ám hàng ngày bỗng trở nên rạng rỡ hẳn lên", những người dân xung quanh đó phải chăng đã tìm được một niềm vui nho nhỏ cho bản thân mình và cho toàn cuộc sống xung quanh. Nhưng cũng chả vui được bao lâu, cái ý nghĩ về thực tại lại ập đến "Ôi chao biết có nuôi nổi nhau qua nổi cái thì này không lại còn đèo bòng". Chính Tràng, một người vô cùng lạc quan cũng chợn nghĩ về cuộc sống mưu sinh này, dẫu rằng vẫn nhen nhóm ở đâu đó một niềm vui "hắn tủm tỉm cười một mình". Nhưng cái lạc quan ấy cũng không thể ngăn nổi nỗi buồn của bà cụ Tứ "Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá...". Người mẹ già không tránh nổi niềm xót xa cho con cái. Với bà , thước đo của hiện tại là quá khứ, một quá khứ đau khổ mà bà đã trải qua trong suốt quãng đời của mình. Hạnh phúc đó tuy vui vẻ, nhưng cũng thật mong manh và tội nghiệp.
Thông qua tình huống truyện, Kim Lân đã thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Về giá trị hiện thực, tác phẩm thể hiện sâu sắc cảnh sống đói khổ của người dân nghèo trong những năm trước cách mạng, đồng thời tố cáo thực dân Pháp và phát xít Nhật đã làm bần cùng hóa con người, trở nên cong cớn, liều lĩnh, táo bạo. Biết bao nhiêu người trong hoàn cảnh đó đã mất đi cả nhân hình lẫn nhân tính. Về giá trị nhân đạo, nhà văn đã bày tỏ niềm xót thương sâu sắc đối với những cảnh ngộ đau khổ bị rơi vào thế chông chênh trước gió. Song từ sự tăm tối ấy, tác giả đã thể hiện niềm tin của con người trong cuộc sống và một tình người cao cả. Qua đây ta thấy Vợ nhặt không chỉ là một truyện ngắn được viết về cái đói, mà còn thể hiện sự vươn lên của con người trong cuộc sống, một niềm tin mãnh liệt và cả một quan niệm trong cuộc đời: trong cái đói, người ta không nghĩ đến cái đói mà nghĩ đến tình người. Còn về giá trị nghệ thuật, tình huống truyện làm diễn biến câu chuyện phát triển dễ dàng, làm nổi bật được số phận con người mà tư tưởng của tác phẩm. Tác phẩm quả là một thiên truyện rất có giá trị trong việc phản ánh xã hội lúc bấy giờ.
Thông qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo và đặc sắc, truyện ngắn Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân đã phản ánh chân thực cuộc sống của người dân nghèo ở trong nạn đói năm 1945. Tác phẩm đã thể hiện một sự xót xa thương cảm với những mảnh đời chênh vênh, đồng thời thể hiện một niềm tin vào một tương lai đổi đời, một khao khát hạnh phúc cháy bỏng trong từng nhân vật, và suy rộng ra là cả một xã hội. Quan niệm đó rất đúng với những gì Kim Lân tâm sự: "Dù trong tình huống bi thảm, dù kề bên cái chết, họ vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống và sống cho ra người".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro