Phân tích nhân vật Mị ("Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài)
NHÂN VẬT MỊ - “VỢ CHỒNG A PHỦ”
“Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống của con người.”
(Tô Hoài)
Dân tộc Việt Nam ta đã từng trải qua biết bao cuộc đấu tranh gian khổ, tàn khốc để có thể giành lại và giữ vững nền độc lập, tự do của đất nước ngày nay. Nhất là trong những ngày đầu đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân vừa phải chịu sự bóc lột của ngoại xâm, vừa bị ảnh hưởng bởi những hủ tục của chế độ phong kiến, thần quyền, khiến cuộc đời con người rơi vào những bi kịch tiếp nối. Thế nhưng, đến một mức độ nhất định, họ sẽ không còn cam chịu mà vùng lên, giành lại cuộc sống tự do của mình như lời nói trên của Tô Hoài. Và như để chứng minh và khẳng định điều đó, Tô Hoài đã viết nên truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” với nhân vật trung tâm là Mị – một cô gái mặc dù bị áp bức, đày đọa trong bể khổ của cuộc đời nhưng ngọn lửa tình yêu, khát vọng tự do và sức sống tiềm tàng bên trong tâm hồn chưa bao giờ lụi tắt mà vẫn cháy sáng, soi đường dẫn lối Mị đến với sự tự giải thoát.
Tô Hoài được tôn vinh là “cây đại thụ của nền văn học Việt Nam”. Trong suốt hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã cho in 200 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Tô Hoài thực sự thành công ở mảng đề tài miền núi, một phần nhờ lối trần thuật hóm hỉnh, ngôn từ giàu có và vốn hiểu biết sâu rộng về phong tục, tập quán của đồng bào miền núi. “Vợ chồng A Phủ” chính là tác phầm tiêu biểu cho đề tài sở trường của ông, là kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc cùng với bộ đội giải phóng năm 1952. Tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn – một tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nhà văn có thể chỉ cắt lấy một lát, cưa lấy một khúc, chớp lấy một khoảnh khắc để phản ánh bi kịch một đời người và bày tỏ quan niệm về nhân sinh. Truyện được in trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953) và giành giải nhất về truyện kí năm 1954-1955. Câu chuyện kể về cuộc đời đắng cay của Mị và A Phủ, vì những bi kịch trong cuộc sống mà hai người phải làm người ở không công cho nhà thống lí Pá Tra suốt đời. Trong một lần đi chăn bò, A Phủ sơ ý để hổ ăn mất một con nên bị thống lí tra tấn vào trói đứng vào cột nhà, bỏ đói suốt mấy ngày. Cảm thương cho người đồng cảnh ngộ, Mị đã cắt dây trói và cùng A Phủ chạy trốn đến Phiềng Sa, tham gia đánh giặc, giải phóng quê hương. Bản thân nhân vật Mị đã được tác giả tập trung khắc họa những vẻ đẹp trong phẩm chất tâm hồn và sức sống mạnh mẽ.
Cuộc đời của nhân vật Mị trong tác phẩm có thể chia thành hai giai đoạn: trước khi về làm dâu và sau khi về làm dâu cho nhà thống lí Pá Tra. Đầu tiên, chúng ta cần nói đến hình ảnh của Mị xuất hiện ở đầu tác phẩm với dáng điệu chất chứa nhiều bi kịch: “dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Tác giả khéo léo tạo ra sự đối nghịch trong hoàn cảnh: trong khung cảnh của một ngôi nhà giàu có đến mức người ta nghĩ rằng ai cũng được sung sướng thì lại xuất hiện một cô gái khổ cực. Dụng ý nghệ thuật này đã góp phần làm tô đậm hình ảnh của Mị, tạo ấn tượng sâu sắc với người đọc, khiến độc giả càng muốn tìm hiểu sâu hơn về nhân vật ẩn chứa nhiều bi kịch này. Trước khi về làm dâu cho nhà thống lí Pá Tra, Mị là một cô gái xinh đẹp, hồn nhiên và chăm chỉ, hiếu thảo. Mẹ Mị mất sớm, Mị sống với người cha già yếu cùng món nợ truyền kiếp do khi xưa cha mẹ Mị vì không có tiền cưới đã đến vay thống lí. Khi biết thống lí có ý định cướp mình về làm dâu gạt nợ, Mị đã tha thiết cầu xin bố: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.”. Câu nói ấy không chỉ cho thấy tấm lòng hiếu thảo mà Mị dành cho bố mà còn thể hiện một quan niệm rất đúng đắn về tình yêu và hạnh phúc của cô. Cô không chấp nhận hôn nhân dựa vào vật chất bởi vì cô biết rằng: hôn nhân bền vững chỉ khi hai người thực sư yêu nhau bằng tấm lòng, bằng tình yêu đích thực. Mị còn là một cô gái xinh đẹp, lại có tài thổi lá rất hay: “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Qua đó chúng ta thấy rằng, Mị thực sự là một cô gái tốt, xứng đánh có được một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Thế nhưng, hoàn cảnh khắc nghiệt lúc bấy giờ đã ngăn cản Mị đến với hạnh phúc, thậm chí còn kéo nàng lại với vòng xoáy của những bi kịch đau thương. Từ khi trở thành con dâu gạt nợ, Mị bị đày đọa triền miên trong đau khổ. Và cũng kể từ đó, Mị phải chịu sự trói buộc và gánh nặng của hai tròng: con nợ và con dâu. Những tháng ngày ở đó, Mị bị hành hạ nặng nề về thể xác. Tuy danh nghĩa là con dâu nhưng Mị về nhà thống lí thực chất là để làm người ở không công suốt đời. Quanh năm suốt tháng, Mị phải làm tất cả công việc từ nhẹ nhàng cho đến vô cùng nặng nhọc đối với người phụ nữ: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp” rồi còn “chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên”. Tác giả khéo léo sử dụng câu văn có cấu trúc trùng điệp, nặng nề tạo ra nhịp điệu buồn tẻ, tô đậm sự vất vả, cực nhọc trong công việc của Mị. Trong những đêm mùa đông lạnh giá, Mị tìm đến bếp lửa như tìm một người bạn tri kỉ và để giữ ấm. Chỉ vì một nhu cầu thiết yếu được sưởi ấm trong tiết trời rét buốt mà Mị vẫn bị A Sử đánh ngã ngay xuống cửa bếp. Hôm A Sử bị A Phủ đánh, Mị đã thức suốt đêm bôi thuốc cho hắn, vậy mà khi Mị thiếp đi, hắn đạp vào mặt Mị… Dường như Mị phải gánh chịu tất cả những bất công trong nhà thống lí, phải chịu sự vũ phu vô căn cứ của chồng mình. Sự tàn nhẫn ấy được đẩy lên đến cực điểm khi A Sử đã trói đứng Mị vào cột nhà vì Mị có ý định đi chơi: “Nó xách cả một thúng sợi dây đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn luôn lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa”. Đọc đến đây, chúng ta không thể nào không căm phẫn trước những hành động quá sức tàn bạo của A Sử đối với Mị, hay nói rộng hơn, của chế độ phong kiến – thức dân đối với dân tộc ta. Họ bỗng dưng phải chịu một cách vô cớ sự tàn bạo, bạo hành không thương tiếc. Về sau, đó chính là nguyên nhân khiến họ vùng lên giành lại tự do cho bản thân và đi theo cách mạng. Không chỉ bị hành hạ về thể xác, Mị còn là nạn nhân của chế độ thần quyền, bị áp chế về tinh thần. Mị tuy có cho riêng mình một căn phòng, gọi đó là căn phòng nhưng không khác gì nhà giam: “Ở cái buồng Mị nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay”. Căn phòng ấy như sự giam giữ, chia cắt Mị với thế giới bên ngoài, từ bên trong Mị chẳng thể nhìn ra bên ngoài một cách rõ ràng, chẳng thể phân biệt giữa nắng và sương. Tô Hoài đã dùng thủ pháp đối lập giữa không gian ngột ngạt, tù túng bên trong căn phòng với không gian rộng lớn, tự do của thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc. Căn phòng cũng giống như một ẩn dụ cho những hủ tục của chế độ phong kiến, thần quyền đã kìm hãm, giam giữ người dân trong bóng tối của sự lu mờ, cổ hủ. Điều này còn được khắc họa qua suy nghĩ của Mị về thân phận của mình: “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi” để rồi về sau Mị chỉ biết “lùi lũi như con rùa nuôi torng xó cửa”. Những sự áp bức nặng nề về thể xác ấy đã biến cô Mị ngày nào còn lộng lẫy như đóa hoa ban, hồn nhiên, sôi nổi bỗng trở nên câm lẳng, lúc nào cũng cúi đầu làm việc.
Tuy là sống trong tận cùng của sự đau khổ, của sự hành hạ về thể xác lẫn tinh thần nhưng bên trong lòng Mị vẫn còn cháy âm ỉ một ngọn lựa của khát vọng sống và tự giải phóng cuộc đời đang chờ ngọn gió của hoàn cảnh. Khát vọng sống ấy được thể hiện ngay ở việc Mị tìm đến cái chết. Thoạt đầu, có lẽ chúng ta cho rằng điều này là vô lí: cái chết làm sao thể hiện được khát vọng sống. Thế nhưng, một khi ta hiểu được lí do mà Mị tìm đến cái chết, chắc chắn chúng ta sẽ phần nào đồng cảm và cảm thông cho nhân vật. Mị ý thức được rằng kiếp sống của mình ở nhà thống lí là kiếp nô lệ đầy khổ cực, tủi nhục: “có đến hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”, vì thế mà Mị tìm đến cái chết như một phương tiện giải thoát. Hành động mang tính cực đoan này lại thể hiện rõ ràng sự phản kháng mạnh mẽ của Mị: thà chết như một con người còn hơn chịu số phận súc vật. Thế nhưng, việc tìm đến cái chết không phải dễ dàng, lòng hiếu thảo của Mị đã không cho phép cô để lại người cha già một mình trên dương thế với món nợ truyền kiếp: “Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa”. Do đó, cô đành nhẫn nhục, cam chịu quay trở lại nhà thống lí. Khát vọng sống mãnh liệt của Mị còn được thể hiện qua tâm trạng và hành động của cô trong đêm tình mùa xuân. Ngày qua ngày, Mị phải sống trong địa ngục của nhà thống lí, tâm hồn cô dần chai sạn, tê liệt. Chính những yếu tố trong đêm tình mùa xuân, cụ thể là tiếng sáo gọi bạn, là nguồn sức mạnh đã vực dậy tâm hồn Mị, khiến cô nhớ lại quá khứ êm đẹp. Tiếng sáo một dụng ý nghệ thuật rắt đặc sắc của Tô Hoài để khám phá và diễn tả chiều sâu tâm hồn nhân vật Mị. Vì thế mà trong tác phẩm, tiếng sáo đã được lặp lại đến bốn lần ở những khoảng cách khác nhau – có lúc lấp ló đầu núi, có khi văng vẳng ở đầu làng và hiện diện trong tâm trí Mị - rất sinh động và gợi ra những mức độ cảm xúc của Mị. Từng nốt nhạc du dương, lúc trầm lúc bổng của tiếng sáo như một thứ ma lực đã đánh thức tâm hồn Mị, khiến Mị có hành động uống rượu lạ lùng: “Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”. Mị uống rượu chẳng phải vì muốn cảm nhận vị ngon của rượu ngày Tết. Mịu uống phải chăng vì muốn nuốt trôi đi những đắng cay, tủi nhục mình phải chịu trong suốt thời gian dài qua, phải chăng Mị muốn men rượu đưa tâm hồn Mị trở về một thời tươi đẹp đã qua: “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Tiếng sáo còn kéo Mị về thực tại đau khổ, đầy bi kịch và khiến Mị lần thứ hai có ý định tìm đến cái chết: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Đây là một chi tiết rất đắt cho thấy sự hồi sinh trở lại trong tâm hồn Mị. Những đối nghịch, giằng xé giữa quá khứ hạnh phúc và hiện thực khổ đau khiến Mị đau không thể tả, thấm thía hơn bao giờ hết cuộc sống tự do. Khát vọng sống dâng đến cao trào khi Mị đưa ra quyết định táo bạo là sẽ đi chơi hội. Mị lấy cái váy hoa trong vách và thắp đèn lên cho sáng. Cây đèn ấy như một ẩn dụ cho tâm hồn của Mị, ngọn lửa bên trong đèn hay cũng chính là ngọn lửa của niềm tin, sức sống mãnh liệt đang rực cháy trong Mị. Thế nhưng, sức sống ấy nhanh chóng bị vùi dập một cách thô bạo, tàn nhẫn – A Sử trói đứng Mị vào cột nhà. Tuy nhiên, sợi dây không hề trói được tâm hồn Mị vốn đang đưa theo tiếng sao, theo những cuộc chơi. Chỉ khi tay chân Mị vùng bước đi và bị sợi dây siết lại, Mị mới thực sự trở lại hiện tại đau đớn: “Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách”. Tất cả sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa khát vọng và hiện thực phũ phàng khiến cho Mị khao khát được sống đến mãnh liệt. Mị không còn mong muốn cái chết nữa, có lẽ vì Mị nhận thấy điều quý giá của sự sống – còn sống là còn được nhớ lại những kỉ niệm êm đẹp – vì Mị thấu hiểu rằng điều mình cần phải làm không phải là chết mà là vùng lên để tìm lại cuộc sống tự do của bản thân, thể hiện qua chi tiết Mị sợ hãi khi nhớ lại câu chuyện về người đàn bà bị trói đến chết lúc trước. Và hành động cao nhất cho thấy sức sống mãnh liệt của Mị chính là việc cắt dây trói cho A Phủ. Ban đầu, khi thấy A Phủ bị trói, Mị tỏ ra lạnh lùng, thản nhiên đến đáng sợ: “Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Đó là kết quả của những tháng ngày ở nhà thống lí bị đọa đày triền miên trong đau khổ. Thế nhưng, sự nguội lạnh trong tâm hồn Mị đã tan chảy khi cô bắt gặp dòng nước mắt của A Phủ: “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Những giọt nước mắt tưởng chừng giản đơn ấy lại là yếu tố khơi gợi lại trong Mị những cảm xúc của bản thân ngày trước. Chứng kiến một thanh niên cường tráng như A Phủ cũng phải nhỏ lệ vì bị đày đọa, sự đồng cảm, xót thương trong cô trỗi dậy. Mị nhớ lại những đêm mình bị trói trên cái cột ấy, chẳng thể lau đi những giọt nước mắt như A Phủ bây giờ. Từ đó, Mị nhận thấy bản chất độc ác, dã man của cha con thống lí nói riêng và của giai cấp thống trị nói chung: “Chúng nó thật độc ác” – chỉ vì để mất một con bò mà bỏ đói mấy ngày liền, một hình phạt quá sức bạo tàn. Tất cả đã đưa Mị đến quyết định cắt dây trói cứu A Phủ. Cắt đứt sợi dây hữu hình để giải thoát A Phủ, bản thân Mị cũng đã cắt đứt sợi dây vô hình để giải thoát mình khỏi sự ràng buộc với nhà thống lí. A Phủ vùng chạy đi nhưng Mị vẫn còn chút bối rối, lo sợ. Cô đứng lặng một hồi rồi cũng vụt chạy theo A Phủ. Đó là hành động có sự bức xúc của hoàn cảnh và là kết quá tất yếu của quá trình bị áp bức, bóc lột đã đến lúc cần phải đấu tranh. Bước chân của Mị đã đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn phong kiến, chúa núi để mưu cầu cuộc sống tự do, hạnh phúc. Qua tình huống hành động giàu kịch tính cuối tác phẩm, Tô Hoài khẳng định chân lí: bạo lực không thể dập tắt khát vọng tự do và hạnh phúc.
Mị là nhân vật trung tâm tỏa sáng của tác phẩm, được Tô Hoài xây dựng bằng tình huống độc đáo, khám phá chiều sâu tâm hồn qua ngôn ngữ độc thoại và những hành động táo bạo của nhân vật. Thông qua những biến cố trong cuộc đời của nhân vật Mị, tác giả đã phát hiện và ca ngợi khát vọng sống, sức mạnh phản kháng và tấm lòng nhân ái đáng quý của Mị, đồng thời khẳng định chân lý: ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh, dù đó là đấu tranh tự phát. Số phận của Mị cũng chính là số phận của những người dân nghèo vùng núi Tây Bắc dưới ách thống trị của phong kiến-thực dân nhưng vẫn luôn tiềm tàng khát vọng sống tự do, tinh thần đầu tranh mạnh mẽ.
Gần sáu mươi năm trôi qua những “Vợ chồng A Phủ” vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc. Sự thành công trong việc xây dựng nhân vật Mị với một số phận bị đọa đày và khát vọng sống mãnh liệt, tinh thần đấu tranh kiên cường dù là tự phát đã góp phần làm nên nét đặc sắc cho toàn bài. Truyện thực sự đã phần nào làm nhân đạo hóa tâm hồn bạn đọc như Thạch Lam từng quan niệm: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro