Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài thơ Việt Bắc

Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Mỗi thời kỳ lịch sử đi qua, Tố Hữu đều để lại dấu ấn riêng mang đậm hồn thơ trữ tình chính trị:Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa… Trong đó, Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu nói riêng và thơ ca chống Pháp nói chung. Bài thơ được làm vào tháng 10.1954, khi TW Đảng và Chính phủ cùng cán bộ chiến sĩ rời chiến khu để về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Lấy cảm hứng từ không khí của buổi chia tay lịch sử ấy, Tố Hữu đã xúc động viết nên bài thơ này. Đoạn thơ ta sắp phân tích sau đây là đoạn thơ để lại dấu ấn về nội dung và giá trị nghệ thuật đặc sắc nhất trong bài thơ Việt Bắc:

Những đường Việt Bắc của ta

………

Vui lên VB đèo De núi Hồng

     Nếu như ở những đoạn thơ trước, Tố Hữu mang đến cho người đọc vẻ đẹp của tình nghĩa quân dân qua những kỷ niệm ngọt ngào gắn bó. Thì ở đoạn thơ này, nhà thơ đã đột ngột chuyển dòng. Không còn những dòng thơ ngọt ngào như ca dao nữa mà đoạn thơ này đã mang âm hưởng của cảm hứng sử thi hùng tráng. Đó là những hình ảnh gợi ra ấn tượng chung về sức mạnh của dân tộc trong kháng chiến, là hình ảnh của những đoàn quân ra trận vô tận điệp trùng, là hình ảnh hùng vĩ của cuộc chiến tranh nhân dân từ hình ảnh những đoàn dân công, là hình ảnh những đoàn xe cơ giới trên đường ra trận làm bừng sáng những đêm kháng chiến. Đó là khí thế của "40 thế kỷ cùng ra trận" ngời sáng trong trận chiến sinh tử với kẻ thù.

     Trước hết đó là ấn tượng chung về sức mạnh của dân tộc ta trong kháng chiến với “những đường VB của ta... đất rung”. Đọc câu thơ ta đã thấy ngay âm hưởng hết sức hùng tráng của bài ca kháng chiến vang lên từ những điệp từ “đêm đêm”, từ láy “rầm rập”. Và từ gợi tả hình ảnh “đất rung”. Những từ ấy đều là những từ được cấu tạo bởi phụ âm nổ (đ - “đêm đêm”), những phụ âm rung (r - “rầm rập”). Ấn tượng ở những câu thơ này còn được nổi bật lên bởi ý nghĩa khái quát, ý nghĩa biểu trưng của hình ảnh con đường. Khi tác giả nói “những đường Việt Bắc” đó là những con đường vừa rất thực như tác giả từng viết “đường ta rộng thênh thang tám thước”. Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên… những con đường mở ra cùng với chiến thắng của quân dân ta, nhưng cũng là con đường đầy ý nghĩa tượng trưng khái quát cả một quá trình đi lên của kháng chiến và cách mạng. Con đường đang dẫn tới thành công.

Hình ảnh một đất nước trong kháng chiến, của Việt Bắc trong tháng năm hào hùng bỗng trở nên rực sáng và hùng vĩ bởi hình ảnh những đoàn quân ra trận:

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan

Còn nhớ ngày 22.12.1944, tại cây đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm lễ xuất quân cho đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Tiền thân của QĐND Việt Nam). Khi ấy, đội quân mới chỉ có 34 người. Vậy mà mấy năm sau từ 34 người với trang bị vũ khí thô sơ, quân đội ta dã phát triển thành tinh nhuệ với “điệp điệp trùng trùng”. Điệp ngữ “điệp điệp trùng trùng” gợi lên sự đông đảo, lớn mạnh, đoàn quân như trải dài vô tận, vươn ra khắp núi rừng Việt Bắc. Sự tinh nhuệ ấy là sức mạnh vô địch chứng tỏ sự trưởng thành của quân dân ta, đồng thời cũng cho thấy, quân đội ta đã thực sự lớn mạnh cả về chất và lượng, có thể đương đầu với mọi kẻ thù to lớn.

Hình ảnh đoàn quân ra trận đã được cảm hứng lãng mạn tạo nên tầm vóc vũ trụ bởi hình ảnh ánh sao đầu súng, một hình ảnh rất thực nhưng đã vụt lớn lên bởi cảm hứng lãng mạn. Ba hình ảnh: súng – sao – mũ như đi cùng nhau. Khẩu súng tượng trưng cho ý chí đánh giặc của người lính, chiếc mũ là cách nói hoán dụ để nói về người lính nhưng đồng thời lại để chỉ tầm vóc vươn tới sao trời của người lính. Ánh sao là hình ảnh chỉ ngôi sao trên mũ người chiến sĩ. Sao cũng là biểu tượng của tổ quốc. Người lính ra chiến trận mang theo cả tổ quốc bên mình:

Anh vào bộ đội sao trên mũ

Vẫn mãi là sao sáng dẫn đường

Em mãi là hoa thơm trên đỉnh núi

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm

(Vũ Cao)

Nhà thơ đã dùng thước đo vũ trụ để đo tầm vóc của người chiến sĩ cách mạng. Những người chiến sĩ đang hành quân ra trận. Đó là âm hưởng của những chữ “đi”, “điệp điệp”, “trùng trùng”. Từ hình ảnh ấy Tố Hữu như dựng lên trước mắt người đọc vẻ đẹp của những đoàn binh ra trận mà như một dải ngân hà lấp lánh đang cuồn cuộn đổ về phía tiền phương.

Trong bức tranh tổng hợp về sức mạnh của dân tộc ta trong kháng chiến, Tố Hữu còn dùng một màu sáng, một màu sáng chói loà để  làm bừng lên vẻ đẹp hùng vĩ của cuộc chiến tranh nhân dân, dù chỉ qua một chi tiết về đoàn dân công. Đó là hình ảnh:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đã muôn tàn lửa bay

        Câu thơ không hề có một chữ “điệp điệp”, “trùng trùng” nào mà ta vẫn thấy sự điệp trùng ấy. Đó là cảm giác có được bởi cấu trúc hết sức độc đáo của câu thơ. Tác giả không viết “từng đoàn dân công đỏ đuốc”, mà mở đầu câu thơ là hai chữ “dân công”, cuối câu thơ là hai chữ “từng đoàn”. Cấu trúc ấy gợi ra sự điệp trùng vô tận của những đoàn dân công. Ở đây là hình ảnh “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”. Hình tượng bàn chân là hình tượng biểu trưng cho sức mạnh của con người gắn liền với những chặng đường đấu tranh cách mạng. Ở đây hình ảnh bàn chân đã được thủ pháp phóng đại, cường điệu làm bừng sáng lên ánh sáng lãng mạn nhưng đầy khí thế oai hùng lẫm liệt tựa như “tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (thế mạnh ba quân như hổ báo nuốt trôi trâu). Sức mạnh bàn chân ấy cũng đã từng được Tố hữu nhắc đén trong bài Ta đi tới:

Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn 

Đã bước dưới mặt trời cách mạng.

Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu

Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu

Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!.

      Với hai dòng thơ tiếp theo, bức tranh kháng chiến hiện lên với những hình ảnh mới. Đó là hình ảnh“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày”, hình ảnh của những đoàn xe cơ giới ra trận. Sự hùng vĩ của nó được đo bằng thước đo của nghìn đêm lịch sử, “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày” đã bị xua đi bởi“Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”. Sự tương phản giữa quá khứ “thăm thẳm sương dày” với ánh sáng của “ngày mai lên”  là sự tương phản làm nổi bật giá trị của nghìn đêm kháng chiến. Chữ “bật sáng” nhằm nhấn mạnh cái khoảnh khắc chói loà, kháng chiến chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ chiến thắng. 

        Bốn câu thơ cuối khép lại bằng niềm vui chiến thắng :

Tin vui chiến thắng trăm miền

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng

Tố Hữu sử dụng bốn câu thơ để miêu tả không khí chiến thắng đang dồn dập trên khắp đất nước. Cũng là một thủ pháp liệt kê nhưng những địa danh ở đây không gắn với chữ “nhớ” như ở những dòng thơ mở đầu của đoạn mà gắn với những chữ “vui” để thấy tin vui đang như bay lên từ khắp trăm miền. Kết cấu của bốn câu thơ này cũng là một kết cấu khá chặt chẽ. Câu một là cảm xúc bao quát: “Tin vui chiến thắng trăm miền”, còn ở câu sau nhằm thể hiện sự lan toả của những tin vui khắp trăm miền ấy. Vì thế những địa danh liên tiếp xuất hiện gắn liền với các tin vui chiến thắng. Sự liệt kê các địa danh chiến thắng cũng chứa đựng những giá trị tư tưởng-nghệ thuật. Đó là sự sắp xếp nhằm làm nổi bật tin vui như bay đi trong một tốc độ “siêu tốc”. Vừa mới đó là Hòa Bình - Tây Bắc – Điện Biên, tiếp sau đã là Đồng Tháp (Nam Bộ), An Khê (Tây Nguyên), lại đã là Việt Bắc, đèo De núi Hồng.

          Tóm lại, đoạn thơ đã rất thành công khi thể hiện niềm vui chiến thắng của quân và dân ta trong những ngày kháng chiến chống thực dân pháp gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Thành công ấy là nhờ vào một số thủ pháp nghệ thuật thể hiện: thể thơ lục bát truyền thống; ngôn ngữ sử thi hào hùng; hình ảnh thơ giàu sức sống; nhịp thơ dồn dập, nhiều điệp từ, điệp ngữ… tất cả đã tạo nên một đoạn thơ hùng tráng về những ngày sục sôi đánh pháp. Hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi mà sức sống mãnh liệt của thời đại ấy vẫn còn rực lửa trong trái tim mỗi con người Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: